Tối 16/12, các phóng viên Hàn Quốc phát hiện Kim Han Sol xuất hiện bên cạnh vài cảnh sát mặc thường phục tại khuôn viên Đại học Sciences-Po danh tiếng ở Le Havre. Cảnh sát Pháp không những hộ tống chàng thanh niên 19 tuổi này về ký túc xá mà còn đi tuần tra xung quanh. Việc Kim Han Sol được tăng cường bảo vệ diễn ra sau khi Bình Nhưỡng xử tử ông Jang Song Thaek, người đã nuôi nấng cha của Kim Han Sol - ông Kim Jong Nam.
Kim Han Sol. |
Trước khi hành quyết, ông Jang từng hỗ trợ tài chính cho Kim Jong Nam sống lưu vong tại Macau (Trung Quốc) và Singapore. Mặc dù, Kim Jong Nam là con trai cả của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il nhưng ông không được lòng cha.
Cuối tuần qua, tên của Kim Han Sol đã bị rút khỏi hòm thư của ký túc xá. Vụ việc khiến giới truyền thông đồn đoán Kim đang tìm cách ẩn náu vì lý do an toàn. Báo chí Nhật Bản cho hay chính Kim Han Sol đã yêu cầu nhà trường làm thế để bảo vệ bản thân. Đặc biệt, các bạn bè của Kim cũng không dám tiết lộ thông tin về anh theo quy định của nhà trường.
Trong một diễn biến khác, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã cho xóa khoảng 35.000 bài báo lưu trữ trên trang thông tin của mình kể từ sau khi Jang bị tử hình. Ngoài ra, 65.000 bài viết khác bằng tiếng Tây Ban Nha, Anh, Trung Quốc và Nhật Bản cũng bị tháo bỏ, theo nhà phân tích Frank Feinstein chuyên theo dõi trang thông tin nói trên.
Khoảng 20.000 bài viết của Rodong Sinmun, tờ báo chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên, cũng bị gỡ bỏ. Hiện nay, trang KCNA chỉ hiển thị các bài viết tính từ tháng 10 trở về sau và vẫn chưa rõ số bài báo trên có bị xóa vĩnh viễn hay không.
Một chuyên gia giấu tên khác cho biết đã bị sốc khi biết tin này nhưng cho rằng đó là một quyết định rất cẩn thận. Người này nói động thái trên dường như là một nỗ lực viết lại lịch sử nhằm đảm bảo cho quyền lực của nhà lãnh đạo trẻ hoặc đơn giản chỉ là xóa tất cả những thông tin có liên quan đến ông Jang.
Ông Kim Jong Il cảnh báo con về Jang Song Thaek
Cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il được cho là từng cảnh báo con trai về Jang Song-thaek, đặc biệt từ sau khi ông phải chuyển giao một phần quyền lực cho em rể vì đột quỵ năm 2008.
Tờ Chosun Ilbo dẫn lời ông Lee Yun Keol, giám đốc Trung tâm tình báo chiến lược Triều Tiên (NKSIS), cho biết ông Kim Jong Il từng để lại một bản di chúc cảnh báo con trai về quyền lực ngày càng cao của Jang Song-thaek, dù không nêu tên trực tiếp.
Hình ảnh cho thấy ông Jang Song Thaek bị bắt ngay tại cuộc họp. |
Cũng theo ông Lee, sau khi ông Kim Jong Il bị đột quỵ năm 2008, ông Jang Song Thaek - với tư cách là bộ trưởng Hành chính thuộc Trung ương đảng Lao động Triều Tiên - đã bổ nhiệm một vài người thân tín vào các vị trí quan trọng và tiếp cận được những tài liệu tuyệt mật mà Bộ Chính trị đảng trình cho ông Kim.
"Ông Kim Jong Il phát hiện và rất giận dữ. Vì thế, Jang bị coi là mối nguy hiểm tiềm tàng từ trước khi Kim Jong Un lên cầm quyền", ông Lee nói.
Từ giữa năm 2004, Jang đột nhiên biến mất khỏi chính trường. Theo cơ quan tình báo Hàn Quốc, Jang bị giam lỏng tại gia ở Bình Nhưỡng do có quyền lực quá lớn. Đến tháng 1/2006, ông Jang mới tái xuất và thăng tiến trở lại. Khi ông Kim Jong Il qua đời vào tháng 12/2011, Jang Song-thaek cùng 6 quan chức cao cấp khác trở thành 7 “nguyên lão” phò tá nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un.
Trong khi đó, tờ JoongAng Ilbo hôm 16/12 dẫn lời một quan chức Hàn Quốc cấp cao tiết lộ ông Jang Song-thaek từng lên kế hoạch đảo chính lật đổ anh vợ vào năm 1996.
Tham gia kế hoạch còn có Bí thư đảng Lao động Triều Tiên Hwang Jang-yop, quan chức cấp cao nhất của Bình Nhưỡng đào tẩu xuống miền Nam. Ông Hwang trốn đến Hàn Quốc vào năm 1997 và qua đời ở Seoul vào năm 2010, ở tuổi 87.
Theo JoongAng Ilbo, ông Hwang khai với giới chức Seoul rằng do thất vọng về gia tộc họ Kim nên cùng Jang Song-thaek lập mưu ám sát ông Kim Jong Il.
Một người đào tẩu khác là Kang Myong-do, con rể cựu Thủ tướng Triều Tiên Kang Song San (1931 - 2007), tiết lộ ông cũng đã từng hợp tác với ông Jang nhằm “thay đổi Triều Tiên và chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân”.