Nhìn chung, sự kiện ứng cử viên cánh trung đánh bại đại diện của phe cực hữu bài châu Âu với tỷ lệ 66,06%-33,94 % đã làm cho công luận nhẹ nhõm. Tuyệt cú mèo, tựa ngắn trên trang nhất của Libération. Vừa đi vừa thắng, nhận định của Le Figaro. Nhật báo La Croix, cũng như L’Humanité, chào mừng nhưng không hào hứng : Chiến thắng lớn nhưng mong manh, tựa lớn trên trang nhất bên cạnh những cảnh báo về nhu cầu khẩn cấp của xã hội.
Bản năng tự tồn
Không khí lạc quan nhất thể hiện trên các trang báo của Les Echos : Nước Pháp to gan. Phản ánh quan điểm tự do, nhật báo kinh tế xem quyết định của 66% cử tri Pháp bầu cho nhân vật chưa có bề dầy chính trường này là một sự « lựa chọn của hy vọng, của cách mạng ».
Bài xã luận mở đầu với một danh ngôn của văn hào Victor Hugo hồi hương sau nhiều năm lưu vong « bản năng của nhân dân luôn luôn phù hợp với lý tưởng của nền văn minh », Les Echos cho rằng chính nhờ bản năng này mà dân Pháp đã quét sạch những chướng ngại cản bước tiến của đất nước, lật nhào một thế hệ chính khách đã hết thời, để đưa một nhân vật trẻ lên cầm quyền.
Con đường « cách mạng » tuy chật hẹp, nhưng dám vượt ra biên giới của phe xã hội lụi tàn, cộng với một ít may mắn, nhân vật tự xưng là « con lai » chính trị tìm ra con đường mới, tập hợp 20 triệu phiếu. Thế giới kinh ngạc, phát hiện qua tổng thống tân cử trẻ tuổi, khuôn mặt một nước Pháp trẻ trung, táo bạo, chinh phục, nước Pháp của lý lẽ, của hy vọng và tự do, nhật báo kinh tế kết luận.
Thời cơ thuận lợi
Để chứng minh những nhận định lạc quan trên đây là có cơ sở, Les Echos cho biết là tình hình chung rất thuận lợi cho tổng thống tân cử, trung dung, thân châu Âu : tất cả các thủ đô trong Liên Hiệp Châu Âu đều lên tinh thần. Nước Mỹ của Donald Trump cũng như nước Nga của Putin đánh cược sai vào Marine Le Pen và Trung Quốc của Tập Cận Bình, giờ đây đều yên tâm và muốn « thắt chặt quan hệ » với Paris.
Le Figaro thận trọng : nước Pháp của Macron, của tinh thần tích cực, năng động, cải cách, cởi mở với châu Âu và thế giới đúng là có thật, nhưng chỉ đại diện có 25% cử tri. Phần còn lại, cực hữu, cực tả, xã hội, không chắc chia sẻ những giá trị này.
Trong bài xã luận « Khẩn cấp xã hội », nhật báo công giáo La Croix vừa mừng vừa lo : Khác với Anh và Mỹ, cử tri Pháp đã loại xu hướng bài ngoại và bế quan tỏa cảng sang một bên. Dân Pháp chống lại chủ trương phân biệt đối xử tùy theo nguồn gốc. Liên Hiệp Châu Âu sẽ chết nếu Marine Le Pen đắc cử.
Lần đầu tiên trong lịch sử của Đệ Ngũ Cộng Hoà, hai chính đảng tả, hữu truyền thống không có đại diện ở vòng hai. Nhưng, Emmanuel Macron không nên quên là tuy ông thắng lớn nhưng một phần cử tri bầu cho ông chỉ vì để loại đại diện cực hữu. Một bộ phận dân Pháp phẫn nộ tình trạng xã hội bất cập quay sang ủng hộ cực tả và cực hữu. Tổng thống tân cử phải nhanh chóng đáp ứng những khổ đau này.
Cùng nhận định, nhật báo L’Humanité, thân đảng Cộng sản kêu gọi : Một trận chiến mới bắt đầu. Bầu Quốc Hội, vào tháng Sáu, là giai đoạn đầu để « phản kháng chính sách tự do kinh tế » của tổng thống tân cử. Trong khi đó, Libération khen ngợi thông điệp chừng mực, khiêm tốn của tổng thống tân cử nhưng cũng cảnh báo : Công việc sẽ vô cùng nặng nhọc.
Ai là tin tặc phá Macron ?
Điểm tương đồng giữa hai nhật báo thiên tả này là lên án đòn ngầm qua vụ tin tặc tấn công Emmanuel Macron vào giờ cuối cùng của chiến dịch tranh cử để làm thay đổi tương quan lực lượng ở vòng chung kết. Theo Libération, một số chuyên gia xem đây là phát súng cảnh cáo trước khi bầu Quốc Hội. Một thành viên cực hữu ở Mỹ, từ lãnh thổ Hoa Kỳ, tổ chức tung tin ngụy tạo, rồi đòi hỏi Quốc Hội Pháp mời sang điều trần về… thông tin ngụy tạo. Nhật báo cánh tả độc lập kết luận : Hãy xem những kẻ lợi dụng tự do để đánh phá nền dân chủ , chúng ta có thể đoán biết họ sẽ làm gì nếu nắm được chính quyền.
L’Humanité tỏ ra dứt khoát hơn chỉ đích danh đảng cực hữu Pháp, Mặt Trận Quốc Gia. Trong bài : Ai là kẻ ném bom thối trên mạng ?, nhật báo Cộng sản nhận định nếu cán bộ của Mặt Trận Quốc Gia không là kẻ chủ mưu thì ít ra cũng tiếp tay loan truyền thông tin đánh cắp từ ban vận động tranh cử của đối thủ. Theo L’Humanité, phe cực hữu đã đoán biết thua đậm trong cuộc bầu cử tổng thống nên cố tình đầu độc nhiệm kỳ 5 năm tới đây của tổng thống tân cử.
L’Humanité cũng dành một bài để phân tích tại sao Marine Le Pen thất bại. Ứng cử viên cực hữu cư xử như một học sinh mẫu giáo trong cuộc tranh luận quyết định trên đài truyền hình. Đó là nhận định của một số cử tri trước một địa điểm bầu cử. Chính vì thế, có đến 44% cử tri phe hữu Cộng Hoà đã bầu cho ứng cử viên cánh trung ở vòng hai trong khi chỉ có 20% bỏ phiếu cho bà Le Pen.
Thử thách kế tiếp : Lập pháp
Từ nhận định này, l’Humanité kêu gọi cảnh giác : Đệ Ngũ Cộng Hoà bị khủng hoảng và còn kéo dài. Để đối phó với đảng cực hữu mà ảnh hưởng càng ngày càng mạnh trong giới công nhân và nông dân trong khi đảng Xã hội và Cộng sản yếu dần, chuyên gia Gael Brustier cho rằng « không cần phải theo quan điểm của Mặt Trận Quốc Gia, cũng không cần dùng ý thức hệ chống ý thức hệ. Chiến thuật công hiệu nhất là không cần đáp trả đảng cực hữu mà phải lắng nghe đáp ứng nhu cầu, những lo âu của cử tri cực hữu ».
Đây chính là thông điệp của tổng thống tân cử Emmanuel Macron trong diễn văn đầu tiên vào tối Chủ Nhật.
Bầu cử tổng thống vừa xong, kẻ thắng người thua vội vàng lo bầu Quốc Hội. Hướng về lập pháp, là tựa của bài xã luận của Le Figaro. Libération nhắc chừng tổng thống tân cử đừng quên lá phiếu ủng hộ, « món nợ đối với dân ».