Kể
từ khi chính phủ Cam Bốt công bố kế hoạch xây dựng kênh đào Funan Techo
( Phù Nam Techo ), chính phủ Việt Nam và một số chuyên gia đã bày tỏ
quan ngại về tác động của dự án này đối với vùng đồng bằng sông Cửu
Long. Tuy nhiên, giới chuyên gia Việt Nam lại không đồng nhất ý kiến về
tác động thật sự của kênh đào Funan Techo, nhất là đối với lưu lượng của
các con sông tại vùng đồng bằng này.
Về mặt giao thông, với
kênh đào này, dự án 1,7 tỷ đôla do Trung Quốc tài trợ, hàng hóa từ thủ
đô Phnom Penh sẽ được vận chuyển thẳng đến các cảng trên Vịnh Thái Lan,
không đi vòng qua Việt Nam nữa.
Theo thông tin từ phía Cam Bốt,
kênh đào Funan Techo sẽ có chiều dài khoảng 180 km, đi qua 4 tỉnh (
Kandal, Takeo, Kampot và Kep) với tổng dân số sinh sống hai bên ven sông
là 1,6 triệu người. Dự án cũng sẽ xây dựng 3 âu thuyền để duy trì mực
nước, 11 cây cầu và 208 km đường mới kèm theo.
Theo thiết kế, kênh
Funan Techo sẽ có chiều rộng 100m ở thượng nguồn, 80m ở hạ lưu và có độ
sâu 5,4m. Dự kiến kênh đào sẽ được khởi công vào khoảng cuối năm 2024
và hoàn thành vào năm 2027, với tổng lượng hàng hóa lưu thông qua tuyến
đường thủy mới này được ước lượng là 7 triệu tấn/năm.
Chính phủ Hà
Nội đã chính thức lên tiếng bày tỏ quan ngại về tác động của kênh đào
Funan Techo đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Về ý kiến của các
chuyên gia, theo báo chí trong nước, tại hội nghị tham vấn về Dự án kênh
đào Funan Techo, do Ủy ban sông Mekong Việt Nam (VNMC) tổ chức ngày
23/4 ở Cần Thơ, tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giảng viên Cao cấp của Khoa Môi
trường, Trường Đại học Cần Thơ, lưu ý là báo cáo của Ủy ban sông Mekong
quốc gia Cam Bốt (CNMC) chỉ đề cập đến chức năng của kênh Funan Techo
như một thủy lộ hay kênh giao thông thủy, mà lại không đề cập đến các
chức năng khác, cụ thể không nói rõ là kênh có phục vụ tưới tiêu, sản
xuất nông nghiệp, lấy nước sinh hoạt hay không và mức độ khai thác thế
nào.
Theo ông Lê Anh Tuấn, kênh Funan Techo sẽ liên quan đến dòng
chính sông Mekong và có tác động đến đồng bằng sông Cửu Long, lượng nước
của sông Mekong về đồng bằng sông Cửu Long có thể giảm nghiêm trọng hơn
những năm khô hạn. Bên cạnh đó, kênh đào Funan Techo được cho là sẽ có
tác động về hệ sinh thái, môi trường và tính đa dạng sinh học của vùng
này.
Cũng tại hội nghị nói trên, ông Phạm Hồ Quốc Tuấn, Đài khí
tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nhắc lại, từ Phnom Penh, dòng chảy sông
Mê Kông có phân lưu sông Bassac ( Hậu Giang, theo tên Việt Nam ), phân
chia dòng chảy từ thượng nguồn về hạ lưu. Khi kênh đào Funan Techo đi
vào hoạt động, dòng chảy sông Mekong sẽ phân chia thêm một lượng nước về
sông Bassac, làm giảm dòng chảy sông Mekong về hạ lưu (Tiền Giang ),
dẫn đến khả năng là nguy cơ thiếu hụt lượng nước trong mùa khô ngày càng
nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác như giáo sư
Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, thì không
tin vào kịch bản nói trên:
“Theo tôi và một số anh em trong
ngành thủy lợi, mình không nên lo lắng nhiều quá, tại vì sông Mekong
chảy từ Tây Tạng qua Vân Nam ( Trung Quốc ), Lào, Thái Lan, Cam Bốt, rồi
mới đổ vào Việt Nam. Nếu có dịp đi dọc theo sông Mekong ta sẽ thấy dòng
sông này, sau Lào, khi xuống tới đoạn Cam Bốt qua Việt Nam, có những
khúc không đi tàu được, vì nhiều đoạn chỉ là ghềnh thác hoặc đá sỏi. Cho
nên, trong thực tế, những nước phía trên Việt Nam không tận hưởng được
nước như tại đồng bằng sông Cửu Long của mình, vì mặt đất ruộng của họ
cách mặt nước của dòng sông khá là xa, có nơi tới mười mấy, hai chục
mét, thành ra không cách chi mà lấy nước để mà tưới được.
Mực
nước sông Mekong khi vào Việt Nam thì cách mặt đất ruộng chỉ khoảng 1
mét, cho nên mình hưởng nước này gần như trọn vẹn hơn các nước phía
trên. Sông Cửu Long khi xuống tới Việt Nam thì dòng Tiền Giang trở nên
rất là mạnh, trong khi Hậu Giang chảy rất yếu. Do đó, thiên nhiên cũng
tạo ra sông Vàm Nao, tách ra từ Tiền Giang, đổ xuống dưới,chảy vào Hậu
Giang. Cụ thể là trong mùa mưa, mùa lụt, lưu lượng của nước từ Tiền
Giang tràn qua phía Hậu Giang, tạo thành sông Vàm Nao.
Trước
năm 1974, lưu lượng của sông Cửu Long đo tại Kratie bên Cam Bốt trong
mùa nước lớn là khoảng 40.000 m3/giây, nhưng tới mùa nắng, mùa khô thì
còn tối đa là 2.000 m3/giây. Nhưng sau năm 1974 cho tới những năm gần
đây, lưu lượng mùa khô tăng lên thành 2.300 m3/giây, chứng tỏ là nó có
nhiều nước hơn trong lúc này. Tuy nhiên, khi vào đến Phnom Penh, khi
Mekong chảy thành hai đoạn, thì kênh đào Funan Techo sẽ lấy nước từ Hậu
Giang, tức là sông yếu hơn của Mekong. Thành ra, những người lo lắng, bi
quan thì nói là nó sẽ lấy nước đồng bằng sông Cửu Long ít nhất là từ
50% đến 70%, thì đồng bằng sông Cửu Long sẽ khô hạn hết. Tôi và một số
chuyên gia về thủy lợi thì không tin điều đó, tại vì sông Tiền Giang từ
xưa đến nay luôn luôn là rất mạnh. Bây giờ dù phía Cam Bốt có lấy nước
đi nữa, thì nó cũng còn ở phía trên, còn bên mình thì nước chảy xuống
những cao độ thấp hơn bên đó, cho nên mình vẫn có thể hưởng được dòng
Tiền Giang, rồi từ Tiền Giang qua sông Vàm Nao để đổ vào hệ thống Hậu
Giang.”
Thật ra thì một số chuyên gia lo lắng là vì đối với họ, báo cáo của Ủy ban sông Mekong quốc gia Cam Bốt về kênh đào Funan Techo “chưa phân tích đầy đủ, chưa thể hiện hết các mặt của sự tác động”.
Vì thế, họ yêu cầu phía Cam Bốt chia sẻ minh bạch các thông tin chi
tiết về dự án bao gồm cả báo cáo khả thi và kết quả đánh giá tác động
môi trường của dự án. Họ cũng đề nghị Ủy hội sông Mekong quốc tế cần hỗ
trợ các quốc gia tiến hành một nghiên cứu chung về tác động xuyên biên
giới của dự án tới tất cả các lĩnh vực và đề xuất biện pháp giảm thiểu
tác động.
Riêng đối với giáo sư Võ Tòng Xuân, phía Cam Bốt cần
phải cung cấp thêm một số thông tin để có thể đánh giá tác động của kênh
đào Funan Techo đối với lưu lượng các con sông ở đồng bằng sông Cửu
Long:
“Thật sự lưu lượng nước lấy từ sông Hậu Giang bên phía
Cam Bốt để cung cấp cho kênh đào này không quá nhiều như là nhiều người
đang lo. Trái lại, nó sẽ lấy vừa phải, bởi vì bản thân dòng nước này đã
yếu rồi. Bây giờ mình sẽ hỏi thêm là họ có đào thêm một con kênh mới để
nối Tiền Giang với Hậu Giang để đưa xuống con kênh này hay không, thì
mình sẽ biết rõ ràng hơn, chắc chắn hơn là họ lấy bao nhiêu nước. Đến
chừng đó mình mới dám kết luận là kênh Funan Techo có làm hại cho lượng
nước xuống đồng bằng sông Cửu Long của mình hay không? Bây giờ mình chỉ
mới nói theo cảm tính thôi, chứ còn số liệu cụ thể thì chưa có"
Về
phía chính phủ Việt Nam, trong cuộc họp báo ngày 05/05/2024, phát ngôn
viên bộ Ngoại Giao Phạm Thu Hằng đã ra lời kêu gọi với phía Cam Bốt:
“Chúng
tôi mong rằng Cam Bốt tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các
nước trong Ủy hội sông Mekong chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác
động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường
sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong" .
Đáp lại những
quan ngại nói trên, chính phủ của thủ tướng Hun Manet vẫn không thay đổi
lập trường, đó là họ sẽ tiến hành xây dựng kênh đào Funan Techo mà
không cung cấp thông tin chi tiết về dự án này cho phía Việt Nam. Theo
nhật báo Khmer Times, trong một cuộc họp báo với các phóng viên trong
nước vào ngày 07/05, phó thủ tướng Sun Chanthol khẳng định dự án kênh
đào "chỉ cần 5 mét khối mỗi giây (m3/s), tương đương 0,053% lưu lượng sông Mekong", tức là sẽ không gây tình trạng thất thoát nước. Ông còn khẳng định khi đi vào hoạt động, kênh đào "sẽ góp phần giảm nhẹ lũ lụt ở miền Nam Việt Nam".
Ông
Chanthol cho biết đã tham khảo Hiệp định Mekong năm 1995, quy định rằng
các hoạt động ảnh hưởng đến các nhánh của sông Mekong, bao gồm cả Tonle
Sap, phải được “thông báo” cho Ủy ban Hỗn hợp. Cam Bốt đã thông báo cho ủy ban này vào ngày 08/08/2023. Nhưng phó thủ tướng Chanthol nhấn mạnh : “Cam Bốt không bắt buộc phải tham vấn trước hoặc phải có thỏa thuận cụ thể từ các nước thành viên Ủy hội sông Mekong ( MRC)”.
Phó
thủ tướng Cam Bốt ngược lại đã chỉ trích Hà Nội khi nêu lên dự án cải
tạo kênh Chợ Gạo ở miền Nam Việt Nam và khẳng định là phía Việt Nam "thậm chí còn không thông báo về dự án này cho Ủy hội sông Mekong”.
Cũng
theo Khmer Times, cựu thủ tướng Hun Sen, hiện là chủ tịch Thượng Viện
Cam Bốt, hôm 16/05 thậm chí còn kêu gọi chính phủ đừng chờ đợi nữa mà
hãy tiến hành xây kênh đào Funan Techo càng sớm càng tốt để chấm dứt
những tranh luận chung quanh dự án này.