Xung quanh việc hãng thông tấn Reuters ngày 10/8 dẫn một số nguồn tin quan chức quốc phòng, ngoại giao phương Tây nói rằng, Việt Nam kéo một số bệ phóng tên lửa ra Trường Sa, Thời báo Hoàn Cầu đã có 2 bài xã luận.
Bản tiếng Anh của Thời báo Hoàn Cầu ngày 11/8 có bài xã luận với tiêu đề: "Kiềm chế là rất quan trọng để tránh cuộc khủng hoảng mới ở Biển Đông", trong đó đưa ra một số thông điệp đến Việt Nam. [1]
Người Việt Nam không bao giờ quên bài học lịch sử
Xã luận Thời báo Hoàn Cầu bản tiếng Anh hôm nay viết:
"Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định thông tin về các bệ phóng tên lửa mà Reuters đề cập là không chính xác. Chúng tôi hy vọng rằng thông tin này chỉ là suy đoán của truyền thông phương Tây.
Vụ kiện trọng tài quốc tế về Biển Đông đã thất bại trong việc tạo ra kết quả như phương Tây mong muốn. Hậu phán quyết, Manila và Bắc Kinh đã khởi động lại các cuộc đàm phán song phương để sửa chữa mối quan hệ đã bị bầm dập.
Chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam luôn chắc tay súng bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích hợp pháp của Tổ quốc, ảnh minh họa: Internet. |
Có thể thấy rằng phương Tây sẽ không dễ dàng từ bỏ sử dụng phán quyết trọng tài làm đòn bẩy tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc và thúc đẩy căng thẳng gia tăng trong khu vực.
Các bên liên quan cần cảnh giác với chiến thuật của phương Tây.
Nếu hoạt động triển khai mới nhất của Việt Nam là nhằm vào Trung Quốc thì đó sẽ là một sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ ghi nhớ và rút ra một số bài học từ lịch sử."
Cá nhân người viết thấy rằng mình cần phải cảm ơn lời nhắc của Thời báo Hoàn Cầu và cũng xin thưa lại với Thời báo Hoàn Cầu, người Việt Nam không bao giờ quên những bài học từ lịch sử với hàng ngàn năm chống chiến tranh xâm lược và âm mưu thôn tính của ngoại bang.
Người Việt Nam đã trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và hơn ai hết, Việt Nam hiểu giá trị của hòa bình.
Việt Nam nhất quán chủ trương và luôn nỗ lực tìm cách giải quyết mọi tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhưng không vì thế mà để bất kỳ ai lấn lướt, áp đặt. Bởi giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh!
Người Việt Nam luôn trân trọng tình hữu nghị và mong muốn chung sống hòa bình với các dân tộc khác trong khu vực, bao gồm dân tộc Trung Hoa.
Nhưng đừng một thế lực nào ảo tưởng Việt Nam sẽ đánh đổi độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc lấy "tình hữu nghị viển vông". [2]
Về thông tin của hãng Reuters, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có trả lời chính thức, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đã bảo lưu quyền tự vệ chính đáng, quyền phòng thủ bảo vệ lãnh thổ quốc gia trước bất kỳ thế lực ngoại xâm nào.
Thời báo Hoàn Cầu khuyến nghị: "Các bên liên quan trong khu vực cần phải cảnh giác với chiến thuật của phương Tây", thì người viết cũng xin lưu ý rằng, mọi thông tin về các động thái diễn biến mới ngoài thực địa Biển Đông lâu nay hầu như đều xuất phát từ Hoa Kỳ với thời điểm, bối cảnh công bố thông tin một cách có tính toán.
Nhận định của Reuters mà xã luận Thời báo Hoàn Cầu dẫn lại rằng: "Các bệ phóng được cho là có khả năng tấn công đường băng Trung Quốc (xây dựng bất hợp pháp ở Trường Sa) và các tuyến đường thương mại quan trọng trong khu vực" cũng đến từ các học giả phương Tây.
Do đó thiết nghĩ, chính Thời báo Hoàn Cầu và Trung Quốc cũng nên thận trọng khi xem xét các thông tin này.
Còn phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông là của một cơ quan tài phán có thẩm quyền, Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 ban hành về việc ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982 ở Biển Đông.
Trung Quốc, Philippines, Việt Nam và các thành viên UNCLOS 1982 có liên quan đều có nghĩa vụ thi hành. Bản thân Trung Quốc cũng đã có đóng góp nhiều vào việc xây dựng Công ước này, đừng vì những cái lợi bất chính trước mắt mà hất đổ tất cả.
Thời báo Hoàn Cầu nói gì với người dân Trung Quốc?
Bản tiếng Trung Quốc của Thời báo Hoàn Cầu hôm nay đăng bài: "Xã luận: Tên lửa Việt Nam ra Trường Sa không nên làm Trung Quốc quá phân tâm." [3]
Ngoài ra, mục Quốc tế bản tiếng Trung Quốc của Thời báo Hoàn Cầu có bài tổng hợp của phóng viên thường trú báo này từ Việt Nam, Singapore với tiêu đề: "Việt Nam bí mật bố trí tên lửa ở Trường Sa, tầm bắn bao trùm 3 đảo (nhân tạo) Trung Quốc (chiếm đóng bất hợp pháp)". [4]
Nội dung và lời lẽ bài xã luận và bài tổng hợp này trên bản tiếng Trung Quốc khác hẳn với bài xã luận trên phiên bản tiếng Anh.
Khác với thái độ tương đối kiềm chế và chừng mực trong xã luận bản tiếng Anh, bài xã luận bản tiếng Trung Quốc tìm mọi cách chứng minh thông tin của Reuters là thật, rồi vu cho Việt Nam vi phạm DOC.
Vấn đề DOC và quyền phòng thủ chính đáng của Việt Nam ở Trường Sa đã được người viết phân tích nên xin không nhắc lại ở đây. Chỉ xin đưa ra một số nội dung đáng chú ý trong bài xã luận viết cho người Trung Quốc để bạn đọc tham khảo.
Thời báo Hoàn Cầu viết:
"Hành động của Việt Nam hiển nhiên uy hiếp an toàn các đảo Trung Quốc chiếm đóng, nhưng trong giai đoạn này chúng ta cần làm rõ, áp lực lớn nhất Trung Quốc đang phải đối mặt ở Biển Đông đến từ Hoa Kỳ.
Bắc Kinh nên cảnh giác với nhất cử nhất động của Hà Nội ở Trường Sa, nhưng chúng ta hiện nay không nên làm nóng cục diện căng thẳng quân sự Trung - Việt ở Trường Sa, tránh đi hướng đối đầu mới, mà nên tập trung chú ý vào thách thức chủ yếu.
Trung Quốc nên tự tin rằng không có bất kỳ bên nào dám có hành động với các đảo (nhân tạo). Biển Đông là một bàn cờ vây, mỗi một con cờ đơn phương của bên nào đó đều không nên xem xét nó một cách độc lập. Cạnh tranh quân sự chỉ là một mặt của vấn đề Biển Đông.
Hơn nữa "chiến trường chủ yếu" ở Biển Đông chưa chắc đã chỉ giới hạn trong phạm vi địa lý ven Biển Đông. Là một người chơi chính, Trung Quốc cần phải quan sát để ý toàn cục và kiểm soát chặt các trọng điểm.
Mỹ - Việt đều có năng lực uy hiếp an toàn các đảo Trung Quốc chiếm đóng ở mức độ khác nhau, và cũng đều không dễ dàng sử dụng chúng.
Nhưng uy hiếp của Mỹ có thể chuyển hóa thành các sức mạnh và thủ đoạn khác nhau để gây áp lực lên Trung Quốc, duy trì thái độ với Trung Quốc của chính Mỹ và các đồng minh, gây ra các khó khăn cho Trung Quốc trong thực tế.
Còn uy hiếp từ phía Việt Nam thì không mang tính cơ động chiến lược như Hoa Kỳ, mà nó chủ yếu là vấn đề của quan hệ Trung - Việt, nằm trong phạm vi quan hệ chính trị Trung - Việt có thể kiểm soát được.
Ngoài ra, Việt Nam "quân sự hóa" các đảo chỉ càng tạo cớ cho Trung Quốc đẩy mạnh việc bố trí vũ khí khí tài quân sự ra các đảo.
Biển Đông là một khu vực có tác động qua lại giữa các bên nên rất nhiều xu hướng hay động thái chưa chắc đã là chuyện lợi - hại mang tính tuyệt đối với Trung Quốc.
Được hay mất của Trung Quốc cuối cùng quyết định bởi khả năng và chất lượng phản ứng của chúng ta với hành động của các bên.
Khách quan mà nói, bánh răng nhỏ của vấn đề Biển Đông luôn ăn khớp, ngậm chặt bánh răng lớn của lợi ích nước lớn, lợi và hại có thể chuyển hóa cho nhau."
Người viết xin không bàn về những bình luận của Thời báo Hoàn Cầu trong bài xã luận và tổng hợp bằng tiếng Trung Quốc xuất bản hôm nay, chỉ xin đưa một số nội dung đáng chú ý để bạn đọc tham khảo.
Qua đó có thể thấy rằng, khi tiếp cận với những thông tin, bình luận về các diễn biến mới trên Biển Đông cần có cái nhìn toàn cục, tỉnh táo và dùng luật pháp quốc tế làm căn cứ để xác định các thông điệp, ý đồ và thủ đoạn của các bên.
Chạy theo những bình luận mang màu sắc cảm xúc, kích động dù từ bất kỳ phía nào thiết nghĩ đều không phải là lựa chọn tốt cho chúng ta, cho lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc cũng như hòa bình, ổn định của khu vực.
Hoa Kỳ hay Trung Quốc đều có lợi ích và mục đích của riêng họ khi đưa ra những thông tin và bình luận về Biển Đông.
Những thông tin và bình luận ấy có lợi hay có hại cho Việt Nam phụ thuộc vào chính cái đầu lạnh và trái tim nóng của mỗi người Việt, bởi không thận trọng là có thể bị đối phương "định hướng" bất cứ lúc nào.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.globaltimes.cn/content/999722.shtml
[3]http://opinion.huanqiu.com/editorial/2016-08/9292218.html