Tổng thống Mỹ Obama trong tuyên bố ngày 31/7 đã thông qua lệnh cấm vận mới từ phía Mỹ nhằm vào ngành dầu khí của Iran, qua đó đưa hai ngân hàng “Ngân hàng Côn Luân” thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia (CNPC) của Trung Quốc và “Ngân hàng Elaf Islamic” của Irag vào danh sách các ngân hàng bị cấm vận.
Hai ngân hàng nói trên bị đưa vào danh sách với cáo buộc hỗ trợ các vụ chuyển khoản lên đến hàng triệu đôla với các ngân hàng đã có mặt trong danh sách cấm vận của Iran.
Quyết định đối với ngân hàng Côn Luân của Trung Quốc là một phần trong chương trình cấm vận của Mỹ đối với ngành năng lượng, đóng tàu và tài chính của Iran, vốn đang được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ nước này trong bối cảnh Quốc tế đang tìm cách gây sức ép kinh tế để ép Tehran phải từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.
Tuyên bố này của Mỹ đã cắt đứt liên hệ giữa ngân hàng Côn Luân và hệ thống tài chính Mỹ, và yêu cầu đóng cửa tất cả các tài khoản liên quan đến ngân hàng này trong vòng 10 ngày.
Cấm vận mang tính chính trị
Ngân hàng Côn Luân là một ngân hàng địa phương tại tỉnh Tân Cương mà phía CNPC có tới 82% cổ phần và các cổ phần còn lại do các công ty cổ phần khác nắm giữ, với chiến lược chính là giúp đảm bảo nhu cầu năng lượng quốc gia cũng như sự đầu tư phát triển của Trung Quốc tại phương Tây.
Ngân hàng này bắt đầu là một ngân hàng thương mại tại phía Tây tỉnh Tân Cương, tuy nhiên sau đó được CNPC mua lại và nắm quyền điều hành; tập đoàn này cũng đã đầu tư một khoản 920 triệu đôla vào Côn Luân trong thời gian từ năm 2009 đến 2010.
Thống kê tài chính năm 2011 cho thấy ngân hàng này đã tiến hành các vụ chuyển khoản quốc tế với giá trị tổng cộng lên đến 60 tỉ đôla.
"Mặc dù Nhà Trằng không nói rằng quyết định của họ nhắm vào một nước thứ ba, cấm vận này rõ ràng là nhắm vào Trung Quốc"
Chuyên gia quan hệ Trung Đông, ông Trương Tiểu Đồng
Mặc dù phiên bản trong nước của CNPC, được biết đến dưới cái tên Sinopec Group đã nỗ lực tránh các cấm vận của Mỹ để giữ các khoản đầu tư từ Mỹ, bản thân CNPC vẫn chú trọng vào kinh doanh tại khu vực Trung Đông, đặc biệt là “các mối quan hệ chặt chẽ với hơn sáu ngân hàng tại Iran”, Ủy ban ngân quĩ quốc gia Mỹ cho biết trong một cuộc họp báo ngày 31/7.
Cả sáu ngân hàng này đều nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ vì đã giúp các hoạt động liên quan đến bom hạt nhân và khủng bố quốc tế của chính phủ nước này.
Tuy nhiên giới quan sát cho rằng cấm vận này sẽ không gây nhiều ảnh hưởng đến ngành dầu khí Trung Quốc về mặt tài chính.
“Cấm vận này chủ yếu mang tính tượng trưng... nhằm mục tiêu xoa dịu dư luận, tuy nhiên có ít khả năng gây ảnh hưởng lớn đến các khoản đầu tư của CNPC” – bà Michal Meidan, một nhà phân tích rủi ro chính trị tại tập đoàn Eurasia Group cho biết.
Giới quan sát cho rằng, đây có thể là một bước đi của Tổng thống Obama nhằm chiếm cảm tình của dư luận trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
‘Mỹ sẽ chịu hậu quả’
Ngay sau khi công bố cấm vận được đưa ra, Bộ ngoại giao Chính Phủ Trung Quốc ngày 1/8 đã ra phản hồi phản đối kịch liệt quyết định của phía Mỹ.
Ông Tần Cương, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói “Mỹ đã vi phạm các quy tắc trong quan hệ quốc tế và làm ảnh hưởng quyền lợi của Trung Quốc bằng việc cấm vận một cơ quan tài chính Trung Quốc dựa trên luật trong nước.”
“Chúng tôi đề nghị phía Mỹ sửa ngay sai phạm này, thu hồi quyết định cấm vận với ngân hàng Côn Luân của Trung Quốc ... và ngưng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Trung Quốc cũng như mối quan hệ song phương.”
“Trung Quốc có mối quan hệ bình thường với Iran trong vấn đề thương mại và năng lượng, vốn dĩ không có mối liên quan nào với kế hoạch hạt nhân của nước này.”
Ông Cương cũng cảnh báo rằng, việc chính phủ Mỹ ra lệnh cấm vận với nhiều công ty Trung Quốc trong thời gian gần đây bất chấp các mối ‘quan ngại sâu sắc’ từ phía Bắc Kinh sẽ dẫn đến hậu quả sự hợp tác trong tương lai giữa hai nước sẽ bị ảnh hưởng.
Đây không phải là lần đầu tiên một công ty Trung Quốc hứng chịu cấm vận Mỹ; vào tháng 5 năm ngoái, ba công ty khác của nước này cũng bị Mỹ đặt lệnh cấm vận với cáo buộc vận chuyển thiết bị công nghệ quân sự trái phép sang Iran.