Vương Hồng Anh
* Thiết đoàn 20, Lữ đoàn 1 Kỵ binh tại mặt trận Đông Hà:
Cuối tháng 3/1972, CSBV đã mở một cuộc tổng tấn công vào khu vực Phi
Quân Sự và cụm tuyến phòng thủ ở Tây Bắc Quảng Trị với một lực lượng gồm
có: 3 sư đoàn chủ lực, 2 trung đoàn biệt lập, 2 trung đoàn chiến xa T
54 và PT-76, 4 trung đoàn pháo binh. Trong tuần lễ đầu, cùng lúc với các
trận kịch chiến giữa Thủy quân Lục chiến VNCH và các đơn vị chủ lực
CSBV, các trận xa chiến đã diễn ra, trong đó có trận giao tranh vào ngày
2 tháng 4 khi một chi đoàn của Thiết đoàn 20 đã đụng độ với một cánh
quân chiến xa của CSBV ở phía Tây Đông Hà, chi đoàn này đã bắn cháy 2 T
54 và 9 chiếc PT-76. Ngày 9 tháng 4, 2 tiểu đoàn CSBV phối hợp với 1 đơn
vị T-54 tấn công tiểu đoàn 6 TQLC đang phòng thủ căn cứ Phượng Hoàng,
Thiết đoàn 20 được điều động tiếp ứng, một thành phần của Thiết đoàn đã
phối hợp với 2 đại đội của Tiểu đoàn 1 TQLC tăng cường cho Tiểu đoàn 6
TQLC. Trận xa chiến đã diễn ra giữa các chi đội M 48 của Thiết đoàn 20
và các đội chiến xa T 54 của CQ, trong trận này, Thiết đoàn 20 và TQLC
đã bắn hạ 16 chiến xa T 54.
Ngày 27 tháng 4, CQ mở một cuộc tấn công để cố chọc thủng tuyến phòng ngự của QL.VNCH
tại Đông Hà. Do thiếu quân số trước áp lực nặng của đối phương, các đơn
vị VNCH tại phòng tuyến này rút về tuyến Ái Tử. Trong cuộc rút quân về
tuyến sau, do thiếu nhiên liệu và cơ phận thay thế nên một chiến xa M 48
và M 113 bị bỏ lại.
Ngày 28 tháng 4, một đơn vị của Lữ đoàn 1 Ky binh được điều động tăng
cường cho Trung đoàn 2 BB để bảo vệ phòng tuyến phía Nam cầu Quảng Trị.
Trong trận chiến kéo dài một tháng, các chiến xa của Lữ đoàn 1 Kỵ binh
được xử dụng tinh nhuệ hơn chiến xa của CQ. Sau ngày 2 tháng 5/1972,
Thiết đoàn 20 đã được tái trang bị toàn bộ và tái huấn luyện, chỉ sau
một thời gian ngắn, các đơn vị của thiết đoàn đã sẵn sàng để tham dự
cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị.
* Lữ đoàn 2 Kỵ binh tại chiến trường Kontum:
Cùng lúc với cuộc tấn công lớn vào phía Tây Bắc Quảng Trị, CSBV đã mở
thêm 2 cuộc tấn công khác vào Kontum và Bình Long. Ngoài thành phần bộ
binh và pháo binh, CQ đã điều động nhiều tiểu đoàn chiến xa T 54 và đặc
công nhập trận. Trong vùng trách nhiệm của Sư đoàn 22 Bộ binh, các chi
đoàn Thiết kỵ thống thuộc Sư đoàn đã được phối trí để yểm trợ cho 2 mặt
trận chính: Bắc Bình Định (Hoài Ân, Bồng Sơn, Tam Quan), Dakto-Tân Cảnh ở
Bắc Kontum. Do phải phân lực lượng ra nhiều nơi để yểm trợ cho nhiều
phòng tuyến, vì thế lực lượng Thiết giáp thống thuộc Sư đoàn 22 BB đã
không có đủ chiến xa để đánh trả trong các trận xa chiến với T 54 CSBV,
nhất là vào hai ngày 23 và 24 tháng 4/1972 khi mặt trận Tân Cảnh-Dakto ở
Bắc Kontum bùng nổ. Diễn tiến một số trận đánh được ghi nhận như sau:
Ngày 23/4, CQ khởi động cuộc tấn công cường tập vào tuyến phòng ngự của
một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 42 Bộ binh ở vòng đai căn cứ Tân Cảnh-
bản doanh của bộ Tư lệnh Hành quân Sư đoàn 22 BB. Mười chiến xa bảo vệ
bộ Tư lệnh Sư đoàn 22 BB được điều động để chống trả lại địch quân. CQ
đã sử dụng hỏa tiễn-dây điều khiển AT-3 Sagger bắn cháy 8 chiến xa M 41,
2 chiến xa còn lại bị đứt xích nhưng vẫn nỗ lực bắn trả các đợt tấn
công của địch. 2 giờ sáng ngày 24-4, 15 chiến xa CQ bao vây căn cứ Tân
Cảnh nhưng vào lúc này, lực lượng trú phòng không còn một chi đội chiến
xa nào để hợp lực cùng Bộ binh đánh trả đối phương.
Cùng thời gian mở cuộc tấn công vào Tân Cảnh, Cộng quân cũng đã áp lực
nặng tuyến phòng thủ của Trung đoàn 47 BB tại Dakto 2. Theo lệnh của bộ
Tư lệnh Hành quân Sư đoàn 22 BB, hai chi đội Thiết kỵ và 1 trung đội Bộ
binh tùng thiết được lệnh rời khỏi căn cứ Ben Het trong tình trạng khẩn
cấp để tăng cường cho lực lượng phòng thủ Dakto 2. Để về được vị trí
mới, hai chi đội này đã di chuyển theo tỉnh lộ 512, con đường độc nhất
còn lại. Trên lộ trình, đoàn xe phải băng qua nhiều đồi dốc và rừng rậm.
Sau khi đi được nửa đoạn đường, vừa qua khỏi cầu Dak Mot, hai chi đội
và trung đội tùng thiết đã bị CQ phục kích bằng một lực lượng lớn đang
chiếm giữ các cao điểm ở phía Đông của cầu. Cộng quân đã sử dụng các vũ
khí cộng đồng chống chiến xa để bắn cháy đoàn xe. Đây là 2 chi đội chiến
xa trừ bị cuối cùng của lực lượng VNCH tại mặt trận Bắc Kontum.
Sau khi phòng tuyến Tân Cảnh và Dakto bị thất thủ, bộ Tư lệnh Quân đoàn 2
đã khẩn cấp phối trí lực lượng để bảo vệ thị xã Kontum. Tân tư lệnh
Quân đoàn 2 là thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn đã chỉ thị cho trung tá
Nguyễn Đức Dung- tư lệnh Lữ đoàn 2 Kỵ binh điều động lực lượng của lữ
đoàn này cùng với một liên đoàn Biệt động quân tăng cường, khẩn cấp đưa
các chiến xa lên Kontum bằng mọi giá. Vị tư lệnh Quân đoàn đã ra lệnh
cho trung tá Dung rằng lực lượng tăng viện không cần phải mất thời gian
để thanh toán các chốt chận của CQ trên đèo Chu Pao, mà phải mở lộ trình
vòng quanh sau lưng đối phương để di chuyển. Theo lệnh của tướng Toàn,
Lữ đoàn 2 Kỵ binh phải hoàn tất cuộc hành quân này trong thời hạn 3
ngày.
Cuộc chuyển quân của Lữ đoàn 2 Kỵ binh và Biệt động quân đã gặp sự kháng
cự mạnh của CQ. Với tất cả nỗ lực, Lữ đoàn 2 Kỵ binh và Biệt động quân
đã triệt hạ các cụm chốt kháng cự của địch quân, mở được Quốc lộ 14 bis
quanh đèo Chu Pao, đưa được nhiều chiến xa lên phòng tuyến Kontum đúng
hạn định. Đoàn chiến xa và đoàn quân xa chở Biệt động quân qua cầu
Dak-Bla tiến vào Kontum, đồng bào trong thị xã chạy ra xem, nồng nhiệt
chào đón, hoan hô vang trời. Tại đầu cầu Dakbla, tướng Toàn đã gắn cấp
bậc đại tá tại mặt trận cho trung tá Nguyễn Đức Dung.
* Thiết đoàn 1 Kỵ binh trên chiến trường Bình Long:
Tại mặt trận Bình Long, CSBV tung quân chiếm Lộc Ninh, trận tấn công của địch quân được bắt đầu với cuộc phục kích diễn ra vào ngày 4/4 trên Quốc lộ 13, cách quận lỵ Lộc Ninh 5km về phía Bắc. Được lệnh triệt thoái từ khu vực gần biên giới về tăng cường phòng thủ chi khu Lộc Ninh, một chi đoàn thuộc thiết đoàn 1 Kỵ binh đã bị CQ phục kích khi còn cách Lộc Ninh khoảng 2 km. Ngay sau khi nhận được tin, trung tá Dương thiết đoàn trưởng cùng với bộ chỉ huy ở Bố Đức lên Thiết quân vận để đến gần trận địa đôn đốc chi đoàn bị phục kích tổ chức phản công vượt vòng vây của địch. Khi Thiết quân vận chở trung tá Dương di chuyển được hơn 2 km thì vị thiết đoàn trưởng có linh tính là đoàn xe sẽ bị CQ phục kích, ông ra lệnh cho chi đội bảo vệ bảo vệ chỉ huy đổi hướng đi về phía Tây xuyên qua rừng cao su. Khi chỉ còn cách chi đoàn khoảng hơn 1 km thì đoàn xe bị CQ tấn công. Xe chở trung tá Dương bị trúng đạn bốc cháy, tài xế bị thương, trung tá Đương nhảy ra khỏi xe. Chi đội bảo vệ đã khai triển đội hình tác xạ để yểm trợ đồng thời dập tắt được ngọn lửa, xe chỉ huy của trung tá Dương vẫn trong tình trạng khả dụng dù bị cháy một phần. Sau đó, trung tá Dương đã dùng máy điều động chi đoàn nói trên rút về phía Nam.
Trận chiến tạm lắng dịu thì bộ chỉ huy Thiết đoàn 1 được lệnh phối hợp
với một thành phần bộ chiến để tái chiếm căn cứ trên đồi Lộc Tấn. Chiến
đoàn Thiết giáp và Biệt động quân đã chiếm được hơn nửa ngọn đồi, nhưng
áp lực của CQ quanh đồi vẫn còn nặng. Ước định Cộng quân sẽ tăng cường
lực lượng để phản công mạnh nên trung tá Dương cho lệnh các đơn vị triệt
thoái về ngã ba Bố Đức. Trên đường chuyển quân về tuyến sau, một chi
đoàn của Thiết đoàn đã bị CQ bao vây, riêng vị thiết đoàn trưởng đã
hướng dẫn bộ chỉ huy tiến về hướng Tây Nam. Đoàn xe của bộ chỉ huy Thiết
đoàn bị địch tấn công, một số xa đội bị CQ chận đánh, cuối cùng chỉ còn
lại xe chở trung tá Dương và 1 xe đi theo ông. Trong tình hình vô cùng
nguy kịch, trung tá Dương cố liên lạc với phi cơ quan sát L 19 để xác
định điểm dừng của ông, đồng thời nhờ quan sát viên L 19 hướng dẫn các
chi đội, chi đoàn cố tập trung về vị trí mà ông và ban chỉ huy đang cố
thủ, tuy nhiên do bị CQ bao vây tứ phía nên các xa đội không phá vòng
vây được.
Dù chỉ còn hai xe với hơn 20 chiến binh vừa Thiết Giáp vừa Biệt Động
quân, trung tá Dương cố mở một sinh lộ cho toán quân, ông ra lệnh cho
tài xế 2 xe chạy về hướng Nam của phi trường Lộc Ninh, tuy nhiên chỉ mới
di chuyển được một đoạn thì toán quân và xe bị CQ chận vây. Trước tình
thế đó, trung tá Dương cho lệnh phá hủy hệ thống truyền tin trên xe, sau
đó ông cùng với toán quân rời xe, mở đường máu vượt thoát vào rừng. 24
giờ sau, vào ngày 7/4, trung tá Dương và anh em đi theo ông bị CQ bắt ở
một vị trí cách quận lỵ Lộc Ninh khoảng gần 3 km, trước đó vào sáng 6/4,
CQ đã tràn ngập Lộc Ninh.
Sau khi một phần lực lượng của Thiết đoàn 1 Kỵ binh bị tổn thất tại Lộc
Ninh, thiết đoàn 9 Kỵ binh đã được tăng cường cho mặt trận Bình Long.
Thiết đoàn này đã cùng với các đơn vị bộ chiến phản công giải tỏa áp
CSBV trên Quốc lộ 13 vào giữa tháng 5 của cuộc chiến Mùa Hè 1972.
(Biên soạn dựa theo tài liệu của binh chủng Thiết giáp QL.VNCH, một số bài viết đăng trong KBC, và của Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ…)
https://vietbao.com/a76432/lu-doan-1-2-thiet-doan-1-kb-tai-dong-ha-kontum-loc-ninh