Nga phá âm mưu tấn công khủng bố của "3 công dân đến từ Trung Á"
Lực lượng an ninh Nga đã ngăn chặn các hoạt động khủng bố của 3 công dân đến từ một quốc gia Trung Á, lên kế hoạch thực hiện hành động khủng bố bằng cách kích nổ một thiết bị tại khu vực công cộng, theo TTXVN.
Thông báo của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 29-3 xác nhận đã bắt giữ 3 nghi phạm đến từ "một quốc gia Trung Á" đang âm mưu thực hiện vụ tấn công ở miền nam nước Nga.
Theo FSB, cơ quan này đã "ngăn chặn các hoạt động khủng bố của 3 công dân đến từ một quốc gia Trung Á, lên kế hoạch thực hiện hành động khủng bố bằng cách kích nổ một thiết bị tại khu vực công cộng ở vùng Stavropol".
Trong khi đó, Hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin những bộ phận của thiết bị nổ tự chế và các chất hóa học đã được tìm thấy tại nhà của 1 trong 3 nghi phạm.
Vùng Stavropol nằm ở khu vực Bắc Caucasus thuộc miền nam nước Nga, giáp với Dagestan và Chechnya cùng các khu vực khác.
Thông báo của FSB được đưa ra 1 tuần sau vụ khủng bố hôm 22-3 tại Nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô Matxcơva khiến ít nhất 144 người thiệt mạng.
Truyền hình Nga đăng tải hình ảnh một số người đàn ông bị các đặc vụ FSB ghì xuống đất.
Lực lượng Ukraine phải thoái lui nếu thiếu viện trợ Mỹ
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng nếu nước này không có được gói viện trợ quân sự từ Mỹ, các lực lượng Ukraine buộc phải thực hiện vài bước thoái lui nhỏ.
"Nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, điều này đồng nghĩa chúng tôi không có lực lượng phòng không, không tên lửa Patriot, không có máy phá sóng cho tác chiến điện tử, không đạn 155mm", ông Zelensky nói trong cuộc phỏng vấn với báo Washington Post đăng ngày 29-3.
Mỹ là nước viện trợ nhiều nhất cho Ukraine kể từ lúc xung đột Ukraine - Nga chính thức bắt đầu vào tháng 2-2022. Tuy nhiên, gói viện trợ quân sự mới nhất của Mỹ cho Kiev đang mắc kẹt tại Quốc hội Mỹ do lưỡng đảng chưa tìm thấy tiếng nói chung.
Việc này cũng rơi vào tình thế nhạy cảm khi Ukraine được hiểu đang gặp nhiều bất lợi trước Nga và có khả năng hứng chịu đợt tấn công mới từ các lực lượng Nga.
"Điều đó đồng nghĩa chúng tôi phải lui về, rút lui, từng bước một, trong những bước nhỏ. Chúng tôi đang tìm cách để không rút lui", ông nói.
Ý chặn máy bay Nga ở biển Baltic
Ngày 29-3, không quân Ý khẳng định đã chặn máy bay chưa xác định trên vùng biển quốc tế thuộc biển Baltic. Reuters dẫn lời hai nguồn tin quốc phòng Ý nói đó là những máy bay của Nga.
Hai vụ chặn máy bay đã diễn ra vào ngày 28 và 29-3. Máy bay Eurofighter của Ý đã thực hiện nhiệm vụ này như một phần trong sứ mệnh trên không của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), không quân Ý cho biết trong một tuyên bố về vấn đề này. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ, các máy bay trên đã quay về căn cứ ở Ba Lan.
Mỹ hoan nghênh việc cải tổ chính quyền mới của Palestine
Ngày 29-3, Mỹ cho biết nước này hoan nghênh việc đề cử một nội các mới của chính quyền Palestine (PA)
"Việc tái sinh chính quyền Palestine là điều cần thiết để mang lại kết quả cho người dân Palestine cả ở Dải Gaza lẫn Bờ Tây, đồng thời thiết lập điều kiện cho sự ổn định trong khu vực", Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một tuyên bố về vấn đề trên.
Trước đó một ngày, PA công bố thành lập nội các mới, với ưu tiên cải tổ và chấm dứt xung đột ở Dải Gaza. Giữa tháng này, Tổng thống Abbas đã bổ nhiệm cố vấn lâu năm Mohammad Mustafa về lĩnh vực kinh tế của mình làm thủ tướng.
Israel cam kết thúc đẩy sáng kiến viện trợ ở Dải Gaza
Theo Bộ Ngoại giao Israel ngày 29-3, nước này sẽ cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế, chấp hành phán quyết của Tòa Công lý quốc tế (ICJ) rằng hàng viện trợ vào Dải Gaza không bị cản trở. Theo đó, Israel phải cho phép vận chuyển viện trợ vào Gaza trong khuôn khổ các biện pháp tạm thời mới được ban hành, trong vụ Nam Phi kiện Israel về những hành động diệt chủng ở Gaza.
Israel đã chịu sự chỉ trích của nhiều nước xung quanh việc viện trợ ở Dải Gaza, khu vực do tổ chức Hồi giáo Hamas kiểm soát.
Cuộc chiến ở Gaza đến nay đã làm chết hơn 30.000 người, và vùng đất có khoảng 2 triệu người Palestine sinh sống này đang đối mặt nguy cơ khủng hoảng nhân đạo lâu dài.
Hàng viện trợ của Mỹ cho Dải Gaza rơi xuống biển
Trên Twitter (X) ngày 29-3, quân đội Mỹ cho biết đã hoàn thành một chuyến thả hàng viện trợ nhân đạo xuống phía bắc Dải Gaza, tuy nhiên 26 gói hàng đã rơi xuống biển.
Theo Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ, hai chiếc máy bay vận tải C-17 của quân đội đã thả số viện trợ tương đương 46.000 bữa ăn xuống khu vực phía bắc Gaza, để góp phần xoa dịu nạn đói tại nơi đang có chiến tranh giữa Israel và Hamas.
Washington gặp áp lực phải lựa chọn cách tiếp cận đúng trong trường hợp này, vì nhiều người Palestine bị cho đã chết đuối khi cố bơi ra biển vớt hàng viện trợ nhằm cứu gia đình.