Thân Hữu Tiếp Tay...
Tại sao viết về chính trị? _Nguyễn Hưng Quốc
Câu trả lời của tôi, rất đơn giản, thế này: Với người cầm bút lưu vong, việc viết về chính trị là điều bình thường. Gần như là tự nhiên. Đáng lẽ nó không gợi nên bất cứ một thắc mắc nào cả.
Có ba lý do chính.
Thứ nhất, lưu vong, đặc biệt lưu vong của người tị nạn, tự bản chất, là một sự lựa chọn chính trị. Có người ra đi vì chính trị, vì những đe dọa bắt bớ, tù đày, thậm chí, hãm hại; nhưng cũng có người ra đi chỉ vì những khó khăn và bế tắc về kinh tế; nhưng dù bất cứ lý do gì đi nữa, việc quyết định rời khỏi đất nước để sống hẳn ở hải ngoại cũng vẫn là một lựa chọn mang tính chính trị. Đó không phải chỉ là sự lựa chọn giữa hai công việc hay hai địa điểm cư trú mà còn là sự lựa chọn giữa hai quốc gia, hai thể chế, hai tương lai, hai cái nơi mình sẽ được nằm xuống trong chuyến đi lần cuối. Với bất cứ người nào, sự lựa chọn như thế cũng đều quan trọng. Với người Việt Nam, vốn không hề có truyền thống phiêu lưu và vốn có tâm lý gắn bó với cái gọi là quê cha đất tổ, sự lựa chọn ấy lại càng quan trọng. Chắc chắn đó là một trong những lựa chọn quan trọng nhất trong đời.
Thứ hai, trước một lựa chọn như thế, người ta không thể không dằn vặt, không day dứt. Sự dằn vặt và day dứt ấy sẽ còn lại mãi. Như một ám ảnh không nguôi. Một trong những nét tâm lý nổi bật của những người lưu vong được giới nghiên cứu đề cập đến nhiều nhất là tâm lý bất an, lúc nào cũng thấy lạc lõng, không bám vào một không gian nhất định nào cả. Với quê gốc, đã xa lắc, người ta không muốn hoặc không thể trở về hẳn. Với quê khách, nơi người ta đang sống và có lẽ sẽ sống đến cuối đời, người ta mãi mãi thấy xa lạ. Người ta sống ở đây mà không ngớt hướng về bên nọ. Tâm lý của người lưu vong là tâm lý ở-giữa (in-between). Giữa hai quốc gia và hai nền văn hóa. Giữa quá khứ và hiện tại. Giữa hoài niệm và ước mơ. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi những người lưu vong, thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng bị ám ảnh về chính trị ở quê nhà. Cứ gặp người lưu vong là lại nghe chuyện chính trị.
Trước khi chế độ cộng sản ở Nga và Đông Âu sụp đổ, những người lưu vong đến từ Nga và Đông Âu, ở Tây phương, cũng túm tụm với nhau, trong các quán cà phê, ngày này sang ngày khác, bàn chuyện chính trị như thế. Người Việt Nam cũng không khác. Ghé bất cứ quán cà phê Việt Nam nào ở ngoại quốc, đặc biệt ở California, chúng ta đều dễ dàng nhìn thấy những người khách quen thuộc, dường như đến đó mỗi ngày, chỉ để bàn mỗi một chuyện: chính trị Việt Nam. Mà đó hẳn không phải là ngoại lệ. Cứ quan sát các bữa ăn chung với bạn bè trong nhà mà xem. Đề tài phổ biến nhất cũng vẫn là chuyện chính trị. Có thể nói, rời khỏi quê hương, bất cứ người lưu vong nào cũng bị siết chặt bởi vòng kim cô chính trị. Không thể thoát được.
Thứ ba, chính trị không phải chỉ là một chọn lựa bước đầu hay một ám ảnh không dứt; với người lưu vong, chính trị còn gắn liền với ý niệm về bản sắc, nghĩa là, nói cách khác, chính trị trở thành một yếu tố có tính bản thể luận để định nghĩa mỗi người, để giải thích lý do tại sao người ta lại sống (và chết) ở đây chứ không phải là bất cứ nơi nào khác. Ngày xưa, Aristotle từng nói: con người là một con vật chính trị. Câu nói ấy càng đúng với người lưu vong: Mỗi người lưu vong nhất thiết phải là một con vật chính trị. Người lưu vong nào, nhất là những người lưu vong thuộc thế hệ thứ nhất, tuyên bố mình không quan tâm đến chính trị, không hề nghĩ đến chính trị, người ấy đang nói dối hoặc đang tự đánh lừa mình. Sự thực, khi bản sắc của họ được định nghĩa bằng chính trị; họ không thể thoát được chính trị. Trừ phi họ muốn tự phủ nhận chính họ.
Với ba lý do ấy, không có gì lạ khi một người cầm bút lưu vong bàn đến chính trị. Đó là phản ứng tự nhiên và bình thường. Với họ, chỉ có việc né tránh chính trị mới là một cố gắng đầy ý thức một cách không tự nhiên và không bình thường. Xin nói ngay: cái gọi là “không tự nhiên” và “không bình thường” ở đây nên được hiểu từ góc độ tâm lý. Chứ không phải là đạo đức học. Tức không gắn liền với hàm ý phê phán nào cả. Đó chỉ là một chọn lựa của từng cá nhân. Mỗi chọn lựa đều có những lý do nhất định. Trong một xã hội dân chủ, chúng ta hoàn toàn tôn trọng những lựa chọn như thế. Hơn nữa, từ góc độ văn học và nghệ thuật, không có chọn lựa nào đúng hơn chọn lựa nào. Người cầm bút chỉ nên được đánh giá ở kết quả cuối cùng: Tác phẩm. Và tác phẩm chỉ nên được đánh giá từ một tiêu điểm: thẩm mỹ.
Nói né tránh chính trị là một lựa chọn có ý thức cũng có nghĩa là muốn nói: Đó chỉ là chuyện bên ngoài. Sâu trong tiềm thức và lẩn khuất trong từng giấc mơ của mỗi người lưu vong bao giờ cũng có những con ma chính trị không ngừng gào thét.
Sự khác biệt giữa người này và người khác, cũng như, ở mỗi người, giữa thời điểm này và thời điểm khác, chỉ ở cách thế hành xử với những con ma ấy mà thôi.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Tại sao viết về chính trị? _Nguyễn Hưng Quốc
Câu trả lời của tôi, rất đơn giản, thế này: Với người cầm bút lưu vong, việc viết về chính trị là điều bình thường. Gần như là tự nhiên. Đáng lẽ nó không gợi nên bất cứ một thắc mắc nào cả.
Có ba lý do chính.
Thứ nhất, lưu vong, đặc biệt lưu vong của người tị nạn, tự bản chất, là một sự lựa chọn chính trị. Có người ra đi vì chính trị, vì những đe dọa bắt bớ, tù đày, thậm chí, hãm hại; nhưng cũng có người ra đi chỉ vì những khó khăn và bế tắc về kinh tế; nhưng dù bất cứ lý do gì đi nữa, việc quyết định rời khỏi đất nước để sống hẳn ở hải ngoại cũng vẫn là một lựa chọn mang tính chính trị. Đó không phải chỉ là sự lựa chọn giữa hai công việc hay hai địa điểm cư trú mà còn là sự lựa chọn giữa hai quốc gia, hai thể chế, hai tương lai, hai cái nơi mình sẽ được nằm xuống trong chuyến đi lần cuối. Với bất cứ người nào, sự lựa chọn như thế cũng đều quan trọng. Với người Việt Nam, vốn không hề có truyền thống phiêu lưu và vốn có tâm lý gắn bó với cái gọi là quê cha đất tổ, sự lựa chọn ấy lại càng quan trọng. Chắc chắn đó là một trong những lựa chọn quan trọng nhất trong đời.
Thứ hai, trước một lựa chọn như thế, người ta không thể không dằn vặt, không day dứt. Sự dằn vặt và day dứt ấy sẽ còn lại mãi. Như một ám ảnh không nguôi. Một trong những nét tâm lý nổi bật của những người lưu vong được giới nghiên cứu đề cập đến nhiều nhất là tâm lý bất an, lúc nào cũng thấy lạc lõng, không bám vào một không gian nhất định nào cả. Với quê gốc, đã xa lắc, người ta không muốn hoặc không thể trở về hẳn. Với quê khách, nơi người ta đang sống và có lẽ sẽ sống đến cuối đời, người ta mãi mãi thấy xa lạ. Người ta sống ở đây mà không ngớt hướng về bên nọ. Tâm lý của người lưu vong là tâm lý ở-giữa (in-between). Giữa hai quốc gia và hai nền văn hóa. Giữa quá khứ và hiện tại. Giữa hoài niệm và ước mơ. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi những người lưu vong, thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng bị ám ảnh về chính trị ở quê nhà. Cứ gặp người lưu vong là lại nghe chuyện chính trị.
Trước khi chế độ cộng sản ở Nga và Đông Âu sụp đổ, những người lưu vong đến từ Nga và Đông Âu, ở Tây phương, cũng túm tụm với nhau, trong các quán cà phê, ngày này sang ngày khác, bàn chuyện chính trị như thế. Người Việt Nam cũng không khác. Ghé bất cứ quán cà phê Việt Nam nào ở ngoại quốc, đặc biệt ở California, chúng ta đều dễ dàng nhìn thấy những người khách quen thuộc, dường như đến đó mỗi ngày, chỉ để bàn mỗi một chuyện: chính trị Việt Nam. Mà đó hẳn không phải là ngoại lệ. Cứ quan sát các bữa ăn chung với bạn bè trong nhà mà xem. Đề tài phổ biến nhất cũng vẫn là chuyện chính trị. Có thể nói, rời khỏi quê hương, bất cứ người lưu vong nào cũng bị siết chặt bởi vòng kim cô chính trị. Không thể thoát được.
Thứ ba, chính trị không phải chỉ là một chọn lựa bước đầu hay một ám ảnh không dứt; với người lưu vong, chính trị còn gắn liền với ý niệm về bản sắc, nghĩa là, nói cách khác, chính trị trở thành một yếu tố có tính bản thể luận để định nghĩa mỗi người, để giải thích lý do tại sao người ta lại sống (và chết) ở đây chứ không phải là bất cứ nơi nào khác. Ngày xưa, Aristotle từng nói: con người là một con vật chính trị. Câu nói ấy càng đúng với người lưu vong: Mỗi người lưu vong nhất thiết phải là một con vật chính trị. Người lưu vong nào, nhất là những người lưu vong thuộc thế hệ thứ nhất, tuyên bố mình không quan tâm đến chính trị, không hề nghĩ đến chính trị, người ấy đang nói dối hoặc đang tự đánh lừa mình. Sự thực, khi bản sắc của họ được định nghĩa bằng chính trị; họ không thể thoát được chính trị. Trừ phi họ muốn tự phủ nhận chính họ.
Với ba lý do ấy, không có gì lạ khi một người cầm bút lưu vong bàn đến chính trị. Đó là phản ứng tự nhiên và bình thường. Với họ, chỉ có việc né tránh chính trị mới là một cố gắng đầy ý thức một cách không tự nhiên và không bình thường. Xin nói ngay: cái gọi là “không tự nhiên” và “không bình thường” ở đây nên được hiểu từ góc độ tâm lý. Chứ không phải là đạo đức học. Tức không gắn liền với hàm ý phê phán nào cả. Đó chỉ là một chọn lựa của từng cá nhân. Mỗi chọn lựa đều có những lý do nhất định. Trong một xã hội dân chủ, chúng ta hoàn toàn tôn trọng những lựa chọn như thế. Hơn nữa, từ góc độ văn học và nghệ thuật, không có chọn lựa nào đúng hơn chọn lựa nào. Người cầm bút chỉ nên được đánh giá ở kết quả cuối cùng: Tác phẩm. Và tác phẩm chỉ nên được đánh giá từ một tiêu điểm: thẩm mỹ.
Nói né tránh chính trị là một lựa chọn có ý thức cũng có nghĩa là muốn nói: Đó chỉ là chuyện bên ngoài. Sâu trong tiềm thức và lẩn khuất trong từng giấc mơ của mỗi người lưu vong bao giờ cũng có những con ma chính trị không ngừng gào thét.
Sự khác biệt giữa người này và người khác, cũng như, ở mỗi người, giữa thời điểm này và thời điểm khác, chỉ ở cách thế hành xử với những con ma ấy mà thôi.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.