Tham Khảo
Vì sao Mỹ thất bại ở Biển Đông?
Tác giả: Ngô Di Lân
Cuộc chiến giành ngôi vương ở Châu Á – Thái Bình Dương vẫn còn chưa ngã ngũ nhưng rõ ràng Mỹ đã thất bại trong việc ngăn chặn bước tiến của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc chưa trở thành một bá quyền thực thụ ở Châu Á, song họ đã thành công trong việc đơn phương thay đổi nguyên trạng lãnh thổ ở Biển Đông mà không bị trừng phạt. Từ các nước láng giềng Châu Á cho đến Mỹ đều phải ngầm chấp nhận rằng những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây nên một cách trái phép ở Biển Đông là “sự đã rồi”. Trong thời gian trước mắt sẽ không có bất kì thế lực nào sẵn sàng thách thức sự kiểm soát của Trung Quốc đối với những hòn đảo này. Bước đầu trong đại kế hoạch “chấn hưng phục quốc” của người Trung Hoa đã thành công.
Nguyên nhân Mỹ thất bại
Lịch sử gần như chắc chắn sẽ ghi nhận Obama như một trong những tổng thống có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ bởi những di sản đối nội mà ông đã để lại như việc thông qua đạo luật chăm sóc y tế “Obamacare”. Nhưng Obama cũng sẽ là một nhân vật gây tranh cãi bậc nhất bởi ông được cho là để lại một di sản đối ngoại không thể tệ hơn cho nước Mỹ. Không ít người cho rằng “thế giới hậu Obama” là một thế giới vô cùng hỗn loạn và nguy hiểm mà trong đó vị thế của Mỹ ngày càng bị suy yếu đáng kể. Đây không phải là một quan điểm vô lý.
Ở Châu Âu, nước Nga đang trở mình mạnh mẽ để tìm lại vị thế cường quốc năm xưa. Cuộc khủng hoảng Ukraine cùng quyết định sáp nhập bán đảo Crimea của Nga đã phá tan sự bình yên bấy lâu nay của “thiên đường” Châu Âu và đặt khối NATO vào thế báo động. Đồng minh thân cận nhất của Mỹ là Anh Quốc đã rời khối EU, gây ảnh hưởng ít nhiều đến sự đoàn kết trong khối. Tệ hơn nữa, Brexit đã vô tình đặt ra tiền lệ cho việc một quốc thành viên ra rút khỏi EU – điều rất có thể sẽ đe doạ sự tồn tại của EU trong tương lai lâu dài.
Ở Châu Á, Trung Quốc vẫn ngang nhiên ỷ thế nước lớn bắt nạt các nước láng giềng nhỏ. Bên cạnh đó, Bắc Kinh vẫn không ngừng mở rộng và quân sự hoá tranh chấp ở Biển Đông mà không vấp phải sự chống đối đáng kể nào. Mặc dù Obama tuyên bố xoay trục về Châu Á nhưng không có động thái gì thực chất để thách thức các nước cờ ngoại giao cứng rắn của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong khi đó, Hiệp định thương mại TPP được cho là yếu tố chủ chốt trong chính sách tái cân bằng thì Obama lại không thể thông qua Quốc hội trong nhiệm kỳ của mình và giờ TPP về cơ bản đã bị Trump xoá sổ.
Ở Trung Đông, cuộc nội chiến Syria vẫn chưa đến hồi kết và sự tung hoành của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đang tiếp tục đặt cả khu vực này vào tình thế bất ổn. Hơn nữa, sự bất ổn ở khu vực Trung Đông đang tạo ra một cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có, gây ảnh hưởng trực tiếp tới ổn định xã hội ở các nước Châu Âu do sự gần gũi về mặt địa lý. Hệ quả là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tuý và cánh hữu cực đoan ở nhiều nước Châu Âu. Một khi chủ nghĩa cánh hữu bài ngoại lên ngôi, rất có thể Châu Âu sẽ một lần nữa tự đẩy mình đến bờ vực chiến tranh, một việc lâu nay được xem là không tưởng.
Nếu nhìn vào bức tranh tăm tối này, có lẽ nhiều người sẽ kết luận rằng Mỹ thất bại ở Biển Đông là do sự yếu kém và thiếu quyết đoán của Obama. Tuy nhiên, Obama không phải là nguyên nhân số một dẫn đến thất bại của Mỹ ở Biển Đông trước Trung Quốc. Mỹ thất bại chủ yếu vì họ là một siêu cường toàn cầu (global superpower) còn Trung Quốc chỉ là một cường quốc khu vực (regional power) và cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung đang diễn ra ở sân sau của Trung Quốc.
Không ít các học giả và chuyên gia đã nhận định rằng Mỹ và Trung Quốc đang bước vào một cuộc “Chiến tranh Lạnh” không khác gì cuộc cạnh tranh Mỹ-Xô sau Thế Chiến II. Đây là một nhận định sai lầm bởi trong suốt chiều dài của Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đều là hai siêu cường toàn cầu. Cả hai đều có lợi ích chiến lược ở gần như tất cả các khu vực trọng yếu và đều có tham vọng truyền bá hệ tư tưởng của mình đi khắp năm châu. Vì vậy, cuộc cạnh tranh quyền lực Mỹ-Xô là một cuộc cạnh tranh quyền lực ở quy mô toàn cầu còn mâu thuẫn Mỹ-Trung hiện nay về cơ bản chỉ tập trung ở khu vực Châu Á nói chung và Đông Á nói riêng. Đây là điểm mấu chốt lý giải vì sao Mỹ lại thất thế trước Trung Quốc ở Biển Đông. Thứ nhất, vì Mỹ là siêu cường toàn cầu nên chỉ có lợi thế hơn Trung Quốc khi cạnh tranh ở quy mô toàn cầu. Khi mà khoảng cách giữa sức mạnh của Mỹ và Trung đã thu hẹp đáng kể thì Trung Quốc mới là bên chiếm ưu thế khi hai bên tranh đấu ở sân sau của Trung Quốc. Thứ hai, vì Biển Đông là khu vực sát sườn đối với Trung Quốc hơn đối với Mỹ nên Trung Quốc sẽ có quyết tâm hơn Mỹ trong việc bảo vệ lợi ích của mình ở khu vực này.
Nếu xét về tương quan lực lượng hiện nay thì rõ ràng Mỹ vẫn ưu việt hơn Trung Quốc về nhiều mặt. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong khi Mỹ phải dàn mỏng lực lượng của mình ra ba mặt trận lớn là Đông Âu, Trung Đông và Đông Á thì Trung Quốc về cơ bản chỉ một mặt trận lớn ở Đông Á. Trung Quốc chưa phải là một siêu cường toàn cầu nên họ có thể tham gia giải quyết các vấn đề khủng hoảng ở Châu Âu hay Trung Đông một cách thụ động và tập trung nguồn lực của mình cho một mặt trận chính ở Đông Á. Mỹ là siêu cường toàn cầu vì thế họ phải đảm bảo được vị thế của mình ở cả ba khu vực trọng yếu cùng lúc. Đây là chính sách nhất quán của Mỹ suốt từ thời Chiến tranh Lạnh đến giờ.
Cũng vì Mỹ luôn phải có mặt ở cả ba khu vực này nên đôi lúc sự linh hoạt trong chính sách ngoại giao của Mỹ sẽ bị giảm sút đáng kể. Trong một thế giới viễn tưởng mà trong đó Mỹ không có lợi ích chiến lược ở Châu Âu và Trung Đông thì Washington hoàn toàn có thể mặc cả với Moskva để lấy lá bài Nga chống Trung Quốc như cặp đôi Nixon/Kissinger đã dùng lá bài Trung Quốc để kiềm chế Liên Xô vào những năm 1970. Trong bối cảnh hiện nay, lá bài Nga tuy ẩn chứa nhiều tiềm năng về mặt chiến lược nhưng lại không phải là một lựa chọn khả dĩ cho chính quyền Trump về mặt đối nội bởi đối với người Mỹ thì Nga hiện nay cũng là một đối thủ “không đội trời chung”, nhất là sau những tin đồn về mối quan hệ bất chính giữa chính quyền Trump và Nga. Do đó, hiện nay không có dư địa cho một sự hoà hoãn Mỹ-Nga để chống Trung Quốc.
Hơn nữa, tổng thống Mỹ được coi người lãnh đạo “thế giới tự do” và chính sách đối ngoại của Mỹ từ trước đến giờ vẫn luôn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các giá trị tự do. Vì vậy, dù có một cuộc khủng hoảng nổ ra ở một miền đất xa xôi nào đó không có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích chiến lược của Mỹ nhưng tổng thống Mỹ vẫn sẽ chịu sức ép phải can thiệp. Khi mùa xuân Ả Rập diễn ra, người ta kêu gọi nước Mỹ can thiệp để ủng hộ phong trào dân chủ ở đó. Khi nạn diệt chủng xảy ra ở Rwanda vào năm 1994, Mỹ cũng là nước chịu nhiều sức ép và sự chỉ trích nhất khi không nỗ lực can thiệp quân sự. Do đó, dù các tổng thống Mỹ nhận thấy được nhu cầu tập trung nguồn lực cho một vài lợi ích chiến lược đi nữa thì đôi khi họ vẫn phải can dự vào những vấn đề không thật sự sát sườn đối với nước Mỹ bởi nếu không thì hình ảnh của nước Mỹ sẽ bị xấu đi trong mắt quốc tế. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không phải chịu sức ép tương tự và vì vậy có thể nhắm mắt làm ngơ khi thảm sát diễn ra ở các vùng đất xa xôi không có ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Quốc. Do đó, Mỹ sẽ luôn ở thế bất lợi hơn Trung Quốc nếu Bắc Kinh không phải dàn mỏng lực lượng của mình ra nhiều mặt trận khác nhau.
Cũng cần nói thêm rằng, tuy khu vực Biển Đông có ý nghĩa địa-chính trị chiến lược đối với cả Trung Quốc và Mỹ nhưng vì khu vực này sát sườn Trung Quốc hơn nên dĩ nhiên nó quan trọng với Trung Quốc hơn so với Mỹ. Trung Quốc sẽ thấy vô cùng bất an khi để hải quân của đối thủ kiểm soát Biển Đông cũng như Mỹ cảm thấy vô cùng bất an khi Liên Xô đặt tên lửa ở Cuba trong vào năm 1962 bởi sự hiện diện quân sự của đối thủ ở ngay sát lãnh thổ của mình cho phép đối phương tấn công trong một khoảng thời gian rất ngắn. Vì vậy, đối với Trung Quốc, việc Mỹ kiểm soát Biển Đông là mối đe doạ trực tiếp đối với an ninh quốc gia còn với Mỹ thì tuy Trung Quốc kiểm soát Biển Đông sẽ hạn chế phạm vi hoạt động của hải quân Mỹ và có thể làm suy yếu năng lực răn đe của Mỹ ở Châu Á nhưng nó không trực tiếp đe doạ an ninh quốc gia của Mỹ. Do đó, Trung Quốc sẵn sàng tập trung các nguồn lực của mình để bảo vệ lợi ích ở Biển Đông hơn Mỹ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sẵn sàng cư xử một cách cứng rắn ở Biển Đông hơn Mỹ bởi cái giá mà Bắc Kinh phải trả cho một thất bại ở Biển Đông lớn hơn nhiều lần so với Washington. Vì Biển Đông không đe doạ trực tiếp đến chủ quyền hay toàn vẹn lãnh thổ của Mỹ nên họ sẽ rất dè chừng trong việc đề ra các làn ranh đỏ (red lines) hay chủ động leo thang căng thẳng để buộc Trung Quốc lùi bước. Tất cả những yếu tố này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không sẵn sàng hy sinh nhiều nguồn lực và chấp nhận tổn thất lớn bằng Trung Quốc để tranh giành quyền lực ở Biển Đông. Hệ quả gần như tất yếu là Mỹ sẽ thua cuộc.
Bài học từ Chiến tranh Lạnh
Lịch sử không bao giờ lặp lại một cách tuyệt đối nhưng không vì thế mà các bài học lịch sử mất đi giá trị của mình. Nếu các nhà lãnh đạo Mỹ nghiên cứu kỹ Chiến tranh Lạnh thì họ có thể rút ra một số bài học quan trọng, có thể áp dụng được trong tình thế hiện nay với Trung Quốc.
Thứ nhất, sở dĩ Mỹ đánh bại được Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh là bởi hai nước cạnh tranh quyền lực ở đủ các mặt trận khác: từ Tây Âu, Trung Đông và Mỹ-Latinh cho đến Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Vì Mỹ có mạng lưới đồng minh phủ sóng rộng rãi hơn Liên Xô và vì nền kinh tế của Mỹ năng động và bền vững hơn nền kinh tế của Liên Xô, chắc chắn Mỹ có lợi thế khi hai siêu cường cạnh tranh quyền lực ở quy mô toàn cầu. Một khi cuộc tranh đấu không chỉ giới hạn ở một khu vực địa lý nhất định thì sức mạnh quân sự không còn có vai trò quyết định nữa. Lúc đó tất cả các yếu tố cấu thành nên quyền lực quốc gia từ dân số, vị trí địa lý, hệ tư tưởng, tiềm lực khoa học kỹ thuật cho đến sức mạnh quân sự đều đóng vai trò hết sức quan trọng. Và xét một cách tổng thể thì Mỹ vượt xa Liên Xô. Thế nên không có gì ngạc nhiên khi Liên Xô bắt đầu “đuối sức” trong giai đoạn cuối của Chiến tranh Lạnh. Mô hình phát triển, hệ tư tưởng của Liên Xô không chứng minh được sự ưu việt so với mô hình phát triển tư bản của phương Tây. Nền kinh tế của Liên Xô không đủ năng động để bắt kịp với nền kinh tế tự do của phương Tây. Ngày nay, tuy Trung Quốc có nhiều ưu thế hơn Mỹ ở khu vực Đông Á nhưng chắc chắn còn rất lâu nữa Trung Quốc mới có đủ nguồn lực để chạy đua với Mỹ ở nhiều mặt trận khác nhau, nhất là khi xã hội và nền chính trị Trung Quốc tiềm ẩn vô cùng nhiều nguy cơ tiềm tàng.
Thứ hai, Chiến tranh Lạnh cho thấy Mỹ có nền tảng sức mạnh vô cùng tiềm tàng. Tuy nhiên khi họ sa đà vào các cuộc chiến tranh vô nghĩa và tốn kém như chiến tranh Việt Nam thì họ tự khiến mình suy yếu. Nhưng khi Mỹ tránh được các cuộc xung đột vũ trang và tập trung cho sự phát triển trong nước thì họ giành thắng lợi bởi họ có hệ thống ưu việt hơn các đối thủ. Thế nên trong một cuộc chạy đua marathon với các đối thủ chiến lược, khả năng cao Mỹ sẽ giành phần thắng nếu họ không mắc phải các sai lầm đối ngoại và đẩy mình vào những cuộc chiến không đáng có.
Từ hai điều trên có thể kết luận rằng nhìn về tương lai lâu dài, nếu Mỹ muốn giữ được ngôi vị siêu cường số một của mình, đồng thời lấy lại vị thế ở Châu Á thì họ buộc phải chấp nhận lùi một bước để tiến hai bước. Cụ thể hơn, Mỹ cần tạm thời chấp nhận chia sẻ quyền lực với Trung Quốc và “trói” chặt Trung Quốc vào hệ thống quốc tế hiện nay hơn nữa bằng cách khuyến khích Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong quản trị toàn cầu. Trên thực tế, điều này có nghĩa là thay vì tìm cách ngăn chặn các sáng kiến của Trung Quốc, như khi Mỹ gây sức ép lên các đồng minh để không tham gia vào ngân hàng AIIB, Mỹ thậm chí nên khuyến khích Trung Quốc phát triển càng nhiều sáng kiến ở càng nhiều các khu vực đa dạng càng tốt. Mỹ thậm chí có thể mặc cả với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, tạo điều kiện cho Trung Quốc sáp nhập Đài Loan vào lãnh thổ của mình một cách hoà bình. Việc Trung Quốc “nuốt chửng” được Đài Loan không nhất thiết sẽ làm gia tăng sức mạnh của Trung Quốc và nhiều khả năng sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn cho Trung Quốc bởi chắc chắn người Đài Loan sẽ không chịu quy phục một cách đơn giản như vậy.
Nói cách khác, trong thời gian trước mắt, Mỹ cần phải tìm cách nâng cao vị thế của Trung Quốc ở tầm toàn cầu và khiến Trung Quốc có thêm nhiều lợi ích quan trọng ở các khu vực khác nhau. Mục đích cuối cùng sẽ là khiến Trung Quốc dàn mỏng lực lượng và khi đó, Mỹ sẽ đẩy Trung Quốc vào một cuộc chạy đua ở quy mô toàn cầu, không khác gì cạnh tranh Mỹ-Xô trong Chiến tranh Lạnh. Khi đó, Mỹ sẽ chứng tỏ được sự ưu việt của hệ thống của mình và đánh bại Trung Quốc. Còn ngay lúc này, Mỹ tạm phải chấp nhận Trung Quốc là bá quyền ở Châu Á.
Ngô Di Lân là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Brandeis, Hoa Kỳ. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
Vì sao Mỹ thất bại ở Biển Đông?
Tác giả: Ngô Di Lân
Cuộc chiến giành ngôi vương ở Châu Á – Thái Bình Dương vẫn còn chưa ngã ngũ nhưng rõ ràng Mỹ đã thất bại trong việc ngăn chặn bước tiến của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc chưa trở thành một bá quyền thực thụ ở Châu Á, song họ đã thành công trong việc đơn phương thay đổi nguyên trạng lãnh thổ ở Biển Đông mà không bị trừng phạt. Từ các nước láng giềng Châu Á cho đến Mỹ đều phải ngầm chấp nhận rằng những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây nên một cách trái phép ở Biển Đông là “sự đã rồi”. Trong thời gian trước mắt sẽ không có bất kì thế lực nào sẵn sàng thách thức sự kiểm soát của Trung Quốc đối với những hòn đảo này. Bước đầu trong đại kế hoạch “chấn hưng phục quốc” của người Trung Hoa đã thành công.
Nguyên nhân Mỹ thất bại
Lịch sử gần như chắc chắn sẽ ghi nhận Obama như một trong những tổng thống có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ bởi những di sản đối nội mà ông đã để lại như việc thông qua đạo luật chăm sóc y tế “Obamacare”. Nhưng Obama cũng sẽ là một nhân vật gây tranh cãi bậc nhất bởi ông được cho là để lại một di sản đối ngoại không thể tệ hơn cho nước Mỹ. Không ít người cho rằng “thế giới hậu Obama” là một thế giới vô cùng hỗn loạn và nguy hiểm mà trong đó vị thế của Mỹ ngày càng bị suy yếu đáng kể. Đây không phải là một quan điểm vô lý.
Ở Châu Âu, nước Nga đang trở mình mạnh mẽ để tìm lại vị thế cường quốc năm xưa. Cuộc khủng hoảng Ukraine cùng quyết định sáp nhập bán đảo Crimea của Nga đã phá tan sự bình yên bấy lâu nay của “thiên đường” Châu Âu và đặt khối NATO vào thế báo động. Đồng minh thân cận nhất của Mỹ là Anh Quốc đã rời khối EU, gây ảnh hưởng ít nhiều đến sự đoàn kết trong khối. Tệ hơn nữa, Brexit đã vô tình đặt ra tiền lệ cho việc một quốc thành viên ra rút khỏi EU – điều rất có thể sẽ đe doạ sự tồn tại của EU trong tương lai lâu dài.
Ở Châu Á, Trung Quốc vẫn ngang nhiên ỷ thế nước lớn bắt nạt các nước láng giềng nhỏ. Bên cạnh đó, Bắc Kinh vẫn không ngừng mở rộng và quân sự hoá tranh chấp ở Biển Đông mà không vấp phải sự chống đối đáng kể nào. Mặc dù Obama tuyên bố xoay trục về Châu Á nhưng không có động thái gì thực chất để thách thức các nước cờ ngoại giao cứng rắn của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong khi đó, Hiệp định thương mại TPP được cho là yếu tố chủ chốt trong chính sách tái cân bằng thì Obama lại không thể thông qua Quốc hội trong nhiệm kỳ của mình và giờ TPP về cơ bản đã bị Trump xoá sổ.
Ở Trung Đông, cuộc nội chiến Syria vẫn chưa đến hồi kết và sự tung hoành của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đang tiếp tục đặt cả khu vực này vào tình thế bất ổn. Hơn nữa, sự bất ổn ở khu vực Trung Đông đang tạo ra một cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có, gây ảnh hưởng trực tiếp tới ổn định xã hội ở các nước Châu Âu do sự gần gũi về mặt địa lý. Hệ quả là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tuý và cánh hữu cực đoan ở nhiều nước Châu Âu. Một khi chủ nghĩa cánh hữu bài ngoại lên ngôi, rất có thể Châu Âu sẽ một lần nữa tự đẩy mình đến bờ vực chiến tranh, một việc lâu nay được xem là không tưởng.
Nếu nhìn vào bức tranh tăm tối này, có lẽ nhiều người sẽ kết luận rằng Mỹ thất bại ở Biển Đông là do sự yếu kém và thiếu quyết đoán của Obama. Tuy nhiên, Obama không phải là nguyên nhân số một dẫn đến thất bại của Mỹ ở Biển Đông trước Trung Quốc. Mỹ thất bại chủ yếu vì họ là một siêu cường toàn cầu (global superpower) còn Trung Quốc chỉ là một cường quốc khu vực (regional power) và cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung đang diễn ra ở sân sau của Trung Quốc.
Không ít các học giả và chuyên gia đã nhận định rằng Mỹ và Trung Quốc đang bước vào một cuộc “Chiến tranh Lạnh” không khác gì cuộc cạnh tranh Mỹ-Xô sau Thế Chiến II. Đây là một nhận định sai lầm bởi trong suốt chiều dài của Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đều là hai siêu cường toàn cầu. Cả hai đều có lợi ích chiến lược ở gần như tất cả các khu vực trọng yếu và đều có tham vọng truyền bá hệ tư tưởng của mình đi khắp năm châu. Vì vậy, cuộc cạnh tranh quyền lực Mỹ-Xô là một cuộc cạnh tranh quyền lực ở quy mô toàn cầu còn mâu thuẫn Mỹ-Trung hiện nay về cơ bản chỉ tập trung ở khu vực Châu Á nói chung và Đông Á nói riêng. Đây là điểm mấu chốt lý giải vì sao Mỹ lại thất thế trước Trung Quốc ở Biển Đông. Thứ nhất, vì Mỹ là siêu cường toàn cầu nên chỉ có lợi thế hơn Trung Quốc khi cạnh tranh ở quy mô toàn cầu. Khi mà khoảng cách giữa sức mạnh của Mỹ và Trung đã thu hẹp đáng kể thì Trung Quốc mới là bên chiếm ưu thế khi hai bên tranh đấu ở sân sau của Trung Quốc. Thứ hai, vì Biển Đông là khu vực sát sườn đối với Trung Quốc hơn đối với Mỹ nên Trung Quốc sẽ có quyết tâm hơn Mỹ trong việc bảo vệ lợi ích của mình ở khu vực này.
Nếu xét về tương quan lực lượng hiện nay thì rõ ràng Mỹ vẫn ưu việt hơn Trung Quốc về nhiều mặt. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong khi Mỹ phải dàn mỏng lực lượng của mình ra ba mặt trận lớn là Đông Âu, Trung Đông và Đông Á thì Trung Quốc về cơ bản chỉ một mặt trận lớn ở Đông Á. Trung Quốc chưa phải là một siêu cường toàn cầu nên họ có thể tham gia giải quyết các vấn đề khủng hoảng ở Châu Âu hay Trung Đông một cách thụ động và tập trung nguồn lực của mình cho một mặt trận chính ở Đông Á. Mỹ là siêu cường toàn cầu vì thế họ phải đảm bảo được vị thế của mình ở cả ba khu vực trọng yếu cùng lúc. Đây là chính sách nhất quán của Mỹ suốt từ thời Chiến tranh Lạnh đến giờ.
Cũng vì Mỹ luôn phải có mặt ở cả ba khu vực này nên đôi lúc sự linh hoạt trong chính sách ngoại giao của Mỹ sẽ bị giảm sút đáng kể. Trong một thế giới viễn tưởng mà trong đó Mỹ không có lợi ích chiến lược ở Châu Âu và Trung Đông thì Washington hoàn toàn có thể mặc cả với Moskva để lấy lá bài Nga chống Trung Quốc như cặp đôi Nixon/Kissinger đã dùng lá bài Trung Quốc để kiềm chế Liên Xô vào những năm 1970. Trong bối cảnh hiện nay, lá bài Nga tuy ẩn chứa nhiều tiềm năng về mặt chiến lược nhưng lại không phải là một lựa chọn khả dĩ cho chính quyền Trump về mặt đối nội bởi đối với người Mỹ thì Nga hiện nay cũng là một đối thủ “không đội trời chung”, nhất là sau những tin đồn về mối quan hệ bất chính giữa chính quyền Trump và Nga. Do đó, hiện nay không có dư địa cho một sự hoà hoãn Mỹ-Nga để chống Trung Quốc.
Hơn nữa, tổng thống Mỹ được coi người lãnh đạo “thế giới tự do” và chính sách đối ngoại của Mỹ từ trước đến giờ vẫn luôn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các giá trị tự do. Vì vậy, dù có một cuộc khủng hoảng nổ ra ở một miền đất xa xôi nào đó không có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích chiến lược của Mỹ nhưng tổng thống Mỹ vẫn sẽ chịu sức ép phải can thiệp. Khi mùa xuân Ả Rập diễn ra, người ta kêu gọi nước Mỹ can thiệp để ủng hộ phong trào dân chủ ở đó. Khi nạn diệt chủng xảy ra ở Rwanda vào năm 1994, Mỹ cũng là nước chịu nhiều sức ép và sự chỉ trích nhất khi không nỗ lực can thiệp quân sự. Do đó, dù các tổng thống Mỹ nhận thấy được nhu cầu tập trung nguồn lực cho một vài lợi ích chiến lược đi nữa thì đôi khi họ vẫn phải can dự vào những vấn đề không thật sự sát sườn đối với nước Mỹ bởi nếu không thì hình ảnh của nước Mỹ sẽ bị xấu đi trong mắt quốc tế. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không phải chịu sức ép tương tự và vì vậy có thể nhắm mắt làm ngơ khi thảm sát diễn ra ở các vùng đất xa xôi không có ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Quốc. Do đó, Mỹ sẽ luôn ở thế bất lợi hơn Trung Quốc nếu Bắc Kinh không phải dàn mỏng lực lượng của mình ra nhiều mặt trận khác nhau.
Cũng cần nói thêm rằng, tuy khu vực Biển Đông có ý nghĩa địa-chính trị chiến lược đối với cả Trung Quốc và Mỹ nhưng vì khu vực này sát sườn Trung Quốc hơn nên dĩ nhiên nó quan trọng với Trung Quốc hơn so với Mỹ. Trung Quốc sẽ thấy vô cùng bất an khi để hải quân của đối thủ kiểm soát Biển Đông cũng như Mỹ cảm thấy vô cùng bất an khi Liên Xô đặt tên lửa ở Cuba trong vào năm 1962 bởi sự hiện diện quân sự của đối thủ ở ngay sát lãnh thổ của mình cho phép đối phương tấn công trong một khoảng thời gian rất ngắn. Vì vậy, đối với Trung Quốc, việc Mỹ kiểm soát Biển Đông là mối đe doạ trực tiếp đối với an ninh quốc gia còn với Mỹ thì tuy Trung Quốc kiểm soát Biển Đông sẽ hạn chế phạm vi hoạt động của hải quân Mỹ và có thể làm suy yếu năng lực răn đe của Mỹ ở Châu Á nhưng nó không trực tiếp đe doạ an ninh quốc gia của Mỹ. Do đó, Trung Quốc sẵn sàng tập trung các nguồn lực của mình để bảo vệ lợi ích ở Biển Đông hơn Mỹ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sẵn sàng cư xử một cách cứng rắn ở Biển Đông hơn Mỹ bởi cái giá mà Bắc Kinh phải trả cho một thất bại ở Biển Đông lớn hơn nhiều lần so với Washington. Vì Biển Đông không đe doạ trực tiếp đến chủ quyền hay toàn vẹn lãnh thổ của Mỹ nên họ sẽ rất dè chừng trong việc đề ra các làn ranh đỏ (red lines) hay chủ động leo thang căng thẳng để buộc Trung Quốc lùi bước. Tất cả những yếu tố này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không sẵn sàng hy sinh nhiều nguồn lực và chấp nhận tổn thất lớn bằng Trung Quốc để tranh giành quyền lực ở Biển Đông. Hệ quả gần như tất yếu là Mỹ sẽ thua cuộc.
Bài học từ Chiến tranh Lạnh
Lịch sử không bao giờ lặp lại một cách tuyệt đối nhưng không vì thế mà các bài học lịch sử mất đi giá trị của mình. Nếu các nhà lãnh đạo Mỹ nghiên cứu kỹ Chiến tranh Lạnh thì họ có thể rút ra một số bài học quan trọng, có thể áp dụng được trong tình thế hiện nay với Trung Quốc.
Thứ nhất, sở dĩ Mỹ đánh bại được Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh là bởi hai nước cạnh tranh quyền lực ở đủ các mặt trận khác: từ Tây Âu, Trung Đông và Mỹ-Latinh cho đến Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Vì Mỹ có mạng lưới đồng minh phủ sóng rộng rãi hơn Liên Xô và vì nền kinh tế của Mỹ năng động và bền vững hơn nền kinh tế của Liên Xô, chắc chắn Mỹ có lợi thế khi hai siêu cường cạnh tranh quyền lực ở quy mô toàn cầu. Một khi cuộc tranh đấu không chỉ giới hạn ở một khu vực địa lý nhất định thì sức mạnh quân sự không còn có vai trò quyết định nữa. Lúc đó tất cả các yếu tố cấu thành nên quyền lực quốc gia từ dân số, vị trí địa lý, hệ tư tưởng, tiềm lực khoa học kỹ thuật cho đến sức mạnh quân sự đều đóng vai trò hết sức quan trọng. Và xét một cách tổng thể thì Mỹ vượt xa Liên Xô. Thế nên không có gì ngạc nhiên khi Liên Xô bắt đầu “đuối sức” trong giai đoạn cuối của Chiến tranh Lạnh. Mô hình phát triển, hệ tư tưởng của Liên Xô không chứng minh được sự ưu việt so với mô hình phát triển tư bản của phương Tây. Nền kinh tế của Liên Xô không đủ năng động để bắt kịp với nền kinh tế tự do của phương Tây. Ngày nay, tuy Trung Quốc có nhiều ưu thế hơn Mỹ ở khu vực Đông Á nhưng chắc chắn còn rất lâu nữa Trung Quốc mới có đủ nguồn lực để chạy đua với Mỹ ở nhiều mặt trận khác nhau, nhất là khi xã hội và nền chính trị Trung Quốc tiềm ẩn vô cùng nhiều nguy cơ tiềm tàng.
Thứ hai, Chiến tranh Lạnh cho thấy Mỹ có nền tảng sức mạnh vô cùng tiềm tàng. Tuy nhiên khi họ sa đà vào các cuộc chiến tranh vô nghĩa và tốn kém như chiến tranh Việt Nam thì họ tự khiến mình suy yếu. Nhưng khi Mỹ tránh được các cuộc xung đột vũ trang và tập trung cho sự phát triển trong nước thì họ giành thắng lợi bởi họ có hệ thống ưu việt hơn các đối thủ. Thế nên trong một cuộc chạy đua marathon với các đối thủ chiến lược, khả năng cao Mỹ sẽ giành phần thắng nếu họ không mắc phải các sai lầm đối ngoại và đẩy mình vào những cuộc chiến không đáng có.
Từ hai điều trên có thể kết luận rằng nhìn về tương lai lâu dài, nếu Mỹ muốn giữ được ngôi vị siêu cường số một của mình, đồng thời lấy lại vị thế ở Châu Á thì họ buộc phải chấp nhận lùi một bước để tiến hai bước. Cụ thể hơn, Mỹ cần tạm thời chấp nhận chia sẻ quyền lực với Trung Quốc và “trói” chặt Trung Quốc vào hệ thống quốc tế hiện nay hơn nữa bằng cách khuyến khích Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong quản trị toàn cầu. Trên thực tế, điều này có nghĩa là thay vì tìm cách ngăn chặn các sáng kiến của Trung Quốc, như khi Mỹ gây sức ép lên các đồng minh để không tham gia vào ngân hàng AIIB, Mỹ thậm chí nên khuyến khích Trung Quốc phát triển càng nhiều sáng kiến ở càng nhiều các khu vực đa dạng càng tốt. Mỹ thậm chí có thể mặc cả với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, tạo điều kiện cho Trung Quốc sáp nhập Đài Loan vào lãnh thổ của mình một cách hoà bình. Việc Trung Quốc “nuốt chửng” được Đài Loan không nhất thiết sẽ làm gia tăng sức mạnh của Trung Quốc và nhiều khả năng sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn cho Trung Quốc bởi chắc chắn người Đài Loan sẽ không chịu quy phục một cách đơn giản như vậy.
Nói cách khác, trong thời gian trước mắt, Mỹ cần phải tìm cách nâng cao vị thế của Trung Quốc ở tầm toàn cầu và khiến Trung Quốc có thêm nhiều lợi ích quan trọng ở các khu vực khác nhau. Mục đích cuối cùng sẽ là khiến Trung Quốc dàn mỏng lực lượng và khi đó, Mỹ sẽ đẩy Trung Quốc vào một cuộc chạy đua ở quy mô toàn cầu, không khác gì cạnh tranh Mỹ-Xô trong Chiến tranh Lạnh. Khi đó, Mỹ sẽ chứng tỏ được sự ưu việt của hệ thống của mình và đánh bại Trung Quốc. Còn ngay lúc này, Mỹ tạm phải chấp nhận Trung Quốc là bá quyền ở Châu Á.
Ngô Di Lân là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Brandeis, Hoa Kỳ. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.