Tổng
thống Pháp Emmanuel Macron có ý định lập một liên minh gồm các quốc gia
sẵn sàng gửi quân tới Ukraine để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Vấn đề
nhạy cảm này sẽ nằm trong chương trình nghị sự của cuộc gặp dự kiến
diễn ra vào ngày 07/06 tại Élysée, giữa tổng thống Pháp và người đồng
cấp Ukraina, Volodymyr Zelensky. RFI Tiếng Việt điểm lại một số ý kiến
chuyên gia về vấn đề đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Được
khởi xướng từ vài tháng trước, các cuộc thảo luận giữa Paris và Kiev về
khả năng đưa chuyên gia huấn luyện quân sự Pháp tới Ukraina đang dần
thành hình. Vấn đề này một lần nữa sẽ được đặt lên bàn thảo luận trong
cuộc gặp giữa hai tổng thống Emmanuel Macron và Volodymyr Zelensky, dự
kiến vào thứ Sáu (07/06), một ngày sau lễ kỷ niệm 80 năm đồng minh Mỹ
đổ bộ vào Normandie ( D-Day),
Trong bối cảnh mang tính biểu tượng
cao này, có thể lãnh đạo Pháp sẽ thông báo dự định thành lập một liên
minh gồm các nước phương Tây sẵn sàng gửi quân đến Ukraine, không phải
để chiến đấu bên cạnh những người lính của Kiev mà để thực hiện các
nhiệm vụ « huấn luyện ». Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiều
lần nêu khả năng gửi quân đội phương Tây tới giúp Kiev, làm dấy lên
tranh cãi giữa các đồng minh của ông.
Chuyên gia quân sự đến Ukraina để làm gì ?
Trên
thực tế hiện nay, một số nước như Đức, Ba Lan và Pháp đang đào tạo binh
sĩ Ukraina. Nhưng các khóa đào tạo này được phân bổ trực tiếp tại các
quốc gia liên quan, khiến công tác hậu cần trở nên nặng nề. Một nguồn
tin ngoại giao cho biết mục tiêu tiếp theo là tăng cường hiệu quả và
huấn luyện trên đất Ukraina về rà phá bom mìn hoặc bảo trì các thiết bị
quân sự đã chuyển cho Kiev.
Ông Elie Tenenbaum, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri), nhấn mạnh, việc tổ chức lại như vậy sẽ giúp “ tích lũy kinh nghiệm nhanh hơn, đào tạo nhiều người hơn, từ đó cải thiện chất lượng và số lượng”.
Không
chỉ có Pháp sẽ gửi chuyên gia quân sự đến Ukraina. Ý tưởng mà Emmanuel
Macron đang định triển khai là một kiểu “liên minh châu Âu”. Theo bộ
Quân Lực Pháp, thực ra dự án đã được lên kế hoạch kể từ hội nghị quốc tế
ủng hộ Ukraina được tổ chức hồi cuối tháng 2 năm nay tại Paris.
Theo
các nguồn tin quân sự thân cận với hồ sơ, một dự án chắc chắn đã được
thảo luận nhưng vẫn còn lâu mới được hoàn thiện, vì nhiều quốc gia lo
ngại về nguy cơ bị Nga trả đũa. Các nước vùng Baltic và thậm chí cả Ba
Lan dường như đã sẵn sàng vào cuộc. Trái lại, Đức tỏ ra dè dặt hơn .
Còn
Hoa Kỳ, phát ngôn viên An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết
hôm thứ Ba rằng Mỹ không có kế hoạch cử chuyên gia quân sự tới Ukraina.
John Kirby lập luận: “Họ
(Ukraina) cần thêm hệ thống phòng không và chúng tôi đang nghiên cứu
vấn đề đó. Họ cần luồng vũ khí được chuyển liên tục, chúng tôi sẽ cung
cấp ”.
Tuần trước, tổng tư lệnh quân đội Ukraina, Oleksandr Syrsky khẳng định Pháp « sắp sửa » gửi các chuyên gia tới. Tuy nhiên, bộ Quốc Phòng Ukraina ngay sau đó đã cho biết rõ việc đưa chuyên gia "vẫn đang được thảo luận" với Pháp và các nước khác.
Chủ
đề này đang được Matxcơva theo dõi kỹ lưỡng. Nga đe dọa nhắm vào các
quân nhân Pháp. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov cảnh báo: “Không có chuyên gia nào tham gia huấn luyện binh sĩ Ukraina được miễn trừ”. Thông
điệp cảnh cáo được người đứng đầu cơ quan ngoại giao Nga nhắc lại hôm
thứ Ba (03/06). Ông Sergei Lavrov từ CHDC Congo nhấn mạnh: “Bất kể
quy chế của họ thế nào: là quân nhân Pháp hay lính đánh thuê, họ đều là
mục tiêu hoàn toàn hợp pháp của quân đội chúng tôi”.
Làm nhiệm vụ bảo trì và đào tạo
Nếu
dự án mà ông Emmanuel Macron mong muốn thành hiện thực, nó có thể tạo
thuận lợi đáng kể công tác hậu cần liên quan đến việc huấn luyện quân
đội Ukraina ở nước thứ ba.
“Đào tạo ở nước ngoài cần
có thời gian. Do đó, điều này có thể giúp giảm bớt tình trạng không đủ
sĩ quan và binh sĩ Ukraine, đồng thời dẫn đến việc luân chuyển nhân sự
nhanh hơn và hiệu quả hơn nhiều,” nhà sử học quân sự và giáo viên tại Đại học Sorbonne, Guillaume Lasconjarias, giải thích.
Từ
nhiều tháng nay, Ukraina thiếu vũ khí, đạn dược nhưng trên hết là quân
để ngăn chặn các cuộc tấn công tăng cường của Nga ở Donbass. Để bổ sung
lực lượng chiến đấu đã hao hụt sau năm thứ ba chiến tranh, tổng thống
Volodmyr Zelensky vào tháng 4 đã quyết định mở rộng việc động viên quân,
hạ độ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống 25 tuổi.
Guillaume Lasconjarias giải thích thêm : “
Lợi thế khác của huấn luyện tại chỗ là nó đồng bộ hơn với các yêu cầu
của chiến đấu tại thực địa...Việc huấn luyện ở nước ngoài thường được
thực hiện với các tiêu chuẩn và yếu tố lý thuyết không mấy gần với thực
tế chiến đấu, do đó chúng ta cũng sẽ đạt được hiệu quả và độ chính xác.”
Cơ
cấu việc làm, địa điểm, mục tiêu... nhiều vấn đề vẫn còn bỏ lửng. Cuộc
gặp giữa Emmanuel Macron và Volodymyr Zelensky dự kiến diễn ra vào thứ
Sáu có thể giúp làm rõ các ưu tiên của Kiev. Tướng Dominique Trinquand,
cựu lãnh đạo phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc, giải thích: “Trước
hết là ưu tiên đào tạo sử dụng thiết bị do các nước phương Tây cung
cấp. Đây là những thiết bị mà chúng ta biết rõ. Do đó, chúng ta có thể
huấn luyện ngay lập tức, chẳng hạn như về đại bác Caesar”
Việc
sử dụng các tên lửa tầm xa rất phức tạp như tên lửa Storm Shadow của
Anh và Scalp của Pháp cũng có thể có lợi với sự có mặt của các chuyên
gia quân sự của phương Tây.
Tướng Trinquand nhận định: “Ngoài
nhiệm vụ đào tạo, những chuyên gia quân sự có thể tham gia bảo trì thiết
bị đã cũ sau hai năm chiến tranh và họ cũng có thể thực hiện công việc
này trực tiếp trên lãnh thổ Ukraina”.
Cho các chiến dịch phức tạp
Việc
gửi chuyên gia huấn luyện đến Ukraina sẽ là bước tiến mới trong viện
trợ của phương Tây sau khi Kiev được phép tấn công, trong một số điều
kiện nhất định, vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Berlin, Paris hoặc
Washington cung cấp.
Hôm thứ Ba, truyền thông Ukraine đưa tin rằng
một cuộc tấn công của giàn phóng tên lửa đa nòng của Mỹ, Himars đã đánh
trúng hệ thống phòng không của Nga ở khu vực Belgorod. Lần đầu tiên kể
từ khi bắt đầu cuộc xung đột.
Việc dỡ bỏ những điều cấm kỵ mới đó
diễn ra trong khi Kiev đang gặp khó khăn ở mặt trận. Trong những tuần
gần đây, Nga tiếp tục tuyên bố có những bước tiến chậm nhưng dđều đặn ở
miền đông Ukraina và hiện đang đe dọa Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của
nước này.
Guillaume Lasconjarias cho biết: “Các chuyên gia
quân sự phương Tây cũng có thể giúp Ukraina lên các chiến dịch tác chiến
phức tạp phối hợp hoạt động của lực lượng trên bộ và trên không. Sự có
mặt đó thực sự hữu ích trong việc chuẩn bị cho các cuộc phản công trong
tương lai”.
Tướng Trinquand thì nhận định, sáng kiến của Pháp mang “thông điệp chính trị và quyết tâm của các nước châu Âu muốn chứng tỏ họ chống lại các hành động của Nga”.
Guillaume Lasconjarias cho biết thêm: “Pháp
đang bảo vệ quan điểm của mình về một châu Âu có khả năng tự mình nắm
vận mệnh của mình và có sức mạnh quốc phòng, nhất là trong một môi
trường địa chính trị bất trắc với khả năng Donald Trump đắc cử nhiệm kỳ
thứ hai.”
(Theo France24.com)