TUYỆT TÌNH CA - Hoa Phượng, Ngọc Điệp
Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thanh Sang, Bạch Tuyết, Hùng Cường...
Ngày nay tất cả hình thức nghệ thuật sân khấu đã lùi vào dĩ vãng, do tính chất giải trí cùng phương tiện nghe nhìn từ xã hội đã được nâng lên một tầm khác, từ Tivi, phim ảnh, Vidéo, phim bộ, phim lẻ từ Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ đủ thứ trên đời. Nên nghệ thuật Cải - lương đã lùi vào quá khứ.
Nghệ thuật cải lương hay cải lương Miền Nam là tiếng lòng, là canh chua cá kho tộ, là chiếc xuồng câu là bông điên điển....là tình yêu, con người và sự việc của người miền Nam. Vậy nên nếu là người miền Nam dầu ở tỉnh thành hay thôn quê, giàu có hay nghèo khổ, trí thức hay nông dân cũng đều yêu mến môn nghệ thuật này.
Người miền Nam đến với bộ môn cải lương như đưa họ về nhà, và về nhà là về nơi chốn cuối cùng của mặt đất để tránh đi những giông tố bão bùng, của hơn thua được mất, của cô đơn hạnh phúc ....
Thời điểm huy hoàng của cải lương miền Nam Việt- nam vào những năm 60, 70 đã ra đời một thế hệ đào kép xuất sắc trên mọi phương diện: đào thương, đào lẳng, đào độc, kép mùi, kép độc, v.v. Út Bạch Lan, Thanh Nga, Bạch Tuyết, Diệu Hiền, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Kim Ngọc, Hồng Nga, Út Trà Ôn, Thành Được, Hữu Phước, Tấn Tài, Thanh Hải, Út Hiền, Dũng Thanh Lâm, Hoàng Giang, Văn Chung, v.v. Nhất là đối với những người đã được may mắn thưởng thức các tài danh Út Trà Ôn, Bạch Tuyết, Hùng Cường, Thanh Sang của đoàn Dạ Lý Hương.
Bản Tuyệt Tình Ca! Là một vở tuồng điển hình của cải lương miền Nam với sự tài tình của hai soạn giả Hoa Phượng và Ngọc Ðiệp, được trình diễn trên sân khấu Dạ Lý Hương vở hát đã thành công lớn. Được khán giả cải lương xếp lên hàng tuyệt phẩm, bất hủ.
Ông giáo Nguyễn Văn Hương (Út Trà Ôn) từ Mỹ Tho về dạy học tại Vĩnh Long. Dù đã có vợ con ở quê nhà, ông có mối tình với một bạn đồng nghiệp là cô giáo Lê Thị Lan và có thêm hai mặt con: Lê Thị Trường An và Lê Long Hồ (là tên địa danh mà ông có những kỷ niệm với người yêu - Chợ Trường An, tỉnh Long Hồ). Sau đó vì việc nhà ông phải trở lại Mỹ Tho và chiến tranh đã làm ông mất liên lạc với gia đình vợ ở Vĩnh Long. Theo lời kể - Ông đã quay lại tìm nhưng những người dân ở đây đã tản cư vào vùng yên ổn và ông không biết tìm vợ con mình ở đâu. Ông luôn giữ bên mình chiếc cà rá khắc hai chử H - L. Ông đã khóc thầm suốt hai mươi năm..
"Nhất là mỗi khi tôi thấy bông ô môi điểm hồng trong gió chướng, mỗi lần nghe tiếng quếch bánh phồng rộn rã đón xuân sang, mỗi lần có dịp về Vĩnh Long ngang Tân Ngãi thấy chợ Trường An..là mỗi lần tôi nhớ tới mùa xuân của đầu năm binh lửa..."
Những cuộc ly tán thời chinh chiến với biết bao nghiệt ngã, Lan chỉ là một cô gái yếu đuối (cô giáo) thân gái dặm trường nuôi hai con nhỏ chờ ngày tương hội.
Ầu ..ơ..ơ...
Ví dầu cầu ván đóng đinh,(long đinh)
Cầu tre lắt lẻo ghập ghình khó đi,
Khó đi Mẹ dắt con đi
Con thi trường học ..ơ..ơ Mẹ thi trường đời..
(Tác giả đã đưa những câu ca dao, tục ngữ vào trong cải lương rất hay). Đoạn này Thanh Sang (Long Hồ) kể lể, nỗi niềm, tự sự với mẹ mà chỉ có cải lương miền nam mới da diết và đáng yêu đến thế.
Đây có lẽ là đoạn lấy nhiều nước mắt khán giả nhất, sau rất rất nhiều năm tôi không còn nghe cải lương nhưng có những câu hát, bản hát khi nhắc lại hay nghĩ tới lúc nào cũng mang lại một niềm xúc động sâu sắc.
Hai mươi năm sau, ông Hương nay là cảnh sát trưởng tại quận 9 tại Sài Gòn, vẫn thương nhớ người vợ lẽ biệt tăm, ông sống với vợ lớn trong một gia đình không được êm ấm. Vợ cờ bạc còn con trai lớn, Nhân (Hùng Cường) chỉ đua đòi ăn chơi, bỏ bê việc học. Nhân không bằng lòng với cuộc hôn nhân xếp đặt với Hồng, con gái ông Sa. Nhân có cảm tình với Thoa, trước đây là thư ký riêng và cũng là tình nhân của ông Sa.
Thoa (Bạch Tuyết) là một kỹ nữ trẻ đẹp.
"Buổi hoàng hôn bao giờ nắng cũng chói chang."
Thoa (Bạch Tuyết) ở phòng số 13, Buiding Nam Lộc, Ông cò Hương lại là người xử vụ án một người con gái vừa là nhân tình của con trai ông vừa là gái bao của ông Sa bạn thân của ông.
Ở đây tác giả Hoa Phượng & Ngọc Điệp đã đưa vai diễn ông cò Hương lên tận cùng của sự đối nghịch; Ông Hương, một người cầm cân nảy mực, lên xe xuống ngựa, đại diện cho một thứ gọi là công lý nhưng lại không thể đối diện với lương tri một người cha, một người chồng, khi ông ông bỏ rơi người vợ lẽ cùng hai đứa con thơ hai mươi năm trước.
Trong thời cuộc, chinh chiến, ly tán là điều tất yếu, ở đây, trong vở Tuyệt tình ca thì ông cò Hương lại đáng thương hơn đáng trách..( vợ lớn thì bài bạc, con thì đua đòi ăn chơi, mà lòng thì đau đáu về hai đứa con của 20 năm trước).
Lớp Nam Ai thật đặc sắc trong cuộc gặp gỡ lần đầu giữa ông và Thoa, tất cả những gì Thoa hiện diện lại chính là hình ảnh xưa hiện về trong khói cao, trong nhớ nhung ướt đầy chăn gối..
Bà Sa biết chồng có nhân tình, nên nhờ ông Hương đến bắt được quả tang ông Sa và Thoa.
Ông Hương khám phá ra Thoa chính là Lê Thị Trường An, con gái của ông nhưng chưa dám nhận.
Long Hồ đến tìm chị tại bót cảnh sát, và đã tức giận bỏ ra về sau khi biết chị là một cô gái giang hồ. Cảm thấy nhục nhã khi phải sống vào đồng tiền mà anh cho là nhơ bẩn, do thời cuộc còn nặng nề đạo đức, luân lý. Nên Long Hồ khó cảm thông cho một sự hy sinh cao quý mà không phải ai cũng làm được của Thoa (Bạch Tuyết). Đây cũng chính là điểm chí mạng của vở Tuyệt tình ca, một chi tiết góp phần đưa vở diễn vào đoạn kết xúc động tràn đầy khi cặp vợ chồng cũ gặp lại nhau sau hơn hai mươi năm cách biệt và đưa vở diễn vào huyền thoại của cải lương miền nam.
Hùng Cường trong vai Nhân, dù chỉ là vai phụ nhưng anh cũng đóng rất trọn. Thú vị nhất là cuộc đối thoại lúc anh gặp ông Sa, ông cha vợ hụt, ở phòng riêng của Thoa. Vừa dí dỏm, vừa ngang tàng. Soạn giả đã không nói thêm về Nhân trong vở tuồng có lẽ để tránh một sự loạn luân, dù không cố ý, giữa hai anh em cùng cha khác mẹ.
Thanh Sang trong vai Lê Long Hồ đã rất thành công. Đây cũng là một vai đúng chuẩn mực của vở tuồng (một trong bốn vai chánh).
"Tại sao chị bị bắt? Chị làm tội gì? Có làm chánh trị không?”
Thật đáng yêu làm sao cái tính mộc mạc, hồn nhiên của người Miền Nam.
Long Hồ thương chị lắm nhưng không thể chấp nhận việc làm của người chị. Tính bộc trực đưa đến sự bốc đồng không suy xét khi đòi xé bỏ bằng Tú Tài có được do công nuôi dưỡng và đồng tiền không lấy gì làm tốt đẹp của chị.
Long Hồ là một hình ảnh bộc trực của người miền Nam, luôn luôn theo trái tim trước khi dùng đầu óc. Những đoạn rất hay là khi cậu kể lại kỷ niệm ấu thời như ngày mẹ dắt con đi thi và nhất là :
"Lúc mới hồi cư, người ta không cho má đi dạy học, nhà mình nghèo má phải đi bán chuối chưng. Nhiều bữa trời mưa bán ế, thấy tụi con ăn chuối thay cơm, má cắn môi mặt quay vào vách cho suối lệ tuôn tràn.”
Đoạn nầy đã làm chảy không biết bao nhiêu nước mắt của những người dân lam lũ, buôn gánh bán bưng, thấu hiểu vô cùng cảnh tình của những ngày ế ẩm.
Không nỗi loạn như khi tức giận với chị, và làm mủi lòng người nghe khi tâm tình với mẹ. Trong cải lương Miền Nam có bao nhiêu giọng ca hay, mùi nhưng có lẽ không ai diễn tả cậu Lê Long Hồ được như Thanh Sang.
Bạch Tuyết diễn vai Trường An cũng không tìm được người thay thế hay hơn. Từ sự bướng bỉnh trong lần gặp gỡ ông cò Hương lần đầu tiên cho đến lúc diễn tả nỗi xấu hổ không dám khai tên cha mẹ ở lúc thẩm cung:
"Ông mà nói nữa là tôi cắn lưỡi tự tử cho ông coi.”
Khi nghe ông cò nói đúng tên cha - mẹ Trường An đã quỵ xuống:
" Hồi sáng nầy... bác nói... bác có quen với người ở Vĩnh Long mà!”
Giọng diễn tả đầy nước mắt của nỗi mừng nhận được người quen, nỗi lo sợ và xấu hổ vì đã bôi nhọ danh dự gia đình. Tất cả sự ngang bướng của một người phải tự chống chỏi với cuộc đời đen bạc, một kỹ nữ, nay đã hoàn toàn sụp đổ .
Người cha trước nỗi bất hạnh của “đứa con gái" sao nỡ lòng trách móc, sao nỡ tâm làm tình làm tội! Vì phần nhiều là lỗi của ông đã không bảo bọc nuôi dưỡng mới nên cớ sự nghiệt ngã bây giờ.
“đêm đêm nằm trằn trọc một mình đối diện với lương tâm.”
Trường An đưa ông Hương về gặp mẹ, đang bị bệnh nặng. Vợ chồng, cha con trùng phùng trong một hoàn cảnh đầy não nùng, đau khổ.
Út Bạch Lan trong vai bà Lê Thị Lan, người vợ thứ, chỉ xuất hiện ngắn ngủi ở màn cuối nhưng có thể nói là một vai thật nổi bật. Nổi bật vì đó là nguyên mẩu người phụ nữ miền tây, chân thành, chung thuỷ, vẹn nguyên....và là mấu chốt của những ray rức mà ông cò Hương phải chịu đựng bao nhiêu năm qua.
Cuộc chia tay tại bến sông Mỹ Thuận vẫn không làm phai nhạt được tình yêu thắm thiết trong lòng hai người. Soạn giả đã dựng vai bà Lan rất hay với sự thể hiện tánh ý thông thường của người phụ nữ. Bà yêu và chỉ trách móc, hờn lẩy ông chồng:
"Nhưng chồng của tôi lại quá đỗi bạc tình. Về với vợ lớn rồi, không trở lại thăm mẹ con tôi .... Từ Mỹ Tho xuống Vĩnh Long chỉ có một đoạn đường. Tôi chờ đợi mỏi mòn, anh Hương vẫn không thèm xuống. Bỏ tôi lạc lỏng, giữa chợ đời với lũ con thơ. Sống vất vưởng bơ vơ, với cái nghèo bữa đói bữa no.” hay khi “kể lể” cho chồng nghe nỗi khổ cực đơn độc nuôi con “Ba con An còn nhớ hôn, ngày xưa thấy tôi cực khổ mình thường ví tôi với loài chim Dương Nga" .
"Loài chim Dương Nga giữa mùa băng tuyết, sinh con ra đời khi trời lúc vào đông, chim trống cất cánh bay xa vào trong sương gió mịt mùng....Chim Mẹ phải mổ thịt cho con ăn..."
"Mình thấy không, lúc có mình tôi còn khổ như vậy thì lúc mình ra đi bỏ mẹ con tôi, tôi còn cực nhọc dường nào. Nhưng mình ơi, trách thì trách vậy nhưng lòng tôi vẫn một mực với mình. Tôi vẫn thương, tôi vẫn yêu mình trong suốt mấy chục năm dài".
Bao nhiêu nước mắt khán giả đã đổ ra khi nghe cảnh tình vô cùng cảm động của một người vợ quá thương yêu người chồng xa cách đến độ gìn giữ, nâng niu từng kỷ niệm, kỷ vật .
"Chiếc tơ tằm kia đã cũ, tàn y sắp rã tan".
Kỷ vật hay con người thì thời gian, không gian cũng nhấn chìm hết, chỉ còn lại trong linh thức một tình yêu chấp chới của 20 năm trước từ đêm chia tay trên bến phà Mỹ Thuận. Khi ông Hương đã chết kể từ khi chia tay, đoạn này nhạc dạo lên bản Nam ai oán..
Tác giả đã dựng vở tuồng đi từ một bản Bắc lúc gặp nhau, rồi tự sự bằng một bản Nam Tứ Đại Oán hay gì tôi không nhớ, đến bản Nam thì khán giả không chỉ chảy nước mắt nữa, mà có thể nấc thành tiếng.
"Chiếc cà rá ấy... bàn tay... và mùi thơm da thịt của chồng tôi. Đây là ánh mắt...”
Và nước mắt của nhiều người đã tuôn rơi khi bà Lan-Út Bạch Lan kêu lên tiếng “Mì...n...h!” trong nghẹn ngào nức nở. Đây là một trong những đoạn bất hủ của cải lương Miền Nam. Có lẽ vì Út Bạch Lan là cô đào thương thượng hạng nên tiếng khóc của cô nghe rất tự nhiên và đi thẳng vào tâm thức của con người.
"Phải, tôi còn sống đây, tôi đứng đây như đứng trên bờ sông Mỹ Thuận.."
"Ôi sông dài có thấy đâu tăm cá, mà trời cao sao vắng bặt tin hồng"
Ông Hương nay phải đứng trước lương tâm chánh trực của người cầm cân nẩy mực và hoàn cảnh xót xa của một người cha.
Ông đã quá xuất sắc nên khi nhắc đến Tuyệt Tình Ca là người ta nhớ ngay đến Ông Cò Quận 9.
Vở diễn đã khép lại như chiếc tàn y sắp rã tan - tơ tằm kia đã cũ , hay bộ môn nghệ thuật cải lương đã chìm vào quá khứ khép lại một thời lừng lẩy của Cải- lương miền- Nam...
Nghe lại cải lương miền Nam là phơi nắng lại ngôn ngữ, để thấy được tất cả sự ấm áp và thật thà của ngôn ngữ cùng mộng huyễn bất tận. Tiếng nói sông Cữu Long...
8/4/2019
TuanPolo Vo