Tin nóng trong ngày
Thế giới hôm nay: 03/09/2019
Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson, nói rằng “không có hoàn cảnh nào” mà theo đó ông sẽ yêu cầu Liên minh châu Âu trì hoãn Brexit một lần nữa. Anh dự kiến sẽ rời EU vào ngày 31 tháng 10; đa số các Nghị sĩ phản đối việc Brexit không có thỏa thuận và có thể sớm thông qua luật buộc ông Johnson yêu cầu gia hạn. Vì vậy, “không có hoàn cảnh nào” xem ra đồng nghĩa với việc bầu cử sớm.
26 ứng viên tổng thống Tunisia đã bắt đầu chiến dịch tranh cử của mình. Cuộc bầu cử, được ấn định vào ngày 15 tháng 9 sau khi Tổng thống Beji Caid Essebsi qua đời, tạo ra cơ hội cho những kẻ “ngoại đạo.” Ứng viên số một hiện nay, một ông trùm truyền thông hay chỉ trích chính phủ, hiện đang bị giam giữ vì cáo buộc rửa tiền (mà đảng của ông nói là do động cơ chính trị). Bất cứ ai chiến thắng sẽ được “kế thừa” một nền kinh tế trì trệ và một đất nước mệt mỏi vì các phe phái chính trị đấu đá lẫn nhau.
Iran thừa nhận muộn màng rằng một vụ nổ đã xảy ra tại một địa điểm phóng tên lửa, nói rằng đó là do “lỗi kỹ thuật.” Tuyên bố được Iran đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump tweet một bức hình độ phân giải cao (được cho là hình ảnh vệ tinh mật) và một thông điệp khó hiểu “gửi lời chúc tốt đẹp nhất và chúc may mắn xác định được chuyện gì đã xảy ra”. Nhiều người coi đó là một lời chế nhạo.
Hai nhà lãnh đạo đảo chính ở Burkina Faso đã bị kết án 10 và 20 năm tù. Hai đồng minh kì cựu của Blaise Compaore, cựu tổng thống nước này, bị kết án vì tổ chức một cuộc đảo chính vào năm 2015 chống lại chính phủ quá độ, chưa đầy một tháng trước cuộc bầu cử dự kiến. Cuộc đảo chính kết thúc chỉ sau một tuần, nhưng nó làm cho 14 người chết và hàng trăm người bị thương.
Hàng chục ngàn học sinh Hồng Kông với mũ cứng và mặt nạ phòng độc đã bãi khóa trong ngày đầu tiên đến trường sau kỳ nghỉ hè. Những người biểu tình trẻ muốn chứng tỏ rằng họ sẽ không lùi bước cho dù các lớp học đã bắt đầu. Trước đó, các cuộc biểu tình hồi cuối tuần đã kết thúc bằng bạo lực, sau khi cảnh sát đáp trả họ bằng hơi cay và vòi rồng.
Trong Quý II/2019, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ suy giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức khoảng -2% mà các nhà phân tích dự kiến. GDP tăng 1,2% riêng trong Quý II, phần lớn nhờ chi tiêu của chính phủ và cho vay ngân hàng. Sự tăng trưởng này có nghĩa là nền kinh tế cho đến nay đã tránh được suy thoái kép, nhưng mục tiêu tăng trưởng 2,3% của chính phủ trong năm nay xem ra rất khó đạt được.
Trung Quốc đã kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới về vòng thuế quan mới nhất của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là lần thứ ba Trung Quốc làm vậy. Một phán quyết có lợi cho Trung Quốc – điều có thể mất nhiêu năm – sẽ cho phép Trung Quốc phản ứng hợp pháp bằng cách tự áp thuế lên hàng của Mỹ (điều mà họ đã làm không cần sự chấp thuận của WTO).
TIÊU ĐIỂM
Brexit: cuộc chiến giữa Thủ tướng và Hạ Viện
Hạ viện Anh hôm nay sẽ trở lại làm việc, bước vào một tuần đầy bùng nổ. Tuần này sẽ bắt đầu với việc các nghị sĩ phản đối Brexit không thỏa thuận yêu cầu một cuộc tranh luận khẩn cấp, điều mà Chủ tịch Hạ viện John Bercow rất có khả năng sẽ đồng ý. Họ hy vọng sẽ sử dụng cuộc tranh luận này để kiểm soát chương trình nghị sự của Hạ viện một hoặc hai ngày sau đó, nhằm thông qua luật buộc chính phủ đề nghị EU lùi thời hạn Brexit thay vì cho phép Brexit không thỏa thuận xảy ra theo mặc định vào ngày 31 tháng 10.
Có tới 40 nghị sĩ Đảng Bảo thủ (đảng của ông Johnson) công khai phản đối Brexit không thỏa thuận. Nhìn từ bên ngoài, điều đó cho thấy luật này khả năng sẽ có đủ phiếu để được thông qua. Nhưng thủ tướng Boris Johnson đã nói thẳng vào hôm thứ Hai rằng “không có hoàn cảnh nào sẽ khiến tôi phải yêu cầu Brussels gia hạn thêm.” Do đó, nhiều suy đoán cho rằng ông Johnson có thể dùng con bài cuối của mình: tiến hành bầu cử quốc hội sớm.
EU và nạn rửa tiền dai dẳng
Điều khoản mới nhất trong một loạt các quy định mới của EU nhằm chống tội phạm tài chính bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay. Các quy định này yêu cầu các ngân hàng thắt chặt kiểm soát các công ty con ngoài EU của họ, bao gồm các ngân hàng ở các trung tâm tài chính nước ngoài, mà một vài trong số đó đã được dùng như “cửa hậu” để rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng Châu Âu. Những cải cách rộng lớn hơn đang sắp được tiến hành, bao gồm một nghị định mới (thứ năm) dự kiến công bố vào tháng 1 năm 2020. Một loạt các bê bối về tiền bẩn tại các ngân hàng châu Âu, khét tiếng nhất là vụ Ngân hàng Danske, nơi có thể đã rửa hơn 200 tỷ đô la đến từ các nước thuộc Liên Xô cũ, càng tạo thêm cảm giác cấp bách.
Nhưng các nhà hoạch định chính sách tiếp tục không thống nhất được về cách làm cho các phản ứng pháp lý nhất quán hơn. Một số muốn có nhiều quy định toàn EU hơn; những người khác ủng hộ tăng cường giám sát ở cấp độ quốc gia. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã thúc đẩy việc thành lập một cơ quan xuyên biên giới mới nhằm quản lý tội phạm tài chính; Ủy ban châu Âu trái lại không thích ý tưởng này. Và những kẻ rửa tiền chắc chắn sẽ khai thác những bất đồng này.
Triển vọng kinh tế Nam Phi
Nếu các dự đoán là chính xác, Nam Phi sẽ tránh được suy thoái khi kết quả GDP Quý II được công bố hôm nay. Nền kinh tế suy giảm 3,2% trong Quý I so với cùng kì năm trước, nguyên nhân là do mất điện cản trở ngành khai khoáng và sản xuất. Tình trạng mất điện đã lắng xuống, song bất kỳ mức tăng trưởng nào cũng sẽ không giúp làm yên lòng tổng thống Cyril Ramaphosa.
Ông hứa sẽ vực dậy nền kinh tế sau gần một thập niên quản lý sai lầm. Song mặc dù ông đề nghị các cải cách cơ cấu mà đất nước đang rất cần, cũng là điều mà bộ trưởng tài chính đã chỉ ra hồi tuần trước trong một báo cáo khiêu khích, ông Ramaphosa lại chùn bước. Đồng minh của ông trong các công đoàn và các đối thủ trong đảng cầm quyền đã khiến ông không dám cải cách Eskom, nhà máy điện quốc doanh thua lỗ gây nên tình trạng mất điện; đạo luật lao động rối rắm; cùng bộ máy nhà nước cồng kềnh. Các nhà kinh tế đã bắt đầu bàn tán rằng cuối cùng Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ phải áp đặt lên Nam Phi những gì mà các chính trị gia không thể làm được. Và để tránh không rơi vào số phận này, ông Ramaphosa sẽ phải mạnh dạn hơn.
Hòa bình hiếm hoi ở Liberia
Liberia bị tàn phá bởi hai cuộc nội chiến vào những năm 1990 và đầu thập niên 2000. Năm 2018, sau nhiều năm tiến bộ vất vả và hàng tỷ đô la viện trợ, quốc gia Tây Phi đang gặp khó khăn này lần đầu tiên chứng kiến cuộc chuyển giao quyền lực dân chủ trong hòa bình kể từ sau Thế chiến II. Nhưng mọi hy vọng về một Liberia đang vươn lên đã bị đập tan. Nền kinh tế khủng hoảng và lạm phát tràn lan đang làm giảm khả năng mua hàng hóa thiết yếu của người dân.
Hôm nay, các doanh nghiệp, các nhóm xã hội-dân sự và các cơ quan chính phủ sẽ tham gia vào một cuộc “đối thoại kinh tế quốc gia” khẩn cấp. Họ sẽ thảo luận về cách chống tham nhũng, ngăn chặn sự trượt giá nhanh chóng của đồng đô la Liberia và đưa phần lớn dân số ra khỏi các công việc “dễ bị tổn thương và phi chính thức”. Các cuộc đàm phán sẽ không thể xảy ra sớm. Chính phủ đã bị tàn phá bởi các vụ bê bối và đã phản ứng tồi tệ trước những lời chỉ trích, bằng việc bắt giữ và đe dọa người biểu tình. Nhiều người lo ngại bạo lực sẽ trở lại nếu các thay đổi căn bản không diễn ra nhanh chóng.
Ivanka Trump đến thăm Mỹ Latinh
Con gái Ivanka của Tổng thống Donald Trump sẽ bắt đầu chuyến thăm kéo dài bốn ngày tới Mỹ Latinh trong tuần này. Cô dự kiến sẽ dừng chân tại Colombia, Paraguay và Argentina thay mặt cho Sáng kiến Thịnh vượng và Phát triển Toàn cầu của Phụ nữ, gặp gỡ các đệ nhất phu nhân, bộ trưởng ngoại giao và các tổ chức phi chính phủ. Sáng kiến này “nhằm đảm bảo rằng tất cả phụ nữ có thể tham gia một cách đầy đủ và tự do vào nền kinh tế,” như cô đã tweet. Chính quyền Trump gợi ý rằng chương trình này sẽ giúp đỡ 50 triệu phụ nữ cho đến 2025 bằng cách dỡ bỏ các rào cản giúp phụ nữ thành lập doanh nghiệp và thu hút đầu tư.
Tại Argentina, Viện Phụ nữ Quốc gia đã hoan nghênh và gọi chuyến thăm của cô cùng với sáng kiến này là rất quan trọng, “nếu được thực hiện cùng với các chính sách cụ thể nhằm gỡ bỏ các rào cản cấu trúc đang ngăn trở phụ nữ tiến bộ.” Các nhà quan sát khác thì nói rằng dường như không gì có thể trở thành rào cản trong quá trình thăng tiến của Ivanka, mặc dù cô hoàn toàn không có kinh nghiệm về các vấn đề đối ngoại trước khi được cha mình giao cho vai trò “đại sứ toàn cầu.”
Bàn ra tán vào (1)
----------------------------------------------------------------------------------
Thế giới hôm nay: 03/09/2019
Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson, nói rằng “không có hoàn cảnh nào” mà theo đó ông sẽ yêu cầu Liên minh châu Âu trì hoãn Brexit một lần nữa. Anh dự kiến sẽ rời EU vào ngày 31 tháng 10; đa số các Nghị sĩ phản đối việc Brexit không có thỏa thuận và có thể sớm thông qua luật buộc ông Johnson yêu cầu gia hạn. Vì vậy, “không có hoàn cảnh nào” xem ra đồng nghĩa với việc bầu cử sớm.
26 ứng viên tổng thống Tunisia đã bắt đầu chiến dịch tranh cử của mình. Cuộc bầu cử, được ấn định vào ngày 15 tháng 9 sau khi Tổng thống Beji Caid Essebsi qua đời, tạo ra cơ hội cho những kẻ “ngoại đạo.” Ứng viên số một hiện nay, một ông trùm truyền thông hay chỉ trích chính phủ, hiện đang bị giam giữ vì cáo buộc rửa tiền (mà đảng của ông nói là do động cơ chính trị). Bất cứ ai chiến thắng sẽ được “kế thừa” một nền kinh tế trì trệ và một đất nước mệt mỏi vì các phe phái chính trị đấu đá lẫn nhau.
Iran thừa nhận muộn màng rằng một vụ nổ đã xảy ra tại một địa điểm phóng tên lửa, nói rằng đó là do “lỗi kỹ thuật.” Tuyên bố được Iran đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump tweet một bức hình độ phân giải cao (được cho là hình ảnh vệ tinh mật) và một thông điệp khó hiểu “gửi lời chúc tốt đẹp nhất và chúc may mắn xác định được chuyện gì đã xảy ra”. Nhiều người coi đó là một lời chế nhạo.
Hai nhà lãnh đạo đảo chính ở Burkina Faso đã bị kết án 10 và 20 năm tù. Hai đồng minh kì cựu của Blaise Compaore, cựu tổng thống nước này, bị kết án vì tổ chức một cuộc đảo chính vào năm 2015 chống lại chính phủ quá độ, chưa đầy một tháng trước cuộc bầu cử dự kiến. Cuộc đảo chính kết thúc chỉ sau một tuần, nhưng nó làm cho 14 người chết và hàng trăm người bị thương.
Hàng chục ngàn học sinh Hồng Kông với mũ cứng và mặt nạ phòng độc đã bãi khóa trong ngày đầu tiên đến trường sau kỳ nghỉ hè. Những người biểu tình trẻ muốn chứng tỏ rằng họ sẽ không lùi bước cho dù các lớp học đã bắt đầu. Trước đó, các cuộc biểu tình hồi cuối tuần đã kết thúc bằng bạo lực, sau khi cảnh sát đáp trả họ bằng hơi cay và vòi rồng.
Trong Quý II/2019, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ suy giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức khoảng -2% mà các nhà phân tích dự kiến. GDP tăng 1,2% riêng trong Quý II, phần lớn nhờ chi tiêu của chính phủ và cho vay ngân hàng. Sự tăng trưởng này có nghĩa là nền kinh tế cho đến nay đã tránh được suy thoái kép, nhưng mục tiêu tăng trưởng 2,3% của chính phủ trong năm nay xem ra rất khó đạt được.
Trung Quốc đã kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới về vòng thuế quan mới nhất của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là lần thứ ba Trung Quốc làm vậy. Một phán quyết có lợi cho Trung Quốc – điều có thể mất nhiêu năm – sẽ cho phép Trung Quốc phản ứng hợp pháp bằng cách tự áp thuế lên hàng của Mỹ (điều mà họ đã làm không cần sự chấp thuận của WTO).
TIÊU ĐIỂM
Brexit: cuộc chiến giữa Thủ tướng và Hạ Viện
Hạ viện Anh hôm nay sẽ trở lại làm việc, bước vào một tuần đầy bùng nổ. Tuần này sẽ bắt đầu với việc các nghị sĩ phản đối Brexit không thỏa thuận yêu cầu một cuộc tranh luận khẩn cấp, điều mà Chủ tịch Hạ viện John Bercow rất có khả năng sẽ đồng ý. Họ hy vọng sẽ sử dụng cuộc tranh luận này để kiểm soát chương trình nghị sự của Hạ viện một hoặc hai ngày sau đó, nhằm thông qua luật buộc chính phủ đề nghị EU lùi thời hạn Brexit thay vì cho phép Brexit không thỏa thuận xảy ra theo mặc định vào ngày 31 tháng 10.
Có tới 40 nghị sĩ Đảng Bảo thủ (đảng của ông Johnson) công khai phản đối Brexit không thỏa thuận. Nhìn từ bên ngoài, điều đó cho thấy luật này khả năng sẽ có đủ phiếu để được thông qua. Nhưng thủ tướng Boris Johnson đã nói thẳng vào hôm thứ Hai rằng “không có hoàn cảnh nào sẽ khiến tôi phải yêu cầu Brussels gia hạn thêm.” Do đó, nhiều suy đoán cho rằng ông Johnson có thể dùng con bài cuối của mình: tiến hành bầu cử quốc hội sớm.
EU và nạn rửa tiền dai dẳng
Điều khoản mới nhất trong một loạt các quy định mới của EU nhằm chống tội phạm tài chính bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay. Các quy định này yêu cầu các ngân hàng thắt chặt kiểm soát các công ty con ngoài EU của họ, bao gồm các ngân hàng ở các trung tâm tài chính nước ngoài, mà một vài trong số đó đã được dùng như “cửa hậu” để rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng Châu Âu. Những cải cách rộng lớn hơn đang sắp được tiến hành, bao gồm một nghị định mới (thứ năm) dự kiến công bố vào tháng 1 năm 2020. Một loạt các bê bối về tiền bẩn tại các ngân hàng châu Âu, khét tiếng nhất là vụ Ngân hàng Danske, nơi có thể đã rửa hơn 200 tỷ đô la đến từ các nước thuộc Liên Xô cũ, càng tạo thêm cảm giác cấp bách.
Nhưng các nhà hoạch định chính sách tiếp tục không thống nhất được về cách làm cho các phản ứng pháp lý nhất quán hơn. Một số muốn có nhiều quy định toàn EU hơn; những người khác ủng hộ tăng cường giám sát ở cấp độ quốc gia. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã thúc đẩy việc thành lập một cơ quan xuyên biên giới mới nhằm quản lý tội phạm tài chính; Ủy ban châu Âu trái lại không thích ý tưởng này. Và những kẻ rửa tiền chắc chắn sẽ khai thác những bất đồng này.
Triển vọng kinh tế Nam Phi
Nếu các dự đoán là chính xác, Nam Phi sẽ tránh được suy thoái khi kết quả GDP Quý II được công bố hôm nay. Nền kinh tế suy giảm 3,2% trong Quý I so với cùng kì năm trước, nguyên nhân là do mất điện cản trở ngành khai khoáng và sản xuất. Tình trạng mất điện đã lắng xuống, song bất kỳ mức tăng trưởng nào cũng sẽ không giúp làm yên lòng tổng thống Cyril Ramaphosa.
Ông hứa sẽ vực dậy nền kinh tế sau gần một thập niên quản lý sai lầm. Song mặc dù ông đề nghị các cải cách cơ cấu mà đất nước đang rất cần, cũng là điều mà bộ trưởng tài chính đã chỉ ra hồi tuần trước trong một báo cáo khiêu khích, ông Ramaphosa lại chùn bước. Đồng minh của ông trong các công đoàn và các đối thủ trong đảng cầm quyền đã khiến ông không dám cải cách Eskom, nhà máy điện quốc doanh thua lỗ gây nên tình trạng mất điện; đạo luật lao động rối rắm; cùng bộ máy nhà nước cồng kềnh. Các nhà kinh tế đã bắt đầu bàn tán rằng cuối cùng Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ phải áp đặt lên Nam Phi những gì mà các chính trị gia không thể làm được. Và để tránh không rơi vào số phận này, ông Ramaphosa sẽ phải mạnh dạn hơn.
Hòa bình hiếm hoi ở Liberia
Liberia bị tàn phá bởi hai cuộc nội chiến vào những năm 1990 và đầu thập niên 2000. Năm 2018, sau nhiều năm tiến bộ vất vả và hàng tỷ đô la viện trợ, quốc gia Tây Phi đang gặp khó khăn này lần đầu tiên chứng kiến cuộc chuyển giao quyền lực dân chủ trong hòa bình kể từ sau Thế chiến II. Nhưng mọi hy vọng về một Liberia đang vươn lên đã bị đập tan. Nền kinh tế khủng hoảng và lạm phát tràn lan đang làm giảm khả năng mua hàng hóa thiết yếu của người dân.
Hôm nay, các doanh nghiệp, các nhóm xã hội-dân sự và các cơ quan chính phủ sẽ tham gia vào một cuộc “đối thoại kinh tế quốc gia” khẩn cấp. Họ sẽ thảo luận về cách chống tham nhũng, ngăn chặn sự trượt giá nhanh chóng của đồng đô la Liberia và đưa phần lớn dân số ra khỏi các công việc “dễ bị tổn thương và phi chính thức”. Các cuộc đàm phán sẽ không thể xảy ra sớm. Chính phủ đã bị tàn phá bởi các vụ bê bối và đã phản ứng tồi tệ trước những lời chỉ trích, bằng việc bắt giữ và đe dọa người biểu tình. Nhiều người lo ngại bạo lực sẽ trở lại nếu các thay đổi căn bản không diễn ra nhanh chóng.
Ivanka Trump đến thăm Mỹ Latinh
Con gái Ivanka của Tổng thống Donald Trump sẽ bắt đầu chuyến thăm kéo dài bốn ngày tới Mỹ Latinh trong tuần này. Cô dự kiến sẽ dừng chân tại Colombia, Paraguay và Argentina thay mặt cho Sáng kiến Thịnh vượng và Phát triển Toàn cầu của Phụ nữ, gặp gỡ các đệ nhất phu nhân, bộ trưởng ngoại giao và các tổ chức phi chính phủ. Sáng kiến này “nhằm đảm bảo rằng tất cả phụ nữ có thể tham gia một cách đầy đủ và tự do vào nền kinh tế,” như cô đã tweet. Chính quyền Trump gợi ý rằng chương trình này sẽ giúp đỡ 50 triệu phụ nữ cho đến 2025 bằng cách dỡ bỏ các rào cản giúp phụ nữ thành lập doanh nghiệp và thu hút đầu tư.
Tại Argentina, Viện Phụ nữ Quốc gia đã hoan nghênh và gọi chuyến thăm của cô cùng với sáng kiến này là rất quan trọng, “nếu được thực hiện cùng với các chính sách cụ thể nhằm gỡ bỏ các rào cản cấu trúc đang ngăn trở phụ nữ tiến bộ.” Các nhà quan sát khác thì nói rằng dường như không gì có thể trở thành rào cản trong quá trình thăng tiến của Ivanka, mặc dù cô hoàn toàn không có kinh nghiệm về các vấn đề đối ngoại trước khi được cha mình giao cho vai trò “đại sứ toàn cầu.”