Báo cáo của IMF công bố nền kinh tế Trung Quốc đứng đầu thế giới là không chính xác.
Gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, dựa trên các tính toán của sức mua tương đương (PPP), tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc (GDP) năm 2014 sẽ là 17,6 nghìn tỷ đô la, vượt qua GDP của Mỹ là 17,4 nghìn tỷ đô la.
Theo một chuyên gia Trung Quốc, những ước tính này “không sát với thực tế”, vì thế các phương tiện truyền thông đã công bố một vài báo cáo đặc biệt cho rằng “Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc được gọi là ‘số 1’ thế giới, nhưng GDP bình quân đầu người của Trung Quốc thua xa Mỹ đến 50 năm”. Các báo cáo của Trung Quốc cho biết họ đã “điều chỉnh lại những hiểu lầm”.
Trung Quốc từ chối danh hiệu “số 1″ bởi họ biết rõ bản thân mình như thế nào.
Vào ngày 30/4, Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc kinh tế số 1 thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng từ chối nhận danh hiệu vị trí số 1 này bởi họ biết rõ bản thân mình như thế nào.
Điều này chứng tỏ việc làm giả số liệu thống kê là tình trạng rất phổ biến ở Trung Quốc.
Trên thực tế, GDP cao không có nghĩa là nền kinh tế phát triển. Lý do có thể là: 1) Mặc dù GDP cao nhưng GDP bình quân đầu người thấp; 2) Chênh lệch quá lớn giữa người giàu và người nghèo gây ra sự phân hóa trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình, từ đó tác động xấu đến tổng cầu nội địa, vốn là nhân tố chính kích thích sự phát triển kinh tế; 3) Tài nguyên thiên nhiên là nền tảng chủ yếu để một quốc gia phát triển bền vững nhưng Trung Quốc lại phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn lực bên ngoài.
Sống trong nghèo đói
Trong năm 2013, có tổng cộng 16 quốc gia đạt GDP trên 1 nghìn tỷ đô la. Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới với GDP vào khoảng 16,19 nghìn tỷ đô la. Trung Quốc đứng thứ 2 với 9 nghìn tỷ đô la, vượt đáng kể so với vị trí thứ ba của Nhật Bản với 5.99 nghìn tỷ đô la.
Tuy nhiên, tính theo GDP bình quân đầu người, Hoa Kỳ xếp hạng thứ 11 với 51.248 đô la/người, và Trung Quốc đứng thứ 86 với 6.629 đô la/người.
Do GDP không thể chứng minh sức mạnh kinh tế của Trung Quốc nên GDP bình quân đầu người cũng không phản ánh thu nhập chuẩn của phần lớn người dân Trung Quốc, bởi sự giàu có của quốc gia này chỉ tập trung vào một số người.
Tháng 7 năm nay, Viện Điều tra Khoa học Xã hội của Đại học Bắc Kinh đã ban hành “Báo cáo về phát triển mức sống của người dân Trung Quốc năm 2014″. Báo cáo chỉ ra rằng trong năm 2012, hệ số Gini đo tài sản ròng của các hộ gia đình Trung Quốc là 0,73. Đây là thước đo sự phân hóa thu nhập, có giá trị từ 0 đến 1, trong đó số 0 đại diện cho bình đẳng thu nhập tuyệt đối và số 1 đại diện cho bất bình đẳng thu nhập tuyệt đối.
Như vậy, 1% số hộ giàu tại Trung Quốc sở hữu đến 30% của cải quốc gia, trong khi 25% số hộ nghèo chỉ có được khoảng 1% của cải cả nước.
Một tập hợp các dữ liệu khác xác nhận thực tế rằng sự giàu có của Trung Quốc đang quá tập trung vào một vài bộ phận dân chúng. Báo cáo “Xếp hạng tỷ phú năm 2014 của Wealth-X và UBS” cho biết 152 cá nhân ở Trung Quốc có tài sản ròng vượt quá 1 tỷ đô la, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.
Ở Trung Quốc có 468 triệu người chi tiêu ít hơn 2 đô la mỗi ngày.
Tuy nhiên, một sự thật tàn nhẫn đối lập với 152 tỷ phú đứng hàng thứ 2 thế giới là 200 triệu người nghèo khổ với mức chi trung bình 1 đô la/ngày và 468 triệu người với mức chi thấp hơn 2 đô la/ngày..
Báo cáo của Đại học Bắc Kinh phân chia các mô hình chi tiêu của Trung Quốc thành 5 loại: loại nghèo và bệnh tật, loại kiến, loại ốc sên, loại ổn định và an toàn, loại an nhàn.
Từ mô hình phân bố giàu nghèo ở Trung Quốc, chúng ta có thể thấy rằng các gia đình Trung Quốc gặp khó khăn trong chi tiêu (loại kiến) hoặc có gánh nặng lớn từ điều trị y tế, giáo dục và nhà ở (loại ốc sên, loại nghèo và bệnh tật) chiếm phần lớn dân số của Trung Quốc.
Mặt khác, chỉ có một vài hộ gia đình sống vương giả (loại an nhàn). Ngoài ra, có sự khác biệt rất lớn trong mức chi tiêu giữa thành thị và nông thôn: khu vực nông thôn chủ yếu là các hộ thuộc loại nghèo và bệnh tật, ngược lại các thành phố và thị trấn có nhiều hộ gia đình thuộc loại an nhàn hoặc loại an toàn và ổn định.
Tổng cầu nội địa
Trong suốt thời gian dài trước đây, tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc dựa vào “bộ ba” – thương mại quốc tế, đầu tư và cầu nội địa.
Ở giai đoạn hiện nay, Trung Quốc đang mất dần vai trò công xưởng của thế giới. Cán cân thương mại thâm hụt nặng nề, mặc dù hiện tại có thặng dư trở lại nhưng xu hướng dài hạn là thâm hụt.
Đầu tư đến từ ba khu vực: chính phủ (bao gồm các doanh nghiệp nhà nước), tư nhân, và đầu tư nước ngoài. Đầu tư của chính phủ đang chậm lại và đầu tư nước ngoài cũng sụt giảm so với trước đây.
Thông qua sử dụng thẻ tín dụng và dịch vụ của các ngân hàng nước ngoài cũng như những khoản đầu tư quốc tế, người giàu ở Trung Quốc đang chuyển vốn ra nước ngoài. Tình trạng này khiến việc hạn chế các giao dịch ngoại hối mở mức tối đa trở nên vô tác dụng. Trước thực trạng nguồn vốn không ngừng chảy ra khỏi Trung Quốc, chính phủ nước này buộc phải thực hiện một kế hoạch chống rửa tiền vào tháng 7 năm nay.
Hệ thống kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào thị trường quốc tế do khả năng tự sản xuất và phát triển là rất kém.
Trong số các yếu tố của “bộ ba”, chỉ có tổng cầu nội địa vẫn duy trì sự gia tăng. Tuy nhiên, sự bất cân xứng về tiêu dùng của Trung Quốc vẫn là một vấn đề dài hạn. Theo số liệu thống kê chính thức, trong vài năm qua, chi tiêu hộ gia đình chỉ chiếm 48% tổng số GDP của Trung Quốc. Con số này không chỉ thấp hơn mức trung bình của thế giới là 80% mà còn thấp hơn cả mức tiêu thụ 60% của Trung Quốc cách đây 20 năm.
Trong năm 2013, các nhà nghiên cứu của Trung Quốc đã đánh giá thấp mức tiêu dùng của nước này vì con số đó không bao gồm chi tiêu cho nhà ở vốn là một khoản tiền đáng kể bao gồm tiền thuê và bảo trì nhà ở, xăng dầu, điện và nước. Ý kiến này có vẻ hợp lý.
Ngay cả khi tính đến tiêu dùng cho nhà ở thì thực tế vẫn rất khó khăn để thay đổi sự phân hóa cáo trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình của Trung Quốc, và những chi tiêu bổ sung này cũng không thể kích cầu nội địa.
Bất kỳ thị trường nào chỉ dựa vào chính phủ và những người giàu có để phát triển chắc chắn sẽ không thành công. Ví dụ, thị trường bất động sản của Trung Quốc hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng đầu tư của hai khu vực này, và hoàn toàn không phản ánh khả năng chi tiêu cũng như nhu cầu thực sự của người dân Trung Quốc. Cuối cùng đã dẫn đến hiện tượng bong bóng kinh tế lớn.
Sản xuất và phân phối được ví như bánh xe trước và sau của một chiếc ô tô. Sản xuất xác định nguồn cung, còn phân phối quyết định mức cầu. Cung vượt quá cầu cũng giống như một chiếc xe hơi không thể đi được chỉ với hai bánh xe phía trước.
Tương tự, một xã hội với sự chênh lệch phân phối nghiêm trọng sẽ dẫn đến các cuộc xung đột dữ dội và bất thường. Ngay cả khi xã hội đó đang trải qua sự thịnh vượng ngắn hạn thì vẫn rất khó khăn để duy trì trong lâu dài.
Tài nguyên nghèo nàn
Chính phủ Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy “ba cột trụ vững chắc”: hệ thống chính trị Trung Quốc, đường lối của Đảng và học thuyết của Đảng. Tuy nhiên, chính phủ cũng hiểu rõ tình hình thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc.
Định mức tài nguyên năng lượng bình quân đầu người thấp, với số lượng than, điện nước và dầu khí tự nhiên bình quân đầu người lần lượt chỉ đạt 50% và 7% mức trung bình của thế giới. Ngoài ra, diện tích đất canh tác bình quân đầu người chỉ vào khoảng 30% mức trung bình của thế giới.
Chính phủ Trung Quốc thừa nhận cuộc khủng hoảng sinh thái và tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí ngày càng xấu đi. Ví dụ, khoảng 57,5 triệu ha, chiếm 19,4% tổng diện tích đất canh tác của Trung Quốc đã bị ô nhiễm nặng.
Nguồn nước thiếu hụt và sự ô nhiễm nguồn nước cũng là vấn đề rất nghiêm trọng. Ngoài ra, theo báo cáo của Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu 2010 (Global Burden of Disease Study), thực trạng ô nhiễm không khí đã gây ra tình trạng tử vong sớm của 1,2 triệu người, chiếm gần 40% tổng số thế giới.
Chính phủ Trung Quốc chắc hẳn nhận thức được thực tế này: khả năng sản xuất lương thực của Trung Quốc đã giảm xuống còn 86%, bù lại họ phải nhập khẩu một lượng lớn gạo, lúa mì và ngô. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng nhập khẩu phần lớn năng lượng và khoáng chất. Tỷ lệ phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài trên 50% (trong khi Hoa Kỳ và Nhật Bản chỉ phụ thuộc vào công nghệ bên ngoài với tỷ lệ 5%).
Hệ thống kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào thị trường quốc tế do khả năng tự sản xuất và phát triển là rất yếu kém. Bất kỳ biến động chính trị quốc tế nào cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung và giá cả tại thị trường Trung Quốc.
Dầu mỏ, được mệnh danh là “huyết mạch của nền kinh tế hiện đại”, là một ví dụ cho thấy Trung Quốc phải lệ thuộc nhiều vào nguồn lực bên ngoài, tỷ lệ nhập khẩu lên tới 65% nhu cầu tiêu thụ, chủ yếu từ các nước Trung Đông, Mỹ Latinh, châu Phi, Nga, và các khu vực khác.
Trung Đông và châu Phi đều được xếp vào các khu vực bất ổn về chính trị. Điều này có nghĩa rằng việc nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc có thể dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những thay đổi chính trị.
Trong một thập kỷ qua, Trung Quốc đã mua cổ phiếu và mua lại các công ty như một chiến lược đầu tư nước ngoài quan trọng. Hiện nay, nhiều khoản đầu tư đó là rất lãng phí do tình hình chính trị thay đổi.
Chẳng hạn, Trung Quốc đầu tư hơn 20 tỷ đô la tại Libya, nhưng tất cả đã trở thành vô ích sau khi Phong trào mùa xuân Ả Rập diễn ra vào năm 2011. Trung Quốc cũng đầu tư nguồn vốn lớn vào Sudan, nhưng do cuộc xung đột chính trị khốc liệt xảy ra ở đây mà Trung Quốc phải gửi một đội quân 700 người đến nước này để bảo vệ tài sản ở nước ngoài.
Trong hơn nửa thế kỷ trước, Hoa Kỳ luôn là quốc gia đóng vai trò gìn giữ trật tự an ninh quốc tế, trong khi Trung Quốc và phần lớn các quốc gia khác là người hưởng lợi. Trong tương lai, khi Mỹ thay đổi chính sách đối ngoại, có lẽ Trung Quốc sẽ phải tự lực cánh sinh để bảo vệ các khoản đầu tư ở nước ngoài.
Trung Quốc nên thay đổi thói quen báo cáo sai lệch số liệu thống kê
Chính vì Bắc Kinh hiểu rằng vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới thực sự chỉ là “vỏ bọc mạ vàng, nhưng bên trong tồi tàn và đổ nát,” nên Trung Quốc cảm thấy không vui với vị trí danh hão này.
Sau khi điều tra nguyên do tại sao được xếp vào vị trí “số 1”, Trung Quốc không thể đổ lỗi cho WB và IMF bởi dữ liệu thống kê là do Cục Thống kê Quốc gia của Trung Quốc (NBS) cung cấp. Đối với chính phủ Trung Quốc, thay vì phàn nàn về vị trí “số 1″, họ nên thay đổi thói quen chuyên báo cáo sai lệch số liệu thống kê.
Xuất bản lần đầu trên Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.
Hà Thanh Liên là tác giả, nhà kinh tế nổi tiếng người Trung Quốc hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ. Cô là tác giả của cuốn “China’s Pitfalls” (Những cạm bẫy của Trung Quốc), viết về nạn tham nhũng trong cuộc cải cách kinh tế những năm 1990, và “The Fog of Censorship: Media Control in China” (Bóng đen kiểm duyệt: Kiểm soát thông tin ở Trung Quốc), đề cập đến hoạt động ngăn chặn và hạn chế thông tin ở Trung Quốc.
Quan điểm thể hiện trong bài viết này là ý kiến cá nhân của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Epoch Times.
http://vietdaikynguyen.com/v3/16248-trung-quoc-ngheo-hon-nhung-gi-ho-bao-cao/