Tham Khảo
Bài học từ trận Trân Châu Cảng cho nước Mỹ ngày nay
Nguồn: Catherine Putz, “The Lessons of Pearl Harbor: Fear Itself, Then and Now”, The Diplomat, 08/12/2015.
Biên dịch: Trần Quốc Nam | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Ngày 07 tháng 12 năm 1941, Đế quốc Nhật tung ra một cuộc tấn công bất ngờ vào lực lượng hải quân Hoa Kỳ đồn trú tại Hawaii. Khi thúc giục Quốc hội Mỹ tuyên chiến, Tổng thống Franklin Roosevelt đã gọi ngày 07 tháng 12 là “ngày ô nhục”.
Đúng vậy. Cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng đã gây sốc cho người Mỹ và đưa đất nước này tham gia vào Thế chiến II. Nó cũng dẫn đến các cuộc vây ráp người Mỹ gốc Nhật rồi giam giữ họ ở các trại khắp miền tây Hoa Kỳ. Trân Châu Cảng tạo nên sự thống nhất quốc gia, nhưng cũng gây ra những biểu hiện đáng lo ngại về tệ phân biệt chủng tộc bài Nhật và nỗi sợ hãi ở Mỹ. Cả hai di sản cần được ghi nhớ cùng nhau, đặc biệt nếu xét đến các xu hướng hiện tại trong diễn ngôn chính trị của Mỹ vốn “ác quỷ hóa” cả một khối người, song lần này dựa trên lý do tôn giáo hơn là sắc tộc.
Đáng chú ý là đã có bao nhiêu thay đổi trong 74 năm qua kể từ sự kiện Trân Châu Cảng, đặc biệt là giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản. Hai quốc gia, xưa là kẻ thù, nay lại tương thuộc về chính trị, quân sự và kinh tế. Ngay cả những người dân mỗi quốc gia cũng mang một cái nhìn tích cực về nhau. Cuộc khảo sát năm 2015 của tổ chức Pew cho thấy 68 phần trăm người Mỹ rất hoặc khá tin tưởng người Nhật và 75 phần trăm người Nhật tin tưởng Hoa Kỳ. Điều này bất chấp việc hơn 2.400 người bị giết trong cuộc tấn công Trân Châu Cảng và hàng ngàn người nữa ở cả hai phía bị giết trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương sau đó; bất chấp các vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, một cuộc chiếm đóng và cưỡng bức thay đổi chính trị. Sau chiến tranh, quan hệ hai bên không được đảm bảo chắc chắn sẽ hữu nghị, và thực tế là suốt thập kỷ 1980 và đầu thập kỷ 1990 khi nền kinh tế Nhật Bản hồi phục và bứt phá lên, người Mỹ đã lo sợ và nhạo báng những chiếc xe hơi do Nhật Bản sản xuất tựa như cách họ nhạo báng hàng hóa “Made in China” ngày nay.
Nhờ đâu các quan điểm có thể xoay vần nhanh thế vậy?
Trường hợp của Theodor Geisel là một minh họa cho sự tiến hóa trong quan điểm của người Mỹ, đặc biệt là về Nhật Bản, từ phân biệt chủng tộc, giận dữ và sợ hãi sang lòng trắc ẩn và quan hệ đối tác. Geisel, được biết đến nhiều qua bút danh Dr. Seuss, là một họa sĩ biếm họa và tác giả nổi tiếng của Mỹ. Trong thập kỷ 1940, ông là một họa sĩ biếm họa chính cho PM Magazine, một tờ báo ở New York, nơi ông đã vẽ hơn 400 biếm họa chính trị. Được biết đến nhiều nhất qua tác phẩm truyện tranh Con mèo đội mũ (Cat in the Hat), ông đã vẽ nhiều biếm họa rõ ràng là nhằm kỳ thị người Đức và Nhật trong những năm đầu cuộc chiến.
Hai ngày trước ngày diễn ra sự kiện Trân Châu Cảng, PM Magazine đăng một biếm họa của Geisel miêu tả Hitler là người chơi đàn organ quay tay và Nhật Bản là một con khỉ nuôi. Hitler đang đứng ở một góc và con khỉ, bị giật dây, tay đang cầm một cái ly đi đến trước một con chim đội mũ sọc, đại diện cho hình ảnh Hoa Kỳ. Con khỉ đang quay lại hỏi Hitler: “Sư Phụ! Con phải làm gì nếu họ không bị dụ?”
Quan điểm của Geisel về người Nhật, và người Mỹ gốc Nhật, thể hiện sự cay độc và kinh tởm. Ông ủng hộ việc giam giữ người Mỹ gốc Nhật như trích dẫn sau cho thấy:
Chính bây giờ, khi lũ Nhật cắm rìu vào sọ chúng ta, thật khốn nạn nếu chúng ta cứ mỉm cười và thỏ thẻ: “Ôi, người anh em!” Nó có hơn gì một tiếng thét xung trận èo uột. Nếu chúng ta muốn giành chiến thắng, chúng ta phải giết lũ Nhật, dù điều đó có làm phiền lòng John Haynes Holmes [một người ủng hộ hòa bình nổi tiếng] hay không. Chúng ta sau này có thể thân tình với đám người còn lại.
Nhưng sau chiến tranh, Geisel đã thay đổi thái độ của mình. Năm 1953, ông đến thăm Nhật Bản sau thời kỳ chiếm đóng và cảm tác nên tác phẩm Chú voi Horton (Horton Hears a Who), một cuốn sách trẻ em về việc một chú voi tên Horton đã phát hiện ra một cộng đồng gọi là Whoville sống trên một hạt bụi. Lời răn của câu chuyện, được lặp lại nhiều lần, đó là “con người là con người, dù là lớn hay nhỏ”. Cuốn sách được xuất bản một năm sau chuyến thăm Nhật Bản của Geisel đã được đề tặng cho một người bạn Nhật, và được nhiều người xem là một ẩn dụ cho sự chiếm đóng hậu chiến của Hoa Kỳ mà thông qua đó nước Nhật đã được tái sinh. Một trong những người viết tiểu sử về Geisel, Thomas Fensch, cho rằng Geisel cũng đã nhắc tới (vụ ném bom nguyên tử xuống) Hiroshima qua lời của nhân vật Thị trưởng Whoville, khi vị này nói rằng: “Khi chú chim thả chúng ta rơi xuống, chúng ta chạm đất mạnh đến nỗi đồng hồ cũng phải đứng kim”.
Sau chiến tranh, Geisel không phải là người duy nhất thay đổi cách nhìn. Không rõ có khi nào ông nói về sự ủng hộ mạnh mẽ của ông đối với các trại giam người Nhật hay không, nhưng Hoa Kỳ cuối cùng đã làm vậy. Năm 1980, Tổng thống Jimmy Carter cho phép tiến hành một cuộc điều tra để xác định liệu lệnh giam giữ của Roosevelt – Sắc lệnh 9066 – có hợp pháp hay không. Ủy ban Tái định cư và Giam giữ Thường dân Thời chiến (CWRIC) thấy có rất ít bằng chứng là những người Mỹ gốc Nhật bị bắt giam không trung thành (với Hoa Kỳ), và trong báo cáo tổng kết đã khuyến nghị chính phủ Mỹ nên bồi thường thiệt hại cho họ.
Năm 1988, Tổng thống Ronald Reagan đã làm việc này. Đạo luật Quyền tự do Công dân thừa nhận sự bất công của chương trình giam giữ, xin lỗi và chỉ thị chính phủ cả trả tiền bồi thường lẫn đầu tư vào các chương trình truyền thông để “công bố về hành động giam giữ các cá nhân này cũng như để ngăn ngừa sự tái diễn bất kỳ sự kiện tương tự nào”. Hơn nữa, dự luật lưu ý rằng việc giam giữ “có động cơ chủ yếu từ thành kiến chủng tộc, sự quá kích thời chiến, và là một thất bại của giới lãnh đạo chính trị.”
Thành kiến, sự quá khích thời chiến và thất bại của giới lãnh đạo chính trị một lần nữa đang đe dọa đẩy Hoa Kỳ xuống hố sâu.
Hồi tháng Mười, thị trưởng thành phố Roanoke, bang Virginia, đã ngớ ngẩn nhắc lại các trại giam của Roosevelt nhằm phản đối việc tái định cư người tị nạn Syria ở thành phố mình. “Tôi xin nhắc lại rằng Tổng thống Franklin D. Roosevelt cảm thấy buộc phải tạm giam những kiều dân Nhật sau vụ oanh tạc Trân Châu Cảng và nay dường như đã xuất hiện mối đe dọa đối với nước Mỹ [từ Nhà nước Hồi giáo] thật sự và nghiêm trọng như những mối đe doạ từ các kẻ thù của chúng ta thời đó”. David Bowers đã viết như vậy, phô bày một sự hoang tưởng vượt thời gian mà không hề có chút nhận thức nào về thực tế.
Vào đêm trước Lễ kỷ niệm trận Trân Châu Cảng, Tổng thống Barack Obama đã phát biểu trước dân chúng, trong đó ông dùng những lời nhằm an ủi người Mỹ sau cuộc tấn công ở San Bernardino, bang California, cuộc tấn công vốn dường như có động cơ bắt nguồn từ ý thức hệ ISIS. Trong bài phát biểu, Obama khẩn thiết kêu gọi người dân Mỹ đừng “chống lại nhau bằng cách để cuộc chiến này được coi như một cuộc chiến giữa Mỹ và Hồi giáo”. Các phóng viên và các ứng cử viên tổng thống (kể cả các ứng cử viên đã thất bại) đã nhanh chóng tung đòn chỉ trích. Mike Huckabee nói:
Quý vị có thể tưởng tượng được FD Roosevelt ra trước Quốc hội và nói rằng “Hôm qua chúng ta bị tấn công ở Trân Châu Cảng. Tôi thực sự không muốn nói tới việc ai đã làm điều đó, nhưng các bạn biết đấy, chúng tôi chỉ muốn nói rằng chúng là những kẻ đáng tởm và chúng là hạng sát nhân.” Vâng, ai vậy, thưa ngài tổng thống? Vâng, chúng tôi không vạch mặt, bởi vì tôi không muốn các ngài có bất kỳ ác cảm nào về người Nhật”.
Người ta có thể phê phán Obama vì từ chối quy lỗi cho đạo Hồi, vì quá thận trọng trong phát biểu, nhưng chính sự thiếu sót của Roosevelt đã dẫn đến việc thành lập các trại giam trên sa mạc để giam giữ các công dân trung thành với nước Mỹ. Chính nỗi sợ mà Roosevelt đã mạnh mẽ chống lại trong bài diễn văn nhậm chức đầu tiên của mình (“… điều duy nhất chúng ta phải sợ chính là nỗi sợ…”) đã đưa ông đến các kết cục đáng hổ thẹn trong nhiệm kỳ thứ tư và cũng là cuối cùng của mình.
Tôi tự hỏi, cái giá của sự thống nhất có bắt buộc phải là sự sợ hãi hay không?
Hình: Đài tưởng niệm USS Arizona Memorial tại Trân Châu Cảng. Nguồn: Wikipedia.
http://nghiencuuquocte.org/2015/12/29/bai-hoc-tran-tran-chau-cang-my/
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
Bài học từ trận Trân Châu Cảng cho nước Mỹ ngày nay
Nguồn: Catherine Putz, “The Lessons of Pearl Harbor: Fear Itself, Then and Now”, The Diplomat, 08/12/2015.
Biên dịch: Trần Quốc Nam | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Ngày 07 tháng 12 năm 1941, Đế quốc Nhật tung ra một cuộc tấn công bất ngờ vào lực lượng hải quân Hoa Kỳ đồn trú tại Hawaii. Khi thúc giục Quốc hội Mỹ tuyên chiến, Tổng thống Franklin Roosevelt đã gọi ngày 07 tháng 12 là “ngày ô nhục”.
Đúng vậy. Cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng đã gây sốc cho người Mỹ và đưa đất nước này tham gia vào Thế chiến II. Nó cũng dẫn đến các cuộc vây ráp người Mỹ gốc Nhật rồi giam giữ họ ở các trại khắp miền tây Hoa Kỳ. Trân Châu Cảng tạo nên sự thống nhất quốc gia, nhưng cũng gây ra những biểu hiện đáng lo ngại về tệ phân biệt chủng tộc bài Nhật và nỗi sợ hãi ở Mỹ. Cả hai di sản cần được ghi nhớ cùng nhau, đặc biệt nếu xét đến các xu hướng hiện tại trong diễn ngôn chính trị của Mỹ vốn “ác quỷ hóa” cả một khối người, song lần này dựa trên lý do tôn giáo hơn là sắc tộc.
Đáng chú ý là đã có bao nhiêu thay đổi trong 74 năm qua kể từ sự kiện Trân Châu Cảng, đặc biệt là giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản. Hai quốc gia, xưa là kẻ thù, nay lại tương thuộc về chính trị, quân sự và kinh tế. Ngay cả những người dân mỗi quốc gia cũng mang một cái nhìn tích cực về nhau. Cuộc khảo sát năm 2015 của tổ chức Pew cho thấy 68 phần trăm người Mỹ rất hoặc khá tin tưởng người Nhật và 75 phần trăm người Nhật tin tưởng Hoa Kỳ. Điều này bất chấp việc hơn 2.400 người bị giết trong cuộc tấn công Trân Châu Cảng và hàng ngàn người nữa ở cả hai phía bị giết trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương sau đó; bất chấp các vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, một cuộc chiếm đóng và cưỡng bức thay đổi chính trị. Sau chiến tranh, quan hệ hai bên không được đảm bảo chắc chắn sẽ hữu nghị, và thực tế là suốt thập kỷ 1980 và đầu thập kỷ 1990 khi nền kinh tế Nhật Bản hồi phục và bứt phá lên, người Mỹ đã lo sợ và nhạo báng những chiếc xe hơi do Nhật Bản sản xuất tựa như cách họ nhạo báng hàng hóa “Made in China” ngày nay.
Nhờ đâu các quan điểm có thể xoay vần nhanh thế vậy?
Trường hợp của Theodor Geisel là một minh họa cho sự tiến hóa trong quan điểm của người Mỹ, đặc biệt là về Nhật Bản, từ phân biệt chủng tộc, giận dữ và sợ hãi sang lòng trắc ẩn và quan hệ đối tác. Geisel, được biết đến nhiều qua bút danh Dr. Seuss, là một họa sĩ biếm họa và tác giả nổi tiếng của Mỹ. Trong thập kỷ 1940, ông là một họa sĩ biếm họa chính cho PM Magazine, một tờ báo ở New York, nơi ông đã vẽ hơn 400 biếm họa chính trị. Được biết đến nhiều nhất qua tác phẩm truyện tranh Con mèo đội mũ (Cat in the Hat), ông đã vẽ nhiều biếm họa rõ ràng là nhằm kỳ thị người Đức và Nhật trong những năm đầu cuộc chiến.
Hai ngày trước ngày diễn ra sự kiện Trân Châu Cảng, PM Magazine đăng một biếm họa của Geisel miêu tả Hitler là người chơi đàn organ quay tay và Nhật Bản là một con khỉ nuôi. Hitler đang đứng ở một góc và con khỉ, bị giật dây, tay đang cầm một cái ly đi đến trước một con chim đội mũ sọc, đại diện cho hình ảnh Hoa Kỳ. Con khỉ đang quay lại hỏi Hitler: “Sư Phụ! Con phải làm gì nếu họ không bị dụ?”
Quan điểm của Geisel về người Nhật, và người Mỹ gốc Nhật, thể hiện sự cay độc và kinh tởm. Ông ủng hộ việc giam giữ người Mỹ gốc Nhật như trích dẫn sau cho thấy:
Chính bây giờ, khi lũ Nhật cắm rìu vào sọ chúng ta, thật khốn nạn nếu chúng ta cứ mỉm cười và thỏ thẻ: “Ôi, người anh em!” Nó có hơn gì một tiếng thét xung trận èo uột. Nếu chúng ta muốn giành chiến thắng, chúng ta phải giết lũ Nhật, dù điều đó có làm phiền lòng John Haynes Holmes [một người ủng hộ hòa bình nổi tiếng] hay không. Chúng ta sau này có thể thân tình với đám người còn lại.
Nhưng sau chiến tranh, Geisel đã thay đổi thái độ của mình. Năm 1953, ông đến thăm Nhật Bản sau thời kỳ chiếm đóng và cảm tác nên tác phẩm Chú voi Horton (Horton Hears a Who), một cuốn sách trẻ em về việc một chú voi tên Horton đã phát hiện ra một cộng đồng gọi là Whoville sống trên một hạt bụi. Lời răn của câu chuyện, được lặp lại nhiều lần, đó là “con người là con người, dù là lớn hay nhỏ”. Cuốn sách được xuất bản một năm sau chuyến thăm Nhật Bản của Geisel đã được đề tặng cho một người bạn Nhật, và được nhiều người xem là một ẩn dụ cho sự chiếm đóng hậu chiến của Hoa Kỳ mà thông qua đó nước Nhật đã được tái sinh. Một trong những người viết tiểu sử về Geisel, Thomas Fensch, cho rằng Geisel cũng đã nhắc tới (vụ ném bom nguyên tử xuống) Hiroshima qua lời của nhân vật Thị trưởng Whoville, khi vị này nói rằng: “Khi chú chim thả chúng ta rơi xuống, chúng ta chạm đất mạnh đến nỗi đồng hồ cũng phải đứng kim”.
Sau chiến tranh, Geisel không phải là người duy nhất thay đổi cách nhìn. Không rõ có khi nào ông nói về sự ủng hộ mạnh mẽ của ông đối với các trại giam người Nhật hay không, nhưng Hoa Kỳ cuối cùng đã làm vậy. Năm 1980, Tổng thống Jimmy Carter cho phép tiến hành một cuộc điều tra để xác định liệu lệnh giam giữ của Roosevelt – Sắc lệnh 9066 – có hợp pháp hay không. Ủy ban Tái định cư và Giam giữ Thường dân Thời chiến (CWRIC) thấy có rất ít bằng chứng là những người Mỹ gốc Nhật bị bắt giam không trung thành (với Hoa Kỳ), và trong báo cáo tổng kết đã khuyến nghị chính phủ Mỹ nên bồi thường thiệt hại cho họ.
Năm 1988, Tổng thống Ronald Reagan đã làm việc này. Đạo luật Quyền tự do Công dân thừa nhận sự bất công của chương trình giam giữ, xin lỗi và chỉ thị chính phủ cả trả tiền bồi thường lẫn đầu tư vào các chương trình truyền thông để “công bố về hành động giam giữ các cá nhân này cũng như để ngăn ngừa sự tái diễn bất kỳ sự kiện tương tự nào”. Hơn nữa, dự luật lưu ý rằng việc giam giữ “có động cơ chủ yếu từ thành kiến chủng tộc, sự quá kích thời chiến, và là một thất bại của giới lãnh đạo chính trị.”
Thành kiến, sự quá khích thời chiến và thất bại của giới lãnh đạo chính trị một lần nữa đang đe dọa đẩy Hoa Kỳ xuống hố sâu.
Hồi tháng Mười, thị trưởng thành phố Roanoke, bang Virginia, đã ngớ ngẩn nhắc lại các trại giam của Roosevelt nhằm phản đối việc tái định cư người tị nạn Syria ở thành phố mình. “Tôi xin nhắc lại rằng Tổng thống Franklin D. Roosevelt cảm thấy buộc phải tạm giam những kiều dân Nhật sau vụ oanh tạc Trân Châu Cảng và nay dường như đã xuất hiện mối đe dọa đối với nước Mỹ [từ Nhà nước Hồi giáo] thật sự và nghiêm trọng như những mối đe doạ từ các kẻ thù của chúng ta thời đó”. David Bowers đã viết như vậy, phô bày một sự hoang tưởng vượt thời gian mà không hề có chút nhận thức nào về thực tế.
Vào đêm trước Lễ kỷ niệm trận Trân Châu Cảng, Tổng thống Barack Obama đã phát biểu trước dân chúng, trong đó ông dùng những lời nhằm an ủi người Mỹ sau cuộc tấn công ở San Bernardino, bang California, cuộc tấn công vốn dường như có động cơ bắt nguồn từ ý thức hệ ISIS. Trong bài phát biểu, Obama khẩn thiết kêu gọi người dân Mỹ đừng “chống lại nhau bằng cách để cuộc chiến này được coi như một cuộc chiến giữa Mỹ và Hồi giáo”. Các phóng viên và các ứng cử viên tổng thống (kể cả các ứng cử viên đã thất bại) đã nhanh chóng tung đòn chỉ trích. Mike Huckabee nói:
Quý vị có thể tưởng tượng được FD Roosevelt ra trước Quốc hội và nói rằng “Hôm qua chúng ta bị tấn công ở Trân Châu Cảng. Tôi thực sự không muốn nói tới việc ai đã làm điều đó, nhưng các bạn biết đấy, chúng tôi chỉ muốn nói rằng chúng là những kẻ đáng tởm và chúng là hạng sát nhân.” Vâng, ai vậy, thưa ngài tổng thống? Vâng, chúng tôi không vạch mặt, bởi vì tôi không muốn các ngài có bất kỳ ác cảm nào về người Nhật”.
Người ta có thể phê phán Obama vì từ chối quy lỗi cho đạo Hồi, vì quá thận trọng trong phát biểu, nhưng chính sự thiếu sót của Roosevelt đã dẫn đến việc thành lập các trại giam trên sa mạc để giam giữ các công dân trung thành với nước Mỹ. Chính nỗi sợ mà Roosevelt đã mạnh mẽ chống lại trong bài diễn văn nhậm chức đầu tiên của mình (“… điều duy nhất chúng ta phải sợ chính là nỗi sợ…”) đã đưa ông đến các kết cục đáng hổ thẹn trong nhiệm kỳ thứ tư và cũng là cuối cùng của mình.
Tôi tự hỏi, cái giá của sự thống nhất có bắt buộc phải là sự sợ hãi hay không?
Hình: Đài tưởng niệm USS Arizona Memorial tại Trân Châu Cảng. Nguồn: Wikipedia.
http://nghiencuuquocte.org/2015/12/29/bai-hoc-tran-tran-chau-cang-my/