Hàng triệu người cầu nguyện mong cho cô gái trẻ - nạn nhân của một vụ cưỡng hiếp tập thể dã man trên xe bus tại thủ đô New Delhi đã không trở thành hiện thực khi cô ra đi vào sáng sớm 29/12 tại bệnh viện Singapore, khiến không ít người tự hỏi: “Tại sao phụ nữ Ấn Độ lại bị đối xử tàn tệ tới vậy?”
Người dân Ấn Độ biểu tình sau cái chết của một cô gái trẻ - nạn nhân vụ hãm hiếp tập thể hôm 16/12 |
Nạn nhân (23 tuổi) vốn là một sinh viên đã cùng bạn trai đi xem phim và trở về nhà trên một chiếc xe bus tại thủ đô New Dehli hôm 16/12. Tuy nhiên, một nhóm 6 người đàn ông đã tấn công họ và thực hiện hành vi cưỡng hiếp tập thể sau đó dùng một thanh sắt đánh đập tàn nhẫn cô gái rồi ném nạn nhân cùng người bạn trai xuống đường khi chiếc xe còn đang chạy.
Sau vài ngày được điều trị tại bệnh viện Ấn Độ, các bác sĩ đã quyết định chuyển cô gái xấu số tới một bệnh viện tại Singapore. Song do tổn thương quá nặng, nạn nhân đã qua đời vào sáng sớm hôm 29/12. Dự kiến thi thể của cô gái sẽ được đưa trở về nhà vào cuối cùng ngày.
Vụ tấn công hôm 16/12 đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình bạo lực tại Ấn Độ, khiến một cảnh sát thiệt mạng.
Chính tình trạng phá thai khi biết thai nhi là nữ giới và thậm chí giết chết đứa trẻ khi chào đời là con gái đã dẫn tới sự chênh lệch giới tính nghiêm trọng tại quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới. Thậm chí, những bé gái may mắn có cơ hội được sống cũng phải thường xuyên đối mặt với nạn phân biệt giới tính, định kiến, bạo lực và thờ ơ ngay cả khi họ còn độc thân hay đã kết hôn.
Trang tin TrustLaw thuộc hãng thông tấn Thomson Reuters Foundation đã xếp Ấn Độ là “quốc gia tồi tệ nhất đối với phụ nữ”. Trong khi đó, Ấn Độ hiện là quốc gia có nhà lãnh đạo đảng cầm quyền, phát ngôn viên của hạ viện, ít nhất 3 thứ trưởng, hàng loạt vận động viên thể thao và doanh nhân là nữ giới. Một đất nước mà hiện số phụ nữ trẻ tuổi tham gia lực lượng lao động lớn nhất từ trước tới nay. Song, tỷ lệ thuận với sự hiện diện của nữ giới trong xã hội chính là sự gia tăng của các vụ tấn công phụ nữ.
Tại Ấn Độ, năm 2011 đã ghi nhận hơn 24.000 vụ hãm hiếp phụ nữ - tăng 9,2% so với năm 2010. Trong đó, 54,7% nạn nhân trong độ tuổi từ 18 – 30. Theo thông tin từ cảnh sát, đáng sợ hơn là hơn 94% số kẻ phạm tội biết rõ về nạn nhân trước khi hành động. Với 1/3 tội phạm liên quan tới các vụ hãm hiếp là hàng xóm của nạn nhân, thậm chí cha mẹ và những người họ hàng cũng trở thành kẻ tội phạm. Theo đó, 17% trong tổng số các vụ hãm hiếp trên cả nước xảy ra tại thủ đô New Delhi.
Không chỉ hãm hiếp, cảnh sát Ấn Độ còn ghi nhận nhiều vụ bắt cóc và lạm dụng tàn nhẫn phụ nữ tăng thêm 19,4% trong năm 2011. Số phụ nữ bị giết trong các cuộc tranh chấp của hồi môn tăng 2,7%, tra tấn tinh thần và thể xác tăng 5,4%, quấy rối tình dục tăng 5,8% và đặc biệt nạn buôn bán phụ nữ tăng tới mức báo động 122% so với năm 2010.
Nhà kinh tế đoạt giải Nobel - Amartya Sen ước tính hơn 100 triệu phụ nữ đang bị “bỏ rơi” trên thế giới – những người không nhận được sự chăm sóc sức khỏe, y tế và dinh dưỡng như nam giới. Nghiên cứu mới đây của 2 nhà kinh tế Siwan Anderson và Debraj Ray đã chỉ ra rằng tại Ấn Độ, hơn 2 triệu phụ nữ đang thực sự bị “bỏ rơi”. Trong đó, 12% nữ giới bị giết ngay khi còn chưa chào đời, 25% chết khi còn nhỏ tuổi, 18% chết khi đang trong độ tuổi sinh nở và 45% chết khi đã già.
Các vụ hỏa hoạn là một trong những nguyên nhân khiến hơn 100.000 phụ nữ Ấn Độ mất mạng mỗi năm. Trong đó, nhiều vụ liên quan tới của hồi môn khiến người phụ nữ bức bách tự thiêu. Theo các nhà nghiên cứu, một lượng lớn phụ nữ Ấn Độ chết do bệnh tim.
Đặc biệt, phụ nữ Ấn Độ thường phải sống trong cảnh bị bỏ mặc, thiếu sự quan tâm – cách cư xử xuất phát từ nạn “trọng nam khinh nữ”, dẫn tới việc chọn giới tính khi sinh.
Hiển nhiên, nhiều phụ nữ Ấn Độ đối mặt với các mối nguy hiểm ngay trong giai đoạn đầu đời như tình trạng bạo hành, thiếu chăm sóc y tế, bất bình đẳng giới, thời ơ, ăn uống thiếu chất, dẫn tới phát triển thể chất kém.
Nhiều người chỉ trích cho rằng giới chính trị gia Ấn Độ trong đó có thủ tướng - Manmohan Singh đang “lá mặt lá trái” trong những cam kết thi hành những điều luật nghiêm khắc hơn, trừng phạt những kẻ hãm hiếp và tấn công phụ nữ.
Sự ra đi của cô gái trẻ cũng đã khiến nhiều người hoài nghi khả năng vụ việc này có thể xoay chuyển lịch sử xã hội Ấn Độ, buộc chính phủ thi hành các biện pháp trừng phạt mạnh tay và suy nghĩ về cách đối xử với phụ nữ.