Lần đầu tiên một triển lãm với đề tài nhạy cảm này được tổ chức tại Việt NamBảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội vừa khai trương hôm 8/9 một
Tác giả: BBC Tiếng Việt
Lần đầu tiên một triển lãm với đề tài nhạy cảm này được tổ chức tại Việt Nam
Bảo tàng Lịch sử
Quốc gia ở Hà Nội vừa khai trương hôm 8/9 một triển lãm về cải cách
ruộng đất, mang tên “Cải cách ruộng đất 1946-1957″.
————-
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có triển lãm về sự kiện lịch sử gây tranh cãi này.
Trong cuộc phỏng vấn của BBC Việt Ngữ với Giám đốc Bảo tàng
Lịch sử Quốc gia, ông Nguyễn Văn Cường cho biết mục đích của triển lãm
là “để nhìn lại một chặng đường đã qua nhân 69 năm ngày nước Việt Nam
giành độc lập, đồng thời kỷ niệm 60 năm cải cách ruộng đất.”
Ông Nguyễn Văn Cường cho biết đây là triển lãm chính thức đầu
tiên về chủ đề này nhằm giới thiệu cho người xem một sự kiện rất quan
trong
Ông Cường cũng nhắc tới cương lĩnh của Đảng khi đó là “người
cày có ruộng” và nói rằng “cải cách ruộng đất là bước đi đầu tiên mang
đến cho người dân tư liệu sản xuất và xóa bỏ chế độ phát canh thu tô,
chế độ bóc lột giữa địa chủ và bần cố nông”.
Sử gia Dương Trung Quốc, người đã tận mắt tới xem triển lãm,
nói “việc thực hiện triển lãm với chủ đề này vào thời điểm này là một
điều đáng ghi nhận”.
Nhìn cả hai mặt
“Việc nhìn nhận lại sự kiện ấy là hết sức cần thiết bởi vì
nếu chúng ta nhìn được cả hai mặt, không phải không có mặt tích cực của
nó, và nhất là nhìn cả vào những sai lầm,” ông Dương Trung Quốc nói.
Đây cũng là điều Bảo tàng cố gắng thực hiện khi tổ chức cuộc
triển lãm này như Giám đốc Bảo tàng, ông Nguyễn Văn Cường nói: “Tại
triển lãm này chúng tôi cũng muốn đưa đến cho công chúng một cái nhìn đa
chiều và toàn diện hơn, những thành tựu trong giai đoạn đó, cũng có
những bước đi sai lầm trong việc tổ chức thực hiện ở cơ sở thì cũng đã
có những chỉ đạo từ trung ương trong việc chấn chỉnh khắc phục sai lầm,
oan sai.”
Khi được hỏi về con số người bị xử tử trong cải cách ruộng
đất có được nêu ra tại triển lãm này hay không, ông Nguyễn Văn Cường cho
rằng quan trọng nhất là thành tựu “người cày có ruộng”, còn những mất
mát thì trong những sai lầm và bài học kinh nghiệm Đảng đã có đánh giá
và sửa sai.
“Triển lãm có cả những văn bản mật của Trung ương khi chỉ đạo
xuống trong việc chấn chỉnh công cuộc cải cách ruộng đất cũng như là
việc khắc phục sai lầm khi một số cơ sở tiến hành những bước đi rất cực
đoan và giáo điều,” ông Cường nói.
“Người cày có ruộng” là cương lĩnh được áp dụng trong đợt cải cách ruộng đất ở Việt Nam
Tuy nhiên ông cũng nói thêm triển lãm lần này không nhấn mạnh vào khía cạnh đó.
Và đây cũng chính là điều ông Dương Trung Quốc cho rằng triển lãm “không phản ánh được một cách thật cần thiết”.
“Tôi nói thật cần thiết ở đây tức là nó tác động tích cực vào nhận thức của con người ngày hôm nay.”
“Nếu chúng ta
dám nhìn thẳng vào sự thật, nó không những làm dịu nỗi đau của những
người chịu mất mát thiệt thòi, mà điều quan trọng hơn là nó giúp rút ra
được bài học sâu sắc cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất
nước Việt Nam ngày nay.“
“Không phải chỉ vấn đề ca ngợi mà ngay cả nói những bài học
sai lầm, những tổn thất to lớn tôi nghĩ cũng rất cần thiết. Nó giúp làm
con người trưởng thành lên qua những sai lầm trong quá khứ, kể cả từ
người lãnh đạo đến người dân”, ông Dương Trung Quốc lập luận.
Ông cho rằng 60 năm đã trôi qua và nếu vẫn tiếp tục theo
nguyên lí rằng địa chủ thì gian ác và bóc lột còn nông dân thì là người
tốt bụng và nông dân dành được ruộng đất là một thắng lợi to lớn thì
theo ông tác động vào đời sống xã hội sẽ không được như mong muốn khi
nhìn lại một vấn đề của quá khứ và thậm chí có thể sẽ tạo sự phản cảm ở
giới trẻ.
“Nói ví dụ cái góc có ngôi nhà tồi tàn của người nông dân
nghèo khổ thì bây giờ cũng không hiếm những ngôi nhà như thế ở vùng sâu
vùng xa.
“Hay nhìn không gian của một gia đình địa chủ với sập gụ tủ chè thì bây giờ nó quá bình thường với đời sống xã hội rồi.
“Cho nên những cái đó nếu không được sự giảng giải bằng ngôn
ngữ bảo tàng thì nhận thức của người xem, nhất là của giới trẻ sẽ không
thấu đáo,” ông Dương Trung Quốc nói.
Chưa có tổng kết chính thức
Nhưng điều quan trọng, theo ông Dương Trung Quốc, là triển
lãm được thực hiện trong bối cảnh “chưa có một tổng kết chính thức nào
thì đương nhiên sẽ có hạn chế rất lớn” bất chấp nỗ lực của những người
làm công tác bảo tàng.
Ông nói thêm những hậu quả của cải cách ruộng đất cho đến bây
giờ vẫn chưa giải quyết hết mà trường hợp bà Nguyễn Thị Năm làm một ví
dụ.
“Một phụ nữ giàu có, có đất đai và sản nghiệp ở đô thị, triệt
để ủng hộ cách mạng nhưng cuối cùng lại trở thành người phụ nữ đầu tiên
bị mang ra đấu tố và bị giết chết.
“Mặc dù trong hồ sơ tôi cũng được đọc đề nghị của những nhà
lãnh đạo cao cấp như ông Lê Đức Thọ, ông Võ Nguyên Giáp và những nhà
lãnh đạo biết việc này cũng đề nghị cần sớm có giải tỏa cho gia đình.
“Nhưng cho đến bây giờ hầu như chỉ có một sửa đổi duy nhất:
không gọi là địa chủ cường hào nữa mà chỉ gọi là địa chủ kháng chiến,
chứ không hề có một chính sách nào để thể hiện rõ là cái sai thì phải
sửa đến nơi đến chốn, nhất là liên quan đến tính mạng con người, liên
quan đến niềm tin của một thế hệ,” sử gia Dương Trung Quốc nói.
“Bàn tới không
phải là câu chuyện cũ, mà chính là câu chuyện thực tiễn xã hội hiện nay.
Và cả tương lai nữa. Đấy là chưa nói đến tinh thần tự chủ… không áp đặt
việc học hỏi các nước khác một cách cực đoan.“
Ông Dương Trung Quốc cho biết với tư cách là một người làm
sử, ông không chấp nhận cách giải quyết vấn đề theo kiểu “thôi, chuyện
lịch sử nó phức tạp qúa, không bới ra làm gì nữa”.
Ông nói thêm, mặc dù ông đánh giá tốt việc nhắc lại sự kiện
này nhưng còn nhắc lại như thế nó có hiệu ứng như thế nào thì bản thân
ông thấy là “nó chưa thỏa đáng bởi lẽ chính lịch sử không chỉ cho chúng
ta những bài học thành công.”
Theo ông cần phải bàn việc liệu “có cần thiết phải làm một
cuộc phát động long trời lở đất như thế, dẫn đến những việc làm cực đoan
như thế và để lại những hậu quả nặng nề như thế hay không?”
“Bàn tới không phải là câu chuyện cũ, mà chính là câu chuyện
thực tiễn xã hội hiện nay. Và cả tương lai nữa, đấy là chưa nói đến tinh
thần tự chủ, giải quyết vấn đề của nước mình trên cơ sở của nước mình,
chứ không phải áp đặt việc học hỏi các nước khác một cách cực đoan.
“Quá nhiều tài liệu cho chúng ta biết Việt Nam phải tiến hành
cái đó để đánh đổi lại sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa trong
cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, không phải chỉ riêng Trung Quốc mà
cả Liên Xô nữa.”
Ông kết luận: “Nếu chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật, nó
không những làm dịu nỗi đau của những người chịu mất mát thiệt thòi, mà
điều quan trọng hơn là nó giúp rút ra được bài học sâu sắc cho sự nghiệp
xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước Việt Nam ngày nay.”
————-
BBC Tiếng Việt. Nguồn Ba Sàm, ngày 10/9/2014