(PetroTimes) - Tình trạng nô lệ hiện đại được định nghĩa là nạn buôn bán người, lao động cưỡng bức và các hoạt động như bắt làm nô lệ để trả nợ, hôn nhân ép buộc hay vấn nạn bán và bóc lột trẻ em. Báo cáo mới đây của Quỹ Walk Free cho biết có khoảng 30 triệu người trên thế giới đang sống trong tình trạng nô lệ.
Quỹ Walk Free, một tổ chức từ thiện chống nạn nô lệ, có trụ sở ở Australia vừa công bố bảng Chỉ số về Nô lệ Toàn cầu lần đầu tiên - một bảng xếp hạng 162 quốc gia theo mức độ nô lệ hiện đại. Bảng chỉ số này cho thấy hàng chục triệu người trên khắp thế giới đang sống trong tình trạng giống như nô lệ, đa số ở châu Á. Vì sao thế giới còn đang phải chật vật đối phó với vấn đề đã có từ cổ xưa đến nay?
Nô lệ thường được coi như một hiện tượng còn sót lại từ những thế kỷ trước và bị cấm chỉ trên trường quốc tế. Nhưng đây là một thực tế khủng khiếp - ngày nay - đối với gần 30 triệu người trên khắp thế giới. Bảng Chỉ số Nô lệ Toàn cầu lần đầu tiên công bố hôm 18/10, chứa đầy các số liệu khủng khiếp. Nhà nghiên cứu Kevin Bales, cho biết đó là lý do vì sao Quỹ Walk Free đã đúc kết và phổ biến danh sách để nâng cao tầm nhận thức về vấn nạn nô lệ thời hiện đại. Ông đã vẽ ra một bức tranh đáng sợ về đời sống của một người nô lệ vào năm 2013.
Báo cáo chỉ số về Nô lệ Toàn cầu 2013 của Quỹ Walk Free
Ông Bales kể: “Tôi chắc quý vị sẽ hỏi, hình thức nô lệ thông thường nhất ngày nay là gì. Có lẽ tôi sẽ nêu ra hai hình thức. Một là loại nô lệ cha truyền con nối ở Nam Á, nơi các gia đình sinh ra đã là nô lệ và chết đi cũng là nô lệ, nơi một gia đình thuộc quyền sở hữu của một gia đình khác và cứ thế đời nọ qua đời kia. Tất cả những gì mình biết chỉ là nô lệ. Mình trông đợi sẽ bị đánh đập; mình trông đợi sẽ bị cưỡng hiếp; mình trông đợi không có cuộc sống nào khác ngoài cuộc sống của một người nô lệ… Hình thức kia là, theo tôi là loại nô lệ thông thường nhất ngày nay sẽ là một người đi di cư với hy vọng có một đời sống kinh tế tốt đẹp hơn. Một người đi tìm cách để cải thiện đời sống của mình hay của gia đình và con cái. Và do đó họ đi tìm một nơi chốn an toàn, họ đi tìm một nơi có công ăn việc làm và có những kẻ tội phạm lợi dụng lòng ước muốn được an toàn và được tuyển dụng và dụ dỗ họ vào những tình huống bên ngoài quê hương của họ, nơi mà sau đó họ sẽ lâm vào cảnh làm nô lệ”.
Quỹ Walk Free phát hiện 10 nước có tổng nô lệ chiếm 76% trong số 29,8 triệu người đang là nô lệ gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Nigeria, Ethiopia, Nga, Thái Lan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Myanmar và Bangladesh. Mauritania đứng đầu danh sách với mức độ cao nhất về nô lệ thời hiện đại. Quốc gia Tây Phi này có một lịch sử lâu dài về nô lệ từ đời này qua đời khác dựa trên sắc tộc. Bảng chỉ số ước tính là Mauritania có tới 160 ngàn nô lệ - trong khối dân chỉ có 3,8 triệu người. Chính phủ Mauritania đã nhiều lần tìm cách mà không thành công trong việc xóa bỏ tập tục này - gần đây nhất là vào năm 2007.
Tiến sĩ Bales là giáo sư chuyên nghiên cứu nạn nô lệ đương đại tại Viện Nghiên cứu Nô lệ và Giải phóng Phụ nữ thuộc Đại học Hull, miền Bắc nước Anh. Ông Bales thừa nhận, một số ước tính trong bảng danh sách mang tính bảo thủ - ông nói trong những năm tới đây, bảng chỉ số sẽ có thể lọc lựa lại các số liệu. Ấn Ðộ bị ước tính theo bảng danh sách là có con số cao nhất về nô lệ hiện đại. Quốc gia 1,2 tỷ dân này được cho là bao gồm con số to lớn 14 triệu người sống trong cảnh giống như nô lệ, gồm lao động cưỡng bức, hôn nhân cưỡng bức, lạm dụng trẻ em và làm nô lệ để trả nợ.
Tổ chức này cho biết, châu Á là nơi sinh cư của khoảng 72% nô lệ trên thế giới. Trung Quốc và Pakistan đứng hạng thứ nhì và thứ ba sau Ấn Ðộ. Trung Quốc được cho là có khoảng 2,9 triệu nô lệ. Pakistan với dân số khoảng 13% dân số Trung Quốc, có con số đáng sợ là 2,1 triệu nô lệ.
Hàng chục triệu nô lệ vẫn bị xiềng xích như thế này
Các nước với mức độ cao về nô lệ đều có chung các điểm là phát triển yếu kém, tham nhũng, nghèo khó và xung đột chiến tranh. Ngoài ra, các nhà khảo cứu nhận định rằng trên khắp thế giới, phụ nữ chịu tác động khác thường bởi tình trạng nô lệ, một phần vì tình trạng hôn nhân cưỡng bức và hôn nhân trẻ em tràn lan.
Ông Bales bác bỏ quan điểm cho rằng, đói nghèo là yếu tố chính đằng sau nạn nô lệ mà thay vào đó ông đổ lỗi cho nạn tham nhũng, đồng thời kêu gọi ban hành những đạo luật ngăn chặn các băng đảng tội phạm có tổ chức. “Thông thường, khi phân tích số liệu, chúng tôi phát hiện thấy yếu tố tham nhũng tác động mạnh mẽ hơn so với thực trạng đói nghèo dẫn tới tình trạng nô lệ. Về cơ bản, đây là vấn đề tội phạm bạo lực”- ông Bales nói.
Và theo ông Bales, kinh nghiệm của các nô lệ thiếu nữ và trẻ em gần như luôn luôn kèm theo một yếu tố khủng khiếp khác. Ông Bales nêu ra rằng bất chấp các số liệu đen tối đó, nô lệ đang sắp sửa đứng ở bờ vực quên lãng. Ông nói các giải pháp khác nhau tùy theo từng nước. “Không có một chính sách nào thích hợp cho tất cả các nước. Nhưng điều đáng mừng là con số đó là một phần rất nhỏ trong con số 7 tỉ người sống trên hành tinh này. Và chúng cũng chỉ góp một phần rất nhỏ trong nền kinh tế toàn cầu… Vì thế ở một mức độ, nó có tính chất rất phi lý. Ðó là một con số to lớn, nhưng đồng thời, lại là một con số nhỏ bé về mặt tương đối, trong một thế giới mà nô lệ là bất hợp pháp ở mọi nước, nó không quan trọng đối với nền kinh tế và có một sự đồng thuận tuyệt đối về đạo đức là chúng ta không muốn sự kiện này diễn ra”.
Song ngay cả những nước có thành tích tốt nhất cũng không phải là không có vấn đề. Iceland, Ireland và Anh cùng đứng hạng chót, nhưng ước tính có tới 4.600 người sống trong tình trạng nô lệ hiện đại ở Vương quốc Anh. Nạn nhân chủ yếu tới từ châu Phi, châu Á và Đông Âu. Họ bị cưỡng bức hoạt động trong dịch vụ tình dục, nô lệ trong nhà hay những việc làm được trả lương thấp trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, nhà hàng và các salon cung cấp dịch vụ làm móng tay. “Hy vọng báo cáo này sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho cả những nước giàu”- ông Bales nhận định.
Nhà nghiên cứu Kevin Bales cho biết, ông hy vọng số liệu trên, bản báo cáo thường niên đầu tiên theo dõi tình trạng nô lệ trên toàn cầu, sẽ giúp tăng nhận thức của công chúng bởi số lượng nô lệ đang ở mức cao, đồng thời tăng sức ép để các chính phủ có thêm hành động giải quyết vấn nạn này.
Một số hình thức nô lệ thời hiện đại: - Mauritania: Chủ yếu là hình thức nô lệ “chattel” trong đó người lớn và trẻ em bị coi là “thuộc toàn quyền sở hữu của chủ”. - Haiti: Mức độ cao về nghèo khó góp phần vào “restavek” - tức là trẻ em nghèo bị đưa vào làm việc cho các gia đình giàu có. - Pakistan: Kinh tế yếu kém, an ninh xấu và dân số gia tăng góp phần vào tình trạng gia tăng trẻ em làm nô lệ và lao công phải làm việc để gán nợ. - Ấn Ðộ: Các vấn đề gồm lao động để gán nợ từ thế hệ này qua thế hệ khác, lao động trẻ em, khai thác tính dục và hôn nhân cưỡng bức. - Nepal: Chủ yếu là lao động cưỡng bức và làm những công việc có liên quan đến cưỡng bức tính dục. Nước này là điểm trung chuyển và nơi đến của nô lệ hiện đại. |
Nh.Thạch (tổng hợp)