Trong trình tự đó, người đi sau học tập những thành tựu của người đi trước, cố hiểu rõ cội nguồn của những nhận định và những kết luận của họ trong thực tế nói năng của dân tộc, kiểm tra lại xem những nhận định và kết luận này có phù hợp với cách nói năng của người bản ngữ hay không.
Nếu không, họ phê phán, chỉnh lý và bổ sung cho những nhận định ấy được chính xác và khái quát hơn, và mặt khác cố gắng tiếp thu những phát kiến thành công của các trào lưu tiến bộ trong trong lý thuyết ngôn ngữ học thế giới để soi sáng những vấn đề có liên quan đến tiếng mẹ đẻ của mình.
Nguyên nhân dẫn tới bước lùi của tiếng Việt
Con đường diễn biến của ngành chúng ta rất quanh co khúc khuỷu, và gồm có nhiều bước lùi rõ rệt, một phần cũng vì người đi sau không mấy người được đào tạo chính quy về nghiệp vụ để đánh giá đúng những thành tựu mà người đi trước đã đạt được cũng như những sai lầm mà họ có thể mắc phải, nhiều khi do những nguyên nhân khách quan của lịch sử hay những nguyên nhân chủ quan của vốn tri thức riêng của từng người.
Nhưng nguyên nhân chính của tình hình này không phải ở đấy. Nó nằm trong một định kiến càng ngày càng ăn sâu vào lòng một số người không nhỏ, cho rằng từ khi được học tiếng Pháp, người Việt đã bắt đầu nói một thứ tiếng y hệt như người Âu châu, cho nên muốn nghiên cứu tiếng Việt, nhà ngôn ngữ học Việt Nam chỉ cần chép lại sách ngữ pháp tiếng Pháp là đủ. Huống chi bây giờ lại đang có phong trào “hội nhập” và “toàn cầu hoá”, khiến cho các ngôn ngữ, cũng như các nền văn hoá, dần dần nhích lại gấn nhau, tiến tới chỗ hợp nhất.
Định kiến này trở thành một chân lý tuyệt đối không còn có cách gì bác bỏ được kể từ khi GS Phan Ngọc (1983) (1) khẳng định:
“Đoản ngữ danh từ là một sản phẩm mới của ngữ pháp Việt Nam, ra đời do sự tiếp xúc với đoản ngữ danh từ của châu Âu (…). Lí do chính của sự ra đời đoản ngữ danh từ là sự đối lập giữa danh từ Việt Nam với danh từ châu Âu (…). Những khái niệm về số có mặt thường xuyên trong danh từ châu Âu cũng thúc đẩy người Việt Nam phải sử dụng những công cụ ngữ pháp tương đối thường xuyên để chỉ số. Do đó, ngày xưa chỉ có một cách nói người, ngày nay nói tám cách: người, con người, một người, một con người, những người, những con người, các con người, các người” [10, 269].
Và nhất là sau khi những ý kiến này được một cuốn sách do Bộ Giáo dục ấn hành (2) xác nhận và hợp pháp hoá.
Từ đó trở đi, một số đông những người nghiên cứu tiếng Việt hoàn toàn yên tâm trong việc sao chép lại các sách ngữ pháp tiếng Pháp, tiếng Anh hay tiếng Nga, dịch thật sát các thí dụ ra tiếng Việt, và đem những bản dịch ấy ra công bố thành hàng trăm bài vở, công trình dưới những tiêu đề khác nhau nhưng đều mang nhãn hiệu “ngữ pháp tiếng Việt”.
Họ không còn dành ra một phút nào để lắng nghe xem thử người Việt ngày nay, trong đó có bản thân họ, ăn nói ra làm sao, và cũng không còn chịu khó đọc lại những cuốn sách cũ xem thử những tác giả đi trước đã viết những gì về tiếng Việt, những cuốn sách ấy có còn phản ánh đúng ngữ trạng hiện nay của tiếng Việt nữa hay không, hay là chỉ phản ánh những ngữ trạng đã lùi vào dĩ vãng, như một số không nhỏ tác giả ngày nay quan niệm.
Những câu mà dân Việt Nam – trong đó có cả các nhà ngôn ngữ học – dùng mỗi ngày hàng ngàn lần nhưng không giống những kiểu câu của tiếng Pháp (như cách nói “Tôi tên là Nam” chẳng hạn) đều bị coi là sai ngữ pháp hay ít nhất là “vô văn hoá” hay “không chuẩn” (vì người có văn hoá phải nói “Tên của tôi là Nam” như người Pháp “chính cống” mới được).
Quả tình cũng phải công nhận rằng số thành tựu thật đáng tin cậy một cách chắc chắn mười phần mà các tác giả của thời trước đã đạt được cũng không lấy gì làm nhiều, nhưng đó là những thành tựu có thật, rất quan trọng, rất chân xác và cơ bản, và cho đến nay giá trị chân lý của nó, vẫn còn y nguyên, vì đó là kết quả trực tiếp của những công lao nghiên cứu tiếng Việt thật, chứ không phải những bản sao chép từ sách nước ngoài, như ta có thể thấy rõ qua những điều sẽ trình bày sau đây về Trương Vĩnh Ký (1883), L. Cadìère (1900) và Phạm Duy Khiêm (1940). Trái lại, những kiểu sao phỏng ngữ pháp tiếng Pháp hay một thứ tiếng Âu châu nào khác đều dẫn tới những sai lầm thô thiển khiến cho tiếng Việt bị bóp méo đến mức không còn nhận ra được nữa.
Công lao của Trương Vĩnh Ký với tiếng Việt
Trương Vĩnh Ký là người sống cùng thời với Ferdinand de Saussure, thời mà ngữ học đang đi theo xu hướng của các nhà Tân ngữ pháp vốn quan niệm rằng lịch sử của các ngôn ngữ là đối tượng duy nhất của ngữ học.
2. Analyse comparée des principales langues du monde.
3. Etude comparée sur les langues, les écritures, les croyances et les moeurs de l’Indochine.
4.Combinaisons des systèmes conventionnels d’écritures idéographiques, hiéroglyphiques, phonétiques et alphabétiques.
5. Etude comparée des écritures et des langues des trois branches linguistiques.
6. Cours pratique de langue annamite.
7. Grammaire de la langue annamite.
8. Abrégé de grammaire annamite.
Trong đó chỉ có mấy công trình kể sau cùng là đã được xuất bản thành sách. Nhìn vào năm xuất bản mấy cuốn này, người ta không thể không lấy làm lạ sao vào những năm 70 – 80 của thế kỷ XIX mà một tác giả không qua quá trình đào tạo chuyên ngành lại có thể cho ta một bức tranh đồng đại cặn kẽ đến như vậy về ngữ pháp của một thứ tiếng hầu như chưa từng được nghiên cứu.
Sau này, kể từ khoảng giữa thế kỷ XX, các nhà ngữ học hiện đại, nếu có nhắc đến ông, thường nói về cuốn Ngữ pháp tiếng Việt (Grammaire de la langue annamite) của ông xuất bản năm 1883 như về một sự kiện xa xưa trong lịch sử nghiên cứu tiếng Việt, đại diện cho một giai đoạn đã qua; như về một cái gì đã lỗi thời, trong đó người ta gán mô hình ngữ pháp châu Âu, đặc biệt là ngữ pháp tiếng La Tinh, cho tiếng Việt, vì chưa có được những thủ pháp “khách quan” như thủ pháp “phân bố” (distributional analysis) hay thủ pháp “cải biến“ (transformational rules) chẳng hạn như ngữ pháp học hiện đại.
Trong khi đọc lại Trương Vĩnh Ký, các tác giả thời nay rất ít khi đọc kỹ để xem thử ông Trương đi theo khuôn mẫu của tiếng La Tinh đến mức nào (chẳng hạn, có đến mức như ông Phan Ngọc nói về việc sao phỏng tiếng Pháp sau 1945, hay có đến mức như những lời dè bỉu của ông Nguyễn Kim Thản khi tìm cách thay thế những nhận định của ông Trương bằng những phát minh tân kỳ về “phạm trù may rủi” chẳng hạn của mình hay không.)
Quả tình, cũng như tất cả các nhà ngữ học đã từng viết về tiếng Việt từ trước tới nay, Trương Vĩnh Ký không thoát khỏi những định kiến “dĩ Âu vi trung”. Nhưng cái trí tuệ sắc sảo và cách làm việc duy lý, thận trọng và thông minh của ông đã giúp ông tránh được những sự lầm lẫn thô bạo mà ở thế kỷ sau rất nhiều đồng nghiệp hậu sinh của ông đã mắc phải.
Khuôn khổ của bài này chỉ cho phép tôi minh họa điều vừa nói bằng vài ba dẫn chứng tiêu biểu, trong khi chờ đợi những công trình chi tiết hơn về tư tưởng ngữ học của những bậc tiền bối của chúng ta trong hai thế kỷ trước.
1. Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên thấy rõ ý nghĩa “cực cấp” (superlatif) của những từ làm trạng ngữ cho tính từ như: (trắng) bóc, (đen) thui, (đỏ) lòm… và của những kết cấu so sánh mở đầu bằng như (kiểu đỏ như son), và đã lập danh sách tất cả những thành ngữ cấu tạo theo hai mẫu đã nói trên mà ông biết được, gồm 560 đơn vị. Ngày nay đã có một vái tác giả thấy được nghĩa “cực cấp” (hay “tột độ”) của loại thứ nhất, nhưng hình như chưa có ai nói đến nghĩa này của loại thứ hai.
2. Trương Vĩnh Ký cũng là người đầu tiên thấy rõ ý nghĩa chỉ đích (đánh dấu cái danh ngữ chỉ vật làm mục tiêu và/hay điểm kết thúc của sự di chuyển) trong chức năng cấu tạo giới ngữ của những vị từ cập vật chỉ sự di chuyển như đến, tới, ra, vào, về, khi các vị từ này, sau khi mất trọng âm được dùng như những giới từ chỉ đích sau những vị từ chỉ sự vận động như bay, chạy, nhảy, bước hay sau những vị từ chỉ việc gây khiến sự vận động như kéo, đẩy, dắt – một ý nghĩa “cách” được ngữ pháp tiếng Việt thể hiện rất rõ nhưng lại bị rất nhiều tác giả hiện đại lẫn lộn với ý nghĩa “hướng” của các phó từ đồng âm trong chạy ra, chạy vào, chạy lên, chạy xuống (đều mang trọng âm) (như Nguyễn Kim Thản chẳng hạn) của các vị từ lên, xuống, ra, đi, khi các phó từ này được dùng làm trạng ngữ cho các vị từ chỉ sự vận động hay việc gây khiến sự vận động.
Sự phân biệt trên đây có liên quan đến một hiện tượng ngữ pháp khá quan trọng được Trương Vĩnh Ký trình bày một cách đủ minh xác ở phần nói về danh từ trong cuốn ngữ pháp của ông: đó là cách diễn đạt ý nghĩa “cách” (case meaning) trong ngữ pháp tiếng Việt. Những điều ông trình bày trong phần này đã bị các tác giả hiện đại có nhắc đến công trình của ông chê cười rất mực, coi như một trường hợp điển hình của việc gán ghép mô hình ngữ pháp La Tinh cho tiếng Việt. Nội dung của phần này như sau:
3. Theo Trương Vĩnh Ký, các danh từ của tiếng Việt dùng trong câu có thể ở vào một trong 8 cách (cas) sau đây (tr. 69):
Mở đầu thiên nói về cách của danh từ (tr. 68), ông viết: “Tiếng Việt không có Cách hiểu theo nghĩa hẹp như tiếng La Tinh. Vì Cách là sự biến hình trong vĩ tố (désinence) của từ tùy theo cái vai trò mà nó đảm đương trong câu; nhưng trong tiếng Việt, cái mà sự biến hình ấy chỉ rõ lại được thể hiện bằng những tiểu tố tiền vị (particules prépositives): đó dĩ nhiên không phải là Cách thực sự.
Nhưng phân chia theo từng Cách là tiện lợi và minh xác; dù danh từ Cách không thích hợp và không đúng hẳn, chúng tôi vẫn xin dùng nó theo phép loại suy cho dễ hiểu, và xin định nghĩa Cách là những vị trí khác nhau của một danh từ tùy theo cái cương vị làm từ chính hay làm bổ ngữ cho một từ khác…” (tr. 68-69).
Sau đó, ông cho biết rằng việc dùng các “tiểu tố tiền vị” chỉ là bắt buộc khi nào có khả năng hiểu sai, chứ khi nào ý nghĩa Cách đã rõ nhờ ngôn cảnh thì đều có thể miễn (so sánh: Sách của thầy và Sách thầy; Đánh bằng roi sắt và Đánh roi sắt – tr. 69). Ngoài ra đối với từng Cách ông lại cho biết có thể diễn đạt ý nghĩa của Cách ấy bằng những phương tiện gì khác với phương tiện chủ yếu. Chẳng hạn ở đoạn nói về Công cụ cách, bên cạnh Cột bằng dây, ông còn cho Dùng dây mà cột, Lấy dây mà cột (tr. 76).
Điều này cho thấy rằng khi dùng khái niệm Cách, ông hiểu nó như một ý nghĩa ngữ pháp và ngữ nghĩa nhiều hơn là một hình thức ngữ pháp. Cái ý nghĩa ngữ pháp ấy chính là “Case meaning” của các nhà ngữ học của thập niên 70 của thế kỷ sau (đối lập với “Case form”). Như vậy ta thấy rõ không những Trương Vĩnh Ký không hề “gán” mô hình ngữ pháp tiếng La Tinh cho tiếng Việt (4), mà còn hiểu rõ khả năng và cách thức sử dụng khái niệm Cách cho những thứ tiếng không biến hình, điều mà gần một thế kỷ sau các nhà ngữ học phương Tây mới nghĩ đến (cf. Fillmore 1968).
Dù sao, nhiều tác giả viết về tiếng Việt trong khoảng những năm 50 – 70 ở nước ta có nặng lời chê trách Trương Vĩnh Ký cũng là điều có thể hiểu được: Vào những năm ấy người ta chưa biết chú ý đến nghĩa của câu, và chưa biết rằng Cách (hay nói cho minh xác hơn, ý nghĩa “Vai” trong câu) là một ý nghĩa phổ quát trong ngôn ngữ nhân loại, mà mọi thứ tiếng trên trái đất đều phải có cách diễn đạt và phân biệt (5)
Vậy Trương Vĩnh Ký là người đi trước các nhà ngôn ngữ học trong việc miêu tả các phương tiện diễn đạt ý nghĩa Cách trong một ngôn ngữ không biến hình xuất phát từ mặt sở biểu (6) và đáng được coi là người đi tiên phong trong việc xây dựng nền ngữ pháp cách (case grammar), một trong những thành phần chủ yếu của ngữ pháp chức năng hiện đại (7), mà mãi gần một thế kỷ sau (1968) mới được C. Fillmore gọi đúng tên và miêu tả khá kỹ lưỡng như một phổ niệm của ngôn ngữ nhân loại.
Có lẽ điểm đáng chú ý nhất trong việc phân xuất tám “cách” của Trương Vĩnh Ký là sự khu biệt minh bạch giữ ý nghĩa “đích” và ý nghĩa “hướng” trong khi miêu tả hệ thống cách của tiếng Việt. Có lẽ ông hơn một số khá đông các tác giả khác không biết đến sự phân biệt này (trong đó có cả Ch.Fillmore) chính là nhờ sự mách bảo của hệ thống biến cách của danh ngữ tiếng La Tinh.
Trong tiếng La Tinh cổ điển, ý nghĩa “định vị” được biểu hiện bằng cách ablativus (in Roma “ở La-Mã”) dùng cho trạng ngữ chỉ nơi chốn, trong khi ý nghĩa “đích” đựợc biểu hiện bằng cách accusativus (eo Roman“tôi đi La-Mã” ) dùng cho bổữ. Còn ý nghĩa “hướng” thì được tiếng La tinh biểu hiện bằng những phó từ.
Vào khoảng thời gian từ 1958 đến 1959, trong những buổi sinh hoạt khoa học của Tổ Ngôn ngữ thuộc Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã diễn ra nhiều cuộc thảo luận về cách phân tích các loại bổ ngữ (hay trạng ngữ) có liên quan đến các động từ di chuyển (không rõ hướng) như đi, chạy, bước, nhảy, xông, ùa, phi, lao, bổ, nhào, đâm, về, qua, ghé, tiến, sang, lại, lăn, lần, chuyển, chảy, tràn, lấn, bơi, lội, lặn, trôi, trèo, leo, bò, trườn, chui, len, lẻn, chen, lấn v.v… đi trước một từ có nghĩa chỉ hướng như lên, xuống, ra, vào, tới, lui, đến, qua, sang… làm thành những tổ hợp hai động từ như chạy vào, đi ra, nhảy tới, lăn xuống v.v…
Những buổi thảo luận này lôi cuốn mọi người trong tổ, những ý kiến được phát biểu khá phong phú, cho nên ai nấy đều thấy là bổ ích cho việc tìm hiểu ngữ pháp và ngữ nghĩa tiếng Việt.
Hối ấy, những ý kiến được phát biểu có thể chia làm ba khuynh hướng:
1. Cho rằng từ chủ yếu hay trung tâm của tổ hợp là từ thứ hai (từ đứng sau), được coi là làm thành nội dung của sự di chuyển, trong khi từ thứ nhất (từ đi trước) là một thứ trạng ngữ nói rõ cách thức hay phương thức của sự di chuyển. Chẳng hạn chạy vào có thể được phân tích thành “vào bằng cách chạy” (entrer en courant). Đại diện cho xu hướng này là GS Phan Ngọc, người sau này đã sáng lập ra “giả thuyết Phan Ngọc” nổi tiếng, được hoan nghênh nhiệt liệt khắp nước ta.
2. Cho rằng từ trung tâm của tổ hợp là từ đi trước. Chính từ đó (thường gọi là”động từ”) biểu thị sự di chuyển, còn từ kế theo chỉ là một trạng ngữ chỉ hướng của động từ di chuyển. Đại diện cho phái này là ông Nguyễn Kim Thản, sau này là Quyền Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam.
Trong những buổi họp nói trên cũng như trong những sách vở được viết và xuất bản sau đó, ông đưa ra một luận cứ sắc bén, có nhiều sức thuyết phục, nói rằng nếu phân tích chạy vào là “vào bằng cách chạy”, thì chẳng lẽ nhìn vào buồng là “vào buồng bằng cách nhìn”, và gửi thư đi Huế là “đi Huế bằng cách gửi thư”?
Tuy phần phủ định của luận chứng này đã thuyết phục được phần lớn các thành viên của Tổ, nó vẫn còn một chỗ yếu, là các vị từ được ông sử dụng làm thí dụ (nhìn, gửi) để bác bỏ ý kiến của ông Phan Ngọc không có nghĩa ”di chuyển”, nên không ứng với những trường hợp được GS Phan Ngọc dẫn chứng.
Giá ông dẫn những vị từ không chủ động (không chỉ hành động cố ý) như rơi, rụng, ngã, lạc… thì luận chứng của ông sẽ có trọng lượng hơn, vì khó có thể tưởng tượng ra những kết cấu như vào bằng cách ngã, đến bằng cách lạc, xuống bằng cách rụng, chủ yếu là do hai chữ bằng cách chỉ có thể kết hợp với những hành động có sử dụng (một cách có chủ ý) một phương tiện nhất định. (8)
3. Cho rằng trung tâm của tổ hợp là từ đi trước (động từ di chuyển), nhưng từ kế theo không nhất thiết là một trạng ngữ chỉ hướng. Nó có thể là một giới từ chỉ đích nếu sau đó có một bổ ngữ chỉ đích như trong câu Nó đi ra đồng. Ý kiến này, do các thành viên còn lại trong tổ chủ trương, có phần giống với ý kiến của Trương Vĩnh Ký khi ông phác hoạ lý thuyết về “ý nghĩa cách” của ông.
Nguyễn Kim Thản cũng biết rõ ý kiến của Trương Vĩnh Ký và đã từng chế giễu ông Trương là “vẽ chuyện” để phân biệt đi ra với đi ra đồng, vì hướng và đích chỉ là một: trong hai trường hợp vừa dẫn, ta chỉ thấy có một hướng: hướng đi ra (di chuyển từ một chỗ hẹp tới một chỗ rộng hơn). Hồi ấy, xu hướng thứ hai tỏ ra thắng thế hơn hẳn hai xu hướng kia.
Gần bốn mười năm sau, năm 1995, mới có một nghiên cứu sinh, Nguyễn Thị Quy, nguyên là giảng viên trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, tìm được cách chứng minh quan điểm “ngữ pháp cách” của Trương Vĩnh Ký trong vấn đề trên, đặc biệt là sự phân biệt giữa trạng ngữ chỉ hướng và giới từ chỉ đích mà Nguyễn Kim Thản phủ nhận và chê cười một cách thoả đáng. (9)
Cô nghiên cứu sinh này dẫn ra một loại vị từ di chuyển mà ý nghĩa “hướng” đã chứa sẵn trong nghĩa gốc của nó. Chẳng hạn có những vị từ mà hướng di chuyển được bao hàm một cách tất yếu trong nghĩa từ vựng của nó là hướng đi xuống, như rơi, rụng, ngã, chúi, cúi, gục, đổ, rót, dẫm, gieo, chảy, trút, tụt. chìm, ngập, lặn, chôn, vùi v.v…
Thành thử trạng ngữ chỉ hướng duy nhất có thể kết hợp với các vị từ ấy là xuống: rơi xuống, rụng xuống, ngã xuống, cúi xuống, đổ xuống v.v… chứ không bao giờ có thể có rơi lên, rụng lên, cúi lên… đó đều là những kiểu kết hợp chứa đựng những mâu thuẫn bất khả dung.
Thế nhưng trong thực tế của tiếng Việt ta thấy những kết cấu như: rơi lên đầu, rụng lên thềm, gục đầu lên cuốn sách, gục đầu lên vai bạn, đổ hết trách nhiệm lên đầu nó, trút hết công việc lên vai tôi, rót mực lên trang giấy, rót dầu lên đống lửa, dẫm lên đầu con rắn, dẫm lên chân cô vũ nữ… là những cách nói hết sức bình thường và thông dụng. Nếu coi đó là những trạng ngữ chỉ hướng, ta sẽ rơi vào tình trạng mâu thuẫn đã nói trên.
Từ lên trong những kết cấu dẫn trên không hề, và không thể nào, chỉ hướng di chuyển. Nó hoàn toàn tương đương với những giới từ có tác dụng làm cho danh ngữ đi sau đảm đương được vai nghĩa “đích” (target) của sự di chuyển (10) như vào, đến, tới, sang, qua, về v.v… (11)
Vả chăng nếu quan sát những thành ngữ có hình thức đối xứng như chạy lên chạy xuống, chạy ra chạy vào, ta đều thấy hai vế đối xứng của nó đều có mô hình trọng âm [0101], trong đó hai từ chỉ hướng di chuyển bao giờ cũng mang trọng âm rât rõ. Nếu so sánh với những kết cấu có giới từ đứng trước danh ngữ, bao giờ ta cũng có mô hình [ 01], trong đó giới từ thường xuyên mất trọng âm như trong bất cứ kết cấu giới ngữ (Giới từ+Danh ngữ) nào.
Dĩ nhiên, mô hình trọng âm của một kết cấu [vị từ + trạng ngữ chỉ hướng] trong một câu như:
Nghe tiếng gõ cửa, Nam vội vàng chạy ra mở
Có thể là [111] hay [101] chứ không phải [ 01], nhưng đó là do tác dụng của những quy tắc khác của trọng âm trong câu (xem cước chú 4)
Những điều nói trên cho ta thấy rõ thêm quan niệm của Trương Vĩnh Ký về cú pháp “cách” cho phép ông tìm ra những giải pháp hữu hiệu như thế nào.
4. Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên xác định được rằng những từ như cái, con, cây, chiếc, bức, tấm, viên, là những danh từ “chỉ đơn vị” bên cạnh 200 từ chỉ đơn vị khác (trong đó có bộ, buổi, chặng, chuyến, đoạn, bản v.v…) (12) chứ không phải là một thứ “hư từ” như nhiều tác giả hiện đại tưởng lầm do sự loại suy với các quán từ (articles) của tiếng Pháp, tiếng Anh hay tiếng Đức.
Sở dĩ như vậy một phần là nhờ ông đã khổ công lập một danh sách của tất cả các từ mà ông thấy cùng có những đặc trưng ngữ pháp y như cái, con v.v… gồm có 210 từ, trong khi các tác giả hiện đại (trừ Nguyễn Tài Cẩn) (2) không hề nghĩ đến việc lập một danh sách căn cứ trên những thuộc tính ngữ pháp của tất cả các từ được họ gọi là “loại từ” (classificateurs), coi đó như một từ loại (word class hay part of speech) riêng được quan niệm như một thứ hư từ hoàn toàn rỗng nghĩa gồm có 4,8, 12,16, hoặc 40 từ tùy từng tác giả (các tác giả này không nói cho ta biết 4,8, 12, 16 hay 40 từ đó là những từ nào; họ kể ra bốn năm thí dụ kèm theo hai chữ vân vân, đại khái như: “loại từ là những hư từ dùng để cho biết rõ thêm chủng loại của danh từ như cái, con, cây, cục, tấm, v.v” mà thôi). (Trong khi thực ra đó là một chức năng cú pháp – ngữ nghĩa mà hơn một ngàn danh từ có thể đảm nhiệm). (3)
Bản thân Trương Vĩnh Ký không liệt kê các thuộc tính ngữ pháp ấy ra một cách hiển ngôn: hồi ấy sách ngữ pháp không làm như thế. Và cũng có thể ông không hình dung được thật rõ đó là những thuộc tính gì. Mấy từ bị ông đưa nhầm vào danh sách có thể xác nhận điều đó.
Nhưng bản thân cái danh sách khá dài và gần như không có chỗ nào nhầm lẫn của ông cho ta biết chắc rằng ông đã thực hiện việc lựa chọn một cách có suy nghĩ kỹ lưỡng.
Vả chăng, cho dù ông không suy nghĩ gì bao nhiêu đến những tiêu chuẩn cần có để lập nên bản danh sách ấy, thì chính cái công việc thu thập và liệt kê ngần ấy từ cũng đã cực kỳ bổ ích cho ông, vì thế nào nó cũng mở ra trước mắt ông một toàn cảnh rõ nét với những chi tiết có sức mách bảo nhiều điều quan trọng về bản chất và công năng của những từ này.
Ông khước từ dứt khoát cái thuật ngữ “loại từ” hồi ấy đã khá phổ biến trong giới ngôn ngữ học phương Tây, vì một cái danh sách hơn hai trăm từ hoàn toàn đủ cho ông thấy rằng trong đó may ra chỉ có bốn năm từ có thể nói một cách gượng gạo là chỉ chủng loại (cái, con, người, cây, quả) nếu tách hẳn nó ra khỏi cách sử dụng nó trong danh ngữ và trong câu. Trương Vĩnh Ký cũng là người đầu tiên hiểu rằng danh từ hay vị từ đi sau cái, con v.v… là bổ ngữ của nó chứ không phải là trung tâm của ngữ đoạn như hầu hết các tác giả hiện đại (trừ Nguyễn Tài Cẩn) lầm tưởng.
Ta hãy xem hai danh sách danh từ sau dây của Trương Vĩnh Ký.
1. Các Danh Từ Số (Noms numériques) (13)
an ang áng ánh ánh bản bàn bận bậng bánh bao bầy bát bè bị bịch bịn bình bó bộ bọc bốc bọn bông bụi bụm buổi bữa bức bước cáp cặp cây cấp câu chày chấm chàng chặng chặp chén chìa chiều chình chòm chục chuyến chùm chúm chúng chuỗi cọc cối con cong cơn củ cục cung cung cuốn cuồng cữ dãy dây dĩa dỏ doi dội dùi đá đạc đài đãy đàm đám đấm đàng đảng đạo đạp đấu đém điều đọi độ đoàn đoạn đôi đời đồng đống đũa đứa đùi đùm đượng gã gánh gáo gàu giuộc gói hạt hèo hiệp hoa hoàn hồi hơi hòn hớp hột khạp kháp khi khoanh khúc lón lớp lũ lúc luồng lứa lượt lá lần lát lang liều lò lọ lối mâm manh mạng mặt mắt miếng miễng món mớ mối múi mũi muỗng mụt nãi nạm nắm nậm náng nghỉn ngoai người ngòi ngọn ngữ nháy nhắm nố nòi nùi nuộc nút ô ổ ôm ông ống phẩm phát phe phen phiên pho phồn phong phương phường quả quày quảy quan quận que quẻ rổ roi sãi sợi tạ tấc tay tấm táu thang thang tháng thằng thòng thùng tỉn tô tờ trái trang tụi túi vác về viên vò vốc vòng xách xấp xâu.
2. Những từ tổng quát và loại biệt để biểu thị một số thực thể trừu tượng (termes généraux et spécifiques pour exprimer certains substantifs abstraits)
bề bụng cách chứng điều lòng lời nết
nghề phép sự tiếng tình việc vụ (14)
Dĩ nhiên những cuốn sách của Trương Vĩnh Ký viết về tiếng Việt không phải không có những nhược điểm, trong đó có cả những sự lầm lẫn do những định kiến “dĩ Âu vi trung” gây ra (15). Tuy ông biết khá nhiều ngôn ngữ phương Đông (tiếng Hán, tiếng Thái, tiếng Mã Lai, tiếng Hy Bá Lai, tiếng Ả rập v.v..) nhưng ông vẫn thông thạo các ngôn ngữ Rôman và German nhiều hơn, và lẽ tự nhiên ông chia sẻ với các học giả đương thời cái định kiến coi ngữ pháp La Tinh như một thứ ngữ pháp phổ quát. Ông không được trang bị những tri thức và phương pháp mà ngày nay đã trở thành quen thuộc đối với đông đảo sinh viên ngữ văn ở các nước phương Tây. Khi ông qua đời khá lâu người ta mới được học Saussure, Sapir và Shcherba.
Điều đáng ngạc nhiên hơn nhiều là trong hoàn cảnh đó mà ông vẫn có được những nhận định đúng đắn và tinh tế đến như vậy về ngữ pháp tiếng Việt. Trong lịch sử của ngành Việt ngữ học, ông là một trong những tác giả ít bị những định kiến “dĩ Âu vi trung” chi phối hơn cả, nhất là khi đem so với sách học tiếng Việt ngày nay. Kể cho đến bây giờ, ít có cuốn sách nào cung cấp cho ta nhiều thông tin về ngữ pháp tiếng Việt như mấy cuốn sách không lấy gì làm dày của ông. Trong mấy cuốn này không thiếu những phát hiện quan trọng mà ngày nay chẳng mấy ai nhắc đến, trong khi lẽ ra nó phải được những người đi sau tiếp thu và khai triển, đào sâu hơn nữa.
……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………
Chú thích:
(1) Phan Ngọc. Ảnh hưởng của ngữ pháp châu Âu tới ngữ pháp tiếng Việt. Sự tiếp xúc về ngữ pháp, trong cuốn “Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á”, Viện Đông Nam Á, Hà Nôi 1983. tr. 220 ss.,269
(2) Hữu Đạt, Trần Trí Dõi, Đào Thanh Lan, Cơ sở tiếng Việt., Hà Nội,:NXB Giáo Dục, 1998 tr. 5-31:”Về ngữ pháp, tiếng Việt đã “sao phỏng ngữ pháp châu Âu”, mà cụ thể là ngữ pháp tiếng Pháp như cách nói của giáo sư Phan Ngọc. Và cái diện mạo mà chúng ta có được ngày nay của tiếng Việt là có một sự đóng góp hữu hiệu của hiện tượng sao phỏng này”
(4) Tiếng La Tinh có sáu Cách: nominativus, vocativus, génitivus, dativus, ablativus accusativius, chứ không phải tám Cách như trong cách chia màTrương Vĩnh Ký dùng cho tiếng Việt. Hình thái Cách ablativus của tiếng La Tinh tương ứng với sáu ý nghĩa Cách khác nhau: 1. Vai tác thể (nhân/vật tác động): dominõ (bởi chúa); 2. Nguồn (xuất xứ): ex urbe (từ thành phố); 3. Công cụ: lege (bằng luật); 4. Liên đới: cum reginà (với nữ hoàng); 5. Nơi chốn: in urbe (ở thành phố); 6. Đề tài: de interpretatione (về cách thuyết minh). Chính vì vậy mà Trương Vĩnh Ký, vốn xuất phát từ nghĩa, thấy cần chia thành ba cách khác nhau.
(5) Những công trình nghiên cứu về ngữ pháp phổ quát (Universal Grammar) ngày nay đã xác minh được rằng tất cả các ngôn ngữ đã được biết đến đều có phương tiện ngữ pháp để phân biệt ít nhất các ý nghĩa Cách sau đây: 1. Vai hành độïng; 2. Vai tác động; 3. Vai bị tác động; 3. Vai tiếp nhận; 4. Vai vị trí; 5. Vai mục tiêu; 6. Vai nguồn; 7. Vai công cụï; 8. Vai chủ thể mang trạng thái.
(6) Kể từ những năm 1970 đã có khá nhiều công trình lớn nhỏ nói về Cách trong tiếng Việt được xuất bản ở nước ngoài.
(7) Quan điểm chức năng không hiển ngôn của Trương Vĩnh Ký lộ rõ nhất ở chỗ ông không xếp các từ vào những ô từ loại cứng nhắc. Những thuật ngữ của ông như particule, prepositif, adverbe, appellatif v.v. chủ yếu đều dùng cho những chức năng cú pháp, chứ không phải những từ loại, vì vậy có nhiều từ được ông xếp vào nhiều mục khác nhau tùy theo cách dùng.
Cũng giống nhiều nhà ngữ pháp chức năng hiện đại, ông không quan tâm đến vấn đề các từ đó có còn là một hay đã thành hai ba từ thuộc hai ba loại (ô) khác nhau, một trong những ngụy vấn đề làm nảy sinh những cuộc tranh luận kéo dài sặc mùi kinh viện mà các nhà ngữ học hình thức chủ nghĩa lao vào một cách hăng say nhưng lại hoàn toàn vô bổ đối với việc tìm hiểu bản chất và cách hành chức của ngôn ngữ: tìm xem ngôn ngữ dùng những phương tiện hình thức gì, ngữ pháp hay từ vựng, để biểu đạt những nội dung ý nghĩa gì.
(8) Trong tiếng Pháp, những ngữ đoạn như chạy vào, nhảy ra đều có thể được diễn đạt bằng những kiều nói mà Phan Ngọc dùng (lấy phân từ hiện tại làm trạng ngữ chỉ phương tiện hay cách thức cho vị từ trung tâm); nhưng đây là một chiến lược rất hãn hữu. Phần lớn các thứ tiếng châu Âu đều không dùng (cf tiếng Anh run in/run out (cũng dùng trạng ngữ chỉ hướng như tiếng Việt; trong khi tiếng Nga diễn đạt ý nghĩa hướng bằng một tiền tố (vxodit’/vyxodit’)
(9) cf. Nguyễn Thị Quy. Ngữ pháp chức năng tiếng Việt. Vị từ hành động và các tham tố của nó.TP. Hồ Chí Minh: XB Khoa học xã hội.1995.
(10) Ta biết rằng số giới từ “bẩm sinh” của tiếng Việt rất ít ỏi : chỉ có bốn từ: từ, với, bởi và bằng. Tất cả những giới từ còn lại đều vốn là những danh từ “khiếm khuyết” (defective) – như trên. dưới, trong, ngoài, – hay những vị từ (verbs) ngoại động như cho, hộ, giùm, ra, vào, lên, xuống, qua, lại, về, sang, đến, tới, những danh từ và vị từ này, khi được dùng làm giới từ, đều thường xuyên mất trọng âm, và đó chính là nét đặc trưng làm cho các giới từ (cũng như các tiểu từ tình thái như à, ư, đấy, đây, không, chứ, khu biệt rõ ràng với các thực từ tương ứng. Sở dĩ cụ Phan Khôi (Việt ngữ nghiên cứu. Hà Nội 1954) cho rằng người Việt toàn dùng sai giới từ chính là vị cụ không tính đến nét đặc trưng này (x. Tiếng Việt. Mấy vần đề Ngữ âm, ngữ pháp,ngữ nghĩa. tr . …)
(11) Trong những ngôn cảnh như thế này, tiếng Anh phải dùng đến cả trạng ngữ chỉ hướng lẫn giới từ chỉ đích (run out into the court hay leap up into the window)
(12) Ông gọi các từ này là “numéraux” hay “noms numériques” và định nghĩa là “từ dùng để chỉ và kê đơn vị” (mots qui servent à indiquer et à énumérer l’unité) (tr. 30).
(13) Trong danh sách này có một số danh từ chỉ có thể tính đến nếu xét cách dùng nó theo nghĩa phái sinh chứ không phải theo nghĩa gốc, vì nếu dùng theo nghĩa gốc, những từ như bao, bàn, bát, bè, bịch, bình, chén, chỉn, chình, chĩnh, đọi, đũa, gáo, gàu, kháp, lò, lọ, mâm. muỗng, ổ, ống,rổ, roi, thùng, tô. túi, đều là những danh từ khối (không đếm được, không thể lượng hoá). Dùng theo nghĩa gốc, đó thường là những từ chỉ đồ đựng, mà khi muốn lượng hoá hay đánh dấu [±xác định] người nói phải dùng đến những danh từ đơn vị làm trung tâm cho toàn danh ngữ (SS. Bán cho tôi hai cái chén và Bán cho tôi hai chén (rượu/chè))
(14) Đây là những danh từ “trừu tượng” thường dùng để “danh hoá” (nominali-ze – như ta thường nói ngày nay) những ngữ đoạn hay những câu, cải biến nó thành những danh ngữ (thường có nghĩa trùu tượng). Dĩ nhiên danh sách thứ hai nay chưa kể đủ những danh từ có công dụng danh hoá thường dùng ngày nay, có lẽ vì thời ấy những từ này chưa trở thành thông dụng.
(15) Có lẽ sai lầm nặng nề và có hại nhất của Trương Vĩnh Ký là tưởng rằng tiếng Việt có thì với tính cách là một phạm trù ngữ pháp. Vào thời của ông, tất cả các nhà ngữ học đều sai lầm như vậy, nhất là đối với tiếng Hán, vì người châu Âu đếu nghĩ rằng phân biệt quá khứ, hiện tại và tương lai là chuyện hoàn toàn tự nhiên, ngôn ngữ nào cũng phải có.
Mãi đến những năm 1980 giới ngữ học mới bắt đầu biết rằng những thứ tiếng phân biệt ba thì hết sức hiếm hoi, và những tác giả như Ch. Li và S. Thompson mới phải viết những chương dài đến 53 trang để chứng minh rằng tiếng Hán không hề có thì, và chữ le (“liễu”) không bao giờ có nghĩa là “thì quá khứ”: đó chẳng qua là một kết quả hết sức khó tưởng tượng của một sự lầm lẫn thô bạo bắt nguồn từ những người châu Âu không được trang bị một vốn tri thức tối thiểu về ngôn ngữ học mà ra.
Theo Cao Xuân Hạo – Người viễn xứ