Nga, Trung nhấn mạnh đối thoại về Ukraine
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức hội đàm chính thức tại Điện Kremlin ở Moscow, trong ngày thứ hai chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập. Hai nhà lãnh đạo đã đưa ra tuyên bố chung về việc "tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong thời đại mới" giữa hai nước, trong đó đề cập đến việc giải quyết vấn đề Ukraine.
Trích dẫn tuyên bố chung, hãng tin Tân Hoa xã cho biết hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine bắt buộc phải tôn trọng những quan ngại chính đáng về an ninh của tất cả các quốc gia, cũng như phải ngăn chặn sự hình thành cục diện đối đầu giữa các phe phái hay đổ thêm dầu vào lửa. Hai bên nhấn mạnh đối thoại có trách nhiệm là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề một cách bền vững, đồng thời kêu gọi chấm dứt mọi hành động kéo dài chiến sự, không để khủng hoảng trầm trọng thêm, thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát.
Hai bên đồng thời phản đối bất kỳ quốc gia hoặc nhóm quốc gia nào làm tổn hại đến lợi ích an ninh hợp pháp của các quốc gia khác để theo đuổi các lợi ích của riêng mình, cũng như phản đối bất kỳ biện pháp trừng phạt đơn phương nào không được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho phép.
Theo Tân Hoa xã, Nga tái khẳng định cam kết nối lại đàm phán hòa bình với Ukraine càng sớm càng tốt, hoan nghênh việc Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao, cũng như hoan nghênh "kế hoạch hòa bình" của Bắc Kinh.
Tuyên bố chung cũng khẳng định quan hệ song phương Trung - Nga đang ở mức cao nhất trong lịch sử, nhưng "không nhắm vào bất cứ một nước thứ ba nào". Theo đó, quan hệ giữa hai nước không phải là "liên minh quân sự - chính trị" giống như những liên minh hình thành trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cũng không mang bản chất "đối đầu".
Trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống Putin cho biết việc giải quyết xung đột ở Ukraine có thể dựa trên "kế hoạch hòa bình" do Trung Quốc đề xuất khi phương Tây và Kyiv sẵn sàng cho chuyện đó, theo hãng tin RIA Novosti. Trong khi đó, ông Tập tái khẳng định lập trường "trung lập" của Trung Quốc về Ukraine và kêu gọi đối thoại.
"Chúng tôi tin rằng nhiều điều khoản trong kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đưa ra phù hợp với cách tiếp cận của Nga và có thể được coi là cơ sở cho một giải pháp hòa bình khi phương Tây và Kyiv sẵn sàng cho chuyện đó. Tuy nhiên, cho đến nay chúng tôi không thấy sự sẵn sàng như vậy từ phía họ", Reuters dẫn lời ông Putin.
Đề xuất của Trung Quốc - một kế hoạch gồm 12 điểm kêu gọi ngừng leo thang xung đột và cuối cùng là ngừng bắn ở Ukraine - thiếu thông tin chi tiết về cách thức chấm dứt chiến sự. Phương Tây đã bác bỏ kế hoạch của Bắc Kinh, trong khi Kyiv hoan nghênh sự can dự của Trung Quốc nhưng tuyên bố rằng điều kiện tiên quyết cho hòa bình là Nga phải rút toàn bộ quân khỏi Ukraine.
Cũng trong ngày 21.3, ông Tập và ông Putin đã chứng kiến việc ký kết 14 văn kiện về "hợp tác chiến lược" sau những gì tổng thống Nga mô tả là các cuộc hội đàm "thành công và mang tính xây dựng" cho thấy Trung Quốc rõ ràng hiện là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Nga. "Tôi tin rằng hợp tác nhiều mặt của chúng ta sẽ tiếp tục phát triển vì lợi ích của người dân hai nước chúng ta", ông Putin nói trong họp báo.
Một trong những lĩnh vực hợp tác mà hai bên nhấn mạnh là năng lượng. Theo RIA Novosti, ông Putin nói với ông Tập rằng Nga có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc, nhấn mạnh hợp tác năng lượng giữa hai nước đang ngày càng mở rộng. Tổng thống Nga cho hay gần như mọi thông số của dự án dẫn khí đốt từ Nga sang Trung Quốc Power of Siberia 2 đã được thống nhất. Ngoài ra, ông Putin cũng cho rằng Nga và Trung Quốc có thể dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) nếu kết hợp tiềm năng của hai nước.
Trước các cuộc hội đàm với ông Putin, ông Tập đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin. Theo tường thuật của RIA Novosti về cuộc gặp, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói quan hệ giữa hai nước đã đứng vững trước thử thách của thời gian và việc ông chọn thăm Nga đầu tiên sau khi đắc cử nhiệm kỳ thứ ba là "phù hợp với logic lịch sử", vì hai nước là những nước láng giềng lớn nhất và cũng là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.
Ông Tập cũng đã mời ông Putin cũng như ông Mishustin thăm Trung Quốc vào thời điểm thích hợp trong năm nay, theo truyền thông Nga.
Nga lên án Anh, cảnh báo nguy cơ "đụng độ hạt nhân"
Nga ngày 21.3 đã lên án kế hoạch của Anh về việc gửi đạn dược chứa uranium nghèo tới Ukraine, động thái mà Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho rằng góp phần rút ngắn thời gian dẫn đến một "đụng độ hạt nhân" tiềm tàng giữa Nga và phương Tây.
Phát biểu tại London hôm 20.3, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Anh Annabel Goldie cho biết trong số đạn dược dành cho xe tăng chiến đấu Challenger 2 mà Anh đã gửi tới Ukraine, có loại đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo, theo Reuters.
"Một bước nữa đã được thực hiện, và càng ngày càng ít bước đi còn lại", ông Shoigu nói với báo giới trong phát biểu được các hãng tin trong nước trích dẫn. Khi được hỏi liệu điều này có nghĩa là thế giới đang tiến gần đến một vụ đụng độ hạt nhân hay không, ông trả lời: "Không phải ngẫu nhiên mà tôi nói với các bạn về các bước đi. Càng ngày càng ít hơn rồi".
Thủ tướng Nhật gặp tổng thống Ukraine
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đến Kyiv hôm 21.3 trong một chuyến thăm được giữ bí mật đến giờ chót, theo hãng tin Kyodo. Chuyến đi thể hiện cam kết của Tokyo trong việc hỗ trợ Ukraine, diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7 tại Nhật vào tháng 5. Trước chuyến đi, ông Kishida là nhà lãnh đạo duy nhất trong G7 chưa từng đặt chân đến Ukraine kể từ khi chiến sự bùng nổ.
Hình ảnh được chiếu trên đài truyền hình NHK vào sáng 21.3 cho thấy ông Kishida lên tàu lửa ở thành phố Przemysl của Ba Lan, sát biên giới với Ukraine. Thủ tướng Nhật Bản dự kiến cũng sẽ hội đàm với người đồng cấp Ba Lan vào ngày 23.3 trước khi lên đường về nước.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đăng đoạn video quay cảnh ông chào đón Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ở trung tâm Kyiv. Ông Zelensky đã gọi ông Kishida là "người bảo vệ thực sự mạnh mẽ cho trật tự quốc tế", cũng như là "người bạn lâu năm của Ukraine".
Trước đó, ông Kishida đã đi thăm thị trấn Bucha, nơi trở thành tâm điểm với cáo buộc hơn 400 thường dân đã bị giết hại vào năm ngoái. "Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine với nỗ lực cao nhất để giành lại hòa bình", ông Kishida tuyên bố, theo Reuters.