Hai
nhân vật nổi bật nhất trong thời sự quốc tế tuần này là tổng thống Mỹ
Donald Trump và Đức giáo hoàng Lêô XIV vừa nhậm chức ở Vatican.
Những hoạt động ngoại giao dồn dập của chính quyền Trump
The Economist phân tích « Donald Trump có phải là một nhà đàm phán giỏi hay không ? ».
Ông Trump muốn tranh thủ nhiệm kỳ hai để thay đổi hẳn nước Mỹ và quan
hệ đối với thế giới. Ông lao vào một loạt hoạt động thương lượng từ châu
Âu, châu Á đến Trung Đông. Đây có thể là chiến dịch ngoại giao dồn dập
nhất của Nhà Trắng kể từ một thế hệ.
Phải nhìn nhận rằng tổng
thống Mỹ đầy tham vọng và rất năng động. Ngày 06/05, Trump ký thỏa thuận
với phe Houthi, ngày 10/05 ông loan báo dàn xếp được ngưng bắn giữa Ấn
Độ và Pakistan. Hôm sau, đặc sứ Mỹ gặp các quan chức Iran về hồ sơ
nguyên tử. Ngày 12/05, tuyên bố tạm hoãn chiến tranh thương mại với
Trung Quốc. Và hiện nay Donald Trump đang ở vùng Vịnh, thông báo dỡ bỏ
trừng phạt Syria, bàn bạc về Gaza, thúc giục Nga và Ukraina gặp gỡ tại
Istanbul.
Trump tả xung hữu đột. Ông cho triển khai lực lượng,
oanh kích 1.000 mục tiêu của Houthi ; thường xuyên đưa ra những đe dọa
như có thể tấn công Iran, bỏ rơi Ukraina, làm NATO yếu đi, áp thuế 145 %
lên Trung Quốc gây ra cú sốc làm Wall Street suy sụp. Sau khi leo thang
thô bạo sẽ đến lượt hòa giải, tìm ra các lợi ích chung thường là thông
qua thương mại. Ngày 30/04, Donald Trump ký thỏa thuận khoáng sản với
Ukraina. Vòng công du Trung Đông hứa hẹn những hợp đồng khổng lồ về
chiến đấu cơ, trí thông minh nhân tạo...
Sự thực dụng của tổng thống có thể mang lại kết quả. Việc giúp Syria tránh khỏi sụp đổ, theo The Economist
là quyết định đúng đắn. Trung Đông khao khát tăng trưởng - một yếu tố
ông Trump đã khai thác để đi đến thỏa thuận Abraham giữa Israel và nhiều
nước Ả Rập trong nhiệm kỳ đầu. Các nước NATO dưới cú sốc đã tăng ngân
sách quốc phòng, chỉ số S&P 500 đã lên trở lại từ sau quả bom « Ngày
giải phóng » hôm 02/04.
Từ hiến binh quốc tế thành nhà môi giới đơn thuần
Vấn
đề là sau khi tạo ra khủng hoảng, Donald Trump hiếm khi giải quyết được
rốt ráo. Hưu chiến với Trung Quốc chỉ liên quan đến thuế quan, nhưng
chiến tranh thương mại rộng lớn hơn nhiều. Chi tiết thỏa thuận với
Houthi không được công bố, nhưng có thể chỉ liên quan đến tàu Mỹ vốn
chiếm một phần rất nhỏ trong số tàu container đi qua kênh đào Suez.
Thương lượng với Iran chỉ về việc làm giàu uranium, nhưng không nói đến
công nghệ hỏa tiễn lẫn việc Teheran hỗ trợ các tổ chức dân quân ở nước
ngoài, như vậy không rộng rãi bằng thỏa thuận thời Obama mà Trump đã rút
khỏi năm 2018.
Mọi hòa bình bền vững ở Ukraina cần có sự răn đe
mạnh mẽ đối với Nga trong nhiều năm trời, nhưng ông Trump làm ngơ trước
điều hiển nhiên này. Các thỏa thuận chỉ là tạm thời vì những bất đồng
sâu sắc chưa được giải quyết. Hưu chiến ở Gaza chỉ kéo dài được 58 ngày,
Houthi tiếp tục bắn hỏa tiễn sang Israel, thỏa thuận với Bắc Kinh có
giá trị trong 90 ngày, đề nghị ngưng bắn ở Ukraina giới hạn trong 30
ngày.
Những cuộc đàm phán vụng về sẽ gây ảnh hưởng lâu dài. Khi
nhượng bộ quá dễ dàng trước lời đe dọa dùng vũ khí nguyên tử của
Pakistan và bỏ qua việc nước này nuôi dưỡng khủng bố, coi như Hoa Kỳ
khuyến khích Ấn Độ tấn công nhanh và mạnh hơn trong lần tới. Sau khi lùi
bước trong thương chiến, ông Trump nói đến cơ hội thống nhất, dù chính
quyền nhanh chóng đính chính nhưng cũng làm Đài Loan sợ hãi. Về lâu về
dài, các nhà đầu tư chùn chân vì những quyết định kinh tế thiếu nhất
quán, thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại nhưng đồng đô la thì
không, giao thông hàng hải chưa trở lại bình thường.
Nỗi hoài nghi
cũng đè nặng lên ngoại giao. Các nhà lãnh đạo nước ngoài công khai nịnh
bợ ông Trump nhưng sau lưng thì khác. Chiến thuật leo thang rồi thương
lượng của ông rồi sẽ bớt tác dụng khi một số nước kết luận chỉ là đòn
gió của Mỹ. Một số đàm phán sẽ thành công, nhưng với cái giá bất ổn lâu
dài. The Economist cho rằng tóm lại, một loạt động thái vừa qua
của tổng thống Trump đã biến Mỹ thành nhà môi giới chứ không phải là
nhà bảo trợ của thế giới.
Trump giúp « Make China Great Again »
Riêng về quan hệ Mỹ-Trung, xã luận của Le Point mỉa mai « Make China Great Again ». Theo
tuần báo, được cuộc chiến tranh kinh tế của Donald Trump giúp Trung
Quốc thủ lợi và đẩy nhanh việc gầy dựng một trật tự quốc tế chống phương
Tây.
Thương chiến đã cho thấy ưu thế của một chế độ toàn trị khi
tiến hành một chính sách lâu dài, đã chuẩn bị đối đầu, trước một nền dân
chủ đã chuyển sang phi tự do. Donald Trump trở thành bậc thầy của nghệ
thuật « lose » (thất bại). Kết quả chính của 100 ngày vừa qua đã đặt lại
Trung Quốc vào hàng đầu trên trường quốc tế, trong khi trước đó kinh tế
Hoa lục đang u ám.
Trump phá dỡ tất cả những gì làm nên sự ưu
việt và tính hấp dẫn của Hoa Kỳ : ổn định chính trị thông qua tôn trọng
Hiến Pháp, sự vững chắc của Nhà nước pháp trị, một nền kinh tế thị
trường quy củ, sự năng động của khoa học và các trường đại học, sự thống
trị của đồng đô la, sức sống và tính sáng tạo của một xã hội ngày nay
chìm trong sợ hãi. Bên cạnh đó là hệ thống các đồng minh nay thất vọng
trước một nước Mỹ chỉ quan tâm đến lợi ích chính mình. Trong khi đó
Trung Quốc đã tính toán kỹ những đòn trả đũa, lao vào cuộc đua sáng tạo.
Donald Trump là món quà quý nhất của nước Mỹ dành cho « giấc mơ đại
phục hưng Trung Hoa » của Tập Cận Bình.
Trung Quốc giành được lợi thế trong thương chiến, các nước còn lại ra sao ?
The Economist
cho biết trong khi bộ trưởng tài chánh Mỹ thương lượng đến tối mịt với
Trung Quốc ở Thụy Sĩ đêm 11/05, các nhà đàm phán của nhiều nước trên thế
giới bay đến Washington đã thất vọng khi các đối tác Mỹ đang ở nước
ngoài, các cuộc họp bị hoãn lại hay bị hủy. Hoa Kỳ có tham vọng ký kết
90 thỏa thuận thương mại trong 90 ngày, nhưng cho đến nay chỉ mới ký
được với Anh và Trung Quốc. Trong cả hai trường hợp, thuế quan đều giảm
xuống, và cả hai nước trên đều không nhượng bộ nhiều đối với Mỹ. Số 88
quốc gia còn lại ra sức vận động, nhưng không ê-kíp nào tồn tại lâu ở
đầu danh sách.
Từ giữa tháng Tư, chính quyền Trump dành ưu tiên
cho khoảng 20 nền kinh tế. Trong số đó có những đối tác thương mại lớn
bị ảnh hưởng nặng vì « thuế đối ứng », như Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản,
Việt Nam. Sau khi thủ tướng Nhật có tuyên bố làm mất lòng, Ấn Độ được
đôn lên nhưng rốt cuộc diễn tiến quá chậm chạp. Một viên chức Việt Nam
than thở, có cảm giác như cánh cửa mở ra mỗi lần đều thu hẹp lại. Một
yếu tố nữa là Trung Quốc : các nước thứ ba phải cố gắng làm hài lòng cả
hai cường quốc - các nhà đàm phán Mỹ thường đặt câu hỏi họ xử sự với Bắc
Kinh ra sao.
Đức giáo hoàng người Mỹ của cuộc cách mạng kỹ thuật số
Hình ảnh tân Giáo hoàng Lêô XIV tươi cười chiếm trang bìa Le Point, La Croix Hebdo, Le Figaro Magazine và nhiều trang trong của các tuần báo khác. Đối với Le Point, Lêô XIV là « Giáo hoàng của một thế giới mới », Le Figaro cho rằng ngài mang lại « đầy hứa hẹn cho Giáo hội ». Nếu Lêô XIII là Đức giáo hoàng của cuộc cách mạng kỹ nghệ, thì Lêô XIV là Đức giáo hoàng của cách mạng kỹ thuật số.
Courrier International dịch bài viết của New York Times,
nhấn mạnh Đức giáo hoàng Lêô XIV là người Mỹ đầu tiên được bầu vào chức
vụ này. Quyết định của 133 Hồng y cử tri, vào ngày thứ hai của mật
nghị, đã dập tắt định kiến xưa nay là không bao giờ mật nghị bỏ phiếu
cho một Đức giáo hoàng xuất thân từ siêu cường số một thế giới vốn đã có
ảnh hưởng vô cùng lớn đối với quốc tế. La Croix nhấn mạnh vẻ
mặt đầy xúc động của tân Giáo hoàng và lời kêu gọi hòa bình của ngài,
đúng tầm vóc của nhà lãnh đạo giáo hội, và dành 10 trang cho album hình
ảnh về một cuộc đời bỗng chốc đã thay đổi.
Le Point nhận
xét vị Giáo hoàng trẻ sinh ở Mỹ nhưng có thêm quốc tịch Pêru, nói thông
thạo tiếng Tây Ban Nha, Ý, và tất nhiên tiếng La-tinh, biết tiếng Pháp,
Đức, Bồ Đào Nha, bên cạnh ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Anh. Người kế vị Thánh
Phêrô còn từng lãnh đạo dòng Augustinô gần gũi với người nghèo. Như vậy
xuất hiện trên balcon đại giáo đường hôm ấy và trên trường quốc tế là
Giáo hoàng hoàn vũ đầu tiên. Giáo sư Massimo Faggioli cho rằng tầm nhìn
quốc tế của ngài khác với những người tiền nhiệm.
Người ta còn
khám phá rằng tân Giáo hoàng thích chơi quần vợt, tự nấu ăn trong lúc
còn phục vụ ở nhiệm sở cũ, thường xuyên du hành. Phải chăng đây là khởi
đầu của hiện tượng « leomania » (ngưỡng mộ Đức giáo hoàng Lêô XIV) ?
Hồng y người Pháp François Bustillo cho biết ngài là một người « biết cách làm việc theo ê-kíp, lắng nghe tất cả mọi người và sau đó tổng hợp lại ».
« America First » và một Giáo hoàng hoàn vũ
Tuần san Le Nouvel Obs dự báo « Đối mặt với Trump, Đức giáo hoàng Lêô XIV có thể làm thay đổi thế trận ». Ngài nhắc lại lời Thánh Augustinô « Trong Đấng duy nhất, chúng ta là một ».
Donald Trump mới vài ngày trước đăng bức ảnh do trí thông minh nhân tạo
chế ra trong trang phục giáo hoàng, chắc chắn không ngờ rằng sẽ bị một
đồng hương chiếm lấy vai trò số một trên trường quốc tế khác, một người
Mỹ sẽ ngự trị trên 1,4 tỉ tín đồ ; và càng không dự kiến đó là một nhà
lãnh đạo phản đối chính sách dân tộc chủ nghĩa của ông.
Từ giáo
dân Mỹ cho đến các chính khách ở Washington đều chưa hình dung được tầm
vóc của sự kiện. Sự hồ hởi dành cho Đức giáo hoàng Lêô XIV là vô cùng
lớn, trừ thế giới MAGA. Những người như Steve Bannon, cựu cố vấn của
Donald Trump chẳng hạn chẳng hạn coi vị giáo hoàng kết nối ba châu lục
hoàn toàn không theo ý tưởng « America First ». Theo chuyên gia
Christopher White, Donald Trump không hiểu nhiều về giáo hội công giáo
nên ông chỉ phát biểu ngắn gọn, nhưng có thể Trump sẽ e ngại một đối thủ
cũng là người Mỹ trên trường quốc tế.
Trong suốt hai thế kỷ, Hoa
Kỳ và Vatican hoạt động như các « đế chế song song », với vùng ảnh hưởng
khác nhau. Tổng thống Ronald Regan và Đức giáo hoàng Gioan Phao lô II
đã cùng chống lại chủ nghĩa cộng sản, rồi sau đó quan hệ với Vatican
căng thẳng dưới thời George W. Bush do chiến tranh Irak. Joe Biden giữ
tấm ảnh Đức giáo hoàng Phanxicô ở Phòng Bầu dục, nhưng J.D. Vance đến
Vatican với tâm thế khác. Ngày càng tự cô lập, chính phủ Mỹ đang trên
con đường đối đầu với Tòa Thánh. Nhưng một nhân vật từ Hoa Kỳ nay phụ
trách một vương quốc bao trùm cả thế giới, đề cao lòng nhân ái, có thể
là một « game changer ».
Hồ sơ tình báo tiết lộ Nga phá hoại Pháp trên đủ mọi phương diện
Tại châu Âu, số báo đặc biệt của L'Express tiết lộ « Putin gây bất ổn cho nước Pháp như thế nào ».
Từ đánh cắp máy tính, đe dọa nguyên tử, gây mất điện cho đến gián
điệp...mỗi ngày Nga đều tấn công Pháp - theo như một hồ sơ tình báo. Đó
là một hồ sơ nhạy cảm gồm 16 trang dành riêng cho các bộ trưởng, do
nhiều cơ quan tình báo quân đội và dân sự cùng phối hợp soạn thảo vào
tháng Ba và tháng Tư vừa qua, mang tiêu đề « Những mối đe dọa và hoạt
động chống lại Pháp của Nga ». Một loại sách đen về Putin ở Pháp.
Vì không được phổ biến, nên công chúng không mấy ý thức về nguy cơ này. Tuy vậy ngay từ phần giới thiệu có thể đọc thấy « Khả năng oanh kích bằng hỏa tiễn quy ước vào lãnh thổ quốc gia là chưa từng thấy kể từ sau chiến tranh lạnh ». Trên
trời, dưới biển, trong các cơ quan chính phủ, trên không gian
mạng...khắp nơi đều có những chứng cứ cho thấy người của Vladimir Putin
tìm cách phá hoại Pháp.
Theo báo cáo, « Nga tiến hành các hoạt
động có thể gây hậu quả trực tiếp lên cuộc sống người Pháp như mưu toan
phóng hỏa trung tâm thương mại, phá cáp viễn thông dưới đáy biển, tấn
công mạng vào thiết bị vệ tinh, vào cơ sở hạ tầng quan trọng, gây rối
cho việc tổ chức xã hội, dọ thám các định chế Pháp... ». Điểm mới kể từ khi xâm lăng Ukraina là Nga dám làm tất cả mọi chuyện.
Các
phòng thí nghiệm của Trường Quân sự bách khoa, CNRS (cơ quan nghiên cứu
quốc gia) bị nhắm đến, các kỹ sư trong ngành quốc phòng bị theo dõi, bị
đánh cắp máy tính. Trên lãnh vực thuần túy quân sự, tài liệu tiết lộ
Nga triển khai các loại vũ khí mới có thể tấn công Pháp, với sự trợ giúp
của những nước như Iran, Bắc Triều Tiên ; đây là mối nguy thực sự. Hồi
tháng 3/2024, một vụ tấn công mạng của Nga đã làm tê liệt hoạt động các
cơ quan hành chánh trong suốt một ngày. Tính dễ tổn thương của cơ sở hạ
tầng công là một chủ đề được quan tâm, tuy nhiên bọn tin tặc cũng thường
xuyên cải tiến các mã độc.
Không có phép lạ ở Istanbul
Liên quan đến cuộc đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ về chiến tranh ở Ukraina, Courrier International nhận định « Không có phép lạ ở Istanbul »,
ngoài việc Kiev và Matxcơva đồng ý trao đổi 1.000 tù binh mỗi bên – một
niềm an ủi nho nhỏ, nhưng không có lịch trình cụ thể. Cuộc đối thoại
chỉ diễn ra chưa đầy hai tiếng đồng hồ, bộ trưởng quốc phòng Ukraina có
vẻ rất tức giận khi ra khỏi cuộc họp. Nga hoàn toàn không muốn hưu
chiến, chỉ muốn được nói chuyện với Donald Trump, và mục đích chính là
câu giờ - theo El Pais. Le Monde cho rằng hãy còn xa,
rất xa với một hòa đàm lớn dưới sự thúc đẩy của Washington và Thổ Nhĩ Kỳ
đứng ra làm trung gian, thậm chí có sự tham dự của châu Âu.
Ngoại
trưởng Mỹ Marco Rubio cũng có mặt ở Istanbul hôm thứ Sáu, nhưng không
đến dinh Dolmabahçe, chỉ tiếp xúc với nhiều đối tác và các cố vấn của
tổng thống Pháp, thủ tướng Anh và Đức, họ đến để vận động trong hậu
trường. Trưởng đoàn đàm phán Nga, Vladimir Medinsky tỏ ra rất thô bạo,
bác bỏ tất cả những yêu cầu của Ukraina, yêu sách nhiều hơn cả lần
thương lượng đầu tiên. Như vậy chỉ còn cách đối đầu, trên tiền tuyến lẫn
mặt trận ngoại giao. Các nhà lãnh đạo châu Âu họp tại Tirana cho rằng
thái độ của Nga là « không thể chấp nhận được », kêu gọi Donald Trump cứng rắn hơn với Matxcơva và chuẩn bị gia tăng trừng phạt.