Sau hàng chục năm khép kín, Bắc Triều Tiên buộc phải lựa chọn chuyển sang một chế độ “tuy vẫn độc tài, nhưng ít khép kín hơn”, đặc biệt sau trận đói lớn làm từ 600.000 đến một triệu người chết, trên tổng số 24 triệu cư dân hồi cuối thập niên 1990. Chế độ Bình Nhưỡng đang tìm cách kết hợp giữa nền kinh tế tập trung hóa cao độ với một số hoạt động của kinh tế thị trường. Mặc dù các kết quả thu được là không đáng kể so với các quốc gia Châu Á khác, nhưng sự thay đổi này cũng mang lại cho Bắc Triều Tiên từ một đến ba tỷ đô la trong năm 2013, trên tổng số GDP 30 tỷ đô la.
Theo một nhà nghiên cứu đại học Kookmin-Seoul, tình trạng kinh tế Bắc Triều Tiên đang dần dần được cải thiện, dù “khả năng có một đột phá tương tự như Trung Quốc trong thập niên 1980 là điều khó xảy ra”. Sự thay đổi này làm xuất hiện một số nhóm xã hội của những người được hưởng lợi, như thương gia, nhà môi giới, doanh nhân. Kể từ tháng 3/2013, Bình Nhưỡng đã chấp nhận cho các doanh nghiệp Nhà nước một quyền tự trị lớn hơn. Các doanh nghiệp này có quyền dùng tiền lời để tái đầu tư và tăng lương bổng, như ghi nhận của giám đốc xí nghiệp dệt may Kim Jong Suk, một doanh nghiệp được coi là “mẫu hình” tại Bắc Triều Tiên, với 2.500 công nhân và 10% sản phẩm được xuất khẩu.
Le Monde cũng chỉ ra những giới hạn của chính sách “mở cửa” nói trên của Bắc Triều Tiên, đặc biệt là sự phụ thuộc nặng nề vào các nhà thầu người Hoa. Bất chấp dự án thành lập khoảng 20 khu vực kinh tế đặc biệt trên khắp cả nước, các đầu tư nước ngoài vẫn chủ yếu thông qua các doanh nghiệp Trung Quốc là chính, bên cạnh nhà thầu Singapore và Đài Loan. Với giá thành rẻ hơn một nửa, các nhà thầu Trung Quốc tại Bắc Triều Tiên trong lĩnh vực dệt may có thể xuất khẩu các sản phẩm sản xuất tại quốc gia này với nhãn mác Trung Quốc.
Theo ông Paul Tjia, giám đốc văn phòng tư vấn Hà Lan GPI Consultancy (cơ sở tổ chức các chuyến thăm dò của giới doanh nghiệp Châu Âu tại Bắc Triều Tiên), “tiềm năng của Bắc Triều Tiên hiện còn ít được biết đến”. Trở ngại hiện nay là đầu tư nước ngoài chỉ có thể vào Bắc Triều Tiên nhiều, nếu căng thẳng với Hàn Quốc hạ nhiệt và quan hệ với Hoa Kỳ được bình thường hóa. Trong khi đó, Bắc Triều Tiên hiện vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo, với quan điểm thịnh vượng kinh tế và vũ khí nguyên tử là hai chuyện không có gì mâu thuẫn.
Khối BRIC còn lại gì ?
Cũng liên quan đến kinh tế các quốc gia đang nổi lên, Le Figaro có hồ sơ “Khối BRIC còn lại gì ?”. BRIC, tên gọi của nhóm bốn quốc gia Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, từng được coi là đầu tầu của tăng trưởng kinh tế thế giới, theo nhà bình luận của Le Figaro, hiện tại không còn nhiều ý nghĩa. Nga và Brazil hiện đang rơi vào trạng thái thực sự khó khăn, còn Trung Quốc cũng buộc phải “tổ chức lại mô hình tăng trưởng”.
Theo chuyên gia Christopher Dembik, tác động của các nước phát triển lên khối BRIC mạnh hơn là ngược lại. Hiện tại sự lây lan của khủng hoảng Nga sang nền kinh tế thế giới vẫn còn ở mức độ thấp, không kể lĩnh vực ngân hàng.
Theo Le Figaro, về tầm trung hạn, nền kinh tế toàn cầu cần phải dựa vào các quốc gia mới nổi lên khác, đặc biệt là nhóm các nước CIVETS, bao gồm : Colombia, Indonesia, Việt Nam, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi, hay mới hơn là nhóm PPIC – tức Peru, Philippines, Indonesia, Colombia và Sri Lanka. Đây là các nền kinh tế được coi là đa dạng hơn và ít phụ thuộc vào các nguyên liệu thô, có khả năng kháng cự lại các chấn động lớn, hơn là nhóm bốn nước BRIC.