Hình Ảnh & Sự Kiện
Cà phê Tùng Ðà Lạt và hoài niệm hơn nửa thế kỷ
Cho nên, bây giờ, dù có ngồi ở bàn đầu tiên của quán cà phê Tùng nhìn ra cửa sổ, tôi cũng khó lòng tìm thấy sự thư thái hay nảy ra ý thơ vì trước mắt mình là những dòng người vội vã đua chen cuộc mưu sinh.
NguyenDacSongPhuong
Luke Bùi/Người Việt
ÐÀ LẠT (NV) - Với gần 60 năm hiện diện, quán cà phê Tùng được cho là một trong vài nơi còn lưu giữ nét văn hóa và cái thú uống cà phê của người Ðà Lạt.
Ngày nay, nhiều du khách ghé vào quán cũng là để tìm lại chút dư vị tại nơi mà nhà văn Nguyễn Tuân, thi sĩ Bùi Giáng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Từ Công Phụng, ca sĩ Khánh Ly... đã từng lưu luyến một thuở.
Nét sơn mới nhưng thương hiệu tồn tại từ năm 1955. (Hình: Luke Bùi/Người Việt) |
Quán của cha, nghiệp của con
Nằm cách chợ Ðà Lạt vài bước chân, quán cà phê Tùng thường là một trong vài điểm phải ghé qua của du khách và những người muốn níu giữ kỷ niệm trên phố núi mù sương.
Ðã quá giờ trưa, tôi đẩy cửa bước vào, khung cảnh bên trong quán vẫn gần như không có gì thay đổi so với mươi năm trước, khi tôi lần đầu tiên đến đây.
Những bức tranh có phần cũ kỹ treo trên tường, cùng tông màu nâu sẫm của cà phê rang với lớp da bọc nệm ghế ngồi, kệ tủ và những mảnh gỗ ốp trên tường. Những chiếc loa trong quán đang phát một giai điệu du dương của thập niên 1960 càng khiến không gian đậm màu hoài niệm.
Quán cà phê Tùng
Ðịa chỉ: 6 khu Hòa Bình, thành phố Ðà Lạt
Mở cửa từ 6:30AM - 9:30PM
Giá cà phê đen nóng, cà phê sữa nóng từ 18,000 - 20,000 đồng/ly, tức xấp xỉ $1.
Theo thói quen, tôi gọi một ly cà phê đen pha phin và một ly yogurt. Một phin đen cho vị đắng và một yogurt cho vị ngọt như một cách cân bằng. Sẽ thật chủ quan và hồ đồ nếu tôi tự kết luận, hương vị của ly cà phê tại quán Tùng vẫn nguyên vẹn như ngày xưa. Bởi tôi biết, chẳng có gì bất biến cùng thời gian cả, nhất là khi thời gian kéo theo biến cố làm đảo lộn mọi giá trị nhân văn.
Trong những lúc ngơi tay do khách vắng vào giờ trưa, chủ nhân của quán Tùng bây giờ, ông Trần Ðình Thông, 62 tuổi, thuật lại cho tôi nghe chuyện của người cha - Trần Ðình Tùng.
Ông Trần Ðình Thông, con của ông Tùng, chủ quán ngày xưa. (Hình: Luke Bùi/Người Việt) |
Là người Gia Lâm, Hà Nội, ông Tùng di cư vào Ðà Lạt từ năm 13 tuổi và mưu sinh bằng nhiều nghề nghiệp: nha địa dư (vẽ bản đồ), thợ hớt tóc, bán báo, bán bánh kẹo... trước khi mở quán cà phê mang tên mình vào năm 1955.
Trong thuở vàng son của Ðà Lạt, quán Tùng được nhiều văn nhân, nghệ sĩ nổi tiếng, sĩ quan trường Võ Bị Ðà Lạt chọn làm điểm hàn huyên nhờ bí quyết rang xay, pha cà phê đúng kiểu truyền thống của chủ nhân. Nghe kể thuở ấy, để có được ly cà phê ngon và hương thơm đánh thức khứu giác của người uống, ông Tùng cho hạt cà phê phơi đúng một năm trước khi rang cùng bơ và rượu rhum theo một tỷ lệ giữ kín.
Do vậy mà ông Thông thẳng thắn thừa nhận, vì nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, ly cà phê tại quán Tùng bây giờ không thể nào sánh được hương vị với thời của cha ông. Tuy vậy, khi kế thừa nghiệp làm quán của cha, ông Thông vẫn trung thành với những nguyên tắc từ thuở ban đầu: bán đúng gu uống cà phê theo kiểu xưa; giữ gìn không gian êm đềm với nhạc cổ điển hoặc hòa tấu, tiền chiến; trân trọng mỗi thực khách đặt chân vào quán...
Nhờ vậy mà ly cà phê tại quán Tùng bây giờ có một giá trị cộng thêm của sự hoài niệm mà không một quán tân thời nào có được, dù sang trọng đến đâu.
Về đâu, quán của ngày sau?
Trong cuộc trò chuyện với tôi, ông Thông nói với giọng rất tự hào rằng nhờ sở hữu quán Tùng mà cha mẹ ông nuôi được đàn con 11 đứa ăn học thành tài. Ông Thông nhận trách nhiệm kế nghiệp, duy trì quán cũng như chăm lo hương hỏa cho nhà từ đường.
Thỉnh thoảng, ông Thông lại bất ngờ tiếp đón các vị khách cũ của quán Tùng từ những thập niên trước, trong số đó có những người sau nhiều năm xa xứ mới quay về tìm lại hương vị ly cà phê không quên thời trai trẻ.
Khách đến quán tìm lại hương vị ngày xưa. (Hình: Luke Bùi/Người Việt) |
Họ dẫn theo những đứa con, cháu và rưng rưng thuật lại cho chúng nghe rằng ngày xưa, bố/ông đã từng uống cà phê ở đây, cũng trong không gian nguyên vẹn thế này...
Vậy mà thời gian quả thật khắc nghiệt, quán cũ có thể còn nhưng người xưa nay đã vắng bóng. 13 năm trước, ông Tùng qua đời sau một vụ tai nạn giao thông. Hai năm trước, người vợ của ông cũng mất.
Nhân đề cập về những thay đổi của thời cuộc, ông Thông chia sẻ: “Cùng làm chủ quán cà phê, nhưng có lẽ thời của cha tôi không phức tạp như bây giờ. Hồi xưa, cha tôi chỉ phải đóng thuế môn bài và không lo bị cơ quan thuế vụ dòm ngó, làm khó như bây giờ. Anh xem, quán nhỏ, giá thức uống phải chăng, chỉ có hai hàng ghế hai bên mà mỗi tháng đóng hơn 4 triệu đồng tiền thuế, tức $200, hơn cả những hàng quán bề thế khác ở Ðà Lạt này.”
Ông Thông quan niệm, với nghiệp chủ quán cà phê theo kiểu cũ, mình biết đủ là đủ. Không phải vì tận dụng danh tiếng hơn nửa thế kỷ mà gia đình ông khuếch trương, mở rộng hoặc cho người khác kinh doanh thương hiệu. Mỗi ngày, cần mẫn phục vụ khách từ sáng đến chiều, ông vẫn sắp xếp thời gian đưa đón con đi học. Với ông, việc quán Tùng mở cửa quanh năm suốt tháng, đón nhận nhiều lượt khách đến ôn lại kỷ niệm là điều đáng quý hơn bất kỳ gia sản nào.
Dù có vẻ mãn nguyện với một quán cà phê được nhiều thế hệ yêu Ðà Lạt biết đến, nhưng trong ông còn chút nỗi niềm lấn cấn. Tuy tự hào về thương hiệu cà phê Tùng nhưng các em, con và cháu của ông Thông không muốn nối nghiệp trong tương lai.
Ông giải thích, những thế hệ sau có nhiều chọn lựa về nghề nghiệp hấp dẫn hơn là việc nhẫn nại, chịu cực bưng nước, rót trà cho người khác từ năm này sang năm khác.
Quán Tùng nhìn từ bên ngoài. (Hình: Luke Bùi/Người Việt) |
Nhấp một ngụm cà phê đắng, bất giác, tôi ngước nhìn bức tranh vẽ một người đàn guitar treo trên tường của quán. Bức tranh có mầu tối sẩm, người đàn guitar một mình một bóng vươn dài rồi gãy gục. Ðầu người và đầu phím đàn chúc xuống bục gỗ màu nâu khô.
Trong đầu tôi dấy lên một câu hỏi mơ hồ: Liệu mươi năm nữa, nếu có dịp ghé lại địa điểm này, biết có còn tồn tại quán cà phê Tùng trong căn nhà một lầu hai mái ấm áp khiêm nhường như hiện tại?
Nghe bảo ngày xưa, cũng tại không gian đơn sơ, tĩnh lặng này, trong một ngày nhìn bầu trời Ðà Lạt âm u qua cửa kính, thi sĩ Bùi Giáng đã viết hai câu thơ lục bát phá cách trên miếng giấy bạc trong bao thuốc lá: “Quán ngồi mỏi. Nắng chưa lên. Chợt vui tràn. Thấy còn nguyên sơ đầu.”
Thú thật, tôi thích đọc lại những vần thơ này dù không cảm được hết những điều thi sĩ muốn chuyển tải. Ở góc độ của một kẻ hậu bối, đơn giản là tôi yêu quán Tùng cũng như yêu nhạc xưa, muốn trân trọng những giá trị của ngày cũ và các thế hệ đi trước.
Nhiều người bảo Ðà Lạt bây giờ không còn tốt đẹp, lãng mạn như ngày xưa vì nhịp sống quá xô bồ, những cư dân gốc của thành phố hoa dường như đã vắng bóng, nhường chỗ cho người nhập cư nhộn nhạo.
Cho nên, bây giờ, dù có ngồi ở bàn đầu tiên của quán cà phê Tùng nhìn ra cửa sổ, tôi cũng khó lòng tìm thấy sự thư thái hay nảy ra ý thơ vì trước mắt mình là những dòng người vội vã đua chen cuộc mưu sinh.
Chốn xưa hãy còn đây mà sao tao nhân mặc khách của những ngày tháng cũ đâu rồi?...
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
- Thảm họa đường sắt Ấn Độ ( Lão Phan Sưu Tầm )
- Biển Ukraine.. nổi sóng – OCS Florida ( TVQ Úc Chuyển )
- Biểu tình phản đối trụ sở ban giao thương mại của CSVN tại Brooklyn, TB Victoria ( TVQ chuyển )
- Lễ Thượng Kỳ Đầu Năm Nhâm Dần tại Maribyrnong, Brimbank và Greater Dandenong Tiểu Bang Victoria ( TVQ Chuyển )
- Những Địa Danh Mang Tên "CÁI" Ở Miền Nam ( Trần Văn Giang ghi lại )
Cà phê Tùng Ðà Lạt và hoài niệm hơn nửa thế kỷ
Cho nên, bây giờ, dù có ngồi ở bàn đầu tiên của quán cà phê Tùng nhìn ra cửa sổ, tôi cũng khó lòng tìm thấy sự thư thái hay nảy ra ý thơ vì trước mắt mình là những dòng người vội vã đua chen cuộc mưu sinh.
Luke Bùi/Người Việt
ÐÀ LẠT (NV) - Với gần 60 năm hiện diện, quán cà phê Tùng được cho là một trong vài nơi còn lưu giữ nét văn hóa và cái thú uống cà phê của người Ðà Lạt.
Ngày nay, nhiều du khách ghé vào quán cũng là để tìm lại chút dư vị tại nơi mà nhà văn Nguyễn Tuân, thi sĩ Bùi Giáng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Từ Công Phụng, ca sĩ Khánh Ly... đã từng lưu luyến một thuở.
Nét sơn mới nhưng thương hiệu tồn tại từ năm 1955. (Hình: Luke Bùi/Người Việt) |
Quán của cha, nghiệp của con
Nằm cách chợ Ðà Lạt vài bước chân, quán cà phê Tùng thường là một trong vài điểm phải ghé qua của du khách và những người muốn níu giữ kỷ niệm trên phố núi mù sương.
Ðã quá giờ trưa, tôi đẩy cửa bước vào, khung cảnh bên trong quán vẫn gần như không có gì thay đổi so với mươi năm trước, khi tôi lần đầu tiên đến đây.
Những bức tranh có phần cũ kỹ treo trên tường, cùng tông màu nâu sẫm của cà phê rang với lớp da bọc nệm ghế ngồi, kệ tủ và những mảnh gỗ ốp trên tường. Những chiếc loa trong quán đang phát một giai điệu du dương của thập niên 1960 càng khiến không gian đậm màu hoài niệm.
Quán cà phê Tùng
Ðịa chỉ: 6 khu Hòa Bình, thành phố Ðà Lạt
Mở cửa từ 6:30AM - 9:30PM
Giá cà phê đen nóng, cà phê sữa nóng từ 18,000 - 20,000 đồng/ly, tức xấp xỉ $1.
Theo thói quen, tôi gọi một ly cà phê đen pha phin và một ly yogurt. Một phin đen cho vị đắng và một yogurt cho vị ngọt như một cách cân bằng. Sẽ thật chủ quan và hồ đồ nếu tôi tự kết luận, hương vị của ly cà phê tại quán Tùng vẫn nguyên vẹn như ngày xưa. Bởi tôi biết, chẳng có gì bất biến cùng thời gian cả, nhất là khi thời gian kéo theo biến cố làm đảo lộn mọi giá trị nhân văn.
Trong những lúc ngơi tay do khách vắng vào giờ trưa, chủ nhân của quán Tùng bây giờ, ông Trần Ðình Thông, 62 tuổi, thuật lại cho tôi nghe chuyện của người cha - Trần Ðình Tùng.
Ông Trần Ðình Thông, con của ông Tùng, chủ quán ngày xưa. (Hình: Luke Bùi/Người Việt) |
Là người Gia Lâm, Hà Nội, ông Tùng di cư vào Ðà Lạt từ năm 13 tuổi và mưu sinh bằng nhiều nghề nghiệp: nha địa dư (vẽ bản đồ), thợ hớt tóc, bán báo, bán bánh kẹo... trước khi mở quán cà phê mang tên mình vào năm 1955.
Trong thuở vàng son của Ðà Lạt, quán Tùng được nhiều văn nhân, nghệ sĩ nổi tiếng, sĩ quan trường Võ Bị Ðà Lạt chọn làm điểm hàn huyên nhờ bí quyết rang xay, pha cà phê đúng kiểu truyền thống của chủ nhân. Nghe kể thuở ấy, để có được ly cà phê ngon và hương thơm đánh thức khứu giác của người uống, ông Tùng cho hạt cà phê phơi đúng một năm trước khi rang cùng bơ và rượu rhum theo một tỷ lệ giữ kín.
Do vậy mà ông Thông thẳng thắn thừa nhận, vì nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, ly cà phê tại quán Tùng bây giờ không thể nào sánh được hương vị với thời của cha ông. Tuy vậy, khi kế thừa nghiệp làm quán của cha, ông Thông vẫn trung thành với những nguyên tắc từ thuở ban đầu: bán đúng gu uống cà phê theo kiểu xưa; giữ gìn không gian êm đềm với nhạc cổ điển hoặc hòa tấu, tiền chiến; trân trọng mỗi thực khách đặt chân vào quán...
Nhờ vậy mà ly cà phê tại quán Tùng bây giờ có một giá trị cộng thêm của sự hoài niệm mà không một quán tân thời nào có được, dù sang trọng đến đâu.
Về đâu, quán của ngày sau?
Trong cuộc trò chuyện với tôi, ông Thông nói với giọng rất tự hào rằng nhờ sở hữu quán Tùng mà cha mẹ ông nuôi được đàn con 11 đứa ăn học thành tài. Ông Thông nhận trách nhiệm kế nghiệp, duy trì quán cũng như chăm lo hương hỏa cho nhà từ đường.
Thỉnh thoảng, ông Thông lại bất ngờ tiếp đón các vị khách cũ của quán Tùng từ những thập niên trước, trong số đó có những người sau nhiều năm xa xứ mới quay về tìm lại hương vị ly cà phê không quên thời trai trẻ.
Khách đến quán tìm lại hương vị ngày xưa. (Hình: Luke Bùi/Người Việt) |
Họ dẫn theo những đứa con, cháu và rưng rưng thuật lại cho chúng nghe rằng ngày xưa, bố/ông đã từng uống cà phê ở đây, cũng trong không gian nguyên vẹn thế này...
Vậy mà thời gian quả thật khắc nghiệt, quán cũ có thể còn nhưng người xưa nay đã vắng bóng. 13 năm trước, ông Tùng qua đời sau một vụ tai nạn giao thông. Hai năm trước, người vợ của ông cũng mất.
Nhân đề cập về những thay đổi của thời cuộc, ông Thông chia sẻ: “Cùng làm chủ quán cà phê, nhưng có lẽ thời của cha tôi không phức tạp như bây giờ. Hồi xưa, cha tôi chỉ phải đóng thuế môn bài và không lo bị cơ quan thuế vụ dòm ngó, làm khó như bây giờ. Anh xem, quán nhỏ, giá thức uống phải chăng, chỉ có hai hàng ghế hai bên mà mỗi tháng đóng hơn 4 triệu đồng tiền thuế, tức $200, hơn cả những hàng quán bề thế khác ở Ðà Lạt này.”
Ông Thông quan niệm, với nghiệp chủ quán cà phê theo kiểu cũ, mình biết đủ là đủ. Không phải vì tận dụng danh tiếng hơn nửa thế kỷ mà gia đình ông khuếch trương, mở rộng hoặc cho người khác kinh doanh thương hiệu. Mỗi ngày, cần mẫn phục vụ khách từ sáng đến chiều, ông vẫn sắp xếp thời gian đưa đón con đi học. Với ông, việc quán Tùng mở cửa quanh năm suốt tháng, đón nhận nhiều lượt khách đến ôn lại kỷ niệm là điều đáng quý hơn bất kỳ gia sản nào.
Dù có vẻ mãn nguyện với một quán cà phê được nhiều thế hệ yêu Ðà Lạt biết đến, nhưng trong ông còn chút nỗi niềm lấn cấn. Tuy tự hào về thương hiệu cà phê Tùng nhưng các em, con và cháu của ông Thông không muốn nối nghiệp trong tương lai.
Ông giải thích, những thế hệ sau có nhiều chọn lựa về nghề nghiệp hấp dẫn hơn là việc nhẫn nại, chịu cực bưng nước, rót trà cho người khác từ năm này sang năm khác.
Quán Tùng nhìn từ bên ngoài. (Hình: Luke Bùi/Người Việt) |
Nhấp một ngụm cà phê đắng, bất giác, tôi ngước nhìn bức tranh vẽ một người đàn guitar treo trên tường của quán. Bức tranh có mầu tối sẩm, người đàn guitar một mình một bóng vươn dài rồi gãy gục. Ðầu người và đầu phím đàn chúc xuống bục gỗ màu nâu khô.
Trong đầu tôi dấy lên một câu hỏi mơ hồ: Liệu mươi năm nữa, nếu có dịp ghé lại địa điểm này, biết có còn tồn tại quán cà phê Tùng trong căn nhà một lầu hai mái ấm áp khiêm nhường như hiện tại?
Nghe bảo ngày xưa, cũng tại không gian đơn sơ, tĩnh lặng này, trong một ngày nhìn bầu trời Ðà Lạt âm u qua cửa kính, thi sĩ Bùi Giáng đã viết hai câu thơ lục bát phá cách trên miếng giấy bạc trong bao thuốc lá: “Quán ngồi mỏi. Nắng chưa lên. Chợt vui tràn. Thấy còn nguyên sơ đầu.”
Thú thật, tôi thích đọc lại những vần thơ này dù không cảm được hết những điều thi sĩ muốn chuyển tải. Ở góc độ của một kẻ hậu bối, đơn giản là tôi yêu quán Tùng cũng như yêu nhạc xưa, muốn trân trọng những giá trị của ngày cũ và các thế hệ đi trước.
Nhiều người bảo Ðà Lạt bây giờ không còn tốt đẹp, lãng mạn như ngày xưa vì nhịp sống quá xô bồ, những cư dân gốc của thành phố hoa dường như đã vắng bóng, nhường chỗ cho người nhập cư nhộn nhạo.
Cho nên, bây giờ, dù có ngồi ở bàn đầu tiên của quán cà phê Tùng nhìn ra cửa sổ, tôi cũng khó lòng tìm thấy sự thư thái hay nảy ra ý thơ vì trước mắt mình là những dòng người vội vã đua chen cuộc mưu sinh.
Chốn xưa hãy còn đây mà sao tao nhân mặc khách của những ngày tháng cũ đâu rồi?...