Tòa phúc thẩm Hà Nội chiều 23/5 đã tuyên án ông Dương Tự Trọng 16 năm tù giam vì tội 'Tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài’, theo truyền thông trong nước.
Bản án này nhẹ hơn hai năm so với bản án 18 năm tù mà ông Trọng đã nhận từ tòa cấp sơ thẩm hồi tháng Một.
Lý do ông Trọng được giảm án được mô tả là do đã "khai nhận thành khẩn", theo nội dung bản tuyên án của hội đồng xét xử được báo điện tử VnExpress dẫn lại.
Năm bị cáo còn lại cùng có đơn chống án kêu oan hoặc xin giảm hình phạt đều không được Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp thuận.
Bản tuyên án của hội đồng xét xử tòa phúc thẩm ngày 23/5 cho biết ngày 17/5/2012, ông Dương Chí Dũng đã bỏ trốn sau khi nghe tin bị cơ quan điều tra khởi tố về hành vi 'Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng'.
Các bị cáo khác
Bị cáo Vũ Tiến Sơn 13 năm tù giam
Bị cáo Hoàng Văn Thắng 5 năm tù giam.
Bị cáo Đồng Xuân Phong 7 năm tù giam.
Bị cáo Trần Văn Dũng 8 năm tù giam.
Bị cáo Nguyễn Trọng Ánh 6 năm tù giam.
Bị cáo Phạm Minh Tuấn 5 năm tù giam.
"Được báo tin, Dương Tự Trọng, em trai ông Dũng, đã cử người đưa anh từ Hà Nội về huyện Hải Hà," bản tuyên án viết.
"Ông Dũng sau đó được đưa vào TP HCM, ra cửa khẩu Mộc Bài sang Campuchia rồi tới Singapore."
"Không xin được visa vào Mỹ, từ Singapore ông Dũng quay lại Campuchia và ở tại đây gần 4 tháng cho tới khi bị bắt".
Giữ lời khai về tướng Ngọ
Ông Dương Chí Dũng đã có mặt trong phiên phúc thẩm xét xử em trai mình với tư cách nhân chứng.
Trong phần trả lời chất vấn trước tòa hôm 22/5, ông Dũng tiếp tục giữ nguyên lời khai về việc được cố Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ mật báo để trốn thoát.
"Tôi tin lời anh Ngọ. Trong lúc hoảng loạn, tôi nghĩ là chỉ tạm lánh một thời gian, khi mọi chuyện tạm ổn thì về chứ không trốn biệt tích," ông Dũng được Báo Pháp Luật Online (PLO) dẫn lời nói.
Ông Dương Tự Trọng cũng được PLO dẫn lời cho biết:
"Do đã có lời khuyên của anh Ngọ nên chúng tôi yên tâm làm. Đưa anh Dũng đi công khai vào TP.HCM bằng xe ô tô biển kiểm soát của Hải Phòng, có hai cán bộ công an đi cùng, không hề che giấu"
Dương Tự Trọng
“Khi thấy anh Dũng nói được ông Ngọ khuyên tạm lánh thì tôi rất tin tưởng nghe theo. Tôi nghĩ là anh Dũng và anh Ngọ đã có kế hoạch rồi, anh Dũng nhờ chuẩn bị xe thì cứ chuẩn bị, chứ chưa biết đưa đi đâu”.
“Sở dĩ bị cáo không khai báo nhiều ở phiên tòa sơ thẩm là do có liên quan đến anh Ngọ, là lãnh đạo, là người anh của bị cáo”.
“Do đã có lời khuyên của anh Ngọ nên chúng tôi yên tâm làm. Đưa anh Dũng đi công khai vào TP.HCM bằng xe ô tô biển kiểm soát của Hải Phòng, có hai cán bộ công an đi cùng, không hề che giấu."
"Nếu muốn che giấu thì bị cáo có thể nhờ nhiều anh em khác, đường dây ngoài xã hội chứ các bị cáo ở đây chỉ là giúp đỡ vì tình cảm anh em thân tình”
Trước đó, khi làm nhân chứng trong phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Dương Tự Trọng cùng các đồng phạm hồi tháng Một, ông Dũng cũng đã khai được ông Ngọ mật báo giúp chạy trốn.
Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm sau đó đã thông báo 'Khởi tố vụ án lộ bí mật nhà nước', dựa theo lời khai của ông Dũng.
Qua báo Petrotimes, ông Ngọ đã bác bỏ lời khai của ông Dũng, trước khi qua đời vào ngày 18/2 năm nay do bệnh hiểm nghèo.
Chủ tọa phiên xử sơ thẩm Dương Tự Trọng, Thẩm phán Trương Việt Toàn, sau đó được báo Thanh Niên dẫn lời nói vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” sẽ được đình chỉ, nhưng không nói rõ thời gian công bố quyết định này chính thức.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với BBC, luật sư Hoàng Văn Hướng, trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng ở Hà Nội, nói rằng việc tuyên bố đình chỉ vụ án 'cũng là đúng luật'.
"Luật Tố tụng hình sự ở Việt Nam và trên thế giới phải có hành vi cụ thể và con người phạm tội cụ thể," ông giải thích.
"Giả sử ông Phạm Quý Ngọ phạm tội nhưng hiện nay ông ấy chết rồi thì về xử lý hình sự không đề cập được nữa," ông nói, "Việc xác minh các hành vi tiếp theo để củng cố chứng cứu trong hồ sơ vụ án như các lời khai thì không xác định được nữa."
BBC