|
Toàn cảnh lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi năm 2009. Ảnh: Reuters |
Theo một báo cáo từ Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, chi phí cho buổi lễ nhậm chức của các Tổng thống Mỹ là rất tốn kém. Tuy nhiên, rất khó để tính chính xác chi phí này.
Điều này là bởi, số tiền gây quỹ cho buổi lễ này thường được gửi từ các tài khoản không ghi rõ mục đích gửi tiền là để chi cho lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Cụ thể, Bộ An ninh Nội địa Mỹ coi lễ nhậm chức của các Tổng thống là “một sự kiện an ninh quốc gia đặc biệt” và số tiền gây quỹ cho lễ nhậm chức của các Tổng thống gửi đến Bộ này sẽ được ghi tương ứng.
Ngoài ra, theo Washington Post, Ủy ban Hỗn hợp của Quốc hội về Nghi lễ Nhậm chức Tổng thống Mỹ cũng chi 1 triệu USD từ tiền thuế của người dân chỉ riêng cho lễ tuyên thệ nhậm chức.
Trong khi đó, rất nhiều hoạt động khác liên quan đến lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ lại được các nhà tài trợ lớn quyên góp thông qua Ủy ban về Lễ nhậm chức của Tổng thống (PIC)- một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. PIC chịu trách nhiệm chi tiền cho hầu hết các hoạt động trong Lễ nhậm chức như lễ khai mạc, lễ diễu hành và các buổi khiêu vũ.
Năm 2013, đơn vị tiếp nhận tài trợ của ông Obama đã tiếp nhận 44 triệu USD tiền tài trợ cho lễ nhậm chức trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông. Con số này của ông Trump vào năm 2017 sẽ tăng lên ít nhất 20 triệu USD.
Trong đó, các nhà tài trợ lớn đóng góp từ 25.000-1 triệu USD sẽ được tham gia các sự kiện đặc biệt có sự tham gia của Tổng thống đắc cử Donald Trump và phu nhân Melania.
Mỗi Ủy ban về Lễ nhậm chức của từng Tổng thống khác nhau lại có những quy định khác nhau về việc ai có thể tài trợ cho Lễ nhậm chức. Ủy ban của ông Trump tuyên bố không nhận tiền tài trợ của các nhà vận động hành lang. Tuy nhiên, họ không giới hạn số tiền tài trợ của các cá nhân. Con số này của các tập đoàn có thể lên đến 1 triệu USD.
Trong khi đó, hồi năm 2009, Ủy ban của ông Obama từ chối nhận tiền tài trợ của các tập đoàn và giới hạn con số này của các cá nhân ở mức 50.000USD. Tuy nhiên, sau đó, vào năm 2012, do lo ngại số tiền tài trợ không đủ bù chi phí của buổi lễ, ông Obama đã dỡ bỏ việc từ chối nhận tiền tài trợ của các tập đoàn và không giới hạn số tiền tài trợ của các cá nhân. Điều này khiến ông hứng chịu rất nhiều chỉ trích.
Nhìn chung, số tiền tài trợ từ các cá nhân cho lễ nhậm chức của các Tổng thống Mỹ trong 40 năm qua đều tăng. Năm 1973, Tổng thống Richard Nixon nhận được số tiền tài trợ vào khoảng 4 triệu USD, con số này trong năm 1985 của Tổng thống Ronald Reagan là 20 triệu USD. 20 năm sau, số tiền tài trợ cho lễ nhậm chức của Tổng thống George W. Bush tăng lên 42 triệu USD./. (Source:LA 34)
1 triệu USD để dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Trump
Nhóm phụ trách lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra một loạt gói vé với giá dao động tới trên dưới 1 triệu USD cho bất cứ ai có nhu cầu dự tiệc và tham gia vào lễ nhậm chức của ông vào tháng 1 năm sau, New York Times cho biết.
Nhằm quyên góp tiền từ các mạnh thường quân cho lễ nhậm chức vào đầu năm tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, ủy ban phụ trách nhậm chức đã đưa ra hàng loạt gói vé với giá dao động từ 25.000 USD đến 1 triệu USD hoặc hơn thế cho những người có mong muốn được dự lễ nhậm chức của Tổng thống thứ 45. Theo tài liệu của ủy ban và được New York Times tiết lộ, với số tiền ủng hộ trên 1 triệu USD, các nhà tài trợ sẽ được ăn trưa cùng các quan chức trong nội các cũng như lãnh đạo quốc hội nhiệm kỳ mới, ăn tối cùng với Phó tổng thống cùng phu nhân và ăn trưa cùng gia đình Tổng thống. Ngoài ra, các mạnh thường quân này cũng sẽ được dự các sự kiện trong lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Trump.
Ủy ban nhậm chức của ông Trump cũng đưa ra các gói vé với nhiều mệnh giá khác nhau gồm 25.000 USD, 100.000 USD, 250.000 USD và 500.000 USD.
Với gói vé thấp nhất 25.000 USD, khách mời sẽ có 2 suất tham dự các sự kiện như lễ diễu hành, buổi hòa nhạc và lễ bắn pháo hoa. Tiếp đến là mức vé 100.000 USD, khách mời có 4 suất tham dự những sự kiện nói trên, cùng với 2 vé ăn tối cùng các quan chức trong nội các mới.
Với gói vé 250.000 USD, ngoài những đặc quyền trên, khách mời có 2 suất ăn trưa cùng các Đệ nhất phu nhân. Ngoài ra, muốn dự dạ tiệc cùng với Tổng thống và Phó tổng thống, gói vé cho 4 khách mời sẽ là 500.000 USD.
Năm 2009, Tổng thống Barack Obama giới hạn mức tối đa một mạnh thường quân chi cho lễ nhậm chức của ông là 50.000 USD, ngoài ra, ông không nhận tiền từ các tập đoàn hay liên đoàn lao động, các nhà vận động hành lang và một số nhóm khác.. Tuy nhiên, trong lễ nhậm chức năm 2013, nhiều nhà tài trợ đã góp hơn 1 triệu USD cho lễ nhậm chức của ông Obama. Mục đích của việc đưa ra các gói vé đặc quyền này là nhằm quyên góp tiền cho lễ nhậm chức của ông Trump vào đầu năm sau. Lễ nhậm chức của ông Trump sẽ diễn ra đúng 12 giờ trưa ngày 20/1/2017 theo giờ địa phương. Lễ tuyên thệ diễn ra tại thềm cửa tây tòa nhà Quốc hội Mỹ. Sau tuyên thệ, ông Trump sẽ có bài diễn văn nhậm chức kéo dài khoảng 20 phút. Đây thường là cơ hội để tân tổng thống ghi lại dấu ấn lịch sử với những tuyên bố về chính sách. Tiếp đó, ông sẽ tham gia lễ diễu hành nhậm chức và chính thức chuyển vào Nhà Trắng.
Lễ nhậm chức của Donald Trump sẽ vĩ đại chưa từng thấy
Bất chấp thời tiết trong ngày hôm đó có như thế nào đi nữa, buổi lễ cũng sẽ được cử hành ngoài trời với những nghi thức và những đám diễn hành hoành tráng với sự tham gia của đông đảo người dân Mỹ.
Ngay trong tháng 1 này, Donald Trump sẽ chính thức trở thành vị tổng thống thứ 45 trong lịch sử nước Mỹ trong một buổi lễ nhậm chức được cho là vĩ đại diễn ra ngay tại Thủ đô Washington. Dưới đây là những gì bạn cần biết về buổi lễ này. Khi nào và ở đâu?
Sân khấu tuyên thệ của Donald Trump sẽ có quy mô tương đương như thế này. Buổi lễ nhậm chức của Donald Trump sẽ diễn ra vào giữa trưa (giờ địa phương) ngày 20/01/2017. Bất chấp thời tiết trong ngày hôm đó có như thế nào đi nữa, buổi lễ cũng sẽ được cử hành ngoài trời với những nghi thức và những nhóm diễn hành với sự tham gia của đông đảo người dân Mỹ.
Buổi lễ chính sẽ bắt đầu vào buổi sáng ngay tại Tòa Bạch Ốc và ngày hôm đó sẽ kết thúc với vô số tiệc khiêu vũ khắp Thủ đô Washington.
Một cảnh khiêu vũ của vợ chồng Obama năm 2008. Sự kiện trọng đại nhất là lời tuyên thệ nhậm chức dài 35 từ của Trump sẽ được phát biểu trên một lễ đài được thiết kế đặc biệt ngay phía trước Điện Capitol, rộng hơn 900m2, chứa được 1.600 người. Ngày xưa tổng thống Mỹ thường tuyên thệ ngay bên trong Nhà Trắng, nhưng trong nhiều năm trở lại đây, truyền thống đó đã thay đổi.
Vì sao luôn là ngày 20/01?
Đây sẽ là những chủ nhân mới của Nhà Trắng kể từ ngày 20/01.
Trong lịch sử, tất cả những buổi lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ đều diễn ra vào ngày 20/01, ngoại trừ nếu ngày đó rơi vào Chủ Nhật thì tổng thống sẽ tuyên thệ kín vào ngày 20 và tổ chức buổi lễ công khai vào ngày 21. Tuy nhiên mãi đến năm 1933 thì quy định này mới được áp dụng.
Trước đó, lễ nhậm chức đều diễn ra vào ngày 04/03 (hoặc 05/03 nếu rơi vào Chủ Nhật). Điều đó có nghĩa tổng thống mới sẽ có 4 tháng dài đằng đẵng không làm gì cả kể từ khi được bầu lên vào tháng 11 cho đến khi chính thức nhậm chức, và nếu có tình huống nguy cấp nào xảy ra thì vị tổng thống đó cũng sẽ không kịp ứng phó.
Đám đông trong buổi lễ nhậm chức của Obama.
Vì thế, theo bộ luật sửa đổi được ban hành vào ngày 23/01/1933 (thời của Franklin D. Roosevelt), tổng thống và phó tổng thống cũ sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào giữa trưa ngày 20/01, còn các thượng nghị sĩ và các nghị viên cũ sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào giữa trưa ngày 03/01.
Những ai sẽ là khách mời?
Trump và Clinton, có duyên ắt sẽ gặp lại.
Trong số 1.600 vị khách mời danh dự gồm có đương kim tổng thống, các cựu tổng thống, phát ngôn viên của Bạch Ốc, các quan chức ngoại giao, thành viên nội các Hoa Kỳ, các thượng nghị sĩ, thống đốc bang, và những người đứng đầu các bộ máy điều hành đất nước này.
Như thế, những chính khách nổi tiếng tham dự buổi lễ này sẽ có Barack Obama, George W. Bush, Bill và Hillary Clinton, những người đã từng ít nhiều bị Trump đá xéo công khai trên các phương tiện truyền thông.
Đây cũng sẽ là lần xuất hiện hiếm hoi của bàClinton trước công chúng kể từ thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng vào cuối năm ngoái.
Ngoài ra, trong số hai vị cựu tổng thống nay cùng 92 tuổi là Jimmy Carter (tổng thống thứ 39) và George H. W. Bush (tổng thống thứ 41, bố của George W. Bush) thì Carter sẽ tham gia còn Bush sẽ ở nhà vì tuổi cao sức yếu.
Nghệ sĩ nào sẽ góp mặt?
Elton John cùng hàng loạt nghệ sĩ hạng A khác sẽ không tham dự.
Trước lễ Giáng Sinh, Trump đã lên Twitter tuyên bố: “Những vị nào nằm trong cái gọi là danh sách những nghệ sĩ hạng A đều đang đợi nhận vé mời đến buổi lễ nhậm chức, nhưng hãy xem họ đã làm gì cho Hillary nào, KHÔNG GÌ CẢ. Tôi muốn mời NGƯỜI THƯỜNG!”
Theo truyền thống, mọi buổi lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ đều phải có nghệ sĩ đến biểu diễn góp vui, chẳng hạn Beyonce đã từng biểu diễn trong buổi lễ nhậm chức của Obama năm 2008, nên năm nay cũng không phải là ngoại lệ.
Có điều trường hợp của Trump sẽ khó hơn một chút, và sẽ không có sự góp mặt của nghệ sĩ hạng A nào cả.
Giọng ca thiên thần Jackie Evancho sẽ là người hát quốc ca trong buổi lễ.
Jackie Evancho (sinh năm 2000), nổi tiếng từ cuộc thi America's Got Talent, sẽ hát quốc ca Mỹ trong buổi lễ của Trump. Dàn hợp xướng 360 người Mormon Tabernacle Choir đến từ Salt Lake City, Utah cũng sẽ có lần thứ 6 liên tiếp biểu diễn tại một buổi lễ nhậm chức tổng thống, có điều một thành viên trong nhóm từ chối tham gia.
Nhóm múa Radio City Rockettes cũng sẽ được mời biểu diễn, bất chấp một số thành viên sẽ vắng mặt.
The Radio City Rockettes được thành lập năm 1925, biểu diễn nhiều thể loại từ ballet đến hiện đại, jazz.
The Mormon Tabernacle Choir là dàn nhạc gồm 360 người, đều là các tình nguyện viên, được đặt tên theo một nhà thờ ở thành phố Salt Lake,
bang Utah, nơi nhóm đã biểu diễn hơn 100 năm. Dàn nhạc này sẽ tham dự trình diễn trong ngày Nhậm Chức Tổng Thống
Một cái tên khá nổi tiếng khác là Rebecca Ferguson từ cuộc thi X-Factor 2010 của nước Anh cho biết cô cũng được mời, nhưng sẽ không đến trừ khi cô được biểu diễn Strange Fruit, một ca khúc có đề tài chống phân biệt chủng tộc của những năm 1930.
Tất nhiên phải kể đến những nghệ sĩ hạng A đã từ chối lời mời đến tham dự buổi lễ:
Elton John, Justin Timberlake, Bruno Mars,Katy Perry, George Lopez, Adam Lambert…
Obama sẽ làm gì trước khi Trump đổ bộ Nhà Trắng?
Obama sẽ nhắn nhủ những gì đến Trump?
Theo truyền thống, tổng thống cũ sẽ để lại những lời nhắn nhủ yêu thương gửi đến tổng thống mới trong Phòng Bầu Dục. Chẳng hạn George Bush Con từng để lại một lời nhắn cho Obama, trong đó chúc ông “một chương mới đầy mê li” mà ông sắp sửa bước chân vào.
Còn năm 1993, George Bush Cha từng nhắn với Bill Clinton rằng: “Tôi chúc anh được hưởng niềm hạnh phúc ngập tràn nơi đây. Tôi chưa từng cảm thấy nỗi cô độc nào mà các vị Tổng thống khác từng miêu tả.”
Hiện tại mọi công đoạn chuẩn bị cho buổi lễ đang được gấp rút tiến hành:
=
***
8 “Điều cần biết” về ngày tuyên thệ nhậm chức của Tổng Thống Mỹ
1. Lễ nhậm chức của ông Trump kéo dài tới 3 ngày:
Nếu tính cả phần không chính thức, Lễ nhậm chức của ông Trump sẽ kéo dài tới 3 ngày, từ 19-21/1/2017 với sự tham gia của nhiều nhân vật quan trọng và nổi tiếng.
Trước Lễ tuyên thệ chính thức vào ngày 20/1, ông Trump và Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence sẽ đặt vòng hoa tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington và tham dự một buổi hòa nhạc chào mừng ở Tượng đài Lincoln.
|
Địa điểm truyền thống tổ chức Lễ tuyên thệ nhậm chức của các đời Tổng thống Mỹ. |
2. Lời tuyên thệ của Tổng thống Mỹ chỉ vỏn vẹn 35 chữ:
Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ đọc lời tuyên thệ nhậm chức bao gồm thông điệp chỉ vỏn vẹn 35 chữ (không bao gồm tên của ông). Nội dung thông điệp này tạm dịch là: “Tôi trịnh trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ đảm đương vị trí tổng thống Mỹ một cách trung thành và sẽ làm hết khả năng để giữ gìn, duy trì và bảo vệ Hiến pháp Mỹ”.
|
Tổng thống Obama trong Lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai năm 2013. Ảnh: Reuters. |
Lời tuyên thệ nhậm chức này được ghi rõ trong Hiến pháp Mỹ. Điều II, mục I của Hiến pháp Mỹ nêu rõ: “Trước khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ phải đọc lời tuyên thệ này”.
Thông thường, các Tổng thống Mỹ thường kết thúc lời tuyên thệ bằng câu nói: “Xin Chúa hãy giúp con”. Câu nói mang tính tôn giáo này không bắt buộc.
Bên cạnh đó, Hiến pháp Mỹ không có quy định tân Tổng thống phải đặt tay lên sách gì trong lễ tuyên thệ, nhưng nhiều ông chủ Nhà Trắng vẫn có thói quen đặt tay trái vào cuốn Kinh Thánh.
Hiến pháp Mỹ cũng không quy định ai sẽ là người đọc lời tuyên thệ nhậm chức cho Tổng thống song nhiệm vụ này thường thuộc về Chánh án Tòa án Tối cao.
3. Ông Trump tự viết bài phát biểu nhậm chức:
Tất cả các Tổng thống Mỹ sẽ có bài phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức và mục đích của bài phát biểu này là phải đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân đang chia rẽ vì những ý kiến trái chiều trong cuộc bầu cử 2 tháng trước.
Bài phát biểu này không chỉ vạch ra đường hướng chính sách điều hành của tân Tổng thống trong vòng 4 năm tới mà cũng cần ghi nhận công lao của Tổng thống tiền nhiệm.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố sẽ tự soạn toàn bộ bài phát biểu nhậm chức và bài phát biểu này sẽ “ngắn nhưng có tác động mạnh mẽ”.
|
Bài phát biểu nhậm chức của ông Trump dự kiến sẽ ngắn nhưng có tác động mạnh mẽ. |
4. Ngày tuyên thệ nhậm chức sẽ bao gồm cả phần “lễ” và phần “hội”:
Kết thúc Lễ tuyên thệ nhậm chức, tân Tổng thống và Phó Tổng thống sẽ tham gia lễ diễu hành từ Tòa nhà Quốc hội (Capitol Hill) đến Nhà Trắng. Đoàn diễu hành bao gồm học sinh, các ban nhạc ở trường đại học, khối xe mô tô và phân khối lớn, khối cựu binh và các thành viên đang phục vụ trong quân đội, khối hướng đạo sinh và nhiều khối khác.
|
Cuộc diễu hành sau Lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Obama năm 2013. Ảnh: AP |
Ngày tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Mỹ không chỉ có phần “lễ” rất trang nghiêm, long trọng mà còn có phần “hội” bao gồm tiệc chiêu đãi, bắn pháo hoa, tiệc khiêu vũ. Nhưng sự kiện này đã được tổ chức 4 năm 1 lần kể từ ngày 7/5/1789, khi diễn ra vũ hội đầu tiên mừng lễ nhậm chức và vinh danh Tổng thống George Washington. Những vũ hội mừng Lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ ngày nay khá xa hoa khi tiêu tốn hàng chục triệu USD và thường diễn nhiều hơn là 1 buổi duy nhất vào đêm của Ngày nhậm chức. Năm nay có đến 20 vũ hội không chính thức để chúc mừng ông Trump nhậm chức bắt đầu từ ngày 18/1.
5. Chi phí cho Lễ nhậm chức 2017 là bao nhiêu?
Tiền chi cho Lễ Nhậm chức dự kiến sẽ quyên từ các nhà tài trợ, cụ thể là từ những doanh nghiệp Liên bang được hưởng lợi sau khi Tổng thống đắc cử. Trong số đó, có những hãng và công ty lớn như Microsoft. Tổng thống Mỹ Barack Obama là người tổ chức lễ tuyên thệ với chi phí tốn kém nhất từ trước tới nay. Lễ tuyên thệ năm 2009 của ông có chi phí lên tới 160 triệu USD. Tuy nhiên, Lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump năm nay dự kiến phá kỷ lục đó với chi phí từ 175-200 triệu USD. Các nhà tài trợ sẽ trang trải khoảng 70 triệu USD, còn lại sẽ lấy từ tiền thuế của dân.
Ban tổ chức cũng bán vé tham dự Lễ tuyên thệ nhậm chức cho người dân và thường thu hút lượng lớn khách tham dự. Năm 2009 đánh dấu lần đầu tiên nước Mỹ có Tổng thống người da màu, 1,8 triệu lượt người đã đến xem. 6. Ngày nhậm chức của ông Trump là ngày làm việc cuối cùng của ông Obama:
Về mặt lý thuyết, ông Barack Obama vẫn còn là Tổng thống Mỹ cho đến đúng 12 giờ trưa ngày 20/1/2017 theo quy định Hiến pháp sửa đổi lần thứ 20 của Mỹ.
Ông Obama sẽ phục vụ đất nước đến những giờ phút cuối cùng của nhiệm kỳ thứ hai và hoàn tất sứ mệnh lịch sử với tư cách là Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Nhiệm kỳ của Phó Tổng thống Joe Biden cũng kết thúc đồng thời với Tổng thống Obama..
7. Tổng thống mãn nhiệm sẽ chào đón tân Tổng thống:
Tổng thống mãn nhiệm của đảng Dân chủ Mỹ Barack Obama sẽ chào đón và dùng bữa với Tổng thống đắc cử Donald Trumps của đảng Cộng hòa. Đây là truyền thống của các Tổng thống Mỹ để thể hiện sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình từ một chính quyền tổng thống này sang một chính quyền tổng thống khác, kể cả khi không cùng đảng.
8. Vì sao người tuyên thệ nhậm chức năm nay lại là thành viên đảng Cộng hòa?
Có rất nhiều lý giải lẫn hoài nghi về chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11/2016. Song nếu gạt tất cả sang một bên và nhìn vào những thống kê thì có thể thấy cử tri Mỹ có xu hướng không bầu cho Tổng thống của cùng 1 đảng liên tiếp lên nắm quyền. Điều này lý giải vì sao 1 ứng cử viên đảng Cộng hòa chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng sau 8 năm cầm quyền của 1 Tổng thống thuộc đảng Dân chủ.
Lần gần đây nhất cử tri Mỹ chọn 2 Tổng thống kế nhiệm nhau thuộc cùng một đảng và làm việc trọn cả nhiệm kỳ của mình là vào năm 1856, trước cuộc Nội chiến ở Mỹ. Đó là khi ông James Buchanan trở thành Tổng thống thứ 15 của Mỹ kế nhiệm Tổng thống Franklin Pierce./.
Điều độc nhất trong lễ nhậm chức của ông Donald Trump ngày 20/1
Lễ nhậm chức tổng thống Mỹ của ông Donald Trump được cho là có nhiều điều chưa từng có trong lịch sử nhậm chức của các đời tổng thống Mỹ trước đây. Ngày 20/1 sắp tới, tỷ phú Donald Trump sẽ chính thức trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Với mức độ hoành tráng của buổi lễ, các quan chức cấp cao trong ban tổ chức đều cho rằng việc đảm bảo an ninh cho lễ nhậm chức tổng thống Mỹ này sẽ là thách thức lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại.
Chi phí cao nhất trong lịch sử nước Mỹ
Theo tờ Washington Post, buổi lễ này dự kiến sẽ tiêu tốn từ 175 đến 200 triệu USD. Đây được xem là mức chi phí cao nhất trong lịch sử nhậm chức tổng thống Mỹ. Chi phí cho các buổi lễ nhậm chức trước đó của Tổng thống Obama vào năm 2013 là 170 triệu USD, Tổng thống George W. Bush năm 2005 là 42 triệu USD, Tổng thống Bill Clinton vào năm 1993 là 33 triệu USD…
Nhóm bạn gồm 20 tỉ phú của Tổng thống đắc cử Donald Trump dự kiến sẽ đóng góp khoảng 75 triệu USD, số còn lại do Ủy ban Nhậm chức Tổng thống và chính quyền liên bang chi trả. Tỉ phú Tom Barrack, người sáng lập và chủ tịch điều hành của tập đoàn đầu tư toàn cầu Colony Capital, cũng là một đồng minh tin cậy của ông Trump về vấn đề kinh tế và an ninh quốc gia được ông Trump bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy ban Nhậm chức Tổng thống. Ông Barrack từng mô tả ông Trump là một trong những người bạn thân nhất của mình trong 40 năm qua. Trong số 19 tỉ phú còn lại, có bốn người nằm trong danh sách 400 người Mỹ giàu nhất do Forbes bình chọn, gồm các tỉ phú Sheldon Adelson, Diane Hendricks, Phil Ruffin và Steve Wynn…
Khoản chi phí hoành tráng cho buổi lễ ngày 20/1 sẽ được sử dụng cho các hoạt động như lễ tuyên thệ chính thức tại trụ sở Quốc hội, các buổi tiệc và bữa tối chính thức của tổng thống và phó tổng thống, sự kiện biểu diễn âm nhạc, lễ diễu hành trên đại lộ Pennsylvania vào buổi chiều, tiệc khiêu vũ và chi phí an ninh, hậu cần. Trong đó, riêng chi phí đảm bảo an ninh được cho là đã tiêu tốn hết 100 triệu USD. Mặc dù chi phí cao nhưng theo các chuyên gia, buổi lễ nhậm chức tổng thống của ông Trump ước tính sẽ mang lại cho thủ đô Washington, D.C. lợi nhuận hàng trăm triệu USD.
Lễ nhậm chức của ông Trump được cho là sẽ tốn kém nhất trong lịch sử nhậm chức của các tổng thống Mỹ. Ảnh: REUTERS.
Ông Charles Brotman, xướng ngôn viên trong các lễ nhậm chức của 11 đời tổng thống Mỹ vừa bị ông Trump thay thế. Ảnh: AP.
Nữ ca sĩ 16 tuổi
Jackie Evancho sẽ biểu diễn trong buổi lễ nhậm chức của ông Trump. Ảnh: LCI.
Điều chỉnh nhân sự
Hồi cuối tuần trước, nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump bất ngờ tuyên bố sa thải ông Charles Brotman, người xướng ngôn quen thuộc trong lễ nhậm chức của 11 đời tổng thống Mỹ tiền nhiệm.
Ông Charles Brotman, 89 tuổi, làm công việc xướng ngôn trong các lễ nhậm chức tổng thống Mỹ từ thời Tổng thống Dwight D. Eisenhower năm 1957. Ông đang chuẩn bị để tiếp tục làm việc này vào ngày 20-1 tới, tuy nhiên thông tin bị sa thải hôm 5-1 đã khiến ông cảm thấy “đau khổ” và “gục ngã”. “Tôi đã làm công việc này suốt 60 năm qua. Tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ không được làm nữa” – ông Brotman nói. “Tôi cảm thấy thất vọng. Tôi biết tôi có thể làm công việc này. Những lễ nhậm chức trước họ đều tìm tôi và đó là một vinh dự” – ông Charles Brotman nói.
Người được chọn thay thế ông Brotman là ông Steve Ray, 58 tuổi, một bình luận viên tự do và là kỹ sư âm thanh làm việc tại Washington. Theo New York Daily News, Ray là một tình nguyện viên trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Trả lời báo chí, ông Ray bày tỏ: “Tôi không thay thế Brotman hay cướp việc của ông ấy. Tôi chỉ là người làm tiếp những gì ông ấy đã làm. Brotman là huyền thoại và không ai có thể thay thế được”. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Ủy ban Nhậm chức Tổng thống của ông Trump cho biết ông Brotman sẽ được vinh danh là người xướng ngôn danh dự. Hiện ông Brotman chưa xác nhận có tham dự lễ nhậm chức của ông Trump vào ngày 20-1 hay không. Tuy nhiên, ông Brotman cũng chia sẻ rằng ông chúc người kế nhiệm mình sẽ hoàn thành tốt công việc.
Ngoài việc thay đổi người xướng ngôn, ông Trump cũng đã yêu cầu các đại sứ Mỹ được Tổng thống Obama bổ nhiệm chính trị phải rời nhiệm sở trước ngày 20-1, không có ngoại lệ. Theo tờ New York Times (NYT), các đại sứ Mỹ ở nước ngoài có hai dạng: Được tổng thống, phó tổng thống hay người đứng đầu các cơ quan ban ngành bổ nhiệm chính trị hoặc là các nhà ngoại giao chuyên nghiệp thăng tiến trong Bộ Ngoại giao Mỹ.
Một quan chức cấp cao trong nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump cho biết động thái trên là để đảm bảo việc các đại sứ được ông Obama bổ nhiệm rời khỏi chính phủ tuân theo đúng quy trình. Theo NYT, lệnh trên có nguy cơ khiến Mỹ không có đại sứ trong nhiều tháng ở các quốc gia quan trọng như Đức, Canada, Anh…
Vắng bóng sao hạng A
Chương trình biểu diễn nghệ thuật với sự tham gia của các ngôi sao nổi tiếng là một phần đặc sắc trong các buổi lễ nhậm chức tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, buổi lễ nhậm chức vào ngày 20/1 tới đây của Tổng thống đắc cử Donald Trump được cho là sẽ vắng bóng các ngôi sao hạng A trong ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ. Theo BBC, nhiều ngôi sao âm nhạc nổi tiếng, trong đó có Bruno Mars, Justin Timberlake, Elton John và Celine Dion… đã từ chối biểu diễn trong buổi lễ nhậm chức của ông Trump. Báo The Guardian dẫn lời ông Steven J. Horowitz, một chuyên gia trong ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ, cho rằng việc các ngôi sao từ chối biểu diễn tại lễ nhậm chức của ông Trump không phải là vấn đề đáng ngạc nhiên, bởi nếu nhìn vào sự hỗ trợ của các nghệ sĩ dành cho bà Clinton trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng 2016 có thể thấy bà Clinton nhận được sự yêu thích áp đảo. Theo ông Horowitz, nếu các nghệ sĩ này nhận lời biểu diễn cho ông Trump sẽ cho thấy sự xung đột trong quan điểm và hành động của họ, mà người hâm mộ thì không dễ chấp nhận điều này. Trên mạng xã hội, ông Trump từng có những bài viết công kích các ngôi sao hạng A và hướng về tầng lớp người dân bình thường ở nước Mỹ. “Những người nổi tiếng mà được gọi là sao hạng A, họ cũng muốn tấm vé tới buổi nhậm chức đấy nhưng nhìn xem họ đã làm gì giúp cho bà Hillary kìa, chẳng có gì cả! Tôi muốn những người dân thường” – ông Trump viết trên mạng xã hội.
Mặc dù vắng bóng nhiều ngôi sao hạng A, Ủy ban Nhậm chức Tổng thống của ông Trump vẫn mời được những nghệ sĩ được đánh giá có sức hút lớn đối với dư luận Mỹ, như giọng ca Jackie Evancho của chương trình America’s Got Talent. Nữ ca sĩ 16 tuổi này đã có năm album nằm trong số 20 album bán chạy nhất nước Mỹ gần đây.
Ngoài ra, nhóm nhảy nữ The Radio City Rockettes, nổi tiếng với điệu nhảy tung chân theo phong cách Pháp và dàn hợp ca The Mormon Tabernacle 360 người, từng biểu diễn trong lễ nhậm chức của các tổng thống Lyndon B. Johnson, Richard Nixon, Ronald Reagan và hai tổng thống Bush cũng xác nhận tham dự. Trước lễ Giáng sinh, Tổng thống đắc cử Mỹ cũng đã kêu gọi những người ủng hộ mình tập trung thật đông tại Washington vào ngày nhậm chức nhằm thiết lập một kỷ lục mới trong lịch sử.