Ông là thủ lĩnh của phong trào sinh viên Sài Gòn- Gia Định, từng gặp thẳng tướng Nguyễn Cao Kỳ nêu yêu sách, 11 lần bị chính quyền Sài Gòn bắt và được Tổng thống chế độ
Ông là thủ lĩnh của phong trào sinh viên Sài Gòn- Gia Định, từng gặp thẳng tướng Nguyễn Cao Kỳ nêu yêu sách, 11 lần bị chính quyền Sài Gòn bắt và được Tổng thống chế độ Sài Gòn cũ Dương Văn Minh trả tự do.
Ông Huỳnh Tấn Mẫm từng giữ trọng trách là Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn- Gia Định. Ông là một trí thức yêu nước, là biểu tượng cho tinh thần bất khuất của phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn trước năm 1975. Hòa bình lập lại, ông Mẫm vẫn nuôi trong lòng bao ước vọng cống hiến cho đất nước, xã hội.
Tuổi thơ đầy sóng gió
Chúng tôi đến thăm bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm tên thật là Trần Văn Thật. Đầu năm mới này, ông vừa tròn 70 tuổi. Tại căn nhà trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP. HCM) ông luôn tất bật với công việc chăm sóc trẻ tự kỷ khiến chúng tôi thực sự khâm phục một con người giản dị, giàu lòng nhân ái. Ông luôn đem tinh thần lao động không mệt mỏi vì xã hội từ những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào cuộc sống hòa bình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Mẫm nhớ lại: "Ông nội của tôi là cụ Trần Văn Khá do tiếp tế lương thực vũ khí cho Việt Minh, bị Tây phát hiện đã đánh chết tại chỗ bằng một khúc gỗ lớn. Cho đến năm tôi 4 tuổi, cha tôi một lần nữa bị lính Tây đánh chết, chỉ vì đánh xe thổ mộ (xe ngựa) vào đường cấm, mẹ tôi một mình nuôi sáu người con thơ. Không chỉ vậy, người dân ở khu vực đó thường xuyên bị lính Mỹ-Ngụy tra tấn, giết hại. Cứ như vậy, tôi phải chứng kiến những cái chết đau đớn của người thân dưới bàn tay nhơ bẩn của quân thù mà thấy lòng mình đau đớn, xót xa".
|
Huỳnh Tấn Mẫm và phong trào thanh niên thành phố |
33 tuổi, mẹ ông đã góa chồng. Vì có nhan sắc nên nhiều người trong vùng đeo đuổi nhưng bà đã từ chối, cạo đầu xuống tóc tu tại gia và cùng bốn người chị lớn của Mẫm đi làm thuê cấy mướn để chạy từng bữa cho bảy miệng ăn. "Nhà nghèo, má tôi phải đi làm mướn, thậm chí nhận bốc mộ thuê, cái nghề không dành cho phụ nữ. Có nhiều lần theo chân bà đi bốc mộ, khi giở nắp ván thiên, tôi rùng mình hoảng sợ thấy bên trong lúc nhúc những con cá trê đen ngòm. Vì những ngôi mộ này nằm bên bờ ruộng xâm xấp nước, khi thân xác người chết phân rã, nước thấm qua vách hòm đã mục, cá trê nương theo hơi người chết, moi đất rồi chui vô đẻ. Từ bữa đó, tôi tuyệt nhiên không đụng đũa vô món cá trê", bác sĩ Mẫm ngậm ngùi nhớ lại.
Lớn lên, Huỳnh Tấn Mẫm được mẹ xin cho vào học tại trường duy nhất dạy trẻ chăn trâu miễn phí, ở ngoại ô Sài Gòn. Mẫm luôn cố gắng để thực hiện những ước mơ cháy bỏng cho tương lai của mình dù cuộc sống vất vả, nhiều cay đắng và tuổi đời còn bé. Vì thế, mỗi bữa vừa đi chăn bò, Mẫm vẫn miệt mài học bài ngoài ruộng, lấy que tre vạch lên mặt đất để làm toán. Nhờ tính kiên trì và tinh thần học hỏi không ngừng, cậu học trò nghèo ấy đã bước vào trường Pétrus Ký nổi tiếng để đọ sức với 5.000 thí sinh trong kỳ thi trung học. Kết quả, Mẫm đậu hạng 7/200 thí sinh trúng tuyển, nằm trong số 10 học sinh giỏi nhất Sài Gòn thời ấy.
Bác sĩ Mẫm kể lại: "Thời gian học tập ở nơi đây, ngoài công việc học tập, tôi đã lặn lội khắp nơi tìm công việc làm thêm để lo cho việc học tập của bản thân và phụ giúp cho má". Thế nhưng, suốt thời kỳ trung học, Huỳnh Tấn Mẫm luôn đạt kết quả xuất sắc và nhận được học bổng. Mặt khác, bác sĩ Mẫm chia sẻ: "Ghi tạc tâm nguyện của cha tôi trước khi qua đời, thương má, ơn thầy Đội Chiêu, tôi ráng học ngày đêm và năm 1963, tôi thi đậu vào cả hai trường y khoa và y dược".
Không chỉ học giỏi, Huỳnh Tấn Mẫm còn tham gia hoạt động Cách mạng rất sớm. Năm 1958, khi 15 tuổi, đang học lớp Đệ ngũ (lớp 8) trường Pétrus Ký, Mẫm được kết nạp vào tổ chức bí mật do Nguyễn Văn Chí lãnh đạo. Tại đây, Mẫm từng được giao công tác rải truyền đơn chống Chính phủ và năm 1960 được kết nạp vào Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng Sài Gòn-Gia Định.
Đòi bác bỏ chính sách của Tổng thống Thiệu
Với trọng trách cao cả của mình với Cách mạng và phong trào sinh viên, Huỳnh Tấn Mẫm không ít lần phải chịu sự tra tấn của quân thù. Thế nhưng với lòng yêu nước bất khuất, ông vẫn nở nụ cười trên môi. Ngay khi nhận nhiệm vụ, Huỳnh Tấn Mẫm đã cùng với ban chấp hành mới lãnh đạo sinh viên chống quân sự hóa học đường, tổ chức những đêm đốt giường chiếu và ca hát ầm ĩ ở quân trường. Không chỉ vậy, ông Mẫm còn lãnh đạo lớp lớp thanh niên tuyên quyết với quân thù trên mặt trận văn nghệ. Những đêm nhạc "Hát cho đồng bào tôi nghe" đã khơi dậy lòng yêu nước và căm thù giặc cháy rực khắp đường phố Sài Gòn.
Bác sĩ Mẫm cho biết: "Lúc đó, cấp trên đã nhận định, đoán biết ý đồ của địch là sẽ bắt sinh viên đi lính, chống lại Cách mạng. Chính vì vậy, cấp trên đã chỉ thị cho chúng tôi phải tìm cách phá chương trình này. Hưởng ứng chỉ thị, chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình trong giới sinh viên, yêu cầu bãi bỏ quân sự học đường. Phong trào được hưởng ứng mạnh mẽ của mọi tầng lớp và nhanh chóng lan rộng ra khắp nơi trên thành phố Sài Gòn".
Tháng 6/1970, ông Huỳnh Tấn Mẫm vẫn tổ chức đấu tranh đòi bãi bỏ việc quân sự hóa học đường ngay khi được thả ra cùng hơn 30 sinh viên bị bắt, nhưng chính quyền Thiệu vẫn cương quyết không từ bỏ. Không chỉ vậy, Thiệu còn ra lệnh, sinh viên nào không có chứng chỉ quân sự học đường không được lên lớp. Ông cho hay: "Trước tình hình đó, Thành đoàn một lần nữa lại nhanh chóng chuyển hướng hoạt động đấu tranh của lực lượng sinh viên theo một hướng mới. Ngay sau đó, tôi nhận chỉ thị là để sinh viên đi vào quân trường, tham gia vào chương trình học đường quân sự, rồi tìm cách phá địch từ bên trong". Do bị để ý từ trước, địch nghi Huỳnh Tấn Mẫm chỉ đạo những vụ đấu tranh này và ông bị bắt giam 5 ngày. Sau đó, vì không có chứng cớ, chúng đã phải thả ông ra.
Ngay khi ra khỏi nhà tù, Huỳnh Tấn Mẫm đã nắm được ý đồ của tướng Nguyễn Cao Kỳ muốn lợi dụng lực lượng học sinh sinh viên để chống phá đối thủ Nguyễn Văn Thiệu. Cũng chính là chủ ý của Thành đoàn, "mượn súng giặc bắn kẻ thù". Ông đã gặp tướng Cao Kỳ và nêu ra những yêu sách, đòi hỏi về phía tướng Kỳ như xin bãi bỏ chương trình quân sự học đường. Bác sĩ Mẫm nói: "Thưa ngài Phó tổng thống, như ngài thấy đó, chương trình quân sự học đường đang gây sự bất bình lớn trong sinh viên và công chúng. Nếu không dẹp bỏ thì tình hình sẽ không yên ổn đâu. Do vậy, chúng tôi thay mặt cho họ đề nghị ngài kiến nghị với Tổng thống Thiệu tạm hoãn hoặc bãi bỏ chương trình này".
Thế nhưng lời đề nghị của ông Mẫm đã không thuyết phục được tướng Kỳ vì đó là chương trình do chính ông ta đề ra. Tuy nhiên, ông hứa là sẽ cho hoãn đến sau kỳ thi sẽ thực hiện để tránh cho sinh viên khỏi bị ảnh hưởng trong thi cử. "Sau thỏa thuận của tôi với tướng Cao Kỳ, Thành đoàn và Đặc khu ủy nhận định bước đi của nước cờ đã đúng chiến thuật và đúng hướng. Do đó, cấp trên đã chỉ thị cho tôi về khẩn trương tập họp và tổ chức các cuộc xuống đường rầm rộ hơn, manh động hơn với qui mô lớn", ông Mẫm nhớ lại.
Huỳnh Tấn Mẫm đã thể hiện sức mạnh của mình và đã tổ chức một cuộc xuống đường vô cùng khí thế và rầm rộ, bạo động xô xát choảng nhau thẳng tay với lực lượng cảnh sát áo trắng và cảnh sát dã chiến ở đường Cường Để. Lúc này, trên bầu trời sôi sục máy bay trực thăng do đích thân tướng Kỳ lái đảo lượn quan lãm. Chỉ một ngày sau, tướng Kỳ ra lệnh giao một phần Nhà Quốc Khách cho Mẫm làm trụ sở và cung cấp đầy đủ phương tiện và thiết bị văn phòng. Thời gian này, không ít lần Huỳnh Tấn Mẫm phải chịu cảnh ra vào và bị bắt giam vào nhà tù chính trị của Mỹ - Ngụy.
Nhưng với tinh thần vì nước quên thân, vì dân quên mình, trong vòng hai tháng, ông Mẫm đã tổ chức cho lớp sinh viên đốt cháy mấy trăm chiếc xe Mỹ. Phong trào sinh viên do ông Mẫm cầm đầu còn tổ chức đốt xe Mỹ trước ống kính máy ảnh, quay phim của các hãng tin nước ngoài. Tinh thần và hành động phản chiến dữ dội của sinh viên Sài Gòn được truyền đi khắp thế giới, tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân các nước. Nhiều xe nước ngoài sau đó đã vẽ dấu hiệu phản chiến là khẩu M16 bị bẻ gãy, ghi dòng chữ "Xe dân sự, xin đừng đốt" trước mũi xe.
Được trả tự do trước ngày giải phóng
Sau 11 lần bị bắt vào nhà tù chính trị của chính quyền Sài Gòn, ngày 28/4/1975, Huỳnh Tấn Mẫm được đích thân Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh trả tự do. Nhớ lại cuộc vật lộn của mình trước bom đạn của quân thù, bác sĩ Mẫm nói: "Trong cuộc đời hoạt động Cách mạng, không ít lần tôi phải đối diện với sự tra tấn, hành hình của kẻ thù, tôi không nghĩ mình khó có thể sống đến hôm nay. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ vì độc lập dân tộc và sự yên bình cho cuộc sống của nhân dân thì dù có chết cũng không có gì phải sợ".
|
Thơ Trịnh
(Người Đưa tin)