Bất
chấp hiệu quả hệ thống phòng không nhiều tầng – từ Vòm Sắt (Iron Dome),
Chiếc Đũa Thần (Magic Wand) hay Mũi Tên (Arrow) – cùng với sự hỗ trợ từ
hệ thống tên lửa bắn chặn của Mỹ, được phóng đi từ một vùng biển nằm
giữa Địa Trung Hải và vịnh Oman, vài tên lửa Iran đã xuyên thủng hàng
phòng thủ, đào nhiều miệng hố có thể thấy rõ.
Với cuộc tấn công
này, Iran đã có thể chứng tỏ uy lực của kho vũ khí tên lửa, được phát
triển từ năm 1983, trong suốt cuộc chiến tranh Iran – Irak (1980-1988)
để chống Irak và sau này là để đối phó với Mỹ và Israel dưới bóng của
lệnh trừng phạt quốc tế ngày càng được siết chặt từ năm 2006 do chương
trình phát triển hạt nhân của Teheran.
Theo Le Monde, kho tên lửa
hiện nay của Iran ước tính có đến nhiều nghìn đơn vị với hơn một chục
loại khác nhau, từ rốc-kết, tên lửa đạn đạo cho đến tên lửa hành trình…
Số vũ khí này được chứa trong các hầm dưới lòng đất đôi khi sâu đến gần
500 mét.
Năm 2023, Iran còn tự hào sở hữu loạt tên lửa siêu thanh
có tốc độ rất nhanh và cơ động, khó thể bắn chặn, một công nghệ cho đến
giờ Hoa Kỳ vẫn chưa hoàn toàn làm chủ. Một trong số những tên lửa này,
được đặt tên là Fattah, có tầm bắn từ 1.400 – 1.500 km, dường như đã
được dùng trong cuộc oanh kích Israel ngày 01/10 vừa qua.
Tom
Karako, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS),
cho rằng kho vũ khí đa dạng, có thể là lớn nhất ở Trung Đông, và được
xây dựng với sự « trợ giúp của nước ngoài », thực sự là một mối đe dọa cho Israel cũng như nhiều nước khác trong vùng, như Ả Rập Xê Út.
Kho tên lửa: Chiếc tủ kính che giấu khiếm khuyết
Tuy
nhiên, kho vũ khí đạn đạo này vẫn chỉ là một chiếc tủ kính cho bộ máy
quân sự, không đủ che giấu những yếu kém to lớn khác. Quân đội Iran vẫn
chưa có được một phi đội tiêm kích hiện đại, thiếu hụt nghiêm trọng các
hệ thống phòng không và bắn chặn tên lửa. Nhà nghiên cứu Heloise Fayet,
Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), còn ghi nhận, ngoại trừ lực lượng Vệ
Binh Cách Mạng tinh nhuệ, quân đội Iran tuy đông đảo nhưng lại ít được
huấn luyện, thiếu kinh nghiệm chiến trường.
Hiểu rõ những hạn chế
của cỗ máy quân sự, Teheran từ lâu tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nga. Vì một
phần lý do này mà Iran đã hậu thuẫn quân sự cho cuộc chiến xâm lược
Ukraina của Nga, bằng cách chuyển giao công nghệ sản xuất drone Shahed.
Đổi
lại, Matxcơva sẽ giao chiến đấu cơ đời mới nhất Su-35, theo thỏa thuận
được ký giữa hai nước vào tháng 11/2023. Tuy nhiên, Nga do dự trong việc
nhượng cho Iran hệ thống tên lửa S-400, một hệ thống phòng không và bắn
chặn tên lửa rất hiệu quả.
Giới quan sát có chung nhận định: Đối
mặt với ưu thế trên không, Iran không có nhiều lựa chọn cho các phương
án đáp trả có thể trong tương lai !
Xung đột Iran – Israel : Vị thế của Pháp tại Liban bị lung lay ?
Kết
thúc phiên họp Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia tối thứ Ba 01/10
tại điện Elysée, tổng thống Pháp trong thông cáo đã lên án mạnh mẽ các
cuộc tấn công mới của Iran vào Israel. Ông còn kêu gọi Hezbollah chấm
dứt « các hoạt động khủng bố » chống Israel và người dân nước này, đồng thời mong muốn « Israel sớm ngưng các chiến dịch quân sự » tại Liban.
Trong
thông cáo, phủ tổng thống Pháp còn cho biết đã huy động nhiều phương
tiện quân sự ở Trung Đông nhằm ngăn chặn mối đe dọa Iran. Bộ trưởng Quân
Lực Pháp, trả lời phỏng vấn tuần báo Le Point, cho rằng « an ninh của Israel là không thể đàm phán ». Hồi tháng 4/2024, Paris cũng « lững lờ » thừa nhận có một vai trò trong việc bắn chặn tên lửa Iran.
Theo
Le Monde, Paris đang tìm cách tách rời các hồ sơ Iran và Liban, một
chiến lược mà nhiều nhà quan sát đánh giá là khó thể thực hiện và có thể
làm phức tạp thêm những nỗ lực đóng vai trò trung gian của Pháp nhằm
hòa giải Israel và Hezbollah, đã đưa ra ngay từng những ngày đầu của
cuộc xung đột.
Nhà cựu ngoại giao Yves Aubin de La Messuzière giải thích: « Pháp
tự cho là nhà trung gian hòa giải, nhưng thực tế không phải vậy. Pháp
rất gần gũi với Liban dù rằng ảnh hưởng của Pháp ở nước này đã bị giảm
đi rất nhiều. Việc đưa ra quan điểm rõ ràng ủng hộ Israel, ngay cả khi
Pháp không phải lúc nào cũng đi theo Israel trong suốt cuộc chiến ở dải
Gaza, sẽ gây ra những nhầm lẫn và đánh mất uy tín của Pháp trong giới
truyền thông Liban và Ả Rập. »
Le Monde đặc biệt nêu lên một
chi tiết khá thú vị: Paris thật sự bất ngờ về khả năng của tình báo
Israel thâm nhập vào Hezbollah. Pháp lo ngại bị lôi vào một cuộc xung
đột không thể kiểm soát được.
Một nguồn tin ngoại giao cho biết : « Pháp
đang bị mù quáng, do chất lượng tình báo Israel mới là điều sẽ định
hướng các hành động trong tương lai của Israel. Pháp không có chút áp
lực nào trong thế cân bằng này, Paris tiến dần theo những gì Mỹ và
Israel nói về Iran. Trong một số giới cố vấn, ý tưởng đang lan truyền
hiện nay là dường như Israel đang đưa chúng ta đến một thời điểm lịch
sử, rằng đó là sự khởi đầu cho hồi kết của chế độ Iran. »
Thủ tướng Pháp nỗ lực tìm 60 tỷ euro cho năm 2025
Phủ
thủ tướng và bộ Tài Chính Pháp hôm thứ Tư 02/10, trong cuộc họp báo
chung, đã đề ra mục tiêu tiết kiệm 40 tỷ euro và tăng thêm 20 tỷ thuế
thu nhập ngay từ năm 2025. Những con số « ngoạn mục » này cho phép thủ
tướng Pháp nhấn mạnh rằng ngân sách mà ông thừa kế đã bị xuống cấp đến
dường nào. Ai sẽ trả những khoản thuế đó?
Đây là câu hỏi trên
trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos. Chính phủ kêu gọi một nỗ lực
« ngoại lệ » từ khoảng 65 ngàn hộ gia đình, những người giàu nhất, chiếm
khoảng 0,3% số người đóng thuế. Trên kênh truyền hình France 2, bộ
trưởng Ngân Sách, Laurent Saint-Martin cho biết ngưỡng chịu mức tăng
thuế mới nằm trong khoảng thu nhập 500 ngàn euro/năm. Để trấn an, lãnh
đạo ngành Tài Chính Pháp khẳng định biện pháp « ngoại lệ » này chỉ mang
tính « tạm thời » và sẽ « không kéo dài trong nhiều năm ».
Đương
nhiên, thông báo này đã gây căng thẳng cho liên minh cầm quyền, giữa thủ
tướng Michel Barnier và phe tổng thống Macron, luôn phản đối việc tăng
thuế, theo như ghi nhận từ hầu hết các báo Pháp hôm nay.
Thuế : Tăng tối thiểu, hậu quả lớn ?
Xã
luận của Le Figaro cho rằng điều này cũng có nghĩa là chấp nhận rủi ro
làm sống lại nỗi ngán ngẫm thuế khóa và mở lại cánh cửa để số người giàu
đó đưa tài sản ra nước ngoài. Một đòn giáng mạnh cho chính sách trọng
cung, một mối đe dọa cho các nhà đầu tư, những người đến mở nhà xưởng và
tài trợ cho các doanh nghiệp.
Đây còn là một giải pháp tồi cho
một vấn đề thực sự : Sự trượt đà điên rồ về mức thâm hụt ngân sách của
Pháp, tiếp tục trở nên tồi tệ từ nhiều năm qua, với chính sách « bất kể
giá nào », các biện pháp trợ cấp không kiểm soát.
Theo Le
Figaro, tại một nước vô địch về thuế, con đường duy nhất là giảm chi
tiêu công bằng mọi giá và nhanh chóng. Con số 40 tỷ euro tiết kiệm mà
ông Barnier cam kết vẫn còn ít so với mức thâm hụt là hơn 150 tỷ euro.
Pháp không thiếu các công cụ để có thể giảm chi tiêu công, như đóng băng
các khoản tín dụng, hoặc hoãn tăng lương hưu trong vài tháng để cứu vãn
lâu dài nền tài chính đất nước.
Xã luận Le Figaro kết luận, chỉ
cần có can đảm, quyết tâm và có thể trông cậy vào những « đồng minh »
thực sự để có thể áp đặt những biện pháp quan trọng, nhưng phần lớn
không được ưa chuộng, cho đất nước !
Lời ca, tiếng cười – tiếng nói cho cộng đồng Pháp ngữ
Trong
hai ngày 04 và 05/10/2024, Pháp đón tiếp thượng đỉnh lần thứ 19 của Tổ
chức Quốc tế Pháp ngữ tại Paris và Villers-Cotterêts, tỉnh Aisne, đông
bắc nước Pháp. Nhật báo Công Giáo La Croix dành trang nhất nói về
« Những tiếng nói mới » của khối.
Nhà văn Stendhal từng viết : Công cụ đầu tiên cho tinh thần một dân tộc là ngôn ngữ.
Hai trăm năm sau, cái thần của ngôn ngữ Pháp vẫn vững mạnh, thậm chí
còn được tỏa sáng nhiều hơn trên trường quốc tế nhờ vào thành công của
giới nghệ sĩ đại chúng. Thế giới hẳn còn chưa quên Céline Dion và Aya
Nakamura đã thể hiện thành công những ca khúc Pháp trong lễ khai mạc Thế
Vận Hội Paris 2024.
Và do vậy, thượng đỉnh Pháp ngữ năm nay cũng
là dịp để những ca sĩ và nghệ sĩ đại chúng đến từ nhiều nước được thể
hiện tài năng. Đặc biệt, nghệ sĩ hài người Bỉ, cô Laetitia Mampaka 29
tuổi, có vinh dự khai mạc lễ hội tại điện Elysée trước sự hiện diện của
nhiều nguyên thủ các nước nói tiếng Pháp. Cô được cho là hiện thân của
một thế hệ nghệ sĩ đại chúng mới, mang lại sự sống cho tiếng Pháp trên
năm châu lục.
Theo bà Valérie Senghor, ủy viên về Lễ hội Cộng đồng
Pháp ngữ, tiếng Pháp là ngôn ngữ thứ năm được nói nhiều nhất trên thế
giới, và ngôn ngữ thứ hai được giảng dạy nhiều nhất trong học đường.
Việc có khoảng 60% trong số 320 triệu người nói tiếng Pháp chưa tới 35
tuổi đã mang lại một sự « năng động cho những nước nói tiếng Pháp ».
Nền tảng nghe nhạc trực tuyến Spotify hàng đầu thế giới hôm 01/10 cho biết, « lượng người nghe nhạc tiếng Pháp đã tăng vọt 94% trong vòng 5 năm ». Riêng trong giai đoạn 01/08/2023 – 31/07/2024, « hơn 100 triệu người trên khắp thế giới, tức khoảng 1/6 số người sử dụng trên toàn cầu, đã nghe các nội dung tiếng Pháp ! »
Ai có thể nói rằng nước Pháp không còn được lắng nghe !