Văn Học & Nghệ Thuật
Văn học Miền Nam
Thụy Khuê
Những sách biên khảo văn học xuất bản ở trong nước sau 1975, thường không nhắc đến nền văn học Miền Nam từ 1954 đến 1975, mà thay vào đó là nền “Văn học giải phóng Miền Nam”.
Văn học “giải phóng” gồm những ai? Phạm Văn Sĩ, tác giả cuốn Văn học giải phóng Miền Nam (nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1975) kê khai rất nhiều tên tuổi, nhưng đọc lên thì người dân Miền Nam không biết họ là ai như Huỳnh Minh Siêng, Trần Hiếu Minh, Hưởng Triều, Nguyễn Trung Thành, Bùi Đức Ái, v.v. Nếu nói tên thực của họ ra thì hầu như mọi người đều biết vì đó là những nhân vật rất nổi tiếng: Huỳnh Minh Siêng chính là Lưu Hữu Phước, Trần Hiếu Minh là Nguyễn Văn Bổng, Hưởng Triều hay Hiểu Trường là Trần Bạch Đằng, Nguyễn Trung Thành là biệt hiệu của Nguyên Ngọc, Bùi Đức Ái là Anh Đức, v.v. Trên thực tế, những người xuất hiện thường xuyên trên văn đàn Miền Nam lúc đó chỉ có Lữ Phương, chủ trương tờ Tin Văn và Vũ Hạnh, một trong những cây bút chính của tạp chí Bách Khoa, có khuynh hướng chính trị đối lập với Võ Phiến.
Nhưng dần dần, nhờ cố gắng của một số nhà nghiên cứu và nhà xuất bản có tâm huyết, vấn đề Văn học Miền Nam, đã ít nhiều được đặt ra. Một số sách xuất bản ở Miền Nam trước 1975 đã được in lại, và càng ngày, càng có một đòi hỏi, muốn tìm hiểu và phục hồi lại nền văn học đích thực này. Ngoài ra tên tuổi và tác phẩm của những nhà văn nổi tiếng ở trong Nam như Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, v.v. đã xuất hiện khá nhiều trên các mạng lưới điện tử, Từ điển văn học bộ mới, cũng được phép in một số mục từ về Bình Nguyên Lộc, Nguyên Sa, Dương Nghiễm Mậu, Cung Trầm Tưởng, Bùi Giáng, v.v. Nhưng các tác phẩm của văn học Miền Nam, đối với một số đông người đọc trong nước vẫn còn xa lạ, trừ vài trường hợp đặc biệt như tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc… được in lại, và một vài tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu cũng đã xuất hiện những năm gần đây. Lại có ngay sự phản hồi: Vũ Hạnh đã viết bài cực lực phản đối sự phổ biến các tác phẩm “độc hại” của Dương Nghiễm Mậu. Như thế, nhiều thập niên sau ngày thống nhất đất nước, việc in lại những tác phẩm của nhà văn Miền Nam vẫn còn nhiều cản lực.
Nhưng độc giả trong nước cũng có thể biết qua nội dung (dù đã bị xuyên tạc ít nhiều) và số lượng văn hoá phẩm quốc cấm ấy, nhờ hai bộ sách thời danh, một của Lê Đình Kỵ, tựa đề: Nhìn lại tư tưởng văn nghệ thời Mỹ Nguỵ, (nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 1987), và Văn hoá văn nghệ Nam Việt Nam 1954-1975 của Trần Trọng Đăng Đàn (nxb Thông tin, Hà Nội, 1993).
Cuốn sách của Lê Đình Kỵ được viết với chủ đích “lột trần bộ mặt của nền văn hoá Mỹ Ngụy” tương tự như trường hợp Đỗ Đức Hiểu viết cuốn “Phê phán văn học hiện sinh chủ nghiã” (nxb Văn học Hà Nội, 1978). Điểm chung của hai cuốn sách này là trình bày, phân tích, và đả phá đối tượng giới thiệu; nhưng về sau, cả hai tác giả đều gạt chúng ra khỏi danh sách những tác phẩm của mình. Trong câu chuyện riêng với chúng tôi năm 1993, nhà phê bình Đỗ Đức Hiểu không muốn nhắc đến cuốn Phê phán văn học hiện sinh chủ nghiã. Nhà nghiên cứu Lê Đình Kỵ cũng không đưa cuốn Nhìn lại tư tưởng văn nghệ thời Mỹ Nguỵ vào phần tác phẩm đã in của mình, trong các bộ Nhà văn Việt Nam hiện đại và Từ điển văn học. Có thể nói đó là một sự từ chối tác phẩm rất đặc biệt, không do lệnh trên mà phát xuất tự lương tâm người trí thức.
Trở về với cuốn sách của Lê Đình Kỵ, tuy được viết với mục đích triệt hạ nền văn học “Mỹ Nguỵ”, nhưng nó vẫn hé mở cho thấy tâm lý tác giả: Ông đã đọc khá kỹ một số sách của Văn học Miền Nam, những trích đoạn mà ông đưa ra, tương đối tiêu biểu trung thành cho từng tác giả, kể cả khi trích dẫn Ngô Đình Diệm. Ngoài ra, Lê Đình Kỵ dành một phần lớn cho mảng triết học, đặc biệt về Nguyễn Văn Trung và triết học hiện sinh, tất nhiên cũng để “đả phá”, nhưng dường như chính ông cũng muốn giới thiệu mảng tư tưởng này với độc giả, tương tự như trường hợp Đoàn Giỏi trích dẫn Phan Khôi để giới thiệu những tác phẩm cuối cùng của Phan Khôi trong đó có truyện Nắng Chiều mà ngày nay không còn dấu vết.
Trần Trọng Đăng Đàn trong cuốn Văn hoá văn nghệ Nam Việt Nam 1954-1975, không có được tấm lòng của Lê Đình Kỵ, tuy cùng chủ đích. Chính nhờ bản liệt kê ở cuối sách mà sau này, những người nghiên cứu có thể tìm lại được toàn bộ tên sách và tên tác giả của nền văn học Miền Nam; nhất là phần bị cấm lưu hành, trong đó có rất nhiều tác giả và tác phẩm chủ yếu.
Những tác giả viết về Văn học Miền Nam
Sau 1975, cuốn sách đầu tiên có những ghi nhận đúng đắn về sinh hoạt văn học Miền Nam là cuốn hồi ký Đời viết văn của tôi do Nguyễn Hiến Lê (viết tại Long Xuyên năm 1980) và nhà xuất bản Văn Nghệ in năm 1986, tại Cali. Đây cũng là tác phẩm ra mắt của nhà xuất bản Văn Nghệ, do thầy Từ Mẫn Võ Thắng Tiết điều hành, trong nhiều năm, đã có công in lại những tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến và giới thiệu những tác giả mới tại hải ngoại. Hồi ký của Nguyễn Hiến Lê chủ yếu viết về đời văn, cách làm việc, cách đọc và dịch của ông; chỉ có một chương ngắn dành cho sinh hoạt báo chí trong Nam, nhưng nó đã cho chúng ta ấn tượng đầu tiên về không khí văn học Miền Nam, nhất là những nhận xét của ông về tờ Bách Khoa, mà ông là một trong những người cộng tác chính. Sau này, những tác giả khác, thường lấy lại nhận định của Nguyễn Hiến Lê, thêm bớt chút đỉnh, đôi khi gây tranh luận, nhưng tựu trung những ý kiến của Nguyễn Hiến Lê về Bách Khoa trên cơ bản vẫn là trung thực.
Tiếp đến Võ Phiến cho in cuốn Văn học Miền Nam tổng quan (Văn Nghệ, Cali, 1986) với mục đích khôi phục lại thực trạng văn học Miền Nam, một nền văn học “đang bị tiêu hủy“. Tác phẩm đã được đón nhận nồng nhiệt tại hải ngoại khi mới ra đời. Mười ba năm sau, Võ Phiến hoàn tất bộ Văn học Miền Nam gồm 7 tập, kể cả tập Tổng quan (Văn Nghệ, 1999), 3229 trang, đánh số từ cuốn Tổng quan đầu tiên.
Bộ Văn học Miền Nam của Võ Phiến là một tuyển tập, có tham vọng kết hợp hai lối trình bày của Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại và Hoài Thanh trong Thi nhân Việt nam, tức là vừa giới thiệu tác giả (qua lời Võ Phiến) vừa in kèm tác phẩm tiêu biểu của họ, do đó có bề dầy. Về cuốn Tổng quan, trong chỗ riêng tư, Mai Thảo sinh thời đã có ý phàn nàn về những phán đoán thiên lệch trong sách, nhưng ông không phát biểu công khai. Nhưng sau khi Võ Phiến hoàn tất bộ Văn học Miền Nam, nhiều người khác lên tiếng phản đối cách phê bình của Võ Phiến trong bộ Văn học Miền Nam, nhất là về Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo, Bình Nguyên Lộc…, đặc biệt những người cùng thời với ông như Viên Linh trong bài “Trăm năm thân thế” viết về Vũ Khắc Khoan, Khởi Hành số 47, tháng 9/2000; Nguyễn Văn Trung trong bài “Hướng về Miền Nam Việt Nam”, Khởi Hành số 92, tháng 6/2004 và bài Mặc Đỗ trả lời phỏng vấn của Nguyễn Tà Cúc trong Khởi Hành số 98 tháng 11/2004.
Cuốn Văn học Miền Nam tổng quan của Võ Phiến ra đời đúng lúc người di tản đang bàng hoàng trước cuộc đổi đời, phẫn nộ trước những tin về cải tạo, đau đớn về chuyện thuyền nhân, phẫn uất về việc đốt sách ở quê nhà, nên nó đã đáp ứng đúng nhu cầu của người đọc di tản. Nhưng nhiều năm sau, cục diện chính trị và văn nghệ đã thay đổi, độc giả đòi hỏi một sự nghiên cứu có tầm chuyên môn hơn, bộ Văn học Miền Nam không còn thế đứng độc tôn nữa, nó gây ra một số vấn đề tranh luận.
Điểm thứ nhất, Võ Phiến là nhà văn tên tuổi nhưng ông không chuyên về phê bình, lại ôm đồm thêm cả việc viết văn học sử, một trọng trách đòi hỏi tinh thần làm việc có hệ thống, khách quan và khoa học. Để giữ được sự phán đoán không thiên vị, người viết văn học sử và phê bình thường phải đứng ngoài môi trường sáng tác; nhưng Võ Phiến lại là người sáng tác, vì thế thái độ của ông đối với những nhà văn “cùng vai vế” đã không được sòng phẳng, khiến người đọc có thể hiểu là ông cố tình “dìm” Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan… những tác giả có thể “cạnh tranh” với ông về “ngôi thứ” trên văn đàn.
Điểm thứ nhì, cuốn Văn học Miền Nam tổng quan, Võ Phiến viết trong tư thế một nhà văn chống Cộng, thời vết thương 30/4 còn nóng; tuy ông đã cố gắng giữ khoảng cách với chính trị, nhưng tác phẩm của ông đôi chỗ vẫn bị giới hạn vì lập trường của tác giả. Tác phẩm lại viết theo lối tạp và phiếm luận, nhiều chỗ phóng bút, pha trò có duyên, đọc như một cuốn tùy bút, phiếm luận rất thú vị, hấp dẫn; nhưng nếu sử dụng như một cuốn nghiên cứu văn học, thì nhược điểm chung là không mấy hệ thống, rườm rà, ngẫu hứng, nhiều điều đã viết rồi, lại quay trở lại; những thông tin chính xác bị lẫn trong những nhận định không chính xác, đôi khi giễu cợt, tùy tiện. Cái mỉa mai thâm thúy là sở trường của Võ Phiến trong tùy bút, trở thành sở đoản trong lãnh vực nhận định văn học.
Tuy vậy, cuốn Văn học Miền Nam tổng quan của Võ Phiến vẫn là một tác phẩm cần thiết, nó đã được viết ra sớm nhất trong hoàn cảnh lưu vong, và cũng là một tư liệu văn học viết về thời kỳ 1954-1975, ở Miền Nam, xuất hiện sớm nhất sau chiến tranh. Bởi vì, trong suốt thời kỳ cực thịnh của sách báo ở Miền Nam, chưa có tác giả nào lưu tâm đến việc ghi lại lịch sử văn học của thời kỳ này. Cho nên có thể nói đây là cuốn sách đầu tiên viết về sinh hoạt văn học ở Miền Nam trong giai đoạn 1954-1975, tương đối khá đầy đủ.
Ngoài bộ sách của Võ Phiến, còn có những nguồn tư liệu khác, như báo Khởi Hành của Viên Linh xuất bản tại California. Trên Khởi Hành, từ 1996 trở đi, có những số đặc biệt về nhà văn Miền Nam, với những tư liệu tốt; đáng chú ý là những tư liệu gốc, đặc biệt về nhóm Giao Điểm, do chính những người trong cuộc viết ra, và chính Viên Linh cũng viết những chân dung văn học giá trị.
Bộ hồi ký của Nguyễn Văn Trung tựa đề Nhìn lại những chặng đường đã qua, còn dưới dạng photocopie, (một vài bài được trích đăng trên báo Văn Học, California (các số 174 ra tháng 10/ 2000 và 179, 180, 183, ra tháng 3; 4; và 7 năm 2001) và trên báo Khởi Hành (số 92, tháng 6/2004). Trong tập hồi ký đồ sộ này, ngoài phần viết và nhận định của tác giả về cuộc đời cầm bút của mình, còn có nhiều tư liệu chính trị, xã hội, và tôn giáo, về Miền Nam.
Cuốn Chân dung mười lăm nhà văn nhà thơ Việt Nam của Mai Thảo (Văn Khoa, Cali, 1985), với lối viết tình cảm và chủ quan, vẫn cho chúng ta những thông tin văn học đáng quý.
Ngoài ra còn phải kể thêm những tập hồi ký khác, như hồi ký Huỳnh Văn Lang, chủ nhiệm sáng lập Bách Khoa; hồi ký Mặc Thu, Mặc Đỗ (nếu đã xuất bản), là những nhà văn Bắc di cư tiên phong trong việc xây dựng nền báo chí và văn học. Hồi ký Nguyên Sa, Thanh Nam… những người đã sống và viết trong suốt thời kỳ chia đôi đất nước, v.v.
Chữ quốc ngữ tại Miền Nam
Trước khi tìm hiểu chỗ đứng của văn học Miền Nam từ 1954 đến 1975 trong bối cảnh chung của văn học Việt Nam, chúng ta cần nhìn lại sự hình thành và phát triển văn học quốc ngữ tại Miền Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Chữ quốc ngữ được sử dụng, về mặt hành chánh, ở trong Nam trước, vì người Pháp chiếm Nam Kỳ trước (1862) và họ thúc đẩy việc dùng quốc ngữ trong Nam. Một mặt khác, nhờ sự tiếp xúc với Pháp và văn học Pháp, người Nam cũng hấp thụ được tinh thần dân chủ của Pháp qua ngả học đường và sách vở báo chí Pháp. Những trí thức Tây học đầu tiên như Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Huỳnh Tịnh Của (1834-1897), đều thấm nhuần hai nền giáo dục: thủa nhỏ học chữ nho, sau đó được các thầy tu đưa vào trường đạo học tiếng La tinh và tiếng Pháp, rồi đi du học (các trường đạo) ở Cao Mên, Mã Lai. Trương Vĩnh Ký nổi tiếng biết 15 ngoại ngữ, 11 tử ngữ, trở thành nhà bác học được các đồng nghiệp Tây phương kính trọng. Ông cũng là nhà bác ngữ học (philologue) và Việt học đầu tiên của nước ta. Bộ từ điển tiếng Việt Đại Nam quốc âm tự vị do Huỳnh Tịnh Của xuất bản năm 1895-1896, cũng là một trong những viên gạch đầu tiên xây dựng nền văn học quốc ngữ. Tờ báo quốc ngữ đầu tiên là tờ Gia Định Báo, do Pháp lập năm 1865, với chủ bút Trương Vĩnh Ký, rồi Huỳnh Tịnh Của. Tiếp đó đến tờ Nam Kỳ Nhật Trình (số 1 ra ngày 21/10/1897), Nông Cổ Mín Đàm (số 1: 1/8/1901), Lục tỉnh tân văn (số 1: 15/1/1907), v.v. Theo tài liệu của Nguyễn Văn Trung (công bố năm 1987), cuốn tiểu thuyết quốc ngữ sớm nhất viết theo lối Tây phương, Thầy Lazzaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, xuất hiện ở trong Nam ngay từ 1887 và bản dịch Tam Quốc Chí đầu tiên, cũng khởi đăng trên Nông Cổ Mín Đàm, số một. (Nguyễn Văn Trung, Lục Châu Học).
Khi người Bắc di cư vào Nam năm 1954, họ ngạc nhiên thấy những người phu xe xích lô Sài Gòn, buổi trưa, tìm chỗ mát nghỉ ngơi, ngồi gác chân đọc nhật trình, việc không thể có ở ngoài Bắc. Sở dĩ có hiện tượng này bởi vì Miền Nam có truyền thống đọc sách báo của người bình dân mà ở ngoài Bắc không có; bởi Miền Nam đã là vùng đất của quốc ngữ và báo chí, tiểu thuyết, ngay từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khiến nền văn chương bình dân phát triển mạnh ở trong Nam, trong khi ngoài Bắc, sách vở, báo chí phần lớn chỉ dành cho người có học.
Văn nghệ kháng chiến trong Nam
Nền văn nghệ kháng chiến ở trong Nam cũng khác với ngoài Bắc.
Về nền văn nghệ nói chung trong kháng chiến (1945-1954), Nguyễn Hiến Lê cho rằng: “Trong thời kháng Pháp, văn học ở thành (vùng bị chiếm) từ Bắc tới Nam không có gì cả. Hầu hết các nhà văn có tên tuổi thời tiền chiến đều theo kháng chiến. Tôi không biết họ sáng tác được những gì, có lẽ chỉ một số bút ký, và một số bài thơ ái quốc, hô hào diệt địch, nhiệt tâm tuy nhiều, nhưng nghệ thuật có phần kém phần tiền chiến” (Nguyễn Hiến Lê, Đời viết văn của tôi, nxb Văn Nghệ Cali, trang 152-153). Nhận định của Nguyễn Hiến Lê có thể cũng đúng với thực trạng ngoài Bắc, vì thật sự trong khoảng 1945-1954, ở Hà Nội, dường như không thấy có chuyển động văn nghệ nào đáng kể.
Về nền văn nghệ kháng chiến ở trong Nam, Nguyễn Văn Sâm trong cuốn Văn chương Nam Bộ và cuộc kháng Pháp 1945-1950, (Lửa Thiêng, Sàigòn 1972, Xuân Thu in lại tại Hoa Kỳ) chứng minh một tình trạng khác hẳn. Theo ông, văn chương trong thành phong phú hơn văn chương ngoài bưng, vì ở ngoài bưng, tình hình chính trị phức tạp, ngoài mặt trận Việt Minh còn có các đảng phái chính trị khác như Tân Dân Chủ, Đồng Minh Hội, Quốc Dân Đảng, v.v. cho nên vì tình đoàn kết, các tác giả không thể viết được đúng theo ý nghĩ của mình. Văn nghệ ngoài bưng, viết ít, người đọc ít, phương tiện in ấn thô sơ, cho nên không phát triển được (trang 26). Giải thích tại sao sự nghiên cứu của ông lại thu gọn trong Văn chương Nam Bộ, trong khi giai đoạn này tính chất đấu tranh vẫn có trong các tác phẩm ở Trung và Bắc, Nguyễn Văn Sâm viết: “Ở Nam Bộ vì quân Pháp tái chiếm đầu tiên, sự thất vọng gieo vào lòng người trước, vì những người kiểm duyệt lúc này có nhiều lý do để lơ là nhiệm vụ, vì những nhà văn nổi tiếng ở Miền Bắc ở thế hệ trước (1932-1945) một số ra hoạt động chánh trị (Nhất Linh, Xuân Diệu, Huy Cận), một số mất tích (Khái Hưng), một số đi khu, sáng tác phẩm phổ biến rất hạn chế (Nguyễn Bính, Tố Hữu, Nguyễn Tuân), một số người đem văn tài vun xới văn nghệ Miền Nam (Thiết Can, Vũ Xuân Tự, Trúc Khanh)… nên bỗng nhiên không khí văn chương ở đây trở nên phồn thịnh hơn cả Miền Bắc là nơi được coi như trung tâm văn học của Việt Nam” (trích Văn chương Nam Bộ và cuộc kháng Pháp 1945-1950 trang 43).
Nguyễn Văn Sâm giới thiệu 53 tác giả văn nghệ kháng chiến Nam Bộ với những tên tuổi như: Vũ Anh Khanh, Hồ Hữu Tường, Sơn Khanh, Thiết Can, Trúc Chi, Thiên Giang, Tam Ích, Thẩm Thệ Hà, Lý Văn Sâm, Phi Vân, Bình Nguyên Lộc, v.v. và ông giải thích về hai chữ Nam Bộ như sau: “Dùng danh từ Nam Bộ chúng tôi muốn gắn liền tên gọi với thời đại. Tiếng Nam Bộ được sử dụng chánh thức trong dụ số 108 của Quốc trưởng Bảo Đại xung chức Khâm Sai Nam Bộ cho Nguyễn Văn Sâm vào tháng 8/ 1945″ (sđd, trang 41) (Xin lưu ý: ông Khâm sai Nam Bộ Nguyễn Văn Sâm trùng tên với tác giả Nguyễn Văn Sâm, sinh năm 1940).
Theo Nguyễn Văn Sâm, từ 1945 đến 1954, thành thị Miền Nam vẫn duy trì được một nền văn học chống Pháp, nhờ nhân viên kiểm duyệt ăn hối lộ, cấp giấy phép hoặc bớt cắt xén. Trừ một vài cuốn bị cấm xuất bản như Ngục tối giữa rừng sâu của Sơn Khanh, Bứt xiềng của Thiên Giang, Nam Bộ chiến sử II của Nguyễn Bảo Hoá. Hoặc bị cấm lưu hành như Nửa bồ xương khô, Chiến sĩ hành của Vũ Anh Khanh, và Nam Bộ chiến sử I. Những tác phẩm in ra đều được phổ biến rộng rãi, có những cuốn như Bạc xiu lìn của Vũ Anh Khanh bán rất chạy, trong vòng hai tháng đã bán hết 10.000 cuốn. Tóm lại, theo Nguyễn Văn Sâm, văn chương Nam Bộ trong giai đoạn kháng chiến, mang những tính chất chính sau đây:
1- Tố cáo và buộc tội chính sách cai trị của người Pháp ở Việt Nam
2- Trình bày những đau khổ tinh thần và thân xác của người dân dưới thời Pháp thuộc.
3- Trình bày chế độ lao tù của Pháp ở Việt Nam.
Như vậy, có thể nói, thời kháng chiến, văn chương trong thành ở Nam Bộ vẫn nói được những khổ đau của người dân bị trị. Nhưng nền văn học kháng chiến Nam Bộ này đã bị hai phía chính quyền Nam Bắc lờ đi, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc những người sáng giá nhất trong phong trào này, như Vũ Anh Khanh, tập kết ra Bắc, khoảng đầu 1957, vượt tuyến vào Nam và bị tên bắn (?) chết trên sông Máu (theo Viên Linh, Khởi Hành, số 116, tháng 6/2006, tài liệu cần được kiểm chứng). Hồ Hữu Tường tháng 3 năm 1955 theo tướng Ba Cụt vào rừng Sát chống lại ông Diệm, bị bắt và bị kết án tử hình, nhờ một nhóm trí thức Pháp trong đó có Albert Camus ký kiến nghị xin ân xá. Sau khi ông Diệm đổ, Hồ Hữu Tường mới được trả tự do.
Tình hình sau khi chia đôi đất nước
Hiệp định Genève, chia đôi đất nước; tình hình văn nghệ ở hai Miền Nam Bắc đi vào ngõ ngoặt quan trọng. Miền Bắc ngoài hệ văn chương chính thống; sau 1954, hình thành phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Dù chỉ sống được một thời gian ngắn, rồi bị dập tắt ngay, nhưng phong trào Nhân Văn Giai Phẩm biểu dương tinh thần người trí thức Miền Bắc trong việc đòi hỏi tự do tư tưởng. Nhờ Hoàng Văn Chí mà phong trào này đã được phổ biến rộng rãi ở trong Nam. Ban đầu nhà cầm quyền lợi dụng với mục đích tuyên truyền, nhưng văn thơ của Nhân Văn Giai Phẩm đi vào học đường và quần chúng, được mọi người yêu mến, ngưỡng mộ một cách chân thành. Nhờ vậy mà tên tuổi và tác phẩm của những nhà văn, nhà trí thức trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, đã không hề bị chôn vùi, mà vẫn sống trong lòng một nửa dân tộc, để rồi ba mươi năm sau, cũng chính những tên tuổi ấy, những Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Phùng Cung… trở lại văn đàn với những tác phẩm giá trị về tiểu thuyết, thi ca.
Cho nên, văn học ở Miền Bắc sau 1954 có thể nói tóm gọn như sau: vì văn học bị đàn áp, cho nên các giá trị đích thực tạm ẩn mình trong bóng tối, chờ thời cơ thuận tiện sẽ xuất hiện trở lại, và đã trở lại trên văn đàn 30 năm sau.
Trong thời gian đó thì Miền Nam làm gì? Ngoài việc phát triển nền văn học Miền Nam, sẽ nói đến sau, trước hết, phải kể đến việc Miền Nam đã bảo tồn những gì mà Miền Bắc không thể giữ được trong thời kỳ toàn trị: ngoài việc lưu trữ những tác giả Nhân Văn Giai Phẩm trong ký ức nửa phần dân tộc, Miền Nam bảo tồn và phát huy văn nghệ tiền chiến. Tất cả các tác giả và tác phẩm tiền chiến, đều được phổ biến rộng rãi tại Miền Nam. Từ nhạc Văn Cao, Đoàn Chuẩn đến văn Nguyễn Tuân, Nam Cao, thơ Xuân Diệu, Huy Cận. Bộ Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan và cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh được giảng dạy trong chương trình trung học. Khi văn nghệ sĩ ở Miền Bắc phải chối bỏ các sáng tác tiền chiến lãng mạn của mình, thì ở trong Nam, những tác phẩm ấy vẫn được phổ biến trong lòng người Việt.
Chính nhờ sự bảo tồn nền văn nghệ tiền chiến mà Miền Nam đã có cơ sở để phát triển văn học trong thời kỳ chia đôi đất nước. Yếu tố này rất quan trọng, nó giải thích tại sao trong một thời gian khá ngắn, chỉ có 20 năm, trong chiến tranh tàn khốc, mà Miền Nam đã tạo được một nền văn học đa dạng, với số lượng tác phẩm văn học, triết học, và dịch thuật dồi dào về phẩm cũng như về lượng.
Miền Nam, như trên đã nói, có truyền thống quốc ngữ lâu đời, và chính tiếng Nam cũng lại là một nguồn ngôn ngữ đa dạng, đầy âm thanh và màu sắc đối với những nhà văn Bắc di cư; nhiều người đã dựa vào kho tàng mới này để làm giàu thêm cho ngôn ngữ văn chương của mình. Tóm lại, nhờ ba yếu tố:
1- Dựa trên nền móng quốc ngữ từ cuối thế kỷ XIX, cộng thêm tiếng Nam như một kho tàng ngôn ngữ mới,
2- Nhờ sự bảo tồn văn học tiền chiến và bảo lưu Nhân Văn Giai Phẩm trong thời kỳ chia đôi đất nước mà Miền Nam không bị cắt đứt với quá khứ và hiện tại văn học của cả nước.
3- Nhờ sự nối kết với các trào lưu văn học và tư tưởng nước ngoài.
Mà Miền Nam đã xây dựng được một nền văn học đa dạng trong hoàn cảnh chiến tranh và bất ổn chính trị.
Sự tiếp cận với văn hoá nước ngoài
Một nền văn học, muốn phát triển được, ngoài yếu tố nhân tài và môi trường dân chủ, còn cần đến một nền giáo dục lành mạnh. Có thể nói, trong suốt thời gian chia đôi đất nước, mặc dù với những tệ nạn của xã hội chiến tranh, tham nhũng, Miền Nam vẫn có một hệ thống giáo dục đứng đắn.
Trong chương trình giáo khoa, các giai đoạn lịch sử và văn học đều được giảng dạy đầy đủ, không thiên hướng. Ở bậc trung học học sinh gặt hái những kiến thức đại cương về sử, về văn, và tới trình độ tú tài, thu thập những khái niệm đầu tiên về triết học. Lên đại học, sinh viên văn khoa có dịp học hỏi và đào sâu thêm về những trào lưu tư tưởng Đông Tây, đồng thời đọc và hiểu được văn học nước ngoài qua một nền dịch thuật đáng tin cậy, dịch được những sách cơ bản. Nguyễn Văn Trung trong hồi ký đã nhấn mạnh đến sự tự trị của đại học, nhờ sự tự trị này mà các giáo sư có quyền giảng dạy tự do, không bị áp lực chính trị của chính quyền. Chính điều kiện giáo dục này, đã cho phép Miền Nam xây dựng được một tầng lớp trí thức, một tầng lớp văn nghệ sĩ và một quần chúng độc giả; giúp cho nhiều nhà văn có thể sống bằng nghề nghiệp của mình. Và cũng chính tầng lớp trí thức và sinh viên này đã là đối trọng, chống lại chính quyền, khi có những biến cố chính trị lớn như việc đàn áp Phật giáo thời ông Diệm và việc đấu tranh chống tham nhũng (như vụ báo Sóng Thần) thời ông Thiệu.
Trong nửa đầu thế kỷ XX, trí thức văn nghệ sĩ Việt Nam, nhờ xuất thân từ các trường Pháp (Albert Sarraut), hoặc Pháp-Việt (trường Bưởi), tại Hà Nội; nên thông thạo cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt, nhiều khi còn thêm kiến thức Hán văn nữa, nhờ vậy họ đã tiếp cận trực tiếp với văn học Tây Phương.
Sau 1954, ở Miền Nam, tuy các trường Pháp Việt không còn nữa nhưng vẫn còn trường Pháp. Nhờ hệ thống học đường song song này mà Miền Nam vẫn có thể đào tạo những văn nghệ sĩ và dịch giả có giá trị. Hai cựu học sinh trường Pháp nổi tiếng nhất là Hồ Biểu Chánh và Trịnh Công Sơn. Ngoài ra, những nhà văn, nhà biên khảo, nhà giáo, thường làm thêm việc dịch. Nguyễn Hiến Lê một mình dịch bộ Chiến tranh và hoà bình trong khi ông vẫn viết sách đều đặn.
Chương trình Pháp đã đào tạo nên những trí thức văn nghệ sĩ tài năng trong nhiều thế hệ: Cung Trầm Tưởng thiết lập một lối cổ dao, giao hưởng giữa thơ cổ của ta và tư tưởng hiện sinh, trên nền lục bát. Nguyên Sa đem những lối viết rất Tây vào thơ. Lời ca của Trịnh Công Sơn đặt nền trên triết học hiện đại, gói ghém tang thương của lịch sử trong cách lập hình siêu thực. Và trước Trịnh Công Sơn đã có Thanh Tâm Tuyền…
Học đường còn đào tạo một lớp người đọc nữa. Những sáng tác mới, có tính cách khó hiểu hoặc những tác phẩm được gọi là “có trình độ cao”, vẫn có người đọc. Võ Phiến kể rằng cuốn Triết học hiện sinh của Trần Thái Đỉnh, khi ra đời năm 1967, là cuốn sách bán chạy nhất trong năm. Nguyễn Văn Trung cho biết: thời ấy có nhiều người viết về triết, nhưng chỉ có sách của Trần Thái Đỉnh là dễ hiểu, còn sách của những người khác không bán được vì đọc chẳng ai hiểu gì. Còn một lý do nữa: thời ấy, học đường đã đào tạo ra một lớp trẻ có văn hoá, và chính các thầy dạy triết như Trần Bích Lan (Nguyên Sa), Nguyễn Văn Trung… cũng có cách hấp dẫn học trò, lôi cuốn họ vào vòng thích đọc và tìm hiểu về triết học. Trần Thái Đỉnh và Nguyễn Văn Trung là hai khuôn mặt đã có công lớn trong việc việc phổ thông hoá triết học hiện đại Tây Phương ở Miền Nam. Về triết Đông, bên cạnh những sách lý thuyết của Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn Đăng Thục…, Nguyễn Hiến Lê là người có công đầu trong việc truyền bá kiến thức đại cương về văn học và phổ biến rộng rãi triết học Đông phương trong quần chúng. Đó là những người đã có những đóng góp lớn trong việc xây dựng nền tảng giáo dục và văn học.
Vai trò của triết học trong đại học
Về sự giảng dạy triết Đông và Tây ở đại học từ 54 đến 75, giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch cựu Khoa trưởng Đại học Văn Khoa Sài Gòn cho biết: “Ảnh hưởng văn hóa Tây Phương trong Đại học Miền Nam – cơ bản là mô hình văn hóa Pháp – sau 1954, tuy có suy yếu, vẫn là cái gì đáng kể, cho đến 1975. Vẫn khuôn khổ Đại học Pháp, được tiếp máu bởi các trường trung học Pháp. Nhân viên giảng huấn đa số được đào tạo tại các Đại học Pháp. Nội dung chương trình các khóa học cũng vậy…
Nhưng dần dần các môn Việt học và văn hóa Đông Phương cũng phát triển mạnh, có hệ thống và ý thức rõ ràng, như một phản ứng tự vệ; sự kiện đó mang lại cho Đại học một thế quân bình cần thiết. Nên ghi nhận ở đây, hoạt động của các chuyên gia Đông Phương Học, thuộc Đại học Văn Khoa, như Nguyễn Khắc Kham, Nghiêm Toản, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Duy Cần, Kim Định, Nhất Hạnh, Giản Chi…, hoạt động từng vượt khỏi tháp ngà Đại học để đi vào thế giới học thuật và văn nghệ Miền Nam. (Nguyễn Khắc Hoạch phát biểu trên RFI tháng 3 năm 1998, đăng lại trên tạp chí Văn Học, Cali, số 147, tháng 7/ 1998).
Trong khi đó thì văn hoá Mỹ đóng vai trò như thế nào? Quân đội Mỹ ào ạt đổ bộ vào Miền Nam, nhưng văn hoá Mỹ có vai trò áp đảo hay không? Trả lời câu hỏi của chúng tôi về ảnh hưởng văn hoá Mỹ tại Miền Nam Việt Nam, giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch cho biết như sau:
“Thời chiến tranh lạnh, với thế lưỡng cực trên thế giới, Miền Nam Việt Nam nằm trong vùng ảnh hưởng Mỹ, và như vậy là có thêm tác nhân mới. Tuy nhiên, văn hoá Mỹ, theo gót đoàn quân viễn chinh, cũng chưa thể gọi là có ảnh hưởng gì sâu đậm. Ở lối sống ở những giai tầng thấp thì có thể gọi là có ảnh hưởng một cách xô bồ, nhưng ở thượng tầng thì chưa.
Thứ nhất, vì với những hoạt động văn hóa cao (trí thức, văn nghệ), cần phải có thời gian lâu để thâm nhập và chuyển hóa. Sau nữa là vấn đề nhân sự. Các nhà Việt học, nghiên cứu của Mỹ, vì thời gian tiếp xúc ngắn ngủi, chưa đủ độ chín muồi và sâu sắc của các nhà nghiên cứu Anh về Ấn Độ, hay Pháp về bán đảo Đông Dương chẳng hạn. Cũng là vấn đề nhân sự nữa: Các cố vấn và tùy viên văn hóa Pháp, liên hệ với Đại học và các tổ chức văn hóa Việt Nam, thường là những giáo sư Đại học hay thạc sĩ trẻ [chú thích: chữ thạc sĩ dùng ở đây là thạc sĩ (agrégé) của Pháp], có học vấn vững chắc, năng nổ, bao biện… Trong khi đó, Mỹ – vì quan niệm sai lầm hay vì coi nhẹ vấn đề – chỉ gửi sang Việt Nam một số công chức tầm thường, phần lớn đã nghỉ hưu, chỉ có chuyên môn về một ngành cục bộ hơn là trí thức rộng, nên không gây được ấn tượng mạnh. Ngoài ra, các sinh viên du học Mỹ cũng bị thiệt thòi vì, ở thời điểm 54-75, có thể nói là chưa thực sự có truyền thống du học Mỹ. Sự đào tạo chuyên gia ở đây còn thưa thớt, chưa có bề dầy, trong khi mối liên hệ giáo dục, văn hóa Việt Nam với Pháp đã khởi sự từ đầu thế kỷ.” (bài đã dẫn).
Trả lời câu hỏi về sự phát triển triết học Tây phương ở Miền Nam đã diễn ra như thế nào, giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch phân tích:
“Thời 60-70, triết học phương Tây tương đối phát triển mạnh ở Miền Nam. Đó chỉ là dư âm và di sản của thời hậu chiến Âu Châu. Đứng trước một cuộc tang thương và mất mát lớn lao như chưa từng thấy, con người đã kinh qua một cuộc khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Hiện tượng xã hội và tâm lý này thường xuất hiện đều đều, gần như một định luật, sau mỗi biến cố lịch sử lớn. Do hoàn cảnh, con người đứng trước đau thương, đổ nát và hư vô, thường tìm an ủi trong những triết thuyết. Một số triết gia như Trần Đức Thảo, liền sau khi Pháp bại trận, đã làm cuộc hành hương triết lý về Đại học Freiburg (Đức), nơi Husserl và Heidegger từng giảng dạy về môn Hiện Tượng Luận, rồi triết lý Hiện Sinh. Triết lý này phát triển mạnh ở Đại học Pháp, sau đó bước hẳn vào đời sống, đặc biệt ở thị thành với giới trí thức và thanh niên. Dĩ nhiên, sang Việt Nam, cũng đồng hoàn cảnh chiến tranh, đồng tâm trí hoang mang, chán nản và mất hướng, những hạt giống hiện sinh tha hồ nẩy nở. Nhất là lúc đó, từ nửa sau thập niên 50, có một số trí thức Việt Nam du học ở Pháp và Bỉ, về nước đã phổ biến các triết thuyết hiện sinh, hình thái Sartre và Merleau Ponty. Cộng thêm vào đó là lý thuyết phi lý (théorie de l’absurde) của Camus, rồi tới trào lưu nhân vị, personnalisme, của E. Mounier, một hệ tư tưởng được bồi đắp và đề cao bởi những người cầm quyền đương thời, đồng tôn giáo với tác giả.
Khi nói trí thức du học thời đó, tôi muốn đề cập đến một vài tên tuổi quen thuộc, nhất là “tứ trụ” của triều đình Triết Tây, tại Miền Nam Việt Nam: Trần Văn Toàn và Lê Tôn Nghiêm, cả hai uyên bác và tường tận thấu đáo, Nguyễn Văn Trung sáng sủa, hệ thống và sắc bén, Trần Bích Lan – Nguyên Sa tài hoa, uyển chuyển, “văn chương”. Tất cả, ít nhiều trong từng giai đoạn, đều làm công việc tông đồ có hiệu năng cho trường phái hiện sinh của Sartre, và tư tưởng Camus. Cần ghi nhận thêm nữa là những cố gắng của triết gia thần học Bửu Dưỡng – cũng thuộc Đại học Văn Khoa –, người đã sáng tác ra từ ngữ nhân vị, và từng đơn thương độc mã rao giảng, phổ biến triết thuyết của E. Mounier. Nhìn chung các tác giả kể trên đều có ảnh hưởng tới sinh viên, rồi từ đó lan ra giới trí thức và văn nghệ ngoài Đại học, luôn luôn khao khát những sản phẩm tinh thần mới của Tây phương. Họ là những gạch nối, những người trung gian, chất xúc tác không thể thiếu được trong sinh hoạt văn nghệ của thời 60-70″. (bài đã dẫn).
Trên những tạp chí như Bách Khoa, Văn, hoặc Nghiên cứu văn học, xuất bản ở Miền Nam, chúng ta có thể thấy hiện tượng sau đây: hầu như các trào lưu về văn học ở Pháp đã chuyển thẳng vào Việt Nam gần như tức thời, nghĩa là ở Pháp có gì thì ở Việt Nam ngay sau đó đã có nhiều bài giới thiệu hoặc được dịch ra.
Trả lời câu hỏi những đường hướng tư tưởng hiện đại nào đã được phát triển tại Miền Nam lúc ấy, giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch cho biết:
”Tư tưởng hiện sinh đi vào văn nghệ với Sartre. Kế tiếp, từ đầu thập niên 60 là trường phái Cấu Trúc (structuralism) với R. Barthes và Lévy-Strauss, rồi sau nữa là môn phái Déconstruction của Derrida… Đó là chưa kể những lý thuyết và thể hiện văn nghệ như Tân tiểu thuyết (A. Robbe-Grillet, N. Sarraute, Cl. Simon) và Tân phê bình (Poulet, Barthes, J.P. Richard, Weber…) không nhiều thì ít, có liên hệ với tư tưởng cấu trúc. Tất cả những tìm kiếm và sáng tạo tiền phong đó đều xuất phát hay kiện toàn từ Đại học, và giới trí thức văn nghệ Paris sau đó đều được đón nhận, phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam.[...]
Ảnh hưởng của Triết học Tây Phương hiện đại đến văn học Miền Nam là có thật. Khá rõ nét trong lối sống và trong tác phẩm, nhất là ảnh hưởng chủ nghĩa hiện sinh. Những mảnh đời vật vờ, không lý tưởng, những cung cách sống ít nhiều thác loạn, hư vô của một số nhân vật tiểu thuyết và tác giả, sống triền miên trong các đô thị lớn. Phố phường, trà đình, tửu điếm, sàn nhảy, bè bạn phe nhóm, giọng điệu tiêu cực, khinh bạc, trong một bầu không khí trừu tượng, khép kín, giữa lúc cuộc sống lầm than, máu lửa của toàn dân đang diễn biến sôi nổi khắp nơi nơi…
Nhóm Sáng Tạo, với tinh thần avant gardiste (tiền phong) của nó, là một điển hình của tác động Triết Học Tây Phương vào văn học. Ngoài Doãn Quốc Sỹ và Nguyễn Sỹ Tế, vẫn như đứng riêng, trung thành với phong cách và những giá trị truyền thống, cổ điển, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, nhờ tài năng,nhờ kinh nghiệm sống và viết, đã gói ghém, chuyên chở, văn chương hóa được một số tư tưởng và ngôn ngữ Triết Học Hiện Sinh trong hình thái phổ thông” (bài đã dẫn).
Vì vậy, khi tìm hiểu sự phát triển của văn học, không thể không nhắc đến vai trò của các nhà giáo, nhà biên khảo và các dịch giả, chính họ đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo tư tưởng cho người viết và người đọc.
Tóm lại, văn học Miền Nam, nhờ dựa trên những nền móng khá vững về mặt giáo dục và tư tưởng, nhờ được hưởng một không khí tương đối tự do trong sáng tác, nhờ có một thành phần độc giả đông đảo, đủ mọi trình độ, từ văn chương bình dân đến văn chương bác học, cho nên đã phát triển được trong điều kiện một xã hội suy đồi, đầy tệ nạn của thời chiến.
Văn học Miền Nam từ 1954 đến 1975
Sau 1954, ở Miền Nam có thể phân biệt hai lớp trí thức văn nghệ sĩ:
Thế hệ đầu, gồm những người đã từng hoạt động và nổi danh từ tiền chiến hoặc trước như: Hồ Biểu Chánh, Nhất Linh, Lê Văn Trương, Tam Lang, Nguyễn Vỹ, Đỗ Đức Thu, Vi Huyền Đắc, Phùng Tất Đắc, Vũ Bằng, Tchya Đái Đức Tuấn, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Đức Quỳnh, Đào Đăng Vỹ, Đỗ Thúc Vịnh, Tạ Tỵ, Lý Văn Sâm, Tam Ích, Thiên Giang, Thê Húc, Lê Văn Siêu, Thẩm Thệ Hà, Phi Vân, Phú Đức, … các nhà thơ như Tương Phố, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bàng Bá Lân, Quách Tấn, … các nhạc sỹ như Lê Thương, Hùng Lân, Thẩm Oánh, Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, v.v. Trừ các nhạc sĩ như Phạm Duy, Dương Thiệu Tước… vẫn còn hoạt động mạnh, các nhà văn nhà thơ trong thế hệ này không còn sức thu hút như trước mặc dù họ vẫn có mặt trên văn đàn; Nhất Linh với tờ Văn hoá ngày nay và hai tác phẩm giá trị Xóm Cầu Mới và Dòng sông Thanh Thuỷ, Vũ Hoàng Chương vẫn làm thơ, vẫn được mọi người xưng tụng, nhưng dường như các ông đã bị thời đại và lớp trẻ đẩy lùi vào quá khứ. Đinh Hùng là trường hợp đặc biệt sự nghiệp thi ca bắc cầu giữa thời tiền chiến và chia đôi Nam Bắc, nhưng thơ Đinh Hùng mang dấu vết của thời lãng mạn, trở thành một giá trị “cổ điển”.
Sự hình thành nền văn học Miền Nam nằm trong tay thế hệ thứ nhì, là những người bắt đầu vào nghiệp giảng dạy, viết biên khảo, sáng tác, ít lâu trước và phần lớn sau 1954. Chính họ là những người đã góp phần xây dựng một nền văn học, khác hẳn tiền chiến, nhiều người đã cập nhật hoặc phổ biến tư tưởng hiện đại của thế giới bên ngoài vào Việt Nam.
Phía nhà giáo, triết Tây, như Lê Tôn Nghiêm, Trần Văn Toàn, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Văn Trung, Trần Bích Lan, v.v., triết Đông như Nguyễn Đăng Thục, Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Khắc Kham, Nghiêm Toản, Kim Định, Nhất Hạnh, v.v. Phần biên khảo với: Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Lê Ngọc Trụ, Lê Văn Đức, Lê Văn Lý, Trương Văn Chình, Đào Văn Tập, Phạm Thế Ngũ, Vương Hồng Sển, Thanh Lãng, Nguyễn Ngu Í, Nguyễn Văn Xuân, Lê Tuyên, Đoàn Thêm, Hoàng Văn Chí, Nguyễn Bạt Tụy, Phan Khoang, Phạm Văn Sơn, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Khắc Ngữ, Nguyễn Văn Sâm, v.v.
Về thơ với Nguyên Sa, Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng, Tô Thùy Yên, Bùi Giáng, Viên Linh, Hoàng Trúc Ly, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Đức Sơn, Du Tử Lê, v.v..
Về văn, như Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Duy Thanh, Mặc Thu, Mặc Đỗ, Thanh Nam, Nhật Tiến, Linh Bảo, Nguyễn Thị Vinh, Phan Du, Đỗ Tấn, Nguyễn Mạnh Côn, Sơn Nam, Võ Hồng, Minh Đức Hoài Trinh, Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Đình Toàn, Chu Tử, Viên Linh, Duyên Anh, Phan Nhật Nam, Nguyên Vũ, Vũ Hạnh, Y Uyên, Cung Tích Biền, Duy Lam, Thế Uyên, Lê Tất Điều, Hoàng Hải Thủy, Văn Quang, Nguyễn Thụy Long, Phan Lạc Tiếp, Thế Nguyên, Thế Phong, Diễm Châu, Thảo Trường, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Mộng Giác, Ngô Thế Vinh, Trần Thị Ngh, v.v.
Về phê bình văn học như Tam Ích, Cao Huy Khanh, Lê Huy Oanh, Đỗ Long Vân, Đặng Tiến, Uyên Thao, Huỳnh Phan Anh, v.v.
Một trong những tác phẩm có tính cách giao thời và chuyển hướng văn học, ở trong Nam là cuốn Nhốt gió của Bình Nguyên Lộc, xuất hiện năm 1950, dưới thời kháng chiến, nhưng không có màu sắc đấu tranh mà lại mang tính cách đổi mới văn học, mở đầu một lối viết truyện, Bình Nguyên Lộc không gọi là truyện ngắn mà gọi là tân truyện (dịch chữ nouvelle của Pháp) và ông có một quan niệm, một định nghiã rõ ràng về tân truyện. Có thể coi Nhốt gió đánh dấu sự cách tân truyện ngắn, trong Nam, thập niên 50; và Giao thừa của Vũ Khắc Khoan (1949), ở ngoài Bắc, là bản kịch phi lý đầu tiên trong văn chương Việt Nam.
Báo chí và văn học
Hoạt động văn học và báo chí ở trong Nam hầu như không bị gián đoạn trong thời kháng Pháp, cho nên có thể nói, Miền Nam giữ được một sinh hoạt báo chí và văn học liên tục và tương đối tự do từ cuối thế kỷ XIX cho đến 1975, ngay cả dưới thời Pháp thuộc.
Trong địa hạt báo chí, Sàigòn xưa nay vẫn là trung tâm của báo chí, ngoài những nhật báo lớn đã xuất hiện từ trước, như tờ Thần Chung, sau đổi thành Tiếng Chuông của Đinh Văn Khai, Sài Gòn Mới của bà Bút Trà, v.v. khi người Bắc di cư vào Nam có thêm tờ Tự Do, tiếp đến Ngôn Luận. Đó là những nhật báo lớn có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng. Hoạt động báo chí ở Sài Gòn càng ngày càng phát triển, theo Vũ Bằng, đến tháng 12 năm 1963, ở Sài Gòn có tới 44 tờ báo ra hàng ngày.
Tự Do là nhật báo đầu tiên của người di cư, quy tụ những tên tuổi như: Tam Lang (Vũ Đình Chí), Mặc Thu (Lưu Đức Sinh), Mặc Đỗ (Đỗ Quang Bình), Vũ Khắc Khoan, Như Phong (Lê Văn Tiến); Nguyễn Hoạt (Hiếu Chân), Đinh Hùng (Hoài Điệp Thứ Lang, Thần Đăng), Phạm Tăng…
Theo lời nhà văn Mặc Đỗ: “Nghị định cho phép Tự Do xuất bản do chính tôi ký [lúc ấy ông làm việc ở Bộ Thông tin cùng với Vũ Khắc Khoan], tôi tập hợp ban chủ trương [...] Có giấy phép rồi phải lo tìm vốn. May sao có tổ chức quốc tế International Rescue Committee (IRC) sẵn sàng tài trợ cho tờ báo [...] Từ phút đầu tôi nghĩ ra và bàn với Khoan đồng ý cho tới ngày cuối cùng của tờ báo tuyệt đối không một ảnh hưởng nào từ bất kỳ đâu tới đường lối và hoạt động của tờ Tự Do [...] Ban chủ trương (in rõ mỗi ngày trên măng-xét) chỉ có Tam Lang, Vũ Khắc Khoan, Đinh Hùng, Mặc Thu, Như Phong và tôi. [...] Anh Tam Lang chủ nhiệm lo điều hành, Mặc Thu lo trị sự tiền bạc, Vũ Khắc Khoan là người trực tiếp liên lạc với J. Buttinger của IRC, tôi không dự. Sau một lượt tài trợ ban đầu, Tự Do tự nó đứng vững (lập trường hợp với độc giả di cư, tài tổ chức bán báo lo trị sự) còn có lời là khác. Tuy ở trong ban chủ trương Vũ Khắc Khoan rất ít đến toà báo và không hề viết một bài. Tôi lo cho Tự Do chạy rồi thì để anh em làm” (trích bài “Văn học Miền Nam, tờ Tự Do, nhóm Quan Điểm và Văn học hải ngoại, Mặc Đỗ trả lời Nguyễn Tà Cúc”, Khởi Hành số 98, tháng 12/2004).
Theo lời họa sĩ Phạm Tăng: Như Phong Lê Văn Tiến là linh hồn của tờ báo. Tháng giêng năm 1956, Tự Do bị đưa ra toà vì hai bài xã luận của Nguyễn Hoạt đả phá khiá cạnh tiêu cực của chính quyền và những tranh biếm họa của Phạm Tăng chế giễu bà Nhu và chế độ. Phạm Tăng được trắng án, nhưng Nguyễn Hoạt và Mặc Thu bị tù ba tháng. Ít lâu sau Tự Do đình bản. Có thể nói, Tự Do là cơ sở báo chí đầu tiên quy tụ những khuôn mặt trí thức di cư, và nó đã làm đúng vai trò của một tờ báo tự nhận là “tiếng nói của người Việt tự do” lúc bấy giờ.
-Về mặt văn học, nhóm Quan Điểm do Vũ Khắc Khoan thành lập với Nghiêm Xuân Hồng, Mặc Đỗ, từ Hà Nội. Vũ Khắc Khoan đã in kịch trên báo Phổ Thông từ 1948: Thằng cuội ngồi gốc cây đa (1948), Giao Thừa (1949), tùy bút Mơ Hương Cảng (1953), và đạo diễn kịch tại nhà Hát Lớn. Nhóm Giao Điểm (tên nhà xuất bản do Mặc Đỗ điều hành) được người đương thời gọi là nhóm “trí thức tiểu tư sản”, bởi tác phẩm của họ, trong những ngày đầu chia cắt đất nước, thường có những nhân vật mang nỗi hoang mang, trăn trở của người trí thức tiểu tư sản trước ngã ba đường: theo bên này, bên kia, hay đứng ngoài thời cuộc? Nghiêm Xuân Hồng nghiên cứu triết học. Vũ Khắc Khoan, kịch tác gia, nổi tiếng từ tập truyện ngắn Thần Tháp Rùa (1957) và Mặc Đỗ, nhà văn mà cũng là dịch giả nổi tiếng.
-Nhóm Sáng Tạo, theo Trần Thanh Hiệp, trước tiên, là một nhóm sinh viên hoạt động trong Tổng hội Sinh viên Hà Nội, trước 1954, gồm bốn người: Nguyễn Sĩ Tế, Doãn Quốc Sĩ, Thanh Tâm Tuyền và Trần Thanh Hiệp, chủ trương nguyệt san Lửa Việt. Sau 1954, vào Sài Gòn, tiếp tục hoạt động văn nghệ, làm tuần báo Dân Chủ (Trần Thanh Hiệp và Thanh Tâm Tuyền phụ trách phần văn nghệ), rồi tờ Người Việt (tiền thân của tờ Sáng Tạo). Lúc ấy Mai Thảo gửi đến truyện ngắn Đêm giã từ Hà Nội, Thanh Tâm Tuyền đọc, thích và đăng ngay (Xem Trong đất trời nhau…, Thanh Tâm Tuyền, Tạp chí thơ, Cali, số mùa Xuân 1998). Nhóm có thêm Mai Thảo. Sau mở rộng với Lữ Hồ, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Quách Thoại. Trên Sáng Tạo, ngoài những tên tuổi kể trên còn thường xuyên thấy: Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, Dương Nghiễm Mậu, họa sĩ Thái Tuấn.
Sáng Tạo số đầu ra tháng 10 năm 1956. Sáng Tạo bộ cũ ngừng ở số 27 (tháng 12/58), và bộ mới tiếp tục đến số 7 (tháng 3/62) thì ngừng hẳn. (tài liệu của Viên Linh trong bài Mai Thảo riêng tây, Khởi Hành số 16, tháng 8/1997).
Sáng Tạo do Mai Thảo chủ trương và kiếm nguồn tài trợ. Trong câu chuyện riêng tư với chúng tôi, tháng 7/97 tại Cali, khi hỏi ông: “Thưa anh, Sáng Tạo thành lập bằng tiền của ai?” Mai Thảo trả lời: “Bằng cái hợp đồng tôi ký với với một thằng Mỹ ở Virginia, không biết bây giờ sống chết thế nào, đó là cái hợp đồng bán báo, không có điều gì cần giấu diếm hết, đại khái nếu mình in 5000 tờ, thì nó mua đứt cho mình 2000, vừa đủ tiền in, tiền giấy, không có cái nghiã gì khác hết, và cũng không có điều kiện gì khác hết”. Hỏi: “Hình như có lúc anh nhiều tiền lắm, anh tiêu vung lên, bao bè bạn?” Trả lời: “Những bạn văn khác, thường thường họ phải đi dạy học để đưa tiền cho vợ con. Tôi chỉ đi chơi với Phạm Đình Chương, Vũ Khắc Khoan. Thường thường tụi nó không có tiền, không có phương tiện để đi chơi đêm, tôi thì lúc đó nhiều tiền lắm. Tôi best sellers mà”.
- Bình Nguyên Lộc: chủ trương tờ Nhân Loại từ 1956 đến 1958, rồi từ 1959, tờ Vui sống.
- Bách Khoa ra đời tháng 1/ 1957 và sống đến 1975. Bách Khoa là nguyệt san văn học nghệ thuật sống lâu nhất, ra được tất cả 426 số. Bách Khoa do Huỳnh Văn Lang, một công chức cao cấp trong Viện hối đoái sáng lập, điều hành và tài trợ trong những năm đầu, Lê Ngộ Châu làm thư ký toà soạn. Đến 1963, khi ông Diệm đổ, Huỳnh Văn Lang bị bắt, bị tù, mới trao hẳn cho Lê Ngộ Châu. Bách Khoa quy tụ được nhiều tầng lớp nhà văn khác nhau trong mọi lứa tuổi. Những cây bút nổi tiếng cộng tác thường xuyên với Bách Khoa là Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, Nguyễn Ngu Ý, Vũ Hạnh, Võ Hồng, Đoàn Thêm, Nguyễn Văn Xuân, Bình Nguyên Lộc…. Theo Võ Phiến, trong thời kỳ cực thịnh, tức là khoảng 1959-1963, mỗi số Bách Khoa bán được 4500 đến 5000, nhưng báo Văn (ra sau) còn bán chạy hơn.
- Tạp chí Văn hoá ngày nay của Nhất Linh ra đời ngày 17/6/1958, được 11 số thì đình bản. Nguyễn Thị Vinh chủ trương tiếp các tờ Tân Phong, Đông Phương, theo chiều hướng Văn hoá ngày nay.
- Tạp chí Đại học, tờ báo của Viện Dại học Huế do Linh mục Cao Văn Luận, Viện trưởng, làm chủ nhiệm, ra đời năm 1958 ở Huế, và sống đến năm 1964. Trên Đại học, xuất hiện những bài đầu tiên của Nguyễn Văn Trung, người sau này sẽ có ảnh hưởng lớn đến sinh viên và trí thức.
-Văn Nghệ của Lý Hoàng Phong (1959) và Dương Nghiễm Mậu.
- Thế kỷ XX của Nguyễn Khắc Hoạch (do Thế Nguyên điều hành) (1960).
-Văn học của Phan Kim Thịnh, từ 1962 đến 1975.
v.v.
Đó là những tờ báo xuất hiện dưới thời ông Diệm, thời kỳ mà sự kiểm duyệt còn tương đối khắt khe. Sau khi ông Diệm đổ, báo chí được tự do hơn. Từ năm 1963, bắt đầu một giai đoạn mới, xuất hiện những tờ báo khác.
-Tạp chí Văn của Nguyễn Đình Vượng, ra đời ngày 1/1964 và sống đến 1975. Văn do Trần Phong Giao trông nom trong 10 năm, đến 1974 chuyển lại cho Mai Thảo. Văn cũng quy tụ được nhiều lớp nhà văn ở nhiều lớp tuổi, khắp các khuynh hướng từ Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền đến Thế Uyên, Nguyễn Mạnh Côn, Bình Nguyên Lộc… Văn đặc biệt ưu tư đến việc dịch thuật và giới thiệu văn học nước ngoài. Trần Phong Giao cũng là một dịch giả nổi tiếng, thêm Trần Thiện Đạo, sống ở Paris, dịch và viết về những phong trào văn học đang thịnh hành ở Pháp.
- Nguyễn Văn Trung, Thế Nguyên, chủ trương những tờ như Hành Trình (1964-1966, 10 số), Đất Nước (1967-1969, 18 số), Trình Bày (42 số), quy tụ những ngòi bút trẻ, nói lên những vấn đề nóng bỏng của thời đại.
- Nghệ thuật, Mai Thảo, chủ nhiệm, Viên Linh, thư ký toà soạn, số 1 tháng 10/65. Ra được 56 số.
- Giữ thơm quê mẹ của Nhất Hạnh (1965).
- Nghiên cứu văn học, Thanh Lãng chủ nhiệm, Thế Nguyên, thư ký toà soạn, ra được 10 số từ 11/67 đến 11/68. Tục bản tháng 3/1970 đến số 16 (15/6/1972) thì đình bản.
- Tin Văn của nhóm Lữ Phương, Vũ Hạnh.
- Gió mới, Hiện đại của Nguyên Sa.
- Vấn đề và Ý thức của Vũ Khắc Khoan,
- Khởi Hành (1969-1972) báo của quân đội, do Viên Linh làm Thư ký toàn soạn.
- Thời Tập (1972-1975) của Viên Linh.
- Đối diện của Nguyễn Ngọc Lan,
- Thái độ của Thế Uyên
- Đời của Chu Tử, v.v.
(những ngày, tháng, xuất hiện của các báo, chúng tôi ghi theo tài liệu của Võ Phiến, Viên Linh, và Nguyễn Văn Trung).
Các nhóm, các khuynh hướng
Về các nhóm, Viên Linh trong cuốn Chiêu niệm văn chương về Vũ Hoàng Chương, viết: “Các nhà văn xuất hiện thường xuyên, trên nhật báo, qua các nhà xuất bản, nhất là trên các báo định kỳ, và thành từng nhóm. Lý lịch văn chương và sắc thái địa phương của họ rất tương đồng, tùy theo nhóm tạp chí trên đó họ góp mặt. Đa số các nhà văn Miền Nam qui tụ trên các tờ tuần báo Đời Mới, Nhân Loại, và nhật báo như Tiếng Chuông, Sàigon Mới (Hồ Hữu Tường, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Kiên Giang, Lưu Nghi, Thẩm Thệ Hà, Trang Thế Hy…). Các nhà văn gốc Miền Trung trên tờ Văn Nghệ Mới, Bách Khoa (Võ Thu Tịnh, Nguyễn Văn Xuân, Võ Phiến, Đỗ Tấn, Vũ Hạnh, Bùi Giáng, Võ Hồng, Nguyễn Thị Hoàng); các nhà văn “di cư” xuất hiện trên các tờ Đất Đứng, Sáng Tạo, và trên các nhật báo như Tự Do, Ngôn Luận (Đỗ Thúc Vịnh, Nguyễn Hoạt, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn Sỹ Tế, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền) hay Văn Nghệ (Lý Hoàng Phong, Dương Nghiễm Mậu, Viên Linh, Nguyễn Đức Sơn), Hiện Đại (Nguyên Sa, Trần Dạ Từ, Nhã Ca). Tờ Chỉ Đạo, Phụng Sự, Tiền Tuyến quy tụ các nhà văn quân đội hay quân nhân đồng hoá như Nguyễn Mạnh Côn, Mặc Thu, Thanh Nam, Phan Nhật Nam, Thảo Trường…” (Trích Chiêu Niệm Văn Chương, Khởi Hành, Cali, 2000, trang 16-17).
Về các khuynh hướng khác nhau, Viên Linh viết: “Khuynh hướng Phật giáo có các tờ Tư Tưởng, Vạn Hạnh với Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Hữu Hiệu; khuynh hướng Thiên chúa giáo La Mã có Hành Trình, Đối Diện với Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Diễm Châu, Thế Nguyên. Mặc dù đảng Cộng Sản bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, song các nhà văn theo Cộng Sản như Nguyễn Ngọc Lương, Minh Quân, Vũ Hạnh vẫn tạo được diễn đàn riêng (Tin Văn ) hay hiện diện trong tổ chức Văn Bút dưới thời linh mục Thanh Lãng làm chủ tịch. Những tờ như Văn, Phổ Thông, Văn Học, qui tụ các nhà văn không có lập trường chính trị biểu hiện rõ rệt, mà thuần túy văn thơ cổ điển như Đông Hồ, Mộng Tuyết, Nguyễn Vỹ, Bùi Khánh Đản, hay văn nghệ thời đại, sinh hoạt thành phố như Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Túy Hồng; những tờ về nghệ thuật trình diễn hay về phụ nữ quy tụ các nhà văn như Tùng Long, An Khê, Lê Xuyên, Nguyễn Thụy Long, Hoàng Hải Thủy, Văn Quang…” (Viên Linh, sđd, trang 17-18).
Về giới cầm bút sau 1963, Nguyễn Văn Trung viết: “Giới cầm bút sau 1963, họ là những người hồi 1954 trên dưới mười tuổi theo gia đình vào Nam hoặc sinh trưởng lớn lên ở Miền Nam hầu hết có tú tài và tốt nghiệp đại học. Số lượng giới trẻ cầm bút này càng ngày càng đông đảo theo đà thành lập các đại học ở các tỉnh Huế, Đà Lạt, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Long Xuyên, Tây Ninh và các đại học tư ở Sài Gòn như Vạn Hạnh, Minh Đức… Họ trưởng thành về tuổi đời và nhận thức sau 1963, trong hoàn cảnh nhiều xáo trộn chính trị, xã hội chiến tranh mở rộng với sự can thiệp ồ ạt của quân đội nước ngoài. Thời cuộc và chính trị là thiết thân đối với họ vì bị động viên, đi quân dịch.[...] Do đó, họ có lối nhìn thời cuộc đất nước và nghệ thuật văn học khác hẳn với lối nhìn của đàn anh họ viết từ trước 1963.(…) Thơ văn giới trẻ viết sau 1963 thường theo một xu hướng chung, phản ánh vũ trụ Kafka, như tên đặt cho một số đặc biệt về thơ văn của Hành Trình, hoặc phản ánh thân phận những nhân vật Việt Nam tương tự những nhân vật trong tiểu thuyết Giờ thứ hai mươi lăm của Gheorghiu”. (Hướng về Miền Nam Việt Nam, Nguyễn Văn Trung, Khởi Hành số 92, tháng 6/2004).
Về việc kiểm duyệt ở Miền Nam, Nguyễn Văn Trung viết: “Báo thì không phải kiểm duyệt nhưng có thể bị tịch thu đưa ra toà. Trong khuôn khổ chính sách hạn chế tự do chính trị như vậy, nếu không xuất bản công khai, hợp pháp, vẫn có thể in ronéo, phổ biến, bày bán ngay cả trên các sạp báo và có thể bị tịch thu… Người cầm bút viết những điều cấm kỵ, phê phán chính sách này, chính sách kia của nhà nước, thậm chí họp nhau viết kháng thư phản đối, đăng trên báo mà không lo ngại về an ninh chính trị của bản thân gia đình bạn bè. Nói cách khác, viết phê phán mà không sợ nhà nước.
Thời Việt Nam Cộng hoà (1955-1975), những gì tôi viết thành sách đưa kiểm duyệt, cuốn được phép xuất bản, cuốn không, hoặc những bài báo sau gom lại thành sách đưa kiểm duyệt thường được phép, nhưng bỏ một số bài và có thể nói rõ những bài đó bị kiểm duyệt. Đây là tình trạng chung, do đó người thời sau muốn tìm hiểu những người cầm bút thời kỳ 1955-1975 cần lưu ý tìm đọc không phải chỉ sách được xuất bản công khai hợp pháp mà cả những sách không xuất bản được, nhưng vẫn có và còn đó trong các tạp chí và chính những bài đăng trong các tạp chí không được xuất bản thành sách, mới phản ánh trung thực tâm tư người viết về thời kỳ họ sống”. (Nguyễn Văn Trung, bài đã dẫn).
*
Tóm lại, sau 1954: tờ báo đẩy mạnh việc đổi mới văn học là tờ Sáng Tạo, ra đời cùng với hai tác phẩm chủ chốt của Thanh Tâm Tuyền: tập thơ Tôi không còn cô độc (1956) và tiểu thuyết Bếp lửa (1957). Tờ báo chú trọng đến việc giới thiệu văn chương nước ngoài là tờ Văn của Nguyễn Đình Vượng và Trần Phong Giao. Bách Khoa là tạp chí văn học sống lâu nhất và quy tụ những khuynh hướng chính trị đối chọi nhất. Nguyễn Hiến Lê ghi lại trong hồi ký: “Tư tưởng chính trị của những cây viết nòng cốt của Bách Khoa có khi trái ngược nhau: Vũ Hạnh thiên cộng, sau theo cộng. Võ Phiến chống cộng. Đoàn Thêm, Phan Văn Tạo, không ưa cộng nhưng cũng không đả; không thích Mỹ nhưng cũng không nói ra [...] Tôi, có lẽ cả Nguyễn Ngu Ý và Lê Ngộ Châu có cảm tình với kháng chiến [...] Mặc dầu vậy, các anh em trong toà soạn vẫn giữ tình hoà hảo với nhau. Xu hướng phản nhau như Vũ Hạnh và Võ Phiến mà vẫn trọng tư tưởng của nhau, ít nhất trong 10 năm đầu. Đó là điểm tôi quý nhất. (Trích Đời viết văn của tôi, của Nguyễn Hiến Lê, nxb Văn Nghệ, Cali 1986, trang 143).
Nhờ hệ thống báo chí phát triển, quần chúng độc giả đông đảo đủ mọi thành phần, các nhà văn nổi tiếng như Mai Thảo, Bình Nguyên Lộc, Túy Hồng, Nhã Ca, Duyên Anh, Chu Tử, Thanh Nam, v.v. đều sống bằng ngòi bút một cách dư giả. Họ là những người viết chuyên nghiệp. Nhiều nhà văn có nhà xuất bản riêng. Nguyễn Hiến Lê trong 30 năm biên khảo và dịch thuật đã viết được 100 quyển sách trước 75, và 20 cuốn sau 75. Nguyễn Văn Trung, ngoài lượng sách về triết học, văn học, in trước 75, trong những công trình sau 75, có bộ Lục Châu Học, nghiên cứu về văn học Miền Lục tỉnh Nam Kỳ, hiện nay chưa in, nhưng những người nghiên cứu trong và ngoài nước vẫn thường sử dụng mà không nói xuất xứ.
Những nhà văn như Hồ Hữu Tường, Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo… cũng đều có những số lượng tiểu thuyết trên dưới 30 cuốn. Về sáng tác, lượng nhiều thì phẩm có giảm, nhưng đó là cái giá mà nhà văn phải trả.
Một thành phần độc giả đa dạng, nhiều từng lớp khác nhau. Trong giai đoạn đầu từ 56 đến 63: độc giả có học đọc Bách Khoa, Văn Hoá Ngày Nay… lớp trẻ cấp tiến đọc Sáng Tạo, lớp trí thức đọc nhóm Quan Điểm.
Từ 1963 trở đi, báo chí trở nên đa dạng, tờ Văn có một chỗ đứng riêng biệt trong sự tiếp cận với văn học nước ngoài, và cũng là tạp chí văn học bán chạy nhất thời ấy. Và những tờ như Đất Nước, Hành Trình, Trình Bày… nói đến những vấn đề thiết thân của con người trước chính trị và chiến tranh. Những tờ như Đối Diện của Nguyễn Ngọc Lan chống lại chính quyền…
Về sự lựa chọn tác giả, có thể nói: Lớp trẻ bụi đời thích đọc Duyên Anh. Lớp sống vũ bão thích Chu Tử. Túy Hồng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, phản ảnh lớp phụ nữ tân tiến, nhận thức chính mình qua thân xác. Lớp trí thức thích cách đặt vấn đề của Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Nghiêm Xuân Hồng. Lớp trẻ lãng mạn giao thời thích đọc Mai Thảo. Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu là những tác giả khó, đòi hỏi người đọc một trình độ trí thức cao. Quần chúng bình dân thích Lê Xuyên, Tùng Long… Học sinh trường Tây đọc văn chương ngoại quốc qua tiếng Pháp, tiếng Anh. Học sinh trường Việt đọc các tác phẩm ngoại quốc qua bản dịch hoặc phóng tác.
Đặc điểm
Đặc điểm chính của nền văn học Miền Nam từ 1954 đến 1975, là đã thoát khỏi văn học thế kỷ XIX, giã từ lãng mạn tiền chiến. Nhiều nhà văn tìm cách xây dựng tư tưởng trên nền triết học hiện đại, đưa con người về hướng tìm hiểu chính mình. Triết học hiện sinh xuất hiện dưới nhiều hình thức: phòng trà tửu quán, ăn chơi, bụi đời, là tầng thấp nhất; ở mức cao hơn, nó hậu thuẫn cho tác phẩm: con người quay về khảo sát chính mình, nhận thức chính mình, với những nhân vật của Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu… Cách mô tả của Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, nhiều chỗ, cho thấy các ông đã dùng hiện tượng luận trong sự mổ xẻ và phân tích. Để áp dụng tư tưởng triết học vào thực tế văn học một cách vừa phải, dễ hiểu, đã có các ngòi bút như Nguyên Sa, vừa là giáo sư triết vừa là nhà thơ, như Nguyễn Văn Trung vừa là giáo sư đại học vừa viết sách triết học và phê bình văn học. Quan niệm dấn thân của Sartre, qua Nguyễn Văn Trung, thâm nhập vào đời sống giới trẻ: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lữ Phương, Nguyễn Đắc Xuân, là học trò của Nguyễn Văn Trung, do ảnh hưởng quan niệm dấn thân của Sartre mà vào bưng hồi 1968. Cuốn Ca tụng thân xác của Nguyễn Văn Trung cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến các nhà văn phụ nữ trong lối viết mạnh bạo về thân xác của họ.
Tóm lại, triết học hiện sinh, chủ nghiã siêu thực và phân tâm học, giúp một số tác giả đào sâu thêm nhiều vấn đề trọng yếu của con người, của đất nước, đặt lại vấn đề chiến tranh. Kịch của Vũ Khắc Khoan phát triển khía cạnh phi lý trong đời sống. Thanh Tâm Tuyền trong thơ tự do, khai phá vùng tiềm thức con người bằng những cách tạo hình mới lạ. Truyện của Dương Nghiễm Mậu đào sâu cái trống rỗng ghê ghớm trong hiện sinh con người, bị tha hoá trong chiến tranh và nhược tiểu. Mai Thảo vẽ lại một thời kháng chiến đầy ảo tưởng, và tạc những bộ mặt hư vô, chán chường, sống vật vờ trong say sưa, nơi vũ trường thành thị. Võ Phiến đào sâu xuống những mất mát của con người khi phải bứt khỏi nguồn cội, tra khảo vùng bản năng sâu kín của tính dục. Phan Nhật Nam trình bày những bi đát của đời lính, những kẻ cầm súng bắn vào quê hương mình. Bình Nguyên Lộc tìm về nguồn cội của dân tộc di dân từ Bắc vào Nam, chiếm hữu đất đai của người Chàm, người Chân Lạp, tìm sống trong rừng đước, rừng mắm, vươn lên từ hai yếu tố cơ bản: đất và nước. Nguyễn thị Hoàng, Túy Hồng, Thụy Vũ, Trùng Dương, Nhã Ca, Trần Thị Ngh… thể hiện tâm linh táo bạo của người phụ nữ thời đại, chao đảo trước một thứ nữ quyền vừa thành hình qua sự nhận diện thân xác, và bị dằn vặt trong một xã hội vẫn còn chưa hẳn thoát khỏi đạo lý Khổng Mạnh, v.v.
Mỗi nhà văn có một vùng khai phá riêng. Tính chất đa dạng ấy khiến cho văn học Miền Nam, qua các ngòi bút khác nhau, đã phản ánh được thân phận con người trong xã hội chiến tranh, bằng những hình thức sáng tạo mới, khác hẳn tiền chiến, tạo cho văn học Việt Nam một bộ mặt trưởng thành trong tâm thức nhà văn và tâm thức độc giả.
Thụy Khuê
Paris, tháng 10/2007
Bản Văn Việt, đọc lại và sửa chữa ngày 4/7/2014
Tác giả gửi Văn Việt.
Bàn ra tán vào (0)
Văn học Miền Nam
Thụy Khuê
Những sách biên khảo văn học xuất bản ở trong nước sau 1975, thường không nhắc đến nền văn học Miền Nam từ 1954 đến 1975, mà thay vào đó là nền “Văn học giải phóng Miền Nam”.
Văn học “giải phóng” gồm những ai? Phạm Văn Sĩ, tác giả cuốn Văn học giải phóng Miền Nam (nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1975) kê khai rất nhiều tên tuổi, nhưng đọc lên thì người dân Miền Nam không biết họ là ai như Huỳnh Minh Siêng, Trần Hiếu Minh, Hưởng Triều, Nguyễn Trung Thành, Bùi Đức Ái, v.v. Nếu nói tên thực của họ ra thì hầu như mọi người đều biết vì đó là những nhân vật rất nổi tiếng: Huỳnh Minh Siêng chính là Lưu Hữu Phước, Trần Hiếu Minh là Nguyễn Văn Bổng, Hưởng Triều hay Hiểu Trường là Trần Bạch Đằng, Nguyễn Trung Thành là biệt hiệu của Nguyên Ngọc, Bùi Đức Ái là Anh Đức, v.v. Trên thực tế, những người xuất hiện thường xuyên trên văn đàn Miền Nam lúc đó chỉ có Lữ Phương, chủ trương tờ Tin Văn và Vũ Hạnh, một trong những cây bút chính của tạp chí Bách Khoa, có khuynh hướng chính trị đối lập với Võ Phiến.
Nhưng dần dần, nhờ cố gắng của một số nhà nghiên cứu và nhà xuất bản có tâm huyết, vấn đề Văn học Miền Nam, đã ít nhiều được đặt ra. Một số sách xuất bản ở Miền Nam trước 1975 đã được in lại, và càng ngày, càng có một đòi hỏi, muốn tìm hiểu và phục hồi lại nền văn học đích thực này. Ngoài ra tên tuổi và tác phẩm của những nhà văn nổi tiếng ở trong Nam như Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, v.v. đã xuất hiện khá nhiều trên các mạng lưới điện tử, Từ điển văn học bộ mới, cũng được phép in một số mục từ về Bình Nguyên Lộc, Nguyên Sa, Dương Nghiễm Mậu, Cung Trầm Tưởng, Bùi Giáng, v.v. Nhưng các tác phẩm của văn học Miền Nam, đối với một số đông người đọc trong nước vẫn còn xa lạ, trừ vài trường hợp đặc biệt như tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc… được in lại, và một vài tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu cũng đã xuất hiện những năm gần đây. Lại có ngay sự phản hồi: Vũ Hạnh đã viết bài cực lực phản đối sự phổ biến các tác phẩm “độc hại” của Dương Nghiễm Mậu. Như thế, nhiều thập niên sau ngày thống nhất đất nước, việc in lại những tác phẩm của nhà văn Miền Nam vẫn còn nhiều cản lực.
Nhưng độc giả trong nước cũng có thể biết qua nội dung (dù đã bị xuyên tạc ít nhiều) và số lượng văn hoá phẩm quốc cấm ấy, nhờ hai bộ sách thời danh, một của Lê Đình Kỵ, tựa đề: Nhìn lại tư tưởng văn nghệ thời Mỹ Nguỵ, (nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 1987), và Văn hoá văn nghệ Nam Việt Nam 1954-1975 của Trần Trọng Đăng Đàn (nxb Thông tin, Hà Nội, 1993).
Cuốn sách của Lê Đình Kỵ được viết với chủ đích “lột trần bộ mặt của nền văn hoá Mỹ Ngụy” tương tự như trường hợp Đỗ Đức Hiểu viết cuốn “Phê phán văn học hiện sinh chủ nghiã” (nxb Văn học Hà Nội, 1978). Điểm chung của hai cuốn sách này là trình bày, phân tích, và đả phá đối tượng giới thiệu; nhưng về sau, cả hai tác giả đều gạt chúng ra khỏi danh sách những tác phẩm của mình. Trong câu chuyện riêng với chúng tôi năm 1993, nhà phê bình Đỗ Đức Hiểu không muốn nhắc đến cuốn Phê phán văn học hiện sinh chủ nghiã. Nhà nghiên cứu Lê Đình Kỵ cũng không đưa cuốn Nhìn lại tư tưởng văn nghệ thời Mỹ Nguỵ vào phần tác phẩm đã in của mình, trong các bộ Nhà văn Việt Nam hiện đại và Từ điển văn học. Có thể nói đó là một sự từ chối tác phẩm rất đặc biệt, không do lệnh trên mà phát xuất tự lương tâm người trí thức.
Trở về với cuốn sách của Lê Đình Kỵ, tuy được viết với mục đích triệt hạ nền văn học “Mỹ Nguỵ”, nhưng nó vẫn hé mở cho thấy tâm lý tác giả: Ông đã đọc khá kỹ một số sách của Văn học Miền Nam, những trích đoạn mà ông đưa ra, tương đối tiêu biểu trung thành cho từng tác giả, kể cả khi trích dẫn Ngô Đình Diệm. Ngoài ra, Lê Đình Kỵ dành một phần lớn cho mảng triết học, đặc biệt về Nguyễn Văn Trung và triết học hiện sinh, tất nhiên cũng để “đả phá”, nhưng dường như chính ông cũng muốn giới thiệu mảng tư tưởng này với độc giả, tương tự như trường hợp Đoàn Giỏi trích dẫn Phan Khôi để giới thiệu những tác phẩm cuối cùng của Phan Khôi trong đó có truyện Nắng Chiều mà ngày nay không còn dấu vết.
Trần Trọng Đăng Đàn trong cuốn Văn hoá văn nghệ Nam Việt Nam 1954-1975, không có được tấm lòng của Lê Đình Kỵ, tuy cùng chủ đích. Chính nhờ bản liệt kê ở cuối sách mà sau này, những người nghiên cứu có thể tìm lại được toàn bộ tên sách và tên tác giả của nền văn học Miền Nam; nhất là phần bị cấm lưu hành, trong đó có rất nhiều tác giả và tác phẩm chủ yếu.
Những tác giả viết về Văn học Miền Nam
Sau 1975, cuốn sách đầu tiên có những ghi nhận đúng đắn về sinh hoạt văn học Miền Nam là cuốn hồi ký Đời viết văn của tôi do Nguyễn Hiến Lê (viết tại Long Xuyên năm 1980) và nhà xuất bản Văn Nghệ in năm 1986, tại Cali. Đây cũng là tác phẩm ra mắt của nhà xuất bản Văn Nghệ, do thầy Từ Mẫn Võ Thắng Tiết điều hành, trong nhiều năm, đã có công in lại những tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến và giới thiệu những tác giả mới tại hải ngoại. Hồi ký của Nguyễn Hiến Lê chủ yếu viết về đời văn, cách làm việc, cách đọc và dịch của ông; chỉ có một chương ngắn dành cho sinh hoạt báo chí trong Nam, nhưng nó đã cho chúng ta ấn tượng đầu tiên về không khí văn học Miền Nam, nhất là những nhận xét của ông về tờ Bách Khoa, mà ông là một trong những người cộng tác chính. Sau này, những tác giả khác, thường lấy lại nhận định của Nguyễn Hiến Lê, thêm bớt chút đỉnh, đôi khi gây tranh luận, nhưng tựu trung những ý kiến của Nguyễn Hiến Lê về Bách Khoa trên cơ bản vẫn là trung thực.
Tiếp đến Võ Phiến cho in cuốn Văn học Miền Nam tổng quan (Văn Nghệ, Cali, 1986) với mục đích khôi phục lại thực trạng văn học Miền Nam, một nền văn học “đang bị tiêu hủy“. Tác phẩm đã được đón nhận nồng nhiệt tại hải ngoại khi mới ra đời. Mười ba năm sau, Võ Phiến hoàn tất bộ Văn học Miền Nam gồm 7 tập, kể cả tập Tổng quan (Văn Nghệ, 1999), 3229 trang, đánh số từ cuốn Tổng quan đầu tiên.
Bộ Văn học Miền Nam của Võ Phiến là một tuyển tập, có tham vọng kết hợp hai lối trình bày của Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại và Hoài Thanh trong Thi nhân Việt nam, tức là vừa giới thiệu tác giả (qua lời Võ Phiến) vừa in kèm tác phẩm tiêu biểu của họ, do đó có bề dầy. Về cuốn Tổng quan, trong chỗ riêng tư, Mai Thảo sinh thời đã có ý phàn nàn về những phán đoán thiên lệch trong sách, nhưng ông không phát biểu công khai. Nhưng sau khi Võ Phiến hoàn tất bộ Văn học Miền Nam, nhiều người khác lên tiếng phản đối cách phê bình của Võ Phiến trong bộ Văn học Miền Nam, nhất là về Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo, Bình Nguyên Lộc…, đặc biệt những người cùng thời với ông như Viên Linh trong bài “Trăm năm thân thế” viết về Vũ Khắc Khoan, Khởi Hành số 47, tháng 9/2000; Nguyễn Văn Trung trong bài “Hướng về Miền Nam Việt Nam”, Khởi Hành số 92, tháng 6/2004 và bài Mặc Đỗ trả lời phỏng vấn của Nguyễn Tà Cúc trong Khởi Hành số 98 tháng 11/2004.
Cuốn Văn học Miền Nam tổng quan của Võ Phiến ra đời đúng lúc người di tản đang bàng hoàng trước cuộc đổi đời, phẫn nộ trước những tin về cải tạo, đau đớn về chuyện thuyền nhân, phẫn uất về việc đốt sách ở quê nhà, nên nó đã đáp ứng đúng nhu cầu của người đọc di tản. Nhưng nhiều năm sau, cục diện chính trị và văn nghệ đã thay đổi, độc giả đòi hỏi một sự nghiên cứu có tầm chuyên môn hơn, bộ Văn học Miền Nam không còn thế đứng độc tôn nữa, nó gây ra một số vấn đề tranh luận.
Điểm thứ nhất, Võ Phiến là nhà văn tên tuổi nhưng ông không chuyên về phê bình, lại ôm đồm thêm cả việc viết văn học sử, một trọng trách đòi hỏi tinh thần làm việc có hệ thống, khách quan và khoa học. Để giữ được sự phán đoán không thiên vị, người viết văn học sử và phê bình thường phải đứng ngoài môi trường sáng tác; nhưng Võ Phiến lại là người sáng tác, vì thế thái độ của ông đối với những nhà văn “cùng vai vế” đã không được sòng phẳng, khiến người đọc có thể hiểu là ông cố tình “dìm” Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan… những tác giả có thể “cạnh tranh” với ông về “ngôi thứ” trên văn đàn.
Điểm thứ nhì, cuốn Văn học Miền Nam tổng quan, Võ Phiến viết trong tư thế một nhà văn chống Cộng, thời vết thương 30/4 còn nóng; tuy ông đã cố gắng giữ khoảng cách với chính trị, nhưng tác phẩm của ông đôi chỗ vẫn bị giới hạn vì lập trường của tác giả. Tác phẩm lại viết theo lối tạp và phiếm luận, nhiều chỗ phóng bút, pha trò có duyên, đọc như một cuốn tùy bút, phiếm luận rất thú vị, hấp dẫn; nhưng nếu sử dụng như một cuốn nghiên cứu văn học, thì nhược điểm chung là không mấy hệ thống, rườm rà, ngẫu hứng, nhiều điều đã viết rồi, lại quay trở lại; những thông tin chính xác bị lẫn trong những nhận định không chính xác, đôi khi giễu cợt, tùy tiện. Cái mỉa mai thâm thúy là sở trường của Võ Phiến trong tùy bút, trở thành sở đoản trong lãnh vực nhận định văn học.
Tuy vậy, cuốn Văn học Miền Nam tổng quan của Võ Phiến vẫn là một tác phẩm cần thiết, nó đã được viết ra sớm nhất trong hoàn cảnh lưu vong, và cũng là một tư liệu văn học viết về thời kỳ 1954-1975, ở Miền Nam, xuất hiện sớm nhất sau chiến tranh. Bởi vì, trong suốt thời kỳ cực thịnh của sách báo ở Miền Nam, chưa có tác giả nào lưu tâm đến việc ghi lại lịch sử văn học của thời kỳ này. Cho nên có thể nói đây là cuốn sách đầu tiên viết về sinh hoạt văn học ở Miền Nam trong giai đoạn 1954-1975, tương đối khá đầy đủ.
Ngoài bộ sách của Võ Phiến, còn có những nguồn tư liệu khác, như báo Khởi Hành của Viên Linh xuất bản tại California. Trên Khởi Hành, từ 1996 trở đi, có những số đặc biệt về nhà văn Miền Nam, với những tư liệu tốt; đáng chú ý là những tư liệu gốc, đặc biệt về nhóm Giao Điểm, do chính những người trong cuộc viết ra, và chính Viên Linh cũng viết những chân dung văn học giá trị.
Bộ hồi ký của Nguyễn Văn Trung tựa đề Nhìn lại những chặng đường đã qua, còn dưới dạng photocopie, (một vài bài được trích đăng trên báo Văn Học, California (các số 174 ra tháng 10/ 2000 và 179, 180, 183, ra tháng 3; 4; và 7 năm 2001) và trên báo Khởi Hành (số 92, tháng 6/2004). Trong tập hồi ký đồ sộ này, ngoài phần viết và nhận định của tác giả về cuộc đời cầm bút của mình, còn có nhiều tư liệu chính trị, xã hội, và tôn giáo, về Miền Nam.
Cuốn Chân dung mười lăm nhà văn nhà thơ Việt Nam của Mai Thảo (Văn Khoa, Cali, 1985), với lối viết tình cảm và chủ quan, vẫn cho chúng ta những thông tin văn học đáng quý.
Ngoài ra còn phải kể thêm những tập hồi ký khác, như hồi ký Huỳnh Văn Lang, chủ nhiệm sáng lập Bách Khoa; hồi ký Mặc Thu, Mặc Đỗ (nếu đã xuất bản), là những nhà văn Bắc di cư tiên phong trong việc xây dựng nền báo chí và văn học. Hồi ký Nguyên Sa, Thanh Nam… những người đã sống và viết trong suốt thời kỳ chia đôi đất nước, v.v.
Chữ quốc ngữ tại Miền Nam
Trước khi tìm hiểu chỗ đứng của văn học Miền Nam từ 1954 đến 1975 trong bối cảnh chung của văn học Việt Nam, chúng ta cần nhìn lại sự hình thành và phát triển văn học quốc ngữ tại Miền Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Chữ quốc ngữ được sử dụng, về mặt hành chánh, ở trong Nam trước, vì người Pháp chiếm Nam Kỳ trước (1862) và họ thúc đẩy việc dùng quốc ngữ trong Nam. Một mặt khác, nhờ sự tiếp xúc với Pháp và văn học Pháp, người Nam cũng hấp thụ được tinh thần dân chủ của Pháp qua ngả học đường và sách vở báo chí Pháp. Những trí thức Tây học đầu tiên như Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Huỳnh Tịnh Của (1834-1897), đều thấm nhuần hai nền giáo dục: thủa nhỏ học chữ nho, sau đó được các thầy tu đưa vào trường đạo học tiếng La tinh và tiếng Pháp, rồi đi du học (các trường đạo) ở Cao Mên, Mã Lai. Trương Vĩnh Ký nổi tiếng biết 15 ngoại ngữ, 11 tử ngữ, trở thành nhà bác học được các đồng nghiệp Tây phương kính trọng. Ông cũng là nhà bác ngữ học (philologue) và Việt học đầu tiên của nước ta. Bộ từ điển tiếng Việt Đại Nam quốc âm tự vị do Huỳnh Tịnh Của xuất bản năm 1895-1896, cũng là một trong những viên gạch đầu tiên xây dựng nền văn học quốc ngữ. Tờ báo quốc ngữ đầu tiên là tờ Gia Định Báo, do Pháp lập năm 1865, với chủ bút Trương Vĩnh Ký, rồi Huỳnh Tịnh Của. Tiếp đó đến tờ Nam Kỳ Nhật Trình (số 1 ra ngày 21/10/1897), Nông Cổ Mín Đàm (số 1: 1/8/1901), Lục tỉnh tân văn (số 1: 15/1/1907), v.v. Theo tài liệu của Nguyễn Văn Trung (công bố năm 1987), cuốn tiểu thuyết quốc ngữ sớm nhất viết theo lối Tây phương, Thầy Lazzaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, xuất hiện ở trong Nam ngay từ 1887 và bản dịch Tam Quốc Chí đầu tiên, cũng khởi đăng trên Nông Cổ Mín Đàm, số một. (Nguyễn Văn Trung, Lục Châu Học).
Khi người Bắc di cư vào Nam năm 1954, họ ngạc nhiên thấy những người phu xe xích lô Sài Gòn, buổi trưa, tìm chỗ mát nghỉ ngơi, ngồi gác chân đọc nhật trình, việc không thể có ở ngoài Bắc. Sở dĩ có hiện tượng này bởi vì Miền Nam có truyền thống đọc sách báo của người bình dân mà ở ngoài Bắc không có; bởi Miền Nam đã là vùng đất của quốc ngữ và báo chí, tiểu thuyết, ngay từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khiến nền văn chương bình dân phát triển mạnh ở trong Nam, trong khi ngoài Bắc, sách vở, báo chí phần lớn chỉ dành cho người có học.
Văn nghệ kháng chiến trong Nam
Nền văn nghệ kháng chiến ở trong Nam cũng khác với ngoài Bắc.
Về nền văn nghệ nói chung trong kháng chiến (1945-1954), Nguyễn Hiến Lê cho rằng: “Trong thời kháng Pháp, văn học ở thành (vùng bị chiếm) từ Bắc tới Nam không có gì cả. Hầu hết các nhà văn có tên tuổi thời tiền chiến đều theo kháng chiến. Tôi không biết họ sáng tác được những gì, có lẽ chỉ một số bút ký, và một số bài thơ ái quốc, hô hào diệt địch, nhiệt tâm tuy nhiều, nhưng nghệ thuật có phần kém phần tiền chiến” (Nguyễn Hiến Lê, Đời viết văn của tôi, nxb Văn Nghệ Cali, trang 152-153). Nhận định của Nguyễn Hiến Lê có thể cũng đúng với thực trạng ngoài Bắc, vì thật sự trong khoảng 1945-1954, ở Hà Nội, dường như không thấy có chuyển động văn nghệ nào đáng kể.
Về nền văn nghệ kháng chiến ở trong Nam, Nguyễn Văn Sâm trong cuốn Văn chương Nam Bộ và cuộc kháng Pháp 1945-1950, (Lửa Thiêng, Sàigòn 1972, Xuân Thu in lại tại Hoa Kỳ) chứng minh một tình trạng khác hẳn. Theo ông, văn chương trong thành phong phú hơn văn chương ngoài bưng, vì ở ngoài bưng, tình hình chính trị phức tạp, ngoài mặt trận Việt Minh còn có các đảng phái chính trị khác như Tân Dân Chủ, Đồng Minh Hội, Quốc Dân Đảng, v.v. cho nên vì tình đoàn kết, các tác giả không thể viết được đúng theo ý nghĩ của mình. Văn nghệ ngoài bưng, viết ít, người đọc ít, phương tiện in ấn thô sơ, cho nên không phát triển được (trang 26). Giải thích tại sao sự nghiên cứu của ông lại thu gọn trong Văn chương Nam Bộ, trong khi giai đoạn này tính chất đấu tranh vẫn có trong các tác phẩm ở Trung và Bắc, Nguyễn Văn Sâm viết: “Ở Nam Bộ vì quân Pháp tái chiếm đầu tiên, sự thất vọng gieo vào lòng người trước, vì những người kiểm duyệt lúc này có nhiều lý do để lơ là nhiệm vụ, vì những nhà văn nổi tiếng ở Miền Bắc ở thế hệ trước (1932-1945) một số ra hoạt động chánh trị (Nhất Linh, Xuân Diệu, Huy Cận), một số mất tích (Khái Hưng), một số đi khu, sáng tác phẩm phổ biến rất hạn chế (Nguyễn Bính, Tố Hữu, Nguyễn Tuân), một số người đem văn tài vun xới văn nghệ Miền Nam (Thiết Can, Vũ Xuân Tự, Trúc Khanh)… nên bỗng nhiên không khí văn chương ở đây trở nên phồn thịnh hơn cả Miền Bắc là nơi được coi như trung tâm văn học của Việt Nam” (trích Văn chương Nam Bộ và cuộc kháng Pháp 1945-1950 trang 43).
Nguyễn Văn Sâm giới thiệu 53 tác giả văn nghệ kháng chiến Nam Bộ với những tên tuổi như: Vũ Anh Khanh, Hồ Hữu Tường, Sơn Khanh, Thiết Can, Trúc Chi, Thiên Giang, Tam Ích, Thẩm Thệ Hà, Lý Văn Sâm, Phi Vân, Bình Nguyên Lộc, v.v. và ông giải thích về hai chữ Nam Bộ như sau: “Dùng danh từ Nam Bộ chúng tôi muốn gắn liền tên gọi với thời đại. Tiếng Nam Bộ được sử dụng chánh thức trong dụ số 108 của Quốc trưởng Bảo Đại xung chức Khâm Sai Nam Bộ cho Nguyễn Văn Sâm vào tháng 8/ 1945″ (sđd, trang 41) (Xin lưu ý: ông Khâm sai Nam Bộ Nguyễn Văn Sâm trùng tên với tác giả Nguyễn Văn Sâm, sinh năm 1940).
Theo Nguyễn Văn Sâm, từ 1945 đến 1954, thành thị Miền Nam vẫn duy trì được một nền văn học chống Pháp, nhờ nhân viên kiểm duyệt ăn hối lộ, cấp giấy phép hoặc bớt cắt xén. Trừ một vài cuốn bị cấm xuất bản như Ngục tối giữa rừng sâu của Sơn Khanh, Bứt xiềng của Thiên Giang, Nam Bộ chiến sử II của Nguyễn Bảo Hoá. Hoặc bị cấm lưu hành như Nửa bồ xương khô, Chiến sĩ hành của Vũ Anh Khanh, và Nam Bộ chiến sử I. Những tác phẩm in ra đều được phổ biến rộng rãi, có những cuốn như Bạc xiu lìn của Vũ Anh Khanh bán rất chạy, trong vòng hai tháng đã bán hết 10.000 cuốn. Tóm lại, theo Nguyễn Văn Sâm, văn chương Nam Bộ trong giai đoạn kháng chiến, mang những tính chất chính sau đây:
1- Tố cáo và buộc tội chính sách cai trị của người Pháp ở Việt Nam
2- Trình bày những đau khổ tinh thần và thân xác của người dân dưới thời Pháp thuộc.
3- Trình bày chế độ lao tù của Pháp ở Việt Nam.
Như vậy, có thể nói, thời kháng chiến, văn chương trong thành ở Nam Bộ vẫn nói được những khổ đau của người dân bị trị. Nhưng nền văn học kháng chiến Nam Bộ này đã bị hai phía chính quyền Nam Bắc lờ đi, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc những người sáng giá nhất trong phong trào này, như Vũ Anh Khanh, tập kết ra Bắc, khoảng đầu 1957, vượt tuyến vào Nam và bị tên bắn (?) chết trên sông Máu (theo Viên Linh, Khởi Hành, số 116, tháng 6/2006, tài liệu cần được kiểm chứng). Hồ Hữu Tường tháng 3 năm 1955 theo tướng Ba Cụt vào rừng Sát chống lại ông Diệm, bị bắt và bị kết án tử hình, nhờ một nhóm trí thức Pháp trong đó có Albert Camus ký kiến nghị xin ân xá. Sau khi ông Diệm đổ, Hồ Hữu Tường mới được trả tự do.
Tình hình sau khi chia đôi đất nước
Hiệp định Genève, chia đôi đất nước; tình hình văn nghệ ở hai Miền Nam Bắc đi vào ngõ ngoặt quan trọng. Miền Bắc ngoài hệ văn chương chính thống; sau 1954, hình thành phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Dù chỉ sống được một thời gian ngắn, rồi bị dập tắt ngay, nhưng phong trào Nhân Văn Giai Phẩm biểu dương tinh thần người trí thức Miền Bắc trong việc đòi hỏi tự do tư tưởng. Nhờ Hoàng Văn Chí mà phong trào này đã được phổ biến rộng rãi ở trong Nam. Ban đầu nhà cầm quyền lợi dụng với mục đích tuyên truyền, nhưng văn thơ của Nhân Văn Giai Phẩm đi vào học đường và quần chúng, được mọi người yêu mến, ngưỡng mộ một cách chân thành. Nhờ vậy mà tên tuổi và tác phẩm của những nhà văn, nhà trí thức trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, đã không hề bị chôn vùi, mà vẫn sống trong lòng một nửa dân tộc, để rồi ba mươi năm sau, cũng chính những tên tuổi ấy, những Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Phùng Cung… trở lại văn đàn với những tác phẩm giá trị về tiểu thuyết, thi ca.
Cho nên, văn học ở Miền Bắc sau 1954 có thể nói tóm gọn như sau: vì văn học bị đàn áp, cho nên các giá trị đích thực tạm ẩn mình trong bóng tối, chờ thời cơ thuận tiện sẽ xuất hiện trở lại, và đã trở lại trên văn đàn 30 năm sau.
Trong thời gian đó thì Miền Nam làm gì? Ngoài việc phát triển nền văn học Miền Nam, sẽ nói đến sau, trước hết, phải kể đến việc Miền Nam đã bảo tồn những gì mà Miền Bắc không thể giữ được trong thời kỳ toàn trị: ngoài việc lưu trữ những tác giả Nhân Văn Giai Phẩm trong ký ức nửa phần dân tộc, Miền Nam bảo tồn và phát huy văn nghệ tiền chiến. Tất cả các tác giả và tác phẩm tiền chiến, đều được phổ biến rộng rãi tại Miền Nam. Từ nhạc Văn Cao, Đoàn Chuẩn đến văn Nguyễn Tuân, Nam Cao, thơ Xuân Diệu, Huy Cận. Bộ Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan và cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh được giảng dạy trong chương trình trung học. Khi văn nghệ sĩ ở Miền Bắc phải chối bỏ các sáng tác tiền chiến lãng mạn của mình, thì ở trong Nam, những tác phẩm ấy vẫn được phổ biến trong lòng người Việt.
Chính nhờ sự bảo tồn nền văn nghệ tiền chiến mà Miền Nam đã có cơ sở để phát triển văn học trong thời kỳ chia đôi đất nước. Yếu tố này rất quan trọng, nó giải thích tại sao trong một thời gian khá ngắn, chỉ có 20 năm, trong chiến tranh tàn khốc, mà Miền Nam đã tạo được một nền văn học đa dạng, với số lượng tác phẩm văn học, triết học, và dịch thuật dồi dào về phẩm cũng như về lượng.
Miền Nam, như trên đã nói, có truyền thống quốc ngữ lâu đời, và chính tiếng Nam cũng lại là một nguồn ngôn ngữ đa dạng, đầy âm thanh và màu sắc đối với những nhà văn Bắc di cư; nhiều người đã dựa vào kho tàng mới này để làm giàu thêm cho ngôn ngữ văn chương của mình. Tóm lại, nhờ ba yếu tố:
1- Dựa trên nền móng quốc ngữ từ cuối thế kỷ XIX, cộng thêm tiếng Nam như một kho tàng ngôn ngữ mới,
2- Nhờ sự bảo tồn văn học tiền chiến và bảo lưu Nhân Văn Giai Phẩm trong thời kỳ chia đôi đất nước mà Miền Nam không bị cắt đứt với quá khứ và hiện tại văn học của cả nước.
3- Nhờ sự nối kết với các trào lưu văn học và tư tưởng nước ngoài.
Mà Miền Nam đã xây dựng được một nền văn học đa dạng trong hoàn cảnh chiến tranh và bất ổn chính trị.
Sự tiếp cận với văn hoá nước ngoài
Một nền văn học, muốn phát triển được, ngoài yếu tố nhân tài và môi trường dân chủ, còn cần đến một nền giáo dục lành mạnh. Có thể nói, trong suốt thời gian chia đôi đất nước, mặc dù với những tệ nạn của xã hội chiến tranh, tham nhũng, Miền Nam vẫn có một hệ thống giáo dục đứng đắn.
Trong chương trình giáo khoa, các giai đoạn lịch sử và văn học đều được giảng dạy đầy đủ, không thiên hướng. Ở bậc trung học học sinh gặt hái những kiến thức đại cương về sử, về văn, và tới trình độ tú tài, thu thập những khái niệm đầu tiên về triết học. Lên đại học, sinh viên văn khoa có dịp học hỏi và đào sâu thêm về những trào lưu tư tưởng Đông Tây, đồng thời đọc và hiểu được văn học nước ngoài qua một nền dịch thuật đáng tin cậy, dịch được những sách cơ bản. Nguyễn Văn Trung trong hồi ký đã nhấn mạnh đến sự tự trị của đại học, nhờ sự tự trị này mà các giáo sư có quyền giảng dạy tự do, không bị áp lực chính trị của chính quyền. Chính điều kiện giáo dục này, đã cho phép Miền Nam xây dựng được một tầng lớp trí thức, một tầng lớp văn nghệ sĩ và một quần chúng độc giả; giúp cho nhiều nhà văn có thể sống bằng nghề nghiệp của mình. Và cũng chính tầng lớp trí thức và sinh viên này đã là đối trọng, chống lại chính quyền, khi có những biến cố chính trị lớn như việc đàn áp Phật giáo thời ông Diệm và việc đấu tranh chống tham nhũng (như vụ báo Sóng Thần) thời ông Thiệu.
Trong nửa đầu thế kỷ XX, trí thức văn nghệ sĩ Việt Nam, nhờ xuất thân từ các trường Pháp (Albert Sarraut), hoặc Pháp-Việt (trường Bưởi), tại Hà Nội; nên thông thạo cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt, nhiều khi còn thêm kiến thức Hán văn nữa, nhờ vậy họ đã tiếp cận trực tiếp với văn học Tây Phương.
Sau 1954, ở Miền Nam, tuy các trường Pháp Việt không còn nữa nhưng vẫn còn trường Pháp. Nhờ hệ thống học đường song song này mà Miền Nam vẫn có thể đào tạo những văn nghệ sĩ và dịch giả có giá trị. Hai cựu học sinh trường Pháp nổi tiếng nhất là Hồ Biểu Chánh và Trịnh Công Sơn. Ngoài ra, những nhà văn, nhà biên khảo, nhà giáo, thường làm thêm việc dịch. Nguyễn Hiến Lê một mình dịch bộ Chiến tranh và hoà bình trong khi ông vẫn viết sách đều đặn.
Chương trình Pháp đã đào tạo nên những trí thức văn nghệ sĩ tài năng trong nhiều thế hệ: Cung Trầm Tưởng thiết lập một lối cổ dao, giao hưởng giữa thơ cổ của ta và tư tưởng hiện sinh, trên nền lục bát. Nguyên Sa đem những lối viết rất Tây vào thơ. Lời ca của Trịnh Công Sơn đặt nền trên triết học hiện đại, gói ghém tang thương của lịch sử trong cách lập hình siêu thực. Và trước Trịnh Công Sơn đã có Thanh Tâm Tuyền…
Học đường còn đào tạo một lớp người đọc nữa. Những sáng tác mới, có tính cách khó hiểu hoặc những tác phẩm được gọi là “có trình độ cao”, vẫn có người đọc. Võ Phiến kể rằng cuốn Triết học hiện sinh của Trần Thái Đỉnh, khi ra đời năm 1967, là cuốn sách bán chạy nhất trong năm. Nguyễn Văn Trung cho biết: thời ấy có nhiều người viết về triết, nhưng chỉ có sách của Trần Thái Đỉnh là dễ hiểu, còn sách của những người khác không bán được vì đọc chẳng ai hiểu gì. Còn một lý do nữa: thời ấy, học đường đã đào tạo ra một lớp trẻ có văn hoá, và chính các thầy dạy triết như Trần Bích Lan (Nguyên Sa), Nguyễn Văn Trung… cũng có cách hấp dẫn học trò, lôi cuốn họ vào vòng thích đọc và tìm hiểu về triết học. Trần Thái Đỉnh và Nguyễn Văn Trung là hai khuôn mặt đã có công lớn trong việc việc phổ thông hoá triết học hiện đại Tây Phương ở Miền Nam. Về triết Đông, bên cạnh những sách lý thuyết của Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn Đăng Thục…, Nguyễn Hiến Lê là người có công đầu trong việc truyền bá kiến thức đại cương về văn học và phổ biến rộng rãi triết học Đông phương trong quần chúng. Đó là những người đã có những đóng góp lớn trong việc xây dựng nền tảng giáo dục và văn học.
Vai trò của triết học trong đại học
Về sự giảng dạy triết Đông và Tây ở đại học từ 54 đến 75, giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch cựu Khoa trưởng Đại học Văn Khoa Sài Gòn cho biết: “Ảnh hưởng văn hóa Tây Phương trong Đại học Miền Nam – cơ bản là mô hình văn hóa Pháp – sau 1954, tuy có suy yếu, vẫn là cái gì đáng kể, cho đến 1975. Vẫn khuôn khổ Đại học Pháp, được tiếp máu bởi các trường trung học Pháp. Nhân viên giảng huấn đa số được đào tạo tại các Đại học Pháp. Nội dung chương trình các khóa học cũng vậy…
Nhưng dần dần các môn Việt học và văn hóa Đông Phương cũng phát triển mạnh, có hệ thống và ý thức rõ ràng, như một phản ứng tự vệ; sự kiện đó mang lại cho Đại học một thế quân bình cần thiết. Nên ghi nhận ở đây, hoạt động của các chuyên gia Đông Phương Học, thuộc Đại học Văn Khoa, như Nguyễn Khắc Kham, Nghiêm Toản, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Duy Cần, Kim Định, Nhất Hạnh, Giản Chi…, hoạt động từng vượt khỏi tháp ngà Đại học để đi vào thế giới học thuật và văn nghệ Miền Nam. (Nguyễn Khắc Hoạch phát biểu trên RFI tháng 3 năm 1998, đăng lại trên tạp chí Văn Học, Cali, số 147, tháng 7/ 1998).
Trong khi đó thì văn hoá Mỹ đóng vai trò như thế nào? Quân đội Mỹ ào ạt đổ bộ vào Miền Nam, nhưng văn hoá Mỹ có vai trò áp đảo hay không? Trả lời câu hỏi của chúng tôi về ảnh hưởng văn hoá Mỹ tại Miền Nam Việt Nam, giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch cho biết như sau:
“Thời chiến tranh lạnh, với thế lưỡng cực trên thế giới, Miền Nam Việt Nam nằm trong vùng ảnh hưởng Mỹ, và như vậy là có thêm tác nhân mới. Tuy nhiên, văn hoá Mỹ, theo gót đoàn quân viễn chinh, cũng chưa thể gọi là có ảnh hưởng gì sâu đậm. Ở lối sống ở những giai tầng thấp thì có thể gọi là có ảnh hưởng một cách xô bồ, nhưng ở thượng tầng thì chưa.
Thứ nhất, vì với những hoạt động văn hóa cao (trí thức, văn nghệ), cần phải có thời gian lâu để thâm nhập và chuyển hóa. Sau nữa là vấn đề nhân sự. Các nhà Việt học, nghiên cứu của Mỹ, vì thời gian tiếp xúc ngắn ngủi, chưa đủ độ chín muồi và sâu sắc của các nhà nghiên cứu Anh về Ấn Độ, hay Pháp về bán đảo Đông Dương chẳng hạn. Cũng là vấn đề nhân sự nữa: Các cố vấn và tùy viên văn hóa Pháp, liên hệ với Đại học và các tổ chức văn hóa Việt Nam, thường là những giáo sư Đại học hay thạc sĩ trẻ [chú thích: chữ thạc sĩ dùng ở đây là thạc sĩ (agrégé) của Pháp], có học vấn vững chắc, năng nổ, bao biện… Trong khi đó, Mỹ – vì quan niệm sai lầm hay vì coi nhẹ vấn đề – chỉ gửi sang Việt Nam một số công chức tầm thường, phần lớn đã nghỉ hưu, chỉ có chuyên môn về một ngành cục bộ hơn là trí thức rộng, nên không gây được ấn tượng mạnh. Ngoài ra, các sinh viên du học Mỹ cũng bị thiệt thòi vì, ở thời điểm 54-75, có thể nói là chưa thực sự có truyền thống du học Mỹ. Sự đào tạo chuyên gia ở đây còn thưa thớt, chưa có bề dầy, trong khi mối liên hệ giáo dục, văn hóa Việt Nam với Pháp đã khởi sự từ đầu thế kỷ.” (bài đã dẫn).
Trả lời câu hỏi về sự phát triển triết học Tây phương ở Miền Nam đã diễn ra như thế nào, giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch phân tích:
“Thời 60-70, triết học phương Tây tương đối phát triển mạnh ở Miền Nam. Đó chỉ là dư âm và di sản của thời hậu chiến Âu Châu. Đứng trước một cuộc tang thương và mất mát lớn lao như chưa từng thấy, con người đã kinh qua một cuộc khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Hiện tượng xã hội và tâm lý này thường xuất hiện đều đều, gần như một định luật, sau mỗi biến cố lịch sử lớn. Do hoàn cảnh, con người đứng trước đau thương, đổ nát và hư vô, thường tìm an ủi trong những triết thuyết. Một số triết gia như Trần Đức Thảo, liền sau khi Pháp bại trận, đã làm cuộc hành hương triết lý về Đại học Freiburg (Đức), nơi Husserl và Heidegger từng giảng dạy về môn Hiện Tượng Luận, rồi triết lý Hiện Sinh. Triết lý này phát triển mạnh ở Đại học Pháp, sau đó bước hẳn vào đời sống, đặc biệt ở thị thành với giới trí thức và thanh niên. Dĩ nhiên, sang Việt Nam, cũng đồng hoàn cảnh chiến tranh, đồng tâm trí hoang mang, chán nản và mất hướng, những hạt giống hiện sinh tha hồ nẩy nở. Nhất là lúc đó, từ nửa sau thập niên 50, có một số trí thức Việt Nam du học ở Pháp và Bỉ, về nước đã phổ biến các triết thuyết hiện sinh, hình thái Sartre và Merleau Ponty. Cộng thêm vào đó là lý thuyết phi lý (théorie de l’absurde) của Camus, rồi tới trào lưu nhân vị, personnalisme, của E. Mounier, một hệ tư tưởng được bồi đắp và đề cao bởi những người cầm quyền đương thời, đồng tôn giáo với tác giả.
Khi nói trí thức du học thời đó, tôi muốn đề cập đến một vài tên tuổi quen thuộc, nhất là “tứ trụ” của triều đình Triết Tây, tại Miền Nam Việt Nam: Trần Văn Toàn và Lê Tôn Nghiêm, cả hai uyên bác và tường tận thấu đáo, Nguyễn Văn Trung sáng sủa, hệ thống và sắc bén, Trần Bích Lan – Nguyên Sa tài hoa, uyển chuyển, “văn chương”. Tất cả, ít nhiều trong từng giai đoạn, đều làm công việc tông đồ có hiệu năng cho trường phái hiện sinh của Sartre, và tư tưởng Camus. Cần ghi nhận thêm nữa là những cố gắng của triết gia thần học Bửu Dưỡng – cũng thuộc Đại học Văn Khoa –, người đã sáng tác ra từ ngữ nhân vị, và từng đơn thương độc mã rao giảng, phổ biến triết thuyết của E. Mounier. Nhìn chung các tác giả kể trên đều có ảnh hưởng tới sinh viên, rồi từ đó lan ra giới trí thức và văn nghệ ngoài Đại học, luôn luôn khao khát những sản phẩm tinh thần mới của Tây phương. Họ là những gạch nối, những người trung gian, chất xúc tác không thể thiếu được trong sinh hoạt văn nghệ của thời 60-70″. (bài đã dẫn).
Trên những tạp chí như Bách Khoa, Văn, hoặc Nghiên cứu văn học, xuất bản ở Miền Nam, chúng ta có thể thấy hiện tượng sau đây: hầu như các trào lưu về văn học ở Pháp đã chuyển thẳng vào Việt Nam gần như tức thời, nghĩa là ở Pháp có gì thì ở Việt Nam ngay sau đó đã có nhiều bài giới thiệu hoặc được dịch ra.
Trả lời câu hỏi những đường hướng tư tưởng hiện đại nào đã được phát triển tại Miền Nam lúc ấy, giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch cho biết:
”Tư tưởng hiện sinh đi vào văn nghệ với Sartre. Kế tiếp, từ đầu thập niên 60 là trường phái Cấu Trúc (structuralism) với R. Barthes và Lévy-Strauss, rồi sau nữa là môn phái Déconstruction của Derrida… Đó là chưa kể những lý thuyết và thể hiện văn nghệ như Tân tiểu thuyết (A. Robbe-Grillet, N. Sarraute, Cl. Simon) và Tân phê bình (Poulet, Barthes, J.P. Richard, Weber…) không nhiều thì ít, có liên hệ với tư tưởng cấu trúc. Tất cả những tìm kiếm và sáng tạo tiền phong đó đều xuất phát hay kiện toàn từ Đại học, và giới trí thức văn nghệ Paris sau đó đều được đón nhận, phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam.[...]
Ảnh hưởng của Triết học Tây Phương hiện đại đến văn học Miền Nam là có thật. Khá rõ nét trong lối sống và trong tác phẩm, nhất là ảnh hưởng chủ nghĩa hiện sinh. Những mảnh đời vật vờ, không lý tưởng, những cung cách sống ít nhiều thác loạn, hư vô của một số nhân vật tiểu thuyết và tác giả, sống triền miên trong các đô thị lớn. Phố phường, trà đình, tửu điếm, sàn nhảy, bè bạn phe nhóm, giọng điệu tiêu cực, khinh bạc, trong một bầu không khí trừu tượng, khép kín, giữa lúc cuộc sống lầm than, máu lửa của toàn dân đang diễn biến sôi nổi khắp nơi nơi…
Nhóm Sáng Tạo, với tinh thần avant gardiste (tiền phong) của nó, là một điển hình của tác động Triết Học Tây Phương vào văn học. Ngoài Doãn Quốc Sỹ và Nguyễn Sỹ Tế, vẫn như đứng riêng, trung thành với phong cách và những giá trị truyền thống, cổ điển, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, nhờ tài năng,nhờ kinh nghiệm sống và viết, đã gói ghém, chuyên chở, văn chương hóa được một số tư tưởng và ngôn ngữ Triết Học Hiện Sinh trong hình thái phổ thông” (bài đã dẫn).
Vì vậy, khi tìm hiểu sự phát triển của văn học, không thể không nhắc đến vai trò của các nhà giáo, nhà biên khảo và các dịch giả, chính họ đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo tư tưởng cho người viết và người đọc.
Tóm lại, văn học Miền Nam, nhờ dựa trên những nền móng khá vững về mặt giáo dục và tư tưởng, nhờ được hưởng một không khí tương đối tự do trong sáng tác, nhờ có một thành phần độc giả đông đảo, đủ mọi trình độ, từ văn chương bình dân đến văn chương bác học, cho nên đã phát triển được trong điều kiện một xã hội suy đồi, đầy tệ nạn của thời chiến.
Văn học Miền Nam từ 1954 đến 1975
Sau 1954, ở Miền Nam có thể phân biệt hai lớp trí thức văn nghệ sĩ:
Thế hệ đầu, gồm những người đã từng hoạt động và nổi danh từ tiền chiến hoặc trước như: Hồ Biểu Chánh, Nhất Linh, Lê Văn Trương, Tam Lang, Nguyễn Vỹ, Đỗ Đức Thu, Vi Huyền Đắc, Phùng Tất Đắc, Vũ Bằng, Tchya Đái Đức Tuấn, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Đức Quỳnh, Đào Đăng Vỹ, Đỗ Thúc Vịnh, Tạ Tỵ, Lý Văn Sâm, Tam Ích, Thiên Giang, Thê Húc, Lê Văn Siêu, Thẩm Thệ Hà, Phi Vân, Phú Đức, … các nhà thơ như Tương Phố, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bàng Bá Lân, Quách Tấn, … các nhạc sỹ như Lê Thương, Hùng Lân, Thẩm Oánh, Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, v.v. Trừ các nhạc sĩ như Phạm Duy, Dương Thiệu Tước… vẫn còn hoạt động mạnh, các nhà văn nhà thơ trong thế hệ này không còn sức thu hút như trước mặc dù họ vẫn có mặt trên văn đàn; Nhất Linh với tờ Văn hoá ngày nay và hai tác phẩm giá trị Xóm Cầu Mới và Dòng sông Thanh Thuỷ, Vũ Hoàng Chương vẫn làm thơ, vẫn được mọi người xưng tụng, nhưng dường như các ông đã bị thời đại và lớp trẻ đẩy lùi vào quá khứ. Đinh Hùng là trường hợp đặc biệt sự nghiệp thi ca bắc cầu giữa thời tiền chiến và chia đôi Nam Bắc, nhưng thơ Đinh Hùng mang dấu vết của thời lãng mạn, trở thành một giá trị “cổ điển”.
Sự hình thành nền văn học Miền Nam nằm trong tay thế hệ thứ nhì, là những người bắt đầu vào nghiệp giảng dạy, viết biên khảo, sáng tác, ít lâu trước và phần lớn sau 1954. Chính họ là những người đã góp phần xây dựng một nền văn học, khác hẳn tiền chiến, nhiều người đã cập nhật hoặc phổ biến tư tưởng hiện đại của thế giới bên ngoài vào Việt Nam.
Phía nhà giáo, triết Tây, như Lê Tôn Nghiêm, Trần Văn Toàn, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Văn Trung, Trần Bích Lan, v.v., triết Đông như Nguyễn Đăng Thục, Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Khắc Kham, Nghiêm Toản, Kim Định, Nhất Hạnh, v.v. Phần biên khảo với: Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Lê Ngọc Trụ, Lê Văn Đức, Lê Văn Lý, Trương Văn Chình, Đào Văn Tập, Phạm Thế Ngũ, Vương Hồng Sển, Thanh Lãng, Nguyễn Ngu Í, Nguyễn Văn Xuân, Lê Tuyên, Đoàn Thêm, Hoàng Văn Chí, Nguyễn Bạt Tụy, Phan Khoang, Phạm Văn Sơn, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Khắc Ngữ, Nguyễn Văn Sâm, v.v.
Về thơ với Nguyên Sa, Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng, Tô Thùy Yên, Bùi Giáng, Viên Linh, Hoàng Trúc Ly, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Đức Sơn, Du Tử Lê, v.v..
Về văn, như Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Duy Thanh, Mặc Thu, Mặc Đỗ, Thanh Nam, Nhật Tiến, Linh Bảo, Nguyễn Thị Vinh, Phan Du, Đỗ Tấn, Nguyễn Mạnh Côn, Sơn Nam, Võ Hồng, Minh Đức Hoài Trinh, Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Đình Toàn, Chu Tử, Viên Linh, Duyên Anh, Phan Nhật Nam, Nguyên Vũ, Vũ Hạnh, Y Uyên, Cung Tích Biền, Duy Lam, Thế Uyên, Lê Tất Điều, Hoàng Hải Thủy, Văn Quang, Nguyễn Thụy Long, Phan Lạc Tiếp, Thế Nguyên, Thế Phong, Diễm Châu, Thảo Trường, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Mộng Giác, Ngô Thế Vinh, Trần Thị Ngh, v.v.
Về phê bình văn học như Tam Ích, Cao Huy Khanh, Lê Huy Oanh, Đỗ Long Vân, Đặng Tiến, Uyên Thao, Huỳnh Phan Anh, v.v.
Một trong những tác phẩm có tính cách giao thời và chuyển hướng văn học, ở trong Nam là cuốn Nhốt gió của Bình Nguyên Lộc, xuất hiện năm 1950, dưới thời kháng chiến, nhưng không có màu sắc đấu tranh mà lại mang tính cách đổi mới văn học, mở đầu một lối viết truyện, Bình Nguyên Lộc không gọi là truyện ngắn mà gọi là tân truyện (dịch chữ nouvelle của Pháp) và ông có một quan niệm, một định nghiã rõ ràng về tân truyện. Có thể coi Nhốt gió đánh dấu sự cách tân truyện ngắn, trong Nam, thập niên 50; và Giao thừa của Vũ Khắc Khoan (1949), ở ngoài Bắc, là bản kịch phi lý đầu tiên trong văn chương Việt Nam.
Báo chí và văn học
Hoạt động văn học và báo chí ở trong Nam hầu như không bị gián đoạn trong thời kháng Pháp, cho nên có thể nói, Miền Nam giữ được một sinh hoạt báo chí và văn học liên tục và tương đối tự do từ cuối thế kỷ XIX cho đến 1975, ngay cả dưới thời Pháp thuộc.
Trong địa hạt báo chí, Sàigòn xưa nay vẫn là trung tâm của báo chí, ngoài những nhật báo lớn đã xuất hiện từ trước, như tờ Thần Chung, sau đổi thành Tiếng Chuông của Đinh Văn Khai, Sài Gòn Mới của bà Bút Trà, v.v. khi người Bắc di cư vào Nam có thêm tờ Tự Do, tiếp đến Ngôn Luận. Đó là những nhật báo lớn có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng. Hoạt động báo chí ở Sài Gòn càng ngày càng phát triển, theo Vũ Bằng, đến tháng 12 năm 1963, ở Sài Gòn có tới 44 tờ báo ra hàng ngày.
Tự Do là nhật báo đầu tiên của người di cư, quy tụ những tên tuổi như: Tam Lang (Vũ Đình Chí), Mặc Thu (Lưu Đức Sinh), Mặc Đỗ (Đỗ Quang Bình), Vũ Khắc Khoan, Như Phong (Lê Văn Tiến); Nguyễn Hoạt (Hiếu Chân), Đinh Hùng (Hoài Điệp Thứ Lang, Thần Đăng), Phạm Tăng…
Theo lời nhà văn Mặc Đỗ: “Nghị định cho phép Tự Do xuất bản do chính tôi ký [lúc ấy ông làm việc ở Bộ Thông tin cùng với Vũ Khắc Khoan], tôi tập hợp ban chủ trương [...] Có giấy phép rồi phải lo tìm vốn. May sao có tổ chức quốc tế International Rescue Committee (IRC) sẵn sàng tài trợ cho tờ báo [...] Từ phút đầu tôi nghĩ ra và bàn với Khoan đồng ý cho tới ngày cuối cùng của tờ báo tuyệt đối không một ảnh hưởng nào từ bất kỳ đâu tới đường lối và hoạt động của tờ Tự Do [...] Ban chủ trương (in rõ mỗi ngày trên măng-xét) chỉ có Tam Lang, Vũ Khắc Khoan, Đinh Hùng, Mặc Thu, Như Phong và tôi. [...] Anh Tam Lang chủ nhiệm lo điều hành, Mặc Thu lo trị sự tiền bạc, Vũ Khắc Khoan là người trực tiếp liên lạc với J. Buttinger của IRC, tôi không dự. Sau một lượt tài trợ ban đầu, Tự Do tự nó đứng vững (lập trường hợp với độc giả di cư, tài tổ chức bán báo lo trị sự) còn có lời là khác. Tuy ở trong ban chủ trương Vũ Khắc Khoan rất ít đến toà báo và không hề viết một bài. Tôi lo cho Tự Do chạy rồi thì để anh em làm” (trích bài “Văn học Miền Nam, tờ Tự Do, nhóm Quan Điểm và Văn học hải ngoại, Mặc Đỗ trả lời Nguyễn Tà Cúc”, Khởi Hành số 98, tháng 12/2004).
Theo lời họa sĩ Phạm Tăng: Như Phong Lê Văn Tiến là linh hồn của tờ báo. Tháng giêng năm 1956, Tự Do bị đưa ra toà vì hai bài xã luận của Nguyễn Hoạt đả phá khiá cạnh tiêu cực của chính quyền và những tranh biếm họa của Phạm Tăng chế giễu bà Nhu và chế độ. Phạm Tăng được trắng án, nhưng Nguyễn Hoạt và Mặc Thu bị tù ba tháng. Ít lâu sau Tự Do đình bản. Có thể nói, Tự Do là cơ sở báo chí đầu tiên quy tụ những khuôn mặt trí thức di cư, và nó đã làm đúng vai trò của một tờ báo tự nhận là “tiếng nói của người Việt tự do” lúc bấy giờ.
-Về mặt văn học, nhóm Quan Điểm do Vũ Khắc Khoan thành lập với Nghiêm Xuân Hồng, Mặc Đỗ, từ Hà Nội. Vũ Khắc Khoan đã in kịch trên báo Phổ Thông từ 1948: Thằng cuội ngồi gốc cây đa (1948), Giao Thừa (1949), tùy bút Mơ Hương Cảng (1953), và đạo diễn kịch tại nhà Hát Lớn. Nhóm Giao Điểm (tên nhà xuất bản do Mặc Đỗ điều hành) được người đương thời gọi là nhóm “trí thức tiểu tư sản”, bởi tác phẩm của họ, trong những ngày đầu chia cắt đất nước, thường có những nhân vật mang nỗi hoang mang, trăn trở của người trí thức tiểu tư sản trước ngã ba đường: theo bên này, bên kia, hay đứng ngoài thời cuộc? Nghiêm Xuân Hồng nghiên cứu triết học. Vũ Khắc Khoan, kịch tác gia, nổi tiếng từ tập truyện ngắn Thần Tháp Rùa (1957) và Mặc Đỗ, nhà văn mà cũng là dịch giả nổi tiếng.
-Nhóm Sáng Tạo, theo Trần Thanh Hiệp, trước tiên, là một nhóm sinh viên hoạt động trong Tổng hội Sinh viên Hà Nội, trước 1954, gồm bốn người: Nguyễn Sĩ Tế, Doãn Quốc Sĩ, Thanh Tâm Tuyền và Trần Thanh Hiệp, chủ trương nguyệt san Lửa Việt. Sau 1954, vào Sài Gòn, tiếp tục hoạt động văn nghệ, làm tuần báo Dân Chủ (Trần Thanh Hiệp và Thanh Tâm Tuyền phụ trách phần văn nghệ), rồi tờ Người Việt (tiền thân của tờ Sáng Tạo). Lúc ấy Mai Thảo gửi đến truyện ngắn Đêm giã từ Hà Nội, Thanh Tâm Tuyền đọc, thích và đăng ngay (Xem Trong đất trời nhau…, Thanh Tâm Tuyền, Tạp chí thơ, Cali, số mùa Xuân 1998). Nhóm có thêm Mai Thảo. Sau mở rộng với Lữ Hồ, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Quách Thoại. Trên Sáng Tạo, ngoài những tên tuổi kể trên còn thường xuyên thấy: Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, Dương Nghiễm Mậu, họa sĩ Thái Tuấn.
Sáng Tạo số đầu ra tháng 10 năm 1956. Sáng Tạo bộ cũ ngừng ở số 27 (tháng 12/58), và bộ mới tiếp tục đến số 7 (tháng 3/62) thì ngừng hẳn. (tài liệu của Viên Linh trong bài Mai Thảo riêng tây, Khởi Hành số 16, tháng 8/1997).
Sáng Tạo do Mai Thảo chủ trương và kiếm nguồn tài trợ. Trong câu chuyện riêng tư với chúng tôi, tháng 7/97 tại Cali, khi hỏi ông: “Thưa anh, Sáng Tạo thành lập bằng tiền của ai?” Mai Thảo trả lời: “Bằng cái hợp đồng tôi ký với với một thằng Mỹ ở Virginia, không biết bây giờ sống chết thế nào, đó là cái hợp đồng bán báo, không có điều gì cần giấu diếm hết, đại khái nếu mình in 5000 tờ, thì nó mua đứt cho mình 2000, vừa đủ tiền in, tiền giấy, không có cái nghiã gì khác hết, và cũng không có điều kiện gì khác hết”. Hỏi: “Hình như có lúc anh nhiều tiền lắm, anh tiêu vung lên, bao bè bạn?” Trả lời: “Những bạn văn khác, thường thường họ phải đi dạy học để đưa tiền cho vợ con. Tôi chỉ đi chơi với Phạm Đình Chương, Vũ Khắc Khoan. Thường thường tụi nó không có tiền, không có phương tiện để đi chơi đêm, tôi thì lúc đó nhiều tiền lắm. Tôi best sellers mà”.
- Bình Nguyên Lộc: chủ trương tờ Nhân Loại từ 1956 đến 1958, rồi từ 1959, tờ Vui sống.
- Bách Khoa ra đời tháng 1/ 1957 và sống đến 1975. Bách Khoa là nguyệt san văn học nghệ thuật sống lâu nhất, ra được tất cả 426 số. Bách Khoa do Huỳnh Văn Lang, một công chức cao cấp trong Viện hối đoái sáng lập, điều hành và tài trợ trong những năm đầu, Lê Ngộ Châu làm thư ký toà soạn. Đến 1963, khi ông Diệm đổ, Huỳnh Văn Lang bị bắt, bị tù, mới trao hẳn cho Lê Ngộ Châu. Bách Khoa quy tụ được nhiều tầng lớp nhà văn khác nhau trong mọi lứa tuổi. Những cây bút nổi tiếng cộng tác thường xuyên với Bách Khoa là Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, Nguyễn Ngu Ý, Vũ Hạnh, Võ Hồng, Đoàn Thêm, Nguyễn Văn Xuân, Bình Nguyên Lộc…. Theo Võ Phiến, trong thời kỳ cực thịnh, tức là khoảng 1959-1963, mỗi số Bách Khoa bán được 4500 đến 5000, nhưng báo Văn (ra sau) còn bán chạy hơn.
- Tạp chí Văn hoá ngày nay của Nhất Linh ra đời ngày 17/6/1958, được 11 số thì đình bản. Nguyễn Thị Vinh chủ trương tiếp các tờ Tân Phong, Đông Phương, theo chiều hướng Văn hoá ngày nay.
- Tạp chí Đại học, tờ báo của Viện Dại học Huế do Linh mục Cao Văn Luận, Viện trưởng, làm chủ nhiệm, ra đời năm 1958 ở Huế, và sống đến năm 1964. Trên Đại học, xuất hiện những bài đầu tiên của Nguyễn Văn Trung, người sau này sẽ có ảnh hưởng lớn đến sinh viên và trí thức.
-Văn Nghệ của Lý Hoàng Phong (1959) và Dương Nghiễm Mậu.
- Thế kỷ XX của Nguyễn Khắc Hoạch (do Thế Nguyên điều hành) (1960).
-Văn học của Phan Kim Thịnh, từ 1962 đến 1975.
v.v.
Đó là những tờ báo xuất hiện dưới thời ông Diệm, thời kỳ mà sự kiểm duyệt còn tương đối khắt khe. Sau khi ông Diệm đổ, báo chí được tự do hơn. Từ năm 1963, bắt đầu một giai đoạn mới, xuất hiện những tờ báo khác.
-Tạp chí Văn của Nguyễn Đình Vượng, ra đời ngày 1/1964 và sống đến 1975. Văn do Trần Phong Giao trông nom trong 10 năm, đến 1974 chuyển lại cho Mai Thảo. Văn cũng quy tụ được nhiều lớp nhà văn ở nhiều lớp tuổi, khắp các khuynh hướng từ Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền đến Thế Uyên, Nguyễn Mạnh Côn, Bình Nguyên Lộc… Văn đặc biệt ưu tư đến việc dịch thuật và giới thiệu văn học nước ngoài. Trần Phong Giao cũng là một dịch giả nổi tiếng, thêm Trần Thiện Đạo, sống ở Paris, dịch và viết về những phong trào văn học đang thịnh hành ở Pháp.
- Nguyễn Văn Trung, Thế Nguyên, chủ trương những tờ như Hành Trình (1964-1966, 10 số), Đất Nước (1967-1969, 18 số), Trình Bày (42 số), quy tụ những ngòi bút trẻ, nói lên những vấn đề nóng bỏng của thời đại.
- Nghệ thuật, Mai Thảo, chủ nhiệm, Viên Linh, thư ký toà soạn, số 1 tháng 10/65. Ra được 56 số.
- Giữ thơm quê mẹ của Nhất Hạnh (1965).
- Nghiên cứu văn học, Thanh Lãng chủ nhiệm, Thế Nguyên, thư ký toà soạn, ra được 10 số từ 11/67 đến 11/68. Tục bản tháng 3/1970 đến số 16 (15/6/1972) thì đình bản.
- Tin Văn của nhóm Lữ Phương, Vũ Hạnh.
- Gió mới, Hiện đại của Nguyên Sa.
- Vấn đề và Ý thức của Vũ Khắc Khoan,
- Khởi Hành (1969-1972) báo của quân đội, do Viên Linh làm Thư ký toàn soạn.
- Thời Tập (1972-1975) của Viên Linh.
- Đối diện của Nguyễn Ngọc Lan,
- Thái độ của Thế Uyên
- Đời của Chu Tử, v.v.
(những ngày, tháng, xuất hiện của các báo, chúng tôi ghi theo tài liệu của Võ Phiến, Viên Linh, và Nguyễn Văn Trung).
Các nhóm, các khuynh hướng
Về các nhóm, Viên Linh trong cuốn Chiêu niệm văn chương về Vũ Hoàng Chương, viết: “Các nhà văn xuất hiện thường xuyên, trên nhật báo, qua các nhà xuất bản, nhất là trên các báo định kỳ, và thành từng nhóm. Lý lịch văn chương và sắc thái địa phương của họ rất tương đồng, tùy theo nhóm tạp chí trên đó họ góp mặt. Đa số các nhà văn Miền Nam qui tụ trên các tờ tuần báo Đời Mới, Nhân Loại, và nhật báo như Tiếng Chuông, Sàigon Mới (Hồ Hữu Tường, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Kiên Giang, Lưu Nghi, Thẩm Thệ Hà, Trang Thế Hy…). Các nhà văn gốc Miền Trung trên tờ Văn Nghệ Mới, Bách Khoa (Võ Thu Tịnh, Nguyễn Văn Xuân, Võ Phiến, Đỗ Tấn, Vũ Hạnh, Bùi Giáng, Võ Hồng, Nguyễn Thị Hoàng); các nhà văn “di cư” xuất hiện trên các tờ Đất Đứng, Sáng Tạo, và trên các nhật báo như Tự Do, Ngôn Luận (Đỗ Thúc Vịnh, Nguyễn Hoạt, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn Sỹ Tế, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền) hay Văn Nghệ (Lý Hoàng Phong, Dương Nghiễm Mậu, Viên Linh, Nguyễn Đức Sơn), Hiện Đại (Nguyên Sa, Trần Dạ Từ, Nhã Ca). Tờ Chỉ Đạo, Phụng Sự, Tiền Tuyến quy tụ các nhà văn quân đội hay quân nhân đồng hoá như Nguyễn Mạnh Côn, Mặc Thu, Thanh Nam, Phan Nhật Nam, Thảo Trường…” (Trích Chiêu Niệm Văn Chương, Khởi Hành, Cali, 2000, trang 16-17).
Về các khuynh hướng khác nhau, Viên Linh viết: “Khuynh hướng Phật giáo có các tờ Tư Tưởng, Vạn Hạnh với Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Hữu Hiệu; khuynh hướng Thiên chúa giáo La Mã có Hành Trình, Đối Diện với Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Diễm Châu, Thế Nguyên. Mặc dù đảng Cộng Sản bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, song các nhà văn theo Cộng Sản như Nguyễn Ngọc Lương, Minh Quân, Vũ Hạnh vẫn tạo được diễn đàn riêng (Tin Văn ) hay hiện diện trong tổ chức Văn Bút dưới thời linh mục Thanh Lãng làm chủ tịch. Những tờ như Văn, Phổ Thông, Văn Học, qui tụ các nhà văn không có lập trường chính trị biểu hiện rõ rệt, mà thuần túy văn thơ cổ điển như Đông Hồ, Mộng Tuyết, Nguyễn Vỹ, Bùi Khánh Đản, hay văn nghệ thời đại, sinh hoạt thành phố như Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Túy Hồng; những tờ về nghệ thuật trình diễn hay về phụ nữ quy tụ các nhà văn như Tùng Long, An Khê, Lê Xuyên, Nguyễn Thụy Long, Hoàng Hải Thủy, Văn Quang…” (Viên Linh, sđd, trang 17-18).
Về giới cầm bút sau 1963, Nguyễn Văn Trung viết: “Giới cầm bút sau 1963, họ là những người hồi 1954 trên dưới mười tuổi theo gia đình vào Nam hoặc sinh trưởng lớn lên ở Miền Nam hầu hết có tú tài và tốt nghiệp đại học. Số lượng giới trẻ cầm bút này càng ngày càng đông đảo theo đà thành lập các đại học ở các tỉnh Huế, Đà Lạt, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Long Xuyên, Tây Ninh và các đại học tư ở Sài Gòn như Vạn Hạnh, Minh Đức… Họ trưởng thành về tuổi đời và nhận thức sau 1963, trong hoàn cảnh nhiều xáo trộn chính trị, xã hội chiến tranh mở rộng với sự can thiệp ồ ạt của quân đội nước ngoài. Thời cuộc và chính trị là thiết thân đối với họ vì bị động viên, đi quân dịch.[...] Do đó, họ có lối nhìn thời cuộc đất nước và nghệ thuật văn học khác hẳn với lối nhìn của đàn anh họ viết từ trước 1963.(…) Thơ văn giới trẻ viết sau 1963 thường theo một xu hướng chung, phản ánh vũ trụ Kafka, như tên đặt cho một số đặc biệt về thơ văn của Hành Trình, hoặc phản ánh thân phận những nhân vật Việt Nam tương tự những nhân vật trong tiểu thuyết Giờ thứ hai mươi lăm của Gheorghiu”. (Hướng về Miền Nam Việt Nam, Nguyễn Văn Trung, Khởi Hành số 92, tháng 6/2004).
Về việc kiểm duyệt ở Miền Nam, Nguyễn Văn Trung viết: “Báo thì không phải kiểm duyệt nhưng có thể bị tịch thu đưa ra toà. Trong khuôn khổ chính sách hạn chế tự do chính trị như vậy, nếu không xuất bản công khai, hợp pháp, vẫn có thể in ronéo, phổ biến, bày bán ngay cả trên các sạp báo và có thể bị tịch thu… Người cầm bút viết những điều cấm kỵ, phê phán chính sách này, chính sách kia của nhà nước, thậm chí họp nhau viết kháng thư phản đối, đăng trên báo mà không lo ngại về an ninh chính trị của bản thân gia đình bạn bè. Nói cách khác, viết phê phán mà không sợ nhà nước.
Thời Việt Nam Cộng hoà (1955-1975), những gì tôi viết thành sách đưa kiểm duyệt, cuốn được phép xuất bản, cuốn không, hoặc những bài báo sau gom lại thành sách đưa kiểm duyệt thường được phép, nhưng bỏ một số bài và có thể nói rõ những bài đó bị kiểm duyệt. Đây là tình trạng chung, do đó người thời sau muốn tìm hiểu những người cầm bút thời kỳ 1955-1975 cần lưu ý tìm đọc không phải chỉ sách được xuất bản công khai hợp pháp mà cả những sách không xuất bản được, nhưng vẫn có và còn đó trong các tạp chí và chính những bài đăng trong các tạp chí không được xuất bản thành sách, mới phản ánh trung thực tâm tư người viết về thời kỳ họ sống”. (Nguyễn Văn Trung, bài đã dẫn).
*
Tóm lại, sau 1954: tờ báo đẩy mạnh việc đổi mới văn học là tờ Sáng Tạo, ra đời cùng với hai tác phẩm chủ chốt của Thanh Tâm Tuyền: tập thơ Tôi không còn cô độc (1956) và tiểu thuyết Bếp lửa (1957). Tờ báo chú trọng đến việc giới thiệu văn chương nước ngoài là tờ Văn của Nguyễn Đình Vượng và Trần Phong Giao. Bách Khoa là tạp chí văn học sống lâu nhất và quy tụ những khuynh hướng chính trị đối chọi nhất. Nguyễn Hiến Lê ghi lại trong hồi ký: “Tư tưởng chính trị của những cây viết nòng cốt của Bách Khoa có khi trái ngược nhau: Vũ Hạnh thiên cộng, sau theo cộng. Võ Phiến chống cộng. Đoàn Thêm, Phan Văn Tạo, không ưa cộng nhưng cũng không đả; không thích Mỹ nhưng cũng không nói ra [...] Tôi, có lẽ cả Nguyễn Ngu Ý và Lê Ngộ Châu có cảm tình với kháng chiến [...] Mặc dầu vậy, các anh em trong toà soạn vẫn giữ tình hoà hảo với nhau. Xu hướng phản nhau như Vũ Hạnh và Võ Phiến mà vẫn trọng tư tưởng của nhau, ít nhất trong 10 năm đầu. Đó là điểm tôi quý nhất. (Trích Đời viết văn của tôi, của Nguyễn Hiến Lê, nxb Văn Nghệ, Cali 1986, trang 143).
Nhờ hệ thống báo chí phát triển, quần chúng độc giả đông đảo đủ mọi thành phần, các nhà văn nổi tiếng như Mai Thảo, Bình Nguyên Lộc, Túy Hồng, Nhã Ca, Duyên Anh, Chu Tử, Thanh Nam, v.v. đều sống bằng ngòi bút một cách dư giả. Họ là những người viết chuyên nghiệp. Nhiều nhà văn có nhà xuất bản riêng. Nguyễn Hiến Lê trong 30 năm biên khảo và dịch thuật đã viết được 100 quyển sách trước 75, và 20 cuốn sau 75. Nguyễn Văn Trung, ngoài lượng sách về triết học, văn học, in trước 75, trong những công trình sau 75, có bộ Lục Châu Học, nghiên cứu về văn học Miền Lục tỉnh Nam Kỳ, hiện nay chưa in, nhưng những người nghiên cứu trong và ngoài nước vẫn thường sử dụng mà không nói xuất xứ.
Những nhà văn như Hồ Hữu Tường, Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo… cũng đều có những số lượng tiểu thuyết trên dưới 30 cuốn. Về sáng tác, lượng nhiều thì phẩm có giảm, nhưng đó là cái giá mà nhà văn phải trả.
Một thành phần độc giả đa dạng, nhiều từng lớp khác nhau. Trong giai đoạn đầu từ 56 đến 63: độc giả có học đọc Bách Khoa, Văn Hoá Ngày Nay… lớp trẻ cấp tiến đọc Sáng Tạo, lớp trí thức đọc nhóm Quan Điểm.
Từ 1963 trở đi, báo chí trở nên đa dạng, tờ Văn có một chỗ đứng riêng biệt trong sự tiếp cận với văn học nước ngoài, và cũng là tạp chí văn học bán chạy nhất thời ấy. Và những tờ như Đất Nước, Hành Trình, Trình Bày… nói đến những vấn đề thiết thân của con người trước chính trị và chiến tranh. Những tờ như Đối Diện của Nguyễn Ngọc Lan chống lại chính quyền…
Về sự lựa chọn tác giả, có thể nói: Lớp trẻ bụi đời thích đọc Duyên Anh. Lớp sống vũ bão thích Chu Tử. Túy Hồng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, phản ảnh lớp phụ nữ tân tiến, nhận thức chính mình qua thân xác. Lớp trí thức thích cách đặt vấn đề của Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Nghiêm Xuân Hồng. Lớp trẻ lãng mạn giao thời thích đọc Mai Thảo. Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu là những tác giả khó, đòi hỏi người đọc một trình độ trí thức cao. Quần chúng bình dân thích Lê Xuyên, Tùng Long… Học sinh trường Tây đọc văn chương ngoại quốc qua tiếng Pháp, tiếng Anh. Học sinh trường Việt đọc các tác phẩm ngoại quốc qua bản dịch hoặc phóng tác.
Đặc điểm
Đặc điểm chính của nền văn học Miền Nam từ 1954 đến 1975, là đã thoát khỏi văn học thế kỷ XIX, giã từ lãng mạn tiền chiến. Nhiều nhà văn tìm cách xây dựng tư tưởng trên nền triết học hiện đại, đưa con người về hướng tìm hiểu chính mình. Triết học hiện sinh xuất hiện dưới nhiều hình thức: phòng trà tửu quán, ăn chơi, bụi đời, là tầng thấp nhất; ở mức cao hơn, nó hậu thuẫn cho tác phẩm: con người quay về khảo sát chính mình, nhận thức chính mình, với những nhân vật của Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu… Cách mô tả của Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, nhiều chỗ, cho thấy các ông đã dùng hiện tượng luận trong sự mổ xẻ và phân tích. Để áp dụng tư tưởng triết học vào thực tế văn học một cách vừa phải, dễ hiểu, đã có các ngòi bút như Nguyên Sa, vừa là giáo sư triết vừa là nhà thơ, như Nguyễn Văn Trung vừa là giáo sư đại học vừa viết sách triết học và phê bình văn học. Quan niệm dấn thân của Sartre, qua Nguyễn Văn Trung, thâm nhập vào đời sống giới trẻ: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lữ Phương, Nguyễn Đắc Xuân, là học trò của Nguyễn Văn Trung, do ảnh hưởng quan niệm dấn thân của Sartre mà vào bưng hồi 1968. Cuốn Ca tụng thân xác của Nguyễn Văn Trung cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến các nhà văn phụ nữ trong lối viết mạnh bạo về thân xác của họ.
Tóm lại, triết học hiện sinh, chủ nghiã siêu thực và phân tâm học, giúp một số tác giả đào sâu thêm nhiều vấn đề trọng yếu của con người, của đất nước, đặt lại vấn đề chiến tranh. Kịch của Vũ Khắc Khoan phát triển khía cạnh phi lý trong đời sống. Thanh Tâm Tuyền trong thơ tự do, khai phá vùng tiềm thức con người bằng những cách tạo hình mới lạ. Truyện của Dương Nghiễm Mậu đào sâu cái trống rỗng ghê ghớm trong hiện sinh con người, bị tha hoá trong chiến tranh và nhược tiểu. Mai Thảo vẽ lại một thời kháng chiến đầy ảo tưởng, và tạc những bộ mặt hư vô, chán chường, sống vật vờ trong say sưa, nơi vũ trường thành thị. Võ Phiến đào sâu xuống những mất mát của con người khi phải bứt khỏi nguồn cội, tra khảo vùng bản năng sâu kín của tính dục. Phan Nhật Nam trình bày những bi đát của đời lính, những kẻ cầm súng bắn vào quê hương mình. Bình Nguyên Lộc tìm về nguồn cội của dân tộc di dân từ Bắc vào Nam, chiếm hữu đất đai của người Chàm, người Chân Lạp, tìm sống trong rừng đước, rừng mắm, vươn lên từ hai yếu tố cơ bản: đất và nước. Nguyễn thị Hoàng, Túy Hồng, Thụy Vũ, Trùng Dương, Nhã Ca, Trần Thị Ngh… thể hiện tâm linh táo bạo của người phụ nữ thời đại, chao đảo trước một thứ nữ quyền vừa thành hình qua sự nhận diện thân xác, và bị dằn vặt trong một xã hội vẫn còn chưa hẳn thoát khỏi đạo lý Khổng Mạnh, v.v.
Mỗi nhà văn có một vùng khai phá riêng. Tính chất đa dạng ấy khiến cho văn học Miền Nam, qua các ngòi bút khác nhau, đã phản ánh được thân phận con người trong xã hội chiến tranh, bằng những hình thức sáng tạo mới, khác hẳn tiền chiến, tạo cho văn học Việt Nam một bộ mặt trưởng thành trong tâm thức nhà văn và tâm thức độc giả.
Thụy Khuê
Paris, tháng 10/2007
Bản Văn Việt, đọc lại và sửa chữa ngày 4/7/2014
Tác giả gửi Văn Việt.