Cà Kê Dê Ngỗng
Trung Quốc không cần đồng minh, họ chỉ muốn chư hầu!
03-07-2014
Lịch sử ngoại giao thế giới đang chứng kiến một “ca” rất lạ: thay vì xây dựng đồng minh và lôi kéo đồng minh kẻ địch về phe mình, Trung Quốc lại đẩy ra tất cả để đứng riêng một góc! Bắc Kinh đã đánh mất rất nhiều cơ hội để biến họ thành một cường quốc châu Á thật sự, thay vào đó, họ đã tự dâng khu vực cho Mỹ.
VỚI NHẬT
Năm 2009, cử tri Nhật đẩy đảng Dân chủ Tự do (LDP) ra khỏi cuộc chơi, lần đầu tiên trong 50 năm, và đưa đảng Dân chủ (DPJ) lên nắm quyền. Tân Thủ tướng Yukio Hatoyama công khai nói về ý tưởng thành lập một liên minh Đông Á mới và bày tỏ sự gần gũi với Bắc Kinh. Đầu năm 2010, chính trị gia Ichiro Ozawa dẫn một phái đoàn hùng hậu 143 nghị sĩ Nhật sang Bắc Kinh. Ozawa là một chính khách sừng sỏ của Nhật, được mệnh danh “tướng quân trong bóng tối” bởi ảnh hưởng hậu trường của ông lên sân khấu chính trị nước này.
Chỉ vài tháng sau, tháng 8-2010, quan hệ Nhật-Trung trở nên căng thẳng, bắt đầu từ vụ tuần duyên Nhật bắt một thuyền trưởng Trung Quốc khi đoàn tàu cá Trung Quốc thâm nhập Senkaku. Phản ứng Bắc Kinh là rất hung hăng. Họ yêu cầu Nhật thả thuyền trưởng Trung Quốc ngay lập tức, và bật đèn xanh cho loạt cuộc biểu tình dữ dội chống Nhật. Cùng lúc, Trung Quốc ngăn một số mặt hàng xuất khẩu đến Nhật trong đó có đất hiếm. Đây là một trong những lần đầu tiên Bắc Kinh áp dụng đòn trừng phạt kinh tế trong một xung đột lẽ ra không đáng làm to chuyện. Yoichi Funabashi, tổng biên tập tờ Asahi Shimbun, gọi phản ứng Trung Quốc là một “chiến dịch gây sốc và kinh ngạc”. Funabashi chính là người từng hoạt động tích cực việc khuyến khích trao đổi du học sinh hai nước và là một trong những người mạnh mẽ kêu gọi Nhật hàn gắn vết thương chiến tranh với Trung Quốc. Chỉ vài ngày sau vụ trên, Funabashi buộc phải thốt lên: “Nhật và Trung Quốc đang ở hiện trường một vụ đổ nát toàn diện và quanh cảnh trông ảm đạm trơ trọi trống vắng”. Trong cuộc phỏng vấn sau đó, Funabashi cảnh báo rằng châu Á đang đối mặt với một thứ luật rừng! Cuối cùng, chính thái độ của Trung Quốc đã trở thành nguyên nhân một phần khiến chính trường Nhật thay đổi: cánh chính trị thân Trung, DPJ, bị hất cẳng; và đảng LDP, thân Mỹ, trở lại, vào cuối năm 2012.
VỚI ÚC
Là một trong những nước đầu tiên nhận ra sự trỗi dậy Trung Quốc, Úc bắt đầu thắt chặt quan hệ kinh tế với Bắc Kinh từ thập niên 1980. Mùa xuân mới trong cuộc tình Canberra-Bắc Kinh đã bắt đầu bằng sự kiện “xông đất” của Hồ Diệu Bang năm 1985. Thủ tướng Úc Bob Hawke háo hức đến mức phá vỡ nguyên tắc thông thường trong ngoại giao tiếp đón nguyên thủ quốc gia và xem Hồ Diệu Bang như một người bạn khi đưa họ Hồ đến vùng đất giàu khoáng sản Pilbara xa xôi ở phía Tây nước Úc cách Canberra hơn 3.000 km.
Bức ảnh chụp hai người, đều vận sơmi trắng và không mang cà vạt, đứng trên một ngọn núi hướng mắt về nơi xa xa, nơi có một trong những quặng sắt lớn nhất thế giới, đã trở nên nổi tiếng như một dấu ấn lịch sử quan hệ hai nước. Năm 2007, Kevin Rudd, người mà báo chí Trung Quốc gọi thân mật bằng cái tên tiếng Hoa là Lục Khắc Văn (Lu Kewen), đã trở thành lãnh đạo một nước phương Tây đầu tiên biết nói thông thạo tiếng Hoa. Tương tự Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước châu Á, Úc hưởng lợi đáng kể từ sự phát triển kinh tế Trung Quốc. Quan hệ kinh tế song phương đến nay vẫn tăng đều. Hiện tại, ¼ xuất khẩu Úc đang đổ vào thị trường Trung Quốc. Trong chuyến công du Trung Quốc tháng 4-2014, Thủ tướng Úc Tony Abbott đã dẫn theo phái đoàn đông chưa từng có (hai nước dự kiến ký Hiệp định Tự do thương mại vào cuối năm 2014).
Từng có một thời điểm rộ lên nguồn tin cho biết, một số viên chức cấp cao Trung Quốc đã thẳng thắn đề nghị Canberra “chơi” theo “kiểu Pháp”: vẫn là một phần của liên minh phương Tây nhưng tách khỏi Mỹ để đi theo con đường riêng. Khuynh hướng “bỏ Mỹ-thân Trung” còn được ủng hộ từ một số nhân vật tên tuổi của Úc. Cựu Thủ tướng Malcolm Fraser nói rằng cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc là một phiên bản thời Chiến tranh lạnh. Chỉ trích của cựu cố vấn chính phủ Hugh White thậm chí còn gay gắt hơn. Trong bài bình luận “Power Shift”, Hugh White viết: “Nếu không rút khỏi châu Á và không chịu chia sẻ quyền lực với Trung Quốc, Mỹ phải chấp nhận đấu với thách thức Trung Quốc về khả năng ai mới là kẻ xứng đáng lãnh đạo”. Greg Sheridan, biên tập viên đối ngoại tờ The Australian, gọi bài bình luận của White là “tài liệu chiến lược độc nhất và ngu xuẩn nhất từng được soạn cho lịch sử Úc”!
Thế nhưng Bắc Kinh lại làm vuột mất bàn tay người tình Canberra. Một lần nữa, cũng chỉ bắt nguồn từ một sự kiện không mấy nghiêm trọng. Năm 2009, Hồ Sĩ Thái (Stern Hu), công dân Úc gốc Hoa làm việc cho tập đoàn khai thác khoáng sản Rio Tinto tại Thượng Hải, bị Trung Quốc bắt với cáo buộc đánh cắp bí mật quốc gia. Lúc đó, Rio Tinto đang dính vào cuộc tranh cãi căng thẳng với Bắc Kinh quanh vấn đề giá sắt. Cáo buộc dành cho Hồ Sĩ Thái sau đó được làm nhẹ bớt, với tội đánh cắp bí mật thương mại. Hồ Sĩ Thái bị kết án 10 năm tù. Báo chí Úc tin rằng chính vụ tranh cãi với Bắc Kinh mới là nguyên nhân khiến Rio Tinto bị “xử” và Hồ Sĩ Thái chỉ là một nạn nhân vạ lây. Dù vậy, chính sự hung hăng trong chính sách đối ngoại khu vực của Trung Quốc mới là nguyên nhân khiến Úc nhìn Bắc Kinh bằng cặp mắt lo ngại.
Cuối năm 2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Úc, tuyên bố đưa 2.500 thủy quân lục chiến đến nước này. “Lợi ích lâu dài của chúng tôi trong khu vực đòi hỏi sự hiện diện lâu dài của chúng tôi trong khu vực. Hoa Kỳ là một cường quốc Thái Bình Dương, và chúng tôi đến đây để ở lại” – Obama phát biểu tại Quốc hội Úc. Sự hiện diện của 2.500 thủy quân lục chiến Mỹ đã thể hiện một “chính sách bảo hiểm” cho một tương lai không chắc chắn trước sự đe dọa an ninh từ Trung Quốc mà Úc bắt đầu nhận ra. Và trong chuyến công du Hoa Kỳ vào giữa tháng 6-2014, Thủ tướng Tony Abbott đã đứng tên chung với Tổng thống Obama trong bài xã luận đăng trên Los Angeles Times. Bài có đoạn: “Cả Úc và Hoa Kỳ đều quan ngại rằng hành vi gây hấn tăng dần trong các cuộc tranh chấp biển đảo tại châu Á đang tạo ra một nguy cơ ngày càng tăng của tính toán sai lầm và, trong trường hợp xấu nhất, dẫn đến xung đột… Cả hai nước chúng tôi đều phản đối việc sử dụng hăm dọa, ép buộc hoặc xâm lược trong vấn đề tranh chấp của bất kỳ quốc gia nào”.
VỚI PHILIPPINES
Có lúc tưởng chừng Trung Quốc đã “mua” được Philippines. Dưới thời Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo, Trung Quốc từng dứ ra đĩa mồi thơm phức: 2,8 tỉ USD (chưa kể 330 triệu USD cung cấp hệ thống băng thông rộng kết nối 25.000 văn phòng chính quyền). Năm 2005 là thời điểm quan hệ Manila-Bắc Kinh ở đỉnh cao. Đó là lúc “Joint Marine Seismic Undertaking” (JMSU; ký năm 2004) bắt đầu có hiệu lực. JMSU là thỏa ước giữa Philippines, Việt Nam và Trung Quốc về việc thăm dò một khu vực 142.886 km2 phía Tây Palawan nằm hoàn toàn trong chủ quyền Philippines. Dư luận Philippines phản ứng gay gắt, cho rằng Arroyo bán đứng đất nước. Quốc hội Phi tin rằng đây là một điều kiện mà Bắc Kinh đặt ra để đổi lấy khoản vay 2,8 tỉ USD… Quan điểm đối ngoại của Arroyo rất rõ: anh em xa không bằng láng giềng gần. Tuy nhiên, tay láng giềng này, với một quan hệ mà Arroyo từng nói rằng “bắt đầu bước sang thời hoàng kim” khi tiếp Hồ Cẩm Đào trong chuyến công du Manila tháng 4-2005, đã gây ra liên tiếp va chạm căng thẳng từ các vụ xâm nhập đánh cá. Cuối cùng, thái độ ngang ngược của Trung Quốc khiến thay đổi diện mạo chính trị Philippines, với cuộc thắng cử của Benigno Aquino III vào tháng 5-2010, đưa Manila chuyển hẳn sang trục Mỹ.
***
Kết quả chính sách đối ngoại đưa mình lên vị trí trung tâm khu vực của Bắc Kinh: Càng cố đẩy Mỹ ra xa, Trung Quốc càng khiến Mỹ gắn chặt quyền lợi hơn với châu Á. Càng cố lôi kéo các nước châu Á, Trung Quốc càng khiến họ nhảy về phía Mỹ. Bắc Kinh không thể không nhận ra điều này nhưng họ tin rằng đây là thời khắc chín mùi để thể hiện sức mạnh. Một vài phép thử rải rác từ năm 2009 cho thấy phản ứng yếu ớt của khu vực trong khi Mỹ vẫn chưa thực hiện xong kế hoạch “cắm cọc” đã khiến Bắc Kinh tự tin đẩy cực nhanh tốc độ “xử lý dứt điểm” vấn đề biển Đông. Ở đây có lẽ không cần thiết nói về cái được cái mất trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, vì nó quá rõ – như lời chính Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong), học giả có sức ảnh hưởng mạnh tại Trung Quốc, rằng: “Chúng tôi đã giành được những điều hoàn toàn trái ngược với những gì mà chúng tôi hy vọng muốn có” – mà cần nhấn mạnh vấn đề ở một khía cạnh khác:
Trung Quốc, bất chấp hậu quả nhãn tiền, vẫn đang đi theo một chủ trương đối ngoại, vượt ngoài chuẩn tắc bang giao chính trị hiện đại, trong đó không có khái niệm của sự tử tế, thành thật và tôn trọng. Họ không cần đồng minh, họ chỉ muốn chư hầu! Họ không cần cam kết quan hệ bền vững mà chỉ muốn có sự qui phục lâu dài! Thật chua xót đối với bất kỳ nước nhỏ nào vẫn còn ngây thơ tin rằng mình đang được Trung Quốc đối xử ngang bằng và tôn trọng như một quốc gia với một quốc gia!
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
Trung Quốc không cần đồng minh, họ chỉ muốn chư hầu!
03-07-2014
Lịch sử ngoại giao thế giới đang chứng kiến một “ca” rất lạ: thay vì xây dựng đồng minh và lôi kéo đồng minh kẻ địch về phe mình, Trung Quốc lại đẩy ra tất cả để đứng riêng một góc! Bắc Kinh đã đánh mất rất nhiều cơ hội để biến họ thành một cường quốc châu Á thật sự, thay vào đó, họ đã tự dâng khu vực cho Mỹ.
VỚI NHẬT
Năm 2009, cử tri Nhật đẩy đảng Dân chủ Tự do (LDP) ra khỏi cuộc chơi, lần đầu tiên trong 50 năm, và đưa đảng Dân chủ (DPJ) lên nắm quyền. Tân Thủ tướng Yukio Hatoyama công khai nói về ý tưởng thành lập một liên minh Đông Á mới và bày tỏ sự gần gũi với Bắc Kinh. Đầu năm 2010, chính trị gia Ichiro Ozawa dẫn một phái đoàn hùng hậu 143 nghị sĩ Nhật sang Bắc Kinh. Ozawa là một chính khách sừng sỏ của Nhật, được mệnh danh “tướng quân trong bóng tối” bởi ảnh hưởng hậu trường của ông lên sân khấu chính trị nước này.
Chỉ vài tháng sau, tháng 8-2010, quan hệ Nhật-Trung trở nên căng thẳng, bắt đầu từ vụ tuần duyên Nhật bắt một thuyền trưởng Trung Quốc khi đoàn tàu cá Trung Quốc thâm nhập Senkaku. Phản ứng Bắc Kinh là rất hung hăng. Họ yêu cầu Nhật thả thuyền trưởng Trung Quốc ngay lập tức, và bật đèn xanh cho loạt cuộc biểu tình dữ dội chống Nhật. Cùng lúc, Trung Quốc ngăn một số mặt hàng xuất khẩu đến Nhật trong đó có đất hiếm. Đây là một trong những lần đầu tiên Bắc Kinh áp dụng đòn trừng phạt kinh tế trong một xung đột lẽ ra không đáng làm to chuyện. Yoichi Funabashi, tổng biên tập tờ Asahi Shimbun, gọi phản ứng Trung Quốc là một “chiến dịch gây sốc và kinh ngạc”. Funabashi chính là người từng hoạt động tích cực việc khuyến khích trao đổi du học sinh hai nước và là một trong những người mạnh mẽ kêu gọi Nhật hàn gắn vết thương chiến tranh với Trung Quốc. Chỉ vài ngày sau vụ trên, Funabashi buộc phải thốt lên: “Nhật và Trung Quốc đang ở hiện trường một vụ đổ nát toàn diện và quanh cảnh trông ảm đạm trơ trọi trống vắng”. Trong cuộc phỏng vấn sau đó, Funabashi cảnh báo rằng châu Á đang đối mặt với một thứ luật rừng! Cuối cùng, chính thái độ của Trung Quốc đã trở thành nguyên nhân một phần khiến chính trường Nhật thay đổi: cánh chính trị thân Trung, DPJ, bị hất cẳng; và đảng LDP, thân Mỹ, trở lại, vào cuối năm 2012.
VỚI ÚC
Là một trong những nước đầu tiên nhận ra sự trỗi dậy Trung Quốc, Úc bắt đầu thắt chặt quan hệ kinh tế với Bắc Kinh từ thập niên 1980. Mùa xuân mới trong cuộc tình Canberra-Bắc Kinh đã bắt đầu bằng sự kiện “xông đất” của Hồ Diệu Bang năm 1985. Thủ tướng Úc Bob Hawke háo hức đến mức phá vỡ nguyên tắc thông thường trong ngoại giao tiếp đón nguyên thủ quốc gia và xem Hồ Diệu Bang như một người bạn khi đưa họ Hồ đến vùng đất giàu khoáng sản Pilbara xa xôi ở phía Tây nước Úc cách Canberra hơn 3.000 km.
Bức ảnh chụp hai người, đều vận sơmi trắng và không mang cà vạt, đứng trên một ngọn núi hướng mắt về nơi xa xa, nơi có một trong những quặng sắt lớn nhất thế giới, đã trở nên nổi tiếng như một dấu ấn lịch sử quan hệ hai nước. Năm 2007, Kevin Rudd, người mà báo chí Trung Quốc gọi thân mật bằng cái tên tiếng Hoa là Lục Khắc Văn (Lu Kewen), đã trở thành lãnh đạo một nước phương Tây đầu tiên biết nói thông thạo tiếng Hoa. Tương tự Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước châu Á, Úc hưởng lợi đáng kể từ sự phát triển kinh tế Trung Quốc. Quan hệ kinh tế song phương đến nay vẫn tăng đều. Hiện tại, ¼ xuất khẩu Úc đang đổ vào thị trường Trung Quốc. Trong chuyến công du Trung Quốc tháng 4-2014, Thủ tướng Úc Tony Abbott đã dẫn theo phái đoàn đông chưa từng có (hai nước dự kiến ký Hiệp định Tự do thương mại vào cuối năm 2014).
Từng có một thời điểm rộ lên nguồn tin cho biết, một số viên chức cấp cao Trung Quốc đã thẳng thắn đề nghị Canberra “chơi” theo “kiểu Pháp”: vẫn là một phần của liên minh phương Tây nhưng tách khỏi Mỹ để đi theo con đường riêng. Khuynh hướng “bỏ Mỹ-thân Trung” còn được ủng hộ từ một số nhân vật tên tuổi của Úc. Cựu Thủ tướng Malcolm Fraser nói rằng cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc là một phiên bản thời Chiến tranh lạnh. Chỉ trích của cựu cố vấn chính phủ Hugh White thậm chí còn gay gắt hơn. Trong bài bình luận “Power Shift”, Hugh White viết: “Nếu không rút khỏi châu Á và không chịu chia sẻ quyền lực với Trung Quốc, Mỹ phải chấp nhận đấu với thách thức Trung Quốc về khả năng ai mới là kẻ xứng đáng lãnh đạo”. Greg Sheridan, biên tập viên đối ngoại tờ The Australian, gọi bài bình luận của White là “tài liệu chiến lược độc nhất và ngu xuẩn nhất từng được soạn cho lịch sử Úc”!
Thế nhưng Bắc Kinh lại làm vuột mất bàn tay người tình Canberra. Một lần nữa, cũng chỉ bắt nguồn từ một sự kiện không mấy nghiêm trọng. Năm 2009, Hồ Sĩ Thái (Stern Hu), công dân Úc gốc Hoa làm việc cho tập đoàn khai thác khoáng sản Rio Tinto tại Thượng Hải, bị Trung Quốc bắt với cáo buộc đánh cắp bí mật quốc gia. Lúc đó, Rio Tinto đang dính vào cuộc tranh cãi căng thẳng với Bắc Kinh quanh vấn đề giá sắt. Cáo buộc dành cho Hồ Sĩ Thái sau đó được làm nhẹ bớt, với tội đánh cắp bí mật thương mại. Hồ Sĩ Thái bị kết án 10 năm tù. Báo chí Úc tin rằng chính vụ tranh cãi với Bắc Kinh mới là nguyên nhân khiến Rio Tinto bị “xử” và Hồ Sĩ Thái chỉ là một nạn nhân vạ lây. Dù vậy, chính sự hung hăng trong chính sách đối ngoại khu vực của Trung Quốc mới là nguyên nhân khiến Úc nhìn Bắc Kinh bằng cặp mắt lo ngại.
Cuối năm 2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Úc, tuyên bố đưa 2.500 thủy quân lục chiến đến nước này. “Lợi ích lâu dài của chúng tôi trong khu vực đòi hỏi sự hiện diện lâu dài của chúng tôi trong khu vực. Hoa Kỳ là một cường quốc Thái Bình Dương, và chúng tôi đến đây để ở lại” – Obama phát biểu tại Quốc hội Úc. Sự hiện diện của 2.500 thủy quân lục chiến Mỹ đã thể hiện một “chính sách bảo hiểm” cho một tương lai không chắc chắn trước sự đe dọa an ninh từ Trung Quốc mà Úc bắt đầu nhận ra. Và trong chuyến công du Hoa Kỳ vào giữa tháng 6-2014, Thủ tướng Tony Abbott đã đứng tên chung với Tổng thống Obama trong bài xã luận đăng trên Los Angeles Times. Bài có đoạn: “Cả Úc và Hoa Kỳ đều quan ngại rằng hành vi gây hấn tăng dần trong các cuộc tranh chấp biển đảo tại châu Á đang tạo ra một nguy cơ ngày càng tăng của tính toán sai lầm và, trong trường hợp xấu nhất, dẫn đến xung đột… Cả hai nước chúng tôi đều phản đối việc sử dụng hăm dọa, ép buộc hoặc xâm lược trong vấn đề tranh chấp của bất kỳ quốc gia nào”.
VỚI PHILIPPINES
Có lúc tưởng chừng Trung Quốc đã “mua” được Philippines. Dưới thời Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo, Trung Quốc từng dứ ra đĩa mồi thơm phức: 2,8 tỉ USD (chưa kể 330 triệu USD cung cấp hệ thống băng thông rộng kết nối 25.000 văn phòng chính quyền). Năm 2005 là thời điểm quan hệ Manila-Bắc Kinh ở đỉnh cao. Đó là lúc “Joint Marine Seismic Undertaking” (JMSU; ký năm 2004) bắt đầu có hiệu lực. JMSU là thỏa ước giữa Philippines, Việt Nam và Trung Quốc về việc thăm dò một khu vực 142.886 km2 phía Tây Palawan nằm hoàn toàn trong chủ quyền Philippines. Dư luận Philippines phản ứng gay gắt, cho rằng Arroyo bán đứng đất nước. Quốc hội Phi tin rằng đây là một điều kiện mà Bắc Kinh đặt ra để đổi lấy khoản vay 2,8 tỉ USD… Quan điểm đối ngoại của Arroyo rất rõ: anh em xa không bằng láng giềng gần. Tuy nhiên, tay láng giềng này, với một quan hệ mà Arroyo từng nói rằng “bắt đầu bước sang thời hoàng kim” khi tiếp Hồ Cẩm Đào trong chuyến công du Manila tháng 4-2005, đã gây ra liên tiếp va chạm căng thẳng từ các vụ xâm nhập đánh cá. Cuối cùng, thái độ ngang ngược của Trung Quốc khiến thay đổi diện mạo chính trị Philippines, với cuộc thắng cử của Benigno Aquino III vào tháng 5-2010, đưa Manila chuyển hẳn sang trục Mỹ.
***
Kết quả chính sách đối ngoại đưa mình lên vị trí trung tâm khu vực của Bắc Kinh: Càng cố đẩy Mỹ ra xa, Trung Quốc càng khiến Mỹ gắn chặt quyền lợi hơn với châu Á. Càng cố lôi kéo các nước châu Á, Trung Quốc càng khiến họ nhảy về phía Mỹ. Bắc Kinh không thể không nhận ra điều này nhưng họ tin rằng đây là thời khắc chín mùi để thể hiện sức mạnh. Một vài phép thử rải rác từ năm 2009 cho thấy phản ứng yếu ớt của khu vực trong khi Mỹ vẫn chưa thực hiện xong kế hoạch “cắm cọc” đã khiến Bắc Kinh tự tin đẩy cực nhanh tốc độ “xử lý dứt điểm” vấn đề biển Đông. Ở đây có lẽ không cần thiết nói về cái được cái mất trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, vì nó quá rõ – như lời chính Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong), học giả có sức ảnh hưởng mạnh tại Trung Quốc, rằng: “Chúng tôi đã giành được những điều hoàn toàn trái ngược với những gì mà chúng tôi hy vọng muốn có” – mà cần nhấn mạnh vấn đề ở một khía cạnh khác:
Trung Quốc, bất chấp hậu quả nhãn tiền, vẫn đang đi theo một chủ trương đối ngoại, vượt ngoài chuẩn tắc bang giao chính trị hiện đại, trong đó không có khái niệm của sự tử tế, thành thật và tôn trọng. Họ không cần đồng minh, họ chỉ muốn chư hầu! Họ không cần cam kết quan hệ bền vững mà chỉ muốn có sự qui phục lâu dài! Thật chua xót đối với bất kỳ nước nhỏ nào vẫn còn ngây thơ tin rằng mình đang được Trung Quốc đối xử ngang bằng và tôn trọng như một quốc gia với một quốc gia!