Năm nay 39 tuổi, Camille sinh trưởng tại Paris trong một gia đình mà bố là nhạc sĩ (Hervé Dalmais nghệ danh là H. Bassam), mẹ là giáo viên khoa Anh văn. Thời niên thiếu Camille học rất giỏi nhất là các môn văn chương, cô cũng thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật từ người cha, và có lẽ cũng vì thế mà sau khi được tuyển vào trường Sciences Po, cô nhất quyết chọn ngành sân khấu, biểu diễn âm nhạc.
Camille trình làng album đầu tay năm cô 24 tuổi, tuy không thành công về mặt doanh thu số bán, nhưng lại thu hút sự chú ý của giới phê bình. Camille sau đó hợp tác với các nghệ sĩ đàn anh như Jean Louis Murat hay Gérard Manset, nhưng nổi bật hơn cả là những bài hát ghi âm với nhóm Nouvelle Vague, chuyên phối khí lại những bản nhạc Anh Mỹ quen thuộc những năm 1980 theo điệu bossa nova.
Từ những năm tháng mới vào nghề ấy, Camille giữ thói quen mở rộng thế giới âm nhạc của mình qua việc hợp tác với các nghệ sĩ xuất thân từ nhiều chân trời khác nhau. Camille dùng những kinh nghiệm ấy để nuôi dưỡng những dự án của chính mình. Thế giới âm nhạc của Camille vì thế mà trở nên tự do phóng khoáng, chứ không ngột ngạt khép kín.
Vào năm 2005, Camille trình làng album thứ nhì (Le Fil) và album này mở đầu cho một loạt thành công liên tục. Trong vòng một thập niên, Camille đoạt bốn giải thưởng âm nhạc Victoires de la Musique của Pháp, trong đó có giải nghệ sĩ đầy triển vọng (năm 2006), giọng ca nữ xuất sắc nhất (năm 2009) và giải dành cho ca khúc hay nhất (năm 2013).
Giới phê bình đặc biệt tán thưởng tài năng của cô, cho dù về lượng đĩa bán ra thị trường cô chưa thể sánh bằng những giọng ca trẻ khai thác dòng nhạc thương mại như M Pokora, Tal hay là Shy’m. Nhưng có thể nói là hiện tượng Camille đã mở đường cho dòng nhạc mang tính thử nghiệm qua việc dùng kỹ thuật beatbox, looping hay sampling, mười năm trước khi có sự trỗi dậy của các tài năng mới như Jain và nhất là Christine and the Queens.
Album gần đây nhất của Camille (mang tựa đề Ouï) gồm 11 ca khúc mới, mang dấu ấn độc đáo của một người nghệ sĩ luôn nỗ lực khám phá tìm tòi. Camille phối hợp rất nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, cô nghe hầu hết những bài hát ‘‘thời thượng’’hiện giờ để rồi làm điều ngược lại hầu tạo ra một âm thanh một giai điệu khác biệt.
Trên album thứ năm, Camille kết hợp lối hòa âm phối khí đa tầng với kỹ thuật oversampling, tạo thành nhiều lớp âm thanh chồng lên nhau. Trong một số bài, cô cũng không dùng những nhạc khí thông dụng như trống, ghi ta, piano, violon mà chỉ sử dụng một tiếng đệm duy nhất của đàn contrebasse (đại hồ cầm) để rồi thêu dệt thêm với những chuỗi âm thanh tiếng động, khi thì đơn thanh lúc thì đa âm lặp lại lặp lại.
Cũng trên album gần đây nhất, Camille kết hợp nhiều bè với nhau trong cùng một bản nhạc. Trong những câu mở đầu và trong phần điệp khúc đều có dùng một giai điệu độc lập, tự nó có thể đứng vững do khác hẳn nhau. Nhưng khi đến phần cuối, hai giai điệu độc lập ấy lại được hoà quyện chung với nhau, trở thành một khúc nhạc độc đáo duy nhất. Lối sáng tác ‘‘phức điệu’’ ấy giúp cho bài hát càng có thêm bề dày và chiều sâu.
Camille
mở rộng sân chơi, nghịch ngợm nô đùa với những nốt nhạc trong cả hai
dạng phức điệu mô phỏng và phức điệu tương phản. Điều đó tạo thêm sức
cuốn hút cho bài hát, cũng như tạo thêm sự thích thú bất ngờ nơi người
nghe. Từ trước tới nay, dòng nhạc của Camille do đặc tính thử nghiệm của
nó nổi tiếng là kén chọn thính giả nếu không nói là khó nghe. Album thứ
năm của Camille tuy có nhiều bản phức điệu nhưng coi vậy mà lại nhẹ
nhàng xuôi tai.