Hội
nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi lần thứ hai khai mạc hôm nay 27/07/2023
tại Saint-Pétersbourg, chuyến thăm các đảo quốc Thái Bình Dương của tổng
thống Pháp, thủ tướng Cam Bốt chuyển giao quyền lực cho con trai là
những đề tài được báo chí Pháp chú ý.
Nga, « chú lùn kinh tế » nhưng đầy tham vọng ở châu Phi
Trong bài « Nga, chú lùn kinh tế ở châu Phi », Le Monde
nhắc lại rằng hội nghị Sotchi năm 2019 có gần 3.000 đại biểu châu Phi
trong đó có 43 nguyên thủ tham dự. Tổng thống Nga hứa tăng gấp đôi giao
dịch thương mại, và tổ chức hội nghị thượng đỉnh mỗi ba năm.
Từ đó đến nay, có bao nhiêu nước đã trôi qua cầu, cuộc xâm lăng Ukraina đã làm bối cảnh thay đổi sâu sắc. Le Figaro cho biết lần này chỉ có 17 nước hiện diện « ở cấp cao nhất ».
Ngoài Rosatom đang xây dựng tại Hy Lạp nhà máy điện nguyên tử lớn thứ
nhì châu Phi trị giá 25 tỉ đô la, nhưng trong số 12,5 tỉ đô la hiệp định
khung được ký ở Sotchi « chẳng có mấy dự án được thực hiện » -
theo nhà nghiên cứu Thierry Vircoulon của IFRI. Thỏa thuận 500 triệu đô
nhằm tôn tạo một tuyến đường sắt ở Cộng hòa Dân chủ Congo cũng « nhanh chóng bị quên lãng ». Matxcơva có thói quen ký kết nhiều nhưng thực hiện chẳng bao nhiêu.
Vladimir Putin khoe rằng thương mại với châu Phi lên đến gần 18 tỉ đô la trong năm 2022 nhưng theo báo cáo của IFRI, Nga chỉ là « chú lùn kinh tế »
tại châu lục : buôn bán của châu Phi với Trung Quốc trong năm 2021 lên
đến 254 tỉ đô la. Hơn nữa theo nhà phân tích Charlie Robertson, tác động
từ cuộc xâm lăng Ukraina khiến nhiều nước châu Phi đã nghèo khổ còn bị
lạm phát. Ông nói : « Nếu không có chiến tranh Ukraina, tôi nghĩ
rằng Ghana không bị mất khả năng chi trả, Ai Cập và Kenya không phải
thắt lưng buộc bụng » như hiện nay.
Kiệt lực vì chiến tranh, Matxcơva « đánh boxe ở hạng cân trên sức »
Trả lời phỏng vấn của Le Figaro, nhà nghiên cứu Thierry Vircoulon của IFRI nhấn mạnh « Matxcơva đánh bốc (boxe) ở hạng cân trên sức mình »,
vì chiến tranh đã làm nước Nga nghèo hẳn đi. Có thể nghi ngờ về khả
năng cung ứng vũ khí cho châu Phi vì kỹ nghệ quốc phòng Nga đang chịu áp
lực, khó thể xuất khẩu nổi. Bên cạnh đó, một số công ty Nga tại châu
lục đã phải tạm ngưng hoạt động hoặc rút lui, chẳng hạn Lukoil vì kỹ
nghệ dầu lửa Nga lâu nay thường phải hợp tác với phương Tây.
Cuộc
xâm lăng Ukraina đã làm hình ảnh của cường quốc quân sự Nga trở nên tệ
hại. Trước hết vì quân đội Ukraina vẫn kháng cự được, và nhất là vụ nổi
loạn của Yevgeny Prigozhin. Sự kiện này chứng tỏ Sa hoàng Putin không
kiểm soát được tất cả, nhân vật uy quyền này chưa hẳn quyền uy như tuyên
bố. Những nước hợp tác với Wagner đang khủng hoảng, vì không thể hủy
hợp đồng trong khi lực lượng lính đánh thuê không còn là công cụ hiệu
quả. Vẫn có thể hình dung ra Wagner dưới một cái tên khác, nhưng để tái
lập lòng tin, Putin phải chứng minh được ai là thủ lãnh.
Putin cố thoát khỏi tình trạng bị cô lập
Tương tự, trong bài xã luận Le Figaro
cho rằng lần đầu tiên xuất hiện trong một sự kiện quốc tế kể từ sau
cuộc binh biến của Yevgeny Prigozhin, Vladimir Putin sẽ phải chứng tỏ
vẫn là ông chủ đầy quyền lực của điện Kremlin. Tờ báo lưu ý đến khía cạnh « Thượng đỉnh Nga-Châu Phi để thoát cảnh cô lập ».
Andrei Kortounov của think tank Nga Russian Council trên Les Echos lưu
ý sáu tháng đầu năm nay, ngoại trưởng Serguei Lavrov đã đi thăm 10 nước
châu Phi. Phương Tây chỉ chú trọng đến Mali, Trung Phi, nhưng Nga có
tham vọng lớn hơn, muốn « xoay trục sang châu Phi » - một sự đầu tư chiến lược. Từ khi sáp nhập Crimée năm 2014, Putin không ngừng mở rộng ảnh hưởng tại châu lục, làm hại cho lợi ích của Pháp và Mỹ tại đây.
Châu
Phi có đến 54 lá phiếu tại Liên Hiệp Quốc, nhưng lại chia rẽ trong các
nghị quyết lên án việc xâm lược Ukraina. Cùng với Bắc Kinh, châu Phi
giúp Matxcơva thoát cảnh cô lập trên trường quốc tế và trừng phạt của
phương Tây. Nga dựa vào Wagner tại hơn một chục nước châu Phi trong
những hoạt động đàn áp, « bảo kê » cho những chế độ này để đổi lấy tài
nguyên thiên nhiên. Thỏa thuận bán linh hồn cho quỷ này đầy hứa hẹn
trong một châu Phi đối mặt với thánh chiến. Với những phim tuyên truyền,
Wagner cũng bôi xấu Pháp, góp phần vào việc Paris rút khỏi Mali và
Burkina Faso.
Phải
chăng lực lượng lính đánh thuê vẫn là một loại bảo hiểm nhân thọ hiệu
quả ? Putin liệu có thể tiếp tục giao vũ khí trong khi đã huy động hết
nguồn lực cho chiến tranh ? Tổng thống Nga cũng phải giải thích về sự từ
chối gia hạn thỏa thuận ngũ cốc, khiến nhiều nước châu Phi có nguy cơ
lâm vào nạn đói. Một ngày trước hội nghị, Putin nhắc lại rằng Matxcơva
luôn ủng hộ châu Phi trong « cuộc chiến đấu giải phóng khỏi ách thực dân » mà
không quan tâm đến chuyện nội bộ. Nhưng ông ta lại làm châu lục gia
tăng lệ thuộc vào mình, hứa sẽ tặng ngũ cốc và phân bón cho những nước
nghèo nhất, mà thực ra ai trung thành nhất mới được tưởng thưởng !
Ấn Độ-Thái Bình Dương : Pháp muốn ngăn Trung Quốc
Cũng trên bình diện địa chính trị, nói về chuyến thăm lãnh thổ hải ngoại Pháp và những đảo quốc kế cận của ông Emmanuel Macron, Le Monde nhận định « Vanuatu đang là mục tiêu rất được dòm ngó tại Ấn Độ-Thái Bình Dương ».Đi thăm chính thức Port-Vila, thủ đô Vanuatu, tổng thống Pháp muốn đánh dấu một sự « tái cam kết » nhằm ngăn chận tham vọng Trung Quốc.
Là
một trong những nước nghèo nhất thế giới (GDP chỉ 850 triệu euro, trên
70 % dân chúng mù chữ), quần đảo Vanuatu lại có vị trí chiến lược. Với
80 hòn đảo, nước này án ngữ trên chiều dài 1.300 kilomet ở Nam Thái Bình
Dương, so với 3.000 kilomet của Úc. Vanuatu được Bắc Kinh chọn làm đầu
cầu của « Con đường tơ lụa mới ». Đại sứ quán Trung Quốc được bảo vệ
chặt chẽ như boong-ke, là dấu ấn lớn nhất của Bắc Kinh trong khu vực, bị
tình báo các nước nghi ngờ ẩn giấu thiết bị nghe lén.
Đặc
phái viên tờ báo mô tả dọc theo con đường từ Port-Vila đến phía bắc đảo
Efaté là một loạt những nhà kho vật liệu xây dựng và thực phẩm mang
toàn tên tiếng Hoa. Trung Quốc hiện là chủ nợ nắm 36 % số nợ của đảo
quốc. Tuy đại sứ Trung Quốc ca ngợi « Hai nước đang trên đỉnh cao quan hệ »
nhưng người dân địa phương không bị lừa : 200.000 liều vac-xin được
Sinopharm tặng không được dùng đến vì không tin tưởng chất lượng.
Úc,
cường quốc khu vực đối phó ảnh hưởng Bắc Kinh với 74 triệu đô la đầu tư
trong năm 2023, trong đó có 14 triệu đô viện trợ không hoàn lại. Úc đẩy
được một tập đoàn Trung Quốc ra khỏi dự án hiện đại hóa ba phi trường
chính. Với các công trình của Úc, các công ty Vanuatu hiện phải sử dụng
lao động từ Việt Nam và Philippines.
Về phần nước Pháp hiện diện quá khiêm tốn, và theo nhà nghiên cứu Antoine Bondaz trên Libération « Pháp đến Thái Bình Dương trễ tràng ». Đây
là lần đầu tiên một tổng thống Pháp đặt chân lên đảo quốc, và xưa nay
chưa có ngoại trưởng Pháp nào đến đây. Không quan tâm đến các láng giềng
của lãnh thổ hải ngoại là một điều khó thể chấp nhận. Ông Bondaz cho
rằng vấn đề là tổng thống Macron luôn muốn tránh khỏi cuộc xung đột
Mỹ-Trung.
Bí mật vẫn bao trùm về số phận ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương
Cũng liên quan đến Trung Quốc, quay lại với vụ ngoại trưởng Tần Cương bị rơi đài, Le Monde nhận thấy số phận của ông ta vẫn còn là điều bí ẩn.
Sau gần một tháng biến mất không rõ lý do, rốt cuộc tối thứ Ba 26/07
Tân Hoa Xã loan báo Tần Cương (Qin Gang) đã bị cách chức. Người tiền
nhiệm Vương Nghị (Wang Yi), phụ trách đối ngoại của đảng trở thành người
kế nhiệm – một sự bất thường vì ông Vương một mình đóng cả vai trò số 1
và số 2. Tờ báo ghi nhận ngay cả lời giải thích của phát ngôn viên bộ
Ngoại Giao là ông Tần Cương vắng mặt « vì lý do sức khỏe » cũng bị xóa khỏi trang web.
Sự
mất tích của nhân vật được cho là rất thân cận với Tập Cận Bình đã gây
ra rất nhiều đồn đãi. Tin đồn khả tín nhất là vụ ngoại tình với Phó Hiểu
Điền (Fu Xiaotian), người dẫn chương trình nổi tiếng của đài Phượng
Hoàng của Hồng Kông đang là thông tín viên ở Hoa Kỳ. Trên Twitter, cô
này đăng rất nhiều thông tin để ngầm chứng tỏ mối quan hệ đặc biệt với
ngoại trưởng Trung Quốc. Hồi tháng Ba, Phó Hiểu Điền công khai chúc mừng
sinh nhật Tần Cương. Đến tháng Tư, cô ta đăng ba tấm ảnh : một phi cơ
riêng, ảnh phỏng vấn ngoại trưởng một năm trước và ảnh cuối với con trai
mới sinh, không cho biết người cha là ai. Từ đó đến nay Phó Hiểu Điền
cũng biệt dạng.
Tuy
vậy tại Hoa lục, chuyện ngoại tình chưa đủ để làm mất ghế một quan chức
cấp cao như vậy. Chuyên gia Alex Payette cho rằng thế nào Ban An ninh
Nội chính cũng đã biết về mối quan hệ này, nhưng vấn đề là ai đã nhân cơ
hội đó hất cẳng Tần Cương ? Theo ông Payette, sự thăng tiến nhanh chóng
đã khiến Tần Cương trở thành mục tiêu bị ganh ghét. Sự kiện ngoại
trưởng mất chức chỉ sau sáu tháng được bổ nhiệm ảnh hưởng đến chính sách
đối ngoại của Bắc Kinh, vốn đang cố gắng xúc tiến những trao đổi sau ba
năm tự cô lập vì Covid. Việc Vương Nghị quay lại sau bảy tháng rời chức
vụ có lẽ chỉ là giải pháp tạm thời. Năm nay 69 tuổi, ông ta đã quá tuổi
về hưu.
Cam Bốt : Mở đầu kỷ nguyên Hun Manet, nhưng chưa là hồi kết của Hun Sen
Ở Đông Nam Á, trong bài « Hun Sen chuyển giao quyền lực ở Cam Bốt cho con trai », Le Figaro cho rằng đã đóng lại một chương trị vì gần bốn thập niên, nhưng câu chuyện của gia tộc nhà Hun chỉ mới bắt đầu.Ba
ngày sau chiến thắng trong cuộc bầu cử dàn cảnh, hôm qua 26/07 thủ
tướng Hun Sen loan báo sẽ không ứng cử nhiệm kỳ mới. Sau 38 năm cầm
quyền, sắp bước sang tuổi 71, ông ta nhường ghế cho con trai lớn Hun
Manet, bắt đầu một sự chuyển tiếp gia đình trị đã dự kiến từ lâu. Hôm
Chủ nhật, Hun Manet đã được bầu làm dân biểu của đảng Nhân dân Cam Bốt
(PPC) do Hun Sen lãnh đạo, tại một trong 12 đơn vị bầu cử của Phnom
Penh.
Đây
là lần đầu tiên tướng bốn sao 45 tuổi giữ một chức vụ dân cử, và Quốc
Hội trong đó đảng của Hun Sen chiếm 120/125 sẽ « đề cử » Hun Manet làm
thủ tướng. Được biết trong suốt chiến dịch tranh cử, PPC chưa hề loan
báo ứng cử viên chính thức cho chức vụ này. Trên truyền hình, Hun Sen
biện minh : « Con trai tôi không thừa hưởng chức thủ tướng mà không theo thủ tục hợp pháp ».
Nhưng sự khởi đầu kỷ nguyên Hun Manet không đánh dấu cho hồi kết của kỷ nguyên Hun Sen. Dù lên ngôi cách đây « 38 năm, 7 tháng và 8 ngày » như
đã nhấn mạnh trên ti vi, Hun Sen tái khẳng định vẫn là chủ tịch đảng
PPC, và loan báo ý định trở thành chủ tịch Thượng Viện vào tháng Hai
tới. Với vị trí này, Hun Sen có thể thông qua những đạo luật gây tranh
cãi nhất.
« Thái thượng hoàng » vẫn điều khiển trong bóng tối
Giảng viên Neil Loughlin của City University ở Luân Đôn dự báo : « Hun Manet sẽ cai trị dưới cái bóng của người cha một thời gian nữa ». Tân
thủ tướng sẽ phải tìm ra điểm thăng bằng giữa việc làm hài lòng các
khuôn mặt lão thành muốn giựt dây trong hậu trường, và đáp ứng đòi hỏi
của dân số trẻ mong muốn đất nước phát triển.
Có
đến 72 % người Cam Bốt dưới 40 tuổi, họ không hề biết một nhà lãnh đạo
nào khác ngoài Hun Sen. Ou Virak, nhóm tư vấn địa phương Future Forum
cho rằng sự thay đổi này sẽ gây hứng khởi cho một bộ phận dân chúng. Tuy
nhiên tính chính danh của chính phủ sắp tới, rất có thể gồm con cái của
các bộ trưởng hiện nay, sẽ được đặt ra.
Hun
Manet sẽ phải loan báo một chương trình cải cách rõ ràng. Nhưng nhiều
tiếng đồng hồ sau loan báo chính thức của người cha, thủ tướng tương lai
vẫn im lặng. Hoạt động duy nhất được công bố là thăm Hồng Kông vào mùa
thu để tham gia hội nghị thượng đỉnh Con đường tơ lụa mới.Les Echos lưu
ý, như một sự tình cờ, trong tuần này Phnom Penh cho biết đã hoàn tất
căn cứ hải quân Ream, vốn bị Hoa Kỳ nghi ngờ là đầu cầu trong khu vực để
Bắc Kinh đóng quân. Ảnh vệ tinh cho thấy các cầu cảng đủ sức tiếp nhận
các chiến hạm Trung Quốc, kể cả hàng không mẫu hạm Phúc Kiến.