Lịch Sử, Quân Sử & Huyền Thoại

Binh Chủng Nhảy Dù-20 Năm Chiến Sự: Mùa Hè Đỏ Lửa 1972

Năm 1972 là năm bầu cử của nước Mỹ xảy ra vào tháng 11, CSBV hy vọng một biến cố quân sự lớn như Tết Mậu Thân sẽ tạo được thuận lợi mới cho họ. Nên CSBV đã phát động chiến dịch tổng công kích vào giữa năm 1972 là thời điểm vận động tranh cử của các ứng cử viên Tổng Thống và Quốc Hội Mỹ

Binh Chủng Nhảy Dù-20 Năm Chiến Sự: Mùa Hè Đỏ Lửa 1972

 



Cập nhật 5/20/2011

Năm 1972 là năm bầu cử của nước Mỹ xảy ra vào tháng 11, CSBV hy vọng một biến cố quân sự lớn như Tết Mậu Thân sẽ tạo được thuận lợi mới cho họ. Nên CSBV đã phát động chiến dịch tổng công kích vào giữa năm 1972 là thời điểm vận động tranh cử của các ứng cử viên Tổng Thống và Quốc Hội Mỹ nhằm vào những thành phần phản chiến và người dân chán ghét chiến tranh. Chiến dịch này được định thời gian cho trùng với giai đoạn đầu của chiến dịch bầu cử Tổng thống và Quốc hội Mỹ , với hy vọng rằng chiến sự leo thang sẽ gây ra áp lực mạnh mẽ tại Mỹ để thành phần phản chiến sẽ vận động đòi hỏi hòa bình và chấm dứt chiến tranh

Thực hiện kế hoạch nầy, cũng như Trận Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân năm 1968, Tướng Giáp đã lại “thí quân” và lần này quyết định tấn công với ba mặt trận lớn được bùng nổ vào mùa Hè 1972.

1- Mặt Trận Quân Khu 2 VNCH: hay còn gọi là mặt trận Tây Nguyên, khởi đầu ngày 3/4/1972, CS tung 3 Sư Đoàn chính quy SĐ2, SĐF10 và SĐ320 và một Trung Đoàn chiến xa vượt biên giới Lào Việt tấn chiếm Kontum và Pleiku với sự yểm trợ của các đơn vị địa phương như SĐ3 Sao Vàng hoạt động trong vùng Bình Định cùng Sư Đoàn 968 từ Hạ Lào vừa kéo sang làm thành phần trừ bị.

2- Mặt Trận Quân Khu 1 VNCH : ngày 4/4/1972, CS tung ba Sư Đoàn chính quy 304, 308, 325, cùng với 4 Trung Đoàn biệt lập 31, 246, 270 và 126 đặc công, hai Trung Đoàn xe tăng 202 & 203 và 3 Trung Đoàn Pháo 36,38 & 84 do Mặt Trận B5 chỉ huy vượt khu Phi Quân Sự tấn công trực diện vào tỉnh Quảng Trị và các Tỉnh thuộc Quân Khu 1 của VNCH với sự phối hợp của các đơn vị địa phương như SĐ324B các Trung Đoàn 5 và 6 tại vùng Thừa Thiên và Đà Nẳng để cầm chân QLVNCH.

 

 

3- Mặt Trận Quân Khu 3 VNCH: ngày 5/4/1972, Cộng Sản tung 4 Sư Đoàn 5, 7, 9 và Bình Long với sự yểm trợ của 200 chiến xa và một Sư Đoàn pháo vượt biên giới tấn chiếm Lộc Ninh và An Lộc nhằm ra mắt cái gọi là Chính phủ bù nhìn Giải Phóng Miền Nam.

 

 

Chiến dịch nầy được nhà văn Phan Nhật Nam đặt tên trong bút ký chiến trường của ông và được mọi người đồng ý là : Mùa Hè Đỏ Lửa

Mùa Hè Đỏ Lửa
Mặt Trận Tây Nguyên

 

 

Từ 17/3/1972 đến 28/5/1972

Bắt đầu từ ngày 27-1-1972. Lực lượng CSBV tại cao nguyên do mặt trận B3, Tư-lệnh là tướng Hoàng Minh Thảo chỉ huy gồm có Sư Đoàn 320 Bắc Việt, vừa di chuyển vào từ Thanh Hoá, Sư Đoàn 2 BV, đơn vị cơ hữu F10 của mặt trận B3, và một Trung đoàn chiến xa. Ngoài các đơn vị kể trên CSBV còn điều động Sư Đoàn 3 Sao vàng và các đơn vị địa phương tăng gia hoạt động tại vùng duyên hải tỉnh Bình Định và miền Nam quân khu II và Sư Đoàn 968 từ Hạ Lào vừa kéo sang làm thành phần trừ bị. Những mục tiêu chính trong chiến dịch tấn công cao nguyên của CSBV là Tân Cảnh, Dakto, các căn cứ hỏa lực dọc theo dảy Rocket Ridge, thị trấn Kontum và Pleiku.

Rocket Ridge là dãy núi có các cao điểm chạy dài từ Bắc xuống Nam, nằm dọc theo quốc lộ 14, kéo dài từ Tân Cảnh đến Kontum. Các đơn vị địa phương của CS thường tấn kích khuấy rối nhằm mục đích đánh lạc hướng các đơn vị Quân lực VNCH, đồng thời hổ trợ cho hai Sư Đoàn chính quy CSBV tấn công vào Kontum. Mọi cố gắng của CSBV trong giai đoạn nầy là nhằm thực hiện cho được mưu đồ nhằm chia cắt Việt Nam Cộng Hoà làm 2 phần.

Khoảng đầu tháng Ba năm 1972, vào mỗi đêm từ Ben Het hướng về phương Bắc, người ta có thể nhìn thấy ánh đèn pha và nghe thấy tiếng động cơ nổ vang rền của đoàn cơ giới Cộng Sản di chuyển về hướng Nam trên đường mòn Hồ Chí Minh bên Lào. Trong khi đó, tại Vùng 2 Chiến Thuật, theo tài liệu tịch thu cho biết Sư Đoàn 320 Cộng Sản Bắc Việt và Trung Đoàn 54 Pháo đã xuất hiện tại vùng Tam Biên, nhưng cố vấn trưởng của Quân Đoàn 2 là John Paul Vann, lúc ấy vẫn còn đặt nghi vấn.

Khi biết tin Sư Đoàn 320 CSBV và trung đoàn 54 pháo binh BV đã xuất hiện tại vùng ba biên giới vào đầu tháng 3/72, Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH điều động LÐ2ND tăng phái cho QÐ2 hành quân tảo thanh VC ở vùng phía Tây Tân Cảnh. BCH/LÐ2ND đến trấn đóng tại làng Võ Ðịnh, cạnh QL14 giữa khoảng Kontum và Dak To. Các đơn vị trực thuộc được bố trí trên các cao điểm ở dảy núi Rocket Rigde về phía Tây QL14 với các căn cứ Alpha, Yankee, Charlie, Delta, Hotel…

Ngày 15/3/1972, TÐ1ND được trực thăng vận đưa vào vùng hoạt động thiết lập căn cứ Alpha phía Bắc của Charlie, bảo vệ Pháo Ðội A1 của Ð/U Nguyển Thành Tửu với 4 khẩu dội 105 ly. Vừa đáp xuống mục tiêu TÐ1ND đã đụng mạnh với các lực lượng chánh quy của CSBV quanh căn cứ.

 

 

Lực lượng Ðịch :

Theo tin tức khai thác từ các tù binh CS thì mặt trận QK2 sẽ bùng nổ vào trung tuần tháng 3/1972, nhưng Hà Nội đã ra lịnh cho Tướng Hoàng Minh Thảo tấn công vào đầu tháng 4/1972 để phối hợp nhịp nhàng với các mặt trận khác tại Quân đoàn I (Quảng Trị) và Quân đoàn III (Bình Long). Tướng Hoàng Minh Thảo sẽ xử dụng Sư Đoàn 2 của CS Bắc Việt đương đầu với các đơn vị của Sư Đoàn 22BB cầm chân Sư Đoàn này tại Tân Cảnh, để Sư Đoàn 320 của CS sẽ tiến quân vào Kontum.

- Mặt trận B3: Tư Lệnh là Tướng Hoàng Minh Thảo

- Sư Ðoàn 320A gồm 3 trung đoàn 52, 64 và 48 di chuyển từ Thanh Hóa vào.

- Sư Ðoàn 2 CSBV gồm 2 trung đoàn1 và 141

- Sư Đoàn 10 gồm có bốn trung đoàn bộ binh: 24, 28, 66 và 95 do Nguyễn Mạnh Quân làm Tư Lệnh, Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy .

- Sư Đoàn 968 làm thành phần trừ bị với 3 trung đoàn bộ binh.

- 1 trung đoàn đặc công 400

- 1 Trung Ðoàn chiến Xa

- 2 Trung Ðoàn Pháo Binh và 6 tiểu đoàn pháo phòng không

-Ngoài ra còn có sự tham gia của các lực lượng vũ trang tại địa phương. Tổng công quân số tham chiến khoảng 20.000 người.

 

 

Lực lượng Bạn :

Để đối phó với tình thế, Tướng Ngô Du đã xử dụng Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù và các đơn vị tăng phái vừa được Bộ TTM tăng cường, tiến chiếm dãy đồi phía Tây sông Poko và thiết lập 2 căn cứ hỏa lực mới là “Charlie” và “Delta” để ngăn chặn Sư Đoàn 320 của CS. Kế hoạch phối trí này rất tốt đẹp lúc đầu.

-SÐ22BB gồm 4 Trung Ðoàn 40, 41,42 và 47BB

-SÐ23BB gồm 3 Trung Ðoàn 44, 45 và 53 BB.

-Lữ Ðoàn 2 ND.với các TÐ 1,2,3,7,9,11ND do Đại Tá Trần Quốc Lịch chỉ huy lập vòng đai từ Tân Cảnh đến Võ Ðịnh.

-TĐ2PBND, ĐĐ2TSND và các đơn vị yểm trợ.

-Thiết Đoàn 14 Kỵ Binh

-BTL/SÐND Tiền Phương đóng tại Kon Tum.

-TÐ5 BĐQ Biên phòng tại Ben Het. để củng cố vững chắc đồn cửa ngõ đi vào lãnh thổ Quân Đoàn II và Quân khu II

-Không Đoàn 72/ Sư Đoàn 2 Không Quân – Pleiku với 1 phi đoàn quan sát (O-1, O-2), 1 phi đoàn cường kích (A-1H), 2 phi đoàn và 2 phi đội trực thăng võ trang (UH-1H).

 

 

Trận đánh Căn cứ Delta

 

 

Delta là một ngọn đồi nằm về hướng Nam căn cứ Charlie, trên đỉnh đồi một bên là rừng già dầy đặc, một bên là cánh rừng thưa, có thể dọn làm một vị trí đóng quân với bải đáp trực thăng được. Nơi đây Cộng quân đã thiết đặt một đơn vị phòng không do một Tiểu đoàn của Trung Đoàn 3/SĐ320 bố trí hệ thống chốt kiền bảo vệ. Do đó địch quân thường gây khó khăn cho các phi vụ tiếp tế của VNCH từ Pleiku đến Tân Cảnh. Vì vậy mà Tướng Ngô Du đã treo giải thường 100.000 đồng cho đơn vị nào bắt được một tù binh của SĐ320 tại vùng nầy. Bộ Chỉ Huy LĐ2ND sau khi quan sát địa thế khu vực đã quyết định chọn nơi đây làm Căn Cứ Delta.

 

Sáng ngày 17/3/1972, sau những trận địa pháo và phi pháo vừa chấm dứt, địch quân chưa kịp hoàn hồn, thì một đoàn trực thăng chuyển quân sà thấp sát đất thả các Thiên Thần Trinh Sát 2 của “Út Bạch Lan” phóng xuống trận địa như những con diều hâu vồ mồi quanh vị trí Delta để săn lùng và tiêu diệt các chốt của TÐ1/ Trung Ðoàn 3/SÐ320. Cả Đại Đội vừa bắn vừa hô xung phong vang rền khắp núi rừng khiến địch quân hoảng hốt đưa tay lên đầu hàng, kẻ nào ngoan cố chống cựđã bị các chiến sĩ Nhảy Dù diệt gọn. Chỉ trong chớp nhoáng, Các chiến sĩ Trinh Sát 2 của Trương Văn Út (danh hiệu truyền tin Út Bạch Lan) đã làm chủ tình hình. Nguyên toán tiền đồn của TĐ1/TrĐ2/SĐ320 đã bị tóm gọn không sót một móng. ĐĐ2TSND đã bắt sống được 12 tù binh và lảnh tiền thưởng đầu tiên của Tướng Ngô Du.

Ngày 18/3/1972 Tiểu Ðoàn 1/3/SÐ320 phản công bao vây để dứt điểm ÐÐ2TS. Út Bạch Lan, Ðại Ðội Trưởng/TS2ND không nao núng, điếu quân phân tán mỏng để một toán nhỏ lừa địch, rồi đưa toàn bộ Đại Đội vòng ra bọc hậu đánh thẳng vào BCH/Tiểu Đoàn địch và tiêu diệt gọn TÐ1/3/320 giết chết viên TÐT là Ðại Úy Trương Hà… Ngay sau đó, để phục thù Trung Ðoàn 3/320 tập trung quân còn lại bao vây TS2 và thề bắt sống Út Bạch Lan cho bằng được. (Út Bạch Lan nỗi danh từ dạo ấy)

Ngày 20/3/1972 TÐ2ND được trực thăng vận đổ quân xuống thiết lập và trấn đóng tại Charlie, và từ Charlie đánh bọc ngang hong TrÐ3/320 để cứu bồ giải vây cho ÐÐ2Trinh Sát ND.

Buổi chiều, TÐ3ND do Thiếu Tá Trần Văn Sơn làm TĐT vừa được không vận đến vùng hành quân và được chỉ định chia quân trấn đóng tại căn cứ 5 & 6 ở về phía cực Bắc của dảy núi Rocket Rigde. Bộ chỉ Huy Tiểu Đoàn đóng tại đồi yên ngựa về phía Tây Nam của Căn Cứ 5.

Sau đó, TĐ3ND lập ngay cường điểm hoả lực (CĐHL, một cứ điểm có nhiều súng cối) tại đỉnh đồi 1338 phía Tây Nam căn cứ 5 để yểm trợ cho các Đại Đội hoạt động chung quanh cũng như tác xạ hỏa tập ngăn chận các cuộc chuyển quân của địch trên đường mòn HCM gần đó. Chỉ huy cường điểm nầy do Thiếu Tá Trần Bá Ngôn TĐP phụ trách và ĐĐ33 bảo vệ an ninh.

Đến ngày 23/3/1972 sau 3 ngày hổn chiến với địch và được TÐ2ND giải vây, 2 đơn vị Nhảy Dù đã dùng ngoại công nội kích với những chiến thuật thần kỳ tam mãnh “mãnh đã, mãnh xung và mãnh truy” đã phá nát Trung Ðoàn 3/SĐ320 của CSBV, Sư Đoàn được hổn danh là “Thép” giờ đây đã bị chảy ra thành nước.

Tin chiến thắng bất ngờ đã làm cho Quân Dân Quân Đoàn 2 phấn khởi, Trung Tướng Ngô Du đã bay ngay đến Delta để trao gắn cấp bậc Đại Úy tại mặt trận cùng Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương cho Trương Văn Út và trao ngay 1 triệu 200 ngàn tiền thưởng đã bắt được 12 tù binh CS cũng như thăng thưởng và ủy lạo cho tất cả các chiến sĩ Nhảy Dù tham chiến.

Ðại Ðội 2 Trinh Sát sau đó được bốc về Võ Ðịnh để nghỉ ngơi và tái trang bị. Trong khi đó Cộng quân khởi sự trận địa pháo liên tục bằng các loại 107, 122, và 130 ly vào các vị trí đóng quân của các đơn vị VNCH kể cả Tân Cảnh và Võ Ðịnh.

Ngày 25/3/1972 Tiểu Ðoàn 11 Nhẩy Dù vừa từ Sài Gòn ra được trực thăng vận vào Charlie thay thế TĐ2ND. Theo sự bố trí đội hình: Ðại úy Hùng (mập), Đại Đội Trưởng Đại Đội 113 ND đóng quân phía bắc Charlie 3 cây số gần chân đỉnh Yankee (C1) ở cao độ trên 1000 mét. Trung úy Thinh, Đại Đội Trưởng ĐĐ111ND, đóng tại C hay Charlie bảo vệ địa điểm lấy nước và bải đáp trực thăng. Ðại úy Hùng, (móm) Đại Đội Trưởng 112ND. Ðại úy Nho, Đại Đội Trưởng 110ND, Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn và Đại Đội 114 của Trung úy Phan Cảnh Cho đóng tại C2, đỉnh cao phía Nam cách Charlie hơn 500 thước. Từ điểm cao C2 này, tiểu đoàn xử dụng để tiếp tế hay khi cần tăng viện, một cách dễ dàng hơn.

TÐ2ND sau khi bàn giao Căn cứ Charlie cho TÐ11ND, tiến về phía Nam nơi đã bắt tay với Trinh Sát 2 ND trước đây để thiết lập căn cứ Delta.

Ngày 28/3/1972, Tr/Ð3/SĐ320 tấn công dò dẩm tung đặc công xâm nhập vào Delta nhưng bị bẻ gãy, các toán đặc công và tiền sát viên tiến vào quanh Delta đều bị bắt trọn ổ. Khai thác tù binh quân ta biết được Cộng quân sẽ dùng 2 Trung Đoàn còn lại của SĐ 320 để tấn công vào Delta.

Tại Võ Ðịnh, BCH/LÐ2ND đã cho TÐ9ND và Trinh Sát 2 mở rộng các phạm vi hoạt động quanh căn cứ và phát giác ra các toán đặc công và tiền sát viên của địch ở phía Bắc và Nam của BCH Lữ Ðoàn và đã diệt gọn. BCH Lữ Đoàn ra lịnh cho TĐ2ND phòng thủ cẩn thận và tiên liệu các mục tiêu tác xạ yểm trợ cận phòng cần thiết. Một cuộc đọ sức giữa TĐ2ND và đơn vị tinh nhuệ SĐ320 của CSBV sắp bắt đầu.

Ngày 29/3/1972 Cộng quân bắt đầu uy hiếp các tiền đồn xung quanh và pháo kích liên tục vào căn cứ Delta. Súng phòng không của địch cũng khởi sự làm khó khăn cho các chuyến tiếp tế và tản thương. Một trực thăng tiếp tế trúng đạn phòng không bị nổ tung, tất cả phi hành đoàn đều tử trận. Kể từ đó việc tiếp tế cho Delta bị gián đoạn.

Vì ngoài tầm phản pháo của ta, nên Nhảy Dù đã tung các toán Viễn Thám của Trinh Sát 2 để hoạt động gài mìn claymore và các bẩy lựu đạn, kết quả tót đẹp. Các báo cáo xin yểm trợ bằng phi cơ chiến lược B52 đều bị Quân Đoàn làm lơ. Việc sử dụng các đơn vị Nhảy Dù đóng đồn tại một địa điểm cố định như những đơn vị Địa Phương Quân là hoàn toàn trái ngược với chiến thuật lưu động của các đơn vị Tổng Trừ Bị, mặc dù BTL/SĐ và Lữ Đoàn Nhảy Dù đã khuyến cáo nhưng Quân Đoàn vẫn không để ý đến.

Ngày nầy TĐ9ND được trực thăng vận đổ xuống trấn đóng tại phi trường Phượng Hoàng để làm thành phần trừ bị. và TĐ7ND được đổ xuống trấn đóng tại căn cứ Hotel phiá Nam Delta để làm giảm áp lực của địch.

Ngày 1/4/1972 căn cứ Delta không thể tiếp tế được, địch quân bám sát chu vi phòng thủ. Ðiểm lấy nước dưới chân đồi bị địch chiếm giữ và một tổ tiền đồn cấp Tiểu Đội bị địch tràn ngập. Sáng ngày quân ta đã chiếm lại được hai vị trí nầy. BCH/TÐ phải điều động ÐÐ24 của Đại Úy Giới đang hoạt động bên ngoài trở về để tăng cường phòng thủ.

Sáng sớm ngày này, một Trung Đoàn của SĐ320 CSBV cũng bắt đầu tấn công Charlie từ hướng Nam, trực diện Ðại Đội 114 của Trung Úy Phan Cảnh Cho. Sau trận mưa đại pháo các loại, địch quân ào ạt xung phong đông như kiến, bám theo các thân cây cổ thụ, dùng đủ các loại súng bắn thẳng vào vị trí Dù. Trong lúc đó, pháo địch cũng chuyển hướng tác xạ vào các vị trí Pháo Binh của ta để cấm chỉ không cho yểm trợ.

Ðại Đội 114 anh dũng bắn trả, Ðại Đội 112 cuả Hùng móm cũng tiếp ứng, những người lính Nhảy Dù thiện chiến nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đứng thẳng từ các chiến hào đan một lưới lửa ra ngoài phòng tuyến, và tất cả hệ thống tác xạ Pháo Binh Nhảy Dù đều chuyển qua yểm trợ khi biết Charlie bị tấn công. Những tràng đạn pháo 105 ly băn hiệu quả tua tủa được gởi tới mục tiêu, những cây cổ thụ ngoài phòng tuyến bật gốc, bụi tung mù mịt, cứ hễ dứt loạt đạn pháo của ta thì địch cũng nhỏm dậy bắn vào. Cộng quân đã đào hầm hố núp ngoài vị trí nên liều lĩnh bắn che cho tốp khác từ hướng Tây Nam tiến lên, bất kể đạn pháo, những con thiêu thân dàn hàng xung phong lên đồi.

Lúc này thì phi cơ đã lên vùng sẵn sàng thả bom yểm trợ. Xác địch quân đầy ngoài tuyến nhưng chúng vẫn bám chắc không chịu rút lui. Pháo Binh Nhảy Dù ngưng tác xạ để phi cơ Mỹ làm việc, những chiếc phóng pháo cơ gầm thét ngang trời thả những loạt bom ngoài vòng rào, chỉ cách vị trí cỡ 50 mét, những núi lửa bốc lên cao sau mỗi tiếng nổ. Lần đầu tiên Nhảy Dù chịu chơi dám cho thả bom gần như vậy và bắn pháo binh cách mình hai ba chục mét (hiệu quả sát hại của pháo binh 105 ly là từ 50 đến 100 m, bắn cách mình cỡ hai 30 mét là rất liều lĩnh và hết sức nguy hiểm). Con cháu bác và đảng cũng không ngờ những người lính Dù chịu đựng dưới mưa pháo khủng khiếp nhiều ngày, phòng tuyến bể hết mà vẫn gan dạ tử thủ như thế.

Dứt loạt phi pháo, địch hô xung phong, nhưng tiếng hô càng lúc càng yếu, chúng đã chém vè vì bị thiệt hại rất nặng nếu không thì đã nhào lên tiếp để lãnh đạn. Những tiếng pháo địch thưa dần nhưng tại các vị trí pháo của ta vẫn còn bị cấm chỉ.

Ngày 2/4/1972 tình hình tại Delta rất nguy ngập, pháo địch ngoài tầm phản pháo của ta liên tục nả vào căn cứ giữa ban ngày, Sĩ quan liên lạc không trợ không xin được các phi vụ diệt pháo địch và các đơn vị địch quân đang bao vây quanh Delta. Việc tiếp tế và tản thương không thể thực hiện được, tình trạng đạn dược và tiếp liệu của TĐ2ND đã cạn kiệt, một Chinook của Mỹ cố gắng đáp xuống tiếp tế đã bị bắn rơi ngay trong căn cứ Delta, 4 phi công phi hành đoàn bị kẹt lại trong căn cứ. Toán rescue của Hoa Kỳ cố gắng làm việc nhưng không thể bốc được phi hành đoàn. Ðêm đến, Cộng quân tiền pháo hậu xung biển người hết lớp nầy đến lớp khác, nhầm mục đích bắt sống cho được 4 phi công Mỹ. Các Binh sĩ của hai ĐĐ22 của Thái Doãn Anh và ĐĐ20 của Đỗ Văn Hiến đều đứng đậy khỏi chiến hào ghìm súng nhả từng tràng đạn. Đám nhóc con Cán binh cộng sản hình như sai thuốc “hùng binh” của Trung cộng, mặt mày ngơ ngác hàng hàng lớp lớp tiến lên rồi rơi rụng trước họng súng đã đỏ nòng của các chiến sĩ Nhảy Dù.

Trong ngày 2/4 nầy, bị cản trở trong việc chuyển quân trên đường mòn HCM vì hỏa lực từ CĐHL 1338 do TĐ3ND gây ra, Cộng quân đã tập trung đại pháo 130 ly, hỏa tập kinh hồn vào cường điểm nầy gây thiệt hại nặng về nhân mạng cho Đại Đội 33 (Đại Đội Trưởng 33 là Trung Úy Nguyễn Hữu On bị thương nặng phải di tản) và làm nổ tung hầm đạn 81 ly dự trữ và hầm chứa mìn chống chiến xa. Sau 2 giờ pháo khốc liệt vào cứ điểm, Cộng quân ào ạt tấn công biển người vào cường điểm nầy. Trước áp lực quá mạnh của địch quân, BCH /TĐ3ND ra lịnh cho ĐĐ33 phá huỷ các súng cộng đồng và triệt thoái khỏi cứ điểm. Hai ngày sau Thiếu Tá TĐP và 49 quân nhân ĐĐ33ND còn sống sót đã về đến được căn cứ Charlie do TĐ11ND trấn đóng. Sau đó, Trung Úy Nguyễn Hữu Viên được chỉ định thay thế chức vụ ĐĐT/ĐĐ33 và đơn vị nầy được di chuyển đến trấn giữ an ninh cho Pháo Đội A2 của Trung Úy Nguyễn Cẩn Ngọc tại làng Polei Dak Mut cạnh bờ sông Po-Ko gần Võ Định.

 

 

Trận ác chiến đêm 3/4/1972 trên đồi Delta:

Từ lúc nửa đêm rạng sáng ngày 3/4/1972, Sư Đoàn 320 CSBV liên tiếp tấn công biển người vào căn cứ “Delta” để cố tràn vào chiếm khu vực trung tâm căn cứ Delta nhưng đã gặp sức kháng cự vô cùng mãnh liệt của các chiến sĩ Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù. Sau nhiều đợt tấn công và pháo kích tới tấp bằng hỏa tiển 122 ly và cối 120 ly kéo dài hơn 1 giờ, từ các cao điểm ở phía Tây và Tây Nam vào vị trí bố phòng của Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù, sau đó bộ binh xung phong theo chiến thuật biển người. Từng đoàn Cộng quân tràn lên phòng tuyến đã bị các Chiến Sỉ mủ đỏ của hai Đại Đội 20 và 22 bắn hạ. Lớp này đến lớp khác, theo lệnh của cán bộ chỉ huy thúc ở phía sau, binh lính CQ đa số còn trẻ, như những người “điếc không sợ súng”, điên cuồng cầm súng chạy lên phía trước, chiến binh Dù bắn gần hết đạn. Xác Cộng quân la liệt quanh vòng đai phòng thủ của các Đại Đội Nhảy Dù. Với lối đánh thí quân này, cuối cùng Cộng quân đã chọc thủng một phần tuyến phòng ngự đầu tiên của Đại Đội 22ND. Liên lạc giữa bộ chỉ huy Tiểu Đoàn và Đại Đội 22 bị gián đoạn.

Tướng Ngô Du và Bộ Tham Mưu đã bay lên căn cứ Võ Định cạnh Quốc lộ 14 để chỉ huy mặt trận. Cố vấn Paul Vann được tin này cũng bay lên quan sát 2 căn cứ “Delta” và “Charlie”. Paul Vann thấy rõ một số Cộng quân đông đảo đang bao vây quanh căn cứ “Delta” giữa hàng rào thứ nhất và thứ hai, ông liền gọi các phi tuần của Không lực Hoa Kỳ cất cánh từ Thái Lan qua oanh kích liên tục chung quanh căn cứ “Delta để yểm trợ căn cứ này.

Trận chiến trở nên hỗn loạn khi cộng quân chọc thủng phòng tuyến tràn vào tới khu vực hầm Trung Tâm Hành Quân (TOC) của Tiểu đoàn. Đại úy Đỗ Văn Hiến Đại Đội Trưởng Đại Đội 20 (Đại Đội Chỉ Huy), điều động toàn Đại Đội nỗ lực chận địch để bảo vệ bộ chỉ huy Tiểu đoàn. Đại Đội trưởng Hiến đã trực tiếp chỉ huy hai khẩu đội đại bác 57 ly và súng cối 81 ly bắn trả quyết liệt, đẩy lùi được các đợt xung phong của địch quân. Dù bị tổn thất nặng, Cộng quân vẫn cố tiến chiếm khu vực trung tâm căn cứ. Trước tình hình nguy kịch, Đại Úy Hiến điều động tổ đại liên tác xạ vào phía địch quân để bảo vệ cho Tiểu Đoàn Trưởng và toán phi hành đoàn 4 quân nhân Hoa Kỳ rút ra phía sau đồi. Cộng quân vẫn cố tràn lên để chiếm hầm truyền tin, Đại Úy Hiến đã cùng với Đại Đội 20 tử chiến để ngăn chận địch. Trong khi đang điều động, vị Đại Đội Trưởng dũng cảm này đã bị trúng đạn AK vào ngực, anh đã ngã xuống ngay trên khẩu đại bác 57 ly.

Đại úy Hiến tử trận, áp lực địch quá mạnh, lực lượng trú phòng buộc phải rút ra khỏi đồi, Cộng quân chiếm hầm truyền tin và chỉ huy. Đến giữa đêm căn cứ bị địch tràn ngập, liên lạc giữa Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù với bộ chỉ huy Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù bị gián đoạn.

Nhưng các chiến sỉ Dù vẫn tiếp tục kháng cự vô cùng mãnh liệt, khoảng 4.00 giờ sáng ngày hôm sau, tại Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù, Đại Tá Trần Quốc Lịch đã ủy nhiệm cho Thiếu Tá Bùi Đức Lạc, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ1Pháo Binh, sử dụng trực thăng CNC do một Trung Tá phi công Hoa Kỳđiều khiển, bay vào vùng đồi Delta. Trực thăng này đã bị các cụm súng phòng không của CQ bố trí quanh các cao điểm bắn lên như mưa, tuy nhiên vị Trung Tá Hoa Kỳ nầy là một phi công nhiều kinh nghiệm về tránh phòng không địch, ông đã cho tắt đèn nên các xạ thủ Cộng quân không định hướng bay của phi cơ được.

Thiếu Tá Lạc, khi vào vùng Delta ngồi trên CNC, nhìn các đường đạn bắn qua lại thì ông nhận ra ngày là Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù đã rút quân khỏi Delta, ông đã điều chỉnh tác xạ đạn nổ chụp ngay trên đỉnh Delta cộng quân đã bị tổn thất nặng, hằng trăm cộng quân phơi xác.

 

 

Tiểu đoàn 2 Nhảy Dù tái chiếm đồi Delta:

7 giờ sáng, từ vòng ngoài Delta, Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù mở cuộc phản công. Cánh quân đầu tiên gồm Đại Đội 20 và Đại Đội 22 do Thiếu Tá Nguyễn Đình Ngọc, Tiểu Đoàn Phó chỉ huy. Với lối đánh tốc chiến, hai Đại Đội 20 và 22 đã trở lại đánh bật cộng quân ra khỏi khu vực trung tâm của căn cứ. Tiếp đó, Thiếu Tá Lê Văn Mạnh, Tiểu Đoàn Trưởng, chỉ huy ba Đại Đội 21, 23 và 24 đang đóng ở các cao điểm phía Bắc, Tây, và Tây Bắc từ ba hướng đồng loạt tiến về đồi Delta để tái chiếm các vị trí còn lại. Một giờ sau, Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù đã kiểm soát toàn bộ khu vực đồi chiến lược Delta. Kết quả Sư Đoàn 320 của CSBV bị thảm bại nặng nề tại căn cứ “Delta”. Hàng trăm Cộng quân nằm chết ngổn ngang trên đồi, tướng Hoàng Minh Thảo phải bổ sung quân số cấp tốc cho Sư Đoàn này để sau đó khoảng 10 ngày (14/4/1972) lại cho mở cuộc tấn công vào căn cứ “Charlie”. Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù tịch thu hơn 200 vũ khí đủ loại, trong đó có cả súng phòng không 12.4 ly (súng phòng không loại mới nhất của CS vào thời điểm nầy).

Trong lúc căn cứ Delta bị Cộng quân tấn công như vũ bảo thì căn cứ Charlie hoàn toàn yên tỉnh. Đại tá Trần Quốc Lịch, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù nhận định rằng địch quân không đủ khả năng mở hai mặt trận cùng một lúc, đối phương thừa rõ đang gặp phải đối thủ có tinh thần và khả năng chiến đấu vượt trội hơn các binh đoàn chủ lực CSBV. Tuy nhiên CQ vẫn không để Charlie yên, đối phương đã sử dụng pháo binh 130 ly để bắn vào mỗi khi có trực thăng đáp xuống.Từ những dấu hiệu đó, Đại Tá Lịch đã ước tính là CQ sẽ tấn công căn cứ Charlie. Trong lần thị sát căn cứ này vào ngày 1/4/1972, ông đã lưu ý Trung Tá Nguyễn Đình Bảo phải làm hai hầm trung tâm hành quân (TOC).các tiền sát viên Pháo binh cần phải điều chỉnh tác xạ cận phòng, tác xạ tiên liệu và vạch sẵn những tác xạ tiêu hủy ngay trên điểm đóng quân.

Ngày 7/4/1972 TÐ2ND rút ra QL14 để bổ sung quân số, toàn bộ Tiểu Đoàn 7ND vào thay thế để khai thác chiến trường và truy kích địch. Hôm đó cũng là lần cuối Đại Tá Lịch đi thị sát căn cứ Charlie. Đại tá Lịch dặn dò Trung Tá Bảo kế hoạch phòng ngự và không quên nhắc vị Tiểu Đoàn Trưởng một sốđiểm như sau: Cộng quân đã sử dụng pháo 130 ly, pháo 122 ly, cũng như các loại hỏa tiễn khi tấn công vào căn cứ Delta. Nếu địch dùng đầu nổ chậm thì không một hầm dã chiến nào của quân trú phòng có thể chịu đựng được, do đó các cấp chỉ huy nên có hầm trú ẩn riêng cho từng người. Hầm Trung Tâm Hành Quân TOC không nên làm lớn. Trong ngày này, các vị trí đóng quân của Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù kể cả Charlie cũng đã bắt đầu bị pháo địch, nhưng vẫn còn ở mức độ nhẹ vì mỗi nơi chỉ bị khoảng 100 đạn đủ loại mỗi ngày mà phần lớn là hỏa tiễn, còn loại pháo 130 ly chỉ ở mức 5 đến 10 quả.

 

 

Trận đánh Charlie (từ 9 – 14/4/1972)

 

 

Charlie là một Căn cứ quân sự nằm trên 3 đỉnh đồi (960m; 1020m và 1050m) nối nhau bởi những dốc đồi yên ngựa thoai thoải, cách Tân Cảnh khoảng 8 km về hướng Tây Nam, là một căn cứ hoả lực nhỏ của Mỹ bỏđã lâu trông rất hoang tàn. Ở xa về hướng Đông Nam, con sông Poko màu bạc uốn khúc theo dãy Trường Sơn rồi đổ ra cắt ngang Quốc Lộ 14 và dãy Trường Sơn ở hướng Tây trùng điệp đồi núi ngút ngàn với đỉnh cao Big Mamma 1773 m và 1513 m. Bao quanh Charlie là những ngọn núi với cao độ trên dưới 1000 met. Phía Tây dưới chân Charlie có một con suối nhỏ dốc đứng rất khó lên xuống là nguồn tiếp tế nước uống và tắm giặt cho các chiến binh trấn thủ nơi đây. Trận chiến diễn ra ác liệt tại quanh khu vực này nên gọi chung là trận Charlie.

 

Kể từ những ngày đầu năm 1972, Căn cứ Charlie được tái lập bởi đơn vị Công Binh SÐ22BB do Trung Ðoàn 42 trách nhiệm trấn thủ. Charlie nằm chận trên con đường chiến lược của địch quân di chuyển từ khu vực tam biên, Hạ Lào sang QL14 rồi xâm nhập vào Tỉnh Kontum vì vậy Cộng quân phải dồn mọi nổ lực để nhổ cái gai Charlie.

Khi Tiểu Đoàn 11 đổ quân xuống, sửa sang lại giao thông hào và giăng lại kẽm gai cho tiện việc phòng thủ. Tình hình mỗi ngày mỗi thêm căng thẳng, địch pháo liên tục từ dảy Big Mamma và bao vây Charlie hằng ngày cỡ trăm quả, nhiều nhất là 130 ly, rồi đến 122 ly ngoài tầm phản pháo của ta. Ðại Tá Trần Quốc Lịch, LĐT/Lữ Ðoàn II Dù cũng đã trình lên Tướng Du xin cho Nhảy Dù rút ra ngoài các căn cứ, Nhảy Dù mà nằm đưa đầu ra lãnh pháo như thế này thì phản chiến thuật quá, nhưng Trung Tướng Ngô Du, Tư Lệnh Quân Ðoàn II vẫn lặng thinh, và Cố Vấn John Paul Vann chẳng hiểu biết gì chiến thuật và vẫn kiên trì áp lực…tử thủ. Quân Đoàn II còn lệnh cho TĐ11Dù ra hố pháo tìm chứng tích của đầu nổ 130 ly mới cho B52 dập. Quân Đoàn cũng chẳng màng gần một phần ba quân số Nhảy Dù bị loại ra ngoài vòng chiến vì đạn pháo và chưa được di tản. Cái hào quang chiến thắng của các cấp chỉ huy chiến trường ngoài binh chủng đo bằng máu của các Chiến sĩ Dù thật quá đắt. Một đơn vị Tổng Trừ Bị cơ động vào bậc nhất của Quân Đội bị chôn chân ở một nơi cố định làm vật tế thần ở Charlie, ngày ngày ăn pháo không khác nào con dê bị trói vào cột đợi ngày hiến tế.

Phòng thủ thụ động chờ lảnh pháo, chờ địch đến vây đánh; sở trường lưu động và tác chiến tấn công của Nhảy Dù không được sử dụng. Sự thông minh tinh tế và bao năm kinh nghiệm xương máu trên chiến trường của những người Sĩ Quan trẻ tuổi ưu tú của QL-VNCH đành bó tay để bảo vệ cái đồi trọc 960 nầy với căn cứ Charlie trơ trọi bốc hơi nóng hừng hực dưới nắng Hè oi bức với những cơn gió Lào nóng rát cắt da xẻ thịt; họ phải chịu đựng, họ phải phục tùng kỷ luật tuyệt đối của Binh Chủng Nhảy Dù.

Ngày 8/4/1972 Không quân VNCH phát giác một rừng phòng không của địch quanh Charlie, chạm địch lẻ tẻ cấp Ðại Ðội quanh căn cứ vào sáng sớm. Rõ ràng địch đã thăm dò và chọn Charlie làm mục tiêu tấn công. Sau khi thất bại ở đỉnh Delta, Tướng Hoàng Minh Thảo của VC cho bổ sung quân số quyết tấn công dứt điểm Charlie để phục hận. Hai Trung Đoàn địch quân số gấp 8 lần TĐ11ND, đang bao vây quanh Charlie cả 3 hướng Ðông, Tây, và Nam, chỉ còn hướng Bắc, gần với ngọn đồi Charlie của Ðại Đội 111 lại là dốc thẳng đứng.

Ngày 9/4/1972 hỏa tiển và đại pháo 120, 130 ly địch cày tung hệ thống phòng thủ, sau 4 giờ pháo kích, với hàng ngàn quả đạn công phá. Ðịch bắt đầu tấn công Charlie vào tuyến Đại Đội 111, trong khi đó chúng vẫn pháo vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn.

Trung Uý Thinh chẳng khác nào một Triệu Tử Long tại trận Đương Dương,Trường Bản, tả xung hữu đột điều động Ðại đội 111 chống trả quyết liệt. Pháo binh, khu trục, trực thăng võ trang trút đủ loại bom đạn lên đầu địch. Sau nhiều đợt xung phong không kết quả, địch rút đi và để lại hàng trăm xác chết với vũ khí ngổn ngang đầy ngất sườn đồi.

Lúc này thì địch đã công khai vừa đánh chúng vừa điều quân, di chuyển quân xa ban ngày, tiếng xích sắt xe tăng, tiếng xe Molotova có thể nghe thấy sau những loạt pháo. Bằng mọi giá chúng phải nhổ cái gai Charlie dầu có hy sinh cả hai Trung Đoàn này thì còn những Trung Đoàn khác sẵn sàng vào trận để lấy tiếng trên bàn hội nghị.

Máy bay yểm trợ cho Charlie thì phải bay đánh một vòng về hướng Tây để thả bom, xong phải chúc mủi về hướng Ðông ra thẳng Quốc Lộ 14, địch đã đặt hai cây phòng không tại đây chận đầu khiến cho máy bay không dám xuống thấp, thỉnh thoảng chúng còn nhắm xuống Charlie trực xạ. Mổi lần máy bay vào vùng là tiếng phòng không từ các hướng nổ đầy trời, và ít nhất cũng cả chục cây phòng không đã được dàn trận. Pháo Binh của ta thì gần như bị tê liệt vì bị pháo cấm chỉ của địch, nhiều chiếc Chinook từ phi trường Phượng Hoàng tải đạn Pháo Binh vừa đến Yankee thì bị pháo và phòng không từ hướng Đông bắn qua phải trở lui, cứ như vậy cả ngày. Pháo của ta cố gắng bắn dâp hai cây phòng không này nhiều lần mà cũng chẳng ăn thua gì. Cả nửa tháng nay chúng đã đào hầm trong núi đợi giờ quyết tử dứt điểm 11 Dù, dầu có bắn trúng cây này thì chúng cũng sẽ điều cây khác đến. Mấy chiếc khu trục đã trúng đạn phòng không, còn trực thăng võ trang của ta hay Cobra của Mỹ là miếng mồi dễ lãnh đạn phòng không nhất nên khó có thể vào vùng.

Sang ngày 10/4/1972 đến giờ phút này thì đả rõ thế nào bọn chúng cũng dứt điểm Charlie, địch quân bắt đầu trận điạ pháo, Căn cứ nhỏ bé như thế mà phải lảnh đủ trên 3 ngàn quả đạn cùng ngày. Ðại Đội 111 bị pháo nặng nề nhất, ngay Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn cũng đang bị pháo, tất cả các đại đội đều đang bị pháo. Pháo Binh của ta cũng bị cấm chỉ không yểm trợ được. Tiếng rít của hỏa tiễn và pháo 130 ly làm tê liệt lệnh lạc. Sau khi ngưng tiếng pháo, Bộ Binh địch quân bắt đầu tấn công… dưới chân đồi 960, lúc nhúc những bóng người ngụy trang bằng những cây lá đang từ từ bò lên dốc. Các chiến sĩ 111Nhảy Dù ghìm tay súng chờ chúng đến gần rồi đồng loạt khai hỏa. Mìn claymore, súng cối, phóng lựu, đại liên, M16…Bom đạn nổ rên khắp cả sườn đồi. Lính CS say thuốc hùng binh, lớp nầy ngã gục lớp khác chồm tiến lên như những con thiêu thân lao vào bóng đèn nóng bỏng.

Các chiến sĩ Nhảy Dù bắn hết đạn tới dùng lưởi lê đánh cận chiến và sau cùng BCH Tiểu Đoàn phải gọi Trung Úy Thinh triệt thoái ĐĐ111 về C2. Việt cộng tràn lên vị trí đóng quân của Đại Đội lo tranh nhau kiếm mấy cái ba lô của binh sĩ bỏ lại, lục lọi tìm kiếm những gạo sây, đồ hộp khui ra ăn tại chổ. Họđã bị bỏđói nhiều ngày, đói quá nên không còn sợ súng đạn gì hết.

Đại đội 112 của Hùng móm phải xuống tiếp đón ĐĐ111 rút về nhập chung với Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn. Pháo Binh Nhảy Dù phải bắn đạn nổ chụp lên đỉnh đồi 960 để ngăn chận Cộng quân tràn vào BCH Tiểu Đoàn. Lữ Ðoàn xin phi cơ quan sát lên vùng và phi pháo của Hoa Kỳ bắt đầu vào vùng oanh tạc quanh căn cứ Charlie. Các phi tuần của Không Quân VNCH tiếp theo vào vùng bay thật thấp để thả chính xác những trái bom napalm, trải những thảm lửa xuống đồi 960. Lửa thiêu cháy Charlie, thiêu luôn cả những con thiêu thân đợi ngày giải thoát.

Trực thăng tản thương không thểđáp được vì hỏa lực phòng không quá mạnh của địch, toàn 12 ly 7 từ các khe núi bắn ra.Trực thăng võ trang oanh kích ít gây tổn thất cho địch. Maj. John Duffy cố vấn của Tiểu Ðoàn 11ND, theo một hệ thống riêng của Lực Lượng Đặc Biệt, xin được mấy phi vụ B52 sẽ thả lúc nửa đêm…

Ngày 11/4/1972, Trung Tướng Ngô Du, Tư lệnh Quân đoàn 2, ông Paul Vann, cố vấn Quân đoàn, Đại Tá Lê Đức Đạt, Tư Lệnh Sư Đoàn 22 BB, đã đến thăm bộ chỉ huy Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù. Đại tá Lịch dù đang bệnh cũng có mặt tại phòng thuyết trình và một lần nữa, ông xin cho Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù được lưu động trong vùng trách nhiệm, nhưng vị Tư Lệnh Quân đoàn 2 không đồng ý. Trung tướng Du còn ra lệnh trực tiếp cho Thiếu Tá Nguyễn Trọng Nhi, Trưởng Ban 3 Lữ Đoàn, báo cho Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù phải lấy mảnh đạn 130 ly gửi về để chứng minh với Quân đoàn và Cố vấn. Trung tướng Ngô Du cho rằng Cộng quân không thể kéo đại pháo 130 ly vào Vùng 2 được. (Thật sự ,việc địch kéo 130 ly vào đây rất dễ dàng, thiết giáp tới được là pháo 130 ly tới được, vì súng 130 ly chỉ cần PT 76 là có thể kéo được)

Ngày nầy địch không tấn công và chỉ pháo cầm chừng. Buổi sáng sương mù nên mãi gần trưa trực thăng tản thương mới vào vùng. Khu trục bao vùng, gunships tác xạ những điểm nghi ngờ trong các khe núi để trực thăng cố gắng đáp. Nhưng vô hiệu, phòng không địch vẫn tác xạ nhưđan lưới. Một trực thăng trúng đạn đang lết ra khỏi vùng… LÐ2ND lại xin Quân Ðoàn yểm trợ B52 nhưng không kết quả.(kể từ 17/3/1972 khi TS2ND bắt được 12 tù binh của SĐ 320CSBV) cho đến ngày 11/4/1972, vẫn chưa có 1 box B 52 nào được thả xuống vùng hành quân qua hệ thống yểm trợ của QĐ2)

Ngày 12/4/1972 địch quân bắt đầu pháo đón chào một ngày mới với hằng ngàn quả đạn nhiều nhất là 130 ly nổ chậm, rồi đến đại bác 122 ly, và cả hoả tiển 122 ly. Tất cả các đại đội đều báo cáo đang bị pháo. Pháo Binh tầm xa của địch rơi vào căn cứ, đến ngày nầy thì tiền sát viên của địch đã điều chỉnh Pháo Binh tác xạ chính xác vào Charlie, nặng nhất là vào BCH Tiểu Đoàn tại C2. Từng tấc đất bị cầy lên như địa ngục có thật, bất cứ đơn vị nào khác mà trấn thủ nơi đây chắc phải tự động rút ra từ lâu rồi. Khoảng 11 giờ trưa một quả đạn rớt vào giao thông hào bên cạnh TOC nên Thiếu Tá Mễ bị thương nhẹ, máu lấm tấm đầy người. Một quả 130 ly trúng hầm chỉ huy của Tr/T Bảo, mấy thân cây lớn đặt ngang hầm sụp đổ hoàn toàn. Ngay lúc đó, Thiếu Tá Duffy vừa chui ra khỏi hầm, đầu ngực đầy máu. Trung Ta Nguyễn Đình Bảo đã tử thương.

 

 

Thiếu Tá Lê Văn Mễ lên chỉ huy thay Tr/T Bảo, đã quá trưa, địch vẫn tiếp tục pháo cả ngày. Căn cứ như bị đào xới. Cây cối đổ gẫy ngổn ngang, Binh sĩ chết và bị thương càng lúc càng cao. Tử thương gần 30 và bị thương nặng nhẹ trên 100. Charlie vẫn mịt mờ bom đạn. Pháo giăng bao phủ khung trời.

 

Pháo vừa ngưng thì địch bắt đầu tấn công. Từ đồi cao nhìn xuống Charlie, những bộ kaki vàng giắt lá cây, hàng hàng lớp lớp xung phong.

Giọng Thinh chắc nịch vang lên trong máy điều động đại đội chống trả. Pháo binh, Không Quân yểm trợ rất hữu hiệu. Ðã mấy lần địch khựng lại, rồi lại tấn công. Mễđiều động mấy tổ đại liên và đại bác 90 của Hùng “móm” kéo xuống lưng đồi tác xạ ngang hông địch. Đoàn Phương Hải hướng dẫn và chỉ điểm cho L19 hướng tấn công của địch.

Khu trục tác xạ oanh kích mục tiêu, từng chiếc phi cơ chúi xuống trút bom Napalm trên đầu địch. Cả một biển lửa bùng lên quanh Charlie. Lửa hừng hực thiêu đốt rừng người, lửa nhân gian cuồng bạo. Bắc quân la hét lăn lộn trong biển lửa. Lửa từ lưng trời chụp xuống, lửa từ chân núi cháy lên.. chỗ nào cũng lửa và lửa.

Phòng không địch tác xạ nhưđan lưới. Hai khu trục trúng đạn, một nổ cháy như một cây đuốc trên không, chiếc còn lại với làn khói trắng sau đuôi bay chớp choáng về hướng Tân Cảnh.(Kỳ bị bắn rớt, còn Long bị bắn ngay đuôi)

Sau nửa ngày thiêu đốt Charlie, từng thảm TOT hỏa tập pháo binh bắn cận phòng với đầu nổ chụp. Ðịch bắt đầu tháo chạy. (TOT là lối tác xạ của nhiều pháo đội Pháo Binh từ nhiều hướng khác nhau cùng bắn tập trung rất nhiều quả đạn vào cùng một mục tiêu).

Ngày 13/4/1972, Không Quân và trực thăng võ trang bắn phá để trực thăng tản thương cố gắng vào vùng. Nhưng tất cả đều vô hiệu, một trúng đạn ở phía bắc Yankee, một nổ tung gần Charlie và một chập choạng bay khỏi vùng với làn khói trắng bên hông. Thế là hết! Hy vọng tan theo mây khói.

Thiếu Tá Mễ ra lệnh cho Hùng mập ÐÐ113 lục soát kiếm bãi đáp phía bắc Charlie. Hùng báo cáo chạm địch khi kiếm ra bãi đáp. Hình như địch quân bố trí tại tất cả những trảng trống chung quanh Charlie để ngăn chặn tiếp tế hoặc đổ quân tiếp viện. Trung Úy Thinh với ÐÐ111 còn khoảng 50 người, dàn đội hình bung mạnh về hướng Đông xem có chỗ nào tải thương được không. Ðộ nửa tiếng sau, súng nổ vang dội từ triền đồi bên kia, 111 lên được gần đến đỉnh đồi thì địch khai hoả, bằng luôn cả phòng không trực xạ và hàng hàng lớp lớp biển người tấn công. Giao tranh dữ dội, Trung úy Thinh, điều động binh sĩ xung phong nhằm áp đảo tinh thần đối phương mong thoát qua được vùng tử địa mà địch quân đã chờ sẳn. Nhưng một tràng đạn AK đã trúng vào người Anh. Chuẩn Úy Ba, một Trung Đôi Trưởng đã nhào lên điều binh bắn trả và rồi Anh cũng bị cùng chung số phận. Đại Đội chỉ còn lại một Sĩ Quan Tiền Sát Viên duy nhất là Trung Úy Nguyễn Văn Khánh, Anh đã cùng Trung sĩ Lung, tay tổ trưởng nổi tiếng tháo vát đã chiến đấu cực kỳ dũng mãnh để đưa xác Thinh và đồng đội trở về căn cứ. Lung là một HSQ gan dạ, nhiều kinh nghiệm chiến trường, tay cầm đại liên quạt tới tấp mở đường máu cho Đại Đội rút lui.

Cộng quân nhiều lần xông lên nhưng đều bị cây đại liên của Lung quật ngã. Một quả B40 sau cùng đã bắn tung người Lung như một quả bóng.

Buổi chiều, địch bắt đầu tấn công sau khi đã mưa pháo vào căn cứ từ lúc trưa. Hơn tuần lễ nay, hầu như ngày nào cũng vài tiếng đồng hồăn pháo. Cây cối đổ gẫy thêm, nằm ngổn ngang. Binh sĩ móc thêm những hàm ếch thật sâu trong các giao thông hào. Chỉ cần đường tơ kẽ tóc để sống còn, nên hệ thống trú ẩn đã được đào sới rất công phu.

Sáng ngày 14/4/1972 BCH Tiểu Đoàn gồm Thiếu Tá Lê Văn Mễ, Thiếu Tá Ðoàn Phương Hải Trưởng Ban 3 giờ kiêm Tiểu Đoàn Phó, Trung Uý Ðúng SQ Pháo Binh, Bác Sĩ Tô Phạm Liệu, một bác sĩ Nhảy Dù mê đánh trận còn hơn cầm ống chích, cùng lấy quyết địch cuối cùng: bỏ Charlie vào lúc 5.00 giờ chiều, sau khi Duffy xin được mấy phi vụ B52 thả xuống phía Nam và phía Đông căn cứ để Tiểu Đoàn di tản. Nhưng vào buổi trưa sau những đợt pháo kích dử dội, địch xung phong lên từ phía Ðại Đội 114 đồng thời pháo luôn các vị trí pháo của ta, địch nhào lên đông như kiến cỏ, Ðại Đội 114 chống cự không nổi phải rút về dàn hàng với Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn, phi cơ cũng đã lên vùng bỏ bom ngay trên tuyến 114, hai bên giành nhau từng hầm hố, từng giao thông hào. Pháo Binh ta bị cấm chỉ coi như bị tê liệt.

Ðợt bom lửa cuối cùng thả ngay trên tuyến phòng thủ đại đội 114 của Trung úy Cho đã đánh bật địch quân ra khỏi tuyến phòng thủ. Chiến trường tạm lắng dịu, chỉ còn tiếng pháo binh tác xạ yểm trợ vào những điểm nghi ngờ địch quân tập trung dưới chân đồi. Giờ phút này, mặc dù chiếm được gần một nửa C2 nhưng địch vẫn chưa dám nhào tới cận chiến nên phòng tuyến thứ hai của ta vẫn giữ được.

Tiểu Đoàn 11 chính thức rời bỏ Charlie vào lúc này, nhờ mấy phi vụđánh bom hồi chiều và ba toán tiền đồn nằm sẵn từ buổi trưa, đoàn quân ào đi không gặp kháng cự. Cũng may địch sợ ta dùng chiến thuật “đồng ư quy tận” tức là gọi Pháo Binh bắn ngay trên đầu cùng chết với địch nên không dám duổi theo, nhờ vậy đoàn quân xuống đến chân đồi không có phát súng nào bắn vói theo. Trời hơi tối, địch cũng không dám pháo kích nữa sợ lộ vị trí, vã lại chúng đã lên đầy trên C2 và giờđây có lẽđang lục hầm kiếm thức ăn, nên Pháo Binh của ta hoạt động lại được bắn chận không cho địch truy kích.

Rút theo hướng Đông Nam độ vài trăm mét thì nghe nhiều tiếng rít xé trời,bom B52 rơi xuống Charlie cày nát thành bình địa. Ðại Đội 113 ở hướng Bắc hầu như còn nguyên vẹn từ ngày đầu đến giờ không bịđánh cũng như không thiệt hại vì pháo kích, nên được lệnh đi ngược xuống Yankee tìm đường ra bãi bốc trên bản đồ cách Charlie khoảng gần 4 cây số. Trời tối, đồi cao, rất khó đi, máy bay lên vùng thả hoả châu soi sáng, những dây đạn M 79 từ phi cơ OV10 rót đều phía sau chận hậu. Binh sĩ còn khoẻ dìu những người bị thương, hết lương thực, đạn dược, thuốc men, và dưới những cơn mưa pháo khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, hơn một trăm con người còn lại chia đều mỗi người đã lãnh cỡ gần 100 trái đại bác, thử hỏi còn có ai chịu đựng được như thế không? Danh tướng Mac Authur đã nói “Tôi thương những người lính bộ binh hằng ngày 24 giờ phải đối diện cái chết trên chiến trường, lại còn phải gánh chịu những bất công của thượng cấp”, hoàn cảnh của Lính Dù còn tệ hại hơn thế nữa, bị trói tay để đánh.

Ngày 15/04/1972 đến gần sáng thì ra đến bãi bốc giống như một cái thung lũng cạnh một con suối, đây là một khoảng trống đầy lau sậy, đại đội 113, Hùng “mập” đang rải quân sát bìa rừng và tung các toán tiền đồn ra xa. Chiến đấu?! Chiến đấu trong thế cùng lực kiệt với quân số 167 người, kể cả thương binh đang kiệt sức vì đói khát đã 3 ngày, nhưng Nhẩy Dù là “cố gắng” nên đoàn quân mũ đỏ lại vùng lên và hướng nhìn Duffy, viên Thiếu Tá Lực Lượng Ðặc Biệt đã sống với Nhảy Dù như anh em, chia nhau từng bát cơm hộp cá. Vết thương rỉ máu trên đầu, trên ngực, nhưng Duffy vẫn cứng như một thỏi thép với cây XM18 và chiếc máy truyền tin đặc biệt của các toán Lực Lượng Ðặc Biệt khi nhảy xâm nhập.

-Chúng ta sẽ có máy bay Mỹ trong 15 phút!

Khi ánh nắng mặt trời đầu tiên trong ngày vừa sáng hẳn lên từ phương Đông thì có tiếng trực thăng bay đến, dẫn đầu là hai chiếc Cobra và phía sau là một đoàn Trực thăng UH1B, hai chiếc Cobra có trang bị rocket bay một vòng quanh bãi bốc quan sát, một trái khói màu vàng được thả ra đánh dấu chỗ trực thăng đáp xuống, chiếc UH1B thứ nhất vừa sà xuống mặt đất thì có tiếng đạn cối rơi xuống nổ ngay chóc bãi đáp rồi hằng chục tiếng pháo cối 82 ly tiếp tục rơi xuống, những chiếc trực thăng vội vàng bay thẳng lên không bốc được toán nào. Dứt loạt cối, Việt cộng từ hai bên triền đồi xuất hiện như mọi da đỏ dàn hàng ngang xung phong y hệt trong phim cao bồi viễn tây, vì đồi lau sậy thưa thớt nên rất dễ thấy, chúng không thổi kèn xung phong mà vừa chạy, vừa bắn, vừa hô “hàng sống chống chết” vang trời.

Tiểu Đoàn 11 Dù đang bị nguyên một Trung Đoàn Việt cộng phục kích, Trung Đoàn này được lệnh đi đánh phi trường Phượng Hoàng đêm trước, khi Tiểu Đoàn 11 Dù rút lui khỏi Charlie, chỉ huy của chúng đoán được ta sẽ bốc quân tại đây nên cho lệnh Trung Đoàn này lui trở lại để phục kích định hốt gọn 11 Dù, bọn chúng tưởng khi pháo ở giữa tất nhiên ta sẽ bung chạy tản ra chung quanh, bọn chúng đã phục kích sẵn sẽ hốt gọn, nhưng không ngờ khi chúng tràn xuống, thì Nhảy Dù cũng bung ra chống cự mãnh liệt. Trận chiến lúc này như một cái nia đựng đậu đen và đậu trắng sàng qua sàng lại lẫn lộn như đang đánh xáp lá cà, chỗ nào cũng có tiếng AK47 và M16 nổ lẫn lộn, một chiếc trực thăng liều chết đáp xuống đất, một số người chạy tới leo lên, những chiếc sau vừa xà xuống thì Việt Cộng cũng rượt gần đến nơi, xạ thủ đại liên Nguyễn Tấn Vinh dừng lại ôm Ðại liên 60 ria hết luôn một dây đạn còn lại, Việt cộng ngả rạp xuống đồi rụng như sung, viên đạn đại liên cuối cùng vừa ra khỏi nòng là mấy cây AK đã chỉa vô đầu Vinh, có lẽ vì cảm phục tinh thần anh dũng của người lính Nhảy Dù này mà chúng không giết để trả thù cho đồng bọn, chỉ bắt sống.

Ðơn vị tan thành từng mảnh nhỏ, từng toán chiến đấu đơn độc. Tiếng chửi thề và tiếng la hét của ta, của địch vang khắp khu rừng lau và các sườn đồi kế cận, chỗ nào cũng có súng nổ. Ðịch gọi tên Mễ, tên Hải ra đầu hàng! Chắc chúng tra khảo thương binh để lấy tin tức. Ngay lúc đó, Duffy vừa liên lạc được với 2 chiếc trực thăng võ trang Cobra và một O2 quan sát. Nhờ địa thế trống trải của khu rừng lau nên Cobra thấy rất rõ đâu là địch, đâu là bạn. BCH Tiểu Đoàn còn 36 người được bốc di tản làm 5 đợt vì mỗi trực thăng chỉ bốc được 6 người.

Nhờ hỏa lực yểm trợ của Cobra, một chiếc trực thăng sau cùng liều mạng đáp xuống bốc được Toán còn lại Mễ, Duffy, Hải và Trung úy Long đang bị địch quân đuổi bắt ráo riết. Thiếu Tá Ðoàn Phương Hải Trưởng ban 3 lại bị một viên đạn AK bắn xuyên bàn chân từ dưới đất lên, rớt xuống máy bay, may nhờ Thiếu Tá Duffy gan dạ quay trực thăng trở lại kéo lên.

 

 

Trong mấy chuyến trực thăng di tản vừa qua, phi công Mỹ muốn Duffy được bốc đầu tiên, nhưng Duffy nhìn các đồng đội và nói: Tôi không bỏ các anh, những chiến hữu đúng nghĩa nhất mà tôi chưa hề gặp trong cả đời chinh chiến. Tôi biết rõ, nếu tôi đi đợt đầu thì chắc khó hy vọng có máy bay trở lại bốc nốt các anh.

Sáng ngày 15, sau khi BCH Tiểu Đoàn 11 di tản, Thiếu Tá Thành bay trực thăng quanh Charlie, cảnh hoang tàn khói lửa vẩn còn nghi ngút, Charlie không còn nữa mà chỉ còn là một vùng đất đỏ, trông như một khu đất mới được cầy lên để chuẩn bị canh tác không một công sự nào còn tồn tại, tất cả mọi sinh vật trong vùng này đều bị hủy diệt và chắc chắn không còn nguyên vẹn hình hài, Một lần cuối cùng Thành nghiêng mình chào vĩnh biệt những thiên thần ớ lại Charlie, và liên lạc với các đơn vị lẻ tẻ bốc họ về Tân Cảnh”.

Riêng các Chiến Binh 11 còn sót lại, Họ bị vây đánh tơi bời, một số bị bắt sống làm tù binh, một sốđã lách được vào các bụi rậm trốn thoát được và gom góp lại mấy ngày sau về tới được Tân Cảnh và được trực thăng tới bốc. Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù, Song Kiếm Trấn Ải Charlie đã để lại nơi đây người anh cả Nguyễn Ðình Bảo cùng 300 đồng đội, và Tiểu Đoàn về được tới Võ Ðịnh trước sau chỉ có mấy chục người, chưa được một Ðại Đội.

Trong ngày nầy, toàn bộ TÐ9ND do Trung Tá Trần Hữu Phú chỉ huy được điều động vào vùng hành quân tăng phái cho BTL SĐ22BB, 2 Ðại Ðội do Thiếu Tá Võ Thanh Ðồng TÐP chỉ huy dùng trực thăng vận đến chiếm giử những dảy đồi hướng Ðông và Ðông Bắc của Tân Cảnh, hai trực thăng bị bắn rơi vì việc dọn bãi đáp quá sơ sài làm 12 chiến sĩ Nhảy Dù bị hy sinh.. 2 Ðại Ðội còn lại tung vào lục soát khu vực xung quanh căn cứ Tân Cảnh, BCH Tiểu Đoàn trấn ngự tại phi trường Phượng Hoàng. Nhờ TĐ9ND án ngữ và an ninh vòng đai nầy nên các toán Trinh sát và tiền sát viên pháo binh của địch bị tóm gọn và ta biết được kế hoạch tấn công Tân Cảnh của địch.

Ngày 18/4/1972 khoảng 23.00 giờ, địch pháo và đánh thăm dò căn cứ Tân Cảnh bằng các loại hỏa tiển 122 ly có dây điều khiển. Đến ngày 19/4/1972 Công quân di chuyển súng phòng không và đại pháo chỉ cách Tân Cảnh 1 km mà thôi. Các đoàn chiến xa và xe cộ của VC di chuyển ban ngày. Quân Ðoàn II đã không có những phản ứng bảo vệđúng mứt.

Ngày 20/4/1972, Ðại Ðội 2 Trinh Sát Nhảy Dù hành quân lục soát quanh BCH Lữ Đoàn 2 ND đã tiêu diệt các tiền sát viên của CS tiến gần căn cứ Võ Ðịnh. Các toán biệt kích và viễn thám của ta phục kích sâu trong rừng, hằng đêm đều nghe tiếng chiến xa của CS di chuyển. BTL/QĐ2 báo động về sự xuất hiện của chiến xa T54 để Tướng Ngô Du và Paul Vann tìm cách đối phó nhưng Paul Vann thì vẫn thái độ hoài nghi. Ông cho rằng đó chỉ là loại xe thường, hoặc là PT76S, chiến xa lội nước hạng nhẹ không đáng kể.

 

 

Trong những ngày 20, 21 và 22/4/1972, các Sư Đoàn địch đã áp sát bao vây Tân Cảnh. Khi đã khám phá đầy đủ các vị trí của địch xuất hiện, Bộ Tham Mưu QĐ trình Tướng Ngô Du phải diệt địch ngay bằng B52 theo như kế hoạch trước đây mà ông và Paul Vann đã tính toán. Nhưng Paul Vann đã từ chối xử dụng B-52, vì trong thâm ý, ông không muốn yểm trợ cho Đại tá Lê Đức Đạt. Tướng Ngô Du nổi giận la to: “Ông Paul Vann, ông là bạn hay là kẻ thù của tôi?”. Paul Vann làm thinh bỏ đi.

 

Ngày 21/4/1972 các đơn vị của TÐ9ND trên các cao điểm chạm địch mạnh, một ÐÐT (Trung Úy Nguyển Văn Phiếu) tử thương, TÐP Võ Thanh Đồng bị thương không sao tản thương được vì phòng không của địch quá mạnh. Các Ðại Ðội Nhảy Dù ở hướng Bắc Tân Cảnh bắt được Tiền Sát Viên pháo địch thuộc SÐ968. (theo cung từ của tù binh nây đương sự mới từ ngoài Bắc về đơn vị nầy và di chuyển từ vùng Hạ Lào sang). Vào lúc 18.00 giờ, địch bắt đầu pháo vào Tân Cảnh càng lúc càng nặng.

Đến 23.00 giờđêm ngày 22/4/1972, toán Cố Vấn SÐ22BB và Đại tá Philip Kaplan trốn khỏi căn cứ trên một trực thăng đáp cạnh Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn và không thông báo cho BTL SÐ22BB biết.

Khoảng 2g sáng, ngày 23/4/1972, 15 chiến xa địch từ hướng Dakto chạy vềđã bao vây căn cứ và bắt đầu tấn công Tân Cảnh. Chiến xa tiến vào phía cổng chính BTL SÐ22BB và khởi sự bắn đại bác không giật và đại liên vào căn cứ. Các quân nhân trong căn cứ cố gắng chống trả, 10 chiến xa bảo vệ căn cứ nghinh chiến nhưng đã bị bắn cháy hết 8 chiếc bằng hỏa tiển AT3, 2 chiếc còn lại bị đứt xich. Lực lượng phòng thủđã kháng cự mãnh liệt suốt ngày với sự yểm trợ tối đa của không quân Việt Nam. Sau cùng lực lượng trú phòng tìm cách mở hàng rào để băng sang phi trường Phượng Hoàng, hy vọng bắt tay với TÐ9ND nhưng không được vì hàng rào quá kiên cố. Ðại tá Ðạt biết tình hình rất bi đát, địch sẽ tràn ngập căn cứ. Ông ra lịnh cho tất cả các sĩ quan và binh sĩ hảy tìm cách thoát ra ngoài trước khi trời sáng. Cho đến 1.00 giờ trưa, thiết giáp PT76 của địch đã vào tới cột cờ, Căn cứ Tân Cảnh thất thủ, Tư Lệnh SĐ22BB tử trận, lúc này TÐ9ND cũng đang bị tấn công mạnh, bốn đại đội tác chiến đều ở ngoài nên BCH/TÐ không có khả năng tiếp cứu.

Sau khi mặt trận Tân Cảnh bị thảm bại, Tư lịnh Sư Đoàn 22BB tử trận ngay bên trong căn cứ. Tướng Ngô Du rất khổ tâm trong thời gian này, Ông bị xúc động mạnh khi được tin Đại tá Lê Đức Đạt tử trận. Những hy vọng thắng trận vinh quang mà ông ấp ủ trong lòng trên 3 tháng nay đã tiêu tan và biến thành thảm bại cay đắng vì có những bất đồng giữa ông và Paul Vann, và thành kiến không tốt của Paul Vann đối với Đại tá Lê Đức Đạt. Do đó, bịnh tim của ông bị tái phát. Ông cho lệnh triệt thoái quân phòng ngự tại các Căn Cứ Hỏa Lực 5 và 6. Trục lộ từ Tân Cảnh về Kontum lúc đó hầu như bị bỏ ngỏ.

Ngày 24/4/1972, LÐ2ND nhận được lệnh từ QÐ2 hướng dẫn những quân nhân thất tán tập trung lại một chỗ rồi phối hợp và chỉ huy 2 phi đoàn Trực Thăng và hai phi đội Chinoock ( một chinoock có thể chở 1 khẩu Ðại Bác 155 hoặc một trung đội Bộ Binh), bốc các đơn vị ra Kon Tum. Sau khi bốc xong LÐ2ND sẽ nhận nhiệm vụ mới, đồng thời Pháo Ðội A1 của Đ/U Đăng ĐìnhTựu đang đóng tại Căn Cứ Mạnh Mẽ ( khoảng giữa KonTum và Võ Ðịnh ) do TÐ/BÐQ bảo vệđang bị áp lực rất nặng nề của địch, được lệnh cuả Quân Ðoàn phá hủy súng rồi trong đêm di chuyển băng rừng rút ra Kon Tum.

Ðại Tá Trần Quốc Lịch/LÐT/LD2ND cho lệnh TÐ9ND, cánh quân Alpha do Tr/T Phú Tiểu Ðoàn Trưởng chỉ huy gồm BCH/TÐ và hai ÐÐ đang hoạt động phiá Bắc và Tây Bắc Tân Cảnh, di chuyển băng rừng về căn cứ Võ Ðịnh, cánh quân Bravo do T/T Ðồng Tiểu Ðoàn Phó chỉ huy gồm 2 Ðại Ðội do Ð/U Lê mạnh Ðường và Tr/U Nguyễn văn Phiếu làm Ðại đội Trưởng chuẩn bị bãi đáp để được bốc về Võ Ðịnh, cánh quân này được ưu tiên bốc trong ngày 24/4/72, vì lúc đó T/T Ðồng bị thương nặng, Tr/u Phiếu tử thương ) nên Ð/U Ðường chỉ huy cánh quân Bravo. Đúng 09.30G trên 40 trực thăng vào vùng bốc toàn bộ cánh quân Bravo cuả TÐ9ND ra khỏi vùng chết về thẳng KonTum , Ðịch không kịp trở tay để bắn ngăn chặn, những chiếc trực thăng cuối có bị địch khai hỏa bằng súng cá nhân nhưng ta hoàn toàn vô sự.

Ngày 25/4/1972 sau chót là màn trực thăng vận các quân nhân tại căn cứ Võ Ðịnh ra Kon Tum, lần này không còn dễ dàng nữa chúng pháo liên tục bằng đủ loại pháo và hoả tiễn. Mãi tới 18.00G Pháo đội A1/ND mới di chuyển bằng đường bộ về tới Kontum. Cuối cùng thì tất cả các đơn vị cũng ra được Kontum trong ngày.

Vì áp lực của cộng quân trên Quân Khu 1 quá nặng nên ngày 27 tháng 4, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ra lệnh rút Bộ Tư Lệnh nhẹ / Sư Đoàn Nhảy Dù, Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù, cùng với 3 Tiểu Đoàn ra khỏi Vùng 2 Chiến Thuật. Để điền khuyết, Sư Đoàn 23 Bộ Binh với Trung Đoàn 53 cơ hữu và Liên Đoàn 6 Biệt Động Quân được gửi vào từ Huế để đảm trách khu vực hành quân của Sư Đoàn Nhảy Dù.

Ngày 28/4/1972, quân Cộng sản tấn công đồn Ben Het bằng 10 chiến xa T54, nhưng đã bi 2 trực thăng võ trang Cobra của Mỹ trang bị hỏa tiễn chống chiến xa, tiêu diệt 5 chiếc T54 tại chỗ, 5 chiếc còn lại phải chạy trốn qua biên giới Lào. Sau đó ta rút quân khỏi đồn này, vì vị trí quá xa và hẻo lánh.

LÐ2ND nhận được linh di chuyển ra Huế để tái chiếm Quảng Tri. Trước khi di chuyển ra Huế QÐ2 bắt buộc LÐ2ND phải khai thông trục lộ Pleiku Kontum nhất là đèo Chu Pao.( Tướng Ngô Dzu chơi chẳng đẹp tí nào ) Trước đó một tháng đèo Chu Pao do đơn vị cơ hữu của Quân Đoàn trấn giữ, đơn vị này đã để Chu Pao lọt vào tay địch quân.( Quân Đoàn II muốn cầm giữ Nhảy Dù bằng cách, giao cho Nhảy Dù nhiệm vụ chiếm lại đỉnh Chu Pao, ai cũng tin rằng Nhảy Dù không sao hoàn thành nhiệm vụ một sớm một chiều được, mà phải mất nhiều ngày, có nhanh cũng phải hàng tuần lễ; Đồng thời theo tin tình báo ba Sư Đoàn của Cộng quân đang hướng về Kontum, Cộng Quân sẽ khởi sựđánh Kontum nay mai, lúc đó Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù đang có mặt tại chỗ, Quân Đoàn II cần có đơn vị đối phó ngay với tình hình chiến trường mới, Quân Đoàn II lấy lý do chính đáng đó để giữ LĐ2ND lại.

Nhưng cả Quân Đoàn II không ngờ, LĐ2ND chỉ sử dụng hai Đại Đội của Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù, trang bị nhẹ (súng cá nhân và lựu đạn), hỏa lực yểm trợ sơ sài, đã lấy lại đỉnh Chu Pao chỉ trong vòng ít tiếng đồng hồ; Quả thật Thiếu Tá Nguyễn Lô đã đánh một trận để đời, cả bạn lẫn địch đều không ngờ.

Sau khi Tân Cảnh bị thất thủ, Tư lịnh Sư Đoàn 22BB chết tại mặt trận, thành phần Bộ Tham Mưu Sư Đoàn và các cấp chỉ huy cũng như binh sĩ bị bắt làm tù binh hay bị chết, chỉ một số rất ít chạy được về Kontum. BTL/Sư Đoàn 22B tan rã. Vì thế, phòng tuyến kiên cố nhất để bảo vệ thị xã Kontum coi như không còn nữa. Tòa hành chánh tỉnh Kontum với dân số 25,000 người sống trong thị xã đã hoang mang giao động cao độ, chuẩn bị tản cư.

Thông thường chiến thuật Cộng quân là thừa thắng xông lên. Do đó BTL/QĐ2 ước lương Cộng quân sẽđánh Kontum, vì nơi đây chỉ có Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân trấn giữ. Tướng Ngô Du phải cho điều động 2 Trung đoàn Bộ Binh từ Ban Mê Thuột lên cố thủ Kontum, chỉ để lại một Trung Đoàn phòng thủ 7 tỉnh phía Nam của Quân đoàn.

Ðại tá Lý Tòng Bá, Tân Tư Lịnh Sư Đoàn 23BB, được chỉ định làm Tư lịnh mặt trận Kontum. Tướng Ngô Du hy vọng Tướng Hoàng Minh Thảo hoãn tấn công vào Kontum 5 ngày thôi, thì ông và Ðại tá Lý Tòng Bá đủ thời gian phối trí quân và đào công sự vững chắc phòng thủ thị xã này.

Cộng quân không tiến quân vào Kontum sau 5 ngày như Tướng Ngô Du dự tính mà đến 20 ngày sau. Như vậy Sư Đoàn 320 và Sư Đoàn 2 của Cộng quân đã bị tổn thất khá nặng trong các cuộc chạm súng trước đây với Lữđoàn Dù và Sư Đoàn 22BB. Các chiến xa T54 của địch cũng bị tiêu hao một số tại phi trường Dakto do Không quân VNCH bắn cháy và một số tại đồn Ben Het do Cobra của Hoa Kỳ phá hủy. Vì thế, Tướng Hoàng Minh Thảo cần có thời gian củng cố lại đơn vị của ông chớ không thể mở cuộc tấn công mới ngay được.

Phối trí xong lực lượng tại Kontum, Tướng Ngô Du ngã bịnh nặng. Ông đã điện thoại yêu cầu Tổng thống Thiệu đề cử người thay thế ông. Tại Saigon, TT Thiệu và Đại tướng Cao Văn Viên tham khảo ý kiến với nhiều vi Trung tướng sau cùng TT Thiệu chọn Thiếu Tướng Nguyễn Văn Toàn, vì Tướng Toàn đồng ý tử thủ tại Kontum.

 

 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn và Quân đoàn II

 

 

Ðầu tháng 5/1972, TT Thiệu bổ nhiệm Thiếu Tướng Nguyễn Văn Toàn giữ chức vụ Tư lịnh Quân Đoàn II thay thế Trung tướng Ngô Du. Ðến Pleiku, việc đầu tiên của Tướng Toàn là tập họp các sĩ quan Quân Đoàn lại và chỉ trích Bộ Tham Mưu của Quân Đoàn yếu kém, thiếu khả năng tham mưu nên tình hình Quân Đoàn mới đen tối như hiện nay. Ông giận dữ và tỏ ý muốn đưa hết các sĩ quan trong Bộ Tham Mưu ra tuyến đầu với các đơn vị để chiến đấu.

 

Sau khi nghe tường trình về tình hình, ông chỉ thị Ðại tá Vĩnh Phúc, Trưởng phòng IV Quân Đoàn, ra làm việc tại phi trường Kontum tiếp nhận vũ khí và đạn dược từ Saigon không vận ra.Thời gian này phi trường Kontum luôn luôn bị pháo kích bằng hỏa tiễn 122 ly, nên có một vài phi cơ C-130 tiếp vận

Tướng Toàn bay lên Kontum, Ðại tá Lý Tòng Bá và Ðại tá Rhotenberry hướng dẫn Tướng Toàn thăm tuyến đầu bảo vệ Kontum về phía Bắc 5 km. Tại đây, các sĩ quan các cấp và các binh sĩ Sư Đoàn 23BB, mỗi người một chiêc xẻng cá nhân, đang hăng say đào công sự phòng thủ. Tướng Toàn vui vẻ an ủi, khích lệ và nhắc nhủ mọi người phải cố gắng chuẩn bị chiến đấu, quyết tâm tử thủ, không để CS chiếm một tấc đất nào tại Kontum.

Ông chỉ thị cho Ðại tá Lý Tòng Bá và các Trung Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn Trưởng phải chọn một số binh sĩ can đảm để thành lập ngay các tổ chống chiến xa bằng súng M72, cho các binh sĩ này thực tập tác xạ để họ tin tưởng rằng vũ khí M72 có thể tiêu diệt được các chiến xa T54 của Cộng quân. Ông cho Ðại Tá Bá biết ông sẽ cho không vận Trung Đoàn còn lại của Sư Đoàn 23BB tại Ban Mê Thuột lên Kontum để Ðại tá Bá có đầy đủ quân số và thống nhất chỉ huy. Về hành chánh, Tướng Toàn chỉ thị Ðại tá Nguyễn Bá Long tự Thìn, Tỉnh trưởng Kontum, phải lo trấn an và ủy lạo dân, làm cho họ tin tuởng vào chính phủ và quân đội. Khuyến khích dân chúng phải hết sức ủng hộ Quân Đoàn để tử thủ.

Trở về Pleiku, Tướng Toàn bàn ngay với cố vấn Paul Vann nhiều giờ về kế hoạch bảo vệ Kontum. Sau đó, ông chỉ thị Ðại tá Hoàng, Tham mưu phó Chiến Tranh Chính trị Quân đoàn xử dụng phi cơ C47 của ông đi Phan Thiết và Saigon mua cá tươi và xoài tượng đem lên phân phát cho các binh sĩ tại Kontum để bữa ăn có thêm chất tươi.

Về hành quân, Tướng Toàn chỉ thị Trung tá Nguyễn Ðức Dung chỉ huy Lữđoàn 2 Thiết Giáp với một Liên Đoàn Biệt Ðộng Quân tăng cường phải đem các chiến xa lên Kontum bằng mọi giá. Ông nói rằng không cần thanh toán các lực lượng địch chốt tại đèo Chu Pao mất thời giờ, phải mở Quốc lộ 14bis vòng quanh sau lưng địch để đi; ông chỉ thị trong 3 ngày phải thực hiện xong cuộc hành quân này. Cuộc hành quân của Trung tá Dung gặp rất nhiều khó khăn vì sức kháng cự của Cộng quân rất mãnh liệt. Nhưng với quyết tâm thi hành đúng chỉ thị của Tư lịnh Quân đoàn, Lữđoàn 2 Thiết Giáp và Biệt Ðộng Quân đã thanh toán và đè bẹp các lực lượng của Cộng quân, mở được Quốc lộ 14bis quanh đèo Chu Pao đem nhiều chiến xa lên mặt trận Kontum đúng ngày N+3. Ðoàn xe thiết giáp và Biệt Ðộng Quân qua cầu Dak-Bla tiến vào Kontum, đồng bào trong thị xã chạy ra xem rất đông, nồng nhiệt chào mừng và hoan hô vang trời. Ðây là chuyện chưa từng có trước đây. Tướng Toàn gắn cấp bậc Ðại tá tại mặt trận cho Trung tá Nguyễn Ðức Dung ở đầu cầu Dak-Bla.

Tính đến ngày thứ ba, kể từ ngày nhận chức, Tướng Toàn đã tăng cường cho Ðại tá Lý Tòng Bá Bá một Trung đoàn Bộ Binh, một Liên đoàn Biệt Ðộng Quân, trên 20 chiến xa thiết giáp, nhiều đạn dược, nguyên liệu, và thuốc men mới được không vận từ Saigon lên. Số đạn dược và nhiên liệu này đủ để bảo đảm cho các đơn vị tại Kontum phòng thủ trong thời gian một tháng. Tình hình Kontum bắt đầu sôi động. Các hỏa tiễn 122 ly của địch cứ đều đều rót vào các căn cứ quân sự và phi trường Kontum làm tinh thần dân và quân luôn luôn bị căng thẳng.

Về tình báo, Tướng Toàn chỉ thị Phòng 2 QĐ phải báo cáo cho ông biết trước ngày giờ Cộng quân tấn công vào Kontum và làm gấp kế hoạch trải thãm B52 phía Bắc tuyến đầu của ta để ông và Paul Vann áp dụng kế hoạch khi địch tấn công. Hôm sau, P2 trình lên ông kế hoạch 100 “Box” B52 (mỗi Box chiều dài 3 km, chiều ngang một km) chận đứng các mũi tấn công và tiêu diệt các ổ phòng không của địch, căn cứ vào địa hình, địa vật và tin tức bằng không ảnh. Tướng Toàn và Paul Vann đã chấp thuận hoàn toàn ý kiến của Phòng 2.

Kontum bấy giờ vẫn nắng bụi, mưa lầy. Nhưng trong cái nắng, cái bụi nhưđang mang mang một cái gì không yên, chứa đựng một cái gì bồn chồn lo âu trên mọi nét mặt từ dân tới lính. Dăm ba trái hỏa tiễn 122 ly của CS rót vào thành phố, càng tạo một không khí chiến tranh thực sựđã về sát Kontum.

 

 

Tướng Hoàng Minh Thảo của CS bị thảm bại trong đợt đầu.

Tướng Toàn rất chú trọng đến vai trò tình báo, nhất là các toán tình báo kỹ thuật điện tử, ngày đêm bám sát địch, không được chểnh mảng trong nhiệm vụ giao phó.

 

 

Ngày 13/5/72, nhân viên kỹ thuật báo cáo đã bắt được mật điện của B3. Trong mật điện này, Bộ tư lịnh B3CS đã ra lịnh như sau: “Mũi tấn công hướng Bắc-Sư Đoàn 2-Stop-Tăng cường mỗi Sư Đoàn 10 T54-Stop-Ngày giờ tấn công hướng Tây Bắc Sư Đoàn 320-Stop-Ngày giờ tấn công 05g00 ngày 14/5/72 Stop”.

Phòng 2 QĐ vội vàng trình ngay tin này cho Tướng Toàn. Ðọc xong mật điện, ông liền bay lên Kontum. Trong giao thông hào của tuyến đầu, Tướng Toàn và Ðại tá Lý Tòng Bá đi từng hầm để nhắn nhủ từng binh sĩ hãy can đảm nằm yên tại chỗ khi địch tấn công. Tướng Toàn nói:”Khi địch nổ súng thì sẽ có B52 thả ngay trên đầu địch. Các em phải chịu khó bịt tai lại và hả miệng để bớt áp lực của bom nổ”. Áp lực của bom sẽ rất lớn đối với các binh sĩ của ta vì theo kế hoạch đã vạch sẵn, B52 sẽ thả bom sát quân ta, ở mức an toàn là 500m thay vì 1000m như thường lệ.

Tại hầm chỉ huy SĐ23BB, Tướng Toàn, Ðại tá Bá, Ðại tá Rhotenberry nghiên cứu trên bản đồ và thảo luận vị trí từng Box B52 sẽ dội bom xuống và thời gian dội. Paul Vann gọi máy yêu cầu Không quân chiến lược Hoa Kỳ (Strategic Air Command) tại Thái Lan để thảo luận về cách thức trải các Box B52 cho thật hợp với tình hình mặt trận dưới đất. Ðêm 13 rạng 14/2/72, Tướng Toàn và Bộ tham mưu Việt – Mỹ đều thức suốt đêm theo dõi tình hình từ

Bàn ra tán vào (0)

Comment




  • Input symbols

Binh Chủng Nhảy Dù-20 Năm Chiến Sự: Mùa Hè Đỏ Lửa 1972

Năm 1972 là năm bầu cử của nước Mỹ xảy ra vào tháng 11, CSBV hy vọng một biến cố quân sự lớn như Tết Mậu Thân sẽ tạo được thuận lợi mới cho họ. Nên CSBV đã phát động chiến dịch tổng công kích vào giữa năm 1972 là thời điểm vận động tranh cử của các ứng cử viên Tổng Thống và Quốc Hội Mỹ

Binh Chủng Nhảy Dù-20 Năm Chiến Sự: Mùa Hè Đỏ Lửa 1972

 



Cập nhật 5/20/2011

Năm 1972 là năm bầu cử của nước Mỹ xảy ra vào tháng 11, CSBV hy vọng một biến cố quân sự lớn như Tết Mậu Thân sẽ tạo được thuận lợi mới cho họ. Nên CSBV đã phát động chiến dịch tổng công kích vào giữa năm 1972 là thời điểm vận động tranh cử của các ứng cử viên Tổng Thống và Quốc Hội Mỹ nhằm vào những thành phần phản chiến và người dân chán ghét chiến tranh. Chiến dịch này được định thời gian cho trùng với giai đoạn đầu của chiến dịch bầu cử Tổng thống và Quốc hội Mỹ , với hy vọng rằng chiến sự leo thang sẽ gây ra áp lực mạnh mẽ tại Mỹ để thành phần phản chiến sẽ vận động đòi hỏi hòa bình và chấm dứt chiến tranh

Thực hiện kế hoạch nầy, cũng như Trận Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân năm 1968, Tướng Giáp đã lại “thí quân” và lần này quyết định tấn công với ba mặt trận lớn được bùng nổ vào mùa Hè 1972.

1- Mặt Trận Quân Khu 2 VNCH: hay còn gọi là mặt trận Tây Nguyên, khởi đầu ngày 3/4/1972, CS tung 3 Sư Đoàn chính quy SĐ2, SĐF10 và SĐ320 và một Trung Đoàn chiến xa vượt biên giới Lào Việt tấn chiếm Kontum và Pleiku với sự yểm trợ của các đơn vị địa phương như SĐ3 Sao Vàng hoạt động trong vùng Bình Định cùng Sư Đoàn 968 từ Hạ Lào vừa kéo sang làm thành phần trừ bị.

2- Mặt Trận Quân Khu 1 VNCH : ngày 4/4/1972, CS tung ba Sư Đoàn chính quy 304, 308, 325, cùng với 4 Trung Đoàn biệt lập 31, 246, 270 và 126 đặc công, hai Trung Đoàn xe tăng 202 & 203 và 3 Trung Đoàn Pháo 36,38 & 84 do Mặt Trận B5 chỉ huy vượt khu Phi Quân Sự tấn công trực diện vào tỉnh Quảng Trị và các Tỉnh thuộc Quân Khu 1 của VNCH với sự phối hợp của các đơn vị địa phương như SĐ324B các Trung Đoàn 5 và 6 tại vùng Thừa Thiên và Đà Nẳng để cầm chân QLVNCH.

 

 

3- Mặt Trận Quân Khu 3 VNCH: ngày 5/4/1972, Cộng Sản tung 4 Sư Đoàn 5, 7, 9 và Bình Long với sự yểm trợ của 200 chiến xa và một Sư Đoàn pháo vượt biên giới tấn chiếm Lộc Ninh và An Lộc nhằm ra mắt cái gọi là Chính phủ bù nhìn Giải Phóng Miền Nam.

 

 

Chiến dịch nầy được nhà văn Phan Nhật Nam đặt tên trong bút ký chiến trường của ông và được mọi người đồng ý là : Mùa Hè Đỏ Lửa

Mùa Hè Đỏ Lửa
Mặt Trận Tây Nguyên

 

 

Từ 17/3/1972 đến 28/5/1972

Bắt đầu từ ngày 27-1-1972. Lực lượng CSBV tại cao nguyên do mặt trận B3, Tư-lệnh là tướng Hoàng Minh Thảo chỉ huy gồm có Sư Đoàn 320 Bắc Việt, vừa di chuyển vào từ Thanh Hoá, Sư Đoàn 2 BV, đơn vị cơ hữu F10 của mặt trận B3, và một Trung đoàn chiến xa. Ngoài các đơn vị kể trên CSBV còn điều động Sư Đoàn 3 Sao vàng và các đơn vị địa phương tăng gia hoạt động tại vùng duyên hải tỉnh Bình Định và miền Nam quân khu II và Sư Đoàn 968 từ Hạ Lào vừa kéo sang làm thành phần trừ bị. Những mục tiêu chính trong chiến dịch tấn công cao nguyên của CSBV là Tân Cảnh, Dakto, các căn cứ hỏa lực dọc theo dảy Rocket Ridge, thị trấn Kontum và Pleiku.

Rocket Ridge là dãy núi có các cao điểm chạy dài từ Bắc xuống Nam, nằm dọc theo quốc lộ 14, kéo dài từ Tân Cảnh đến Kontum. Các đơn vị địa phương của CS thường tấn kích khuấy rối nhằm mục đích đánh lạc hướng các đơn vị Quân lực VNCH, đồng thời hổ trợ cho hai Sư Đoàn chính quy CSBV tấn công vào Kontum. Mọi cố gắng của CSBV trong giai đoạn nầy là nhằm thực hiện cho được mưu đồ nhằm chia cắt Việt Nam Cộng Hoà làm 2 phần.

Khoảng đầu tháng Ba năm 1972, vào mỗi đêm từ Ben Het hướng về phương Bắc, người ta có thể nhìn thấy ánh đèn pha và nghe thấy tiếng động cơ nổ vang rền của đoàn cơ giới Cộng Sản di chuyển về hướng Nam trên đường mòn Hồ Chí Minh bên Lào. Trong khi đó, tại Vùng 2 Chiến Thuật, theo tài liệu tịch thu cho biết Sư Đoàn 320 Cộng Sản Bắc Việt và Trung Đoàn 54 Pháo đã xuất hiện tại vùng Tam Biên, nhưng cố vấn trưởng của Quân Đoàn 2 là John Paul Vann, lúc ấy vẫn còn đặt nghi vấn.

Khi biết tin Sư Đoàn 320 CSBV và trung đoàn 54 pháo binh BV đã xuất hiện tại vùng ba biên giới vào đầu tháng 3/72, Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH điều động LÐ2ND tăng phái cho QÐ2 hành quân tảo thanh VC ở vùng phía Tây Tân Cảnh. BCH/LÐ2ND đến trấn đóng tại làng Võ Ðịnh, cạnh QL14 giữa khoảng Kontum và Dak To. Các đơn vị trực thuộc được bố trí trên các cao điểm ở dảy núi Rocket Rigde về phía Tây QL14 với các căn cứ Alpha, Yankee, Charlie, Delta, Hotel…

Ngày 15/3/1972, TÐ1ND được trực thăng vận đưa vào vùng hoạt động thiết lập căn cứ Alpha phía Bắc của Charlie, bảo vệ Pháo Ðội A1 của Ð/U Nguyển Thành Tửu với 4 khẩu dội 105 ly. Vừa đáp xuống mục tiêu TÐ1ND đã đụng mạnh với các lực lượng chánh quy của CSBV quanh căn cứ.

 

 

Lực lượng Ðịch :

Theo tin tức khai thác từ các tù binh CS thì mặt trận QK2 sẽ bùng nổ vào trung tuần tháng 3/1972, nhưng Hà Nội đã ra lịnh cho Tướng Hoàng Minh Thảo tấn công vào đầu tháng 4/1972 để phối hợp nhịp nhàng với các mặt trận khác tại Quân đoàn I (Quảng Trị) và Quân đoàn III (Bình Long). Tướng Hoàng Minh Thảo sẽ xử dụng Sư Đoàn 2 của CS Bắc Việt đương đầu với các đơn vị của Sư Đoàn 22BB cầm chân Sư Đoàn này tại Tân Cảnh, để Sư Đoàn 320 của CS sẽ tiến quân vào Kontum.

- Mặt trận B3: Tư Lệnh là Tướng Hoàng Minh Thảo

- Sư Ðoàn 320A gồm 3 trung đoàn 52, 64 và 48 di chuyển từ Thanh Hóa vào.

- Sư Ðoàn 2 CSBV gồm 2 trung đoàn1 và 141

- Sư Đoàn 10 gồm có bốn trung đoàn bộ binh: 24, 28, 66 và 95 do Nguyễn Mạnh Quân làm Tư Lệnh, Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy .

- Sư Đoàn 968 làm thành phần trừ bị với 3 trung đoàn bộ binh.

- 1 trung đoàn đặc công 400

- 1 Trung Ðoàn chiến Xa

- 2 Trung Ðoàn Pháo Binh và 6 tiểu đoàn pháo phòng không

-Ngoài ra còn có sự tham gia của các lực lượng vũ trang tại địa phương. Tổng công quân số tham chiến khoảng 20.000 người.

 

 

Lực lượng Bạn :

Để đối phó với tình thế, Tướng Ngô Du đã xử dụng Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù và các đơn vị tăng phái vừa được Bộ TTM tăng cường, tiến chiếm dãy đồi phía Tây sông Poko và thiết lập 2 căn cứ hỏa lực mới là “Charlie” và “Delta” để ngăn chặn Sư Đoàn 320 của CS. Kế hoạch phối trí này rất tốt đẹp lúc đầu.

-SÐ22BB gồm 4 Trung Ðoàn 40, 41,42 và 47BB

-SÐ23BB gồm 3 Trung Ðoàn 44, 45 và 53 BB.

-Lữ Ðoàn 2 ND.với các TÐ 1,2,3,7,9,11ND do Đại Tá Trần Quốc Lịch chỉ huy lập vòng đai từ Tân Cảnh đến Võ Ðịnh.

-TĐ2PBND, ĐĐ2TSND và các đơn vị yểm trợ.

-Thiết Đoàn 14 Kỵ Binh

-BTL/SÐND Tiền Phương đóng tại Kon Tum.

-TÐ5 BĐQ Biên phòng tại Ben Het. để củng cố vững chắc đồn cửa ngõ đi vào lãnh thổ Quân Đoàn II và Quân khu II

-Không Đoàn 72/ Sư Đoàn 2 Không Quân – Pleiku với 1 phi đoàn quan sát (O-1, O-2), 1 phi đoàn cường kích (A-1H), 2 phi đoàn và 2 phi đội trực thăng võ trang (UH-1H).

 

 

Trận đánh Căn cứ Delta

 

 

Delta là một ngọn đồi nằm về hướng Nam căn cứ Charlie, trên đỉnh đồi một bên là rừng già dầy đặc, một bên là cánh rừng thưa, có thể dọn làm một vị trí đóng quân với bải đáp trực thăng được. Nơi đây Cộng quân đã thiết đặt một đơn vị phòng không do một Tiểu đoàn của Trung Đoàn 3/SĐ320 bố trí hệ thống chốt kiền bảo vệ. Do đó địch quân thường gây khó khăn cho các phi vụ tiếp tế của VNCH từ Pleiku đến Tân Cảnh. Vì vậy mà Tướng Ngô Du đã treo giải thường 100.000 đồng cho đơn vị nào bắt được một tù binh của SĐ320 tại vùng nầy. Bộ Chỉ Huy LĐ2ND sau khi quan sát địa thế khu vực đã quyết định chọn nơi đây làm Căn Cứ Delta.

 

Sáng ngày 17/3/1972, sau những trận địa pháo và phi pháo vừa chấm dứt, địch quân chưa kịp hoàn hồn, thì một đoàn trực thăng chuyển quân sà thấp sát đất thả các Thiên Thần Trinh Sát 2 của “Út Bạch Lan” phóng xuống trận địa như những con diều hâu vồ mồi quanh vị trí Delta để săn lùng và tiêu diệt các chốt của TÐ1/ Trung Ðoàn 3/SÐ320. Cả Đại Đội vừa bắn vừa hô xung phong vang rền khắp núi rừng khiến địch quân hoảng hốt đưa tay lên đầu hàng, kẻ nào ngoan cố chống cựđã bị các chiến sĩ Nhảy Dù diệt gọn. Chỉ trong chớp nhoáng, Các chiến sĩ Trinh Sát 2 của Trương Văn Út (danh hiệu truyền tin Út Bạch Lan) đã làm chủ tình hình. Nguyên toán tiền đồn của TĐ1/TrĐ2/SĐ320 đã bị tóm gọn không sót một móng. ĐĐ2TSND đã bắt sống được 12 tù binh và lảnh tiền thưởng đầu tiên của Tướng Ngô Du.

Ngày 18/3/1972 Tiểu Ðoàn 1/3/SÐ320 phản công bao vây để dứt điểm ÐÐ2TS. Út Bạch Lan, Ðại Ðội Trưởng/TS2ND không nao núng, điếu quân phân tán mỏng để một toán nhỏ lừa địch, rồi đưa toàn bộ Đại Đội vòng ra bọc hậu đánh thẳng vào BCH/Tiểu Đoàn địch và tiêu diệt gọn TÐ1/3/320 giết chết viên TÐT là Ðại Úy Trương Hà… Ngay sau đó, để phục thù Trung Ðoàn 3/320 tập trung quân còn lại bao vây TS2 và thề bắt sống Út Bạch Lan cho bằng được. (Út Bạch Lan nỗi danh từ dạo ấy)

Ngày 20/3/1972 TÐ2ND được trực thăng vận đổ quân xuống thiết lập và trấn đóng tại Charlie, và từ Charlie đánh bọc ngang hong TrÐ3/320 để cứu bồ giải vây cho ÐÐ2Trinh Sát ND.

Buổi chiều, TÐ3ND do Thiếu Tá Trần Văn Sơn làm TĐT vừa được không vận đến vùng hành quân và được chỉ định chia quân trấn đóng tại căn cứ 5 & 6 ở về phía cực Bắc của dảy núi Rocket Rigde. Bộ chỉ Huy Tiểu Đoàn đóng tại đồi yên ngựa về phía Tây Nam của Căn Cứ 5.

Sau đó, TĐ3ND lập ngay cường điểm hoả lực (CĐHL, một cứ điểm có nhiều súng cối) tại đỉnh đồi 1338 phía Tây Nam căn cứ 5 để yểm trợ cho các Đại Đội hoạt động chung quanh cũng như tác xạ hỏa tập ngăn chận các cuộc chuyển quân của địch trên đường mòn HCM gần đó. Chỉ huy cường điểm nầy do Thiếu Tá Trần Bá Ngôn TĐP phụ trách và ĐĐ33 bảo vệ an ninh.

Đến ngày 23/3/1972 sau 3 ngày hổn chiến với địch và được TÐ2ND giải vây, 2 đơn vị Nhảy Dù đã dùng ngoại công nội kích với những chiến thuật thần kỳ tam mãnh “mãnh đã, mãnh xung và mãnh truy” đã phá nát Trung Ðoàn 3/SĐ320 của CSBV, Sư Đoàn được hổn danh là “Thép” giờ đây đã bị chảy ra thành nước.

Tin chiến thắng bất ngờ đã làm cho Quân Dân Quân Đoàn 2 phấn khởi, Trung Tướng Ngô Du đã bay ngay đến Delta để trao gắn cấp bậc Đại Úy tại mặt trận cùng Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương cho Trương Văn Út và trao ngay 1 triệu 200 ngàn tiền thưởng đã bắt được 12 tù binh CS cũng như thăng thưởng và ủy lạo cho tất cả các chiến sĩ Nhảy Dù tham chiến.

Ðại Ðội 2 Trinh Sát sau đó được bốc về Võ Ðịnh để nghỉ ngơi và tái trang bị. Trong khi đó Cộng quân khởi sự trận địa pháo liên tục bằng các loại 107, 122, và 130 ly vào các vị trí đóng quân của các đơn vị VNCH kể cả Tân Cảnh và Võ Ðịnh.

Ngày 25/3/1972 Tiểu Ðoàn 11 Nhẩy Dù vừa từ Sài Gòn ra được trực thăng vận vào Charlie thay thế TĐ2ND. Theo sự bố trí đội hình: Ðại úy Hùng (mập), Đại Đội Trưởng Đại Đội 113 ND đóng quân phía bắc Charlie 3 cây số gần chân đỉnh Yankee (C1) ở cao độ trên 1000 mét. Trung úy Thinh, Đại Đội Trưởng ĐĐ111ND, đóng tại C hay Charlie bảo vệ địa điểm lấy nước và bải đáp trực thăng. Ðại úy Hùng, (móm) Đại Đội Trưởng 112ND. Ðại úy Nho, Đại Đội Trưởng 110ND, Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn và Đại Đội 114 của Trung úy Phan Cảnh Cho đóng tại C2, đỉnh cao phía Nam cách Charlie hơn 500 thước. Từ điểm cao C2 này, tiểu đoàn xử dụng để tiếp tế hay khi cần tăng viện, một cách dễ dàng hơn.

TÐ2ND sau khi bàn giao Căn cứ Charlie cho TÐ11ND, tiến về phía Nam nơi đã bắt tay với Trinh Sát 2 ND trước đây để thiết lập căn cứ Delta.

Ngày 28/3/1972, Tr/Ð3/SĐ320 tấn công dò dẩm tung đặc công xâm nhập vào Delta nhưng bị bẻ gãy, các toán đặc công và tiền sát viên tiến vào quanh Delta đều bị bắt trọn ổ. Khai thác tù binh quân ta biết được Cộng quân sẽ dùng 2 Trung Đoàn còn lại của SĐ 320 để tấn công vào Delta.

Tại Võ Ðịnh, BCH/LÐ2ND đã cho TÐ9ND và Trinh Sát 2 mở rộng các phạm vi hoạt động quanh căn cứ và phát giác ra các toán đặc công và tiền sát viên của địch ở phía Bắc và Nam của BCH Lữ Ðoàn và đã diệt gọn. BCH Lữ Đoàn ra lịnh cho TĐ2ND phòng thủ cẩn thận và tiên liệu các mục tiêu tác xạ yểm trợ cận phòng cần thiết. Một cuộc đọ sức giữa TĐ2ND và đơn vị tinh nhuệ SĐ320 của CSBV sắp bắt đầu.

Ngày 29/3/1972 Cộng quân bắt đầu uy hiếp các tiền đồn xung quanh và pháo kích liên tục vào căn cứ Delta. Súng phòng không của địch cũng khởi sự làm khó khăn cho các chuyến tiếp tế và tản thương. Một trực thăng tiếp tế trúng đạn phòng không bị nổ tung, tất cả phi hành đoàn đều tử trận. Kể từ đó việc tiếp tế cho Delta bị gián đoạn.

Vì ngoài tầm phản pháo của ta, nên Nhảy Dù đã tung các toán Viễn Thám của Trinh Sát 2 để hoạt động gài mìn claymore và các bẩy lựu đạn, kết quả tót đẹp. Các báo cáo xin yểm trợ bằng phi cơ chiến lược B52 đều bị Quân Đoàn làm lơ. Việc sử dụng các đơn vị Nhảy Dù đóng đồn tại một địa điểm cố định như những đơn vị Địa Phương Quân là hoàn toàn trái ngược với chiến thuật lưu động của các đơn vị Tổng Trừ Bị, mặc dù BTL/SĐ và Lữ Đoàn Nhảy Dù đã khuyến cáo nhưng Quân Đoàn vẫn không để ý đến.

Ngày nầy TĐ9ND được trực thăng vận đổ xuống trấn đóng tại phi trường Phượng Hoàng để làm thành phần trừ bị. và TĐ7ND được đổ xuống trấn đóng tại căn cứ Hotel phiá Nam Delta để làm giảm áp lực của địch.

Ngày 1/4/1972 căn cứ Delta không thể tiếp tế được, địch quân bám sát chu vi phòng thủ. Ðiểm lấy nước dưới chân đồi bị địch chiếm giữ và một tổ tiền đồn cấp Tiểu Đội bị địch tràn ngập. Sáng ngày quân ta đã chiếm lại được hai vị trí nầy. BCH/TÐ phải điều động ÐÐ24 của Đại Úy Giới đang hoạt động bên ngoài trở về để tăng cường phòng thủ.

Sáng sớm ngày này, một Trung Đoàn của SĐ320 CSBV cũng bắt đầu tấn công Charlie từ hướng Nam, trực diện Ðại Đội 114 của Trung Úy Phan Cảnh Cho. Sau trận mưa đại pháo các loại, địch quân ào ạt xung phong đông như kiến, bám theo các thân cây cổ thụ, dùng đủ các loại súng bắn thẳng vào vị trí Dù. Trong lúc đó, pháo địch cũng chuyển hướng tác xạ vào các vị trí Pháo Binh của ta để cấm chỉ không cho yểm trợ.

Ðại Đội 114 anh dũng bắn trả, Ðại Đội 112 cuả Hùng móm cũng tiếp ứng, những người lính Nhảy Dù thiện chiến nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đứng thẳng từ các chiến hào đan một lưới lửa ra ngoài phòng tuyến, và tất cả hệ thống tác xạ Pháo Binh Nhảy Dù đều chuyển qua yểm trợ khi biết Charlie bị tấn công. Những tràng đạn pháo 105 ly băn hiệu quả tua tủa được gởi tới mục tiêu, những cây cổ thụ ngoài phòng tuyến bật gốc, bụi tung mù mịt, cứ hễ dứt loạt đạn pháo của ta thì địch cũng nhỏm dậy bắn vào. Cộng quân đã đào hầm hố núp ngoài vị trí nên liều lĩnh bắn che cho tốp khác từ hướng Tây Nam tiến lên, bất kể đạn pháo, những con thiêu thân dàn hàng xung phong lên đồi.

Lúc này thì phi cơ đã lên vùng sẵn sàng thả bom yểm trợ. Xác địch quân đầy ngoài tuyến nhưng chúng vẫn bám chắc không chịu rút lui. Pháo Binh Nhảy Dù ngưng tác xạ để phi cơ Mỹ làm việc, những chiếc phóng pháo cơ gầm thét ngang trời thả những loạt bom ngoài vòng rào, chỉ cách vị trí cỡ 50 mét, những núi lửa bốc lên cao sau mỗi tiếng nổ. Lần đầu tiên Nhảy Dù chịu chơi dám cho thả bom gần như vậy và bắn pháo binh cách mình hai ba chục mét (hiệu quả sát hại của pháo binh 105 ly là từ 50 đến 100 m, bắn cách mình cỡ hai 30 mét là rất liều lĩnh và hết sức nguy hiểm). Con cháu bác và đảng cũng không ngờ những người lính Dù chịu đựng dưới mưa pháo khủng khiếp nhiều ngày, phòng tuyến bể hết mà vẫn gan dạ tử thủ như thế.

Dứt loạt phi pháo, địch hô xung phong, nhưng tiếng hô càng lúc càng yếu, chúng đã chém vè vì bị thiệt hại rất nặng nếu không thì đã nhào lên tiếp để lãnh đạn. Những tiếng pháo địch thưa dần nhưng tại các vị trí pháo của ta vẫn còn bị cấm chỉ.

Ngày 2/4/1972 tình hình tại Delta rất nguy ngập, pháo địch ngoài tầm phản pháo của ta liên tục nả vào căn cứ giữa ban ngày, Sĩ quan liên lạc không trợ không xin được các phi vụ diệt pháo địch và các đơn vị địch quân đang bao vây quanh Delta. Việc tiếp tế và tản thương không thể thực hiện được, tình trạng đạn dược và tiếp liệu của TĐ2ND đã cạn kiệt, một Chinook của Mỹ cố gắng đáp xuống tiếp tế đã bị bắn rơi ngay trong căn cứ Delta, 4 phi công phi hành đoàn bị kẹt lại trong căn cứ. Toán rescue của Hoa Kỳ cố gắng làm việc nhưng không thể bốc được phi hành đoàn. Ðêm đến, Cộng quân tiền pháo hậu xung biển người hết lớp nầy đến lớp khác, nhầm mục đích bắt sống cho được 4 phi công Mỹ. Các Binh sĩ của hai ĐĐ22 của Thái Doãn Anh và ĐĐ20 của Đỗ Văn Hiến đều đứng đậy khỏi chiến hào ghìm súng nhả từng tràng đạn. Đám nhóc con Cán binh cộng sản hình như sai thuốc “hùng binh” của Trung cộng, mặt mày ngơ ngác hàng hàng lớp lớp tiến lên rồi rơi rụng trước họng súng đã đỏ nòng của các chiến sĩ Nhảy Dù.

Trong ngày 2/4 nầy, bị cản trở trong việc chuyển quân trên đường mòn HCM vì hỏa lực từ CĐHL 1338 do TĐ3ND gây ra, Cộng quân đã tập trung đại pháo 130 ly, hỏa tập kinh hồn vào cường điểm nầy gây thiệt hại nặng về nhân mạng cho Đại Đội 33 (Đại Đội Trưởng 33 là Trung Úy Nguyễn Hữu On bị thương nặng phải di tản) và làm nổ tung hầm đạn 81 ly dự trữ và hầm chứa mìn chống chiến xa. Sau 2 giờ pháo khốc liệt vào cứ điểm, Cộng quân ào ạt tấn công biển người vào cường điểm nầy. Trước áp lực quá mạnh của địch quân, BCH /TĐ3ND ra lịnh cho ĐĐ33 phá huỷ các súng cộng đồng và triệt thoái khỏi cứ điểm. Hai ngày sau Thiếu Tá TĐP và 49 quân nhân ĐĐ33ND còn sống sót đã về đến được căn cứ Charlie do TĐ11ND trấn đóng. Sau đó, Trung Úy Nguyễn Hữu Viên được chỉ định thay thế chức vụ ĐĐT/ĐĐ33 và đơn vị nầy được di chuyển đến trấn giữ an ninh cho Pháo Đội A2 của Trung Úy Nguyễn Cẩn Ngọc tại làng Polei Dak Mut cạnh bờ sông Po-Ko gần Võ Định.

 

 

Trận ác chiến đêm 3/4/1972 trên đồi Delta:

Từ lúc nửa đêm rạng sáng ngày 3/4/1972, Sư Đoàn 320 CSBV liên tiếp tấn công biển người vào căn cứ “Delta” để cố tràn vào chiếm khu vực trung tâm căn cứ Delta nhưng đã gặp sức kháng cự vô cùng mãnh liệt của các chiến sĩ Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù. Sau nhiều đợt tấn công và pháo kích tới tấp bằng hỏa tiển 122 ly và cối 120 ly kéo dài hơn 1 giờ, từ các cao điểm ở phía Tây và Tây Nam vào vị trí bố phòng của Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù, sau đó bộ binh xung phong theo chiến thuật biển người. Từng đoàn Cộng quân tràn lên phòng tuyến đã bị các Chiến Sỉ mủ đỏ của hai Đại Đội 20 và 22 bắn hạ. Lớp này đến lớp khác, theo lệnh của cán bộ chỉ huy thúc ở phía sau, binh lính CQ đa số còn trẻ, như những người “điếc không sợ súng”, điên cuồng cầm súng chạy lên phía trước, chiến binh Dù bắn gần hết đạn. Xác Cộng quân la liệt quanh vòng đai phòng thủ của các Đại Đội Nhảy Dù. Với lối đánh thí quân này, cuối cùng Cộng quân đã chọc thủng một phần tuyến phòng ngự đầu tiên của Đại Đội 22ND. Liên lạc giữa bộ chỉ huy Tiểu Đoàn và Đại Đội 22 bị gián đoạn.

Tướng Ngô Du và Bộ Tham Mưu đã bay lên căn cứ Võ Định cạnh Quốc lộ 14 để chỉ huy mặt trận. Cố vấn Paul Vann được tin này cũng bay lên quan sát 2 căn cứ “Delta” và “Charlie”. Paul Vann thấy rõ một số Cộng quân đông đảo đang bao vây quanh căn cứ “Delta” giữa hàng rào thứ nhất và thứ hai, ông liền gọi các phi tuần của Không lực Hoa Kỳ cất cánh từ Thái Lan qua oanh kích liên tục chung quanh căn cứ “Delta để yểm trợ căn cứ này.

Trận chiến trở nên hỗn loạn khi cộng quân chọc thủng phòng tuyến tràn vào tới khu vực hầm Trung Tâm Hành Quân (TOC) của Tiểu đoàn. Đại úy Đỗ Văn Hiến Đại Đội Trưởng Đại Đội 20 (Đại Đội Chỉ Huy), điều động toàn Đại Đội nỗ lực chận địch để bảo vệ bộ chỉ huy Tiểu đoàn. Đại Đội trưởng Hiến đã trực tiếp chỉ huy hai khẩu đội đại bác 57 ly và súng cối 81 ly bắn trả quyết liệt, đẩy lùi được các đợt xung phong của địch quân. Dù bị tổn thất nặng, Cộng quân vẫn cố tiến chiếm khu vực trung tâm căn cứ. Trước tình hình nguy kịch, Đại Úy Hiến điều động tổ đại liên tác xạ vào phía địch quân để bảo vệ cho Tiểu Đoàn Trưởng và toán phi hành đoàn 4 quân nhân Hoa Kỳ rút ra phía sau đồi. Cộng quân vẫn cố tràn lên để chiếm hầm truyền tin, Đại Úy Hiến đã cùng với Đại Đội 20 tử chiến để ngăn chận địch. Trong khi đang điều động, vị Đại Đội Trưởng dũng cảm này đã bị trúng đạn AK vào ngực, anh đã ngã xuống ngay trên khẩu đại bác 57 ly.

Đại úy Hiến tử trận, áp lực địch quá mạnh, lực lượng trú phòng buộc phải rút ra khỏi đồi, Cộng quân chiếm hầm truyền tin và chỉ huy. Đến giữa đêm căn cứ bị địch tràn ngập, liên lạc giữa Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù với bộ chỉ huy Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù bị gián đoạn.

Nhưng các chiến sỉ Dù vẫn tiếp tục kháng cự vô cùng mãnh liệt, khoảng 4.00 giờ sáng ngày hôm sau, tại Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù, Đại Tá Trần Quốc Lịch đã ủy nhiệm cho Thiếu Tá Bùi Đức Lạc, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ1Pháo Binh, sử dụng trực thăng CNC do một Trung Tá phi công Hoa Kỳđiều khiển, bay vào vùng đồi Delta. Trực thăng này đã bị các cụm súng phòng không của CQ bố trí quanh các cao điểm bắn lên như mưa, tuy nhiên vị Trung Tá Hoa Kỳ nầy là một phi công nhiều kinh nghiệm về tránh phòng không địch, ông đã cho tắt đèn nên các xạ thủ Cộng quân không định hướng bay của phi cơ được.

Thiếu Tá Lạc, khi vào vùng Delta ngồi trên CNC, nhìn các đường đạn bắn qua lại thì ông nhận ra ngày là Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù đã rút quân khỏi Delta, ông đã điều chỉnh tác xạ đạn nổ chụp ngay trên đỉnh Delta cộng quân đã bị tổn thất nặng, hằng trăm cộng quân phơi xác.

 

 

Tiểu đoàn 2 Nhảy Dù tái chiếm đồi Delta:

7 giờ sáng, từ vòng ngoài Delta, Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù mở cuộc phản công. Cánh quân đầu tiên gồm Đại Đội 20 và Đại Đội 22 do Thiếu Tá Nguyễn Đình Ngọc, Tiểu Đoàn Phó chỉ huy. Với lối đánh tốc chiến, hai Đại Đội 20 và 22 đã trở lại đánh bật cộng quân ra khỏi khu vực trung tâm của căn cứ. Tiếp đó, Thiếu Tá Lê Văn Mạnh, Tiểu Đoàn Trưởng, chỉ huy ba Đại Đội 21, 23 và 24 đang đóng ở các cao điểm phía Bắc, Tây, và Tây Bắc từ ba hướng đồng loạt tiến về đồi Delta để tái chiếm các vị trí còn lại. Một giờ sau, Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù đã kiểm soát toàn bộ khu vực đồi chiến lược Delta. Kết quả Sư Đoàn 320 của CSBV bị thảm bại nặng nề tại căn cứ “Delta”. Hàng trăm Cộng quân nằm chết ngổn ngang trên đồi, tướng Hoàng Minh Thảo phải bổ sung quân số cấp tốc cho Sư Đoàn này để sau đó khoảng 10 ngày (14/4/1972) lại cho mở cuộc tấn công vào căn cứ “Charlie”. Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù tịch thu hơn 200 vũ khí đủ loại, trong đó có cả súng phòng không 12.4 ly (súng phòng không loại mới nhất của CS vào thời điểm nầy).

Trong lúc căn cứ Delta bị Cộng quân tấn công như vũ bảo thì căn cứ Charlie hoàn toàn yên tỉnh. Đại tá Trần Quốc Lịch, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù nhận định rằng địch quân không đủ khả năng mở hai mặt trận cùng một lúc, đối phương thừa rõ đang gặp phải đối thủ có tinh thần và khả năng chiến đấu vượt trội hơn các binh đoàn chủ lực CSBV. Tuy nhiên CQ vẫn không để Charlie yên, đối phương đã sử dụng pháo binh 130 ly để bắn vào mỗi khi có trực thăng đáp xuống.Từ những dấu hiệu đó, Đại Tá Lịch đã ước tính là CQ sẽ tấn công căn cứ Charlie. Trong lần thị sát căn cứ này vào ngày 1/4/1972, ông đã lưu ý Trung Tá Nguyễn Đình Bảo phải làm hai hầm trung tâm hành quân (TOC).các tiền sát viên Pháo binh cần phải điều chỉnh tác xạ cận phòng, tác xạ tiên liệu và vạch sẵn những tác xạ tiêu hủy ngay trên điểm đóng quân.

Ngày 7/4/1972 TÐ2ND rút ra QL14 để bổ sung quân số, toàn bộ Tiểu Đoàn 7ND vào thay thế để khai thác chiến trường và truy kích địch. Hôm đó cũng là lần cuối Đại Tá Lịch đi thị sát căn cứ Charlie. Đại tá Lịch dặn dò Trung Tá Bảo kế hoạch phòng ngự và không quên nhắc vị Tiểu Đoàn Trưởng một sốđiểm như sau: Cộng quân đã sử dụng pháo 130 ly, pháo 122 ly, cũng như các loại hỏa tiễn khi tấn công vào căn cứ Delta. Nếu địch dùng đầu nổ chậm thì không một hầm dã chiến nào của quân trú phòng có thể chịu đựng được, do đó các cấp chỉ huy nên có hầm trú ẩn riêng cho từng người. Hầm Trung Tâm Hành Quân TOC không nên làm lớn. Trong ngày này, các vị trí đóng quân của Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù kể cả Charlie cũng đã bắt đầu bị pháo địch, nhưng vẫn còn ở mức độ nhẹ vì mỗi nơi chỉ bị khoảng 100 đạn đủ loại mỗi ngày mà phần lớn là hỏa tiễn, còn loại pháo 130 ly chỉ ở mức 5 đến 10 quả.

 

 

Trận đánh Charlie (từ 9 – 14/4/1972)

 

 

Charlie là một Căn cứ quân sự nằm trên 3 đỉnh đồi (960m; 1020m và 1050m) nối nhau bởi những dốc đồi yên ngựa thoai thoải, cách Tân Cảnh khoảng 8 km về hướng Tây Nam, là một căn cứ hoả lực nhỏ của Mỹ bỏđã lâu trông rất hoang tàn. Ở xa về hướng Đông Nam, con sông Poko màu bạc uốn khúc theo dãy Trường Sơn rồi đổ ra cắt ngang Quốc Lộ 14 và dãy Trường Sơn ở hướng Tây trùng điệp đồi núi ngút ngàn với đỉnh cao Big Mamma 1773 m và 1513 m. Bao quanh Charlie là những ngọn núi với cao độ trên dưới 1000 met. Phía Tây dưới chân Charlie có một con suối nhỏ dốc đứng rất khó lên xuống là nguồn tiếp tế nước uống và tắm giặt cho các chiến binh trấn thủ nơi đây. Trận chiến diễn ra ác liệt tại quanh khu vực này nên gọi chung là trận Charlie.

 

Kể từ những ngày đầu năm 1972, Căn cứ Charlie được tái lập bởi đơn vị Công Binh SÐ22BB do Trung Ðoàn 42 trách nhiệm trấn thủ. Charlie nằm chận trên con đường chiến lược của địch quân di chuyển từ khu vực tam biên, Hạ Lào sang QL14 rồi xâm nhập vào Tỉnh Kontum vì vậy Cộng quân phải dồn mọi nổ lực để nhổ cái gai Charlie.

Khi Tiểu Đoàn 11 đổ quân xuống, sửa sang lại giao thông hào và giăng lại kẽm gai cho tiện việc phòng thủ. Tình hình mỗi ngày mỗi thêm căng thẳng, địch pháo liên tục từ dảy Big Mamma và bao vây Charlie hằng ngày cỡ trăm quả, nhiều nhất là 130 ly, rồi đến 122 ly ngoài tầm phản pháo của ta. Ðại Tá Trần Quốc Lịch, LĐT/Lữ Ðoàn II Dù cũng đã trình lên Tướng Du xin cho Nhảy Dù rút ra ngoài các căn cứ, Nhảy Dù mà nằm đưa đầu ra lãnh pháo như thế này thì phản chiến thuật quá, nhưng Trung Tướng Ngô Du, Tư Lệnh Quân Ðoàn II vẫn lặng thinh, và Cố Vấn John Paul Vann chẳng hiểu biết gì chiến thuật và vẫn kiên trì áp lực…tử thủ. Quân Đoàn II còn lệnh cho TĐ11Dù ra hố pháo tìm chứng tích của đầu nổ 130 ly mới cho B52 dập. Quân Đoàn cũng chẳng màng gần một phần ba quân số Nhảy Dù bị loại ra ngoài vòng chiến vì đạn pháo và chưa được di tản. Cái hào quang chiến thắng của các cấp chỉ huy chiến trường ngoài binh chủng đo bằng máu của các Chiến sĩ Dù thật quá đắt. Một đơn vị Tổng Trừ Bị cơ động vào bậc nhất của Quân Đội bị chôn chân ở một nơi cố định làm vật tế thần ở Charlie, ngày ngày ăn pháo không khác nào con dê bị trói vào cột đợi ngày hiến tế.

Phòng thủ thụ động chờ lảnh pháo, chờ địch đến vây đánh; sở trường lưu động và tác chiến tấn công của Nhảy Dù không được sử dụng. Sự thông minh tinh tế và bao năm kinh nghiệm xương máu trên chiến trường của những người Sĩ Quan trẻ tuổi ưu tú của QL-VNCH đành bó tay để bảo vệ cái đồi trọc 960 nầy với căn cứ Charlie trơ trọi bốc hơi nóng hừng hực dưới nắng Hè oi bức với những cơn gió Lào nóng rát cắt da xẻ thịt; họ phải chịu đựng, họ phải phục tùng kỷ luật tuyệt đối của Binh Chủng Nhảy Dù.

Ngày 8/4/1972 Không quân VNCH phát giác một rừng phòng không của địch quanh Charlie, chạm địch lẻ tẻ cấp Ðại Ðội quanh căn cứ vào sáng sớm. Rõ ràng địch đã thăm dò và chọn Charlie làm mục tiêu tấn công. Sau khi thất bại ở đỉnh Delta, Tướng Hoàng Minh Thảo của VC cho bổ sung quân số quyết tấn công dứt điểm Charlie để phục hận. Hai Trung Đoàn địch quân số gấp 8 lần TĐ11ND, đang bao vây quanh Charlie cả 3 hướng Ðông, Tây, và Nam, chỉ còn hướng Bắc, gần với ngọn đồi Charlie của Ðại Đội 111 lại là dốc thẳng đứng.

Ngày 9/4/1972 hỏa tiển và đại pháo 120, 130 ly địch cày tung hệ thống phòng thủ, sau 4 giờ pháo kích, với hàng ngàn quả đạn công phá. Ðịch bắt đầu tấn công Charlie vào tuyến Đại Đội 111, trong khi đó chúng vẫn pháo vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn.

Trung Uý Thinh chẳng khác nào một Triệu Tử Long tại trận Đương Dương,Trường Bản, tả xung hữu đột điều động Ðại đội 111 chống trả quyết liệt. Pháo binh, khu trục, trực thăng võ trang trút đủ loại bom đạn lên đầu địch. Sau nhiều đợt xung phong không kết quả, địch rút đi và để lại hàng trăm xác chết với vũ khí ngổn ngang đầy ngất sườn đồi.

Lúc này thì địch đã công khai vừa đánh chúng vừa điều quân, di chuyển quân xa ban ngày, tiếng xích sắt xe tăng, tiếng xe Molotova có thể nghe thấy sau những loạt pháo. Bằng mọi giá chúng phải nhổ cái gai Charlie dầu có hy sinh cả hai Trung Đoàn này thì còn những Trung Đoàn khác sẵn sàng vào trận để lấy tiếng trên bàn hội nghị.

Máy bay yểm trợ cho Charlie thì phải bay đánh một vòng về hướng Tây để thả bom, xong phải chúc mủi về hướng Ðông ra thẳng Quốc Lộ 14, địch đã đặt hai cây phòng không tại đây chận đầu khiến cho máy bay không dám xuống thấp, thỉnh thoảng chúng còn nhắm xuống Charlie trực xạ. Mổi lần máy bay vào vùng là tiếng phòng không từ các hướng nổ đầy trời, và ít nhất cũng cả chục cây phòng không đã được dàn trận. Pháo Binh của ta thì gần như bị tê liệt vì bị pháo cấm chỉ của địch, nhiều chiếc Chinook từ phi trường Phượng Hoàng tải đạn Pháo Binh vừa đến Yankee thì bị pháo và phòng không từ hướng Đông bắn qua phải trở lui, cứ như vậy cả ngày. Pháo của ta cố gắng bắn dâp hai cây phòng không này nhiều lần mà cũng chẳng ăn thua gì. Cả nửa tháng nay chúng đã đào hầm trong núi đợi giờ quyết tử dứt điểm 11 Dù, dầu có bắn trúng cây này thì chúng cũng sẽ điều cây khác đến. Mấy chiếc khu trục đã trúng đạn phòng không, còn trực thăng võ trang của ta hay Cobra của Mỹ là miếng mồi dễ lãnh đạn phòng không nhất nên khó có thể vào vùng.

Sang ngày 10/4/1972 đến giờ phút này thì đả rõ thế nào bọn chúng cũng dứt điểm Charlie, địch quân bắt đầu trận điạ pháo, Căn cứ nhỏ bé như thế mà phải lảnh đủ trên 3 ngàn quả đạn cùng ngày. Ðại Đội 111 bị pháo nặng nề nhất, ngay Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn cũng đang bị pháo, tất cả các đại đội đều đang bị pháo. Pháo Binh của ta cũng bị cấm chỉ không yểm trợ được. Tiếng rít của hỏa tiễn và pháo 130 ly làm tê liệt lệnh lạc. Sau khi ngưng tiếng pháo, Bộ Binh địch quân bắt đầu tấn công… dưới chân đồi 960, lúc nhúc những bóng người ngụy trang bằng những cây lá đang từ từ bò lên dốc. Các chiến sĩ 111Nhảy Dù ghìm tay súng chờ chúng đến gần rồi đồng loạt khai hỏa. Mìn claymore, súng cối, phóng lựu, đại liên, M16…Bom đạn nổ rên khắp cả sườn đồi. Lính CS say thuốc hùng binh, lớp nầy ngã gục lớp khác chồm tiến lên như những con thiêu thân lao vào bóng đèn nóng bỏng.

Các chiến sĩ Nhảy Dù bắn hết đạn tới dùng lưởi lê đánh cận chiến và sau cùng BCH Tiểu Đoàn phải gọi Trung Úy Thinh triệt thoái ĐĐ111 về C2. Việt cộng tràn lên vị trí đóng quân của Đại Đội lo tranh nhau kiếm mấy cái ba lô của binh sĩ bỏ lại, lục lọi tìm kiếm những gạo sây, đồ hộp khui ra ăn tại chổ. Họđã bị bỏđói nhiều ngày, đói quá nên không còn sợ súng đạn gì hết.

Đại đội 112 của Hùng móm phải xuống tiếp đón ĐĐ111 rút về nhập chung với Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn. Pháo Binh Nhảy Dù phải bắn đạn nổ chụp lên đỉnh đồi 960 để ngăn chận Cộng quân tràn vào BCH Tiểu Đoàn. Lữ Ðoàn xin phi cơ quan sát lên vùng và phi pháo của Hoa Kỳ bắt đầu vào vùng oanh tạc quanh căn cứ Charlie. Các phi tuần của Không Quân VNCH tiếp theo vào vùng bay thật thấp để thả chính xác những trái bom napalm, trải những thảm lửa xuống đồi 960. Lửa thiêu cháy Charlie, thiêu luôn cả những con thiêu thân đợi ngày giải thoát.

Trực thăng tản thương không thểđáp được vì hỏa lực phòng không quá mạnh của địch, toàn 12 ly 7 từ các khe núi bắn ra.Trực thăng võ trang oanh kích ít gây tổn thất cho địch. Maj. John Duffy cố vấn của Tiểu Ðoàn 11ND, theo một hệ thống riêng của Lực Lượng Đặc Biệt, xin được mấy phi vụ B52 sẽ thả lúc nửa đêm…

Ngày 11/4/1972, Trung Tướng Ngô Du, Tư lệnh Quân đoàn 2, ông Paul Vann, cố vấn Quân đoàn, Đại Tá Lê Đức Đạt, Tư Lệnh Sư Đoàn 22 BB, đã đến thăm bộ chỉ huy Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù. Đại tá Lịch dù đang bệnh cũng có mặt tại phòng thuyết trình và một lần nữa, ông xin cho Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù được lưu động trong vùng trách nhiệm, nhưng vị Tư Lệnh Quân đoàn 2 không đồng ý. Trung tướng Du còn ra lệnh trực tiếp cho Thiếu Tá Nguyễn Trọng Nhi, Trưởng Ban 3 Lữ Đoàn, báo cho Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù phải lấy mảnh đạn 130 ly gửi về để chứng minh với Quân đoàn và Cố vấn. Trung tướng Ngô Du cho rằng Cộng quân không thể kéo đại pháo 130 ly vào Vùng 2 được. (Thật sự ,việc địch kéo 130 ly vào đây rất dễ dàng, thiết giáp tới được là pháo 130 ly tới được, vì súng 130 ly chỉ cần PT 76 là có thể kéo được)

Ngày nầy địch không tấn công và chỉ pháo cầm chừng. Buổi sáng sương mù nên mãi gần trưa trực thăng tản thương mới vào vùng. Khu trục bao vùng, gunships tác xạ những điểm nghi ngờ trong các khe núi để trực thăng cố gắng đáp. Nhưng vô hiệu, phòng không địch vẫn tác xạ nhưđan lưới. Một trực thăng trúng đạn đang lết ra khỏi vùng… LÐ2ND lại xin Quân Ðoàn yểm trợ B52 nhưng không kết quả.(kể từ 17/3/1972 khi TS2ND bắt được 12 tù binh của SĐ 320CSBV) cho đến ngày 11/4/1972, vẫn chưa có 1 box B 52 nào được thả xuống vùng hành quân qua hệ thống yểm trợ của QĐ2)

Ngày 12/4/1972 địch quân bắt đầu pháo đón chào một ngày mới với hằng ngàn quả đạn nhiều nhất là 130 ly nổ chậm, rồi đến đại bác 122 ly, và cả hoả tiển 122 ly. Tất cả các đại đội đều báo cáo đang bị pháo. Pháo Binh tầm xa của địch rơi vào căn cứ, đến ngày nầy thì tiền sát viên của địch đã điều chỉnh Pháo Binh tác xạ chính xác vào Charlie, nặng nhất là vào BCH Tiểu Đoàn tại C2. Từng tấc đất bị cầy lên như địa ngục có thật, bất cứ đơn vị nào khác mà trấn thủ nơi đây chắc phải tự động rút ra từ lâu rồi. Khoảng 11 giờ trưa một quả đạn rớt vào giao thông hào bên cạnh TOC nên Thiếu Tá Mễ bị thương nhẹ, máu lấm tấm đầy người. Một quả 130 ly trúng hầm chỉ huy của Tr/T Bảo, mấy thân cây lớn đặt ngang hầm sụp đổ hoàn toàn. Ngay lúc đó, Thiếu Tá Duffy vừa chui ra khỏi hầm, đầu ngực đầy máu. Trung Ta Nguyễn Đình Bảo đã tử thương.

 

 

Thiếu Tá Lê Văn Mễ lên chỉ huy thay Tr/T Bảo, đã quá trưa, địch vẫn tiếp tục pháo cả ngày. Căn cứ như bị đào xới. Cây cối đổ gẫy ngổn ngang, Binh sĩ chết và bị thương càng lúc càng cao. Tử thương gần 30 và bị thương nặng nhẹ trên 100. Charlie vẫn mịt mờ bom đạn. Pháo giăng bao phủ khung trời.

 

Pháo vừa ngưng thì địch bắt đầu tấn công. Từ đồi cao nhìn xuống Charlie, những bộ kaki vàng giắt lá cây, hàng hàng lớp lớp xung phong.

Giọng Thinh chắc nịch vang lên trong máy điều động đại đội chống trả. Pháo binh, Không Quân yểm trợ rất hữu hiệu. Ðã mấy lần địch khựng lại, rồi lại tấn công. Mễđiều động mấy tổ đại liên và đại bác 90 của Hùng “móm” kéo xuống lưng đồi tác xạ ngang hông địch. Đoàn Phương Hải hướng dẫn và chỉ điểm cho L19 hướng tấn công của địch.

Khu trục tác xạ oanh kích mục tiêu, từng chiếc phi cơ chúi xuống trút bom Napalm trên đầu địch. Cả một biển lửa bùng lên quanh Charlie. Lửa hừng hực thiêu đốt rừng người, lửa nhân gian cuồng bạo. Bắc quân la hét lăn lộn trong biển lửa. Lửa từ lưng trời chụp xuống, lửa từ chân núi cháy lên.. chỗ nào cũng lửa và lửa.

Phòng không địch tác xạ nhưđan lưới. Hai khu trục trúng đạn, một nổ cháy như một cây đuốc trên không, chiếc còn lại với làn khói trắng sau đuôi bay chớp choáng về hướng Tân Cảnh.(Kỳ bị bắn rớt, còn Long bị bắn ngay đuôi)

Sau nửa ngày thiêu đốt Charlie, từng thảm TOT hỏa tập pháo binh bắn cận phòng với đầu nổ chụp. Ðịch bắt đầu tháo chạy. (TOT là lối tác xạ của nhiều pháo đội Pháo Binh từ nhiều hướng khác nhau cùng bắn tập trung rất nhiều quả đạn vào cùng một mục tiêu).

Ngày 13/4/1972, Không Quân và trực thăng võ trang bắn phá để trực thăng tản thương cố gắng vào vùng. Nhưng tất cả đều vô hiệu, một trúng đạn ở phía bắc Yankee, một nổ tung gần Charlie và một chập choạng bay khỏi vùng với làn khói trắng bên hông. Thế là hết! Hy vọng tan theo mây khói.

Thiếu Tá Mễ ra lệnh cho Hùng mập ÐÐ113 lục soát kiếm bãi đáp phía bắc Charlie. Hùng báo cáo chạm địch khi kiếm ra bãi đáp. Hình như địch quân bố trí tại tất cả những trảng trống chung quanh Charlie để ngăn chặn tiếp tế hoặc đổ quân tiếp viện. Trung Úy Thinh với ÐÐ111 còn khoảng 50 người, dàn đội hình bung mạnh về hướng Đông xem có chỗ nào tải thương được không. Ðộ nửa tiếng sau, súng nổ vang dội từ triền đồi bên kia, 111 lên được gần đến đỉnh đồi thì địch khai hoả, bằng luôn cả phòng không trực xạ và hàng hàng lớp lớp biển người tấn công. Giao tranh dữ dội, Trung úy Thinh, điều động binh sĩ xung phong nhằm áp đảo tinh thần đối phương mong thoát qua được vùng tử địa mà địch quân đã chờ sẳn. Nhưng một tràng đạn AK đã trúng vào người Anh. Chuẩn Úy Ba, một Trung Đôi Trưởng đã nhào lên điều binh bắn trả và rồi Anh cũng bị cùng chung số phận. Đại Đội chỉ còn lại một Sĩ Quan Tiền Sát Viên duy nhất là Trung Úy Nguyễn Văn Khánh, Anh đã cùng Trung sĩ Lung, tay tổ trưởng nổi tiếng tháo vát đã chiến đấu cực kỳ dũng mãnh để đưa xác Thinh và đồng đội trở về căn cứ. Lung là một HSQ gan dạ, nhiều kinh nghiệm chiến trường, tay cầm đại liên quạt tới tấp mở đường máu cho Đại Đội rút lui.

Cộng quân nhiều lần xông lên nhưng đều bị cây đại liên của Lung quật ngã. Một quả B40 sau cùng đã bắn tung người Lung như một quả bóng.

Buổi chiều, địch bắt đầu tấn công sau khi đã mưa pháo vào căn cứ từ lúc trưa. Hơn tuần lễ nay, hầu như ngày nào cũng vài tiếng đồng hồăn pháo. Cây cối đổ gẫy thêm, nằm ngổn ngang. Binh sĩ móc thêm những hàm ếch thật sâu trong các giao thông hào. Chỉ cần đường tơ kẽ tóc để sống còn, nên hệ thống trú ẩn đã được đào sới rất công phu.

Sáng ngày 14/4/1972 BCH Tiểu Đoàn gồm Thiếu Tá Lê Văn Mễ, Thiếu Tá Ðoàn Phương Hải Trưởng Ban 3 giờ kiêm Tiểu Đoàn Phó, Trung Uý Ðúng SQ Pháo Binh, Bác Sĩ Tô Phạm Liệu, một bác sĩ Nhảy Dù mê đánh trận còn hơn cầm ống chích, cùng lấy quyết địch cuối cùng: bỏ Charlie vào lúc 5.00 giờ chiều, sau khi Duffy xin được mấy phi vụ B52 thả xuống phía Nam và phía Đông căn cứ để Tiểu Đoàn di tản. Nhưng vào buổi trưa sau những đợt pháo kích dử dội, địch xung phong lên từ phía Ðại Đội 114 đồng thời pháo luôn các vị trí pháo của ta, địch nhào lên đông như kiến cỏ, Ðại Đội 114 chống cự không nổi phải rút về dàn hàng với Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn, phi cơ cũng đã lên vùng bỏ bom ngay trên tuyến 114, hai bên giành nhau từng hầm hố, từng giao thông hào. Pháo Binh ta bị cấm chỉ coi như bị tê liệt.

Ðợt bom lửa cuối cùng thả ngay trên tuyến phòng thủ đại đội 114 của Trung úy Cho đã đánh bật địch quân ra khỏi tuyến phòng thủ. Chiến trường tạm lắng dịu, chỉ còn tiếng pháo binh tác xạ yểm trợ vào những điểm nghi ngờ địch quân tập trung dưới chân đồi. Giờ phút này, mặc dù chiếm được gần một nửa C2 nhưng địch vẫn chưa dám nhào tới cận chiến nên phòng tuyến thứ hai của ta vẫn giữ được.

Tiểu Đoàn 11 chính thức rời bỏ Charlie vào lúc này, nhờ mấy phi vụđánh bom hồi chiều và ba toán tiền đồn nằm sẵn từ buổi trưa, đoàn quân ào đi không gặp kháng cự. Cũng may địch sợ ta dùng chiến thuật “đồng ư quy tận” tức là gọi Pháo Binh bắn ngay trên đầu cùng chết với địch nên không dám duổi theo, nhờ vậy đoàn quân xuống đến chân đồi không có phát súng nào bắn vói theo. Trời hơi tối, địch cũng không dám pháo kích nữa sợ lộ vị trí, vã lại chúng đã lên đầy trên C2 và giờđây có lẽđang lục hầm kiếm thức ăn, nên Pháo Binh của ta hoạt động lại được bắn chận không cho địch truy kích.

Rút theo hướng Đông Nam độ vài trăm mét thì nghe nhiều tiếng rít xé trời,bom B52 rơi xuống Charlie cày nát thành bình địa. Ðại Đội 113 ở hướng Bắc hầu như còn nguyên vẹn từ ngày đầu đến giờ không bịđánh cũng như không thiệt hại vì pháo kích, nên được lệnh đi ngược xuống Yankee tìm đường ra bãi bốc trên bản đồ cách Charlie khoảng gần 4 cây số. Trời tối, đồi cao, rất khó đi, máy bay lên vùng thả hoả châu soi sáng, những dây đạn M 79 từ phi cơ OV10 rót đều phía sau chận hậu. Binh sĩ còn khoẻ dìu những người bị thương, hết lương thực, đạn dược, thuốc men, và dưới những cơn mưa pháo khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, hơn một trăm con người còn lại chia đều mỗi người đã lãnh cỡ gần 100 trái đại bác, thử hỏi còn có ai chịu đựng được như thế không? Danh tướng Mac Authur đã nói “Tôi thương những người lính bộ binh hằng ngày 24 giờ phải đối diện cái chết trên chiến trường, lại còn phải gánh chịu những bất công của thượng cấp”, hoàn cảnh của Lính Dù còn tệ hại hơn thế nữa, bị trói tay để đánh.

Ngày 15/04/1972 đến gần sáng thì ra đến bãi bốc giống như một cái thung lũng cạnh một con suối, đây là một khoảng trống đầy lau sậy, đại đội 113, Hùng “mập” đang rải quân sát bìa rừng và tung các toán tiền đồn ra xa. Chiến đấu?! Chiến đấu trong thế cùng lực kiệt với quân số 167 người, kể cả thương binh đang kiệt sức vì đói khát đã 3 ngày, nhưng Nhẩy Dù là “cố gắng” nên đoàn quân mũ đỏ lại vùng lên và hướng nhìn Duffy, viên Thiếu Tá Lực Lượng Ðặc Biệt đã sống với Nhảy Dù như anh em, chia nhau từng bát cơm hộp cá. Vết thương rỉ máu trên đầu, trên ngực, nhưng Duffy vẫn cứng như một thỏi thép với cây XM18 và chiếc máy truyền tin đặc biệt của các toán Lực Lượng Ðặc Biệt khi nhảy xâm nhập.

-Chúng ta sẽ có máy bay Mỹ trong 15 phút!

Khi ánh nắng mặt trời đầu tiên trong ngày vừa sáng hẳn lên từ phương Đông thì có tiếng trực thăng bay đến, dẫn đầu là hai chiếc Cobra và phía sau là một đoàn Trực thăng UH1B, hai chiếc Cobra có trang bị rocket bay một vòng quanh bãi bốc quan sát, một trái khói màu vàng được thả ra đánh dấu chỗ trực thăng đáp xuống, chiếc UH1B thứ nhất vừa sà xuống mặt đất thì có tiếng đạn cối rơi xuống nổ ngay chóc bãi đáp rồi hằng chục tiếng pháo cối 82 ly tiếp tục rơi xuống, những chiếc trực thăng vội vàng bay thẳng lên không bốc được toán nào. Dứt loạt cối, Việt cộng từ hai bên triền đồi xuất hiện như mọi da đỏ dàn hàng ngang xung phong y hệt trong phim cao bồi viễn tây, vì đồi lau sậy thưa thớt nên rất dễ thấy, chúng không thổi kèn xung phong mà vừa chạy, vừa bắn, vừa hô “hàng sống chống chết” vang trời.

Tiểu Đoàn 11 Dù đang bị nguyên một Trung Đoàn Việt cộng phục kích, Trung Đoàn này được lệnh đi đánh phi trường Phượng Hoàng đêm trước, khi Tiểu Đoàn 11 Dù rút lui khỏi Charlie, chỉ huy của chúng đoán được ta sẽ bốc quân tại đây nên cho lệnh Trung Đoàn này lui trở lại để phục kích định hốt gọn 11 Dù, bọn chúng tưởng khi pháo ở giữa tất nhiên ta sẽ bung chạy tản ra chung quanh, bọn chúng đã phục kích sẵn sẽ hốt gọn, nhưng không ngờ khi chúng tràn xuống, thì Nhảy Dù cũng bung ra chống cự mãnh liệt. Trận chiến lúc này như một cái nia đựng đậu đen và đậu trắng sàng qua sàng lại lẫn lộn như đang đánh xáp lá cà, chỗ nào cũng có tiếng AK47 và M16 nổ lẫn lộn, một chiếc trực thăng liều chết đáp xuống đất, một số người chạy tới leo lên, những chiếc sau vừa xà xuống thì Việt Cộng cũng rượt gần đến nơi, xạ thủ đại liên Nguyễn Tấn Vinh dừng lại ôm Ðại liên 60 ria hết luôn một dây đạn còn lại, Việt cộng ngả rạp xuống đồi rụng như sung, viên đạn đại liên cuối cùng vừa ra khỏi nòng là mấy cây AK đã chỉa vô đầu Vinh, có lẽ vì cảm phục tinh thần anh dũng của người lính Nhảy Dù này mà chúng không giết để trả thù cho đồng bọn, chỉ bắt sống.

Ðơn vị tan thành từng mảnh nhỏ, từng toán chiến đấu đơn độc. Tiếng chửi thề và tiếng la hét của ta, của địch vang khắp khu rừng lau và các sườn đồi kế cận, chỗ nào cũng có súng nổ. Ðịch gọi tên Mễ, tên Hải ra đầu hàng! Chắc chúng tra khảo thương binh để lấy tin tức. Ngay lúc đó, Duffy vừa liên lạc được với 2 chiếc trực thăng võ trang Cobra và một O2 quan sát. Nhờ địa thế trống trải của khu rừng lau nên Cobra thấy rất rõ đâu là địch, đâu là bạn. BCH Tiểu Đoàn còn 36 người được bốc di tản làm 5 đợt vì mỗi trực thăng chỉ bốc được 6 người.

Nhờ hỏa lực yểm trợ của Cobra, một chiếc trực thăng sau cùng liều mạng đáp xuống bốc được Toán còn lại Mễ, Duffy, Hải và Trung úy Long đang bị địch quân đuổi bắt ráo riết. Thiếu Tá Ðoàn Phương Hải Trưởng ban 3 lại bị một viên đạn AK bắn xuyên bàn chân từ dưới đất lên, rớt xuống máy bay, may nhờ Thiếu Tá Duffy gan dạ quay trực thăng trở lại kéo lên.

 

 

Trong mấy chuyến trực thăng di tản vừa qua, phi công Mỹ muốn Duffy được bốc đầu tiên, nhưng Duffy nhìn các đồng đội và nói: Tôi không bỏ các anh, những chiến hữu đúng nghĩa nhất mà tôi chưa hề gặp trong cả đời chinh chiến. Tôi biết rõ, nếu tôi đi đợt đầu thì chắc khó hy vọng có máy bay trở lại bốc nốt các anh.

Sáng ngày 15, sau khi BCH Tiểu Đoàn 11 di tản, Thiếu Tá Thành bay trực thăng quanh Charlie, cảnh hoang tàn khói lửa vẩn còn nghi ngút, Charlie không còn nữa mà chỉ còn là một vùng đất đỏ, trông như một khu đất mới được cầy lên để chuẩn bị canh tác không một công sự nào còn tồn tại, tất cả mọi sinh vật trong vùng này đều bị hủy diệt và chắc chắn không còn nguyên vẹn hình hài, Một lần cuối cùng Thành nghiêng mình chào vĩnh biệt những thiên thần ớ lại Charlie, và liên lạc với các đơn vị lẻ tẻ bốc họ về Tân Cảnh”.

Riêng các Chiến Binh 11 còn sót lại, Họ bị vây đánh tơi bời, một số bị bắt sống làm tù binh, một sốđã lách được vào các bụi rậm trốn thoát được và gom góp lại mấy ngày sau về tới được Tân Cảnh và được trực thăng tới bốc. Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù, Song Kiếm Trấn Ải Charlie đã để lại nơi đây người anh cả Nguyễn Ðình Bảo cùng 300 đồng đội, và Tiểu Đoàn về được tới Võ Ðịnh trước sau chỉ có mấy chục người, chưa được một Ðại Đội.

Trong ngày nầy, toàn bộ TÐ9ND do Trung Tá Trần Hữu Phú chỉ huy được điều động vào vùng hành quân tăng phái cho BTL SĐ22BB, 2 Ðại Ðội do Thiếu Tá Võ Thanh Ðồng TÐP chỉ huy dùng trực thăng vận đến chiếm giử những dảy đồi hướng Ðông và Ðông Bắc của Tân Cảnh, hai trực thăng bị bắn rơi vì việc dọn bãi đáp quá sơ sài làm 12 chiến sĩ Nhảy Dù bị hy sinh.. 2 Ðại Ðội còn lại tung vào lục soát khu vực xung quanh căn cứ Tân Cảnh, BCH Tiểu Đoàn trấn ngự tại phi trường Phượng Hoàng. Nhờ TĐ9ND án ngữ và an ninh vòng đai nầy nên các toán Trinh sát và tiền sát viên pháo binh của địch bị tóm gọn và ta biết được kế hoạch tấn công Tân Cảnh của địch.

Ngày 18/4/1972 khoảng 23.00 giờ, địch pháo và đánh thăm dò căn cứ Tân Cảnh bằng các loại hỏa tiển 122 ly có dây điều khiển. Đến ngày 19/4/1972 Công quân di chuyển súng phòng không và đại pháo chỉ cách Tân Cảnh 1 km mà thôi. Các đoàn chiến xa và xe cộ của VC di chuyển ban ngày. Quân Ðoàn II đã không có những phản ứng bảo vệđúng mứt.

Ngày 20/4/1972, Ðại Ðội 2 Trinh Sát Nhảy Dù hành quân lục soát quanh BCH Lữ Đoàn 2 ND đã tiêu diệt các tiền sát viên của CS tiến gần căn cứ Võ Ðịnh. Các toán biệt kích và viễn thám của ta phục kích sâu trong rừng, hằng đêm đều nghe tiếng chiến xa của CS di chuyển. BTL/QĐ2 báo động về sự xuất hiện của chiến xa T54 để Tướng Ngô Du và Paul Vann tìm cách đối phó nhưng Paul Vann thì vẫn thái độ hoài nghi. Ông cho rằng đó chỉ là loại xe thường, hoặc là PT76S, chiến xa lội nước hạng nhẹ không đáng kể.

 

 

Trong những ngày 20, 21 và 22/4/1972, các Sư Đoàn địch đã áp sát bao vây Tân Cảnh. Khi đã khám phá đầy đủ các vị trí của địch xuất hiện, Bộ Tham Mưu QĐ trình Tướng Ngô Du phải diệt địch ngay bằng B52 theo như kế hoạch trước đây mà ông và Paul Vann đã tính toán. Nhưng Paul Vann đã từ chối xử dụng B-52, vì trong thâm ý, ông không muốn yểm trợ cho Đại tá Lê Đức Đạt. Tướng Ngô Du nổi giận la to: “Ông Paul Vann, ông là bạn hay là kẻ thù của tôi?”. Paul Vann làm thinh bỏ đi.

 

Ngày 21/4/1972 các đơn vị của TÐ9ND trên các cao điểm chạm địch mạnh, một ÐÐT (Trung Úy Nguyển Văn Phiếu) tử thương, TÐP Võ Thanh Đồng bị thương không sao tản thương được vì phòng không của địch quá mạnh. Các Ðại Ðội Nhảy Dù ở hướng Bắc Tân Cảnh bắt được Tiền Sát Viên pháo địch thuộc SÐ968. (theo cung từ của tù binh nây đương sự mới từ ngoài Bắc về đơn vị nầy và di chuyển từ vùng Hạ Lào sang). Vào lúc 18.00 giờ, địch bắt đầu pháo vào Tân Cảnh càng lúc càng nặng.

Đến 23.00 giờđêm ngày 22/4/1972, toán Cố Vấn SÐ22BB và Đại tá Philip Kaplan trốn khỏi căn cứ trên một trực thăng đáp cạnh Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn và không thông báo cho BTL SÐ22BB biết.

Khoảng 2g sáng, ngày 23/4/1972, 15 chiến xa địch từ hướng Dakto chạy vềđã bao vây căn cứ và bắt đầu tấn công Tân Cảnh. Chiến xa tiến vào phía cổng chính BTL SÐ22BB và khởi sự bắn đại bác không giật và đại liên vào căn cứ. Các quân nhân trong căn cứ cố gắng chống trả, 10 chiến xa bảo vệ căn cứ nghinh chiến nhưng đã bị bắn cháy hết 8 chiếc bằng hỏa tiển AT3, 2 chiếc còn lại bị đứt xich. Lực lượng phòng thủđã kháng cự mãnh liệt suốt ngày với sự yểm trợ tối đa của không quân Việt Nam. Sau cùng lực lượng trú phòng tìm cách mở hàng rào để băng sang phi trường Phượng Hoàng, hy vọng bắt tay với TÐ9ND nhưng không được vì hàng rào quá kiên cố. Ðại tá Ðạt biết tình hình rất bi đát, địch sẽ tràn ngập căn cứ. Ông ra lịnh cho tất cả các sĩ quan và binh sĩ hảy tìm cách thoát ra ngoài trước khi trời sáng. Cho đến 1.00 giờ trưa, thiết giáp PT76 của địch đã vào tới cột cờ, Căn cứ Tân Cảnh thất thủ, Tư Lệnh SĐ22BB tử trận, lúc này TÐ9ND cũng đang bị tấn công mạnh, bốn đại đội tác chiến đều ở ngoài nên BCH/TÐ không có khả năng tiếp cứu.

Sau khi mặt trận Tân Cảnh bị thảm bại, Tư lịnh Sư Đoàn 22BB tử trận ngay bên trong căn cứ. Tướng Ngô Du rất khổ tâm trong thời gian này, Ông bị xúc động mạnh khi được tin Đại tá Lê Đức Đạt tử trận. Những hy vọng thắng trận vinh quang mà ông ấp ủ trong lòng trên 3 tháng nay đã tiêu tan và biến thành thảm bại cay đắng vì có những bất đồng giữa ông và Paul Vann, và thành kiến không tốt của Paul Vann đối với Đại tá Lê Đức Đạt. Do đó, bịnh tim của ông bị tái phát. Ông cho lệnh triệt thoái quân phòng ngự tại các Căn Cứ Hỏa Lực 5 và 6. Trục lộ từ Tân Cảnh về Kontum lúc đó hầu như bị bỏ ngỏ.

Ngày 24/4/1972, LÐ2ND nhận được lệnh từ QÐ2 hướng dẫn những quân nhân thất tán tập trung lại một chỗ rồi phối hợp và chỉ huy 2 phi đoàn Trực Thăng và hai phi đội Chinoock ( một chinoock có thể chở 1 khẩu Ðại Bác 155 hoặc một trung đội Bộ Binh), bốc các đơn vị ra Kon Tum. Sau khi bốc xong LÐ2ND sẽ nhận nhiệm vụ mới, đồng thời Pháo Ðội A1 của Đ/U Đăng ĐìnhTựu đang đóng tại Căn Cứ Mạnh Mẽ ( khoảng giữa KonTum và Võ Ðịnh ) do TÐ/BÐQ bảo vệđang bị áp lực rất nặng nề của địch, được lệnh cuả Quân Ðoàn phá hủy súng rồi trong đêm di chuyển băng rừng rút ra Kon Tum.

Ðại Tá Trần Quốc Lịch/LÐT/LD2ND cho lệnh TÐ9ND, cánh quân Alpha do Tr/T Phú Tiểu Ðoàn Trưởng chỉ huy gồm BCH/TÐ và hai ÐÐ đang hoạt động phiá Bắc và Tây Bắc Tân Cảnh, di chuyển băng rừng về căn cứ Võ Ðịnh, cánh quân Bravo do T/T Ðồng Tiểu Ðoàn Phó chỉ huy gồm 2 Ðại Ðội do Ð/U Lê mạnh Ðường và Tr/U Nguyễn văn Phiếu làm Ðại đội Trưởng chuẩn bị bãi đáp để được bốc về Võ Ðịnh, cánh quân này được ưu tiên bốc trong ngày 24/4/72, vì lúc đó T/T Ðồng bị thương nặng, Tr/u Phiếu tử thương ) nên Ð/U Ðường chỉ huy cánh quân Bravo. Đúng 09.30G trên 40 trực thăng vào vùng bốc toàn bộ cánh quân Bravo cuả TÐ9ND ra khỏi vùng chết về thẳng KonTum , Ðịch không kịp trở tay để bắn ngăn chặn, những chiếc trực thăng cuối có bị địch khai hỏa bằng súng cá nhân nhưng ta hoàn toàn vô sự.

Ngày 25/4/1972 sau chót là màn trực thăng vận các quân nhân tại căn cứ Võ Ðịnh ra Kon Tum, lần này không còn dễ dàng nữa chúng pháo liên tục bằng đủ loại pháo và hoả tiễn. Mãi tới 18.00G Pháo đội A1/ND mới di chuyển bằng đường bộ về tới Kontum. Cuối cùng thì tất cả các đơn vị cũng ra được Kontum trong ngày.

Vì áp lực của cộng quân trên Quân Khu 1 quá nặng nên ngày 27 tháng 4, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ra lệnh rút Bộ Tư Lệnh nhẹ / Sư Đoàn Nhảy Dù, Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù, cùng với 3 Tiểu Đoàn ra khỏi Vùng 2 Chiến Thuật. Để điền khuyết, Sư Đoàn 23 Bộ Binh với Trung Đoàn 53 cơ hữu và Liên Đoàn 6 Biệt Động Quân được gửi vào từ Huế để đảm trách khu vực hành quân của Sư Đoàn Nhảy Dù.

Ngày 28/4/1972, quân Cộng sản tấn công đồn Ben Het bằng 10 chiến xa T54, nhưng đã bi 2 trực thăng võ trang Cobra của Mỹ trang bị hỏa tiễn chống chiến xa, tiêu diệt 5 chiếc T54 tại chỗ, 5 chiếc còn lại phải chạy trốn qua biên giới Lào. Sau đó ta rút quân khỏi đồn này, vì vị trí quá xa và hẻo lánh.

LÐ2ND nhận được linh di chuyển ra Huế để tái chiếm Quảng Tri. Trước khi di chuyển ra Huế QÐ2 bắt buộc LÐ2ND phải khai thông trục lộ Pleiku Kontum nhất là đèo Chu Pao.( Tướng Ngô Dzu chơi chẳng đẹp tí nào ) Trước đó một tháng đèo Chu Pao do đơn vị cơ hữu của Quân Đoàn trấn giữ, đơn vị này đã để Chu Pao lọt vào tay địch quân.( Quân Đoàn II muốn cầm giữ Nhảy Dù bằng cách, giao cho Nhảy Dù nhiệm vụ chiếm lại đỉnh Chu Pao, ai cũng tin rằng Nhảy Dù không sao hoàn thành nhiệm vụ một sớm một chiều được, mà phải mất nhiều ngày, có nhanh cũng phải hàng tuần lễ; Đồng thời theo tin tình báo ba Sư Đoàn của Cộng quân đang hướng về Kontum, Cộng Quân sẽ khởi sựđánh Kontum nay mai, lúc đó Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù đang có mặt tại chỗ, Quân Đoàn II cần có đơn vị đối phó ngay với tình hình chiến trường mới, Quân Đoàn II lấy lý do chính đáng đó để giữ LĐ2ND lại.

Nhưng cả Quân Đoàn II không ngờ, LĐ2ND chỉ sử dụng hai Đại Đội của Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù, trang bị nhẹ (súng cá nhân và lựu đạn), hỏa lực yểm trợ sơ sài, đã lấy lại đỉnh Chu Pao chỉ trong vòng ít tiếng đồng hồ; Quả thật Thiếu Tá Nguyễn Lô đã đánh một trận để đời, cả bạn lẫn địch đều không ngờ.

Sau khi Tân Cảnh bị thất thủ, Tư lịnh Sư Đoàn 22BB chết tại mặt trận, thành phần Bộ Tham Mưu Sư Đoàn và các cấp chỉ huy cũng như binh sĩ bị bắt làm tù binh hay bị chết, chỉ một số rất ít chạy được về Kontum. BTL/Sư Đoàn 22B tan rã. Vì thế, phòng tuyến kiên cố nhất để bảo vệ thị xã Kontum coi như không còn nữa. Tòa hành chánh tỉnh Kontum với dân số 25,000 người sống trong thị xã đã hoang mang giao động cao độ, chuẩn bị tản cư.

Thông thường chiến thuật Cộng quân là thừa thắng xông lên. Do đó BTL/QĐ2 ước lương Cộng quân sẽđánh Kontum, vì nơi đây chỉ có Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân trấn giữ. Tướng Ngô Du phải cho điều động 2 Trung đoàn Bộ Binh từ Ban Mê Thuột lên cố thủ Kontum, chỉ để lại một Trung Đoàn phòng thủ 7 tỉnh phía Nam của Quân đoàn.

Ðại tá Lý Tòng Bá, Tân Tư Lịnh Sư Đoàn 23BB, được chỉ định làm Tư lịnh mặt trận Kontum. Tướng Ngô Du hy vọng Tướng Hoàng Minh Thảo hoãn tấn công vào Kontum 5 ngày thôi, thì ông và Ðại tá Lý Tòng Bá đủ thời gian phối trí quân và đào công sự vững chắc phòng thủ thị xã này.

Cộng quân không tiến quân vào Kontum sau 5 ngày như Tướng Ngô Du dự tính mà đến 20 ngày sau. Như vậy Sư Đoàn 320 và Sư Đoàn 2 của Cộng quân đã bị tổn thất khá nặng trong các cuộc chạm súng trước đây với Lữđoàn Dù và Sư Đoàn 22BB. Các chiến xa T54 của địch cũng bị tiêu hao một số tại phi trường Dakto do Không quân VNCH bắn cháy và một số tại đồn Ben Het do Cobra của Hoa Kỳ phá hủy. Vì thế, Tướng Hoàng Minh Thảo cần có thời gian củng cố lại đơn vị của ông chớ không thể mở cuộc tấn công mới ngay được.

Phối trí xong lực lượng tại Kontum, Tướng Ngô Du ngã bịnh nặng. Ông đã điện thoại yêu cầu Tổng thống Thiệu đề cử người thay thế ông. Tại Saigon, TT Thiệu và Đại tướng Cao Văn Viên tham khảo ý kiến với nhiều vi Trung tướng sau cùng TT Thiệu chọn Thiếu Tướng Nguyễn Văn Toàn, vì Tướng Toàn đồng ý tử thủ tại Kontum.

 

 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn và Quân đoàn II

 

 

Ðầu tháng 5/1972, TT Thiệu bổ nhiệm Thiếu Tướng Nguyễn Văn Toàn giữ chức vụ Tư lịnh Quân Đoàn II thay thế Trung tướng Ngô Du. Ðến Pleiku, việc đầu tiên của Tướng Toàn là tập họp các sĩ quan Quân Đoàn lại và chỉ trích Bộ Tham Mưu của Quân Đoàn yếu kém, thiếu khả năng tham mưu nên tình hình Quân Đoàn mới đen tối như hiện nay. Ông giận dữ và tỏ ý muốn đưa hết các sĩ quan trong Bộ Tham Mưu ra tuyến đầu với các đơn vị để chiến đấu.

 

Sau khi nghe tường trình về tình hình, ông chỉ thị Ðại tá Vĩnh Phúc, Trưởng phòng IV Quân Đoàn, ra làm việc tại phi trường Kontum tiếp nhận vũ khí và đạn dược từ Saigon không vận ra.Thời gian này phi trường Kontum luôn luôn bị pháo kích bằng hỏa tiễn 122 ly, nên có một vài phi cơ C-130 tiếp vận

Tướng Toàn bay lên Kontum, Ðại tá Lý Tòng Bá và Ðại tá Rhotenberry hướng dẫn Tướng Toàn thăm tuyến đầu bảo vệ Kontum về phía Bắc 5 km. Tại đây, các sĩ quan các cấp và các binh sĩ Sư Đoàn 23BB, mỗi người một chiêc xẻng cá nhân, đang hăng say đào công sự phòng thủ. Tướng Toàn vui vẻ an ủi, khích lệ và nhắc nhủ mọi người phải cố gắng chuẩn bị chiến đấu, quyết tâm tử thủ, không để CS chiếm một tấc đất nào tại Kontum.

Ông chỉ thị cho Ðại tá Lý Tòng Bá và các Trung Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn Trưởng phải chọn một số binh sĩ can đảm để thành lập ngay các tổ chống chiến xa bằng súng M72, cho các binh sĩ này thực tập tác xạ để họ tin tưởng rằng vũ khí M72 có thể tiêu diệt được các chiến xa T54 của Cộng quân. Ông cho Ðại Tá Bá biết ông sẽ cho không vận Trung Đoàn còn lại của Sư Đoàn 23BB tại Ban Mê Thuột lên Kontum để Ðại tá Bá có đầy đủ quân số và thống nhất chỉ huy. Về hành chánh, Tướng Toàn chỉ thị Ðại tá Nguyễn Bá Long tự Thìn, Tỉnh trưởng Kontum, phải lo trấn an và ủy lạo dân, làm cho họ tin tuởng vào chính phủ và quân đội. Khuyến khích dân chúng phải hết sức ủng hộ Quân Đoàn để tử thủ.

Trở về Pleiku, Tướng Toàn bàn ngay với cố vấn Paul Vann nhiều giờ về kế hoạch bảo vệ Kontum. Sau đó, ông chỉ thị Ðại tá Hoàng, Tham mưu phó Chiến Tranh Chính trị Quân đoàn xử dụng phi cơ C47 của ông đi Phan Thiết và Saigon mua cá tươi và xoài tượng đem lên phân phát cho các binh sĩ tại Kontum để bữa ăn có thêm chất tươi.

Về hành quân, Tướng Toàn chỉ thị Trung tá Nguyễn Ðức Dung chỉ huy Lữđoàn 2 Thiết Giáp với một Liên Đoàn Biệt Ðộng Quân tăng cường phải đem các chiến xa lên Kontum bằng mọi giá. Ông nói rằng không cần thanh toán các lực lượng địch chốt tại đèo Chu Pao mất thời giờ, phải mở Quốc lộ 14bis vòng quanh sau lưng địch để đi; ông chỉ thị trong 3 ngày phải thực hiện xong cuộc hành quân này. Cuộc hành quân của Trung tá Dung gặp rất nhiều khó khăn vì sức kháng cự của Cộng quân rất mãnh liệt. Nhưng với quyết tâm thi hành đúng chỉ thị của Tư lịnh Quân đoàn, Lữđoàn 2 Thiết Giáp và Biệt Ðộng Quân đã thanh toán và đè bẹp các lực lượng của Cộng quân, mở được Quốc lộ 14bis quanh đèo Chu Pao đem nhiều chiến xa lên mặt trận Kontum đúng ngày N+3. Ðoàn xe thiết giáp và Biệt Ðộng Quân qua cầu Dak-Bla tiến vào Kontum, đồng bào trong thị xã chạy ra xem rất đông, nồng nhiệt chào mừng và hoan hô vang trời. Ðây là chuyện chưa từng có trước đây. Tướng Toàn gắn cấp bậc Ðại tá tại mặt trận cho Trung tá Nguyễn Ðức Dung ở đầu cầu Dak-Bla.

Tính đến ngày thứ ba, kể từ ngày nhận chức, Tướng Toàn đã tăng cường cho Ðại tá Lý Tòng Bá Bá một Trung đoàn Bộ Binh, một Liên đoàn Biệt Ðộng Quân, trên 20 chiến xa thiết giáp, nhiều đạn dược, nguyên liệu, và thuốc men mới được không vận từ Saigon lên. Số đạn dược và nhiên liệu này đủ để bảo đảm cho các đơn vị tại Kontum phòng thủ trong thời gian một tháng. Tình hình Kontum bắt đầu sôi động. Các hỏa tiễn 122 ly của địch cứ đều đều rót vào các căn cứ quân sự và phi trường Kontum làm tinh thần dân và quân luôn luôn bị căng thẳng.

Về tình báo, Tướng Toàn chỉ thị Phòng 2 QĐ phải báo cáo cho ông biết trước ngày giờ Cộng quân tấn công vào Kontum và làm gấp kế hoạch trải thãm B52 phía Bắc tuyến đầu của ta để ông và Paul Vann áp dụng kế hoạch khi địch tấn công. Hôm sau, P2 trình lên ông kế hoạch 100 “Box” B52 (mỗi Box chiều dài 3 km, chiều ngang một km) chận đứng các mũi tấn công và tiêu diệt các ổ phòng không của địch, căn cứ vào địa hình, địa vật và tin tức bằng không ảnh. Tướng Toàn và Paul Vann đã chấp thuận hoàn toàn ý kiến của Phòng 2.

Kontum bấy giờ vẫn nắng bụi, mưa lầy. Nhưng trong cái nắng, cái bụi nhưđang mang mang một cái gì không yên, chứa đựng một cái gì bồn chồn lo âu trên mọi nét mặt từ dân tới lính. Dăm ba trái hỏa tiễn 122 ly của CS rót vào thành phố, càng tạo một không khí chiến tranh thực sựđã về sát Kontum.

 

 

Tướng Hoàng Minh Thảo của CS bị thảm bại trong đợt đầu.

Tướng Toàn rất chú trọng đến vai trò tình báo, nhất là các toán tình báo kỹ thuật điện tử, ngày đêm bám sát địch, không được chểnh mảng trong nhiệm vụ giao phó.

 

 

Ngày 13/5/72, nhân viên kỹ thuật báo cáo đã bắt được mật điện của B3. Trong mật điện này, Bộ tư lịnh B3CS đã ra lịnh như sau: “Mũi tấn công hướng Bắc-Sư Đoàn 2-Stop-Tăng cường mỗi Sư Đoàn 10 T54-Stop-Ngày giờ tấn công hướng Tây Bắc Sư Đoàn 320-Stop-Ngày giờ tấn công 05g00 ngày 14/5/72 Stop”.

Phòng 2 QĐ vội vàng trình ngay tin này cho Tướng Toàn. Ðọc xong mật điện, ông liền bay lên Kontum. Trong giao thông hào của tuyến đầu, Tướng Toàn và Ðại tá Lý Tòng Bá đi từng hầm để nhắn nhủ từng binh sĩ hãy can đảm nằm yên tại chỗ khi địch tấn công. Tướng Toàn nói:”Khi địch nổ súng thì sẽ có B52 thả ngay trên đầu địch. Các em phải chịu khó bịt tai lại và hả miệng để bớt áp lực của bom nổ”. Áp lực của bom sẽ rất lớn đối với các binh sĩ của ta vì theo kế hoạch đã vạch sẵn, B52 sẽ thả bom sát quân ta, ở mức an toàn là 500m thay vì 1000m như thường lệ.

Tại hầm chỉ huy SĐ23BB, Tướng Toàn, Ðại tá Bá, Ðại tá Rhotenberry nghiên cứu trên bản đồ và thảo luận vị trí từng Box B52 sẽ dội bom xuống và thời gian dội. Paul Vann gọi máy yêu cầu Không quân chiến lược Hoa Kỳ (Strategic Air Command) tại Thái Lan để thảo luận về cách thức trải các Box B52 cho thật hợp với tình hình mặt trận dưới đất. Ðêm 13 rạng 14/2/72, Tướng Toàn và Bộ tham mưu Việt – Mỹ đều thức suốt đêm theo dõi tình hình từ

BÀN RA TÁN VÀO

Đề bài :"Tiếng Việt, yêu & ghét" - Lê Hữu ( Trần Văn Giang ghi lại )

'vô hình trung' là nghĩa gì vậy, sao cứ thích dùng, hình như có nghĩa là 'vô tình'

Xem Thêm

Đề bài :TIN CHIẾN SỰ MỚI NHẤT[ CẬP NHẬT NGÀY 20 -5 - 2022 ]

Suu cao,thue nang,nhu yeu pham tang gia.Kinh te eo seo...Vay ma dang Lua van lay tien cua dan tro giup linh tinh.Mo cua bien gioi.Ung ho toi ac truc tiep khi sua luat cho phep trom cuop o muc do <1.000 dollars thi vo toi....Neu vao thoi diem Trump,bon Lua da ho hoan nhu the nao ??? Nhung nguoi bau ban vi chut tu loi ,nghi gi ve dat nuoc ??? Phai chang day khong phai la dat nuoc minh ??? bat qua,lai tro ve que huong cu...Neu vay,ban la thang cho chet ! mien ban !

Xem Thêm

Đề bài :Tin Mới Nhất Về Chiến Sư Ucraina [ CẬP NHẬT NGÀY 14-5-2022 ]

Chung nao moi vet nho cua ho nha Dan da duoc tay xoa trang boc,thi Uk moi co hy vong...ngung chien.Cung vay,ngay nao ma cac cong ty ,co goc gac tu cac dang bac nu luu-anh hao cua khoi tu do va ong chief police va dang Lua thi moi giai xong phuong trinh tau cong !

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Hình cũ - Hà Thượng Thủ

Ngắm lại hình xưa chịu mấy ông Những Linh, Tùng, Duẫn với Mười, Đồng Mặt mày ai lại đi hồ hởi Phấn khởi khi Tàu cướp Biển Đông Phải chăng “quý” mặt đã thành mông Con mắt nay đà có nhưng không Nên mới chổng khu vào hải đảo Gia tài gấm vóc của tổ tông?

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm