Khoa Học Thực Nghiệm & Tâm Linh
Xem bói – bốc quẻ Sài Gòn xưa
Má tôi buôn bán nhỏ nên mong mỏi mọi chuyện hanh thông mua may bán đắt hay biết được ngày lành tháng tốt để kiêng cữ cũng là chuyện thường tình. Tuy vậy, bà không thường xuyên đi coi bói, mỗi năm chỉ một lần vào những ngày cuối năm. Cứ mỗi lần đi, bà dẫn anh em chúng tôi ra đầu ngõ kêu một chiếc xích lô máy trực chỉ đến nhà cô đồng cốt gọi là “cậu Chín” tận đâu bên kia Cầu Bông thuộc xã Bình Hoà (Gia Định). Hồi những năm cuối thập niên 1960, khu vực này còn nét quê mùa, nhà trệt mái ngói, chung quanh còn vườn cây ao cá. Sau khi xem số mạng lại được ăn trưa miễn phí tại nhà “cậu”, rồi ghé thăm Lăng Ông, sẵn kêu ông thợ ảnh chụp lấy liền vài tấm hình kỷ niệm.
Hồi lần đầu đến đây, tôi cứ ngỡ gặp hình ảnh giống như mấy bà lên đồng ở xóm tôi. Ðầu trùm khăn đỏ, múa may quay cuồng theo kiểu hát chầu văn trong lễ hầu đồng. Hát chầu văn hầu đồng là một tín ngưỡng dân gian thờ các vị Thánh Tứ Phủ nhập xác phàm có nguồn gốc từ miền Bắc được một số di dân mang theo vào Nam. Không ít người xem hầu đồng là một hình thức mê tín dị đoan. Không bàn đến hiện tượng nhập xác các thánh với mục đích tâm linh, chỉ riêng những bài hát chầu văn được chia ra nhiều hình thức biểu diễn gồm: hát thờ, hát thi, hát hầu (lên đồng) và hát nơi cửa đền. Sau này, tôi có dịp nghe thử vài bài hát chầu văn và thấy không có gì là huyền bí, âm nhạc mang âm hưởng tôn giáo bằng những nhạc cụ chiêng trống mõ, đàn nguyệt. Lời ca như lời khấn nguyện, cầu mong mọi chuyện tốt đẹp, gia đạo bình an. Ngày nay hát chầu văn đang được bảo tồn và phát triển tại nhiều tỉnh ở miền Bắc và UNESCO công nhận là “di sản văn hoá phi vật thể”.
Nhưng chuyện nhập xác của cô Chín chỗ má tôi thường hay xem bói không giống như vậy. Cô ăn mặc bình thường như mọi người, ngồi cạnh bàn thờ Quan Công, hai bên treo hình hai con hổ một trắng một đen. Trên bàn bày đầy trái cây hoa quả, nhang đèn nghi ngút khói, mùi trầm hương lan toả. Khách đến từ khắp nơi chờ lượt mình phải lấy số, ngồi chật kín trong nhà ra tận ngoài sân, đủ biết “cậu Chín” đoán tương lai vận số hay đến mức nào. Má tôi tin lắm, xem riết thành khách quen, không cần lấy số, muốn xem lúc nào thì nói cô Chín nhập hồn cậu về. Nhưng ấn tượng nhất với tôi là cô Chín nhập xác cậu biết hút thuốc bằng lỗ mũi, nhả khói ra lỗ tai. Với những khách ngồi chờ, chuyện hút thuốc kỳ lạ của “cậu Chín” không gì lạ lẫm mà ngồi lắng tai nghe một cách thành tâm chuyện phần số của người khác hay cậu phán những gì phải làm để tránh tai ương. Tôi lắng nghe một hồi nhận thấy “cậu Chín” nói thao thao, không biết đúng hay sai, chỉ thấy khách nam hay nữ đều dạ dạ liên hồi. Nói chuyện tình duyên gia đạo, công việc làm ăn hay hoá giải cho thân chủ những chuyện mèo mả gà đồng của mấy ông chồng cho các bà một hồi thấm mệt, “cậu Chín” chỉ tay lên trời nói “thăng”. Cô Chín rùng mình, trở lại người bình thường, bưng tách trà lên nhấm nháp.
Ðến lượt má tôi nhắc cô Chín nhờ cậu chỉ đường làm ăn mua may bán đắt, để còn kịp thì giờ dành cho anh em chúng tôi ghé Lăng Ông Bà Chiểu vui chơi chụp hình. Bà thắp nhang cúng, rồi ngồi trước mặt cô Chín. Cô Chín đốt điếu thuốc gắn vào lỗ mũi, hít mạnh không nhả khói bằng lỗ tai mà từ miệng phả ra những vòng khói chữ O bay vào thinh không rất điệu nghệ. Hút tàn một điếu “cậu” chưa chịu quay về, đến điếu thứ hai thì cậu về đến cửa. Mãi đến điếu thứ ba, mắt cô Chín mới nhắm nghiền, đầu gật lia lịa thì cậu mới nhập xác phàm. Cậu bảo: “Nữ cần gì cứ nói… À mà cậu nói trước nha, thằng con út của nữ khó nuôi lắm đó, cứ nổi ban đỏ ban trắng, phải đặt tên khác đi. Cậu cho cái tên “Lượm”, thuộc hành Dương Mộc, số từ hung hóa kiết, mọi sự tốt lành, giải trừ ốm đau”. Cậu nói rồi cho gói bùa màu vàng gói kỹ trong tờ giấy xám bảo đừng mở ra xem, đem về để trong cái gối nằm của thằng em út.
Về nhà, má tôi dặn mấy đứa nhớ từ đây về sau ở nhà gọi thằng út là thằng Lượm nghe. Nhưng tụi tôi quen miệng gọi chị em trong nhà theo thứ tự. Vậy mà thằng út cũng chẳng có ốm đau chi cả. Còn chuyện gói bùa, nhiệm vụ đó thuộc về tôi. Nghe đến bùa là tôi sợ nhưng do tính tò mò “khám phá”, tôi đem gói bùa ra sau nhà lén mở ra xem. Vừa mở xem mà lòng tôi vừa lo không biết thánh thần bốn phương tám hướng có quở phạt mình không. Nhưng cuối cùng thì lá bùa cũng được mở toang. Chẳng có chữ viết gì cả ngoài hai ba đường vẽ giống con lăng quăng. Tôi xếp lá bùa lại y cũ, bỏ vào chiếc áo gối. Người ta thường nói “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.
Nhớ chuyện ngày xưa, Lăng Ông Bà Chiểu vào những ngày cuối năm đông đúc dòng người vãn cảnh, xin xăm. Chùa chiền ở Sài Gòn thì nhiều nhưng tôi thích Lăng Ông hơn dù sao đó cũng là một di tích lịch sử của Ðức Tả quân Lê Văn Duyệt. Lăng mộ và đền thờ được xây dựng trên một mảnh đất lớn với lối kiến trúc trang trí sành sứ rất nghệ thuật. Ngoại cảnh bên ngoài trồng một số cây thốt nốt tạo nên một hình ảnh Lăng Ông thật đặc trưng. Chuyện xin xăm trong đền thờ thì không cần phải nói, do nhiều người đồn đãi “cầu gì được nấy” qua sự hiển linh và linh thiêng của Ðức Tổng trấn thành Gia Ðịnh.
Nghe đồn đại như vậy thôi, chứ không biết sự linh thiêng của Ðức Tả quân có cho người cầu xin ước gì thành nấy? Khá nhiều thầy bói, bốc quẻ chọn nơi đây làm mảnh đất hành nghề. Các thầy ngồi trên tấm chiếu hoa đây đó khắp nơi. Trên chiếu bày những thứ “đồ lề” như chân gà phơi khô, mu rùa hay cái dĩa nhôm có ba đồng tiền gieo quẻ. Các thầy bói quẻ làm ăn không cạnh tranh giành giật khách như mấy bà bán nhang đèn ngoài cổng. Có một ông ngồi xuống nhờ thầy gieo quẻ cuối năm. Tiền cúng thầy cất ngay vào túi, bắt đầu bảo thân chủ khấn nguyện điều mình muốn hỏi. Má tôi dẫn chúng tôi vào đền cúng bái, sẵn tiện đứng ghé xem thầy xem cho khách. Thầy giải quẻ nói toàn chữ Nho như đọc bài thơ lục bát. Tôi nhớ ban AVT có bài hát vui: “Năm mới đừng để vợ la / Ðừng chơi cờ bạc đừng ra bót nằm…”.
Ngoài Lăng Ông, các thầy xem tướng số, chỉ tay, bốc quẻ ở các tỉnh vùng ven về Sài Gòn làm ăn bên hông lề đường Hàm Nghi đoạn gần chợ cũ, tự quảng cáo: “Mời quý ngài ghé bắt mặt, coi quẻ và xem tướng cho rõ biết vận mạng, công danh, sự nghiệp và ái tình. Ðoán theo khoa học Âu-Á, dùng các thuật hành cả pháp môn”. Còn trong Chợ Lớn thì có các bốc sư hành nghề mở văn phòng trên đường Châu Văn Liêm hay Ðồng Khánh. Hầu hết các thầy số Tàu đều không phải người Hoa sống ở Chợ Lớn mà nhiều người am hiểu bảo rằng mấy ông thầy này sống ở Ðại lục hoặc Hồng Kông, Singapore sang làm ăn. Các xì thẩu làm ăn lớn ở Chợ Lớn tin vào vận mệnh và tướng số của mình lắm nên giành sự ưu ái cho các bốc sư, mời dự tiệc tùng tại nhà hàng lớn, trả tiền hậu hĩnh.
Ba tôi thường bảo xem bói, lên đồng là mê tín dị đoan. Thế nhưng ba tôi rất thích xem tử vi và mua sách Tử vi của Huỳnh Liên về tự học. Ông lập lá số tử vi cho mỗi người trong nhà. Tôi giữ lá số của tôi nhiều năm như một kỷ niệm cho đến khi ông mất. Tôi không tin những gì viết trong lá số mà chỉ nhớ mạng tôi là Bích Thượng Thổ, tức đất trên vách, người thích đồ sành sứ, là người biết làm ra tiền nhưng tiêu xài hoang phí, cuối đời rơi vào cảnh nghèo hèn. Nghèo tất nhiên là chẳng ai muốn, tôi cũng vậy, lá số tử vi ba tôi chấm có nhầm không? Ba tôi bảo, chiêm tinh tử vi lý giải các vì sao khoa học hơn những cách bói toán khác. Mạng của mỗi người đều mang một vì sao trong vũ trụ, hèn chi có lời bài vọng cổ như vầy: “Thuỷ ơi có lẽ thượng đế sinh ta và đặt ta nhằm một ngôi sao xấu thế cho nên cuộc đời ta cứ mãi lao đao khốn khổ chỉ xin một lần yêu nhau mà không nói được bao… giờ”.
Hình như nhiều người thích tử vi hơn, từ giới làm ăn đến giới làm chính trị. Mấy ông bạn lớn tuổi của tôi thỉnh thoảng kể cho nghe nhiều giai thoại trong giới chính trường Sài Gòn ngày trước rất mê xem chiêm tinh và có riêng cho mình một hay vài ông thầy kiểu Gia Cát Lượng mang những cái tên nghề nghiệp rất bốc như “giáo sư thần học”, “chiêm tinh gia, “quỷ cốc đại sư”, “Gia Cát Hồng”… Thậm chí năm 1967, có lần đài truyền hình Sài Gòn còn mời các nhà tướng số tử vi lên đài nói chuyện về vận mệnh quốc gia.
Chuyện tiên đoán vận mệnh quốc gia của các thầy chiêm tinh Sài Gòn làm tôi nghĩ đến bà tiên tri mù người Nga Vanga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thứ 45 vừa qua. Lời tiên đoán rằng, vị Tổng thống này khó có được lòng dân. Ông ta thường đưa ra những quyết định khó hiểu và gây xung đột với các nước lớn trong thời gian làm Tổng thống của mình”. Những chuyện tương lai mà nhà tiên tri đoán trước được chẳng qua là dựa vào một số thông tin trong hiện tại theo triết lý nhân quả báo ứng bất kể theo quan niệm duy tâm của người phương Ðông hay phương Tây đều có. Cũng như khi bạn đến French Quarter ở New Orleans, phía sau nhà thờ Chính tòa, vào buổi chiều bạn sẽ bắt gặp các thầy coi bói bài, chỉ tay hay thậm chí bạn cần loại bùa thư ngải ếm Woodoo của người Haiti, người ta sẽ dẫn bạn đến một ông hay bà thầy phù thủy.
Trang N
( Bao Tre )
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
- "Sinh thái học dưới góc nhìn của Tam giáo" - Gs Thái Công Tụng / Trần Văn Giang (ghi lại)
- Chuyện Ukraine : Mặt trận không tiếng súng Cyberwar (Chiến tranh mạng) – Trần Lý ( TVQ chuyển )
- Tàu thăm dò Perseverance hạ cánh sao Hỏa sau '7 phút kinh hoàng'
- Các nhà nghiên cứu tìm ra công nghệ mới cho phép sạc điện thoại thông qua sóng Wi-Fi
- Các nhà nghiên cứu tìm ra công nghệ mới cho phép sạc điện thoại thông qua sóng Wi-Fi
Xem bói – bốc quẻ Sài Gòn xưa
Má tôi buôn bán nhỏ nên mong mỏi mọi chuyện hanh thông mua may bán đắt hay biết được ngày lành tháng tốt để kiêng cữ cũng là chuyện thường tình. Tuy vậy, bà không thường xuyên đi coi bói, mỗi năm chỉ một lần vào những ngày cuối năm. Cứ mỗi lần đi, bà dẫn anh em chúng tôi ra đầu ngõ kêu một chiếc xích lô máy trực chỉ đến nhà cô đồng cốt gọi là “cậu Chín” tận đâu bên kia Cầu Bông thuộc xã Bình Hoà (Gia Định). Hồi những năm cuối thập niên 1960, khu vực này còn nét quê mùa, nhà trệt mái ngói, chung quanh còn vườn cây ao cá. Sau khi xem số mạng lại được ăn trưa miễn phí tại nhà “cậu”, rồi ghé thăm Lăng Ông, sẵn kêu ông thợ ảnh chụp lấy liền vài tấm hình kỷ niệm.
Hồi lần đầu đến đây, tôi cứ ngỡ gặp hình ảnh giống như mấy bà lên đồng ở xóm tôi. Ðầu trùm khăn đỏ, múa may quay cuồng theo kiểu hát chầu văn trong lễ hầu đồng. Hát chầu văn hầu đồng là một tín ngưỡng dân gian thờ các vị Thánh Tứ Phủ nhập xác phàm có nguồn gốc từ miền Bắc được một số di dân mang theo vào Nam. Không ít người xem hầu đồng là một hình thức mê tín dị đoan. Không bàn đến hiện tượng nhập xác các thánh với mục đích tâm linh, chỉ riêng những bài hát chầu văn được chia ra nhiều hình thức biểu diễn gồm: hát thờ, hát thi, hát hầu (lên đồng) và hát nơi cửa đền. Sau này, tôi có dịp nghe thử vài bài hát chầu văn và thấy không có gì là huyền bí, âm nhạc mang âm hưởng tôn giáo bằng những nhạc cụ chiêng trống mõ, đàn nguyệt. Lời ca như lời khấn nguyện, cầu mong mọi chuyện tốt đẹp, gia đạo bình an. Ngày nay hát chầu văn đang được bảo tồn và phát triển tại nhiều tỉnh ở miền Bắc và UNESCO công nhận là “di sản văn hoá phi vật thể”.
Nhưng chuyện nhập xác của cô Chín chỗ má tôi thường hay xem bói không giống như vậy. Cô ăn mặc bình thường như mọi người, ngồi cạnh bàn thờ Quan Công, hai bên treo hình hai con hổ một trắng một đen. Trên bàn bày đầy trái cây hoa quả, nhang đèn nghi ngút khói, mùi trầm hương lan toả. Khách đến từ khắp nơi chờ lượt mình phải lấy số, ngồi chật kín trong nhà ra tận ngoài sân, đủ biết “cậu Chín” đoán tương lai vận số hay đến mức nào. Má tôi tin lắm, xem riết thành khách quen, không cần lấy số, muốn xem lúc nào thì nói cô Chín nhập hồn cậu về. Nhưng ấn tượng nhất với tôi là cô Chín nhập xác cậu biết hút thuốc bằng lỗ mũi, nhả khói ra lỗ tai. Với những khách ngồi chờ, chuyện hút thuốc kỳ lạ của “cậu Chín” không gì lạ lẫm mà ngồi lắng tai nghe một cách thành tâm chuyện phần số của người khác hay cậu phán những gì phải làm để tránh tai ương. Tôi lắng nghe một hồi nhận thấy “cậu Chín” nói thao thao, không biết đúng hay sai, chỉ thấy khách nam hay nữ đều dạ dạ liên hồi. Nói chuyện tình duyên gia đạo, công việc làm ăn hay hoá giải cho thân chủ những chuyện mèo mả gà đồng của mấy ông chồng cho các bà một hồi thấm mệt, “cậu Chín” chỉ tay lên trời nói “thăng”. Cô Chín rùng mình, trở lại người bình thường, bưng tách trà lên nhấm nháp.
Ðến lượt má tôi nhắc cô Chín nhờ cậu chỉ đường làm ăn mua may bán đắt, để còn kịp thì giờ dành cho anh em chúng tôi ghé Lăng Ông Bà Chiểu vui chơi chụp hình. Bà thắp nhang cúng, rồi ngồi trước mặt cô Chín. Cô Chín đốt điếu thuốc gắn vào lỗ mũi, hít mạnh không nhả khói bằng lỗ tai mà từ miệng phả ra những vòng khói chữ O bay vào thinh không rất điệu nghệ. Hút tàn một điếu “cậu” chưa chịu quay về, đến điếu thứ hai thì cậu về đến cửa. Mãi đến điếu thứ ba, mắt cô Chín mới nhắm nghiền, đầu gật lia lịa thì cậu mới nhập xác phàm. Cậu bảo: “Nữ cần gì cứ nói… À mà cậu nói trước nha, thằng con út của nữ khó nuôi lắm đó, cứ nổi ban đỏ ban trắng, phải đặt tên khác đi. Cậu cho cái tên “Lượm”, thuộc hành Dương Mộc, số từ hung hóa kiết, mọi sự tốt lành, giải trừ ốm đau”. Cậu nói rồi cho gói bùa màu vàng gói kỹ trong tờ giấy xám bảo đừng mở ra xem, đem về để trong cái gối nằm của thằng em út.
Về nhà, má tôi dặn mấy đứa nhớ từ đây về sau ở nhà gọi thằng út là thằng Lượm nghe. Nhưng tụi tôi quen miệng gọi chị em trong nhà theo thứ tự. Vậy mà thằng út cũng chẳng có ốm đau chi cả. Còn chuyện gói bùa, nhiệm vụ đó thuộc về tôi. Nghe đến bùa là tôi sợ nhưng do tính tò mò “khám phá”, tôi đem gói bùa ra sau nhà lén mở ra xem. Vừa mở xem mà lòng tôi vừa lo không biết thánh thần bốn phương tám hướng có quở phạt mình không. Nhưng cuối cùng thì lá bùa cũng được mở toang. Chẳng có chữ viết gì cả ngoài hai ba đường vẽ giống con lăng quăng. Tôi xếp lá bùa lại y cũ, bỏ vào chiếc áo gối. Người ta thường nói “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.
Nhớ chuyện ngày xưa, Lăng Ông Bà Chiểu vào những ngày cuối năm đông đúc dòng người vãn cảnh, xin xăm. Chùa chiền ở Sài Gòn thì nhiều nhưng tôi thích Lăng Ông hơn dù sao đó cũng là một di tích lịch sử của Ðức Tả quân Lê Văn Duyệt. Lăng mộ và đền thờ được xây dựng trên một mảnh đất lớn với lối kiến trúc trang trí sành sứ rất nghệ thuật. Ngoại cảnh bên ngoài trồng một số cây thốt nốt tạo nên một hình ảnh Lăng Ông thật đặc trưng. Chuyện xin xăm trong đền thờ thì không cần phải nói, do nhiều người đồn đãi “cầu gì được nấy” qua sự hiển linh và linh thiêng của Ðức Tổng trấn thành Gia Ðịnh.
Nghe đồn đại như vậy thôi, chứ không biết sự linh thiêng của Ðức Tả quân có cho người cầu xin ước gì thành nấy? Khá nhiều thầy bói, bốc quẻ chọn nơi đây làm mảnh đất hành nghề. Các thầy ngồi trên tấm chiếu hoa đây đó khắp nơi. Trên chiếu bày những thứ “đồ lề” như chân gà phơi khô, mu rùa hay cái dĩa nhôm có ba đồng tiền gieo quẻ. Các thầy bói quẻ làm ăn không cạnh tranh giành giật khách như mấy bà bán nhang đèn ngoài cổng. Có một ông ngồi xuống nhờ thầy gieo quẻ cuối năm. Tiền cúng thầy cất ngay vào túi, bắt đầu bảo thân chủ khấn nguyện điều mình muốn hỏi. Má tôi dẫn chúng tôi vào đền cúng bái, sẵn tiện đứng ghé xem thầy xem cho khách. Thầy giải quẻ nói toàn chữ Nho như đọc bài thơ lục bát. Tôi nhớ ban AVT có bài hát vui: “Năm mới đừng để vợ la / Ðừng chơi cờ bạc đừng ra bót nằm…”.
Ngoài Lăng Ông, các thầy xem tướng số, chỉ tay, bốc quẻ ở các tỉnh vùng ven về Sài Gòn làm ăn bên hông lề đường Hàm Nghi đoạn gần chợ cũ, tự quảng cáo: “Mời quý ngài ghé bắt mặt, coi quẻ và xem tướng cho rõ biết vận mạng, công danh, sự nghiệp và ái tình. Ðoán theo khoa học Âu-Á, dùng các thuật hành cả pháp môn”. Còn trong Chợ Lớn thì có các bốc sư hành nghề mở văn phòng trên đường Châu Văn Liêm hay Ðồng Khánh. Hầu hết các thầy số Tàu đều không phải người Hoa sống ở Chợ Lớn mà nhiều người am hiểu bảo rằng mấy ông thầy này sống ở Ðại lục hoặc Hồng Kông, Singapore sang làm ăn. Các xì thẩu làm ăn lớn ở Chợ Lớn tin vào vận mệnh và tướng số của mình lắm nên giành sự ưu ái cho các bốc sư, mời dự tiệc tùng tại nhà hàng lớn, trả tiền hậu hĩnh.
Ba tôi thường bảo xem bói, lên đồng là mê tín dị đoan. Thế nhưng ba tôi rất thích xem tử vi và mua sách Tử vi của Huỳnh Liên về tự học. Ông lập lá số tử vi cho mỗi người trong nhà. Tôi giữ lá số của tôi nhiều năm như một kỷ niệm cho đến khi ông mất. Tôi không tin những gì viết trong lá số mà chỉ nhớ mạng tôi là Bích Thượng Thổ, tức đất trên vách, người thích đồ sành sứ, là người biết làm ra tiền nhưng tiêu xài hoang phí, cuối đời rơi vào cảnh nghèo hèn. Nghèo tất nhiên là chẳng ai muốn, tôi cũng vậy, lá số tử vi ba tôi chấm có nhầm không? Ba tôi bảo, chiêm tinh tử vi lý giải các vì sao khoa học hơn những cách bói toán khác. Mạng của mỗi người đều mang một vì sao trong vũ trụ, hèn chi có lời bài vọng cổ như vầy: “Thuỷ ơi có lẽ thượng đế sinh ta và đặt ta nhằm một ngôi sao xấu thế cho nên cuộc đời ta cứ mãi lao đao khốn khổ chỉ xin một lần yêu nhau mà không nói được bao… giờ”.
Hình như nhiều người thích tử vi hơn, từ giới làm ăn đến giới làm chính trị. Mấy ông bạn lớn tuổi của tôi thỉnh thoảng kể cho nghe nhiều giai thoại trong giới chính trường Sài Gòn ngày trước rất mê xem chiêm tinh và có riêng cho mình một hay vài ông thầy kiểu Gia Cát Lượng mang những cái tên nghề nghiệp rất bốc như “giáo sư thần học”, “chiêm tinh gia, “quỷ cốc đại sư”, “Gia Cát Hồng”… Thậm chí năm 1967, có lần đài truyền hình Sài Gòn còn mời các nhà tướng số tử vi lên đài nói chuyện về vận mệnh quốc gia.
Chuyện tiên đoán vận mệnh quốc gia của các thầy chiêm tinh Sài Gòn làm tôi nghĩ đến bà tiên tri mù người Nga Vanga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thứ 45 vừa qua. Lời tiên đoán rằng, vị Tổng thống này khó có được lòng dân. Ông ta thường đưa ra những quyết định khó hiểu và gây xung đột với các nước lớn trong thời gian làm Tổng thống của mình”. Những chuyện tương lai mà nhà tiên tri đoán trước được chẳng qua là dựa vào một số thông tin trong hiện tại theo triết lý nhân quả báo ứng bất kể theo quan niệm duy tâm của người phương Ðông hay phương Tây đều có. Cũng như khi bạn đến French Quarter ở New Orleans, phía sau nhà thờ Chính tòa, vào buổi chiều bạn sẽ bắt gặp các thầy coi bói bài, chỉ tay hay thậm chí bạn cần loại bùa thư ngải ếm Woodoo của người Haiti, người ta sẽ dẫn bạn đến một ông hay bà thầy phù thủy.
Trang N
( Bao Tre )