Quán Bên Đường
Vài suy nghĩ về “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức _ Vũ Ánh
Vài dòng về tác giả: Tên thật là Vũ Ánh, sinh năm 1941, còn có bút hiệu khác là Vũ Huy Thục. Trước năm 1975, từ 1964 phục vụ tại Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia đến sáng ngày 30-4-1975, với các chức vụ: phóng viên mặt trận 7 năm, rồi trưởng phòng Bình Luận, Chánh Sự Vụ Sở Thời sự Quốc tế và Quốc nội cho đến 10 giờ sáng 30-4-1975. Ngoài ra, tác giả còn cộng tác với các nhật báo Dân Ý, Báo Đen và Sóng Thần vào những năm chiến tranh.
Sau 30-4-1975, đi tù cải tạo dưới chế độ Cộng sản 13 năm, trong thời gian này bị nằm “chuồng cọp” mất 5 năm liên tiếp vì chống lại chế độ lao tù và ấn hành tờ Hợp Đoàn (báo chui trong trại giam). Được thả về gia đình với 5 năm quản chế, mưu sinh bằng lao động chân tay cho đến khi được định cư ở Mỹ theo diện HO năm 1992.
Sang Mỹ, tác giả trở lại nghề báo và truyền thông: Nhật báo Viễn Đông Kinh Tế Thời Báo (TTK), Nhật Báo Người Việt (TTK và Chủ Bút), cộng tác với nhật báo Việt Herald. Đồng sáng lập đài Văn Nghệ Truyền Thanh (VNTT), Việt Nam California Radio (VNCR) và làm việc ở đó 10 năm, cộng tác với Đài Truyền Hình SBTN, hiện cộng tác với Tuần báo Sống, trong vai trò Cố vấn Biên tập.
“Lịch sử cận đại của cuộc chiến tranh Nam-Bắc Mỹ, Tổng Thống Abraham Lincoln khi chiến thắng Nam quân sau trận Gettysburg đã ra lệnh cho tướng Grant phải đứng ra để chào kính viên tướng Nam quân lên ngựa sau khi họ đã ký vào văn bản đầu hàng của Nam quân. Nhưng để hàn gắn, Tổng Thống Abraham Lincoln không phải ra lời xin lỗi Nam quân vì thực sự chiến thắng của Bắc Quân không phải là lỗi của ông. Nhưng hành động cấm tất cả binh lính dưới quyền Tổng Tư Lệnh Abraham Lincoln không được truy bức những cựu thù là một cách hàn gắn rất thông minh và văn minh khi bên chiến thắng chìa bàn tay ra trước” – Vũ Ánh.
Gặp Huy Đức nhân một bữa tiệc tại nhà một người bạn. Chúng tôi có trao đổi một vài câu chuyện. Đây là lần đầu tiên tôi gặp anh dù rằng trước đó tôi thường đọc những bài của anh trên blog Osin, có nội dung chỉ trích chế độ rất khéo léo và suy nghĩ sâu sắc. Huy Đức sang Mỹ theo một chương trình nghiên cứu của Đại học Harvard, một đại học hiện có khá nhiều sinh viên từ Việt Nam qua theo học. Câu chuyện trao đổi liên quan đến nội dung một tác phẩm, đó là “Bên Thắng Cuộc”. Tôi có nói với Huy Đức là đề tài mà anh đề cập tới rất tế nhị và anh sẽ phải đi dưới hai lằn đạn. Bởi vì viết những gì dù dựa trên sự thật mà bên thắng cuộc không thích, anh cũng sẽ “lãnh đủ” và viết ra những gì mà chỉ một số người bên thua cuộc không thích, anh cũng sẽ bị biểu tình và họ sẽ lôi gốc gác của anh ra mà xỉ vả. Lý do rất dễ hiểu: Kể cả bên thắng cuộc và bên thua cuộc đều vẫn còn nhiều người chỉ thích “uống nước đường” chứ không thích người nào nói sự thực hay chứng minh đó là sự thực.
Ít lâu sau tôi nhận được tập bản thảo “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức và tập bản thảo dù dầy đến 680 trang, tôi vẫn đọc một cách cẩn thận và có ghi chú. Tôi kết thúc trang cuối cùng vào đúng lúc Đài BBC đưa ra bản tin phản ứng của độc giả đối với “Bên Thắng Cuộc”, ủng hộ cũng như chỉ trích, phần lớn đều rất lịch sự. Tôi nghĩ chỉ cần phản ứng lịch sự là được rồi, dù phản ứng bao gồm cả những lời chỉ trích, bởi vì chỉ trích lịch sự, ôn tồn ở cái đất này giống như lá mùa thu.
Cảm tưởng của tôi đối với “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức: Lần đầu tiên tôi được đọc tác phẩm của một nhà báo trẻ trong nước viết với giọng văn bình thản, cố tránh những tĩnh từ vô ích, trích dẫn có cân bằng và đối chiếu thận trọng. Mặc dù nội dung tác phẩm còn nhiều khiếm khuyết khi Huy Đức viết về phần bên thua cuộc, nhưng ở vào thế hệ của anh không thể tránh những lỗi này được và điều này theo tôi cũng không có gì là “big deal” vì anh vẫn còn đầy đủ cơ hội hiệu đính lần xuất bản sau. Nhưng tại sao lại là “Bên Thắng Cuộc” mà không là “Bên Thắng Trận”? Nguyễn Giang, trưởng ban Việt ngữ của Đài BBC cũng đã có những thắc mắc này và tự lý giải nó bằng một tự nhủ:
“Khi đọc bản thảo ‘Bên Thắng Cuộc’ (cả hai tập), tôi băn khoăn không hiểu vì sao Huy Đức không đặt tựa cho sách là ‘Bên Thắng Trận’ với tất cả sự oai hùng, hào khí cách mạng như truyền thông chính thống vẫn nêu. Có phải trận chiến quân sự và ý thức hệ dù lớn lao đến đâu cũng chỉ là một cuộc cờ vì trận chiến vì tâm hồn và tương lại Việt Nam vẫn chưa chấm dứt?”.
Tôi cũng có những thắc mắc giống như ông Nguyễn Giang, nhưng tôi tự lý giải theo cách nhìn khác. Trong một trận banh, tỷ số các bàn thắng bại được ghi ngay trên bản và được dứt khoát quyết định, bên bị loại không thể thể giải thích “tại”, “bị” hay “do… mà tôi thua”. Nhưng cuộc chiến Việt Nam là một cuộc chiến rất phức tạp. Những người Cộng sản Miền Bắc tấn công Miền Nam Việt Nam trước và dưới cái nhãn “giải phóng và thống nhất đất nước”. Miền Nam Việt Nam chống trả dưới cái nhãn khác, đó là “tiền đồn của thế giới tự do”. Cả hai bên lao vào một cuộc huyết nhục tương tàn với súng đạn hai bên chẳng do người Việt Nam sản xuất. Chúng đến từ Nga, Tầu và Mỹ. Hai bên cứ thế mà lao đầu vào chém giết nhau, trong khi ở các bàn hội nghị quốc tế, những siêu cường thương lượng về ảnh hưởng của họ trên núi xương sông máu của nhân dân cả hai miền Nam Bắc. Đó là lý do tại sao những người thức tỉnh nhận ra “cuộc cờ” khốn nạn ấy mà những người nắm quyền lưc hiện nay ở Việt Nam không nhận ra? Huy Đức đã ghi ở trang đầu của cuốn sách một nhận định ngắn ngủi của Nguyễn Duy nhưng đầy ý nghĩa “Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh, bên nào thắng thì nhân dân cũng bại”. Tôi cho rằng những suy tưởng này chính là lý do khiến Huy Đức không dùng tựa đề bên thắng trận mà dùng tựa đề “Bên Thắng Cuộc”. Chỉ cần dùng tựa đề này, Huy Đức cũng đã can đảm rồi. Cậu bé chăn trâu ở một làng quê nghèo ở Hà Tĩnh ngày nào nay đã thành danh trong nghề nghiệp báo chí với cái tên blogger Osin đang cố gắng giữ sự tỉnh táo bằng cách học hỏi và nghiên cứu tại một trường đại học nổi danh ở Mỹ là trường Harvard. Cuộc nghiên cứu chỉ kéo đài có một năm thôi, nhưng tôi tin rằng ở ngôi trường vốn là mẫu mực cho nền tự trị đại học và suy nghĩ tự do ấy đủ để cho những người bảo thủ phải thay đổi suy nghĩ của mình hay ít ra là cũng làm mới lại suy nghĩ mà họ đã có từ trước.
Tôi muốn nhắc lại ở đây một điều đã quá cũ, nhưng vẫn cứ phải khẳng định đây là loại tác phẩm chính văn căn cứ vào những dữ kiện như cuốn “Bên Thắng Cuộc” một kiểu viết đòi hỏi phải có một phương pháp làm việc mang nhiều tính chất sử học chẳng hạn như việc lựa chọn dữ kiện, phỏng vấn những nhân chứng còn sống, sưu tầm những tài liệu của những nhân chứng đã chết, phân tích (chứ không phải bình luận) những tài liệu, văn kiện sưu tầm được, đi và nói chuyện với những nhân vật lịch sử có liên hệ hiện còn sống. Xét đến những điều kiện để thực hiện tác phẩm rõ ràng Huy Đức đã đáp ứng đầy đủ như anh đã trình bày trong Lời Nói Đầu và nội dung các chương của tác phẩm. Làm được đầy đủ công việc này, phải mất 10 năm là điều mà tôi tin rằng Huy Đức nói không ngoa.
Đọc một tác phẩm dầy như “Bên Thắng Cuộc” với biết bao nhiêu dữ kiện lịch sử, nhiều cuộc phỏng vấn, nói chuyện với những nhân vật, những nhân chứng lịch sử của cả hai bên, nhất là phần chú thích (nhất thiết phải đọc cả phần chú thích này, bởi vì nó cung cấp cho những luận đoán của người đọc nhiều chi tiết thú vị), người đọc phải mất rất nhiều thời giờ, ngoại trừ, những người vì nghề nghiệp cần phải đọc hết những trang sách trong thời gian ngắn nhất. Ví thử như Huy Đức viết “Bên Thắng Cuộc” chỉ để thỏa mãn nhu cầu chính trị ca ngợi chế độ thì không cần phải 3 năm để đọc tài liệu và 10 năm mới hoàn thành. Cho nên, việc tác giả dùng thời gian hơn một thập niên để viết “Bên Thắng Cuộc” là có lý do của nó. Huy Đức cần phải căn cứ vào cách làm của những nhà văn viết ký sự dựa theo dữ kiện lịch sử để bảo đảm tính “không dễ dãi với cách nhìn những gì đã từng xảy ra trên đất nước Việt Nam”. Đọc “Bên Thắng Cuộc” từ trang đầu đến trang cuối, người đọc có thể thấy nỗ lực của Huy Đức cố gắng không để cho tác phẩm của mình trở thành những ly nước đường cho cả bên thắng cuộc lẫn bên thua cuộc, dù những cố gắng của anh chỉ có giới hạn. Hãy đọc Huy Đức viết trên trang Facebook lập ra cho cuốn sách:
“Tôi mong các nhà lãnh đạo hiện nay đọc Bên Thắng Cuộc cho dù họ đánh giá cuốn sách như thế nào. Nhận ra những sai lầm để ‘đưa dân tộc Việt Nam đi đúng con đường dân chủ, phát triển’ là mong ước của chúng ta. Nhưng tương lai dân tộc không thể chỉ trông cậy vào một cuốn sách hay chỉ trông cậy vào những nhà lãnh đạo ở bên thắng cuộc.”
Ý kiến mà tôi vừa trích dẫn chỉ là một phần nhỏ trong phần trả lời của tác giả đối với những phản ứng hay ý kiến của độc giả mà tác giả đặt tên là “Không thể cứ trú ngụ trong sự sợ hãi”. Đài BBC ghi lại một câu hỏi khá quan trọng, đó là “liệu ông có sợ những điều không hay xảy ra với ông vì vi phạm các qui định của Đảng và Nhà Nước”, Huy Đức đã thẳng thừng:
“Tôi không nghĩ là mình nằm trong phạm vi điều chỉnh các qui định đó. Tôi ý thức được những việc gì mình đang làm. Sự thật không chỉ giúp chúng ta tìm ra những phương thuốc đúng để chữa lành các vết thương cũ mà còn giúp những người đang nắm vận mệnh quốc gia không vi phạm những sai lầm mới. Không ai muốn hứng chịu những điều không hay nhưng nếu cứ trú ngụ trong sự sở hãi thì sự thật sẽ không bao giờ được nói ra, bạn ạ!”
Huy Đức có thể trình bày suy nghĩ của mình về đứa con tinh thần được kể là quan trọng của anh khi chính quyền mà anh đang sống với chưa có dấu hiệu gì muốn nhìn nhận những sự thật mà anh trình bày trong “Bên Thắng Cuộc” là vì những lý do như anh đã viết trên Facebook. Những đoạn trong tác phẩm mà tôi cho rằng quan trọng và người Việt ở hải ngoại nên đọc chính là những đoạn mà tác giả tổng hợp được cách nhìn về mọi phía và về các bên lâm chiến từ giai đoạn lực lượng Cộng Sản tiến vào Saigon và thời kỳ quân quản, hiệp thương thống nhất hai miền Nam Bắc.
Nhưng sau ngày 30-4-1975, thảm kịch diễn ra từ việc trả thù những sĩ quan công chức, cảnh sát VNCH cho tới việc đánh tư sản, tiêu diệt văn hóa văn nghệ tự do, qui kết loại trừ tư bản Tầu Chợ Lớn, cưỡng bức người dân thành phố đi kinh tế mới, cuộc chiến với Khmer Đỏ cùng với những nỗ lực được mệnh danh là “duy ý chí” nhằm áp đặt các mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa bao cấp trên cả nước với chế độ khẩu phần khắt khe đưa đến thảm họa nhân đạo và sự suy sụp kinh tế.
Nguyễn Giang, trưởng ban Việt ngữ đài BBC nhận định về văn phong của Huy Đức trong các chương nói trên: “Ở các chương này, ngòi bút Huy Đức tỏa sáng trong giọng văn âm thầm, cố gắng giữ vẻ bình thản nhưng bên trong sôi sục, thậm chí có chỗ nghẹn đi vì những biến cố đau đớn cho hàng triệu người mà anh chứng kiến cận cảnh, nhất là tâm thức một người đi bộ đội và từ Bắc vào Nam”.
Ngay từ những dòng đầu tiên, niềm đau ấy, tâm thức ấy được phản ảnh như dưới đây về một sự thực ở Miền Nam Việt Nam. Sự thực ấy khác những điều mà Huy Đức được dạy dỗ từ thuở thiếu thời:
“Nhưng hình ảnh Miền Nam đến với tôi trước cả khi tôi có cơ hội rời làng quê nghèo đói của mình. Trên Quốc lộ 1, bắt đầu xuất hiện những chiếc xe khách hiệu Phi Long thỉnh thoảng tấp lại bên những làng xóm xác xơ. Một anh chàng tóc ngang vai, quần loe, nhảy xuống đỡ khách rồi rất nhanh đu ra ngoài cánh cửa gần như trong một giây trước khi xe rú ga, vọt đi ngạo nghễ. Hàng chục năm sau tôi vẫn nhớ hai chữ chạy suốt bay bướm, sặc sỡ sơn hai bên thành xe. Cho đến lúc ấy thứ tiếng Việt khổ lớn mà chúng tôi nhìn thấy chỉ là những chữ in hoa cứng rắn viết trên những băng khẩu hiệu kêu gọi xây dựng chủ nghĩa xã hội và đánh Mỹ. Những gì được đưa ra từ những chiếc xe đò Phi Long thoạt đầu thật đơn giản: mấy chiếc xe đạp bóng lộn xếp trên nóc xe, cặp nhẫn vàng chóe trên ngón tay một người làng tập kết (ra Bắc) vừa về Nam thăm quê ra, con búp bê nhựa biết nhắm mắt khi nằm ngửa và có thể khóc oe oe, buộc trên ba lô của một anh bộ đội phục viên may mắn. Những cuốn sách của Mai Thảo, Duyên Anh… được những bộ đội giấu dưới đáy ba lô đã giúp cho bọn trẻ chúng tôi biết một thế giới văn chương gần gũi hơn là “Rừng thẳm tuyết dày”, “Thép đã tôi thế đấy”, những chiếc máy Akai, radio cassettes được những người hàng xóm tập kết mang ra giúp chúng tôi nhận ra người lính xa nhà, đêm tiền đồn còn nhớ mẹ nhớ em, chứ không chỉ là ‘Đêm Trường Sơn nhớ Bác’. Có một miền Nam không giống như Miền Nam trong sách giáo khoa của chúng tôi.”
Qua đoạn văn này trong Lời Nói Đầu, người ta thấy tác giả tự tay chém vào thân người mình những vết thương sâu hoắm để tự cảm thấy một nỗi đau, nỗi đau không thảng thốt, nhưng nó sẽ cắn xé, gậm nhấm từ từ một con người còn tỉnh táo để nhận biết sự thật, để nhận biết là trong bao nhiêu lâu của tuổi xuân mình chỉ được biết những gì không phải sự thật. Theo tôi, nỗi đau của Huy Đức cũng như hàng triệu người có cùng một cảm xúc như anh không khác gì nỗi đau đớn của hàng triệu người ở Miền Nam Việt Nam đã để mất cái phần đất mà chỉ sau 30-4-1975 họ mới có thể hoàn toàn thấu hiểu rằng so với Miền Bắc, nó thật là quí giá, đúng như lời cựu Tướng độc nhãn của Do Thái Moshe Dayan đã nhận định khi ông đến Saigon để viết một phúc trình cho tờ Israel Times rằng người Miền Nam Việt Nam phải biết thua Cộng sản thì mới có thể chiến thắng được họ. Theo tôi nỗi đau ấy không thể được làm thuyên giảm chỉ với những tập tài liệu “Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập” hoặc “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” hay “Tâm Tư của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu”, hoặc những cuốn hồi ký trong đó có một số tướng lãnh hay các sĩ quan cao cấp không ngại ngùng nói thẳng ra chuyện các ông bỏ đơn vị, bỏ lính của mình như thế nào để thoát ra nước ngoài trong cơn lốc nghiêng ngửa của Miền Nam. Những cuốn sách ấy không thể là những thắc mắc mà cho tới bây giờ vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát, đó là: “Một quân đội thiện chiến, quả cảm, chiến đấu không mệt mỏi trong một cuộc chiến dài và đẫm máu như thế, tại sao họ vẫn thất bại”?
Suy nghĩ của tôi cũng chỉ là cái cớ để nói tới cái bối cảnh ra đời của “Bên Thắng Cuộc”. Sống trong lòng chế độ ở Việt Nam mà đề cập tới những người thắng cuộc cũng đã là một điều khó khăn và đe dọa cho Huy Đức rồi, nhưng đề cập tới những người thuộc bên thua cuộc lại càng khó khăn, phức tạp và nhạy cảm hơn đối với một tác giả xuất thân từ phía thắng cuộc. Tôi xin trích dẫn lời kết luận của một trong những phản ứng chỉ trích của một cựu sĩ quan bên thua cuộc (VML) qua một e-mail được một bạn tù forward cho tôi: “Tác giả đã bỏ ba năm, ngồi đọc 126 quyển, rồi trích lấy 609 câu ghép lại thành từng chương mục thêm vào mấy lời cám ơn, thế là xong một tác phẩm vĩ đại! Tóm lại Bên Thắng Cuộc chỉ là một công trình đáng giá 3 xu hoàn thành từ một Cháu ngoan của Bác”. Tôi không ngạc nhiên về những lời phán này bởi vì trong 20 năm sống ở Mỹ, thói quen của một số người thuộc phía thua trận là bác bỏ và phủ nhận bất cứ một cuốn sách nào từ phía những người thắng trận, nhưng không may, họ lại không thể trưng ra được một tác phẩm nào của họ để đối chiếu. Andrew Wiest khi viết cuốn “Vietnam‘s Army Forgotten” đã có một thư mục sách ông tham khảo dài, những cuộc phỏng vấn và mất cả 3 năm trời để tìm cách phỏng vấn người anh hùng trong quân đội VNCH Trần Ngọc Huế và cả người mà ông cho rằng một nửa giai đoạn chiến tranh là anh hùng nhưng cuối cuộc chiến trở thành người phản bội, Phạm Văn Đính. Larry Berman cũng đã mất khoảng 10 năm trời, dùng số sách tham khảo nhiều hơn Huy Đức và nhất là tìm cách phỏng vấn cho được tình báo viên Phạm Xuân Ẩn trước khi ông ta qua đời để viết cuốn “Perfect Spy”. Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ khi viết cuốn “Argument Without End” cũng đã phải vùi đầu vào một núi tài liệu trong văn khố quốc gia Mỹ, rồi phải vận động để được phép thu thập cái kho tài liệu về chiến tranh Việt Nam của Hà Nội mà trước đó không một tác giả Mỹ nào xâm nhập vào được, tổ chức các buổi hội thảo tốn kém để đối thoại với các cựu tướng lãnh và giới chức quân sự chính trị cao cấp từng đối đầu với Hoa Kỳ trong chiến tranh, gặp gỡ riêng tư những người cầm chịch trong cuộc chiến Việt Nam cả về phía Mỹ, Việt Nam và VNCH. Ấy vậy mà trong buổi giới thiệu sách ở New York, tác giả vẫn còn xin lỗi vì những tham khảo chưa trọn vẹn. Có thể có nhiều người không thích những tác phẩm trên của các tác giả Mỹ với nhiều lý do khác nhau, nhưng bảo chúng là ba xu hay vô giá trị, tôi thấy chưa ai dám hạ bút như vậy. Một phản ứng khác từ Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh viết trên Facebook, vốn là con của một viên chức cao cấp của VNCH, về cuốn “Bên Thắng Cuộc”, xin trích:
“Không ai trong chúng tôi lại có thể ngờ có ngày những ký ức và sự kiện lịch sử ấy lại được một người từ bên thắng cuộc viết ra. Những dòng chữ trong cuốn sách của Huy Đức được tác giả viết bằng giọng văn bình thản, khách quan chẳng thấm vào đâu so với những ký ức đầy cảm xúc của chúng tôi, những người phải trải nghiệm thực sự những thí nghiệm của chế độ mới với những người anh em thua cuộc của họ… Những thông tin trong cuốn sách không làm tôi xúc động-vì chắc chắn những chi tiết mà tôi có thể kể ra từ kinh nghiệm cá nhân còn lâm ly và kỳ bí hơn nhiều – mà chỉ làm cho tôi thắc mắc không biết đến bao giờ người anh em thắng cuộc mới thực sự hiểu đầy đủ những người thua cuộc và ý thức rõ những điều phi nghĩa phi nhân mà họ đã làm đối với người anh em kém may mắn của họ”.
Tiến sĩ Phương Anh cũng nói “chính quyền hiện nay không chân thành nhận lỗi thì sẽ không bao giờ có hòa giải thực sự”. Một nhân vật lịch sử cổ đại là Vua Trần Nhân Tôn, một vị vua nhân đức và một tấm lòng mở rộng như Phật sống, tha tội cho tất cả quan quân đã từng cộng tác với giặc Phương Bắc với để hàn gắn, hòa giải dân Việt có phải nhận lỗi với phe thua cuộc? Lịch sử cận đại của cuộc chiến tranh Nam-Bắc Mỹ, Tổng Thống Abraham Lincoln khi chiến thắng Nam quân sau trận Gettysburg đã ra lệnh cho tướng Grant phải đứng ra để chào kính viên tướng Nam quân lên ngựa sau khi họ đã ký vào văn bản đầu hàng của Nam quân. Nhưng để hàn gắn, Tổng Thống Abraham Lincoln không phải ra lời xin lỗi Nam quân vì thực sự chiến thắng của Bắc Quân không phải là lỗi của ông. Nhưng hành động cấm tất cả binh lính dưới quyền Tổng Tư Lệnh Abraham Lincoln không được truy bức những cựu thù là một cách hàn gắn rất thông minh và văn minh khi bên chiến thắng chìa bàn tay ra trước. Và chung quanh các cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ tổ chức rất long trọng những ngày gọi là Quốc Hận, nhưng đã có ai trong số những người lãnh đạo quân sự và chính trị còn sống ở đây dám đứng ra nhận lỗi với chính những người thua cuộc và dân chúng còn ủng hộ bên thua cuộc dù đã để mất miền Nam Việt Nam không, hay họ vẫn cứ vẫn dễ dãi đổ tất cả tội lỗi cho Mỹ và Dương Văn Minh?
Cho nên, sau 37 năm Hà Nội chưa bị đe dọa bởi những chống đối trong nước hay tại hải ngoại thì mơ ước của Tiến sĩ Phương Anh vẫn chỉ là một giấc mơ đẹp nhưng không bao giờ thành hiện thực. Bởi một điều: Khó có thể đổ lỗi cho bên chiến thắng khi cuộc chiến đã bị quốc tế hóa thành ý thức hệ của hai khối Cộng Sản và Tư Bản. Trong một trận banh, bên nào lừa banh được thì bên đó dễ dàng xuyên thủng lưới đối phương. Bên thua khó lòng viện dẫn lý do là bên kia quỷ quyệt, chơi xấu nên mới thắng. Có phải do thế mà bên chiến thắng phải xin lỗi thì các khán giả ủng hộ hai bên trong trận banh từng chia rẽ nay mới có thể bắt tay đi uống bia với nhau được? Làm gì có chuyện đó, thưa Tiến sĩ Phương Anh? Tỷ số bàn thắng thua trong một trận đá banh hay bóng rổ vẫn là những con số lạnh lẽo, nhưng đáng buồn là nó xác định được thứ ưu thế cũng lạnh lẽo không kém của bên thắng trận. Làm sao có ai trả lời được câu hỏi nếu như Miền Nam là bên thắng cuộc thì liệu sự trả thù có diễn ra với bên thua cuộc là miền Bắc hay không?
Nay có một người như tác giả “Bên Thắng Cuộc” nói tới những xúc cảm của chính mình khi viết một tác phẩm về thắng, thua trên bàn cờ chính trị và quân sự Việt Nam, tôi nghĩ đó là một điều đáng quí. Văn phong bình thản và ôn tồn của một người viết xuất thân từ xã hội Cộng sản cho thấy đây là một yếu tố rất quan trọng của một tác giả còn dính líu nhiều đến quá khứ của các phe lâm chiến trong một cuộc chiến không vinh hạnh gì cho đất nước Việt Nam. Càng bình thản và ôn tồn sự trình bày của mình càng thuyết phục. Càng gồng mình, càng dao to búa lớn, càng biểu lộ cảm tính đối với những vấn đề nay đã trở thành lịch sử thì càng thiếu thuyết phục và trong nhiều trường hợp lộ cho người khác thấy cái non nớt ấu trĩ của mình.
Khi viết về bên thua cuộc, Huy Đức còn nhiều thiếu sót nhất là những chương nói về tù cải tạo và cuộc vượt biển của hàng triệu người Việt Nam (cho tới nay không có con số ước lượng gần sự thật). Nhưng tôi vẫn nghĩ ở thế hệ của Huy Đức (thế hệ 1.5), anh không thể hiểu hết những gì diễn ra trong hai tấn bi kịch đầy thương tổn trong lịch sử cận đại hậu chiến tranh Việt Nam. Hơn nữa, nội dung cuốn sách chỉ mô tả lại hình ảnh về những sai lầm của bên thắng cuộc, kể cả sai lầm đối với bên thua cuộc. Ngay cả người Việt Nam thuộc thế hệ 1.0, 1.5 và 2.0 hiện nay ở Mỹ có người còn không hiểu hết những gì cha anh họ từng phải trải qua trong các trại cải tạo hay trên đường vượt biển, huống chi một nhà báo trẻ như Huy Đức sinh ra và lớn lên trong môi trường xã hội chủ nghĩa và chỉ khi vào Nam mới biết rằng có một Miền Nam không giống như sách giáo khoa miền Bắc đã dạy anh. Cho nên chỉ cần Huy Đức viết về những bi kịch nói trên của bên thua cuộc không giống như lời lẽ của Phan Xuân Huy, một cựu dân biểu dưới chế độ VNCH mà anh trích dẫn trong sách là tôi đã có thể gọi anh là một nhà báo còn giữ được nhân cách và còn tỉnh táo trong suy nghĩ giữa một xã hội mà lòng người ngày càng tao loạn, và những người quản trị đất nước ngày càng khắt khe đối với những ý tưởng độc lập.
Cái oái oăm của lịch sử cũng vẫn theo đuổi những người Việt Nam đã bỏ nước ra đi và nhận nơi này làm quê hương thứ hai của họ. Người Việt Nam ở quận Cam hình thành một cộng đồng từ ngày những bước chân còn bàng hoàng của họ từ các trại tị nạn đặt xuống đây. Cộng đồng này sống giữa một đất nước nơi mà quyền tự do ngôn luận được thiết đã từ lâu và rộng thênh thang. Ấy vậy mà từ 37 năm qua, người dân ở đây cho biết chưa bao giờ họ được nhìn thấy hay được nghe những lời lẽ ôn tồn, lịch sự trong các cuộc thảo luận những vấn đề nhậy cảm. Người ta chỉ thấy diễn ra những lời cuồng nộ và nhục mạ những người có những suy nghĩ khác suy nghĩ của vài cá nhân hay phe nhóm ở đây. Người Mỹ gốc Việt ở quận Cam nói riêng ngày nay thấy một số cá nhân hoạt động chính trị trong cộng đồng bỗng trở thành những “ông biện lý” hay “quan tòa” chỉ biết “phán” mà không hề biết lắng nghe. Họ động dao, động thớt bằng những lời lăng mạ trước, dọa biểu tình sau và cuối cùng bơi móc đời tư của “đối thủ” trên một vài cơ quan truyền thông Việt ngữ. Trong bối cảnh này còn diễn ra một số những hành động ngược ngạo khác: có một vài tờ báo hay cơ quan truyền thông có những bài viết bị kết án là thân Cộng thì chẳng ai làm gì họ được, nhưng ngược lại có những cơ quan truyền thông hay báo chí khác cũng bị cáo buộc tương tự thì bị làm tình làm tội. Chính nghĩa nào cho những người cứ mở miệng ra là nói mình phục vụ cộng đồng hay chống Cộng trong khi chỉ đi làm chuyện tào lao này vậy? Chưa hết, còn một vài nghịch lý nữa: trong một vài buổi ra mắt sách ở đây, có những nhà “phê bình” lên diễn đàn thú nhận chưa đọc tác phẩm của người ta mà vẫn tiếp tục khen lấy khen để chỉ vì tác giả thuộc “phe ta”. Ngược ngạo này sinh ra ngược ngạo khác. Có một thời kỳ, nhiều nhà hoạt động ở Little Saigon này coi Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Tiêu Dao Bảo Cự, Hà Sĩ Phu là khuôn vàng thước ngọc cho công cuộc chống Cộng nhưng cũng lại chính những người đó nay buông ra những lời lẽ thiếu lịch sự với Bùi Tín, Nguyễn Minh Cần và thậm chí cả Vũ Thư Hiên.
Vì thế, tác phẩm của Huy Đức, ngoài những lời phê bình nghiêm túc, đứng đắn cũng đã nhận được một số phản ứng đại loại như “Việt cộng con”, “răng hô”, “cháu ngoan của Bác”, “ve vãn người quốc gia”, “lộng giả thành chân”, “Bên Thắng Cuộc chỉ đáng gia ba xu” cũng là chuyện thường tình. Trong cơn cuồng nộ của một nhóm người, những cảm tính này rất dễ diễn tả, rất dễ buột ra khỏi cửa miệng, nhưng để có những bằng chứng đi kèm cho thuyết phục thì thật là khó khăn vô cùng vì nó cũng buộc những người phản bác cũng phải dùng một thời gian nghiên cứu lâu ít nhất cũng lâu bằng thời gian tác giả Huy Đức thai nghén “Bên Thắng Cuộc”.
Cho nên, theo tôi, khen, chê, phủ nhận, bác bỏ là quyền đánh giá của người đọc trên một đất nước tự do. Không ai có quyền ngồi lên trên sự tự do đó được. Như thế rõ ràng, người đọc có quyền rộng rãi để lựa chọn một thái độ thì không lý do gì một người nào đó lại cần phải dùng những lời lẽ thô bạo để phê phán một tác phẩm được viết ra bằng một văn phong thầm lặng như trong “Bên Thắng Cuộc”. Trong tinh thần suy nghĩ của một người tự do, tôi đọc “Bên Thắng Cuộc” gần một tháng mới xong và giữ một nhận định riêng cho mình đối với toàn bộ tác phẩm. Bài viết này được viết để chia sẻ với bạn đọc vào ngày cuối cùng của năm 2012 mới chỉ đề cập tới phần bên thua cuộc trong tác phẩm “Bên Thắng Cuộc”. Những phần khác, tôi sẽ đưa ra vào những số báo của năm 2013. (V.A)
Nguồn: Sống Magazine
Phúc Hải chuyển
T.Post
Vài suy nghĩ về “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức _ Vũ Ánh
Vài dòng về tác giả: Tên thật là Vũ Ánh, sinh năm 1941, còn có bút hiệu khác là Vũ Huy Thục. Trước năm 1975, từ 1964 phục vụ tại Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia đến sáng ngày 30-4-1975, với các chức vụ: phóng viên mặt trận 7 năm, rồi trưởng phòng Bình Luận, Chánh Sự Vụ Sở Thời sự Quốc tế và Quốc nội cho đến 10 giờ sáng 30-4-1975. Ngoài ra, tác giả còn cộng tác với các nhật báo Dân Ý, Báo Đen và Sóng Thần vào những năm chiến tranh.
Sau 30-4-1975, đi tù cải tạo dưới chế độ Cộng sản 13 năm, trong thời gian này bị nằm “chuồng cọp” mất 5 năm liên tiếp vì chống lại chế độ lao tù và ấn hành tờ Hợp Đoàn (báo chui trong trại giam). Được thả về gia đình với 5 năm quản chế, mưu sinh bằng lao động chân tay cho đến khi được định cư ở Mỹ theo diện HO năm 1992.
Sang Mỹ, tác giả trở lại nghề báo và truyền thông: Nhật báo Viễn Đông Kinh Tế Thời Báo (TTK), Nhật Báo Người Việt (TTK và Chủ Bút), cộng tác với nhật báo Việt Herald. Đồng sáng lập đài Văn Nghệ Truyền Thanh (VNTT), Việt Nam California Radio (VNCR) và làm việc ở đó 10 năm, cộng tác với Đài Truyền Hình SBTN, hiện cộng tác với Tuần báo Sống, trong vai trò Cố vấn Biên tập.
“Lịch sử cận đại của cuộc chiến tranh Nam-Bắc Mỹ, Tổng Thống Abraham Lincoln khi chiến thắng Nam quân sau trận Gettysburg đã ra lệnh cho tướng Grant phải đứng ra để chào kính viên tướng Nam quân lên ngựa sau khi họ đã ký vào văn bản đầu hàng của Nam quân. Nhưng để hàn gắn, Tổng Thống Abraham Lincoln không phải ra lời xin lỗi Nam quân vì thực sự chiến thắng của Bắc Quân không phải là lỗi của ông. Nhưng hành động cấm tất cả binh lính dưới quyền Tổng Tư Lệnh Abraham Lincoln không được truy bức những cựu thù là một cách hàn gắn rất thông minh và văn minh khi bên chiến thắng chìa bàn tay ra trước” – Vũ Ánh.
Gặp Huy Đức nhân một bữa tiệc tại nhà một người bạn. Chúng tôi có trao đổi một vài câu chuyện. Đây là lần đầu tiên tôi gặp anh dù rằng trước đó tôi thường đọc những bài của anh trên blog Osin, có nội dung chỉ trích chế độ rất khéo léo và suy nghĩ sâu sắc. Huy Đức sang Mỹ theo một chương trình nghiên cứu của Đại học Harvard, một đại học hiện có khá nhiều sinh viên từ Việt Nam qua theo học. Câu chuyện trao đổi liên quan đến nội dung một tác phẩm, đó là “Bên Thắng Cuộc”. Tôi có nói với Huy Đức là đề tài mà anh đề cập tới rất tế nhị và anh sẽ phải đi dưới hai lằn đạn. Bởi vì viết những gì dù dựa trên sự thật mà bên thắng cuộc không thích, anh cũng sẽ “lãnh đủ” và viết ra những gì mà chỉ một số người bên thua cuộc không thích, anh cũng sẽ bị biểu tình và họ sẽ lôi gốc gác của anh ra mà xỉ vả. Lý do rất dễ hiểu: Kể cả bên thắng cuộc và bên thua cuộc đều vẫn còn nhiều người chỉ thích “uống nước đường” chứ không thích người nào nói sự thực hay chứng minh đó là sự thực.
Ít lâu sau tôi nhận được tập bản thảo “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức và tập bản thảo dù dầy đến 680 trang, tôi vẫn đọc một cách cẩn thận và có ghi chú. Tôi kết thúc trang cuối cùng vào đúng lúc Đài BBC đưa ra bản tin phản ứng của độc giả đối với “Bên Thắng Cuộc”, ủng hộ cũng như chỉ trích, phần lớn đều rất lịch sự. Tôi nghĩ chỉ cần phản ứng lịch sự là được rồi, dù phản ứng bao gồm cả những lời chỉ trích, bởi vì chỉ trích lịch sự, ôn tồn ở cái đất này giống như lá mùa thu.
Cảm tưởng của tôi đối với “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức: Lần đầu tiên tôi được đọc tác phẩm của một nhà báo trẻ trong nước viết với giọng văn bình thản, cố tránh những tĩnh từ vô ích, trích dẫn có cân bằng và đối chiếu thận trọng. Mặc dù nội dung tác phẩm còn nhiều khiếm khuyết khi Huy Đức viết về phần bên thua cuộc, nhưng ở vào thế hệ của anh không thể tránh những lỗi này được và điều này theo tôi cũng không có gì là “big deal” vì anh vẫn còn đầy đủ cơ hội hiệu đính lần xuất bản sau. Nhưng tại sao lại là “Bên Thắng Cuộc” mà không là “Bên Thắng Trận”? Nguyễn Giang, trưởng ban Việt ngữ của Đài BBC cũng đã có những thắc mắc này và tự lý giải nó bằng một tự nhủ:
“Khi đọc bản thảo ‘Bên Thắng Cuộc’ (cả hai tập), tôi băn khoăn không hiểu vì sao Huy Đức không đặt tựa cho sách là ‘Bên Thắng Trận’ với tất cả sự oai hùng, hào khí cách mạng như truyền thông chính thống vẫn nêu. Có phải trận chiến quân sự và ý thức hệ dù lớn lao đến đâu cũng chỉ là một cuộc cờ vì trận chiến vì tâm hồn và tương lại Việt Nam vẫn chưa chấm dứt?”.
Tôi cũng có những thắc mắc giống như ông Nguyễn Giang, nhưng tôi tự lý giải theo cách nhìn khác. Trong một trận banh, tỷ số các bàn thắng bại được ghi ngay trên bản và được dứt khoát quyết định, bên bị loại không thể thể giải thích “tại”, “bị” hay “do… mà tôi thua”. Nhưng cuộc chiến Việt Nam là một cuộc chiến rất phức tạp. Những người Cộng sản Miền Bắc tấn công Miền Nam Việt Nam trước và dưới cái nhãn “giải phóng và thống nhất đất nước”. Miền Nam Việt Nam chống trả dưới cái nhãn khác, đó là “tiền đồn của thế giới tự do”. Cả hai bên lao vào một cuộc huyết nhục tương tàn với súng đạn hai bên chẳng do người Việt Nam sản xuất. Chúng đến từ Nga, Tầu và Mỹ. Hai bên cứ thế mà lao đầu vào chém giết nhau, trong khi ở các bàn hội nghị quốc tế, những siêu cường thương lượng về ảnh hưởng của họ trên núi xương sông máu của nhân dân cả hai miền Nam Bắc. Đó là lý do tại sao những người thức tỉnh nhận ra “cuộc cờ” khốn nạn ấy mà những người nắm quyền lưc hiện nay ở Việt Nam không nhận ra? Huy Đức đã ghi ở trang đầu của cuốn sách một nhận định ngắn ngủi của Nguyễn Duy nhưng đầy ý nghĩa “Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh, bên nào thắng thì nhân dân cũng bại”. Tôi cho rằng những suy tưởng này chính là lý do khiến Huy Đức không dùng tựa đề bên thắng trận mà dùng tựa đề “Bên Thắng Cuộc”. Chỉ cần dùng tựa đề này, Huy Đức cũng đã can đảm rồi. Cậu bé chăn trâu ở một làng quê nghèo ở Hà Tĩnh ngày nào nay đã thành danh trong nghề nghiệp báo chí với cái tên blogger Osin đang cố gắng giữ sự tỉnh táo bằng cách học hỏi và nghiên cứu tại một trường đại học nổi danh ở Mỹ là trường Harvard. Cuộc nghiên cứu chỉ kéo đài có một năm thôi, nhưng tôi tin rằng ở ngôi trường vốn là mẫu mực cho nền tự trị đại học và suy nghĩ tự do ấy đủ để cho những người bảo thủ phải thay đổi suy nghĩ của mình hay ít ra là cũng làm mới lại suy nghĩ mà họ đã có từ trước.
Tôi muốn nhắc lại ở đây một điều đã quá cũ, nhưng vẫn cứ phải khẳng định đây là loại tác phẩm chính văn căn cứ vào những dữ kiện như cuốn “Bên Thắng Cuộc” một kiểu viết đòi hỏi phải có một phương pháp làm việc mang nhiều tính chất sử học chẳng hạn như việc lựa chọn dữ kiện, phỏng vấn những nhân chứng còn sống, sưu tầm những tài liệu của những nhân chứng đã chết, phân tích (chứ không phải bình luận) những tài liệu, văn kiện sưu tầm được, đi và nói chuyện với những nhân vật lịch sử có liên hệ hiện còn sống. Xét đến những điều kiện để thực hiện tác phẩm rõ ràng Huy Đức đã đáp ứng đầy đủ như anh đã trình bày trong Lời Nói Đầu và nội dung các chương của tác phẩm. Làm được đầy đủ công việc này, phải mất 10 năm là điều mà tôi tin rằng Huy Đức nói không ngoa.
Đọc một tác phẩm dầy như “Bên Thắng Cuộc” với biết bao nhiêu dữ kiện lịch sử, nhiều cuộc phỏng vấn, nói chuyện với những nhân vật, những nhân chứng lịch sử của cả hai bên, nhất là phần chú thích (nhất thiết phải đọc cả phần chú thích này, bởi vì nó cung cấp cho những luận đoán của người đọc nhiều chi tiết thú vị), người đọc phải mất rất nhiều thời giờ, ngoại trừ, những người vì nghề nghiệp cần phải đọc hết những trang sách trong thời gian ngắn nhất. Ví thử như Huy Đức viết “Bên Thắng Cuộc” chỉ để thỏa mãn nhu cầu chính trị ca ngợi chế độ thì không cần phải 3 năm để đọc tài liệu và 10 năm mới hoàn thành. Cho nên, việc tác giả dùng thời gian hơn một thập niên để viết “Bên Thắng Cuộc” là có lý do của nó. Huy Đức cần phải căn cứ vào cách làm của những nhà văn viết ký sự dựa theo dữ kiện lịch sử để bảo đảm tính “không dễ dãi với cách nhìn những gì đã từng xảy ra trên đất nước Việt Nam”. Đọc “Bên Thắng Cuộc” từ trang đầu đến trang cuối, người đọc có thể thấy nỗ lực của Huy Đức cố gắng không để cho tác phẩm của mình trở thành những ly nước đường cho cả bên thắng cuộc lẫn bên thua cuộc, dù những cố gắng của anh chỉ có giới hạn. Hãy đọc Huy Đức viết trên trang Facebook lập ra cho cuốn sách:
“Tôi mong các nhà lãnh đạo hiện nay đọc Bên Thắng Cuộc cho dù họ đánh giá cuốn sách như thế nào. Nhận ra những sai lầm để ‘đưa dân tộc Việt Nam đi đúng con đường dân chủ, phát triển’ là mong ước của chúng ta. Nhưng tương lai dân tộc không thể chỉ trông cậy vào một cuốn sách hay chỉ trông cậy vào những nhà lãnh đạo ở bên thắng cuộc.”
Ý kiến mà tôi vừa trích dẫn chỉ là một phần nhỏ trong phần trả lời của tác giả đối với những phản ứng hay ý kiến của độc giả mà tác giả đặt tên là “Không thể cứ trú ngụ trong sự sợ hãi”. Đài BBC ghi lại một câu hỏi khá quan trọng, đó là “liệu ông có sợ những điều không hay xảy ra với ông vì vi phạm các qui định của Đảng và Nhà Nước”, Huy Đức đã thẳng thừng:
“Tôi không nghĩ là mình nằm trong phạm vi điều chỉnh các qui định đó. Tôi ý thức được những việc gì mình đang làm. Sự thật không chỉ giúp chúng ta tìm ra những phương thuốc đúng để chữa lành các vết thương cũ mà còn giúp những người đang nắm vận mệnh quốc gia không vi phạm những sai lầm mới. Không ai muốn hứng chịu những điều không hay nhưng nếu cứ trú ngụ trong sự sở hãi thì sự thật sẽ không bao giờ được nói ra, bạn ạ!”
Huy Đức có thể trình bày suy nghĩ của mình về đứa con tinh thần được kể là quan trọng của anh khi chính quyền mà anh đang sống với chưa có dấu hiệu gì muốn nhìn nhận những sự thật mà anh trình bày trong “Bên Thắng Cuộc” là vì những lý do như anh đã viết trên Facebook. Những đoạn trong tác phẩm mà tôi cho rằng quan trọng và người Việt ở hải ngoại nên đọc chính là những đoạn mà tác giả tổng hợp được cách nhìn về mọi phía và về các bên lâm chiến từ giai đoạn lực lượng Cộng Sản tiến vào Saigon và thời kỳ quân quản, hiệp thương thống nhất hai miền Nam Bắc.
Nhưng sau ngày 30-4-1975, thảm kịch diễn ra từ việc trả thù những sĩ quan công chức, cảnh sát VNCH cho tới việc đánh tư sản, tiêu diệt văn hóa văn nghệ tự do, qui kết loại trừ tư bản Tầu Chợ Lớn, cưỡng bức người dân thành phố đi kinh tế mới, cuộc chiến với Khmer Đỏ cùng với những nỗ lực được mệnh danh là “duy ý chí” nhằm áp đặt các mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa bao cấp trên cả nước với chế độ khẩu phần khắt khe đưa đến thảm họa nhân đạo và sự suy sụp kinh tế.
Nguyễn Giang, trưởng ban Việt ngữ đài BBC nhận định về văn phong của Huy Đức trong các chương nói trên: “Ở các chương này, ngòi bút Huy Đức tỏa sáng trong giọng văn âm thầm, cố gắng giữ vẻ bình thản nhưng bên trong sôi sục, thậm chí có chỗ nghẹn đi vì những biến cố đau đớn cho hàng triệu người mà anh chứng kiến cận cảnh, nhất là tâm thức một người đi bộ đội và từ Bắc vào Nam”.
Ngay từ những dòng đầu tiên, niềm đau ấy, tâm thức ấy được phản ảnh như dưới đây về một sự thực ở Miền Nam Việt Nam. Sự thực ấy khác những điều mà Huy Đức được dạy dỗ từ thuở thiếu thời:
“Nhưng hình ảnh Miền Nam đến với tôi trước cả khi tôi có cơ hội rời làng quê nghèo đói của mình. Trên Quốc lộ 1, bắt đầu xuất hiện những chiếc xe khách hiệu Phi Long thỉnh thoảng tấp lại bên những làng xóm xác xơ. Một anh chàng tóc ngang vai, quần loe, nhảy xuống đỡ khách rồi rất nhanh đu ra ngoài cánh cửa gần như trong một giây trước khi xe rú ga, vọt đi ngạo nghễ. Hàng chục năm sau tôi vẫn nhớ hai chữ chạy suốt bay bướm, sặc sỡ sơn hai bên thành xe. Cho đến lúc ấy thứ tiếng Việt khổ lớn mà chúng tôi nhìn thấy chỉ là những chữ in hoa cứng rắn viết trên những băng khẩu hiệu kêu gọi xây dựng chủ nghĩa xã hội và đánh Mỹ. Những gì được đưa ra từ những chiếc xe đò Phi Long thoạt đầu thật đơn giản: mấy chiếc xe đạp bóng lộn xếp trên nóc xe, cặp nhẫn vàng chóe trên ngón tay một người làng tập kết (ra Bắc) vừa về Nam thăm quê ra, con búp bê nhựa biết nhắm mắt khi nằm ngửa và có thể khóc oe oe, buộc trên ba lô của một anh bộ đội phục viên may mắn. Những cuốn sách của Mai Thảo, Duyên Anh… được những bộ đội giấu dưới đáy ba lô đã giúp cho bọn trẻ chúng tôi biết một thế giới văn chương gần gũi hơn là “Rừng thẳm tuyết dày”, “Thép đã tôi thế đấy”, những chiếc máy Akai, radio cassettes được những người hàng xóm tập kết mang ra giúp chúng tôi nhận ra người lính xa nhà, đêm tiền đồn còn nhớ mẹ nhớ em, chứ không chỉ là ‘Đêm Trường Sơn nhớ Bác’. Có một miền Nam không giống như Miền Nam trong sách giáo khoa của chúng tôi.”
Qua đoạn văn này trong Lời Nói Đầu, người ta thấy tác giả tự tay chém vào thân người mình những vết thương sâu hoắm để tự cảm thấy một nỗi đau, nỗi đau không thảng thốt, nhưng nó sẽ cắn xé, gậm nhấm từ từ một con người còn tỉnh táo để nhận biết sự thật, để nhận biết là trong bao nhiêu lâu của tuổi xuân mình chỉ được biết những gì không phải sự thật. Theo tôi, nỗi đau của Huy Đức cũng như hàng triệu người có cùng một cảm xúc như anh không khác gì nỗi đau đớn của hàng triệu người ở Miền Nam Việt Nam đã để mất cái phần đất mà chỉ sau 30-4-1975 họ mới có thể hoàn toàn thấu hiểu rằng so với Miền Bắc, nó thật là quí giá, đúng như lời cựu Tướng độc nhãn của Do Thái Moshe Dayan đã nhận định khi ông đến Saigon để viết một phúc trình cho tờ Israel Times rằng người Miền Nam Việt Nam phải biết thua Cộng sản thì mới có thể chiến thắng được họ. Theo tôi nỗi đau ấy không thể được làm thuyên giảm chỉ với những tập tài liệu “Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập” hoặc “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” hay “Tâm Tư của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu”, hoặc những cuốn hồi ký trong đó có một số tướng lãnh hay các sĩ quan cao cấp không ngại ngùng nói thẳng ra chuyện các ông bỏ đơn vị, bỏ lính của mình như thế nào để thoát ra nước ngoài trong cơn lốc nghiêng ngửa của Miền Nam. Những cuốn sách ấy không thể là những thắc mắc mà cho tới bây giờ vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát, đó là: “Một quân đội thiện chiến, quả cảm, chiến đấu không mệt mỏi trong một cuộc chiến dài và đẫm máu như thế, tại sao họ vẫn thất bại”?
Suy nghĩ của tôi cũng chỉ là cái cớ để nói tới cái bối cảnh ra đời của “Bên Thắng Cuộc”. Sống trong lòng chế độ ở Việt Nam mà đề cập tới những người thắng cuộc cũng đã là một điều khó khăn và đe dọa cho Huy Đức rồi, nhưng đề cập tới những người thuộc bên thua cuộc lại càng khó khăn, phức tạp và nhạy cảm hơn đối với một tác giả xuất thân từ phía thắng cuộc. Tôi xin trích dẫn lời kết luận của một trong những phản ứng chỉ trích của một cựu sĩ quan bên thua cuộc (VML) qua một e-mail được một bạn tù forward cho tôi: “Tác giả đã bỏ ba năm, ngồi đọc 126 quyển, rồi trích lấy 609 câu ghép lại thành từng chương mục thêm vào mấy lời cám ơn, thế là xong một tác phẩm vĩ đại! Tóm lại Bên Thắng Cuộc chỉ là một công trình đáng giá 3 xu hoàn thành từ một Cháu ngoan của Bác”. Tôi không ngạc nhiên về những lời phán này bởi vì trong 20 năm sống ở Mỹ, thói quen của một số người thuộc phía thua trận là bác bỏ và phủ nhận bất cứ một cuốn sách nào từ phía những người thắng trận, nhưng không may, họ lại không thể trưng ra được một tác phẩm nào của họ để đối chiếu. Andrew Wiest khi viết cuốn “Vietnam‘s Army Forgotten” đã có một thư mục sách ông tham khảo dài, những cuộc phỏng vấn và mất cả 3 năm trời để tìm cách phỏng vấn người anh hùng trong quân đội VNCH Trần Ngọc Huế và cả người mà ông cho rằng một nửa giai đoạn chiến tranh là anh hùng nhưng cuối cuộc chiến trở thành người phản bội, Phạm Văn Đính. Larry Berman cũng đã mất khoảng 10 năm trời, dùng số sách tham khảo nhiều hơn Huy Đức và nhất là tìm cách phỏng vấn cho được tình báo viên Phạm Xuân Ẩn trước khi ông ta qua đời để viết cuốn “Perfect Spy”. Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ khi viết cuốn “Argument Without End” cũng đã phải vùi đầu vào một núi tài liệu trong văn khố quốc gia Mỹ, rồi phải vận động để được phép thu thập cái kho tài liệu về chiến tranh Việt Nam của Hà Nội mà trước đó không một tác giả Mỹ nào xâm nhập vào được, tổ chức các buổi hội thảo tốn kém để đối thoại với các cựu tướng lãnh và giới chức quân sự chính trị cao cấp từng đối đầu với Hoa Kỳ trong chiến tranh, gặp gỡ riêng tư những người cầm chịch trong cuộc chiến Việt Nam cả về phía Mỹ, Việt Nam và VNCH. Ấy vậy mà trong buổi giới thiệu sách ở New York, tác giả vẫn còn xin lỗi vì những tham khảo chưa trọn vẹn. Có thể có nhiều người không thích những tác phẩm trên của các tác giả Mỹ với nhiều lý do khác nhau, nhưng bảo chúng là ba xu hay vô giá trị, tôi thấy chưa ai dám hạ bút như vậy. Một phản ứng khác từ Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh viết trên Facebook, vốn là con của một viên chức cao cấp của VNCH, về cuốn “Bên Thắng Cuộc”, xin trích:
“Không ai trong chúng tôi lại có thể ngờ có ngày những ký ức và sự kiện lịch sử ấy lại được một người từ bên thắng cuộc viết ra. Những dòng chữ trong cuốn sách của Huy Đức được tác giả viết bằng giọng văn bình thản, khách quan chẳng thấm vào đâu so với những ký ức đầy cảm xúc của chúng tôi, những người phải trải nghiệm thực sự những thí nghiệm của chế độ mới với những người anh em thua cuộc của họ… Những thông tin trong cuốn sách không làm tôi xúc động-vì chắc chắn những chi tiết mà tôi có thể kể ra từ kinh nghiệm cá nhân còn lâm ly và kỳ bí hơn nhiều – mà chỉ làm cho tôi thắc mắc không biết đến bao giờ người anh em thắng cuộc mới thực sự hiểu đầy đủ những người thua cuộc và ý thức rõ những điều phi nghĩa phi nhân mà họ đã làm đối với người anh em kém may mắn của họ”.
Tiến sĩ Phương Anh cũng nói “chính quyền hiện nay không chân thành nhận lỗi thì sẽ không bao giờ có hòa giải thực sự”. Một nhân vật lịch sử cổ đại là Vua Trần Nhân Tôn, một vị vua nhân đức và một tấm lòng mở rộng như Phật sống, tha tội cho tất cả quan quân đã từng cộng tác với giặc Phương Bắc với để hàn gắn, hòa giải dân Việt có phải nhận lỗi với phe thua cuộc? Lịch sử cận đại của cuộc chiến tranh Nam-Bắc Mỹ, Tổng Thống Abraham Lincoln khi chiến thắng Nam quân sau trận Gettysburg đã ra lệnh cho tướng Grant phải đứng ra để chào kính viên tướng Nam quân lên ngựa sau khi họ đã ký vào văn bản đầu hàng của Nam quân. Nhưng để hàn gắn, Tổng Thống Abraham Lincoln không phải ra lời xin lỗi Nam quân vì thực sự chiến thắng của Bắc Quân không phải là lỗi của ông. Nhưng hành động cấm tất cả binh lính dưới quyền Tổng Tư Lệnh Abraham Lincoln không được truy bức những cựu thù là một cách hàn gắn rất thông minh và văn minh khi bên chiến thắng chìa bàn tay ra trước. Và chung quanh các cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ tổ chức rất long trọng những ngày gọi là Quốc Hận, nhưng đã có ai trong số những người lãnh đạo quân sự và chính trị còn sống ở đây dám đứng ra nhận lỗi với chính những người thua cuộc và dân chúng còn ủng hộ bên thua cuộc dù đã để mất miền Nam Việt Nam không, hay họ vẫn cứ vẫn dễ dãi đổ tất cả tội lỗi cho Mỹ và Dương Văn Minh?
Cho nên, sau 37 năm Hà Nội chưa bị đe dọa bởi những chống đối trong nước hay tại hải ngoại thì mơ ước của Tiến sĩ Phương Anh vẫn chỉ là một giấc mơ đẹp nhưng không bao giờ thành hiện thực. Bởi một điều: Khó có thể đổ lỗi cho bên chiến thắng khi cuộc chiến đã bị quốc tế hóa thành ý thức hệ của hai khối Cộng Sản và Tư Bản. Trong một trận banh, bên nào lừa banh được thì bên đó dễ dàng xuyên thủng lưới đối phương. Bên thua khó lòng viện dẫn lý do là bên kia quỷ quyệt, chơi xấu nên mới thắng. Có phải do thế mà bên chiến thắng phải xin lỗi thì các khán giả ủng hộ hai bên trong trận banh từng chia rẽ nay mới có thể bắt tay đi uống bia với nhau được? Làm gì có chuyện đó, thưa Tiến sĩ Phương Anh? Tỷ số bàn thắng thua trong một trận đá banh hay bóng rổ vẫn là những con số lạnh lẽo, nhưng đáng buồn là nó xác định được thứ ưu thế cũng lạnh lẽo không kém của bên thắng trận. Làm sao có ai trả lời được câu hỏi nếu như Miền Nam là bên thắng cuộc thì liệu sự trả thù có diễn ra với bên thua cuộc là miền Bắc hay không?
Nay có một người như tác giả “Bên Thắng Cuộc” nói tới những xúc cảm của chính mình khi viết một tác phẩm về thắng, thua trên bàn cờ chính trị và quân sự Việt Nam, tôi nghĩ đó là một điều đáng quí. Văn phong bình thản và ôn tồn của một người viết xuất thân từ xã hội Cộng sản cho thấy đây là một yếu tố rất quan trọng của một tác giả còn dính líu nhiều đến quá khứ của các phe lâm chiến trong một cuộc chiến không vinh hạnh gì cho đất nước Việt Nam. Càng bình thản và ôn tồn sự trình bày của mình càng thuyết phục. Càng gồng mình, càng dao to búa lớn, càng biểu lộ cảm tính đối với những vấn đề nay đã trở thành lịch sử thì càng thiếu thuyết phục và trong nhiều trường hợp lộ cho người khác thấy cái non nớt ấu trĩ của mình.
Khi viết về bên thua cuộc, Huy Đức còn nhiều thiếu sót nhất là những chương nói về tù cải tạo và cuộc vượt biển của hàng triệu người Việt Nam (cho tới nay không có con số ước lượng gần sự thật). Nhưng tôi vẫn nghĩ ở thế hệ của Huy Đức (thế hệ 1.5), anh không thể hiểu hết những gì diễn ra trong hai tấn bi kịch đầy thương tổn trong lịch sử cận đại hậu chiến tranh Việt Nam. Hơn nữa, nội dung cuốn sách chỉ mô tả lại hình ảnh về những sai lầm của bên thắng cuộc, kể cả sai lầm đối với bên thua cuộc. Ngay cả người Việt Nam thuộc thế hệ 1.0, 1.5 và 2.0 hiện nay ở Mỹ có người còn không hiểu hết những gì cha anh họ từng phải trải qua trong các trại cải tạo hay trên đường vượt biển, huống chi một nhà báo trẻ như Huy Đức sinh ra và lớn lên trong môi trường xã hội chủ nghĩa và chỉ khi vào Nam mới biết rằng có một Miền Nam không giống như sách giáo khoa miền Bắc đã dạy anh. Cho nên chỉ cần Huy Đức viết về những bi kịch nói trên của bên thua cuộc không giống như lời lẽ của Phan Xuân Huy, một cựu dân biểu dưới chế độ VNCH mà anh trích dẫn trong sách là tôi đã có thể gọi anh là một nhà báo còn giữ được nhân cách và còn tỉnh táo trong suy nghĩ giữa một xã hội mà lòng người ngày càng tao loạn, và những người quản trị đất nước ngày càng khắt khe đối với những ý tưởng độc lập.
Cái oái oăm của lịch sử cũng vẫn theo đuổi những người Việt Nam đã bỏ nước ra đi và nhận nơi này làm quê hương thứ hai của họ. Người Việt Nam ở quận Cam hình thành một cộng đồng từ ngày những bước chân còn bàng hoàng của họ từ các trại tị nạn đặt xuống đây. Cộng đồng này sống giữa một đất nước nơi mà quyền tự do ngôn luận được thiết đã từ lâu và rộng thênh thang. Ấy vậy mà từ 37 năm qua, người dân ở đây cho biết chưa bao giờ họ được nhìn thấy hay được nghe những lời lẽ ôn tồn, lịch sự trong các cuộc thảo luận những vấn đề nhậy cảm. Người ta chỉ thấy diễn ra những lời cuồng nộ và nhục mạ những người có những suy nghĩ khác suy nghĩ của vài cá nhân hay phe nhóm ở đây. Người Mỹ gốc Việt ở quận Cam nói riêng ngày nay thấy một số cá nhân hoạt động chính trị trong cộng đồng bỗng trở thành những “ông biện lý” hay “quan tòa” chỉ biết “phán” mà không hề biết lắng nghe. Họ động dao, động thớt bằng những lời lăng mạ trước, dọa biểu tình sau và cuối cùng bơi móc đời tư của “đối thủ” trên một vài cơ quan truyền thông Việt ngữ. Trong bối cảnh này còn diễn ra một số những hành động ngược ngạo khác: có một vài tờ báo hay cơ quan truyền thông có những bài viết bị kết án là thân Cộng thì chẳng ai làm gì họ được, nhưng ngược lại có những cơ quan truyền thông hay báo chí khác cũng bị cáo buộc tương tự thì bị làm tình làm tội. Chính nghĩa nào cho những người cứ mở miệng ra là nói mình phục vụ cộng đồng hay chống Cộng trong khi chỉ đi làm chuyện tào lao này vậy? Chưa hết, còn một vài nghịch lý nữa: trong một vài buổi ra mắt sách ở đây, có những nhà “phê bình” lên diễn đàn thú nhận chưa đọc tác phẩm của người ta mà vẫn tiếp tục khen lấy khen để chỉ vì tác giả thuộc “phe ta”. Ngược ngạo này sinh ra ngược ngạo khác. Có một thời kỳ, nhiều nhà hoạt động ở Little Saigon này coi Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Tiêu Dao Bảo Cự, Hà Sĩ Phu là khuôn vàng thước ngọc cho công cuộc chống Cộng nhưng cũng lại chính những người đó nay buông ra những lời lẽ thiếu lịch sự với Bùi Tín, Nguyễn Minh Cần và thậm chí cả Vũ Thư Hiên.
Vì thế, tác phẩm của Huy Đức, ngoài những lời phê bình nghiêm túc, đứng đắn cũng đã nhận được một số phản ứng đại loại như “Việt cộng con”, “răng hô”, “cháu ngoan của Bác”, “ve vãn người quốc gia”, “lộng giả thành chân”, “Bên Thắng Cuộc chỉ đáng gia ba xu” cũng là chuyện thường tình. Trong cơn cuồng nộ của một nhóm người, những cảm tính này rất dễ diễn tả, rất dễ buột ra khỏi cửa miệng, nhưng để có những bằng chứng đi kèm cho thuyết phục thì thật là khó khăn vô cùng vì nó cũng buộc những người phản bác cũng phải dùng một thời gian nghiên cứu lâu ít nhất cũng lâu bằng thời gian tác giả Huy Đức thai nghén “Bên Thắng Cuộc”.
Cho nên, theo tôi, khen, chê, phủ nhận, bác bỏ là quyền đánh giá của người đọc trên một đất nước tự do. Không ai có quyền ngồi lên trên sự tự do đó được. Như thế rõ ràng, người đọc có quyền rộng rãi để lựa chọn một thái độ thì không lý do gì một người nào đó lại cần phải dùng những lời lẽ thô bạo để phê phán một tác phẩm được viết ra bằng một văn phong thầm lặng như trong “Bên Thắng Cuộc”. Trong tinh thần suy nghĩ của một người tự do, tôi đọc “Bên Thắng Cuộc” gần một tháng mới xong và giữ một nhận định riêng cho mình đối với toàn bộ tác phẩm. Bài viết này được viết để chia sẻ với bạn đọc vào ngày cuối cùng của năm 2012 mới chỉ đề cập tới phần bên thua cuộc trong tác phẩm “Bên Thắng Cuộc”. Những phần khác, tôi sẽ đưa ra vào những số báo của năm 2013. (V.A)
Nguồn: Sống Magazine
Phúc Hải chuyển
T.Post