“Nghĩa trang” này nằm cách phía bắc châu Nam Cực chừng 1.500 km và cách bờ đông của New Zealand khoảng 2.500 km. Phần lớn các vật thể này được lập trình để rơi sâu 4 km trong lòng đại dương ở “khu vực không thâm nhập” được, hay còn gọi là “điểm Nemo”, lấy tên thuyền trưởng trong cuốn truyện khoa học viễn tưởng của Jules Vernes.
Từ Skylab đến trạm vũ trụ Mir (trạm vũ trụ Hòa Bình), chính tại khu vực rộng lớn này, những cựu ngôi sao của không gian tỏa sáng lần cuối. Thế nhưng, ngay cả những con tầu vũ trụ nổi tiếng nhất cũng không được quyền “chôn” trong cùng một “khu mộ” theo đúng nghĩa, đơn giản là vì khi rơi xuống Trái Đất, tất cả đều vỡ tan thành nghìn mảnh.
Nghĩa địa lớn nhất thế giới
Trong một hội thảo năm 2013 về chủ đề này, ông Holger Krag, giám đốc ban phụ trách mảnh vỡ vũ trụ của Cơ Quan Vũ Trụ Châu Âu, giải thích đó là cả một “vùng rộng hơn là một điểm hạ cánh chính xác”. Và khu vực này được ấn định ở phía nam Thái Bình Dương.
Ông khẳng định : “Điểm chính dĩ nhiên là được ấn định chính xác nhưng các vật thể không gian vỡ thành nhiều mảnh khi rơi vào bầu khí quyển. Vì thế, chúng tôi phải dự phòng một phạm vi rộng để tất cả các mảnh vỡ đều rơi xuống một vùng đã được vạch ra trước”.
Theo trang Mashable, chỉ 25 trên tổng số 142 tấn của trạm vũ trụ Hòa Bình rơi xuống Thái Bình Dương, sau khi nổ tung khi đang bay. “Ngôi sao” Nga phục vụ hơn 15 năm trong vũ trụ, sau đó được cố tình đưa ra khỏi quỹ đạo để rơi xuống đáy Thái Bình Dương vào năm 2001. Cũng tại khu vực này, phần lớn vật thể rơi xuống, gồm 190 mảnh vỡ, là của Nga, 52 mảnh của Mỹ, 8 của châu Âu và 6 của Nhật Bản.
Ông Holger Krag cho biết là các cơ quan vũ trụ được tự do sử dụng vùng này. Nhưng khu vực nằm dưới sự quản lý chung của các cơ quan hàng hải và hàng không Chilê và New Zealand. Họ được thông báo trước vài ngày trước khi có một vật thể được đưa ra khỏi quỹ đạo và chịu trách nhiệm thông báo cho các phi công hay thủy thủ tránh khu vực đó càng xa càng tốt.
Sau khoảng 60 năm phát triển nghiên cứu không gian, hơn 29.000 vật thể có kích thước lớn hơn 20 cm bay trong quỹ đạo quanh Trái Đất. Ngoài một số vệ tinh, trạm không gian và những phi thuyền khác có ích, phần lớn các vật thể trong không gian không còn được sử dụng (hết tuổi thọ) và khiến bãi rác vũ trụ ngày càng lớn bay quanh Trái Đất. Những sọt rác di động này mỗi ngày lại bị hút thêm một chút về phía địa cầu vì lực hấp dẫn của Trái Đất và có rất nhiều khả năng nằm ngoài tầm kiểm soát.
Từ khoảng 20 năm nay, các cơ quan hàng không đã thống nhất với nhau về việc giảm lượng rác thải không gian với hai giải pháp : đưa một mođun kéo rác về Trái Đất và kiểm soát được quá trình rác rơi, hoặc đẩy chúng ra khỏi quỹ đạo để mãi mãi biến mất trong thiên hà.
Đối với những thiết bị được đưa về Trái Đất, rất nhiều khả năng chúng rơi vào “nghĩa địa”ngoài khơi Thái Bình Dương. Thế nhưng, một số khác lại không “tuân” theo chỉ dẫn của các nhà khoa học và trở nên mất kiểm soát. Nếu phần lớn bị biến thành tro bụi khi xuyên qua bầu khí quyển, thì những vật thể lớn nhất đôi khi vẫn rơi xuống mặt đất thành những mảnh vỡ lớn.
Khoảng tháng 11/2015, một chủ trang trại Tây Ban Nha giật mình vì phát hiện một hình cầu kim loại kỳ lạ có đường kính 1 mét rơi trong vườn. Và đây không phải là trường hợp duy nhất. Đối với những mảnh vỡ bị “lạc đường”, chúng luôn có một chỗ trong một viện bảo tàng nào đó. RFI