Tham Khảo
Ba mũi tên Nhật và phán quyết của Tòa án Trọng tài
2016-07-13
Do một ngẫu nhiên, hai ngày sau khi đảng đa số của Thủ tướng Shinzo Abe đại thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản, phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực hôm Thứ Ba (12/7) vừa qua lại mở ra một trang sử mới tại khu vực Đông Á.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, hôm Chủ Nhật mùng 10 vừa qua, Nhật Bản có bầu cử tại Thượng viện và đảng Tự Do Dân Chủ của Thủ tướng Shinzo Abe thắng lớn và cùng vài đảng khác đã chiếm siêu đa số là hơn hai phần ba ghế nghị sĩ. Diễn đàn Kinh tế trù tính tìm hiểu về kết quả bầu cử đó với chính sách cải cách kinh tế Nhật, thường được gọi là “Ba Mũi Tên” của Thủ tướng Abe. Hai ngày sau, hôm Thứ Ba 12 tháng 7, Tòa án Trọng tài Thường trực tại thành phố La Haye ra phán quyết dứt khoát bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc về đường tuyến chín khúc bao trùm lên 85% diện tích của vùng biển Đông Hải. Là người theo dõi tình hình Đông Á từ nhiều thập niên, ông nghĩ sao về hai biến cố này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng hai chuyện có vẻ xa rời đó thật ra lại dẫn tới nhiều hậu quả liên hệ đến nhau trong trường kỳ và chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu sau khi phân tích hồ sơ kinh tế Nhật Bản.
Các chỉ số kinh tế cơ bản như tỷ lệ lạm phát hay tỷ giá đồng bạc cho thấy Nhật đang trở lại vị trí yếu kém của năm 2013.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nhật Bản là cường quốc dân chủ theo thể chế “Đại Nghị” trong ý nghĩa Quốc hội giữ vị trí then chốt và đảng đa số bên Lập pháp sẽ chỉ định người cầm đầu Hành pháp là Thủ tướng. Quốc Hội Nhật Bản có hai viện, Thượng viện là Tham Nghị Viện và Hạ viện là Chúng Nghị Viện. Cuộc bầu cử Thượng viện vừa qua là một chiến thắng lớn cho Thủ tướng Shinzo Abe và đảng Tự Do Dân Chủ. Với Công Minh đảng Komeito và một vài đảng nhỏ, Tự Dân đảng của ông Abe đạt siêu đa số là hơn hai phần ba số ghế Nghị sĩ, trong khi đã có siêu đa số tại Hạ viện nên từ nay, Thủ tướng Abe có nhiều quyền hạn để tiến hành việc cải cách kinh tế dang dở từ nhiều năm qua. Chi tiết đáng chú ý là trước khi có bầu cử Thượng viện, Thủ tướng Abe đã xin quốc dân cho ông đa số hai phần ba cần thiết để tu chỉnh Hiến pháp hầu cải cách tính chất đại biểu tại Thượng viện. Phán quyết của Tòa án Trọng tài về vụ Philippines kiện Trung Quốc sẽ ảnh hưởng bất ngờ tới việc tu chỉnh Hiến pháp Nhật, là chuyện ta sẽ tìm hiểu trong phần hai.
Kế hoạch cải cách kinh tế của Thủ tướng Nhật (Ba Mũi Tên)
Nguyên Lam: Thưa ông, như vậy thì trong phần một chúng ta sẽ tìm hiểu về khả năng cải cách kinh tế của Chính quyền Nhật, có phải không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đảng Tự Dân thắng lớn vì đối lập bị phân hóa nên dân Nhật cho Thủ tướng thêm thời hạn tiến hành cải cách kinh tế và Thủ tướng Abe nuôi hy vọng cầm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa sau khi nhiệm kỳ thứ hai chấm dứt vào Tháng Chín năm 2018. Nhìn như vậy thì ta mới cảm nhận được những chuyển biến trường kỳ, tức là sẽ kéo dài nhiều năm.
Về bối cảnh thì sau khi tái đắc cử cuối năm 2012, Thủ tướng Abe hứa hẹn cải cách để đưa Nhật Bản ra khỏi hai chục năm suy trầm kể từ 1993, nhưng yếu tố đại thắng lần đó cũng có chuyện an ninh khi mâu thuẫn gia tăng với Trung Quốc vào năm 2012. Kế hoạch cải cách kinh tế của ông Abe gồm ba phần nên được gọi là ba mũi tên. Thứ nhất là biện pháp tiền tệ nhằm bơm thêm tiền vào kinh tế để kích thích tiêu thụ khi tăng mức lạm phát. Thứ hai là biện pháp ngân sách hay thuế vụ để nâng mức lời và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Thứ ba, quan trọng nhất là cải tổ cơ cấu kinh tế xã hội bị xơ cứng sau nửa thế kỷ ổn định và trước nạn lão hóa dân số. Trong ba phần cải cách ấy, nan giải nhất là việc cải sửa cấu trúc kinh tế xã hội vì nhiều quyền lợi cấu kết từ quá lâu. Từ đó, Nội các Abe cùng Bộ Tài Chính và Ngân hàng Trung ương đã ráo riết bơm tiền rồi hạ lãi suất dưới số không mà chưa có kết quả.
Một cách ngắn gọn thì các chỉ số kinh tế cơ bản như tỷ lệ lạm phát hay tỷ giá đồng bạc cho thấy Nhật đang trở lại vị trí yếu kém của năm 2013. Khung cảnh quốc tế bất lợi tại Âu Châu, Trung Quốc và cả Hoa Kỳ chỉ giải thích được một phần của thất bại này mà thôi. Bây giờ ông Abe được dân Nhật cho thêm thời gian giải quyết trên thế mạnh nên tôi nghĩ là ngoài hai hướng kinh tế tài chính, Thủ tướng Nhật sẽ đẩy mạnh việc cải tổ cấu trúc kinh tế xã hội. Trước mắt thì trên đà thắng lợi của bầu cử, Chính quyền Abe có thể đề nghị ngay một số biện pháp kích thích kinh tế bằng tăng chi ngân sách hay phát hành công khố phiếu để thực hiện một số dự án. Nhưng thái độ hung hăng của Bắc Kinh có thể là hồi chuông cảnh báo cho dân Nhật khiến họ nghĩ đến những việc cải cách rộng lớn hơn.
Phán quyết của Tòa Án Trọng Tài
Nguyên Lam: Nguyên Lam hiểu là ông muốn bước qua phần hai và nói về phán quyết triệt để bác bỏ quan điểm của Bắc Kinh từ năm vị thẩm phán quốc tế của Tòa án Trọng tài, thường được gọi tắt theo Anh ngữ là PCA. Thưa ông, phán quyết này ảnh hưởng ra sao tới nước Nhật?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta thấy là sau khi Tòa án Trọng tài công bố phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Cộng, hai quốc gia liên hệ ấy liền bày tỏ lập trường chính thức, nhưng Chính quyền Nhật Bản cũng lập tức cho biết quan điểm của Tokyo. Đây là sự kiện đáng chú ý.
Về nội dung phán quyết dài gần 500 trang của Tòa án sau ba năm thụ lý hồ sơ, các chuyên gia quốc tế đều đã và sẽ cho biết ý kiến của mình, riêng tôi thì thấy Bắc Kinh đại bại về ngoại giao ở năm điểm. Thứ nhất, Trung Cộng không thể dựa trên cái gọi là lịch sử của họ mà đòi chủ quyền trên “cửu đoạn tuyến” (đường 9 khúc) ngoài Biển Đông. Thứ hai, họ không thể đòi đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý trên các cụm đá nổi mà họ xây dựng một cách giả tạo rồi gọi là đảo. Thứ ba, Trung Cộng xâm phạm chủ quyền của Philippines khi cản trở việc Manila khai thác năng lượng hay thủy sản chính đáng của mình trong khu vực. Thứ tư, bất ngờ không kém, Trung Cộng bị Tòa án phê phán là vi phạm những quy định về bảo vệ môi sinh trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển khi phá hủy các cụm san hô để xây đảo nhân tạo. Thứ năm, Tòa án kết luận rằng vì cả hai quốc gia đều ký kết Công ước về Luật Biển, họ phải tuân thủ các quy định này của quốc tế.
Nguyên Lam: Sau khi bị Tòa án quốc tế bác bỏ mọi luận cứ và yêu cầu phải tuân thủ quy định của Công ước UNCLOS, nhiều giới chức Trung Quốc, kể từ Chủ tịch Tập Cận Bình trở xuống, đều lên tiếng phủ nhận giá trị pháp lý của quyết định này. Theo như ông nghĩ thì Bắc Kinh có thể làm những gì trong thời gian tới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ngay từ đầu thì ai cũng đoán Bắc Kinh sẽ chối bỏ thẩm quyền pháp lý của Tòa án Quốc tế, nhưng họ không sống trên một hoang đảo biệt lập mà phải tương tác với các nước. Vì vậy, sau khi bác khước phán quyết lịch sử này, họ sẽ lại trở về thái độ cố hữu là “mềm nắn rắn buông”.
Nói về đòn cứng rắn, họ có thể hăm dọa thiết lập hệ thống Định vị Phòng không ADIZ tại vùng biển Đông Nam Á như đã thi hành tại vùng biển Đông Bắc Á vào năm 2013 đối diện với Nhật Bản trên vùng quần đảo Senkaku đang tranh chấp với Nhật. Nhưng điều ấy chẳng gây thiệt hại gì cho việc vận chuyển hàng không của các nước. Thứ hai, họ có thể hăm dọa rút khỏi Công ước UNCLOS mà thật ra cũng chẳng có lợi gì hơn. Y như Bắc Hàn Cộng sản xưa nay vẫn hăm dọa rút khỏi Hiệp ước Tài giảm Võ khí Hạch Tâm và rút thật nhưng không làm thay đổi được tương quan lực lượng trong thực tế. Vì vậy, việc ra khỏi UNCLOS như đã hăm he sẽ chỉ khiến Bắc Kinh mang tiếng hung đồ cực đoan nên họ sẽ lại áp dụng chiến thuật cũ là “liệu cơm gắp mắm”, tùy từng vấn đề mà viện dẫn Công ước này theo hướng có lợi cho mình. Sau cùng, Bắc Kinh cũng có thể biểu dương khí thế quân sự tại vùng kế cận với Philippines nhưng khi ấy sẽ gây rủi ro đụng độ và càng chứng tỏ bản chất hung đồ của mình.
Phán quyết của Tòa án thực sự đẩy Bắc Kinh vào chân tường vì thấy là họ khó xoay trở trong trật tự quốc tế tại khu vực Á Châu Thái Bình Dương đã thành hình từ 70 năm về trước.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Thưa ông, xưa nay Bắc Kinh vẫn giữ hai mặt đối ngoại có vẻ trái ngược. Từ khi trở thành cường quốc kinh tế, họ vẫn nói đến giá trị đạo đức của một nền ngoại giao văn minh và kêu gọi hợp tác với tổ chức quốc tế nhất là Liên Hiệp Quốc trong một số phạm vi nhất định. Trong khi ấy, về hành động hơn là ngôn từ, lãnh đạo Bắc Kinh liên tục vi phạm các hiệp ước quốc tế về ngoại giao, môi sinh, kinh tế và thậm chí quân sự. Bây giờ họ sẽ xoay trở ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Phán quyết của Tòa án thực sự đẩy Bắc Kinh vào chân tường vì thấy là họ khó xoay trở trong trật tự quốc tế tại khu vực Á Châu Thái Bình Dương đã thành hình từ 70 năm về trước. Trật tự quốc tế này do Hoa Kỳ và các nước dân chủ xây dựng từ năm 1945 trở về sau, trong đó có Liên Hiệp Quốc và nhiều định chế chuyên môn khác mà Bắc Kinh đã hợp tác sau khi cải cách từ năm 1980, kể cả Công ước UNCLOS. Trật tự quốc tế tại vùng Á Châu Thái Bình Dương là thế liên thủ giữa siêu cường Hoa Kỳ cùng các quốc gia bán đảo hay quần đảo vây quanh lãnh thổ Trung Quốc, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cùng nhiều nước Đông Nam Á và Úc Đại Lợi. Bây giờ, Bắc Kinh muốn bung ra khỏi khu vực và thấy như bị kẹt trong trật tự đó. Vì vậy, nhìn về lâu về dài, lãnh đạo xứ này muốn tranh thủ riêng từng nước theo kiểu bẻ đũa từng chiếc, để dần dần thiết lập một trật tự khác có lợi hơn cho mình. Tôi nghĩ rằng họ có tham vọng làm thay đổi cục diện từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương nên sẽ gây bất ổn lớn trong nhiều năm tới.
Nguyên Lam: Khi ấy, ta trở về với hoàn cảnh của Nhật Bản mà ông vừa đề cập trong phần đầu. Thưa ông, nếu Trung Quốc muốn thay đổi trật tự cũ thì nước Nhật sẽ làm gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ta không quên Nhật Bản vẫn là cường quốc kinh tế, có kinh nghiệm chiến trận từ hơn trăm năm qua và đã nhiều lần đánh bại Trung Quốc cho tới khi bị Hoa Kỳ khuất phục từ năm 1945 và hoàn toàn chuyển hướng. Vì vậy, từ năm 1947, Nhật chấp nhận một trật tự mới, thể hiện qua bản Hiến pháp do Hoa Kỳ soạn thảo theo tinh thần từ bỏ giải pháp quân sự ghi tại Điều 9 trong Hiến pháp. Nhưng khi Trung Cộng vùng dậy và lần lượt đe dọa quyền lợi sinh tử của nước Nhật trên vùng biển Đông Bắc Á và Đông Nam Á, từ năm 2014, Nhật Bản đã lặng lẽ suy diễn lại Điều 9 của bản Hiếp pháp theo cái hướng tích cực là cho phép Lực lượng Phòng vệ can thiệp ở bên ngoài, gọi là để bảo vệ các đồng minh. Giờ đây, khi Bắc Hàn đòi phóng hỏa tiễn qua đầu và Bắc Kinh muốn xóa bỏ trật tự cũ và càng đe dọa hòa bình lẫn sự sinh tồn của Nhật thì việc tu chính Hiến pháp mà Thủ tướng Shinzo Abe đề nghị có thể tiến xa hơn. Họ sẽ phục hồi lại giá trị tinh thần ái quốc truyền thống của dân tộc Nhật Bản và bình thường hóa sự xuất hiện của nước Nhật như một cường quốc quân sự! Ở bên kia Thái Bình Dương, Hoa Kỳ sẽ rất hài lòng về mũi tên thứ tư ấy vì có Nhật Bản cùng đảm nhận trọng trách bảo vệ an ninh. Trong khi ấy nội tình kinh tế và chính trị của Trung Cộng còn khó khăn hơn những gì xảy ra cho nước Nhật từ hai chục năm nay…
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
Ba mũi tên Nhật và phán quyết của Tòa án Trọng tài
2016-07-13
Do một ngẫu nhiên, hai ngày sau khi đảng đa số của Thủ tướng Shinzo Abe đại thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản, phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực hôm Thứ Ba (12/7) vừa qua lại mở ra một trang sử mới tại khu vực Đông Á.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, hôm Chủ Nhật mùng 10 vừa qua, Nhật Bản có bầu cử tại Thượng viện và đảng Tự Do Dân Chủ của Thủ tướng Shinzo Abe thắng lớn và cùng vài đảng khác đã chiếm siêu đa số là hơn hai phần ba ghế nghị sĩ. Diễn đàn Kinh tế trù tính tìm hiểu về kết quả bầu cử đó với chính sách cải cách kinh tế Nhật, thường được gọi là “Ba Mũi Tên” của Thủ tướng Abe. Hai ngày sau, hôm Thứ Ba 12 tháng 7, Tòa án Trọng tài Thường trực tại thành phố La Haye ra phán quyết dứt khoát bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc về đường tuyến chín khúc bao trùm lên 85% diện tích của vùng biển Đông Hải. Là người theo dõi tình hình Đông Á từ nhiều thập niên, ông nghĩ sao về hai biến cố này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng hai chuyện có vẻ xa rời đó thật ra lại dẫn tới nhiều hậu quả liên hệ đến nhau trong trường kỳ và chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu sau khi phân tích hồ sơ kinh tế Nhật Bản.
Các chỉ số kinh tế cơ bản như tỷ lệ lạm phát hay tỷ giá đồng bạc cho thấy Nhật đang trở lại vị trí yếu kém của năm 2013.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nhật Bản là cường quốc dân chủ theo thể chế “Đại Nghị” trong ý nghĩa Quốc hội giữ vị trí then chốt và đảng đa số bên Lập pháp sẽ chỉ định người cầm đầu Hành pháp là Thủ tướng. Quốc Hội Nhật Bản có hai viện, Thượng viện là Tham Nghị Viện và Hạ viện là Chúng Nghị Viện. Cuộc bầu cử Thượng viện vừa qua là một chiến thắng lớn cho Thủ tướng Shinzo Abe và đảng Tự Do Dân Chủ. Với Công Minh đảng Komeito và một vài đảng nhỏ, Tự Dân đảng của ông Abe đạt siêu đa số là hơn hai phần ba số ghế Nghị sĩ, trong khi đã có siêu đa số tại Hạ viện nên từ nay, Thủ tướng Abe có nhiều quyền hạn để tiến hành việc cải cách kinh tế dang dở từ nhiều năm qua. Chi tiết đáng chú ý là trước khi có bầu cử Thượng viện, Thủ tướng Abe đã xin quốc dân cho ông đa số hai phần ba cần thiết để tu chỉnh Hiến pháp hầu cải cách tính chất đại biểu tại Thượng viện. Phán quyết của Tòa án Trọng tài về vụ Philippines kiện Trung Quốc sẽ ảnh hưởng bất ngờ tới việc tu chỉnh Hiến pháp Nhật, là chuyện ta sẽ tìm hiểu trong phần hai.
Kế hoạch cải cách kinh tế của Thủ tướng Nhật (Ba Mũi Tên)
Nguyên Lam: Thưa ông, như vậy thì trong phần một chúng ta sẽ tìm hiểu về khả năng cải cách kinh tế của Chính quyền Nhật, có phải không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đảng Tự Dân thắng lớn vì đối lập bị phân hóa nên dân Nhật cho Thủ tướng thêm thời hạn tiến hành cải cách kinh tế và Thủ tướng Abe nuôi hy vọng cầm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa sau khi nhiệm kỳ thứ hai chấm dứt vào Tháng Chín năm 2018. Nhìn như vậy thì ta mới cảm nhận được những chuyển biến trường kỳ, tức là sẽ kéo dài nhiều năm.
Về bối cảnh thì sau khi tái đắc cử cuối năm 2012, Thủ tướng Abe hứa hẹn cải cách để đưa Nhật Bản ra khỏi hai chục năm suy trầm kể từ 1993, nhưng yếu tố đại thắng lần đó cũng có chuyện an ninh khi mâu thuẫn gia tăng với Trung Quốc vào năm 2012. Kế hoạch cải cách kinh tế của ông Abe gồm ba phần nên được gọi là ba mũi tên. Thứ nhất là biện pháp tiền tệ nhằm bơm thêm tiền vào kinh tế để kích thích tiêu thụ khi tăng mức lạm phát. Thứ hai là biện pháp ngân sách hay thuế vụ để nâng mức lời và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Thứ ba, quan trọng nhất là cải tổ cơ cấu kinh tế xã hội bị xơ cứng sau nửa thế kỷ ổn định và trước nạn lão hóa dân số. Trong ba phần cải cách ấy, nan giải nhất là việc cải sửa cấu trúc kinh tế xã hội vì nhiều quyền lợi cấu kết từ quá lâu. Từ đó, Nội các Abe cùng Bộ Tài Chính và Ngân hàng Trung ương đã ráo riết bơm tiền rồi hạ lãi suất dưới số không mà chưa có kết quả.
Một cách ngắn gọn thì các chỉ số kinh tế cơ bản như tỷ lệ lạm phát hay tỷ giá đồng bạc cho thấy Nhật đang trở lại vị trí yếu kém của năm 2013. Khung cảnh quốc tế bất lợi tại Âu Châu, Trung Quốc và cả Hoa Kỳ chỉ giải thích được một phần của thất bại này mà thôi. Bây giờ ông Abe được dân Nhật cho thêm thời gian giải quyết trên thế mạnh nên tôi nghĩ là ngoài hai hướng kinh tế tài chính, Thủ tướng Nhật sẽ đẩy mạnh việc cải tổ cấu trúc kinh tế xã hội. Trước mắt thì trên đà thắng lợi của bầu cử, Chính quyền Abe có thể đề nghị ngay một số biện pháp kích thích kinh tế bằng tăng chi ngân sách hay phát hành công khố phiếu để thực hiện một số dự án. Nhưng thái độ hung hăng của Bắc Kinh có thể là hồi chuông cảnh báo cho dân Nhật khiến họ nghĩ đến những việc cải cách rộng lớn hơn.
Phán quyết của Tòa Án Trọng Tài
Nguyên Lam: Nguyên Lam hiểu là ông muốn bước qua phần hai và nói về phán quyết triệt để bác bỏ quan điểm của Bắc Kinh từ năm vị thẩm phán quốc tế của Tòa án Trọng tài, thường được gọi tắt theo Anh ngữ là PCA. Thưa ông, phán quyết này ảnh hưởng ra sao tới nước Nhật?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta thấy là sau khi Tòa án Trọng tài công bố phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Cộng, hai quốc gia liên hệ ấy liền bày tỏ lập trường chính thức, nhưng Chính quyền Nhật Bản cũng lập tức cho biết quan điểm của Tokyo. Đây là sự kiện đáng chú ý.
Về nội dung phán quyết dài gần 500 trang của Tòa án sau ba năm thụ lý hồ sơ, các chuyên gia quốc tế đều đã và sẽ cho biết ý kiến của mình, riêng tôi thì thấy Bắc Kinh đại bại về ngoại giao ở năm điểm. Thứ nhất, Trung Cộng không thể dựa trên cái gọi là lịch sử của họ mà đòi chủ quyền trên “cửu đoạn tuyến” (đường 9 khúc) ngoài Biển Đông. Thứ hai, họ không thể đòi đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý trên các cụm đá nổi mà họ xây dựng một cách giả tạo rồi gọi là đảo. Thứ ba, Trung Cộng xâm phạm chủ quyền của Philippines khi cản trở việc Manila khai thác năng lượng hay thủy sản chính đáng của mình trong khu vực. Thứ tư, bất ngờ không kém, Trung Cộng bị Tòa án phê phán là vi phạm những quy định về bảo vệ môi sinh trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển khi phá hủy các cụm san hô để xây đảo nhân tạo. Thứ năm, Tòa án kết luận rằng vì cả hai quốc gia đều ký kết Công ước về Luật Biển, họ phải tuân thủ các quy định này của quốc tế.
Nguyên Lam: Sau khi bị Tòa án quốc tế bác bỏ mọi luận cứ và yêu cầu phải tuân thủ quy định của Công ước UNCLOS, nhiều giới chức Trung Quốc, kể từ Chủ tịch Tập Cận Bình trở xuống, đều lên tiếng phủ nhận giá trị pháp lý của quyết định này. Theo như ông nghĩ thì Bắc Kinh có thể làm những gì trong thời gian tới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ngay từ đầu thì ai cũng đoán Bắc Kinh sẽ chối bỏ thẩm quyền pháp lý của Tòa án Quốc tế, nhưng họ không sống trên một hoang đảo biệt lập mà phải tương tác với các nước. Vì vậy, sau khi bác khước phán quyết lịch sử này, họ sẽ lại trở về thái độ cố hữu là “mềm nắn rắn buông”.
Nói về đòn cứng rắn, họ có thể hăm dọa thiết lập hệ thống Định vị Phòng không ADIZ tại vùng biển Đông Nam Á như đã thi hành tại vùng biển Đông Bắc Á vào năm 2013 đối diện với Nhật Bản trên vùng quần đảo Senkaku đang tranh chấp với Nhật. Nhưng điều ấy chẳng gây thiệt hại gì cho việc vận chuyển hàng không của các nước. Thứ hai, họ có thể hăm dọa rút khỏi Công ước UNCLOS mà thật ra cũng chẳng có lợi gì hơn. Y như Bắc Hàn Cộng sản xưa nay vẫn hăm dọa rút khỏi Hiệp ước Tài giảm Võ khí Hạch Tâm và rút thật nhưng không làm thay đổi được tương quan lực lượng trong thực tế. Vì vậy, việc ra khỏi UNCLOS như đã hăm he sẽ chỉ khiến Bắc Kinh mang tiếng hung đồ cực đoan nên họ sẽ lại áp dụng chiến thuật cũ là “liệu cơm gắp mắm”, tùy từng vấn đề mà viện dẫn Công ước này theo hướng có lợi cho mình. Sau cùng, Bắc Kinh cũng có thể biểu dương khí thế quân sự tại vùng kế cận với Philippines nhưng khi ấy sẽ gây rủi ro đụng độ và càng chứng tỏ bản chất hung đồ của mình.
Phán quyết của Tòa án thực sự đẩy Bắc Kinh vào chân tường vì thấy là họ khó xoay trở trong trật tự quốc tế tại khu vực Á Châu Thái Bình Dương đã thành hình từ 70 năm về trước.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Thưa ông, xưa nay Bắc Kinh vẫn giữ hai mặt đối ngoại có vẻ trái ngược. Từ khi trở thành cường quốc kinh tế, họ vẫn nói đến giá trị đạo đức của một nền ngoại giao văn minh và kêu gọi hợp tác với tổ chức quốc tế nhất là Liên Hiệp Quốc trong một số phạm vi nhất định. Trong khi ấy, về hành động hơn là ngôn từ, lãnh đạo Bắc Kinh liên tục vi phạm các hiệp ước quốc tế về ngoại giao, môi sinh, kinh tế và thậm chí quân sự. Bây giờ họ sẽ xoay trở ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Phán quyết của Tòa án thực sự đẩy Bắc Kinh vào chân tường vì thấy là họ khó xoay trở trong trật tự quốc tế tại khu vực Á Châu Thái Bình Dương đã thành hình từ 70 năm về trước. Trật tự quốc tế này do Hoa Kỳ và các nước dân chủ xây dựng từ năm 1945 trở về sau, trong đó có Liên Hiệp Quốc và nhiều định chế chuyên môn khác mà Bắc Kinh đã hợp tác sau khi cải cách từ năm 1980, kể cả Công ước UNCLOS. Trật tự quốc tế tại vùng Á Châu Thái Bình Dương là thế liên thủ giữa siêu cường Hoa Kỳ cùng các quốc gia bán đảo hay quần đảo vây quanh lãnh thổ Trung Quốc, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cùng nhiều nước Đông Nam Á và Úc Đại Lợi. Bây giờ, Bắc Kinh muốn bung ra khỏi khu vực và thấy như bị kẹt trong trật tự đó. Vì vậy, nhìn về lâu về dài, lãnh đạo xứ này muốn tranh thủ riêng từng nước theo kiểu bẻ đũa từng chiếc, để dần dần thiết lập một trật tự khác có lợi hơn cho mình. Tôi nghĩ rằng họ có tham vọng làm thay đổi cục diện từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương nên sẽ gây bất ổn lớn trong nhiều năm tới.
Nguyên Lam: Khi ấy, ta trở về với hoàn cảnh của Nhật Bản mà ông vừa đề cập trong phần đầu. Thưa ông, nếu Trung Quốc muốn thay đổi trật tự cũ thì nước Nhật sẽ làm gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ta không quên Nhật Bản vẫn là cường quốc kinh tế, có kinh nghiệm chiến trận từ hơn trăm năm qua và đã nhiều lần đánh bại Trung Quốc cho tới khi bị Hoa Kỳ khuất phục từ năm 1945 và hoàn toàn chuyển hướng. Vì vậy, từ năm 1947, Nhật chấp nhận một trật tự mới, thể hiện qua bản Hiến pháp do Hoa Kỳ soạn thảo theo tinh thần từ bỏ giải pháp quân sự ghi tại Điều 9 trong Hiến pháp. Nhưng khi Trung Cộng vùng dậy và lần lượt đe dọa quyền lợi sinh tử của nước Nhật trên vùng biển Đông Bắc Á và Đông Nam Á, từ năm 2014, Nhật Bản đã lặng lẽ suy diễn lại Điều 9 của bản Hiếp pháp theo cái hướng tích cực là cho phép Lực lượng Phòng vệ can thiệp ở bên ngoài, gọi là để bảo vệ các đồng minh. Giờ đây, khi Bắc Hàn đòi phóng hỏa tiễn qua đầu và Bắc Kinh muốn xóa bỏ trật tự cũ và càng đe dọa hòa bình lẫn sự sinh tồn của Nhật thì việc tu chính Hiến pháp mà Thủ tướng Shinzo Abe đề nghị có thể tiến xa hơn. Họ sẽ phục hồi lại giá trị tinh thần ái quốc truyền thống của dân tộc Nhật Bản và bình thường hóa sự xuất hiện của nước Nhật như một cường quốc quân sự! Ở bên kia Thái Bình Dương, Hoa Kỳ sẽ rất hài lòng về mũi tên thứ tư ấy vì có Nhật Bản cùng đảm nhận trọng trách bảo vệ an ninh. Trong khi ấy nội tình kinh tế và chính trị của Trung Cộng còn khó khăn hơn những gì xảy ra cho nước Nhật từ hai chục năm nay…
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.