Văn Học & Nghệ Thuật
Ca khúc và thơ
Trong bài “Cái chết của một nghệ sĩ”, tôi có viết là tôi không thích nghe nhạc, nhất là ca khúc. Tại sao?
Những lý do đầu tiên và quan trọng nhất cho những cái không thích như thế thường không quá khó hiểu: Vì thiếu đam mê, thiếu thói quen và đặc biệt, thiếu kiến thức. Tôi thừa nhận tôi thiếu cả ba thứ ấy, đặc biệt là về kiến thức. Tôi chơi thân với Hoàng Ngọc-Tuấn, một nhạc sĩ nổi tiếng uyên bác và tài hoa; tôi nghe anh nói chuyện về âm nhạc dễ đến cả hàng ngàn lần, nhưng tất cả những gì anh nói, cứ lọt vào tai này thì chạy ngay ra ngoài lỗ tai khác. Chúng không hề làm giàu có hơn cái vốn kiến thức vốn vô cùng ọp ẹp của tôi. Thành ra, nghe nhạc, tôi vẫn không biết bất cứ thứ gì liên quan đến giai điệu hay tiết tấu, hay nói chung, đến kỹ thuật, một yếu tố đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cái loại hình nghệ thuật này.
Nhưng những lý do trên dường như vẫn chưa đủ. Nghe nhạc hòa tấu, tôi vẫn thích. Nghe nhạc cổ điển, tôi vẫn thích. Hơn nữa, càng lúc càng thích. Tôi chỉ không thích nghe các ca khúc. Hơn nữa, càng lúc càng không thích.
Lý do chính, tôi nghĩ, nằm ở chỗ này: Nghe ca khúc, vì dốt về nhạc học, tôi không chú ý nhiều đến khía cạnh âm nhạc, tôi chỉ tập trung nghe lời. Mà lời trong các ca khúc thì theo tôi, thường… dở.
Nhiều người, khi viết về các nhạc sĩ mà họ yêu thích, thường khen nhạc sĩ ấy không những chỉ là nhạc sĩ mà còn là một thi sĩ: Lời trong các ca khúc của họ hay như thơ. Hoàng Ngọc Hiến còn có ý định “tiến cử” ca từ bài “Đêm thấy ta là thác đổ” của
Trịnh Công Sơn là một trong những “bài thơ tình hay nhất của thế kỷ”. Thú thực, đọc những lời khen ngợi như thế, tôi chỉ thấy sự dễ dãi đến độ buồn cười. Theo tôi, nếu chỉ nhìn từ góc độ thơ, rất hiếm có ca từ nào trong các bản nhạc bằng tiếng Việt có thể được xem là trên trung bình. Xin lưu ý: tôi chỉ nói từ góc độ thơ. Tôi không bàn về nhạc.
Nhìn từ góc độ thơ, tức chỉ nhìn từ góc độ ngôn ngữ sau khi tước bỏ đi các giai điệu, phần lớn các ca từ Việt Nam đều bị hai khuyết điểm trầm trọng: sáo và cũ. Có rất nhiều cách diễn tả ngỡ đã chết hẳn trong thơ vẫn còn ê hề trong các ca khúc: “lấp lánh trăng vàng”, “lá vàng tàn phai”, “tình duyên bẽ bàng”, “khuya về gác trọ”, “tình người lữ thứ”, “dòng suối lững lờ”, “kiếp người nhỏ bé”, “mây giang hồ”, “suối lệ”, “gót chân son”, “quê hương dấu yêu”, “con tim buốt giá”, “tim rạn vỡ”, “lòng vấn vương”, “mối sầu vạn cổ”, “mái tóc thề”, v.v. Nghe những lời như thế, thú thật, tôi chỉ muốn phát bệnh.
Người ta hay nói về mối quan hệ giữa thơ và âm nhạc. Đành là có. Trong thơ, một trong những yếu tố quan trọng nhất là nhạc tính. Tuy nhiên, xu hướng phát triển chung của thơ là, một mặt, vẫn giữ nhạc tính, nhưng mặt khác, lại cố gắng tách xa khỏi thứ nhạc tính trong âm nhạc, đặc biệt trong nhạc bình dân, vốn chỉ gồm một số khuôn luyến láy rất đơn giản và đơn điệu. Trong nỗ lực đổi mới của những nhà thơ giàu óc sáng tạo, thơ tìm kiếm một thứ nhạc điệu khác, thứ nhạc điệu hầu như người ta không thể hát được (thậm chí không thể ngâm được). Không phải ngẫu nhiên mà trong số những bài thơ được phổ nhạc, rất hiếm bài thơ nào thật hay. Có. Nhưng hiếm. Thơ hay đương đại lại càng hiếm. Cực hiếm. Những bài thơ hay và mới lại càng hiếm. Phần lớn những bài thơ được phổ nhạc, thậm chí, khi thành nhạc, được xem là những bản nhạc hay, thường chỉ là những bài thơ trung bình. Vì vậy, người ta hay nói Phạm Duy có công trong việc làm cho một số nhà thơ bỗng trở thành nổi tiếng. Điều đó có nghĩa là, tự bản thân họ, những nhà thơ kia chưa đủ tầm vóc để được khẳng định như một nhà thơ có bản sắc, từ đó, có thể thành tên tuổi riêng. Mà thật, thơ của những người như Nguyễn Tất Nhiên, hay ngay cả Phạm Thiên Thư, thành thật mà nói, tôi nghĩ chỉ ở mức trung bình. Hay trên trung bình một tí. Thơ họ không kém. Nhưng chúng lại thiếu một thứ mà thơ cần có: sáng tạo. Tiếc, đó lại là điều quan trọng nhất. Đối với thơ.
Trong khi thơ cố gắng tách ra khỏi nhạc thì nhạc, ít nhất là nhạc bình dân, ngược lại, vẫn còn cố bám vào thơ. Lại là thơ cũ. Thành ra, trong nhạc Việt Nam hiện nay vẫn đầy những cách diễn tả sáo mòn. Tôi nghĩ điều đó có hại cho cả hai. Một mặt, về phía âm nhạc, nó làm cho nhạc cứ ở mức bình dân mãi; mặt khác, về phía thơ, nó lại bảo lưu và truyền nhiễm cái bệnh sáo, điều mà thơ phải xem như một chứng bệnh chết người.
Xin nhắc lại: ở đây, tôi chỉ bàn đến các ca khúc từ góc độ lời. Tôi không bàn về âm nhạc.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Bàn ra tán vào (0)
Ca khúc và thơ
Trong bài “Cái chết của một nghệ sĩ”, tôi có viết là tôi không thích nghe nhạc, nhất là ca khúc. Tại sao?
Những lý do đầu tiên và quan trọng nhất cho những cái không thích như thế thường không quá khó hiểu: Vì thiếu đam mê, thiếu thói quen và đặc biệt, thiếu kiến thức. Tôi thừa nhận tôi thiếu cả ba thứ ấy, đặc biệt là về kiến thức. Tôi chơi thân với Hoàng Ngọc-Tuấn, một nhạc sĩ nổi tiếng uyên bác và tài hoa; tôi nghe anh nói chuyện về âm nhạc dễ đến cả hàng ngàn lần, nhưng tất cả những gì anh nói, cứ lọt vào tai này thì chạy ngay ra ngoài lỗ tai khác. Chúng không hề làm giàu có hơn cái vốn kiến thức vốn vô cùng ọp ẹp của tôi. Thành ra, nghe nhạc, tôi vẫn không biết bất cứ thứ gì liên quan đến giai điệu hay tiết tấu, hay nói chung, đến kỹ thuật, một yếu tố đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cái loại hình nghệ thuật này.
Nhưng những lý do trên dường như vẫn chưa đủ. Nghe nhạc hòa tấu, tôi vẫn thích. Nghe nhạc cổ điển, tôi vẫn thích. Hơn nữa, càng lúc càng thích. Tôi chỉ không thích nghe các ca khúc. Hơn nữa, càng lúc càng không thích.
Lý do chính, tôi nghĩ, nằm ở chỗ này: Nghe ca khúc, vì dốt về nhạc học, tôi không chú ý nhiều đến khía cạnh âm nhạc, tôi chỉ tập trung nghe lời. Mà lời trong các ca khúc thì theo tôi, thường… dở.
Nhiều người, khi viết về các nhạc sĩ mà họ yêu thích, thường khen nhạc sĩ ấy không những chỉ là nhạc sĩ mà còn là một thi sĩ: Lời trong các ca khúc của họ hay như thơ. Hoàng Ngọc Hiến còn có ý định “tiến cử” ca từ bài “Đêm thấy ta là thác đổ” của
Trịnh Công Sơn là một trong những “bài thơ tình hay nhất của thế kỷ”. Thú thực, đọc những lời khen ngợi như thế, tôi chỉ thấy sự dễ dãi đến độ buồn cười. Theo tôi, nếu chỉ nhìn từ góc độ thơ, rất hiếm có ca từ nào trong các bản nhạc bằng tiếng Việt có thể được xem là trên trung bình. Xin lưu ý: tôi chỉ nói từ góc độ thơ. Tôi không bàn về nhạc.
Nhìn từ góc độ thơ, tức chỉ nhìn từ góc độ ngôn ngữ sau khi tước bỏ đi các giai điệu, phần lớn các ca từ Việt Nam đều bị hai khuyết điểm trầm trọng: sáo và cũ. Có rất nhiều cách diễn tả ngỡ đã chết hẳn trong thơ vẫn còn ê hề trong các ca khúc: “lấp lánh trăng vàng”, “lá vàng tàn phai”, “tình duyên bẽ bàng”, “khuya về gác trọ”, “tình người lữ thứ”, “dòng suối lững lờ”, “kiếp người nhỏ bé”, “mây giang hồ”, “suối lệ”, “gót chân son”, “quê hương dấu yêu”, “con tim buốt giá”, “tim rạn vỡ”, “lòng vấn vương”, “mối sầu vạn cổ”, “mái tóc thề”, v.v. Nghe những lời như thế, thú thật, tôi chỉ muốn phát bệnh.
Người ta hay nói về mối quan hệ giữa thơ và âm nhạc. Đành là có. Trong thơ, một trong những yếu tố quan trọng nhất là nhạc tính. Tuy nhiên, xu hướng phát triển chung của thơ là, một mặt, vẫn giữ nhạc tính, nhưng mặt khác, lại cố gắng tách xa khỏi thứ nhạc tính trong âm nhạc, đặc biệt trong nhạc bình dân, vốn chỉ gồm một số khuôn luyến láy rất đơn giản và đơn điệu. Trong nỗ lực đổi mới của những nhà thơ giàu óc sáng tạo, thơ tìm kiếm một thứ nhạc điệu khác, thứ nhạc điệu hầu như người ta không thể hát được (thậm chí không thể ngâm được). Không phải ngẫu nhiên mà trong số những bài thơ được phổ nhạc, rất hiếm bài thơ nào thật hay. Có. Nhưng hiếm. Thơ hay đương đại lại càng hiếm. Cực hiếm. Những bài thơ hay và mới lại càng hiếm. Phần lớn những bài thơ được phổ nhạc, thậm chí, khi thành nhạc, được xem là những bản nhạc hay, thường chỉ là những bài thơ trung bình. Vì vậy, người ta hay nói Phạm Duy có công trong việc làm cho một số nhà thơ bỗng trở thành nổi tiếng. Điều đó có nghĩa là, tự bản thân họ, những nhà thơ kia chưa đủ tầm vóc để được khẳng định như một nhà thơ có bản sắc, từ đó, có thể thành tên tuổi riêng. Mà thật, thơ của những người như Nguyễn Tất Nhiên, hay ngay cả Phạm Thiên Thư, thành thật mà nói, tôi nghĩ chỉ ở mức trung bình. Hay trên trung bình một tí. Thơ họ không kém. Nhưng chúng lại thiếu một thứ mà thơ cần có: sáng tạo. Tiếc, đó lại là điều quan trọng nhất. Đối với thơ.
Trong khi thơ cố gắng tách ra khỏi nhạc thì nhạc, ít nhất là nhạc bình dân, ngược lại, vẫn còn cố bám vào thơ. Lại là thơ cũ. Thành ra, trong nhạc Việt Nam hiện nay vẫn đầy những cách diễn tả sáo mòn. Tôi nghĩ điều đó có hại cho cả hai. Một mặt, về phía âm nhạc, nó làm cho nhạc cứ ở mức bình dân mãi; mặt khác, về phía thơ, nó lại bảo lưu và truyền nhiễm cái bệnh sáo, điều mà thơ phải xem như một chứng bệnh chết người.
Xin nhắc lại: ở đây, tôi chỉ bàn đến các ca khúc từ góc độ lời. Tôi không bàn về âm nhạc.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.