Đoạn Đường Chiến Binh
di tản bất như ý - vũ hữu lý
Ă n vội tô hủ-tíu và uống cạn thật nhanh chai bia 33 ở bến phà Thủ-Thiêm, tôi trả tiền rồi ngoắc một chiếc xe ôm để ra Hàng-Xanh. Bây giờ đã hơn bốn giờ chiều
di tản bất như ý
Khép mi lại rõ-ràng mình hăm mấy,
Mở mắt ra lại thấy sáu mươi ngoài!
Ă n vội tô hủ-tíu và uống cạn thật nhanh chai bia 33 ở bến phà Thủ-Thiêm, tôi trả tiền rồi ngoắc một chiếc xe ôm để ra Hàng-Xanh. Bây giờ đã hơn bốn giờ chiều Thứ Bảy, ngày 26 tháng 4 năm 1975. Tôi phải về Bà-Rịa tối nay để sáng mai có thể ra Vũng-Tàu thật sớm, rồi trở lại Sài-Gòn trong ngày.
Mới trưa hôm qua, Bá, một người bạn cùng phục-vụ ở Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải, Đà- Nẵng với tôi vài năm trước đây, đã đến Phòng Nghiên-Huấn, Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân tìm tôi. Hắn nói là Sài-Gòn đang bị bao-vây và cô-lập giống y như Đà-Nẵng hồi cuối tháng 3 vừa qua, rồi quả-quyết rằng cũng giống như Đà-Nẵng, Sài-Gòn sẽ bị Việt-Cộng chiếm trong vòng mươi ngày nữa. Bá cũng cho tôi biết là khi Quân-Đoàn I di-tản, hắn đã đem được cả gia-đình từ Đà- Nẵng vào Vũng-Tàu trên chiếc duyên-tốc-đĩnh (PCF – Patrol Craft Fast) của Hải-Đội 1 Duyên-Phòng mà hắn là thuyền-trưởng. Hiện giờ Bá được biệt-phái cho Hải-Đội 3 Duyên-Phòng và vẫn tuần duyên ở Vũng-Tàu với chiếc PCF ấy, nhưng bố mẹ và bốn đứa em của hắn thì lại đang ở trọ ở Thủ-Đức. Do đó, Bá đến nhờ tôi tìm cho gia-đình hắn một nơi tạm-trú ở Vũng-Tàu để khi cần hắn có thể đem cả gia-đình đào-thoát tiếp. Cuối cùng, Bá bảo tôi rằng nếu muốn, tôi chỉ cần đem gia-đình ra một bãi biển nào đó ở Vũng-Tàu là hắn sẽ bằng mọi giá đem chiếc PCF vào đón và chở toàn bộ gia-đình tôi cùng với các gia-đình của thủy-thủ-đoàn di-tản về miền Tây, hoặc chạy ra tàu của Đệ Thất Hạm-Đội Hoa-Kỳ ở ngoài khơi Vũng-Tàu.
Không tin, tôi bảo Bá rằng Sài-Gòn không thể mất, hoặc nếu có mất thì cũng không thể nhanh như thế được. Mới tuần trước đây, một cuộc họp sĩ-quan của Phòng Nghiên-Huấn đã được triệu-tập để bàn về việc này. Việt-Cộng đã bị chận lại ở Long-Khánh. Ít nhất cũng phải hai tháng nữa chúng mới có khả-năng để tiến về Sài-Gòn vì phải tiếp-viện thêm binh-lính, nhiên-liệu, và vũ-khí. Dù nói với Bá như thế, tôi cũng hứa là sẽ nhờ cô út của tôi ở ấp Bến-Đá, Vũng-Tàu cho gia-đình hắn ở trọ. Giờ đây, tôi phải rời Sài-Gòn để thực-hiện lời hứa đó. “Nếu không có vụ luân-phiên chào cờ đầu tuần vào sáng Thứ Hai thì mình đâu có cần phải về lại Sài- Gòn vội-vã như thế.” Tôi nhủ thầm.
Bác tài-xế xe ôm, theo lời tôi, đã tống hết ga để qua mặt xe-cộ đông đầy sau giờ tan sở trên đường Hai Bà Trưng, nhưng tôi vẫn cảm thấy chậm vì sợ trễ. “Việt-Cộng đang uy-hiếp Bà- Rịa, chúng có thể chận xe-đò lại dọc đường khi trời tối.” Một hạ-sĩ-quan của Phòng Nghiên- Huấn có nhà ở thị-xã Bà-Rịa đã nói với tôi như thế vào hôm Thứ Hai vừa qua. “Dù sao đi nữa mình cũng cứ đi.” Tôi lại nhủ thầm, và nghĩ ngay đến khẩu P38 đã nạp đạn đang nằm gọn trong cái xách tay. Khẩu súng này, như tất cả các súng cá nhân khác, đã được lệnh phải được hoàn-trả vào kho từ mấy tuần trước, nhưng tôi vẫn giữ lại với lý-do để tự-vệ vì nhà ở ngoài phạm-vi thủ-đô Sài-Gòn.
Lên xe đò ở Hàng-Xanh, tôi nhìn quanh và thấy ở một hàng ghế bên trái xe chỉ có một người mặc đồ thủy-quân lục-chiến ngồi. Tôi đi lần đến rồi dừng lại. Người lính liền ngồi dịch vào sát cửa sổ xe để dành chỗ cho tôi. Tôi nói cám ơn, rồi ngồi xuống và đặt chiếc xách tay xuống gầm ghế trước mặt. Xong xuôi, tôi quay qua nhìn người lính. Anh ta cũng vừa quay lại nhìn tôi. “Chào anh.” Cùng một lúc, chúng tôi vừa nói vừa đưa tay bắt. “Chà-ạy!” Người lơ xe la lên và vỗ thình-thình vào thành xe. Chiếc xe đò từ-từ chuyển bánh, tăng tốc-độ, rồi chạy vùn-vụt trên xa-lộ.
Tôi nhận thấy chẳng có gì đáng chú ý. Xe-cộ qua lại trên xa-lộ vẫn tấp-nập.
- Anh về đâu? Người lính thình-lình hỏi.
- Về Bà-Rịa. Còn anh? Tôi hỏi lại.
- Tôi về Vũng-Tàu. Anh ta trả lời.
Qua đối-thoại, tôi được biết người lính tên là Quyền, quê ở Vũng-Tàu. Một tháng trước đây, khi Quân-Đoàn I di-tản, các đơn-vị thủy-quân lục-chiến được lệnh tập-trung để đợi tàu ở bờ phía bắc của vịnh Đà-Nẵng, phía nam đèo Hải-Vân. Tàu hải-quân đã vào đón, nhưng đơn-vị Quyền và một số đơn-vị khác đã bị bỏ rơi lại. Sau khi đơn-vị tan-hàng, Quyền đã phải cởi bỏ quân-phục để mặc thường-phục, rồi chạy theo những người tị-nạn. Cuối cùng, sau mấy tuần lễ gian-nan vất vả, Quyền đã về tới Vũng-Tàu và ra trình-diện một đơn-vị thủy-quân lục-chiến ở đây. Quyền cũng nói với tôi là hiện giờ đang có tin đồn là Việt-Cộng đã tập-trung quân trong mật-khu Minh-Đạm ở núi Long-Hải để chuẩn-bị đánh chiếm thị-xã Bà-Rịa, thủ-phủ của tỉnh Phước-Tuy, nơi chỉ cách thị-xã Vũng-Tàu khoảng hai mươi cây-số. Quyền còn nói có rất nhiều người ở Bà-Rịa đã chạy ra Vũng-Tàu để lánh nạn.
Nghe xong, tôi vẫn chẳng e-ngại gì cả. Trong thâm-tâm, tôi luôn nghĩ rằng Bà-Rịa không thể mất vì thị-xã này nằm trên trục-lộ Sài-Gòn Vũng-Tàu, con đường huyết-mạch phải được bảo-vệ để di-tản nếu cần. Người lơ xe đi đến. Tôi trả tiền xe, rồi dựa đầu vào ghế, lơ-đãng nhìn cảnh-vật bên đường. Pho tượng Tiếc-Thương và những khoảnh đất phủ cờ vàng ba sọc đỏ ở Nghĩa-Trang Quân-Đội dần dần hiện rõ ở phía bên trái khiến lòng tôi se lại. Tôi vội nhìn đi nơi khác để xua đi những hình-ảnh tang-tóc và buồn-thảm của cuộc chiến vừa chợt đến trong đầu.
Chiếc xe đò ra khỏi xa-lộ rồi ngừng ở Ngã Ba Vũng-Tàu để đón thêm khách.
Sinh hoạt ở đây vẫn ồn-ào náo-nhiệt và chẳng có gì khác lạ. Vẫn những
người bán quà vặt, hầu hết là đàn-bà và trẻ con, đứng ngoài cửa sổ xe
hoặc leo cả lên xe mời-chào inh-ỏi. Khoảng mười lăm phút sau, khi xe
chuyển bánh, những người bán quà vặt đang còn trên xe vội-vã chen-lấn,
xô đẩy nhau ra cửa để nhảy
xuống như bị ma đuổi.
Khi xe đã qua khỏi Làng Cô-Nhi Long-Thành và đang chạy ngang một đồn điền cao-su, tôi tình-cờ nhìn qua cửa sổ và thấy năm, sáu chiếc xe thiết-giáp đang nằm im-lìm giữa rừng cây cao-su ngay hàng thẳng lối. Nhìn những người lính đứng ngồi chung quanh và trên nóc những chiếc xe thiết-giáp, tôi chợt nhớ đến Túy và Phán, hai người bạn thời tiểu-học của tôi. Đã bảy năm kể từ lúc hai người này đến từ-giã tôi để lên đường nhập ngũ, tôi chưa hề có dịp gặp lại họ. Vì vậy, cho đến lúc này, tôi chẳng biết họ ở đâu, mà chỉ biết được rằng Túy là một sĩ-quan thiết-giáp đã có vợ, và Phán là một sĩ-quan bộ-binh còn độc thân.
Xe vào bến xe thị-xã Long-Thành đón thêm vài người khách, rồi tiếp-tục đi. Tôi cũng chẳng thấy gì khác lạ. Đoạn đường ngang qua thị-xã vẫn đông người và xe-cộ. Các hàng-quán vẫn mở cửa, và khách vẫn ra vào tấp-nập. Yên tâm, tôi lại dựa đầu vào ghế, rồi chẳng mấy chốc chìm vào giấc ngủ. Giật mình thức giấc, tôi nhận thấy xe đã tới ấp Long-Hương, nơi chỉ còn cách thị-xã Bà-Rịa hơn một cây-số.
- Tốp, tốp! Ngừng đi bác tài. Tôi la lên.
- Ủa! Chưa tới Bà-Rịa mà? Quyền hỏi.
- Tôi phải xuống đây anh ạ.
Tôi trả lời, rồi cúi xuống lấy cái xách tay. Xe ngừng. Tôi bắt tay từ-giã Quyền rồi xuống xe.
Nhìn đồng hồ đã gần bảy giờ tối, tôi vội-vã băng ngang quốc-lộ, rồi đón một chiếc xe Lam ba bánh để đi ngược trở lại. Khoảng nửa giờ sau, tôi bảo bác tài-xế ngừng xe ở đầu ngõ vào nhà thờ Giáo-xứ Thánh Tô-Ma. Giáo-xứ Thánh Tô-Ma là một xứ đạo đã được thành-lập trong cuộc di-cư vĩ-đại của gần một triệu người từ miền Bắc vào miền Nam Việt-Nam để tránh chế-độ Cộng-Sản sau Hiệp-Định Geneva 20 tháng 7 năm 1954. Xứ đạo này cũng là một ấp về phương-diện hành chánh.
Cách Sài-Gòn độ bảy, tám chục cây số, Ấp trải dài gần hai cây-số dọc theo Quốclộ 15 trên lộ-trình Sài-Gòn Vũng-Tàu, và mở rộng hơn một cây số vào phía chân núi Thị-Vải nằm bên trái của quốc-lộ. Ngoài ra, ngay bên phải quốc-lộ là một dãy nhà ngang, nhìn ra mặt lộ, chạy suốt theo chiều dài của ấp. Sau dãy nhà này là một cánh đồng rộng lớn đã được khai-phá từ khi ấp mới thành-lập. Bên ngoài cánh đồng là một bờ đê để ngăn không cho nước mặn tràn vào từ rừng sát. Rải-rác dọc theo bờ đê là những bến ghe ở đầu các nhánh sông cụt. Mỗi bến là nơi đậu của mươi chiếc ghe máy khá lớn và vài chục ghe chèo nhỏ. Tiếp-giáp với bờ đê là rừng sát xanh rì với những nhánh sông chằng-chịt. Mút tầm mắt phía bên ngoài rừng sát là một vùng cửa biển rộng lớn nằm giữa Núi Lớn Vũng-Tàu và đảo Long-Sơn.
Ngay khi xứ đạo vừa mới được thành lập, vị linh-mục già chánh xứ, người đã cùng đi với giáo-dân từ Bắc vào Nam, đã xin được sự trợ-giúp của chính-phủ để dựng lên một ngôi nhà thờ và hai căn nhà nhỏ để làm trường học. Lúc đó, nhà thờ có mái lợp tôn và tường xây bằng xi-măng, nhưng trường học thì chỉ có mái tôn với vách bằng đất. Dưới sự hướng dẫn và giúp-đỡ của phụ-huynh, chúng tôi, những đứa trẻ trên dưới mười tuổi, đã vào rừng phía sau ấp chặt tre hoặc những cây con to cỡ ngón chân cái và dài hai, ba mét để đem về làm sườn, rồi nhồi đất với rơm để trét vách cho những lớp học đầu-tiên của chúng tôi. Sáu năm sau, khi ngôi nhà thờ đã được sửa chữa thật khang-trang, và hai dãy trường học đã được xây-dựng lại để trở thành trường tiểu học bán-công rồi công-lập, vị linh-mục già rời xứ đạo để vào nhà dòng. Từ đó đến nay, vài vị linh-mục khác đã lần-lượt được thuyên chuyển đến để làm chánh xứ.
Người dân ở đây có cuộc sống tương đối đầy-đủ, nhưng rất vất-vả. Ngoài một số nhỏ vào rừng đốn củi và đốt than, phần lớn họ làm ruộng-rẫy quanh ấp, hoặc đánh cá trên những nhánh sông chằng-chịt trong rừng sát. Thêm vào đó, quanh năm suốt tháng họ còn có thể chằm nón lá, một việc rất hợp với đàn bà và trẻ con. Ngoài ra, cũng phải kể một số rất ít, đếm trên đầu ngón tay, làm nghề buôn bán hoặc chạy xe Lam kiếm sống. Sau hơn hai mươi năm, nhân-số trong ấp đã tăng gấp bội, lên tới vài ngàn người. Dù rộng và đông dân như thế, ấp chủ-yếu vẫn chỉ tự bảo-vệ. Mới đầu, ấp được bảo vệ bởi Đoàn Thanh-Niên Công-Giáo của giáo xứ. Sau đó ấp được bảo-vệ thường-trực bởi một trung-đội Nghĩa-Quân, gồm toàn những giáo-dân trong xứ đạo, và một đoàn Nhân-Dân Tự-Vệ của ấp khoảng vài chục người, bao gồm những thanh-niên được miễn, hoãn, hoặc chưa tới tuổi quân-dịch. Vậy mà suốt hai chục năm qua, Việt-Cộng chưa bao giờ dám bén-mảng vào trong ấp. Cả ấp chỉ có không tới mười người là sĩ-quan trong quân-đội. Tất cả đều xuất-thân từ trường tiểu-học ở đây. Trong số những người này thì Túy, Phán, và tôi là ba học trò trong những lớp học đầu tiên khi xứ đạo vừa mới được thành-lập.
Đã hơn sáu năm kể từ khi vào lính, tôi cũng đi biền-biệt như Túy và Phán nên chỉ có thể hỏi thăm tin-tức về họ mỗi khi có dịp về thăm nhà. “Chẳng biết có thằng nào về nhà vào cuối tuần này như mình hay không?” Tôi nhủ thầm khi xuống xe Lam bước vào đầu ngõ. Nhung, vợ tôi, đón tôi trước cửa.
- Ô! Sao anh nói tuần sau mới về? Nàng ngạc nhiên hỏi.
- Anh về có chút việc cần em ạ.
Tôi trả lời khi bước vào nhà.
- Người tị-nạn từ ngoài Trung vào nhiều quá anh ơi. Họ ở đầy nhà công-quán và hai dãy trường học ở cuối nhà thờ đấy. Nàng bảo tôi.
- Thế hả em? Tôi hỏi vô- thưởng vô-phạt.
Ngập-ngừng một lát, Nhung lo-âu nói:
- Lính nhảy-dù đóng rất đông ở chân núi phía sau ấp. Không biết tình hình rồi sẽ ra sao!
- Chẳng có gì đáng phải lo đâu. Tôi trấn an nàng.
Trời đã về khuya. Đài phát thanh Sài-Gòn đang phát ra phần tin-tức. Tình-hình chiến-sự đã tồi-tệ, tình-hình chính-trị còn tồi tệ hơn. Theo đài phát thanh thì quân-đội Bắc-Việt đang siết dần vòng vây chung quanh Sài-Gòn. Cũng theo đài phát thanh thì Cụ giáo Tổng-Thống Trần-Văn-Hương đang bị áp-lực buộc phải trao quyền cho tướng Dương-Văn-Minh. Theo lời Cụ thì tướng Minh đã năn-nỉ xin Cụ trao chức-vụ Tổng-Thống cho ông ta với lý-do là ông ta đã giàn-xếp với Việt-Cộng. Cụ cũng vạch rõ rằng tướng Minh đã về hưu không còn chức-vụ gì nữa, vậy ông ta lấy tư cách gì mà đi giàn-xếp với Việt-Cộng. Hơn thế nữa, "Đất-Nước không phải là chiếc musoa để muốn trao cho ai thì trao." Cụ nhấn mạnh.
Trao quyền cho tướng Minh thì còn chiến-đấu gì được nữa. Tôi nghĩ thầm, rồi chán-nản tắt máy thu-thanh bước ra ban-công.
Nhìn về hướng đông, tôi giật mình thấy những ánh hỏa-châu sáng rực trên bầu trời Bà-Rịa. Trời vừa tảng sáng thì những người lính nhảy-dù đã từ chân núi Thị-Vải lũ-lượt kéo ra quốc-lộ. Tin-tức lan-truyền rất nhanh. Mọi người đều hoang-mang khi nghe nói đó là một đơn-vị thiện-chiến của Lữ-Đoàn 1 Nhảy-Dù có nhiệm-vụ bảo-vệ Bà-Rịa và Quốc-lộ 15. Lính dù mà rút lui thì chắc chắn là Việt-Cộng sẽ tràn vào. Tình-hình trong ấp nhanh chóng trở nên rối-loạn. Người ta chạy đôn chạy đáo để dò-la tin-tức và hỏi ý-kiến lẫn nhau. Từ trên ban-công, tôi nghe được những lời đối-thoại của những người đi ở dưới đường.
- Tụi mình phải dấu súng đi mới được! Một vài người nào đó bảo nhau.
- Chúng sẽ tịch-thu tất cả của-cải, ruộng-vườn, và gia-súc. Lại còn kết tội địa-chủ và đem ra đấu-tố! Một người khác thêm vào.
- Thế thì mình làm thịt heo gà đang nuôi để ăn và bán rẻ đi còn hơn. Có ai đó đưa ý-kiến.
Suốt buổi sáng, đoàn quân nhảy-dù đã tìm mọi cách để về Sài-Gòn hoặc ra Vũng-Tàu nhưng đều vô hiệu. Những chuyến xe cam-nhông chở đầy lính “mở-đường-máu” về Long-Thành hoặc ra Bà-Rịa đều bị dội ngược lại. Vậy là hai nơi này đã bị Việt-Cộng chiếm-đóng. Đoàn quân nhảy-dù rốt cuộc đã bị kẹt ở giữa, và hiện giờ đang tập-trung trên quốc-lộ, tại một cây cầu ở phía tây và cách ấp tôi không đầy một cây số.
Trời đã về chiều, khi tôi đang giúp mấy người em vợ đào một cái hầm để "chống pháo-kích" thì một đứa cháu của tôi đến tìm và nói là vợ tôi nhắn tôi về thật gấp. Tôi vội vã về nhà cách đó chỉ vài trăm mét. Vừa thấy tôi, Nhung đã cuống-quít nói:
- Lính nhảy-dù đang di-chuyển ra rừng sát. Ai cũng nói anh phải đi đi, nếu không thì nguy-hiểm lắm.
Ngập-ngừng một lát, nàng lo-lắng nhìn tôi hỏi:
- Làm sao bây giờ. Anh?
"Làm sao bây giờ?". Tôi cũng tự hỏi, rồi trong một thoáng ôn lại quá-trình trong quân-đội của mình.
T háng 3 năm 1969, tôi rời Đại-Học Khoa-Học Sài-Gòn để tình-nguyện gia-nhập Khóa 20 Sĩ-Quan Hải-Quân, còn gọi là Khóa Đệ Nhị Hổ-Cáp. Cuối tháng 7 năm 1970, sau khi tốt-nghiệp tại Trường Sĩ-Quan Hải-Quân Nha-Trang, tôi về Sài-Gòn để làm thủ-tục đi thực-tập trên Đệ Thất Hạm-Đội của Hải-Quân Hoa-Kỳ. Tuy nhiên, sau khi đã may quần áo và chờ đợi được gần 2 tháng, tôi lại được lệnh trình-diện Phòng Tổng Quản-Trị, Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân để chọn đơn-vị. Tại đây, sau khi được biết là có vài người cùng khóa lúc còn trong quân-trường đã tình-nguyện về Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải, nhưng sau khi ra trường được lệnh tân-đáo đơn-vị thì lại năn-nỉ xin rút lui, tôi đã tình-nguyện và trở thành người đầu tiên trong Khóa 20 về phục-vụ tại đơn-vị này.
Sở Phòng Vệ Duyên-Hải (CSS-Coastal Security Service) là một đơn-vị bí-mật trong chiến-tranh không quy-ước, do Hoa-Kỳ yểm trợ, nên không trực-thuộc Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân mà trực-thuộc Nha Kỹ-Thuật, Bộ Tổng-Tham-Mưu, Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa.
Kể từ cuối thập niên 1960, doanh-trại của Sở nằm ven bờ phía nam của
vịnh Đà-
Nẵng, trên sườn núi Khỉ (Monkey Mountain) của bán-đảo Sơn-Trà, và chỉ
cách bãi tắm Tiên-Sa và Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng 1 Duyên-Hải khoảng một
cây-số.
Ngoài Bộ Chỉ-Huy và Khối Kỹ-Thuật Sở bao gồm Lực-Lượng Hải-Tuần, được
trang-bị những chiếc PT (PTB - Patrol Torpedo Boat, Ngư-Lôi-Đĩnh hay PTF
- Patrol Torpedo Fast, Khinh-Tốc-Đĩnh) có vận-tốc tác-chiến lên đến 55
gút (trên 100 cây-số mỗi giờ) và SWIFT (tiền thân của các PCF ở các
Hải-Đội Duyên-Phòng), và Lực-Lượng Biệt-Hải, được trang-bị đủ loại
vũ-khí kể cả vũ-khí
của khối Cộng. Cả hai lực-lượng này đều được huấn-luyện và yểm-trợ một
cách đặcbiệt để thực-hiện những biệt-vụ chống lại Cộng-Sản Bắc-Việt.
Nhân-viên của Sở là những người hoàn-toàn tình-nguyện, được tuyển-chọn từ các quân-nhân hải-quân lẫn lục-quân và những nhân-viên dân-chính mà chúng tôi gọi là “biệt-kích không số quân”. Mỗi nhân-viên, dù là quân-nhân hay dân-chính, đều ký với Sở một giấy cam-kết giữ bí-mật và sẵn-sàng thihành công-tác ở bất cứ nơi đâu, dù có phải “đi không trở lại”, trên lãnh-thổ Việt-Nam từ ải Nam-Quan đến mũi Cà-Mau.
Trong hơn hai năm phục-vụ tại đơn-vị này, tôi được chỉ-định làm Hạm-Phó, rồi Hạm-Trưởng SWIFT kiêm Sĩ-Quan Phòng- Thủ Đơn-Vị của Lực-Lượng Hải-Tuần.
Ngay sau Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, các PT của Sở đã liên-tiếp vượt vĩ-tuyến 17 nhằm tấn-công Bắc-Việt, nhưng đều bị lộ và phải quay về. Chẳng bao lâu sau đó, không biết vì khế-ước liên-quan đến Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải giữa Việt-Nam Cộng-Hòa và Hoa-Kỳ đã hết hạn, hay vì không muốn cho Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa sử-dụng PT để tấn-công trả đũa Bắc-Việt, và chống lại Trung-Cộng ở trận Hoàng-Sa sau này, Hoa-Kỳ đã thâu-hồi tất cả các PT của Sở để đem về Căn-Cứ Hải- Quân Subic Bay ở Phi-Luật-Tân. Nhận thấy sau khi các PT bị thâu-hồi, Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải không còn là một đơn-vị hào-hùng như trước nữa, tôi đã quyếtđịnh xin về lại Hải-Quân.
Tháng 12 năm 1972, về trình-diện Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân, rồi Bộ Tư-Lệnh Hạm Đội, tôi được thuyên-chuyển xuống Tuần-Dương-Hạm Ngô-Quyền HQ-17. Trên tàu này, tôi được chỉ-định giữ chức-vụ Trưởng Ban Trọng-Pháo, rồi Trưởng Ban Trọng-Pháo kiêm Trưởng Khối Vũ-Khí Vỏ-Tàu, rồi sau cùng là Trưởng Ban Trọng-Pháo kiêm Sĩ- Quan An-Ninh Chiến-Hạm. Sau một năm phục-vụ trên chiến-hạm, với những chuyến ra khơi dài đằng-đẵng để tuần dương và hàng chục lần từ ngoài khơi chạy vào bãi biển Sa-Huỳnh, gần ranh-giới hai tỉnh Bình-Định và Quảng-Ngãi, để yểm-trợ hải-pháo, tôi xin về học Tham-Mưu Trung-Cấp Hải-Quân.
Tháng 1 năm 1974, đang tuần-tiễu ở quần-đảo Trường-Sa thuộc Vùng 3
Duyên-
Hải, HQ-17 nhận được công-điện của Trung-Tâm Huấn-Luyện Hải-Quân Sài-Gòn
yêu-cầu gởi tôi về học Khóa 1/74 Tham-Mưu Trung-Cấp Hải-Quân. Dĩ-nhiên
là tôi phải đợi cho đến khi nào tàu vào bờ. Vài ngày sau, chiến hạm
thình-lình được lệnh trực-chỉ Đà-Nẵng để tăng-phái cho Vùng 1 Duyên-Hải.
Ngay sau khi tàu cập cầu quân-cảng Đà-Nẵng trước Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân
Vùng 1 Duyên-Hải, tôi
nhận sự-vụ-lệnh và được một người bạn giúp đỡ nên ngày hôm sau đã về tới
Sài-Gòn bằng máy bay quân-sự để tham-dự khóa học.
Vài tuần sau, khi thấy HQ-17 cập cầu ở Sài-Gòn, tôi xuống thăm bạn-bè
mới biết là HQ-17 đã được điều-động từ Trường-Sa ra Đà-Nẵng để chuẩn-bị
tái chiếm quần-đảo Hoàng-Sa vừa bị Trung-Cộng cưỡng chiếm sau trận
hải-chiến vào ngày 19 tháng 1 năm 1974, nhưng sau đó cuộc hành-quân đã
bị
hủy-bỏ.
Cuối tháng 6 năm 1974, sau khi tốtnghiệp Tham-Mưu Trung-Cấp và được ưu tiên chọn đơn-vị, tôi đã chọn Phòng Nghiên-Huấn thuộc Khối Quân-Huấn, Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân, Sài-Gòn. Từ đó đến nay, tôi vừa giữ chức-vụ Trưởng Tiểu-Ban Học-Trình tại Phòng Nghiên-Huấn vừa kiêm-nhiệm trách-vụ Bồi-Thẩm Hải-Quân tại các Tòa Án Dân-Sự và Quân-Sự Mặt Trận.
"Nếu chúng khám-phá ra mình đã phục-vụ ở Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải hoặc Tòa Án Quân-Sự Mặt Trận thì thật là nguy-hiểm." Tôi tự nhủ, rồi nói với Nhung:
- Rất có thể là lính nhảy-dù sẽ được tàu vào đón. Nếu không thì họ cũng sẽ vượt rừng sát để ra Vũng-Tàu. Anh sẽ đi theo họ để tìm phương-tiện về Sài- Gòn.
Ngay lúc nói như thế, tôi nghĩ đến Căn Cứ Hải-Quân Cát-Lở thường được dân chúng tại đây gọi là Thành Hải Quân, và tự nhủ rằng nhất định phải có vài người bạn cùng khóa với tôi đang phục-vụ ở đấy.
Sau khi căn-dặn Nhung chuẩn-bị cho mình một số hành-trang, tôi lên ban-công lầu hai để quan-sát. Nhìn những cụm khói đen thật lớn đang bốc lên ở hướng tây của ấp, tôi đoán là lính nhảy-dù đã thiêu-hủy những khẩu đại bác và xe-cộ của họ. Ngoài ra, tôi cũng thấy vài cụm khói vươn lên ở gần bờ đê cách quốc lộ không đầy một cây-số đường chim bay.
"Họ di-chuyển ra bến ghe." Tôi nhủ thầm.
Khi tôi xuống lầu thì Nhung đã chuẩn bị sẵn những thứ tôi đã dặn. Tôi vội-vã mặc bộ thường-phục màu đậm và mang vào đôi giày ba-ta biệt-hải màu xám tro, rồi kiểm lại cái ví da đựng tiền và giấy-tờ tùy-thân. Ngay lúc đó, Nhung đưa đến cho tôi một túi ny-lông dày cộm trong đựng một bộ quần áo để dự-phòng của tôi và một lon guy-gô bằng nhôm.
- Trong lon guy-gô là thức ăn. Nàng nói.
Tôi cẩn-thận nhét khẩu súng cùng với hộp đạn và cái ví da vào giữa bộ quần áo trong túi nylông ấy, rồi dùng một sợi dây thung cột chặt miệng túi lại. Xong xuôi, tôi bỏ túi ny-lông vào trong một chiếc túi rết của lính, gài nắp, rồi choàng quai qua đầu và điều-chỉnh để đeo vừa bên hông.
- Phải rất cẩn-thận, anh nhé. Nhung rưng-rưng nhìn tôi dặn-dò.
Nhận thấy Nhung quá lo-lắng, tôi nắm chặt tay nàng an-ủi:
- Em cứ yên tâm. Anh sẽ tìm mọi cách để về Sài-Gòn. Rồi đây mình sẽ gặp lại. Em hãy giữ-gìn sức-khỏe nhé.
Khi Nhung và tôi ra đến cửa thì gặp cha và chú tôi đang đứng đợi. Cha tôi nói:
- Chúng tôi già rồi. Nhà ta chỉ còn có một mình anh. Anh phải đi thì mình mới mong có ngày gặp lại.
Chú tôi, người duy-nhất trong những người thân của tôi biết là tôi đã từng phục-vụ ở một đơn-vị không quy-ước, tiếp lời:
- Cho dù có phải đợi mấy chục năm nữa, như từ hồi di-cư 54 đến giờ, cũng vẫn hơn là anh bị chúng bắt.
- Con sẽ về lại. Xin Ba và Chú hãy giữ-gìn sức-khoẻ.
Tôi nói với cha và chú tôi, rồi vội-vã rời nhà để ra bến ghe.
Tôi vừa ra khỏi cửa thì gặp Tuân, con người chị cả của cha tôi, đang đứng đợi để cùng đi với tôi. Trên đường ra bến ghe, Tuân nói anh ta cũng phải di-tản vì đã từng phục-vụ trong một đơn-vị đặc-biệt. Ngoài ra, Tuân cũng cho tôi biết là anh ta sẽ ra nhà bố mẹ vợ ở ấp Bến-Đá, Vũng-Tàu để tạm-thời lánh nạn.
Khi Tuân và tôi tới bến ghe thì trời vừa sụp tối. Thấp-thoáng dưới bóng đêm, một đoàn lính nhảy-dù lẫn-lộn với một số ít thường dân đang nối đuôi nhau rời bờ đê lội qua một cái mương hẹp để vào rừng sát. Chúng tôi liền cởi giầy bỏ vào túi đeo, rồi xắn quần chen vào giữa dòng người đang dichuyển ấy. Sau khi đã lội qua mương để vào trong rừng sát, mọi người lại phải lội bì-bõm vì mực nước trong rừng vẫn còn cao hơn mặt đất cả gang tay. Rừng ở đây gồm toàn những cây vẹt, hay cây đước với hàng trăm rễ phụ từ thân cây chĩa ra, uốn cong như những cánh cung, rồi cắm xuống mặt bùn. Thêm vào đó là hàng ngàn trái vẹt rụng nay đã mọc thành cây con chĩa lên tua-tủa như chông trên mặt bùn vẫn còn đầy nước.
Càng vào sâu, rừng cây càng rậm-rạp,
lối đi càng quanh-co uốn khúc, và bùn-lầy
càng nhão-nhoẹt dưới bước chân vì đã bị dẵm
nát bởi những người đi trước. Đôi khi bị lún
quá sâu, tôi phải bám vào một cành hoặc rễ
cây ven lối đi để lấy sức rút chân lên. Trong
bóng đêm mờ ảo, đoàn người vẫn đi. Thỉnhthoảng
một tràng đạn súng tay hoặc một trái
lựu-đạn bất-thần nổ vang khiến mọi người
hốt-hoảng. Những lúc ấy, bất kể lính hay
thường dân, ai nấy đều tranh nhau để vượt lên
phía trước.
- Cứu tôi! Cứu tôi với. Có tiếng cầu-cứu vang lên.
Tôi trố mắt nhìn trong đêm. Trước mặt tôi, những người lính đang tạt sang hai bên để đi tới. Ở giữa lối đi, một người lính bị lún sình tới gần ngang ngực. Anh ta đang chới-với, cố gắng nhoai lên nhưng vô hiệu vì chiếc ba-lô trên lưng đã ngập một nửa dưới bùn.
- Mình kéo hắn lên. Tôi nói với Tuân.
Chúng tôi liền bước sang hai bên, rồi mỗi người nắm một cổ tay người lính, tay kia bám chặt vào một cành cây để lấy sức.
- Một, hai, ba! Tôi kêu lên làm hiệu.
Chúng tôi tức-thì kéo người lính lên và đi tới. Khi người lính ấy đã lên khỏi vũng lầy và đang gượng đứng lên trên mặt bùn nhão-nhẹt, chúng tôi buông tay và tiếp-tục bước nhanh theo đoàn người phía trước. Sau hơn nửa giờ lội bì-bõm trong rừng vẹt, đoàn người bị chận lại bởi một nhánh sông rộng đến vài chục mét. Thủy-triều mới bắt đầu xuống, nước vẫn còn phủ bìa rừng. Tuân và tôi bơi sang bờ đối-diện, rồi lại tiếp tục theo đoàn người đi sâu hơn vào rừng sát. Từ đây, dù nước không còn phủ mặt đất, việc di-chuyển vẫn vất-vả vì bùn-lầy vướng chân và cây cùng rễ vẹt cản lối. Đang đi, tôi chợt nghe có những tiếng quát-tháo lẫn-lộn với tiếng đàn bà và trẻ con khóc vọng tới từ nhánh sông phía sau, nơi chúng tôi và mọi người vừa mới vượt qua. Mặc kệ chuyện gì xảy ra phía sau, đoàn người vẫn tiếp tục đi. Chẳng mấy chốc, một nhánh sông khác lại chận ngang trước mặt.
Thủy-triều đang xuống thật nhanh. Dòng nước đã gom lại giữa lòng nhánh sông, để lộ ra hai bãi bùn ở hai bên bờ. Thấp-thoáng trong đêm tối, những người đi trước đang lội bùn để tới dòng nước. Nhiều người la ơi-ới hoặc chửi thề ỏm-tỏi vì bị lún bùn quá sâu. Thấy vậy, Tuân và tôi bảo nhau đi độ mười mét ra khỏi đám đông, rồi chạy thật nhanh trên bãi bùn để đến dòng nước. Nhờ vậy, chúng tôi đã tới mé nước không mấy vất-vả. Sau khi lội ngang dòng nước, chúng tôi lại chạy thật nhanh qua bãi bùn ven bờ đối-diện để vào bìa rừng phía trước.
Cứ thế, đoàn người đã vượt năm, sáu nhánh sông trước khi bị khựng lại ở một dòng sông lớn. Khi Tuân và tôi đến nơi, nước sông đã rút để lộ một bãi phù-sa rộng độ vài chục mét chạy dọc ven bờ. Những người đến trước đã phân-tán ở bìa rừng để chờ đợi. Ngay trước mặt chúng tôi, một nhóm khoảng nửa tiểu-đội lính đang đi tới đi lui trên bãi.
- Đống-Đa, Đống-Đa! Đây Bắc-Bình ...
Tiếng âm-thoại truyền-tin vang lên trong đêm tối. Chỉ vài phút sau, tôi nghe có những tiếng càu-nhàu và chửi thề trong bọn họ. Thì ra đó là bộ chỉ-huy của đoàn quân di-tản. Theo lời họ đối-thoại với nhau, tôi hiểu rằng đoàn quân nhảy-dù này đã được lệnh đến một nơi nào đó trong rừng sát để đợi tàu vào đón, nhưng lúc này lại được cho biết đích-xác là không có tàu gì cả. Sau cùng, vì phải tự lo lấy, họ đã bàn với nhau chia ra làm nhiều nhóm để di-tản. Hơn nữa, họ cũng đã quyết-định là sẽ ra Vũng-Tàu chớ không đến cầu Cỏ-May ở gần thị-xã Bà-Rịa vì sợ rằng cây cầu này đã bị Việt-Cộng chiếmđóng. Họ cũng không đến cầu Cây-Khế vì sợ bị quân bạn ngộ-nhận là Việt-Cộng. "Vậy vẫn còn may. Nếu không biết đích-xác là không có tàu thì đoàn quân sẽ phải đợi cho đến bao giờ?" Tôi nghĩ thầm.
Những người lính gần bên chúng tôi đã bắt đầu xuống sông. Tuân và tôi rời bìa rừng đi lần xuống bãi. Khi chúng tôi tới mé nước, Tuân lo-lắng hỏi:
- Chú liệu có thể bơi qua sông được không?
Nhìn dòng nước lấp loáng trong đêm, tôi không thể ước-lượng được chiều rộng của con sông là bao nhiêu, nhưng vẫn quả-quyết:
- Được!
Tôi vừa trả lời xong thì Tuân kéo tôi quẹo trái để đi về phía thượng dòng. Khi đã ra khỏi đám đông được vài chục mét, chúng tôi lẳng-lặng rời bãi để xuống sông.
Thủy-triều đang ở mức thấp nhất nên gió lặng như tờ, và nước chảy rất chậm. Tuân và tôi thong-thả bơi bên nhau. Bên phải chúng tôi, những tiếng kêu-cứu, gọi nhau ơi-ới cứ liên-tục vang lên trong đêm tối. Lúc này tôi mới chợt nhận ra rằng tôi đang vừa bơi vừa kéo theo cái túi rết nửa nổi nửa chìm trên mặt nước. Không biết đã bơi được bao lâu, tôi bỗng thấy có những vật màu đen trông như những trái banh đang trôi trên mặt nước. Tôi đưa tay chụp một vật đang trôi trước mặt thì chạm phải cạnh của một cái nón sắt gần đầy nước đang lật ngửa. Chiếc nón sắt tức-thì bị đầy nước và chìm mất tiêu xuống đáy sông. Tôi để ý chụp một vật khác vừa trôi tới thì được một cái bi-đông bằng nhựa.
- Chụp lấy một cái bi-đông. Tôi bảo Tuân.
Tuân biểu đồng tình, rồi chỉ trong chốc lát cũng chụp được một cái bi-đông bằng nhựa như tôi. Hai chiếc bi-đông này đã làm chúng tôi phấn-khởi và yên tâm hơn khi tiếp-tục bơi qua sông. Khi gần đến bờ đối-diện, tôi chợt thấy một người đang bơi từ bờ ra, ngược chiều với chúng tôi.
- Còn bơi được không? Có cần giúp không? Tiếng một người đàn ông hỏi dồn.
- Không cần đâu. Cám ơn. Tôi nói.
Tuân cũng trả lời tương-tự. Người đàn ông liền quay lại, cùng bơi vào bờ với chúng tôi. Sau khi Tuân và tôi đã lên bờ, người đó lặng-lẽ bỏ đi, và mất hút vào bìa rừng trước mặt. Nằm dài trên bờ sông nghỉ mệt, tôi chợt nhớ lại những tiếng kêu-cứu trên sông, rồi nghĩ là rất có thể một vài người lính đã chết đuối vì vướng bận ba-lô và vũ-khí. Tôi cũng nghĩ rằng chúng tôi đã rất may-mắn vì khi mọi người đang bơi thì thủy-triều bắt đầu lên, nên dòng nước đã đổi chiều làm cho những vật nổi, như chiếc nón sắt và bi-đông, trôi từ chỗ những người lính về phía chúng tôi. Tuy nhiên, tôi không thể hiểu tại sao những người lính lại buông trôi những thứ ấy.
- Bây giờ chúng ta ăn uống rồi nghỉ ở đây. Mai hãy đi tiếp.
Một người nào đó nói như ra lệnh cho những người lính đang nghỉ mệt ven bờ. Quan-sát những người lính tản mát vào bìa rừng tìm chỗ nghỉ, tôi ước chừng họ chỉ có vài chục người. Như vậy đây chỉ là một nhóm rất nhỏ của đoàn quân, số rất đông còn lại đã vượt sông ở chỗ khác.
- Mình cũng tìm chỗ nghỉ chú ạ. Tuân bảo tôi.
Chúng tôi vào bìa rừng, rồi ngồi dựa vào hai gốc cây kế cận nhau để nghỉ. Khi mở túi rết và cởi bao ny-lông để lấy lon guy-gô thức ăn, tôi nhận thấy mọi thứ trong bao nylông đều không bị ướt. Một điều thật trùng hợp là Tuân và tôi mỗi người đều đem theo một lon guy-gô không hề có cơm mà toàn là những miếng thịt heo luộc được cắt to cỡ nửa nắm tay. Lại nữa, không ai trong chúng tôi mang theo nước uống, nhưng cả hai cái biđông lượm được trên sông đều mới vơi đi chừng một nửa. Chúng tôi cùng nhau ăn uống dưới bóng đêm, không hề nghĩ rằng ăn thịt có mỡ và uống nước lạnh có thể bị đau bụng. Khi tôi thắc-mắc về sự trùng-hợp của hai lon thịt, Tuân cho tôi biết là chính mẹ anh ta đã cho làm thịt một con heo để phát cho bà con và bán tháo đi ở ngoài chợ. Nghe Tuân nói, tôi phì cười vì thật không ngờ bà bác của tôi lại là một trong những người sợ bị Việt-Cộng đấu tố. Chợt có tiếng một người lính nào đó chửi thề: "Đ.m! Đánh đấm gì kỳ thế. Chưa đánh đã bảo chạy."
Một người khác càu nhàu:
- Mẹ kiếp! Thế rồi mấy chả chạy mất tiêu.
Lại một người khác lên tiếng:
- Giờ này chắc mấy chả đang ở trên tàu Mỹ ráo trọi.
Cuộc đối-thoại của những người lính cứ thế xoay quanh việc "ra lệnh rồi bỏ trốn" của những người chỉ-huy cao cấp của họ.
Ăn uống xong, chúng tôi nửa nằm nửa
ngồi, dựa vào gốc cây cố ngủ lấy sức. Dù rất
mệt-mỏi, nhưng tôi vẫn không thể ngủ được
vì những ý nghĩ chợt đến trong đầu. Đã gần
hai mươi mốt năm kể từ ngày theo gia-đình
di-cư từ Bắc vào Nam để tránh chế-độ Cộng-
Sản, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có ngày mình
phải chạy trốn một lần nữa. Nào ngờ giờ đây,
Việt-Cộng lại rượt theo bén gót khiến tôi phải
rời gia-đình để ra đi. Không biết rồi đây tôi có
còn gặp lại những người thân-mến hay
không? Nếu có thì bao giờ? Hay lại mươi,
mười lăm, hoặc hai mươi năm nữa như chú tôi
đã nói? Tôi mới cưới Nhung được vài tháng
nay, nếu tôi đi biệt tăm thì thật là tội-nghiệp
cho nàng. Nghĩ đến đây, tôi chợt thấy lòng
mình chùng xuống, vừa buồn-rầu vừa lo-lắng,
vừa áy-náy không yên. Một lát sau, tôi lại tự
an-ủi mình rằng Sài-Gòn không thể mất được.
Tôi nhất định phải về lại đơn-vị để cùng với
đồng-đội chiến-đấu. Trước sau gì thì Việt-
Cộng cũng sẽ bị đẩy lui về miền Bắc. Chỉ vài
ngày nữa thôi, tôi sẽ kể cho những người bạn
của tôi ở Sài-Gòn nghe về cuộc "di-tản chiếnthuật
bất-đắc-dĩ" của tôi với một đơn-vị của
Lữ-Đoàn 1 Nhảy-Dù. "Chắc chắn là họ sẽ tức
cười lắm." Tôi tự nhủ, rồi ngủ thiếp đi sau
một hồi suy-nghĩ miên-man.
Giật mình thức giấc, tôi cảm thấy dưới chân và mông lạnh ngắt. Thì ra nước đã ngập tới gốc cây. Tôi liền leo lên ngồi trên một cành cây cách mặt đất độ một mét. Tuân cũng leo lên cây bên cạnh. Một tay choàng qua thân cây, tôi tiếp-tục dỗ giấc ngủ. Không biết đã được bao lâu, tôi lại giật mình tỉnh dậy. Có những tiếng chửi thề xen lẫn với tiếng những bước chân lội bì-bõm đâu đây. Thì ra thủy triều vẫn mỗi lúc càng cao, và nước đã ngập tới hai bàn chân đang thòng xuống của tôi. Gió sông lúc nước lên thổi ào-ào, nhưng tôi không hề cảm thấy lạnh. Để cho chắc ăn, tôi lại leo lên một cành cao hơn, rồi ngồi chồm hổm như chim và tiếp-tục nhắm mắt ngủ-gà ngủ-gật chờ sáng.
Những tiếng lách-cách vang lên ở chung quanh làm tôi tỉnh giấc. Trời vừa mờ sáng. Nước đã rút khỏi bìa rừng. Tôi vội-vã leo xuống vì nhận ra rằng những người lính đang chuẩn-bị lên đường. Tuân ở trên cây bên cạnh cũng leo xuống theo.
Bỗng một người nào đó lên tiếng hỏi:
- Máy truyền-tin đã chìm xuống sông hồi đêm. Làm sao bây giờ?
Không có tiếng trả lời.
Vài phút sau, một người khác nói:
- Tất cả sẵn-sàng chưa? Chúng ta đi.
Rõ ràng đó là tiếng của cấp chỉ-huy bảo thuộc-hạ. Có tiếng thầm-thì trao-đổi, rồi một người lính với khẩu M16 trên tay đi vượt lên trước. Những người còn lại chia thành từng nhóm hai hoặc ba người lần-lượt theo sau, đi sâu vào rừng cây rậm-rạp.
Tôi lặng-lẽ quan-sát. Toán lính chỉ có hơn hai chục người. Khoảng năm, sáu người trong bọn họ còn đeo ba-lô. Ngoài ra, cũng có vài người chỉ mặc quần dài và áo thung. Về vũ-khí, ngoài khẩu colt 45 của người chỉ-huy, cả toán chỉ còn một khẩu M16 của người lính đi đầu và dăm trái lựu-đạn của vài người lính khác. Qua những mẩu đối-thoại của họ, tôi cũng biết được rằng ngoài người sĩ-quan chỉ- huy được gọi là thẩm-quyền, còn một sĩ-quan nữa được gọi là bác-sĩ. Tuy nhiên, tôi không thể biết được cấp-bậc của hai người sĩ-quan này vì cả hai đều không mang lon trên áo và không hề gọi nhau bằng cấp-bậc.
Trong khi chờ cho toán lính di-chuyển, tôi mở túi rết lấy giày mang vào, rồi kín-đáo để khẩu súng và hộp đạn ra bên ngoài túi ny-lông trong túi rết, phòng khi hữu-sự. Trong hoàn cảnh này, tôi không muốn những người lính biết là tôi cũng ở trong quân-đội.
"Họ biết mình là người trong xứ đạo là được rồi." Tôi tự nhủ.
Hai người sĩ-quan bắt đầu đi. Tuân và tôi đứng dậy dợm bước theo sau.
- Hai anh đi lên trước đi. Dầu sao đi nữa thì chúng tôi cũng bảo-vệ các anh.
Người sĩ-quan chỉ-huy nói và dừng lại đợi. Chúng tôi ra dấu cám ơn rồi đi vượt lên. Người sĩ-quan quân-y và vài người lính khác cũng dừng lại nhường bước. Sau khi đi sâu vào rừng độ năm chục mét, đoàn người không còn phải tránh-né những vũng nước hoặc sình lầy nữa. Mặt đất trên cù-lao đã trở nên khô-ráo vì cao hơn mực thủy-triều. Rừng cây trước mặt cũng hoàn toàn thay đổi, không còn những cây vẹt với những rễ phụ từ thân cây chĩa ra chằng-chịt nữa. Thay vào đó là một tập hợp những loại cây cỏ mà tôi không biết tên của một khu rừng thưa và thấp. Có vài nơi trên mặt đất, lá lẫn với những cành cây nhỏ khô mục phủ đầy như trải thảm.
Đoàn người tiếp-tục len-lỏi qua những bụi cây còn ướt sương đêm để băng ngang cù lao. Trong lúc di-chuyển, mặc dù mọi người đều cố-gắng không gây tiếng động để khỏi bị lộ vị-trí, tiếng lách-tách của những nhánh cây con khô mục bị đạp gẫy dưới bước chân vẫn liên-tục vang lên.
Toán quân vẫn đi thành từng nhóm hai hoặc ba người cách nhau chỉ độ vài mét. Từ phía sau, thỉnh-thoảng tôi có thể nhìn thấy người lính cầm súng đi đầu đang làm hiệu cho những người đi sau dừng lại hoặc tiến tới. Đôi khi, theo dấu hiệu của người đi đằng trước, mọi người phía sau phải vội-vã nép vào những bụi cây rậm-rạp để chờ đợi, rồi lại tiếp-tục đi tới khi được ra dấu cho đi.
Hơn một tiếng đồng hồ sau, khi đoàn người ra đến bìa rừng thì đối diện với một ngã ba sông rộng lớn. Không ai bảo ai, mọi người đều nhanh-chóng núp vào những bụi rậm ven bờ.
- Quan-sát ngoài sông xem có thuyền-bè gì không. Người sĩ-quan chỉ-huy bảo thuộc-hạ.
Từ nơi ẩn-núp, tôi thấy hai người sĩ-quan ở bụi cây bên cạnh đang chụm đầu vào một tấm bản-đồ hành-quân trải rộng trên mặt đất. Theo lời hai người sĩ-quan nói với nhau thì nhánh sông bên trái là lối đi vào thị- xã Bà-Rịa, nhánh sông bên phải là lối đi về đảo Long-Sơn, còn nhánh sông trước mặt là lối ra cửa biển phía đông đảo Long-Sơn. Thêm vào đó, bên trái nhánh sông này là một cù-lao rộng-lớn tiếp-giáp với sông Cát-Lở. Ngoài ra, một làng chài-lưới được ghi là đang nằm đâu đó ven bờ của cù-lao này. Sau khi nghe được như thế, tôi liền nhìn theo bờ bên trái của nhánh sông trước mặt, và thấy ở cuối tầm mắt một bãi cát chạy dọc ven bờ cùng với những mái nhà thấp-thoáng dưới rừng cây. Ngay giữa ngã ba sông, một chiếc tàu đò dài độ hai chục mét đang chạy từ trái sang phải.
- Có chiếc tàu đò. Mình có bắn súng gọi nó không, thẩm-quyền?.
- Đừng! Biết đâu chúng đã chiếm con đò đó. Người sĩ-quan chỉ-huy nói.
Chiếc tàu đò vượt qua rồi khuất dạng ở khúc quanh về hướng đảo Long-Sơn. Nhìn dòng nước rộng mênh-mông và đang chảy siết, tôi phát sợ vì biết chắc là mình không thể bơi qua được.
Gần một tiếng đồng hồ chờ đợi trôi qua. "Sụyt!" Một người nào đó kêu lên làm hiệu. Mọi người giật mình núp kỹ rồi im-lặng quan-sát. Chỉ vài chục mét ở phía bên trái, một chiếc ghe tam-bản vừa ló ra. Chiếc ghe đi cách bờ không đầy mười mét đang tiến về phía chúng tôi. Trên ghe, ngoài một cụ già trạc sáu mươi tuổi đứng chèo ở sau lái, một thằng bé khoảng mười tuổi đang ngồi chèo phụ ở trước mũi.
- Chận chiếc ghe đó lại.
Người sĩquan chỉ-huy nói vừa đủ nghe. Nhanh như một con sóc, người lính ôm súng M16 liền chạy ra núp ở một bụi cây sát bờ sông.
Khi chiếc ghe vừa đến trước mặt, anh ta bất thình lình nhảy ra chong súng vào cụ già quát:
- Ông già kia! Vào đây.
Cụ già khựng lại, rồi vội-vã cho ghe tấp vào bờ. Người lính ngoắc tay. Vài người lính khác chạy ra đứng bên anh ta.
- Xin các ông tha cho. Ông cháu lão chỉ đi câu kiếm sống mà thôi.
Cụ già run-rẩy nói, trong khi đứa nhỏ trố mắt nhìn.
- Không sao đâu cụ ơi. Chúng cháu chỉ xin quá-giang mà thôi.
Một người lính trấn-an cụ. Hai ông cháu cụ già có vẻ bớt sợ, lặng-lẽ ngồi trên ghe chờ đợi.
Sau một hồi bàn tính, toán lính quyết định để người sĩ-quan quân-y và người lính có khẩu M16 xuống ghe.
- Cố-gắng tìm phương tiện đón anh em nhé. Người sĩ-quan chỉ-huy nói.
- Chắc-chắn rồi. Đừng lo.
Người sĩ-quan quân-y trả lời, rồi yêu cầu cụ già cho ghe nhắm bờ bên trái của ngã ba sông tiến tới.
Những người lính còn lại gom thành từng nhóm dưới những bụi cây để tránh nắng và chờ đợi. Khi họ đem lương-khô ra ăn, Tuân và tôi cũng đem vài miếng thịt còn lại trong lon guy-gô ra ăn đỡ dạ. Trong suốt thời gian ăn uống và chờ đợi, những người lính vẫn luôn-luôn quan-sát chung quanh để đề-phòng bất-trắc. Người sĩ-quan chỉ-huy thì thỉnh thoảng lại cầm ống nhòm lên quan-sát ngoài sông. Một tiếng đồng hồ đã trôi qua mà chẳng có ghe nào xuất-hiện. Mọi người trở nên bồn chồn lo-lắng. Biết đâu người sĩ-quan quân-y và người lính đi theo anh ta đã bị Việt-Cộng bắt. Cũng biết đâu họ đã bỏ đi luôn. Tuy nhiên, khi mọi người bắt đầu ồn-ào bàn-tán thì người sĩ-quan chỉ-huy chợt reo lên cho biết có một chiếc ghe đang chạy ra từ làng chài-lưới. Khoảng mười lăm phút sau, ai nấy đều mừng rỡ khi thấy rõ đó là một chiếc ghe máy, và người lính dù ôm khẩu M16 đang ngồi trước mũi.
Chiếc ghe máy cập vào bờ, mọi người xuống ghe, chiếc ghe quay lại đường cũ, vượt ngã ba sông, rồi chạy dọc theo bờ bên trái hướng về làng chài-lưới. Trong chốc lát, dòng sông chợt mở rộng thênh-thang ở phía bên phải vì ngay trước mặt đã là cửa biển. Sóng to gió lớn làm chiếc ghe di chuyển rất chậm. Tuy nhiên hơn nửa giờ sau, chiếc ghe cũng đến được một bến ghe nhỏ ở đầu làng.
Dưới bến, ngoài chiếc ghe tam-bản của hai ông cháu cụ già, những ghe khác đều trống trơn vô-chủ. Trên bờ, người sĩ-quan quân-y và một nhóm thường dân đang đứng nhìn chúng tôi. Giữa những tiếng ầm-ì của sóng-gió, tiếng người sĩ quan quân-y chợt vang lên rõ mồn-một từ trên bờ:
- Tôi làm sao bỏ các anh em được!
Nhìn nét mặt tươi cười của anh ta, tôi chợt nghĩ thầm: "Đúng là lương-y như từ-mẫu."
Chiếc ghe máy cập vào bến. Mọi người dưới ghe lần-lượt lên bờ. Hai người sĩquan nói gì đó với cụ già chủ ghe tam-bản và người đàn ông chủ ghe máy, rồi ngoắc tay cho thuộc-hạ nhắm hướng cuối làng đi tới. Tôi không biết cụ già và người đàn ông ấy có được trả công bằng một cách nào đó hay không.
Trời nắng chang-chang. Toán lính vừa đi vừa chạy lúp-xúp ven bìa làng dọc theo bãi cát. Tuân và tôi cũng chạy theo họ. Bãi biển vắng hoe. Bên trái chúng tôi là bìa làng với những căn nhà mái tôn thấp-thoáng dưới rừng cây. Bên phải chúng tôi là bãi cát rộng vài chục mét tiếp-giáp với một vùng cửa biển rộng mênh-mông. Gió thổi mạnh. Những đợt sóng bạc đầu đang liên-tục đổ bờ. Ngoài kia, cách bãi chỉ độ một trăm mét, hàng chục con thuyền đánh cá đã thả neo đang bập-bềnh trên sóng. Phía trước chúng tôi, rải-rác trên bãi cát có những chiếc ghe tam-bản đã bị lật sấp hoặc nghiêng để phơi nắng. Ngoài ra, ở cuối tầm nhìn trước mặt còn có mấy chiếc ghe thật lớn đang đậu ở ven bờ. "Bến tàu đò!: Tôi tự nhủ.
- Còn nước không chú ?Tuân chợt hỏi.
Tôi quay lại vừa lúc Tuân ném mạnh chiếc bi-đông của anh ta ra xa. Chiếc bi-đông rơi xuống lăn lông-lốc trên cát rồi nằm im ở gần mé nước.
- Còn. Tôi trả lời.
Chúng tôi chạy chậm lại, gạt mồ-hôi và chia nhau vài hớp nước, rồi chạy nhanh hơn để theo kịp những người lính. Được vài trăm mét, tôi chợt thấy ở khoảng cách độ năm chục mét trước mặt, khoảng một nửa tiểu-đội lính đã tụ lại dưới một lùm cây khá lớn ở ven bìa làng. Gần đấy, hai người lính khác đang hè nhau lật ngửa lại một chiếc ghe tam-bản nằm sấp trên bãi cát. Bất thình-lình, nửa tiểu-đội lính ở ven bìa làng túa ra chạy thục-mạng về phía trước. Hai người lính đang lật ghe trên bãi cũng tức tốc chạy theo. Họ la lên thúc-dục những người lính phía trước và đằng sau chạy nhanh thêm. Tuân và tôi cũng hoảng hồn, lật-đật phóng theo họ. Khi chạy ngang lùm cây, nơi những người lính vừa tụ lại trước đây, tôi thấy một cụ già râu tóc bạc phơ đang ngồi dựa vào một gốc cây, thản-nhiên hút thuốc, và nhìn bâng quơ ra biển. Tuân và tôi đều giơ tay vẫy chào, nhưng cụ vẫn ngồi yên như chẳng hề thấy chúng tôi.
Sau một hồi chạy như bị ma đuổi, mọi người dừng lại ở cuối làng, nơi thật sự có một bến tàu đò. Lúc Tuân và tôi tới nơi, những người lính đang hỏi thăm một nhóm dân chài trên bến. Bỗng một người lính chửi thề:
- Đm! Dzậy mà lão già đó nói là Dziệt-Cộng đang đóng đầy ở trong làng.
Một người khác hằnhọc chửi tiếp:
- Đm! Ta mà gẹp lựa lỗ thì ta béng.
Một người nào đó hỏi vặn lại:
- Gặp lại lão sao được nữa mà bắn?
Nhưng một người nữa cười lớn và nói:
- Gặp ‘lỗ’ thì ‘béng’ là cái chắc.
Ngay sau lời diễu-cợt ấy, cả bọn họ phá lên cười khoái-trá. Tuân và tôi cũng phì cười theo. Thì ra, khi biết là mình đã phải chạy thục-mạng vì bị một cụ già hù-dọa, những người lính nhảy-dù vừa bực mình vừa tức cười, nên đã đùa-giỡn rồi bỏ qua. Sau khi được biết rằng chỉ có một chiếc tàu đò đi vào buổi sáng và về vào chập tối, mọi người nhanh-chóng rời làng đánh cá, rồi băng rừng nhắm hướng Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lở để đi tới theo đường chim bay.
Chỉ một lát sau khi vào rừng, tôi nhận ra rằng cù lao này rất rộng lớn và có độ cao đến vài mét trên mực nước biển. Rừng ở đây thì toàn là rừng thưa và đã được khai-phá. Do đó, tôi đã nghĩ rằng mọi người sẽ không phải lội sình vất-vả như đã vượt rừng sát hồi đêm qua. Tuy nhiên, trên thực-tế thì trong hơn hai tiếng đồng hồ di-chuyển, ngoài việc băng rừng, lội sình, và bơi qua những nhánh sông, đoàn người di-tản còn phải vượt qua bốn, năm ruộng muối rải-rác trên đường đi. Ruộng muối ở đây gồm những mảnh sân bằng-phẳng hình chữ nhật dài khoảng ba chục mét, rộng độ mười lăm mét, và có bờ cao chỉ độ năm phân, nằm san-sát với nhau thành một vùng rộng như một sân đá banh. Nước biển trong những đường mương nhỏ được múc đổ lên sân từ lúc sáng sớm, nên bây giờ đã bay hơi để lại một lớp muối còn ươn-ướt trên khắp mặt sân. Để tiết-kiệm thì giờ, đoàn người luôn-luôn chạy băng ngang mỗi khi gặp một ruộng muối. - Trời ơi. Nóng quá! Một người nào đó không mang giầy đã la lên khi chạy ngang một ruộng muối.
Sau khi lội qua một nhánh sông khá lớn, đoàn người tiếp-tục len-lỏi trong rừng độ mười lăm phút thì đến bờ sông Cát-Lở. Bên kia sông, ngay trước mặt chúng tôi là một xóm nhỏ ven bờ. Hầu như cứ vài nhà lại có một chiếc ghe tam-bản cột ở mé nước phía sau nhà. Chếch về phía bên trái gần một cây-số là Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lở. Trên sông sóng to gió lớn, vài chiếc tàu đang lầm-lì di-chuyển. Khi một chiếc tàu đi ngang trước mặt, những người lính nhảy-dù la lên và vẫy tay rối-rít. Một vài thủy-thủ trên tàu vẫy tay đáp lại, nhưng chiếc tàu này vẫn lầm-lũi đi qua để vào Căn-Cứ Hải-Quân. Thất-vọng, nhiều người lính cởi áo cầm tay và vẫy lia-lịa về hướng xóm nhà trước mặt. Nhưng tất cả đều vô- hiệu. Hình như chẳng có ai trong xóm nhỏ ấy nhìn thấy. Chẳng biết đã bao lâu, khi mọi người đã chán-nản hầu như tuyệt-vọng thì chợt thấy một chiếc nón lá vẫy lên đáp lại. Chỉ vài phút sau, ai nấy đều reo lên mừng-rỡ khi thấy bốn, năm chiếc ghe tam-bản đang rời bờ xóm nhỏ để sang sông. Trong khi chờ đợi, mọi người đều xuống sông để rửa sạch bùn đất trên người và quần áo.
Nhìn bóng-dáng những người dân không hề quen-biết đang vất-vả chèo ghe vượt sóng sang sông, tôi chợt thấy lòng mình cảm kích, đồng thời nhớ lại những kỷ-niệm đã xảy ra gần bốn năm trước trong một cuộc hành quân hỗn-hợp kéo dài đến vài tháng của Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải và Đệ Thất Hạm-Đội Hoa-Kỳ ngoài khơi Vũng-Tàu.
Hôm đó, hai chiếc PT của Sở Phòng-
Vệ Duyên-Hải được lệnh vào Căn-Cứ Hải-
Quân Cát-Lở, Vũng-Tàu để nhân-viên đi bờ.
Khi vào đến khúc sông này, dù cả hai chiến đĩnh
đã chạy rất chậm, những đợt sóng ngầm
sau lái đã làm những chiếc ghe tam-bản ở ven
bờ xóm nhỏ kia lắc mạnh và hất văng một số
người trên ghe xuống sông. Hai chiếc PT đã
phải tức-thì ngưng máy, rồi chạy với vận-tốc
tối-thiểu để đi vào.
Một kỷ-niệm khác mà tôi vẫn cho là khó hiểu, vì sự việc đã xảy ra như một trò đùa trong chiến-tranh. Một buổi sáng sớm, khi mặt trời mới mọc và sương mù còn dày đặc trên biển, hai chiếc PT và hai chiếc SWIFT đã nhanh-chóng rời căn-cứ nổi là một chiếc tàu của Đệ Thất Hạm-Đội Hoa-Kỳ đang neo ở phía đông-nam đảo Côn-Sơn. Ngoài thủy-thủ đoàn, mỗi chiến-đĩnh đều có thêm vài nhân viên Biệt-Hải trang-bị tận răng để khi cần có thể nhanh-chóng thực-hiện những cuộc xét ghe hoặc đổ-bộ thám-sát ven bờ biển. Chuyến tuần-tiễu này xảy ra bất thình-lình khiến chúng tôi rất phấn-khởi vì hy-vọng rằng sẽ bắt được một vài ghe súng của Việt-Cộng, và rồi sẽ tha hồ mà "đi-bờ" ở Vũng-Tàu. "Tình-báo Mỹ hay thật!" Tôi khâm-phục tự nhủ. Mặc dù hai chiếc SWIFT, một do một sĩ-quan Hải- Quân, Phân-Đội Trưởng SWIFT, làm Hạm- Trưởng và tôi làm Hạm-Phó, và một do một sĩ-quan Hàng-Hải Thương-Thuyền làm Hạm- Trưởng và anh bạn cùng khóa với tôi là Bạch- Xuân làm Hạm-Phó, đã chạy với vận-tốc tối đa, hai chiếc PT chạy phía trước chẳng mấy chốc đã mất hút trên mặt biển.
Trước khi khởi-hành, Xuân và tôi đã hẹn nhau là sau khi tuần-tiễu và khám-xét ghe trở về sẽ rủ hai anh bạn Trưởng Toán Biệt-Hải là Hùng, cùng khóa với chúng tôi, và Khuyên, một sĩ-quan lục-quân, hiện giờ chắc là đang “tán-phét” về “những món ăn-chơi ở Vũng- Tàu” với đàn em trên hai chiếc PT chạy phía trước, cùng nhau ăn sáng ở trên tàu Mỹ. Chúng tôi dự-định là sau khi ăn uống, mỗi đứa sẽ thong-thả "tráng-miệng" thêm một trái táo hoặc một trái cam, rồi mới ung-dung "tẩm -bổ", điều mà đám sĩ-quan Mỹ trên tàu đã phải trố mắt nhìn và há hốc mồm kinh-ngạc, bằng cách "ăn-tươi nuốt-sống" ngon ơ hai, ba hột gà "la-coóc" đã được ngâm nước sôi trong một ly thủy-tinh. Ngoài ra, chúng tôi còn tính là sẽ hùn nhau mua mươi cây thuốc lá từ tàu Mỹ để đem vào Vũng-Tàu kiếm lời làm tăng thêm ngân-quỹ "đi-bờ" của chúng tôi. Biết đâu trưa nay chúng tôi lại chả được theo mấy chiếc PT vào Vũng-Tàu để "đi-bờ" như đã từng xảy ra trước đây. Vũng-Tàu là nơi mọi "món ăn-chơi" chẳng bao giờ thiếu, chúng tôi lại chuẩn-bị kỹ như thế, thì cuộc "đi-bờ" này nhất định sẽ rất là thú-vị.
Nhưng tất cả đều ra ngoài ý muốn của Xuân và tôi. Chưa đầy nửa giờ đồng hồ sau khi rời tàu Mỹ, phân-đội SWIFT được lệnh phải đi theo một hướng nhất định để vào bờ biển Việt-Nam. Khi gần đến nơi, chúng tôi thấy một chiếc máy bay trực-thăng đang bay vòng vòng trên mặt biển gần bờ. Bên dưới chiếc máy bay, một khối đen khá lớn nổi bật lên trên mặt nước. Khi chúng tôi báo-cáo vị- trí thì người Sĩ-Quan Chỉ-Huy Chiến-Thuật (OTC), cũng là Hạm-Trưởng một chiếc PT đang ở đâu đó trên biển, ra lệnh cho chúng tôi phải tiếp-tục vào bờ. Ngay lúc đó, chiếc máy bay trực-thăng bay vụt trên đầu chúng tôi để ra khơi rồi mất dạng. Biết chắc là mình sẽ phải thám-sát vật lạ kia, chúng tôi cho tàu đi hàng ngang tiếp-tục tiến vào. Những lượn sóng bạc đầu trước mặt cho biết chúng tôi đang đi vào bãi cạn.
- Nước đục ngầu ở sau lái! Một nhân-viên la lên báo-cáo.
- Máy ngừng! Phân-Đội Trưởng ra lệnh.
Con tàu chậm lại rồi đứng yên, bập-bềnh trên sóng. Sau khi sử-dụng Radar và ống nhòm để xác định lại vị-trí, đồng thời nhìn hải-đồ để kiểm lại độ sâu, chúng tôi nhận thấy con tàu còn cách bờ gần một hải-lý, nhưng rõ ràng là đang ở trên một bãi cạn vì đáy biển ven bờ ở đây rất bằng-phẳng với độ sâu chỉ có một fathom (1 fathom = 6 feet = 1,8 mét). Trên thực-tế, độ sâu ven bờ luôn thay-đổi theo thời-gian và thủy-triều lên xuống, nên kể từ giờ phút này, tàu của chúng tôi có thể mắc cạn bất cứ lúc nào.
Chúng tôi báo-cáo tình-trạng mực nước như thế, thì được cho biết rằng, vì chiếc máy bay trực-thăng của Mỹ đã phát-hiện một chiếc tàu ngầm, nên chúng tôi phải vào tận nơi để thám-sát bằng mọi giá. Chúng tôi cho tàu từ-từ tiến vào với vận-tốc tối-thiểu, mặc kệ luồng nước đục-ngầu đang cuồn-cuộn ở sau lái. Khi còn cách vật lạ kia độ một trăm mét, chúng tôi dừng lại. Dùng ống nhòm quan-sát, chúng tôi nhận ra một cây tre, trông giống như một cột ăng-ten thật cao lớn, vươn lên từ một cái lô-cốt đã đổ nát cách bờ chỉ hơn một trăm mét. Chúng tôi hiểu ngay rằng đây là một cái lô-cốt xưa từ thời Pháp, và những ngư-phủ trong vùng này đã dựng cây tre trên cái lô-cốt này để làm hiệu cho ghe-cộ ra vào cửa biển.
Chúng tôi lại báo-cáo tình-trạng mực nước và những gì trông thấy, đồng thời lý luận rằng làm gì có tàu ngầm ở độ sâu một, hai mét. Dầu vậy, chúng tôi vẫn được lệnh phải vào tận nơi. Chúng tôi cho tàu tiến vào rồi dừng lại cách cái lô-cốt độ 15 mét để quan-sát tiếp. Chẳng có gì khác hơn những gì đã báo-cáo, ngoài việc biết thêm rằng cái lô-cốt ấy được xây bằng đá xanh, đã sụp đổ, và lúc này nó chỉ cao hơn mặt nước không đầy một mét. Chúng tôi lại báo-cáo rằng đó đúng là một cái lô-cốt đổ-nát với một cây tre dựng đứng ở trên.
- Chúng tôi có cần leo lên cái lô-cốt này không? Chúng tôi hỏi.
- Không cần. Bây giờ các anh Zulu được rồi.
- Hừm! Vậy là hết ăn sáng. Mình về ăn trưa là vừa. Tôi nghĩ thầm.
Nhưng tôi đã lầm to! Khi tàu vừa lùi được vài mét thì tiếng chân vịt tàu chém vào đá bất chợt vang lên: “Cạch cạch .... Cạch cạch cạch ...” Con tàu tức-thì rung lên bần-bật.
- Ngừng máy! Phân-Đội Trưởng la lên.
Sau khi kiểm-soát và biết rằng chân vịt trái của tàu đã bị móp-méo vì chém vào một vài tảng đá nào đó nằm dưới đáy nước, chúng tôi chỉ còn một cách là cho tàu chạy một máy để ra khơi. - Vẫn may là chân vịt bên phải còn nguyên vẹn. Tôi tự nhủ.
Khi hai chiếc SWIFT về đến tàu Mỹ thì trời đã xế chiều. Cả hai chiếc PT đều đang bập-bềnh bên hông con tàu này chứng tỏ chẳng hề có vụ "đi-bờ" gì cả.
Kỷ-niệm tiếp theo của tôi là hậu-quả của chiếc chân vịt bị móp-méo vừa kể. Chẳng bao lâu sau vụ "khám-phá tàu ngầm", cuộc hành-quân hỗn-hợp chấm dứt. Khi hai chiếc PT và toán Biệt-Hải được lệnh trở về căn-cứ ở Đà-Nẵng thì hai chiếc SWIFT được lệnh vào Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lở, Vũng-Tàu để sửa chữa chiếc chân vịt đã bị móp-méo. Phân-Đội Trưởng SWIFT, vì một lý-do nào đó, đã về trước trên một chiếc PT nên tàu được giao lại cho tôi.
- Tụi mình sẽ có nhiều thì-giờ với những thằng "cốt-đột" ở đây.” Xuân và tôi bảo nhau.
Chúng tôi thường thân-mật nhắc đến những bạn cùng khóa như thế, vì những người cùng khóa chúng tôi luôn-luôn hết lòng với bạn-bè, nhưng lại hay đùa-giỡn, chọc-ghẹo và phá-phách lẫn nhau. Trên thực-tế, trong gần một tuần ở Cát-Lở, Xuân và tôi đã có những dịp gặp-gỡ và vui-chơi thoải-mái với những người bạn cùng khóa ở đây.
Bốn ngày sau khi yêu-cầu thay chiếc chân vịt tàu, chúng tôi được cho biết người ta không thể tìm ra được chân vịt cùng loại với chân vịt của chiếc SWIFT. Chúng tôi liền sử- dụng máy siêu-tần-số trên tàu để báo-cáo trựctiếp về Sở ở Đà-Nẵng, thì được lệnh phải tức khắc nhờ gò lại chiếc chân vịt của mình. Chỉ nội một buổi sáng, việc sửa-chữa hoàn-tất. Sau khi thử tàu và báo-cáo về Sở là con tàu vẫn còn rung mạnh khi chạy với vận tốc nhanh, chúng tôi được lệnh phải khởi hành nội trong đêm ấy để trở về Đà-Nẵng.
Ngay chiều hôm ấy, tất cả các sĩ-quan Khóa
Đệ Nhị Hổ-Cáp, tức là Khóa 20 Sĩ-Quan Hải
Quân, Nha-Trang, hiện-diện ở Cát-Lở có một
buổi họp mặt. Tôi không nhớ rõ là có những
ai và bao nhiêu bạn cùng khóa và thân-hữu
tham-dự, nhưng nhớ rõ-ràng rằng chúng tôi đã
chiếm một bàn thật dài trong một quán ăn có
hạng ở đây.
Mới uống được vài ly, những bạn cùng khóa ở đây đã ngang xương "xía vào nội-bộ của nước khác" bằng cách phong ngay cho Xuân và tôi làm "Đại-Diện Lâm-Thời" cho tất cả những bạn cùng khóa đang phục-vụ ở Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải. Theo lời họ thì cái chức-vụ này được gọi là "lâm-thời" vì nó có hiệu-lực tức-khắc không cần phải tuyên-thệ, và hết giá-trị cũng tức-khắc khi cuộc nhậu bế- mạc, không cần phải có một cuộc đảo-chánh hay bầu-bán gì cả. Rồi họ thản-nhiên yêu-cầu một cách thật "lãng-xẹt" là Xuân và tôi, đại diện của tất cả những Hổ-Cáp 2 ở Sở Phòng- Vệ Duyên-Hải, hãy tỏ ra "kiêu-hùng" bằng cách uống xả láng với họ, những Hổ-Cáp 2 ở Cát-Lở. Chúng tôi gạt đi, viện cớ phải tỉnh-táo để đem tàu về Đà-Nẵng. Thế là cả bọn nhao nhao phản-đối. Rồi mọi phương-cách, từ chửi bới và diễu-cợt đến dụ-dỗ và nài-nỉ, đều được họ đem ra áp-dụng để ép chúng tôi theo ý họ. Rốt cuộc Xuân và tôi phải đề-nghị là chỉ một trong hai đứa chúng tôi uống xả láng mà thôi. Sau khi mọi người đồng ý, Xuân lại tả-oán với tôi là hắn đang vừa đau gan vừa đau bao-tử. Không còn cách nào khác, tôi đành phải chấp nhận làm đại-diện, lòng tự an-ủi rằng, ngoài việc những nhân-viên trong thủy-thủ-đoàn của mình rất giàu kinh-nghiệm, lộ-trình từ Vũng- Tàu về Đà-Nẵng toàn là hải-hành cận duyên, nên không có gì đáng phải lo-ngại. Thế là chúng tôi bắt đầu ăn-nhậu thả giàn. Kẻ cầm ly nhỏ, người bưng ly cối, chúng tôi uống xả láng, bất kể bia hay rượu. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện, "hầm-bà-lằng" trên Trời dưới Đất, từ Đông sang Tây, và từ Nam chí Bắc, tuy nhiên, nhiều nhất vẫn là nhắc lại những kỷ-niệm ở quân-trường.
Vì tửu-lượng kém, chẳng bao lâu tôi thấy bụng nôn-nao, đầu choáng-váng, và mắt thì hoa lên. Cho đến một lúc, tôi nhìn bạn-bè đang huyên-thuyên cười nói và chợt nhớ lại là chỉ hơn một năm trước đây, các bạn tôi toàn là những ông trời con, hoặc ít ra cũng là những ông tướng, tướng gì nhỉ, à phải rồi, nhi-nhô, tướng nhi-nhô. Hình-ảnh các ông tướng nhi-nhô, tuổi mới đôi mươi, đứng giạng chân, hai tay chống nạnh, mặt đằng-đằng sát-khí, la hét huấn-nhục đàn em giữa sân cát nóng-bỏng trong quân-trường ở Nha-Trang, bất-thần hiện rõ mồn-một trong đầu tôi. Tôi không say. À không, tôi chưa có say. Bằng cớ là tôi vẫn thấy rõ-ràng Bạch-Xuân thỉnh-thoảng nháy mắt với tôi. Mặt hắn mỗi lúc mỗi đen hơn, nhưng mắt và răng thì ngược lại, mỗi lúc mỗi trắng hơn. "Dzô, dzô, dzô!" Các ông tướng đang nâng những ly đầy ắp ngang tầm mắt, và đồng loạt hướng về phía tôi hô ầm lên. Tôi, một ông tướng khác, cũng hô theo, rồi hiên ngang bưng chiếc ly cối đầy bia lên uống. Tôi chả biết ly bia có cạn hay không, chỉ biết là nó đã rời khỏi tay tôi trước khi tôi gục xuống. Có tiếng ầm-ì vang-vọng đâu đây. Tôi chợt cảm thấy như mình đang trôi-nổi bồng bềnh trên sóng. Đầu tôi nhức như búa bổ.
"Xếp của các anh tỉnh chưa? Nói ông ấy là chúng ta đã gần tới Cam-Ranh." Tiếng Xuân vang lên trong máy truyền tin. Mặc kệ. Tôi lại nhắm mắt ngủ tiếp. Chẳng rõ bao lâu sau đó, tôi choàng dậy, cảm thấy đã dễ chịu vì đầu chỉ còn hơi choáng-váng.
Chúng tôi cập cầu Cam-Ranh vào chập tối, lấy nhiên-liệu rồi nghỉ-ngơi. Khi Xuân rủ tôi quá-giang xe đi chơi, tôi mới biết là chiếc ví da của tôi đã rơi mất từ bao giờ. Dầu vậy, tôi cũng đi chơi với Xuân vài tiếng đồng hồ rồi trở lại tàu. Nửa đêm hôm ấy, chúng tôi rời vịnh Cam-Ranh tiếp-tục đi về hướng bắc. Tới Qui-Nhơn vào buổi trưa, chúng tôi cũng cập cầu để lấy nhiên-liệu, cũng ra phố chơi vài giờ rồi trở lại tàu. Ngay tối hôm ấy, dù trời bắt đầu đổ mưa, chúng tôi vẫn mở dây rời cảng Qui-Nhơn, tiếp-tục cuộc hải-hành hướng về Đà-Nẵng. Ngay từ khi rời Cát-Lở, chúng tôi vẫn thường-xuyên liên-lạc trực-tiếp với Sở ở Đà- Nẵng để báo-cáo tình-trạng kỹ-thuật của tàu cùng với vị-trí và thời-tiết trên biển. Sau khi rời Qui-Nhơn, chúng tôi được Sở cho biết vì tàu của chúng tôi không thể chạy về kịp để tránh bão, Sở sẽ cho PT đi đón. Khi đi ngang bãi biển Sa-Huỳnh, cả hai chiếc SWIFT của chúng tôi được hai chiếc PT tới đón, cột dây kéo về Đà-Nẵng.
Câu chuyện vẫn chưa chấm dứt ở đây. Sau khi về lại Sở, tôi báo-cáo mất hết giấy-tờ và xin được cấp giấy-tờ mới. Ngay ngày hôm sau, người hạ-sĩ-quan già làm việc ở phòng nhân-viên của Sở đến gặp tôi và nói: "Chết rồi! Ông bị tới 32 ngày trọng-cấm vì mất tới 4 thứ giấy tờ quân-sự, Căn-Cước Quân-Nhân, Chứng-chỉ Tại-Ngũ, Thẻ Nhân-Viên Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải, và Bằng Lái Xe Quân- Sự. Riêng Căn-Cước Dân-Sự và Bằng Lái Xe Dân-Sự thì không tính." Tôi tái mặt nghĩ thầm: "Vậy thì mình có bò sặc-gạch cũng chẳng bao giờ theo kịp bạn-bè!" Nhưng ông ta đã phá lên cười: "Nói giỡn vậy thôi. Chỉ có 8 ngày cho một tội duy-nhất là sơ-xuất." Tôi thở phào mặc dù chẳng vui gì. May thay, chỉ vài ngày sau, bưu-tín-viên của đơn-vị bất-thần đưa đến cho tôi một tờ điện-tín với nội-dung như sau: “TIMDUOC VIDA CUABAN. DAGUI BUUDIEN VUNGTAU.” Tôi tức-khắc yêu-cầu phòng nhân-viên hoãn gởi đi hồ-sơ xin giấy tờ mới cùng với lệnh phạt đã ký của tôi.
Câu chuyện chấm dứt sau khi tôi nhận được chiếc ví da của tôi, và hồ-sơ xin cấp giấy-tờ mới cùng với lệnh phạt đều được hủy bỏ.
Mới đó mà đã gần bốn năm. Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lở và xóm nhỏ ven sông vẫn còn đó. Giờ đây, trên bước đường di-tản, tôi đang ngồi bên bờ cù-lao này để chờ được chở sang sông bởi những chiếc ghe xuất-phát từ xóm nhỏ ngày nào. Chẳng biết có ai trong những người đang chèo ghe kia đã bị văng xuống sông hồi đó hay không. Các bạn cùng khóa ngày ấy ở đây chắc là đã thuyên-chuyển hết đi nơi khác. "Vật đổi sao dời. Biết ai còn ai mất!" Tôi nhủ thầm, rồi chợt thấy lòng buồn rười-rượi.
- Chúng ta đi chú ạ. Tuân chợt gọi.
Tôi giật mình ngước lên. Trước mặt tôi, những chiếc ghe tam-bản đã cặp vào bờ, và những người lính nhảy-dù đang lần-lượt xuống ghe.
Sau khi được chở sang sông và được cho biết là dân-chúng đang lũ-lượt di-tản, chúng tôi và những người lính dù cám ơn và từ-biệt những người dân tốt bụng, rồi vội-vã đi theo một ngõ hẻm để rời xóm nhỏ. Khi tới quốc-lộ, toán lính rẽ phải và lẫn nhanh vào dòng người đông nghẹt đang đổ về hướng Vũng-Tàu. Tuân và tôi cũng lặng-lẽ theo sau. Đi được vài trăm mét, tôi kéo Tuân vào một quán ăn bên đường. Tôi giơ tay vẫy chào khi thấy người sĩ-quan quân-y và năm, sáu người lính nhảy-dù đang ngồi ở một bàn gần cửa quán. Họ cười và vẫy tay chào lại. “Những anh em kia đâu?” Tôi hỏi. “Họ đi trước rồi.” Người sĩ-quan quân-y cười trả lời. Tôi cũng cười với anh ta, rồi cùng Tuân tìm vào một bàn ở phía trong.
Trong khi ăn uống, tôi chợt nghĩ thầm rằng biết đâu những người bạn cùng khóa với tôi đang phục-vụ ở Cát-Lở sẽ có cách giúp tôi về lại Sài-Gòn. Tôi cũng nghĩ đến Bá. Bà-Rịa đã bị chiếm, gia-đình còn kẹt ở Thủ-Đức, Bá rất có thể có ý định về lại Sài-Gòn bằng chiếc PCF của hắn. Tôi liền bảo Tuân là tôi muốn quay lại để tìm một vài người bạn ở trong Thành Hải-Quân. Tuân nói là sẽ sẵn-sàng đi theo tôi.
Khi đến quầy trả tiền, tôi xin một ít nước lạnh để đổ đầy cái bi-đông, rồi hỏi Tuân có cần thuốc lá gì không. Tuân lắc đầu và nói anh ta chỉ hút thuốc lào. Tôi liền mua hai gói Capstan cùng với một hộp quẹt, và nhận thấy giá-cả đã tăng lên gấp bội. "Có mà hút cũng còn may!" Tôi tự nhủ. Khi chúng tôi đi ra thì nhóm lính nhảy-dù vẫn còn ngồi bàn-tán. Tôi lại giơ tay vẫy và nói: "Cám ơn các anh em. Chúng tôi đi trước nhé. Mong có ngày gặp lại."
- Chúc các anh may-mắn. Mong rằng nếu có dịp gặp lại, chúng ta không đến nỗi như thế này! Người sĩ-quan quân-y trả lời.
Rời khỏi quán, chúng tôi quẹo trái, rồi đi dọc theo lề đường bên trái về hướng Thành Hải-Quân Cát-Lở. Trên đường lộ, người và xe-cộ đông đầy đang đi ngược chiều với chúng tôi. Hai bên đường, già trẻ lớn bé gồng gánh, tay xách nách mang, hối-hả tiến bước về hướng Vũng-Tàu. Giữa lộ, những chiếc xe hơi, xe đò nhỏ, hoặc xe Lam chở đầy người đang ì-ạch lách-né chiếm đường để đi tới. Thỉnh-thoảng cũng có một chiếc xe nhà binh chở lính đủ loại màu áo, nhưng hoàn-toàn không có vũ-khí, len-lỏi đi qua. Trong tình trạng hỗn-loạn đó, những tiếng nổ của súng tay hoặc đạn pháo-kích chốc chốc lại vang lên khiến đoàn người chạy giặc càng thêm hốt hoảng, rồi chen-chúc nhau cố tiến nhanh hơn. Đang đi, tôi chợt thấy một nhóm người, cũng tay xách nách mang, từ một ngõ hẻm ùa ra nhập vào đoàn người chạy giặc. Tôi nhìn quanh và nhận ra ngõ hẻm này chính là lối vào xóm nhỏ mà chúng tôi và những người lính nhảy-dù đã đi qua. "Thì ra họ cũng di tản." Tôi tự nhủ, rồi lại thầm cảm ơn những người dân tốt bụng đã chở chúng tôi và toán lính sang sông.
Tiếp-tục đi ngược chiều với đoàn người chạy giặc, chúng tôi gặp một trạm kiểm-soát của một toán lính thủy-quân lục chiến trang-bị đầy mình. Họ đứng giăng ngang đường quốc-lộ để chận tất cả những quân-xa và những người mặc quân-phục lại. - Hãy ở lại để chiến-đấu. Bằng không thì hãy để vũ-khí lại đây. Một người lính thủy-quân lục-chiến nói.
Không có ai ở lại. Tất cả những người bị chận nếu có vũ-khí đều đem bỏ vào đống vũ-khí bên lề đường rồi tiếp-tục đi. Những người lính thủy-quân lục-chiến nhìn nhau lắc đầu.
- Đm! Chưa đánh đã chạy. Vậy đi lính để làm gì? Một người nào đó trong bọn họ chửi-rủa.
Không bị cản trở vì mặc thường-phục và đi ngược chiều ở bên lề đường, Tuân và tôi vẫn tiếp-tục đi về hướng Căn-Cứ Hải-Quân. Tôi để ý, nhưng không hề thấy một người lính hải-quân nào đi trên đường lộ. "Vậy là hải quân vẫn chưa di-tản." Tôi khấp-khởi mừng tự nhủ.
Chỉ còn vài chục mét là chúng tôi tới cổng Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lở.
- Căn-Cứ Hải-Quân đây rồi.
Tôi vừa dứt lời thì hàng loạt những tiếng nổ dồn-dập của đạn pháo kích cùng với những tiếng la hét vang lên, rồi một đoàn người từ cổng thành ùa ra nhập vào đoàn người chạy giặc trên đường lộ. Tuân và tôi vội nép vào bên đường để nhường chỗ cho dòng người đang hốt-hoảng tràn tới như nước vỡ bờ. Việt-Cộng từ Bà-Rịa đang pháo-kích vào Căn-Cứ Hải-Quân. Biết đâu chúng đã vượt qua cầu Cây-Khế và đang "tiền-pháo hậu-xung" để chiếm Cát-Lở.
- Người ta đang chạy ra thế kia mà mình lại chạy vào để tìm chết hay sao? Tuân và tôi bảo nhau như thế, rồi quay đầu chạy ngược trở lại.
Chúng tôi đã chạy nhanh hơn dòng người chạy giặc rất nhiều vì không phải gồng-gánh hay tay xách nách mang nặng-nề như họ.
Khi những tiếng nổ của đạn pháo-kích ngưng bặt thì Tuân và tôi đã chạy được vài trăm mét. Chúng tôi ngừng lại để nghỉ mệt, và chợt nhớ ra rằng những người lính thủy-quân lục-chiến và cái trạm kiểm-soát của họ đã biến mất từ bao giờ. Lúc này, đoàn người chạy giặc càng lúc càng đông hơn. Xe-cộ càng ì-ạch vì quá tải. Chiếc nào cũng chật ních. Người ta leo cả lên mui hoặc đeo ở bên hông và sau xe. Dầu vậy, những chiếc xe vẫn đang di-chuyển nhanh hơn đoàn người đi bộ rất nhiều.
- Mình đeo theo chiếc xe Lam kia. Tuân vừa nói vừa kéo tôi băng ra giữa lộ.
Chúng tôi nhảy lên đeo ở bực cửa sau của một chiếc xe Lam vừa trờ tới, mặc kệ những tiếng càu-nhàu phản-đối của vài người đang đeo ở đấy. Người tài-xế vẫn thản-nhiên cho xe chạy. Gần tới ấp Rạch- Dừa, chiếc xe Lam bỗng khựng lại rồi tắt máy. Sau khi người tài-xế lui-cui đạp máy xe một hồi nhưng máy vẫn không nổ, mọi hành khách đều xuống xe nhập vào dòng người đang di-chuyển ở hai bên lề quốc-lộ. Đi được một đỗi, Tuân và tôi lại nhảy lên đeo ở cửa sau của một chiếc xe đò nhỏ chở đầy khách. Chiếc xe này chạy được một đoạn đường độ một cây-số, rồi tấp vào lề không đi nữa. Chúng tôi lại phải xuống xe đi bộ. Cứ thế, sau nhiều lần vừa quá-giang vừa đi bộ, chúng tôi đến ngã tư Giếng-Nước. Từ ngã tư này, tôi thấy thẳng trước mặt là đường dẫn tới Trường Thiếu-Sinh-Quân, bên trái là đường vào thị-xã Vũng-Tàu, và bên phải là đường ra Bến-Đình.
Tuân và tôi rẽ phải. Dòng người không còn đông như trước vì đã chia làm ba ngả. Lúc này, mọi người đều rảo bước vì trời đã về chiều. Một lát sau, chúng tôi tới Bến Đình. Sinh-hoạt buôn-bán ở khu phố này vẫn bình-thường. Các cửa tiệm vẫn còn mở cửa. Chúng tôi ghé vào một xe sinh-tố để giải-khát.
- Bên trái là đường đi ngang Trường Thiếu- Sinh-Quân rồi vào Vũng-Tàu. Thẳng trước mặt là đường đi ngang Thích-Ca Phật Đài rồi ra Bến-Đá. Tuân nói, như để nhắc nhớ tôi.
Mấy năm trước đây, khi tôi còn độc thân và phục-vụ trên chiến-hạm, mỗi lần tàu neo ở bãi trước Vũng-Tàu sau vài tháng tuần dương, nếu không về thăm nhà, tôi thường cùng bạn-bè ăn-uống và dạo phố ở Vũng-Tàu, hoặc lên xe đò về Sài-Gòn rong chơi. Ngoài ra, chỉ có một lần tôi lên vãn cảnh Thích-Ca Phật Đài rồi tiện đường ra Bến-Đá thăm cô tôi. Do đó, đường ra Bến-Đá đối với tôi không phải là quen-thuộc.
Rời Bến-Đình, chúng tôi theo đoàn người chạy giặc đi thẳng để ra Bến-Đá. Sau khi qua Phật Đài được một đỗi, chúng tôi theo đường lộ vòng về bên trái, rồi leo một con dốc khá dài trước khi tới khu nhà ở đầu ấp. Đi thêm một đỗi nữa, tôi chợt thấy những người đi phía trước đang bị chận lại. Khoảng một tiểu-đội lính thủy-quân lục-chiến có vũ-khí đã kéo một cuộn kẽm gai “concertina” cao tới thắt lưng giăng ngang đường lộ để lập trạm kiểm-soát. Họ không cho bất cứ ai từ ngoài đi vào ấp Bến-Đá, ngoại-trừ những người có giấy tờ chứng-minh là ở trong ấp này. Biết là năn-nỉ cũng vô-ích, Tuân kéo tôi đi ngược lại độ năm chục mét, rồi rẽ vào một ngõ hẻm bên phải đường lộ. Từ ngõ hẻm này, chúng tôi đi quanh-co độ mười lăm phút, giữa những căn nhà không có hàng lối gì cả, thì vào tới khu trung-tâm của ấp.
Bến-Đá là nơi sinh-sống của những người làm nghề đánh cá biển và sản-xuất hải sản khô. Ở đây cũng có một số nhỏ người Tàu sinh-sống bằng nghề buôn-bán. Ấp này nằm ở đầu phía bắc của Núi Lớn Vũng-Tàu. Ngay phía trước ấp là một vùng cửa biển trải rộng gần mười cây-số về hướng Bắc, bao gồm cửa sông Cát-Lở và cửa sông lớn phía đông đảo Long-Sơn. Ấp khá rộng lớn nhưng bị chia hẳn làm hai, một nửa ở trên sườn núi một nửa ở ven biển, bởi con đường trải nhựa phát-xuất từ Bến-Đình. Sau khi băng ngang ấp Bến-Đá, con đường này bắt đầu men theo bờ biển về hướng tây để đi qua ấp Sao-Mai, rồi tiếp-tục quanh-co uốn khúc ven biển về hướng nam để qua ấp Bãi-Dâu, Bãi Dứa, và Bạch Dinh trước khi vào Bãi Trước Vũng-Tàu.
Chúng tôi tìm đến nhà cô út của tôi, cũng là dì út của Tuân. Bà rất ngạc-nhiên khi gặp hai đứa cháu cùng một lúc. Sau vài phút chào hỏi, bà cho biết là người di-tản đang ở trọ khắp nơi trong ấp, và tình-hình lúc này rất căng-thẳng. Những chủ ghe đánh cá đều đã cho ghe chạy ra biển để tránh bị cướp ghe, có nhiều người còn đem cả gia-đình xuống ở tạm dưới ghe để bảo-đảm sự an-toàn. Có tin đồn rằng sẽ có tàu vào Bến-Đá để đón những người di-tản ra tàu Mỹ ở ngoài khơi Vũng- Tàu. Vì vậy, lính thủy-quân lục-chiến đã chiếm-giữ bến ghe. Họ không cho bất cứ ai không phải là lính thủy-quân lục-chiến bén mảng đến gần. Dĩ nhiên là chẳng ai dám chống lại họ. "Vậy là không thể kiếm ghe để về Sài-Gòn!" Tôi tự nhủ, rồi nói với Tuân là nhà bà cô ở ngay mặt đường lộ, nếu Việt- Cộng tràn vào và truy-lùng lính Việt-Nam Cộng-Hòa thì thật là nguy-hiểm. Tuân liền rủ tôi về nhà bố mẹ vợ anh ta.
Rời nhà bà cô, Tuân và tôi tiếp-tục đi theo đường lộ. Sau khi đi qua nhà thờ Bến-Đá được một đỗi, chúng tôi quẹo trái rồi leo một con dốc dài độ hai trăm mét để đến nhà ông bà cụ Dương, bố mẹ vợ của Tuân. Khi Tuân và tôi đến nơi thì đã hơn năm giờ chiều. Ông cụ Dương, trạc sáu mươi lăm tuổi, đang cùng với một cụ già khác căng dây cho một tấm bạt nhà binh ở trước hiên nhà. Bà cụ Dương thì đang dọn-dẹp ở nhà bếp phía sau. Hai cụ rất mừng gặp con rể vì đang rất lo-lắng cho đứa con gái cưng là vợ Tuân. Cũng như nhiều nhà khác trong ấp, nhà bố mẹ vợ Tuân có một gia-đình di-tản căng lều ở tạm trước hiên. Họ là những người đã chạy giặc từ Đà-Nẵng vào được gần một tháng nay. Dù nhà ở trên núi không có giếng nước, ông bà cụ Dương vẫn cho những người di-tản ở trọ vì nhà có hai bể dự-trữ nước rất lớn.
Khi cùng Tuân ra bể nước phía sau nhà để tắm-rửa và giặt-giũ, tôi để ý quan-sát và thấy có nhiều tảng đá lớn như những con voi, nằm rải-rác chung quanh nhà. Tôi cũng nhận ra rằng nhà ông bà cụ Dương ở trên đỉnh của con dốc nên phía sau không còn một nhà nào khác. Nhìn những đám rẫy bắp và khoai sắn từ đằng sau nhà bếp vươn lên liên-tục đến tận đỉnh núi, tôi chợt rợn người khi thấy những khối đá khổng-lồ nằm chênh-vênh trên sườn núi, ẩn-hiện trong những đám rẫy xanh rì.
"Nếu nó lăn xuống thì sao?" Tôi tự hỏi, nhưng rồi lại tự bảo mình: "Dầu sao thì người ta cũng đã ở đây từ mấy chục năm nay."
Sau khi dấu súng đạn và giấy-tờ quân đội, tôi rủ Tuân leo lên nóc nhà để quan-sát. Từ trên cao nhìn ra hướng bờ biển, tôi thấy cách chúng tôi độ 200 mét ở hướng hai giờ là nhà thờ Bến-Đá. Nhà thờ này được xây trên sườn núi và nằm sát đường lộ. Ngay trước mặt chúng tôi, bên ngoài đường lộ, ẩn-hiện giữa những căn nhà là một con đường trải đá hướng ra biển. Theo lời Tuân thì con đường này băng ngang chợ rồi ra bến ghe Bến-Đá. Tôi cố-gắng tìm bến ghe, nhưng chỉ có thể nhìn thấy những nóc nhà san-sát nhau tiếp giáp với vùng cửa biển nằm giữa Bến-Đá và đảo Long-Sơn. Trên vùng cửa biển này, hàng ngàn ghe đánh cá đủ cỡ đang chạy qua chạy lại như mắc cửi. Tôi cũng cố ý nhìn về hướng sông Cát-Lở và Căn-Cứ Hải-Quân để quan sát, nhưng tầm nhìn bị chận lại bởi một màn mây-mù dày-đặc.
Một loạt tiếng nổ của đạn pháo-kích bất-chợt vang lên dồn-dập ở ngay trong ấp. Chúng tôi vội-vã leo xuống, và ngạc-nhiên khi thấy ông bà cụ Dương và những người ở trọ chẳng tìm chỗ núp gì cả. Có thể vì họ tin là "sống chết có số". Cũng có thể vì họ cho rằng những tảng đá quanh nhà sẽ che-đỡ cho họ. Tuy nhiên, cũng như chúng tôi, mọi người đều lộ vẻ lo-lắng. Biết đâu Việt-Cộng lại chẳng đang pháo-kích để chuẩn-bị tràn vào ấp. Thế nhưng những tiếng nổ của đạn pháo-kích chỉ có vài loạt rồi ngưng bặt.
Trong bữa ăn tối, chúng tôi được cụ
Dương cho biết là ngay từ tối hôm qua, 27-4-
1975, theo sự yêu cầu của Tổng-Thống Hương,
Lưỡng-Viện Quốc-Hội đã họp và biểu-quyết
chấp-thuận để Cụ Hương trao quyền Tổng-
Thống cho tướng Minh. Sở-dĩ Cụ Hương đã
yêu-cầu phải có sự chấp-thuận của Quốc-Hội
vì tướng Minh chỉ là một viên tướng hồi-hưu,
trong khi đó theo hiến-pháp thì Tổng-Thống
chỉ có thể trao quyền cho Phó Tổng-Thống,
Chủ-Tịch Thượng-Viện, hoặc Chủ-Tịch Hạ-
Viện mà thôi. Cũng theo lời cụ Dương thì mới
hồi chiều hôm nay, 28-4-1975, tướng Minh đã
tuyên-thệ nhận chức.
Cơm nước xong, Tuân đi ra ngoài gần hai tiếng đồng hồ để thăm những người quen trong ấp. Khi trở về, Tuân cho biết là căn nhà ở ngay đầu dốc sát đường lộ đã bị trúng đạn pháo-kích của Việt-Cộng. Một người lính địa phương quân về phép đang nằm võng nghỉ- ngơi trong căn nhà này đã chết thảm vì bị tường sập đè lên. Có tin đồn rằng đặc-công Việt-Cộng đã bắt đầu hoạt-động ở Bến-Đá, và thủy-quân lục-chiến đã cố-gắng truy-lùng nhưng vô-hiệu. Tình-hình ở bến ghe vẫn không thay đổi. Thủy-quân lục-chiến vẫn chiếm-giữ bến ghe cho riêng họ, nhưng cho đến giờ này vẫn chưa có một chiếc tàu nào vào đón họ cả. Ngoài ra, Tuân cũng nói là có gặp Tư, một người cũng di-tản theo đoàn lính nhảy-dù như chúng tôi. Sáng nay, sau khi vượt cù-lao lớn rồi khựng lại ở ngã ba sông như nhóm chúng tôi, toán lính nhảy-dù có Tư đi cùng đã may-mắn chận được một chiếc ghe đánh cá khá lớn nên đã chạy thẳng ra ấp Rạch- Dừa. Từ đây, Tư chia tay toán lính, rồi cũng vừa quá-giang vừa đi bộ, và đã tới ấp Bến-Đá trước chúng tôi vài giờ.
Tình-hình trong đêm có phần lắng-dịu, thỉnh-thoảng mới có vài tiếng nổ của đạn pháo-kích hoặc súng tay vọng lại từ xa. Dù vậy, tôi đã thao-thức không ngủ được vì không biết phải làm gì trong tình-hình hiện tại. Từ hơn một tháng nay, mỗi khi nghe nói có người đào-ngũ để đi Mỹ theo vợ hoặc thân nhân làm việc trong các sở Mỹ, tôi luôn-luôn nghĩ rằng họ đã lo-sợ quá đáng. Trước sau tôi vẫn tin-tưởng rằng dù tình-hình có bi-đát đến đâu đi nữa thì Sài-Gòn cũng không thể mất được. Bởi vậy tôi đã di-tản cùng đoàn lính dù với hy-vọng là sẽ tìm được phương-tiện về lại Sài-Gòn để tiếp-tục chiến-đấu. Nhưng giờ này thì mọi sự đã thay-đổi. Cụ Hương, vị Tổng- Thống từng tuyên-bố sẽ chiến-đấu tới cùng đã không còn cầm quyền nữa. Rồi đây, tướng Minh, với chức-vị Tổng-Thống, chắc là sẽ không muốn chiến-đấu, mà chỉ muốn bắt tay với Việt-Cộng để mưu-cầu danh-lợi cá-nhân của ông ta mà thôi.
"Cuộc chiến này sẽ ra sao? Mình phải làm gì bây giờ?" Tôi cứ mãi băn khoăn tự hỏi như thế, rồi ngủ thiếp đi vì mệt mỏi.
Sáng nay, 29-4-1975, theo đài Sài-Gòn
thì Nghị-Sĩ Vũ-Văn-Mẫu đã được chọn làm
Thủ-Tướng Chính-Phủ, và Trung-Tướng
Vĩnh-Lộc đã được chỉ-định làm Tổng Tham
Mưu-Trưởng Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa.
Ngay sau phần tin-tức, đài phát ra lời kêu gọi
của Tân Chính-Phủ yêu-cầu dân chúng hãy
bình-tĩnh và giữ trật-tự. Tiếp đến là nhật-lệnh
của tướng Vĩnh-Lộc, Tân Tổng Tham-Mưu-
Trưởng, ra lệnh cho tất cả các đơn-vị quân-đội
phải giữ vững vị-trí chiến-đấu. "Chúng ta
không thể hèn-nhát, chạy như chuột ...."
Tướng Vĩnh-Lộc nói trên làn sóng điện như thế để khuyến-khích binh-sĩ, đồng thời cũng để nhấn mạnh sự chê-trách của ông ta đối với các tướng-lãnh đã bỏ nhiệm-sở để chạy trốn. "Vậy là tướng Cao-Văn-Viên đã bỏ chạy. Giờ này chắc là ông ta đang ở trên một chiếc tàu Mỹ nào đó ngoài khơi Vũng-Tàu." Tôi ngao ngán nhủ thầm.
Chỉ vài giờ sau, tình-hình đã hoàn-toàn thay-đổi. Đài Sài-Gòn bắt đầu lặp đi lặp lại thông-cáo của Thủ-Tướng Mẫu yêu cầu tất cả người Mỹ phải rời khỏi Việt-Nam trong vòng hai mươi bốn giờ. Tiếp theo là lời kêu gọi các binh-sĩ hãy ở yên vị-trí và cố-gắng tiết-kiệm xương-máu. Nhật-lệnh của tướng Vĩnh-Lộc và những bản nhạc hùng-tráng không còn được phát ra nữa.
"Vậy là vô phương cứu vãn! Mình phải làm gì bây giờ?" Tôi băn-khoăn tự hỏi. Cuộc chiến này rồi sẽ ra sao! Tôi còn bị kẹt ở đây cho đến bao giờ? Phương-tiện về Sài-Gòn không có. Ra khỏi nước thì thoát khỏi tay Việt-Cộng, nhưng lại phải bỏ lại những người thân ruột thịt, và không mong gì có ngày gặp lại. Ở lại thì nếu không bị giết cũng bị hành-hạ cho đến chết ở những trại tù tập-trung nơi rừng thiêng nước độc. Nếu chúng tràn vào và truy-lùng lính Việt-Nam Cộng-Hòa, liệu mình có trốn thoát được không? Mình mặc thường-phục thì sao? Sau một hồi suy-nghĩ, tôi quyết-định là sẽ không chạy ra nước ngoài, nhưng phải trốn-tránh khi Việt-Cộng tràn vào. Trốn lên núi hay ra biển thì tôi vẫn chưa quyết-định. Tôi bàn với Tuân thì anh ta cũng đồng ý là sẽ đi trốn khi Việt- Cộng tràn vào, còn sau đó thì cứ để mọi sự tới đâu hay tới đó.
Tình-hình bắt đầu trở nên căng-thẳng vào lúc gần trưa khi những tràng đạn pháo kích bất chợt vang lên dồn-dập. Hình như Việt-Cộng đang tập-trung đại-pháo bắn vào Căn-Cứ Hải-Quân, Trường Truyền-Tin, và phi-trường Vũng-Tàu. Từ trên cao nhìn ra cửa biển, tôi nhận thấy ghe-cộ lúc này nhiều hơn ngày hôm qua gấp bội, và tất cả đều đang di chuyển. Giữa rừng ghe-cộ ấy, thỉnh-thoảng lại có một viên đạn pháo-kích bất-thần nổ trên biển làm tung lên một cụm nước trắng xoá khiến cho những ghe đang đi gần chạy túa ra chung quanh. Chẳng biết có ghe nào bị trúng đạn hay không. Trong tình-trạng sôi-động đó, từ cửa sông Lòng-Tàu, vài chiếc quân-vận-đĩnh (LCM – Landing Craft Mechanized) hoặc tiểu-vận-đĩnh (LCVP – Landing Craft Vehicle Personnel) bất-thần xuất-hiện, trực chỉ ra khơi. "Nếu những chiếc tàu kia ghé vào Bến-Đá thì những hành-khách đầu tiên phải là những người lính thủy-quân lục-chiến." Tôi tự nhủ.
Trời vừa sụp tối. Những tiếng nổ của đạn pháo-kích đã im bặt từ lâu. Tuân lại rời nhà đi tìm gặp những người quen để dò hỏi tình-hình. Khi trở về, Tuân cho biết là hồi trưa hôm nay thủy-quân lục-chiến đã bắt được một tên đặc-công của Việt-Cộng trong chợ Bến Đá khi tên này đang liên-lạc truyền-tin làm đề-lô cho pháo-binh của chúng. Người lính địa-phương-quân bị tường sập đè chết hôm qua thì đã được chôn-cất tại nghĩa-trang Bến Đá vào buổi chiều hôm nay giữa những tiếng ầm-ầm của đạn pháo-kích. Ngoài ra, Tuân cũng cho biết là lính thủy-quân lục-chiến không còn lảng-vảng ở trên đường lộ như tối hôm qua.
Đêm đã về khuya. Đài Sài-Gòn đang phát ra thông-cáo của chính-phủ yêu-cầu dân chúng đô-thành giữ trật-tự và hạn-chế di chuyển. Sau đó là lời kêu gọi binh-sĩ hãy ở yên vị-trí để đợi chính-phủ "giàn-xếp với người anh em phía bên kia."
"Sài-Gòn không muốn chiến-đấu nữa. Ở đây thì sao?" Tôi nhủ thầm, rồi tự hỏi là không biết quân ta có còn giữ được cầu Cây-Khế hay không. Nếu giờ này Việt-Cộng đã tràn qua cầu này và chiếm được Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lở thì chúng sẽ tiến ra Vũng-Tàu, Bến-Đình, và Bến-Đá nội trong đêm nay. "Làm sao bây giờ?" Tôi cứ trằn-trọc tự hỏi như thế, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Mờ sáng ngày 30-4-1975, tôi đang loay-hoay dò đài Sài-Gòn thì Tuân hớt-hải từ ngoài chạy vào nhà bảo tôi: "Mình phải đi ngay. Tôi vừa ra ngoài lộ. Người ta chạy tứ- tung. Nghe nói Việt-Cộng đã vào Bến-Đình và đang chuẩn-bị để vào Bến-Đá."
Tôi vội-vã lấy súng đạn, giấy-tờ quân-đội, và quần áo dự- phòng bỏ vào túi rết của tôi. Trong khi đó, Tuân, với sự giúp-đỡ của bà mẹ vợ, cũng chuẩn-bị một lon guy-gô thức ăn và một biđông nước để dồn vào túi đeo của anh ta. Xong xuôi, chúng tôi chào ông bà cụ Dương, rồi rời nhà chạy ra bến ghe. Khi chạy trên đường lộ để đến con đường ra bến ghe, tôi nhận thấy rất nhiều người đang hối-hả chạy về hướng ấp Sao-Mai, ngược chiều với chúng tôi.
Bến ghe hoàn-toàn vắng-lặng, không một bóng người. Các cầu tàu đều trống trơn, không một ghe đánh cá nào còn đậu ở bến. Tuân và tôi chạy nhanh về cuối bến, nơi có vài chiếc ghe tam-bản cột ở chân cầu.
- Anh biết chèo ghe không? Tôi hỏi.
- Biết. Xuống đi. Tuân vừa mở dây một chiếc ghe tam-bản vừa nói.
Chiếc ghe dài độ năm mét và rộng chỉ hơn một mét. Trên ghe có một mái chèo đã được gác lên ở sau lái. Trong khi Tuân đứng sau lái chèo ghe ra biển, tôi gỡ lấy một mảnh ván nhỏ ở sạp ghe, rồi lên ngồi ở mũi ghe chèo phụ.
- Mình ra Sao-Mai. Có lẽ tụi nó sắp vào tới! Tuân vừa nói vừa hối-hả chèo.
Ra cách bờ độ hơn một trăm mét, chiếc ghe quẹo trái về hướng ấp Sao-Mai. - Nếu cứ đi theo bờ biển như thế này mình sẽ ra tới Bãi Trước Vũng-Tàu. Tuân nói.
Bên phải chúng tôi, hàng ngàn ghe đánh cá chở đầy người đang di-chuyển. Tôi để ý và nhận thấy những ghe đang di-chuyển kia chỉ quanh quẩn chạy đi chạy lại, không có chiếc nào chạy thẳng ra khơi, cũng chẳng có chiếc nào chạy vào bến. Mỗi khi có một ghe chạy gần, chúng tôi đều vẫy tay rối-rít và la lên cầu-cứu, xin quá-giang, nhưng ghe nào cũng thờ-ơ đi luôn, và những hành-khách trên ghe thì chỉ trố mắt nhìn vô-cảm. Thất-vọng, chúng tôi tiếp-tục chèo để mau rời khỏi Bến-Đá. Nhìn vào bờ ở bên trái, tôi thấy rất nhiều người đang hối-hả chạy trên đường lộ về hướng ấp Sao-Mai. "Việt-Cộng đã tràn vào ấp Bến-Đá." Tôi tự nhủ và mừng thầm là mình đã chạy kịp ra biển.
Trời bắt đầu đổ mưa. Gió thổi mạnh. Chúng tôi đang đi ngang ấp Sao-Mai và cách bờ chỉ độ một trăm mét. Bên trái chúng tôi, sát bờ biển là một tượng-đài Đức Mẹ. Trên đường lộ phía sau tượng-đài, rất nhiều người đang chạy về phía Vũng-Tàu. Có lẽ Việt- Cộng đang tiến vào ấp Sao-Mai. Phía trước chúng tôi, trên vùng cửa biển rộng mênh mông là một rừng ghe-cộ. Hầu như ghe nào cũng chở đầy người và đang chạy tứ-tung không định hướng. Thỉnh-thoảng, tôi lại nghe được những tiếng súng nổ phát ra từ một chiếc ghe nào đó chạy gần. Nhìn vào cửa sông Lòng-Tàu ở bên phải, tôi thấy một con tàu thật lớn đang lầm-lũi trực-chỉ ra khơi, và một số ghe tàu nhỏ đang chạy theo con tàu ấy. “Ngoài những ghe ở Vũng-Tàu, những ghe khác đều vào từ Bình-Tuy hoặc Phan- Thiết. Có lẽ chẳng có chiếc nào từ Cà-Mau hoặc Rạch-Giá lên cả.” Tuân nhận định. “Sao anh biết?” Tôi hỏi lại. “Thì ghe ở mỗi vùng đều có một đặc-điểm riêng. Hơn thế nữa, Vùng Bốn chưa mất vào tay Việt-Cộng, nên dân-chúng ở dưới miền Tây chưa phải di-tản.” Tuân trả lời. Rồi không giải-thích gì về cái đặc-điểm riêng của ghe, anh ta tiếp-tục nhận định: “Giờ này mà ghe còn ở đây thì chắc chắn là những người chủ ghe kia cũng như mình, chỉ muốn tạm tránh lúc Việt-Cộng tràn vào mà thôi.”
Tuân và tôi vẫn tiếp-tục chèo về hướng Vũng-Tàu. Trận mưa khá lớn nên chỉ trong chốc lát chúng tôi đã ướt đẫm vì không có áo mưa. Tôi quan-sát kỹ trên biển và nhận thấy ở hướng hai giờ, cách chúng tôi độ vài trăm mét, có một chiếc ghe đánh cá đang bập bềnh trên sóng, chắc chắn là đã thả neo vì không hề di-chuyển. “Mình đến chiếc ghe đang neo kia.” Tôi chỉ cho Tuân thấy và đề- nghị. “Ừ. Mình xin lên trú mưa với họ, rồi tính sau.” Tuân đồng ý nói. Khoảng mười lăm phút sau, Tuân cho ghe tam-bản cập vào bên hông chiếc ghe đánh cá đang neo. “Có ai không?” Tôi vỗ mạnh vào thành ghe đánh cá và la lớn nhiều lần, nhưng vẫn không có ai trả lời. Chúng tôi cột ghe tam-bản vào bên hông ghe đánh cá rồi leo lên. Đây là một chiếc ghe đánh cá rất lớn có chiều dài độ hai mươi mét và rộng gần năm mét. Với chiếc ghe như thế này, một nhóm ngưphủ có thể ra khơi cả tháng và đi hàng ngàn cây-số từ vùng này đến vùng khác để đánh cá. Tuân và tôi đi vào ca-bin mới biết là ghe hoàn-toàn vắng người. Hàng trăm chiếc giầy và dép đủ loại lẫn-lộn với những mớ quần áo cũ đủ màu nằm lăn-lóc trên sàn gỗ. Lần về phía sau nhìn xuống hầm máy, tôi thấy ngay hai hàng sú-bắp lồ-lộ của một giàn máy ghe thật lớn. Những chiếc nắp đầu máy thì đã bị gỡ ra để dưới lườn ghe cùng với một vài dụng-cụ của thợ máy. Rõ ràng là máy ghe đã hư-hỏng quá nặng đến nỗi không thể sửa chữa được, nên chủ ghe và những người di-tản trên ghe đã phải bỏ đi. Bên trong ca-bin, trước khi ngồi nghỉ, chúng tôi cởi quần áo vắt thật ráo nước rồi mặc lại cho đỡ lạnh. Ngoài kia, trời vẫn mưa nặng hạt. Nhìn những chiếc ghe đánh cá đang chạy qua chạy lại như mắc cửi trên khắp vùng cửa biển rộng lớn, chúng tôi bàn nhau là phải tìm cách lên được một trong những chiếc ghe ấy. “Đợi hết mưa rồi sẽ tính.” Tuân bảo tôi. Mưa đã tạnh. Tuân và tôi xuống lại ghe tam-bản và tiếp-tục chèo về hướng Vũng- Tàu. Tôi vừa chèo vừa xốc lại quai choàng trên vai của cái túi rết, rồi xếp lại sợi dây mũi ghe để có thể nhanh chóng cầm lấy đầu dây nhảy lên một chiếc ghe nào đó khi có cơ-hội. Những chiếc ghe đánh cá chở đầy người vẫn đang chạy chung quanh chúng tôi. Có nhiều chiếc chạy chỉ cách chúng tôi độ vài mét. Tuy nhiên, vì ghe chèo của chúng tôi quá chậm chạp không thể tiến sát được một chiếc ghe đánh cá nào cả, dự-tính của tôi là nhảy lên một trong những chiếc ghe ấy đã trở thành vô vọng Quan-sát một hồi, tôi nhận ra rằng mỗi khi có hai chiếc ghe đánh cá, dù đang chạy cùng chiều hay ngược chiều, xáp vào nhau, người ta lại nhảy từ ghe nọ sang ghe kia. Thì ra những người di-tản thường tìm cách nhảy sang ghe nào lớn hơn hoặc chở ít người hơn. Do đó người chủ ghe nào cũng tránh không để bất cứ ghe nào khác chở nhiều người hơn xáp lại gần, vì sợ người di-tản sẽ nhảy sang làm tăng nhân-số trên ghe mình. Đằng khác, họ lại luôn tìm cách cho ghe xáp lại ghe nào chở ít người hơn, hoặc lớn hơn nên rộng chỗ hơn, với hy-vọng người di-tản trên ghe mình sẽ nhảy bớt sang ghe ấy. Cuộc cút bắt giữa những ghe đánh cá cứ thế tiếp-tục trên biển. “Mình chen vào giữa đám ghe kia.” Chúng tôi bảo nhau, rồi chèo ghe tam-bản vào giữa một đám thật đông ghe đánh cá. Tuy nhiên, sau cả giờ đồng hồ cố-gắng, chúng tôi vẫn chẳng thực-hành được ý định của mình giữa một rừng ghe-cộ xunh-quanh. “Kìa! Chú.” Tuân chợt la lên và hất hàm về phía trước làm hiệu. Tôi nhìn về đằng trước thì thấy hai chiếc ghe đánh cá đang kè nhau chạy về phía chúng tôi. Chiếc chạy gần chúng tôi hơn chỉ dài độ mười mét, và chở khoảng vài chục người ở sân mũi. Chiếc kia lớn hơn với chiều dài độ mười lăm mét và chở đầy người. Bị chiếc ghe lớn kè sát bên hữu mạn, chiếc ghe nhỏ đã phải ngưng máy và chạy sát vào ghe tam-bản của chúng tôi. Không bỏ lỡ cơ-hội, tôi nắm đầu sợi dây mũi của ghe tam-bản, nhảy lên sân lái của ghe đánh cá, rồi cột sợi dây vào trụ cột dây sau lái bên tả mạn của chiếc ghe này. Chiếc ghe đánh cá tiếp-tục chạy, kéo theo chiếc ghe tam-bản. Khi tôi ngước lên, Tuân đã buông mái chèo chạy về đằng mũi, và đang kéo sợi dây để thâu ngắn khoảng cách giữa hai ghe. “Đm! Tao chém chết cha tụi bây.” Một người nào đó quát lên. Tôi giật mình quay lại. Ngay cửa sau ca-bin của ghe, cách tôi chỉ vài mét, một người đàn ông trung-niên mặc đồ bà-ba đen đang giơ cao một cây rựa cán dài bước tới định chém.
“Ki-ai!” Cùng lúc với tiếng thét, tôi rùn chân xuống và vung tay lên thủ thế. Quá bất ngờ, tôi đã phản-ứng một cách tự-nhiên theo bản-năng sinh-tồn khi gặp nguy-cấp. Trong thoáng chốc ngắn-ngủi ấy, tôi chợt nghĩ đến những buổi tập Thái-Cực-Đạo ở Trường Sĩ-Quan Hải-Quân Nha-Trang mà những huấn-luyện-viên đến từ Đại-Hàn mang bốn, năm đẳng huyền đai, nhưng học trò thì hơn chín mươi phần trăm mang đai trắng cấp tám, tức là vừa mới nhập môn. Nhìn người đàn ông, tôi tự nhủ nếu vừa rồi ông ta cứ nhào tới chém mà không thèm chửi-rủa gì cả thì tôi làm gì còn có cơ-hội để thủ-thế. Giờ đây, bằng mọi giá, tôi không thể để ông ta chém tôi hoặc chặt đứt sợi dây cột ghe tam-bản. Lạ thay, ngay sau tiếng thét của tôi, người đàn ông khựng lại, rồi đứng yên nhìn tôi trân-trân. Chẳng biết ông ta nghĩ gì. Liếc về phía sau, tôi thấy Tuân đã nhảy lên. “Thôi mà chú. Cho tụi cháu quá-giang với. Tụi cháu cũng là người di-tản vậy.” Tôi năn-nỉ. Người đàn ông không trả lời, mà liếc nhìn chiếc ghe tam-bản một cái rồi lại nhìn chúng tôi. Khoảng một phút sau, ông ta hạ cây rựa xuống và lẳng-lặng chui vào ca-bin. “May quá!” Tôi thở phào tự nhủ. Đây quả thật là một đìều may-mắn vì nếu tôi nhớ tới khẩu súng nằm trong túi rết bên hông và đem ra sử- dụng thì chẳng biết là kết cục sẽ ra sao. Sau khi cùng với Tuân lần lên đứng dựa vào thành bên trái ca-bin, tôi hoàn-toàn không biết chiếc ghe tam-bản vẫn được kéo theo hay là bị một ngư-phủ nào đó cởi dây buông trôi trên biển. Chiếc ghe đánh cá lại tiếp-tục cuộc cút-bắt trên biển, lúc thì tránh né ghe này, lúc thì xáp lại gần một ghe khác. Một lần, khi chiếc ghe này sắp sửa cặp vào một chiếc ghe lớn hơn thì một tràng súng tay cùng với những tiếng chửi thề bất chợt vang lên trên chiếc ghe ấy. Hai chiếc ghe lập-tức tách rời nhau. Tôi nhìn theo thì thấy trên ghe ấy có vài người mặc đồ lính có mang súng. “Họ bắn chỉ thiên để dọa. Không biết là có vụ cướp-bóc nào xảy ra trên chiếc ghe ấy hay không.” Tôi tự hỏi, và chợt nhớ lại những tin-tức về những vụ cướp của giết người trên các xà-lan và tàu biển trong cuộc di-tản của quân-dân Vùng I từ Đà- Nẵng về Vũng-Tàu hoặc ra đảo Phú-Quốc vào cuối tháng 3 vừa qua.
“Ghe bác có ra tàu Mỹ không?”
“Không!”
“Ghe bác sẽ về đâu?”
“Phan-Thiết.”
Những câu đối-đáp giữa những ghe chạy gần nhau vang lên rõ mồn-một. Phần đông đều nói là sẽ về Bình-Tuy hoặc Phan-Thiết. Không có ai nói sẽ ra tàu Mỹ. Cũng chẳng có ai nói sẽ vào Sài-Gòn hoặc xuống miền Tây. Rõ ràng là những chủ ghe và gia-đình họ đều đang đợi xem cuộc chiến sẽ ngã-ngũ ra sao. Còn tất cả những người khác ở trên ghe thì chỉ là những hành-khách quá-giang bất-đắc-dĩ.
“Chúng ta nhảy sang ghe kia.” Tuân thình-lình vỗ vào vai tôi và nói.
Tôi quay lại thì thấy Tuân đã đứng sát mạn ghe trong tư thế sẵn-sàng nhảy nên cũng làm theo. Chiếc ghe chở chúng tôi đã ngưng máy và đang cặp vào hữu mạn một chiếc ghe khác. Chiếc ghe này cũng dài độ mười mét nhưng rất rộng-rãi vì chỉ có mươi người ở sân mũi phía trước cabin. Khi hai chiếc ghe vừa sát vào nhau, Tuân la lên: “Vũ! Chúng tôi nhảy sang.” “Nhảy đi. Đm! Thằng nào nhảy là tao ném lựu-đạn chết mẹ chúng mày.” Một người nào đó quát lên hăm-dọa. Ngay trong giây-phút ngắn-ngủi đó, Tuân và tôi nhảy sang sân lái phía sau ca-bin của chiếc ghe ấy. Sau khi đứng vững trên sàn ghe, tôi mới thấy một người mặc đồ rằn-ri của lính nhảy-dù, mặt đằng- đằng sát-khí, tay phải cầm một trái lựu-đạn, tay trái nắm khoen chốt an-toàn, giơ lên đưa qua đưa lại dọa ném sang chiếc ghe chúng tôi vừa mới quá-giang. Mọi người đang đứng bên hông chiếc ghe ấy đều đã dội lại, chẳng ai dám nhảy theo chúng tôi. Chỉ vài giây sau, hai chiếc ghe đã tách ra hai phía.
“Khỏe không anh Tuân?” Người mặc đồ rằn-ri vừa cất trái lựu-đạn vừa hỏi. Rồi không đợi trả lời, anh ta cười và nói tiếp:
“Không làm thế thì chúng nhảy lên đầy ghe mình mất!”
Tuân cũng cười, rồi giới-thiệu Vũ và tôi với nhau. Vũ liền rủ chúng tôi vào cabin, rồi đem nước trà và thuốc lào ra mời. Qua đối-thoại giữa Vũ và Tuân, tôi mới biết rằng trước kia họ đã cùng phục-vụ trong một đơn vị Biệt-Cách Nhảy Dù thuộc Lực-Lượng Đặc- Biệt Mũ Đen do Đại-Tá Lê-Quang-Tung làm Tư-lệnh. Không bao lâu sau cuộc đảo-chánh 1-11-1963, trong đó anh em Đại-Tá Tung và anh em Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm bị giết, Vũ và Tuân rủ nhau bỏ đơn-vị trốn về địa phương, rồi sau cùng gia-nhập lực-lượng Nghĩa-Quân trong xứ đạo của họ. Trong suốt mười mấy năm qua, nhất là từ khi bố mẹ vợ Tuân ra sinh-sống ở ấp Bến-Đá, Vũ và Tuân vẫn thường liên-lạc với nhau. Gần một tuần nay, Vũ đã đem vợ con và một số người thân chạy ra biển để giữ an toàn như tất cả những gia-đình có ghe đánh cá ở đây. Mới vài giờ trước, Vũ đã cho ghe vào bến Sao-Mai để về nhà lấy một vài món đồ cần dùng. Khi từ nhà trở ra bến, anh ta đã phải chạy trối chết vì Việt-Cộng đã vào tới đầu ấp và đang chận bắt những người mặc đồ lính hoặc bị chúng nghi-ngờ. “Các anh nhìn kìa.” Vũ vừa nói vừa chỉ vào ấp Sao-Mai. Nhìn lên bờ, tôi thấy một đoàn độ vài chục người, hầu hết mặc đồ lính, hai tay để trên đầu, đang đi vòng quanh tượng đài Đức Mẹ ở sát bờ biển. Trên đường lộ phía bên trong tượng đài, những chiếc xe Molotova có cắm cờ nửa đỏ nửa xanh với sao vàng ở giữa của Mặt Trận Dân-Tộc Giải-Phóng Miền Nam chở đầy bộ- đội Việt-Cộng đang từ-từ di-chuyển. “Họ là những người lính Nghĩa-Quân và Nhân-Dân Tự-Vệ đã chiến-đấu đến phút chót.” Vũ ngậm-ngùi nói. Bỗng có tiếng la hoảng-hốt của một người nào đó vang lên: “Anh Vũ! Dương- Văn-Minh tuyên-bố đầu hàng rồi.” Tôi giật mình lắng nghe. Chiếc máy thu-thanh trong góc ca-bin đang phát ra tiếng được tiếng mất: “…hãy buông súng và ở yên vị-trí… đợi bàn giao trong vòng trật-tự... Chuẩn-Tướng Nguyễn-Hữu-Hạnh, Quyền Tổng Tham-Mưu- Trưởng...” Tôi lặng người sửng-sốt. Thế là hết! Cả một guồng máy cai-trị từ Bến-Hải đến Cà-Mau đã hoàn-toàn sụp-đổ. Còn đâu hy vọng về lại Sài-Gòn để cùng đồng-đội chiến đấu. Còn đâu dịp để kể lại cho những người bạn ở Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân nghe về cuộc di tản hi-hữu của mình. Sài-Gòn đã đầu hàng! Những người bạn đang làm việc ở Phòng Nghiên-Huấn và Phòng Điều-Huấn hiện giờ ra sao? Trong mấy ngày vừa qua, họ có di-tản theo tàu của hạm-đội không, hay là đã bỏ đơn vị để về nhà? Lại còn Bá và chiếc PCF của hắn ở Cát-Lở nữa. Hắn đã ra khơi hay đã bỏ tàu để tìm đường về Thủ-Đức với gia-đình? Riêng tôi phải làm sao bây giờ? Rồi đây chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi sẽ về nhà bằng cách nào? Tôi có trở về nhà an-toàn không? Liệu tôi có bị bắt như những người lính trên bờ kia hay không? Nếu tôi bị bắt đưa đi biệt tích thì vợ tôi và những người thân của tôi sẽ lo-lắng khổ-sở biết bao! Những ý nghĩ ấy cứ lặp đi lặp lại trong đầu tôi.
Khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau, mật-độ ghe đánh cá trên vùng cửa biển đã giảm bớt vì một số ghe đã bỏ đi. Họ ra khơi tìm tàu Mỹ hoặc trở về quê-quán nào ai biết. Vũ thình-lình hỏi: “Mình vào bờ bây giờ được chưa các anh?” Tuân quay qua nhìn tôi như dò ý-kiến. Tôi nhìn lên bờ ở ấp Sao-Mai và thấy vài chiếc xe có cờ và bộ-đội Việt-Cộng đang chạy đi chạy lại. Đám người bị bắt thì đã bị đưa đi một nơi nào khác. Ngoài ra, một số thường dân cũng đang đi lại lẻ-tẻ dọc theo đường lộ. Sau khi quan-sát, tôi nói với Vũ và Tuân là nên đợi một lát nữa xem sao. Chiếc ghe tiếp-tục chạy đi chạy lại một lát rồi vào thả trôi cách bờ độ một trăm mét để chờ đợi. Trong lúc ghe thả trôi, tôi kín-đáo dấu các giấy-tờ quân-đội, rồi thả khẩu súng đã nạp đạn và hộp đạn xuống biển. Gần một giờ sau đó, khi thấy dân-chúng bắt đầu đi lại khá đông trên đường lộ, và thỉnh-thoảng mới có một chiếc xe có cắm cờ và chở bộ-đội Việt-Cộng chạy ngang, Vũ thay đồ thường-phục, rồi cho ghe cập vào bến ghe ở ngay bên cạnh tượng đài Đức Mẹ ấp Sao-Mai.
Từ-biệt Vũ, Tuân và tôi leo lên đường lộ, rồi quẹo trái để trở về ấp Bến-Đá. Trên đường, người đi kẻ lại khá tấp-nập. Thỉnh thoảng mới có một chiếc xe Molotova cắm cờ xanh đỏ sao vàng chạy qua. Trên xe, những tên Việt-Cộng ôm súng AK, đầu đội nón cối, quần áo rộng thùng-thình, mặt mày non choẹt, đang dương mắt nhìn ngơ-ngáo. Một vài tên giơ tay vẫy những người dân ở hai bên đường, nhưng chẳng có ai vẫy tay đáp lại. Mọi người đều thản-nhiên như không hề nhìn thấy chúng. Khi chúng tôi đang băng ngang đường lộ để vào đầu dốc dẫn vào nhà ông bà cụ Dương thì chợt có tiếng gọi tên tôi vang lên ở bên lề đường đối-diện. Tôi giật mình nhìn qua, và nhận ra một người trong đám đông là dì của vợ tôi đang giơ tay vẫy tôi. “Ô! Sao dì lại ở đây?” Tôi ngạc-nhiên la lên, rồi kéo Tuân bước nhanh qua lộ. Bà dì liền dẫn chúng tôi vào nhà một người quen của bà ở ngay mặt đường. Sau khi thăm hỏi lý-do tôi rời Sài-Gòn và phải di-tản, bà nói với tôi là gia-đình bà đã rời ấp Rạch-Dừa để ra ấp Bến-Đá từ mấy ngày nay, nhưng đã không thể ra khơi được. Cuối cùng, bà cho biết là mới sáng sớm hôm nay, vị linh-mục chánh xứ của chúng tôi đã đem một chiếc ghe ra ấp Sao-Mai để đón những người đã di-tản về lại giáo-xứ. “Ông cha nói là ai muốn về thì phải có mặt lúc năm giờ chiều nay tại bến ghe ấp Sao-Mai.” Bà nói. Nhìn đồng hồ đã gần hai giờ chiều, chúng tôi từ-biệt bà, rồi leo dốc về lại nhà ông bà cụ Dương.
“Tóc, tóc, tóc...Tóc, tóc, tóc, tóc...”
Một tràng đạn AK bất-thần nổ dòn trên bến
ghe Bến-Đá ở hướng một giờ của chiếc ghe
đánh cá đang di-chuyển. “Tụi nó bắn gọi mình
đó. Ông quản!” Một trong số hơn một chục
thanh-niên đang ngồi rải-rác ở sân mũi nói.
“Thấy bà chưa! Biết vậy mình phóng ra biển
ngay từ Sao-Mai rồi.” Ông quản, một người
đàn ông trạc năm mươi, đang là một ông quản
của đoàn Nghĩa-Binh Thánh-Thể trong giáo xứ
chúng tôi, vừa lái ghe vừa lẩm-bẩm như tự
trách mình. Quả thật, chính ông ta đã quyết định
đi sát vào ấp Bến-Đá vì muốn biết tình hình
ở ấp này ra sao. “Chạy luôn đi ông
quản.” Người thanh-niên nói tiếp. “Không
được đâu. Mình chỉ cách chúng nó không đầy
một trăm mét. Ngoài súng AK47 ra, chúng
còn có cả B40 nữa!” Một người nào đó lên
tiếng can ngăn. Ông quản vẫn không bớt máy.
Tuân và tôi đang ngồi dựa vào thành trước
của ca-bin nhổm dậy nhìn lên. Trên bến ghe,
một tiểu-đội Việt-Cộng đội nón cối đang
giăng hàng ngang và chong súng vào ghe
chúng tôi. Riêng tên đứng giữa thì đang cầm
một lá cờ đỏ vẫy qua vẫy lại liên-tục từ trái
qua phải, rồi từ phải qua trái.
Nhìn tên Việt-Cộng vẫy cờ, tôi chợt nhớ lại hình-ảnh Đại-Đội-Trưởng Vinh trong phim “Chúng Tôi Muốn Sống”, do tài-tử Lê- Quỳnh thủ diễn, mà tôi đã được xem khi còn nhỏ. Trong phim ấy, Vinh đã đứng trên sườn núi phất cờ liên-tục để ra lệnh cho đồng-đội tấn-công một đoàn xe của quân đội Pháp. Sau hiệp-định Geneva 1954, khi Cộng-Sản Bắc- Việt phát-động chính-sách Cải-Cách Ruộng Đất trên toàn miền Bắc Việt-Nam, Vinh bị công-an dẫn độ từ đơn-vị về quê-quán, nơi cha mẹ chàng là ông bà Long bị ghép tội “địa chủ”. Giữa cái gọi là “tòa-án nhân-dân” do Việt-Cộng dàn-dựng, mặc dù đã từng lập rất nhiều chiến-công trong cuộc kháng-chiến chống Pháp, Vinh đã không được phép phát biểu, mà còn bị đánh gục khi đòi được nói để bào-chữa cho cha mẹ mình. Rốt cuộc, sau khi dàn-dựng cuộc “đấu-tố”, tòa đã kết án tử-hình cha mẹ Vinh. Hai ông bà bị chôn đứng tới cổ, rồi bị cày đầu. Riêng Vinh bị kết tội, rồi bị áp giải đi làm lao-công chiến-trường ở vùng giới tuyến giữa hai miền Nam và Bắc Việt-Nam. Cuối cùng, trong một lần bị áp-giải ven bờ biển, Vinh đã đào-thoát thành-công để chèo một con thuyền nhỏ ra khơi, và được cứu-vớt bởi một chiến-hạm của Việt-Nam Cộng-Hòa. Vậy mà chiếc ghe vẫn chưa bớt máy. Hình như ông quản còn đang đợi một cái gì đó. “Tóc, tóc, tóc...” Lại thêm một tràng súng nổ. Tên Việt-Cộng đứng giữa vẫy cờ qua lại thêm vài lần nữa, rồi giơ cờ lên trời quay tròn như chong-chóng. “Ghê quá! Nếu ghe cứ đi chắc-chắn chúng sẽ bắn. Nếu ghe dừng lại, mình rất có thể bị chúng bắt.” Tôi nghĩ thầm. “Cha ơi! Làm sao bây giờ?” Ông quản hỏi vị linh-mục già đang ngồi trong ca-bin. “Mình cứ vào đi.” Vị linh-mục vừa nói vừa ra khỏi ca-bin, rồi lần lên đứng ở sân mũi. Chiếc ghe giảm máy rẽ vào bến, rồi dừng lại cách toán Việt-Cộng trên bến chỉ độ mười lăm mét. Tôi chợt cảm thấy rờn-rợn sau gáy khi thấy cả toán Việt-Cộng đang trố mắt nhìn chăm-chăm xuống ghe. “Mình mà bị chúng bắt lúc này thì thật là lãng-nhách!” Tôi nghĩ thầm. Tên Việt-Cộng đứng giữa đã ngưng phất cờ, nghênh mặt quát: “Thuyền của lính Ngụy xin hàng phải không?” “Không! Đây là thuyền đánh cá của dân.” Vị linh-mục trả lời. “Sao lại đi vào đây? Các anh là ai? Các anh đi đâu?” Hắn hỏi dồn, rồi nhìn soi-bói vị linh mục trong bộ áo thâm chùng. “Tôi là một linh-mục. Tôi đi đón những người giáo-dân của tôi đã chạy loạn ra Vũng-Tàu để đưa về lại giáo-xứ.” “Giáo-xứ của các anh ở đâu?” “Ở xã Phước-Hòa, gần núi Long-Sơn kia kìa.” Vị linh-mục vừa nói vừa đưa tay chỉ về hướng đảo Long-Sơn. Sau câu trả lời của vị linh mục, bọn Việt-Cộng quay qua quay lại như để bàn-tán và hội ý với nhau. Ngay lúc này, tôi cảm thấy rất lo-sợ vì nghĩ rằng mình sắp sửa bị chúng bắt.
Khoảng năm phút sau, tên Việt-Cộng chợt la lớn: “Được rồi. Các anh đi đi.” Rồi hắn đưa cờ lên vẫy vài cái về phía chúng tôi trước khi cùng đồng bọn lẩn mất vào xóm nhà trên bến. Mọi người thở phào nhẹ-nhõm. Thì ra chúng đã chận chiếc ghe lại vì tưởng rằng chiếc ghe đang chở lính vào để xin đầu hàng. Trong một thoáng, chiếc ghe quay mũi chạy thẳng ra biển, rồi nhắm hướng đảo Long- Sơn trực-chỉ. Trên đường trở về xứ đạo, chiếc ghe đã vào cửa sông lớn phía trước làng chài lưới, nơi Tuân và tôi cùng toán lính nhảy-dù đã đi qua. Khi chiếc ghe đang đi trên một dòng sông lớn trong rừng sát thì một người ngồi ở sân mũi chợt kêu lên: “Thằng chõng!” Tôi nhìn theo hướng tay chỉ của người ấy thì thấy một xác người mặc đồ lính nhảy-dù đang trôi trên mặt nước cách chiếc ghe chỉ độ mười mét. Tôi đã từng nghe nói là xác đàn ông chết trôi sông thì nằm sấp, xác đàn bà chết trôi sông thì nằm ngửa. Chẳng biết có đúng không. Tôi để ý nhìn, nhưng vì trời đã cập quạng tối nên không xác-định được xác người lính này nằm sấp hay ngửa. Trong mấy ngày nay, cái xác này hẳn là đã vừa tấp vào bờ, vừa trôi ra rồi trôi vào theo dòng nước lên xuống nên vẫn chưa trôi ra biển. Sau đó, trước khi trời tối hẳn, chúng tôi còn thấy thêm vài xác lính nhảy-dù khác trôi bồng-bềnh trên dòng sông ấy. Khi ghe về tới bến, nơi chúng tôi đã lội qua mương để vào rừng sát vài hôm trước đây, thì trời đã về đêm. Rời bến ghe, mọi người cùng với linh mục chánh xứ đi theo một con đường đất ngoằn-ngoèo dài hơn một cây số để ra đường quốc-lộ, rồi chia tay ai về nhà nấy. Trên đường từ bến ghe về nhà, tôi chẳng thấy có gì khác lạ. Xứ đạo vẫn bình-thường như không hề bị Việt-Cộng chiếm-đóng. “Có lẽ chúng không có đủ quân nên đã không vào, hoặc có vào nhưng lại phải bỏ đi nơi khác.” Tôi nghĩ thầm.
Về đến nhà, tôi được biết là ngay sáng sớm Thứ Hai vừa qua, bộ-đội Việt-Cộng đã tràn vào ấp. Sau khi đóng quân, chúng cho phát thanh thông-cáo của “Ủy-Ban Quân- Quản” ra lệnh cho các quân-nhân và công chức của chính-phủ Việt-Nam Cộng-Hòa, mà chúng gọi là “Ngụy-Quân và Ngụy-Quyền”, phải tức-khắc giao-nộp vũ-khí ở Văn-Phòng Ấp. Tuy nhiên, rất nhiều anh em nghĩa-quân và nhân-dân tự-vệ đã chỉ đào đất hoặc xuống giếng để lấy súng đạn đem nộp sau khi đài Sài-Gòn phát ra lệnh đầu hàng của Tổng- Thống Minh.
Ngoài ra, tôi cũng được biết là vào đêm Chúa Nhật vừa qua, một cặp vợ chồng bồng theo một đứa con trai độ một tuổi di-tản theo đoàn lính nhảy-dù đã phải bồng con trở về vì có vài người lính dù dọa bắn đứa bé khi nó khóc vì ướt và lạnh.Tôi chợt nhớ lại những tiếng khóc của đàn bà và trẻ con mà tôi đã nghe được trong rừng sát. Tôi cũng nghĩ rằng dù sao thì cặp vợ chồng này cũng phải quay về vì không hề có tàu vào đón lính nhảy-dù để họ quá-giang, mà họ thì không cách nào có thể đem con vượt qua sông được.
Sáng ngày 01-05-1975, ngày Quốc-Tế Lao-Động, Tuân và tôi cùng một số người khác đến Văn-Phòng Ấp để xin giấy phép đi tìm thân-nhân. Thực ra, Tuân và tôi cố ý xin mỗi người một tờ giấy phép để khi cần có thể đào-thoát tiếp. Nhân đó, chúng tôi cũng xin luôn giấy phép cho mẹ của Tuân và cho chú tôi. Lúc này, trong Văn-Phòng Ấp chỉ có vài người đàn ông trung-niên mặc bà-ba đen, và dăm tên du-kích đeo súng AK47. Chúng tôi và mọi người đợi ngoài cửa một lát thì được phát những tờ giấy vàng khè rộng bằng bàn tay, cỡ một tờ giấy học trò cắt ngang làm ba mảnh. Đây là những mẫu giấy phép đi đường có tiêu-đề “Chính-Phủ Lâm-Thời Cộng-Hòa Miền Nam Việt-Nam”. Chúng tôi phải tự điền vào những chỗ trống trên mẫu giấy phép các chi-tiết như họ và tên, nơi đi, nơi đến, lý-do đi, và cả ngày giấy phép được cấp, rồi nộp lại cho Văn-Phòng Ấp. Hơn một giờ sau, chúng tôi trở lại và nhận được những tờ giấy phép của mình. Nhìn tờ giấy phép không có đóng dấu, mà chỉ có họ tên và chữ ký của Chủ-Tịch Ủy-Ban Quân-Quản Ấp, tôi ngạc-nhiên thấy chữ ký của ông Chủ-Tịch tên Tề run-run ngoằn-ngoèo như giun. “Chữ ký quá tệ!” Tôi nhủ thầm và chợt nhớ lại chuyện của bà Yên, một người đàn bà độc-thân độ năm mươi tuổi ở gần nhà tôi.
Theo lời bà Yên thì trước khi di-cư vào Nam năm 1954, bà sinh-sống bằng nghề làm “hàng xáo”, tức là xay thóc và giã gạo để lấy gạo và cám đem đi bán. Mỗi khi đi mua thóc hoặc đem gạo và cám đi bán, bà phải đi qua những trạm kiểm-soát của các cán-bộ Việt-Cộng, thường là ở các đầu lối vào chợ hoặc các đầu cầu bắc ngang những con sông lớn. Có một dạo, tất cả những người bộ-hành đi qua các trạm kiểm-soát đều bị khảo-hạch về khả-năng quốc-ngữ. Do đó, mỗi khi đi đến một trạm kiểm-soát, bà Yên và mấy người bạn hàng thường tự-động lớn tiếng đánh vần những chữ quốc-ngữ đã thuộc lòng từ trước, chẳng hạn như “bờ, bờ-o-bo-huyền-bò “, “tờ, tờ-o-to”, “gờ, gờ-a-ga-huyền-gà”, hoặc “nhờ, nhờ-o-nho-hỏi-nhỏ”, là được cho đi ngay. Bà cũng cho biết là bà và tất cả các bạn hàng đều là con nhà nghèo nên chưa bao giờ được đi học, và chẳng có ai biết một chữ cái nào cả. Sau khi di-cư vào Nam, bà Yên đã làm mọi người trong ấp chúng tôi phải ngạc-nhiên khi bà tự phát-minh một phương-pháp viết của riêng bà. Bà không chỉ dùng những vạch ngang dọc để ghi ngày trong tuần như Robinson đã làm suốt mười sáu năm trên hoang đảo, mà đã dùng đủ loại hình dạng để “viết”, vừa bằng phấn viết bảng vừa bằng than bếp, những gì bà muốn nhớ trên mấy bức tường trong phòng ngủ của bà. Do đó bà có thể đọc vanh-vách những dữ-kiện như ngày tháng, tên người chủ hụi, số người chơi hụi, số tiền đóng hụi, và những chi-tiết liên-hệ khác trong các sở hụi mà bà tham-dự. Ngoài ra, bà cũng đã tập viết được chữ “Yên”, tên gọi của bà, để ký các giấy-tờ cần-thiết. Điều đáng nói ở đây là dù chưa hề đi học, bà Yên đã ký đẹp và vững chãi hơn ông Chủ-Tịch Tề đầy quyền-lực rất nhiều.
Sau khi nhận được những tờ giấy phép, Tuân và tôi chở mẹ Tuân và chú tôi lên Sài-Gòn bằng xe gắn máy. Trên đường từ ấp chúng tôi tới Long-Thành, thỉnh-thoảng chúng tôi lại gặp một trạm kiểm-soát của những tên du-kích có đeo súng và choàng băng đỏ ở cánh tay. Nhờ có những tờ giấy phép đi đường, chúng tôi đã không bị bắt giữ hoặc làm khó dễ như nhiều người khác. Tôi đã tự hỏi là làm sao những tên du-kích có thể xác định được giấy phép và chữ ký ở trên giấy phép của chúng tôi là thật hay giả.
Từ Long-Thành trở đi, chúng tôi không còn gặp một trạm kiểm-soát nào nữa. Sau khi qua cầu Tân-Cảng, chúng tôi chạy thẳng vào Sài-Gòn, quẹo phải ở Đakao, rồi quẹo trái vào đường Hiền-Vương. Tới bùng binh đầu đường Trần-Quốc-Toản, chúng tôi quẹo phải vào đường Lê-Văn-Duyệt, rồi thẳng đường qua Hòa-Hưng, ngã ba Ông Tạ, và ngã tư Bảy-Hiền để đến khu nhà thờ Đắc-Lộ. Tôi nhận thấy đường phố có phần vắng-vẻ, nhưng lại rất ồn-ào vì tiếng loa phóng thanh ra-rả chửi “Mỹ-Ngụy” và kêu gọi dân-chúng chào mừng “Cách-Mạng”. Ngoài ra, tôi cũng thấy có khá nhiều nhà ở hai bên đường treo hoặc dán trước cửa cờ Cộng-Sản Bắc-Biệt và cờ Mặt Trận Dân-Tộc Giải-Phóng Miền Nam. Sau khi thăm gia-đình một người bà con ở khu nhà thờ Đắc-Lộ, chúng tôi từ-giã để đi tiếp. Khi chúng tôi vừa ra tới đầu ngõ thì loa phóng-thanh ở cổng phát ra một thông-cáo yêu-cầu tất cả các chủ hộ trong khu này phải họp vào lúc năm giờ chiều nay tại trường tiểu học ở đây. Thông-cáo còn kèm theo lời đe dọa sẽ "xử-lý" những chủ hộ nào vắng mặt. "Ở đâu thì rồi cũng phải vào rọ! Chúng ta về đi thôi, nếu không chúng ta sẽ bị phiền-phức." Mẹ Tuân nói. Sau câu nói của bà, chúng tôi liền bỏ ý định đi thăm những người bà-con khác ở Sài-Gòn, và đã về đến nhà vào ngay buổi chiều hôm ấy.
Vài ngày sau, Nhân, con một người anh của mẹ tôi, đang là hiệu-trưởng một trường tiểu-học ở gần ấp đánh cá Phước-Tỉnh, đến hỏi tôi là một chiếc ghe đánh cá dài cỡ hai mươi mét có thể đem độ một trăm người vượt biển qua Phi-Luật-Tân hoặc Hồng-Kông được không. Tôi nói là được nhưng phải có đầy-đủ dầu-nhớt, lương-thực, và nước uống cho mười ngày trên biển. Tôi cũng khuyên Nhân là nên đi Mã-Lai hoặc Tân-Gia-Ba thì hay hơn vì cuộc hành-trình sẽ thuận với chiều gió vào thời-điểm này. Sau khi tôi đồng ý sẽ đem gia đình ra đi bất cứ lúc nào, Nhân căn-dặn tôi là hãy luôn sẵn-sàng để ra đi, rồi từ-biệt. Hơn một tuần sau, khi những người di-tản từ ngoài Trung về đã bỏ đi hết, và đơn-vị bộ-đội Bắc-Việt cũng đã di-chuyển đi nơi khác, mọi sinh hoạt trong ấp trở lại bình thường. Tuy nhiên, người dân trong ấp vẫn tiếp tục phải xin giấy phép đi đường nếu cần phải đi xa.
Khoảng giữa tháng Năm, cũng như các
quân-nhân và công-chức Việt-Nam Cộng-Hòa
khác ở đây, tôi đã phải đến một ngôi đình
trong thị-xã Bà-Rịa để “đăng-ký”, tức là khai
lý-lịch cá-nhân gồm tên tuổi, nơi ở, cấp-bậc,
đơn-vị đã phục-vụ, vân-vân. Trong dịp này,
tôi đã gặp lại Khuyên. Sau khi thăm-hỏi,
Khuyên chỉ cái đồng-hồ đặc-biệt để lặn đang
đeo ở cổ tay, rồi cười và nói rằng đó là vật
duy-nhất anh ta còn giữ được để kỷ-niệm
những năm tháng phục-vụ ở Sở Phòng-Vệ
Duyên-Hải.
Sau khi đã “đăng-ký”, tôi lại lên Sài- Gòn để thăm-dò tình-hình và tìm gặp được Tú, một người bạn đã cùng làm việc ở Bộ Tư- Lệnh Hải-Quân. Theo lời Tú thì đêm 29 tháng 4 năm 1975, sau khi các tàu của hạm-đội tách bến để di-tản thì Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân cũng giải-tán, ai muốn về nhà thì về, ai muốn ở lại chiến-đấu thì ở. Rất nhiều quân-nhân hải-quân các cấp đã ở lại, trong đó có Đại-Tá Tấn, người được xem như là Tư-Lệnh Hải-Quân vào phút chót. Họ đã mở kho vũ-khí lấy súng đạn ra lập phòng-tuyến ở công-trường Mê- Linh, nơi có tượng Thánh-Tổ Hải-Quân Trần- Hưng-Đạo, và trước Hải-Quân Công-Xưởng để chiến-đấu. Họ đã chờ địch đến sáng hôm sau, và chỉ bỏ vũ-khí để về nhà sau khi Tổng- Thống Minh đã tuyên-bố đầu-hàng.
Trong dịp này, Tú và tôi đã rủ nhau đến nhìn lại Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân xem sao. Khi đến nơi, chúng tôi nhận thấy cổng Bộ Tư- Lệnh được canh-gác bởi hai tên thủy-thủ Việt- Cộng. Một tên ngồi trong điếm canh cạnh cổng như để tiếp khách vãng-lai, tên còn lại đeo súng AK đi qua đi lại trước cổng. Chúng tôi đến trước điếm canh hỏi thăm tên thủy-thủ ngồi trong ấy vài câu vô-thưởng vô-phạt, rồi đưa ra mỗi người một chiếc chìa khóa để nhờ hắn lấy dùm các giấy-tờ và bằng-cấp trong các tủ khóa cá-nhân trong phòng làm việc của chúng tôi. "Ngoài áo-quần và đồ-đạc trong tủ của chúng tôi thuộc về các anh, chúng tôi sẽ trả thêm tiền công cho các anh nữa." Chúng tôi bảo hắn. Tên này đồng ý giúp, và hẹn chúng tôi trở lại trong phiên gác của hắn từ 4 đến 6 giờ chiều ngày hôm sau. Khoảng 4 giờ rưỡi chiều ngày hôm sau, chúng tôi trở lại nhưng cẩn-thận đứng từ xa nhìn vào để quan sát. Hai tên thủy-thủ gác cổng ngày hôm qua chẳng thấy đâu, thay vào đó là hai tên lạ hoắc. Cả hai tên này đều đeo súng AK, và đều đang đi qua đi lại trước cổng, gườm-gườm nhìn kẻ qua người lại như nhìn kẻ thù. “Thật là ngu! Khi không để mất thêm hai cái chìa khóa.” Chúng tôi cười bảo nhau, rồi rút lui tức-khắc vì sợ bị bắt.
Vài tuần sau, tất cả những hạ-sĩ-quan Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa trong ấp tôi có cấp-bậc từ trung-sĩ đến chuẩn-úy thình-lình được lệnh đi “học-tập cải-tạo” ba ngày ở thị- xã Bà-Rịa. Ba ngày sau, đúng như đã được thông-báo, tất cả bọn họ đều được thả về với giấy chứng-nhận đã học-tập cải-tạo. Sau khi những người hạ-sĩ-quan được thả về, một thông-cáo của Ủy-Ban Quân- Quản được phổ-biến, ra lệnh cho tất cả các sĩ quan Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa có cấpbậc từ thiếu-úy đến đại-úy phải chuẩn-bị đồ- đạc và tiền-bạc đủ dùng trong 10 ngày để đi "học-tập cải-tạo". Nơi trình-diện là một đồn lính ở ngoại-ô thị-xã Bà-Rịa. Thời hạn trình diện là ba ngày 14, 15, và 16 tháng 6 năm 1975. Thông-cáo cũng kèm theo lời đe-dọa sẽ “xử-lý” những ai không chấp-hành hoặc chấp hành chậm-trễ. Cho đến lúc này, tôi vẫn không biết được tin-tức gì về Túy và Phán, nhưng lại mừng thầm cho họ. Cũng cho đến lúc này, tôi không còn hy-vọng có thể đào thoát được nữa vì Nhân vẫn bặt-tăm.
Chiều ngày 16 tháng 6 năm 1975, với một túi hành-trang giản-dị và một số tiền dự- trù đủ để đóng tiền ăn và tiêu vặt trong mười ngày, tôi chở Nhung bằng xe đạp lên Bà-Rịa. Sau khi vào một quán nước để giải khát, chúng tôi lại thẳng đường ra khỏi thị-xã, rồi đi thêm ba, bốn cây-số qua một khu ruộng muối và vài cánh đồng rộng-lớn thì đến nơi trình diện. Đây là một đồn lính xa hẳn những khu nhà dân, nằm đơn-độc bên đường lộ, giữa những đồng lúa xanh rì. Đồn này có lẽ đã bị bỏ trống khá lâu nên khắp nơi cỏ hoang mọc đầy. Dưới trời mưa rả-rích và gió lộng từng cơn, một đám đông, vừa người đi trình-diện lẫn người đưa tiễn, đang đứng lố-nhố trước cổng để chờ đợi. Tôi kéo Nhung chen vào đám đông, rồi lặng-lẽ quan-sát. Dù rất rộng với bốn, năm dãy nhà tôn dài và cao lớn, đồn lính lúc này thật là vắng-vẻ. Ngoài hai tên bộ- đội ôm súng đi qua đi lại trước cổng, tôi chỉ thấy năm, sáu tên bộ-đội khác trong một cái lều vải dựng tạm ở bên trong, cách cổng độ mười lăm mét. Lần lượt từng nhóm độ mười người một, những người đi trình-diện “học tập cải-tạo” được dẫn vào “đăng-ký” trong cái lều vải ấy. Sau một hồi nán lại để dặn-dò và an-ủi Nhung, tôi chia tay nàng đi vào “đăng ký” để nàng có thể về đến nhà trước khi trời tối.
"Đăng-ký" xong, nhóm chúng tôi, trong đó có một nữ quân-nhân, được một tên bộ-đội đeo súng dẫn thẳng vào trong đồn. Đang đi, tôi quay lại nhìn ra cổng thì thấy Nhung vẫn còn đứng đấy với những người đưa tiễn. Khi đến trước một căn nhà to và cao trông như một cái nhà kho, cách cổng đồn độ sáu, bảy chục mét, chúng tôi được lệnh dừng lại. Tên bộ-đội bảo người nữ quân-nhân đứng riêng qua một bên, rồi loay-hoay mở cánh cửa bằng tôn. Ngay lúc ấy tôi quay hẳn người lại nhìn ra cổng. Bên ngoài hàng rào kẽm gai, giữa những người đưa tiễn, Nhung, dưới vành nón lá, đang ngước lên dõi mắt trông theo và đưa tay vẫy. Lòng chợt chùng xuống, tôi cắn chặt răng giơ tay lên vẫy lại.
"Về đi. Em hãy về đi." Tôi thầm-thì.
Tên bộ-đội hối-thúc bọn đàn ông chúng tôi bước vào, rồi đóng sầm cửa lại. Trong căn nhà rộng như một cái hội-trường và ồn-ào như một cái chợ, hàng vài trăm người đang nằm ngồi la-liệt trên những tấm trải đủ loại và đủ màu khác nhau được trải khắp nơi trên sàn xi-măng.
"Chẳng biết có người quen nào của mình ở trong này hay không?" Tôi tự nhủ, rồi đi lần vào đám đông để tìm một chỗ trống.
Chung quanh tôi, mọi người vẫn ồn ào, cười-cười nói-nói. Chắc-chắn là họ cũng như tôi, chẳng ai ngờ rằng mình và hàng trăm ngàn đồng-đội khác đã trở thành những tên tù khổ-sai, dài hạn, và không án.
vũ hữu lý
http://www.denhihocap.com/ds2009/dtbny.html
Biên Hùng chuyển
di tản bất như ý
Khép mi lại rõ-ràng mình hăm mấy,
Mở mắt ra lại thấy sáu mươi ngoài!
Ă n vội tô hủ-tíu và uống cạn thật nhanh chai bia 33 ở bến phà Thủ-Thiêm, tôi trả tiền rồi ngoắc một chiếc xe ôm để ra Hàng-Xanh. Bây giờ đã hơn bốn giờ chiều Thứ Bảy, ngày 26 tháng 4 năm 1975. Tôi phải về Bà-Rịa tối nay để sáng mai có thể ra Vũng-Tàu thật sớm, rồi trở lại Sài-Gòn trong ngày.
Mới trưa hôm qua, Bá, một người bạn cùng phục-vụ ở Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải, Đà- Nẵng với tôi vài năm trước đây, đã đến Phòng Nghiên-Huấn, Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân tìm tôi. Hắn nói là Sài-Gòn đang bị bao-vây và cô-lập giống y như Đà-Nẵng hồi cuối tháng 3 vừa qua, rồi quả-quyết rằng cũng giống như Đà-Nẵng, Sài-Gòn sẽ bị Việt-Cộng chiếm trong vòng mươi ngày nữa. Bá cũng cho tôi biết là khi Quân-Đoàn I di-tản, hắn đã đem được cả gia-đình từ Đà- Nẵng vào Vũng-Tàu trên chiếc duyên-tốc-đĩnh (PCF – Patrol Craft Fast) của Hải-Đội 1 Duyên-Phòng mà hắn là thuyền-trưởng. Hiện giờ Bá được biệt-phái cho Hải-Đội 3 Duyên-Phòng và vẫn tuần duyên ở Vũng-Tàu với chiếc PCF ấy, nhưng bố mẹ và bốn đứa em của hắn thì lại đang ở trọ ở Thủ-Đức. Do đó, Bá đến nhờ tôi tìm cho gia-đình hắn một nơi tạm-trú ở Vũng-Tàu để khi cần hắn có thể đem cả gia-đình đào-thoát tiếp. Cuối cùng, Bá bảo tôi rằng nếu muốn, tôi chỉ cần đem gia-đình ra một bãi biển nào đó ở Vũng-Tàu là hắn sẽ bằng mọi giá đem chiếc PCF vào đón và chở toàn bộ gia-đình tôi cùng với các gia-đình của thủy-thủ-đoàn di-tản về miền Tây, hoặc chạy ra tàu của Đệ Thất Hạm-Đội Hoa-Kỳ ở ngoài khơi Vũng-Tàu.
Không tin, tôi bảo Bá rằng Sài-Gòn không thể mất, hoặc nếu có mất thì cũng không thể nhanh như thế được. Mới tuần trước đây, một cuộc họp sĩ-quan của Phòng Nghiên-Huấn đã được triệu-tập để bàn về việc này. Việt-Cộng đã bị chận lại ở Long-Khánh. Ít nhất cũng phải hai tháng nữa chúng mới có khả-năng để tiến về Sài-Gòn vì phải tiếp-viện thêm binh-lính, nhiên-liệu, và vũ-khí. Dù nói với Bá như thế, tôi cũng hứa là sẽ nhờ cô út của tôi ở ấp Bến-Đá, Vũng-Tàu cho gia-đình hắn ở trọ. Giờ đây, tôi phải rời Sài-Gòn để thực-hiện lời hứa đó. “Nếu không có vụ luân-phiên chào cờ đầu tuần vào sáng Thứ Hai thì mình đâu có cần phải về lại Sài- Gòn vội-vã như thế.” Tôi nhủ thầm.
Bác tài-xế xe ôm, theo lời tôi, đã tống hết ga để qua mặt xe-cộ đông đầy sau giờ tan sở trên đường Hai Bà Trưng, nhưng tôi vẫn cảm thấy chậm vì sợ trễ. “Việt-Cộng đang uy-hiếp Bà- Rịa, chúng có thể chận xe-đò lại dọc đường khi trời tối.” Một hạ-sĩ-quan của Phòng Nghiên- Huấn có nhà ở thị-xã Bà-Rịa đã nói với tôi như thế vào hôm Thứ Hai vừa qua. “Dù sao đi nữa mình cũng cứ đi.” Tôi lại nhủ thầm, và nghĩ ngay đến khẩu P38 đã nạp đạn đang nằm gọn trong cái xách tay. Khẩu súng này, như tất cả các súng cá nhân khác, đã được lệnh phải được hoàn-trả vào kho từ mấy tuần trước, nhưng tôi vẫn giữ lại với lý-do để tự-vệ vì nhà ở ngoài phạm-vi thủ-đô Sài-Gòn.
Lên xe đò ở Hàng-Xanh, tôi nhìn quanh và thấy ở một hàng ghế bên trái xe chỉ có một người mặc đồ thủy-quân lục-chiến ngồi. Tôi đi lần đến rồi dừng lại. Người lính liền ngồi dịch vào sát cửa sổ xe để dành chỗ cho tôi. Tôi nói cám ơn, rồi ngồi xuống và đặt chiếc xách tay xuống gầm ghế trước mặt. Xong xuôi, tôi quay qua nhìn người lính. Anh ta cũng vừa quay lại nhìn tôi. “Chào anh.” Cùng một lúc, chúng tôi vừa nói vừa đưa tay bắt. “Chà-ạy!” Người lơ xe la lên và vỗ thình-thình vào thành xe. Chiếc xe đò từ-từ chuyển bánh, tăng tốc-độ, rồi chạy vùn-vụt trên xa-lộ.
Tôi nhận thấy chẳng có gì đáng chú ý. Xe-cộ qua lại trên xa-lộ vẫn tấp-nập.
- Anh về đâu? Người lính thình-lình hỏi.
- Về Bà-Rịa. Còn anh? Tôi hỏi lại.
- Tôi về Vũng-Tàu. Anh ta trả lời.
Qua đối-thoại, tôi được biết người lính tên là Quyền, quê ở Vũng-Tàu. Một tháng trước đây, khi Quân-Đoàn I di-tản, các đơn-vị thủy-quân lục-chiến được lệnh tập-trung để đợi tàu ở bờ phía bắc của vịnh Đà-Nẵng, phía nam đèo Hải-Vân. Tàu hải-quân đã vào đón, nhưng đơn-vị Quyền và một số đơn-vị khác đã bị bỏ rơi lại. Sau khi đơn-vị tan-hàng, Quyền đã phải cởi bỏ quân-phục để mặc thường-phục, rồi chạy theo những người tị-nạn. Cuối cùng, sau mấy tuần lễ gian-nan vất vả, Quyền đã về tới Vũng-Tàu và ra trình-diện một đơn-vị thủy-quân lục-chiến ở đây. Quyền cũng nói với tôi là hiện giờ đang có tin đồn là Việt-Cộng đã tập-trung quân trong mật-khu Minh-Đạm ở núi Long-Hải để chuẩn-bị đánh chiếm thị-xã Bà-Rịa, thủ-phủ của tỉnh Phước-Tuy, nơi chỉ cách thị-xã Vũng-Tàu khoảng hai mươi cây-số. Quyền còn nói có rất nhiều người ở Bà-Rịa đã chạy ra Vũng-Tàu để lánh nạn.
Nghe xong, tôi vẫn chẳng e-ngại gì cả. Trong thâm-tâm, tôi luôn nghĩ rằng Bà-Rịa không thể mất vì thị-xã này nằm trên trục-lộ Sài-Gòn Vũng-Tàu, con đường huyết-mạch phải được bảo-vệ để di-tản nếu cần. Người lơ xe đi đến. Tôi trả tiền xe, rồi dựa đầu vào ghế, lơ-đãng nhìn cảnh-vật bên đường. Pho tượng Tiếc-Thương và những khoảnh đất phủ cờ vàng ba sọc đỏ ở Nghĩa-Trang Quân-Đội dần dần hiện rõ ở phía bên trái khiến lòng tôi se lại. Tôi vội nhìn đi nơi khác để xua đi những hình-ảnh tang-tóc và buồn-thảm của cuộc chiến vừa chợt đến trong đầu.
Khi xe đã qua khỏi Làng Cô-Nhi Long-Thành và đang chạy ngang một đồn điền cao-su, tôi tình-cờ nhìn qua cửa sổ và thấy năm, sáu chiếc xe thiết-giáp đang nằm im-lìm giữa rừng cây cao-su ngay hàng thẳng lối. Nhìn những người lính đứng ngồi chung quanh và trên nóc những chiếc xe thiết-giáp, tôi chợt nhớ đến Túy và Phán, hai người bạn thời tiểu-học của tôi. Đã bảy năm kể từ lúc hai người này đến từ-giã tôi để lên đường nhập ngũ, tôi chưa hề có dịp gặp lại họ. Vì vậy, cho đến lúc này, tôi chẳng biết họ ở đâu, mà chỉ biết được rằng Túy là một sĩ-quan thiết-giáp đã có vợ, và Phán là một sĩ-quan bộ-binh còn độc thân.
Xe vào bến xe thị-xã Long-Thành đón thêm vài người khách, rồi tiếp-tục đi. Tôi cũng chẳng thấy gì khác lạ. Đoạn đường ngang qua thị-xã vẫn đông người và xe-cộ. Các hàng-quán vẫn mở cửa, và khách vẫn ra vào tấp-nập. Yên tâm, tôi lại dựa đầu vào ghế, rồi chẳng mấy chốc chìm vào giấc ngủ. Giật mình thức giấc, tôi nhận thấy xe đã tới ấp Long-Hương, nơi chỉ còn cách thị-xã Bà-Rịa hơn một cây-số.
- Tốp, tốp! Ngừng đi bác tài. Tôi la lên.
- Ủa! Chưa tới Bà-Rịa mà? Quyền hỏi.
- Tôi phải xuống đây anh ạ.
Tôi trả lời, rồi cúi xuống lấy cái xách tay. Xe ngừng. Tôi bắt tay từ-giã Quyền rồi xuống xe.
Nhìn đồng hồ đã gần bảy giờ tối, tôi vội-vã băng ngang quốc-lộ, rồi đón một chiếc xe Lam ba bánh để đi ngược trở lại. Khoảng nửa giờ sau, tôi bảo bác tài-xế ngừng xe ở đầu ngõ vào nhà thờ Giáo-xứ Thánh Tô-Ma. Giáo-xứ Thánh Tô-Ma là một xứ đạo đã được thành-lập trong cuộc di-cư vĩ-đại của gần một triệu người từ miền Bắc vào miền Nam Việt-Nam để tránh chế-độ Cộng-Sản sau Hiệp-Định Geneva 20 tháng 7 năm 1954. Xứ đạo này cũng là một ấp về phương-diện hành chánh.
Cách Sài-Gòn độ bảy, tám chục cây số, Ấp trải dài gần hai cây-số dọc theo Quốclộ 15 trên lộ-trình Sài-Gòn Vũng-Tàu, và mở rộng hơn một cây số vào phía chân núi Thị-Vải nằm bên trái của quốc-lộ. Ngoài ra, ngay bên phải quốc-lộ là một dãy nhà ngang, nhìn ra mặt lộ, chạy suốt theo chiều dài của ấp. Sau dãy nhà này là một cánh đồng rộng lớn đã được khai-phá từ khi ấp mới thành-lập. Bên ngoài cánh đồng là một bờ đê để ngăn không cho nước mặn tràn vào từ rừng sát. Rải-rác dọc theo bờ đê là những bến ghe ở đầu các nhánh sông cụt. Mỗi bến là nơi đậu của mươi chiếc ghe máy khá lớn và vài chục ghe chèo nhỏ. Tiếp-giáp với bờ đê là rừng sát xanh rì với những nhánh sông chằng-chịt. Mút tầm mắt phía bên ngoài rừng sát là một vùng cửa biển rộng lớn nằm giữa Núi Lớn Vũng-Tàu và đảo Long-Sơn.
Ngay khi xứ đạo vừa mới được thành lập, vị linh-mục già chánh xứ, người đã cùng đi với giáo-dân từ Bắc vào Nam, đã xin được sự trợ-giúp của chính-phủ để dựng lên một ngôi nhà thờ và hai căn nhà nhỏ để làm trường học. Lúc đó, nhà thờ có mái lợp tôn và tường xây bằng xi-măng, nhưng trường học thì chỉ có mái tôn với vách bằng đất. Dưới sự hướng dẫn và giúp-đỡ của phụ-huynh, chúng tôi, những đứa trẻ trên dưới mười tuổi, đã vào rừng phía sau ấp chặt tre hoặc những cây con to cỡ ngón chân cái và dài hai, ba mét để đem về làm sườn, rồi nhồi đất với rơm để trét vách cho những lớp học đầu-tiên của chúng tôi. Sáu năm sau, khi ngôi nhà thờ đã được sửa chữa thật khang-trang, và hai dãy trường học đã được xây-dựng lại để trở thành trường tiểu học bán-công rồi công-lập, vị linh-mục già rời xứ đạo để vào nhà dòng. Từ đó đến nay, vài vị linh-mục khác đã lần-lượt được thuyên chuyển đến để làm chánh xứ.
Người dân ở đây có cuộc sống tương đối đầy-đủ, nhưng rất vất-vả. Ngoài một số nhỏ vào rừng đốn củi và đốt than, phần lớn họ làm ruộng-rẫy quanh ấp, hoặc đánh cá trên những nhánh sông chằng-chịt trong rừng sát. Thêm vào đó, quanh năm suốt tháng họ còn có thể chằm nón lá, một việc rất hợp với đàn bà và trẻ con. Ngoài ra, cũng phải kể một số rất ít, đếm trên đầu ngón tay, làm nghề buôn bán hoặc chạy xe Lam kiếm sống. Sau hơn hai mươi năm, nhân-số trong ấp đã tăng gấp bội, lên tới vài ngàn người. Dù rộng và đông dân như thế, ấp chủ-yếu vẫn chỉ tự bảo-vệ. Mới đầu, ấp được bảo vệ bởi Đoàn Thanh-Niên Công-Giáo của giáo xứ. Sau đó ấp được bảo-vệ thường-trực bởi một trung-đội Nghĩa-Quân, gồm toàn những giáo-dân trong xứ đạo, và một đoàn Nhân-Dân Tự-Vệ của ấp khoảng vài chục người, bao gồm những thanh-niên được miễn, hoãn, hoặc chưa tới tuổi quân-dịch. Vậy mà suốt hai chục năm qua, Việt-Cộng chưa bao giờ dám bén-mảng vào trong ấp. Cả ấp chỉ có không tới mười người là sĩ-quan trong quân-đội. Tất cả đều xuất-thân từ trường tiểu-học ở đây. Trong số những người này thì Túy, Phán, và tôi là ba học trò trong những lớp học đầu tiên khi xứ đạo vừa mới được thành-lập.
Đã hơn sáu năm kể từ khi vào lính, tôi cũng đi biền-biệt như Túy và Phán nên chỉ có thể hỏi thăm tin-tức về họ mỗi khi có dịp về thăm nhà. “Chẳng biết có thằng nào về nhà vào cuối tuần này như mình hay không?” Tôi nhủ thầm khi xuống xe Lam bước vào đầu ngõ. Nhung, vợ tôi, đón tôi trước cửa.
- Ô! Sao anh nói tuần sau mới về? Nàng ngạc nhiên hỏi.
- Anh về có chút việc cần em ạ.
Tôi trả lời khi bước vào nhà.
- Người tị-nạn từ ngoài Trung vào nhiều quá anh ơi. Họ ở đầy nhà công-quán và hai dãy trường học ở cuối nhà thờ đấy. Nàng bảo tôi.
- Thế hả em? Tôi hỏi vô- thưởng vô-phạt.
Ngập-ngừng một lát, Nhung lo-âu nói:
- Lính nhảy-dù đóng rất đông ở chân núi phía sau ấp. Không biết tình hình rồi sẽ ra sao!
- Chẳng có gì đáng phải lo đâu. Tôi trấn an nàng.
Trời đã về khuya. Đài phát thanh Sài-Gòn đang phát ra phần tin-tức. Tình-hình chiến-sự đã tồi-tệ, tình-hình chính-trị còn tồi tệ hơn. Theo đài phát thanh thì quân-đội Bắc-Việt đang siết dần vòng vây chung quanh Sài-Gòn. Cũng theo đài phát thanh thì Cụ giáo Tổng-Thống Trần-Văn-Hương đang bị áp-lực buộc phải trao quyền cho tướng Dương-Văn-Minh. Theo lời Cụ thì tướng Minh đã năn-nỉ xin Cụ trao chức-vụ Tổng-Thống cho ông ta với lý-do là ông ta đã giàn-xếp với Việt-Cộng. Cụ cũng vạch rõ rằng tướng Minh đã về hưu không còn chức-vụ gì nữa, vậy ông ta lấy tư cách gì mà đi giàn-xếp với Việt-Cộng. Hơn thế nữa, "Đất-Nước không phải là chiếc musoa để muốn trao cho ai thì trao." Cụ nhấn mạnh.
Trao quyền cho tướng Minh thì còn chiến-đấu gì được nữa. Tôi nghĩ thầm, rồi chán-nản tắt máy thu-thanh bước ra ban-công.
Nhìn về hướng đông, tôi giật mình thấy những ánh hỏa-châu sáng rực trên bầu trời Bà-Rịa. Trời vừa tảng sáng thì những người lính nhảy-dù đã từ chân núi Thị-Vải lũ-lượt kéo ra quốc-lộ. Tin-tức lan-truyền rất nhanh. Mọi người đều hoang-mang khi nghe nói đó là một đơn-vị thiện-chiến của Lữ-Đoàn 1 Nhảy-Dù có nhiệm-vụ bảo-vệ Bà-Rịa và Quốc-lộ 15. Lính dù mà rút lui thì chắc chắn là Việt-Cộng sẽ tràn vào. Tình-hình trong ấp nhanh chóng trở nên rối-loạn. Người ta chạy đôn chạy đáo để dò-la tin-tức và hỏi ý-kiến lẫn nhau. Từ trên ban-công, tôi nghe được những lời đối-thoại của những người đi ở dưới đường.
- Tụi mình phải dấu súng đi mới được! Một vài người nào đó bảo nhau.
- Chúng sẽ tịch-thu tất cả của-cải, ruộng-vườn, và gia-súc. Lại còn kết tội địa-chủ và đem ra đấu-tố! Một người khác thêm vào.
- Thế thì mình làm thịt heo gà đang nuôi để ăn và bán rẻ đi còn hơn. Có ai đó đưa ý-kiến.
Suốt buổi sáng, đoàn quân nhảy-dù đã tìm mọi cách để về Sài-Gòn hoặc ra Vũng-Tàu nhưng đều vô hiệu. Những chuyến xe cam-nhông chở đầy lính “mở-đường-máu” về Long-Thành hoặc ra Bà-Rịa đều bị dội ngược lại. Vậy là hai nơi này đã bị Việt-Cộng chiếm-đóng. Đoàn quân nhảy-dù rốt cuộc đã bị kẹt ở giữa, và hiện giờ đang tập-trung trên quốc-lộ, tại một cây cầu ở phía tây và cách ấp tôi không đầy một cây số.
Trời đã về chiều, khi tôi đang giúp mấy người em vợ đào một cái hầm để "chống pháo-kích" thì một đứa cháu của tôi đến tìm và nói là vợ tôi nhắn tôi về thật gấp. Tôi vội vã về nhà cách đó chỉ vài trăm mét. Vừa thấy tôi, Nhung đã cuống-quít nói:
- Lính nhảy-dù đang di-chuyển ra rừng sát. Ai cũng nói anh phải đi đi, nếu không thì nguy-hiểm lắm.
Ngập-ngừng một lát, nàng lo-lắng nhìn tôi hỏi:
- Làm sao bây giờ. Anh?
"Làm sao bây giờ?". Tôi cũng tự hỏi, rồi trong một thoáng ôn lại quá-trình trong quân-đội của mình.
T háng 3 năm 1969, tôi rời Đại-Học Khoa-Học Sài-Gòn để tình-nguyện gia-nhập Khóa 20 Sĩ-Quan Hải-Quân, còn gọi là Khóa Đệ Nhị Hổ-Cáp. Cuối tháng 7 năm 1970, sau khi tốt-nghiệp tại Trường Sĩ-Quan Hải-Quân Nha-Trang, tôi về Sài-Gòn để làm thủ-tục đi thực-tập trên Đệ Thất Hạm-Đội của Hải-Quân Hoa-Kỳ. Tuy nhiên, sau khi đã may quần áo và chờ đợi được gần 2 tháng, tôi lại được lệnh trình-diện Phòng Tổng Quản-Trị, Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân để chọn đơn-vị. Tại đây, sau khi được biết là có vài người cùng khóa lúc còn trong quân-trường đã tình-nguyện về Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải, nhưng sau khi ra trường được lệnh tân-đáo đơn-vị thì lại năn-nỉ xin rút lui, tôi đã tình-nguyện và trở thành người đầu tiên trong Khóa 20 về phục-vụ tại đơn-vị này.
Sở Phòng Vệ Duyên-Hải (CSS-Coastal Security Service) là một đơn-vị bí-mật trong chiến-tranh không quy-ước, do Hoa-Kỳ yểm trợ, nên không trực-thuộc Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân mà trực-thuộc Nha Kỹ-Thuật, Bộ Tổng-Tham-Mưu, Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa.
Nhân-viên của Sở là những người hoàn-toàn tình-nguyện, được tuyển-chọn từ các quân-nhân hải-quân lẫn lục-quân và những nhân-viên dân-chính mà chúng tôi gọi là “biệt-kích không số quân”. Mỗi nhân-viên, dù là quân-nhân hay dân-chính, đều ký với Sở một giấy cam-kết giữ bí-mật và sẵn-sàng thihành công-tác ở bất cứ nơi đâu, dù có phải “đi không trở lại”, trên lãnh-thổ Việt-Nam từ ải Nam-Quan đến mũi Cà-Mau.
Trong hơn hai năm phục-vụ tại đơn-vị này, tôi được chỉ-định làm Hạm-Phó, rồi Hạm-Trưởng SWIFT kiêm Sĩ-Quan Phòng- Thủ Đơn-Vị của Lực-Lượng Hải-Tuần.
Ngay sau Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, các PT của Sở đã liên-tiếp vượt vĩ-tuyến 17 nhằm tấn-công Bắc-Việt, nhưng đều bị lộ và phải quay về. Chẳng bao lâu sau đó, không biết vì khế-ước liên-quan đến Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải giữa Việt-Nam Cộng-Hòa và Hoa-Kỳ đã hết hạn, hay vì không muốn cho Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa sử-dụng PT để tấn-công trả đũa Bắc-Việt, và chống lại Trung-Cộng ở trận Hoàng-Sa sau này, Hoa-Kỳ đã thâu-hồi tất cả các PT của Sở để đem về Căn-Cứ Hải- Quân Subic Bay ở Phi-Luật-Tân. Nhận thấy sau khi các PT bị thâu-hồi, Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải không còn là một đơn-vị hào-hùng như trước nữa, tôi đã quyếtđịnh xin về lại Hải-Quân.
Tháng 12 năm 1972, về trình-diện Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân, rồi Bộ Tư-Lệnh Hạm Đội, tôi được thuyên-chuyển xuống Tuần-Dương-Hạm Ngô-Quyền HQ-17. Trên tàu này, tôi được chỉ-định giữ chức-vụ Trưởng Ban Trọng-Pháo, rồi Trưởng Ban Trọng-Pháo kiêm Trưởng Khối Vũ-Khí Vỏ-Tàu, rồi sau cùng là Trưởng Ban Trọng-Pháo kiêm Sĩ- Quan An-Ninh Chiến-Hạm. Sau một năm phục-vụ trên chiến-hạm, với những chuyến ra khơi dài đằng-đẵng để tuần dương và hàng chục lần từ ngoài khơi chạy vào bãi biển Sa-Huỳnh, gần ranh-giới hai tỉnh Bình-Định và Quảng-Ngãi, để yểm-trợ hải-pháo, tôi xin về học Tham-Mưu Trung-Cấp Hải-Quân.
Cuối tháng 6 năm 1974, sau khi tốtnghiệp Tham-Mưu Trung-Cấp và được ưu tiên chọn đơn-vị, tôi đã chọn Phòng Nghiên-Huấn thuộc Khối Quân-Huấn, Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân, Sài-Gòn. Từ đó đến nay, tôi vừa giữ chức-vụ Trưởng Tiểu-Ban Học-Trình tại Phòng Nghiên-Huấn vừa kiêm-nhiệm trách-vụ Bồi-Thẩm Hải-Quân tại các Tòa Án Dân-Sự và Quân-Sự Mặt Trận.
"Nếu chúng khám-phá ra mình đã phục-vụ ở Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải hoặc Tòa Án Quân-Sự Mặt Trận thì thật là nguy-hiểm." Tôi tự nhủ, rồi nói với Nhung:
- Rất có thể là lính nhảy-dù sẽ được tàu vào đón. Nếu không thì họ cũng sẽ vượt rừng sát để ra Vũng-Tàu. Anh sẽ đi theo họ để tìm phương-tiện về Sài- Gòn.
Ngay lúc nói như thế, tôi nghĩ đến Căn Cứ Hải-Quân Cát-Lở thường được dân chúng tại đây gọi là Thành Hải Quân, và tự nhủ rằng nhất định phải có vài người bạn cùng khóa với tôi đang phục-vụ ở đấy.
Sau khi căn-dặn Nhung chuẩn-bị cho mình một số hành-trang, tôi lên ban-công lầu hai để quan-sát. Nhìn những cụm khói đen thật lớn đang bốc lên ở hướng tây của ấp, tôi đoán là lính nhảy-dù đã thiêu-hủy những khẩu đại bác và xe-cộ của họ. Ngoài ra, tôi cũng thấy vài cụm khói vươn lên ở gần bờ đê cách quốc lộ không đầy một cây-số đường chim bay.
"Họ di-chuyển ra bến ghe." Tôi nhủ thầm.
Khi tôi xuống lầu thì Nhung đã chuẩn bị sẵn những thứ tôi đã dặn. Tôi vội-vã mặc bộ thường-phục màu đậm và mang vào đôi giày ba-ta biệt-hải màu xám tro, rồi kiểm lại cái ví da đựng tiền và giấy-tờ tùy-thân. Ngay lúc đó, Nhung đưa đến cho tôi một túi ny-lông dày cộm trong đựng một bộ quần áo để dự-phòng của tôi và một lon guy-gô bằng nhôm.
- Trong lon guy-gô là thức ăn. Nàng nói.
Tôi cẩn-thận nhét khẩu súng cùng với hộp đạn và cái ví da vào giữa bộ quần áo trong túi nylông ấy, rồi dùng một sợi dây thung cột chặt miệng túi lại. Xong xuôi, tôi bỏ túi ny-lông vào trong một chiếc túi rết của lính, gài nắp, rồi choàng quai qua đầu và điều-chỉnh để đeo vừa bên hông.
- Phải rất cẩn-thận, anh nhé. Nhung rưng-rưng nhìn tôi dặn-dò.
Nhận thấy Nhung quá lo-lắng, tôi nắm chặt tay nàng an-ủi:
- Em cứ yên tâm. Anh sẽ tìm mọi cách để về Sài-Gòn. Rồi đây mình sẽ gặp lại. Em hãy giữ-gìn sức-khỏe nhé.
Khi Nhung và tôi ra đến cửa thì gặp cha và chú tôi đang đứng đợi. Cha tôi nói:
- Chúng tôi già rồi. Nhà ta chỉ còn có một mình anh. Anh phải đi thì mình mới mong có ngày gặp lại.
Chú tôi, người duy-nhất trong những người thân của tôi biết là tôi đã từng phục-vụ ở một đơn-vị không quy-ước, tiếp lời:
- Cho dù có phải đợi mấy chục năm nữa, như từ hồi di-cư 54 đến giờ, cũng vẫn hơn là anh bị chúng bắt.
- Con sẽ về lại. Xin Ba và Chú hãy giữ-gìn sức-khoẻ.
Tôi nói với cha và chú tôi, rồi vội-vã rời nhà để ra bến ghe.
Tôi vừa ra khỏi cửa thì gặp Tuân, con người chị cả của cha tôi, đang đứng đợi để cùng đi với tôi. Trên đường ra bến ghe, Tuân nói anh ta cũng phải di-tản vì đã từng phục-vụ trong một đơn-vị đặc-biệt. Ngoài ra, Tuân cũng cho tôi biết là anh ta sẽ ra nhà bố mẹ vợ ở ấp Bến-Đá, Vũng-Tàu để tạm-thời lánh nạn.
Khi Tuân và tôi tới bến ghe thì trời vừa sụp tối. Thấp-thoáng dưới bóng đêm, một đoàn lính nhảy-dù lẫn-lộn với một số ít thường dân đang nối đuôi nhau rời bờ đê lội qua một cái mương hẹp để vào rừng sát. Chúng tôi liền cởi giầy bỏ vào túi đeo, rồi xắn quần chen vào giữa dòng người đang dichuyển ấy. Sau khi đã lội qua mương để vào trong rừng sát, mọi người lại phải lội bì-bõm vì mực nước trong rừng vẫn còn cao hơn mặt đất cả gang tay. Rừng ở đây gồm toàn những cây vẹt, hay cây đước với hàng trăm rễ phụ từ thân cây chĩa ra, uốn cong như những cánh cung, rồi cắm xuống mặt bùn. Thêm vào đó là hàng ngàn trái vẹt rụng nay đã mọc thành cây con chĩa lên tua-tủa như chông trên mặt bùn vẫn còn đầy nước.
- Cứu tôi! Cứu tôi với. Có tiếng cầu-cứu vang lên.
Tôi trố mắt nhìn trong đêm. Trước mặt tôi, những người lính đang tạt sang hai bên để đi tới. Ở giữa lối đi, một người lính bị lún sình tới gần ngang ngực. Anh ta đang chới-với, cố gắng nhoai lên nhưng vô hiệu vì chiếc ba-lô trên lưng đã ngập một nửa dưới bùn.
- Mình kéo hắn lên. Tôi nói với Tuân.
Chúng tôi liền bước sang hai bên, rồi mỗi người nắm một cổ tay người lính, tay kia bám chặt vào một cành cây để lấy sức.
- Một, hai, ba! Tôi kêu lên làm hiệu.
Chúng tôi tức-thì kéo người lính lên và đi tới. Khi người lính ấy đã lên khỏi vũng lầy và đang gượng đứng lên trên mặt bùn nhão-nhẹt, chúng tôi buông tay và tiếp-tục bước nhanh theo đoàn người phía trước. Sau hơn nửa giờ lội bì-bõm trong rừng vẹt, đoàn người bị chận lại bởi một nhánh sông rộng đến vài chục mét. Thủy-triều mới bắt đầu xuống, nước vẫn còn phủ bìa rừng. Tuân và tôi bơi sang bờ đối-diện, rồi lại tiếp tục theo đoàn người đi sâu hơn vào rừng sát. Từ đây, dù nước không còn phủ mặt đất, việc di-chuyển vẫn vất-vả vì bùn-lầy vướng chân và cây cùng rễ vẹt cản lối. Đang đi, tôi chợt nghe có những tiếng quát-tháo lẫn-lộn với tiếng đàn bà và trẻ con khóc vọng tới từ nhánh sông phía sau, nơi chúng tôi và mọi người vừa mới vượt qua. Mặc kệ chuyện gì xảy ra phía sau, đoàn người vẫn tiếp tục đi. Chẳng mấy chốc, một nhánh sông khác lại chận ngang trước mặt.
Thủy-triều đang xuống thật nhanh. Dòng nước đã gom lại giữa lòng nhánh sông, để lộ ra hai bãi bùn ở hai bên bờ. Thấp-thoáng trong đêm tối, những người đi trước đang lội bùn để tới dòng nước. Nhiều người la ơi-ới hoặc chửi thề ỏm-tỏi vì bị lún bùn quá sâu. Thấy vậy, Tuân và tôi bảo nhau đi độ mười mét ra khỏi đám đông, rồi chạy thật nhanh trên bãi bùn để đến dòng nước. Nhờ vậy, chúng tôi đã tới mé nước không mấy vất-vả. Sau khi lội ngang dòng nước, chúng tôi lại chạy thật nhanh qua bãi bùn ven bờ đối-diện để vào bìa rừng phía trước.
Cứ thế, đoàn người đã vượt năm, sáu nhánh sông trước khi bị khựng lại ở một dòng sông lớn. Khi Tuân và tôi đến nơi, nước sông đã rút để lộ một bãi phù-sa rộng độ vài chục mét chạy dọc ven bờ. Những người đến trước đã phân-tán ở bìa rừng để chờ đợi. Ngay trước mặt chúng tôi, một nhóm khoảng nửa tiểu-đội lính đang đi tới đi lui trên bãi.
- Đống-Đa, Đống-Đa! Đây Bắc-Bình ...
Tiếng âm-thoại truyền-tin vang lên trong đêm tối. Chỉ vài phút sau, tôi nghe có những tiếng càu-nhàu và chửi thề trong bọn họ. Thì ra đó là bộ chỉ-huy của đoàn quân di-tản. Theo lời họ đối-thoại với nhau, tôi hiểu rằng đoàn quân nhảy-dù này đã được lệnh đến một nơi nào đó trong rừng sát để đợi tàu vào đón, nhưng lúc này lại được cho biết đích-xác là không có tàu gì cả. Sau cùng, vì phải tự lo lấy, họ đã bàn với nhau chia ra làm nhiều nhóm để di-tản. Hơn nữa, họ cũng đã quyết-định là sẽ ra Vũng-Tàu chớ không đến cầu Cỏ-May ở gần thị-xã Bà-Rịa vì sợ rằng cây cầu này đã bị Việt-Cộng chiếmđóng. Họ cũng không đến cầu Cây-Khế vì sợ bị quân bạn ngộ-nhận là Việt-Cộng. "Vậy vẫn còn may. Nếu không biết đích-xác là không có tàu thì đoàn quân sẽ phải đợi cho đến bao giờ?" Tôi nghĩ thầm.
Những người lính gần bên chúng tôi đã bắt đầu xuống sông. Tuân và tôi rời bìa rừng đi lần xuống bãi. Khi chúng tôi tới mé nước, Tuân lo-lắng hỏi:
- Chú liệu có thể bơi qua sông được không?
Nhìn dòng nước lấp loáng trong đêm, tôi không thể ước-lượng được chiều rộng của con sông là bao nhiêu, nhưng vẫn quả-quyết:
- Được!
Tôi vừa trả lời xong thì Tuân kéo tôi quẹo trái để đi về phía thượng dòng. Khi đã ra khỏi đám đông được vài chục mét, chúng tôi lẳng-lặng rời bãi để xuống sông.
Thủy-triều đang ở mức thấp nhất nên gió lặng như tờ, và nước chảy rất chậm. Tuân và tôi thong-thả bơi bên nhau. Bên phải chúng tôi, những tiếng kêu-cứu, gọi nhau ơi-ới cứ liên-tục vang lên trong đêm tối. Lúc này tôi mới chợt nhận ra rằng tôi đang vừa bơi vừa kéo theo cái túi rết nửa nổi nửa chìm trên mặt nước. Không biết đã bơi được bao lâu, tôi bỗng thấy có những vật màu đen trông như những trái banh đang trôi trên mặt nước. Tôi đưa tay chụp một vật đang trôi trước mặt thì chạm phải cạnh của một cái nón sắt gần đầy nước đang lật ngửa. Chiếc nón sắt tức-thì bị đầy nước và chìm mất tiêu xuống đáy sông. Tôi để ý chụp một vật khác vừa trôi tới thì được một cái bi-đông bằng nhựa.
- Chụp lấy một cái bi-đông. Tôi bảo Tuân.
Tuân biểu đồng tình, rồi chỉ trong chốc lát cũng chụp được một cái bi-đông bằng nhựa như tôi. Hai chiếc bi-đông này đã làm chúng tôi phấn-khởi và yên tâm hơn khi tiếp-tục bơi qua sông. Khi gần đến bờ đối-diện, tôi chợt thấy một người đang bơi từ bờ ra, ngược chiều với chúng tôi.
- Còn bơi được không? Có cần giúp không? Tiếng một người đàn ông hỏi dồn.
- Không cần đâu. Cám ơn. Tôi nói.
Tuân cũng trả lời tương-tự. Người đàn ông liền quay lại, cùng bơi vào bờ với chúng tôi. Sau khi Tuân và tôi đã lên bờ, người đó lặng-lẽ bỏ đi, và mất hút vào bìa rừng trước mặt. Nằm dài trên bờ sông nghỉ mệt, tôi chợt nhớ lại những tiếng kêu-cứu trên sông, rồi nghĩ là rất có thể một vài người lính đã chết đuối vì vướng bận ba-lô và vũ-khí. Tôi cũng nghĩ rằng chúng tôi đã rất may-mắn vì khi mọi người đang bơi thì thủy-triều bắt đầu lên, nên dòng nước đã đổi chiều làm cho những vật nổi, như chiếc nón sắt và bi-đông, trôi từ chỗ những người lính về phía chúng tôi. Tuy nhiên, tôi không thể hiểu tại sao những người lính lại buông trôi những thứ ấy.
- Bây giờ chúng ta ăn uống rồi nghỉ ở đây. Mai hãy đi tiếp.
Một người nào đó nói như ra lệnh cho những người lính đang nghỉ mệt ven bờ. Quan-sát những người lính tản mát vào bìa rừng tìm chỗ nghỉ, tôi ước chừng họ chỉ có vài chục người. Như vậy đây chỉ là một nhóm rất nhỏ của đoàn quân, số rất đông còn lại đã vượt sông ở chỗ khác.
- Mình cũng tìm chỗ nghỉ chú ạ. Tuân bảo tôi.
Chúng tôi vào bìa rừng, rồi ngồi dựa vào hai gốc cây kế cận nhau để nghỉ. Khi mở túi rết và cởi bao ny-lông để lấy lon guy-gô thức ăn, tôi nhận thấy mọi thứ trong bao nylông đều không bị ướt. Một điều thật trùng hợp là Tuân và tôi mỗi người đều đem theo một lon guy-gô không hề có cơm mà toàn là những miếng thịt heo luộc được cắt to cỡ nửa nắm tay. Lại nữa, không ai trong chúng tôi mang theo nước uống, nhưng cả hai cái biđông lượm được trên sông đều mới vơi đi chừng một nửa. Chúng tôi cùng nhau ăn uống dưới bóng đêm, không hề nghĩ rằng ăn thịt có mỡ và uống nước lạnh có thể bị đau bụng. Khi tôi thắc-mắc về sự trùng-hợp của hai lon thịt, Tuân cho tôi biết là chính mẹ anh ta đã cho làm thịt một con heo để phát cho bà con và bán tháo đi ở ngoài chợ. Nghe Tuân nói, tôi phì cười vì thật không ngờ bà bác của tôi lại là một trong những người sợ bị Việt-Cộng đấu tố. Chợt có tiếng một người lính nào đó chửi thề: "Đ.m! Đánh đấm gì kỳ thế. Chưa đánh đã bảo chạy."
Một người khác càu nhàu:
- Mẹ kiếp! Thế rồi mấy chả chạy mất tiêu.
Lại một người khác lên tiếng:
- Giờ này chắc mấy chả đang ở trên tàu Mỹ ráo trọi.
Cuộc đối-thoại của những người lính cứ thế xoay quanh việc "ra lệnh rồi bỏ trốn" của những người chỉ-huy cao cấp của họ.
Giật mình thức giấc, tôi cảm thấy dưới chân và mông lạnh ngắt. Thì ra nước đã ngập tới gốc cây. Tôi liền leo lên ngồi trên một cành cây cách mặt đất độ một mét. Tuân cũng leo lên cây bên cạnh. Một tay choàng qua thân cây, tôi tiếp-tục dỗ giấc ngủ. Không biết đã được bao lâu, tôi lại giật mình tỉnh dậy. Có những tiếng chửi thề xen lẫn với tiếng những bước chân lội bì-bõm đâu đây. Thì ra thủy triều vẫn mỗi lúc càng cao, và nước đã ngập tới hai bàn chân đang thòng xuống của tôi. Gió sông lúc nước lên thổi ào-ào, nhưng tôi không hề cảm thấy lạnh. Để cho chắc ăn, tôi lại leo lên một cành cao hơn, rồi ngồi chồm hổm như chim và tiếp-tục nhắm mắt ngủ-gà ngủ-gật chờ sáng.
Những tiếng lách-cách vang lên ở chung quanh làm tôi tỉnh giấc. Trời vừa mờ sáng. Nước đã rút khỏi bìa rừng. Tôi vội-vã leo xuống vì nhận ra rằng những người lính đang chuẩn-bị lên đường. Tuân ở trên cây bên cạnh cũng leo xuống theo.
Bỗng một người nào đó lên tiếng hỏi:
- Máy truyền-tin đã chìm xuống sông hồi đêm. Làm sao bây giờ?
Không có tiếng trả lời.
Vài phút sau, một người khác nói:
- Tất cả sẵn-sàng chưa? Chúng ta đi.
Rõ ràng đó là tiếng của cấp chỉ-huy bảo thuộc-hạ. Có tiếng thầm-thì trao-đổi, rồi một người lính với khẩu M16 trên tay đi vượt lên trước. Những người còn lại chia thành từng nhóm hai hoặc ba người lần-lượt theo sau, đi sâu vào rừng cây rậm-rạp.
Tôi lặng-lẽ quan-sát. Toán lính chỉ có hơn hai chục người. Khoảng năm, sáu người trong bọn họ còn đeo ba-lô. Ngoài ra, cũng có vài người chỉ mặc quần dài và áo thung. Về vũ-khí, ngoài khẩu colt 45 của người chỉ-huy, cả toán chỉ còn một khẩu M16 của người lính đi đầu và dăm trái lựu-đạn của vài người lính khác. Qua những mẩu đối-thoại của họ, tôi cũng biết được rằng ngoài người sĩ-quan chỉ- huy được gọi là thẩm-quyền, còn một sĩ-quan nữa được gọi là bác-sĩ. Tuy nhiên, tôi không thể biết được cấp-bậc của hai người sĩ-quan này vì cả hai đều không mang lon trên áo và không hề gọi nhau bằng cấp-bậc.
Trong khi chờ cho toán lính di-chuyển, tôi mở túi rết lấy giày mang vào, rồi kín-đáo để khẩu súng và hộp đạn ra bên ngoài túi ny-lông trong túi rết, phòng khi hữu-sự. Trong hoàn cảnh này, tôi không muốn những người lính biết là tôi cũng ở trong quân-đội.
"Họ biết mình là người trong xứ đạo là được rồi." Tôi tự nhủ.
Hai người sĩ-quan bắt đầu đi. Tuân và tôi đứng dậy dợm bước theo sau.
- Hai anh đi lên trước đi. Dầu sao đi nữa thì chúng tôi cũng bảo-vệ các anh.
Người sĩ-quan chỉ-huy nói và dừng lại đợi. Chúng tôi ra dấu cám ơn rồi đi vượt lên. Người sĩ-quan quân-y và vài người lính khác cũng dừng lại nhường bước. Sau khi đi sâu vào rừng độ năm chục mét, đoàn người không còn phải tránh-né những vũng nước hoặc sình lầy nữa. Mặt đất trên cù-lao đã trở nên khô-ráo vì cao hơn mực thủy-triều. Rừng cây trước mặt cũng hoàn toàn thay đổi, không còn những cây vẹt với những rễ phụ từ thân cây chĩa ra chằng-chịt nữa. Thay vào đó là một tập hợp những loại cây cỏ mà tôi không biết tên của một khu rừng thưa và thấp. Có vài nơi trên mặt đất, lá lẫn với những cành cây nhỏ khô mục phủ đầy như trải thảm.
Đoàn người tiếp-tục len-lỏi qua những bụi cây còn ướt sương đêm để băng ngang cù lao. Trong lúc di-chuyển, mặc dù mọi người đều cố-gắng không gây tiếng động để khỏi bị lộ vị-trí, tiếng lách-tách của những nhánh cây con khô mục bị đạp gẫy dưới bước chân vẫn liên-tục vang lên.
Toán quân vẫn đi thành từng nhóm hai hoặc ba người cách nhau chỉ độ vài mét. Từ phía sau, thỉnh-thoảng tôi có thể nhìn thấy người lính cầm súng đi đầu đang làm hiệu cho những người đi sau dừng lại hoặc tiến tới. Đôi khi, theo dấu hiệu của người đi đằng trước, mọi người phía sau phải vội-vã nép vào những bụi cây rậm-rạp để chờ đợi, rồi lại tiếp-tục đi tới khi được ra dấu cho đi.
Hơn một tiếng đồng hồ sau, khi đoàn người ra đến bìa rừng thì đối diện với một ngã ba sông rộng lớn. Không ai bảo ai, mọi người đều nhanh-chóng núp vào những bụi rậm ven bờ.
- Quan-sát ngoài sông xem có thuyền-bè gì không. Người sĩ-quan chỉ-huy bảo thuộc-hạ.
Từ nơi ẩn-núp, tôi thấy hai người sĩ-quan ở bụi cây bên cạnh đang chụm đầu vào một tấm bản-đồ hành-quân trải rộng trên mặt đất. Theo lời hai người sĩ-quan nói với nhau thì nhánh sông bên trái là lối đi vào thị- xã Bà-Rịa, nhánh sông bên phải là lối đi về đảo Long-Sơn, còn nhánh sông trước mặt là lối ra cửa biển phía đông đảo Long-Sơn. Thêm vào đó, bên trái nhánh sông này là một cù-lao rộng-lớn tiếp-giáp với sông Cát-Lở. Ngoài ra, một làng chài-lưới được ghi là đang nằm đâu đó ven bờ của cù-lao này. Sau khi nghe được như thế, tôi liền nhìn theo bờ bên trái của nhánh sông trước mặt, và thấy ở cuối tầm mắt một bãi cát chạy dọc ven bờ cùng với những mái nhà thấp-thoáng dưới rừng cây. Ngay giữa ngã ba sông, một chiếc tàu đò dài độ hai chục mét đang chạy từ trái sang phải.
- Có chiếc tàu đò. Mình có bắn súng gọi nó không, thẩm-quyền?.
- Đừng! Biết đâu chúng đã chiếm con đò đó. Người sĩ-quan chỉ-huy nói.
Chiếc tàu đò vượt qua rồi khuất dạng ở khúc quanh về hướng đảo Long-Sơn. Nhìn dòng nước rộng mênh-mông và đang chảy siết, tôi phát sợ vì biết chắc là mình không thể bơi qua được.
Gần một tiếng đồng hồ chờ đợi trôi qua. "Sụyt!" Một người nào đó kêu lên làm hiệu. Mọi người giật mình núp kỹ rồi im-lặng quan-sát. Chỉ vài chục mét ở phía bên trái, một chiếc ghe tam-bản vừa ló ra. Chiếc ghe đi cách bờ không đầy mười mét đang tiến về phía chúng tôi. Trên ghe, ngoài một cụ già trạc sáu mươi tuổi đứng chèo ở sau lái, một thằng bé khoảng mười tuổi đang ngồi chèo phụ ở trước mũi.
- Chận chiếc ghe đó lại.
Người sĩquan chỉ-huy nói vừa đủ nghe. Nhanh như một con sóc, người lính ôm súng M16 liền chạy ra núp ở một bụi cây sát bờ sông.
Khi chiếc ghe vừa đến trước mặt, anh ta bất thình lình nhảy ra chong súng vào cụ già quát:
- Ông già kia! Vào đây.
Cụ già khựng lại, rồi vội-vã cho ghe tấp vào bờ. Người lính ngoắc tay. Vài người lính khác chạy ra đứng bên anh ta.
- Xin các ông tha cho. Ông cháu lão chỉ đi câu kiếm sống mà thôi.
Cụ già run-rẩy nói, trong khi đứa nhỏ trố mắt nhìn.
- Không sao đâu cụ ơi. Chúng cháu chỉ xin quá-giang mà thôi.
Một người lính trấn-an cụ. Hai ông cháu cụ già có vẻ bớt sợ, lặng-lẽ ngồi trên ghe chờ đợi.
Sau một hồi bàn tính, toán lính quyết định để người sĩ-quan quân-y và người lính có khẩu M16 xuống ghe.
- Cố-gắng tìm phương tiện đón anh em nhé. Người sĩ-quan chỉ-huy nói.
- Chắc-chắn rồi. Đừng lo.
Người sĩ-quan quân-y trả lời, rồi yêu cầu cụ già cho ghe nhắm bờ bên trái của ngã ba sông tiến tới.
Những người lính còn lại gom thành từng nhóm dưới những bụi cây để tránh nắng và chờ đợi. Khi họ đem lương-khô ra ăn, Tuân và tôi cũng đem vài miếng thịt còn lại trong lon guy-gô ra ăn đỡ dạ. Trong suốt thời gian ăn uống và chờ đợi, những người lính vẫn luôn-luôn quan-sát chung quanh để đề-phòng bất-trắc. Người sĩ-quan chỉ-huy thì thỉnh thoảng lại cầm ống nhòm lên quan-sát ngoài sông. Một tiếng đồng hồ đã trôi qua mà chẳng có ghe nào xuất-hiện. Mọi người trở nên bồn chồn lo-lắng. Biết đâu người sĩ-quan quân-y và người lính đi theo anh ta đã bị Việt-Cộng bắt. Cũng biết đâu họ đã bỏ đi luôn. Tuy nhiên, khi mọi người bắt đầu ồn-ào bàn-tán thì người sĩ-quan chỉ-huy chợt reo lên cho biết có một chiếc ghe đang chạy ra từ làng chài-lưới. Khoảng mười lăm phút sau, ai nấy đều mừng rỡ khi thấy rõ đó là một chiếc ghe máy, và người lính dù ôm khẩu M16 đang ngồi trước mũi.
Chiếc ghe máy cập vào bờ, mọi người xuống ghe, chiếc ghe quay lại đường cũ, vượt ngã ba sông, rồi chạy dọc theo bờ bên trái hướng về làng chài-lưới. Trong chốc lát, dòng sông chợt mở rộng thênh-thang ở phía bên phải vì ngay trước mặt đã là cửa biển. Sóng to gió lớn làm chiếc ghe di chuyển rất chậm. Tuy nhiên hơn nửa giờ sau, chiếc ghe cũng đến được một bến ghe nhỏ ở đầu làng.
Dưới bến, ngoài chiếc ghe tam-bản của hai ông cháu cụ già, những ghe khác đều trống trơn vô-chủ. Trên bờ, người sĩ-quan quân-y và một nhóm thường dân đang đứng nhìn chúng tôi. Giữa những tiếng ầm-ì của sóng-gió, tiếng người sĩ quan quân-y chợt vang lên rõ mồn-một từ trên bờ:
- Tôi làm sao bỏ các anh em được!
Nhìn nét mặt tươi cười của anh ta, tôi chợt nghĩ thầm: "Đúng là lương-y như từ-mẫu."
Chiếc ghe máy cập vào bến. Mọi người dưới ghe lần-lượt lên bờ. Hai người sĩquan nói gì đó với cụ già chủ ghe tam-bản và người đàn ông chủ ghe máy, rồi ngoắc tay cho thuộc-hạ nhắm hướng cuối làng đi tới. Tôi không biết cụ già và người đàn ông ấy có được trả công bằng một cách nào đó hay không.
Trời nắng chang-chang. Toán lính vừa đi vừa chạy lúp-xúp ven bìa làng dọc theo bãi cát. Tuân và tôi cũng chạy theo họ. Bãi biển vắng hoe. Bên trái chúng tôi là bìa làng với những căn nhà mái tôn thấp-thoáng dưới rừng cây. Bên phải chúng tôi là bãi cát rộng vài chục mét tiếp-giáp với một vùng cửa biển rộng mênh-mông. Gió thổi mạnh. Những đợt sóng bạc đầu đang liên-tục đổ bờ. Ngoài kia, cách bãi chỉ độ một trăm mét, hàng chục con thuyền đánh cá đã thả neo đang bập-bềnh trên sóng. Phía trước chúng tôi, rải-rác trên bãi cát có những chiếc ghe tam-bản đã bị lật sấp hoặc nghiêng để phơi nắng. Ngoài ra, ở cuối tầm nhìn trước mặt còn có mấy chiếc ghe thật lớn đang đậu ở ven bờ. "Bến tàu đò!: Tôi tự nhủ.
- Còn nước không chú ?Tuân chợt hỏi.
Tôi quay lại vừa lúc Tuân ném mạnh chiếc bi-đông của anh ta ra xa. Chiếc bi-đông rơi xuống lăn lông-lốc trên cát rồi nằm im ở gần mé nước.
- Còn. Tôi trả lời.
Chúng tôi chạy chậm lại, gạt mồ-hôi và chia nhau vài hớp nước, rồi chạy nhanh hơn để theo kịp những người lính. Được vài trăm mét, tôi chợt thấy ở khoảng cách độ năm chục mét trước mặt, khoảng một nửa tiểu-đội lính đã tụ lại dưới một lùm cây khá lớn ở ven bìa làng. Gần đấy, hai người lính khác đang hè nhau lật ngửa lại một chiếc ghe tam-bản nằm sấp trên bãi cát. Bất thình-lình, nửa tiểu-đội lính ở ven bìa làng túa ra chạy thục-mạng về phía trước. Hai người lính đang lật ghe trên bãi cũng tức tốc chạy theo. Họ la lên thúc-dục những người lính phía trước và đằng sau chạy nhanh thêm. Tuân và tôi cũng hoảng hồn, lật-đật phóng theo họ. Khi chạy ngang lùm cây, nơi những người lính vừa tụ lại trước đây, tôi thấy một cụ già râu tóc bạc phơ đang ngồi dựa vào một gốc cây, thản-nhiên hút thuốc, và nhìn bâng quơ ra biển. Tuân và tôi đều giơ tay vẫy chào, nhưng cụ vẫn ngồi yên như chẳng hề thấy chúng tôi.
Sau một hồi chạy như bị ma đuổi, mọi người dừng lại ở cuối làng, nơi thật sự có một bến tàu đò. Lúc Tuân và tôi tới nơi, những người lính đang hỏi thăm một nhóm dân chài trên bến. Bỗng một người lính chửi thề:
- Đm! Dzậy mà lão già đó nói là Dziệt-Cộng đang đóng đầy ở trong làng.
Một người khác hằnhọc chửi tiếp:
- Đm! Ta mà gẹp lựa lỗ thì ta béng.
Một người nào đó hỏi vặn lại:
- Gặp lại lão sao được nữa mà bắn?
Nhưng một người nữa cười lớn và nói:
- Gặp ‘lỗ’ thì ‘béng’ là cái chắc.
Ngay sau lời diễu-cợt ấy, cả bọn họ phá lên cười khoái-trá. Tuân và tôi cũng phì cười theo. Thì ra, khi biết là mình đã phải chạy thục-mạng vì bị một cụ già hù-dọa, những người lính nhảy-dù vừa bực mình vừa tức cười, nên đã đùa-giỡn rồi bỏ qua. Sau khi được biết rằng chỉ có một chiếc tàu đò đi vào buổi sáng và về vào chập tối, mọi người nhanh-chóng rời làng đánh cá, rồi băng rừng nhắm hướng Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lở để đi tới theo đường chim bay.
Chỉ một lát sau khi vào rừng, tôi nhận ra rằng cù lao này rất rộng lớn và có độ cao đến vài mét trên mực nước biển. Rừng ở đây thì toàn là rừng thưa và đã được khai-phá. Do đó, tôi đã nghĩ rằng mọi người sẽ không phải lội sình vất-vả như đã vượt rừng sát hồi đêm qua. Tuy nhiên, trên thực-tế thì trong hơn hai tiếng đồng hồ di-chuyển, ngoài việc băng rừng, lội sình, và bơi qua những nhánh sông, đoàn người di-tản còn phải vượt qua bốn, năm ruộng muối rải-rác trên đường đi. Ruộng muối ở đây gồm những mảnh sân bằng-phẳng hình chữ nhật dài khoảng ba chục mét, rộng độ mười lăm mét, và có bờ cao chỉ độ năm phân, nằm san-sát với nhau thành một vùng rộng như một sân đá banh. Nước biển trong những đường mương nhỏ được múc đổ lên sân từ lúc sáng sớm, nên bây giờ đã bay hơi để lại một lớp muối còn ươn-ướt trên khắp mặt sân. Để tiết-kiệm thì giờ, đoàn người luôn-luôn chạy băng ngang mỗi khi gặp một ruộng muối. - Trời ơi. Nóng quá! Một người nào đó không mang giầy đã la lên khi chạy ngang một ruộng muối.
Sau khi lội qua một nhánh sông khá lớn, đoàn người tiếp-tục len-lỏi trong rừng độ mười lăm phút thì đến bờ sông Cát-Lở. Bên kia sông, ngay trước mặt chúng tôi là một xóm nhỏ ven bờ. Hầu như cứ vài nhà lại có một chiếc ghe tam-bản cột ở mé nước phía sau nhà. Chếch về phía bên trái gần một cây-số là Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lở. Trên sông sóng to gió lớn, vài chiếc tàu đang lầm-lì di-chuyển. Khi một chiếc tàu đi ngang trước mặt, những người lính nhảy-dù la lên và vẫy tay rối-rít. Một vài thủy-thủ trên tàu vẫy tay đáp lại, nhưng chiếc tàu này vẫn lầm-lũi đi qua để vào Căn-Cứ Hải-Quân. Thất-vọng, nhiều người lính cởi áo cầm tay và vẫy lia-lịa về hướng xóm nhà trước mặt. Nhưng tất cả đều vô- hiệu. Hình như chẳng có ai trong xóm nhỏ ấy nhìn thấy. Chẳng biết đã bao lâu, khi mọi người đã chán-nản hầu như tuyệt-vọng thì chợt thấy một chiếc nón lá vẫy lên đáp lại. Chỉ vài phút sau, ai nấy đều reo lên mừng-rỡ khi thấy bốn, năm chiếc ghe tam-bản đang rời bờ xóm nhỏ để sang sông. Trong khi chờ đợi, mọi người đều xuống sông để rửa sạch bùn đất trên người và quần áo.
Nhìn bóng-dáng những người dân không hề quen-biết đang vất-vả chèo ghe vượt sóng sang sông, tôi chợt thấy lòng mình cảm kích, đồng thời nhớ lại những kỷ-niệm đã xảy ra gần bốn năm trước trong một cuộc hành quân hỗn-hợp kéo dài đến vài tháng của Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải và Đệ Thất Hạm-Đội Hoa-Kỳ ngoài khơi Vũng-Tàu.
Một kỷ-niệm khác mà tôi vẫn cho là khó hiểu, vì sự việc đã xảy ra như một trò đùa trong chiến-tranh. Một buổi sáng sớm, khi mặt trời mới mọc và sương mù còn dày đặc trên biển, hai chiếc PT và hai chiếc SWIFT đã nhanh-chóng rời căn-cứ nổi là một chiếc tàu của Đệ Thất Hạm-Đội Hoa-Kỳ đang neo ở phía đông-nam đảo Côn-Sơn. Ngoài thủy-thủ đoàn, mỗi chiến-đĩnh đều có thêm vài nhân viên Biệt-Hải trang-bị tận răng để khi cần có thể nhanh-chóng thực-hiện những cuộc xét ghe hoặc đổ-bộ thám-sát ven bờ biển. Chuyến tuần-tiễu này xảy ra bất thình-lình khiến chúng tôi rất phấn-khởi vì hy-vọng rằng sẽ bắt được một vài ghe súng của Việt-Cộng, và rồi sẽ tha hồ mà "đi-bờ" ở Vũng-Tàu. "Tình-báo Mỹ hay thật!" Tôi khâm-phục tự nhủ. Mặc dù hai chiếc SWIFT, một do một sĩ-quan Hải- Quân, Phân-Đội Trưởng SWIFT, làm Hạm- Trưởng và tôi làm Hạm-Phó, và một do một sĩ-quan Hàng-Hải Thương-Thuyền làm Hạm- Trưởng và anh bạn cùng khóa với tôi là Bạch- Xuân làm Hạm-Phó, đã chạy với vận-tốc tối đa, hai chiếc PT chạy phía trước chẳng mấy chốc đã mất hút trên mặt biển.
Trước khi khởi-hành, Xuân và tôi đã hẹn nhau là sau khi tuần-tiễu và khám-xét ghe trở về sẽ rủ hai anh bạn Trưởng Toán Biệt-Hải là Hùng, cùng khóa với chúng tôi, và Khuyên, một sĩ-quan lục-quân, hiện giờ chắc là đang “tán-phét” về “những món ăn-chơi ở Vũng- Tàu” với đàn em trên hai chiếc PT chạy phía trước, cùng nhau ăn sáng ở trên tàu Mỹ. Chúng tôi dự-định là sau khi ăn uống, mỗi đứa sẽ thong-thả "tráng-miệng" thêm một trái táo hoặc một trái cam, rồi mới ung-dung "tẩm -bổ", điều mà đám sĩ-quan Mỹ trên tàu đã phải trố mắt nhìn và há hốc mồm kinh-ngạc, bằng cách "ăn-tươi nuốt-sống" ngon ơ hai, ba hột gà "la-coóc" đã được ngâm nước sôi trong một ly thủy-tinh. Ngoài ra, chúng tôi còn tính là sẽ hùn nhau mua mươi cây thuốc lá từ tàu Mỹ để đem vào Vũng-Tàu kiếm lời làm tăng thêm ngân-quỹ "đi-bờ" của chúng tôi. Biết đâu trưa nay chúng tôi lại chả được theo mấy chiếc PT vào Vũng-Tàu để "đi-bờ" như đã từng xảy ra trước đây. Vũng-Tàu là nơi mọi "món ăn-chơi" chẳng bao giờ thiếu, chúng tôi lại chuẩn-bị kỹ như thế, thì cuộc "đi-bờ" này nhất định sẽ rất là thú-vị.
Nhưng tất cả đều ra ngoài ý muốn của Xuân và tôi. Chưa đầy nửa giờ đồng hồ sau khi rời tàu Mỹ, phân-đội SWIFT được lệnh phải đi theo một hướng nhất định để vào bờ biển Việt-Nam. Khi gần đến nơi, chúng tôi thấy một chiếc máy bay trực-thăng đang bay vòng vòng trên mặt biển gần bờ. Bên dưới chiếc máy bay, một khối đen khá lớn nổi bật lên trên mặt nước. Khi chúng tôi báo-cáo vị- trí thì người Sĩ-Quan Chỉ-Huy Chiến-Thuật (OTC), cũng là Hạm-Trưởng một chiếc PT đang ở đâu đó trên biển, ra lệnh cho chúng tôi phải tiếp-tục vào bờ. Ngay lúc đó, chiếc máy bay trực-thăng bay vụt trên đầu chúng tôi để ra khơi rồi mất dạng. Biết chắc là mình sẽ phải thám-sát vật lạ kia, chúng tôi cho tàu đi hàng ngang tiếp-tục tiến vào. Những lượn sóng bạc đầu trước mặt cho biết chúng tôi đang đi vào bãi cạn.
- Nước đục ngầu ở sau lái! Một nhân-viên la lên báo-cáo.
- Máy ngừng! Phân-Đội Trưởng ra lệnh.
Con tàu chậm lại rồi đứng yên, bập-bềnh trên sóng. Sau khi sử-dụng Radar và ống nhòm để xác định lại vị-trí, đồng thời nhìn hải-đồ để kiểm lại độ sâu, chúng tôi nhận thấy con tàu còn cách bờ gần một hải-lý, nhưng rõ ràng là đang ở trên một bãi cạn vì đáy biển ven bờ ở đây rất bằng-phẳng với độ sâu chỉ có một fathom (1 fathom = 6 feet = 1,8 mét). Trên thực-tế, độ sâu ven bờ luôn thay-đổi theo thời-gian và thủy-triều lên xuống, nên kể từ giờ phút này, tàu của chúng tôi có thể mắc cạn bất cứ lúc nào.
Chúng tôi báo-cáo tình-trạng mực nước như thế, thì được cho biết rằng, vì chiếc máy bay trực-thăng của Mỹ đã phát-hiện một chiếc tàu ngầm, nên chúng tôi phải vào tận nơi để thám-sát bằng mọi giá. Chúng tôi cho tàu từ-từ tiến vào với vận-tốc tối-thiểu, mặc kệ luồng nước đục-ngầu đang cuồn-cuộn ở sau lái. Khi còn cách vật lạ kia độ một trăm mét, chúng tôi dừng lại. Dùng ống nhòm quan-sát, chúng tôi nhận ra một cây tre, trông giống như một cột ăng-ten thật cao lớn, vươn lên từ một cái lô-cốt đã đổ nát cách bờ chỉ hơn một trăm mét. Chúng tôi hiểu ngay rằng đây là một cái lô-cốt xưa từ thời Pháp, và những ngư-phủ trong vùng này đã dựng cây tre trên cái lô-cốt này để làm hiệu cho ghe-cộ ra vào cửa biển.
Chúng tôi lại báo-cáo tình-trạng mực nước và những gì trông thấy, đồng thời lý luận rằng làm gì có tàu ngầm ở độ sâu một, hai mét. Dầu vậy, chúng tôi vẫn được lệnh phải vào tận nơi. Chúng tôi cho tàu tiến vào rồi dừng lại cách cái lô-cốt độ 15 mét để quan-sát tiếp. Chẳng có gì khác hơn những gì đã báo-cáo, ngoài việc biết thêm rằng cái lô-cốt ấy được xây bằng đá xanh, đã sụp đổ, và lúc này nó chỉ cao hơn mặt nước không đầy một mét. Chúng tôi lại báo-cáo rằng đó đúng là một cái lô-cốt đổ-nát với một cây tre dựng đứng ở trên.
- Chúng tôi có cần leo lên cái lô-cốt này không? Chúng tôi hỏi.
- Không cần. Bây giờ các anh Zulu được rồi.
- Hừm! Vậy là hết ăn sáng. Mình về ăn trưa là vừa. Tôi nghĩ thầm.
Nhưng tôi đã lầm to! Khi tàu vừa lùi được vài mét thì tiếng chân vịt tàu chém vào đá bất chợt vang lên: “Cạch cạch .... Cạch cạch cạch ...” Con tàu tức-thì rung lên bần-bật.
- Ngừng máy! Phân-Đội Trưởng la lên.
Sau khi kiểm-soát và biết rằng chân vịt trái của tàu đã bị móp-méo vì chém vào một vài tảng đá nào đó nằm dưới đáy nước, chúng tôi chỉ còn một cách là cho tàu chạy một máy để ra khơi. - Vẫn may là chân vịt bên phải còn nguyên vẹn. Tôi tự nhủ.
Khi hai chiếc SWIFT về đến tàu Mỹ thì trời đã xế chiều. Cả hai chiếc PT đều đang bập-bềnh bên hông con tàu này chứng tỏ chẳng hề có vụ "đi-bờ" gì cả.
Kỷ-niệm tiếp theo của tôi là hậu-quả của chiếc chân vịt bị móp-méo vừa kể. Chẳng bao lâu sau vụ "khám-phá tàu ngầm", cuộc hành-quân hỗn-hợp chấm dứt. Khi hai chiếc PT và toán Biệt-Hải được lệnh trở về căn-cứ ở Đà-Nẵng thì hai chiếc SWIFT được lệnh vào Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lở, Vũng-Tàu để sửa chữa chiếc chân vịt đã bị móp-méo. Phân-Đội Trưởng SWIFT, vì một lý-do nào đó, đã về trước trên một chiếc PT nên tàu được giao lại cho tôi.
- Tụi mình sẽ có nhiều thì-giờ với những thằng "cốt-đột" ở đây.” Xuân và tôi bảo nhau.
Chúng tôi thường thân-mật nhắc đến những bạn cùng khóa như thế, vì những người cùng khóa chúng tôi luôn-luôn hết lòng với bạn-bè, nhưng lại hay đùa-giỡn, chọc-ghẹo và phá-phách lẫn nhau. Trên thực-tế, trong gần một tuần ở Cát-Lở, Xuân và tôi đã có những dịp gặp-gỡ và vui-chơi thoải-mái với những người bạn cùng khóa ở đây.
Bốn ngày sau khi yêu-cầu thay chiếc chân vịt tàu, chúng tôi được cho biết người ta không thể tìm ra được chân vịt cùng loại với chân vịt của chiếc SWIFT. Chúng tôi liền sử- dụng máy siêu-tần-số trên tàu để báo-cáo trựctiếp về Sở ở Đà-Nẵng, thì được lệnh phải tức khắc nhờ gò lại chiếc chân vịt của mình. Chỉ nội một buổi sáng, việc sửa-chữa hoàn-tất. Sau khi thử tàu và báo-cáo về Sở là con tàu vẫn còn rung mạnh khi chạy với vận tốc nhanh, chúng tôi được lệnh phải khởi hành nội trong đêm ấy để trở về Đà-Nẵng.
Mới uống được vài ly, những bạn cùng khóa ở đây đã ngang xương "xía vào nội-bộ của nước khác" bằng cách phong ngay cho Xuân và tôi làm "Đại-Diện Lâm-Thời" cho tất cả những bạn cùng khóa đang phục-vụ ở Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải. Theo lời họ thì cái chức-vụ này được gọi là "lâm-thời" vì nó có hiệu-lực tức-khắc không cần phải tuyên-thệ, và hết giá-trị cũng tức-khắc khi cuộc nhậu bế- mạc, không cần phải có một cuộc đảo-chánh hay bầu-bán gì cả. Rồi họ thản-nhiên yêu-cầu một cách thật "lãng-xẹt" là Xuân và tôi, đại diện của tất cả những Hổ-Cáp 2 ở Sở Phòng- Vệ Duyên-Hải, hãy tỏ ra "kiêu-hùng" bằng cách uống xả láng với họ, những Hổ-Cáp 2 ở Cát-Lở. Chúng tôi gạt đi, viện cớ phải tỉnh-táo để đem tàu về Đà-Nẵng. Thế là cả bọn nhao nhao phản-đối. Rồi mọi phương-cách, từ chửi bới và diễu-cợt đến dụ-dỗ và nài-nỉ, đều được họ đem ra áp-dụng để ép chúng tôi theo ý họ. Rốt cuộc Xuân và tôi phải đề-nghị là chỉ một trong hai đứa chúng tôi uống xả láng mà thôi. Sau khi mọi người đồng ý, Xuân lại tả-oán với tôi là hắn đang vừa đau gan vừa đau bao-tử. Không còn cách nào khác, tôi đành phải chấp nhận làm đại-diện, lòng tự an-ủi rằng, ngoài việc những nhân-viên trong thủy-thủ-đoàn của mình rất giàu kinh-nghiệm, lộ-trình từ Vũng- Tàu về Đà-Nẵng toàn là hải-hành cận duyên, nên không có gì đáng phải lo-ngại. Thế là chúng tôi bắt đầu ăn-nhậu thả giàn. Kẻ cầm ly nhỏ, người bưng ly cối, chúng tôi uống xả láng, bất kể bia hay rượu. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện, "hầm-bà-lằng" trên Trời dưới Đất, từ Đông sang Tây, và từ Nam chí Bắc, tuy nhiên, nhiều nhất vẫn là nhắc lại những kỷ-niệm ở quân-trường.
Vì tửu-lượng kém, chẳng bao lâu tôi thấy bụng nôn-nao, đầu choáng-váng, và mắt thì hoa lên. Cho đến một lúc, tôi nhìn bạn-bè đang huyên-thuyên cười nói và chợt nhớ lại là chỉ hơn một năm trước đây, các bạn tôi toàn là những ông trời con, hoặc ít ra cũng là những ông tướng, tướng gì nhỉ, à phải rồi, nhi-nhô, tướng nhi-nhô. Hình-ảnh các ông tướng nhi-nhô, tuổi mới đôi mươi, đứng giạng chân, hai tay chống nạnh, mặt đằng-đằng sát-khí, la hét huấn-nhục đàn em giữa sân cát nóng-bỏng trong quân-trường ở Nha-Trang, bất-thần hiện rõ mồn-một trong đầu tôi. Tôi không say. À không, tôi chưa có say. Bằng cớ là tôi vẫn thấy rõ-ràng Bạch-Xuân thỉnh-thoảng nháy mắt với tôi. Mặt hắn mỗi lúc mỗi đen hơn, nhưng mắt và răng thì ngược lại, mỗi lúc mỗi trắng hơn. "Dzô, dzô, dzô!" Các ông tướng đang nâng những ly đầy ắp ngang tầm mắt, và đồng loạt hướng về phía tôi hô ầm lên. Tôi, một ông tướng khác, cũng hô theo, rồi hiên ngang bưng chiếc ly cối đầy bia lên uống. Tôi chả biết ly bia có cạn hay không, chỉ biết là nó đã rời khỏi tay tôi trước khi tôi gục xuống. Có tiếng ầm-ì vang-vọng đâu đây. Tôi chợt cảm thấy như mình đang trôi-nổi bồng bềnh trên sóng. Đầu tôi nhức như búa bổ.
"Xếp của các anh tỉnh chưa? Nói ông ấy là chúng ta đã gần tới Cam-Ranh." Tiếng Xuân vang lên trong máy truyền tin. Mặc kệ. Tôi lại nhắm mắt ngủ tiếp. Chẳng rõ bao lâu sau đó, tôi choàng dậy, cảm thấy đã dễ chịu vì đầu chỉ còn hơi choáng-váng.
Chúng tôi cập cầu Cam-Ranh vào chập tối, lấy nhiên-liệu rồi nghỉ-ngơi. Khi Xuân rủ tôi quá-giang xe đi chơi, tôi mới biết là chiếc ví da của tôi đã rơi mất từ bao giờ. Dầu vậy, tôi cũng đi chơi với Xuân vài tiếng đồng hồ rồi trở lại tàu. Nửa đêm hôm ấy, chúng tôi rời vịnh Cam-Ranh tiếp-tục đi về hướng bắc. Tới Qui-Nhơn vào buổi trưa, chúng tôi cũng cập cầu để lấy nhiên-liệu, cũng ra phố chơi vài giờ rồi trở lại tàu. Ngay tối hôm ấy, dù trời bắt đầu đổ mưa, chúng tôi vẫn mở dây rời cảng Qui-Nhơn, tiếp-tục cuộc hải-hành hướng về Đà-Nẵng. Ngay từ khi rời Cát-Lở, chúng tôi vẫn thường-xuyên liên-lạc trực-tiếp với Sở ở Đà- Nẵng để báo-cáo tình-trạng kỹ-thuật của tàu cùng với vị-trí và thời-tiết trên biển. Sau khi rời Qui-Nhơn, chúng tôi được Sở cho biết vì tàu của chúng tôi không thể chạy về kịp để tránh bão, Sở sẽ cho PT đi đón. Khi đi ngang bãi biển Sa-Huỳnh, cả hai chiếc SWIFT của chúng tôi được hai chiếc PT tới đón, cột dây kéo về Đà-Nẵng.
Câu chuyện vẫn chưa chấm dứt ở đây. Sau khi về lại Sở, tôi báo-cáo mất hết giấy-tờ và xin được cấp giấy-tờ mới. Ngay ngày hôm sau, người hạ-sĩ-quan già làm việc ở phòng nhân-viên của Sở đến gặp tôi và nói: "Chết rồi! Ông bị tới 32 ngày trọng-cấm vì mất tới 4 thứ giấy tờ quân-sự, Căn-Cước Quân-Nhân, Chứng-chỉ Tại-Ngũ, Thẻ Nhân-Viên Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải, và Bằng Lái Xe Quân- Sự. Riêng Căn-Cước Dân-Sự và Bằng Lái Xe Dân-Sự thì không tính." Tôi tái mặt nghĩ thầm: "Vậy thì mình có bò sặc-gạch cũng chẳng bao giờ theo kịp bạn-bè!" Nhưng ông ta đã phá lên cười: "Nói giỡn vậy thôi. Chỉ có 8 ngày cho một tội duy-nhất là sơ-xuất." Tôi thở phào mặc dù chẳng vui gì. May thay, chỉ vài ngày sau, bưu-tín-viên của đơn-vị bất-thần đưa đến cho tôi một tờ điện-tín với nội-dung như sau: “TIMDUOC VIDA CUABAN. DAGUI BUUDIEN VUNGTAU.” Tôi tức-khắc yêu-cầu phòng nhân-viên hoãn gởi đi hồ-sơ xin giấy tờ mới cùng với lệnh phạt đã ký của tôi.
Câu chuyện chấm dứt sau khi tôi nhận được chiếc ví da của tôi, và hồ-sơ xin cấp giấy-tờ mới cùng với lệnh phạt đều được hủy bỏ.
Mới đó mà đã gần bốn năm. Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lở và xóm nhỏ ven sông vẫn còn đó. Giờ đây, trên bước đường di-tản, tôi đang ngồi bên bờ cù-lao này để chờ được chở sang sông bởi những chiếc ghe xuất-phát từ xóm nhỏ ngày nào. Chẳng biết có ai trong những người đang chèo ghe kia đã bị văng xuống sông hồi đó hay không. Các bạn cùng khóa ngày ấy ở đây chắc là đã thuyên-chuyển hết đi nơi khác. "Vật đổi sao dời. Biết ai còn ai mất!" Tôi nhủ thầm, rồi chợt thấy lòng buồn rười-rượi.
- Chúng ta đi chú ạ. Tuân chợt gọi.
Tôi giật mình ngước lên. Trước mặt tôi, những chiếc ghe tam-bản đã cặp vào bờ, và những người lính nhảy-dù đang lần-lượt xuống ghe.
Sau khi được chở sang sông và được cho biết là dân-chúng đang lũ-lượt di-tản, chúng tôi và những người lính dù cám ơn và từ-biệt những người dân tốt bụng, rồi vội-vã đi theo một ngõ hẻm để rời xóm nhỏ. Khi tới quốc-lộ, toán lính rẽ phải và lẫn nhanh vào dòng người đông nghẹt đang đổ về hướng Vũng-Tàu. Tuân và tôi cũng lặng-lẽ theo sau. Đi được vài trăm mét, tôi kéo Tuân vào một quán ăn bên đường. Tôi giơ tay vẫy chào khi thấy người sĩ-quan quân-y và năm, sáu người lính nhảy-dù đang ngồi ở một bàn gần cửa quán. Họ cười và vẫy tay chào lại. “Những anh em kia đâu?” Tôi hỏi. “Họ đi trước rồi.” Người sĩ-quan quân-y cười trả lời. Tôi cũng cười với anh ta, rồi cùng Tuân tìm vào một bàn ở phía trong.
Trong khi ăn uống, tôi chợt nghĩ thầm rằng biết đâu những người bạn cùng khóa với tôi đang phục-vụ ở Cát-Lở sẽ có cách giúp tôi về lại Sài-Gòn. Tôi cũng nghĩ đến Bá. Bà-Rịa đã bị chiếm, gia-đình còn kẹt ở Thủ-Đức, Bá rất có thể có ý định về lại Sài-Gòn bằng chiếc PCF của hắn. Tôi liền bảo Tuân là tôi muốn quay lại để tìm một vài người bạn ở trong Thành Hải-Quân. Tuân nói là sẽ sẵn-sàng đi theo tôi.
Khi đến quầy trả tiền, tôi xin một ít nước lạnh để đổ đầy cái bi-đông, rồi hỏi Tuân có cần thuốc lá gì không. Tuân lắc đầu và nói anh ta chỉ hút thuốc lào. Tôi liền mua hai gói Capstan cùng với một hộp quẹt, và nhận thấy giá-cả đã tăng lên gấp bội. "Có mà hút cũng còn may!" Tôi tự nhủ. Khi chúng tôi đi ra thì nhóm lính nhảy-dù vẫn còn ngồi bàn-tán. Tôi lại giơ tay vẫy và nói: "Cám ơn các anh em. Chúng tôi đi trước nhé. Mong có ngày gặp lại."
- Chúc các anh may-mắn. Mong rằng nếu có dịp gặp lại, chúng ta không đến nỗi như thế này! Người sĩ-quan quân-y trả lời.
Rời khỏi quán, chúng tôi quẹo trái, rồi đi dọc theo lề đường bên trái về hướng Thành Hải-Quân Cát-Lở. Trên đường lộ, người và xe-cộ đông đầy đang đi ngược chiều với chúng tôi. Hai bên đường, già trẻ lớn bé gồng gánh, tay xách nách mang, hối-hả tiến bước về hướng Vũng-Tàu. Giữa lộ, những chiếc xe hơi, xe đò nhỏ, hoặc xe Lam chở đầy người đang ì-ạch lách-né chiếm đường để đi tới. Thỉnh-thoảng cũng có một chiếc xe nhà binh chở lính đủ loại màu áo, nhưng hoàn-toàn không có vũ-khí, len-lỏi đi qua. Trong tình trạng hỗn-loạn đó, những tiếng nổ của súng tay hoặc đạn pháo-kích chốc chốc lại vang lên khiến đoàn người chạy giặc càng thêm hốt hoảng, rồi chen-chúc nhau cố tiến nhanh hơn. Đang đi, tôi chợt thấy một nhóm người, cũng tay xách nách mang, từ một ngõ hẻm ùa ra nhập vào đoàn người chạy giặc. Tôi nhìn quanh và nhận ra ngõ hẻm này chính là lối vào xóm nhỏ mà chúng tôi và những người lính nhảy-dù đã đi qua. "Thì ra họ cũng di tản." Tôi tự nhủ, rồi lại thầm cảm ơn những người dân tốt bụng đã chở chúng tôi và toán lính sang sông.
Tiếp-tục đi ngược chiều với đoàn người chạy giặc, chúng tôi gặp một trạm kiểm-soát của một toán lính thủy-quân lục chiến trang-bị đầy mình. Họ đứng giăng ngang đường quốc-lộ để chận tất cả những quân-xa và những người mặc quân-phục lại. - Hãy ở lại để chiến-đấu. Bằng không thì hãy để vũ-khí lại đây. Một người lính thủy-quân lục-chiến nói.
Không có ai ở lại. Tất cả những người bị chận nếu có vũ-khí đều đem bỏ vào đống vũ-khí bên lề đường rồi tiếp-tục đi. Những người lính thủy-quân lục-chiến nhìn nhau lắc đầu.
- Đm! Chưa đánh đã chạy. Vậy đi lính để làm gì? Một người nào đó trong bọn họ chửi-rủa.
Không bị cản trở vì mặc thường-phục và đi ngược chiều ở bên lề đường, Tuân và tôi vẫn tiếp-tục đi về hướng Căn-Cứ Hải-Quân. Tôi để ý, nhưng không hề thấy một người lính hải-quân nào đi trên đường lộ. "Vậy là hải quân vẫn chưa di-tản." Tôi khấp-khởi mừng tự nhủ.
Chỉ còn vài chục mét là chúng tôi tới cổng Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lở.
- Căn-Cứ Hải-Quân đây rồi.
Tôi vừa dứt lời thì hàng loạt những tiếng nổ dồn-dập của đạn pháo kích cùng với những tiếng la hét vang lên, rồi một đoàn người từ cổng thành ùa ra nhập vào đoàn người chạy giặc trên đường lộ. Tuân và tôi vội nép vào bên đường để nhường chỗ cho dòng người đang hốt-hoảng tràn tới như nước vỡ bờ. Việt-Cộng từ Bà-Rịa đang pháo-kích vào Căn-Cứ Hải-Quân. Biết đâu chúng đã vượt qua cầu Cây-Khế và đang "tiền-pháo hậu-xung" để chiếm Cát-Lở.
- Người ta đang chạy ra thế kia mà mình lại chạy vào để tìm chết hay sao? Tuân và tôi bảo nhau như thế, rồi quay đầu chạy ngược trở lại.
Chúng tôi đã chạy nhanh hơn dòng người chạy giặc rất nhiều vì không phải gồng-gánh hay tay xách nách mang nặng-nề như họ.
Khi những tiếng nổ của đạn pháo-kích ngưng bặt thì Tuân và tôi đã chạy được vài trăm mét. Chúng tôi ngừng lại để nghỉ mệt, và chợt nhớ ra rằng những người lính thủy-quân lục-chiến và cái trạm kiểm-soát của họ đã biến mất từ bao giờ. Lúc này, đoàn người chạy giặc càng lúc càng đông hơn. Xe-cộ càng ì-ạch vì quá tải. Chiếc nào cũng chật ních. Người ta leo cả lên mui hoặc đeo ở bên hông và sau xe. Dầu vậy, những chiếc xe vẫn đang di-chuyển nhanh hơn đoàn người đi bộ rất nhiều.
- Mình đeo theo chiếc xe Lam kia. Tuân vừa nói vừa kéo tôi băng ra giữa lộ.
Chúng tôi nhảy lên đeo ở bực cửa sau của một chiếc xe Lam vừa trờ tới, mặc kệ những tiếng càu-nhàu phản-đối của vài người đang đeo ở đấy. Người tài-xế vẫn thản-nhiên cho xe chạy. Gần tới ấp Rạch- Dừa, chiếc xe Lam bỗng khựng lại rồi tắt máy. Sau khi người tài-xế lui-cui đạp máy xe một hồi nhưng máy vẫn không nổ, mọi hành khách đều xuống xe nhập vào dòng người đang di-chuyển ở hai bên lề quốc-lộ. Đi được một đỗi, Tuân và tôi lại nhảy lên đeo ở cửa sau của một chiếc xe đò nhỏ chở đầy khách. Chiếc xe này chạy được một đoạn đường độ một cây-số, rồi tấp vào lề không đi nữa. Chúng tôi lại phải xuống xe đi bộ. Cứ thế, sau nhiều lần vừa quá-giang vừa đi bộ, chúng tôi đến ngã tư Giếng-Nước. Từ ngã tư này, tôi thấy thẳng trước mặt là đường dẫn tới Trường Thiếu-Sinh-Quân, bên trái là đường vào thị-xã Vũng-Tàu, và bên phải là đường ra Bến-Đình.
Tuân và tôi rẽ phải. Dòng người không còn đông như trước vì đã chia làm ba ngả. Lúc này, mọi người đều rảo bước vì trời đã về chiều. Một lát sau, chúng tôi tới Bến Đình. Sinh-hoạt buôn-bán ở khu phố này vẫn bình-thường. Các cửa tiệm vẫn còn mở cửa. Chúng tôi ghé vào một xe sinh-tố để giải-khát.
- Bên trái là đường đi ngang Trường Thiếu- Sinh-Quân rồi vào Vũng-Tàu. Thẳng trước mặt là đường đi ngang Thích-Ca Phật Đài rồi ra Bến-Đá. Tuân nói, như để nhắc nhớ tôi.
Mấy năm trước đây, khi tôi còn độc thân và phục-vụ trên chiến-hạm, mỗi lần tàu neo ở bãi trước Vũng-Tàu sau vài tháng tuần dương, nếu không về thăm nhà, tôi thường cùng bạn-bè ăn-uống và dạo phố ở Vũng-Tàu, hoặc lên xe đò về Sài-Gòn rong chơi. Ngoài ra, chỉ có một lần tôi lên vãn cảnh Thích-Ca Phật Đài rồi tiện đường ra Bến-Đá thăm cô tôi. Do đó, đường ra Bến-Đá đối với tôi không phải là quen-thuộc.
Rời Bến-Đình, chúng tôi theo đoàn người chạy giặc đi thẳng để ra Bến-Đá. Sau khi qua Phật Đài được một đỗi, chúng tôi theo đường lộ vòng về bên trái, rồi leo một con dốc khá dài trước khi tới khu nhà ở đầu ấp. Đi thêm một đỗi nữa, tôi chợt thấy những người đi phía trước đang bị chận lại. Khoảng một tiểu-đội lính thủy-quân lục-chiến có vũ-khí đã kéo một cuộn kẽm gai “concertina” cao tới thắt lưng giăng ngang đường lộ để lập trạm kiểm-soát. Họ không cho bất cứ ai từ ngoài đi vào ấp Bến-Đá, ngoại-trừ những người có giấy tờ chứng-minh là ở trong ấp này. Biết là năn-nỉ cũng vô-ích, Tuân kéo tôi đi ngược lại độ năm chục mét, rồi rẽ vào một ngõ hẻm bên phải đường lộ. Từ ngõ hẻm này, chúng tôi đi quanh-co độ mười lăm phút, giữa những căn nhà không có hàng lối gì cả, thì vào tới khu trung-tâm của ấp.
Bến-Đá là nơi sinh-sống của những người làm nghề đánh cá biển và sản-xuất hải sản khô. Ở đây cũng có một số nhỏ người Tàu sinh-sống bằng nghề buôn-bán. Ấp này nằm ở đầu phía bắc của Núi Lớn Vũng-Tàu. Ngay phía trước ấp là một vùng cửa biển trải rộng gần mười cây-số về hướng Bắc, bao gồm cửa sông Cát-Lở và cửa sông lớn phía đông đảo Long-Sơn. Ấp khá rộng lớn nhưng bị chia hẳn làm hai, một nửa ở trên sườn núi một nửa ở ven biển, bởi con đường trải nhựa phát-xuất từ Bến-Đình. Sau khi băng ngang ấp Bến-Đá, con đường này bắt đầu men theo bờ biển về hướng tây để đi qua ấp Sao-Mai, rồi tiếp-tục quanh-co uốn khúc ven biển về hướng nam để qua ấp Bãi-Dâu, Bãi Dứa, và Bạch Dinh trước khi vào Bãi Trước Vũng-Tàu.
Chúng tôi tìm đến nhà cô út của tôi, cũng là dì út của Tuân. Bà rất ngạc-nhiên khi gặp hai đứa cháu cùng một lúc. Sau vài phút chào hỏi, bà cho biết là người di-tản đang ở trọ khắp nơi trong ấp, và tình-hình lúc này rất căng-thẳng. Những chủ ghe đánh cá đều đã cho ghe chạy ra biển để tránh bị cướp ghe, có nhiều người còn đem cả gia-đình xuống ở tạm dưới ghe để bảo-đảm sự an-toàn. Có tin đồn rằng sẽ có tàu vào Bến-Đá để đón những người di-tản ra tàu Mỹ ở ngoài khơi Vũng- Tàu. Vì vậy, lính thủy-quân lục-chiến đã chiếm-giữ bến ghe. Họ không cho bất cứ ai không phải là lính thủy-quân lục-chiến bén mảng đến gần. Dĩ nhiên là chẳng ai dám chống lại họ. "Vậy là không thể kiếm ghe để về Sài-Gòn!" Tôi tự nhủ, rồi nói với Tuân là nhà bà cô ở ngay mặt đường lộ, nếu Việt- Cộng tràn vào và truy-lùng lính Việt-Nam Cộng-Hòa thì thật là nguy-hiểm. Tuân liền rủ tôi về nhà bố mẹ vợ anh ta.
Rời nhà bà cô, Tuân và tôi tiếp-tục đi theo đường lộ. Sau khi đi qua nhà thờ Bến-Đá được một đỗi, chúng tôi quẹo trái rồi leo một con dốc dài độ hai trăm mét để đến nhà ông bà cụ Dương, bố mẹ vợ của Tuân. Khi Tuân và tôi đến nơi thì đã hơn năm giờ chiều. Ông cụ Dương, trạc sáu mươi lăm tuổi, đang cùng với một cụ già khác căng dây cho một tấm bạt nhà binh ở trước hiên nhà. Bà cụ Dương thì đang dọn-dẹp ở nhà bếp phía sau. Hai cụ rất mừng gặp con rể vì đang rất lo-lắng cho đứa con gái cưng là vợ Tuân. Cũng như nhiều nhà khác trong ấp, nhà bố mẹ vợ Tuân có một gia-đình di-tản căng lều ở tạm trước hiên. Họ là những người đã chạy giặc từ Đà-Nẵng vào được gần một tháng nay. Dù nhà ở trên núi không có giếng nước, ông bà cụ Dương vẫn cho những người di-tản ở trọ vì nhà có hai bể dự-trữ nước rất lớn.
Khi cùng Tuân ra bể nước phía sau nhà để tắm-rửa và giặt-giũ, tôi để ý quan-sát và thấy có nhiều tảng đá lớn như những con voi, nằm rải-rác chung quanh nhà. Tôi cũng nhận ra rằng nhà ông bà cụ Dương ở trên đỉnh của con dốc nên phía sau không còn một nhà nào khác. Nhìn những đám rẫy bắp và khoai sắn từ đằng sau nhà bếp vươn lên liên-tục đến tận đỉnh núi, tôi chợt rợn người khi thấy những khối đá khổng-lồ nằm chênh-vênh trên sườn núi, ẩn-hiện trong những đám rẫy xanh rì.
"Nếu nó lăn xuống thì sao?" Tôi tự hỏi, nhưng rồi lại tự bảo mình: "Dầu sao thì người ta cũng đã ở đây từ mấy chục năm nay."
Sau khi dấu súng đạn và giấy-tờ quân đội, tôi rủ Tuân leo lên nóc nhà để quan-sát. Từ trên cao nhìn ra hướng bờ biển, tôi thấy cách chúng tôi độ 200 mét ở hướng hai giờ là nhà thờ Bến-Đá. Nhà thờ này được xây trên sườn núi và nằm sát đường lộ. Ngay trước mặt chúng tôi, bên ngoài đường lộ, ẩn-hiện giữa những căn nhà là một con đường trải đá hướng ra biển. Theo lời Tuân thì con đường này băng ngang chợ rồi ra bến ghe Bến-Đá. Tôi cố-gắng tìm bến ghe, nhưng chỉ có thể nhìn thấy những nóc nhà san-sát nhau tiếp giáp với vùng cửa biển nằm giữa Bến-Đá và đảo Long-Sơn. Trên vùng cửa biển này, hàng ngàn ghe đánh cá đủ cỡ đang chạy qua chạy lại như mắc cửi. Tôi cũng cố ý nhìn về hướng sông Cát-Lở và Căn-Cứ Hải-Quân để quan sát, nhưng tầm nhìn bị chận lại bởi một màn mây-mù dày-đặc.
Một loạt tiếng nổ của đạn pháo-kích bất-chợt vang lên dồn-dập ở ngay trong ấp. Chúng tôi vội-vã leo xuống, và ngạc-nhiên khi thấy ông bà cụ Dương và những người ở trọ chẳng tìm chỗ núp gì cả. Có thể vì họ tin là "sống chết có số". Cũng có thể vì họ cho rằng những tảng đá quanh nhà sẽ che-đỡ cho họ. Tuy nhiên, cũng như chúng tôi, mọi người đều lộ vẻ lo-lắng. Biết đâu Việt-Cộng lại chẳng đang pháo-kích để chuẩn-bị tràn vào ấp. Thế nhưng những tiếng nổ của đạn pháo-kích chỉ có vài loạt rồi ngưng bặt.
Cơm nước xong, Tuân đi ra ngoài gần hai tiếng đồng hồ để thăm những người quen trong ấp. Khi trở về, Tuân cho biết là căn nhà ở ngay đầu dốc sát đường lộ đã bị trúng đạn pháo-kích của Việt-Cộng. Một người lính địa phương quân về phép đang nằm võng nghỉ- ngơi trong căn nhà này đã chết thảm vì bị tường sập đè lên. Có tin đồn rằng đặc-công Việt-Cộng đã bắt đầu hoạt-động ở Bến-Đá, và thủy-quân lục-chiến đã cố-gắng truy-lùng nhưng vô-hiệu. Tình-hình ở bến ghe vẫn không thay đổi. Thủy-quân lục-chiến vẫn chiếm-giữ bến ghe cho riêng họ, nhưng cho đến giờ này vẫn chưa có một chiếc tàu nào vào đón họ cả. Ngoài ra, Tuân cũng nói là có gặp Tư, một người cũng di-tản theo đoàn lính nhảy-dù như chúng tôi. Sáng nay, sau khi vượt cù-lao lớn rồi khựng lại ở ngã ba sông như nhóm chúng tôi, toán lính nhảy-dù có Tư đi cùng đã may-mắn chận được một chiếc ghe đánh cá khá lớn nên đã chạy thẳng ra ấp Rạch- Dừa. Từ đây, Tư chia tay toán lính, rồi cũng vừa quá-giang vừa đi bộ, và đã tới ấp Bến-Đá trước chúng tôi vài giờ.
Tình-hình trong đêm có phần lắng-dịu, thỉnh-thoảng mới có vài tiếng nổ của đạn pháo-kích hoặc súng tay vọng lại từ xa. Dù vậy, tôi đã thao-thức không ngủ được vì không biết phải làm gì trong tình-hình hiện tại. Từ hơn một tháng nay, mỗi khi nghe nói có người đào-ngũ để đi Mỹ theo vợ hoặc thân nhân làm việc trong các sở Mỹ, tôi luôn-luôn nghĩ rằng họ đã lo-sợ quá đáng. Trước sau tôi vẫn tin-tưởng rằng dù tình-hình có bi-đát đến đâu đi nữa thì Sài-Gòn cũng không thể mất được. Bởi vậy tôi đã di-tản cùng đoàn lính dù với hy-vọng là sẽ tìm được phương-tiện về lại Sài-Gòn để tiếp-tục chiến-đấu. Nhưng giờ này thì mọi sự đã thay-đổi. Cụ Hương, vị Tổng- Thống từng tuyên-bố sẽ chiến-đấu tới cùng đã không còn cầm quyền nữa. Rồi đây, tướng Minh, với chức-vị Tổng-Thống, chắc là sẽ không muốn chiến-đấu, mà chỉ muốn bắt tay với Việt-Cộng để mưu-cầu danh-lợi cá-nhân của ông ta mà thôi.
"Cuộc chiến này sẽ ra sao? Mình phải làm gì bây giờ?" Tôi cứ mãi băn khoăn tự hỏi như thế, rồi ngủ thiếp đi vì mệt mỏi.
Tướng Vĩnh-Lộc nói trên làn sóng điện như thế để khuyến-khích binh-sĩ, đồng thời cũng để nhấn mạnh sự chê-trách của ông ta đối với các tướng-lãnh đã bỏ nhiệm-sở để chạy trốn. "Vậy là tướng Cao-Văn-Viên đã bỏ chạy. Giờ này chắc là ông ta đang ở trên một chiếc tàu Mỹ nào đó ngoài khơi Vũng-Tàu." Tôi ngao ngán nhủ thầm.
Chỉ vài giờ sau, tình-hình đã hoàn-toàn thay-đổi. Đài Sài-Gòn bắt đầu lặp đi lặp lại thông-cáo của Thủ-Tướng Mẫu yêu cầu tất cả người Mỹ phải rời khỏi Việt-Nam trong vòng hai mươi bốn giờ. Tiếp theo là lời kêu gọi các binh-sĩ hãy ở yên vị-trí và cố-gắng tiết-kiệm xương-máu. Nhật-lệnh của tướng Vĩnh-Lộc và những bản nhạc hùng-tráng không còn được phát ra nữa.
"Vậy là vô phương cứu vãn! Mình phải làm gì bây giờ?" Tôi băn-khoăn tự hỏi. Cuộc chiến này rồi sẽ ra sao! Tôi còn bị kẹt ở đây cho đến bao giờ? Phương-tiện về Sài-Gòn không có. Ra khỏi nước thì thoát khỏi tay Việt-Cộng, nhưng lại phải bỏ lại những người thân ruột thịt, và không mong gì có ngày gặp lại. Ở lại thì nếu không bị giết cũng bị hành-hạ cho đến chết ở những trại tù tập-trung nơi rừng thiêng nước độc. Nếu chúng tràn vào và truy-lùng lính Việt-Nam Cộng-Hòa, liệu mình có trốn thoát được không? Mình mặc thường-phục thì sao? Sau một hồi suy-nghĩ, tôi quyết-định là sẽ không chạy ra nước ngoài, nhưng phải trốn-tránh khi Việt-Cộng tràn vào. Trốn lên núi hay ra biển thì tôi vẫn chưa quyết-định. Tôi bàn với Tuân thì anh ta cũng đồng ý là sẽ đi trốn khi Việt- Cộng tràn vào, còn sau đó thì cứ để mọi sự tới đâu hay tới đó.
Tình-hình bắt đầu trở nên căng-thẳng vào lúc gần trưa khi những tràng đạn pháo kích bất chợt vang lên dồn-dập. Hình như Việt-Cộng đang tập-trung đại-pháo bắn vào Căn-Cứ Hải-Quân, Trường Truyền-Tin, và phi-trường Vũng-Tàu. Từ trên cao nhìn ra cửa biển, tôi nhận thấy ghe-cộ lúc này nhiều hơn ngày hôm qua gấp bội, và tất cả đều đang di chuyển. Giữa rừng ghe-cộ ấy, thỉnh-thoảng lại có một viên đạn pháo-kích bất-thần nổ trên biển làm tung lên một cụm nước trắng xoá khiến cho những ghe đang đi gần chạy túa ra chung quanh. Chẳng biết có ghe nào bị trúng đạn hay không. Trong tình-trạng sôi-động đó, từ cửa sông Lòng-Tàu, vài chiếc quân-vận-đĩnh (LCM – Landing Craft Mechanized) hoặc tiểu-vận-đĩnh (LCVP – Landing Craft Vehicle Personnel) bất-thần xuất-hiện, trực chỉ ra khơi. "Nếu những chiếc tàu kia ghé vào Bến-Đá thì những hành-khách đầu tiên phải là những người lính thủy-quân lục-chiến." Tôi tự nhủ.
Trời vừa sụp tối. Những tiếng nổ của đạn pháo-kích đã im bặt từ lâu. Tuân lại rời nhà đi tìm gặp những người quen để dò hỏi tình-hình. Khi trở về, Tuân cho biết là hồi trưa hôm nay thủy-quân lục-chiến đã bắt được một tên đặc-công của Việt-Cộng trong chợ Bến Đá khi tên này đang liên-lạc truyền-tin làm đề-lô cho pháo-binh của chúng. Người lính địa-phương-quân bị tường sập đè chết hôm qua thì đã được chôn-cất tại nghĩa-trang Bến Đá vào buổi chiều hôm nay giữa những tiếng ầm-ầm của đạn pháo-kích. Ngoài ra, Tuân cũng cho biết là lính thủy-quân lục-chiến không còn lảng-vảng ở trên đường lộ như tối hôm qua.
Đêm đã về khuya. Đài Sài-Gòn đang phát ra thông-cáo của chính-phủ yêu-cầu dân chúng đô-thành giữ trật-tự và hạn-chế di chuyển. Sau đó là lời kêu gọi binh-sĩ hãy ở yên vị-trí để đợi chính-phủ "giàn-xếp với người anh em phía bên kia."
"Sài-Gòn không muốn chiến-đấu nữa. Ở đây thì sao?" Tôi nhủ thầm, rồi tự hỏi là không biết quân ta có còn giữ được cầu Cây-Khế hay không. Nếu giờ này Việt-Cộng đã tràn qua cầu này và chiếm được Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lở thì chúng sẽ tiến ra Vũng-Tàu, Bến-Đình, và Bến-Đá nội trong đêm nay. "Làm sao bây giờ?" Tôi cứ trằn-trọc tự hỏi như thế, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Mờ sáng ngày 30-4-1975, tôi đang loay-hoay dò đài Sài-Gòn thì Tuân hớt-hải từ ngoài chạy vào nhà bảo tôi: "Mình phải đi ngay. Tôi vừa ra ngoài lộ. Người ta chạy tứ- tung. Nghe nói Việt-Cộng đã vào Bến-Đình và đang chuẩn-bị để vào Bến-Đá."
Tôi vội-vã lấy súng đạn, giấy-tờ quân-đội, và quần áo dự- phòng bỏ vào túi rết của tôi. Trong khi đó, Tuân, với sự giúp-đỡ của bà mẹ vợ, cũng chuẩn-bị một lon guy-gô thức ăn và một biđông nước để dồn vào túi đeo của anh ta. Xong xuôi, chúng tôi chào ông bà cụ Dương, rồi rời nhà chạy ra bến ghe. Khi chạy trên đường lộ để đến con đường ra bến ghe, tôi nhận thấy rất nhiều người đang hối-hả chạy về hướng ấp Sao-Mai, ngược chiều với chúng tôi.
Bến ghe hoàn-toàn vắng-lặng, không một bóng người. Các cầu tàu đều trống trơn, không một ghe đánh cá nào còn đậu ở bến. Tuân và tôi chạy nhanh về cuối bến, nơi có vài chiếc ghe tam-bản cột ở chân cầu.
- Anh biết chèo ghe không? Tôi hỏi.
- Biết. Xuống đi. Tuân vừa mở dây một chiếc ghe tam-bản vừa nói.
Chiếc ghe dài độ năm mét và rộng chỉ hơn một mét. Trên ghe có một mái chèo đã được gác lên ở sau lái. Trong khi Tuân đứng sau lái chèo ghe ra biển, tôi gỡ lấy một mảnh ván nhỏ ở sạp ghe, rồi lên ngồi ở mũi ghe chèo phụ.
- Mình ra Sao-Mai. Có lẽ tụi nó sắp vào tới! Tuân vừa nói vừa hối-hả chèo.
Ra cách bờ độ hơn một trăm mét, chiếc ghe quẹo trái về hướng ấp Sao-Mai. - Nếu cứ đi theo bờ biển như thế này mình sẽ ra tới Bãi Trước Vũng-Tàu. Tuân nói.
Bên phải chúng tôi, hàng ngàn ghe đánh cá chở đầy người đang di-chuyển. Tôi để ý và nhận thấy những ghe đang di-chuyển kia chỉ quanh quẩn chạy đi chạy lại, không có chiếc nào chạy thẳng ra khơi, cũng chẳng có chiếc nào chạy vào bến. Mỗi khi có một ghe chạy gần, chúng tôi đều vẫy tay rối-rít và la lên cầu-cứu, xin quá-giang, nhưng ghe nào cũng thờ-ơ đi luôn, và những hành-khách trên ghe thì chỉ trố mắt nhìn vô-cảm. Thất-vọng, chúng tôi tiếp-tục chèo để mau rời khỏi Bến-Đá. Nhìn vào bờ ở bên trái, tôi thấy rất nhiều người đang hối-hả chạy trên đường lộ về hướng ấp Sao-Mai. "Việt-Cộng đã tràn vào ấp Bến-Đá." Tôi tự nhủ và mừng thầm là mình đã chạy kịp ra biển.
Trời bắt đầu đổ mưa. Gió thổi mạnh. Chúng tôi đang đi ngang ấp Sao-Mai và cách bờ chỉ độ một trăm mét. Bên trái chúng tôi, sát bờ biển là một tượng-đài Đức Mẹ. Trên đường lộ phía sau tượng-đài, rất nhiều người đang chạy về phía Vũng-Tàu. Có lẽ Việt- Cộng đang tiến vào ấp Sao-Mai. Phía trước chúng tôi, trên vùng cửa biển rộng mênh mông là một rừng ghe-cộ. Hầu như ghe nào cũng chở đầy người và đang chạy tứ-tung không định hướng. Thỉnh-thoảng, tôi lại nghe được những tiếng súng nổ phát ra từ một chiếc ghe nào đó chạy gần. Nhìn vào cửa sông Lòng-Tàu ở bên phải, tôi thấy một con tàu thật lớn đang lầm-lũi trực-chỉ ra khơi, và một số ghe tàu nhỏ đang chạy theo con tàu ấy. “Ngoài những ghe ở Vũng-Tàu, những ghe khác đều vào từ Bình-Tuy hoặc Phan- Thiết. Có lẽ chẳng có chiếc nào từ Cà-Mau hoặc Rạch-Giá lên cả.” Tuân nhận định. “Sao anh biết?” Tôi hỏi lại. “Thì ghe ở mỗi vùng đều có một đặc-điểm riêng. Hơn thế nữa, Vùng Bốn chưa mất vào tay Việt-Cộng, nên dân-chúng ở dưới miền Tây chưa phải di-tản.” Tuân trả lời. Rồi không giải-thích gì về cái đặc-điểm riêng của ghe, anh ta tiếp-tục nhận định: “Giờ này mà ghe còn ở đây thì chắc chắn là những người chủ ghe kia cũng như mình, chỉ muốn tạm tránh lúc Việt-Cộng tràn vào mà thôi.”
Tuân và tôi vẫn tiếp-tục chèo về hướng Vũng-Tàu. Trận mưa khá lớn nên chỉ trong chốc lát chúng tôi đã ướt đẫm vì không có áo mưa. Tôi quan-sát kỹ trên biển và nhận thấy ở hướng hai giờ, cách chúng tôi độ vài trăm mét, có một chiếc ghe đánh cá đang bập bềnh trên sóng, chắc chắn là đã thả neo vì không hề di-chuyển. “Mình đến chiếc ghe đang neo kia.” Tôi chỉ cho Tuân thấy và đề- nghị. “Ừ. Mình xin lên trú mưa với họ, rồi tính sau.” Tuân đồng ý nói. Khoảng mười lăm phút sau, Tuân cho ghe tam-bản cập vào bên hông chiếc ghe đánh cá đang neo. “Có ai không?” Tôi vỗ mạnh vào thành ghe đánh cá và la lớn nhiều lần, nhưng vẫn không có ai trả lời. Chúng tôi cột ghe tam-bản vào bên hông ghe đánh cá rồi leo lên. Đây là một chiếc ghe đánh cá rất lớn có chiều dài độ hai mươi mét và rộng gần năm mét. Với chiếc ghe như thế này, một nhóm ngưphủ có thể ra khơi cả tháng và đi hàng ngàn cây-số từ vùng này đến vùng khác để đánh cá. Tuân và tôi đi vào ca-bin mới biết là ghe hoàn-toàn vắng người. Hàng trăm chiếc giầy và dép đủ loại lẫn-lộn với những mớ quần áo cũ đủ màu nằm lăn-lóc trên sàn gỗ. Lần về phía sau nhìn xuống hầm máy, tôi thấy ngay hai hàng sú-bắp lồ-lộ của một giàn máy ghe thật lớn. Những chiếc nắp đầu máy thì đã bị gỡ ra để dưới lườn ghe cùng với một vài dụng-cụ của thợ máy. Rõ ràng là máy ghe đã hư-hỏng quá nặng đến nỗi không thể sửa chữa được, nên chủ ghe và những người di-tản trên ghe đã phải bỏ đi. Bên trong ca-bin, trước khi ngồi nghỉ, chúng tôi cởi quần áo vắt thật ráo nước rồi mặc lại cho đỡ lạnh. Ngoài kia, trời vẫn mưa nặng hạt. Nhìn những chiếc ghe đánh cá đang chạy qua chạy lại như mắc cửi trên khắp vùng cửa biển rộng lớn, chúng tôi bàn nhau là phải tìm cách lên được một trong những chiếc ghe ấy. “Đợi hết mưa rồi sẽ tính.” Tuân bảo tôi. Mưa đã tạnh. Tuân và tôi xuống lại ghe tam-bản và tiếp-tục chèo về hướng Vũng- Tàu. Tôi vừa chèo vừa xốc lại quai choàng trên vai của cái túi rết, rồi xếp lại sợi dây mũi ghe để có thể nhanh chóng cầm lấy đầu dây nhảy lên một chiếc ghe nào đó khi có cơ-hội. Những chiếc ghe đánh cá chở đầy người vẫn đang chạy chung quanh chúng tôi. Có nhiều chiếc chạy chỉ cách chúng tôi độ vài mét. Tuy nhiên, vì ghe chèo của chúng tôi quá chậm chạp không thể tiến sát được một chiếc ghe đánh cá nào cả, dự-tính của tôi là nhảy lên một trong những chiếc ghe ấy đã trở thành vô vọng Quan-sát một hồi, tôi nhận ra rằng mỗi khi có hai chiếc ghe đánh cá, dù đang chạy cùng chiều hay ngược chiều, xáp vào nhau, người ta lại nhảy từ ghe nọ sang ghe kia. Thì ra những người di-tản thường tìm cách nhảy sang ghe nào lớn hơn hoặc chở ít người hơn. Do đó người chủ ghe nào cũng tránh không để bất cứ ghe nào khác chở nhiều người hơn xáp lại gần, vì sợ người di-tản sẽ nhảy sang làm tăng nhân-số trên ghe mình. Đằng khác, họ lại luôn tìm cách cho ghe xáp lại ghe nào chở ít người hơn, hoặc lớn hơn nên rộng chỗ hơn, với hy-vọng người di-tản trên ghe mình sẽ nhảy bớt sang ghe ấy. Cuộc cút bắt giữa những ghe đánh cá cứ thế tiếp-tục trên biển. “Mình chen vào giữa đám ghe kia.” Chúng tôi bảo nhau, rồi chèo ghe tam-bản vào giữa một đám thật đông ghe đánh cá. Tuy nhiên, sau cả giờ đồng hồ cố-gắng, chúng tôi vẫn chẳng thực-hành được ý định của mình giữa một rừng ghe-cộ xunh-quanh. “Kìa! Chú.” Tuân chợt la lên và hất hàm về phía trước làm hiệu. Tôi nhìn về đằng trước thì thấy hai chiếc ghe đánh cá đang kè nhau chạy về phía chúng tôi. Chiếc chạy gần chúng tôi hơn chỉ dài độ mười mét, và chở khoảng vài chục người ở sân mũi. Chiếc kia lớn hơn với chiều dài độ mười lăm mét và chở đầy người. Bị chiếc ghe lớn kè sát bên hữu mạn, chiếc ghe nhỏ đã phải ngưng máy và chạy sát vào ghe tam-bản của chúng tôi. Không bỏ lỡ cơ-hội, tôi nắm đầu sợi dây mũi của ghe tam-bản, nhảy lên sân lái của ghe đánh cá, rồi cột sợi dây vào trụ cột dây sau lái bên tả mạn của chiếc ghe này. Chiếc ghe đánh cá tiếp-tục chạy, kéo theo chiếc ghe tam-bản. Khi tôi ngước lên, Tuân đã buông mái chèo chạy về đằng mũi, và đang kéo sợi dây để thâu ngắn khoảng cách giữa hai ghe. “Đm! Tao chém chết cha tụi bây.” Một người nào đó quát lên. Tôi giật mình quay lại. Ngay cửa sau ca-bin của ghe, cách tôi chỉ vài mét, một người đàn ông trung-niên mặc đồ bà-ba đen đang giơ cao một cây rựa cán dài bước tới định chém.
“Ki-ai!” Cùng lúc với tiếng thét, tôi rùn chân xuống và vung tay lên thủ thế. Quá bất ngờ, tôi đã phản-ứng một cách tự-nhiên theo bản-năng sinh-tồn khi gặp nguy-cấp. Trong thoáng chốc ngắn-ngủi ấy, tôi chợt nghĩ đến những buổi tập Thái-Cực-Đạo ở Trường Sĩ-Quan Hải-Quân Nha-Trang mà những huấn-luyện-viên đến từ Đại-Hàn mang bốn, năm đẳng huyền đai, nhưng học trò thì hơn chín mươi phần trăm mang đai trắng cấp tám, tức là vừa mới nhập môn. Nhìn người đàn ông, tôi tự nhủ nếu vừa rồi ông ta cứ nhào tới chém mà không thèm chửi-rủa gì cả thì tôi làm gì còn có cơ-hội để thủ-thế. Giờ đây, bằng mọi giá, tôi không thể để ông ta chém tôi hoặc chặt đứt sợi dây cột ghe tam-bản. Lạ thay, ngay sau tiếng thét của tôi, người đàn ông khựng lại, rồi đứng yên nhìn tôi trân-trân. Chẳng biết ông ta nghĩ gì. Liếc về phía sau, tôi thấy Tuân đã nhảy lên. “Thôi mà chú. Cho tụi cháu quá-giang với. Tụi cháu cũng là người di-tản vậy.” Tôi năn-nỉ. Người đàn ông không trả lời, mà liếc nhìn chiếc ghe tam-bản một cái rồi lại nhìn chúng tôi. Khoảng một phút sau, ông ta hạ cây rựa xuống và lẳng-lặng chui vào ca-bin. “May quá!” Tôi thở phào tự nhủ. Đây quả thật là một đìều may-mắn vì nếu tôi nhớ tới khẩu súng nằm trong túi rết bên hông và đem ra sử- dụng thì chẳng biết là kết cục sẽ ra sao. Sau khi cùng với Tuân lần lên đứng dựa vào thành bên trái ca-bin, tôi hoàn-toàn không biết chiếc ghe tam-bản vẫn được kéo theo hay là bị một ngư-phủ nào đó cởi dây buông trôi trên biển. Chiếc ghe đánh cá lại tiếp-tục cuộc cút-bắt trên biển, lúc thì tránh né ghe này, lúc thì xáp lại gần một ghe khác. Một lần, khi chiếc ghe này sắp sửa cặp vào một chiếc ghe lớn hơn thì một tràng súng tay cùng với những tiếng chửi thề bất chợt vang lên trên chiếc ghe ấy. Hai chiếc ghe lập-tức tách rời nhau. Tôi nhìn theo thì thấy trên ghe ấy có vài người mặc đồ lính có mang súng. “Họ bắn chỉ thiên để dọa. Không biết là có vụ cướp-bóc nào xảy ra trên chiếc ghe ấy hay không.” Tôi tự hỏi, và chợt nhớ lại những tin-tức về những vụ cướp của giết người trên các xà-lan và tàu biển trong cuộc di-tản của quân-dân Vùng I từ Đà- Nẵng về Vũng-Tàu hoặc ra đảo Phú-Quốc vào cuối tháng 3 vừa qua.
“Ghe bác có ra tàu Mỹ không?”
“Không!”
“Ghe bác sẽ về đâu?”
“Phan-Thiết.”
Những câu đối-đáp giữa những ghe chạy gần nhau vang lên rõ mồn-một. Phần đông đều nói là sẽ về Bình-Tuy hoặc Phan-Thiết. Không có ai nói sẽ ra tàu Mỹ. Cũng chẳng có ai nói sẽ vào Sài-Gòn hoặc xuống miền Tây. Rõ ràng là những chủ ghe và gia-đình họ đều đang đợi xem cuộc chiến sẽ ngã-ngũ ra sao. Còn tất cả những người khác ở trên ghe thì chỉ là những hành-khách quá-giang bất-đắc-dĩ.
“Chúng ta nhảy sang ghe kia.” Tuân thình-lình vỗ vào vai tôi và nói.
Tôi quay lại thì thấy Tuân đã đứng sát mạn ghe trong tư thế sẵn-sàng nhảy nên cũng làm theo. Chiếc ghe chở chúng tôi đã ngưng máy và đang cặp vào hữu mạn một chiếc ghe khác. Chiếc ghe này cũng dài độ mười mét nhưng rất rộng-rãi vì chỉ có mươi người ở sân mũi phía trước cabin. Khi hai chiếc ghe vừa sát vào nhau, Tuân la lên: “Vũ! Chúng tôi nhảy sang.” “Nhảy đi. Đm! Thằng nào nhảy là tao ném lựu-đạn chết mẹ chúng mày.” Một người nào đó quát lên hăm-dọa. Ngay trong giây-phút ngắn-ngủi đó, Tuân và tôi nhảy sang sân lái phía sau ca-bin của chiếc ghe ấy. Sau khi đứng vững trên sàn ghe, tôi mới thấy một người mặc đồ rằn-ri của lính nhảy-dù, mặt đằng- đằng sát-khí, tay phải cầm một trái lựu-đạn, tay trái nắm khoen chốt an-toàn, giơ lên đưa qua đưa lại dọa ném sang chiếc ghe chúng tôi vừa mới quá-giang. Mọi người đang đứng bên hông chiếc ghe ấy đều đã dội lại, chẳng ai dám nhảy theo chúng tôi. Chỉ vài giây sau, hai chiếc ghe đã tách ra hai phía.
“Khỏe không anh Tuân?” Người mặc đồ rằn-ri vừa cất trái lựu-đạn vừa hỏi. Rồi không đợi trả lời, anh ta cười và nói tiếp:
“Không làm thế thì chúng nhảy lên đầy ghe mình mất!”
Tuân cũng cười, rồi giới-thiệu Vũ và tôi với nhau. Vũ liền rủ chúng tôi vào cabin, rồi đem nước trà và thuốc lào ra mời. Qua đối-thoại giữa Vũ và Tuân, tôi mới biết rằng trước kia họ đã cùng phục-vụ trong một đơn vị Biệt-Cách Nhảy Dù thuộc Lực-Lượng Đặc- Biệt Mũ Đen do Đại-Tá Lê-Quang-Tung làm Tư-lệnh. Không bao lâu sau cuộc đảo-chánh 1-11-1963, trong đó anh em Đại-Tá Tung và anh em Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm bị giết, Vũ và Tuân rủ nhau bỏ đơn-vị trốn về địa phương, rồi sau cùng gia-nhập lực-lượng Nghĩa-Quân trong xứ đạo của họ. Trong suốt mười mấy năm qua, nhất là từ khi bố mẹ vợ Tuân ra sinh-sống ở ấp Bến-Đá, Vũ và Tuân vẫn thường liên-lạc với nhau. Gần một tuần nay, Vũ đã đem vợ con và một số người thân chạy ra biển để giữ an toàn như tất cả những gia-đình có ghe đánh cá ở đây. Mới vài giờ trước, Vũ đã cho ghe vào bến Sao-Mai để về nhà lấy một vài món đồ cần dùng. Khi từ nhà trở ra bến, anh ta đã phải chạy trối chết vì Việt-Cộng đã vào tới đầu ấp và đang chận bắt những người mặc đồ lính hoặc bị chúng nghi-ngờ. “Các anh nhìn kìa.” Vũ vừa nói vừa chỉ vào ấp Sao-Mai. Nhìn lên bờ, tôi thấy một đoàn độ vài chục người, hầu hết mặc đồ lính, hai tay để trên đầu, đang đi vòng quanh tượng đài Đức Mẹ ở sát bờ biển. Trên đường lộ phía bên trong tượng đài, những chiếc xe Molotova có cắm cờ nửa đỏ nửa xanh với sao vàng ở giữa của Mặt Trận Dân-Tộc Giải-Phóng Miền Nam chở đầy bộ- đội Việt-Cộng đang từ-từ di-chuyển. “Họ là những người lính Nghĩa-Quân và Nhân-Dân Tự-Vệ đã chiến-đấu đến phút chót.” Vũ ngậm-ngùi nói. Bỗng có tiếng la hoảng-hốt của một người nào đó vang lên: “Anh Vũ! Dương- Văn-Minh tuyên-bố đầu hàng rồi.” Tôi giật mình lắng nghe. Chiếc máy thu-thanh trong góc ca-bin đang phát ra tiếng được tiếng mất: “…hãy buông súng và ở yên vị-trí… đợi bàn giao trong vòng trật-tự... Chuẩn-Tướng Nguyễn-Hữu-Hạnh, Quyền Tổng Tham-Mưu- Trưởng...” Tôi lặng người sửng-sốt. Thế là hết! Cả một guồng máy cai-trị từ Bến-Hải đến Cà-Mau đã hoàn-toàn sụp-đổ. Còn đâu hy vọng về lại Sài-Gòn để cùng đồng-đội chiến đấu. Còn đâu dịp để kể lại cho những người bạn ở Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân nghe về cuộc di tản hi-hữu của mình. Sài-Gòn đã đầu hàng! Những người bạn đang làm việc ở Phòng Nghiên-Huấn và Phòng Điều-Huấn hiện giờ ra sao? Trong mấy ngày vừa qua, họ có di-tản theo tàu của hạm-đội không, hay là đã bỏ đơn vị để về nhà? Lại còn Bá và chiếc PCF của hắn ở Cát-Lở nữa. Hắn đã ra khơi hay đã bỏ tàu để tìm đường về Thủ-Đức với gia-đình? Riêng tôi phải làm sao bây giờ? Rồi đây chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi sẽ về nhà bằng cách nào? Tôi có trở về nhà an-toàn không? Liệu tôi có bị bắt như những người lính trên bờ kia hay không? Nếu tôi bị bắt đưa đi biệt tích thì vợ tôi và những người thân của tôi sẽ lo-lắng khổ-sở biết bao! Những ý nghĩ ấy cứ lặp đi lặp lại trong đầu tôi.
Khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau, mật-độ ghe đánh cá trên vùng cửa biển đã giảm bớt vì một số ghe đã bỏ đi. Họ ra khơi tìm tàu Mỹ hoặc trở về quê-quán nào ai biết. Vũ thình-lình hỏi: “Mình vào bờ bây giờ được chưa các anh?” Tuân quay qua nhìn tôi như dò ý-kiến. Tôi nhìn lên bờ ở ấp Sao-Mai và thấy vài chiếc xe có cờ và bộ-đội Việt-Cộng đang chạy đi chạy lại. Đám người bị bắt thì đã bị đưa đi một nơi nào khác. Ngoài ra, một số thường dân cũng đang đi lại lẻ-tẻ dọc theo đường lộ. Sau khi quan-sát, tôi nói với Vũ và Tuân là nên đợi một lát nữa xem sao. Chiếc ghe tiếp-tục chạy đi chạy lại một lát rồi vào thả trôi cách bờ độ một trăm mét để chờ đợi. Trong lúc ghe thả trôi, tôi kín-đáo dấu các giấy-tờ quân-đội, rồi thả khẩu súng đã nạp đạn và hộp đạn xuống biển. Gần một giờ sau đó, khi thấy dân-chúng bắt đầu đi lại khá đông trên đường lộ, và thỉnh-thoảng mới có một chiếc xe có cắm cờ và chở bộ-đội Việt-Cộng chạy ngang, Vũ thay đồ thường-phục, rồi cho ghe cập vào bến ghe ở ngay bên cạnh tượng đài Đức Mẹ ấp Sao-Mai.
Từ-biệt Vũ, Tuân và tôi leo lên đường lộ, rồi quẹo trái để trở về ấp Bến-Đá. Trên đường, người đi kẻ lại khá tấp-nập. Thỉnh thoảng mới có một chiếc xe Molotova cắm cờ xanh đỏ sao vàng chạy qua. Trên xe, những tên Việt-Cộng ôm súng AK, đầu đội nón cối, quần áo rộng thùng-thình, mặt mày non choẹt, đang dương mắt nhìn ngơ-ngáo. Một vài tên giơ tay vẫy những người dân ở hai bên đường, nhưng chẳng có ai vẫy tay đáp lại. Mọi người đều thản-nhiên như không hề nhìn thấy chúng. Khi chúng tôi đang băng ngang đường lộ để vào đầu dốc dẫn vào nhà ông bà cụ Dương thì chợt có tiếng gọi tên tôi vang lên ở bên lề đường đối-diện. Tôi giật mình nhìn qua, và nhận ra một người trong đám đông là dì của vợ tôi đang giơ tay vẫy tôi. “Ô! Sao dì lại ở đây?” Tôi ngạc-nhiên la lên, rồi kéo Tuân bước nhanh qua lộ. Bà dì liền dẫn chúng tôi vào nhà một người quen của bà ở ngay mặt đường. Sau khi thăm hỏi lý-do tôi rời Sài-Gòn và phải di-tản, bà nói với tôi là gia-đình bà đã rời ấp Rạch-Dừa để ra ấp Bến-Đá từ mấy ngày nay, nhưng đã không thể ra khơi được. Cuối cùng, bà cho biết là mới sáng sớm hôm nay, vị linh-mục chánh xứ của chúng tôi đã đem một chiếc ghe ra ấp Sao-Mai để đón những người đã di-tản về lại giáo-xứ. “Ông cha nói là ai muốn về thì phải có mặt lúc năm giờ chiều nay tại bến ghe ấp Sao-Mai.” Bà nói. Nhìn đồng hồ đã gần hai giờ chiều, chúng tôi từ-biệt bà, rồi leo dốc về lại nhà ông bà cụ Dương.
Nhìn tên Việt-Cộng vẫy cờ, tôi chợt nhớ lại hình-ảnh Đại-Đội-Trưởng Vinh trong phim “Chúng Tôi Muốn Sống”, do tài-tử Lê- Quỳnh thủ diễn, mà tôi đã được xem khi còn nhỏ. Trong phim ấy, Vinh đã đứng trên sườn núi phất cờ liên-tục để ra lệnh cho đồng-đội tấn-công một đoàn xe của quân đội Pháp. Sau hiệp-định Geneva 1954, khi Cộng-Sản Bắc- Việt phát-động chính-sách Cải-Cách Ruộng Đất trên toàn miền Bắc Việt-Nam, Vinh bị công-an dẫn độ từ đơn-vị về quê-quán, nơi cha mẹ chàng là ông bà Long bị ghép tội “địa chủ”. Giữa cái gọi là “tòa-án nhân-dân” do Việt-Cộng dàn-dựng, mặc dù đã từng lập rất nhiều chiến-công trong cuộc kháng-chiến chống Pháp, Vinh đã không được phép phát biểu, mà còn bị đánh gục khi đòi được nói để bào-chữa cho cha mẹ mình. Rốt cuộc, sau khi dàn-dựng cuộc “đấu-tố”, tòa đã kết án tử-hình cha mẹ Vinh. Hai ông bà bị chôn đứng tới cổ, rồi bị cày đầu. Riêng Vinh bị kết tội, rồi bị áp giải đi làm lao-công chiến-trường ở vùng giới tuyến giữa hai miền Nam và Bắc Việt-Nam. Cuối cùng, trong một lần bị áp-giải ven bờ biển, Vinh đã đào-thoát thành-công để chèo một con thuyền nhỏ ra khơi, và được cứu-vớt bởi một chiến-hạm của Việt-Nam Cộng-Hòa. Vậy mà chiếc ghe vẫn chưa bớt máy. Hình như ông quản còn đang đợi một cái gì đó. “Tóc, tóc, tóc...” Lại thêm một tràng súng nổ. Tên Việt-Cộng đứng giữa vẫy cờ qua lại thêm vài lần nữa, rồi giơ cờ lên trời quay tròn như chong-chóng. “Ghê quá! Nếu ghe cứ đi chắc-chắn chúng sẽ bắn. Nếu ghe dừng lại, mình rất có thể bị chúng bắt.” Tôi nghĩ thầm. “Cha ơi! Làm sao bây giờ?” Ông quản hỏi vị linh-mục già đang ngồi trong ca-bin. “Mình cứ vào đi.” Vị linh-mục vừa nói vừa ra khỏi ca-bin, rồi lần lên đứng ở sân mũi. Chiếc ghe giảm máy rẽ vào bến, rồi dừng lại cách toán Việt-Cộng trên bến chỉ độ mười lăm mét. Tôi chợt cảm thấy rờn-rợn sau gáy khi thấy cả toán Việt-Cộng đang trố mắt nhìn chăm-chăm xuống ghe. “Mình mà bị chúng bắt lúc này thì thật là lãng-nhách!” Tôi nghĩ thầm. Tên Việt-Cộng đứng giữa đã ngưng phất cờ, nghênh mặt quát: “Thuyền của lính Ngụy xin hàng phải không?” “Không! Đây là thuyền đánh cá của dân.” Vị linh-mục trả lời. “Sao lại đi vào đây? Các anh là ai? Các anh đi đâu?” Hắn hỏi dồn, rồi nhìn soi-bói vị linh mục trong bộ áo thâm chùng. “Tôi là một linh-mục. Tôi đi đón những người giáo-dân của tôi đã chạy loạn ra Vũng-Tàu để đưa về lại giáo-xứ.” “Giáo-xứ của các anh ở đâu?” “Ở xã Phước-Hòa, gần núi Long-Sơn kia kìa.” Vị linh-mục vừa nói vừa đưa tay chỉ về hướng đảo Long-Sơn. Sau câu trả lời của vị linh mục, bọn Việt-Cộng quay qua quay lại như để bàn-tán và hội ý với nhau. Ngay lúc này, tôi cảm thấy rất lo-sợ vì nghĩ rằng mình sắp sửa bị chúng bắt.
Khoảng năm phút sau, tên Việt-Cộng chợt la lớn: “Được rồi. Các anh đi đi.” Rồi hắn đưa cờ lên vẫy vài cái về phía chúng tôi trước khi cùng đồng bọn lẩn mất vào xóm nhà trên bến. Mọi người thở phào nhẹ-nhõm. Thì ra chúng đã chận chiếc ghe lại vì tưởng rằng chiếc ghe đang chở lính vào để xin đầu hàng. Trong một thoáng, chiếc ghe quay mũi chạy thẳng ra biển, rồi nhắm hướng đảo Long- Sơn trực-chỉ. Trên đường trở về xứ đạo, chiếc ghe đã vào cửa sông lớn phía trước làng chài lưới, nơi Tuân và tôi cùng toán lính nhảy-dù đã đi qua. Khi chiếc ghe đang đi trên một dòng sông lớn trong rừng sát thì một người ngồi ở sân mũi chợt kêu lên: “Thằng chõng!” Tôi nhìn theo hướng tay chỉ của người ấy thì thấy một xác người mặc đồ lính nhảy-dù đang trôi trên mặt nước cách chiếc ghe chỉ độ mười mét. Tôi đã từng nghe nói là xác đàn ông chết trôi sông thì nằm sấp, xác đàn bà chết trôi sông thì nằm ngửa. Chẳng biết có đúng không. Tôi để ý nhìn, nhưng vì trời đã cập quạng tối nên không xác-định được xác người lính này nằm sấp hay ngửa. Trong mấy ngày nay, cái xác này hẳn là đã vừa tấp vào bờ, vừa trôi ra rồi trôi vào theo dòng nước lên xuống nên vẫn chưa trôi ra biển. Sau đó, trước khi trời tối hẳn, chúng tôi còn thấy thêm vài xác lính nhảy-dù khác trôi bồng-bềnh trên dòng sông ấy. Khi ghe về tới bến, nơi chúng tôi đã lội qua mương để vào rừng sát vài hôm trước đây, thì trời đã về đêm. Rời bến ghe, mọi người cùng với linh mục chánh xứ đi theo một con đường đất ngoằn-ngoèo dài hơn một cây số để ra đường quốc-lộ, rồi chia tay ai về nhà nấy. Trên đường từ bến ghe về nhà, tôi chẳng thấy có gì khác lạ. Xứ đạo vẫn bình-thường như không hề bị Việt-Cộng chiếm-đóng. “Có lẽ chúng không có đủ quân nên đã không vào, hoặc có vào nhưng lại phải bỏ đi nơi khác.” Tôi nghĩ thầm.
Về đến nhà, tôi được biết là ngay sáng sớm Thứ Hai vừa qua, bộ-đội Việt-Cộng đã tràn vào ấp. Sau khi đóng quân, chúng cho phát thanh thông-cáo của “Ủy-Ban Quân- Quản” ra lệnh cho các quân-nhân và công chức của chính-phủ Việt-Nam Cộng-Hòa, mà chúng gọi là “Ngụy-Quân và Ngụy-Quyền”, phải tức-khắc giao-nộp vũ-khí ở Văn-Phòng Ấp. Tuy nhiên, rất nhiều anh em nghĩa-quân và nhân-dân tự-vệ đã chỉ đào đất hoặc xuống giếng để lấy súng đạn đem nộp sau khi đài Sài-Gòn phát ra lệnh đầu hàng của Tổng- Thống Minh.
Ngoài ra, tôi cũng được biết là vào đêm Chúa Nhật vừa qua, một cặp vợ chồng bồng theo một đứa con trai độ một tuổi di-tản theo đoàn lính nhảy-dù đã phải bồng con trở về vì có vài người lính dù dọa bắn đứa bé khi nó khóc vì ướt và lạnh.Tôi chợt nhớ lại những tiếng khóc của đàn bà và trẻ con mà tôi đã nghe được trong rừng sát. Tôi cũng nghĩ rằng dù sao thì cặp vợ chồng này cũng phải quay về vì không hề có tàu vào đón lính nhảy-dù để họ quá-giang, mà họ thì không cách nào có thể đem con vượt qua sông được.
Sáng ngày 01-05-1975, ngày Quốc-Tế Lao-Động, Tuân và tôi cùng một số người khác đến Văn-Phòng Ấp để xin giấy phép đi tìm thân-nhân. Thực ra, Tuân và tôi cố ý xin mỗi người một tờ giấy phép để khi cần có thể đào-thoát tiếp. Nhân đó, chúng tôi cũng xin luôn giấy phép cho mẹ của Tuân và cho chú tôi. Lúc này, trong Văn-Phòng Ấp chỉ có vài người đàn ông trung-niên mặc bà-ba đen, và dăm tên du-kích đeo súng AK47. Chúng tôi và mọi người đợi ngoài cửa một lát thì được phát những tờ giấy vàng khè rộng bằng bàn tay, cỡ một tờ giấy học trò cắt ngang làm ba mảnh. Đây là những mẫu giấy phép đi đường có tiêu-đề “Chính-Phủ Lâm-Thời Cộng-Hòa Miền Nam Việt-Nam”. Chúng tôi phải tự điền vào những chỗ trống trên mẫu giấy phép các chi-tiết như họ và tên, nơi đi, nơi đến, lý-do đi, và cả ngày giấy phép được cấp, rồi nộp lại cho Văn-Phòng Ấp. Hơn một giờ sau, chúng tôi trở lại và nhận được những tờ giấy phép của mình. Nhìn tờ giấy phép không có đóng dấu, mà chỉ có họ tên và chữ ký của Chủ-Tịch Ủy-Ban Quân-Quản Ấp, tôi ngạc-nhiên thấy chữ ký của ông Chủ-Tịch tên Tề run-run ngoằn-ngoèo như giun. “Chữ ký quá tệ!” Tôi nhủ thầm và chợt nhớ lại chuyện của bà Yên, một người đàn bà độc-thân độ năm mươi tuổi ở gần nhà tôi.
Theo lời bà Yên thì trước khi di-cư vào Nam năm 1954, bà sinh-sống bằng nghề làm “hàng xáo”, tức là xay thóc và giã gạo để lấy gạo và cám đem đi bán. Mỗi khi đi mua thóc hoặc đem gạo và cám đi bán, bà phải đi qua những trạm kiểm-soát của các cán-bộ Việt-Cộng, thường là ở các đầu lối vào chợ hoặc các đầu cầu bắc ngang những con sông lớn. Có một dạo, tất cả những người bộ-hành đi qua các trạm kiểm-soát đều bị khảo-hạch về khả-năng quốc-ngữ. Do đó, mỗi khi đi đến một trạm kiểm-soát, bà Yên và mấy người bạn hàng thường tự-động lớn tiếng đánh vần những chữ quốc-ngữ đã thuộc lòng từ trước, chẳng hạn như “bờ, bờ-o-bo-huyền-bò “, “tờ, tờ-o-to”, “gờ, gờ-a-ga-huyền-gà”, hoặc “nhờ, nhờ-o-nho-hỏi-nhỏ”, là được cho đi ngay. Bà cũng cho biết là bà và tất cả các bạn hàng đều là con nhà nghèo nên chưa bao giờ được đi học, và chẳng có ai biết một chữ cái nào cả. Sau khi di-cư vào Nam, bà Yên đã làm mọi người trong ấp chúng tôi phải ngạc-nhiên khi bà tự phát-minh một phương-pháp viết của riêng bà. Bà không chỉ dùng những vạch ngang dọc để ghi ngày trong tuần như Robinson đã làm suốt mười sáu năm trên hoang đảo, mà đã dùng đủ loại hình dạng để “viết”, vừa bằng phấn viết bảng vừa bằng than bếp, những gì bà muốn nhớ trên mấy bức tường trong phòng ngủ của bà. Do đó bà có thể đọc vanh-vách những dữ-kiện như ngày tháng, tên người chủ hụi, số người chơi hụi, số tiền đóng hụi, và những chi-tiết liên-hệ khác trong các sở hụi mà bà tham-dự. Ngoài ra, bà cũng đã tập viết được chữ “Yên”, tên gọi của bà, để ký các giấy-tờ cần-thiết. Điều đáng nói ở đây là dù chưa hề đi học, bà Yên đã ký đẹp và vững chãi hơn ông Chủ-Tịch Tề đầy quyền-lực rất nhiều.
Sau khi nhận được những tờ giấy phép, Tuân và tôi chở mẹ Tuân và chú tôi lên Sài-Gòn bằng xe gắn máy. Trên đường từ ấp chúng tôi tới Long-Thành, thỉnh-thoảng chúng tôi lại gặp một trạm kiểm-soát của những tên du-kích có đeo súng và choàng băng đỏ ở cánh tay. Nhờ có những tờ giấy phép đi đường, chúng tôi đã không bị bắt giữ hoặc làm khó dễ như nhiều người khác. Tôi đã tự hỏi là làm sao những tên du-kích có thể xác định được giấy phép và chữ ký ở trên giấy phép của chúng tôi là thật hay giả.
Từ Long-Thành trở đi, chúng tôi không còn gặp một trạm kiểm-soát nào nữa. Sau khi qua cầu Tân-Cảng, chúng tôi chạy thẳng vào Sài-Gòn, quẹo phải ở Đakao, rồi quẹo trái vào đường Hiền-Vương. Tới bùng binh đầu đường Trần-Quốc-Toản, chúng tôi quẹo phải vào đường Lê-Văn-Duyệt, rồi thẳng đường qua Hòa-Hưng, ngã ba Ông Tạ, và ngã tư Bảy-Hiền để đến khu nhà thờ Đắc-Lộ. Tôi nhận thấy đường phố có phần vắng-vẻ, nhưng lại rất ồn-ào vì tiếng loa phóng thanh ra-rả chửi “Mỹ-Ngụy” và kêu gọi dân-chúng chào mừng “Cách-Mạng”. Ngoài ra, tôi cũng thấy có khá nhiều nhà ở hai bên đường treo hoặc dán trước cửa cờ Cộng-Sản Bắc-Biệt và cờ Mặt Trận Dân-Tộc Giải-Phóng Miền Nam. Sau khi thăm gia-đình một người bà con ở khu nhà thờ Đắc-Lộ, chúng tôi từ-giã để đi tiếp. Khi chúng tôi vừa ra tới đầu ngõ thì loa phóng-thanh ở cổng phát ra một thông-cáo yêu-cầu tất cả các chủ hộ trong khu này phải họp vào lúc năm giờ chiều nay tại trường tiểu học ở đây. Thông-cáo còn kèm theo lời đe dọa sẽ "xử-lý" những chủ hộ nào vắng mặt. "Ở đâu thì rồi cũng phải vào rọ! Chúng ta về đi thôi, nếu không chúng ta sẽ bị phiền-phức." Mẹ Tuân nói. Sau câu nói của bà, chúng tôi liền bỏ ý định đi thăm những người bà-con khác ở Sài-Gòn, và đã về đến nhà vào ngay buổi chiều hôm ấy.
Vài ngày sau, Nhân, con một người anh của mẹ tôi, đang là hiệu-trưởng một trường tiểu-học ở gần ấp đánh cá Phước-Tỉnh, đến hỏi tôi là một chiếc ghe đánh cá dài cỡ hai mươi mét có thể đem độ một trăm người vượt biển qua Phi-Luật-Tân hoặc Hồng-Kông được không. Tôi nói là được nhưng phải có đầy-đủ dầu-nhớt, lương-thực, và nước uống cho mười ngày trên biển. Tôi cũng khuyên Nhân là nên đi Mã-Lai hoặc Tân-Gia-Ba thì hay hơn vì cuộc hành-trình sẽ thuận với chiều gió vào thời-điểm này. Sau khi tôi đồng ý sẽ đem gia đình ra đi bất cứ lúc nào, Nhân căn-dặn tôi là hãy luôn sẵn-sàng để ra đi, rồi từ-biệt. Hơn một tuần sau, khi những người di-tản từ ngoài Trung về đã bỏ đi hết, và đơn-vị bộ-đội Bắc-Việt cũng đã di-chuyển đi nơi khác, mọi sinh hoạt trong ấp trở lại bình thường. Tuy nhiên, người dân trong ấp vẫn tiếp tục phải xin giấy phép đi đường nếu cần phải đi xa.
Sau khi đã “đăng-ký”, tôi lại lên Sài- Gòn để thăm-dò tình-hình và tìm gặp được Tú, một người bạn đã cùng làm việc ở Bộ Tư- Lệnh Hải-Quân. Theo lời Tú thì đêm 29 tháng 4 năm 1975, sau khi các tàu của hạm-đội tách bến để di-tản thì Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân cũng giải-tán, ai muốn về nhà thì về, ai muốn ở lại chiến-đấu thì ở. Rất nhiều quân-nhân hải-quân các cấp đã ở lại, trong đó có Đại-Tá Tấn, người được xem như là Tư-Lệnh Hải-Quân vào phút chót. Họ đã mở kho vũ-khí lấy súng đạn ra lập phòng-tuyến ở công-trường Mê- Linh, nơi có tượng Thánh-Tổ Hải-Quân Trần- Hưng-Đạo, và trước Hải-Quân Công-Xưởng để chiến-đấu. Họ đã chờ địch đến sáng hôm sau, và chỉ bỏ vũ-khí để về nhà sau khi Tổng- Thống Minh đã tuyên-bố đầu-hàng.
Trong dịp này, Tú và tôi đã rủ nhau đến nhìn lại Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân xem sao. Khi đến nơi, chúng tôi nhận thấy cổng Bộ Tư- Lệnh được canh-gác bởi hai tên thủy-thủ Việt- Cộng. Một tên ngồi trong điếm canh cạnh cổng như để tiếp khách vãng-lai, tên còn lại đeo súng AK đi qua đi lại trước cổng. Chúng tôi đến trước điếm canh hỏi thăm tên thủy-thủ ngồi trong ấy vài câu vô-thưởng vô-phạt, rồi đưa ra mỗi người một chiếc chìa khóa để nhờ hắn lấy dùm các giấy-tờ và bằng-cấp trong các tủ khóa cá-nhân trong phòng làm việc của chúng tôi. "Ngoài áo-quần và đồ-đạc trong tủ của chúng tôi thuộc về các anh, chúng tôi sẽ trả thêm tiền công cho các anh nữa." Chúng tôi bảo hắn. Tên này đồng ý giúp, và hẹn chúng tôi trở lại trong phiên gác của hắn từ 4 đến 6 giờ chiều ngày hôm sau. Khoảng 4 giờ rưỡi chiều ngày hôm sau, chúng tôi trở lại nhưng cẩn-thận đứng từ xa nhìn vào để quan sát. Hai tên thủy-thủ gác cổng ngày hôm qua chẳng thấy đâu, thay vào đó là hai tên lạ hoắc. Cả hai tên này đều đeo súng AK, và đều đang đi qua đi lại trước cổng, gườm-gườm nhìn kẻ qua người lại như nhìn kẻ thù. “Thật là ngu! Khi không để mất thêm hai cái chìa khóa.” Chúng tôi cười bảo nhau, rồi rút lui tức-khắc vì sợ bị bắt.
Vài tuần sau, tất cả những hạ-sĩ-quan Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa trong ấp tôi có cấp-bậc từ trung-sĩ đến chuẩn-úy thình-lình được lệnh đi “học-tập cải-tạo” ba ngày ở thị- xã Bà-Rịa. Ba ngày sau, đúng như đã được thông-báo, tất cả bọn họ đều được thả về với giấy chứng-nhận đã học-tập cải-tạo. Sau khi những người hạ-sĩ-quan được thả về, một thông-cáo của Ủy-Ban Quân- Quản được phổ-biến, ra lệnh cho tất cả các sĩ quan Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa có cấpbậc từ thiếu-úy đến đại-úy phải chuẩn-bị đồ- đạc và tiền-bạc đủ dùng trong 10 ngày để đi "học-tập cải-tạo". Nơi trình-diện là một đồn lính ở ngoại-ô thị-xã Bà-Rịa. Thời hạn trình diện là ba ngày 14, 15, và 16 tháng 6 năm 1975. Thông-cáo cũng kèm theo lời đe-dọa sẽ “xử-lý” những ai không chấp-hành hoặc chấp hành chậm-trễ. Cho đến lúc này, tôi vẫn không biết được tin-tức gì về Túy và Phán, nhưng lại mừng thầm cho họ. Cũng cho đến lúc này, tôi không còn hy-vọng có thể đào thoát được nữa vì Nhân vẫn bặt-tăm.
Chiều ngày 16 tháng 6 năm 1975, với một túi hành-trang giản-dị và một số tiền dự- trù đủ để đóng tiền ăn và tiêu vặt trong mười ngày, tôi chở Nhung bằng xe đạp lên Bà-Rịa. Sau khi vào một quán nước để giải khát, chúng tôi lại thẳng đường ra khỏi thị-xã, rồi đi thêm ba, bốn cây-số qua một khu ruộng muối và vài cánh đồng rộng-lớn thì đến nơi trình diện. Đây là một đồn lính xa hẳn những khu nhà dân, nằm đơn-độc bên đường lộ, giữa những đồng lúa xanh rì. Đồn này có lẽ đã bị bỏ trống khá lâu nên khắp nơi cỏ hoang mọc đầy. Dưới trời mưa rả-rích và gió lộng từng cơn, một đám đông, vừa người đi trình-diện lẫn người đưa tiễn, đang đứng lố-nhố trước cổng để chờ đợi. Tôi kéo Nhung chen vào đám đông, rồi lặng-lẽ quan-sát. Dù rất rộng với bốn, năm dãy nhà tôn dài và cao lớn, đồn lính lúc này thật là vắng-vẻ. Ngoài hai tên bộ- đội ôm súng đi qua đi lại trước cổng, tôi chỉ thấy năm, sáu tên bộ-đội khác trong một cái lều vải dựng tạm ở bên trong, cách cổng độ mười lăm mét. Lần lượt từng nhóm độ mười người một, những người đi trình-diện “học tập cải-tạo” được dẫn vào “đăng-ký” trong cái lều vải ấy. Sau một hồi nán lại để dặn-dò và an-ủi Nhung, tôi chia tay nàng đi vào “đăng ký” để nàng có thể về đến nhà trước khi trời tối.
"Đăng-ký" xong, nhóm chúng tôi, trong đó có một nữ quân-nhân, được một tên bộ-đội đeo súng dẫn thẳng vào trong đồn. Đang đi, tôi quay lại nhìn ra cổng thì thấy Nhung vẫn còn đứng đấy với những người đưa tiễn. Khi đến trước một căn nhà to và cao trông như một cái nhà kho, cách cổng đồn độ sáu, bảy chục mét, chúng tôi được lệnh dừng lại. Tên bộ-đội bảo người nữ quân-nhân đứng riêng qua một bên, rồi loay-hoay mở cánh cửa bằng tôn. Ngay lúc ấy tôi quay hẳn người lại nhìn ra cổng. Bên ngoài hàng rào kẽm gai, giữa những người đưa tiễn, Nhung, dưới vành nón lá, đang ngước lên dõi mắt trông theo và đưa tay vẫy. Lòng chợt chùng xuống, tôi cắn chặt răng giơ tay lên vẫy lại.
"Về đi. Em hãy về đi." Tôi thầm-thì.
Tên bộ-đội hối-thúc bọn đàn ông chúng tôi bước vào, rồi đóng sầm cửa lại. Trong căn nhà rộng như một cái hội-trường và ồn-ào như một cái chợ, hàng vài trăm người đang nằm ngồi la-liệt trên những tấm trải đủ loại và đủ màu khác nhau được trải khắp nơi trên sàn xi-măng.
"Chẳng biết có người quen nào của mình ở trong này hay không?" Tôi tự nhủ, rồi đi lần vào đám đông để tìm một chỗ trống.
Chung quanh tôi, mọi người vẫn ồn ào, cười-cười nói-nói. Chắc-chắn là họ cũng như tôi, chẳng ai ngờ rằng mình và hàng trăm ngàn đồng-đội khác đã trở thành những tên tù khổ-sai, dài hạn, và không án.
vũ hữu lý
http://www.denhihocap.com/ds2009/dtbny.html
Biên Hùng chuyển
Bàn ra tán vào (0)
di tản bất như ý - vũ hữu lý
Ă n vội tô hủ-tíu và uống cạn thật nhanh chai bia 33 ở bến phà Thủ-Thiêm, tôi trả tiền rồi ngoắc một chiếc xe ôm để ra Hàng-Xanh. Bây giờ đã hơn bốn giờ chiều
di tản bất như ý
Khép mi lại rõ-ràng mình hăm mấy,
Mở mắt ra lại thấy sáu mươi ngoài!
Ă n vội tô hủ-tíu và uống cạn thật nhanh chai bia 33 ở bến phà Thủ-Thiêm, tôi trả tiền rồi ngoắc một chiếc xe ôm để ra Hàng-Xanh. Bây giờ đã hơn bốn giờ chiều Thứ Bảy, ngày 26 tháng 4 năm 1975. Tôi phải về Bà-Rịa tối nay để sáng mai có thể ra Vũng-Tàu thật sớm, rồi trở lại Sài-Gòn trong ngày.
Mới trưa hôm qua, Bá, một người bạn cùng phục-vụ ở Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải, Đà- Nẵng với tôi vài năm trước đây, đã đến Phòng Nghiên-Huấn, Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân tìm tôi. Hắn nói là Sài-Gòn đang bị bao-vây và cô-lập giống y như Đà-Nẵng hồi cuối tháng 3 vừa qua, rồi quả-quyết rằng cũng giống như Đà-Nẵng, Sài-Gòn sẽ bị Việt-Cộng chiếm trong vòng mươi ngày nữa. Bá cũng cho tôi biết là khi Quân-Đoàn I di-tản, hắn đã đem được cả gia-đình từ Đà- Nẵng vào Vũng-Tàu trên chiếc duyên-tốc-đĩnh (PCF – Patrol Craft Fast) của Hải-Đội 1 Duyên-Phòng mà hắn là thuyền-trưởng. Hiện giờ Bá được biệt-phái cho Hải-Đội 3 Duyên-Phòng và vẫn tuần duyên ở Vũng-Tàu với chiếc PCF ấy, nhưng bố mẹ và bốn đứa em của hắn thì lại đang ở trọ ở Thủ-Đức. Do đó, Bá đến nhờ tôi tìm cho gia-đình hắn một nơi tạm-trú ở Vũng-Tàu để khi cần hắn có thể đem cả gia-đình đào-thoát tiếp. Cuối cùng, Bá bảo tôi rằng nếu muốn, tôi chỉ cần đem gia-đình ra một bãi biển nào đó ở Vũng-Tàu là hắn sẽ bằng mọi giá đem chiếc PCF vào đón và chở toàn bộ gia-đình tôi cùng với các gia-đình của thủy-thủ-đoàn di-tản về miền Tây, hoặc chạy ra tàu của Đệ Thất Hạm-Đội Hoa-Kỳ ở ngoài khơi Vũng-Tàu.
Không tin, tôi bảo Bá rằng Sài-Gòn không thể mất, hoặc nếu có mất thì cũng không thể nhanh như thế được. Mới tuần trước đây, một cuộc họp sĩ-quan của Phòng Nghiên-Huấn đã được triệu-tập để bàn về việc này. Việt-Cộng đã bị chận lại ở Long-Khánh. Ít nhất cũng phải hai tháng nữa chúng mới có khả-năng để tiến về Sài-Gòn vì phải tiếp-viện thêm binh-lính, nhiên-liệu, và vũ-khí. Dù nói với Bá như thế, tôi cũng hứa là sẽ nhờ cô út của tôi ở ấp Bến-Đá, Vũng-Tàu cho gia-đình hắn ở trọ. Giờ đây, tôi phải rời Sài-Gòn để thực-hiện lời hứa đó. “Nếu không có vụ luân-phiên chào cờ đầu tuần vào sáng Thứ Hai thì mình đâu có cần phải về lại Sài- Gòn vội-vã như thế.” Tôi nhủ thầm.
Bác tài-xế xe ôm, theo lời tôi, đã tống hết ga để qua mặt xe-cộ đông đầy sau giờ tan sở trên đường Hai Bà Trưng, nhưng tôi vẫn cảm thấy chậm vì sợ trễ. “Việt-Cộng đang uy-hiếp Bà- Rịa, chúng có thể chận xe-đò lại dọc đường khi trời tối.” Một hạ-sĩ-quan của Phòng Nghiên- Huấn có nhà ở thị-xã Bà-Rịa đã nói với tôi như thế vào hôm Thứ Hai vừa qua. “Dù sao đi nữa mình cũng cứ đi.” Tôi lại nhủ thầm, và nghĩ ngay đến khẩu P38 đã nạp đạn đang nằm gọn trong cái xách tay. Khẩu súng này, như tất cả các súng cá nhân khác, đã được lệnh phải được hoàn-trả vào kho từ mấy tuần trước, nhưng tôi vẫn giữ lại với lý-do để tự-vệ vì nhà ở ngoài phạm-vi thủ-đô Sài-Gòn.
Lên xe đò ở Hàng-Xanh, tôi nhìn quanh và thấy ở một hàng ghế bên trái xe chỉ có một người mặc đồ thủy-quân lục-chiến ngồi. Tôi đi lần đến rồi dừng lại. Người lính liền ngồi dịch vào sát cửa sổ xe để dành chỗ cho tôi. Tôi nói cám ơn, rồi ngồi xuống và đặt chiếc xách tay xuống gầm ghế trước mặt. Xong xuôi, tôi quay qua nhìn người lính. Anh ta cũng vừa quay lại nhìn tôi. “Chào anh.” Cùng một lúc, chúng tôi vừa nói vừa đưa tay bắt. “Chà-ạy!” Người lơ xe la lên và vỗ thình-thình vào thành xe. Chiếc xe đò từ-từ chuyển bánh, tăng tốc-độ, rồi chạy vùn-vụt trên xa-lộ.
Tôi nhận thấy chẳng có gì đáng chú ý. Xe-cộ qua lại trên xa-lộ vẫn tấp-nập.
- Anh về đâu? Người lính thình-lình hỏi.
- Về Bà-Rịa. Còn anh? Tôi hỏi lại.
- Tôi về Vũng-Tàu. Anh ta trả lời.
Qua đối-thoại, tôi được biết người lính tên là Quyền, quê ở Vũng-Tàu. Một tháng trước đây, khi Quân-Đoàn I di-tản, các đơn-vị thủy-quân lục-chiến được lệnh tập-trung để đợi tàu ở bờ phía bắc của vịnh Đà-Nẵng, phía nam đèo Hải-Vân. Tàu hải-quân đã vào đón, nhưng đơn-vị Quyền và một số đơn-vị khác đã bị bỏ rơi lại. Sau khi đơn-vị tan-hàng, Quyền đã phải cởi bỏ quân-phục để mặc thường-phục, rồi chạy theo những người tị-nạn. Cuối cùng, sau mấy tuần lễ gian-nan vất vả, Quyền đã về tới Vũng-Tàu và ra trình-diện một đơn-vị thủy-quân lục-chiến ở đây. Quyền cũng nói với tôi là hiện giờ đang có tin đồn là Việt-Cộng đã tập-trung quân trong mật-khu Minh-Đạm ở núi Long-Hải để chuẩn-bị đánh chiếm thị-xã Bà-Rịa, thủ-phủ của tỉnh Phước-Tuy, nơi chỉ cách thị-xã Vũng-Tàu khoảng hai mươi cây-số. Quyền còn nói có rất nhiều người ở Bà-Rịa đã chạy ra Vũng-Tàu để lánh nạn.
Nghe xong, tôi vẫn chẳng e-ngại gì cả. Trong thâm-tâm, tôi luôn nghĩ rằng Bà-Rịa không thể mất vì thị-xã này nằm trên trục-lộ Sài-Gòn Vũng-Tàu, con đường huyết-mạch phải được bảo-vệ để di-tản nếu cần. Người lơ xe đi đến. Tôi trả tiền xe, rồi dựa đầu vào ghế, lơ-đãng nhìn cảnh-vật bên đường. Pho tượng Tiếc-Thương và những khoảnh đất phủ cờ vàng ba sọc đỏ ở Nghĩa-Trang Quân-Đội dần dần hiện rõ ở phía bên trái khiến lòng tôi se lại. Tôi vội nhìn đi nơi khác để xua đi những hình-ảnh tang-tóc và buồn-thảm của cuộc chiến vừa chợt đến trong đầu.
Chiếc xe đò ra khỏi xa-lộ rồi ngừng ở Ngã Ba Vũng-Tàu để đón thêm khách.
Sinh hoạt ở đây vẫn ồn-ào náo-nhiệt và chẳng có gì khác lạ. Vẫn những
người bán quà vặt, hầu hết là đàn-bà và trẻ con, đứng ngoài cửa sổ xe
hoặc leo cả lên xe mời-chào inh-ỏi. Khoảng mười lăm phút sau, khi xe
chuyển bánh, những người bán quà vặt đang còn trên xe vội-vã chen-lấn,
xô đẩy nhau ra cửa để nhảy
xuống như bị ma đuổi.
Khi xe đã qua khỏi Làng Cô-Nhi Long-Thành và đang chạy ngang một đồn điền cao-su, tôi tình-cờ nhìn qua cửa sổ và thấy năm, sáu chiếc xe thiết-giáp đang nằm im-lìm giữa rừng cây cao-su ngay hàng thẳng lối. Nhìn những người lính đứng ngồi chung quanh và trên nóc những chiếc xe thiết-giáp, tôi chợt nhớ đến Túy và Phán, hai người bạn thời tiểu-học của tôi. Đã bảy năm kể từ lúc hai người này đến từ-giã tôi để lên đường nhập ngũ, tôi chưa hề có dịp gặp lại họ. Vì vậy, cho đến lúc này, tôi chẳng biết họ ở đâu, mà chỉ biết được rằng Túy là một sĩ-quan thiết-giáp đã có vợ, và Phán là một sĩ-quan bộ-binh còn độc thân.
Xe vào bến xe thị-xã Long-Thành đón thêm vài người khách, rồi tiếp-tục đi. Tôi cũng chẳng thấy gì khác lạ. Đoạn đường ngang qua thị-xã vẫn đông người và xe-cộ. Các hàng-quán vẫn mở cửa, và khách vẫn ra vào tấp-nập. Yên tâm, tôi lại dựa đầu vào ghế, rồi chẳng mấy chốc chìm vào giấc ngủ. Giật mình thức giấc, tôi nhận thấy xe đã tới ấp Long-Hương, nơi chỉ còn cách thị-xã Bà-Rịa hơn một cây-số.
- Tốp, tốp! Ngừng đi bác tài. Tôi la lên.
- Ủa! Chưa tới Bà-Rịa mà? Quyền hỏi.
- Tôi phải xuống đây anh ạ.
Tôi trả lời, rồi cúi xuống lấy cái xách tay. Xe ngừng. Tôi bắt tay từ-giã Quyền rồi xuống xe.
Nhìn đồng hồ đã gần bảy giờ tối, tôi vội-vã băng ngang quốc-lộ, rồi đón một chiếc xe Lam ba bánh để đi ngược trở lại. Khoảng nửa giờ sau, tôi bảo bác tài-xế ngừng xe ở đầu ngõ vào nhà thờ Giáo-xứ Thánh Tô-Ma. Giáo-xứ Thánh Tô-Ma là một xứ đạo đã được thành-lập trong cuộc di-cư vĩ-đại của gần một triệu người từ miền Bắc vào miền Nam Việt-Nam để tránh chế-độ Cộng-Sản sau Hiệp-Định Geneva 20 tháng 7 năm 1954. Xứ đạo này cũng là một ấp về phương-diện hành chánh.
Cách Sài-Gòn độ bảy, tám chục cây số, Ấp trải dài gần hai cây-số dọc theo Quốclộ 15 trên lộ-trình Sài-Gòn Vũng-Tàu, và mở rộng hơn một cây số vào phía chân núi Thị-Vải nằm bên trái của quốc-lộ. Ngoài ra, ngay bên phải quốc-lộ là một dãy nhà ngang, nhìn ra mặt lộ, chạy suốt theo chiều dài của ấp. Sau dãy nhà này là một cánh đồng rộng lớn đã được khai-phá từ khi ấp mới thành-lập. Bên ngoài cánh đồng là một bờ đê để ngăn không cho nước mặn tràn vào từ rừng sát. Rải-rác dọc theo bờ đê là những bến ghe ở đầu các nhánh sông cụt. Mỗi bến là nơi đậu của mươi chiếc ghe máy khá lớn và vài chục ghe chèo nhỏ. Tiếp-giáp với bờ đê là rừng sát xanh rì với những nhánh sông chằng-chịt. Mút tầm mắt phía bên ngoài rừng sát là một vùng cửa biển rộng lớn nằm giữa Núi Lớn Vũng-Tàu và đảo Long-Sơn.
Ngay khi xứ đạo vừa mới được thành lập, vị linh-mục già chánh xứ, người đã cùng đi với giáo-dân từ Bắc vào Nam, đã xin được sự trợ-giúp của chính-phủ để dựng lên một ngôi nhà thờ và hai căn nhà nhỏ để làm trường học. Lúc đó, nhà thờ có mái lợp tôn và tường xây bằng xi-măng, nhưng trường học thì chỉ có mái tôn với vách bằng đất. Dưới sự hướng dẫn và giúp-đỡ của phụ-huynh, chúng tôi, những đứa trẻ trên dưới mười tuổi, đã vào rừng phía sau ấp chặt tre hoặc những cây con to cỡ ngón chân cái và dài hai, ba mét để đem về làm sườn, rồi nhồi đất với rơm để trét vách cho những lớp học đầu-tiên của chúng tôi. Sáu năm sau, khi ngôi nhà thờ đã được sửa chữa thật khang-trang, và hai dãy trường học đã được xây-dựng lại để trở thành trường tiểu học bán-công rồi công-lập, vị linh-mục già rời xứ đạo để vào nhà dòng. Từ đó đến nay, vài vị linh-mục khác đã lần-lượt được thuyên chuyển đến để làm chánh xứ.
Người dân ở đây có cuộc sống tương đối đầy-đủ, nhưng rất vất-vả. Ngoài một số nhỏ vào rừng đốn củi và đốt than, phần lớn họ làm ruộng-rẫy quanh ấp, hoặc đánh cá trên những nhánh sông chằng-chịt trong rừng sát. Thêm vào đó, quanh năm suốt tháng họ còn có thể chằm nón lá, một việc rất hợp với đàn bà và trẻ con. Ngoài ra, cũng phải kể một số rất ít, đếm trên đầu ngón tay, làm nghề buôn bán hoặc chạy xe Lam kiếm sống. Sau hơn hai mươi năm, nhân-số trong ấp đã tăng gấp bội, lên tới vài ngàn người. Dù rộng và đông dân như thế, ấp chủ-yếu vẫn chỉ tự bảo-vệ. Mới đầu, ấp được bảo vệ bởi Đoàn Thanh-Niên Công-Giáo của giáo xứ. Sau đó ấp được bảo-vệ thường-trực bởi một trung-đội Nghĩa-Quân, gồm toàn những giáo-dân trong xứ đạo, và một đoàn Nhân-Dân Tự-Vệ của ấp khoảng vài chục người, bao gồm những thanh-niên được miễn, hoãn, hoặc chưa tới tuổi quân-dịch. Vậy mà suốt hai chục năm qua, Việt-Cộng chưa bao giờ dám bén-mảng vào trong ấp. Cả ấp chỉ có không tới mười người là sĩ-quan trong quân-đội. Tất cả đều xuất-thân từ trường tiểu-học ở đây. Trong số những người này thì Túy, Phán, và tôi là ba học trò trong những lớp học đầu tiên khi xứ đạo vừa mới được thành-lập.
Đã hơn sáu năm kể từ khi vào lính, tôi cũng đi biền-biệt như Túy và Phán nên chỉ có thể hỏi thăm tin-tức về họ mỗi khi có dịp về thăm nhà. “Chẳng biết có thằng nào về nhà vào cuối tuần này như mình hay không?” Tôi nhủ thầm khi xuống xe Lam bước vào đầu ngõ. Nhung, vợ tôi, đón tôi trước cửa.
- Ô! Sao anh nói tuần sau mới về? Nàng ngạc nhiên hỏi.
- Anh về có chút việc cần em ạ.
Tôi trả lời khi bước vào nhà.
- Người tị-nạn từ ngoài Trung vào nhiều quá anh ơi. Họ ở đầy nhà công-quán và hai dãy trường học ở cuối nhà thờ đấy. Nàng bảo tôi.
- Thế hả em? Tôi hỏi vô- thưởng vô-phạt.
Ngập-ngừng một lát, Nhung lo-âu nói:
- Lính nhảy-dù đóng rất đông ở chân núi phía sau ấp. Không biết tình hình rồi sẽ ra sao!
- Chẳng có gì đáng phải lo đâu. Tôi trấn an nàng.
Trời đã về khuya. Đài phát thanh Sài-Gòn đang phát ra phần tin-tức. Tình-hình chiến-sự đã tồi-tệ, tình-hình chính-trị còn tồi tệ hơn. Theo đài phát thanh thì quân-đội Bắc-Việt đang siết dần vòng vây chung quanh Sài-Gòn. Cũng theo đài phát thanh thì Cụ giáo Tổng-Thống Trần-Văn-Hương đang bị áp-lực buộc phải trao quyền cho tướng Dương-Văn-Minh. Theo lời Cụ thì tướng Minh đã năn-nỉ xin Cụ trao chức-vụ Tổng-Thống cho ông ta với lý-do là ông ta đã giàn-xếp với Việt-Cộng. Cụ cũng vạch rõ rằng tướng Minh đã về hưu không còn chức-vụ gì nữa, vậy ông ta lấy tư cách gì mà đi giàn-xếp với Việt-Cộng. Hơn thế nữa, "Đất-Nước không phải là chiếc musoa để muốn trao cho ai thì trao." Cụ nhấn mạnh.
Trao quyền cho tướng Minh thì còn chiến-đấu gì được nữa. Tôi nghĩ thầm, rồi chán-nản tắt máy thu-thanh bước ra ban-công.
Nhìn về hướng đông, tôi giật mình thấy những ánh hỏa-châu sáng rực trên bầu trời Bà-Rịa. Trời vừa tảng sáng thì những người lính nhảy-dù đã từ chân núi Thị-Vải lũ-lượt kéo ra quốc-lộ. Tin-tức lan-truyền rất nhanh. Mọi người đều hoang-mang khi nghe nói đó là một đơn-vị thiện-chiến của Lữ-Đoàn 1 Nhảy-Dù có nhiệm-vụ bảo-vệ Bà-Rịa và Quốc-lộ 15. Lính dù mà rút lui thì chắc chắn là Việt-Cộng sẽ tràn vào. Tình-hình trong ấp nhanh chóng trở nên rối-loạn. Người ta chạy đôn chạy đáo để dò-la tin-tức và hỏi ý-kiến lẫn nhau. Từ trên ban-công, tôi nghe được những lời đối-thoại của những người đi ở dưới đường.
- Tụi mình phải dấu súng đi mới được! Một vài người nào đó bảo nhau.
- Chúng sẽ tịch-thu tất cả của-cải, ruộng-vườn, và gia-súc. Lại còn kết tội địa-chủ và đem ra đấu-tố! Một người khác thêm vào.
- Thế thì mình làm thịt heo gà đang nuôi để ăn và bán rẻ đi còn hơn. Có ai đó đưa ý-kiến.
Suốt buổi sáng, đoàn quân nhảy-dù đã tìm mọi cách để về Sài-Gòn hoặc ra Vũng-Tàu nhưng đều vô hiệu. Những chuyến xe cam-nhông chở đầy lính “mở-đường-máu” về Long-Thành hoặc ra Bà-Rịa đều bị dội ngược lại. Vậy là hai nơi này đã bị Việt-Cộng chiếm-đóng. Đoàn quân nhảy-dù rốt cuộc đã bị kẹt ở giữa, và hiện giờ đang tập-trung trên quốc-lộ, tại một cây cầu ở phía tây và cách ấp tôi không đầy một cây số.
Trời đã về chiều, khi tôi đang giúp mấy người em vợ đào một cái hầm để "chống pháo-kích" thì một đứa cháu của tôi đến tìm và nói là vợ tôi nhắn tôi về thật gấp. Tôi vội vã về nhà cách đó chỉ vài trăm mét. Vừa thấy tôi, Nhung đã cuống-quít nói:
- Lính nhảy-dù đang di-chuyển ra rừng sát. Ai cũng nói anh phải đi đi, nếu không thì nguy-hiểm lắm.
Ngập-ngừng một lát, nàng lo-lắng nhìn tôi hỏi:
- Làm sao bây giờ. Anh?
"Làm sao bây giờ?". Tôi cũng tự hỏi, rồi trong một thoáng ôn lại quá-trình trong quân-đội của mình.
T háng 3 năm 1969, tôi rời Đại-Học Khoa-Học Sài-Gòn để tình-nguyện gia-nhập Khóa 20 Sĩ-Quan Hải-Quân, còn gọi là Khóa Đệ Nhị Hổ-Cáp. Cuối tháng 7 năm 1970, sau khi tốt-nghiệp tại Trường Sĩ-Quan Hải-Quân Nha-Trang, tôi về Sài-Gòn để làm thủ-tục đi thực-tập trên Đệ Thất Hạm-Đội của Hải-Quân Hoa-Kỳ. Tuy nhiên, sau khi đã may quần áo và chờ đợi được gần 2 tháng, tôi lại được lệnh trình-diện Phòng Tổng Quản-Trị, Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân để chọn đơn-vị. Tại đây, sau khi được biết là có vài người cùng khóa lúc còn trong quân-trường đã tình-nguyện về Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải, nhưng sau khi ra trường được lệnh tân-đáo đơn-vị thì lại năn-nỉ xin rút lui, tôi đã tình-nguyện và trở thành người đầu tiên trong Khóa 20 về phục-vụ tại đơn-vị này.
Sở Phòng Vệ Duyên-Hải (CSS-Coastal Security Service) là một đơn-vị bí-mật trong chiến-tranh không quy-ước, do Hoa-Kỳ yểm trợ, nên không trực-thuộc Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân mà trực-thuộc Nha Kỹ-Thuật, Bộ Tổng-Tham-Mưu, Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa.
Kể từ cuối thập niên 1960, doanh-trại của Sở nằm ven bờ phía nam của
vịnh Đà-
Nẵng, trên sườn núi Khỉ (Monkey Mountain) của bán-đảo Sơn-Trà, và chỉ
cách bãi tắm Tiên-Sa và Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng 1 Duyên-Hải khoảng một
cây-số.
Ngoài Bộ Chỉ-Huy và Khối Kỹ-Thuật Sở bao gồm Lực-Lượng Hải-Tuần, được
trang-bị những chiếc PT (PTB - Patrol Torpedo Boat, Ngư-Lôi-Đĩnh hay PTF
- Patrol Torpedo Fast, Khinh-Tốc-Đĩnh) có vận-tốc tác-chiến lên đến 55
gút (trên 100 cây-số mỗi giờ) và SWIFT (tiền thân của các PCF ở các
Hải-Đội Duyên-Phòng), và Lực-Lượng Biệt-Hải, được trang-bị đủ loại
vũ-khí kể cả vũ-khí
của khối Cộng. Cả hai lực-lượng này đều được huấn-luyện và yểm-trợ một
cách đặcbiệt để thực-hiện những biệt-vụ chống lại Cộng-Sản Bắc-Việt.
Nhân-viên của Sở là những người hoàn-toàn tình-nguyện, được tuyển-chọn từ các quân-nhân hải-quân lẫn lục-quân và những nhân-viên dân-chính mà chúng tôi gọi là “biệt-kích không số quân”. Mỗi nhân-viên, dù là quân-nhân hay dân-chính, đều ký với Sở một giấy cam-kết giữ bí-mật và sẵn-sàng thihành công-tác ở bất cứ nơi đâu, dù có phải “đi không trở lại”, trên lãnh-thổ Việt-Nam từ ải Nam-Quan đến mũi Cà-Mau.
Trong hơn hai năm phục-vụ tại đơn-vị này, tôi được chỉ-định làm Hạm-Phó, rồi Hạm-Trưởng SWIFT kiêm Sĩ-Quan Phòng- Thủ Đơn-Vị của Lực-Lượng Hải-Tuần.
Ngay sau Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, các PT của Sở đã liên-tiếp vượt vĩ-tuyến 17 nhằm tấn-công Bắc-Việt, nhưng đều bị lộ và phải quay về. Chẳng bao lâu sau đó, không biết vì khế-ước liên-quan đến Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải giữa Việt-Nam Cộng-Hòa và Hoa-Kỳ đã hết hạn, hay vì không muốn cho Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa sử-dụng PT để tấn-công trả đũa Bắc-Việt, và chống lại Trung-Cộng ở trận Hoàng-Sa sau này, Hoa-Kỳ đã thâu-hồi tất cả các PT của Sở để đem về Căn-Cứ Hải- Quân Subic Bay ở Phi-Luật-Tân. Nhận thấy sau khi các PT bị thâu-hồi, Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải không còn là một đơn-vị hào-hùng như trước nữa, tôi đã quyếtđịnh xin về lại Hải-Quân.
Tháng 12 năm 1972, về trình-diện Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân, rồi Bộ Tư-Lệnh Hạm Đội, tôi được thuyên-chuyển xuống Tuần-Dương-Hạm Ngô-Quyền HQ-17. Trên tàu này, tôi được chỉ-định giữ chức-vụ Trưởng Ban Trọng-Pháo, rồi Trưởng Ban Trọng-Pháo kiêm Trưởng Khối Vũ-Khí Vỏ-Tàu, rồi sau cùng là Trưởng Ban Trọng-Pháo kiêm Sĩ- Quan An-Ninh Chiến-Hạm. Sau một năm phục-vụ trên chiến-hạm, với những chuyến ra khơi dài đằng-đẵng để tuần dương và hàng chục lần từ ngoài khơi chạy vào bãi biển Sa-Huỳnh, gần ranh-giới hai tỉnh Bình-Định và Quảng-Ngãi, để yểm-trợ hải-pháo, tôi xin về học Tham-Mưu Trung-Cấp Hải-Quân.
Tháng 1 năm 1974, đang tuần-tiễu ở quần-đảo Trường-Sa thuộc Vùng 3
Duyên-
Hải, HQ-17 nhận được công-điện của Trung-Tâm Huấn-Luyện Hải-Quân Sài-Gòn
yêu-cầu gởi tôi về học Khóa 1/74 Tham-Mưu Trung-Cấp Hải-Quân. Dĩ-nhiên
là tôi phải đợi cho đến khi nào tàu vào bờ. Vài ngày sau, chiến hạm
thình-lình được lệnh trực-chỉ Đà-Nẵng để tăng-phái cho Vùng 1 Duyên-Hải.
Ngay sau khi tàu cập cầu quân-cảng Đà-Nẵng trước Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân
Vùng 1 Duyên-Hải, tôi
nhận sự-vụ-lệnh và được một người bạn giúp đỡ nên ngày hôm sau đã về tới
Sài-Gòn bằng máy bay quân-sự để tham-dự khóa học.
Vài tuần sau, khi thấy HQ-17 cập cầu ở Sài-Gòn, tôi xuống thăm bạn-bè
mới biết là HQ-17 đã được điều-động từ Trường-Sa ra Đà-Nẵng để chuẩn-bị
tái chiếm quần-đảo Hoàng-Sa vừa bị Trung-Cộng cưỡng chiếm sau trận
hải-chiến vào ngày 19 tháng 1 năm 1974, nhưng sau đó cuộc hành-quân đã
bị
hủy-bỏ.
Cuối tháng 6 năm 1974, sau khi tốtnghiệp Tham-Mưu Trung-Cấp và được ưu tiên chọn đơn-vị, tôi đã chọn Phòng Nghiên-Huấn thuộc Khối Quân-Huấn, Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân, Sài-Gòn. Từ đó đến nay, tôi vừa giữ chức-vụ Trưởng Tiểu-Ban Học-Trình tại Phòng Nghiên-Huấn vừa kiêm-nhiệm trách-vụ Bồi-Thẩm Hải-Quân tại các Tòa Án Dân-Sự và Quân-Sự Mặt Trận.
"Nếu chúng khám-phá ra mình đã phục-vụ ở Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải hoặc Tòa Án Quân-Sự Mặt Trận thì thật là nguy-hiểm." Tôi tự nhủ, rồi nói với Nhung:
- Rất có thể là lính nhảy-dù sẽ được tàu vào đón. Nếu không thì họ cũng sẽ vượt rừng sát để ra Vũng-Tàu. Anh sẽ đi theo họ để tìm phương-tiện về Sài- Gòn.
Ngay lúc nói như thế, tôi nghĩ đến Căn Cứ Hải-Quân Cát-Lở thường được dân chúng tại đây gọi là Thành Hải Quân, và tự nhủ rằng nhất định phải có vài người bạn cùng khóa với tôi đang phục-vụ ở đấy.
Sau khi căn-dặn Nhung chuẩn-bị cho mình một số hành-trang, tôi lên ban-công lầu hai để quan-sát. Nhìn những cụm khói đen thật lớn đang bốc lên ở hướng tây của ấp, tôi đoán là lính nhảy-dù đã thiêu-hủy những khẩu đại bác và xe-cộ của họ. Ngoài ra, tôi cũng thấy vài cụm khói vươn lên ở gần bờ đê cách quốc lộ không đầy một cây-số đường chim bay.
"Họ di-chuyển ra bến ghe." Tôi nhủ thầm.
Khi tôi xuống lầu thì Nhung đã chuẩn bị sẵn những thứ tôi đã dặn. Tôi vội-vã mặc bộ thường-phục màu đậm và mang vào đôi giày ba-ta biệt-hải màu xám tro, rồi kiểm lại cái ví da đựng tiền và giấy-tờ tùy-thân. Ngay lúc đó, Nhung đưa đến cho tôi một túi ny-lông dày cộm trong đựng một bộ quần áo để dự-phòng của tôi và một lon guy-gô bằng nhôm.
- Trong lon guy-gô là thức ăn. Nàng nói.
Tôi cẩn-thận nhét khẩu súng cùng với hộp đạn và cái ví da vào giữa bộ quần áo trong túi nylông ấy, rồi dùng một sợi dây thung cột chặt miệng túi lại. Xong xuôi, tôi bỏ túi ny-lông vào trong một chiếc túi rết của lính, gài nắp, rồi choàng quai qua đầu và điều-chỉnh để đeo vừa bên hông.
- Phải rất cẩn-thận, anh nhé. Nhung rưng-rưng nhìn tôi dặn-dò.
Nhận thấy Nhung quá lo-lắng, tôi nắm chặt tay nàng an-ủi:
- Em cứ yên tâm. Anh sẽ tìm mọi cách để về Sài-Gòn. Rồi đây mình sẽ gặp lại. Em hãy giữ-gìn sức-khỏe nhé.
Khi Nhung và tôi ra đến cửa thì gặp cha và chú tôi đang đứng đợi. Cha tôi nói:
- Chúng tôi già rồi. Nhà ta chỉ còn có một mình anh. Anh phải đi thì mình mới mong có ngày gặp lại.
Chú tôi, người duy-nhất trong những người thân của tôi biết là tôi đã từng phục-vụ ở một đơn-vị không quy-ước, tiếp lời:
- Cho dù có phải đợi mấy chục năm nữa, như từ hồi di-cư 54 đến giờ, cũng vẫn hơn là anh bị chúng bắt.
- Con sẽ về lại. Xin Ba và Chú hãy giữ-gìn sức-khoẻ.
Tôi nói với cha và chú tôi, rồi vội-vã rời nhà để ra bến ghe.
Tôi vừa ra khỏi cửa thì gặp Tuân, con người chị cả của cha tôi, đang đứng đợi để cùng đi với tôi. Trên đường ra bến ghe, Tuân nói anh ta cũng phải di-tản vì đã từng phục-vụ trong một đơn-vị đặc-biệt. Ngoài ra, Tuân cũng cho tôi biết là anh ta sẽ ra nhà bố mẹ vợ ở ấp Bến-Đá, Vũng-Tàu để tạm-thời lánh nạn.
Khi Tuân và tôi tới bến ghe thì trời vừa sụp tối. Thấp-thoáng dưới bóng đêm, một đoàn lính nhảy-dù lẫn-lộn với một số ít thường dân đang nối đuôi nhau rời bờ đê lội qua một cái mương hẹp để vào rừng sát. Chúng tôi liền cởi giầy bỏ vào túi đeo, rồi xắn quần chen vào giữa dòng người đang dichuyển ấy. Sau khi đã lội qua mương để vào trong rừng sát, mọi người lại phải lội bì-bõm vì mực nước trong rừng vẫn còn cao hơn mặt đất cả gang tay. Rừng ở đây gồm toàn những cây vẹt, hay cây đước với hàng trăm rễ phụ từ thân cây chĩa ra, uốn cong như những cánh cung, rồi cắm xuống mặt bùn. Thêm vào đó là hàng ngàn trái vẹt rụng nay đã mọc thành cây con chĩa lên tua-tủa như chông trên mặt bùn vẫn còn đầy nước.
Càng vào sâu, rừng cây càng rậm-rạp,
lối đi càng quanh-co uốn khúc, và bùn-lầy
càng nhão-nhoẹt dưới bước chân vì đã bị dẵm
nát bởi những người đi trước. Đôi khi bị lún
quá sâu, tôi phải bám vào một cành hoặc rễ
cây ven lối đi để lấy sức rút chân lên. Trong
bóng đêm mờ ảo, đoàn người vẫn đi. Thỉnhthoảng
một tràng đạn súng tay hoặc một trái
lựu-đạn bất-thần nổ vang khiến mọi người
hốt-hoảng. Những lúc ấy, bất kể lính hay
thường dân, ai nấy đều tranh nhau để vượt lên
phía trước.
- Cứu tôi! Cứu tôi với. Có tiếng cầu-cứu vang lên.
Tôi trố mắt nhìn trong đêm. Trước mặt tôi, những người lính đang tạt sang hai bên để đi tới. Ở giữa lối đi, một người lính bị lún sình tới gần ngang ngực. Anh ta đang chới-với, cố gắng nhoai lên nhưng vô hiệu vì chiếc ba-lô trên lưng đã ngập một nửa dưới bùn.
- Mình kéo hắn lên. Tôi nói với Tuân.
Chúng tôi liền bước sang hai bên, rồi mỗi người nắm một cổ tay người lính, tay kia bám chặt vào một cành cây để lấy sức.
- Một, hai, ba! Tôi kêu lên làm hiệu.
Chúng tôi tức-thì kéo người lính lên và đi tới. Khi người lính ấy đã lên khỏi vũng lầy và đang gượng đứng lên trên mặt bùn nhão-nhẹt, chúng tôi buông tay và tiếp-tục bước nhanh theo đoàn người phía trước. Sau hơn nửa giờ lội bì-bõm trong rừng vẹt, đoàn người bị chận lại bởi một nhánh sông rộng đến vài chục mét. Thủy-triều mới bắt đầu xuống, nước vẫn còn phủ bìa rừng. Tuân và tôi bơi sang bờ đối-diện, rồi lại tiếp tục theo đoàn người đi sâu hơn vào rừng sát. Từ đây, dù nước không còn phủ mặt đất, việc di-chuyển vẫn vất-vả vì bùn-lầy vướng chân và cây cùng rễ vẹt cản lối. Đang đi, tôi chợt nghe có những tiếng quát-tháo lẫn-lộn với tiếng đàn bà và trẻ con khóc vọng tới từ nhánh sông phía sau, nơi chúng tôi và mọi người vừa mới vượt qua. Mặc kệ chuyện gì xảy ra phía sau, đoàn người vẫn tiếp tục đi. Chẳng mấy chốc, một nhánh sông khác lại chận ngang trước mặt.
Thủy-triều đang xuống thật nhanh. Dòng nước đã gom lại giữa lòng nhánh sông, để lộ ra hai bãi bùn ở hai bên bờ. Thấp-thoáng trong đêm tối, những người đi trước đang lội bùn để tới dòng nước. Nhiều người la ơi-ới hoặc chửi thề ỏm-tỏi vì bị lún bùn quá sâu. Thấy vậy, Tuân và tôi bảo nhau đi độ mười mét ra khỏi đám đông, rồi chạy thật nhanh trên bãi bùn để đến dòng nước. Nhờ vậy, chúng tôi đã tới mé nước không mấy vất-vả. Sau khi lội ngang dòng nước, chúng tôi lại chạy thật nhanh qua bãi bùn ven bờ đối-diện để vào bìa rừng phía trước.
Cứ thế, đoàn người đã vượt năm, sáu nhánh sông trước khi bị khựng lại ở một dòng sông lớn. Khi Tuân và tôi đến nơi, nước sông đã rút để lộ một bãi phù-sa rộng độ vài chục mét chạy dọc ven bờ. Những người đến trước đã phân-tán ở bìa rừng để chờ đợi. Ngay trước mặt chúng tôi, một nhóm khoảng nửa tiểu-đội lính đang đi tới đi lui trên bãi.
- Đống-Đa, Đống-Đa! Đây Bắc-Bình ...
Tiếng âm-thoại truyền-tin vang lên trong đêm tối. Chỉ vài phút sau, tôi nghe có những tiếng càu-nhàu và chửi thề trong bọn họ. Thì ra đó là bộ chỉ-huy của đoàn quân di-tản. Theo lời họ đối-thoại với nhau, tôi hiểu rằng đoàn quân nhảy-dù này đã được lệnh đến một nơi nào đó trong rừng sát để đợi tàu vào đón, nhưng lúc này lại được cho biết đích-xác là không có tàu gì cả. Sau cùng, vì phải tự lo lấy, họ đã bàn với nhau chia ra làm nhiều nhóm để di-tản. Hơn nữa, họ cũng đã quyết-định là sẽ ra Vũng-Tàu chớ không đến cầu Cỏ-May ở gần thị-xã Bà-Rịa vì sợ rằng cây cầu này đã bị Việt-Cộng chiếmđóng. Họ cũng không đến cầu Cây-Khế vì sợ bị quân bạn ngộ-nhận là Việt-Cộng. "Vậy vẫn còn may. Nếu không biết đích-xác là không có tàu thì đoàn quân sẽ phải đợi cho đến bao giờ?" Tôi nghĩ thầm.
Những người lính gần bên chúng tôi đã bắt đầu xuống sông. Tuân và tôi rời bìa rừng đi lần xuống bãi. Khi chúng tôi tới mé nước, Tuân lo-lắng hỏi:
- Chú liệu có thể bơi qua sông được không?
Nhìn dòng nước lấp loáng trong đêm, tôi không thể ước-lượng được chiều rộng của con sông là bao nhiêu, nhưng vẫn quả-quyết:
- Được!
Tôi vừa trả lời xong thì Tuân kéo tôi quẹo trái để đi về phía thượng dòng. Khi đã ra khỏi đám đông được vài chục mét, chúng tôi lẳng-lặng rời bãi để xuống sông.
Thủy-triều đang ở mức thấp nhất nên gió lặng như tờ, và nước chảy rất chậm. Tuân và tôi thong-thả bơi bên nhau. Bên phải chúng tôi, những tiếng kêu-cứu, gọi nhau ơi-ới cứ liên-tục vang lên trong đêm tối. Lúc này tôi mới chợt nhận ra rằng tôi đang vừa bơi vừa kéo theo cái túi rết nửa nổi nửa chìm trên mặt nước. Không biết đã bơi được bao lâu, tôi bỗng thấy có những vật màu đen trông như những trái banh đang trôi trên mặt nước. Tôi đưa tay chụp một vật đang trôi trước mặt thì chạm phải cạnh của một cái nón sắt gần đầy nước đang lật ngửa. Chiếc nón sắt tức-thì bị đầy nước và chìm mất tiêu xuống đáy sông. Tôi để ý chụp một vật khác vừa trôi tới thì được một cái bi-đông bằng nhựa.
- Chụp lấy một cái bi-đông. Tôi bảo Tuân.
Tuân biểu đồng tình, rồi chỉ trong chốc lát cũng chụp được một cái bi-đông bằng nhựa như tôi. Hai chiếc bi-đông này đã làm chúng tôi phấn-khởi và yên tâm hơn khi tiếp-tục bơi qua sông. Khi gần đến bờ đối-diện, tôi chợt thấy một người đang bơi từ bờ ra, ngược chiều với chúng tôi.
- Còn bơi được không? Có cần giúp không? Tiếng một người đàn ông hỏi dồn.
- Không cần đâu. Cám ơn. Tôi nói.
Tuân cũng trả lời tương-tự. Người đàn ông liền quay lại, cùng bơi vào bờ với chúng tôi. Sau khi Tuân và tôi đã lên bờ, người đó lặng-lẽ bỏ đi, và mất hút vào bìa rừng trước mặt. Nằm dài trên bờ sông nghỉ mệt, tôi chợt nhớ lại những tiếng kêu-cứu trên sông, rồi nghĩ là rất có thể một vài người lính đã chết đuối vì vướng bận ba-lô và vũ-khí. Tôi cũng nghĩ rằng chúng tôi đã rất may-mắn vì khi mọi người đang bơi thì thủy-triều bắt đầu lên, nên dòng nước đã đổi chiều làm cho những vật nổi, như chiếc nón sắt và bi-đông, trôi từ chỗ những người lính về phía chúng tôi. Tuy nhiên, tôi không thể hiểu tại sao những người lính lại buông trôi những thứ ấy.
- Bây giờ chúng ta ăn uống rồi nghỉ ở đây. Mai hãy đi tiếp.
Một người nào đó nói như ra lệnh cho những người lính đang nghỉ mệt ven bờ. Quan-sát những người lính tản mát vào bìa rừng tìm chỗ nghỉ, tôi ước chừng họ chỉ có vài chục người. Như vậy đây chỉ là một nhóm rất nhỏ của đoàn quân, số rất đông còn lại đã vượt sông ở chỗ khác.
- Mình cũng tìm chỗ nghỉ chú ạ. Tuân bảo tôi.
Chúng tôi vào bìa rừng, rồi ngồi dựa vào hai gốc cây kế cận nhau để nghỉ. Khi mở túi rết và cởi bao ny-lông để lấy lon guy-gô thức ăn, tôi nhận thấy mọi thứ trong bao nylông đều không bị ướt. Một điều thật trùng hợp là Tuân và tôi mỗi người đều đem theo một lon guy-gô không hề có cơm mà toàn là những miếng thịt heo luộc được cắt to cỡ nửa nắm tay. Lại nữa, không ai trong chúng tôi mang theo nước uống, nhưng cả hai cái biđông lượm được trên sông đều mới vơi đi chừng một nửa. Chúng tôi cùng nhau ăn uống dưới bóng đêm, không hề nghĩ rằng ăn thịt có mỡ và uống nước lạnh có thể bị đau bụng. Khi tôi thắc-mắc về sự trùng-hợp của hai lon thịt, Tuân cho tôi biết là chính mẹ anh ta đã cho làm thịt một con heo để phát cho bà con và bán tháo đi ở ngoài chợ. Nghe Tuân nói, tôi phì cười vì thật không ngờ bà bác của tôi lại là một trong những người sợ bị Việt-Cộng đấu tố. Chợt có tiếng một người lính nào đó chửi thề: "Đ.m! Đánh đấm gì kỳ thế. Chưa đánh đã bảo chạy."
Một người khác càu nhàu:
- Mẹ kiếp! Thế rồi mấy chả chạy mất tiêu.
Lại một người khác lên tiếng:
- Giờ này chắc mấy chả đang ở trên tàu Mỹ ráo trọi.
Cuộc đối-thoại của những người lính cứ thế xoay quanh việc "ra lệnh rồi bỏ trốn" của những người chỉ-huy cao cấp của họ.
Ăn uống xong, chúng tôi nửa nằm nửa
ngồi, dựa vào gốc cây cố ngủ lấy sức. Dù rất
mệt-mỏi, nhưng tôi vẫn không thể ngủ được
vì những ý nghĩ chợt đến trong đầu. Đã gần
hai mươi mốt năm kể từ ngày theo gia-đình
di-cư từ Bắc vào Nam để tránh chế-độ Cộng-
Sản, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có ngày mình
phải chạy trốn một lần nữa. Nào ngờ giờ đây,
Việt-Cộng lại rượt theo bén gót khiến tôi phải
rời gia-đình để ra đi. Không biết rồi đây tôi có
còn gặp lại những người thân-mến hay
không? Nếu có thì bao giờ? Hay lại mươi,
mười lăm, hoặc hai mươi năm nữa như chú tôi
đã nói? Tôi mới cưới Nhung được vài tháng
nay, nếu tôi đi biệt tăm thì thật là tội-nghiệp
cho nàng. Nghĩ đến đây, tôi chợt thấy lòng
mình chùng xuống, vừa buồn-rầu vừa lo-lắng,
vừa áy-náy không yên. Một lát sau, tôi lại tự
an-ủi mình rằng Sài-Gòn không thể mất được.
Tôi nhất định phải về lại đơn-vị để cùng với
đồng-đội chiến-đấu. Trước sau gì thì Việt-
Cộng cũng sẽ bị đẩy lui về miền Bắc. Chỉ vài
ngày nữa thôi, tôi sẽ kể cho những người bạn
của tôi ở Sài-Gòn nghe về cuộc "di-tản chiếnthuật
bất-đắc-dĩ" của tôi với một đơn-vị của
Lữ-Đoàn 1 Nhảy-Dù. "Chắc chắn là họ sẽ tức
cười lắm." Tôi tự nhủ, rồi ngủ thiếp đi sau
một hồi suy-nghĩ miên-man.
Giật mình thức giấc, tôi cảm thấy dưới chân và mông lạnh ngắt. Thì ra nước đã ngập tới gốc cây. Tôi liền leo lên ngồi trên một cành cây cách mặt đất độ một mét. Tuân cũng leo lên cây bên cạnh. Một tay choàng qua thân cây, tôi tiếp-tục dỗ giấc ngủ. Không biết đã được bao lâu, tôi lại giật mình tỉnh dậy. Có những tiếng chửi thề xen lẫn với tiếng những bước chân lội bì-bõm đâu đây. Thì ra thủy triều vẫn mỗi lúc càng cao, và nước đã ngập tới hai bàn chân đang thòng xuống của tôi. Gió sông lúc nước lên thổi ào-ào, nhưng tôi không hề cảm thấy lạnh. Để cho chắc ăn, tôi lại leo lên một cành cao hơn, rồi ngồi chồm hổm như chim và tiếp-tục nhắm mắt ngủ-gà ngủ-gật chờ sáng.
Những tiếng lách-cách vang lên ở chung quanh làm tôi tỉnh giấc. Trời vừa mờ sáng. Nước đã rút khỏi bìa rừng. Tôi vội-vã leo xuống vì nhận ra rằng những người lính đang chuẩn-bị lên đường. Tuân ở trên cây bên cạnh cũng leo xuống theo.
Bỗng một người nào đó lên tiếng hỏi:
- Máy truyền-tin đã chìm xuống sông hồi đêm. Làm sao bây giờ?
Không có tiếng trả lời.
Vài phút sau, một người khác nói:
- Tất cả sẵn-sàng chưa? Chúng ta đi.
Rõ ràng đó là tiếng của cấp chỉ-huy bảo thuộc-hạ. Có tiếng thầm-thì trao-đổi, rồi một người lính với khẩu M16 trên tay đi vượt lên trước. Những người còn lại chia thành từng nhóm hai hoặc ba người lần-lượt theo sau, đi sâu vào rừng cây rậm-rạp.
Tôi lặng-lẽ quan-sát. Toán lính chỉ có hơn hai chục người. Khoảng năm, sáu người trong bọn họ còn đeo ba-lô. Ngoài ra, cũng có vài người chỉ mặc quần dài và áo thung. Về vũ-khí, ngoài khẩu colt 45 của người chỉ-huy, cả toán chỉ còn một khẩu M16 của người lính đi đầu và dăm trái lựu-đạn của vài người lính khác. Qua những mẩu đối-thoại của họ, tôi cũng biết được rằng ngoài người sĩ-quan chỉ- huy được gọi là thẩm-quyền, còn một sĩ-quan nữa được gọi là bác-sĩ. Tuy nhiên, tôi không thể biết được cấp-bậc của hai người sĩ-quan này vì cả hai đều không mang lon trên áo và không hề gọi nhau bằng cấp-bậc.
Trong khi chờ cho toán lính di-chuyển, tôi mở túi rết lấy giày mang vào, rồi kín-đáo để khẩu súng và hộp đạn ra bên ngoài túi ny-lông trong túi rết, phòng khi hữu-sự. Trong hoàn cảnh này, tôi không muốn những người lính biết là tôi cũng ở trong quân-đội.
"Họ biết mình là người trong xứ đạo là được rồi." Tôi tự nhủ.
Hai người sĩ-quan bắt đầu đi. Tuân và tôi đứng dậy dợm bước theo sau.
- Hai anh đi lên trước đi. Dầu sao đi nữa thì chúng tôi cũng bảo-vệ các anh.
Người sĩ-quan chỉ-huy nói và dừng lại đợi. Chúng tôi ra dấu cám ơn rồi đi vượt lên. Người sĩ-quan quân-y và vài người lính khác cũng dừng lại nhường bước. Sau khi đi sâu vào rừng độ năm chục mét, đoàn người không còn phải tránh-né những vũng nước hoặc sình lầy nữa. Mặt đất trên cù-lao đã trở nên khô-ráo vì cao hơn mực thủy-triều. Rừng cây trước mặt cũng hoàn toàn thay đổi, không còn những cây vẹt với những rễ phụ từ thân cây chĩa ra chằng-chịt nữa. Thay vào đó là một tập hợp những loại cây cỏ mà tôi không biết tên của một khu rừng thưa và thấp. Có vài nơi trên mặt đất, lá lẫn với những cành cây nhỏ khô mục phủ đầy như trải thảm.
Đoàn người tiếp-tục len-lỏi qua những bụi cây còn ướt sương đêm để băng ngang cù lao. Trong lúc di-chuyển, mặc dù mọi người đều cố-gắng không gây tiếng động để khỏi bị lộ vị-trí, tiếng lách-tách của những nhánh cây con khô mục bị đạp gẫy dưới bước chân vẫn liên-tục vang lên.
Toán quân vẫn đi thành từng nhóm hai hoặc ba người cách nhau chỉ độ vài mét. Từ phía sau, thỉnh-thoảng tôi có thể nhìn thấy người lính cầm súng đi đầu đang làm hiệu cho những người đi sau dừng lại hoặc tiến tới. Đôi khi, theo dấu hiệu của người đi đằng trước, mọi người phía sau phải vội-vã nép vào những bụi cây rậm-rạp để chờ đợi, rồi lại tiếp-tục đi tới khi được ra dấu cho đi.
Hơn một tiếng đồng hồ sau, khi đoàn người ra đến bìa rừng thì đối diện với một ngã ba sông rộng lớn. Không ai bảo ai, mọi người đều nhanh-chóng núp vào những bụi rậm ven bờ.
- Quan-sát ngoài sông xem có thuyền-bè gì không. Người sĩ-quan chỉ-huy bảo thuộc-hạ.
Từ nơi ẩn-núp, tôi thấy hai người sĩ-quan ở bụi cây bên cạnh đang chụm đầu vào một tấm bản-đồ hành-quân trải rộng trên mặt đất. Theo lời hai người sĩ-quan nói với nhau thì nhánh sông bên trái là lối đi vào thị- xã Bà-Rịa, nhánh sông bên phải là lối đi về đảo Long-Sơn, còn nhánh sông trước mặt là lối ra cửa biển phía đông đảo Long-Sơn. Thêm vào đó, bên trái nhánh sông này là một cù-lao rộng-lớn tiếp-giáp với sông Cát-Lở. Ngoài ra, một làng chài-lưới được ghi là đang nằm đâu đó ven bờ của cù-lao này. Sau khi nghe được như thế, tôi liền nhìn theo bờ bên trái của nhánh sông trước mặt, và thấy ở cuối tầm mắt một bãi cát chạy dọc ven bờ cùng với những mái nhà thấp-thoáng dưới rừng cây. Ngay giữa ngã ba sông, một chiếc tàu đò dài độ hai chục mét đang chạy từ trái sang phải.
- Có chiếc tàu đò. Mình có bắn súng gọi nó không, thẩm-quyền?.
- Đừng! Biết đâu chúng đã chiếm con đò đó. Người sĩ-quan chỉ-huy nói.
Chiếc tàu đò vượt qua rồi khuất dạng ở khúc quanh về hướng đảo Long-Sơn. Nhìn dòng nước rộng mênh-mông và đang chảy siết, tôi phát sợ vì biết chắc là mình không thể bơi qua được.
Gần một tiếng đồng hồ chờ đợi trôi qua. "Sụyt!" Một người nào đó kêu lên làm hiệu. Mọi người giật mình núp kỹ rồi im-lặng quan-sát. Chỉ vài chục mét ở phía bên trái, một chiếc ghe tam-bản vừa ló ra. Chiếc ghe đi cách bờ không đầy mười mét đang tiến về phía chúng tôi. Trên ghe, ngoài một cụ già trạc sáu mươi tuổi đứng chèo ở sau lái, một thằng bé khoảng mười tuổi đang ngồi chèo phụ ở trước mũi.
- Chận chiếc ghe đó lại.
Người sĩquan chỉ-huy nói vừa đủ nghe. Nhanh như một con sóc, người lính ôm súng M16 liền chạy ra núp ở một bụi cây sát bờ sông.
Khi chiếc ghe vừa đến trước mặt, anh ta bất thình lình nhảy ra chong súng vào cụ già quát:
- Ông già kia! Vào đây.
Cụ già khựng lại, rồi vội-vã cho ghe tấp vào bờ. Người lính ngoắc tay. Vài người lính khác chạy ra đứng bên anh ta.
- Xin các ông tha cho. Ông cháu lão chỉ đi câu kiếm sống mà thôi.
Cụ già run-rẩy nói, trong khi đứa nhỏ trố mắt nhìn.
- Không sao đâu cụ ơi. Chúng cháu chỉ xin quá-giang mà thôi.
Một người lính trấn-an cụ. Hai ông cháu cụ già có vẻ bớt sợ, lặng-lẽ ngồi trên ghe chờ đợi.
Sau một hồi bàn tính, toán lính quyết định để người sĩ-quan quân-y và người lính có khẩu M16 xuống ghe.
- Cố-gắng tìm phương tiện đón anh em nhé. Người sĩ-quan chỉ-huy nói.
- Chắc-chắn rồi. Đừng lo.
Người sĩ-quan quân-y trả lời, rồi yêu cầu cụ già cho ghe nhắm bờ bên trái của ngã ba sông tiến tới.
Những người lính còn lại gom thành từng nhóm dưới những bụi cây để tránh nắng và chờ đợi. Khi họ đem lương-khô ra ăn, Tuân và tôi cũng đem vài miếng thịt còn lại trong lon guy-gô ra ăn đỡ dạ. Trong suốt thời gian ăn uống và chờ đợi, những người lính vẫn luôn-luôn quan-sát chung quanh để đề-phòng bất-trắc. Người sĩ-quan chỉ-huy thì thỉnh thoảng lại cầm ống nhòm lên quan-sát ngoài sông. Một tiếng đồng hồ đã trôi qua mà chẳng có ghe nào xuất-hiện. Mọi người trở nên bồn chồn lo-lắng. Biết đâu người sĩ-quan quân-y và người lính đi theo anh ta đã bị Việt-Cộng bắt. Cũng biết đâu họ đã bỏ đi luôn. Tuy nhiên, khi mọi người bắt đầu ồn-ào bàn-tán thì người sĩ-quan chỉ-huy chợt reo lên cho biết có một chiếc ghe đang chạy ra từ làng chài-lưới. Khoảng mười lăm phút sau, ai nấy đều mừng rỡ khi thấy rõ đó là một chiếc ghe máy, và người lính dù ôm khẩu M16 đang ngồi trước mũi.
Chiếc ghe máy cập vào bờ, mọi người xuống ghe, chiếc ghe quay lại đường cũ, vượt ngã ba sông, rồi chạy dọc theo bờ bên trái hướng về làng chài-lưới. Trong chốc lát, dòng sông chợt mở rộng thênh-thang ở phía bên phải vì ngay trước mặt đã là cửa biển. Sóng to gió lớn làm chiếc ghe di chuyển rất chậm. Tuy nhiên hơn nửa giờ sau, chiếc ghe cũng đến được một bến ghe nhỏ ở đầu làng.
Dưới bến, ngoài chiếc ghe tam-bản của hai ông cháu cụ già, những ghe khác đều trống trơn vô-chủ. Trên bờ, người sĩ-quan quân-y và một nhóm thường dân đang đứng nhìn chúng tôi. Giữa những tiếng ầm-ì của sóng-gió, tiếng người sĩ quan quân-y chợt vang lên rõ mồn-một từ trên bờ:
- Tôi làm sao bỏ các anh em được!
Nhìn nét mặt tươi cười của anh ta, tôi chợt nghĩ thầm: "Đúng là lương-y như từ-mẫu."
Chiếc ghe máy cập vào bến. Mọi người dưới ghe lần-lượt lên bờ. Hai người sĩquan nói gì đó với cụ già chủ ghe tam-bản và người đàn ông chủ ghe máy, rồi ngoắc tay cho thuộc-hạ nhắm hướng cuối làng đi tới. Tôi không biết cụ già và người đàn ông ấy có được trả công bằng một cách nào đó hay không.
Trời nắng chang-chang. Toán lính vừa đi vừa chạy lúp-xúp ven bìa làng dọc theo bãi cát. Tuân và tôi cũng chạy theo họ. Bãi biển vắng hoe. Bên trái chúng tôi là bìa làng với những căn nhà mái tôn thấp-thoáng dưới rừng cây. Bên phải chúng tôi là bãi cát rộng vài chục mét tiếp-giáp với một vùng cửa biển rộng mênh-mông. Gió thổi mạnh. Những đợt sóng bạc đầu đang liên-tục đổ bờ. Ngoài kia, cách bãi chỉ độ một trăm mét, hàng chục con thuyền đánh cá đã thả neo đang bập-bềnh trên sóng. Phía trước chúng tôi, rải-rác trên bãi cát có những chiếc ghe tam-bản đã bị lật sấp hoặc nghiêng để phơi nắng. Ngoài ra, ở cuối tầm nhìn trước mặt còn có mấy chiếc ghe thật lớn đang đậu ở ven bờ. "Bến tàu đò!: Tôi tự nhủ.
- Còn nước không chú ?Tuân chợt hỏi.
Tôi quay lại vừa lúc Tuân ném mạnh chiếc bi-đông của anh ta ra xa. Chiếc bi-đông rơi xuống lăn lông-lốc trên cát rồi nằm im ở gần mé nước.
- Còn. Tôi trả lời.
Chúng tôi chạy chậm lại, gạt mồ-hôi và chia nhau vài hớp nước, rồi chạy nhanh hơn để theo kịp những người lính. Được vài trăm mét, tôi chợt thấy ở khoảng cách độ năm chục mét trước mặt, khoảng một nửa tiểu-đội lính đã tụ lại dưới một lùm cây khá lớn ở ven bìa làng. Gần đấy, hai người lính khác đang hè nhau lật ngửa lại một chiếc ghe tam-bản nằm sấp trên bãi cát. Bất thình-lình, nửa tiểu-đội lính ở ven bìa làng túa ra chạy thục-mạng về phía trước. Hai người lính đang lật ghe trên bãi cũng tức tốc chạy theo. Họ la lên thúc-dục những người lính phía trước và đằng sau chạy nhanh thêm. Tuân và tôi cũng hoảng hồn, lật-đật phóng theo họ. Khi chạy ngang lùm cây, nơi những người lính vừa tụ lại trước đây, tôi thấy một cụ già râu tóc bạc phơ đang ngồi dựa vào một gốc cây, thản-nhiên hút thuốc, và nhìn bâng quơ ra biển. Tuân và tôi đều giơ tay vẫy chào, nhưng cụ vẫn ngồi yên như chẳng hề thấy chúng tôi.
Sau một hồi chạy như bị ma đuổi, mọi người dừng lại ở cuối làng, nơi thật sự có một bến tàu đò. Lúc Tuân và tôi tới nơi, những người lính đang hỏi thăm một nhóm dân chài trên bến. Bỗng một người lính chửi thề:
- Đm! Dzậy mà lão già đó nói là Dziệt-Cộng đang đóng đầy ở trong làng.
Một người khác hằnhọc chửi tiếp:
- Đm! Ta mà gẹp lựa lỗ thì ta béng.
Một người nào đó hỏi vặn lại:
- Gặp lại lão sao được nữa mà bắn?
Nhưng một người nữa cười lớn và nói:
- Gặp ‘lỗ’ thì ‘béng’ là cái chắc.
Ngay sau lời diễu-cợt ấy, cả bọn họ phá lên cười khoái-trá. Tuân và tôi cũng phì cười theo. Thì ra, khi biết là mình đã phải chạy thục-mạng vì bị một cụ già hù-dọa, những người lính nhảy-dù vừa bực mình vừa tức cười, nên đã đùa-giỡn rồi bỏ qua. Sau khi được biết rằng chỉ có một chiếc tàu đò đi vào buổi sáng và về vào chập tối, mọi người nhanh-chóng rời làng đánh cá, rồi băng rừng nhắm hướng Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lở để đi tới theo đường chim bay.
Chỉ một lát sau khi vào rừng, tôi nhận ra rằng cù lao này rất rộng lớn và có độ cao đến vài mét trên mực nước biển. Rừng ở đây thì toàn là rừng thưa và đã được khai-phá. Do đó, tôi đã nghĩ rằng mọi người sẽ không phải lội sình vất-vả như đã vượt rừng sát hồi đêm qua. Tuy nhiên, trên thực-tế thì trong hơn hai tiếng đồng hồ di-chuyển, ngoài việc băng rừng, lội sình, và bơi qua những nhánh sông, đoàn người di-tản còn phải vượt qua bốn, năm ruộng muối rải-rác trên đường đi. Ruộng muối ở đây gồm những mảnh sân bằng-phẳng hình chữ nhật dài khoảng ba chục mét, rộng độ mười lăm mét, và có bờ cao chỉ độ năm phân, nằm san-sát với nhau thành một vùng rộng như một sân đá banh. Nước biển trong những đường mương nhỏ được múc đổ lên sân từ lúc sáng sớm, nên bây giờ đã bay hơi để lại một lớp muối còn ươn-ướt trên khắp mặt sân. Để tiết-kiệm thì giờ, đoàn người luôn-luôn chạy băng ngang mỗi khi gặp một ruộng muối. - Trời ơi. Nóng quá! Một người nào đó không mang giầy đã la lên khi chạy ngang một ruộng muối.
Sau khi lội qua một nhánh sông khá lớn, đoàn người tiếp-tục len-lỏi trong rừng độ mười lăm phút thì đến bờ sông Cát-Lở. Bên kia sông, ngay trước mặt chúng tôi là một xóm nhỏ ven bờ. Hầu như cứ vài nhà lại có một chiếc ghe tam-bản cột ở mé nước phía sau nhà. Chếch về phía bên trái gần một cây-số là Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lở. Trên sông sóng to gió lớn, vài chiếc tàu đang lầm-lì di-chuyển. Khi một chiếc tàu đi ngang trước mặt, những người lính nhảy-dù la lên và vẫy tay rối-rít. Một vài thủy-thủ trên tàu vẫy tay đáp lại, nhưng chiếc tàu này vẫn lầm-lũi đi qua để vào Căn-Cứ Hải-Quân. Thất-vọng, nhiều người lính cởi áo cầm tay và vẫy lia-lịa về hướng xóm nhà trước mặt. Nhưng tất cả đều vô- hiệu. Hình như chẳng có ai trong xóm nhỏ ấy nhìn thấy. Chẳng biết đã bao lâu, khi mọi người đã chán-nản hầu như tuyệt-vọng thì chợt thấy một chiếc nón lá vẫy lên đáp lại. Chỉ vài phút sau, ai nấy đều reo lên mừng-rỡ khi thấy bốn, năm chiếc ghe tam-bản đang rời bờ xóm nhỏ để sang sông. Trong khi chờ đợi, mọi người đều xuống sông để rửa sạch bùn đất trên người và quần áo.
Nhìn bóng-dáng những người dân không hề quen-biết đang vất-vả chèo ghe vượt sóng sang sông, tôi chợt thấy lòng mình cảm kích, đồng thời nhớ lại những kỷ-niệm đã xảy ra gần bốn năm trước trong một cuộc hành quân hỗn-hợp kéo dài đến vài tháng của Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải và Đệ Thất Hạm-Đội Hoa-Kỳ ngoài khơi Vũng-Tàu.
Hôm đó, hai chiếc PT của Sở Phòng-
Vệ Duyên-Hải được lệnh vào Căn-Cứ Hải-
Quân Cát-Lở, Vũng-Tàu để nhân-viên đi bờ.
Khi vào đến khúc sông này, dù cả hai chiến đĩnh
đã chạy rất chậm, những đợt sóng ngầm
sau lái đã làm những chiếc ghe tam-bản ở ven
bờ xóm nhỏ kia lắc mạnh và hất văng một số
người trên ghe xuống sông. Hai chiếc PT đã
phải tức-thì ngưng máy, rồi chạy với vận-tốc
tối-thiểu để đi vào.
Một kỷ-niệm khác mà tôi vẫn cho là khó hiểu, vì sự việc đã xảy ra như một trò đùa trong chiến-tranh. Một buổi sáng sớm, khi mặt trời mới mọc và sương mù còn dày đặc trên biển, hai chiếc PT và hai chiếc SWIFT đã nhanh-chóng rời căn-cứ nổi là một chiếc tàu của Đệ Thất Hạm-Đội Hoa-Kỳ đang neo ở phía đông-nam đảo Côn-Sơn. Ngoài thủy-thủ đoàn, mỗi chiến-đĩnh đều có thêm vài nhân viên Biệt-Hải trang-bị tận răng để khi cần có thể nhanh-chóng thực-hiện những cuộc xét ghe hoặc đổ-bộ thám-sát ven bờ biển. Chuyến tuần-tiễu này xảy ra bất thình-lình khiến chúng tôi rất phấn-khởi vì hy-vọng rằng sẽ bắt được một vài ghe súng của Việt-Cộng, và rồi sẽ tha hồ mà "đi-bờ" ở Vũng-Tàu. "Tình-báo Mỹ hay thật!" Tôi khâm-phục tự nhủ. Mặc dù hai chiếc SWIFT, một do một sĩ-quan Hải- Quân, Phân-Đội Trưởng SWIFT, làm Hạm- Trưởng và tôi làm Hạm-Phó, và một do một sĩ-quan Hàng-Hải Thương-Thuyền làm Hạm- Trưởng và anh bạn cùng khóa với tôi là Bạch- Xuân làm Hạm-Phó, đã chạy với vận-tốc tối đa, hai chiếc PT chạy phía trước chẳng mấy chốc đã mất hút trên mặt biển.
Trước khi khởi-hành, Xuân và tôi đã hẹn nhau là sau khi tuần-tiễu và khám-xét ghe trở về sẽ rủ hai anh bạn Trưởng Toán Biệt-Hải là Hùng, cùng khóa với chúng tôi, và Khuyên, một sĩ-quan lục-quân, hiện giờ chắc là đang “tán-phét” về “những món ăn-chơi ở Vũng- Tàu” với đàn em trên hai chiếc PT chạy phía trước, cùng nhau ăn sáng ở trên tàu Mỹ. Chúng tôi dự-định là sau khi ăn uống, mỗi đứa sẽ thong-thả "tráng-miệng" thêm một trái táo hoặc một trái cam, rồi mới ung-dung "tẩm -bổ", điều mà đám sĩ-quan Mỹ trên tàu đã phải trố mắt nhìn và há hốc mồm kinh-ngạc, bằng cách "ăn-tươi nuốt-sống" ngon ơ hai, ba hột gà "la-coóc" đã được ngâm nước sôi trong một ly thủy-tinh. Ngoài ra, chúng tôi còn tính là sẽ hùn nhau mua mươi cây thuốc lá từ tàu Mỹ để đem vào Vũng-Tàu kiếm lời làm tăng thêm ngân-quỹ "đi-bờ" của chúng tôi. Biết đâu trưa nay chúng tôi lại chả được theo mấy chiếc PT vào Vũng-Tàu để "đi-bờ" như đã từng xảy ra trước đây. Vũng-Tàu là nơi mọi "món ăn-chơi" chẳng bao giờ thiếu, chúng tôi lại chuẩn-bị kỹ như thế, thì cuộc "đi-bờ" này nhất định sẽ rất là thú-vị.
Nhưng tất cả đều ra ngoài ý muốn của Xuân và tôi. Chưa đầy nửa giờ đồng hồ sau khi rời tàu Mỹ, phân-đội SWIFT được lệnh phải đi theo một hướng nhất định để vào bờ biển Việt-Nam. Khi gần đến nơi, chúng tôi thấy một chiếc máy bay trực-thăng đang bay vòng vòng trên mặt biển gần bờ. Bên dưới chiếc máy bay, một khối đen khá lớn nổi bật lên trên mặt nước. Khi chúng tôi báo-cáo vị- trí thì người Sĩ-Quan Chỉ-Huy Chiến-Thuật (OTC), cũng là Hạm-Trưởng một chiếc PT đang ở đâu đó trên biển, ra lệnh cho chúng tôi phải tiếp-tục vào bờ. Ngay lúc đó, chiếc máy bay trực-thăng bay vụt trên đầu chúng tôi để ra khơi rồi mất dạng. Biết chắc là mình sẽ phải thám-sát vật lạ kia, chúng tôi cho tàu đi hàng ngang tiếp-tục tiến vào. Những lượn sóng bạc đầu trước mặt cho biết chúng tôi đang đi vào bãi cạn.
- Nước đục ngầu ở sau lái! Một nhân-viên la lên báo-cáo.
- Máy ngừng! Phân-Đội Trưởng ra lệnh.
Con tàu chậm lại rồi đứng yên, bập-bềnh trên sóng. Sau khi sử-dụng Radar và ống nhòm để xác định lại vị-trí, đồng thời nhìn hải-đồ để kiểm lại độ sâu, chúng tôi nhận thấy con tàu còn cách bờ gần một hải-lý, nhưng rõ ràng là đang ở trên một bãi cạn vì đáy biển ven bờ ở đây rất bằng-phẳng với độ sâu chỉ có một fathom (1 fathom = 6 feet = 1,8 mét). Trên thực-tế, độ sâu ven bờ luôn thay-đổi theo thời-gian và thủy-triều lên xuống, nên kể từ giờ phút này, tàu của chúng tôi có thể mắc cạn bất cứ lúc nào.
Chúng tôi báo-cáo tình-trạng mực nước như thế, thì được cho biết rằng, vì chiếc máy bay trực-thăng của Mỹ đã phát-hiện một chiếc tàu ngầm, nên chúng tôi phải vào tận nơi để thám-sát bằng mọi giá. Chúng tôi cho tàu từ-từ tiến vào với vận-tốc tối-thiểu, mặc kệ luồng nước đục-ngầu đang cuồn-cuộn ở sau lái. Khi còn cách vật lạ kia độ một trăm mét, chúng tôi dừng lại. Dùng ống nhòm quan-sát, chúng tôi nhận ra một cây tre, trông giống như một cột ăng-ten thật cao lớn, vươn lên từ một cái lô-cốt đã đổ nát cách bờ chỉ hơn một trăm mét. Chúng tôi hiểu ngay rằng đây là một cái lô-cốt xưa từ thời Pháp, và những ngư-phủ trong vùng này đã dựng cây tre trên cái lô-cốt này để làm hiệu cho ghe-cộ ra vào cửa biển.
Chúng tôi lại báo-cáo tình-trạng mực nước và những gì trông thấy, đồng thời lý luận rằng làm gì có tàu ngầm ở độ sâu một, hai mét. Dầu vậy, chúng tôi vẫn được lệnh phải vào tận nơi. Chúng tôi cho tàu tiến vào rồi dừng lại cách cái lô-cốt độ 15 mét để quan-sát tiếp. Chẳng có gì khác hơn những gì đã báo-cáo, ngoài việc biết thêm rằng cái lô-cốt ấy được xây bằng đá xanh, đã sụp đổ, và lúc này nó chỉ cao hơn mặt nước không đầy một mét. Chúng tôi lại báo-cáo rằng đó đúng là một cái lô-cốt đổ-nát với một cây tre dựng đứng ở trên.
- Chúng tôi có cần leo lên cái lô-cốt này không? Chúng tôi hỏi.
- Không cần. Bây giờ các anh Zulu được rồi.
- Hừm! Vậy là hết ăn sáng. Mình về ăn trưa là vừa. Tôi nghĩ thầm.
Nhưng tôi đã lầm to! Khi tàu vừa lùi được vài mét thì tiếng chân vịt tàu chém vào đá bất chợt vang lên: “Cạch cạch .... Cạch cạch cạch ...” Con tàu tức-thì rung lên bần-bật.
- Ngừng máy! Phân-Đội Trưởng la lên.
Sau khi kiểm-soát và biết rằng chân vịt trái của tàu đã bị móp-méo vì chém vào một vài tảng đá nào đó nằm dưới đáy nước, chúng tôi chỉ còn một cách là cho tàu chạy một máy để ra khơi. - Vẫn may là chân vịt bên phải còn nguyên vẹn. Tôi tự nhủ.
Khi hai chiếc SWIFT về đến tàu Mỹ thì trời đã xế chiều. Cả hai chiếc PT đều đang bập-bềnh bên hông con tàu này chứng tỏ chẳng hề có vụ "đi-bờ" gì cả.
Kỷ-niệm tiếp theo của tôi là hậu-quả của chiếc chân vịt bị móp-méo vừa kể. Chẳng bao lâu sau vụ "khám-phá tàu ngầm", cuộc hành-quân hỗn-hợp chấm dứt. Khi hai chiếc PT và toán Biệt-Hải được lệnh trở về căn-cứ ở Đà-Nẵng thì hai chiếc SWIFT được lệnh vào Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lở, Vũng-Tàu để sửa chữa chiếc chân vịt đã bị móp-méo. Phân-Đội Trưởng SWIFT, vì một lý-do nào đó, đã về trước trên một chiếc PT nên tàu được giao lại cho tôi.
- Tụi mình sẽ có nhiều thì-giờ với những thằng "cốt-đột" ở đây.” Xuân và tôi bảo nhau.
Chúng tôi thường thân-mật nhắc đến những bạn cùng khóa như thế, vì những người cùng khóa chúng tôi luôn-luôn hết lòng với bạn-bè, nhưng lại hay đùa-giỡn, chọc-ghẹo và phá-phách lẫn nhau. Trên thực-tế, trong gần một tuần ở Cát-Lở, Xuân và tôi đã có những dịp gặp-gỡ và vui-chơi thoải-mái với những người bạn cùng khóa ở đây.
Bốn ngày sau khi yêu-cầu thay chiếc chân vịt tàu, chúng tôi được cho biết người ta không thể tìm ra được chân vịt cùng loại với chân vịt của chiếc SWIFT. Chúng tôi liền sử- dụng máy siêu-tần-số trên tàu để báo-cáo trựctiếp về Sở ở Đà-Nẵng, thì được lệnh phải tức khắc nhờ gò lại chiếc chân vịt của mình. Chỉ nội một buổi sáng, việc sửa-chữa hoàn-tất. Sau khi thử tàu và báo-cáo về Sở là con tàu vẫn còn rung mạnh khi chạy với vận tốc nhanh, chúng tôi được lệnh phải khởi hành nội trong đêm ấy để trở về Đà-Nẵng.
Ngay chiều hôm ấy, tất cả các sĩ-quan Khóa
Đệ Nhị Hổ-Cáp, tức là Khóa 20 Sĩ-Quan Hải
Quân, Nha-Trang, hiện-diện ở Cát-Lở có một
buổi họp mặt. Tôi không nhớ rõ là có những
ai và bao nhiêu bạn cùng khóa và thân-hữu
tham-dự, nhưng nhớ rõ-ràng rằng chúng tôi đã
chiếm một bàn thật dài trong một quán ăn có
hạng ở đây.
Mới uống được vài ly, những bạn cùng khóa ở đây đã ngang xương "xía vào nội-bộ của nước khác" bằng cách phong ngay cho Xuân và tôi làm "Đại-Diện Lâm-Thời" cho tất cả những bạn cùng khóa đang phục-vụ ở Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải. Theo lời họ thì cái chức-vụ này được gọi là "lâm-thời" vì nó có hiệu-lực tức-khắc không cần phải tuyên-thệ, và hết giá-trị cũng tức-khắc khi cuộc nhậu bế- mạc, không cần phải có một cuộc đảo-chánh hay bầu-bán gì cả. Rồi họ thản-nhiên yêu-cầu một cách thật "lãng-xẹt" là Xuân và tôi, đại diện của tất cả những Hổ-Cáp 2 ở Sở Phòng- Vệ Duyên-Hải, hãy tỏ ra "kiêu-hùng" bằng cách uống xả láng với họ, những Hổ-Cáp 2 ở Cát-Lở. Chúng tôi gạt đi, viện cớ phải tỉnh-táo để đem tàu về Đà-Nẵng. Thế là cả bọn nhao nhao phản-đối. Rồi mọi phương-cách, từ chửi bới và diễu-cợt đến dụ-dỗ và nài-nỉ, đều được họ đem ra áp-dụng để ép chúng tôi theo ý họ. Rốt cuộc Xuân và tôi phải đề-nghị là chỉ một trong hai đứa chúng tôi uống xả láng mà thôi. Sau khi mọi người đồng ý, Xuân lại tả-oán với tôi là hắn đang vừa đau gan vừa đau bao-tử. Không còn cách nào khác, tôi đành phải chấp nhận làm đại-diện, lòng tự an-ủi rằng, ngoài việc những nhân-viên trong thủy-thủ-đoàn của mình rất giàu kinh-nghiệm, lộ-trình từ Vũng- Tàu về Đà-Nẵng toàn là hải-hành cận duyên, nên không có gì đáng phải lo-ngại. Thế là chúng tôi bắt đầu ăn-nhậu thả giàn. Kẻ cầm ly nhỏ, người bưng ly cối, chúng tôi uống xả láng, bất kể bia hay rượu. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện, "hầm-bà-lằng" trên Trời dưới Đất, từ Đông sang Tây, và từ Nam chí Bắc, tuy nhiên, nhiều nhất vẫn là nhắc lại những kỷ-niệm ở quân-trường.
Vì tửu-lượng kém, chẳng bao lâu tôi thấy bụng nôn-nao, đầu choáng-váng, và mắt thì hoa lên. Cho đến một lúc, tôi nhìn bạn-bè đang huyên-thuyên cười nói và chợt nhớ lại là chỉ hơn một năm trước đây, các bạn tôi toàn là những ông trời con, hoặc ít ra cũng là những ông tướng, tướng gì nhỉ, à phải rồi, nhi-nhô, tướng nhi-nhô. Hình-ảnh các ông tướng nhi-nhô, tuổi mới đôi mươi, đứng giạng chân, hai tay chống nạnh, mặt đằng-đằng sát-khí, la hét huấn-nhục đàn em giữa sân cát nóng-bỏng trong quân-trường ở Nha-Trang, bất-thần hiện rõ mồn-một trong đầu tôi. Tôi không say. À không, tôi chưa có say. Bằng cớ là tôi vẫn thấy rõ-ràng Bạch-Xuân thỉnh-thoảng nháy mắt với tôi. Mặt hắn mỗi lúc mỗi đen hơn, nhưng mắt và răng thì ngược lại, mỗi lúc mỗi trắng hơn. "Dzô, dzô, dzô!" Các ông tướng đang nâng những ly đầy ắp ngang tầm mắt, và đồng loạt hướng về phía tôi hô ầm lên. Tôi, một ông tướng khác, cũng hô theo, rồi hiên ngang bưng chiếc ly cối đầy bia lên uống. Tôi chả biết ly bia có cạn hay không, chỉ biết là nó đã rời khỏi tay tôi trước khi tôi gục xuống. Có tiếng ầm-ì vang-vọng đâu đây. Tôi chợt cảm thấy như mình đang trôi-nổi bồng bềnh trên sóng. Đầu tôi nhức như búa bổ.
"Xếp của các anh tỉnh chưa? Nói ông ấy là chúng ta đã gần tới Cam-Ranh." Tiếng Xuân vang lên trong máy truyền tin. Mặc kệ. Tôi lại nhắm mắt ngủ tiếp. Chẳng rõ bao lâu sau đó, tôi choàng dậy, cảm thấy đã dễ chịu vì đầu chỉ còn hơi choáng-váng.
Chúng tôi cập cầu Cam-Ranh vào chập tối, lấy nhiên-liệu rồi nghỉ-ngơi. Khi Xuân rủ tôi quá-giang xe đi chơi, tôi mới biết là chiếc ví da của tôi đã rơi mất từ bao giờ. Dầu vậy, tôi cũng đi chơi với Xuân vài tiếng đồng hồ rồi trở lại tàu. Nửa đêm hôm ấy, chúng tôi rời vịnh Cam-Ranh tiếp-tục đi về hướng bắc. Tới Qui-Nhơn vào buổi trưa, chúng tôi cũng cập cầu để lấy nhiên-liệu, cũng ra phố chơi vài giờ rồi trở lại tàu. Ngay tối hôm ấy, dù trời bắt đầu đổ mưa, chúng tôi vẫn mở dây rời cảng Qui-Nhơn, tiếp-tục cuộc hải-hành hướng về Đà-Nẵng. Ngay từ khi rời Cát-Lở, chúng tôi vẫn thường-xuyên liên-lạc trực-tiếp với Sở ở Đà- Nẵng để báo-cáo tình-trạng kỹ-thuật của tàu cùng với vị-trí và thời-tiết trên biển. Sau khi rời Qui-Nhơn, chúng tôi được Sở cho biết vì tàu của chúng tôi không thể chạy về kịp để tránh bão, Sở sẽ cho PT đi đón. Khi đi ngang bãi biển Sa-Huỳnh, cả hai chiếc SWIFT của chúng tôi được hai chiếc PT tới đón, cột dây kéo về Đà-Nẵng.
Câu chuyện vẫn chưa chấm dứt ở đây. Sau khi về lại Sở, tôi báo-cáo mất hết giấy-tờ và xin được cấp giấy-tờ mới. Ngay ngày hôm sau, người hạ-sĩ-quan già làm việc ở phòng nhân-viên của Sở đến gặp tôi và nói: "Chết rồi! Ông bị tới 32 ngày trọng-cấm vì mất tới 4 thứ giấy tờ quân-sự, Căn-Cước Quân-Nhân, Chứng-chỉ Tại-Ngũ, Thẻ Nhân-Viên Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải, và Bằng Lái Xe Quân- Sự. Riêng Căn-Cước Dân-Sự và Bằng Lái Xe Dân-Sự thì không tính." Tôi tái mặt nghĩ thầm: "Vậy thì mình có bò sặc-gạch cũng chẳng bao giờ theo kịp bạn-bè!" Nhưng ông ta đã phá lên cười: "Nói giỡn vậy thôi. Chỉ có 8 ngày cho một tội duy-nhất là sơ-xuất." Tôi thở phào mặc dù chẳng vui gì. May thay, chỉ vài ngày sau, bưu-tín-viên của đơn-vị bất-thần đưa đến cho tôi một tờ điện-tín với nội-dung như sau: “TIMDUOC VIDA CUABAN. DAGUI BUUDIEN VUNGTAU.” Tôi tức-khắc yêu-cầu phòng nhân-viên hoãn gởi đi hồ-sơ xin giấy tờ mới cùng với lệnh phạt đã ký của tôi.
Câu chuyện chấm dứt sau khi tôi nhận được chiếc ví da của tôi, và hồ-sơ xin cấp giấy-tờ mới cùng với lệnh phạt đều được hủy bỏ.
Mới đó mà đã gần bốn năm. Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lở và xóm nhỏ ven sông vẫn còn đó. Giờ đây, trên bước đường di-tản, tôi đang ngồi bên bờ cù-lao này để chờ được chở sang sông bởi những chiếc ghe xuất-phát từ xóm nhỏ ngày nào. Chẳng biết có ai trong những người đang chèo ghe kia đã bị văng xuống sông hồi đó hay không. Các bạn cùng khóa ngày ấy ở đây chắc là đã thuyên-chuyển hết đi nơi khác. "Vật đổi sao dời. Biết ai còn ai mất!" Tôi nhủ thầm, rồi chợt thấy lòng buồn rười-rượi.
- Chúng ta đi chú ạ. Tuân chợt gọi.
Tôi giật mình ngước lên. Trước mặt tôi, những chiếc ghe tam-bản đã cặp vào bờ, và những người lính nhảy-dù đang lần-lượt xuống ghe.
Sau khi được chở sang sông và được cho biết là dân-chúng đang lũ-lượt di-tản, chúng tôi và những người lính dù cám ơn và từ-biệt những người dân tốt bụng, rồi vội-vã đi theo một ngõ hẻm để rời xóm nhỏ. Khi tới quốc-lộ, toán lính rẽ phải và lẫn nhanh vào dòng người đông nghẹt đang đổ về hướng Vũng-Tàu. Tuân và tôi cũng lặng-lẽ theo sau. Đi được vài trăm mét, tôi kéo Tuân vào một quán ăn bên đường. Tôi giơ tay vẫy chào khi thấy người sĩ-quan quân-y và năm, sáu người lính nhảy-dù đang ngồi ở một bàn gần cửa quán. Họ cười và vẫy tay chào lại. “Những anh em kia đâu?” Tôi hỏi. “Họ đi trước rồi.” Người sĩ-quan quân-y cười trả lời. Tôi cũng cười với anh ta, rồi cùng Tuân tìm vào một bàn ở phía trong.
Trong khi ăn uống, tôi chợt nghĩ thầm rằng biết đâu những người bạn cùng khóa với tôi đang phục-vụ ở Cát-Lở sẽ có cách giúp tôi về lại Sài-Gòn. Tôi cũng nghĩ đến Bá. Bà-Rịa đã bị chiếm, gia-đình còn kẹt ở Thủ-Đức, Bá rất có thể có ý định về lại Sài-Gòn bằng chiếc PCF của hắn. Tôi liền bảo Tuân là tôi muốn quay lại để tìm một vài người bạn ở trong Thành Hải-Quân. Tuân nói là sẽ sẵn-sàng đi theo tôi.
Khi đến quầy trả tiền, tôi xin một ít nước lạnh để đổ đầy cái bi-đông, rồi hỏi Tuân có cần thuốc lá gì không. Tuân lắc đầu và nói anh ta chỉ hút thuốc lào. Tôi liền mua hai gói Capstan cùng với một hộp quẹt, và nhận thấy giá-cả đã tăng lên gấp bội. "Có mà hút cũng còn may!" Tôi tự nhủ. Khi chúng tôi đi ra thì nhóm lính nhảy-dù vẫn còn ngồi bàn-tán. Tôi lại giơ tay vẫy và nói: "Cám ơn các anh em. Chúng tôi đi trước nhé. Mong có ngày gặp lại."
- Chúc các anh may-mắn. Mong rằng nếu có dịp gặp lại, chúng ta không đến nỗi như thế này! Người sĩ-quan quân-y trả lời.
Rời khỏi quán, chúng tôi quẹo trái, rồi đi dọc theo lề đường bên trái về hướng Thành Hải-Quân Cát-Lở. Trên đường lộ, người và xe-cộ đông đầy đang đi ngược chiều với chúng tôi. Hai bên đường, già trẻ lớn bé gồng gánh, tay xách nách mang, hối-hả tiến bước về hướng Vũng-Tàu. Giữa lộ, những chiếc xe hơi, xe đò nhỏ, hoặc xe Lam chở đầy người đang ì-ạch lách-né chiếm đường để đi tới. Thỉnh-thoảng cũng có một chiếc xe nhà binh chở lính đủ loại màu áo, nhưng hoàn-toàn không có vũ-khí, len-lỏi đi qua. Trong tình trạng hỗn-loạn đó, những tiếng nổ của súng tay hoặc đạn pháo-kích chốc chốc lại vang lên khiến đoàn người chạy giặc càng thêm hốt hoảng, rồi chen-chúc nhau cố tiến nhanh hơn. Đang đi, tôi chợt thấy một nhóm người, cũng tay xách nách mang, từ một ngõ hẻm ùa ra nhập vào đoàn người chạy giặc. Tôi nhìn quanh và nhận ra ngõ hẻm này chính là lối vào xóm nhỏ mà chúng tôi và những người lính nhảy-dù đã đi qua. "Thì ra họ cũng di tản." Tôi tự nhủ, rồi lại thầm cảm ơn những người dân tốt bụng đã chở chúng tôi và toán lính sang sông.
Tiếp-tục đi ngược chiều với đoàn người chạy giặc, chúng tôi gặp một trạm kiểm-soát của một toán lính thủy-quân lục chiến trang-bị đầy mình. Họ đứng giăng ngang đường quốc-lộ để chận tất cả những quân-xa và những người mặc quân-phục lại. - Hãy ở lại để chiến-đấu. Bằng không thì hãy để vũ-khí lại đây. Một người lính thủy-quân lục-chiến nói.
Không có ai ở lại. Tất cả những người bị chận nếu có vũ-khí đều đem bỏ vào đống vũ-khí bên lề đường rồi tiếp-tục đi. Những người lính thủy-quân lục-chiến nhìn nhau lắc đầu.
- Đm! Chưa đánh đã chạy. Vậy đi lính để làm gì? Một người nào đó trong bọn họ chửi-rủa.
Không bị cản trở vì mặc thường-phục và đi ngược chiều ở bên lề đường, Tuân và tôi vẫn tiếp-tục đi về hướng Căn-Cứ Hải-Quân. Tôi để ý, nhưng không hề thấy một người lính hải-quân nào đi trên đường lộ. "Vậy là hải quân vẫn chưa di-tản." Tôi khấp-khởi mừng tự nhủ.
Chỉ còn vài chục mét là chúng tôi tới cổng Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lở.
- Căn-Cứ Hải-Quân đây rồi.
Tôi vừa dứt lời thì hàng loạt những tiếng nổ dồn-dập của đạn pháo kích cùng với những tiếng la hét vang lên, rồi một đoàn người từ cổng thành ùa ra nhập vào đoàn người chạy giặc trên đường lộ. Tuân và tôi vội nép vào bên đường để nhường chỗ cho dòng người đang hốt-hoảng tràn tới như nước vỡ bờ. Việt-Cộng từ Bà-Rịa đang pháo-kích vào Căn-Cứ Hải-Quân. Biết đâu chúng đã vượt qua cầu Cây-Khế và đang "tiền-pháo hậu-xung" để chiếm Cát-Lở.
- Người ta đang chạy ra thế kia mà mình lại chạy vào để tìm chết hay sao? Tuân và tôi bảo nhau như thế, rồi quay đầu chạy ngược trở lại.
Chúng tôi đã chạy nhanh hơn dòng người chạy giặc rất nhiều vì không phải gồng-gánh hay tay xách nách mang nặng-nề như họ.
Khi những tiếng nổ của đạn pháo-kích ngưng bặt thì Tuân và tôi đã chạy được vài trăm mét. Chúng tôi ngừng lại để nghỉ mệt, và chợt nhớ ra rằng những người lính thủy-quân lục-chiến và cái trạm kiểm-soát của họ đã biến mất từ bao giờ. Lúc này, đoàn người chạy giặc càng lúc càng đông hơn. Xe-cộ càng ì-ạch vì quá tải. Chiếc nào cũng chật ních. Người ta leo cả lên mui hoặc đeo ở bên hông và sau xe. Dầu vậy, những chiếc xe vẫn đang di-chuyển nhanh hơn đoàn người đi bộ rất nhiều.
- Mình đeo theo chiếc xe Lam kia. Tuân vừa nói vừa kéo tôi băng ra giữa lộ.
Chúng tôi nhảy lên đeo ở bực cửa sau của một chiếc xe Lam vừa trờ tới, mặc kệ những tiếng càu-nhàu phản-đối của vài người đang đeo ở đấy. Người tài-xế vẫn thản-nhiên cho xe chạy. Gần tới ấp Rạch- Dừa, chiếc xe Lam bỗng khựng lại rồi tắt máy. Sau khi người tài-xế lui-cui đạp máy xe một hồi nhưng máy vẫn không nổ, mọi hành khách đều xuống xe nhập vào dòng người đang di-chuyển ở hai bên lề quốc-lộ. Đi được một đỗi, Tuân và tôi lại nhảy lên đeo ở cửa sau của một chiếc xe đò nhỏ chở đầy khách. Chiếc xe này chạy được một đoạn đường độ một cây-số, rồi tấp vào lề không đi nữa. Chúng tôi lại phải xuống xe đi bộ. Cứ thế, sau nhiều lần vừa quá-giang vừa đi bộ, chúng tôi đến ngã tư Giếng-Nước. Từ ngã tư này, tôi thấy thẳng trước mặt là đường dẫn tới Trường Thiếu-Sinh-Quân, bên trái là đường vào thị-xã Vũng-Tàu, và bên phải là đường ra Bến-Đình.
Tuân và tôi rẽ phải. Dòng người không còn đông như trước vì đã chia làm ba ngả. Lúc này, mọi người đều rảo bước vì trời đã về chiều. Một lát sau, chúng tôi tới Bến Đình. Sinh-hoạt buôn-bán ở khu phố này vẫn bình-thường. Các cửa tiệm vẫn còn mở cửa. Chúng tôi ghé vào một xe sinh-tố để giải-khát.
- Bên trái là đường đi ngang Trường Thiếu- Sinh-Quân rồi vào Vũng-Tàu. Thẳng trước mặt là đường đi ngang Thích-Ca Phật Đài rồi ra Bến-Đá. Tuân nói, như để nhắc nhớ tôi.
Mấy năm trước đây, khi tôi còn độc thân và phục-vụ trên chiến-hạm, mỗi lần tàu neo ở bãi trước Vũng-Tàu sau vài tháng tuần dương, nếu không về thăm nhà, tôi thường cùng bạn-bè ăn-uống và dạo phố ở Vũng-Tàu, hoặc lên xe đò về Sài-Gòn rong chơi. Ngoài ra, chỉ có một lần tôi lên vãn cảnh Thích-Ca Phật Đài rồi tiện đường ra Bến-Đá thăm cô tôi. Do đó, đường ra Bến-Đá đối với tôi không phải là quen-thuộc.
Rời Bến-Đình, chúng tôi theo đoàn người chạy giặc đi thẳng để ra Bến-Đá. Sau khi qua Phật Đài được một đỗi, chúng tôi theo đường lộ vòng về bên trái, rồi leo một con dốc khá dài trước khi tới khu nhà ở đầu ấp. Đi thêm một đỗi nữa, tôi chợt thấy những người đi phía trước đang bị chận lại. Khoảng một tiểu-đội lính thủy-quân lục-chiến có vũ-khí đã kéo một cuộn kẽm gai “concertina” cao tới thắt lưng giăng ngang đường lộ để lập trạm kiểm-soát. Họ không cho bất cứ ai từ ngoài đi vào ấp Bến-Đá, ngoại-trừ những người có giấy tờ chứng-minh là ở trong ấp này. Biết là năn-nỉ cũng vô-ích, Tuân kéo tôi đi ngược lại độ năm chục mét, rồi rẽ vào một ngõ hẻm bên phải đường lộ. Từ ngõ hẻm này, chúng tôi đi quanh-co độ mười lăm phút, giữa những căn nhà không có hàng lối gì cả, thì vào tới khu trung-tâm của ấp.
Bến-Đá là nơi sinh-sống của những người làm nghề đánh cá biển và sản-xuất hải sản khô. Ở đây cũng có một số nhỏ người Tàu sinh-sống bằng nghề buôn-bán. Ấp này nằm ở đầu phía bắc của Núi Lớn Vũng-Tàu. Ngay phía trước ấp là một vùng cửa biển trải rộng gần mười cây-số về hướng Bắc, bao gồm cửa sông Cát-Lở và cửa sông lớn phía đông đảo Long-Sơn. Ấp khá rộng lớn nhưng bị chia hẳn làm hai, một nửa ở trên sườn núi một nửa ở ven biển, bởi con đường trải nhựa phát-xuất từ Bến-Đình. Sau khi băng ngang ấp Bến-Đá, con đường này bắt đầu men theo bờ biển về hướng tây để đi qua ấp Sao-Mai, rồi tiếp-tục quanh-co uốn khúc ven biển về hướng nam để qua ấp Bãi-Dâu, Bãi Dứa, và Bạch Dinh trước khi vào Bãi Trước Vũng-Tàu.
Chúng tôi tìm đến nhà cô út của tôi, cũng là dì út của Tuân. Bà rất ngạc-nhiên khi gặp hai đứa cháu cùng một lúc. Sau vài phút chào hỏi, bà cho biết là người di-tản đang ở trọ khắp nơi trong ấp, và tình-hình lúc này rất căng-thẳng. Những chủ ghe đánh cá đều đã cho ghe chạy ra biển để tránh bị cướp ghe, có nhiều người còn đem cả gia-đình xuống ở tạm dưới ghe để bảo-đảm sự an-toàn. Có tin đồn rằng sẽ có tàu vào Bến-Đá để đón những người di-tản ra tàu Mỹ ở ngoài khơi Vũng- Tàu. Vì vậy, lính thủy-quân lục-chiến đã chiếm-giữ bến ghe. Họ không cho bất cứ ai không phải là lính thủy-quân lục-chiến bén mảng đến gần. Dĩ nhiên là chẳng ai dám chống lại họ. "Vậy là không thể kiếm ghe để về Sài-Gòn!" Tôi tự nhủ, rồi nói với Tuân là nhà bà cô ở ngay mặt đường lộ, nếu Việt- Cộng tràn vào và truy-lùng lính Việt-Nam Cộng-Hòa thì thật là nguy-hiểm. Tuân liền rủ tôi về nhà bố mẹ vợ anh ta.
Rời nhà bà cô, Tuân và tôi tiếp-tục đi theo đường lộ. Sau khi đi qua nhà thờ Bến-Đá được một đỗi, chúng tôi quẹo trái rồi leo một con dốc dài độ hai trăm mét để đến nhà ông bà cụ Dương, bố mẹ vợ của Tuân. Khi Tuân và tôi đến nơi thì đã hơn năm giờ chiều. Ông cụ Dương, trạc sáu mươi lăm tuổi, đang cùng với một cụ già khác căng dây cho một tấm bạt nhà binh ở trước hiên nhà. Bà cụ Dương thì đang dọn-dẹp ở nhà bếp phía sau. Hai cụ rất mừng gặp con rể vì đang rất lo-lắng cho đứa con gái cưng là vợ Tuân. Cũng như nhiều nhà khác trong ấp, nhà bố mẹ vợ Tuân có một gia-đình di-tản căng lều ở tạm trước hiên. Họ là những người đã chạy giặc từ Đà-Nẵng vào được gần một tháng nay. Dù nhà ở trên núi không có giếng nước, ông bà cụ Dương vẫn cho những người di-tản ở trọ vì nhà có hai bể dự-trữ nước rất lớn.
Khi cùng Tuân ra bể nước phía sau nhà để tắm-rửa và giặt-giũ, tôi để ý quan-sát và thấy có nhiều tảng đá lớn như những con voi, nằm rải-rác chung quanh nhà. Tôi cũng nhận ra rằng nhà ông bà cụ Dương ở trên đỉnh của con dốc nên phía sau không còn một nhà nào khác. Nhìn những đám rẫy bắp và khoai sắn từ đằng sau nhà bếp vươn lên liên-tục đến tận đỉnh núi, tôi chợt rợn người khi thấy những khối đá khổng-lồ nằm chênh-vênh trên sườn núi, ẩn-hiện trong những đám rẫy xanh rì.
"Nếu nó lăn xuống thì sao?" Tôi tự hỏi, nhưng rồi lại tự bảo mình: "Dầu sao thì người ta cũng đã ở đây từ mấy chục năm nay."
Sau khi dấu súng đạn và giấy-tờ quân đội, tôi rủ Tuân leo lên nóc nhà để quan-sát. Từ trên cao nhìn ra hướng bờ biển, tôi thấy cách chúng tôi độ 200 mét ở hướng hai giờ là nhà thờ Bến-Đá. Nhà thờ này được xây trên sườn núi và nằm sát đường lộ. Ngay trước mặt chúng tôi, bên ngoài đường lộ, ẩn-hiện giữa những căn nhà là một con đường trải đá hướng ra biển. Theo lời Tuân thì con đường này băng ngang chợ rồi ra bến ghe Bến-Đá. Tôi cố-gắng tìm bến ghe, nhưng chỉ có thể nhìn thấy những nóc nhà san-sát nhau tiếp giáp với vùng cửa biển nằm giữa Bến-Đá và đảo Long-Sơn. Trên vùng cửa biển này, hàng ngàn ghe đánh cá đủ cỡ đang chạy qua chạy lại như mắc cửi. Tôi cũng cố ý nhìn về hướng sông Cát-Lở và Căn-Cứ Hải-Quân để quan sát, nhưng tầm nhìn bị chận lại bởi một màn mây-mù dày-đặc.
Một loạt tiếng nổ của đạn pháo-kích bất-chợt vang lên dồn-dập ở ngay trong ấp. Chúng tôi vội-vã leo xuống, và ngạc-nhiên khi thấy ông bà cụ Dương và những người ở trọ chẳng tìm chỗ núp gì cả. Có thể vì họ tin là "sống chết có số". Cũng có thể vì họ cho rằng những tảng đá quanh nhà sẽ che-đỡ cho họ. Tuy nhiên, cũng như chúng tôi, mọi người đều lộ vẻ lo-lắng. Biết đâu Việt-Cộng lại chẳng đang pháo-kích để chuẩn-bị tràn vào ấp. Thế nhưng những tiếng nổ của đạn pháo-kích chỉ có vài loạt rồi ngưng bặt.
Trong bữa ăn tối, chúng tôi được cụ
Dương cho biết là ngay từ tối hôm qua, 27-4-
1975, theo sự yêu cầu của Tổng-Thống Hương,
Lưỡng-Viện Quốc-Hội đã họp và biểu-quyết
chấp-thuận để Cụ Hương trao quyền Tổng-
Thống cho tướng Minh. Sở-dĩ Cụ Hương đã
yêu-cầu phải có sự chấp-thuận của Quốc-Hội
vì tướng Minh chỉ là một viên tướng hồi-hưu,
trong khi đó theo hiến-pháp thì Tổng-Thống
chỉ có thể trao quyền cho Phó Tổng-Thống,
Chủ-Tịch Thượng-Viện, hoặc Chủ-Tịch Hạ-
Viện mà thôi. Cũng theo lời cụ Dương thì mới
hồi chiều hôm nay, 28-4-1975, tướng Minh đã
tuyên-thệ nhận chức.
Cơm nước xong, Tuân đi ra ngoài gần hai tiếng đồng hồ để thăm những người quen trong ấp. Khi trở về, Tuân cho biết là căn nhà ở ngay đầu dốc sát đường lộ đã bị trúng đạn pháo-kích của Việt-Cộng. Một người lính địa phương quân về phép đang nằm võng nghỉ- ngơi trong căn nhà này đã chết thảm vì bị tường sập đè lên. Có tin đồn rằng đặc-công Việt-Cộng đã bắt đầu hoạt-động ở Bến-Đá, và thủy-quân lục-chiến đã cố-gắng truy-lùng nhưng vô-hiệu. Tình-hình ở bến ghe vẫn không thay đổi. Thủy-quân lục-chiến vẫn chiếm-giữ bến ghe cho riêng họ, nhưng cho đến giờ này vẫn chưa có một chiếc tàu nào vào đón họ cả. Ngoài ra, Tuân cũng nói là có gặp Tư, một người cũng di-tản theo đoàn lính nhảy-dù như chúng tôi. Sáng nay, sau khi vượt cù-lao lớn rồi khựng lại ở ngã ba sông như nhóm chúng tôi, toán lính nhảy-dù có Tư đi cùng đã may-mắn chận được một chiếc ghe đánh cá khá lớn nên đã chạy thẳng ra ấp Rạch- Dừa. Từ đây, Tư chia tay toán lính, rồi cũng vừa quá-giang vừa đi bộ, và đã tới ấp Bến-Đá trước chúng tôi vài giờ.
Tình-hình trong đêm có phần lắng-dịu, thỉnh-thoảng mới có vài tiếng nổ của đạn pháo-kích hoặc súng tay vọng lại từ xa. Dù vậy, tôi đã thao-thức không ngủ được vì không biết phải làm gì trong tình-hình hiện tại. Từ hơn một tháng nay, mỗi khi nghe nói có người đào-ngũ để đi Mỹ theo vợ hoặc thân nhân làm việc trong các sở Mỹ, tôi luôn-luôn nghĩ rằng họ đã lo-sợ quá đáng. Trước sau tôi vẫn tin-tưởng rằng dù tình-hình có bi-đát đến đâu đi nữa thì Sài-Gòn cũng không thể mất được. Bởi vậy tôi đã di-tản cùng đoàn lính dù với hy-vọng là sẽ tìm được phương-tiện về lại Sài-Gòn để tiếp-tục chiến-đấu. Nhưng giờ này thì mọi sự đã thay-đổi. Cụ Hương, vị Tổng- Thống từng tuyên-bố sẽ chiến-đấu tới cùng đã không còn cầm quyền nữa. Rồi đây, tướng Minh, với chức-vị Tổng-Thống, chắc là sẽ không muốn chiến-đấu, mà chỉ muốn bắt tay với Việt-Cộng để mưu-cầu danh-lợi cá-nhân của ông ta mà thôi.
"Cuộc chiến này sẽ ra sao? Mình phải làm gì bây giờ?" Tôi cứ mãi băn khoăn tự hỏi như thế, rồi ngủ thiếp đi vì mệt mỏi.
Sáng nay, 29-4-1975, theo đài Sài-Gòn
thì Nghị-Sĩ Vũ-Văn-Mẫu đã được chọn làm
Thủ-Tướng Chính-Phủ, và Trung-Tướng
Vĩnh-Lộc đã được chỉ-định làm Tổng Tham
Mưu-Trưởng Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa.
Ngay sau phần tin-tức, đài phát ra lời kêu gọi
của Tân Chính-Phủ yêu-cầu dân chúng hãy
bình-tĩnh và giữ trật-tự. Tiếp đến là nhật-lệnh
của tướng Vĩnh-Lộc, Tân Tổng Tham-Mưu-
Trưởng, ra lệnh cho tất cả các đơn-vị quân-đội
phải giữ vững vị-trí chiến-đấu. "Chúng ta
không thể hèn-nhát, chạy như chuột ...."
Tướng Vĩnh-Lộc nói trên làn sóng điện như thế để khuyến-khích binh-sĩ, đồng thời cũng để nhấn mạnh sự chê-trách của ông ta đối với các tướng-lãnh đã bỏ nhiệm-sở để chạy trốn. "Vậy là tướng Cao-Văn-Viên đã bỏ chạy. Giờ này chắc là ông ta đang ở trên một chiếc tàu Mỹ nào đó ngoài khơi Vũng-Tàu." Tôi ngao ngán nhủ thầm.
Chỉ vài giờ sau, tình-hình đã hoàn-toàn thay-đổi. Đài Sài-Gòn bắt đầu lặp đi lặp lại thông-cáo của Thủ-Tướng Mẫu yêu cầu tất cả người Mỹ phải rời khỏi Việt-Nam trong vòng hai mươi bốn giờ. Tiếp theo là lời kêu gọi các binh-sĩ hãy ở yên vị-trí và cố-gắng tiết-kiệm xương-máu. Nhật-lệnh của tướng Vĩnh-Lộc và những bản nhạc hùng-tráng không còn được phát ra nữa.
"Vậy là vô phương cứu vãn! Mình phải làm gì bây giờ?" Tôi băn-khoăn tự hỏi. Cuộc chiến này rồi sẽ ra sao! Tôi còn bị kẹt ở đây cho đến bao giờ? Phương-tiện về Sài-Gòn không có. Ra khỏi nước thì thoát khỏi tay Việt-Cộng, nhưng lại phải bỏ lại những người thân ruột thịt, và không mong gì có ngày gặp lại. Ở lại thì nếu không bị giết cũng bị hành-hạ cho đến chết ở những trại tù tập-trung nơi rừng thiêng nước độc. Nếu chúng tràn vào và truy-lùng lính Việt-Nam Cộng-Hòa, liệu mình có trốn thoát được không? Mình mặc thường-phục thì sao? Sau một hồi suy-nghĩ, tôi quyết-định là sẽ không chạy ra nước ngoài, nhưng phải trốn-tránh khi Việt-Cộng tràn vào. Trốn lên núi hay ra biển thì tôi vẫn chưa quyết-định. Tôi bàn với Tuân thì anh ta cũng đồng ý là sẽ đi trốn khi Việt- Cộng tràn vào, còn sau đó thì cứ để mọi sự tới đâu hay tới đó.
Tình-hình bắt đầu trở nên căng-thẳng vào lúc gần trưa khi những tràng đạn pháo kích bất chợt vang lên dồn-dập. Hình như Việt-Cộng đang tập-trung đại-pháo bắn vào Căn-Cứ Hải-Quân, Trường Truyền-Tin, và phi-trường Vũng-Tàu. Từ trên cao nhìn ra cửa biển, tôi nhận thấy ghe-cộ lúc này nhiều hơn ngày hôm qua gấp bội, và tất cả đều đang di chuyển. Giữa rừng ghe-cộ ấy, thỉnh-thoảng lại có một viên đạn pháo-kích bất-thần nổ trên biển làm tung lên một cụm nước trắng xoá khiến cho những ghe đang đi gần chạy túa ra chung quanh. Chẳng biết có ghe nào bị trúng đạn hay không. Trong tình-trạng sôi-động đó, từ cửa sông Lòng-Tàu, vài chiếc quân-vận-đĩnh (LCM – Landing Craft Mechanized) hoặc tiểu-vận-đĩnh (LCVP – Landing Craft Vehicle Personnel) bất-thần xuất-hiện, trực chỉ ra khơi. "Nếu những chiếc tàu kia ghé vào Bến-Đá thì những hành-khách đầu tiên phải là những người lính thủy-quân lục-chiến." Tôi tự nhủ.
Trời vừa sụp tối. Những tiếng nổ của đạn pháo-kích đã im bặt từ lâu. Tuân lại rời nhà đi tìm gặp những người quen để dò hỏi tình-hình. Khi trở về, Tuân cho biết là hồi trưa hôm nay thủy-quân lục-chiến đã bắt được một tên đặc-công của Việt-Cộng trong chợ Bến Đá khi tên này đang liên-lạc truyền-tin làm đề-lô cho pháo-binh của chúng. Người lính địa-phương-quân bị tường sập đè chết hôm qua thì đã được chôn-cất tại nghĩa-trang Bến Đá vào buổi chiều hôm nay giữa những tiếng ầm-ầm của đạn pháo-kích. Ngoài ra, Tuân cũng cho biết là lính thủy-quân lục-chiến không còn lảng-vảng ở trên đường lộ như tối hôm qua.
Đêm đã về khuya. Đài Sài-Gòn đang phát ra thông-cáo của chính-phủ yêu-cầu dân chúng đô-thành giữ trật-tự và hạn-chế di chuyển. Sau đó là lời kêu gọi binh-sĩ hãy ở yên vị-trí để đợi chính-phủ "giàn-xếp với người anh em phía bên kia."
"Sài-Gòn không muốn chiến-đấu nữa. Ở đây thì sao?" Tôi nhủ thầm, rồi tự hỏi là không biết quân ta có còn giữ được cầu Cây-Khế hay không. Nếu giờ này Việt-Cộng đã tràn qua cầu này và chiếm được Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lở thì chúng sẽ tiến ra Vũng-Tàu, Bến-Đình, và Bến-Đá nội trong đêm nay. "Làm sao bây giờ?" Tôi cứ trằn-trọc tự hỏi như thế, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Mờ sáng ngày 30-4-1975, tôi đang loay-hoay dò đài Sài-Gòn thì Tuân hớt-hải từ ngoài chạy vào nhà bảo tôi: "Mình phải đi ngay. Tôi vừa ra ngoài lộ. Người ta chạy tứ- tung. Nghe nói Việt-Cộng đã vào Bến-Đình và đang chuẩn-bị để vào Bến-Đá."
Tôi vội-vã lấy súng đạn, giấy-tờ quân-đội, và quần áo dự- phòng bỏ vào túi rết của tôi. Trong khi đó, Tuân, với sự giúp-đỡ của bà mẹ vợ, cũng chuẩn-bị một lon guy-gô thức ăn và một biđông nước để dồn vào túi đeo của anh ta. Xong xuôi, chúng tôi chào ông bà cụ Dương, rồi rời nhà chạy ra bến ghe. Khi chạy trên đường lộ để đến con đường ra bến ghe, tôi nhận thấy rất nhiều người đang hối-hả chạy về hướng ấp Sao-Mai, ngược chiều với chúng tôi.
Bến ghe hoàn-toàn vắng-lặng, không một bóng người. Các cầu tàu đều trống trơn, không một ghe đánh cá nào còn đậu ở bến. Tuân và tôi chạy nhanh về cuối bến, nơi có vài chiếc ghe tam-bản cột ở chân cầu.
- Anh biết chèo ghe không? Tôi hỏi.
- Biết. Xuống đi. Tuân vừa mở dây một chiếc ghe tam-bản vừa nói.
Chiếc ghe dài độ năm mét và rộng chỉ hơn một mét. Trên ghe có một mái chèo đã được gác lên ở sau lái. Trong khi Tuân đứng sau lái chèo ghe ra biển, tôi gỡ lấy một mảnh ván nhỏ ở sạp ghe, rồi lên ngồi ở mũi ghe chèo phụ.
- Mình ra Sao-Mai. Có lẽ tụi nó sắp vào tới! Tuân vừa nói vừa hối-hả chèo.
Ra cách bờ độ hơn một trăm mét, chiếc ghe quẹo trái về hướng ấp Sao-Mai. - Nếu cứ đi theo bờ biển như thế này mình sẽ ra tới Bãi Trước Vũng-Tàu. Tuân nói.
Bên phải chúng tôi, hàng ngàn ghe đánh cá chở đầy người đang di-chuyển. Tôi để ý và nhận thấy những ghe đang di-chuyển kia chỉ quanh quẩn chạy đi chạy lại, không có chiếc nào chạy thẳng ra khơi, cũng chẳng có chiếc nào chạy vào bến. Mỗi khi có một ghe chạy gần, chúng tôi đều vẫy tay rối-rít và la lên cầu-cứu, xin quá-giang, nhưng ghe nào cũng thờ-ơ đi luôn, và những hành-khách trên ghe thì chỉ trố mắt nhìn vô-cảm. Thất-vọng, chúng tôi tiếp-tục chèo để mau rời khỏi Bến-Đá. Nhìn vào bờ ở bên trái, tôi thấy rất nhiều người đang hối-hả chạy trên đường lộ về hướng ấp Sao-Mai. "Việt-Cộng đã tràn vào ấp Bến-Đá." Tôi tự nhủ và mừng thầm là mình đã chạy kịp ra biển.
Trời bắt đầu đổ mưa. Gió thổi mạnh. Chúng tôi đang đi ngang ấp Sao-Mai và cách bờ chỉ độ một trăm mét. Bên trái chúng tôi, sát bờ biển là một tượng-đài Đức Mẹ. Trên đường lộ phía sau tượng-đài, rất nhiều người đang chạy về phía Vũng-Tàu. Có lẽ Việt- Cộng đang tiến vào ấp Sao-Mai. Phía trước chúng tôi, trên vùng cửa biển rộng mênh mông là một rừng ghe-cộ. Hầu như ghe nào cũng chở đầy người và đang chạy tứ-tung không định hướng. Thỉnh-thoảng, tôi lại nghe được những tiếng súng nổ phát ra từ một chiếc ghe nào đó chạy gần. Nhìn vào cửa sông Lòng-Tàu ở bên phải, tôi thấy một con tàu thật lớn đang lầm-lũi trực-chỉ ra khơi, và một số ghe tàu nhỏ đang chạy theo con tàu ấy. “Ngoài những ghe ở Vũng-Tàu, những ghe khác đều vào từ Bình-Tuy hoặc Phan- Thiết. Có lẽ chẳng có chiếc nào từ Cà-Mau hoặc Rạch-Giá lên cả.” Tuân nhận định. “Sao anh biết?” Tôi hỏi lại. “Thì ghe ở mỗi vùng đều có một đặc-điểm riêng. Hơn thế nữa, Vùng Bốn chưa mất vào tay Việt-Cộng, nên dân-chúng ở dưới miền Tây chưa phải di-tản.” Tuân trả lời. Rồi không giải-thích gì về cái đặc-điểm riêng của ghe, anh ta tiếp-tục nhận định: “Giờ này mà ghe còn ở đây thì chắc chắn là những người chủ ghe kia cũng như mình, chỉ muốn tạm tránh lúc Việt-Cộng tràn vào mà thôi.”
Tuân và tôi vẫn tiếp-tục chèo về hướng Vũng-Tàu. Trận mưa khá lớn nên chỉ trong chốc lát chúng tôi đã ướt đẫm vì không có áo mưa. Tôi quan-sát kỹ trên biển và nhận thấy ở hướng hai giờ, cách chúng tôi độ vài trăm mét, có một chiếc ghe đánh cá đang bập bềnh trên sóng, chắc chắn là đã thả neo vì không hề di-chuyển. “Mình đến chiếc ghe đang neo kia.” Tôi chỉ cho Tuân thấy và đề- nghị. “Ừ. Mình xin lên trú mưa với họ, rồi tính sau.” Tuân đồng ý nói. Khoảng mười lăm phút sau, Tuân cho ghe tam-bản cập vào bên hông chiếc ghe đánh cá đang neo. “Có ai không?” Tôi vỗ mạnh vào thành ghe đánh cá và la lớn nhiều lần, nhưng vẫn không có ai trả lời. Chúng tôi cột ghe tam-bản vào bên hông ghe đánh cá rồi leo lên. Đây là một chiếc ghe đánh cá rất lớn có chiều dài độ hai mươi mét và rộng gần năm mét. Với chiếc ghe như thế này, một nhóm ngưphủ có thể ra khơi cả tháng và đi hàng ngàn cây-số từ vùng này đến vùng khác để đánh cá. Tuân và tôi đi vào ca-bin mới biết là ghe hoàn-toàn vắng người. Hàng trăm chiếc giầy và dép đủ loại lẫn-lộn với những mớ quần áo cũ đủ màu nằm lăn-lóc trên sàn gỗ. Lần về phía sau nhìn xuống hầm máy, tôi thấy ngay hai hàng sú-bắp lồ-lộ của một giàn máy ghe thật lớn. Những chiếc nắp đầu máy thì đã bị gỡ ra để dưới lườn ghe cùng với một vài dụng-cụ của thợ máy. Rõ ràng là máy ghe đã hư-hỏng quá nặng đến nỗi không thể sửa chữa được, nên chủ ghe và những người di-tản trên ghe đã phải bỏ đi. Bên trong ca-bin, trước khi ngồi nghỉ, chúng tôi cởi quần áo vắt thật ráo nước rồi mặc lại cho đỡ lạnh. Ngoài kia, trời vẫn mưa nặng hạt. Nhìn những chiếc ghe đánh cá đang chạy qua chạy lại như mắc cửi trên khắp vùng cửa biển rộng lớn, chúng tôi bàn nhau là phải tìm cách lên được một trong những chiếc ghe ấy. “Đợi hết mưa rồi sẽ tính.” Tuân bảo tôi. Mưa đã tạnh. Tuân và tôi xuống lại ghe tam-bản và tiếp-tục chèo về hướng Vũng- Tàu. Tôi vừa chèo vừa xốc lại quai choàng trên vai của cái túi rết, rồi xếp lại sợi dây mũi ghe để có thể nhanh chóng cầm lấy đầu dây nhảy lên một chiếc ghe nào đó khi có cơ-hội. Những chiếc ghe đánh cá chở đầy người vẫn đang chạy chung quanh chúng tôi. Có nhiều chiếc chạy chỉ cách chúng tôi độ vài mét. Tuy nhiên, vì ghe chèo của chúng tôi quá chậm chạp không thể tiến sát được một chiếc ghe đánh cá nào cả, dự-tính của tôi là nhảy lên một trong những chiếc ghe ấy đã trở thành vô vọng Quan-sát một hồi, tôi nhận ra rằng mỗi khi có hai chiếc ghe đánh cá, dù đang chạy cùng chiều hay ngược chiều, xáp vào nhau, người ta lại nhảy từ ghe nọ sang ghe kia. Thì ra những người di-tản thường tìm cách nhảy sang ghe nào lớn hơn hoặc chở ít người hơn. Do đó người chủ ghe nào cũng tránh không để bất cứ ghe nào khác chở nhiều người hơn xáp lại gần, vì sợ người di-tản sẽ nhảy sang làm tăng nhân-số trên ghe mình. Đằng khác, họ lại luôn tìm cách cho ghe xáp lại ghe nào chở ít người hơn, hoặc lớn hơn nên rộng chỗ hơn, với hy-vọng người di-tản trên ghe mình sẽ nhảy bớt sang ghe ấy. Cuộc cút bắt giữa những ghe đánh cá cứ thế tiếp-tục trên biển. “Mình chen vào giữa đám ghe kia.” Chúng tôi bảo nhau, rồi chèo ghe tam-bản vào giữa một đám thật đông ghe đánh cá. Tuy nhiên, sau cả giờ đồng hồ cố-gắng, chúng tôi vẫn chẳng thực-hành được ý định của mình giữa một rừng ghe-cộ xunh-quanh. “Kìa! Chú.” Tuân chợt la lên và hất hàm về phía trước làm hiệu. Tôi nhìn về đằng trước thì thấy hai chiếc ghe đánh cá đang kè nhau chạy về phía chúng tôi. Chiếc chạy gần chúng tôi hơn chỉ dài độ mười mét, và chở khoảng vài chục người ở sân mũi. Chiếc kia lớn hơn với chiều dài độ mười lăm mét và chở đầy người. Bị chiếc ghe lớn kè sát bên hữu mạn, chiếc ghe nhỏ đã phải ngưng máy và chạy sát vào ghe tam-bản của chúng tôi. Không bỏ lỡ cơ-hội, tôi nắm đầu sợi dây mũi của ghe tam-bản, nhảy lên sân lái của ghe đánh cá, rồi cột sợi dây vào trụ cột dây sau lái bên tả mạn của chiếc ghe này. Chiếc ghe đánh cá tiếp-tục chạy, kéo theo chiếc ghe tam-bản. Khi tôi ngước lên, Tuân đã buông mái chèo chạy về đằng mũi, và đang kéo sợi dây để thâu ngắn khoảng cách giữa hai ghe. “Đm! Tao chém chết cha tụi bây.” Một người nào đó quát lên. Tôi giật mình quay lại. Ngay cửa sau ca-bin của ghe, cách tôi chỉ vài mét, một người đàn ông trung-niên mặc đồ bà-ba đen đang giơ cao một cây rựa cán dài bước tới định chém.
“Ki-ai!” Cùng lúc với tiếng thét, tôi rùn chân xuống và vung tay lên thủ thế. Quá bất ngờ, tôi đã phản-ứng một cách tự-nhiên theo bản-năng sinh-tồn khi gặp nguy-cấp. Trong thoáng chốc ngắn-ngủi ấy, tôi chợt nghĩ đến những buổi tập Thái-Cực-Đạo ở Trường Sĩ-Quan Hải-Quân Nha-Trang mà những huấn-luyện-viên đến từ Đại-Hàn mang bốn, năm đẳng huyền đai, nhưng học trò thì hơn chín mươi phần trăm mang đai trắng cấp tám, tức là vừa mới nhập môn. Nhìn người đàn ông, tôi tự nhủ nếu vừa rồi ông ta cứ nhào tới chém mà không thèm chửi-rủa gì cả thì tôi làm gì còn có cơ-hội để thủ-thế. Giờ đây, bằng mọi giá, tôi không thể để ông ta chém tôi hoặc chặt đứt sợi dây cột ghe tam-bản. Lạ thay, ngay sau tiếng thét của tôi, người đàn ông khựng lại, rồi đứng yên nhìn tôi trân-trân. Chẳng biết ông ta nghĩ gì. Liếc về phía sau, tôi thấy Tuân đã nhảy lên. “Thôi mà chú. Cho tụi cháu quá-giang với. Tụi cháu cũng là người di-tản vậy.” Tôi năn-nỉ. Người đàn ông không trả lời, mà liếc nhìn chiếc ghe tam-bản một cái rồi lại nhìn chúng tôi. Khoảng một phút sau, ông ta hạ cây rựa xuống và lẳng-lặng chui vào ca-bin. “May quá!” Tôi thở phào tự nhủ. Đây quả thật là một đìều may-mắn vì nếu tôi nhớ tới khẩu súng nằm trong túi rết bên hông và đem ra sử- dụng thì chẳng biết là kết cục sẽ ra sao. Sau khi cùng với Tuân lần lên đứng dựa vào thành bên trái ca-bin, tôi hoàn-toàn không biết chiếc ghe tam-bản vẫn được kéo theo hay là bị một ngư-phủ nào đó cởi dây buông trôi trên biển. Chiếc ghe đánh cá lại tiếp-tục cuộc cút-bắt trên biển, lúc thì tránh né ghe này, lúc thì xáp lại gần một ghe khác. Một lần, khi chiếc ghe này sắp sửa cặp vào một chiếc ghe lớn hơn thì một tràng súng tay cùng với những tiếng chửi thề bất chợt vang lên trên chiếc ghe ấy. Hai chiếc ghe lập-tức tách rời nhau. Tôi nhìn theo thì thấy trên ghe ấy có vài người mặc đồ lính có mang súng. “Họ bắn chỉ thiên để dọa. Không biết là có vụ cướp-bóc nào xảy ra trên chiếc ghe ấy hay không.” Tôi tự hỏi, và chợt nhớ lại những tin-tức về những vụ cướp của giết người trên các xà-lan và tàu biển trong cuộc di-tản của quân-dân Vùng I từ Đà- Nẵng về Vũng-Tàu hoặc ra đảo Phú-Quốc vào cuối tháng 3 vừa qua.
“Ghe bác có ra tàu Mỹ không?”
“Không!”
“Ghe bác sẽ về đâu?”
“Phan-Thiết.”
Những câu đối-đáp giữa những ghe chạy gần nhau vang lên rõ mồn-một. Phần đông đều nói là sẽ về Bình-Tuy hoặc Phan-Thiết. Không có ai nói sẽ ra tàu Mỹ. Cũng chẳng có ai nói sẽ vào Sài-Gòn hoặc xuống miền Tây. Rõ ràng là những chủ ghe và gia-đình họ đều đang đợi xem cuộc chiến sẽ ngã-ngũ ra sao. Còn tất cả những người khác ở trên ghe thì chỉ là những hành-khách quá-giang bất-đắc-dĩ.
“Chúng ta nhảy sang ghe kia.” Tuân thình-lình vỗ vào vai tôi và nói.
Tôi quay lại thì thấy Tuân đã đứng sát mạn ghe trong tư thế sẵn-sàng nhảy nên cũng làm theo. Chiếc ghe chở chúng tôi đã ngưng máy và đang cặp vào hữu mạn một chiếc ghe khác. Chiếc ghe này cũng dài độ mười mét nhưng rất rộng-rãi vì chỉ có mươi người ở sân mũi phía trước cabin. Khi hai chiếc ghe vừa sát vào nhau, Tuân la lên: “Vũ! Chúng tôi nhảy sang.” “Nhảy đi. Đm! Thằng nào nhảy là tao ném lựu-đạn chết mẹ chúng mày.” Một người nào đó quát lên hăm-dọa. Ngay trong giây-phút ngắn-ngủi đó, Tuân và tôi nhảy sang sân lái phía sau ca-bin của chiếc ghe ấy. Sau khi đứng vững trên sàn ghe, tôi mới thấy một người mặc đồ rằn-ri của lính nhảy-dù, mặt đằng- đằng sát-khí, tay phải cầm một trái lựu-đạn, tay trái nắm khoen chốt an-toàn, giơ lên đưa qua đưa lại dọa ném sang chiếc ghe chúng tôi vừa mới quá-giang. Mọi người đang đứng bên hông chiếc ghe ấy đều đã dội lại, chẳng ai dám nhảy theo chúng tôi. Chỉ vài giây sau, hai chiếc ghe đã tách ra hai phía.
“Khỏe không anh Tuân?” Người mặc đồ rằn-ri vừa cất trái lựu-đạn vừa hỏi. Rồi không đợi trả lời, anh ta cười và nói tiếp:
“Không làm thế thì chúng nhảy lên đầy ghe mình mất!”
Tuân cũng cười, rồi giới-thiệu Vũ và tôi với nhau. Vũ liền rủ chúng tôi vào cabin, rồi đem nước trà và thuốc lào ra mời. Qua đối-thoại giữa Vũ và Tuân, tôi mới biết rằng trước kia họ đã cùng phục-vụ trong một đơn vị Biệt-Cách Nhảy Dù thuộc Lực-Lượng Đặc- Biệt Mũ Đen do Đại-Tá Lê-Quang-Tung làm Tư-lệnh. Không bao lâu sau cuộc đảo-chánh 1-11-1963, trong đó anh em Đại-Tá Tung và anh em Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm bị giết, Vũ và Tuân rủ nhau bỏ đơn-vị trốn về địa phương, rồi sau cùng gia-nhập lực-lượng Nghĩa-Quân trong xứ đạo của họ. Trong suốt mười mấy năm qua, nhất là từ khi bố mẹ vợ Tuân ra sinh-sống ở ấp Bến-Đá, Vũ và Tuân vẫn thường liên-lạc với nhau. Gần một tuần nay, Vũ đã đem vợ con và một số người thân chạy ra biển để giữ an toàn như tất cả những gia-đình có ghe đánh cá ở đây. Mới vài giờ trước, Vũ đã cho ghe vào bến Sao-Mai để về nhà lấy một vài món đồ cần dùng. Khi từ nhà trở ra bến, anh ta đã phải chạy trối chết vì Việt-Cộng đã vào tới đầu ấp và đang chận bắt những người mặc đồ lính hoặc bị chúng nghi-ngờ. “Các anh nhìn kìa.” Vũ vừa nói vừa chỉ vào ấp Sao-Mai. Nhìn lên bờ, tôi thấy một đoàn độ vài chục người, hầu hết mặc đồ lính, hai tay để trên đầu, đang đi vòng quanh tượng đài Đức Mẹ ở sát bờ biển. Trên đường lộ phía bên trong tượng đài, những chiếc xe Molotova có cắm cờ nửa đỏ nửa xanh với sao vàng ở giữa của Mặt Trận Dân-Tộc Giải-Phóng Miền Nam chở đầy bộ- đội Việt-Cộng đang từ-từ di-chuyển. “Họ là những người lính Nghĩa-Quân và Nhân-Dân Tự-Vệ đã chiến-đấu đến phút chót.” Vũ ngậm-ngùi nói. Bỗng có tiếng la hoảng-hốt của một người nào đó vang lên: “Anh Vũ! Dương- Văn-Minh tuyên-bố đầu hàng rồi.” Tôi giật mình lắng nghe. Chiếc máy thu-thanh trong góc ca-bin đang phát ra tiếng được tiếng mất: “…hãy buông súng và ở yên vị-trí… đợi bàn giao trong vòng trật-tự... Chuẩn-Tướng Nguyễn-Hữu-Hạnh, Quyền Tổng Tham-Mưu- Trưởng...” Tôi lặng người sửng-sốt. Thế là hết! Cả một guồng máy cai-trị từ Bến-Hải đến Cà-Mau đã hoàn-toàn sụp-đổ. Còn đâu hy vọng về lại Sài-Gòn để cùng đồng-đội chiến đấu. Còn đâu dịp để kể lại cho những người bạn ở Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân nghe về cuộc di tản hi-hữu của mình. Sài-Gòn đã đầu hàng! Những người bạn đang làm việc ở Phòng Nghiên-Huấn và Phòng Điều-Huấn hiện giờ ra sao? Trong mấy ngày vừa qua, họ có di-tản theo tàu của hạm-đội không, hay là đã bỏ đơn vị để về nhà? Lại còn Bá và chiếc PCF của hắn ở Cát-Lở nữa. Hắn đã ra khơi hay đã bỏ tàu để tìm đường về Thủ-Đức với gia-đình? Riêng tôi phải làm sao bây giờ? Rồi đây chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi sẽ về nhà bằng cách nào? Tôi có trở về nhà an-toàn không? Liệu tôi có bị bắt như những người lính trên bờ kia hay không? Nếu tôi bị bắt đưa đi biệt tích thì vợ tôi và những người thân của tôi sẽ lo-lắng khổ-sở biết bao! Những ý nghĩ ấy cứ lặp đi lặp lại trong đầu tôi.
Khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau, mật-độ ghe đánh cá trên vùng cửa biển đã giảm bớt vì một số ghe đã bỏ đi. Họ ra khơi tìm tàu Mỹ hoặc trở về quê-quán nào ai biết. Vũ thình-lình hỏi: “Mình vào bờ bây giờ được chưa các anh?” Tuân quay qua nhìn tôi như dò ý-kiến. Tôi nhìn lên bờ ở ấp Sao-Mai và thấy vài chiếc xe có cờ và bộ-đội Việt-Cộng đang chạy đi chạy lại. Đám người bị bắt thì đã bị đưa đi một nơi nào khác. Ngoài ra, một số thường dân cũng đang đi lại lẻ-tẻ dọc theo đường lộ. Sau khi quan-sát, tôi nói với Vũ và Tuân là nên đợi một lát nữa xem sao. Chiếc ghe tiếp-tục chạy đi chạy lại một lát rồi vào thả trôi cách bờ độ một trăm mét để chờ đợi. Trong lúc ghe thả trôi, tôi kín-đáo dấu các giấy-tờ quân-đội, rồi thả khẩu súng đã nạp đạn và hộp đạn xuống biển. Gần một giờ sau đó, khi thấy dân-chúng bắt đầu đi lại khá đông trên đường lộ, và thỉnh-thoảng mới có một chiếc xe có cắm cờ và chở bộ-đội Việt-Cộng chạy ngang, Vũ thay đồ thường-phục, rồi cho ghe cập vào bến ghe ở ngay bên cạnh tượng đài Đức Mẹ ấp Sao-Mai.
Từ-biệt Vũ, Tuân và tôi leo lên đường lộ, rồi quẹo trái để trở về ấp Bến-Đá. Trên đường, người đi kẻ lại khá tấp-nập. Thỉnh thoảng mới có một chiếc xe Molotova cắm cờ xanh đỏ sao vàng chạy qua. Trên xe, những tên Việt-Cộng ôm súng AK, đầu đội nón cối, quần áo rộng thùng-thình, mặt mày non choẹt, đang dương mắt nhìn ngơ-ngáo. Một vài tên giơ tay vẫy những người dân ở hai bên đường, nhưng chẳng có ai vẫy tay đáp lại. Mọi người đều thản-nhiên như không hề nhìn thấy chúng. Khi chúng tôi đang băng ngang đường lộ để vào đầu dốc dẫn vào nhà ông bà cụ Dương thì chợt có tiếng gọi tên tôi vang lên ở bên lề đường đối-diện. Tôi giật mình nhìn qua, và nhận ra một người trong đám đông là dì của vợ tôi đang giơ tay vẫy tôi. “Ô! Sao dì lại ở đây?” Tôi ngạc-nhiên la lên, rồi kéo Tuân bước nhanh qua lộ. Bà dì liền dẫn chúng tôi vào nhà một người quen của bà ở ngay mặt đường. Sau khi thăm hỏi lý-do tôi rời Sài-Gòn và phải di-tản, bà nói với tôi là gia-đình bà đã rời ấp Rạch-Dừa để ra ấp Bến-Đá từ mấy ngày nay, nhưng đã không thể ra khơi được. Cuối cùng, bà cho biết là mới sáng sớm hôm nay, vị linh-mục chánh xứ của chúng tôi đã đem một chiếc ghe ra ấp Sao-Mai để đón những người đã di-tản về lại giáo-xứ. “Ông cha nói là ai muốn về thì phải có mặt lúc năm giờ chiều nay tại bến ghe ấp Sao-Mai.” Bà nói. Nhìn đồng hồ đã gần hai giờ chiều, chúng tôi từ-biệt bà, rồi leo dốc về lại nhà ông bà cụ Dương.
“Tóc, tóc, tóc...Tóc, tóc, tóc, tóc...”
Một tràng đạn AK bất-thần nổ dòn trên bến
ghe Bến-Đá ở hướng một giờ của chiếc ghe
đánh cá đang di-chuyển. “Tụi nó bắn gọi mình
đó. Ông quản!” Một trong số hơn một chục
thanh-niên đang ngồi rải-rác ở sân mũi nói.
“Thấy bà chưa! Biết vậy mình phóng ra biển
ngay từ Sao-Mai rồi.” Ông quản, một người
đàn ông trạc năm mươi, đang là một ông quản
của đoàn Nghĩa-Binh Thánh-Thể trong giáo xứ
chúng tôi, vừa lái ghe vừa lẩm-bẩm như tự
trách mình. Quả thật, chính ông ta đã quyết định
đi sát vào ấp Bến-Đá vì muốn biết tình hình
ở ấp này ra sao. “Chạy luôn đi ông
quản.” Người thanh-niên nói tiếp. “Không
được đâu. Mình chỉ cách chúng nó không đầy
một trăm mét. Ngoài súng AK47 ra, chúng
còn có cả B40 nữa!” Một người nào đó lên
tiếng can ngăn. Ông quản vẫn không bớt máy.
Tuân và tôi đang ngồi dựa vào thành trước
của ca-bin nhổm dậy nhìn lên. Trên bến ghe,
một tiểu-đội Việt-Cộng đội nón cối đang
giăng hàng ngang và chong súng vào ghe
chúng tôi. Riêng tên đứng giữa thì đang cầm
một lá cờ đỏ vẫy qua vẫy lại liên-tục từ trái
qua phải, rồi từ phải qua trái.
Nhìn tên Việt-Cộng vẫy cờ, tôi chợt nhớ lại hình-ảnh Đại-Đội-Trưởng Vinh trong phim “Chúng Tôi Muốn Sống”, do tài-tử Lê- Quỳnh thủ diễn, mà tôi đã được xem khi còn nhỏ. Trong phim ấy, Vinh đã đứng trên sườn núi phất cờ liên-tục để ra lệnh cho đồng-đội tấn-công một đoàn xe của quân đội Pháp. Sau hiệp-định Geneva 1954, khi Cộng-Sản Bắc- Việt phát-động chính-sách Cải-Cách Ruộng Đất trên toàn miền Bắc Việt-Nam, Vinh bị công-an dẫn độ từ đơn-vị về quê-quán, nơi cha mẹ chàng là ông bà Long bị ghép tội “địa chủ”. Giữa cái gọi là “tòa-án nhân-dân” do Việt-Cộng dàn-dựng, mặc dù đã từng lập rất nhiều chiến-công trong cuộc kháng-chiến chống Pháp, Vinh đã không được phép phát biểu, mà còn bị đánh gục khi đòi được nói để bào-chữa cho cha mẹ mình. Rốt cuộc, sau khi dàn-dựng cuộc “đấu-tố”, tòa đã kết án tử-hình cha mẹ Vinh. Hai ông bà bị chôn đứng tới cổ, rồi bị cày đầu. Riêng Vinh bị kết tội, rồi bị áp giải đi làm lao-công chiến-trường ở vùng giới tuyến giữa hai miền Nam và Bắc Việt-Nam. Cuối cùng, trong một lần bị áp-giải ven bờ biển, Vinh đã đào-thoát thành-công để chèo một con thuyền nhỏ ra khơi, và được cứu-vớt bởi một chiến-hạm của Việt-Nam Cộng-Hòa. Vậy mà chiếc ghe vẫn chưa bớt máy. Hình như ông quản còn đang đợi một cái gì đó. “Tóc, tóc, tóc...” Lại thêm một tràng súng nổ. Tên Việt-Cộng đứng giữa vẫy cờ qua lại thêm vài lần nữa, rồi giơ cờ lên trời quay tròn như chong-chóng. “Ghê quá! Nếu ghe cứ đi chắc-chắn chúng sẽ bắn. Nếu ghe dừng lại, mình rất có thể bị chúng bắt.” Tôi nghĩ thầm. “Cha ơi! Làm sao bây giờ?” Ông quản hỏi vị linh-mục già đang ngồi trong ca-bin. “Mình cứ vào đi.” Vị linh-mục vừa nói vừa ra khỏi ca-bin, rồi lần lên đứng ở sân mũi. Chiếc ghe giảm máy rẽ vào bến, rồi dừng lại cách toán Việt-Cộng trên bến chỉ độ mười lăm mét. Tôi chợt cảm thấy rờn-rợn sau gáy khi thấy cả toán Việt-Cộng đang trố mắt nhìn chăm-chăm xuống ghe. “Mình mà bị chúng bắt lúc này thì thật là lãng-nhách!” Tôi nghĩ thầm. Tên Việt-Cộng đứng giữa đã ngưng phất cờ, nghênh mặt quát: “Thuyền của lính Ngụy xin hàng phải không?” “Không! Đây là thuyền đánh cá của dân.” Vị linh-mục trả lời. “Sao lại đi vào đây? Các anh là ai? Các anh đi đâu?” Hắn hỏi dồn, rồi nhìn soi-bói vị linh mục trong bộ áo thâm chùng. “Tôi là một linh-mục. Tôi đi đón những người giáo-dân của tôi đã chạy loạn ra Vũng-Tàu để đưa về lại giáo-xứ.” “Giáo-xứ của các anh ở đâu?” “Ở xã Phước-Hòa, gần núi Long-Sơn kia kìa.” Vị linh-mục vừa nói vừa đưa tay chỉ về hướng đảo Long-Sơn. Sau câu trả lời của vị linh mục, bọn Việt-Cộng quay qua quay lại như để bàn-tán và hội ý với nhau. Ngay lúc này, tôi cảm thấy rất lo-sợ vì nghĩ rằng mình sắp sửa bị chúng bắt.
Khoảng năm phút sau, tên Việt-Cộng chợt la lớn: “Được rồi. Các anh đi đi.” Rồi hắn đưa cờ lên vẫy vài cái về phía chúng tôi trước khi cùng đồng bọn lẩn mất vào xóm nhà trên bến. Mọi người thở phào nhẹ-nhõm. Thì ra chúng đã chận chiếc ghe lại vì tưởng rằng chiếc ghe đang chở lính vào để xin đầu hàng. Trong một thoáng, chiếc ghe quay mũi chạy thẳng ra biển, rồi nhắm hướng đảo Long- Sơn trực-chỉ. Trên đường trở về xứ đạo, chiếc ghe đã vào cửa sông lớn phía trước làng chài lưới, nơi Tuân và tôi cùng toán lính nhảy-dù đã đi qua. Khi chiếc ghe đang đi trên một dòng sông lớn trong rừng sát thì một người ngồi ở sân mũi chợt kêu lên: “Thằng chõng!” Tôi nhìn theo hướng tay chỉ của người ấy thì thấy một xác người mặc đồ lính nhảy-dù đang trôi trên mặt nước cách chiếc ghe chỉ độ mười mét. Tôi đã từng nghe nói là xác đàn ông chết trôi sông thì nằm sấp, xác đàn bà chết trôi sông thì nằm ngửa. Chẳng biết có đúng không. Tôi để ý nhìn, nhưng vì trời đã cập quạng tối nên không xác-định được xác người lính này nằm sấp hay ngửa. Trong mấy ngày nay, cái xác này hẳn là đã vừa tấp vào bờ, vừa trôi ra rồi trôi vào theo dòng nước lên xuống nên vẫn chưa trôi ra biển. Sau đó, trước khi trời tối hẳn, chúng tôi còn thấy thêm vài xác lính nhảy-dù khác trôi bồng-bềnh trên dòng sông ấy. Khi ghe về tới bến, nơi chúng tôi đã lội qua mương để vào rừng sát vài hôm trước đây, thì trời đã về đêm. Rời bến ghe, mọi người cùng với linh mục chánh xứ đi theo một con đường đất ngoằn-ngoèo dài hơn một cây số để ra đường quốc-lộ, rồi chia tay ai về nhà nấy. Trên đường từ bến ghe về nhà, tôi chẳng thấy có gì khác lạ. Xứ đạo vẫn bình-thường như không hề bị Việt-Cộng chiếm-đóng. “Có lẽ chúng không có đủ quân nên đã không vào, hoặc có vào nhưng lại phải bỏ đi nơi khác.” Tôi nghĩ thầm.
Về đến nhà, tôi được biết là ngay sáng sớm Thứ Hai vừa qua, bộ-đội Việt-Cộng đã tràn vào ấp. Sau khi đóng quân, chúng cho phát thanh thông-cáo của “Ủy-Ban Quân- Quản” ra lệnh cho các quân-nhân và công chức của chính-phủ Việt-Nam Cộng-Hòa, mà chúng gọi là “Ngụy-Quân và Ngụy-Quyền”, phải tức-khắc giao-nộp vũ-khí ở Văn-Phòng Ấp. Tuy nhiên, rất nhiều anh em nghĩa-quân và nhân-dân tự-vệ đã chỉ đào đất hoặc xuống giếng để lấy súng đạn đem nộp sau khi đài Sài-Gòn phát ra lệnh đầu hàng của Tổng- Thống Minh.
Ngoài ra, tôi cũng được biết là vào đêm Chúa Nhật vừa qua, một cặp vợ chồng bồng theo một đứa con trai độ một tuổi di-tản theo đoàn lính nhảy-dù đã phải bồng con trở về vì có vài người lính dù dọa bắn đứa bé khi nó khóc vì ướt và lạnh.Tôi chợt nhớ lại những tiếng khóc của đàn bà và trẻ con mà tôi đã nghe được trong rừng sát. Tôi cũng nghĩ rằng dù sao thì cặp vợ chồng này cũng phải quay về vì không hề có tàu vào đón lính nhảy-dù để họ quá-giang, mà họ thì không cách nào có thể đem con vượt qua sông được.
Sáng ngày 01-05-1975, ngày Quốc-Tế Lao-Động, Tuân và tôi cùng một số người khác đến Văn-Phòng Ấp để xin giấy phép đi tìm thân-nhân. Thực ra, Tuân và tôi cố ý xin mỗi người một tờ giấy phép để khi cần có thể đào-thoát tiếp. Nhân đó, chúng tôi cũng xin luôn giấy phép cho mẹ của Tuân và cho chú tôi. Lúc này, trong Văn-Phòng Ấp chỉ có vài người đàn ông trung-niên mặc bà-ba đen, và dăm tên du-kích đeo súng AK47. Chúng tôi và mọi người đợi ngoài cửa một lát thì được phát những tờ giấy vàng khè rộng bằng bàn tay, cỡ một tờ giấy học trò cắt ngang làm ba mảnh. Đây là những mẫu giấy phép đi đường có tiêu-đề “Chính-Phủ Lâm-Thời Cộng-Hòa Miền Nam Việt-Nam”. Chúng tôi phải tự điền vào những chỗ trống trên mẫu giấy phép các chi-tiết như họ và tên, nơi đi, nơi đến, lý-do đi, và cả ngày giấy phép được cấp, rồi nộp lại cho Văn-Phòng Ấp. Hơn một giờ sau, chúng tôi trở lại và nhận được những tờ giấy phép của mình. Nhìn tờ giấy phép không có đóng dấu, mà chỉ có họ tên và chữ ký của Chủ-Tịch Ủy-Ban Quân-Quản Ấp, tôi ngạc-nhiên thấy chữ ký của ông Chủ-Tịch tên Tề run-run ngoằn-ngoèo như giun. “Chữ ký quá tệ!” Tôi nhủ thầm và chợt nhớ lại chuyện của bà Yên, một người đàn bà độc-thân độ năm mươi tuổi ở gần nhà tôi.
Theo lời bà Yên thì trước khi di-cư vào Nam năm 1954, bà sinh-sống bằng nghề làm “hàng xáo”, tức là xay thóc và giã gạo để lấy gạo và cám đem đi bán. Mỗi khi đi mua thóc hoặc đem gạo và cám đi bán, bà phải đi qua những trạm kiểm-soát của các cán-bộ Việt-Cộng, thường là ở các đầu lối vào chợ hoặc các đầu cầu bắc ngang những con sông lớn. Có một dạo, tất cả những người bộ-hành đi qua các trạm kiểm-soát đều bị khảo-hạch về khả-năng quốc-ngữ. Do đó, mỗi khi đi đến một trạm kiểm-soát, bà Yên và mấy người bạn hàng thường tự-động lớn tiếng đánh vần những chữ quốc-ngữ đã thuộc lòng từ trước, chẳng hạn như “bờ, bờ-o-bo-huyền-bò “, “tờ, tờ-o-to”, “gờ, gờ-a-ga-huyền-gà”, hoặc “nhờ, nhờ-o-nho-hỏi-nhỏ”, là được cho đi ngay. Bà cũng cho biết là bà và tất cả các bạn hàng đều là con nhà nghèo nên chưa bao giờ được đi học, và chẳng có ai biết một chữ cái nào cả. Sau khi di-cư vào Nam, bà Yên đã làm mọi người trong ấp chúng tôi phải ngạc-nhiên khi bà tự phát-minh một phương-pháp viết của riêng bà. Bà không chỉ dùng những vạch ngang dọc để ghi ngày trong tuần như Robinson đã làm suốt mười sáu năm trên hoang đảo, mà đã dùng đủ loại hình dạng để “viết”, vừa bằng phấn viết bảng vừa bằng than bếp, những gì bà muốn nhớ trên mấy bức tường trong phòng ngủ của bà. Do đó bà có thể đọc vanh-vách những dữ-kiện như ngày tháng, tên người chủ hụi, số người chơi hụi, số tiền đóng hụi, và những chi-tiết liên-hệ khác trong các sở hụi mà bà tham-dự. Ngoài ra, bà cũng đã tập viết được chữ “Yên”, tên gọi của bà, để ký các giấy-tờ cần-thiết. Điều đáng nói ở đây là dù chưa hề đi học, bà Yên đã ký đẹp và vững chãi hơn ông Chủ-Tịch Tề đầy quyền-lực rất nhiều.
Sau khi nhận được những tờ giấy phép, Tuân và tôi chở mẹ Tuân và chú tôi lên Sài-Gòn bằng xe gắn máy. Trên đường từ ấp chúng tôi tới Long-Thành, thỉnh-thoảng chúng tôi lại gặp một trạm kiểm-soát của những tên du-kích có đeo súng và choàng băng đỏ ở cánh tay. Nhờ có những tờ giấy phép đi đường, chúng tôi đã không bị bắt giữ hoặc làm khó dễ như nhiều người khác. Tôi đã tự hỏi là làm sao những tên du-kích có thể xác định được giấy phép và chữ ký ở trên giấy phép của chúng tôi là thật hay giả.
Từ Long-Thành trở đi, chúng tôi không còn gặp một trạm kiểm-soát nào nữa. Sau khi qua cầu Tân-Cảng, chúng tôi chạy thẳng vào Sài-Gòn, quẹo phải ở Đakao, rồi quẹo trái vào đường Hiền-Vương. Tới bùng binh đầu đường Trần-Quốc-Toản, chúng tôi quẹo phải vào đường Lê-Văn-Duyệt, rồi thẳng đường qua Hòa-Hưng, ngã ba Ông Tạ, và ngã tư Bảy-Hiền để đến khu nhà thờ Đắc-Lộ. Tôi nhận thấy đường phố có phần vắng-vẻ, nhưng lại rất ồn-ào vì tiếng loa phóng thanh ra-rả chửi “Mỹ-Ngụy” và kêu gọi dân-chúng chào mừng “Cách-Mạng”. Ngoài ra, tôi cũng thấy có khá nhiều nhà ở hai bên đường treo hoặc dán trước cửa cờ Cộng-Sản Bắc-Biệt và cờ Mặt Trận Dân-Tộc Giải-Phóng Miền Nam. Sau khi thăm gia-đình một người bà con ở khu nhà thờ Đắc-Lộ, chúng tôi từ-giã để đi tiếp. Khi chúng tôi vừa ra tới đầu ngõ thì loa phóng-thanh ở cổng phát ra một thông-cáo yêu-cầu tất cả các chủ hộ trong khu này phải họp vào lúc năm giờ chiều nay tại trường tiểu học ở đây. Thông-cáo còn kèm theo lời đe dọa sẽ "xử-lý" những chủ hộ nào vắng mặt. "Ở đâu thì rồi cũng phải vào rọ! Chúng ta về đi thôi, nếu không chúng ta sẽ bị phiền-phức." Mẹ Tuân nói. Sau câu nói của bà, chúng tôi liền bỏ ý định đi thăm những người bà-con khác ở Sài-Gòn, và đã về đến nhà vào ngay buổi chiều hôm ấy.
Vài ngày sau, Nhân, con một người anh của mẹ tôi, đang là hiệu-trưởng một trường tiểu-học ở gần ấp đánh cá Phước-Tỉnh, đến hỏi tôi là một chiếc ghe đánh cá dài cỡ hai mươi mét có thể đem độ một trăm người vượt biển qua Phi-Luật-Tân hoặc Hồng-Kông được không. Tôi nói là được nhưng phải có đầy-đủ dầu-nhớt, lương-thực, và nước uống cho mười ngày trên biển. Tôi cũng khuyên Nhân là nên đi Mã-Lai hoặc Tân-Gia-Ba thì hay hơn vì cuộc hành-trình sẽ thuận với chiều gió vào thời-điểm này. Sau khi tôi đồng ý sẽ đem gia đình ra đi bất cứ lúc nào, Nhân căn-dặn tôi là hãy luôn sẵn-sàng để ra đi, rồi từ-biệt. Hơn một tuần sau, khi những người di-tản từ ngoài Trung về đã bỏ đi hết, và đơn-vị bộ-đội Bắc-Việt cũng đã di-chuyển đi nơi khác, mọi sinh hoạt trong ấp trở lại bình thường. Tuy nhiên, người dân trong ấp vẫn tiếp tục phải xin giấy phép đi đường nếu cần phải đi xa.
Khoảng giữa tháng Năm, cũng như các
quân-nhân và công-chức Việt-Nam Cộng-Hòa
khác ở đây, tôi đã phải đến một ngôi đình
trong thị-xã Bà-Rịa để “đăng-ký”, tức là khai
lý-lịch cá-nhân gồm tên tuổi, nơi ở, cấp-bậc,
đơn-vị đã phục-vụ, vân-vân. Trong dịp này,
tôi đã gặp lại Khuyên. Sau khi thăm-hỏi,
Khuyên chỉ cái đồng-hồ đặc-biệt để lặn đang
đeo ở cổ tay, rồi cười và nói rằng đó là vật
duy-nhất anh ta còn giữ được để kỷ-niệm
những năm tháng phục-vụ ở Sở Phòng-Vệ
Duyên-Hải.
Sau khi đã “đăng-ký”, tôi lại lên Sài- Gòn để thăm-dò tình-hình và tìm gặp được Tú, một người bạn đã cùng làm việc ở Bộ Tư- Lệnh Hải-Quân. Theo lời Tú thì đêm 29 tháng 4 năm 1975, sau khi các tàu của hạm-đội tách bến để di-tản thì Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân cũng giải-tán, ai muốn về nhà thì về, ai muốn ở lại chiến-đấu thì ở. Rất nhiều quân-nhân hải-quân các cấp đã ở lại, trong đó có Đại-Tá Tấn, người được xem như là Tư-Lệnh Hải-Quân vào phút chót. Họ đã mở kho vũ-khí lấy súng đạn ra lập phòng-tuyến ở công-trường Mê- Linh, nơi có tượng Thánh-Tổ Hải-Quân Trần- Hưng-Đạo, và trước Hải-Quân Công-Xưởng để chiến-đấu. Họ đã chờ địch đến sáng hôm sau, và chỉ bỏ vũ-khí để về nhà sau khi Tổng- Thống Minh đã tuyên-bố đầu-hàng.
Trong dịp này, Tú và tôi đã rủ nhau đến nhìn lại Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân xem sao. Khi đến nơi, chúng tôi nhận thấy cổng Bộ Tư- Lệnh được canh-gác bởi hai tên thủy-thủ Việt- Cộng. Một tên ngồi trong điếm canh cạnh cổng như để tiếp khách vãng-lai, tên còn lại đeo súng AK đi qua đi lại trước cổng. Chúng tôi đến trước điếm canh hỏi thăm tên thủy-thủ ngồi trong ấy vài câu vô-thưởng vô-phạt, rồi đưa ra mỗi người một chiếc chìa khóa để nhờ hắn lấy dùm các giấy-tờ và bằng-cấp trong các tủ khóa cá-nhân trong phòng làm việc của chúng tôi. "Ngoài áo-quần và đồ-đạc trong tủ của chúng tôi thuộc về các anh, chúng tôi sẽ trả thêm tiền công cho các anh nữa." Chúng tôi bảo hắn. Tên này đồng ý giúp, và hẹn chúng tôi trở lại trong phiên gác của hắn từ 4 đến 6 giờ chiều ngày hôm sau. Khoảng 4 giờ rưỡi chiều ngày hôm sau, chúng tôi trở lại nhưng cẩn-thận đứng từ xa nhìn vào để quan sát. Hai tên thủy-thủ gác cổng ngày hôm qua chẳng thấy đâu, thay vào đó là hai tên lạ hoắc. Cả hai tên này đều đeo súng AK, và đều đang đi qua đi lại trước cổng, gườm-gườm nhìn kẻ qua người lại như nhìn kẻ thù. “Thật là ngu! Khi không để mất thêm hai cái chìa khóa.” Chúng tôi cười bảo nhau, rồi rút lui tức-khắc vì sợ bị bắt.
Vài tuần sau, tất cả những hạ-sĩ-quan Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa trong ấp tôi có cấp-bậc từ trung-sĩ đến chuẩn-úy thình-lình được lệnh đi “học-tập cải-tạo” ba ngày ở thị- xã Bà-Rịa. Ba ngày sau, đúng như đã được thông-báo, tất cả bọn họ đều được thả về với giấy chứng-nhận đã học-tập cải-tạo. Sau khi những người hạ-sĩ-quan được thả về, một thông-cáo của Ủy-Ban Quân- Quản được phổ-biến, ra lệnh cho tất cả các sĩ quan Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa có cấpbậc từ thiếu-úy đến đại-úy phải chuẩn-bị đồ- đạc và tiền-bạc đủ dùng trong 10 ngày để đi "học-tập cải-tạo". Nơi trình-diện là một đồn lính ở ngoại-ô thị-xã Bà-Rịa. Thời hạn trình diện là ba ngày 14, 15, và 16 tháng 6 năm 1975. Thông-cáo cũng kèm theo lời đe-dọa sẽ “xử-lý” những ai không chấp-hành hoặc chấp hành chậm-trễ. Cho đến lúc này, tôi vẫn không biết được tin-tức gì về Túy và Phán, nhưng lại mừng thầm cho họ. Cũng cho đến lúc này, tôi không còn hy-vọng có thể đào thoát được nữa vì Nhân vẫn bặt-tăm.
Chiều ngày 16 tháng 6 năm 1975, với một túi hành-trang giản-dị và một số tiền dự- trù đủ để đóng tiền ăn và tiêu vặt trong mười ngày, tôi chở Nhung bằng xe đạp lên Bà-Rịa. Sau khi vào một quán nước để giải khát, chúng tôi lại thẳng đường ra khỏi thị-xã, rồi đi thêm ba, bốn cây-số qua một khu ruộng muối và vài cánh đồng rộng-lớn thì đến nơi trình diện. Đây là một đồn lính xa hẳn những khu nhà dân, nằm đơn-độc bên đường lộ, giữa những đồng lúa xanh rì. Đồn này có lẽ đã bị bỏ trống khá lâu nên khắp nơi cỏ hoang mọc đầy. Dưới trời mưa rả-rích và gió lộng từng cơn, một đám đông, vừa người đi trình-diện lẫn người đưa tiễn, đang đứng lố-nhố trước cổng để chờ đợi. Tôi kéo Nhung chen vào đám đông, rồi lặng-lẽ quan-sát. Dù rất rộng với bốn, năm dãy nhà tôn dài và cao lớn, đồn lính lúc này thật là vắng-vẻ. Ngoài hai tên bộ- đội ôm súng đi qua đi lại trước cổng, tôi chỉ thấy năm, sáu tên bộ-đội khác trong một cái lều vải dựng tạm ở bên trong, cách cổng độ mười lăm mét. Lần lượt từng nhóm độ mười người một, những người đi trình-diện “học tập cải-tạo” được dẫn vào “đăng-ký” trong cái lều vải ấy. Sau một hồi nán lại để dặn-dò và an-ủi Nhung, tôi chia tay nàng đi vào “đăng ký” để nàng có thể về đến nhà trước khi trời tối.
"Đăng-ký" xong, nhóm chúng tôi, trong đó có một nữ quân-nhân, được một tên bộ-đội đeo súng dẫn thẳng vào trong đồn. Đang đi, tôi quay lại nhìn ra cổng thì thấy Nhung vẫn còn đứng đấy với những người đưa tiễn. Khi đến trước một căn nhà to và cao trông như một cái nhà kho, cách cổng đồn độ sáu, bảy chục mét, chúng tôi được lệnh dừng lại. Tên bộ-đội bảo người nữ quân-nhân đứng riêng qua một bên, rồi loay-hoay mở cánh cửa bằng tôn. Ngay lúc ấy tôi quay hẳn người lại nhìn ra cổng. Bên ngoài hàng rào kẽm gai, giữa những người đưa tiễn, Nhung, dưới vành nón lá, đang ngước lên dõi mắt trông theo và đưa tay vẫy. Lòng chợt chùng xuống, tôi cắn chặt răng giơ tay lên vẫy lại.
"Về đi. Em hãy về đi." Tôi thầm-thì.
Tên bộ-đội hối-thúc bọn đàn ông chúng tôi bước vào, rồi đóng sầm cửa lại. Trong căn nhà rộng như một cái hội-trường và ồn-ào như một cái chợ, hàng vài trăm người đang nằm ngồi la-liệt trên những tấm trải đủ loại và đủ màu khác nhau được trải khắp nơi trên sàn xi-măng.
"Chẳng biết có người quen nào của mình ở trong này hay không?" Tôi tự nhủ, rồi đi lần vào đám đông để tìm một chỗ trống.
Chung quanh tôi, mọi người vẫn ồn ào, cười-cười nói-nói. Chắc-chắn là họ cũng như tôi, chẳng ai ngờ rằng mình và hàng trăm ngàn đồng-đội khác đã trở thành những tên tù khổ-sai, dài hạn, và không án.
vũ hữu lý
http://www.denhihocap.com/ds2009/dtbny.html
Biên Hùng chuyển
Khép mi lại rõ-ràng mình hăm mấy,
Mở mắt ra lại thấy sáu mươi ngoài!
Ă n vội tô hủ-tíu và uống cạn thật nhanh chai bia 33 ở bến phà Thủ-Thiêm, tôi trả tiền rồi ngoắc một chiếc xe ôm để ra Hàng-Xanh. Bây giờ đã hơn bốn giờ chiều Thứ Bảy, ngày 26 tháng 4 năm 1975. Tôi phải về Bà-Rịa tối nay để sáng mai có thể ra Vũng-Tàu thật sớm, rồi trở lại Sài-Gòn trong ngày.
Mới trưa hôm qua, Bá, một người bạn cùng phục-vụ ở Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải, Đà- Nẵng với tôi vài năm trước đây, đã đến Phòng Nghiên-Huấn, Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân tìm tôi. Hắn nói là Sài-Gòn đang bị bao-vây và cô-lập giống y như Đà-Nẵng hồi cuối tháng 3 vừa qua, rồi quả-quyết rằng cũng giống như Đà-Nẵng, Sài-Gòn sẽ bị Việt-Cộng chiếm trong vòng mươi ngày nữa. Bá cũng cho tôi biết là khi Quân-Đoàn I di-tản, hắn đã đem được cả gia-đình từ Đà- Nẵng vào Vũng-Tàu trên chiếc duyên-tốc-đĩnh (PCF – Patrol Craft Fast) của Hải-Đội 1 Duyên-Phòng mà hắn là thuyền-trưởng. Hiện giờ Bá được biệt-phái cho Hải-Đội 3 Duyên-Phòng và vẫn tuần duyên ở Vũng-Tàu với chiếc PCF ấy, nhưng bố mẹ và bốn đứa em của hắn thì lại đang ở trọ ở Thủ-Đức. Do đó, Bá đến nhờ tôi tìm cho gia-đình hắn một nơi tạm-trú ở Vũng-Tàu để khi cần hắn có thể đem cả gia-đình đào-thoát tiếp. Cuối cùng, Bá bảo tôi rằng nếu muốn, tôi chỉ cần đem gia-đình ra một bãi biển nào đó ở Vũng-Tàu là hắn sẽ bằng mọi giá đem chiếc PCF vào đón và chở toàn bộ gia-đình tôi cùng với các gia-đình của thủy-thủ-đoàn di-tản về miền Tây, hoặc chạy ra tàu của Đệ Thất Hạm-Đội Hoa-Kỳ ở ngoài khơi Vũng-Tàu.
Không tin, tôi bảo Bá rằng Sài-Gòn không thể mất, hoặc nếu có mất thì cũng không thể nhanh như thế được. Mới tuần trước đây, một cuộc họp sĩ-quan của Phòng Nghiên-Huấn đã được triệu-tập để bàn về việc này. Việt-Cộng đã bị chận lại ở Long-Khánh. Ít nhất cũng phải hai tháng nữa chúng mới có khả-năng để tiến về Sài-Gòn vì phải tiếp-viện thêm binh-lính, nhiên-liệu, và vũ-khí. Dù nói với Bá như thế, tôi cũng hứa là sẽ nhờ cô út của tôi ở ấp Bến-Đá, Vũng-Tàu cho gia-đình hắn ở trọ. Giờ đây, tôi phải rời Sài-Gòn để thực-hiện lời hứa đó. “Nếu không có vụ luân-phiên chào cờ đầu tuần vào sáng Thứ Hai thì mình đâu có cần phải về lại Sài- Gòn vội-vã như thế.” Tôi nhủ thầm.
Bác tài-xế xe ôm, theo lời tôi, đã tống hết ga để qua mặt xe-cộ đông đầy sau giờ tan sở trên đường Hai Bà Trưng, nhưng tôi vẫn cảm thấy chậm vì sợ trễ. “Việt-Cộng đang uy-hiếp Bà- Rịa, chúng có thể chận xe-đò lại dọc đường khi trời tối.” Một hạ-sĩ-quan của Phòng Nghiên- Huấn có nhà ở thị-xã Bà-Rịa đã nói với tôi như thế vào hôm Thứ Hai vừa qua. “Dù sao đi nữa mình cũng cứ đi.” Tôi lại nhủ thầm, và nghĩ ngay đến khẩu P38 đã nạp đạn đang nằm gọn trong cái xách tay. Khẩu súng này, như tất cả các súng cá nhân khác, đã được lệnh phải được hoàn-trả vào kho từ mấy tuần trước, nhưng tôi vẫn giữ lại với lý-do để tự-vệ vì nhà ở ngoài phạm-vi thủ-đô Sài-Gòn.
Lên xe đò ở Hàng-Xanh, tôi nhìn quanh và thấy ở một hàng ghế bên trái xe chỉ có một người mặc đồ thủy-quân lục-chiến ngồi. Tôi đi lần đến rồi dừng lại. Người lính liền ngồi dịch vào sát cửa sổ xe để dành chỗ cho tôi. Tôi nói cám ơn, rồi ngồi xuống và đặt chiếc xách tay xuống gầm ghế trước mặt. Xong xuôi, tôi quay qua nhìn người lính. Anh ta cũng vừa quay lại nhìn tôi. “Chào anh.” Cùng một lúc, chúng tôi vừa nói vừa đưa tay bắt. “Chà-ạy!” Người lơ xe la lên và vỗ thình-thình vào thành xe. Chiếc xe đò từ-từ chuyển bánh, tăng tốc-độ, rồi chạy vùn-vụt trên xa-lộ.
Tôi nhận thấy chẳng có gì đáng chú ý. Xe-cộ qua lại trên xa-lộ vẫn tấp-nập.
- Anh về đâu? Người lính thình-lình hỏi.
- Về Bà-Rịa. Còn anh? Tôi hỏi lại.
- Tôi về Vũng-Tàu. Anh ta trả lời.
Qua đối-thoại, tôi được biết người lính tên là Quyền, quê ở Vũng-Tàu. Một tháng trước đây, khi Quân-Đoàn I di-tản, các đơn-vị thủy-quân lục-chiến được lệnh tập-trung để đợi tàu ở bờ phía bắc của vịnh Đà-Nẵng, phía nam đèo Hải-Vân. Tàu hải-quân đã vào đón, nhưng đơn-vị Quyền và một số đơn-vị khác đã bị bỏ rơi lại. Sau khi đơn-vị tan-hàng, Quyền đã phải cởi bỏ quân-phục để mặc thường-phục, rồi chạy theo những người tị-nạn. Cuối cùng, sau mấy tuần lễ gian-nan vất vả, Quyền đã về tới Vũng-Tàu và ra trình-diện một đơn-vị thủy-quân lục-chiến ở đây. Quyền cũng nói với tôi là hiện giờ đang có tin đồn là Việt-Cộng đã tập-trung quân trong mật-khu Minh-Đạm ở núi Long-Hải để chuẩn-bị đánh chiếm thị-xã Bà-Rịa, thủ-phủ của tỉnh Phước-Tuy, nơi chỉ cách thị-xã Vũng-Tàu khoảng hai mươi cây-số. Quyền còn nói có rất nhiều người ở Bà-Rịa đã chạy ra Vũng-Tàu để lánh nạn.
Nghe xong, tôi vẫn chẳng e-ngại gì cả. Trong thâm-tâm, tôi luôn nghĩ rằng Bà-Rịa không thể mất vì thị-xã này nằm trên trục-lộ Sài-Gòn Vũng-Tàu, con đường huyết-mạch phải được bảo-vệ để di-tản nếu cần. Người lơ xe đi đến. Tôi trả tiền xe, rồi dựa đầu vào ghế, lơ-đãng nhìn cảnh-vật bên đường. Pho tượng Tiếc-Thương và những khoảnh đất phủ cờ vàng ba sọc đỏ ở Nghĩa-Trang Quân-Đội dần dần hiện rõ ở phía bên trái khiến lòng tôi se lại. Tôi vội nhìn đi nơi khác để xua đi những hình-ảnh tang-tóc và buồn-thảm của cuộc chiến vừa chợt đến trong đầu.
Khi xe đã qua khỏi Làng Cô-Nhi Long-Thành và đang chạy ngang một đồn điền cao-su, tôi tình-cờ nhìn qua cửa sổ và thấy năm, sáu chiếc xe thiết-giáp đang nằm im-lìm giữa rừng cây cao-su ngay hàng thẳng lối. Nhìn những người lính đứng ngồi chung quanh và trên nóc những chiếc xe thiết-giáp, tôi chợt nhớ đến Túy và Phán, hai người bạn thời tiểu-học của tôi. Đã bảy năm kể từ lúc hai người này đến từ-giã tôi để lên đường nhập ngũ, tôi chưa hề có dịp gặp lại họ. Vì vậy, cho đến lúc này, tôi chẳng biết họ ở đâu, mà chỉ biết được rằng Túy là một sĩ-quan thiết-giáp đã có vợ, và Phán là một sĩ-quan bộ-binh còn độc thân.
Xe vào bến xe thị-xã Long-Thành đón thêm vài người khách, rồi tiếp-tục đi. Tôi cũng chẳng thấy gì khác lạ. Đoạn đường ngang qua thị-xã vẫn đông người và xe-cộ. Các hàng-quán vẫn mở cửa, và khách vẫn ra vào tấp-nập. Yên tâm, tôi lại dựa đầu vào ghế, rồi chẳng mấy chốc chìm vào giấc ngủ. Giật mình thức giấc, tôi nhận thấy xe đã tới ấp Long-Hương, nơi chỉ còn cách thị-xã Bà-Rịa hơn một cây-số.
- Tốp, tốp! Ngừng đi bác tài. Tôi la lên.
- Ủa! Chưa tới Bà-Rịa mà? Quyền hỏi.
- Tôi phải xuống đây anh ạ.
Tôi trả lời, rồi cúi xuống lấy cái xách tay. Xe ngừng. Tôi bắt tay từ-giã Quyền rồi xuống xe.
Nhìn đồng hồ đã gần bảy giờ tối, tôi vội-vã băng ngang quốc-lộ, rồi đón một chiếc xe Lam ba bánh để đi ngược trở lại. Khoảng nửa giờ sau, tôi bảo bác tài-xế ngừng xe ở đầu ngõ vào nhà thờ Giáo-xứ Thánh Tô-Ma. Giáo-xứ Thánh Tô-Ma là một xứ đạo đã được thành-lập trong cuộc di-cư vĩ-đại của gần một triệu người từ miền Bắc vào miền Nam Việt-Nam để tránh chế-độ Cộng-Sản sau Hiệp-Định Geneva 20 tháng 7 năm 1954. Xứ đạo này cũng là một ấp về phương-diện hành chánh.
Cách Sài-Gòn độ bảy, tám chục cây số, Ấp trải dài gần hai cây-số dọc theo Quốclộ 15 trên lộ-trình Sài-Gòn Vũng-Tàu, và mở rộng hơn một cây số vào phía chân núi Thị-Vải nằm bên trái của quốc-lộ. Ngoài ra, ngay bên phải quốc-lộ là một dãy nhà ngang, nhìn ra mặt lộ, chạy suốt theo chiều dài của ấp. Sau dãy nhà này là một cánh đồng rộng lớn đã được khai-phá từ khi ấp mới thành-lập. Bên ngoài cánh đồng là một bờ đê để ngăn không cho nước mặn tràn vào từ rừng sát. Rải-rác dọc theo bờ đê là những bến ghe ở đầu các nhánh sông cụt. Mỗi bến là nơi đậu của mươi chiếc ghe máy khá lớn và vài chục ghe chèo nhỏ. Tiếp-giáp với bờ đê là rừng sát xanh rì với những nhánh sông chằng-chịt. Mút tầm mắt phía bên ngoài rừng sát là một vùng cửa biển rộng lớn nằm giữa Núi Lớn Vũng-Tàu và đảo Long-Sơn.
Ngay khi xứ đạo vừa mới được thành lập, vị linh-mục già chánh xứ, người đã cùng đi với giáo-dân từ Bắc vào Nam, đã xin được sự trợ-giúp của chính-phủ để dựng lên một ngôi nhà thờ và hai căn nhà nhỏ để làm trường học. Lúc đó, nhà thờ có mái lợp tôn và tường xây bằng xi-măng, nhưng trường học thì chỉ có mái tôn với vách bằng đất. Dưới sự hướng dẫn và giúp-đỡ của phụ-huynh, chúng tôi, những đứa trẻ trên dưới mười tuổi, đã vào rừng phía sau ấp chặt tre hoặc những cây con to cỡ ngón chân cái và dài hai, ba mét để đem về làm sườn, rồi nhồi đất với rơm để trét vách cho những lớp học đầu-tiên của chúng tôi. Sáu năm sau, khi ngôi nhà thờ đã được sửa chữa thật khang-trang, và hai dãy trường học đã được xây-dựng lại để trở thành trường tiểu học bán-công rồi công-lập, vị linh-mục già rời xứ đạo để vào nhà dòng. Từ đó đến nay, vài vị linh-mục khác đã lần-lượt được thuyên chuyển đến để làm chánh xứ.
Người dân ở đây có cuộc sống tương đối đầy-đủ, nhưng rất vất-vả. Ngoài một số nhỏ vào rừng đốn củi và đốt than, phần lớn họ làm ruộng-rẫy quanh ấp, hoặc đánh cá trên những nhánh sông chằng-chịt trong rừng sát. Thêm vào đó, quanh năm suốt tháng họ còn có thể chằm nón lá, một việc rất hợp với đàn bà và trẻ con. Ngoài ra, cũng phải kể một số rất ít, đếm trên đầu ngón tay, làm nghề buôn bán hoặc chạy xe Lam kiếm sống. Sau hơn hai mươi năm, nhân-số trong ấp đã tăng gấp bội, lên tới vài ngàn người. Dù rộng và đông dân như thế, ấp chủ-yếu vẫn chỉ tự bảo-vệ. Mới đầu, ấp được bảo vệ bởi Đoàn Thanh-Niên Công-Giáo của giáo xứ. Sau đó ấp được bảo-vệ thường-trực bởi một trung-đội Nghĩa-Quân, gồm toàn những giáo-dân trong xứ đạo, và một đoàn Nhân-Dân Tự-Vệ của ấp khoảng vài chục người, bao gồm những thanh-niên được miễn, hoãn, hoặc chưa tới tuổi quân-dịch. Vậy mà suốt hai chục năm qua, Việt-Cộng chưa bao giờ dám bén-mảng vào trong ấp. Cả ấp chỉ có không tới mười người là sĩ-quan trong quân-đội. Tất cả đều xuất-thân từ trường tiểu-học ở đây. Trong số những người này thì Túy, Phán, và tôi là ba học trò trong những lớp học đầu tiên khi xứ đạo vừa mới được thành-lập.
Đã hơn sáu năm kể từ khi vào lính, tôi cũng đi biền-biệt như Túy và Phán nên chỉ có thể hỏi thăm tin-tức về họ mỗi khi có dịp về thăm nhà. “Chẳng biết có thằng nào về nhà vào cuối tuần này như mình hay không?” Tôi nhủ thầm khi xuống xe Lam bước vào đầu ngõ. Nhung, vợ tôi, đón tôi trước cửa.
- Ô! Sao anh nói tuần sau mới về? Nàng ngạc nhiên hỏi.
- Anh về có chút việc cần em ạ.
Tôi trả lời khi bước vào nhà.
- Người tị-nạn từ ngoài Trung vào nhiều quá anh ơi. Họ ở đầy nhà công-quán và hai dãy trường học ở cuối nhà thờ đấy. Nàng bảo tôi.
- Thế hả em? Tôi hỏi vô- thưởng vô-phạt.
Ngập-ngừng một lát, Nhung lo-âu nói:
- Lính nhảy-dù đóng rất đông ở chân núi phía sau ấp. Không biết tình hình rồi sẽ ra sao!
- Chẳng có gì đáng phải lo đâu. Tôi trấn an nàng.
Trời đã về khuya. Đài phát thanh Sài-Gòn đang phát ra phần tin-tức. Tình-hình chiến-sự đã tồi-tệ, tình-hình chính-trị còn tồi tệ hơn. Theo đài phát thanh thì quân-đội Bắc-Việt đang siết dần vòng vây chung quanh Sài-Gòn. Cũng theo đài phát thanh thì Cụ giáo Tổng-Thống Trần-Văn-Hương đang bị áp-lực buộc phải trao quyền cho tướng Dương-Văn-Minh. Theo lời Cụ thì tướng Minh đã năn-nỉ xin Cụ trao chức-vụ Tổng-Thống cho ông ta với lý-do là ông ta đã giàn-xếp với Việt-Cộng. Cụ cũng vạch rõ rằng tướng Minh đã về hưu không còn chức-vụ gì nữa, vậy ông ta lấy tư cách gì mà đi giàn-xếp với Việt-Cộng. Hơn thế nữa, "Đất-Nước không phải là chiếc musoa để muốn trao cho ai thì trao." Cụ nhấn mạnh.
Trao quyền cho tướng Minh thì còn chiến-đấu gì được nữa. Tôi nghĩ thầm, rồi chán-nản tắt máy thu-thanh bước ra ban-công.
Nhìn về hướng đông, tôi giật mình thấy những ánh hỏa-châu sáng rực trên bầu trời Bà-Rịa. Trời vừa tảng sáng thì những người lính nhảy-dù đã từ chân núi Thị-Vải lũ-lượt kéo ra quốc-lộ. Tin-tức lan-truyền rất nhanh. Mọi người đều hoang-mang khi nghe nói đó là một đơn-vị thiện-chiến của Lữ-Đoàn 1 Nhảy-Dù có nhiệm-vụ bảo-vệ Bà-Rịa và Quốc-lộ 15. Lính dù mà rút lui thì chắc chắn là Việt-Cộng sẽ tràn vào. Tình-hình trong ấp nhanh chóng trở nên rối-loạn. Người ta chạy đôn chạy đáo để dò-la tin-tức và hỏi ý-kiến lẫn nhau. Từ trên ban-công, tôi nghe được những lời đối-thoại của những người đi ở dưới đường.
- Tụi mình phải dấu súng đi mới được! Một vài người nào đó bảo nhau.
- Chúng sẽ tịch-thu tất cả của-cải, ruộng-vườn, và gia-súc. Lại còn kết tội địa-chủ và đem ra đấu-tố! Một người khác thêm vào.
- Thế thì mình làm thịt heo gà đang nuôi để ăn và bán rẻ đi còn hơn. Có ai đó đưa ý-kiến.
Suốt buổi sáng, đoàn quân nhảy-dù đã tìm mọi cách để về Sài-Gòn hoặc ra Vũng-Tàu nhưng đều vô hiệu. Những chuyến xe cam-nhông chở đầy lính “mở-đường-máu” về Long-Thành hoặc ra Bà-Rịa đều bị dội ngược lại. Vậy là hai nơi này đã bị Việt-Cộng chiếm-đóng. Đoàn quân nhảy-dù rốt cuộc đã bị kẹt ở giữa, và hiện giờ đang tập-trung trên quốc-lộ, tại một cây cầu ở phía tây và cách ấp tôi không đầy một cây số.
Trời đã về chiều, khi tôi đang giúp mấy người em vợ đào một cái hầm để "chống pháo-kích" thì một đứa cháu của tôi đến tìm và nói là vợ tôi nhắn tôi về thật gấp. Tôi vội vã về nhà cách đó chỉ vài trăm mét. Vừa thấy tôi, Nhung đã cuống-quít nói:
- Lính nhảy-dù đang di-chuyển ra rừng sát. Ai cũng nói anh phải đi đi, nếu không thì nguy-hiểm lắm.
Ngập-ngừng một lát, nàng lo-lắng nhìn tôi hỏi:
- Làm sao bây giờ. Anh?
"Làm sao bây giờ?". Tôi cũng tự hỏi, rồi trong một thoáng ôn lại quá-trình trong quân-đội của mình.
T háng 3 năm 1969, tôi rời Đại-Học Khoa-Học Sài-Gòn để tình-nguyện gia-nhập Khóa 20 Sĩ-Quan Hải-Quân, còn gọi là Khóa Đệ Nhị Hổ-Cáp. Cuối tháng 7 năm 1970, sau khi tốt-nghiệp tại Trường Sĩ-Quan Hải-Quân Nha-Trang, tôi về Sài-Gòn để làm thủ-tục đi thực-tập trên Đệ Thất Hạm-Đội của Hải-Quân Hoa-Kỳ. Tuy nhiên, sau khi đã may quần áo và chờ đợi được gần 2 tháng, tôi lại được lệnh trình-diện Phòng Tổng Quản-Trị, Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân để chọn đơn-vị. Tại đây, sau khi được biết là có vài người cùng khóa lúc còn trong quân-trường đã tình-nguyện về Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải, nhưng sau khi ra trường được lệnh tân-đáo đơn-vị thì lại năn-nỉ xin rút lui, tôi đã tình-nguyện và trở thành người đầu tiên trong Khóa 20 về phục-vụ tại đơn-vị này.
Sở Phòng Vệ Duyên-Hải (CSS-Coastal Security Service) là một đơn-vị bí-mật trong chiến-tranh không quy-ước, do Hoa-Kỳ yểm trợ, nên không trực-thuộc Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân mà trực-thuộc Nha Kỹ-Thuật, Bộ Tổng-Tham-Mưu, Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa.
Nhân-viên của Sở là những người hoàn-toàn tình-nguyện, được tuyển-chọn từ các quân-nhân hải-quân lẫn lục-quân và những nhân-viên dân-chính mà chúng tôi gọi là “biệt-kích không số quân”. Mỗi nhân-viên, dù là quân-nhân hay dân-chính, đều ký với Sở một giấy cam-kết giữ bí-mật và sẵn-sàng thihành công-tác ở bất cứ nơi đâu, dù có phải “đi không trở lại”, trên lãnh-thổ Việt-Nam từ ải Nam-Quan đến mũi Cà-Mau.
Trong hơn hai năm phục-vụ tại đơn-vị này, tôi được chỉ-định làm Hạm-Phó, rồi Hạm-Trưởng SWIFT kiêm Sĩ-Quan Phòng- Thủ Đơn-Vị của Lực-Lượng Hải-Tuần.
Ngay sau Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, các PT của Sở đã liên-tiếp vượt vĩ-tuyến 17 nhằm tấn-công Bắc-Việt, nhưng đều bị lộ và phải quay về. Chẳng bao lâu sau đó, không biết vì khế-ước liên-quan đến Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải giữa Việt-Nam Cộng-Hòa và Hoa-Kỳ đã hết hạn, hay vì không muốn cho Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa sử-dụng PT để tấn-công trả đũa Bắc-Việt, và chống lại Trung-Cộng ở trận Hoàng-Sa sau này, Hoa-Kỳ đã thâu-hồi tất cả các PT của Sở để đem về Căn-Cứ Hải- Quân Subic Bay ở Phi-Luật-Tân. Nhận thấy sau khi các PT bị thâu-hồi, Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải không còn là một đơn-vị hào-hùng như trước nữa, tôi đã quyếtđịnh xin về lại Hải-Quân.
Tháng 12 năm 1972, về trình-diện Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân, rồi Bộ Tư-Lệnh Hạm Đội, tôi được thuyên-chuyển xuống Tuần-Dương-Hạm Ngô-Quyền HQ-17. Trên tàu này, tôi được chỉ-định giữ chức-vụ Trưởng Ban Trọng-Pháo, rồi Trưởng Ban Trọng-Pháo kiêm Trưởng Khối Vũ-Khí Vỏ-Tàu, rồi sau cùng là Trưởng Ban Trọng-Pháo kiêm Sĩ- Quan An-Ninh Chiến-Hạm. Sau một năm phục-vụ trên chiến-hạm, với những chuyến ra khơi dài đằng-đẵng để tuần dương và hàng chục lần từ ngoài khơi chạy vào bãi biển Sa-Huỳnh, gần ranh-giới hai tỉnh Bình-Định và Quảng-Ngãi, để yểm-trợ hải-pháo, tôi xin về học Tham-Mưu Trung-Cấp Hải-Quân.
Cuối tháng 6 năm 1974, sau khi tốtnghiệp Tham-Mưu Trung-Cấp và được ưu tiên chọn đơn-vị, tôi đã chọn Phòng Nghiên-Huấn thuộc Khối Quân-Huấn, Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân, Sài-Gòn. Từ đó đến nay, tôi vừa giữ chức-vụ Trưởng Tiểu-Ban Học-Trình tại Phòng Nghiên-Huấn vừa kiêm-nhiệm trách-vụ Bồi-Thẩm Hải-Quân tại các Tòa Án Dân-Sự và Quân-Sự Mặt Trận.
"Nếu chúng khám-phá ra mình đã phục-vụ ở Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải hoặc Tòa Án Quân-Sự Mặt Trận thì thật là nguy-hiểm." Tôi tự nhủ, rồi nói với Nhung:
- Rất có thể là lính nhảy-dù sẽ được tàu vào đón. Nếu không thì họ cũng sẽ vượt rừng sát để ra Vũng-Tàu. Anh sẽ đi theo họ để tìm phương-tiện về Sài- Gòn.
Ngay lúc nói như thế, tôi nghĩ đến Căn Cứ Hải-Quân Cát-Lở thường được dân chúng tại đây gọi là Thành Hải Quân, và tự nhủ rằng nhất định phải có vài người bạn cùng khóa với tôi đang phục-vụ ở đấy.
Sau khi căn-dặn Nhung chuẩn-bị cho mình một số hành-trang, tôi lên ban-công lầu hai để quan-sát. Nhìn những cụm khói đen thật lớn đang bốc lên ở hướng tây của ấp, tôi đoán là lính nhảy-dù đã thiêu-hủy những khẩu đại bác và xe-cộ của họ. Ngoài ra, tôi cũng thấy vài cụm khói vươn lên ở gần bờ đê cách quốc lộ không đầy một cây-số đường chim bay.
"Họ di-chuyển ra bến ghe." Tôi nhủ thầm.
Khi tôi xuống lầu thì Nhung đã chuẩn bị sẵn những thứ tôi đã dặn. Tôi vội-vã mặc bộ thường-phục màu đậm và mang vào đôi giày ba-ta biệt-hải màu xám tro, rồi kiểm lại cái ví da đựng tiền và giấy-tờ tùy-thân. Ngay lúc đó, Nhung đưa đến cho tôi một túi ny-lông dày cộm trong đựng một bộ quần áo để dự-phòng của tôi và một lon guy-gô bằng nhôm.
- Trong lon guy-gô là thức ăn. Nàng nói.
Tôi cẩn-thận nhét khẩu súng cùng với hộp đạn và cái ví da vào giữa bộ quần áo trong túi nylông ấy, rồi dùng một sợi dây thung cột chặt miệng túi lại. Xong xuôi, tôi bỏ túi ny-lông vào trong một chiếc túi rết của lính, gài nắp, rồi choàng quai qua đầu và điều-chỉnh để đeo vừa bên hông.
- Phải rất cẩn-thận, anh nhé. Nhung rưng-rưng nhìn tôi dặn-dò.
Nhận thấy Nhung quá lo-lắng, tôi nắm chặt tay nàng an-ủi:
- Em cứ yên tâm. Anh sẽ tìm mọi cách để về Sài-Gòn. Rồi đây mình sẽ gặp lại. Em hãy giữ-gìn sức-khỏe nhé.
Khi Nhung và tôi ra đến cửa thì gặp cha và chú tôi đang đứng đợi. Cha tôi nói:
- Chúng tôi già rồi. Nhà ta chỉ còn có một mình anh. Anh phải đi thì mình mới mong có ngày gặp lại.
Chú tôi, người duy-nhất trong những người thân của tôi biết là tôi đã từng phục-vụ ở một đơn-vị không quy-ước, tiếp lời:
- Cho dù có phải đợi mấy chục năm nữa, như từ hồi di-cư 54 đến giờ, cũng vẫn hơn là anh bị chúng bắt.
- Con sẽ về lại. Xin Ba và Chú hãy giữ-gìn sức-khoẻ.
Tôi nói với cha và chú tôi, rồi vội-vã rời nhà để ra bến ghe.
Tôi vừa ra khỏi cửa thì gặp Tuân, con người chị cả của cha tôi, đang đứng đợi để cùng đi với tôi. Trên đường ra bến ghe, Tuân nói anh ta cũng phải di-tản vì đã từng phục-vụ trong một đơn-vị đặc-biệt. Ngoài ra, Tuân cũng cho tôi biết là anh ta sẽ ra nhà bố mẹ vợ ở ấp Bến-Đá, Vũng-Tàu để tạm-thời lánh nạn.
Khi Tuân và tôi tới bến ghe thì trời vừa sụp tối. Thấp-thoáng dưới bóng đêm, một đoàn lính nhảy-dù lẫn-lộn với một số ít thường dân đang nối đuôi nhau rời bờ đê lội qua một cái mương hẹp để vào rừng sát. Chúng tôi liền cởi giầy bỏ vào túi đeo, rồi xắn quần chen vào giữa dòng người đang dichuyển ấy. Sau khi đã lội qua mương để vào trong rừng sát, mọi người lại phải lội bì-bõm vì mực nước trong rừng vẫn còn cao hơn mặt đất cả gang tay. Rừng ở đây gồm toàn những cây vẹt, hay cây đước với hàng trăm rễ phụ từ thân cây chĩa ra, uốn cong như những cánh cung, rồi cắm xuống mặt bùn. Thêm vào đó là hàng ngàn trái vẹt rụng nay đã mọc thành cây con chĩa lên tua-tủa như chông trên mặt bùn vẫn còn đầy nước.
- Cứu tôi! Cứu tôi với. Có tiếng cầu-cứu vang lên.
Tôi trố mắt nhìn trong đêm. Trước mặt tôi, những người lính đang tạt sang hai bên để đi tới. Ở giữa lối đi, một người lính bị lún sình tới gần ngang ngực. Anh ta đang chới-với, cố gắng nhoai lên nhưng vô hiệu vì chiếc ba-lô trên lưng đã ngập một nửa dưới bùn.
- Mình kéo hắn lên. Tôi nói với Tuân.
Chúng tôi liền bước sang hai bên, rồi mỗi người nắm một cổ tay người lính, tay kia bám chặt vào một cành cây để lấy sức.
- Một, hai, ba! Tôi kêu lên làm hiệu.
Chúng tôi tức-thì kéo người lính lên và đi tới. Khi người lính ấy đã lên khỏi vũng lầy và đang gượng đứng lên trên mặt bùn nhão-nhẹt, chúng tôi buông tay và tiếp-tục bước nhanh theo đoàn người phía trước. Sau hơn nửa giờ lội bì-bõm trong rừng vẹt, đoàn người bị chận lại bởi một nhánh sông rộng đến vài chục mét. Thủy-triều mới bắt đầu xuống, nước vẫn còn phủ bìa rừng. Tuân và tôi bơi sang bờ đối-diện, rồi lại tiếp tục theo đoàn người đi sâu hơn vào rừng sát. Từ đây, dù nước không còn phủ mặt đất, việc di-chuyển vẫn vất-vả vì bùn-lầy vướng chân và cây cùng rễ vẹt cản lối. Đang đi, tôi chợt nghe có những tiếng quát-tháo lẫn-lộn với tiếng đàn bà và trẻ con khóc vọng tới từ nhánh sông phía sau, nơi chúng tôi và mọi người vừa mới vượt qua. Mặc kệ chuyện gì xảy ra phía sau, đoàn người vẫn tiếp tục đi. Chẳng mấy chốc, một nhánh sông khác lại chận ngang trước mặt.
Thủy-triều đang xuống thật nhanh. Dòng nước đã gom lại giữa lòng nhánh sông, để lộ ra hai bãi bùn ở hai bên bờ. Thấp-thoáng trong đêm tối, những người đi trước đang lội bùn để tới dòng nước. Nhiều người la ơi-ới hoặc chửi thề ỏm-tỏi vì bị lún bùn quá sâu. Thấy vậy, Tuân và tôi bảo nhau đi độ mười mét ra khỏi đám đông, rồi chạy thật nhanh trên bãi bùn để đến dòng nước. Nhờ vậy, chúng tôi đã tới mé nước không mấy vất-vả. Sau khi lội ngang dòng nước, chúng tôi lại chạy thật nhanh qua bãi bùn ven bờ đối-diện để vào bìa rừng phía trước.
Cứ thế, đoàn người đã vượt năm, sáu nhánh sông trước khi bị khựng lại ở một dòng sông lớn. Khi Tuân và tôi đến nơi, nước sông đã rút để lộ một bãi phù-sa rộng độ vài chục mét chạy dọc ven bờ. Những người đến trước đã phân-tán ở bìa rừng để chờ đợi. Ngay trước mặt chúng tôi, một nhóm khoảng nửa tiểu-đội lính đang đi tới đi lui trên bãi.
- Đống-Đa, Đống-Đa! Đây Bắc-Bình ...
Tiếng âm-thoại truyền-tin vang lên trong đêm tối. Chỉ vài phút sau, tôi nghe có những tiếng càu-nhàu và chửi thề trong bọn họ. Thì ra đó là bộ chỉ-huy của đoàn quân di-tản. Theo lời họ đối-thoại với nhau, tôi hiểu rằng đoàn quân nhảy-dù này đã được lệnh đến một nơi nào đó trong rừng sát để đợi tàu vào đón, nhưng lúc này lại được cho biết đích-xác là không có tàu gì cả. Sau cùng, vì phải tự lo lấy, họ đã bàn với nhau chia ra làm nhiều nhóm để di-tản. Hơn nữa, họ cũng đã quyết-định là sẽ ra Vũng-Tàu chớ không đến cầu Cỏ-May ở gần thị-xã Bà-Rịa vì sợ rằng cây cầu này đã bị Việt-Cộng chiếmđóng. Họ cũng không đến cầu Cây-Khế vì sợ bị quân bạn ngộ-nhận là Việt-Cộng. "Vậy vẫn còn may. Nếu không biết đích-xác là không có tàu thì đoàn quân sẽ phải đợi cho đến bao giờ?" Tôi nghĩ thầm.
Những người lính gần bên chúng tôi đã bắt đầu xuống sông. Tuân và tôi rời bìa rừng đi lần xuống bãi. Khi chúng tôi tới mé nước, Tuân lo-lắng hỏi:
- Chú liệu có thể bơi qua sông được không?
Nhìn dòng nước lấp loáng trong đêm, tôi không thể ước-lượng được chiều rộng của con sông là bao nhiêu, nhưng vẫn quả-quyết:
- Được!
Tôi vừa trả lời xong thì Tuân kéo tôi quẹo trái để đi về phía thượng dòng. Khi đã ra khỏi đám đông được vài chục mét, chúng tôi lẳng-lặng rời bãi để xuống sông.
Thủy-triều đang ở mức thấp nhất nên gió lặng như tờ, và nước chảy rất chậm. Tuân và tôi thong-thả bơi bên nhau. Bên phải chúng tôi, những tiếng kêu-cứu, gọi nhau ơi-ới cứ liên-tục vang lên trong đêm tối. Lúc này tôi mới chợt nhận ra rằng tôi đang vừa bơi vừa kéo theo cái túi rết nửa nổi nửa chìm trên mặt nước. Không biết đã bơi được bao lâu, tôi bỗng thấy có những vật màu đen trông như những trái banh đang trôi trên mặt nước. Tôi đưa tay chụp một vật đang trôi trước mặt thì chạm phải cạnh của một cái nón sắt gần đầy nước đang lật ngửa. Chiếc nón sắt tức-thì bị đầy nước và chìm mất tiêu xuống đáy sông. Tôi để ý chụp một vật khác vừa trôi tới thì được một cái bi-đông bằng nhựa.
- Chụp lấy một cái bi-đông. Tôi bảo Tuân.
Tuân biểu đồng tình, rồi chỉ trong chốc lát cũng chụp được một cái bi-đông bằng nhựa như tôi. Hai chiếc bi-đông này đã làm chúng tôi phấn-khởi và yên tâm hơn khi tiếp-tục bơi qua sông. Khi gần đến bờ đối-diện, tôi chợt thấy một người đang bơi từ bờ ra, ngược chiều với chúng tôi.
- Còn bơi được không? Có cần giúp không? Tiếng một người đàn ông hỏi dồn.
- Không cần đâu. Cám ơn. Tôi nói.
Tuân cũng trả lời tương-tự. Người đàn ông liền quay lại, cùng bơi vào bờ với chúng tôi. Sau khi Tuân và tôi đã lên bờ, người đó lặng-lẽ bỏ đi, và mất hút vào bìa rừng trước mặt. Nằm dài trên bờ sông nghỉ mệt, tôi chợt nhớ lại những tiếng kêu-cứu trên sông, rồi nghĩ là rất có thể một vài người lính đã chết đuối vì vướng bận ba-lô và vũ-khí. Tôi cũng nghĩ rằng chúng tôi đã rất may-mắn vì khi mọi người đang bơi thì thủy-triều bắt đầu lên, nên dòng nước đã đổi chiều làm cho những vật nổi, như chiếc nón sắt và bi-đông, trôi từ chỗ những người lính về phía chúng tôi. Tuy nhiên, tôi không thể hiểu tại sao những người lính lại buông trôi những thứ ấy.
- Bây giờ chúng ta ăn uống rồi nghỉ ở đây. Mai hãy đi tiếp.
Một người nào đó nói như ra lệnh cho những người lính đang nghỉ mệt ven bờ. Quan-sát những người lính tản mát vào bìa rừng tìm chỗ nghỉ, tôi ước chừng họ chỉ có vài chục người. Như vậy đây chỉ là một nhóm rất nhỏ của đoàn quân, số rất đông còn lại đã vượt sông ở chỗ khác.
- Mình cũng tìm chỗ nghỉ chú ạ. Tuân bảo tôi.
Chúng tôi vào bìa rừng, rồi ngồi dựa vào hai gốc cây kế cận nhau để nghỉ. Khi mở túi rết và cởi bao ny-lông để lấy lon guy-gô thức ăn, tôi nhận thấy mọi thứ trong bao nylông đều không bị ướt. Một điều thật trùng hợp là Tuân và tôi mỗi người đều đem theo một lon guy-gô không hề có cơm mà toàn là những miếng thịt heo luộc được cắt to cỡ nửa nắm tay. Lại nữa, không ai trong chúng tôi mang theo nước uống, nhưng cả hai cái biđông lượm được trên sông đều mới vơi đi chừng một nửa. Chúng tôi cùng nhau ăn uống dưới bóng đêm, không hề nghĩ rằng ăn thịt có mỡ và uống nước lạnh có thể bị đau bụng. Khi tôi thắc-mắc về sự trùng-hợp của hai lon thịt, Tuân cho tôi biết là chính mẹ anh ta đã cho làm thịt một con heo để phát cho bà con và bán tháo đi ở ngoài chợ. Nghe Tuân nói, tôi phì cười vì thật không ngờ bà bác của tôi lại là một trong những người sợ bị Việt-Cộng đấu tố. Chợt có tiếng một người lính nào đó chửi thề: "Đ.m! Đánh đấm gì kỳ thế. Chưa đánh đã bảo chạy."
Một người khác càu nhàu:
- Mẹ kiếp! Thế rồi mấy chả chạy mất tiêu.
Lại một người khác lên tiếng:
- Giờ này chắc mấy chả đang ở trên tàu Mỹ ráo trọi.
Cuộc đối-thoại của những người lính cứ thế xoay quanh việc "ra lệnh rồi bỏ trốn" của những người chỉ-huy cao cấp của họ.
Giật mình thức giấc, tôi cảm thấy dưới chân và mông lạnh ngắt. Thì ra nước đã ngập tới gốc cây. Tôi liền leo lên ngồi trên một cành cây cách mặt đất độ một mét. Tuân cũng leo lên cây bên cạnh. Một tay choàng qua thân cây, tôi tiếp-tục dỗ giấc ngủ. Không biết đã được bao lâu, tôi lại giật mình tỉnh dậy. Có những tiếng chửi thề xen lẫn với tiếng những bước chân lội bì-bõm đâu đây. Thì ra thủy triều vẫn mỗi lúc càng cao, và nước đã ngập tới hai bàn chân đang thòng xuống của tôi. Gió sông lúc nước lên thổi ào-ào, nhưng tôi không hề cảm thấy lạnh. Để cho chắc ăn, tôi lại leo lên một cành cao hơn, rồi ngồi chồm hổm như chim và tiếp-tục nhắm mắt ngủ-gà ngủ-gật chờ sáng.
Những tiếng lách-cách vang lên ở chung quanh làm tôi tỉnh giấc. Trời vừa mờ sáng. Nước đã rút khỏi bìa rừng. Tôi vội-vã leo xuống vì nhận ra rằng những người lính đang chuẩn-bị lên đường. Tuân ở trên cây bên cạnh cũng leo xuống theo.
Bỗng một người nào đó lên tiếng hỏi:
- Máy truyền-tin đã chìm xuống sông hồi đêm. Làm sao bây giờ?
Không có tiếng trả lời.
Vài phút sau, một người khác nói:
- Tất cả sẵn-sàng chưa? Chúng ta đi.
Rõ ràng đó là tiếng của cấp chỉ-huy bảo thuộc-hạ. Có tiếng thầm-thì trao-đổi, rồi một người lính với khẩu M16 trên tay đi vượt lên trước. Những người còn lại chia thành từng nhóm hai hoặc ba người lần-lượt theo sau, đi sâu vào rừng cây rậm-rạp.
Tôi lặng-lẽ quan-sát. Toán lính chỉ có hơn hai chục người. Khoảng năm, sáu người trong bọn họ còn đeo ba-lô. Ngoài ra, cũng có vài người chỉ mặc quần dài và áo thung. Về vũ-khí, ngoài khẩu colt 45 của người chỉ-huy, cả toán chỉ còn một khẩu M16 của người lính đi đầu và dăm trái lựu-đạn của vài người lính khác. Qua những mẩu đối-thoại của họ, tôi cũng biết được rằng ngoài người sĩ-quan chỉ- huy được gọi là thẩm-quyền, còn một sĩ-quan nữa được gọi là bác-sĩ. Tuy nhiên, tôi không thể biết được cấp-bậc của hai người sĩ-quan này vì cả hai đều không mang lon trên áo và không hề gọi nhau bằng cấp-bậc.
Trong khi chờ cho toán lính di-chuyển, tôi mở túi rết lấy giày mang vào, rồi kín-đáo để khẩu súng và hộp đạn ra bên ngoài túi ny-lông trong túi rết, phòng khi hữu-sự. Trong hoàn cảnh này, tôi không muốn những người lính biết là tôi cũng ở trong quân-đội.
"Họ biết mình là người trong xứ đạo là được rồi." Tôi tự nhủ.
Hai người sĩ-quan bắt đầu đi. Tuân và tôi đứng dậy dợm bước theo sau.
- Hai anh đi lên trước đi. Dầu sao đi nữa thì chúng tôi cũng bảo-vệ các anh.
Người sĩ-quan chỉ-huy nói và dừng lại đợi. Chúng tôi ra dấu cám ơn rồi đi vượt lên. Người sĩ-quan quân-y và vài người lính khác cũng dừng lại nhường bước. Sau khi đi sâu vào rừng độ năm chục mét, đoàn người không còn phải tránh-né những vũng nước hoặc sình lầy nữa. Mặt đất trên cù-lao đã trở nên khô-ráo vì cao hơn mực thủy-triều. Rừng cây trước mặt cũng hoàn toàn thay đổi, không còn những cây vẹt với những rễ phụ từ thân cây chĩa ra chằng-chịt nữa. Thay vào đó là một tập hợp những loại cây cỏ mà tôi không biết tên của một khu rừng thưa và thấp. Có vài nơi trên mặt đất, lá lẫn với những cành cây nhỏ khô mục phủ đầy như trải thảm.
Đoàn người tiếp-tục len-lỏi qua những bụi cây còn ướt sương đêm để băng ngang cù lao. Trong lúc di-chuyển, mặc dù mọi người đều cố-gắng không gây tiếng động để khỏi bị lộ vị-trí, tiếng lách-tách của những nhánh cây con khô mục bị đạp gẫy dưới bước chân vẫn liên-tục vang lên.
Toán quân vẫn đi thành từng nhóm hai hoặc ba người cách nhau chỉ độ vài mét. Từ phía sau, thỉnh-thoảng tôi có thể nhìn thấy người lính cầm súng đi đầu đang làm hiệu cho những người đi sau dừng lại hoặc tiến tới. Đôi khi, theo dấu hiệu của người đi đằng trước, mọi người phía sau phải vội-vã nép vào những bụi cây rậm-rạp để chờ đợi, rồi lại tiếp-tục đi tới khi được ra dấu cho đi.
Hơn một tiếng đồng hồ sau, khi đoàn người ra đến bìa rừng thì đối diện với một ngã ba sông rộng lớn. Không ai bảo ai, mọi người đều nhanh-chóng núp vào những bụi rậm ven bờ.
- Quan-sát ngoài sông xem có thuyền-bè gì không. Người sĩ-quan chỉ-huy bảo thuộc-hạ.
Từ nơi ẩn-núp, tôi thấy hai người sĩ-quan ở bụi cây bên cạnh đang chụm đầu vào một tấm bản-đồ hành-quân trải rộng trên mặt đất. Theo lời hai người sĩ-quan nói với nhau thì nhánh sông bên trái là lối đi vào thị- xã Bà-Rịa, nhánh sông bên phải là lối đi về đảo Long-Sơn, còn nhánh sông trước mặt là lối ra cửa biển phía đông đảo Long-Sơn. Thêm vào đó, bên trái nhánh sông này là một cù-lao rộng-lớn tiếp-giáp với sông Cát-Lở. Ngoài ra, một làng chài-lưới được ghi là đang nằm đâu đó ven bờ của cù-lao này. Sau khi nghe được như thế, tôi liền nhìn theo bờ bên trái của nhánh sông trước mặt, và thấy ở cuối tầm mắt một bãi cát chạy dọc ven bờ cùng với những mái nhà thấp-thoáng dưới rừng cây. Ngay giữa ngã ba sông, một chiếc tàu đò dài độ hai chục mét đang chạy từ trái sang phải.
- Có chiếc tàu đò. Mình có bắn súng gọi nó không, thẩm-quyền?.
- Đừng! Biết đâu chúng đã chiếm con đò đó. Người sĩ-quan chỉ-huy nói.
Chiếc tàu đò vượt qua rồi khuất dạng ở khúc quanh về hướng đảo Long-Sơn. Nhìn dòng nước rộng mênh-mông và đang chảy siết, tôi phát sợ vì biết chắc là mình không thể bơi qua được.
Gần một tiếng đồng hồ chờ đợi trôi qua. "Sụyt!" Một người nào đó kêu lên làm hiệu. Mọi người giật mình núp kỹ rồi im-lặng quan-sát. Chỉ vài chục mét ở phía bên trái, một chiếc ghe tam-bản vừa ló ra. Chiếc ghe đi cách bờ không đầy mười mét đang tiến về phía chúng tôi. Trên ghe, ngoài một cụ già trạc sáu mươi tuổi đứng chèo ở sau lái, một thằng bé khoảng mười tuổi đang ngồi chèo phụ ở trước mũi.
- Chận chiếc ghe đó lại.
Người sĩquan chỉ-huy nói vừa đủ nghe. Nhanh như một con sóc, người lính ôm súng M16 liền chạy ra núp ở một bụi cây sát bờ sông.
Khi chiếc ghe vừa đến trước mặt, anh ta bất thình lình nhảy ra chong súng vào cụ già quát:
- Ông già kia! Vào đây.
Cụ già khựng lại, rồi vội-vã cho ghe tấp vào bờ. Người lính ngoắc tay. Vài người lính khác chạy ra đứng bên anh ta.
- Xin các ông tha cho. Ông cháu lão chỉ đi câu kiếm sống mà thôi.
Cụ già run-rẩy nói, trong khi đứa nhỏ trố mắt nhìn.
- Không sao đâu cụ ơi. Chúng cháu chỉ xin quá-giang mà thôi.
Một người lính trấn-an cụ. Hai ông cháu cụ già có vẻ bớt sợ, lặng-lẽ ngồi trên ghe chờ đợi.
Sau một hồi bàn tính, toán lính quyết định để người sĩ-quan quân-y và người lính có khẩu M16 xuống ghe.
- Cố-gắng tìm phương tiện đón anh em nhé. Người sĩ-quan chỉ-huy nói.
- Chắc-chắn rồi. Đừng lo.
Người sĩ-quan quân-y trả lời, rồi yêu cầu cụ già cho ghe nhắm bờ bên trái của ngã ba sông tiến tới.
Những người lính còn lại gom thành từng nhóm dưới những bụi cây để tránh nắng và chờ đợi. Khi họ đem lương-khô ra ăn, Tuân và tôi cũng đem vài miếng thịt còn lại trong lon guy-gô ra ăn đỡ dạ. Trong suốt thời gian ăn uống và chờ đợi, những người lính vẫn luôn-luôn quan-sát chung quanh để đề-phòng bất-trắc. Người sĩ-quan chỉ-huy thì thỉnh thoảng lại cầm ống nhòm lên quan-sát ngoài sông. Một tiếng đồng hồ đã trôi qua mà chẳng có ghe nào xuất-hiện. Mọi người trở nên bồn chồn lo-lắng. Biết đâu người sĩ-quan quân-y và người lính đi theo anh ta đã bị Việt-Cộng bắt. Cũng biết đâu họ đã bỏ đi luôn. Tuy nhiên, khi mọi người bắt đầu ồn-ào bàn-tán thì người sĩ-quan chỉ-huy chợt reo lên cho biết có một chiếc ghe đang chạy ra từ làng chài-lưới. Khoảng mười lăm phút sau, ai nấy đều mừng rỡ khi thấy rõ đó là một chiếc ghe máy, và người lính dù ôm khẩu M16 đang ngồi trước mũi.
Chiếc ghe máy cập vào bờ, mọi người xuống ghe, chiếc ghe quay lại đường cũ, vượt ngã ba sông, rồi chạy dọc theo bờ bên trái hướng về làng chài-lưới. Trong chốc lát, dòng sông chợt mở rộng thênh-thang ở phía bên phải vì ngay trước mặt đã là cửa biển. Sóng to gió lớn làm chiếc ghe di chuyển rất chậm. Tuy nhiên hơn nửa giờ sau, chiếc ghe cũng đến được một bến ghe nhỏ ở đầu làng.
Dưới bến, ngoài chiếc ghe tam-bản của hai ông cháu cụ già, những ghe khác đều trống trơn vô-chủ. Trên bờ, người sĩ-quan quân-y và một nhóm thường dân đang đứng nhìn chúng tôi. Giữa những tiếng ầm-ì của sóng-gió, tiếng người sĩ quan quân-y chợt vang lên rõ mồn-một từ trên bờ:
- Tôi làm sao bỏ các anh em được!
Nhìn nét mặt tươi cười của anh ta, tôi chợt nghĩ thầm: "Đúng là lương-y như từ-mẫu."
Chiếc ghe máy cập vào bến. Mọi người dưới ghe lần-lượt lên bờ. Hai người sĩquan nói gì đó với cụ già chủ ghe tam-bản và người đàn ông chủ ghe máy, rồi ngoắc tay cho thuộc-hạ nhắm hướng cuối làng đi tới. Tôi không biết cụ già và người đàn ông ấy có được trả công bằng một cách nào đó hay không.
Trời nắng chang-chang. Toán lính vừa đi vừa chạy lúp-xúp ven bìa làng dọc theo bãi cát. Tuân và tôi cũng chạy theo họ. Bãi biển vắng hoe. Bên trái chúng tôi là bìa làng với những căn nhà mái tôn thấp-thoáng dưới rừng cây. Bên phải chúng tôi là bãi cát rộng vài chục mét tiếp-giáp với một vùng cửa biển rộng mênh-mông. Gió thổi mạnh. Những đợt sóng bạc đầu đang liên-tục đổ bờ. Ngoài kia, cách bãi chỉ độ một trăm mét, hàng chục con thuyền đánh cá đã thả neo đang bập-bềnh trên sóng. Phía trước chúng tôi, rải-rác trên bãi cát có những chiếc ghe tam-bản đã bị lật sấp hoặc nghiêng để phơi nắng. Ngoài ra, ở cuối tầm nhìn trước mặt còn có mấy chiếc ghe thật lớn đang đậu ở ven bờ. "Bến tàu đò!: Tôi tự nhủ.
- Còn nước không chú ?Tuân chợt hỏi.
Tôi quay lại vừa lúc Tuân ném mạnh chiếc bi-đông của anh ta ra xa. Chiếc bi-đông rơi xuống lăn lông-lốc trên cát rồi nằm im ở gần mé nước.
- Còn. Tôi trả lời.
Chúng tôi chạy chậm lại, gạt mồ-hôi và chia nhau vài hớp nước, rồi chạy nhanh hơn để theo kịp những người lính. Được vài trăm mét, tôi chợt thấy ở khoảng cách độ năm chục mét trước mặt, khoảng một nửa tiểu-đội lính đã tụ lại dưới một lùm cây khá lớn ở ven bìa làng. Gần đấy, hai người lính khác đang hè nhau lật ngửa lại một chiếc ghe tam-bản nằm sấp trên bãi cát. Bất thình-lình, nửa tiểu-đội lính ở ven bìa làng túa ra chạy thục-mạng về phía trước. Hai người lính đang lật ghe trên bãi cũng tức tốc chạy theo. Họ la lên thúc-dục những người lính phía trước và đằng sau chạy nhanh thêm. Tuân và tôi cũng hoảng hồn, lật-đật phóng theo họ. Khi chạy ngang lùm cây, nơi những người lính vừa tụ lại trước đây, tôi thấy một cụ già râu tóc bạc phơ đang ngồi dựa vào một gốc cây, thản-nhiên hút thuốc, và nhìn bâng quơ ra biển. Tuân và tôi đều giơ tay vẫy chào, nhưng cụ vẫn ngồi yên như chẳng hề thấy chúng tôi.
Sau một hồi chạy như bị ma đuổi, mọi người dừng lại ở cuối làng, nơi thật sự có một bến tàu đò. Lúc Tuân và tôi tới nơi, những người lính đang hỏi thăm một nhóm dân chài trên bến. Bỗng một người lính chửi thề:
- Đm! Dzậy mà lão già đó nói là Dziệt-Cộng đang đóng đầy ở trong làng.
Một người khác hằnhọc chửi tiếp:
- Đm! Ta mà gẹp lựa lỗ thì ta béng.
Một người nào đó hỏi vặn lại:
- Gặp lại lão sao được nữa mà bắn?
Nhưng một người nữa cười lớn và nói:
- Gặp ‘lỗ’ thì ‘béng’ là cái chắc.
Ngay sau lời diễu-cợt ấy, cả bọn họ phá lên cười khoái-trá. Tuân và tôi cũng phì cười theo. Thì ra, khi biết là mình đã phải chạy thục-mạng vì bị một cụ già hù-dọa, những người lính nhảy-dù vừa bực mình vừa tức cười, nên đã đùa-giỡn rồi bỏ qua. Sau khi được biết rằng chỉ có một chiếc tàu đò đi vào buổi sáng và về vào chập tối, mọi người nhanh-chóng rời làng đánh cá, rồi băng rừng nhắm hướng Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lở để đi tới theo đường chim bay.
Chỉ một lát sau khi vào rừng, tôi nhận ra rằng cù lao này rất rộng lớn và có độ cao đến vài mét trên mực nước biển. Rừng ở đây thì toàn là rừng thưa và đã được khai-phá. Do đó, tôi đã nghĩ rằng mọi người sẽ không phải lội sình vất-vả như đã vượt rừng sát hồi đêm qua. Tuy nhiên, trên thực-tế thì trong hơn hai tiếng đồng hồ di-chuyển, ngoài việc băng rừng, lội sình, và bơi qua những nhánh sông, đoàn người di-tản còn phải vượt qua bốn, năm ruộng muối rải-rác trên đường đi. Ruộng muối ở đây gồm những mảnh sân bằng-phẳng hình chữ nhật dài khoảng ba chục mét, rộng độ mười lăm mét, và có bờ cao chỉ độ năm phân, nằm san-sát với nhau thành một vùng rộng như một sân đá banh. Nước biển trong những đường mương nhỏ được múc đổ lên sân từ lúc sáng sớm, nên bây giờ đã bay hơi để lại một lớp muối còn ươn-ướt trên khắp mặt sân. Để tiết-kiệm thì giờ, đoàn người luôn-luôn chạy băng ngang mỗi khi gặp một ruộng muối. - Trời ơi. Nóng quá! Một người nào đó không mang giầy đã la lên khi chạy ngang một ruộng muối.
Sau khi lội qua một nhánh sông khá lớn, đoàn người tiếp-tục len-lỏi trong rừng độ mười lăm phút thì đến bờ sông Cát-Lở. Bên kia sông, ngay trước mặt chúng tôi là một xóm nhỏ ven bờ. Hầu như cứ vài nhà lại có một chiếc ghe tam-bản cột ở mé nước phía sau nhà. Chếch về phía bên trái gần một cây-số là Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lở. Trên sông sóng to gió lớn, vài chiếc tàu đang lầm-lì di-chuyển. Khi một chiếc tàu đi ngang trước mặt, những người lính nhảy-dù la lên và vẫy tay rối-rít. Một vài thủy-thủ trên tàu vẫy tay đáp lại, nhưng chiếc tàu này vẫn lầm-lũi đi qua để vào Căn-Cứ Hải-Quân. Thất-vọng, nhiều người lính cởi áo cầm tay và vẫy lia-lịa về hướng xóm nhà trước mặt. Nhưng tất cả đều vô- hiệu. Hình như chẳng có ai trong xóm nhỏ ấy nhìn thấy. Chẳng biết đã bao lâu, khi mọi người đã chán-nản hầu như tuyệt-vọng thì chợt thấy một chiếc nón lá vẫy lên đáp lại. Chỉ vài phút sau, ai nấy đều reo lên mừng-rỡ khi thấy bốn, năm chiếc ghe tam-bản đang rời bờ xóm nhỏ để sang sông. Trong khi chờ đợi, mọi người đều xuống sông để rửa sạch bùn đất trên người và quần áo.
Nhìn bóng-dáng những người dân không hề quen-biết đang vất-vả chèo ghe vượt sóng sang sông, tôi chợt thấy lòng mình cảm kích, đồng thời nhớ lại những kỷ-niệm đã xảy ra gần bốn năm trước trong một cuộc hành quân hỗn-hợp kéo dài đến vài tháng của Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải và Đệ Thất Hạm-Đội Hoa-Kỳ ngoài khơi Vũng-Tàu.
Một kỷ-niệm khác mà tôi vẫn cho là khó hiểu, vì sự việc đã xảy ra như một trò đùa trong chiến-tranh. Một buổi sáng sớm, khi mặt trời mới mọc và sương mù còn dày đặc trên biển, hai chiếc PT và hai chiếc SWIFT đã nhanh-chóng rời căn-cứ nổi là một chiếc tàu của Đệ Thất Hạm-Đội Hoa-Kỳ đang neo ở phía đông-nam đảo Côn-Sơn. Ngoài thủy-thủ đoàn, mỗi chiến-đĩnh đều có thêm vài nhân viên Biệt-Hải trang-bị tận răng để khi cần có thể nhanh-chóng thực-hiện những cuộc xét ghe hoặc đổ-bộ thám-sát ven bờ biển. Chuyến tuần-tiễu này xảy ra bất thình-lình khiến chúng tôi rất phấn-khởi vì hy-vọng rằng sẽ bắt được một vài ghe súng của Việt-Cộng, và rồi sẽ tha hồ mà "đi-bờ" ở Vũng-Tàu. "Tình-báo Mỹ hay thật!" Tôi khâm-phục tự nhủ. Mặc dù hai chiếc SWIFT, một do một sĩ-quan Hải- Quân, Phân-Đội Trưởng SWIFT, làm Hạm- Trưởng và tôi làm Hạm-Phó, và một do một sĩ-quan Hàng-Hải Thương-Thuyền làm Hạm- Trưởng và anh bạn cùng khóa với tôi là Bạch- Xuân làm Hạm-Phó, đã chạy với vận-tốc tối đa, hai chiếc PT chạy phía trước chẳng mấy chốc đã mất hút trên mặt biển.
Trước khi khởi-hành, Xuân và tôi đã hẹn nhau là sau khi tuần-tiễu và khám-xét ghe trở về sẽ rủ hai anh bạn Trưởng Toán Biệt-Hải là Hùng, cùng khóa với chúng tôi, và Khuyên, một sĩ-quan lục-quân, hiện giờ chắc là đang “tán-phét” về “những món ăn-chơi ở Vũng- Tàu” với đàn em trên hai chiếc PT chạy phía trước, cùng nhau ăn sáng ở trên tàu Mỹ. Chúng tôi dự-định là sau khi ăn uống, mỗi đứa sẽ thong-thả "tráng-miệng" thêm một trái táo hoặc một trái cam, rồi mới ung-dung "tẩm -bổ", điều mà đám sĩ-quan Mỹ trên tàu đã phải trố mắt nhìn và há hốc mồm kinh-ngạc, bằng cách "ăn-tươi nuốt-sống" ngon ơ hai, ba hột gà "la-coóc" đã được ngâm nước sôi trong một ly thủy-tinh. Ngoài ra, chúng tôi còn tính là sẽ hùn nhau mua mươi cây thuốc lá từ tàu Mỹ để đem vào Vũng-Tàu kiếm lời làm tăng thêm ngân-quỹ "đi-bờ" của chúng tôi. Biết đâu trưa nay chúng tôi lại chả được theo mấy chiếc PT vào Vũng-Tàu để "đi-bờ" như đã từng xảy ra trước đây. Vũng-Tàu là nơi mọi "món ăn-chơi" chẳng bao giờ thiếu, chúng tôi lại chuẩn-bị kỹ như thế, thì cuộc "đi-bờ" này nhất định sẽ rất là thú-vị.
Nhưng tất cả đều ra ngoài ý muốn của Xuân và tôi. Chưa đầy nửa giờ đồng hồ sau khi rời tàu Mỹ, phân-đội SWIFT được lệnh phải đi theo một hướng nhất định để vào bờ biển Việt-Nam. Khi gần đến nơi, chúng tôi thấy một chiếc máy bay trực-thăng đang bay vòng vòng trên mặt biển gần bờ. Bên dưới chiếc máy bay, một khối đen khá lớn nổi bật lên trên mặt nước. Khi chúng tôi báo-cáo vị- trí thì người Sĩ-Quan Chỉ-Huy Chiến-Thuật (OTC), cũng là Hạm-Trưởng một chiếc PT đang ở đâu đó trên biển, ra lệnh cho chúng tôi phải tiếp-tục vào bờ. Ngay lúc đó, chiếc máy bay trực-thăng bay vụt trên đầu chúng tôi để ra khơi rồi mất dạng. Biết chắc là mình sẽ phải thám-sát vật lạ kia, chúng tôi cho tàu đi hàng ngang tiếp-tục tiến vào. Những lượn sóng bạc đầu trước mặt cho biết chúng tôi đang đi vào bãi cạn.
- Nước đục ngầu ở sau lái! Một nhân-viên la lên báo-cáo.
- Máy ngừng! Phân-Đội Trưởng ra lệnh.
Con tàu chậm lại rồi đứng yên, bập-bềnh trên sóng. Sau khi sử-dụng Radar và ống nhòm để xác định lại vị-trí, đồng thời nhìn hải-đồ để kiểm lại độ sâu, chúng tôi nhận thấy con tàu còn cách bờ gần một hải-lý, nhưng rõ ràng là đang ở trên một bãi cạn vì đáy biển ven bờ ở đây rất bằng-phẳng với độ sâu chỉ có một fathom (1 fathom = 6 feet = 1,8 mét). Trên thực-tế, độ sâu ven bờ luôn thay-đổi theo thời-gian và thủy-triều lên xuống, nên kể từ giờ phút này, tàu của chúng tôi có thể mắc cạn bất cứ lúc nào.
Chúng tôi báo-cáo tình-trạng mực nước như thế, thì được cho biết rằng, vì chiếc máy bay trực-thăng của Mỹ đã phát-hiện một chiếc tàu ngầm, nên chúng tôi phải vào tận nơi để thám-sát bằng mọi giá. Chúng tôi cho tàu từ-từ tiến vào với vận-tốc tối-thiểu, mặc kệ luồng nước đục-ngầu đang cuồn-cuộn ở sau lái. Khi còn cách vật lạ kia độ một trăm mét, chúng tôi dừng lại. Dùng ống nhòm quan-sát, chúng tôi nhận ra một cây tre, trông giống như một cột ăng-ten thật cao lớn, vươn lên từ một cái lô-cốt đã đổ nát cách bờ chỉ hơn một trăm mét. Chúng tôi hiểu ngay rằng đây là một cái lô-cốt xưa từ thời Pháp, và những ngư-phủ trong vùng này đã dựng cây tre trên cái lô-cốt này để làm hiệu cho ghe-cộ ra vào cửa biển.
Chúng tôi lại báo-cáo tình-trạng mực nước và những gì trông thấy, đồng thời lý luận rằng làm gì có tàu ngầm ở độ sâu một, hai mét. Dầu vậy, chúng tôi vẫn được lệnh phải vào tận nơi. Chúng tôi cho tàu tiến vào rồi dừng lại cách cái lô-cốt độ 15 mét để quan-sát tiếp. Chẳng có gì khác hơn những gì đã báo-cáo, ngoài việc biết thêm rằng cái lô-cốt ấy được xây bằng đá xanh, đã sụp đổ, và lúc này nó chỉ cao hơn mặt nước không đầy một mét. Chúng tôi lại báo-cáo rằng đó đúng là một cái lô-cốt đổ-nát với một cây tre dựng đứng ở trên.
- Chúng tôi có cần leo lên cái lô-cốt này không? Chúng tôi hỏi.
- Không cần. Bây giờ các anh Zulu được rồi.
- Hừm! Vậy là hết ăn sáng. Mình về ăn trưa là vừa. Tôi nghĩ thầm.
Nhưng tôi đã lầm to! Khi tàu vừa lùi được vài mét thì tiếng chân vịt tàu chém vào đá bất chợt vang lên: “Cạch cạch .... Cạch cạch cạch ...” Con tàu tức-thì rung lên bần-bật.
- Ngừng máy! Phân-Đội Trưởng la lên.
Sau khi kiểm-soát và biết rằng chân vịt trái của tàu đã bị móp-méo vì chém vào một vài tảng đá nào đó nằm dưới đáy nước, chúng tôi chỉ còn một cách là cho tàu chạy một máy để ra khơi. - Vẫn may là chân vịt bên phải còn nguyên vẹn. Tôi tự nhủ.
Khi hai chiếc SWIFT về đến tàu Mỹ thì trời đã xế chiều. Cả hai chiếc PT đều đang bập-bềnh bên hông con tàu này chứng tỏ chẳng hề có vụ "đi-bờ" gì cả.
Kỷ-niệm tiếp theo của tôi là hậu-quả của chiếc chân vịt bị móp-méo vừa kể. Chẳng bao lâu sau vụ "khám-phá tàu ngầm", cuộc hành-quân hỗn-hợp chấm dứt. Khi hai chiếc PT và toán Biệt-Hải được lệnh trở về căn-cứ ở Đà-Nẵng thì hai chiếc SWIFT được lệnh vào Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lở, Vũng-Tàu để sửa chữa chiếc chân vịt đã bị móp-méo. Phân-Đội Trưởng SWIFT, vì một lý-do nào đó, đã về trước trên một chiếc PT nên tàu được giao lại cho tôi.
- Tụi mình sẽ có nhiều thì-giờ với những thằng "cốt-đột" ở đây.” Xuân và tôi bảo nhau.
Chúng tôi thường thân-mật nhắc đến những bạn cùng khóa như thế, vì những người cùng khóa chúng tôi luôn-luôn hết lòng với bạn-bè, nhưng lại hay đùa-giỡn, chọc-ghẹo và phá-phách lẫn nhau. Trên thực-tế, trong gần một tuần ở Cát-Lở, Xuân và tôi đã có những dịp gặp-gỡ và vui-chơi thoải-mái với những người bạn cùng khóa ở đây.
Bốn ngày sau khi yêu-cầu thay chiếc chân vịt tàu, chúng tôi được cho biết người ta không thể tìm ra được chân vịt cùng loại với chân vịt của chiếc SWIFT. Chúng tôi liền sử- dụng máy siêu-tần-số trên tàu để báo-cáo trựctiếp về Sở ở Đà-Nẵng, thì được lệnh phải tức khắc nhờ gò lại chiếc chân vịt của mình. Chỉ nội một buổi sáng, việc sửa-chữa hoàn-tất. Sau khi thử tàu và báo-cáo về Sở là con tàu vẫn còn rung mạnh khi chạy với vận tốc nhanh, chúng tôi được lệnh phải khởi hành nội trong đêm ấy để trở về Đà-Nẵng.
Mới uống được vài ly, những bạn cùng khóa ở đây đã ngang xương "xía vào nội-bộ của nước khác" bằng cách phong ngay cho Xuân và tôi làm "Đại-Diện Lâm-Thời" cho tất cả những bạn cùng khóa đang phục-vụ ở Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải. Theo lời họ thì cái chức-vụ này được gọi là "lâm-thời" vì nó có hiệu-lực tức-khắc không cần phải tuyên-thệ, và hết giá-trị cũng tức-khắc khi cuộc nhậu bế- mạc, không cần phải có một cuộc đảo-chánh hay bầu-bán gì cả. Rồi họ thản-nhiên yêu-cầu một cách thật "lãng-xẹt" là Xuân và tôi, đại diện của tất cả những Hổ-Cáp 2 ở Sở Phòng- Vệ Duyên-Hải, hãy tỏ ra "kiêu-hùng" bằng cách uống xả láng với họ, những Hổ-Cáp 2 ở Cát-Lở. Chúng tôi gạt đi, viện cớ phải tỉnh-táo để đem tàu về Đà-Nẵng. Thế là cả bọn nhao nhao phản-đối. Rồi mọi phương-cách, từ chửi bới và diễu-cợt đến dụ-dỗ và nài-nỉ, đều được họ đem ra áp-dụng để ép chúng tôi theo ý họ. Rốt cuộc Xuân và tôi phải đề-nghị là chỉ một trong hai đứa chúng tôi uống xả láng mà thôi. Sau khi mọi người đồng ý, Xuân lại tả-oán với tôi là hắn đang vừa đau gan vừa đau bao-tử. Không còn cách nào khác, tôi đành phải chấp nhận làm đại-diện, lòng tự an-ủi rằng, ngoài việc những nhân-viên trong thủy-thủ-đoàn của mình rất giàu kinh-nghiệm, lộ-trình từ Vũng- Tàu về Đà-Nẵng toàn là hải-hành cận duyên, nên không có gì đáng phải lo-ngại. Thế là chúng tôi bắt đầu ăn-nhậu thả giàn. Kẻ cầm ly nhỏ, người bưng ly cối, chúng tôi uống xả láng, bất kể bia hay rượu. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện, "hầm-bà-lằng" trên Trời dưới Đất, từ Đông sang Tây, và từ Nam chí Bắc, tuy nhiên, nhiều nhất vẫn là nhắc lại những kỷ-niệm ở quân-trường.
Vì tửu-lượng kém, chẳng bao lâu tôi thấy bụng nôn-nao, đầu choáng-váng, và mắt thì hoa lên. Cho đến một lúc, tôi nhìn bạn-bè đang huyên-thuyên cười nói và chợt nhớ lại là chỉ hơn một năm trước đây, các bạn tôi toàn là những ông trời con, hoặc ít ra cũng là những ông tướng, tướng gì nhỉ, à phải rồi, nhi-nhô, tướng nhi-nhô. Hình-ảnh các ông tướng nhi-nhô, tuổi mới đôi mươi, đứng giạng chân, hai tay chống nạnh, mặt đằng-đằng sát-khí, la hét huấn-nhục đàn em giữa sân cát nóng-bỏng trong quân-trường ở Nha-Trang, bất-thần hiện rõ mồn-một trong đầu tôi. Tôi không say. À không, tôi chưa có say. Bằng cớ là tôi vẫn thấy rõ-ràng Bạch-Xuân thỉnh-thoảng nháy mắt với tôi. Mặt hắn mỗi lúc mỗi đen hơn, nhưng mắt và răng thì ngược lại, mỗi lúc mỗi trắng hơn. "Dzô, dzô, dzô!" Các ông tướng đang nâng những ly đầy ắp ngang tầm mắt, và đồng loạt hướng về phía tôi hô ầm lên. Tôi, một ông tướng khác, cũng hô theo, rồi hiên ngang bưng chiếc ly cối đầy bia lên uống. Tôi chả biết ly bia có cạn hay không, chỉ biết là nó đã rời khỏi tay tôi trước khi tôi gục xuống. Có tiếng ầm-ì vang-vọng đâu đây. Tôi chợt cảm thấy như mình đang trôi-nổi bồng bềnh trên sóng. Đầu tôi nhức như búa bổ.
"Xếp của các anh tỉnh chưa? Nói ông ấy là chúng ta đã gần tới Cam-Ranh." Tiếng Xuân vang lên trong máy truyền tin. Mặc kệ. Tôi lại nhắm mắt ngủ tiếp. Chẳng rõ bao lâu sau đó, tôi choàng dậy, cảm thấy đã dễ chịu vì đầu chỉ còn hơi choáng-váng.
Chúng tôi cập cầu Cam-Ranh vào chập tối, lấy nhiên-liệu rồi nghỉ-ngơi. Khi Xuân rủ tôi quá-giang xe đi chơi, tôi mới biết là chiếc ví da của tôi đã rơi mất từ bao giờ. Dầu vậy, tôi cũng đi chơi với Xuân vài tiếng đồng hồ rồi trở lại tàu. Nửa đêm hôm ấy, chúng tôi rời vịnh Cam-Ranh tiếp-tục đi về hướng bắc. Tới Qui-Nhơn vào buổi trưa, chúng tôi cũng cập cầu để lấy nhiên-liệu, cũng ra phố chơi vài giờ rồi trở lại tàu. Ngay tối hôm ấy, dù trời bắt đầu đổ mưa, chúng tôi vẫn mở dây rời cảng Qui-Nhơn, tiếp-tục cuộc hải-hành hướng về Đà-Nẵng. Ngay từ khi rời Cát-Lở, chúng tôi vẫn thường-xuyên liên-lạc trực-tiếp với Sở ở Đà- Nẵng để báo-cáo tình-trạng kỹ-thuật của tàu cùng với vị-trí và thời-tiết trên biển. Sau khi rời Qui-Nhơn, chúng tôi được Sở cho biết vì tàu của chúng tôi không thể chạy về kịp để tránh bão, Sở sẽ cho PT đi đón. Khi đi ngang bãi biển Sa-Huỳnh, cả hai chiếc SWIFT của chúng tôi được hai chiếc PT tới đón, cột dây kéo về Đà-Nẵng.
Câu chuyện vẫn chưa chấm dứt ở đây. Sau khi về lại Sở, tôi báo-cáo mất hết giấy-tờ và xin được cấp giấy-tờ mới. Ngay ngày hôm sau, người hạ-sĩ-quan già làm việc ở phòng nhân-viên của Sở đến gặp tôi và nói: "Chết rồi! Ông bị tới 32 ngày trọng-cấm vì mất tới 4 thứ giấy tờ quân-sự, Căn-Cước Quân-Nhân, Chứng-chỉ Tại-Ngũ, Thẻ Nhân-Viên Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải, và Bằng Lái Xe Quân- Sự. Riêng Căn-Cước Dân-Sự và Bằng Lái Xe Dân-Sự thì không tính." Tôi tái mặt nghĩ thầm: "Vậy thì mình có bò sặc-gạch cũng chẳng bao giờ theo kịp bạn-bè!" Nhưng ông ta đã phá lên cười: "Nói giỡn vậy thôi. Chỉ có 8 ngày cho một tội duy-nhất là sơ-xuất." Tôi thở phào mặc dù chẳng vui gì. May thay, chỉ vài ngày sau, bưu-tín-viên của đơn-vị bất-thần đưa đến cho tôi một tờ điện-tín với nội-dung như sau: “TIMDUOC VIDA CUABAN. DAGUI BUUDIEN VUNGTAU.” Tôi tức-khắc yêu-cầu phòng nhân-viên hoãn gởi đi hồ-sơ xin giấy tờ mới cùng với lệnh phạt đã ký của tôi.
Câu chuyện chấm dứt sau khi tôi nhận được chiếc ví da của tôi, và hồ-sơ xin cấp giấy-tờ mới cùng với lệnh phạt đều được hủy bỏ.
Mới đó mà đã gần bốn năm. Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lở và xóm nhỏ ven sông vẫn còn đó. Giờ đây, trên bước đường di-tản, tôi đang ngồi bên bờ cù-lao này để chờ được chở sang sông bởi những chiếc ghe xuất-phát từ xóm nhỏ ngày nào. Chẳng biết có ai trong những người đang chèo ghe kia đã bị văng xuống sông hồi đó hay không. Các bạn cùng khóa ngày ấy ở đây chắc là đã thuyên-chuyển hết đi nơi khác. "Vật đổi sao dời. Biết ai còn ai mất!" Tôi nhủ thầm, rồi chợt thấy lòng buồn rười-rượi.
- Chúng ta đi chú ạ. Tuân chợt gọi.
Tôi giật mình ngước lên. Trước mặt tôi, những chiếc ghe tam-bản đã cặp vào bờ, và những người lính nhảy-dù đang lần-lượt xuống ghe.
Sau khi được chở sang sông và được cho biết là dân-chúng đang lũ-lượt di-tản, chúng tôi và những người lính dù cám ơn và từ-biệt những người dân tốt bụng, rồi vội-vã đi theo một ngõ hẻm để rời xóm nhỏ. Khi tới quốc-lộ, toán lính rẽ phải và lẫn nhanh vào dòng người đông nghẹt đang đổ về hướng Vũng-Tàu. Tuân và tôi cũng lặng-lẽ theo sau. Đi được vài trăm mét, tôi kéo Tuân vào một quán ăn bên đường. Tôi giơ tay vẫy chào khi thấy người sĩ-quan quân-y và năm, sáu người lính nhảy-dù đang ngồi ở một bàn gần cửa quán. Họ cười và vẫy tay chào lại. “Những anh em kia đâu?” Tôi hỏi. “Họ đi trước rồi.” Người sĩ-quan quân-y cười trả lời. Tôi cũng cười với anh ta, rồi cùng Tuân tìm vào một bàn ở phía trong.
Trong khi ăn uống, tôi chợt nghĩ thầm rằng biết đâu những người bạn cùng khóa với tôi đang phục-vụ ở Cát-Lở sẽ có cách giúp tôi về lại Sài-Gòn. Tôi cũng nghĩ đến Bá. Bà-Rịa đã bị chiếm, gia-đình còn kẹt ở Thủ-Đức, Bá rất có thể có ý định về lại Sài-Gòn bằng chiếc PCF của hắn. Tôi liền bảo Tuân là tôi muốn quay lại để tìm một vài người bạn ở trong Thành Hải-Quân. Tuân nói là sẽ sẵn-sàng đi theo tôi.
Khi đến quầy trả tiền, tôi xin một ít nước lạnh để đổ đầy cái bi-đông, rồi hỏi Tuân có cần thuốc lá gì không. Tuân lắc đầu và nói anh ta chỉ hút thuốc lào. Tôi liền mua hai gói Capstan cùng với một hộp quẹt, và nhận thấy giá-cả đã tăng lên gấp bội. "Có mà hút cũng còn may!" Tôi tự nhủ. Khi chúng tôi đi ra thì nhóm lính nhảy-dù vẫn còn ngồi bàn-tán. Tôi lại giơ tay vẫy và nói: "Cám ơn các anh em. Chúng tôi đi trước nhé. Mong có ngày gặp lại."
- Chúc các anh may-mắn. Mong rằng nếu có dịp gặp lại, chúng ta không đến nỗi như thế này! Người sĩ-quan quân-y trả lời.
Rời khỏi quán, chúng tôi quẹo trái, rồi đi dọc theo lề đường bên trái về hướng Thành Hải-Quân Cát-Lở. Trên đường lộ, người và xe-cộ đông đầy đang đi ngược chiều với chúng tôi. Hai bên đường, già trẻ lớn bé gồng gánh, tay xách nách mang, hối-hả tiến bước về hướng Vũng-Tàu. Giữa lộ, những chiếc xe hơi, xe đò nhỏ, hoặc xe Lam chở đầy người đang ì-ạch lách-né chiếm đường để đi tới. Thỉnh-thoảng cũng có một chiếc xe nhà binh chở lính đủ loại màu áo, nhưng hoàn-toàn không có vũ-khí, len-lỏi đi qua. Trong tình trạng hỗn-loạn đó, những tiếng nổ của súng tay hoặc đạn pháo-kích chốc chốc lại vang lên khiến đoàn người chạy giặc càng thêm hốt hoảng, rồi chen-chúc nhau cố tiến nhanh hơn. Đang đi, tôi chợt thấy một nhóm người, cũng tay xách nách mang, từ một ngõ hẻm ùa ra nhập vào đoàn người chạy giặc. Tôi nhìn quanh và nhận ra ngõ hẻm này chính là lối vào xóm nhỏ mà chúng tôi và những người lính nhảy-dù đã đi qua. "Thì ra họ cũng di tản." Tôi tự nhủ, rồi lại thầm cảm ơn những người dân tốt bụng đã chở chúng tôi và toán lính sang sông.
Tiếp-tục đi ngược chiều với đoàn người chạy giặc, chúng tôi gặp một trạm kiểm-soát của một toán lính thủy-quân lục chiến trang-bị đầy mình. Họ đứng giăng ngang đường quốc-lộ để chận tất cả những quân-xa và những người mặc quân-phục lại. - Hãy ở lại để chiến-đấu. Bằng không thì hãy để vũ-khí lại đây. Một người lính thủy-quân lục-chiến nói.
Không có ai ở lại. Tất cả những người bị chận nếu có vũ-khí đều đem bỏ vào đống vũ-khí bên lề đường rồi tiếp-tục đi. Những người lính thủy-quân lục-chiến nhìn nhau lắc đầu.
- Đm! Chưa đánh đã chạy. Vậy đi lính để làm gì? Một người nào đó trong bọn họ chửi-rủa.
Không bị cản trở vì mặc thường-phục và đi ngược chiều ở bên lề đường, Tuân và tôi vẫn tiếp-tục đi về hướng Căn-Cứ Hải-Quân. Tôi để ý, nhưng không hề thấy một người lính hải-quân nào đi trên đường lộ. "Vậy là hải quân vẫn chưa di-tản." Tôi khấp-khởi mừng tự nhủ.
Chỉ còn vài chục mét là chúng tôi tới cổng Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lở.
- Căn-Cứ Hải-Quân đây rồi.
Tôi vừa dứt lời thì hàng loạt những tiếng nổ dồn-dập của đạn pháo kích cùng với những tiếng la hét vang lên, rồi một đoàn người từ cổng thành ùa ra nhập vào đoàn người chạy giặc trên đường lộ. Tuân và tôi vội nép vào bên đường để nhường chỗ cho dòng người đang hốt-hoảng tràn tới như nước vỡ bờ. Việt-Cộng từ Bà-Rịa đang pháo-kích vào Căn-Cứ Hải-Quân. Biết đâu chúng đã vượt qua cầu Cây-Khế và đang "tiền-pháo hậu-xung" để chiếm Cát-Lở.
- Người ta đang chạy ra thế kia mà mình lại chạy vào để tìm chết hay sao? Tuân và tôi bảo nhau như thế, rồi quay đầu chạy ngược trở lại.
Chúng tôi đã chạy nhanh hơn dòng người chạy giặc rất nhiều vì không phải gồng-gánh hay tay xách nách mang nặng-nề như họ.
Khi những tiếng nổ của đạn pháo-kích ngưng bặt thì Tuân và tôi đã chạy được vài trăm mét. Chúng tôi ngừng lại để nghỉ mệt, và chợt nhớ ra rằng những người lính thủy-quân lục-chiến và cái trạm kiểm-soát của họ đã biến mất từ bao giờ. Lúc này, đoàn người chạy giặc càng lúc càng đông hơn. Xe-cộ càng ì-ạch vì quá tải. Chiếc nào cũng chật ních. Người ta leo cả lên mui hoặc đeo ở bên hông và sau xe. Dầu vậy, những chiếc xe vẫn đang di-chuyển nhanh hơn đoàn người đi bộ rất nhiều.
- Mình đeo theo chiếc xe Lam kia. Tuân vừa nói vừa kéo tôi băng ra giữa lộ.
Chúng tôi nhảy lên đeo ở bực cửa sau của một chiếc xe Lam vừa trờ tới, mặc kệ những tiếng càu-nhàu phản-đối của vài người đang đeo ở đấy. Người tài-xế vẫn thản-nhiên cho xe chạy. Gần tới ấp Rạch- Dừa, chiếc xe Lam bỗng khựng lại rồi tắt máy. Sau khi người tài-xế lui-cui đạp máy xe một hồi nhưng máy vẫn không nổ, mọi hành khách đều xuống xe nhập vào dòng người đang di-chuyển ở hai bên lề quốc-lộ. Đi được một đỗi, Tuân và tôi lại nhảy lên đeo ở cửa sau của một chiếc xe đò nhỏ chở đầy khách. Chiếc xe này chạy được một đoạn đường độ một cây-số, rồi tấp vào lề không đi nữa. Chúng tôi lại phải xuống xe đi bộ. Cứ thế, sau nhiều lần vừa quá-giang vừa đi bộ, chúng tôi đến ngã tư Giếng-Nước. Từ ngã tư này, tôi thấy thẳng trước mặt là đường dẫn tới Trường Thiếu-Sinh-Quân, bên trái là đường vào thị-xã Vũng-Tàu, và bên phải là đường ra Bến-Đình.
Tuân và tôi rẽ phải. Dòng người không còn đông như trước vì đã chia làm ba ngả. Lúc này, mọi người đều rảo bước vì trời đã về chiều. Một lát sau, chúng tôi tới Bến Đình. Sinh-hoạt buôn-bán ở khu phố này vẫn bình-thường. Các cửa tiệm vẫn còn mở cửa. Chúng tôi ghé vào một xe sinh-tố để giải-khát.
- Bên trái là đường đi ngang Trường Thiếu- Sinh-Quân rồi vào Vũng-Tàu. Thẳng trước mặt là đường đi ngang Thích-Ca Phật Đài rồi ra Bến-Đá. Tuân nói, như để nhắc nhớ tôi.
Mấy năm trước đây, khi tôi còn độc thân và phục-vụ trên chiến-hạm, mỗi lần tàu neo ở bãi trước Vũng-Tàu sau vài tháng tuần dương, nếu không về thăm nhà, tôi thường cùng bạn-bè ăn-uống và dạo phố ở Vũng-Tàu, hoặc lên xe đò về Sài-Gòn rong chơi. Ngoài ra, chỉ có một lần tôi lên vãn cảnh Thích-Ca Phật Đài rồi tiện đường ra Bến-Đá thăm cô tôi. Do đó, đường ra Bến-Đá đối với tôi không phải là quen-thuộc.
Rời Bến-Đình, chúng tôi theo đoàn người chạy giặc đi thẳng để ra Bến-Đá. Sau khi qua Phật Đài được một đỗi, chúng tôi theo đường lộ vòng về bên trái, rồi leo một con dốc khá dài trước khi tới khu nhà ở đầu ấp. Đi thêm một đỗi nữa, tôi chợt thấy những người đi phía trước đang bị chận lại. Khoảng một tiểu-đội lính thủy-quân lục-chiến có vũ-khí đã kéo một cuộn kẽm gai “concertina” cao tới thắt lưng giăng ngang đường lộ để lập trạm kiểm-soát. Họ không cho bất cứ ai từ ngoài đi vào ấp Bến-Đá, ngoại-trừ những người có giấy tờ chứng-minh là ở trong ấp này. Biết là năn-nỉ cũng vô-ích, Tuân kéo tôi đi ngược lại độ năm chục mét, rồi rẽ vào một ngõ hẻm bên phải đường lộ. Từ ngõ hẻm này, chúng tôi đi quanh-co độ mười lăm phút, giữa những căn nhà không có hàng lối gì cả, thì vào tới khu trung-tâm của ấp.
Bến-Đá là nơi sinh-sống của những người làm nghề đánh cá biển và sản-xuất hải sản khô. Ở đây cũng có một số nhỏ người Tàu sinh-sống bằng nghề buôn-bán. Ấp này nằm ở đầu phía bắc của Núi Lớn Vũng-Tàu. Ngay phía trước ấp là một vùng cửa biển trải rộng gần mười cây-số về hướng Bắc, bao gồm cửa sông Cát-Lở và cửa sông lớn phía đông đảo Long-Sơn. Ấp khá rộng lớn nhưng bị chia hẳn làm hai, một nửa ở trên sườn núi một nửa ở ven biển, bởi con đường trải nhựa phát-xuất từ Bến-Đình. Sau khi băng ngang ấp Bến-Đá, con đường này bắt đầu men theo bờ biển về hướng tây để đi qua ấp Sao-Mai, rồi tiếp-tục quanh-co uốn khúc ven biển về hướng nam để qua ấp Bãi-Dâu, Bãi Dứa, và Bạch Dinh trước khi vào Bãi Trước Vũng-Tàu.
Chúng tôi tìm đến nhà cô út của tôi, cũng là dì út của Tuân. Bà rất ngạc-nhiên khi gặp hai đứa cháu cùng một lúc. Sau vài phút chào hỏi, bà cho biết là người di-tản đang ở trọ khắp nơi trong ấp, và tình-hình lúc này rất căng-thẳng. Những chủ ghe đánh cá đều đã cho ghe chạy ra biển để tránh bị cướp ghe, có nhiều người còn đem cả gia-đình xuống ở tạm dưới ghe để bảo-đảm sự an-toàn. Có tin đồn rằng sẽ có tàu vào Bến-Đá để đón những người di-tản ra tàu Mỹ ở ngoài khơi Vũng- Tàu. Vì vậy, lính thủy-quân lục-chiến đã chiếm-giữ bến ghe. Họ không cho bất cứ ai không phải là lính thủy-quân lục-chiến bén mảng đến gần. Dĩ nhiên là chẳng ai dám chống lại họ. "Vậy là không thể kiếm ghe để về Sài-Gòn!" Tôi tự nhủ, rồi nói với Tuân là nhà bà cô ở ngay mặt đường lộ, nếu Việt- Cộng tràn vào và truy-lùng lính Việt-Nam Cộng-Hòa thì thật là nguy-hiểm. Tuân liền rủ tôi về nhà bố mẹ vợ anh ta.
Rời nhà bà cô, Tuân và tôi tiếp-tục đi theo đường lộ. Sau khi đi qua nhà thờ Bến-Đá được một đỗi, chúng tôi quẹo trái rồi leo một con dốc dài độ hai trăm mét để đến nhà ông bà cụ Dương, bố mẹ vợ của Tuân. Khi Tuân và tôi đến nơi thì đã hơn năm giờ chiều. Ông cụ Dương, trạc sáu mươi lăm tuổi, đang cùng với một cụ già khác căng dây cho một tấm bạt nhà binh ở trước hiên nhà. Bà cụ Dương thì đang dọn-dẹp ở nhà bếp phía sau. Hai cụ rất mừng gặp con rể vì đang rất lo-lắng cho đứa con gái cưng là vợ Tuân. Cũng như nhiều nhà khác trong ấp, nhà bố mẹ vợ Tuân có một gia-đình di-tản căng lều ở tạm trước hiên. Họ là những người đã chạy giặc từ Đà-Nẵng vào được gần một tháng nay. Dù nhà ở trên núi không có giếng nước, ông bà cụ Dương vẫn cho những người di-tản ở trọ vì nhà có hai bể dự-trữ nước rất lớn.
Khi cùng Tuân ra bể nước phía sau nhà để tắm-rửa và giặt-giũ, tôi để ý quan-sát và thấy có nhiều tảng đá lớn như những con voi, nằm rải-rác chung quanh nhà. Tôi cũng nhận ra rằng nhà ông bà cụ Dương ở trên đỉnh của con dốc nên phía sau không còn một nhà nào khác. Nhìn những đám rẫy bắp và khoai sắn từ đằng sau nhà bếp vươn lên liên-tục đến tận đỉnh núi, tôi chợt rợn người khi thấy những khối đá khổng-lồ nằm chênh-vênh trên sườn núi, ẩn-hiện trong những đám rẫy xanh rì.
"Nếu nó lăn xuống thì sao?" Tôi tự hỏi, nhưng rồi lại tự bảo mình: "Dầu sao thì người ta cũng đã ở đây từ mấy chục năm nay."
Sau khi dấu súng đạn và giấy-tờ quân đội, tôi rủ Tuân leo lên nóc nhà để quan-sát. Từ trên cao nhìn ra hướng bờ biển, tôi thấy cách chúng tôi độ 200 mét ở hướng hai giờ là nhà thờ Bến-Đá. Nhà thờ này được xây trên sườn núi và nằm sát đường lộ. Ngay trước mặt chúng tôi, bên ngoài đường lộ, ẩn-hiện giữa những căn nhà là một con đường trải đá hướng ra biển. Theo lời Tuân thì con đường này băng ngang chợ rồi ra bến ghe Bến-Đá. Tôi cố-gắng tìm bến ghe, nhưng chỉ có thể nhìn thấy những nóc nhà san-sát nhau tiếp giáp với vùng cửa biển nằm giữa Bến-Đá và đảo Long-Sơn. Trên vùng cửa biển này, hàng ngàn ghe đánh cá đủ cỡ đang chạy qua chạy lại như mắc cửi. Tôi cũng cố ý nhìn về hướng sông Cát-Lở và Căn-Cứ Hải-Quân để quan sát, nhưng tầm nhìn bị chận lại bởi một màn mây-mù dày-đặc.
Một loạt tiếng nổ của đạn pháo-kích bất-chợt vang lên dồn-dập ở ngay trong ấp. Chúng tôi vội-vã leo xuống, và ngạc-nhiên khi thấy ông bà cụ Dương và những người ở trọ chẳng tìm chỗ núp gì cả. Có thể vì họ tin là "sống chết có số". Cũng có thể vì họ cho rằng những tảng đá quanh nhà sẽ che-đỡ cho họ. Tuy nhiên, cũng như chúng tôi, mọi người đều lộ vẻ lo-lắng. Biết đâu Việt-Cộng lại chẳng đang pháo-kích để chuẩn-bị tràn vào ấp. Thế nhưng những tiếng nổ của đạn pháo-kích chỉ có vài loạt rồi ngưng bặt.
Cơm nước xong, Tuân đi ra ngoài gần hai tiếng đồng hồ để thăm những người quen trong ấp. Khi trở về, Tuân cho biết là căn nhà ở ngay đầu dốc sát đường lộ đã bị trúng đạn pháo-kích của Việt-Cộng. Một người lính địa phương quân về phép đang nằm võng nghỉ- ngơi trong căn nhà này đã chết thảm vì bị tường sập đè lên. Có tin đồn rằng đặc-công Việt-Cộng đã bắt đầu hoạt-động ở Bến-Đá, và thủy-quân lục-chiến đã cố-gắng truy-lùng nhưng vô-hiệu. Tình-hình ở bến ghe vẫn không thay đổi. Thủy-quân lục-chiến vẫn chiếm-giữ bến ghe cho riêng họ, nhưng cho đến giờ này vẫn chưa có một chiếc tàu nào vào đón họ cả. Ngoài ra, Tuân cũng nói là có gặp Tư, một người cũng di-tản theo đoàn lính nhảy-dù như chúng tôi. Sáng nay, sau khi vượt cù-lao lớn rồi khựng lại ở ngã ba sông như nhóm chúng tôi, toán lính nhảy-dù có Tư đi cùng đã may-mắn chận được một chiếc ghe đánh cá khá lớn nên đã chạy thẳng ra ấp Rạch- Dừa. Từ đây, Tư chia tay toán lính, rồi cũng vừa quá-giang vừa đi bộ, và đã tới ấp Bến-Đá trước chúng tôi vài giờ.
Tình-hình trong đêm có phần lắng-dịu, thỉnh-thoảng mới có vài tiếng nổ của đạn pháo-kích hoặc súng tay vọng lại từ xa. Dù vậy, tôi đã thao-thức không ngủ được vì không biết phải làm gì trong tình-hình hiện tại. Từ hơn một tháng nay, mỗi khi nghe nói có người đào-ngũ để đi Mỹ theo vợ hoặc thân nhân làm việc trong các sở Mỹ, tôi luôn-luôn nghĩ rằng họ đã lo-sợ quá đáng. Trước sau tôi vẫn tin-tưởng rằng dù tình-hình có bi-đát đến đâu đi nữa thì Sài-Gòn cũng không thể mất được. Bởi vậy tôi đã di-tản cùng đoàn lính dù với hy-vọng là sẽ tìm được phương-tiện về lại Sài-Gòn để tiếp-tục chiến-đấu. Nhưng giờ này thì mọi sự đã thay-đổi. Cụ Hương, vị Tổng- Thống từng tuyên-bố sẽ chiến-đấu tới cùng đã không còn cầm quyền nữa. Rồi đây, tướng Minh, với chức-vị Tổng-Thống, chắc là sẽ không muốn chiến-đấu, mà chỉ muốn bắt tay với Việt-Cộng để mưu-cầu danh-lợi cá-nhân của ông ta mà thôi.
"Cuộc chiến này sẽ ra sao? Mình phải làm gì bây giờ?" Tôi cứ mãi băn khoăn tự hỏi như thế, rồi ngủ thiếp đi vì mệt mỏi.
Tướng Vĩnh-Lộc nói trên làn sóng điện như thế để khuyến-khích binh-sĩ, đồng thời cũng để nhấn mạnh sự chê-trách của ông ta đối với các tướng-lãnh đã bỏ nhiệm-sở để chạy trốn. "Vậy là tướng Cao-Văn-Viên đã bỏ chạy. Giờ này chắc là ông ta đang ở trên một chiếc tàu Mỹ nào đó ngoài khơi Vũng-Tàu." Tôi ngao ngán nhủ thầm.
Chỉ vài giờ sau, tình-hình đã hoàn-toàn thay-đổi. Đài Sài-Gòn bắt đầu lặp đi lặp lại thông-cáo của Thủ-Tướng Mẫu yêu cầu tất cả người Mỹ phải rời khỏi Việt-Nam trong vòng hai mươi bốn giờ. Tiếp theo là lời kêu gọi các binh-sĩ hãy ở yên vị-trí và cố-gắng tiết-kiệm xương-máu. Nhật-lệnh của tướng Vĩnh-Lộc và những bản nhạc hùng-tráng không còn được phát ra nữa.
"Vậy là vô phương cứu vãn! Mình phải làm gì bây giờ?" Tôi băn-khoăn tự hỏi. Cuộc chiến này rồi sẽ ra sao! Tôi còn bị kẹt ở đây cho đến bao giờ? Phương-tiện về Sài-Gòn không có. Ra khỏi nước thì thoát khỏi tay Việt-Cộng, nhưng lại phải bỏ lại những người thân ruột thịt, và không mong gì có ngày gặp lại. Ở lại thì nếu không bị giết cũng bị hành-hạ cho đến chết ở những trại tù tập-trung nơi rừng thiêng nước độc. Nếu chúng tràn vào và truy-lùng lính Việt-Nam Cộng-Hòa, liệu mình có trốn thoát được không? Mình mặc thường-phục thì sao? Sau một hồi suy-nghĩ, tôi quyết-định là sẽ không chạy ra nước ngoài, nhưng phải trốn-tránh khi Việt-Cộng tràn vào. Trốn lên núi hay ra biển thì tôi vẫn chưa quyết-định. Tôi bàn với Tuân thì anh ta cũng đồng ý là sẽ đi trốn khi Việt- Cộng tràn vào, còn sau đó thì cứ để mọi sự tới đâu hay tới đó.
Tình-hình bắt đầu trở nên căng-thẳng vào lúc gần trưa khi những tràng đạn pháo kích bất chợt vang lên dồn-dập. Hình như Việt-Cộng đang tập-trung đại-pháo bắn vào Căn-Cứ Hải-Quân, Trường Truyền-Tin, và phi-trường Vũng-Tàu. Từ trên cao nhìn ra cửa biển, tôi nhận thấy ghe-cộ lúc này nhiều hơn ngày hôm qua gấp bội, và tất cả đều đang di chuyển. Giữa rừng ghe-cộ ấy, thỉnh-thoảng lại có một viên đạn pháo-kích bất-thần nổ trên biển làm tung lên một cụm nước trắng xoá khiến cho những ghe đang đi gần chạy túa ra chung quanh. Chẳng biết có ghe nào bị trúng đạn hay không. Trong tình-trạng sôi-động đó, từ cửa sông Lòng-Tàu, vài chiếc quân-vận-đĩnh (LCM – Landing Craft Mechanized) hoặc tiểu-vận-đĩnh (LCVP – Landing Craft Vehicle Personnel) bất-thần xuất-hiện, trực chỉ ra khơi. "Nếu những chiếc tàu kia ghé vào Bến-Đá thì những hành-khách đầu tiên phải là những người lính thủy-quân lục-chiến." Tôi tự nhủ.
Trời vừa sụp tối. Những tiếng nổ của đạn pháo-kích đã im bặt từ lâu. Tuân lại rời nhà đi tìm gặp những người quen để dò hỏi tình-hình. Khi trở về, Tuân cho biết là hồi trưa hôm nay thủy-quân lục-chiến đã bắt được một tên đặc-công của Việt-Cộng trong chợ Bến Đá khi tên này đang liên-lạc truyền-tin làm đề-lô cho pháo-binh của chúng. Người lính địa-phương-quân bị tường sập đè chết hôm qua thì đã được chôn-cất tại nghĩa-trang Bến Đá vào buổi chiều hôm nay giữa những tiếng ầm-ầm của đạn pháo-kích. Ngoài ra, Tuân cũng cho biết là lính thủy-quân lục-chiến không còn lảng-vảng ở trên đường lộ như tối hôm qua.
Đêm đã về khuya. Đài Sài-Gòn đang phát ra thông-cáo của chính-phủ yêu-cầu dân chúng đô-thành giữ trật-tự và hạn-chế di chuyển. Sau đó là lời kêu gọi binh-sĩ hãy ở yên vị-trí để đợi chính-phủ "giàn-xếp với người anh em phía bên kia."
"Sài-Gòn không muốn chiến-đấu nữa. Ở đây thì sao?" Tôi nhủ thầm, rồi tự hỏi là không biết quân ta có còn giữ được cầu Cây-Khế hay không. Nếu giờ này Việt-Cộng đã tràn qua cầu này và chiếm được Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lở thì chúng sẽ tiến ra Vũng-Tàu, Bến-Đình, và Bến-Đá nội trong đêm nay. "Làm sao bây giờ?" Tôi cứ trằn-trọc tự hỏi như thế, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Mờ sáng ngày 30-4-1975, tôi đang loay-hoay dò đài Sài-Gòn thì Tuân hớt-hải từ ngoài chạy vào nhà bảo tôi: "Mình phải đi ngay. Tôi vừa ra ngoài lộ. Người ta chạy tứ- tung. Nghe nói Việt-Cộng đã vào Bến-Đình và đang chuẩn-bị để vào Bến-Đá."
Tôi vội-vã lấy súng đạn, giấy-tờ quân-đội, và quần áo dự- phòng bỏ vào túi rết của tôi. Trong khi đó, Tuân, với sự giúp-đỡ của bà mẹ vợ, cũng chuẩn-bị một lon guy-gô thức ăn và một biđông nước để dồn vào túi đeo của anh ta. Xong xuôi, chúng tôi chào ông bà cụ Dương, rồi rời nhà chạy ra bến ghe. Khi chạy trên đường lộ để đến con đường ra bến ghe, tôi nhận thấy rất nhiều người đang hối-hả chạy về hướng ấp Sao-Mai, ngược chiều với chúng tôi.
Bến ghe hoàn-toàn vắng-lặng, không một bóng người. Các cầu tàu đều trống trơn, không một ghe đánh cá nào còn đậu ở bến. Tuân và tôi chạy nhanh về cuối bến, nơi có vài chiếc ghe tam-bản cột ở chân cầu.
- Anh biết chèo ghe không? Tôi hỏi.
- Biết. Xuống đi. Tuân vừa mở dây một chiếc ghe tam-bản vừa nói.
Chiếc ghe dài độ năm mét và rộng chỉ hơn một mét. Trên ghe có một mái chèo đã được gác lên ở sau lái. Trong khi Tuân đứng sau lái chèo ghe ra biển, tôi gỡ lấy một mảnh ván nhỏ ở sạp ghe, rồi lên ngồi ở mũi ghe chèo phụ.
- Mình ra Sao-Mai. Có lẽ tụi nó sắp vào tới! Tuân vừa nói vừa hối-hả chèo.
Ra cách bờ độ hơn một trăm mét, chiếc ghe quẹo trái về hướng ấp Sao-Mai. - Nếu cứ đi theo bờ biển như thế này mình sẽ ra tới Bãi Trước Vũng-Tàu. Tuân nói.
Bên phải chúng tôi, hàng ngàn ghe đánh cá chở đầy người đang di-chuyển. Tôi để ý và nhận thấy những ghe đang di-chuyển kia chỉ quanh quẩn chạy đi chạy lại, không có chiếc nào chạy thẳng ra khơi, cũng chẳng có chiếc nào chạy vào bến. Mỗi khi có một ghe chạy gần, chúng tôi đều vẫy tay rối-rít và la lên cầu-cứu, xin quá-giang, nhưng ghe nào cũng thờ-ơ đi luôn, và những hành-khách trên ghe thì chỉ trố mắt nhìn vô-cảm. Thất-vọng, chúng tôi tiếp-tục chèo để mau rời khỏi Bến-Đá. Nhìn vào bờ ở bên trái, tôi thấy rất nhiều người đang hối-hả chạy trên đường lộ về hướng ấp Sao-Mai. "Việt-Cộng đã tràn vào ấp Bến-Đá." Tôi tự nhủ và mừng thầm là mình đã chạy kịp ra biển.
Trời bắt đầu đổ mưa. Gió thổi mạnh. Chúng tôi đang đi ngang ấp Sao-Mai và cách bờ chỉ độ một trăm mét. Bên trái chúng tôi, sát bờ biển là một tượng-đài Đức Mẹ. Trên đường lộ phía sau tượng-đài, rất nhiều người đang chạy về phía Vũng-Tàu. Có lẽ Việt- Cộng đang tiến vào ấp Sao-Mai. Phía trước chúng tôi, trên vùng cửa biển rộng mênh mông là một rừng ghe-cộ. Hầu như ghe nào cũng chở đầy người và đang chạy tứ-tung không định hướng. Thỉnh-thoảng, tôi lại nghe được những tiếng súng nổ phát ra từ một chiếc ghe nào đó chạy gần. Nhìn vào cửa sông Lòng-Tàu ở bên phải, tôi thấy một con tàu thật lớn đang lầm-lũi trực-chỉ ra khơi, và một số ghe tàu nhỏ đang chạy theo con tàu ấy. “Ngoài những ghe ở Vũng-Tàu, những ghe khác đều vào từ Bình-Tuy hoặc Phan- Thiết. Có lẽ chẳng có chiếc nào từ Cà-Mau hoặc Rạch-Giá lên cả.” Tuân nhận định. “Sao anh biết?” Tôi hỏi lại. “Thì ghe ở mỗi vùng đều có một đặc-điểm riêng. Hơn thế nữa, Vùng Bốn chưa mất vào tay Việt-Cộng, nên dân-chúng ở dưới miền Tây chưa phải di-tản.” Tuân trả lời. Rồi không giải-thích gì về cái đặc-điểm riêng của ghe, anh ta tiếp-tục nhận định: “Giờ này mà ghe còn ở đây thì chắc chắn là những người chủ ghe kia cũng như mình, chỉ muốn tạm tránh lúc Việt-Cộng tràn vào mà thôi.”
Tuân và tôi vẫn tiếp-tục chèo về hướng Vũng-Tàu. Trận mưa khá lớn nên chỉ trong chốc lát chúng tôi đã ướt đẫm vì không có áo mưa. Tôi quan-sát kỹ trên biển và nhận thấy ở hướng hai giờ, cách chúng tôi độ vài trăm mét, có một chiếc ghe đánh cá đang bập bềnh trên sóng, chắc chắn là đã thả neo vì không hề di-chuyển. “Mình đến chiếc ghe đang neo kia.” Tôi chỉ cho Tuân thấy và đề- nghị. “Ừ. Mình xin lên trú mưa với họ, rồi tính sau.” Tuân đồng ý nói. Khoảng mười lăm phút sau, Tuân cho ghe tam-bản cập vào bên hông chiếc ghe đánh cá đang neo. “Có ai không?” Tôi vỗ mạnh vào thành ghe đánh cá và la lớn nhiều lần, nhưng vẫn không có ai trả lời. Chúng tôi cột ghe tam-bản vào bên hông ghe đánh cá rồi leo lên. Đây là một chiếc ghe đánh cá rất lớn có chiều dài độ hai mươi mét và rộng gần năm mét. Với chiếc ghe như thế này, một nhóm ngưphủ có thể ra khơi cả tháng và đi hàng ngàn cây-số từ vùng này đến vùng khác để đánh cá. Tuân và tôi đi vào ca-bin mới biết là ghe hoàn-toàn vắng người. Hàng trăm chiếc giầy và dép đủ loại lẫn-lộn với những mớ quần áo cũ đủ màu nằm lăn-lóc trên sàn gỗ. Lần về phía sau nhìn xuống hầm máy, tôi thấy ngay hai hàng sú-bắp lồ-lộ của một giàn máy ghe thật lớn. Những chiếc nắp đầu máy thì đã bị gỡ ra để dưới lườn ghe cùng với một vài dụng-cụ của thợ máy. Rõ ràng là máy ghe đã hư-hỏng quá nặng đến nỗi không thể sửa chữa được, nên chủ ghe và những người di-tản trên ghe đã phải bỏ đi. Bên trong ca-bin, trước khi ngồi nghỉ, chúng tôi cởi quần áo vắt thật ráo nước rồi mặc lại cho đỡ lạnh. Ngoài kia, trời vẫn mưa nặng hạt. Nhìn những chiếc ghe đánh cá đang chạy qua chạy lại như mắc cửi trên khắp vùng cửa biển rộng lớn, chúng tôi bàn nhau là phải tìm cách lên được một trong những chiếc ghe ấy. “Đợi hết mưa rồi sẽ tính.” Tuân bảo tôi. Mưa đã tạnh. Tuân và tôi xuống lại ghe tam-bản và tiếp-tục chèo về hướng Vũng- Tàu. Tôi vừa chèo vừa xốc lại quai choàng trên vai của cái túi rết, rồi xếp lại sợi dây mũi ghe để có thể nhanh chóng cầm lấy đầu dây nhảy lên một chiếc ghe nào đó khi có cơ-hội. Những chiếc ghe đánh cá chở đầy người vẫn đang chạy chung quanh chúng tôi. Có nhiều chiếc chạy chỉ cách chúng tôi độ vài mét. Tuy nhiên, vì ghe chèo của chúng tôi quá chậm chạp không thể tiến sát được một chiếc ghe đánh cá nào cả, dự-tính của tôi là nhảy lên một trong những chiếc ghe ấy đã trở thành vô vọng Quan-sát một hồi, tôi nhận ra rằng mỗi khi có hai chiếc ghe đánh cá, dù đang chạy cùng chiều hay ngược chiều, xáp vào nhau, người ta lại nhảy từ ghe nọ sang ghe kia. Thì ra những người di-tản thường tìm cách nhảy sang ghe nào lớn hơn hoặc chở ít người hơn. Do đó người chủ ghe nào cũng tránh không để bất cứ ghe nào khác chở nhiều người hơn xáp lại gần, vì sợ người di-tản sẽ nhảy sang làm tăng nhân-số trên ghe mình. Đằng khác, họ lại luôn tìm cách cho ghe xáp lại ghe nào chở ít người hơn, hoặc lớn hơn nên rộng chỗ hơn, với hy-vọng người di-tản trên ghe mình sẽ nhảy bớt sang ghe ấy. Cuộc cút bắt giữa những ghe đánh cá cứ thế tiếp-tục trên biển. “Mình chen vào giữa đám ghe kia.” Chúng tôi bảo nhau, rồi chèo ghe tam-bản vào giữa một đám thật đông ghe đánh cá. Tuy nhiên, sau cả giờ đồng hồ cố-gắng, chúng tôi vẫn chẳng thực-hành được ý định của mình giữa một rừng ghe-cộ xunh-quanh. “Kìa! Chú.” Tuân chợt la lên và hất hàm về phía trước làm hiệu. Tôi nhìn về đằng trước thì thấy hai chiếc ghe đánh cá đang kè nhau chạy về phía chúng tôi. Chiếc chạy gần chúng tôi hơn chỉ dài độ mười mét, và chở khoảng vài chục người ở sân mũi. Chiếc kia lớn hơn với chiều dài độ mười lăm mét và chở đầy người. Bị chiếc ghe lớn kè sát bên hữu mạn, chiếc ghe nhỏ đã phải ngưng máy và chạy sát vào ghe tam-bản của chúng tôi. Không bỏ lỡ cơ-hội, tôi nắm đầu sợi dây mũi của ghe tam-bản, nhảy lên sân lái của ghe đánh cá, rồi cột sợi dây vào trụ cột dây sau lái bên tả mạn của chiếc ghe này. Chiếc ghe đánh cá tiếp-tục chạy, kéo theo chiếc ghe tam-bản. Khi tôi ngước lên, Tuân đã buông mái chèo chạy về đằng mũi, và đang kéo sợi dây để thâu ngắn khoảng cách giữa hai ghe. “Đm! Tao chém chết cha tụi bây.” Một người nào đó quát lên. Tôi giật mình quay lại. Ngay cửa sau ca-bin của ghe, cách tôi chỉ vài mét, một người đàn ông trung-niên mặc đồ bà-ba đen đang giơ cao một cây rựa cán dài bước tới định chém.
“Ki-ai!” Cùng lúc với tiếng thét, tôi rùn chân xuống và vung tay lên thủ thế. Quá bất ngờ, tôi đã phản-ứng một cách tự-nhiên theo bản-năng sinh-tồn khi gặp nguy-cấp. Trong thoáng chốc ngắn-ngủi ấy, tôi chợt nghĩ đến những buổi tập Thái-Cực-Đạo ở Trường Sĩ-Quan Hải-Quân Nha-Trang mà những huấn-luyện-viên đến từ Đại-Hàn mang bốn, năm đẳng huyền đai, nhưng học trò thì hơn chín mươi phần trăm mang đai trắng cấp tám, tức là vừa mới nhập môn. Nhìn người đàn ông, tôi tự nhủ nếu vừa rồi ông ta cứ nhào tới chém mà không thèm chửi-rủa gì cả thì tôi làm gì còn có cơ-hội để thủ-thế. Giờ đây, bằng mọi giá, tôi không thể để ông ta chém tôi hoặc chặt đứt sợi dây cột ghe tam-bản. Lạ thay, ngay sau tiếng thét của tôi, người đàn ông khựng lại, rồi đứng yên nhìn tôi trân-trân. Chẳng biết ông ta nghĩ gì. Liếc về phía sau, tôi thấy Tuân đã nhảy lên. “Thôi mà chú. Cho tụi cháu quá-giang với. Tụi cháu cũng là người di-tản vậy.” Tôi năn-nỉ. Người đàn ông không trả lời, mà liếc nhìn chiếc ghe tam-bản một cái rồi lại nhìn chúng tôi. Khoảng một phút sau, ông ta hạ cây rựa xuống và lẳng-lặng chui vào ca-bin. “May quá!” Tôi thở phào tự nhủ. Đây quả thật là một đìều may-mắn vì nếu tôi nhớ tới khẩu súng nằm trong túi rết bên hông và đem ra sử- dụng thì chẳng biết là kết cục sẽ ra sao. Sau khi cùng với Tuân lần lên đứng dựa vào thành bên trái ca-bin, tôi hoàn-toàn không biết chiếc ghe tam-bản vẫn được kéo theo hay là bị một ngư-phủ nào đó cởi dây buông trôi trên biển. Chiếc ghe đánh cá lại tiếp-tục cuộc cút-bắt trên biển, lúc thì tránh né ghe này, lúc thì xáp lại gần một ghe khác. Một lần, khi chiếc ghe này sắp sửa cặp vào một chiếc ghe lớn hơn thì một tràng súng tay cùng với những tiếng chửi thề bất chợt vang lên trên chiếc ghe ấy. Hai chiếc ghe lập-tức tách rời nhau. Tôi nhìn theo thì thấy trên ghe ấy có vài người mặc đồ lính có mang súng. “Họ bắn chỉ thiên để dọa. Không biết là có vụ cướp-bóc nào xảy ra trên chiếc ghe ấy hay không.” Tôi tự hỏi, và chợt nhớ lại những tin-tức về những vụ cướp của giết người trên các xà-lan và tàu biển trong cuộc di-tản của quân-dân Vùng I từ Đà- Nẵng về Vũng-Tàu hoặc ra đảo Phú-Quốc vào cuối tháng 3 vừa qua.
“Ghe bác có ra tàu Mỹ không?”
“Không!”
“Ghe bác sẽ về đâu?”
“Phan-Thiết.”
Những câu đối-đáp giữa những ghe chạy gần nhau vang lên rõ mồn-một. Phần đông đều nói là sẽ về Bình-Tuy hoặc Phan-Thiết. Không có ai nói sẽ ra tàu Mỹ. Cũng chẳng có ai nói sẽ vào Sài-Gòn hoặc xuống miền Tây. Rõ ràng là những chủ ghe và gia-đình họ đều đang đợi xem cuộc chiến sẽ ngã-ngũ ra sao. Còn tất cả những người khác ở trên ghe thì chỉ là những hành-khách quá-giang bất-đắc-dĩ.
“Chúng ta nhảy sang ghe kia.” Tuân thình-lình vỗ vào vai tôi và nói.
Tôi quay lại thì thấy Tuân đã đứng sát mạn ghe trong tư thế sẵn-sàng nhảy nên cũng làm theo. Chiếc ghe chở chúng tôi đã ngưng máy và đang cặp vào hữu mạn một chiếc ghe khác. Chiếc ghe này cũng dài độ mười mét nhưng rất rộng-rãi vì chỉ có mươi người ở sân mũi phía trước cabin. Khi hai chiếc ghe vừa sát vào nhau, Tuân la lên: “Vũ! Chúng tôi nhảy sang.” “Nhảy đi. Đm! Thằng nào nhảy là tao ném lựu-đạn chết mẹ chúng mày.” Một người nào đó quát lên hăm-dọa. Ngay trong giây-phút ngắn-ngủi đó, Tuân và tôi nhảy sang sân lái phía sau ca-bin của chiếc ghe ấy. Sau khi đứng vững trên sàn ghe, tôi mới thấy một người mặc đồ rằn-ri của lính nhảy-dù, mặt đằng- đằng sát-khí, tay phải cầm một trái lựu-đạn, tay trái nắm khoen chốt an-toàn, giơ lên đưa qua đưa lại dọa ném sang chiếc ghe chúng tôi vừa mới quá-giang. Mọi người đang đứng bên hông chiếc ghe ấy đều đã dội lại, chẳng ai dám nhảy theo chúng tôi. Chỉ vài giây sau, hai chiếc ghe đã tách ra hai phía.
“Khỏe không anh Tuân?” Người mặc đồ rằn-ri vừa cất trái lựu-đạn vừa hỏi. Rồi không đợi trả lời, anh ta cười và nói tiếp:
“Không làm thế thì chúng nhảy lên đầy ghe mình mất!”
Tuân cũng cười, rồi giới-thiệu Vũ và tôi với nhau. Vũ liền rủ chúng tôi vào cabin, rồi đem nước trà và thuốc lào ra mời. Qua đối-thoại giữa Vũ và Tuân, tôi mới biết rằng trước kia họ đã cùng phục-vụ trong một đơn vị Biệt-Cách Nhảy Dù thuộc Lực-Lượng Đặc- Biệt Mũ Đen do Đại-Tá Lê-Quang-Tung làm Tư-lệnh. Không bao lâu sau cuộc đảo-chánh 1-11-1963, trong đó anh em Đại-Tá Tung và anh em Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm bị giết, Vũ và Tuân rủ nhau bỏ đơn-vị trốn về địa phương, rồi sau cùng gia-nhập lực-lượng Nghĩa-Quân trong xứ đạo của họ. Trong suốt mười mấy năm qua, nhất là từ khi bố mẹ vợ Tuân ra sinh-sống ở ấp Bến-Đá, Vũ và Tuân vẫn thường liên-lạc với nhau. Gần một tuần nay, Vũ đã đem vợ con và một số người thân chạy ra biển để giữ an toàn như tất cả những gia-đình có ghe đánh cá ở đây. Mới vài giờ trước, Vũ đã cho ghe vào bến Sao-Mai để về nhà lấy một vài món đồ cần dùng. Khi từ nhà trở ra bến, anh ta đã phải chạy trối chết vì Việt-Cộng đã vào tới đầu ấp và đang chận bắt những người mặc đồ lính hoặc bị chúng nghi-ngờ. “Các anh nhìn kìa.” Vũ vừa nói vừa chỉ vào ấp Sao-Mai. Nhìn lên bờ, tôi thấy một đoàn độ vài chục người, hầu hết mặc đồ lính, hai tay để trên đầu, đang đi vòng quanh tượng đài Đức Mẹ ở sát bờ biển. Trên đường lộ phía bên trong tượng đài, những chiếc xe Molotova có cắm cờ nửa đỏ nửa xanh với sao vàng ở giữa của Mặt Trận Dân-Tộc Giải-Phóng Miền Nam chở đầy bộ- đội Việt-Cộng đang từ-từ di-chuyển. “Họ là những người lính Nghĩa-Quân và Nhân-Dân Tự-Vệ đã chiến-đấu đến phút chót.” Vũ ngậm-ngùi nói. Bỗng có tiếng la hoảng-hốt của một người nào đó vang lên: “Anh Vũ! Dương- Văn-Minh tuyên-bố đầu hàng rồi.” Tôi giật mình lắng nghe. Chiếc máy thu-thanh trong góc ca-bin đang phát ra tiếng được tiếng mất: “…hãy buông súng và ở yên vị-trí… đợi bàn giao trong vòng trật-tự... Chuẩn-Tướng Nguyễn-Hữu-Hạnh, Quyền Tổng Tham-Mưu- Trưởng...” Tôi lặng người sửng-sốt. Thế là hết! Cả một guồng máy cai-trị từ Bến-Hải đến Cà-Mau đã hoàn-toàn sụp-đổ. Còn đâu hy vọng về lại Sài-Gòn để cùng đồng-đội chiến đấu. Còn đâu dịp để kể lại cho những người bạn ở Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân nghe về cuộc di tản hi-hữu của mình. Sài-Gòn đã đầu hàng! Những người bạn đang làm việc ở Phòng Nghiên-Huấn và Phòng Điều-Huấn hiện giờ ra sao? Trong mấy ngày vừa qua, họ có di-tản theo tàu của hạm-đội không, hay là đã bỏ đơn vị để về nhà? Lại còn Bá và chiếc PCF của hắn ở Cát-Lở nữa. Hắn đã ra khơi hay đã bỏ tàu để tìm đường về Thủ-Đức với gia-đình? Riêng tôi phải làm sao bây giờ? Rồi đây chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi sẽ về nhà bằng cách nào? Tôi có trở về nhà an-toàn không? Liệu tôi có bị bắt như những người lính trên bờ kia hay không? Nếu tôi bị bắt đưa đi biệt tích thì vợ tôi và những người thân của tôi sẽ lo-lắng khổ-sở biết bao! Những ý nghĩ ấy cứ lặp đi lặp lại trong đầu tôi.
Khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau, mật-độ ghe đánh cá trên vùng cửa biển đã giảm bớt vì một số ghe đã bỏ đi. Họ ra khơi tìm tàu Mỹ hoặc trở về quê-quán nào ai biết. Vũ thình-lình hỏi: “Mình vào bờ bây giờ được chưa các anh?” Tuân quay qua nhìn tôi như dò ý-kiến. Tôi nhìn lên bờ ở ấp Sao-Mai và thấy vài chiếc xe có cờ và bộ-đội Việt-Cộng đang chạy đi chạy lại. Đám người bị bắt thì đã bị đưa đi một nơi nào khác. Ngoài ra, một số thường dân cũng đang đi lại lẻ-tẻ dọc theo đường lộ. Sau khi quan-sát, tôi nói với Vũ và Tuân là nên đợi một lát nữa xem sao. Chiếc ghe tiếp-tục chạy đi chạy lại một lát rồi vào thả trôi cách bờ độ một trăm mét để chờ đợi. Trong lúc ghe thả trôi, tôi kín-đáo dấu các giấy-tờ quân-đội, rồi thả khẩu súng đã nạp đạn và hộp đạn xuống biển. Gần một giờ sau đó, khi thấy dân-chúng bắt đầu đi lại khá đông trên đường lộ, và thỉnh-thoảng mới có một chiếc xe có cắm cờ và chở bộ-đội Việt-Cộng chạy ngang, Vũ thay đồ thường-phục, rồi cho ghe cập vào bến ghe ở ngay bên cạnh tượng đài Đức Mẹ ấp Sao-Mai.
Từ-biệt Vũ, Tuân và tôi leo lên đường lộ, rồi quẹo trái để trở về ấp Bến-Đá. Trên đường, người đi kẻ lại khá tấp-nập. Thỉnh thoảng mới có một chiếc xe Molotova cắm cờ xanh đỏ sao vàng chạy qua. Trên xe, những tên Việt-Cộng ôm súng AK, đầu đội nón cối, quần áo rộng thùng-thình, mặt mày non choẹt, đang dương mắt nhìn ngơ-ngáo. Một vài tên giơ tay vẫy những người dân ở hai bên đường, nhưng chẳng có ai vẫy tay đáp lại. Mọi người đều thản-nhiên như không hề nhìn thấy chúng. Khi chúng tôi đang băng ngang đường lộ để vào đầu dốc dẫn vào nhà ông bà cụ Dương thì chợt có tiếng gọi tên tôi vang lên ở bên lề đường đối-diện. Tôi giật mình nhìn qua, và nhận ra một người trong đám đông là dì của vợ tôi đang giơ tay vẫy tôi. “Ô! Sao dì lại ở đây?” Tôi ngạc-nhiên la lên, rồi kéo Tuân bước nhanh qua lộ. Bà dì liền dẫn chúng tôi vào nhà một người quen của bà ở ngay mặt đường. Sau khi thăm hỏi lý-do tôi rời Sài-Gòn và phải di-tản, bà nói với tôi là gia-đình bà đã rời ấp Rạch-Dừa để ra ấp Bến-Đá từ mấy ngày nay, nhưng đã không thể ra khơi được. Cuối cùng, bà cho biết là mới sáng sớm hôm nay, vị linh-mục chánh xứ của chúng tôi đã đem một chiếc ghe ra ấp Sao-Mai để đón những người đã di-tản về lại giáo-xứ. “Ông cha nói là ai muốn về thì phải có mặt lúc năm giờ chiều nay tại bến ghe ấp Sao-Mai.” Bà nói. Nhìn đồng hồ đã gần hai giờ chiều, chúng tôi từ-biệt bà, rồi leo dốc về lại nhà ông bà cụ Dương.
Nhìn tên Việt-Cộng vẫy cờ, tôi chợt nhớ lại hình-ảnh Đại-Đội-Trưởng Vinh trong phim “Chúng Tôi Muốn Sống”, do tài-tử Lê- Quỳnh thủ diễn, mà tôi đã được xem khi còn nhỏ. Trong phim ấy, Vinh đã đứng trên sườn núi phất cờ liên-tục để ra lệnh cho đồng-đội tấn-công một đoàn xe của quân đội Pháp. Sau hiệp-định Geneva 1954, khi Cộng-Sản Bắc- Việt phát-động chính-sách Cải-Cách Ruộng Đất trên toàn miền Bắc Việt-Nam, Vinh bị công-an dẫn độ từ đơn-vị về quê-quán, nơi cha mẹ chàng là ông bà Long bị ghép tội “địa chủ”. Giữa cái gọi là “tòa-án nhân-dân” do Việt-Cộng dàn-dựng, mặc dù đã từng lập rất nhiều chiến-công trong cuộc kháng-chiến chống Pháp, Vinh đã không được phép phát biểu, mà còn bị đánh gục khi đòi được nói để bào-chữa cho cha mẹ mình. Rốt cuộc, sau khi dàn-dựng cuộc “đấu-tố”, tòa đã kết án tử-hình cha mẹ Vinh. Hai ông bà bị chôn đứng tới cổ, rồi bị cày đầu. Riêng Vinh bị kết tội, rồi bị áp giải đi làm lao-công chiến-trường ở vùng giới tuyến giữa hai miền Nam và Bắc Việt-Nam. Cuối cùng, trong một lần bị áp-giải ven bờ biển, Vinh đã đào-thoát thành-công để chèo một con thuyền nhỏ ra khơi, và được cứu-vớt bởi một chiến-hạm của Việt-Nam Cộng-Hòa. Vậy mà chiếc ghe vẫn chưa bớt máy. Hình như ông quản còn đang đợi một cái gì đó. “Tóc, tóc, tóc...” Lại thêm một tràng súng nổ. Tên Việt-Cộng đứng giữa vẫy cờ qua lại thêm vài lần nữa, rồi giơ cờ lên trời quay tròn như chong-chóng. “Ghê quá! Nếu ghe cứ đi chắc-chắn chúng sẽ bắn. Nếu ghe dừng lại, mình rất có thể bị chúng bắt.” Tôi nghĩ thầm. “Cha ơi! Làm sao bây giờ?” Ông quản hỏi vị linh-mục già đang ngồi trong ca-bin. “Mình cứ vào đi.” Vị linh-mục vừa nói vừa ra khỏi ca-bin, rồi lần lên đứng ở sân mũi. Chiếc ghe giảm máy rẽ vào bến, rồi dừng lại cách toán Việt-Cộng trên bến chỉ độ mười lăm mét. Tôi chợt cảm thấy rờn-rợn sau gáy khi thấy cả toán Việt-Cộng đang trố mắt nhìn chăm-chăm xuống ghe. “Mình mà bị chúng bắt lúc này thì thật là lãng-nhách!” Tôi nghĩ thầm. Tên Việt-Cộng đứng giữa đã ngưng phất cờ, nghênh mặt quát: “Thuyền của lính Ngụy xin hàng phải không?” “Không! Đây là thuyền đánh cá của dân.” Vị linh-mục trả lời. “Sao lại đi vào đây? Các anh là ai? Các anh đi đâu?” Hắn hỏi dồn, rồi nhìn soi-bói vị linh mục trong bộ áo thâm chùng. “Tôi là một linh-mục. Tôi đi đón những người giáo-dân của tôi đã chạy loạn ra Vũng-Tàu để đưa về lại giáo-xứ.” “Giáo-xứ của các anh ở đâu?” “Ở xã Phước-Hòa, gần núi Long-Sơn kia kìa.” Vị linh-mục vừa nói vừa đưa tay chỉ về hướng đảo Long-Sơn. Sau câu trả lời của vị linh mục, bọn Việt-Cộng quay qua quay lại như để bàn-tán và hội ý với nhau. Ngay lúc này, tôi cảm thấy rất lo-sợ vì nghĩ rằng mình sắp sửa bị chúng bắt.
Khoảng năm phút sau, tên Việt-Cộng chợt la lớn: “Được rồi. Các anh đi đi.” Rồi hắn đưa cờ lên vẫy vài cái về phía chúng tôi trước khi cùng đồng bọn lẩn mất vào xóm nhà trên bến. Mọi người thở phào nhẹ-nhõm. Thì ra chúng đã chận chiếc ghe lại vì tưởng rằng chiếc ghe đang chở lính vào để xin đầu hàng. Trong một thoáng, chiếc ghe quay mũi chạy thẳng ra biển, rồi nhắm hướng đảo Long- Sơn trực-chỉ. Trên đường trở về xứ đạo, chiếc ghe đã vào cửa sông lớn phía trước làng chài lưới, nơi Tuân và tôi cùng toán lính nhảy-dù đã đi qua. Khi chiếc ghe đang đi trên một dòng sông lớn trong rừng sát thì một người ngồi ở sân mũi chợt kêu lên: “Thằng chõng!” Tôi nhìn theo hướng tay chỉ của người ấy thì thấy một xác người mặc đồ lính nhảy-dù đang trôi trên mặt nước cách chiếc ghe chỉ độ mười mét. Tôi đã từng nghe nói là xác đàn ông chết trôi sông thì nằm sấp, xác đàn bà chết trôi sông thì nằm ngửa. Chẳng biết có đúng không. Tôi để ý nhìn, nhưng vì trời đã cập quạng tối nên không xác-định được xác người lính này nằm sấp hay ngửa. Trong mấy ngày nay, cái xác này hẳn là đã vừa tấp vào bờ, vừa trôi ra rồi trôi vào theo dòng nước lên xuống nên vẫn chưa trôi ra biển. Sau đó, trước khi trời tối hẳn, chúng tôi còn thấy thêm vài xác lính nhảy-dù khác trôi bồng-bềnh trên dòng sông ấy. Khi ghe về tới bến, nơi chúng tôi đã lội qua mương để vào rừng sát vài hôm trước đây, thì trời đã về đêm. Rời bến ghe, mọi người cùng với linh mục chánh xứ đi theo một con đường đất ngoằn-ngoèo dài hơn một cây số để ra đường quốc-lộ, rồi chia tay ai về nhà nấy. Trên đường từ bến ghe về nhà, tôi chẳng thấy có gì khác lạ. Xứ đạo vẫn bình-thường như không hề bị Việt-Cộng chiếm-đóng. “Có lẽ chúng không có đủ quân nên đã không vào, hoặc có vào nhưng lại phải bỏ đi nơi khác.” Tôi nghĩ thầm.
Về đến nhà, tôi được biết là ngay sáng sớm Thứ Hai vừa qua, bộ-đội Việt-Cộng đã tràn vào ấp. Sau khi đóng quân, chúng cho phát thanh thông-cáo của “Ủy-Ban Quân- Quản” ra lệnh cho các quân-nhân và công chức của chính-phủ Việt-Nam Cộng-Hòa, mà chúng gọi là “Ngụy-Quân và Ngụy-Quyền”, phải tức-khắc giao-nộp vũ-khí ở Văn-Phòng Ấp. Tuy nhiên, rất nhiều anh em nghĩa-quân và nhân-dân tự-vệ đã chỉ đào đất hoặc xuống giếng để lấy súng đạn đem nộp sau khi đài Sài-Gòn phát ra lệnh đầu hàng của Tổng- Thống Minh.
Ngoài ra, tôi cũng được biết là vào đêm Chúa Nhật vừa qua, một cặp vợ chồng bồng theo một đứa con trai độ một tuổi di-tản theo đoàn lính nhảy-dù đã phải bồng con trở về vì có vài người lính dù dọa bắn đứa bé khi nó khóc vì ướt và lạnh.Tôi chợt nhớ lại những tiếng khóc của đàn bà và trẻ con mà tôi đã nghe được trong rừng sát. Tôi cũng nghĩ rằng dù sao thì cặp vợ chồng này cũng phải quay về vì không hề có tàu vào đón lính nhảy-dù để họ quá-giang, mà họ thì không cách nào có thể đem con vượt qua sông được.
Sáng ngày 01-05-1975, ngày Quốc-Tế Lao-Động, Tuân và tôi cùng một số người khác đến Văn-Phòng Ấp để xin giấy phép đi tìm thân-nhân. Thực ra, Tuân và tôi cố ý xin mỗi người một tờ giấy phép để khi cần có thể đào-thoát tiếp. Nhân đó, chúng tôi cũng xin luôn giấy phép cho mẹ của Tuân và cho chú tôi. Lúc này, trong Văn-Phòng Ấp chỉ có vài người đàn ông trung-niên mặc bà-ba đen, và dăm tên du-kích đeo súng AK47. Chúng tôi và mọi người đợi ngoài cửa một lát thì được phát những tờ giấy vàng khè rộng bằng bàn tay, cỡ một tờ giấy học trò cắt ngang làm ba mảnh. Đây là những mẫu giấy phép đi đường có tiêu-đề “Chính-Phủ Lâm-Thời Cộng-Hòa Miền Nam Việt-Nam”. Chúng tôi phải tự điền vào những chỗ trống trên mẫu giấy phép các chi-tiết như họ và tên, nơi đi, nơi đến, lý-do đi, và cả ngày giấy phép được cấp, rồi nộp lại cho Văn-Phòng Ấp. Hơn một giờ sau, chúng tôi trở lại và nhận được những tờ giấy phép của mình. Nhìn tờ giấy phép không có đóng dấu, mà chỉ có họ tên và chữ ký của Chủ-Tịch Ủy-Ban Quân-Quản Ấp, tôi ngạc-nhiên thấy chữ ký của ông Chủ-Tịch tên Tề run-run ngoằn-ngoèo như giun. “Chữ ký quá tệ!” Tôi nhủ thầm và chợt nhớ lại chuyện của bà Yên, một người đàn bà độc-thân độ năm mươi tuổi ở gần nhà tôi.
Theo lời bà Yên thì trước khi di-cư vào Nam năm 1954, bà sinh-sống bằng nghề làm “hàng xáo”, tức là xay thóc và giã gạo để lấy gạo và cám đem đi bán. Mỗi khi đi mua thóc hoặc đem gạo và cám đi bán, bà phải đi qua những trạm kiểm-soát của các cán-bộ Việt-Cộng, thường là ở các đầu lối vào chợ hoặc các đầu cầu bắc ngang những con sông lớn. Có một dạo, tất cả những người bộ-hành đi qua các trạm kiểm-soát đều bị khảo-hạch về khả-năng quốc-ngữ. Do đó, mỗi khi đi đến một trạm kiểm-soát, bà Yên và mấy người bạn hàng thường tự-động lớn tiếng đánh vần những chữ quốc-ngữ đã thuộc lòng từ trước, chẳng hạn như “bờ, bờ-o-bo-huyền-bò “, “tờ, tờ-o-to”, “gờ, gờ-a-ga-huyền-gà”, hoặc “nhờ, nhờ-o-nho-hỏi-nhỏ”, là được cho đi ngay. Bà cũng cho biết là bà và tất cả các bạn hàng đều là con nhà nghèo nên chưa bao giờ được đi học, và chẳng có ai biết một chữ cái nào cả. Sau khi di-cư vào Nam, bà Yên đã làm mọi người trong ấp chúng tôi phải ngạc-nhiên khi bà tự phát-minh một phương-pháp viết của riêng bà. Bà không chỉ dùng những vạch ngang dọc để ghi ngày trong tuần như Robinson đã làm suốt mười sáu năm trên hoang đảo, mà đã dùng đủ loại hình dạng để “viết”, vừa bằng phấn viết bảng vừa bằng than bếp, những gì bà muốn nhớ trên mấy bức tường trong phòng ngủ của bà. Do đó bà có thể đọc vanh-vách những dữ-kiện như ngày tháng, tên người chủ hụi, số người chơi hụi, số tiền đóng hụi, và những chi-tiết liên-hệ khác trong các sở hụi mà bà tham-dự. Ngoài ra, bà cũng đã tập viết được chữ “Yên”, tên gọi của bà, để ký các giấy-tờ cần-thiết. Điều đáng nói ở đây là dù chưa hề đi học, bà Yên đã ký đẹp và vững chãi hơn ông Chủ-Tịch Tề đầy quyền-lực rất nhiều.
Sau khi nhận được những tờ giấy phép, Tuân và tôi chở mẹ Tuân và chú tôi lên Sài-Gòn bằng xe gắn máy. Trên đường từ ấp chúng tôi tới Long-Thành, thỉnh-thoảng chúng tôi lại gặp một trạm kiểm-soát của những tên du-kích có đeo súng và choàng băng đỏ ở cánh tay. Nhờ có những tờ giấy phép đi đường, chúng tôi đã không bị bắt giữ hoặc làm khó dễ như nhiều người khác. Tôi đã tự hỏi là làm sao những tên du-kích có thể xác định được giấy phép và chữ ký ở trên giấy phép của chúng tôi là thật hay giả.
Từ Long-Thành trở đi, chúng tôi không còn gặp một trạm kiểm-soát nào nữa. Sau khi qua cầu Tân-Cảng, chúng tôi chạy thẳng vào Sài-Gòn, quẹo phải ở Đakao, rồi quẹo trái vào đường Hiền-Vương. Tới bùng binh đầu đường Trần-Quốc-Toản, chúng tôi quẹo phải vào đường Lê-Văn-Duyệt, rồi thẳng đường qua Hòa-Hưng, ngã ba Ông Tạ, và ngã tư Bảy-Hiền để đến khu nhà thờ Đắc-Lộ. Tôi nhận thấy đường phố có phần vắng-vẻ, nhưng lại rất ồn-ào vì tiếng loa phóng thanh ra-rả chửi “Mỹ-Ngụy” và kêu gọi dân-chúng chào mừng “Cách-Mạng”. Ngoài ra, tôi cũng thấy có khá nhiều nhà ở hai bên đường treo hoặc dán trước cửa cờ Cộng-Sản Bắc-Biệt và cờ Mặt Trận Dân-Tộc Giải-Phóng Miền Nam. Sau khi thăm gia-đình một người bà con ở khu nhà thờ Đắc-Lộ, chúng tôi từ-giã để đi tiếp. Khi chúng tôi vừa ra tới đầu ngõ thì loa phóng-thanh ở cổng phát ra một thông-cáo yêu-cầu tất cả các chủ hộ trong khu này phải họp vào lúc năm giờ chiều nay tại trường tiểu học ở đây. Thông-cáo còn kèm theo lời đe dọa sẽ "xử-lý" những chủ hộ nào vắng mặt. "Ở đâu thì rồi cũng phải vào rọ! Chúng ta về đi thôi, nếu không chúng ta sẽ bị phiền-phức." Mẹ Tuân nói. Sau câu nói của bà, chúng tôi liền bỏ ý định đi thăm những người bà-con khác ở Sài-Gòn, và đã về đến nhà vào ngay buổi chiều hôm ấy.
Vài ngày sau, Nhân, con một người anh của mẹ tôi, đang là hiệu-trưởng một trường tiểu-học ở gần ấp đánh cá Phước-Tỉnh, đến hỏi tôi là một chiếc ghe đánh cá dài cỡ hai mươi mét có thể đem độ một trăm người vượt biển qua Phi-Luật-Tân hoặc Hồng-Kông được không. Tôi nói là được nhưng phải có đầy-đủ dầu-nhớt, lương-thực, và nước uống cho mười ngày trên biển. Tôi cũng khuyên Nhân là nên đi Mã-Lai hoặc Tân-Gia-Ba thì hay hơn vì cuộc hành-trình sẽ thuận với chiều gió vào thời-điểm này. Sau khi tôi đồng ý sẽ đem gia đình ra đi bất cứ lúc nào, Nhân căn-dặn tôi là hãy luôn sẵn-sàng để ra đi, rồi từ-biệt. Hơn một tuần sau, khi những người di-tản từ ngoài Trung về đã bỏ đi hết, và đơn-vị bộ-đội Bắc-Việt cũng đã di-chuyển đi nơi khác, mọi sinh hoạt trong ấp trở lại bình thường. Tuy nhiên, người dân trong ấp vẫn tiếp tục phải xin giấy phép đi đường nếu cần phải đi xa.
Sau khi đã “đăng-ký”, tôi lại lên Sài- Gòn để thăm-dò tình-hình và tìm gặp được Tú, một người bạn đã cùng làm việc ở Bộ Tư- Lệnh Hải-Quân. Theo lời Tú thì đêm 29 tháng 4 năm 1975, sau khi các tàu của hạm-đội tách bến để di-tản thì Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân cũng giải-tán, ai muốn về nhà thì về, ai muốn ở lại chiến-đấu thì ở. Rất nhiều quân-nhân hải-quân các cấp đã ở lại, trong đó có Đại-Tá Tấn, người được xem như là Tư-Lệnh Hải-Quân vào phút chót. Họ đã mở kho vũ-khí lấy súng đạn ra lập phòng-tuyến ở công-trường Mê- Linh, nơi có tượng Thánh-Tổ Hải-Quân Trần- Hưng-Đạo, và trước Hải-Quân Công-Xưởng để chiến-đấu. Họ đã chờ địch đến sáng hôm sau, và chỉ bỏ vũ-khí để về nhà sau khi Tổng- Thống Minh đã tuyên-bố đầu-hàng.
Trong dịp này, Tú và tôi đã rủ nhau đến nhìn lại Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân xem sao. Khi đến nơi, chúng tôi nhận thấy cổng Bộ Tư- Lệnh được canh-gác bởi hai tên thủy-thủ Việt- Cộng. Một tên ngồi trong điếm canh cạnh cổng như để tiếp khách vãng-lai, tên còn lại đeo súng AK đi qua đi lại trước cổng. Chúng tôi đến trước điếm canh hỏi thăm tên thủy-thủ ngồi trong ấy vài câu vô-thưởng vô-phạt, rồi đưa ra mỗi người một chiếc chìa khóa để nhờ hắn lấy dùm các giấy-tờ và bằng-cấp trong các tủ khóa cá-nhân trong phòng làm việc của chúng tôi. "Ngoài áo-quần và đồ-đạc trong tủ của chúng tôi thuộc về các anh, chúng tôi sẽ trả thêm tiền công cho các anh nữa." Chúng tôi bảo hắn. Tên này đồng ý giúp, và hẹn chúng tôi trở lại trong phiên gác của hắn từ 4 đến 6 giờ chiều ngày hôm sau. Khoảng 4 giờ rưỡi chiều ngày hôm sau, chúng tôi trở lại nhưng cẩn-thận đứng từ xa nhìn vào để quan sát. Hai tên thủy-thủ gác cổng ngày hôm qua chẳng thấy đâu, thay vào đó là hai tên lạ hoắc. Cả hai tên này đều đeo súng AK, và đều đang đi qua đi lại trước cổng, gườm-gườm nhìn kẻ qua người lại như nhìn kẻ thù. “Thật là ngu! Khi không để mất thêm hai cái chìa khóa.” Chúng tôi cười bảo nhau, rồi rút lui tức-khắc vì sợ bị bắt.
Vài tuần sau, tất cả những hạ-sĩ-quan Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa trong ấp tôi có cấp-bậc từ trung-sĩ đến chuẩn-úy thình-lình được lệnh đi “học-tập cải-tạo” ba ngày ở thị- xã Bà-Rịa. Ba ngày sau, đúng như đã được thông-báo, tất cả bọn họ đều được thả về với giấy chứng-nhận đã học-tập cải-tạo. Sau khi những người hạ-sĩ-quan được thả về, một thông-cáo của Ủy-Ban Quân- Quản được phổ-biến, ra lệnh cho tất cả các sĩ quan Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa có cấpbậc từ thiếu-úy đến đại-úy phải chuẩn-bị đồ- đạc và tiền-bạc đủ dùng trong 10 ngày để đi "học-tập cải-tạo". Nơi trình-diện là một đồn lính ở ngoại-ô thị-xã Bà-Rịa. Thời hạn trình diện là ba ngày 14, 15, và 16 tháng 6 năm 1975. Thông-cáo cũng kèm theo lời đe-dọa sẽ “xử-lý” những ai không chấp-hành hoặc chấp hành chậm-trễ. Cho đến lúc này, tôi vẫn không biết được tin-tức gì về Túy và Phán, nhưng lại mừng thầm cho họ. Cũng cho đến lúc này, tôi không còn hy-vọng có thể đào thoát được nữa vì Nhân vẫn bặt-tăm.
Chiều ngày 16 tháng 6 năm 1975, với một túi hành-trang giản-dị và một số tiền dự- trù đủ để đóng tiền ăn và tiêu vặt trong mười ngày, tôi chở Nhung bằng xe đạp lên Bà-Rịa. Sau khi vào một quán nước để giải khát, chúng tôi lại thẳng đường ra khỏi thị-xã, rồi đi thêm ba, bốn cây-số qua một khu ruộng muối và vài cánh đồng rộng-lớn thì đến nơi trình diện. Đây là một đồn lính xa hẳn những khu nhà dân, nằm đơn-độc bên đường lộ, giữa những đồng lúa xanh rì. Đồn này có lẽ đã bị bỏ trống khá lâu nên khắp nơi cỏ hoang mọc đầy. Dưới trời mưa rả-rích và gió lộng từng cơn, một đám đông, vừa người đi trình-diện lẫn người đưa tiễn, đang đứng lố-nhố trước cổng để chờ đợi. Tôi kéo Nhung chen vào đám đông, rồi lặng-lẽ quan-sát. Dù rất rộng với bốn, năm dãy nhà tôn dài và cao lớn, đồn lính lúc này thật là vắng-vẻ. Ngoài hai tên bộ- đội ôm súng đi qua đi lại trước cổng, tôi chỉ thấy năm, sáu tên bộ-đội khác trong một cái lều vải dựng tạm ở bên trong, cách cổng độ mười lăm mét. Lần lượt từng nhóm độ mười người một, những người đi trình-diện “học tập cải-tạo” được dẫn vào “đăng-ký” trong cái lều vải ấy. Sau một hồi nán lại để dặn-dò và an-ủi Nhung, tôi chia tay nàng đi vào “đăng ký” để nàng có thể về đến nhà trước khi trời tối.
"Đăng-ký" xong, nhóm chúng tôi, trong đó có một nữ quân-nhân, được một tên bộ-đội đeo súng dẫn thẳng vào trong đồn. Đang đi, tôi quay lại nhìn ra cổng thì thấy Nhung vẫn còn đứng đấy với những người đưa tiễn. Khi đến trước một căn nhà to và cao trông như một cái nhà kho, cách cổng đồn độ sáu, bảy chục mét, chúng tôi được lệnh dừng lại. Tên bộ-đội bảo người nữ quân-nhân đứng riêng qua một bên, rồi loay-hoay mở cánh cửa bằng tôn. Ngay lúc ấy tôi quay hẳn người lại nhìn ra cổng. Bên ngoài hàng rào kẽm gai, giữa những người đưa tiễn, Nhung, dưới vành nón lá, đang ngước lên dõi mắt trông theo và đưa tay vẫy. Lòng chợt chùng xuống, tôi cắn chặt răng giơ tay lên vẫy lại.
"Về đi. Em hãy về đi." Tôi thầm-thì.
Tên bộ-đội hối-thúc bọn đàn ông chúng tôi bước vào, rồi đóng sầm cửa lại. Trong căn nhà rộng như một cái hội-trường và ồn-ào như một cái chợ, hàng vài trăm người đang nằm ngồi la-liệt trên những tấm trải đủ loại và đủ màu khác nhau được trải khắp nơi trên sàn xi-măng.
"Chẳng biết có người quen nào của mình ở trong này hay không?" Tôi tự nhủ, rồi đi lần vào đám đông để tìm một chỗ trống.
Chung quanh tôi, mọi người vẫn ồn ào, cười-cười nói-nói. Chắc-chắn là họ cũng như tôi, chẳng ai ngờ rằng mình và hàng trăm ngàn đồng-đội khác đã trở thành những tên tù khổ-sai, dài hạn, và không án.
vũ hữu lý
http://www.denhihocap.com/ds2009/dtbny.html
Biên Hùng chuyển