Vấn Đề Số 52
Có những điều không thể ngờ, hay không thể tin mà có thể xảy ra.
Ví dụ chúng tôi có tạp chí Vấn Đề số 52 – số bị tịch thu – ở xứ Mỹ này khi mà 43 năm về trước trên số 53 đăng lời cáo lỗi của Ban Chủ Trương nguyệt san Vấn Đề như sau:
Có phải là chuyện khó tin nhưng có thật hay không?
Dưới đây là bìa Vấn Đề số 52, tháng 11-1971:
Ngụy Ngữ
Dù Vấn Đề không giải thích tại sao số 52 bị tịch thu, nhưng sau khi đọc số này, tôi biết chắc là từ truyện ngắn của Ngụy Ngữ.
Vậy Ngụy Ngữ là ai.
Ai cũng biết trước 1975 Ngụy Ngữ có một thời làm lính miền Nam.
Sau 1975, Ngụy Ngữ trở thành đảng viên Cộng Sản, làm việc trong ngành điện ảnh, chuyên môn viết kịch bản, phim bản.
Là một người lính, nhưng Ngụy Ngữ là một người lính đặc biệt nhất trong số những người lính đặc biệt. Ông mang bộ đồng phục, nhưng lại chửi rủa cái bộ đồng phục ông mang trên người dữ dội và thậm tệ hơn ai hết.
Ông khác với Ngộ Kha, Phan Duy Nhân hay Thế Vũ v.v., những tác giả mà sau 1975, được xem là người của phía Cộng Sản, dù họ đã từng mang áo lính miền Nam trước 1975. Họ không chửi rủa bôi nhọ đồng đội của họ. Họ chỉ chống sự hiện diện của Mỹ hay chính quyền miền Nam. Ví dụ Ngô Kha, bị chết trong tù của VNCH, sau 1975 được chế độ mới phong là liệt sĩ. Ngô Kha không chửi rủa thóa mạ hàng ngũ lính miền Nam, trái lại dành cho tập thể này một sự trân trọng hiếm tìm thấy nơi bất cứ một thi sĩ nào.
Dưới đây là đoạn thơ chúng tôi tìm được trên một số báo Mai cũ, ông làm để tặng khóa 16 Thủ Đức, trong ngày ông mãn khóa:
Cho tôi ở lại bộ binh để làm nữ hoàng của chiến trận
buổi mai thức dậy thấy ánh nắng vô tư diễn hành trên các đọt cây
doanh trại đẹp như những vần thơ
Tôi nhớ đến rượu hoàng hoa
mà tủi thương người lính thú
cho tôi làm người lính gác giặc
những chiều đóng quân nghe âm thanh cao vút của rừng thông
lặng chờ tiếng gọi âm thầm tự trong lòng đất huyền bí
hỡi những người lính Tàu, lính Nhật, lính Mỹ, lính Pháp
những người Cộng Sản
cát bụi công bình mà thương cho số phận tất cả
bởi ai đã chối bỏ chìa khóa mở cửa chốn địa đàng này
nên bây giờ có những lũ người đi vào bằng bạo lực
(Ngô Kha – Mặt Trời Mọc, Thơ Tự Do Miền Nam Thư Ấn Quán xb 2010)
Nếu có một người mà Ngụy Ngữ giống, thì người ấy chính là Vũ Hạnh.
Thật vậy, Vũ Hạnh mạt sát tờ Sáng Tạo vì tạp chí này làm số tưởng niệm Quách Thoại (1). Vũ Hạnh đã lôi cả người chết là Quách Thoại lên để tố. Ngụy Ngữ cũng vậy. Ngay cả một người chết là cố Đại Úy dù Nguyễn Văn Đương, nhân vật chính trong bài hát “Anh Không Chết Đâu Anh” của Trần Thiện Thanh, Ngụy Ngữ cũng không chịu buông tha:
…Không. Vâng, không phải người ta quay lại cảnh khốn nạn đó để đám thanh niên Nam Việt sợ không dám đầu quân đi lính để chết mất xác bên Miên bên Lào hoặc để lên án cuộc chiến tranh phi nhân đang thiêu sống cả một thế hệ thanh niên trên khắp bán đảo Đông Dương này, mà trái lại, là đang hổ trợ thêm cho chiến tranh, đang vẽ thêm một lớp sơn bóng ngời trên cái vóc dáng biệt kích của bọn lính Nam Việt, ve vuốt vào cái kiêu hãnh bệnh họan của chúng, kéo chúng ở lại trong hàng ngũ để bảo vệ cái giải đất tăm tối hời mỹ này khỏi rơi vào “vòng nô lệ của Cộng Sản”
…Chuyện kể lại cái chết của một tên sĩ quan dù tại mặt trận Hạ Lào, nhắc lại thuở y còn là một thiếu úy, thiếu úy dù đi xe gắn máy chồng ba bốn mạng một xe chạy giữa phố Sài Gòn, tông nhằm một cô gái, cô gái nhận làm em gái hậu phương đi ca hát gì đó cho lính nghe rồi nhận làm vợ tên thiếu úy luôn, tên thiếu úy lên đại úy, tên đại úy đi trận sang Lào và mở lựu đạn chết khi căn cứ bị tràn ngập, chết xong chưa yên chuyện lại còn hiện hồn mang mặt máu về đứng hát anh chưa chết đâu em.
(Vấn Đề số 52 tháng 11-71)
….
Một điều ngạc nhiên là sau số bị tịch thu này, truyện Ngụy Ngữ không còn thường xuyên xuất hiện như trước, mãi đến số 56 – 4 tháng sau- mới có một truyện vô thưởng vô phạt.
Rõ ràng, cú tịch thu này đã làm Vấn Đề phải xét lại khi đăng truyện Ngụy Ngữ.
Nhưng một câu hỏi là tại sao kiểm duyệt không ghé mắt đến những số trước, mà chờ đến số 52? Ví dụ, như đoạn sau đây trong truyện Phố Miền Nam đăng ở số 50 tả lại cảnh một thành phố miền Nam đóng cửa cài then ngưng mọi sinh họat khi có quân lính “rằn ri” miền Nam ghé ngang:
…Thành phố đang sinh họat bình thường. Chợt có tin lính rằn ri đổ đến, tất cả nhốn nháo sợ hãi và những cánh cửa tiếp theo nhau khép nhanh lại, chợ tan, người thưa thớt tới lui khép nép, khắp các đường lớn đường nhỏ không còn một bóng gái trai… (Phố miền Nam – Vấn đề 50 tháng 9-71).
hay trong một truyện viết về “chị Hà” mất tích, ca ngợi hết mình phe giải phóng, đăng trên VĐ số 44:
…Ở đó, với vô số máy thu thanh lảm nhảm từng ngày bây giờ, chị Hà được kể vào hàng ngũ những người lầm đường theo giặc… Chị Hà, như người cha và anh cả tôi, đã mất tích.
…
Chị Hà đã mất tích, đã lẫn mù vào đời sống quay múa điệp trùng, đang ra sao ở một nơi nào đó. Có phải chị còn bên kia biên giới Việt Lào, còn bên kia giòng phân chia Nam Bắc, đang răng cà tai căng đứng ca hát trước đám dân Thượng, đang ngồi họp giữa những hội nghị cấp cao, súng chạy băng băng theo một viên đạn vừa bắn ngay chóc vào thân tàu giặc ngang trời, đang thoi thóp u ơ trong bệnh xá biên khu; hay đang khuất lấp hèn mọn giữa cái miền nam tự do chen chúc mỹ hời này, còn bồng con ngồi ru hát đêm ngày chờ tin dữ của người chồng vằn vện đang lăn lóc trên chiến trường Đông Dương, còn mặc áo đại tang đi đòi quyền sống, còn theo bọn lính què cụt hết thời đi cắm cọc chiếm đất, hay đã ngã sấp xuống trong những vụ thảm sát máu me, đang ghẻ lỡ trong các chuồng cọp chuồng beo…,
(Ngụy Ngữ: Chị Hà tạp chí Vấn Đề số 44)
Rõ ràng, Ngụy Ngữ đã dùng Vấn Đề để trút những hằn học căm hận lên một hàng ngũ, gọi thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa là “bọn què quặt hết thời”, kêu cố Đại Úy Dù Nguyễn văn Đương là “tên”, kêu lính miền Nam là “bọn”… Thêm vào đó là những đoạn tả cảnh man rợ của quân đồng minh lồng vào truyện như treo đầu người trước xe jeep… Và Vấn Đề “có lẽ” đã bị mắc bẫy khi họ luôn luôn chủ trương nhà văn phải có quyền tự do trong sáng tác…
Có điều rất ngạc nhiên là chẳng thấy ai phản bác hay phản ứng gì về phía độc giả để bênh vực hàng ngũ quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là binh chủng “rằn ri” (Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân) mà Ngụy Ngữ hay nhắm vào! Hay là bởi vì tạp chí Vấn Đề chỉ dành cho một thành phần độc giả kén chọn nào đó. Ít có thành phần quân nhân đọc như tuần báo Khởi Hành chăng?
Đòn thù của Ngụy Ngữ còn dữ dội hơn cả Vũ Hạnh. Vũ Hạnh chỉ nhắm vào mặt trận văn hóa, chưa bao giờ có một câu ca ngợi lộ liễu phe trong bưng mà Vũ Hạnh đã gia nhập từ năm 1961… còn Ngụy Ngữ thì lộ liễu công khai. Ca ngợi hết mình phía “giải phóng” là có chính nghĩa bằng cách phết sơn đen lên một tập thể quân đội miền Nam như là “những con thú tật nguyền” một bọn “bệnh hoạn”, “say sưa”, “phá phách”, không lý tưởng… Ngay cả người sĩ quan Dù miền Nam mở chốt lựu đạn tự sát trên đồi máu sau khi đồi bị tràn ngập thì cũng bị Ngụy Ngữ đem ra mai mỉa bỡn cợt “anh chưa chết đâu anh”. Trong khi đó thì người chị “bên kia” là “chị Hà” – kẻ mà “với vô số máy thu thanh lảm nhảm từng ngày bây giờ, chị Hà được kể vào hàng ngũ những người lầm đường theo giặc”, thì Ngụy Ngữ cũng mượn ý của Đại Tướng McArthur để thổi bong bóng lên tận chín tầng mây:
“Chị Hà (…) đã nhập vào đoàn người đã mờ trong u chiều vô danh của đất trời vạn cổ; mờ và không bao giờ mất”.
***
Bây giờ Ngụy Ngữ đã hả dạ. Giấc mơ của Ngụy Ngữ đã thành tựu, Ngụy Ngữ trở thành một đảng viên Cộng Sản. Con thú tật nguyền từng đăng trên Vấn Đề dưới tên Nguyễn văn Ngữ đã được Ngụy Ngữ viết thành phim bản và dựng thành phim.
Riêng tôi, tôi tự hỏi, chị Hà, nếu còn sống, giờ này ra sao? Hay là chị ta đang chửi cái ông nhà văn nào đó tả chi mà tả ác, làm như ta có phép thần thông: vác súng chạy băng băng theo một viên đạn vừa bắn ngay chóc vào thân tàu giặc ngang trời! Để thiên hạ cứ bảo cái huy chương dũng sĩ bắn máy bay Mỹ do nhà văn Ngụy Ngữ trao tặng là đồ …lèo, dỏm! Chạy theo xe … xích lô, xe dạp thì nghe xuôi tai. Chứ băng băng theo viên đạn thì nghe không ổn chút nào!
Hẳn chúng ta ai cũng nhớ chuyện tiếu lâm mầy ông thầy bói sờ voi, Ông khi sờ chân voi, thì bảo là cái cột đình. Ông khi nắm cái đuôi thì bảo là cái chổi chà. Có điều họ vẫn cân nhắc kỹ càng trước khi đưa ra kết luận. Chúng ta phải thông cảm cho họ vì họ bị mù. Còn nhà văn Ngụy Ngữ thì sao? Không biết giữa các ông thầy bói sờ voi, và Ngụy Ngữ, ai mù hơn ai nhỉ?
Thêm nữa, Trung Cộng đang lăm le dòm ngó đất nước Việt Nam. Ngày xưa ở miền Nam “mỹ hời” ông tha hồ chửi chúng tôi chẳng ai bắt ông bỏ tù hay làm kiểm thảo, thì bây giờ ông sống trong một xã hội mà ông mơ uớc, không biết ông có dám đăng báo chửi bọn bành trướng Trung Quốc như ông chửi giặc Mỹ trước đây không nhỉ?
Ai lỗi?
Ngụy Ngữ đến với Vấn Đề đầu tiên qua truyện Con Thú Tật Nguyền ký tên thật là Nguyễn Văn Ngữ. (Vấn Đề số 21). Sau đó hầu như cách khoảng 1, 2 số bút hiệu Ngụy Ngữ xuất hiện thường xuyên, và sự mạ lị lính miền Nam càng lúc càng tận tình, tận lực. Mãi đến số 52, báo mới bị tịch thu, và đến số 56, mới có một bài không có gì đến chuyện mạ lị. Để rồi Vấn Đề không còn xuất hiện nữa.
Một câu hỏi là ai chịu trách nhiệm? Hai vị chủ trương là Mai Thảo và Vũ Khắc Khoan? Hay là Sở Kiểm Duyệt, hay là do sự thờ ơ của độc giả, đặc biệt là ở Sài Gòn có cả Tổng Cục Chiến Tranh Chinh Trị?
Có người quy trách nhiệm vào hai vị chủ trương. Bởi việc chọn bài là quyền của họ mà. Nhưng mà, nếu chúng ta đòi hỏi quyền được tự do tư tưởng trong sáng tác, thì lời kết tội có lẽ khe khắt cho hai vị ấy chăng. Trong khi ngay số đầu, VĐ đòi hỏi phải bãi bỏ kiểm duyệt, phải tôn trọng quyền được tự do nghĩ và tự do viết. Hơn nữa, bên cạnh truyện Ngụy Ngữ, Vấn Đề còn đăng truyện của những người viết khác mang nội dung phản bác lại những gì mà Ngụy Ngữ đã viết.
Ví dụ, trong khi Ngụy Ngữ ca ngợi hết mình một bà chị “mất tích“ đang “cà răng căng tai” “chống Mỹ cứu nước”:
Có phải chị còn bên kia biên giới Việt Lào, còn bên kia giòng phân chia Nam Bắc, đang răng cà tai căng đứng ca hát trước đám dân Thượng. (Chị Hà)
thì cũng trên Vấn Đề, nhà văn trẻ Thế Vũ đã lật tẩy tại sao có 4 chữ “cà răng căng tai”.
… Đã có bao nhiêu cán bộ nằm vùng sau ngày kháng chiến thay vì được tập kết, họ đã được ở lại cà răng căng tai mang khố sống lẩn lộn trong buông, tập bập bẹ tiếng Thượng và cưới vợ Thượng sinh con lai để rồi năm ba năm sau tiếp tục cầm súng tuyên truyền
(Biên Khu, tạp chí Vấn Đề số 36 tháng 7-70)
Ví dụ, trong khi Ngụy Ngữ ngưỡng phục chị Hà: Mặc áo đại tang đi đòi quyền sống ở Sài Gòn thì cũng trên Vấn Đề, Trần Hoài Thư tả lại cảnh ăn cướp của phe Ngụy Ngữ cũng như sự bất chấp trước bạo lực để đòi quyền sống của người dân ở vùng nông thôn:
“Nhưng thực sự, đêm qua, nẩu về nhiều lắm. Nẩu về, bắt loa a lô, bắt chúng tôi họp mít tinh tại miểu trên, rồi gõ cửa từng nhà lấy thóc gạo. Tôi cũng bị họ đòi hai ký. Bà già Bảy có con đi lính Quốc Gia, họ đòi những mười ký. Bà không chịu, bả la hàng xóm. Bả nói con tôi bị chết ở Cam Bốt, đã bị các ông xử tử rồi, còn bà, bả không sợ… Bả nói muốn bắn, thì bắn bả, chứ đừng lấy gạo nhà bà nữa. Tội nghiệp, bả bị đập bằng báng súng, máu chảy lênh láng. Bà khóc rống cả đêm, khiến ai nấy trong ấp đều phải mũi lòng… Sáng nay, bả phải xách khăn gói tản cư lên quận. Bả không dám ở lại đây nữa”.
(Trần Hoài Thư – Những Thẻ Nhang Cho Hoàng Hôn. Vấn Đề số 37)
Mục đích của việc so sánh trên là để chứng minh chủ trương của Vấn Đề là dung nạp tất cả những khuynh hướng dị biệt. Sự thẩm định là ở người đọc. Việc báo được phổ biến hay không là do quyết định của Sở Kiểm Duyệt Sài Gòn.
Như vậy, theo chúng tôi, kẻ đáng trách là mấy ngài lảnh lương tại Sở Kiểm Duyệt tại Sài Gòn. Tại sao phải đợi đến số 52 mới tịch thu, không tịch thu số 21 khi Ngụy Ngữ đăng “con thú tật nguyền” để Vấn Đề phải thận trọng hơn khi đăng bài Ngụy Ngữ? Tại sao không làm như họ đã làm đối với Bách Khoa, Văn? Hay là họ nễ hai vị là Vũ Khắc Khoan và Mai Thảo?
Mặt khác, cũng do một phần thái độ thờ ơ của độc giả Vấn Đề chăng? Trong khi chỉ một bài của Mặc Đỗ đăng trên tuần báo Khởi Hành là “Mặc Cảm Kaki” đã gây nên phản ứng mạnh đối với những người viết văn trẻ bấy giờ (Mời đọc Thư Quán Bản Thảo số chủ đề Khởi Hành Và Tôi), thì những bài của Ngụy Ngữ không một ai lên tiếng phản ứng.
Và cũng vì không thấy ai lên tiếng, nên buộc lòng tôi mới viết bài này.
Dù rằng quá muộn.
(nguồn: Tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 63 tháng 2-2015)
Ghi chú:
(1) Dưới bút hiệu Nguyên Phủ, Vũ Hạnh “phang” Sáng Tạo. Lý do Sáng Tạo đã làm một số tưởng niệm Quách Thoại vì Quách Thoại làm những bài thơ chống Cộng, ca tụng chế độ như Cờ Dân Chủ, Đường Tự Do:
(…) suy tôn quá đáng một nhà thơ trẻ tầm thường thỉnh thoảng mới tỏ xuất sắc trong một đôi câu, nhưng nhờ cái chết làm cho tự ái của những người khen không bị thương tổn và nhờ cái chết mà chóng… hiển thánh trong một tôn giáo chưa tìm đâu ra thần tượng.
(nguồn: Tạp chí Thư Quán Bàn Thảo số 60 chủ đề tạp chí Sáng Tạo)
http://www.tvvn.org/tap-chi-va-van-de-nguy-ngu-tran-hoai-thu/