Ngày
09/06/2024, cử tri 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ đi bỏ phiếu
bầu Nghị Viện Châu Âu. Riêng tại Pháp, cho dù đây là bầu cử ở cấp độ
châu Âu, trong chiến dịch vận động tranh cử, đảng cực hữu Tập Hợp Dân
Tộc đã biết khai thác những chủ đề trong nước, cho nên hiện vẫn chiếm ưu
thế so với các chính đảng lớn khác.
Theo kết quả một cuộc
thăm dò ý định bỏ phiếu được công bố ngày 15/052023, danh sách của đảng
cực hữu Tập Hợp Dân Tộc vẫn bỏ xa các đảng khác với tỷ lệ 31%, trong khi
danh sách đảng của phe đa số chỉ được 16%, theo sát là danh sách của
liên minh đảng Place Publique - Đảng Xã Hội cánh tả, đứng hạng ba với
14,5%. Tiếp đến là đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất, hạng tư và đảng cánh
hữu Những Người Cộng Hòa, hạng năm. Các cuộc thăm dò trước đó cũng đã
cho kết quả tương tự.
Nói chung, trong trong kỳ bầu cử Nghị Viện
Châu Âu lần này, các chính đảng truyền thống từ tả sang hữu đều đang bị
lép vế. Tuy vậy, bên phía cánh tả, có một nhân vật đang phần nào mang
lại sự năng động, đó là nhà viết tiểu luận Raphaël Glucksmann. Cùng với
nhiều nhân vật khác, vào năm 2018, Glucksmann đã thành lập đảng Place
Publique. Đảng này tự nhận là chủ trương bảo vệ môi trường và ủng hộ
châu Âu hợp nhất.
Trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu lần trước
vào năm 2019, Place Publique đã giành được hai ghế nghị sĩ nhờ một danh
sách tranh cử chung với Đảng Xã Hội. Năm nay, hai đảng tiếp tục liên
minh với nhau tranh cử với danh sách chung, đứng đầu là ông Glucksmann.
Tuy hiện giờ đang đứng hạng ba, danh sách của liên minh Place
Publique-Đảng Xã Hội có vẻ như sẽ còn tiến xa hơn.
Nhưng tiếp tục
áp đảo các đảng khác trong chiến dịch tranh cử Nghị Viện Châu Âu 2024
vẫn là đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc, hậu thân của đảng Mặt Trận Dân Tộc
do ông Jean-Marie Le Pen sáng lập.
Trả lời RFI ban Pháp ngữ ngày
22/04, ông Philippe Moreau Chevrolet, chuyên gia về truyền thông chính
trị, giáo sư đại học Khoa học Chính trị Sciences Po, ghi nhận:
“
Xu hướng căn bản hiện nay là đảng Tập Hợp Dân Tộc vẫn đang dẫn đầu, bỏ
xa các đảng khác từ 10 đến 12 điểm. Nhưng danh sách của liên minh Place
publique - Đảng Xã Hội, đứng đầu là Raphael Glucksmann, cũng đang mạnh
lên và đang giành bớt điểm từ danh sách của đảng Phục Hưng, đảng cầm
quyền. Đảng của tổng thống Macron thì giống như đang bị khựng lại, do
ông chủ trương nghiêng hẳn về cánh hữu.
Để tránh tình
trạng những thành phần ôn hòa trong đảng chạy sang phe của Glucksmann,
có thể ông Macron sẽ nghiêng trở lại một ít sang cánh tả, không biết là
bằng cách nào, có thể là qua việc điều chỉnh lập trường về các hồ sơ như
Ukraina, quyền tự do phá thai, luật về trợ tử, để hạn chế phần nào
thiệt hại. Nhưng nói chung tổng thống Macron vẫn quen với những chiến
lược ngắn hạn, với những điều chỉnh nhỏ. Trong khi đó, đảng Tập Hợp Dân
Tộc đã xây dựng hình ảnh của mình từ nhiều tháng qua, giống như Raphael
Glucksmann.”
Về đảng cực hữu, ông Olivier Rouquan, nhà nghiên cứu về Khoa học Chính trị, trả lời RFI Pháp ngữ, cũng có cùng nhận xét:
“
Đảng Tập Hợp Dân Tộc đã có một sự năng động về hình ảnh, về tư tưởng,
về uy tín. Có thể nói, góp phần vào sự “bình thường hóa” các tư tưởng
của Tập Hợp Dân Tộc chính là đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, thậm
chí đảng Phục Hưng cầm quyền, bởi vì những đảng này coi như đã lấy lại
một phần cương lĩnh của đảng cựu hữu. Điều đó giải thích vì sao Tập Hợp
Dân Tộc vẫn giữ được tỷ lệ không dưới 30% trong các cuộc thăm dò.
Những
chủ đề mà đảng Tập Hợp Dân Tộc chọn cũng thu hút các đảng khác, các
cuộc tranh luận đều xoay quanh những chủ đề này. Đó là những chủ đề đơn
giản, hay nói đúng hơn là được trình bày một cách đơn giản dễ hiểu. Nhờ
vậy mà họ thu hút được nhiều người và nhờ vậy mở rộng được thành phần
cử tri. Với những thay đổi có tính chất chiến thuật để cố níu giữ thành
phần cử tri này hay thành phần cử tri kia, các chính đảng gọi là các
đảng có khả năng cầm quyền nghĩ rằng họ có thể lấn sân đảng cánh hữu,
trước đây là Mặt Trận Dân Tộc, nay là Tập Hợp Dân Tộc.
Nên
nhớ là vấn đề này đã được đặt ra từ năm 2002, về hai hồ sơ nhập cư và
an ninh. Ông Jean-Marie Le Pen ( người sáng lập Mặt Trận Dân Tộc ) đã
qua mặt ứng cử viên Xã Hội Lionel Jospin để lọt vào vòng 2 bầu cử tổng
thống chính là vì lúc đó mọi người quá chú tâm vào vấn đề an ninh.
Dần
dần, đảng Tập Hợp Dân Tộc đã thành công trong việc áp đặt quan điểm cho
rằng tình trạng mất an ninh là do vấn đề nhập cư. Các chính đảng khác
thì mãi lo đánh những đòn chiến thuật, nhưng quên mất chiến lược. Các
đảng có khả năng cầm quyền không còn khả năng đấu tranh chống lại quan
điểm của phe cực hữu về an ninh và về nhập cư. Ngay cả đối với giới
truyền thông nói chung, đảng Tập Hợp Dân Tộc nay cũng đã trở thành một
lực lượng chính trị đáng coi trọng."
Youmni Kezzouf, nhà báo
chuyên về phe cực hữu của trang mạng Mediapart, giải thích một đảng có
lập trường chống châu Âu hợp nhất như Tập Hợp Dân Tộc lại đang thắng thế
như vậy, đó là vì họ biết khai thác các chủ đề trong nước:
“Cho
dù người ta thường nói bầu cử Nghị Viện Châu Âu thu hút ít hơn hoặc thu
hút rất ít cử tri Pháp, rằng ít ai hiểu được tầm quan trọng của cuộc
bầu cử này, rằng Nghị Viện Châu Âu là một định chế quá xa vời, ít ai
biết nó vận hành ra sao, nhưng đảng Tập Hợp Dân Tộc đã khởi động chiến
dịch tranh cử cũng như chỉ định người đứng đầu danh sách tranh cử từ rất
sớm. Đó là bởi vì đảng này coi như đang trong chiến dịch tranh cử tổng
thống.
Họ vẫn luôn nói rằng bầu cử Nghị Viện Châu Âu
giống như là một cuộc bầu cử giữa kỳ tương tự ở Mỹ và mục đích chẳng qua
là để chọn ra nhân vật đối lập hàng đầu với tổng thống Macron. Bardella
thì luôn nói rằng cuộc bầu cử này sẽ khẳng định ông trong cương vị thủ
tướng trong trường hợp bà Le Pen đắc cử tổng thống Pháp. Nói cách khác,
đối với đảng Tập Hợp Dân Tộc, bầu cử Nghị Viện Châu Âu là một cuộc tổng
diễn tập cho bầu cử tổng thống Pháp.
Đảng cực hữu vận
động tranh cử xoay quanh hai chủ đề chính. Một là vấn đề chống nhập cư,
chủ đề truyền thống của đảng này. Trong các cuộc mít tinh, khi đề cập
đến vấn đề này, bao giờ diễn giả cũng được vỗ tay hoan nghênh nhiều
nhất.
Chủ đề thứ hai được đề cập nhiều, nhất là từ tháng 1, đó khủng hoảng nông nghiệp với tại Pháp với phong trào nông dân biểu tình.
Đảng
Tập Hợp Dân Tộc cũng vận động tranh cử theo hướng chống xu hướng bảo vệ
môi trường mà họ xem là mang tính trừng phạt, áp đặt, qua việc Ủy Ban
Châu Âu áp đặt ngày càng nhiều chuẩn mực gắt gao đặc biệt là đối với các
nông gia.
Đó là hai nét căn bản trong chiến dịch tranh
cử của đảng Tập Hợp Dân Tộc: chống nhập cư và chống bảo vệ trường mang
tính trừng phạt.”
Như vậy là đảng Tập Hợp Dân Tộc đã đánh
trúng tâm lý dân Pháp. Theo kết quả một cuộc thăm dò được công bố ngày
17/05, đối với từ 40 đến 50% dân Pháp, chiến tranh Ukraina và xung đột ở
dải Gaza là những vấn đề quan trọng trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu
Âu, nhưng không quan trọng bằng các vấn đề trong nước, như sức mua, an
ninh và y tế.
Lên thay cha lãnh đạo đảng Tập Hợp Dân Tộc, bà
Marine Le Pen đã sửa đổi đường lối, để cho đảng cực hữu này dễ được chấp
nhận hơn, nhất là bà không có những phát biểu mang tính bài Do Thái
hoặc kỳ thị sắc tộc giống như cha. Chính nhờ vậy mà theo một cuộc thăm
dò được thực hiện vào cuối tháng 11 năm ngoái, 45% số người được hỏi cho
rằng đảng Tập Hợp Dân Tộc “nay không còn là một mối đe dọa đối với nền
dân chủ ở Pháp”. Theo nhà nghiên cứu Gilles Finchelstein, thuộc tổ chức
Jean Jaurès, đảng Tập Hợp Dân Tộc nay đã trở thành một đảng thu hút đủ
mọi thành phần xã hội và đủ mọi vùng của nước Pháp, cũng như lôi kéo
toàn bộ các độ tuổi từ già đến trẻ. Ông dự báo chắc chắn đảng cực hữu
này sẽ lại về đầu trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu giống như vào
những năm 2014 và 2019.
Thành công của đảng cực hữu Tập Hợp Dân
Tộc một phần cũng chính là nhờ sức thu hút của lãnh đạo trẻ Jordan
Bardella, đứng đầu danh sách Tập Hợp Dân Tộc trong cuộc bầu cử Nghị Viện
Châu Âu. Có thể nói Bardella, năm nay chỉ mới 28 tuổi, đã giúp trẻ hóa
đảng cực hữu ra đời từ thập niên 1990, mà người sáng lập là Jean-Marie
Le Pen, giờ đã 95 tuổi.
Gia nhập đảng Tập Hợp Dân Tộc từ năm 17
tuổi, Bardella đã thăng quan tiến chức rất nhanh và đến năm 2021 được
giao giữ chức chủ tịch đảng, để bà Marine Le Pen rảnh tay chuẩn bị tái
tranh cử tổng thống Pháp năm 2027. Kể từ khi được giao quyền lãnh đạo
đảng, Bardella đã tiếp nối đường lối của bà Le Pen và chỉ trong vòng
chưa tới 5 năm, chính khách còn rất trẻ này đã trở thành một trong những
nhân vật nổi bật trong chính trường nước Pháp.
Bardella rất khôn
khéo, luôn nhắc đến việc bản thân ông xuất thân từ một gia đình nghèo
gốc Ý, lớn lên ở một vùng ngoại ô bình dân của Paris, cho nên rất thấu
hiểu những mối bận tâm của người dân Pháp về sức mua bị sụt giảm, về
nhập cư bất hợp pháp, về tình trạng mất an ninh…
Chính Bardella
đã đứng đầu danh sách tranh cử của Tập Hợp Dân Tộc trong cuộc bầu cử
Nghị Viện Châu Âu kỳ trước vào năm 2019 và đã về đầu, qua mặt cả phe đa
số cầm quyền. Le Pen đã hứa là nếu đắc cử tổng thống, bà sẽ bổ nhiệm
Bardella làm thủ tướng.
Tự tin vào uy thế của mình (hơn 1 triệu
follower trên tài khoản TikTok cá nhân), Bardella thậm chí đã báo trước
là nếu danh sách của Tập Hợp Dân Tộc về đầu trong cuộc bầu cử Nghị Viện
Châu Âu lần này, ông sẽ đòi giải tán Quốc Hội Pháp!
Nhưng cuộc
tranh luận tay đôi trên đài truyền hình tối 13/05/2024 với thủ tướng
Gabriel Attal cho thấy Bardellla hãy còn "non" cả về tuổi tác lẫn kinh
nghiệm chính trị để thực hiện những tham vọng đó. Trước một nhân vật tuy
còn trẻ ( 35 tuổi ) nhưng đã tham gia chính phủ từ nhiều năm qua, người
đứng đầu danh sách tranh cử của đảng Tập Hợp Dân Tộc đã nhiều lần bị
đối thủ đặt trong tình thế khó khăn, kể cả trong vấn đề chống nhập cư
bất hợp pháp. Cuộc tranh luận Attal-Bardella cũng đã làm nổi bật những
mâu thuẫn trong lập trường của lãnh đạo đảng cực hữu, vốn thường bị chỉ
trích là không nắm rành về vận hành của các định chế Liên Hiệp Châu Âu,
cho dù đang là nghị sĩ châu Âu.