Ảnh: wordpress |
Giới phân tích Nhật Bản thường không quá phóng đại. Vì thế khi một quan chức cấp cao ở Tokyo gần đây so sánh tình hình an ninh đang xấu đi ở Đông Á tương đương với châu Âu những năm 1930 giữa lúc chủ nghĩa phát xít trỗi dậy, thì thực sự đây là lúc cần ngồi lại và suy ngẫm.
Hãy chú ý, lời cảnh báo của quan chức Nhật xuất hiện trước động thái bất ngờ của Trung Quốc khi họ tuyên bố lập Vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông - bao trùm quần đảo tranh chấp với Nhật gọi là Senkaku/Điếu Ngư. Kể từ đó, Nhật, Mỹ và Hàn Quốc liên tục điều động máy bay chiến đấu trong khu vực. Sứ mệnh ngoại giao hòa giải của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thất bại, khiến thùng thuốc súng tiếp tục âm ỉ.
Không ai công khai nói về một Thế chiến thứ ba. Nhưng càng ngày, người ta càng ý thức rõ ràng về khả năng tương lai đụng độ giữa các siêu cường xung quanh những đảo đá, bãi ngầm, những tuyến đường biển hay không phận tại vùng tranh chấp vượt ra ngoài những ranh giới lịch sử của Trung Quốc. Việc thiếu vắng một tổ chức an ninh khu vực, thiếu vắng đường dây nóng giữa Bắc Kinh và Tokyo đã làm tình hình hiện tại nguy hiểm hơn.
Cuộc chơi ba người
Có ba người đàn ông đang nắm giữ chìa khóa cho những gì có thể xảy ra trong năm 2014. Một là Tập Cận Bình - Chủ tịch Trung Quốc. Ngược với tuyên bố từ người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào là trỗi dậy hoà bình, ông Tập đưa ra lời khẳng định mang nặng chủ nghĩa dân tộc, cứng rắn hơn, đó là lòng tự hào của một quốc gia, là khẳng định quyền của Trung Quốc trên trường quốc tế với ý chí bất khuất. Tư tưởng được củng cố qua bài phát biểu nhậm chức của ông Tập về giấc mơ Trung Quốc.
Ông Tập đang trở thành nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất của Trung Quốc kể từ thời Đặng Tiểu Bình, nhà phân tích William Pesek nói. Ông có thể đặc biệt mạo hiểm để sẵn sàng đối đầu với Nhật nhằm đánh lạc hướng những phản đối với chương trình cải cách, những bất mãn của người dân trong nước do tình trạng ô nhiễm, bất bình đẳng thu nhập và tham nhũng.
Sự gia tăng quyền lực của ông Tập trùng khớp với sự trỗi dậy của một cá nhân cứng rắn - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - người nhậm chức với chương trình nghị sự là đối phó với Trung Quốc.
Là người đề cao chủ nghĩa dân tộc, ông Abe nói rằng, thời gian qua là lúc Nhật cần xem xét lại hiến pháp hoà bình, công nhận có rất nhiều mối đe dọa với an ninh quốc gia, cần đứng lên một cách dũng cảm và mạnh mẽ vì những lợi ích và giá trị đất nước. Ông đã gia tăng ngân sách quốc phòng, thiết lập hội đồng an ninh quốc gia, củng cố liên minh với các nước như Philippines (có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc) và lên kế hoạch mua sắm các vũ khí mới hiện đại từ Mỹ.
Người thứ ba là Tổng thống Mỹ Barack Obama - người nắm giữ những khẩu súng lớn hơn, nhiều tàu thuyền và máy bay hơn hai người kia gộp lại. Như phần còn lại của thế giới, Washington có thể nghĩ tới hàng nghìn lý do tại sao một cuộc chiến Đông Á sẽ tạo ra muôn vàn ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại, tài chính quốc tế và khối nợ Mỹ.
Ý thức về quan niệm ảnh hưởng Mỹ đang sụt giảm trong khu vực, rằng một đám cháy nhỏ nhất có thể tạo ra hoả hoạn lớn, ông đã đưa ra chiến lược xoay trục về châu Á, đặt khu vực này ở vị trí cao hơn trong ưu tiên chính sách đối ngoại, chủ yếu nhằm (mặc dù phủ nhận) đối phó với tham vọng hải quân của Trung Quốc ở Thái Bình Dương cũng như các biểu hiện đáng lo ngại khác của nỗ lực phô trương sức mạnh Trung Quốc.
Các nhà quan sát khu vực đặt ra câu hỏi, Obama đánh giá mối đe dọa Trung Quốc thực sự nghiêm trọng tới đâu, và có thực sự bảo vệ Nhật nếu tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư dẫn tới một cuộc chiến? Có lẽ 2014 sẽ đưa ra câu trả lời.
Thái An(theo Guardian)