Lịch Sử, Quân Sử & Huyền Thoại

Chiến Thắng An Lộc 1972

Những chiến hữu và thân hữu có tên dưới đây đều có chung một Hoài Bão, bảo một Ý Chí, và một Tâm Niệm như nhau, trong công cuộc hình thành quyển sử liệu CHIẾN THẮNG AN LỘC 1972 nầy.

Đây là cuốn sử liệu sưu tầm trên mạng cho các bạn trong UMC. Bản quyền thuộc về các tác giả có tên phía dưới.


Những chiến hữu và thân hữu có tên dưới đây đều có chung một Hoài Bão, bảo một Ý Chí, và một Tâm Niệm như nhau, trong công cuộc hình thành quyển sử liệu CHIẾN THẮNG AN LỘC 1972 nầy.

Chúng tôi, với tình huynh đệ chi binh, không nêu tên theo cấp bậc cũng như vai trò trong Ban Biên Soạn mà chỉ nêu tên theo tuổi tác.

• Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường
• Trung Tá Trần Văn Tính
• Trung Tá Nguyễn Ngọc Ánh
• Đại Úy Lê Hoàng Ân
• Bà Lê Thị Kim Liễu, Đại học Rice, Houston



Tâm Thư của Trung Tướng NGUYỄN VĂN MINH
Nguyên Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III



Tôi sống ẩn dật trên đất Mỹ đã trên 30 năm, tuổi đời đã gần 80, bỗng nhiên nhận được bức tâm thư của nhóm anh em Quân Nhân thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà hiện cư ngụ tại Tiểu Bang Texas, gửi cho tôi, để hỏi ý kiến về việc thực hiện cuốn sách “Trận Chiến Thắng An Lộc năm 1972”.

Đọc xong bức Tâm Thư, lòng tôi rất bồi hồi, tưởng nhớ lại những chuyện xảy ra xa xưa trong cuộc đời Binh Nghiệp của mình, nhất là Trận An Lộc, tinh thần và ký ức phấn chấn trở lại, sau bao nhiêu năm tháng, ngỡ như mọi sự việc đã được vùi sâu tận cõi lòng của một con Người đang sống lưu vong, tha hương từ lâu nay rồi.

Đọc nội dung bức Tâm Thư, cá nhân tôi rất cảm kích tinh thần bất vụ lợi, mang đầy ý nghĩa cao cả, hy sinh cho đại cuộc, của nhóm Anh Em Quân Nhân tại Texas, với hoài bảo là làm sáng tỏ Chính Nghĩa Quốc Gia Dân Tộc, nhất là cuộc chiến đấu kiên trì và oai hùng của tất cả Quân Dân Cán Chính Tỉnh Bình Long vào năm 1972, để lưu truyền lại cho các Thế Hệ con cháu mai sau.

Từ đó tôi vội vàng moi trí nhớ, lục lại được một số giấy tờ và sách báo của những thông tin Việt, Pháp, từ năm 1972 đã viết và khen ngợi Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà có tham dự trong trận chiến An Lộc, đã kiên trì và anh dũng đánh bại 4 Sư Đoàn quân Cộng Sản phương Bắc vào năm 1972, mà tôi còn lưu trữ, và liền gửi những tài liệu có liên quan đến Trận An Lộc, cho người đại diện theo địa chỉ ghi trong Bức Tâm Thư, kèm theo đôi dòng ca ngợi và khuyến khích.

Tôi thành thật cám ơn tất cả các anh em đã hỏi ý kiến của tôi, và cầu chúc các Anh Em trong nhóm chủ trương biên tập, vượt qua mọi trở ngại khó khăn, để đạt đến mục tiêu cuối cùng, đúng theo như ý nghĩa của Bức Tâm Thư, và mong rằng có nhiều Quân Nhân cũng như các Công Dân Việt Nam Cộng Hòa khác, những ai đã từng chiến đấu hay chứng kiến suốt 93 ngày đêm, trong nội ngoại vi Tỉnh Bình Long, nên nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi đầy ý nghĩa chính đáng này, của nhóm Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà tại Tiểu Bang Texas.


Chúc Anh Em Thành Công Trọn Vẹn.

Ngày 10 tháng 11 năm 2006

Trung Tướng Nguyên Văn Minh
Cựu Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III

Huy Hiệu Của Các Đơn Vị
VIỆT NAM CỘNG HOÀ
Có Tham Chiến và Yểm Trợ
Cho Chiến Trường AN LỘC 1972

 


CHƯƠNG 1
TÀI LIỆU THAM KHẢO


A- TÀI LIỆU ĐƯỢC GIẢI MẬT VỀ CHIẾN TRANH VIỆT- NAM VÀ CÁC SÁCH BẰNG TIẾNG MỸ

  • COMBINED ARMS RESEARCH LIBRARY (tài liệu này được giảng dậy tại Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp của Quân Đội Hoa Kỳ, Fort Leavenworth)
  • A BETTER WAR (The Unexamined Victories and Final Tragedy of America’s last years in Viet Nam) của tác giả Lewis Sorley : giáo sư của Trường West Point và Trường Đại Học Chiến Tranh Bộ Binh, đồng thời thuộc Ban Tham Mưu của Bộ Quốc Phòng. Sau đó ông trở thành công chức cao cấp của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương.
  • AMERICAN’S LAST VIETNAM BATTLE của Dale Andradé
  • THE EYEWITNESS HISTORY OF THE VIETNAM WAR 1961-1972 của GEORGE ESPER (THE ASSOCIATED PRESS)
  • THE VIETNAM WAR DAY BY DAY của JOHN BROWMAN
  • AFTER ACTION REPORT, “THE BATTLE OF LOC- NINH” của Thiếu Tá Mark Smith (cố vấn của Trung Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà tại Lộc Ninh năm 1972)
  • THE BATTLE OF AN LOC của tác giả James H. Will- banks, cố vấn của Chiến Đoàn 52, Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà tại An Lộc năm 1972

B- TÀI LIỆU VÀ NHỮNG SÁCH BẰNG TIẾNG VIỆT

  • Nhật Ký Hành Quân của Quân Đoàn 3/Quân Khu III ghi về Trận Chiến An Lộc năm 1972 :
    • Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn 3 Quân Khu III kiêm Tư Lệnh Chiến Trường An Lộc
    • Trung Tá Nguyễn Ngọc Ánh, Phụ Tá Hành Quân Tư Lệnh đặc trách Chiến Trường Ngoại Biên và An Lộc
    • Trung Tá Huỳnh Văn Bé, Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Hành Quân Quân Đoàn 3/Quân Khu III
  • TRUNG ĐOÀN 8 BỘ BINH VÀ TRẬN CHIẾN AN LỘC của Chuẩn Tướng MẠCH VĂN TRƯỚNG, Nguyên Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh, cựu Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh
  • THIÊN ANH HÙNG CA QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HOÀ của Phạm Phong Dinh (về Sư Đoàn 18 Bộ Binh, tác giả trích từ cuốn băng cassette của Tướng Lê Minh Đảo gửi cho tác giả).
  • AN LỘC ANH DŨNG của nhà xuất bản Đại Nam phát hành năm 1972
  • VIỆT NAM THÔNG TẤN XÃ (các bản tin liên quan tới Trận AN LỘC và trích bản của sách báo ngoại quốc ca tụng về Trận AN LỘC)
  • LỮ ĐOÀN 1 NHẨY DÙ của Vương Hồng Anh
  • AN LỘC – MÙA HÈ ĐỎ LỬA của Phan Nhật Nam
  • Tưởng niệm 30 tháng 04 : tử chiến với Cộng Quân trước giờ G do Vương Hồng Anh tổng hợp trích trong bản tin Việt Báo ngày 30 tháng 04 năm 2004 (Mục Tham Khảo)
  • “Mẹ Viêt Nam ơi, dân ta có tộI tình gì” của tác giả Pierre Darcourt, do Dương Hiếu Nghĩa dịch thuật, trích trong Đặc San “Thế Giới” tháng 05 năm 2004, trang 22, chương XIII.
  • Hồi ký của Thượng Tướng Cộng Sản Bắc Việt Hoàng Cầm : ”Chặng Đường Mười Nghìn Ngày”.

C- CÁC MẠNG LƯỚI TOÀN CẦU:

  • BIỆT ĐỘNG QUÂN QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HOÀ
  • BIỆT CÁCH DÙ VÀ LỰC LƯỢNG ĐẶC BIỆT QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HOÀ
  • WEBSITES của Viện Đại Học Rice, Houston, Texas : những bài liên quan đến trận chiến An Lộc và cuộc chiến tranh Việt Nam do bà Lê Thị Kiêm Liễu sưu khảo và biên soạn.
  • WEBSITE “VIỆT NAM LỊCH SỬ 1954-1975”
  • 362avnco.com.anloc1.html
  • freevb.org/qlvnch/Jennifer/anloc_e1.html

D- TÀI LIỆU CỦA NHỮNG NHÂN CHỨNG SỐNG đã từng trực tiếp chiến đấu hoặc có mặt tại An Lộc trong thời gian cuộc chiến, hiện đang có mặt tại Tiểu Bang TEXAS, CALIFORNIA và tại các tiểu bang khác trên đất nước Hoa Kỳ cũng như đang cư ngụ tại Pháp, Úc, Canada và các nước tự do khác trên thế giới, v.v… gửi về cho Ban Biên Soạn ở Tiểu Bang TEXAS, Hoa Kỳ.

CHƯƠNG 2
BỐI CẢNH MÙA HÈ ĐỎ LỬA


MÙA HÈ ĐỎ LỬA, một mùa hè thời gian dài như thế kỷ đối với người dân cũng như người Chiến Sĩ thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà trong năm 1972. Mùa Hè Đỏ Lửa, bắt đầu vào ngày 30 tháng 03 năm 1972, khi Quân Cộng Sản Bắc Việt xua toàn bộ 14 Sư Đoàn quân chính quy, khoảng 120,000 quân Bộ chiến + 1200 chiến xa đủ loại, chia làm 3 mũi tấn công vào lãnh thổ nước Việt Nam Cộng Hoà của chúng ta tại BA mặt trận : QUẢNG TRỊ (30 Tháng 03); KONTUM (14 Tháng 04), và AN LỘC, TỈNH BÌNH LONG (05 Tháng 04 năm 1972). (1)

Chú thích (1) :
“Thiết Giáp! The Battle of An Lộc, April 1972”, tác giả Trung Tá James H. Willbanks. Combined Arms Research Li- brary (Command and General Staff College). Đề mục The North Vietnamese Strategy trang 8-10/64.


Kết cuộc là Quân Cộng Sản Bắc Việt đã bị QUÂN DÂN VIỆT NAM CỘNG HOÀ anh dũng đánh lui toàn bộ. Địch quân đành phải chịu ngậm đắng nuốt cay, rút lui và phải để lại chiến trường hơn 2/3 nhân mạng tử vong, bị thương, và hầu như toàn bộ chiến cụ nặng như Chiến Xa T.54, PT.76, các chiến xa cơ động phòng không, các khẩu pháo tầm xa 130 ly, và các giàn phóng hoả tiễn 107 ly và 122 ly, bị huỷ diệt (xem bản đồ 1).

Tại lãnh thổ Quân Đoàn 3/Quân Khu III (Việt Nam Cộng Hoà), Cộng quân tung 4 Sư Đoàn gọi là Công Trường (C.T.) như Công Trường 5, Công Trường 7, Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt và Công Trường Bình Long tân lập của Cục R. Từ biên giới Cambodia, quân Cộng Sản Bắc Việt ồ ạt tấn công vào thị xã nhỏ bé An Lộc, một thị xã có khoảng 20,000 dân trên một diện tích khoảng 4 cây số vuông bên trong lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà. Địa danh An Lộc là thị xã của tỉnh lỵ Bình Long với tổng số khoảng 45,000 dân, trên diện tích khoảng 2,240 cây số vuông, Bắc và Tây giáp ranh nước Cambodia, Đông giáp ranh Tỉnh Phước Long (Việt Nam Cộng Hoà), Nam giáp ranh Tỉnh Bình Dương (Việt Nam Cộng Hoà), Tây Nam giáp ranh Tỉnh Tây Ninh (Việt Nam Cộng Hoà), Nằm dọc theo Quốc Lộ 13, từ ranh giới nước Việt Nam Cộng Hoà và nước Cambodia, với những rừng cây cao su ngút ngàn, và vài ngọn đồi thoai thoải chung quanh thị trấn: Đồi 100 về hướng Tây, Đồi Đồng Long về hướng Bắc, Đồi Gió và Đồi 169 về Đông Nam. Đó là những cao thế địa hình dùng làm các cứ điểm quân sự rất thuận lợi trong việc phòng thủ bảo vệ Thị xã AN LỘC. Thị xã An Lộc chỉ cách Thủ Đô SÀI GÒN 100 cây số về hướng Bắc. Mục đích của địch là tạo áp lực quân sự trước cửa ngõ Thủ đô nước Việt Nam Cộng Hoà (Sài Gòn), và ra mắt Chính phủ của cái gọi là “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” (là công cụ bù nhìn của Cộng Sản Bắc Việt đẻ ra), đồng thời để hổ trợ cho hoà đàm Ba Lê đang hồi kết thúc.

Từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 04 năm 1972, địch mở màn bằng các trận đánh dương Đông kích Tây trên Quốc Lộ 22 phía Bắc tỉnh Tây Ninh, và đã tung vào trận chiến đơn vị C30B, gồm 2 Trung Đoàn là Trung Đoàn 24 địa phương và Trung Đoàn 271 của Công Trường 9, 2 tiểu đoàn đặc công, và 1 đơn vị thiết giáp (gồm 6 chiếc M.41 và M.113 chiến lợi phẩm chiếm được của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà),và 1 tiểu đoàn súng cối và phòng không 12 ly 8, mục đích để cầm chân Sư Đoàn 25 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đang có trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ Tình/Tiểu Khu Tây Ninh, Hậu Nghĩa và Long An, tạo THẾ NGHI BINH (Tây Ninh là DIỆN) nhưng ĐIỂM là Bình Long (AN LỘC).

Mặt trận An Lộc được khởi diễn vào đêm 04 rạng 05 tháng 04 năm 1972 khi Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt xuất phát từ biên giới Cambodia xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà tấn công quận lỵ Lộc Ninh thuộc tỉnh Bình Long, rồi đến Tỉnh Lỵ Bình Long ( An Lộc ) cho đến :

* ngày 07 tháng 07 năm 1972 là ngày được xem như kết thúc trận chiến, là ngày toàn thắng của Quân, Dân, Cán, Chính Việt Nam Cộng Hoà tại An Lộc Bình Long, sau 93 ngày đêm tử thủ,

* ngày mà cả 4 Công Trường quân Cộng Sản Bắc Việt bị Quân Dân tỉnh Bình Long đánh tan nát, gây kiệt quệ cả về tinh thần lẫn khả năng tác chiến, và buộc phải âm thầm rút lui trong tủi nhục ra khỏi trận chiến, với sự thiệt hại thật nặng nề, về nhân mạng cũng như quân dụng ( khoảng 70 đến 80 % quân số và chiến cụ nặng Chiến Xa T.54 + PT.76 + các xe Thiết Giáp Phòng Không di động + đại bác tầm xa 130 ly + các giàn phóng hoả tiễn 122 và 107 ly bị phá huỷ), do sự phối hợp chiến đấu oai hùng của Quân Dân Cán Chính tỉnh Bình Long chiến đấu trên diện địa, với sự yểm trợ của Không Quân Hoa Kỳ và Việt Nam oanh kích và oanh tạc trên các lộ trình tiến công của địch,

* ngày mà toàn thể Quân Dân Cán Chính tử thủ Bình Long đón chào vị Nguyên Thủ Quốc Gia kiêm Tổng Tư Lệnh Quân Đội, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, cùng phái đoàn đáp trực thăng xuống An Lộc để ủy lạo và tưởng thưởng cho những Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà hữu công và an ủi thăm hỏi dân chúng tỉnh Bình Long, trong lúc vẫn còn tiếng pháo kích của Cộng quân vào thành phố. Tổng Thống và phái đoàn đã nhìn tận mắt một Thị Xã nhỏ bé với diện tích khoảng 4 cây số vuông bị đổ nát bởi trên 200 ngàn quả pháo đủ loại trên mặt đất, xen lẫn mùi thuốc súng và mùi hôi thối của xác chết xông lên, của khoảng 8 ngàn thường dân vô tội và chiến binh tử vong trong những cơn mưa pháo của địch quân vào thị xã này.

* ngày mà tất cả các vị có mặt trong phái đoàn tháp tùng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gồm nhiều vị Tướng Lãnh Việt, Pháp, vào ủy lạo Quân, Dân, Cán, Chính tại mặt trận An Lộc, đã chứng kiến tận mắt chiến tích oai hùng này. Sự chiến đấu kiên trì của Quân Dân tỉnh Bình Long đã giáng trả cho đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt một trận để đời. Kết quả của trận chiến An Lộc thật
là kỳ diệu đã làm đảo ngược những tiên đoán của các nhà quân sự và các giới quan sát Tây Phương có mặt tại Sài Gòn trong thời gian đó. Tướng Vanuxem của Pháp, người từng tham gia trong cuộc chiến Việt Nam, từng là Tư Lệnh Quân Khu Tả Ngạn sông Hồng Bắc Việt trước năm 1954, đã ví trận chiến An Lộc như một Điện Biên Phủ thứ nhì, một trận chiến quyết định tại An Lộc cho Hoà Đàm Ba Lê tương tự như trận Điện Biên Phủ đã quyết định cho Hoà Đàm Genève năm 1954. Lịch sử đã không tái diễn như vậy; lần này Tướng Vanuxem cùng giới quan sát quốc tế rất đổi ngạc nhiên trước một kỳ công to tát của toàn quân và toàn dân Việt Nam Cộng Hoà tại An Lộc, là một chiến tích vĩ đại và điển hình để nói lên tinh thần chiến đấu hào hùng kiên cường bất khuất bằng quyết tâm chống Cộng Sản để bảo vệ lý tưởng Tự Do Dân Chủ cho Miền Nam Việt Nam. Trận chiến An Lộc, một trận chiến lẫy lừng về trình độ tác chiến phòng ngự, đã đi vào quân sử một cách vẻ vang, đã làm rạng danh người Chiến Sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà trong công cuộc chiến đấu bảo vệ quê cha Đất Tổ Việt Nam,

* ngày mà vị Lãnh Đạo Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà quỳ trước nghĩa trang Biệt Cách Dù, ngậm ngùi cầu nguyện trước Anh Linh của 68 Chiến Sĩ Biệt Cách Dù và hàng ngàn các chiến sĩ thuộc các quân binh chủng và dân thường vô tội khác, đã bỏ mình vì Đại Nghĩa Quốc Gia Dân Tộc trong suốt 93 ngày đêm chiến đấu thề quyết tâm tử thủ không ngừng nghỉ tại chiến trường An Lộc,

* ngày mà hai câu thơ của cô giáo Pha được đi vào lịch sử của Trận Chiến Thắng An Lộc :

AN LỘC ĐỊA, SỬ GHI CHIẾN TÍCH
BIỆT CÁCH DÙ VỊ QUỐC VONG THÂN

Chiến thắng An Lộc năm 1972 đã tượng hình từ năm 1971 sau những cuộc hành quân Toàn Thắng của Quân Khu III do cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí phát động, dự định đổ quân lên Kratié (một quận lỵ của nước Cambodia) để tiêu diệt Cục R, bản doanh đầu não của cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, đồng thời là căn cứ hậu cần của quân Cộng Sản Bắc Việt xâm nhập vào Miền Nam lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà. Nhưng không may, Đại Tướng Đỗ Cao Trí phải đền xong nợ nước vì lý do chiếc trực thăng chở ông bị nổ tung khi vừa mới cất cánh tại Tây Ninh, đến bây giờ cũng không ai biết đích xác về nguyên nhân gây ra tai nạn này.

Trung Tướng Nguyễn Văn Minh được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ định thay thế người tiền nhiệm tài ba và đầy lòng yêu nước đó.

Trong cái thế chẳng đặng đừng, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh buộc lòng phải có quyết định cho lệnh rút các lực lượng cơ hữu của Quân Đoàn 3 trở về nội địa Việt Nam Cộng Hoà để bảo toàn lực lượng, hoàn tất vào ngày 31 tháng 05 năm 1971.

Việc rút đoàn quân trên 2 Sư Đoàn (Sư Đoàn 18 Bộ Binh + 2 Liên Đoàn Biệt Động Quân + Trung Đoàn 8 của Sư Đoàn 5 Bộ Binh + Lữ Đoàn 3 Thiết Kỵ + Liên Đoàn 30 Công Binh Chiến Đấu) về đến nội địa vừa kịp lúc. Nhờ vậy mà khi quân Cộng Sản Bắc Việt mở cuộc tấn công vào lãnh thổ Quân Khu III vào ngày 05 tháng 04 năm 1972, phần lớn lực lượng kể trên của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã là thành phần nòng cốt, tương đối đủ khả năng cấp thời để chống trả lại 4 Sư Đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt.

Cuộc rút quân từ chiến trường ngoại biên năm 1971 về nội điạ Việt Nam Cộng Hoà là một cuộc hành quân lui binh đúng lúc trước tình hình biến chuyển ngõ hầu có đủ lực lượng phòng thủ diện địa, nhất là việc phòng thủ An Lộc trong trận chiến năm 1972 khi lực lượng bạn chỉ có một phải chống trả lực lượng địch đông hơn gấp sáu lần, trong khi đó địch có pháo binh và chiến xa yểm trợ trực tiếp, ta không có chiến xa chỉ có các phi vụ B.52 và các phi tuần phản lực của Không Lực Hoa Kỳ và Không Lực Việt Nam Cộng Hoà yểm trợ.

Việc địch quân được biết trước cuộc rút quân là điều tối kỵ của binh pháp và là một chuyện chẳng đặng đừng mà Trung Tướng Nguyễn Văn Minh phải ra lệnh thi hành. Sự kiện này đã gây nhiều ấn tượng sâu sắc trong tâm khảm và cuộc đời binh nghiệp không những cho riêng Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, mà còn cho tất cả những chiến sĩ liên quan đến Trận Chiến An Lộc.( xem bản đồ số 1)








CHƯƠNG 3
MẶT TRẬN LỘC NINH

1. ĐIỂM LÀ AN LỘC, ĐƯỢC KHỞI ĐẦU BẰNG TRẬN TẤN CHIẾM LỘC NINH

Trận tấn chiếm Lộc Ninh được xem như khởi diễn vào khoảng 17 giờ 45 ngày 04 tháng 04 năm 1972, là trận mở màn cho trận chiến An Lộc, khi đại đội trinh sát của Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, chạm trán nặng và bất ngờ với Trung Đoàn E.6 Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, tại vùng hoạt động 4 cây số, Tây Lộc Ninh. Cả đại đội trinh sát của Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, bị địch tràn ngập và tiêu diệt hoàn toàn trong khoảnh khắc, chỉ còn lại một hiệu thính viên mang máy còn sống sót, gọi báo cho Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9, về tình hình chiến xa và bộ binh địch, đang tràn ngập và cận chiến xáp lá cà, với các chiến sĩ trinh sát 9 Việt Nam Cộng Hoà, và đang tiếp tục tiến về hướng Quận Lỵ Lộc Ninh. Người chiến sĩ anh hùng hiệu thính viên, của Đại Đội Trinh Sát, vẫn tiếp tục báo về Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9, tình hình những sự di chuyển của địch, cho đến chiều ngày 06 tháng 04, tiếng nói của Người Hiệu Thính Viên quả cảm, im bặt vào khoàng 18 giờ 30. Tại Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 (-) Việt Nam Cộng Hoà, mọi người đều biết tình hình chiến trận bắt đầu trở nên nghiêm trọng. Đại Tá Nguyễn Công Vĩnh, Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, cùng cố vấn trưởng, và toàn thể các đơn vị trong căn cứ Hoả Lực, kể cả Chi Khu Lộc Ninh, đều ban hành lệnh báo động ứng chiến (2)

Chú thích: (2) After Action Report “The Battle of Loc Ninh” (4-7 April 1972) của tác giả Thiếu Tá Mark Smith, trang 5/13

Lúc 05 giờ 50 sáng ngày 05 tháng 04 năm 1972, mở màn cho cuộc tấn công của chiến dịch mà Cộng Quân được mang tên là “Nguyễn Huệ”, Cộng Quân bắt đầu pháo kích vào Quận Lỵ, để dọn đường cho bộ binh và chiến xa đang xâm nhập vào vùng Quận Lỵ Lộc Ninh.

Đến 06 giờ 00 sáng ngày 05 tháng 04 năm 1972, từ phía Tây và Tây Bắc, Cộng quân tung vào chíến trường Lộc Ninh, Quận Lỵ của Tỉnh Bình Long, khoảng 30 cây số Bắc An Lộc, toàn bộ Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, gồm có Trung Đoàn 275, Trung Đoàn 174, Trung Đoàn E.6, được tăng cường Trung Đoàn 95C của Công Trường 9, + Trung Đoàn địa phương + đại đội chiến xa trực thuộc trung đoàn 203 Chiến Xa hỗn hợp (T.54, PT.76), tổng cộng 10 chiếc tham chiến + Trung Đoàn phòng không cơ động 271, dưới sự yểm trợ hoả lực của Trung Đoàn Pháo nặng 42D 130 ly (tầm xa 30 cây số) + các giàn phóng hoả tiễn 122 ly và 107 ly. Tổng cộng quân số địch tham dự trận mở màn Lộc Ninh vào khoảng 15,000 cán binh cộng sản (Bộ Binh, Thiết Giáp, Pháo Binh).

Phía lực lượng Việt Nam Cộng Hòa, gồm có các đơn vị : Chiến Đoàn 9 (-) Sư Đoàn 5 Bộ Binh, do Đại Tá Nuyễn Công Vĩnh chỉ huy, Thiết đoàn 1 (-) do Trung Tá Nguyễn Đức Dương chỉ huy, (gồm các Chiến Xa M.41 + Thiết Vận Xa M.113) + Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng, Trung Đội Pháo Binh 105 ly, các đơn vị Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Cảnh Sát, trực thuộc Chi Khu Lộc Ninh, chỉ huy bởi Trung Tá Nguyễn Đức Thịnh, Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Lộc Ninh. Tổng cộng quân số khoảng 3,000 chiến binh Việt Nam Cộng Hoà. (Bộ Binh, Thiết Giáp, Pháo Binh, Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Cảnh Sát). Như vậy, lực lượng tương quan là 1 chống 5.

Khởi đầu trận đánh, quân Cộng Sản Bắc Việt mở trận mưa pháo vào vị trí đóng quân của Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng, 5 cây số phía Nam lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà (căn cứ hoả lực Alpha) và Thiết Đoàn 1 (-) đóng tại căn cứ dã chiến (căn cứ Hoa Lư vùng ngã ba Lộc Tấn, dọc theo Quốc Lộ 13 từ Bắc xuống Nam), 10 cây số Bắc Lộc Ninh, cùng lúc pháo vào Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 (-) Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, Quận/Chi Khu Lộc Ninh, nơi có các Khẩu Đội 105 ly trú đóng, theo chiến thuật “Bịt Pháo Công Đồn”.

Nhận biết ý đồ của địch, Đại Tá Vĩnh khẩn điện cho Trung Tá Dương cắt bớt một Chi Đoàn gữi trở về cho Chiến Đoàn 9 (-) Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Công Hoà, để phòng thủ Quận Lỵ Lộc Ninh và Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn, cấp thời di chuyển về phía Nam Quốc Lộ 13..

Chi Đoàn 3/1 hỗn hợp Chiến Xa và Thiết Vận Xa do Trung Úy Lê Văn Hùng làm Chi Đoàn Trưởng, rời vị trí đơn vị Mẹ trong đêm, nhưng khi chỉ còn cách Quận Lỵ Lộc Ninh 5 cây số về hướng Bắc, bị lọt vào ổ phục kích quân địch, có Chiến xa T.54 và PT.76 trợ chiến, và bị mất liên lạc với Thiết Đoàn 1 cũng như Bộ Chỉ Huy/Chiến Đoàn 9 Việt Nam Cộng Hoà, sau nửa giờ giao tranh.

Trung Tá Nguyễn Đức Dương, Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 1 (-) liền báo cáo về cho Đại Tá Nguyễn Công Vĩnh, Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, đã mất liên lạc với đứa con Chi Đoàn 3/1, nhưng tại Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9, tần số liên lạc bị gián đoạn, vì trong giờ phút đó hầm truyền tin của Chiến Đoàn 9 bị Cộng quân pháo sập, mãi cho đến sáng hôm sau, Đại Tá Vĩnh mới lên tần số, Ông chỉ thị cho Trung Tá Dương rút hết lực lượng còn lại tại ngã ba Lộc Tấn gồm Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn (-)Hỗn Hợp (Chi Đoàn 2/1) + Tiểu Đoàn 2/9 (-) tùng thiết và Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng + 1 khẩu đội Pháo Binh 105 ly, khẩn rút về tăng cường phòng thủ cho Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 và Quận Lỵ Lộc Ninh .

Dọc theo Quốc Lộ 13 xuôi về hướng Nam, khi nhận diện được điểm địch phục kích, mà Chi Đoàn 3/1 bị đánh tan vào đêm trước, Thiết Đoàn 1 (-) thình lình khám phá ra ổ phục kích của địch quân, gồm Chiến xa T.54+ PT.76, và hàng ngàn cán binh, đồng loạt hô xung phong, tiến đánh xáp lá cà, với các chiến sĩ tùng thiết (Tiểu Đoàn 2/9), và Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng. Sau hơn 1 giờ chiến đấu quyết liệt một cách anh dũng trước địch quân đông hơn gấp nhiều lần, các chiến sĩ tùng thiết cùng các con ngựa sắt M.41 và M.113 và Tiểu Đoàn 74 Biệt Đông Quân Biên Phòng, đành phải thúc thủ trước các chiến xa T.54 và PT.76 của Cộng quân.

Trung Tá Dương và Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn (-) với 2 Thiết Vận Xa, tung phá vòng vây, vượt được khỏi nơi phục kích khoảng 1 cây số về phía Nam, rồi cũng bị chận đánh, phải bỏ xe mà chạy bộ đến ngày hôm sau,cuối cùng cũng bị Cộng quân chặn bắt cùng với 15 chiến sĩ Thiết Kỵ của Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn 1 (-),vào khoảng 11 giờ 00 sáng ngày 07 tháng 04 năm 1972). (3)

Chú thích: (3) Lời tường thuật của nhân chứng sống Trung Tá Nguyễn Đức Dương, Thiết Đoàn TrưởngThiết Đoàn 1/5 và Trung Sĩ Lê Hoàng Long thuộc Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng .

06 giờ 00 sáng ngày 06 tháng 04 năm 1972, Cộng quân gia tăng cường độ pháo kích vào các cứ điểm phòng ngự trong Chi khu Lộc Ninh, hơn 3,000 quả pháo đủ loại thi đua nhau nổ trên trận tuyến, bất kể là Quân hay Dân sự, rồi từng đợt biển người ồ ạt tấn công vào hai cứ điểm chánh : Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và Bộ Chỉ Huy Quận/ Chi Khu Lộc Ninh .

A.- Tại Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh chỉ còn lại Tiểu Đoàn 3/9 + 1 Đại Đội của Tiểu Đoàn 2/9 + thành phần của Pháo Đội 105 ly (còn sử dụng được 6 khẩu), đôi khi phải hạ nòng bắn trực xạ vào Chiến Xa và Bộ binh địch, đang áp dụng chiến thuật xung phong biển người cận kề trước tuyến phòng thủ. Các chiến sĩ Chiến Đoàn 9 và Pháo Đội Pháo Binh, đã đẩy lui nhiều đợt xung phong của Bộ Binh địch có chiến xa T.54 và PT.76 yểm trợ. Trận chiến kéo dài đến chiều tối, Quân Bạn càng lúc càng ít đi vì bị thương và tử trận trên chiến tuyến, còn địch, càng lúc càng đông, cho đến khi phòng tuyến phía Bắc và Đông Bắc bị Cộng quân tràn ngập, Đại Tá Vĩnh cùng Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn, các cố vấn Mỹ và một số anh em của Pháo Đội Pháo Binh, sau khi phá hủy hết các các khẩu đại pháo, rút ra khỏi vị trí phòng thủ, đồng thời nhờ Đại Uý Mark Smith, cố vấn Mỹ, gọi các phi tuần phản lực Hoa Kỳ đánh bom Napalm thiêu gọn bọn quỷ đỏ đang tràn ngập căn cứ. Cố vấn trưởng Trung Tá Richard Schott, vì bị thương nặng biết là không thể chạy được, đã tự sát để cho những người cố vấn khác có cơ hội thoát ra được. (4)

Chú thích: (4) After Action Report “The Battle of Loc Ninh” của Thiếu Tá Mark Smith trang 11/13

Và sau đó, đoàn quân còn lại chưa đầy 100 quân, lần mò trong đêm tối, rút về phía Nam, lại bị địch chận đánh, khiến mọi người bị tản mác thất lạc., Đại Tá Vĩnh cùng một số chiến sĩ còn lại của Chiến Đoàn 9 và vị cố vấn Mỹ duy nhất còn lại là Đại Úy Mark A. Smith, buộc phải buông súng đầu hàng. Riêng Đại Tá Vĩnh, một quân nhân già dặn và can đảm, bị bắt khi mình mẩy và bộ đồ trận trên thân người đẫm đầy máu, vì bị nhiều thương tích trong lúc chiến dấu.

Tần số liên lạc của Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, im bặt vào lúc 10 giờ 30 tối đêm 06 tháng 04 năm 1972.

B.- Tại Bộ Chỉ Huy Quận/Chi Khu Lộc Ninh : Sau khi mất liên lạc truyền tin với Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9, ngầm biết Chiến Đoàn 9 đã tan, và sau khi biết lực lượng của Thiết Đoàn 9 (-)và Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng từ phía Bắc rút về đã bị đánh tan,cũng như lực lượng tiếp ứng từ phía Nam bị chận đánh, phải tháo lui trở lại, Trung Tá Thịnh liền họp Bộ Chỉ Huy Chi Khu và cố vấn trưởng, Thiếu Tá Thomas A. Davidson, quyết định phân tán rút lui,lợi dụng trời tối, vượt hàng rào phòng thủ về hướng Nam để vượt thoát vòng vây.

Trung Tá Thịnh là con người có vóc dáng nhỏ, nhanh nhẹn, da ngăm đen, nhưng thật rắn rỏi và kiên cường, sau khi thoát được vòng vây, len lỏi trong rừng sống như đồng bào Thượng, đôi lần gặp mặt Cộng quân, nhưng Trung Tá Thịnh làm bộ trả lời nhiều câu hỏi bằng tiếng Việt không thông, nên bị chúng đuổi đi, vì ngỡ rằng là Người Thiểu Số. Bôn ba lặn lội đầy gian lao khổ cực, cuối cùng cũng về đến An Lộc vài ngày sau đó. Trung Tá Thịnh được trực thăng bốc về Lai Khê, và sau khi nghỉ ngơi, sức khỏe và tinh thần được hồi phục, Trung Tá Thịnh được Trung Tướng NGUYÊN VĂN MINH, Tư LệnhQuân Đoàn3/Quân Khu III, bổ nhiệm làm Quận Trưởng /Chi Khu Trưởng Chi Khu Võ Đắc, thuộc Tỉnh Bình Tuy vào tháng 08 năm 1972. Còn cố vấn trưởng chi khu Thiếu Tá Thomas A. Davidson, chỉ sau đó 4 ngày, đã về đến phía Đông An Lộc, được một đơn vị Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hoà đang án ngữ phía Đông tiếp cứu, vào ngày 10 tháng 04 năm 1972.

Riêng Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng đang trú đóng tại căn cứ hoả lực Alpha (5 cây số phía Nam biên giới Việt Miên) liên tục bị địch quân pháo kích, và gia tăng áp lực tấn công, nên phải âm thầm rút lui trong đêm tối xuôi về phía Nam sau khi đã phá hủy hoàn tòan các khẩu pháo trong căn cứ trong đêm 05- 04-72, và rồi sáp nhập với Thiết Đoàn 1 (-) của Trung Tá Dương cùng di chuyển về Lộc Ninh và sau đó, bị đánh tan giữa đường.

Mặt trận Lộc Ninh kể như chấm dứt sau 48 giờ giao tranh ác liệt, Quân Cộng Sản Bắc Việt đã làm chủ tình hình chiến trận.
(Xem bản đồ số 2)

2. CÂU CHUYỆN SAU TRẬN LỘC NINH

Sau khi làm chủ tình hình tại Quận Lộc Ninh, Cộng quân liền trưng dụng tất cả các xe chở hàng và chở hành khách của dân chúng, ép buộc những tài xế của những xe này phải tuân lệnh chúng, lái xe để chuyên chở tù binh Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ, từ Lộc Ninh về khu đồn điền cao su Mimot, trong nội địa Cambodia và trong chuyến trở lại, chở các cán binh bổ sung cho các đơn vị Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt.

Một trong những tài xế, cũng là chủ nhân của chiếc xe hàng đang hành nghề chuyên chở những bành mủ cao su cho các đồn điền Pháp từ Lộc Ninh về Sài Gòn tên là Nguyễn Văn Nại, 42 tuổi (vào thời điểm năm 1972), là cậu ruột của chiến hữu Không Quân Trần Văn Long,đang hành nghề địa ốc (Broker) tại Austin,TX. Chiến hữu Long kể lạI rằng, khi ông cậu còn sống đã kể lại cho chiến hữu Long nghe, cuộc đào thoát đầy gian truân và nước mắt, của gia đình ông cậu như sau :

Vào các ngày 07 và 08 tháng 04 năm 1972. ông Nại bị Công quân bắt buộc dùng chiếc xe hàng của ông để làm công việc chuyển vận, Ông không bằng lòng lái xe, Cộng quân hăm dọa, đem cả gia đình gồm vợ và 3 con nhỏ, tuổi từ 12 đến 2, ra bắn bỏ, buộc lòng ông Nại phải lái xe cho Cộng quân. Lái từ buổi trưa ngày 07 tháng 04 năm 1972 đến Mimot rồi trở về Lộc Ninh. Đến chiều ngày 08-04-1972. Ông Nại cởi chiếc đồng hồ vàng đeo trên tay, lo lót cho một tên cán bộ Cộng Sản, đặc trách kiểm soát đoàn xe tại bến xe Lộc Ninh, Ông xin phép được về nhà cũng tại Lộc Ninh để thăm gia đình, xem vợ con như thế nào. Ông hứa khi xong, sẽ trở lại lái xe như thường. Tên cán bộ nhìn thấy chiếc đồng hồ vàng, cũng ưng thuận ngay, và dặn dò về nhà xong rồi phải trở lại liền, Ông Nại cám ơn, rồi chạy bộ trở về nhà. Trong lúc đó, gia đình vợ và 3 con của ông cũng đang lo chuẩn bị rời bỏ nơi cư ngụ tại Lộc Ninh, để về Bình Dương. Vợ ông đã móc nối được với một người Thượng trước đây đã giúp cho ông Nại trong việc chuyên chở mủ cao su. Người Thượng này rất thông thuộc đường rừng từ Lộc Ninh về An Lộc, chịu hướng dẫn gia đình ông Nại trốn chạy.

Trời vừa tối, gia đình ông Nại được người Thượng hướng dẫn rời Lộc Ninh băng tắt đường rừng về An Lộc.

Dọc đường, khi băng xuyên qua một con suối, phía trên có cầu bắt ngang, phía trên cầu có nhiều cán binh Cộng Sản di chuyển qua lại, thì bỗng nhiên đứa con trai 2 tuổi ré lên tiếng khóc. Sợ bị bại lộ, ông Nại liền bịt miệng và bóp cổ đứa trẻ, để không thoát ra tiếng khóc, đồng thời thúc dục gia đình vượt qua giòng suối dưới chân cầu. Tay ông bóp cổ người con không biết nặng nhẹ như thế nào mà sau đó ít phút, ông thấy người con buông xuôi hay tay không còn nhúc nhích được nữa, Ông nghĩ rằng đứa con ông đã chết, ông cũng không dám nói với vợ ông.

Đến khi vượt qua cái chỗ nguy hiểm, ông ngừng lại và cùng với mọi người lo cứu cấp đứa trẻ,nhưng cũng vẫn không thấy cử động. Ông đành rơi nước mắt,vác con trên vai, lòng thì thật sự tan nát, cùng mọi người tiếp tục vượt rừng hướng về An Lộc. Sau 3 đêm 2 ngày, gia đình ông Nại cũng về đến được An Lộc.Trên đường di chuyễn, khi dừng chân, ông Nại đặt con xuống bên lề đường, nhưng lại cảm thấy đứa nhỏ đã bắt đầu cử động. Nhìn kỹ lại, thì thấy đứa bé còn sống. Thật là cám ơn Trời Phật, và sau đó gia đình ông Nại theo đoàn dân di tản lội bộ từ Bình Long đến tỉnh Bình Dương. Gia đình ông được tạm cư tại nhà một người bà con tại Tỉnh Bình Dương, sau đó 4 năm ông Nại qua đời, gia đình và đứa bé 2 tuổi (1972) đến nay đã 36 tuổi đã có vợ con và vẫn còn ở tại Tỉnh Bình Dương, Việt Nam.

3. KẾT QUẢ TỔN THẤT ĐÔI BÊN :

ĐỊCH : 2,150 tử trận 2 T.54 + 1 PT.76 bị Pháo Binh Việt Nam Cộng Hoà bắn hạ.

BẠN : 600 tử trận và 2,400 bị địch bắt làm tù binh . Thiết Đoàn 1 (-) gồm 38 Chiến Xa M.41 và Thiết Vận Xa M.113 bị địch chiếm đoạt hay bị địch bắn hạ .

1 Pháo Đội của Căn Cứ Alpha+ Khẩu Đội Pháo Binh của Chiến Đoàn 9 tăng cường (8 khẩu 105 ly và 155 ly, được phá huỷ hoặc bị hư hại).

DÂN CHÚNG : Ước độ 200 chết và 300 bị thương, và một số thường dân bị bắt dẫn về biên giới Miên để làm dân công tải đạn hoặc làm tài xế lái xe vận tải.

4. BÌNH LUẬN TRẬN CHIẾN LỘC NINH

A.- Cộng quân đã thành công trong chiến thuật gọi là bỏ qua tuyến phòng thủ phía trước, như Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng và Thiết Đoàn 1 (-) Kỵ Binh của Việt Nam Cộng Hoà, và huy động nguyên cả Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt + 1 Đại Đội Chiến Xa của Trung Đoàn 203, chĩa mũi dùi chính, chia làm 3 hướng Tây, Bắc và Đông đánh thẳng vào Bộ Chỉ Huy đầu não của Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và Quận/Chi Khu Lộc Ninh, với quan niệm, tạo áp lực tấn công, tại Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 và Chi Khu Lộc Ninh, thì lực lượng vòng ngoài, sẽ phải co rúm lại (rút về) để tiếp ứng, và vì muốn tiếp ứng kịp thời, thì phải vội vã rút lui, kém đề cao cảnh giác, nên chỉ cần tổ chức một cuộc phục kích cấp Trung đoàn có xe tăng T.54 trợ chiến, là có thể tiêu diệt được đoàn quân bên ngoài rút về tiếp ứng.(Trung Đoàn 95 C Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt đảm trách trận đánh này),Khi cái vỏ bên ngoài bị đánh bể, thì ruột bên trong sẽ không còn ai tiếp ứng phòng vệ, công thêm phải đương đầu với một lực lượng nhiều lần đông hơn, và khí thế mạnh hơn, tất nhiên phải thất thủ hay đầu hàng . (Lộc Ninh thất thủ sớm hơn 3 ngày, chiếu theo ước tính của Bộ Chỉ Huy chiến dịch Miền Cộng Sản Bắc Việt).

B.- Đây là trận đánh mà Cộng quân đã chuẩn bị tương đối dầy đủ, như xây dựng một con lộ ngầm dưới mặt nước của một con suối, ăn thông ngang qua rừng từ Lộc Ninh về biên giới Miên, chính con lộ ngầm này, Cộng quân dùng để di chuyển các chiến lợi phẩm và tù binh Việt Mỹ xuyên qua Miên; Đã gây cho phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà hai cái bất ngờ : 1.- Áp dụng chiến thuật tiền pháo (mưa pháo) hậu xung (biển người), 2.- lần đầu tiên xử dụng chiến xa tại chiến trường Miền Nam cho nên binh sĩ vả kể cả cấp chỉ huy Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, bị mất tinh thần ngay từ giờ phút đầu, khi thấy xe tăng của địch xuất hiện, tại
một nơi mà theo lý thuyết các chiến xa này không thể đến được.

C.- Tham khảo theo tài liệu của một nhân chứng sống, tựa để là After Action Report, the Battle of Lộc Ninh, của cựu Đại Uý cố vấn Mỹ, của Chiến Đoàn 9/Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, Mark Smith viết lại, thì giữa vị Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 9 Việt Nam Cộng Hoà Đại Tá Vĩnh và toán Cố Vấn Mỹ (Trung Tá Richard Schott, Thiếu Tá Albert E. Carlson, Đại Úy Mark A. Smith, Trung Sị Nhất Thường Vụ Howard Lull, Trung Sĩ Kenneth Wallingford có một sự bất đồng sâu đậm trong việc phối hợp điều quân để chống trả quân địch (5)

Chú thích: (5) After Action Report, “The Battle Of Loc Ninh” của Thiếu Tá Mark Smith trang 3/13

D.- Về cái chết oanh liệt của cố vấn trưởng, Trung Tá Schott, đã phải tự sát vì vết thương trên đầu quá nặng, để cho các cố vấn còn lại khỏi phải vướng bận về ông khi trên đường rút lui ra khỏi căn cứ phòng thủ. Tài liệu này còn viết rằng, sau khi toán cố vấn Mỹ rút ra khỏi vị trí, thì Đại Úy Smith còn quay trở lại để định kéo xác Trung Tá Schott, nhưng khi vừa tới nơi đã thấy ba tên Cộng Sản Bắc Việt đang quay quần bên xác chết, tước lon, lột bảng tên và một tên thì đang dùng dao định cắt đầu ngườI chết . Thật là bọn man rợ vô lương tri, cả ngườI chết rồi mà cũng không tha, còn lột lon, lắc đầu.( Theo lời cựu Trung Tá James Willbanks, tác giả quyền The Battle of An Lộc, vào năm 2002. toán Tìm Những Người Mỹ Mất Tích Tại Việt Nam, Lào và Cao Miên, đã tìm thấy hài cốt của Trung Tá Schott tại địa đểm hầm chỉ huy của Chiến Đoàn 9 cũ (thời điểm 1972) bây giờ đã là một khu vườn trồng cây hột điều (6) .

Chú thích: (6) The Battle of An Lộc, James Willbanks, trang 177.


CHƯƠNG 4
MẶT TRẬN CẦU CẦN LÊ

(15 cây số Bắc An Lộc)
1. DIỄN TIẾN

Theo tin tức tình báo ghi nhận được, sau khi Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt làm chủ tình hình Lộc Ninh, Bộ Chỉ Huy Tiền Phương của Quân Đoàn Cộng Sản Bắc Việt và Trung Ương Cục Miền Nam (Cục R), di chuyển vào trú đóng trong vùng Lộc Ninh. Còn hậu cần và Cơ Sở Chỉ Huy Chiến Dịch Nguyễn Huệ vẫn còn trú đóng trong vùng đồn điền cao su Mimot gần quốc lộ 7 trên lãnh thổ Cambodia.

Theo lệnh của Hà Nội, tất cả các đơn vị Cộng Sản Bắc Việt tại Mặt Trận Bắc Quân Khu III trong chiến dịch Nguyễn Huệ, phải dứt điểm An Lộc trước ngày 20 tháng 04 năm 1972, để ra mắt cái Chính Phủ bù nhìn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, sau khi thành công trong việc tấn chiếm Lộc Ninh, phải tạm dừng quân, để chỉnh đốn hàng ngũ, bổ sung quân số, tái tiếp tế lương thực, đạn dược, nhiên liệu, di tản tù binh Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ trở lui về điểm tiếp nhận hậu cần, v.v…, trước khi tiếp tục tiến về hướng Nam (An Lộc) để tiếp xúc với các cánh quân của Công Trường Bình Long và Công Trường 9 đang có mặt trong vùng, từ 5 đến 10 cây số phía Bắc, và Công Trường 7 đang hình thành tuyến phục kích tại vùng phía Nam An Lộc.

Việc Bổ Sung Quân Số : Cộng quân dùng phương cách di chuyển bằng đường bộ, cả bằng xe vận tải đủ cỡ,kể cả xe hàng dân sự mà chúng trưng dụng, lẫn những xe GMC của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà còn bỏ lại. Chuyến đi thì chở tù binh Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ trong đó có Đại Úy Smith, chuyến về thì chở cán binh bổ sung cho chúng.

Việc Tái Tiếp Tế : Cộng Sản Bắc Việt chủ trương nguồn bổ sung dựa vào chiến lợi phẩm, tịch thu được của quân dân Việt Nam Công Hoà.

a.- Về lương thực, quân Cộng Sản Bắc Việt, cho tìm các nơi có dự trữ gạo của quân dân Việt Nam Cộng Hoà, cho lệnh lục soát trên người từng Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà, kể cả sống hay chết, để tịch thu hết các khẩu phần lương khô, rồi phân phát lại cho tất cả các cán binh Cộng Sản, bất cần đến sự đói no của Quân Dân Việt Nam Cộng Hoà;

b.- vể đạn dược và nhiên liệu: quân Cộng Sản Bắc Việt cho lệnh đi tìm các kho xăng dự trữ của Quân Dân Việt Nam Cộng Hoà, ngay cả trong bình chứa xăng của những chiến xa M.113, M.41 và cả những xe đò chở hành khách, xe chở hàng dân sự, ở những chiếc nào không còn dùng được để châm vào những trang bị cơ giới, cũng như tất cả đạn và vũ khí đủ loại còn sử dụng được nhầt là đạn súng cối 81 ly, Cộng quân sẽ dùng được cho súng cối 82 ly của các đơn vị bộ binh Cộng Sản Bắc Việt.

c.- nhân lực cho việc khuân vác, Cộng quân bắt cả Quân lẫn Dân Việt Nam Cộng Hoà đi làm tạp dịch và khuân vác.

Tất cả công việc này, Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, phải hấp tấp thực thi cả tuần lễ, mà vẫn chưa hoàn tất, dưới áp lực càng lúc càng đè nặng bởi các vụ oanh tạc, đủ loại, của Không Lực Hoa Kỳ.

Một trung đoàn của Công Trường Bình Long và 1 trung đoàn của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt đã tổ chức tuyến phục kích dài 3 cây số trên Quốc Lộ.13 hướng lên Lộc Ninh, để chặn đánh Tiểu Đoàn 2 Chiến Đoàn 52 (-) Sư Đoàn 18 Bộ Binh, đang đóng tại Căn Cứ Hoả Lực Cầu Cần Lê, do Trung Tá Nguyễn Bá Thịnh làm Chiến Đoàn Trưởng. Căn Cứ Hoả Lực Cầu Cần Lê, còn có tên là Hùng Tâm, đóng tại vị trí 3 cây số phía Đông cầu Cần Lê, trên Liên Tỉnh Lộ 17. Hai trung đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt, có hai nhiệm vụ chính yếu là chận đánh viện quân của Việt Nam Cộng Hoà từ hướng An Lộc lên tiếp viện và chận bắt các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà tháo lui từ Lộc Ninh về An Lộc.

Trận chiến Cầu CẦN LÊ khởi diễn vào sáng sớm ngày 06-04-1972. Khi nhận được lệnh của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, từ Đại Tá Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa chỉ huy, đang có mặt tại An Lộc . Lệnh tức tốc gửi một Tiểu Đoàn lên tăng viện Lộc Ninh - Tiểu Đoàn 2 Chiến Đoàn 52, liền xuất quân đi cứu viện. Xuất phát từ Liên Tỉnh Lộ 17, Tiểu Đoàn 2 Chiến Đoàn 52 vừa ra đến ngã ba Quốc Lộ 13 và Liên Tỉnh Lộ 17, bị 2 Trung Đoàn của Công Trường Bình Long và Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt phục kích chận đánh .

Sau một giờ chống trả mãnh liệt, với sự yểm trợ không ngừng của các khẩu Pháo 105 và 155 ly trong căn cứ hoả lực Hùng Tâm, Tiểu Đoàn 2/52 đã gây cho địch tổn thất thật đáng kể. Mặc dù được Pháo Binh yểm trợ rất đắc lực, Tiểu Đoàn 2/52 vẫn không thể tiến lên được, và trước áp lực địch càng lúc càng gia tăng, vị Tiểu Đoàn Trưởng, gọi máy về cho Trung Tá Thịnh, xin lệnh rút lui trở về căn cứ với sự thiệt hại trung bình.

Khi 2 Trung Đoàn của quân Cộng Sản Bắc Việt khai hoả chận viện, tại ngã ba Liên Tỉnh Lộ 17 và Quốc Lộ, phía Đông căn cứ, cùng lúc căn cứ hoả lực Hùng Tâm bắt đầu bị pháo kích, và thấy địch xuất hiện ở mặt phía Tây và Tây Bắc của căn cứ hoả lực. Như vậy thì cả ba mặt Đông, Tây và TâY Bắc, đều nhận thấy có địch, áp lực càng lúc càng nặng.Để bảo toãn lực lượng, Trung Tá THỊNH khẩn điện về Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, trình sự việc lên Tướng Hưng, xin cho rút lui khỏi căn cứ di chuyễn về An Lộc .Nhận được sự chấp thuận của Tướng Hưng vào đêm 07 tháng 04 năm 1972.

Cuộc hành quân triệt thoái của Chiến Đoàn 52 (-) bắt đầu vào sáng ngày 8 tháng 04 năm 1972. Tiểu Đoàn 1 Trung Đoàn 48 (tăng phái cho Chiến Đoàn 52), do Thiếu Tá Nguyễn Yêm, Tiểu Đoàn Trưởng, dẫn đầu, cũng theo Liên Tỉnh Lộ 17 tiến về phía Đông. Trên đường từ Liên Tỉnh Lộ 17 ra Quốc Lộ 13, cánh quân đầu của Tiểu Đoàn 1/48 chạm địch, trong khi đó phía sau là đoàn xe 20 chiếc kéo theo 6 khẩu 105 ly và 4 khẩu 155 ly, và các xe chở đạn dược, đi sau cùng là Tiểu Đoàn 2/52 do Thiếu Tá Nguyễn Văn Dưỡng làm Tiểu Đoàn Trưởng. Cộng quân lại tiến công đánh xáp lá cà với các chiến binh Tiểu Đoàn 1/48, lần này, Cố Vấn Trưởng Chiến Đoàn là Trung Tá Walter D. GINGER, gọi trực thăng võ trang và các phi tuần Phản Lực Cơ Hoa Kỳ đến yểm trợ rất đắc lực.

Cuộc chiến kéo dài đến chiều tối, mà vẫn không vượt qua được khỏi tuyến phục kích của Cộng quân, buộc lòng Trung Tá Thịnh phải cho lệnh lui quân trở về căn cứ hoả lực, để phòng thủ qua đêm, chờ tìm biện pháp cho kế hoạch mới.

Kiểm điểm lại, ta mất 3 khẩu pháo 105 ly. Một số chiến sĩ bị thương và tử trận được mang trở về căn cứ hoả lực. Trung Tá Thịnh khẩn báo tình hình lên Tướng Hưng, nhất là khi thấy một số đông lực lượng Cộng quân đang chuẩn bị dứt điểm Căn Cứ Hoả Lực. Tướng Hưng ra lệnh cho Chiến Đoàn 52 Bộ Binh (-) phá huỷ hết chiến cụ nặng, chỉ còn lại BỘ BINH mà thôi, băng tắt đường rừng về An Lộc càng sớm càng tốt.

Sau khi thi hành lệnh phá huỷ các chiến cụ nặng, gồm các khẩu pháo, đạn dược và tất cả xe cộ, Chiến Đoàn 52 (-) được rảnh tay. Vào lúc 08 giờ sáng ngày 09 tháng 04 năm 1972, Chiến Đoàn 52 (-), tái xuất phát, trực chỉ về An Lộc. Lần này Tiểu Đoàn 1/48, được lãnh ấn tiên phong dẩn đầu đoàn quân, chặng giữa là Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn, đoạn hậu thì giao cho Tiểu Đoàn 2/52, có nhiệm vụ làm thế nghi binh, mặt Tây và Tây Bắc (Căn Cứ Hoả Lực), phòng hờ các cánh quân của Cộng Sản Bắc Việt truy kích cắt đứt đoàn quân đang di chuyển. Nói về Tiểu Đoàn 1/48 khai thông đường máu, đánh tan cánh quân địch trên Liên Tỉnh Lộ 17, thừa thắng xông lên quét tan một đơn vị khác của địch trên Quốc Lộ 13, rồi trực chỉ về phía Nam hướng An Lộc. Khi được tin Tiểu Đoàn 1/48 phá vỡ tuyến phục kích đầu, Tiểu Đoàn 2/52 liền rời vị trí Căn Cứ Hoả Lực di chuyển tiếp nối với đoàn quân bạn đang trên lộ trình ép về phía Đông ven rừng.

Sau khi được báo động Chiến Đoàn 52 (-), đột phá vòng vây, rút lui, các cánh quân Cộng Sản Bắc Việt liền tập trung truy kích, trung đoàn của Công Trường Bình Long bọc chận đầu Tiểu Đoàn 1/48 còn 1 đơn vị khác của Cộng Sản Bắc Việt rượt đuổi kịp và xáp chiến với Tiểu Đoàn 2/52 đang bảo vệ đoạn hậu. Một trận thư hùng đánh xáp lá cà được diễn ra ác liệt. Cố Vấn Mỹ điều động các trực thăng võ trang tác xạ rất chính xác vào các đơn vị Cộng quân đang bao vây ngăn cản đường rút quân của Chiến Đoàn 52 (-). Mặc dầu bị chặn lại giữa đường, nhưng Chiến Đoàn 52 (-) vẫn còn giữ được đội hình, đánh bật Cộng quân ra ngoài. Cuộc chạm trán nẩy lửa này được diễn ra suốt một ngày một đêm. Các Cố vấn Mỹ rất tận tình gọi không quân yểm trợ quân Bạn. Ban ngày thì được các phi tuần phản lực đánh bom Napalm và oanh kích, ban đêm thì có RỒNG GIÀ AC.130 (Spectre Gunship) bao vùng . Đại Úy Cố Vấn Mỹ tên Zumwalt bị miểng của quả B.40 văng trúng mặt, thương tích trầm trọng. Cố Vấn Trưởng, Trung Tá Ginger, xin trực thăng tản thương, giữa các lằn đạn cận kề tại chiến trận, trực thăng vừa đáp xuống để tản thương Đại Uý Zumwalt và một số chiến binh Việt Nam Cộng Hoà bị thương nặng, liền bị ngay một tràng AK.47 bắn bừa lên trực thăng gây tử thương cho một sĩ quan phi hành tên Robert L. Hors và một y tá trên chiếc trực thăng có sơn dấu hồng thập tự đỏ . Trực thăng vẫn được cất cánh an toàn, mặc dù bị thủng nhiều lỗ đạn, nhờ còn viên phi công chánh là Đại Uý John B. Whitehead thuộc Tiểu Đoàn 229 Trực Thăng Xung Kích Hoa Kỳ điều khiển chiếc trực thăng ra khỏi vùng nguy hiểm (7) .

Chú thích: (7) “Thiết Giáp ! The Battle of An Loc”, tác giả Trung Tá James H. Willbanks, trang 19/64

Rồi đến Trung Tá Trung Đoàn Phó Chiến Đoàn 52 (-), Hoàng Văn Hiến và Trung Tá Cố Vấn Trưởng Ginger cùng Trung Sĩ Nhất Winland cũng bị thương, trong khi hướng dẫn các phi tuần phản lực, oanh kích Cộng quân. Mặc dù cả toàn ban Cố Vấn Hoa Kỳ đều đã bị thương tích, Trung Tá Ginger vẫn không gọi trực thăng tản thương rời đơn vị Chiến Đoàn 52 (-).Ông đã ở lại chiến trường, và tận tình hướng dẫn không quân Hoa Kỳ oanh kích, địch quân chết hàng đoàn trong những đợt tập trung xung phong biển người. Thật đáng ca tụng và khen ngợi tinh thần trách nhiệm của toàn thể toán Cố Vấn của Chiến Đoàn 52 (-) Sư Đoàn 18 Bộ Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Mãi hai ngày sau khi Chiến Đoàn 52 (-), đột phá được vòng vây, đến gần An Lộc, thấy đã có được sự an toàn cho đoàn binh lui quân, Trung Tá Ginger mới chịu gọi trực thăng đến tản thương, về Bệnh Viện 3 Dã Chiến Hoa Kỳ tại Sài Gòn để chăm sóc vết thương đã có từ hai ngày trước.

Trận chiến được xem như ác liệt và đẫm máu. Tiểu Đoàn 1/48 do Thiếu Tá Nguyễn Yêm, Tiểu Đoàn Trưởng, tả xung hữu đột, như Triệu Tử Long trong trận Tương Dương Trường Bảng thời Tam Quốc Chiến vậy. Cuộc chiến đấu trong thế lui quân kéo dài suốt 2 ngày. Nhờ sự chỉ huy tài ba của Trung Tá Thịnh, Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 52 (-) và sự tận tình trợ lực của toán Cố Vấn Hoa Kỳ và tất cả các Chiến Sĩ dũng cảm, gan lỳ của Chiến Đoàn 52 (-), cuối cùng đơn vị này cũng về được đến An Lộc vào buổi sáng ngày 11 tháng 04 năm 1972. Chiến Đoàn 52 (-), mặc dầu bị xáp chiến nhiều lần, nhưng vẫn còn giữ được gần 1/2 quân nhân các cấp trên tổng số 1,000 khi khởi phát đến trấn đóng tại Căn Cứ Hoả Lực Hùng Tâm. Riêng Trung Tá Trung Đoàn Phó Hoàng Văn Hiến chẳng may bị mất máu quá nhiều trên đường di chuyễn, đã trút hơi thở cuối cùng trước khi về đến An Lộc.

Tương quan lực lượng của trận cầu CẦN LÊ được ghi nhận như sau :

ĐỊCH : Công Trường Bình Long Cộng Sản Bắc Việt gồm có 3 Trung Đoàn bộ chiến : Trung Đoàn Thép, Trung Đoàn Đồng Nai, và Trung Đoàn Phước Long. Tại mặt trận Cầu Cần Lê địch chỉ sử dụng có hai trung đoàn : Trung Đoàn Thép của Công Trường Bình Long và 1 Trung Đoàn của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt, tổng cộng tham dự trận đánh có khoảng 4,400 cán binh bộ chiến, chưa kể Sư Đoàn Pháo 69 yểm trợ hoả lực .

BẠN : Chiến Đoàn 52 (-) = 900 chiến sĩ + Pháo Đội Pháo Binh hổn hợp = 100. Tổng cộng : 1,000 Binh Sĩ.

SO SÁNH THỰC LỰC : 1 chống 4. Có một đơn vị Không Lực Hoa Kỳ yểm trợ : Tiểu Đoàn 229 Trực Thăng Xung Kích.

2. TỔN THẤT ĐÔI BÊN

ĐỊCH : khoảng 3,200 bị loại khỏi vòng chiến do các Chiến Sĩ Chiến Đoàn 52 (-) bắn hạ và do máy bay oanh kích và tác xạ.

BẠN : Tử thương = Khoảng gần 600 và 1 viên phi công Hoa Kỳ của Tiểu Đoàn 229 Trực Thăng Xung Kích Hoa Kỳ. Tự phá huỷ: 3 khẩu pháo binh 105 ly và 4 khẩu 155 ly, 20 chiếc xe GMC và tất cả đạn dược của Pháo Binh.

Sau khi bứng được Căn Cứ Hoả Lực Cầu Cần Lê, Công Trường Bình Long vượt qua Quốc Lộ 13 tiếp tục di chuyển về hướng Đông, Đông Nam (phi trường Quản Lợi) 5 cây số Đông An Lộc, bủa gọng kềm từ hướng Đông, Đông Bắc, Đơn vị của Công Trường 9, rút thì tiếp tục di chuyển về phía Tây An Lộc, án binh bất động, dường như làm thành phần trừ bị cho Quân Đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt, còn Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt thì di chuyển đến tuyến ẩn phục vùng 5 cây số Nam An Lộc xuyên qua các Xã Xa Trạch, Xa Cam, Tân Khai, Tàu Ô đến Quận Chơn Thành Tỉnh Bình Long, tổ chức chốt kiền dọc theo Quốc Lộ 13 về hướng Nam, với ba nhiệm vụ linh động : thứ nhất là chặn bắt hết quân của Việt Nam Cộng Hoà nếu có tháo lui từ An Lộc trở về Bình Dương, thứ hai là tổ chức tuyến phục kích (Chốt Kiền) để chặn viện binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, thứ ba là dùng làm nỗ lực chính để tấn công dứt điểm An Lộc khi tình hình chiến trận thuận lợi. Công Trường 7 còn được sự yểm trợ của Sư Đoàn 69 Pháo nặng 130 ly, Tiểu Đoàn Chiến Xa của Trung Đoàn Thiếp Giáp 203 với T.54 và PT.76, Trung Đoàn Cơ Giới Phòng Không và hoả tiễn 122 ly, các đơn vị cấp Trung Đội Bộ Binh của Công Trường 7 còn được trang bị loại vũ khí tối tân của Nga Sô là loại hoả tiễn tầm nhiệt cầm tay SA.7, loại khắc tinh của các trực thăng để khống chế các trực thăng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và Đồng Minh bay trên cao độ từ 4,000 đến 7,000 bộ, lập một hàng rào hoả lực dầy đặc trên vùng trời phía Nam An Lộc nhất là tại vùng Xa Cam, khiến cho việc tiếp tế và tản thương về phía Việt Nam Cộng Hoà bị bế tắc.

3. BÌNH LUẬN VỀ CUỘC RÚT LUI CỦA CHIẾN ĐOÀN 52 SƯ ĐOÀN 18 BỘ BINH TẠI MẶT TRẬN CẦU CẦN LÊ.

Tương quan lực lượng giữa đôi bên quá chênh lệch (1 chống 4, trên trận thế “nổi” rút quân, không có công sự như là phòng thủ). Địch quân đã ở vào vị thế Phục Kích và Truy Đuổi cũng như áp dụng chiến thuật thí quân BIỂN NGƯỜI, nhưng vẫn không đánh tan được Chiến Đoàn 52 (-), mà ngược lại còn bị tổn thất gấp 5 lần hơn Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa .

Các Chiến Sĩ của Chiến Đoàn 52 (-) trong đó có Tiểu Đoàn 1/48 thật là xuất sắc và thiện chiến, nếu đem so sánh một Tiểu Đoàn1/48 có thể đánh thủng cả trung đoàn của quân Cộng Sản Bắc Việt phục kích và bao vây.

Vị Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 52 (-), Trung Tá Nguyễn Bá Thịnh, gốc Dù, từng là cựu Huấn Luyện Viên Khoa Tác Chiến của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, cũng là cấp chỉ huy tài giỏi và linh hoạt ứng phó thật tài tình trong mọi hoàn cảnh và trạng huống ; hay nói cách khác, kỹ thuật lãnh dạo chỉ huy giỏi và rất được các cấp dưới quyền và toàn thể toán cố vấn Mỹ kính nễ. Tinh thần hy sinh cao cả vì chức vụ cố vấn của Trung Tá Walter D. Ginger, dù rằng đã bị thương nhưng không hèn nhát xin tản thương, mà vẫn ở lại mặt trận cùng sống chết với bạn Đồng Minh Việt Nam Cộng Hoà. Một điểm son cho toán cố vấn Sư Đoàn 18 Bộ Binh là ngay khi Chiến Đoàn 52 (-) về đến An Lộc, thấy không còn vị cố vấn nào vì đã bị thương và di tản về Bệnh Viện 3 Dã Chiến Hoa Kỳ tại Sài Gòn để trị liệu Cố Vấn Trưởng Sư Đoàn 18 Bộ Binh liền cắt cử toán cố vấn khác thay thế tức thì để điền khuyết cho Chiến Đoàn 52 (-) tại An Lộc. Trưởng toán là Thiếu Tá Raymond Haney và cố vấn phó là James Willbanks (cũng chính là tác giả của tập tài liệu cho vấn đề tham khảo này). Thành thật ca ngợi tinh thần trách nhiệm toàn thể toán cố vấn Sư Đoàn 18 Bộ Binh Quân Đoàn 3 (năm 1972).

Trái lại toán cố vấn Mỹ của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà thì hơi khác, qua hai sự kiện sau đây :

a.- Ngày 11-04-1972 trong lúc Trung Đoàn 8 Bộ Binh đang sắp toán tại sân bay Dầu Tiếng chờ trực thăng đến bốc thả vào An Lộc thì Trung Tá Abramawith Cố Vấn Trưởng Trung Đoàn 8 Bộ Binh đến nói với Đại Tá Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8 Mạch Văn Trường là : - Lệnh của MAC.V là nơi nào không an toàn thì Cố Vấn Mỹ có quyền không đến. An Lộc sắp trở thành chiến trường đẫm máu, toán Cố Vấn Mỹ Trung Đoàn 8 sẽ đi về Lai Khê, là hậu cứ của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, không theo Trung Đoàn vào An Lộc !!! Đại Tá Trường đành phải chấp nhận sự không có mặt của toán Cố Vấn Mỹ khi Trung Đoàn 8 Bộ Binh đổ quân vào An Lộc.

b.- Ngày 07-04-1972, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng di chuyển Bộ Chỉ Huy Hành Quân Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Cố Vấn Mỹ từ Lai Khê lên An Lộc (An Lộc là Quận Châu Thành của Tỉnh Lỵ Bình Long) để thống nhất chỉ huy các lực lượng Chính Quy và Diện Địa của Tiểu Khu Bình Long, tổ chức phòng thủ chống lại cuộc tấn công cấp Quân Đoàn của Việt Cộng âm mưu đánh chiếm Tỉnh Lỵ Bình Long (An Lộc). Nơi đây Công Binh Sư Đoàn đã làm sẵn một căn cứ dã chiến bằng bao cát lót vỉ sắt PAP (Plain Aluminum Plate) khá vững chắc cho Bộ Chỉ Huy Tiền Phuơng Sư Đoàn 5 Bộ Binh ở phía Đông An Lộc gần ga xe lửa. Tình hình lúc này thì Tỉnh Lỵ Bình Long hoàn toàn bị Việt Cộng bủa lưới bao vây. Pháo binh địch đã bắt đầu bắn vào Tỉnh Lỵ, Địch chỉ mới bắn lai rai để điều chỉnh tác xạ vào các mục tiêu : sân bay, bãi đáp trực thăng, các căn cứ quân sự, và các mục tiêu khác nhu nhà thương, nhà thờ, chùa chiền, và các con đường chính dẫn vào thị xã nhất là các Bộ Chỉ Huy của Sư Đoàn 5 và của Tiểu khu Bình Long. Đại Tá Miller Cố Vấn Trưởng nói với Tướng Hưng : Vị trí Bộ Chỉ Huy Hành Quân Sư Đoàn 5 Bộ Binh làm bằng bao cát và vỉ sắt không chống được các loại pháo hạng nặng, hoả tiễn 122 ly của địch quân, nên toán cố vấn ở đây không có đủ an toàn. Ông và toán Cố Vấn Mỹ Sư Đoàn, sẽ rời An Lộc để về lại Lai Khê. Tướng Hưng không đồng ý cho Cố Vấn Mỹ rút khỏi An Lộc. Ông nói :

“Trận chiến sắp tới, Sư Đoàn rất cần Cố Vấn Mỹ để có sự yểm trợ hoả lực về không yểm của không lực Hoa Kỳ, Sự có mặt của Cố Vấn Mỹ ở lại đây rất cần thiết cho vấn đề giúp liên lạc với Không Quân Hoa Kỳ. Nếu Ông muốn có vị trí an toàn hơn, tôi sẽ đưa Ông đi tìm vị trí khác ở gần đây”. Tướng Hưng dắt Đại Tá Miller đi vào trung tâm Thị Xã An Lộc, cạnh bệnh viện Bình Long, nơi đây có một thành lính do quân đội Nhật Hoàng xây cất từ hồi Đệ Nhị Thế Chiến, đúc bằng xi măng cốt sắt, hầm sâu dưới mặt đất, có đường giao thông hào, rất kiên cố, có khả năng chống bom của phi cơ Đồng Minh. (Trại này trước đây được sử dụng làm Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long, có tên là Trại Đỗ Cao Trí. Năm 1971 Mỹ rút quân, Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long dời về Compound Mỹ ở phía Nam An Lộc, Trại Đỗ Cao Trí đang bỏ trống). Quan sát xong, Đại Tá Miller không còn lý do từ chối nên toàn bộ Ban Cố Vấn Mỹ Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa, đã ở lại An Lộc với Tướng Hưng tử thủ suốt 3 tháng. Đại Tá Miller đã giúp Tướng Hưng rất nhiều trong việc sử dụng không lực Hoa Kỳ yểm trợ rất hữu hiệu cho chiến trường An Lộc.

Căn cứ thành chìm này còn có cái tên là “Thành Đỗ Cao Trí”, 800 thước phía Tây Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5 Bộ Binh cũ.

Một điểm mà chúng tôi muốn luận bàn thêm về Trận Chiến An Lộc, những cái MAY RỦI, VÔ TÌNH của Trận Chiến. Như trường hợp kể trên, nếu không có sự từ chối của Đại Tá Miller ở vào giờ phút chót đó, thì nơi địa điểm cũ (Hầm Nổi) là mục tiêu Pháo của Cộng Quân, đã được Cộng Quân điều nghiên và điều chỉnh toạ độ pháo xong xuôi, cho đến khi Cộng Quân mở cuộc mưa pháo vào An Lộc, căn cứ nổi đó trở thành BÌNH ĐỊA, hứng không biết bao nhiêu quả đạn pháo 130 ly và hoả tiễn, từ những ngày đầu cuộc chiến, và Bộ Chỉ Huy đầu não của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh nếu còn ở vị trí cũ, chắc chắn đã bị chôn vùi dưới đống bao cát và vỉ sắt tung rách tả tơi, trong đó toàn Bộ Tham Mưu kể cả Tướng Hưng có lẽ cũng đã bị chôn vùi và bị banh thây vào đêm 12 qua những ngày 13, 14, tháng 04 năm 1972 rồi. Đó có phải là một trong những cái may mắn do TRỜI ĐỊNH hay không?

Quyết định của Tướng Hưng cho lệnh Chiến Đoàn 52 (-) Bộ Binh phá huỷ hết các Chiến Cụ Nặng, chứng tỏ Tướng Hưng là một vị TƯỚNG GIỎI, TƯỚNG BIẾT ỨNG PHÓ VỚI TÌNH HÌNH VÀ HOÀN CẢNH, LÀ MỘT TƯỚNG BIÊT TRỌNG TÍNH MẠNG BINH SĨ HƠN LÀ CHIẾN CỤ, nhờ vậy các binh sĩ Chiến Đoàn 52 (-) Bộ Binh mới được rảnh rổi tay chân để quần thảo với quân địch đông hơn gấp nhiều lần.

CHƯƠNG 5
MỞ ĐẦU TRẬN CHIẾN AN LỘC



Tất cả các cánh quân của quân đoàn Cộng Sản Bắc Việt đều dồn về An Lộc; Công Trường 5 từ mặt Bắc đánh xuống, Công Trường 9 và Công Trường Bình Long ép hai mặt Tây Đông. Công Trường 7 vừa chặn mặt Nam để lập các “chốt khoá” trên Quốc Lộ 13, vừa tung quân đánh các mục tiêu sát biên giới Tây Ninh và Bình Long như căn cứ Tống Lê Chân, để tạo thêm áp lực cho phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Quân trú phòng không “tăng” mà cũng không “pháo”, còn phải đối đầu với một quân số đông hơn gấp nhiều lần, với hàng trăm chiến xa và Sư Đoàn pháo đủ loại. Toàn bộ Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hoà, gồm ba Tiểu Đoàn 5, 6, 8 và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù được trực thăng vận đến tăng viện. Toàn bộ Sư Đoàn 21 Bộ Binh cùng với Trung Đoàn 15 của Sư Đoàn 9 Bộ Binh, từ vùng sình lầy miền Tây cũ được bốc lên Lai Khê, để khai thông Quốc Lộ 13 hướng về An Lộc .

1. MẶT TRẬN AN LỘC:
CUỘC BAO VÂY VÀ CÁC ĐỢT PHÁO KÍCH, TẤN CÔNG TÀN KHỐC
CỦA CỘNG QUÂN, VÀO CÁC MẶT: ĐÔNG, TÂY, NAM, BẮC CỦA TỈNH LỴ BÌNH LONG.


Sau khi căn cứ hoả lực Cầu Cần Lê rút lui, toàn bộ mặt phía Bắc An Lộc bị bỏ trống, vòng đai phòng thủ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà lần lần bị thu hẹp về trong chu vi Thị Trấn An Lộc, Tướng Lê Văn Hưng đã nhận biết địch quân đang di chuyển quân bủa vây tứ phía

• Mặt phía Bắc đang bị áp lực của Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt,
• Mặt phía Đông đang bị áp lực của Công Trường Bình Long,
• Mặt phía Tây bị áp lực của Công Trường 9
• Mặt phía Nam, có Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt

Riêng mặt phía Nam, mặc dù chưa trực tiếp nổ súng vào Thị Xã An Lộc, nhưng căn cứ vào sự chạm trán giữa đoàn quân giải toả, (giai đoạn đầu ) của Trung Đoàn 43 Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và cái chết của Đại Tá Trương Hữu Đức, Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 5, tại vùng Chơn Thành (Tàu Ô) đã chứng minh cho biết về phía Nam Thị Xã An Lộc, cũng đã có đơn vị cấp Sư Đoàn của địch đang tổ chức phục kích và chận viện.

Tướng Hưng nhận thấy lực lượng địch đã bủa vây bằng những đơn vị lớn cấp quân đoàn . Trong khi phía lực lượng phòng thủ chỉ mới có :

Bộ Chỉ Huy Hành Quân Sư Đoàn 5 Bộ Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà do Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Đoàn, trực tiếp chỉ huy toán cố vấn Mỹ + Đại Đội 5 Trinh Sát đang trú đóng tại An Lộc.

Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà. Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, vừa được lệnh của Quân Đoàn 3/Quân Khu III trực thăng vận cấp tốc xuống An Lộc, ngay trong buổi chiều ngày 06 và suốt ngày 07 tháng 04 năm 1972 .

Tổng cộng chỉ mới có 6 Tiểu Đoàn và 1 Đại Đội Trinh Sát của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, khoảng 3, 500 tay súng quân chủ lực, và khoảng gần 700 quân thuộc lực lượng của Tiểu Khu Bình Long . So sánh tương quan lực lượng đôi bên thì là 1 chống 8. Còn chiếu theo bản điều nghiên trận địa của địch lúc bấy giờ, chỉ có Bộ Chỉ Huy Tiền Phương của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà cộng thêm Trung Đoàn 7 Bộ Binh, và nhiều lắm là 2 Tiểu Đoàn Địa Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long.

Vì tương quan lực lượng đôi bên tại mặt trận An Lộc quá chênh lệch, căn cứ theo bản điều nghiên trận liệt của địch, trong lúc thiết kế tấn công, nên Trung Ương Đảng Bộ Cộng Sản Hà Nội, tưởng là dễ nuốt, và đã huênh hoang tuyên bố trên đài phát thanh Hà Nội, cũng như ra lệnh cho thuộc cấp, phải chiếm cho bằng được An Lộc, trước ngày 20 tháng 04 năm 1972.

Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân có 3 Tiểu Đoàn : 31, 36, và 52, đang bố trí phòng thủ trên 1 tuyến dài trên 4 cây số, từ phía Bắc đến phía Đông, Trung Đoàn 7 Bộ Binh chỉ còn 2 Tiểu Đoàn nguyên vẹn và 1 Tiểu Đoàn đã thất thoát đến 1/2 quân số trong những ngày đầu giao tranh với Công Trường Bình Long, và một thành phần của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt tại khu phía Đông (phi trường Quản Lợi), đang bố trí phòng thủ phía Tây, các tiểu đoàn và đại đội Địa Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long đã bị hao hụt nhiều trong những lần giao chiến sơ khởi tại Đồi Đồng Long, sân bay L19, nhất là tại phi trường Quản Lợi, có trách nhiệm phòng thủ mặt Nam, đầy mệt mỏi và không có bồ sung.

Trong suốt tuần lễ từ 06 đến 12 tháng 04 năm 1972, Cộng Quân đã gửi tiền sát viên Pháo Binh, xâm nhập những cao thế xung quanh Tỉnh Lỵ, để quan sát và điều chỉnh các toạ độ pháo binh, như Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5 (cũ), nhưng Tướng Hưng và Bộ Chỉ Huy Hành Quân đã di chuyển đến căn cứ Đỗ Cao Trí vào giờ phút chót, Cộng Quân hoàn toàn không hay biết, Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long, các bãi đáp trực thăng, bệnh viện, Nhà Thờ, Chùa, Sân Vận Động Tỉnh, v.v… mỗi nơi đều bị pháo vài quả để điều chỉnh toạ độ.

Nhận thấy lực lượng Quân Phòng Thủ còn quá yếu so với Quân Địch, Tướng Hưng liền điện về Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 xin thêm quân tăng viện cấp thời trước khi Cộng Quân mở màn trận chiến trong thời gian rất gần kề, đơn vị được Tướng Hưng xin tăng viện đích danh là Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh cơ hữu, do Đại Tá Mạch Văn Truờng chỉ huy, vừa mới được bổ sung và chấn chỉnh đội ngũ, là Trung Đoàn duy nhất còn lại của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, đang đóng quân tại cứ điểm Dầu Tiếng (đồn điền Michelin cũ của Pháp), thuộc Quận Trị Tâm, đang có trách nhiệm ngăn chận sự xâm nhập của địch quân từ biên giới Việt Miên theo hành lang Sông Sài Gòn tiến vào tỉnh Bình Dương. Ngay sau đó Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà được tức tốc trực thăng vận vào ngay trận địa An Lộc, hoàn tất vào trưa ngày 12 tháng 04 năm 1972. Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn cùng với 2 Tiểu Đoàn Bộ Binh được trực thăng vận đổ xuống An Lộc trước tại những khoảng trống không mấy thích hợp cho cuộc đổ quân trực thăng vận vào ngày 11 tháng 04 và tiếp theo ngày 12 tháng 04 đổ tiếp thêm 1 Tiểu Đoàn Bộ Binh và Đại Đội 8 Trinh Sát Trung Đoàn. Đến hết ngày 12 tháng 04 năm 1972, lực lượng phòng thủ được tăng thêm gần 3,000 quân (2,500 quân của Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh, 100 quân thất lạc di chuyển lẻ tẻ từ Lộc Ninh về, còn lại là số chiến binh của Chiến Đoàn 52 (-) Sư Đoàn 18 Bộ Binh).

Cả Trung Đoàn 8 Bộ Binh đổ quân đợt 1 và đợt 2, đều được Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà khuyến cáo khi di chuyển đến tuyến chiến đấu (phòng ngự), phải ôm dọc theo vòng đai bên ngoài thị xã từ Nam lên Bắc để tránh thiệt hại do pháo địch đang bắn điều chỉnh vào bên trong thị xã.

Như vậy là toàn bộ 2 trung đoàn cơ hữu còn lại của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đã có mặt tại chiến trường An Lộc vào ngày 12 tháng 04 năm 1972. (Trung Đoàn 9 đã bị tan rã sau Trận Lộc Ninh).

Trung Đoàn 7 được điều động vào An Lộc trước ngày chiến trận bộc phát ít hôm. Tiểu Đoàn 3/7 được chỉ định tăng cường căn cứ hoả lực vùng phi trường Quản Lợi, 5 cây số Đông An Lộc, tiểu đoàn này đã bị thiệt hại đến hai đại đội, Tiểu Đoàn Trưởng bị tử trận, cho nên Tiểu Đoàn 3/7 phải rời bỏ vùng phía Đông rút trở về bên trong thị xã, bỏ lại trọn vẹn vùng phi trường Quản Lợi. Trung Đoàn 7 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà tham chiến được vào khoảng 1,500 binh sĩ do Trung Tá Nguyễn Đức Quân làm Trung Đoàn Trưởng trấn giữ mặt phía Tây.

Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà được giao phó trách nhiệm trấn giữ mặt chính Bắc và một phần phía Tây, còn Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân được thu ngắn bớt tuyến phòng thủ giữ một phần ngắn phía Bắc, và trọn phần tuyến giới phía Đông.

Như vậy, mỗi mặt Đông, Tây, Nam, Bắc đều có một lực lượng cỡ gần cấp Trung Đoàn trấn giữ, mạnh nhất là Trung Đoàn 8 Bộ Binh, ở mặt trận phía Bắc, với 2,500 quân phòng thủ, trên trận tuyến dài gần 2 cây số vòng đai Tình Lỵ. Yếu nhất là măt phía Nam của Tiểu Khu Bình Long.

Đúng như dự liệu của Tướng Hưng, mặt trận phía Bắc sẽ bị Cộng Quân cường kích mạnh nhất khi mở màn trận chiến (xem bản đồ số 4).

2. CUỘC ĐIỆN ĐÀM GIỮA TƯỚNG MINH VÀ TƯỚNG HƯNG
VỀ BIỆN PHÁP ĐỐI PHÓ VỚI QUÂN ĐỊCH


Chiếu theo tin tình báo từ các toán Viễn Thám Việt Nam Cộng Hoà, và một cán binh hồi chánh, của Đại Đội Trinh Sát Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt, từ đầu tháng 01 năm 1972 đến cuối tháng 03 năm 1972 báo cáo như sau:

Công Trường 7, tập trung quân trong vùng thị trấn Snoul (Cambodia) cách Lộc Ninh 30 cây số dọc theo Quốc Lộ 13 về phía Bắc đang di chuyển về phía Tây, Công Trường 9, Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt và một đơn vị cấp Sư Đoàn đang tập trung quân trong các căn cứ địa vùng giáp ranh lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà sát biên giới Việt Miên. Như vậy, địch đang tập trung quân dọc theo biên giới vùng phía Bắc của lãnh thổ Quân Khu III Việt Nam Cộng Hoà đến 4 Sư Đoàn, và nguồn tin sau cùng do các chiến sĩ Sư Đoàn 25 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà tại vùng Tỉnh Tây Ninh tìm thấy trên xác của một cán binh Cộng Sản Bắc Việt (không rõ cấp bực) trực thuộc Trung Đoàn 271 Công Trường 9, một công điện chỉ thị cho Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt phải điều động tới vùng Lưỡi Câu (phía Tây Bắc An Lộc trước ngày 24 tháng 03 năm 1972) để tham dự vào nỗ lực của Quân Đoàn Cộng Sản Bắc Việt phối hợp với Công Trường Bình Long và Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt cùng tấn công An Lộc.

Khi mặt trận Lộc Ninh vừa mới bắt đầu, với sự tan rã nhanh chóng của Đại Đội 9 Trinh Sát Trung Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, vào chiều ngày 04 tháng 04 năm 1972 và của Thiết Đoàn 1 (-) Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà vào đêm 04 rạng 05 tháng 04 năm 1972, Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn 3/Quân Khu III đã lượng định, địch đã tung vào chiến trường đến 4 Sư Đoàn Bộ Binh, chưa kể Pháo Binh và Thiết Giáp…(như vậy là địch đã xử dụng cấp Quân Đoàn cộng cho trận chiến này !!).

Vì đã có nguồn tin tình báo khả tín như thế, nên khi vừa mới nghe điện thoại cũa Tướng Hưng, gọi về từ Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đang đóng tại Lai Khê, tiếp chuyện với Tướng Minh đang kinh lý tại Tiểu Khu Bình Dương, trình tình hình chiến trận Lộc Ninh (Cộng Quân đánh tan quân bạn một cách nhanh chóng và bất ngờ…)

Sau khi Tướng Hưng báo cáo tình hình xong và đề nghị :

- Tôi sẽ lấy trực thăng bay lên Lộc Ninh để quan sát tình hình

Tướng Minh trả lời :

- Không còn kịp nữa .

Tướng Minh nói tiếp :

- Sau Lộc Nình là chúng nó tiến đánh An Lộc đó !!! Vậy Anh nên dùng thời gian còn lại di chuyển tức khắc Bộ Chỉ Huy Nặng Sư Đoàn lên An Lộc càng sớm càng tốt. Quân Đoàn sẽ cung cấp trực thăng đủ cho nhu cầu di chuyển Bộ Chỉ Huy Nặng Sư Đoàn, đồng thời tôi sẽ cho bốc Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân từ Tây Ninh thẳng về An Lộc cho anh.

Cuộc điện đàm chấm dứt vào lúc 1 giờ 30 trưa ngày 06 tháng 04 năm 1972. Tướng Hưng liền cho lệnh toàn bộ Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn và thông báo với Toán Cố Vấn Mỹ chuẩn bị di chuyển lên Bộ Chỉ Huy Tiền Phương do Đại Tá Lê Nguyên Vỹ đang chỉ huy tại An Lộc.

Sau cuộc điện đàm với Tướng Hưng, Trung Tướng Minh chỉ thị Trung Tá Nguyễn Ngọc Ánh, Sĩ Quan Phụ Tá Hành Quân, gọi về Tổng Hành Dinh Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3, đóng tại Tỉnh Biên Hoà, cho triệu tập phiên họp bất thường Bộ Tham Mưu Cao Cấp Quân Đoàn. Khi trực thăng của Tướng Minh về đến Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn, thì tại phòng họp của Quân Đoàn đã có mặt các giới chức quan trọng như Tư Lệnh Phó, Tham Mưu Trưởng, Sĩ Quan Trưởng Phòng Nhì, Sĩ Quan Trưởng Phòng Ba, Trưởng Phòng 4, Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Quân Đoàn, Đại Tá Trương Hửu Đức, Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh, đã chờ sẵn tại phòng họp cạnh văn phòng Tư Lệnh. để thảo luận và lãnh chỉ thị thi hành : (* Dồn hết nỗ lực ưu tiên trực thăng vận Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân từ Tây Ninh đổ thẳng vào An Lộc * Khai thông cấp thời Quốc Lộ 13 * Tiếp tế cho Chiến Trường An Lộc ).

Trong khi trực thăng vận Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân đến An Lộc, Tướng Minh nhận xét, lực lượng phòng thủ vẫn còn quá yếu, nên Ông khẩn điện về Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, xin thêm lực lượng Tổng Trừ Bị còn lại của Bộ Tổng Tham Mưu.

Nói về Lực Lượng Tổng Trừ Bị của Bộ Tổng Tham Mưu Việt Nam Cộng Hoà chỉ còn lại Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù (Sư Đoàn Dù (-) đã di chuyển ra giới tuyến cùng với nguyên Sư Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến ở ải địa đầu Quảng Trị), và Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù đang còn hoạt động viễn thám trong vùng Tỉnh Tây Ninh.

Với quyền hạn của vị Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, Đại Tướng CAO VĂN VIÊN chỉ có thể chấp thuận theo lời yêu cầu của Quân Khu 3, tăng cường cho Quân Khu 3 Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù và ra lệnh cho rút tất cả các Toán, gom lại thành những Đại Đội, tập trung về phi trường Trảng Lớn (Tây Ninh), chờ trực thăng vận, di chuyễn đến chiến trường mới. Đây là lần đầu tiên anh em Biệt Kích Dù mới có dịp tương phùng 4 Đại Đội và 4 toán Trinh Sát, về cùng một lúc, tay bắt mặt mừng, dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi chờ Trực Thăng bốc về Lai Khê (Tỉnh Bình Dương ) .

Riêng Lữ Đoàn 1 Dù đang trách nhiệm giữ an ninh cho Dinh Độc Lập, còn phải chờ lệnh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Vài giờ sau đó, sau khi Đại Tướng Cao Văn Viên trình với Tổng Thống Thiệu, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù cũng được điều động đến Lai Khê ngay sau đó, và được Bộ Tư Lệnh Hành Quân Quân Đoàn 3 chỉ định cùng với Trung Đoàn 43 Sư Đoàn 18 Bộ Binh do Đại Tá LÊ MINH ĐẢO vừa mới nhậm chức Tư Lệnh Sư Đoàn, trong tay chỉ còn đúng có một Trung Đoàn cơ hữu, đang ì ạch khai thông Quốc Lộ 13 từ Lai Khê đến Quân Chân Thành (giai đoạn đầu). Để trám vào chỗ Lữ Đoàn 1 Dù, Sư Đoàn 18 Bộ Binh, điều động Tiểu Đoàn 1 Trung Đoàn 52 Sư Đoàn 18 Bộ Binh đến thay thế chổ Liên Đoàn 1 Dù vừa mới rút đi, để giữ an ninh cho Dinh Độc Lập. (8)

Chú Thích: (8) Nhật Ký Hành Quân của Quân Đoàn 3/Quân Khu III ghi về trận chiến An Lộc năm 1972

Lực Lượng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà giờ này chỉ còn lại có Quân Đoàn 4 là còn nguyên vẹn 3 Sư Đoàn : Sư Đoàn 7 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, hoạt động riêng rẽ trong vùng trách nhiệm, Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà hoạt động riêng rẽ trong vùng trách nhiệm và Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, cũng phải lo việc bảo vệ lãnh thổ và đương đầu với một đơn vị cấp Sư Đoàn của địch trong vùng rừng U Minh thuộc các Tỉnh Cà Mau, Rạch Giá và Chương Thiện. Tính đi tính lại Quân Đoàn 4 Quân Khu IV do Trung Tướng NGÔ QUANG TRƯỞNG làm Tư Lệnh cố gắng chia xẻ những khó khăn của Quân Khu I, Quân Khu II, và nhất là Quân Khu III tối đa có thể rút ra 1 Sư Đoàn và một Trung Đoàn mà thôi, các đơn vị này là thành phần ưu tú nhất của Quân Đoàn 4, đó là trọn vẹn Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà do Thiếu Tướng NGUYỄN VĨNH NGHI làm Tư Lệnh. Và Trung Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà do Trung Tá Hồ Ngọc Cẩn chỉ huy (Trung Tá Cẩn là một trong NGŨ HỔ TƯỚNG của Sư Đoàn 21 Bộ Binh, khi Trung Tướng Minh còn là Chuẩn Tướng, Tư Lệnh Sư Đoàn 2! Bộ Binh).

Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đã được Quân Khu I do Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm làm Tư Lệnh xin thẳng với Tổng Thống NGUYỄN VĂN THIỆU từ tuần trước .

3. CUỘC HỌP HỘI ĐỒNG AN NINH QUỐC GIA
TẠI PHỦ TỔNG THỐNG


Ngày 09 tháng 04 năm 1972, cả 4 Tư Lệnh Vùng đều được Tổng Thống Thiệu triệu hồi về Dinh Độc Lập để trình bày tình hình chiến sự. Cuộc họp quan trọng này gồm có : Tổng Thống NGUYỄN VĂN THIỆU (Tổng Tư Lệnh Quân Đội), Đại Tướng TRẦN THIỆN KHIÊM (Thủ Tướng Chính Phủ kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng), Đại Tướng CAO VĂN VIÊN (Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà), Trung Tướng ĐẶNG VĂN QUANG (Cố Vấn An Ninh Phủ Tổng Thống) và 4 vị Trung Tướng Tư Lệnh 4 Vùng Chiến Thuật.

Trung Tướng NGUYÊN VĂN MINH, Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III, thuyết trình đầu tiên trước HỘI ĐỒNG AN NINH QUỐC GIA:

Về tình hình địch, hiện có 4 Sư Đoàn, âm mưu dứt điểm An Lộc trước ngày 20 tháng 04 năm 1972 và trên đà tiến thẳng đến Sài-Gòn, Thủ Đô Sài Gòn sẽ là mục tiêu cuối cùng của quân Cộng Sản Bắc Việt. Về Lực Lượng Bạn Quận Đoàn III, có 3 Sư Đoàn, gồm :

- Sư Đoàn 5 do Tướng Lê Văn Hưng chỉ huy, đang có mặt tại An Lộc từ ngày 07 tháng 04 năm 1972. Bố trí vòng đai phòng thủ với Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà (Trung Đoàn 9 Bộ Binh cùng Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh đã bị đánh tan tại Quận Lộc Ninh từ ngày 04 đến ngày 07 tháng 04 vừa qua). Riêng Trung Đoàn 7 vừa mới xáp chiến với một đơn vị Cộng Sản Bắc Việt vùng 5 cây số phía Đông (phi trường Quản Lợi) đã bị thiệt hại gần 1 Tiểu Đoàn. Thêm được LIên Đoàn 3 Biệt Động Quân vừa được trực thăng vận vào ngày 07 tháng 04 năm 1972. Như vậy lực lượng phòng thủ cho đến ngày hôm nay bên trong Thị Xã An Lộc (ngày 09 tháng 04 1972) về quân chủ lực chỉ có 5 Tiểu Đoàn (2 Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 7 Bộ Binh và 3 Tiểu Đoàn của Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân), phải chống trả với 4 Sư Đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt. Trung Đoàn 8 của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đang chuẩn bị tăng viện cho An Lộc, sẽ khởi phát Trực Thăng Vận vào ngày 11 tháng 04 năm 1972. Thêm vào đó, lực lượng của Tiểu khu Bình Long có vào khoảng 2 Tiểu Đoàn.

- Sư Đoàn 18 Bộ Binh do vị Tư Lệnh mới đến nhậm chức là Đại Tá LÊ-MINH-ĐẢO chỉ còn lại trong tay có 1 Trung Đoàn, đang trực tiếp giải toả Quốc Lộ 13 cùng với Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh, và vị Thiết Đoàn Trưởng, Đại Tá Trương Hữu Đức, vừa mới tử trận tại chiến trường cách đây 2 ngày, 1 Trung Đoàn khác của Sư Đoàn 18 Bộ Binh đóng tại Căn Cứ Hoả Lực Cần Lê cũng đã được lệnh rút về An Lộc. (Trung Đoàn này đang bị 2 Trung Đoàn Cộng Quân vây đánh từ chiều ngày 06 tháng 04, được lệnh cho phá huỷ hết chiến cụ nặng, chỉ còn lại Bộ Binh rút lui, và vẫn còn đang chạm súng nặng với địch, chưa rõ thiệt hại ra sao và vẫn còn đang trên đường triệt thoái về An Lộc

- Sư Đoàn 25 Bộ Binh, cả 3 Trung Đoàn đang quần thảo với địch cấp Trung Đoàn tại vùng các căn cứ hoả lực Xa Mát và Thiện Ngôn tại lãnh thổ Tây Ninh, tin sau cùng cho biết địch đã làm chủ tình hình tại Xa Mát và đang tiến về căn cứ Thiện Ngôn do Trung Đoàn 49 Sư Đoàn 25 trấn giữ, các đơn vị khác của Sư Đoàn 25 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đang được điều động đến để giải toả áp lực của Cộng quân, nên không thể tách ra được dù là một Trung Đoàn, để tăng cường cho mặt trận An Lộc, vì Tây Ninh cũng nằm sát hành lang xâm nhập của Cộng Quân từ biên giới Việt Miên.

Với tình hình và áp lực đang bổ vây An Lộc, Trung Tướng MINH có đệ trình về Bộ Tổng Tham Mưu xin thêm quân Tổng Trừ Bị tăng viện, và đã được Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trường Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà trình với Tổng Thống chấp thuận cho chiến trường Vùng 3 : Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù và Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù. Cả hai đơn vị tinh nhuệ này cũng đang trên đướng di chuyển đến trận địa. Nhưng theo Tướng Minh nhận xét, cũng vẫn chưa đủ an toàn cho Thủ Đô Sài Gòn. Cuối cùng, Trung Tướng Minh thỉnh cầu Hội Đồng An Ninh Quốc Gia chấp thuận tăng cường cho chiến trường Quân Khu III thêm ít nhất một Sư Đoàn nữa, để làm Vòng Đai Phòng Thủ An Toàn cho Thủ Đô Sài-Gòn đề phòng trong trường hợp tuyến An Lộc bị đổ vỡ.

Đề nghị tăng phái Sư Đoàn 21 Bộ Binh cho Quân Khu I hay Quân Khu III được thảo luận sôi nổi, cân nhắc nặng nhẹ … Trước tiên Tổng Thống Thiệu muốn nghe ý kiến của Trung Tướng NGÔ QUANG TRƯỞNG, Tư Lệnh Quân Đoàn 4/Quân Khu IV. Tướng Trưởng phân tích, sở trường của Sư Đoàn 21 Bộ Binh là đánh vùng đồng bằng và sình lầy, không thích hợp cho Vùng 1 rừng rậm và núi non, Đại Tướng Cao Văn Viên trước đây là Tư Lệnh Sư Đoàn Dù đã từng hành quân khắp 4 Vùng Chiến Thuật, Đại Tướng Trần Thiện Khiêm trước đây đã từng là Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh và Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, cũng là vị cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh, cũng cho nhận xét của Tướng Trưởng là đúng, kế đến Trung Tướng Đặng Văn Quang phân tích, An Lộc chỉ cách Sài-Gòn có 100 cây số, nếu để thua tại mặt trận này thì chỉ cần có 2 tiếng đồng hồ sau là xe tăng và bộ binh địch quân sẽ dẫm nát Thủ Đô của Việt Nam Cộng Hoà và thắng trận luôn, như vậy dù có giữ được Quân Khu I đi chăng nữa mà Sài- Gòn thất thủ thì cũng như không. Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm cho rằng sự phân tích của Trung Tướng Quang là xác thực, phải ngăn chặn địch bằng mọi giá ngay tại An Lộc. Còn riêng Tư Lệnh Vùng 2 Chiến Thuật, Trung Tướng NGÔ DZU, thì rất may mắn có được vị cố vấn trưởng John Paul Vann, một vị cố vấn rất tận tình với chức vụ và gắn bó với các cấp chỉ huy các Sư Đoàn Bộ Binh Sư Đoàn 22 và Sư Đoàn 23 Việt Nam Cộng Hoà, và là vị cố vấn có nhiều quyền lực nhất trong việc xin các phi tuần Không Quân Chiến Thuật cũng như Chiến Lược (B.52), nên không cần xin thêm quân tăng viện, còn đủ khả năng phòng thủ diện địa cho Vùng 2 Chiến Thuật.

Cuối cùng mặt trận An Lộc được đánh giá cao hàng đầu, so với mặt trận Quảng Trị và mặt trận Kontum, vì vậy, dù Tổng Thống Thiệu đã lỡ hứa với Trung Tướng Lãm thì cũng không thể nào làm khác hơn được, vì phải đặt sự sinh tồn của QUỐC GIA lên hàng đầu. Và Hội Đồng An Ninh Quốc Gia quyết định tăng viện Sư Đoàn 21 Bộ Binh cộng thêm Trung Đoàn 15 của Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà cho Quân Khu III để làm hàng rào cuối cùng ngăn chận quân Cộng Sản Bắc Việt đang có mưu đồ tiến chiếm luôn THỦ ĐÔ của Nước VIỆT NAM CỘNG HOÀ.

Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho Đại Tướng Cao văn Viên dành mọi ưu tiên cho Quân Khu III cả về quân tăng viện lẫn tiếp tế. Sư Đoàn 21 Bộ Binh và Trung Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, được lệnh của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng tức tốc tập trung quân, được di chuyển ngày đêm đến Lai Khê bằng cả hai phương tiện đường bộ cho những chiến cụ nặng và Thiết Vận Xa, trực thăng vận các Trung Đoàn Bộ Binh đến Lai Khê, hoàn tất vào ngày 12 tháng 04 năm 1972. Chỉ trong vòng có hơn 3 ngày mà di chuyển được một đoàn quân hơn 14,000 chiến binh với tất cả chiến cụ nặng, vượt đoạn đường dài 330 cây số, từ Tỉnh Cà Mau (nơi đặt Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 32 Bộ Binh) và các cánh quân đang bổ vòng đai xung quanh rừng U MInh, tập trung về thị xã Cà Mau và Tỉnh Lỵ Chương Thiện (nơi đặt Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 31 Bộ Binh), xuyên qua Tỉnh Bạc Liêu (nơi đặt bản doanh của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh), đến Sóc Trăng (nơi đặt Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 33 Bộ Binh) và phải xuyên qua 2 bến phà (bắc) Cần Thơ và (bắc) Mỹ Thuận, trong thời gian kỷ lục, thật không hổ danh là những đại đơn vị có CƠ ĐỘNG TÍNH CAO như Sư Đoàn Dù và Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến vậy. (9)

Chú thích: (9) Nhật ký hành quân của Quân Đoàn 3 ghi về trận chiến An Lộc năm 1972.

Tóm lại, tính đến ngày 09 tháng 04 năm 1972, lực lượng trừ bị của Quân Đoàn 3/ Quân Khu III có được như sau :

* Cơ hữu của Quân Đoàn : Chỉ còn lại Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, Trung Đoàn 43 Sư Đoàn 18 Bộ Binh,

* Trừ Bị của Bộ Tổng Tham Mưu : Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù và Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù,

* Trừ Bị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà : Sư Đoàn 21 Bộ Binh, và Trung Đoàn 15/ Sư Đoàn 9, Quân Đoàn 4 Việt Nam Cộng Hoà.

Tất cả các đại đơn vị trừ bị cho mặt trận An Lộc, được trình diện và đặt dưới quyền điều động của Bộ Tư Lệnh Hành Quân Quân Đoàn 3 tại Căn Cứ Lai Khê (Bình Dương), dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Trung Tướng NGUYỄN VĂN MINH, Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III .

Đơn vị cuối cùng của Sư Đoàn 21 Bộ Binh và Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đến Lai Khê vào chiều ngày 12 tháng 04 năm 1972 .

Tính đến chiều ngày 08 tháng 04 năm 1972, toàn bộ 4 Công Trường Cộng Sản Bắc Việt (từ 35,000 đến 37,000 quân bộ chiến) dự định đè bẹp lực lượng quân phòng thủ chỉ có 4, 200 Chiến Sĩ đã quá mệt mỏi và không được bổ sung. Tính ra là 1 Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà phải chọi với trên 8 tên Cộng Sản Bắc Việt. Nhưng không phải vì vậy mà Cộng Sản Bắc Việt nghĩ là dễ nuốt An Lộc.

Tưởng cũng nên nhắc lại : Lệnh của Trung Ương Cục Miền Nam, tức là lệnh của Hà Nội như sau “Phải dứt điểm An Lộc trước ngày 20 tháng 04 năm 1972”. Mục đích là để ra mắt Mặt Trận Giải Phóng MIền Nam và tối hậu, dùng An Lộc làm điểm tựa, đánh thẳng vào Sài Gòn, Thủ đô Việt Nam Cộng Hoà.

Chỉ còn có 12 ngày ngắn ngủi, mà các đơn vị quân Cộng Sản Bắc Việt vẫn chưa phát khởi được cuộc tấn công chính .

Chiếu theo nguồn tin tình báo, do tù binh cấpTiểu Đoàn của Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, bị Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà bắt được trong trận tấn công mở màn mặt trận phía Bắc, ngày 13-04-1972, khai báo: Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt có nhiệm vụ: sau trận tấn công và chiếm cứ Lộc Ninh, kế tiếp làm nỗ lực chính tấn công An Lộc, thừa thắng tấn chiếm Tỉnh Bình Dương, và mục tiêu cuối cùng là Thủ Đô Việt Nam Cộng Hoà (Sài Gòn).

Trong khi đó, Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt sau khi thắng trận Lộc Ninh, phải mất cả tuần lễ, mà vẫn chưa xuất phát được, để tấn công vào An Lộc ; Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt đã hoàn thành các ổ phục kích và các chốt kiền, để chặn đoàn quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà từ phía Nam dọc theo Quốc Lộ 13 tiến về phía Bắc, để giải toả cho các đơn vị bạn (Việt Nam Cộng Hoà) đang bị bao vây tại An Lộc. Công trường 9 dường như được dùng làm thành phần trừ bị cho Quân Đoàn Cộng Sản Bắc Việt. Trong lúc đó, 2 đơn vị đóng vai chánh trong cuộc khai pháo dứt điểm, là Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt và Công Trường Bình Long thì chưa sẵn sàng để tấn công vì những lý do sau đây :

a - Trong trận đánh cầu Cần Lê, các Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, đã chiến đấu rất dũng mãnh, đã đánh bật nhiều đợt xung phong biển người của địch, cộng thêm Pháo Binh và Không Quân Chiến Thuật của Không Lực Đồng Minh Hoa Kỳ, oanh kích rất chính xác, đã gây cho 2 đơn vị này tổn thất rất lớn
(hơn 1 Trung Đoàn).

b - Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, sau khi chiếm được Lộc Ninh phải lo chỉnh đốn lại hàng ngũ, tái bổ sung quân số, lo vơ vét chiến lợi phẩm của quân dân Lộc Ninh, tiêu phí thời gian cả tuần lễ.

c - Tiếp theo sau và liên tục, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đã chỉ điểm, gần như chính xác, các đường tiến quân và các vị trí pháo binh địch, cho Không Quân Chiến Thuật và Không Quân Chiến Lược Hoa Kỳ oanh kích và oanh tạc, với hàng trăm phi tuần và phi vụ trên đầu quân Bắc Việt. Những tiếng nổ phụ, được nghe thấy ngay cả từ trong Thị Xã An Lộc, qua nhiều tiếng đồng hồ liền, chứng tỏ, những ổ pháo binh địch và những điểm tiếp liệu đạn dược của pháo binh và bộ binh địch đã bị nổ tung. Cho nên các đơn vị khác của quân Cộng Sản Bắc Việt phải đành chịu chờ đợi, cho đến khi Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt và Công Trường Bình Long củng cố, và tổ chức lại hàng ngũ, rồi mới chính thức khai pháo mở cuộc tấn công vào Thị Trấn An Lộc.

4. MỞ MÀN TRẬN CHIẾN KHỐC LIỆT:
TẠI MẶT TRẬN PHÍA BẮC AN LỘC
TRẬN TẤN CÔNG LẦN THỨ NHẤT (sáng ngày 13-04-1972)


Vào đêm 12 tháng 04 năm 1972, Cộng quân mở trận mưa pháo tập trung vào các địa điểm: Bộ Chỉ Huy dã chiến của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà (địa điểm cũ), Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long, và dọc theo vòng đài phòng thủ của các đơn vị trú phòng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Pháo đủ loại nhiều nhất là đại bác 130 ly, hoả tiễn 122 ly v.v… ước lượng đến 6,000 quả đủ loại, từ đầu hôm cho tới suốt đêm, mục đích là cố tiêu diệt các Bộ Chỉ Huy đầu não của lực luợng phòng thủ (riêng tại vị trí của Bộ Chỉ Huy Tiền Phương cũ của Tướng Hưng, bị trúng trên 1,000 quả đạn pháo đủ loại của địch, bị phá hủy tan nát, nhưng không có thiệt hại về nhân mạng), đặc biệt dọc theo vòng đai tuyến phòng thủ mặt Bắc Thị Xã An Lộc để uy hiếp tinh thần binh sĩ đang có mặt trên tuyến vòng đai bảo vệ, cũng như dọn đường cho chiến xa và bộ binh địch tấn công trực diện, theo chiến thuật Tiền Pháo, Hậu Xung (biển người).

Sau đợt mưa pháo kéo dài trên 10 tiếng đồng hồ, Cộng quân chuyển Pháo vào sâu trong thành phố, chừa lại mặt Bắc cho cả Tiểu Đoàn Chiến Xa T.54 và PT.76 với 4 Trung Đoàn Bộ Binh Tùng Thiết chia làm 3 mũi dùi, ồ ạt tiến công vào Thị Xã. Điểm nỗ lực chính vào hướng chính Bắc, và 2 cứ điểm phụ tại Đồi Đồng Long (1 cây số Tây Bắc) do Đại Đội Trinh Sát 8 và 1 Đại Đội Địa Phương Quân trấn giữ, và phía sân bay L.19 (1 cây số Đông Bắc) do Tiểu Đoàn Điạ Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long trấn giữ. Lực lượng địch được bố trí như sau : tại mặt chính Bắc Cộng Quân sử dụng Trung Đoàn 174 và E.6 Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, mũi dùi tấn kích Đồi Đồng Long Cộng Quân sử dụng Trung Đoàn 275 Cộng Sản Bắc Việt, mũi dùi tấn kích sân bay L19 Cộng Quân sử dụng Trung Đoàn Thép của Công Trường Bình Long Cộng Sản Bắc Việt. Tất cả các cánh quân đều có chiến xa T.54 và PT.76 trợ chiến, mạnh nhất là mặt chính Bắc. (xem bản đồ số 5).

Tại mặt chính Bắc : Do Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà trấn thủ.

Chiếu theo Hồi Ký của Nhân Chứng Sống (đình kèm ở Phần Phụ Đính) . Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường, nguyên Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh (1975), cựu Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh (1972), Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa có những đặc điểm sau đây :

• Trước khi được trực thăng vận vào An Lộc, Trung Đoàn 8 tình cờ tìm thấy trên 2,000 khẩu súng chống chiến xa M.72 của Quân Lực Hoa Kỳ còn để sót lại trong một hầm súng tại căn cứ Trị Tâm. Khi vào An Lộc, Trung Đoàn 8 Bộ Binh có mang theo đầy đủ loại khắc tinh chống chiến xa đó, và được trang bị tới cấp Tiểu Đội. Tất cả các cấp từ Sĩ Quan cho tới binh sĩ Trung Đoàn 8 đều được huấn luyện và hướng dẫn cách sử dụng M.72. Số còn thừa, Trung Đoàn 8 chia cho Trung Đoàn 7 và LIên Đoàn 3 Biệt Động Quân để xử dụng khi cần thiết. Chiếu theo tài liệu, loại súng M.72, khi nổ phát ra một sức nóng rất cao, lên đến 3, 600 độ F, và có công dụng làm chảy sắt.

• Ngay khi hai Tiểu Đoàn đầu tiên và Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 8 vừa đến tuyến án ngữ mặt Bắc, Đại Tá Trường được Tướng Hưng cho biết, Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt có chiến xa yểm trợ đang trên đà tiến từ Lộc Ninh đồ xuống từ hướng Bắc, Đại Tá Trường còn có sự cảnh giác trước, ngoài Bộ Binh và Chiến Xa, địch còn mở vài trận mưa pháo trước khi tấn công. Cho nên Đại Tá Trường đã ra lệnh cho tất cả các chiến binh Trung Đoàn 8 Bộ Binh phải tức tốc đào hầm và giao thông hào có nắp chống pháo, dàn hàng ngang hai bên đường Quốc Lộ 13 trên tuyến phòng thủ.

• Chỉ thị cho Sĩ Quan Pháo Binh Trung Đoàn 8, phối hợp với Tiểu Đoàn 52 Pháo Binh, thiết lập sơ đồ pháo tiên liệu 1, 500 thước, dọc theo Quốc Lộ 13 từ Bắc xuống Nam, và trình xin với Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, xin ưu tiên hoả lực cho mặt phòng thủ phía Bắc của Trung Đoàn 8 Bộ Binh khi hữu sự.

• Tiếp theo, vào ngày hôm sau, (12-04-1972), trực thăng vận đổ thêm Tiểu Đoàn còn lại và Đại Đội 8 Trinh Sát, được dùng làm lực lượng trừ bị cho Trung Đoàn, bố trí chiều sâu dọc theo những cao ốc được đúc bằng bê tông chạy dài theo Đại Lộ Ngô Quyền, cũng là Quốc Lộ 13, chạy ngang qua Thành Phố An Lộc ; riêng Đại Đội 8 Trinh Sát, được đưa lên làm Tổng Tiền Đồn trên Đồi Đồng Long, tiếp tay với Đại Đội Địa Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long đã có sẵn tại đây.

Trong số 2.500 quân của Trung Đoàn 8 Bộ Binh được đổ vào An Lộc, có 400 chiến sĩ gốc là Lao Công Đào Binh (cũng là những chiến sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà gồm đủ mọi cấp đã vi phạm kỷ luật quân đội khá trầm trọng như đào ngũ, hành hung Sĩ Quan hay cấp chỉ huy, của đủ mọi thành phần trong các quân binh chủng thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, gom lại từ các trung tâm trừng giới các nơi, rồi phân phối trở lại cho các đơn vị tác chiến cấp Sư Đoàn, để dùng vào việc tạp dịch và lao công, không được trang bị vũ khí. Vào khoảng trung tuần tháng 04 năm 1972, Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, được Bộ Tổng Tham Mưu phân phối cho 400 Lao Công Đào Binh, để chia ra cho 3 trung đoàn bộ binh ; trong thời điểm này, chỉ còn duy nhất có Trung Đoàn 8 Bộ Binh là chưa được tham chiến, nên phòng Tổng Quản Trị Sư Đoàn mới chuyển toàn bộ 400 Lao Công Đào Binh cho Trung Đoàn 8, để tức thời đổ vào An Lộc. Khi trận chiến quyết liệt khởi diễn vào ngày 13 tháng 04 năm 1972, Đại Tá Mạch Văn Trường, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8, nhận thấy một vài anh em Lao Công Đào Binh bị trúng miểng đạn pháo của Cộng quân tử trận, trong lúc trong tay không có một tấc sắt để phòng thân, thật là tội nghiệp và bất công cho linh hồn các Lao Công Đào Binh quá cố đó. Ông liền có quyết định táo bạo không cần biết những sự gì sẽ xảy ra sau này, Đại Tá Trường liền cho tập họp hết các Lao Công Đào Binh để hỏi ý kiến, và kích động tinh thần của họ, gợi ý trang bị vũ khí cho tất cả anh em. Sau khi nghe lời kích động của Đại Tá Trường, tất cả các anh em Lao Công Đào Binh đồng loạt hoan hô, và xin trang bị vũ khí cấp thời cho họ, để họ có cơ hội cùng anh em đồng đội trong Trung Đoàn 8 Bộ Binh chiến đấu sát Cộng . Như vậy là Trung Đoàn 8 Bộ Binh có thêm được 400 tay súng gan lỳ và hăng say nhất, trong việc đánh cận chiến cũng như vác M.72 đi lùng chiến xa địch. Đúng như cổ nhân có câu “Phép vua thua lệ làng” người chỉ huy tại măt trận có toàn quyền ứng biến theo tình thế, bất chấp câu nệ vào nguyên tắc hay lệnh vua (Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà) đã ấn định từ trước. (10)

(10) Theo lời tường thuật của Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường, nhân chứng sống, nguyên Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh, Cựu Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, hiện cư ngụ tại Houston, TX.

Cũng cùng chiến pháp này, sử sách có ghi lại vào năm 496 trước Công Nguyên, vị vua trẻ nước Việt bên Tàu tên là Câu Tiễn đã xử dụng 3,000 tù tử tội, xông thẳng vào trung quân của vua Ngô là Hạp Lư có đến 30,000 quân sĩ. Các tù tử tội đã đánh một trận quyết liệt, khiến quân Ngô tán loạn hàng ngũ, lui dần bỏ lại chủ soái là vua Hạp Lư, và các tướng lãnh khác, phải rất vất vả để cứu vua Hạp Lư thoát hiểm trong gang tấc trên chiến địa. Vua Hạp Lư phải trả một giá rất đắt bằng chính sinh mạng của mình, sau khi chạy về đến Ngô quốc của ông ta, vì vết thương ở chân không được chữa trị kịp thời.

Các tù tử tội vào thời xa xưa đó, được Câu Tiễn hứa là được tha và cho thêm vài quyền lợi sau khi chiến thắng trở về.

Vì lẽ sinh tồn, thà chết vinh quang ngoài chiến trường, lại còn có dịp giết quân địch, nếu còn sống sót thì sẽ được phục hồi nguyên phương vị cũ, và còn được vinh danh là chiến sĩ anh hùng tử thủ An Lộc, cho nên tất cả 400 tay súng lao công đào binh, bỗng nhiên trở thành những chiến sĩ ưu việt nhất của Trung Đoàn 8 Bộ Binh.

Từ xa, cách tuyến phòng thủ khoảng 3 cây số về hướng Bắc, các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà đã nghe được tiếng động cơ của chiến xa địch, và từ từ nhìn thấy chúng, mọi người đều hồi hộp chờ đợi từng bước sự tiến công của địch, tinh thần giao động, vì lần đầu tiên giáp chiến với chiến xa địch, vả lại chưa biết sự lợi hại của loại súng chống chiến xa M.72 như thế nào ??? Nhưng việc gì đến rồi cũng phải đến.

Từ trên nóc sân thượng của căn lầu hai tầng, Đại Tá Trường đặt ống nhòm theo dõi từng bước của chiến xa và bộ binh địch, đang tiến lần xuống, … cho đến khi nhận thấy đoàn chiến xa và bộ binh địch đã lọt vào trận địa pháo, Đại Tá Trường ra lệnh cho Tiểu Đoàn 52 Pháo Binh cơ hữu, cho 8 khẩu 105 ly và 2 khẩu 155 ly còn xử dụng được thi nhau nhả đạn, đạn xuyên phá để chống chiến xa, đạn nổ chụp ngay trên đầu để triệt hạ bộ binh địch.

Vì pháo của ta quá chính xác và có hiệu quả cao, một phần bộ binh địch chạy lui trở lại với hy vọng sẽ thoát ra khỏi trận địa pháo, một số khác chạy thục mạng tới trước để tránh pháo của Việt Nam Cộng Hoà, đoàn chiến xa Cộng quân đang nối đuôi theo sau, phải loay hoay khựng lại, riêng chỉ có 15 chiếc T.54 đi đầu tống ga vọt đại về phía trước, đằng sau không có bộ binh tùng thiết nào cả. Chiến xa địch chạy khơi khơi một mình, xả máy chạy ùa vào ngay tuyến phục kích của Tiểu Đoàn trừ bị của Trung Đoàn 8 đang có mặt trên các cao ốc, các Chiến Sĩ của Trung Đoàn 8, dùng đủ loại súng từ trên cao tác xạ thẳng xuống mục tiêu to lớn đang di chuyển khó khăn trên đường, có tên là Ngô Quyền. Các xạ thủ đại liên trên pháo tháp các chiến xa địch, vì thế phải chui tuột xuống đậy nắp pháo tháp, để tránh đạn của các chiến sĩ Trung Đoàn 8 Bộ Binh. Chiến xa địch giờ này chỉ còn lại duy nhất khẩu đại bác 100 ly nòng dài, lại không xoay sở gì được, vì đã vô tình lái vào con đường hẹp, hai bên là cao ốc, và lề đường lại có cống rãnh không chịu nổi sức nặng của chiến xa. Tiến thối lưỡng nan, dậm chân tại chỗ sụp rãnh, lay hoay chờ chết.

Binh sĩ của Trung Đoàn 8 Bộ Binh, lần lần đâm ra dạn dĩ, vác M.72 ra tác xạ, vài quả đầu có chút sai lệch, chiến xa chưa chết, nhưng càng bắn càng có kinh nghiệm, bắn trúng vào chỗ nhuợc, chiến xa bốc cháy.

Anh em ơi ! Xe tăng địch bị M.72 bắn cháy rồi !” Tiếng hò la vang dậy của anh em chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà nói chung, và của Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà nói riêng, giữa mùi thuốc súng và khói bốc ra đen xì của chiến xa, cùng xác cháy của vài xạ thủ hay tài xế địch, nhảy ra khỏi chiến xa, đã làm nức lòng các chiến binh Việt Nam Cộng Hoà. Không còn sợ xe tăng địch nữa. mà trái lại còn thích thú vác M.72 đi lùng tăng địch để bắn hạ (tiếng bình dân của anh em binh sĩ gọi là “sơi tái”). Kết quả : 12 chiến xa địch đều lần hồi bị tiêu diệt bởi các chiến binh Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hoà, ngay đợt tấn công mở màn cho trận đánh vào An Lộc, số còn lại do các trực thăng võ trang Cobra của Hoa Kỳ có gắn hoả tiễn chống chiến xa bắn hạ. (11)

Chú thích: (11) Nhật Ký Hành Quân của Quân Đoàn 3/Quân Khu III ghi về trận chiến An Lộc năm 1972 .

5. TRẬN CHIẾN TẠI ĐỒI ĐỒNG LONG VÀ PHI TRƯỜNG L.19

5.1 MẶT TRẬN PHÍA ĐÔNG AN LỘC

Kiểm điểm lại từ lúc khởi phát cuộc tấn công vào mặt Bắc An Lộc, Cộng quân xua toàn bộ Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt cộng thêm một trung đoàn của Công Trường Bình Long, nghĩ rằng lực lượng phòng thủ chỉ có nhiều lắm là một Tiểu Đoàn Địa Phương Quân (khoảng 400 quân sĩ) thì không thể nào cản nổi đà tiến công của quân Cộng Sản Bắc Việt (gồm gần 12,000 cán binh), có cả chiến xa trợ chiến.

Cộng quân không ngờ khi xáp trận, mới vỡ lẽ ra rằng đã chạm trán với lực lượng phòng thủ không phải là 1 Tiểu Đoàn Địa Phương Quân, mà chạm trán với nguyên Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà với cả 2, 500 tay súng, trong tay các chiến sĩ Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà có trên 2,000 khẩu súng chống chiến xa M.72, với các xạ thủ đầy nhiệt huyết và gan lỳ. Khi thủ trưởng của Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt nhận thấy được các đơn vị bộ binh và chiến xa đi đầu chạm trán với Đại Đội 8 Trinh Sát của Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà tại Đồi Đồng Long, và đoàn 15 chiếc T.54 lọt được vào thành phố rồi mất liên lạc tần số luôn, khói bốc lên cả cụm từ xa 3 cây số còn nhìn thấy, thì mới nhận biết, có gì bất lợi cho các đơn vị của mình. Căn cứ vào bản điều nghiên trận liệt của Cộng quân lúc ban đầu và thực tại thì thấy khác xa. Khi biết được rồi thì đã quá muộn, nên bị bất ngờ và giao động, lúc thì khựng lạI lúc lại xua quân đánh ván bài liều thí quân .

Sáng sớm ngày 15 tháng 4, cánh quân từ phía Đồi Đồng Long (Trung Đoàn 275 Cộng Sản Bắc Việt) từ phía trái có T.54 yểm trợ đã xáp chiến với Tiểu Đoàn 1/8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, lấn được một phần đất để bám trụ, còn chiến xa thì dường như bị các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà bắn cháy gần hết, vài chiếc chiến xa còn lại thì de lui để chờ lệnh mới. Cánh quân chính diện mặt Bắc của Cộng quân, có Sư Trưởng phía sau, gom quân lại rồi ra lệnh tấn công vào thành phố thêm một lần nữa, với thành phần bộ binh Trung Đoàn 174 Cộng Sản Bắc Việt và 1 đơn vị chiến xa T.54 và PT.76 của Trung Đoàn 203 Thiết Giáp, còn bên phải trách nhiệm của Trung Đoàn Thép Công Trường Bình Long thì còn ì ạch chưa dám xáp gần đến phần ranh phía Đông Bắc trách nhiệm của Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hoà, hoặc là chờ thêm hai trung đoàn của Công Trường Bình Long từ hướng Đông (phi trường Quản Lợi), tiến dần xuống tuyến phòng thủ của Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hoà.

Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân là lực lượng trừ bị rất thiện chiến của Quân Khu III, từ tỉnh Tây Ninh được trực thăng vận vào An Lộc ngày 07 tháng 04 năm 1972, với 3 Tiểu Đoàn cơ hữu 31, 36, và 52 Biệt Động Quân, với quân số 1, 500 quân, do Trung Tá Nguyễn văn Biết chỉ huy, Liên Đoàn này đã từng quần thảo với Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt tại chiến trường ngoại biên năm 1971.

Ngay ngày đầu tiên khi vừa mới đặt chân đến An Lộc, Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, được Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà chỉ định dàn quân giữ một tuyến phòng thủ trải dài gần 5 cây số, từ suốt mặt phía Bắc đến giáp mặt phía Đông chỉ với hai Tiểu Đoàn 31 và 52 Biệt Động Quân, còn Tiểu Đoàn thiện chiến nhất của Liên Đoàn là Tiểu Đoàn 36 Biệt Động Quân được lệnh phảI tổ chức tuyến phục kích án ngữ cách thị trấn 1 cây số về phía Đông dọc theo con lộ dẫn từ tỉnh lỵ đến phi trường Quản Lợi để ngăn bước tiến quân, của quân Cộng Sản Bắc Việt.

Mời quý vị đọc một đoạn ngắn được trích ghi trong hồi ký của ĐạI Úy Đồng Kim Quan, Đại Đội Trưởng Đại Đội 4, Tiểu Đoàn 36 Biệt Động Quân, là một nhân chứng sống, tường thuật như sau:

10g00 sáng hôm sau, ngày 07 tháng 04, Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân từ Tây Ninh đền An Lộc bằng trực thăng HU1B.

12g00. Tiểu Đoàn 36 di chuyển về hướng phi trường Quản Lợi. Ra khỏi phía Đông An Lộc một cây số, tụi tôi chạm địch. Theo tin tình báo, lực lượng quân Bắc Việt là Trung Đoàn 272 Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt. Tiểu Đoàn 36 nhận được lệnh giữ con đường này và án ngữ đường vào An Lộc của Việt Cộng.

Mối lo ngại chính bây giờ là dân chúng. Sinh mạng họ không cho phép pháo, phi pháo yểm trợ tối đa. Bọn Việt Cộng chắc rõ nhược điểm này nên chúng khai thác triệt để. Mắt tôi dại hẳn khi thấy những người dân liều lĩnh chạy ra khỏi vòng chiến bị Việt Cộng bắn ngã xấp mặt về phía trước.

Thiếu Tá Tống Viết Lạc, Tiểu Đoàn Ttưởng Tiểu Đoàn 36, tức tối :

- Quân dã man, nó lấy dân làm mộc đỡ đạn mình đây mà.

Gương mặt ông cau lại, chiến đấu bên cạnh ông nhiều, tôi biết ông sắp sửa có quyết định. Mỗi cấp chỉ huy đều có một lối quyết định riêng. Thiếu Tá Lạc luôn luôn có quyết định đúng lúc. Ông quay lại người hiệu thính viên cầm máy :

- Gọi “gà cố” bảo tụi nó gáy đi.

Mặc dù biết trước, tôi vẫn sững người trước quyết định đột ngột này vì hàng ngàn dân còn đang kẹt lại trong đó. Tôi ấp úng :

- Thưa Thiếu Tá …

Giọng Thiếu Tá Lạc lại vang lên thật bình thản :

- Gọi pháo binh, nhưng dặn chỉ bắn đạn khói mà thôi.

Tôi chợt hiểu, biết địch rất sợ pháo, ông cho pháo binh bắn đạn khói, lợi dụng cơ hội địch trốn pháo, dân sẽ thoát ra. Đã có tiếng Départ rít lên nghe rõ mồn một. Vài tiếng đồng hồ sau, chiến trường nghiêng ngửa rõ rệt. Dân chúng tại Quản Lợi đã được di tản ra gần hết, chúng tôi hoàn thành nhiêm vụ ở giai đoạn đầu : giải thoát cư dân.

Án ngữ đường vào An Lộc của Việt Cộng là giai đoạn sau của Tiểu Đoàn 36 trong những ngày kế tiếp 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 tháng 04. Quản Lợi vẫn nguyên vẹn mặc dù 24/24 giờ đều đụng địch. Hình như tử thần đang lảng vảng đâu đây ?

Ngày N+11, sau 5 ngày thất bại, Việt Cộng nhất quyết nhổ cái gai Tiểu Đoàn 36 bằng chiến thuật biển người đánh vào 3 mặt : Bắc, Đông và Tây. Áp lực rất nặng, phòng tuyến hai bên chỉ cách nhau 30 thước. Đợt tấn công đầu, chúng lao vào như những con thú điên được chích thêm thuốc kích thích. Những ổ đại liên, trung liên ở tuyến đầu làm việc rất đắc lực làm chúng không tiến được. Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng lầu bầu :

- Đánh nhau với lũ điên này bực cả mình, chắc chúng nó điếc hết cả rồi, đâu có sợ súng ?

Áp lực địch trước mặt vẫn còn nặng, tôi đưa ý kiến với Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng xin điều chỉnh cho pháo binh bắn yểm trợ. Đây là một mạo hiểm lớn nhất của tôi trong gần mười tuổi lính. Cách nhau 30 thước, chệch một ly ông cụ là … cõng rắn cắn gà nhà. Tim tôi bóp lại khi nghĩ đến điều đó. Thiếu Tá Lạc ưng thuận sau một phút nghĩ ngợi. Tôi mím chặt môi, nâng máy truyền tin vô tuyến lên điều chỉnh … Ầm … Ầm …

Xác địch hất tung lên ngang tầm mắt, tôi ngồi bệt xuống đất, những giọt mồ hôi hai bên trán nhỏ xuống thoải mái.

Tiếng Thiếu Tá Lạc loáng thoáng :

- Đẹp lắm … !

Sau hơn 10 tràng pháo nổ, bên kia tuyến của địch quân bỗng nhiên ngừng bắn. Cái im lặng thật là ngột ngạt. Năm, rồi mười phút trôi qua mau chóng, từ từ chúng tôì nghe tiếng động cơ ì ầm đang tiến dần về hướng chúng tôi. Rồi lần lần hiện ra những chiến xa của địch. Tất cả các chiến sĩ Biệt Động Quân liền chuẩn bị các khẩu M.72, yên lặng nằm chờ phục bên đường, tinh thần không nao núng mà trái lại còn cảm thấy thích thú khi nhìn thấy chiến xa địch tiến gần. 50 thước, 40 thước, … rồi 30 thước, … các khẩu M.72 thi nhau nổ, các cụm khói đen bốc ra từ các chiến xa T.54 dẫn đầu. Bị cú bất ngờ, hai chiếc dẫn đầu bị bắn cháy, còn lại khoảng 8 chiếc phía sau quay đầu bỏ chạy, không dám bắn trả, dù rằng một quả. Bên cạnh chiến xa không thấy có cán binh tùng thiết. Chính nhờ điểm này chúng tôi mới biết được rằng Bộ Binh và Thiết Kỵ của quân Cộng Sản Bắc Việt không được phối hợp để yểm trợ cho nhau…. Thua keo này bày keo khác, nửa giờ sau chiến xa lại dàn hàng ngang theo sau lố nhố bộ binh, tiếng súng lại nổ, M.72 được bắn ra hàng loạt, quân địch đông như kiến, T.54 bị cháy tạo ra một cảnh tượng hỗn loạn đánh giáp lá cà giữa Tiểu Đoàn 36 Biệt Động Quân và khoảng 2 trung đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt, trong đó theo lời của một tù binh địch khai báo có cả Trung Đoàn 272 Công Trường 9 tham dự trận đánh này”.

Cùng thời điểm, đêm 15 rạng 16 tháng 04 Cộng quân tiếp tục tràn ngập Tiểu Đoàn 36 Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hoà, một số chiến sĩ lui về được đến tuyến phòng thủ chánh của Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân đang bố trí trên vòng đai phòng thủ tỉnh lỵ, một số khác thất lạc ra tận đến chân đồi 169 (Đông Bắc An Lộc) và vào buổi chiều ngày 16 tháng 04 toán quân thất lạc (47 chiến sĩ) của Tiểu Đoàn 36 Biệt Động Quân gặp được Biệt Kích Dù dưới chân đồi 169 và tháp tùng Biệt Kích Dù trở về họp lại với Tiểu Đoàn 36 Biệt Động Quân đang cùng trên tuyến phòng thủ với Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân ở mặt tuyến phía Đông thành phố.

Trong suốt đêm 14 rạng 15 tháng 04, Cộng quân gia tăng mưa pháo vào tuyến phòng thủ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và vào vị trí pháo binh Việt Nam Cộng Hoà, ước tính trên 4,000 quả đủ loại. Sau khi dứt pháo, bộ binh và chiến xa địch lại tấn công; lúc bấy giờ cả 3 Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 8 đều có mặt trên tuyến đầu chiến đấu, chống trả mãnh liệt, chiến xa Cộng quân lại thi nhau bị bắn cháy, hàng trăm cán binh Cộng Sản Bắc Việt bị bắn hạ khiến mũi dùi tấn công bị khựng lại một lần nữa, mặc dù Cộng quân lấn chiếm thêm được vài cao ốc trong thành phố để bám trụ..

Về mặt phía Đông, sau khi đẩy lui Tiểu Đoàn 36 Biệt Động Quân, cả hai trung đoàn của Công Trường Bình Long và Trung Đoàn 272 của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt có 1 đại đội chiến xa yểm trợ tiếp tục lấn chiếm vào phòng tuyến của Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, buộc Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân phải lùi lại 1 khu phố.

Trận chiến kéo dài đến chiều tối, bộ binh quân Cộng Sản Bắc Việt lấn thêm được 1 phần diện địa ở phía Đông thành phố (gần 1/2 diện địa phía Bắc của Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân ở phía Đông), nhưng chúng đã phải trả 1 giá rất đắt, gần 2 trung đoàn bộ binh địch bị tiêu diệt bỏ xác tại trận, gồm những cán binh của Công Trường 5, Công Trường 9 và Công Trường Bình Long Cộng Sản Bắc Việt, trên 30 chiến xa T.54 và PT.76 bị bắn cháy và bị quân trú phòng bắt sống Về phía lực lượng phòng thủ, Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân tổn thất khoảng 35% quân số (11)
(Xem bản đồ số 6)

Chú thích: (11) Nhật ký hành quân của Quân Đoàn 3/Quân Khu III ghi về trận chíến An Lộc năm 1972.

5.2 TẠI ĐỒI ĐỒNG LONG


Cộng quân tung Trung Đoàn 275 thộc Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt và một đại đội chiến xa hỗn hợp T-54 và PT-76 của trung đoàn 203 chiến xa, cộng thêm Tiểu Đoàn Phòng Không, một lực lượng đông gấp 12 lần so với lực lượng phòng thủ của Việt Nam Cộng Hoà. Các chiến sĩ của Đại Đội Trinh Sát và Địa Phương Quân đã chống trả rất mãnh liệt, đẫy lui liên tiếp 3 đợt tấn công biển người của địch, và bắn hạ tại chỗ 2 T-54 và 1 PT-76. Tuy nhiên, vì quân số ít và bị hao mòn dần, nên vị Đại Đội Trưởng gọi trình với Đại Tá Trường về tình trạng hiện hữu, được Đại Tá Trường cho lệnh rút lui theo từng giai đoạn để trở về tuyến phòng thủ chính của Trung Đoàn. Sau đó được điều động về bảo vệ Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà. Họ đã mang về được đầy đủ các chiến sĩ hy sinh và bị thương. Hoàn tất vào xế chiều ngày 13 tháng 04/1972.

Sau khi chiếm cứ đồi Đồng Long, là một trong những cao điểm chiến thuật quan trọng, từ đó có thể quan sát và khống chế mặt Bắc An Lộc dọc theo Quốc Lộ 13 ngang qua đồn Cảnh Sát Dã Chiến xuống tận khu chợ, và là một vị trí lý tưởng để đặt các ổ súng phòng không 12 ly 7, 37 ly và hoả tiễn cầm tay SA-7, Cộng quân thiết trí các khẩu súng cối 82 ly và các khẩu đại bác không giựt 57 ly và 75 ly cũng như các giàn phòng không để pháo vào các đơn vị Việt Nam Cộng Hoà, đang bố trí trên vòng đai phòng thủ mặt phía Bắc một cách gần như chính xác.

Đồi Đồng Long được ghi nhận là một trong những yếu điểm trên cao thế, có tầm nhìn toàn khu vực mặt trận phía Bắc, mà lực lượng phòng thủ cần phải chiếm trở lại càng sớm càng tốt.

5.3 TẠI SÂN BAY L.19

Tiểu Đoàn Địa Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long cũng kháng cự mãnh liệt với Trung Đoàn Thép của Công Trường Bình Long Cộng Sản Bắc Việt. Phần vì kho xăng cháy, phần vì kho đạn bị nổ, chiến xa và bộ binh địch cứ tràn vào, xuyên lủng, và chia cắt tuyến phòng thủ ra làm nhiều mảnh, cuối cùng Tiểu Đoàn Địa Phương Quân Việt Nam Cộng Hoà đã bị thiệt hại nặng, tần số liên lạc bị cắt đứt luôn sau hơn 2 giờ giao tranh. Sau đó vài giờ, một số chiến sĩ Địa Phương Quân còn lại đã tập hợp về được đến tuyến phòng thủ của Trung Đoàn 8 Bộ Binh để tiếp tục tác chiến cùng với các chiến sĩ Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà.

Hai cánh quân địch đã thành công tấn chiếm đồi Đồng Long và sân bay L-19, nhưng cũng không dám tiến lên thêm, vì nhận thấy cánh quân chính mặt Bắc bị chặn cắt -một số chiến xa rồ ga chạy đại vào thành phố còn bộ binh một số phải chạy theo chiến xa vắt giò lên cổ, số lớn bộ binh khác thì khựng lại theo số chiến xa còn lại bên ngoài thành phố gần 2 cây số ngàn.

Trong khoảng thời gian ngắn, các chiến sĩ Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà củng cố lại tuyến phòng thủ, trong khi Tiểu Đoàn 3, trừ bị của Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Vệt Nam Cộng Hoà đang lùng và thi đua bắn diệt tăng địch chết nằm la liêt dọc trên đường Ngô Quyền, 2 Tiểu Đoàn trên tuyến phòng thủ chính cũng lấy lại tinh thần và tất cả đều biết rằng loại vũ khí M-72 chính thực là loại khắc tinh của chiến xa địch, chuẩn bị đem ra xử dụng trong những giờ phút sắp tới, và dàn lại thế trận như cũ chờ đợi quân địch.

Về phía Cộng quân, sau khi không còn liên lạc được với bất cứ chiến xa nào chạy lọt vào thành phố, và khi nhìn thấy những cụm khói đen bốc ngút một góc trời, người chỉ huy mặt trận của quân Cộng Quân đã nhận biết 15 chiếc T-54 đã trở thành những khối sắt bất động.

Chỉnh đốn lại đội ngũ, dàn lại đội hình chiến xa và bộ binh, rồi gìở lại sách cũ, gọi pháo binh giập thêm khoảng 3,000 quả nữa trước khi cho chiến xa và bộ binh tiến giáp cận, mở đồng loạt xung phong biển người, 3 mặt giáp công, vào thành trì của các chiến sĩ Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và vào một phần đất mặt Đông Bắc của Biệt Động Quân .

Tiểu Đoàn 1 Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà trách nhiệm khu tuyến phòng thủ phía Tây Bắc (cánh trái) Quốc Lộ 13, phải chống trả với cả 1 Trung Đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt từ đồi Đồng Long đánh xuống có tăng yểm trợ. Đại bác 100 ly, đại liên 50 ly của chiến xa địch cùng các loại súng cá nhân và M-72 của đôi bên thi đua nhau nổ dòn như pháo Tết, chiến xa địch thi đua nhau cháy.

Tiểu Đoàn 1/8 Việt Nam Cộng Hoà bị thiệt hại khá nặng, Cộng quân tràn tới tuyến phòng thủ của Tiểu Đoàn 2/8.

Trước tình thế đó, Đại Tá Mạch Văn Trường, liền tung Tiểu Đoàn 3 trừ bị đang đóng dọc trên đường Ngô Quyền, tức tốc di chuyển lên tăng viện, và chặn đứng được mũi dùi tấn công của địch quân. Cuối cùng, tuyến phòng thủ của Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà cũng phải lùi dần về phía Nam thành phố. Thêm một số chiến xa địch bị bắn cháy, nằm lật nghiêng trên các giao thông hào của quân phòng thủ, còn bộ binh Cộng quân tùng thiết thì vội vàng bám trụ tại chỗ, chờ thêm viện quân. Tiến công được đến đây, Công Truòng 5 Cộng Sản Bắc Việt khựng lại, một số bộ binh và chiến xa còn lại không dám tiến sâu vào thêm nữa.

Chiều dần đổ xuống, màn đêm bao phủ trận địa đầy dẫy xác chết đôi bên. Thương binh của Việt Nam Cộng Hoà thì còn được các đồng đội di chuyển về Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn cho y sĩ chữa trị, còn cán binh Cộng Sản thì nằm chịu trận và rên la giữa lòng quân ta chờ chết. Tiếp diễn qua ngày kế tiếp 14 tháng 04/1972 cũng y nguyên như thế. Quân Cộng Sản đã bám trụ được gần nửa thành phố phía Bắc, còn chiến xa địch thì không còn thấy xuất hiện thêm trên chiến trường.

Mỗi khi ngừng tấn công, Cộng quân lại giở tuồng cũ, tiếp tục pháo bừa bãi vào thành phố bất kể trúng quân của Việt Nam Cộng Hoà hay là quân Cộng Sản còn đang bám trụ trên gần nửa phần đất phía Bắc.

Một câu chuyện ngắn được trích trong quyển hồi ký của một Sĩ Quan thuộc Tiểu Đoàn 3/8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà viết lại như sau :

Sau khi được Tiểu Đoàn Trưởng ra lệnh cho toàn thể Tiểu Đoàn 3/8 di chuyển lên tuyến đầu để tăng viện cho hai tiểu đoàn bạn đang quần thảo với quân địch, đang chiến đấu từng hầm cũng như hố cá nhân, và đang lui dần về phía Nam … Chúng tôi thấy có 2 chiếc T-54 đang gầm rú vì sụp hố, cố ngoi lên, đang chỏng gọng, liền bị một lượt 2 quả M-72 khịt ra, từ các chiến sĩ Tiểu Đoàn 3/8, tức thì bốc khói, các xạ thủ và tài xế trên chiến xa địch vội nhảy thót ra ngoài, và liền bị các chiến sĩ Tiểu Đoàn 3/8 bắn hạ tức khắc. Anh em hăng máu, vác súng khơi khơi đi tìm chiến xa địch mà bắn, quên cả bộ binh địch đang bám trụ cận kề, chúng xả AK 47 bắn trả trở lại, một vài chiến sĩ phải hy sinh và bị thương tích… Địch thấy các chiến sĩ Tiểu Đoàn 3/8 xuất hiện bất thần và đánh hăng quá, chạy thối lui trở lại, nhờ vậy, nên cả 3 tiểu đoàn 1, 2, và 3 của Trung Đoàn 8 Bộ Binh mới có cơ hội chặn được địch trên một lằn ranh cố định, không bên nào lấn chiếm được tấc đất nào trong thị xã. Cho đến mãi đêm 16 tháng 04/1972 Biệt Cách Dù lên ủi địch bay ra khỏi thành phố, chiếm trở lại phần đất mặt Bắc.

Một chuyện khác cũng khá hấp dẫn : cả một tiểu đoàn địch bị chính pháo của địch pháo ngay vào tan tành hết. Nguyên do là vì tên Tiểu Đoàn Trưởng và tên sĩ quan tiền sát địch và người hiệu thính viên bị pháo địch bắn nhầm chết liền tại chỗ. Một cán bộ khác vội vã cầm máy gọi thẳng đơn vị pháo từ xa. Cán bộ này chửi thề giọng người Bắc :”Đ... m... ! Bắn nhầm vào quân ta rồi ! Ngưng pháo, ngưng pháo !” Bên kia đẩu máy hỏi lại : cho biết mã số của tiền sát viên và đơn vị ??? Cán bộ này làm sao biết được mã số của tiền sát viên và đơn vị, vì mấy nhân vật đó đã đi theo Bác rồi. Ấp a ấp úng không trả lời được, bên kia đơn vị pháo Cộng quân tưởng là đã pháo trúng đích vào quân phòng thủ (Việt Nam Cộng Hoà), và nghĩ rằng quân phòng thủ đã rà biết được tần số của pháo địch (Cộng Sản Bắc Việt) cho nên mới gọi ngừng pháo. Vi thế thay vì bắn lai rai, lại được chuyền thành pháo hoả tập, bắn liên hồi thêm cả chục tràng lên đầu các con cháu Bác và Đảng nhà mình.

6. BÌNH LUẬN VỀ CUỘC TẤN CÔNG LẦN THỨ NHẤT VÀ THỨ NHÌ
(DO CÔNG TRƯỜNG 5 CỘNG SẢN BẮC VIỆT LÀM CHỦ LỰC CHÍNH
VÀ CÔNG TRƯỜNG BÌNH LONG + 1 TRUNG ĐOÀN CỦA CÔNG TRƯỜNG 9
ĐÓNG VAI NỖ LỰC PHỤ)


6.1- ƯU KHUYẾT ĐIỄM

Cả hai đợt tấn công vào ngày 13 tháng 04 năm 1972 và ngày 15 tháng 04 năm 1972, Cộng Quân áp dụng chiến thuật tiền pháo (mưa pháo) hậu xung (biển người) và nhị thức bộ binh chiến xa.

Bàn về những ưu khuyết điểm của những chiến thuật nầy, căn cứ theo kết quả thực tế của chến trường như sau :

Ưu khuyết điểm của chiến thuật tiền pháo hậu xung và chiến thuật biển người :

A.- Chiến thuật tiền pháo :

Mục đích của chiến thuật này là :

• Tạo trận mưa pháo để san bằng và tiêu diệt các Bộ Chỉ Huy đầu não của Việt Nam Cộng Hoà và các giàn pháo binh có thể yểm trợ trực tiếp cho chiến trận, có thể gây ra nhiều tổn thất cho cán binh và chiến xa của Địch.

•Tạo ra yếu tố tâm lý khiếp đảm cho binh sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà không dám ngóc đầu lên, để rồi sau đó bộ binh (biển người) tràn vào tiêu diệt.

Nhưng kết quả thì trái ngược lại : Cộng quân tập trung pháo vào 4 điểm chánh như sau :

Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà (tại căn cứ dã chiến gần ga xe lửa cũ) trong khi đó thì Bộ Chỉ Huy điều khiển mặt trận của Tướng Hưng đã di chuyển qua thành Đỗ Cao Trí từ ngày 07 tháng 04 năm 1972.

Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long, tại nơi này đã có hầm (bunker) kiên cố của quân đội Mỹ xây cất trước đây còn để lại nguyên vẹn, có thể chống đỡ được các loại đạn pháo của địch,kể cả pháo 130 ly.

Vị trí của Tiểu Đoàn 52 Pháo Binh Việt Nam Cộng Hoà bị thiệt hại đến 90%.

Các chiến hào phòng ngự mặt Bắc của Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và mặt Đông của Biệt Động Quân đều đã được các cấp chỉ huy trực thuộc khuyến cáo các binh sĩ khi đào hầm hố đều phải có nắp che chống pháo địch bên trên. Thêm vào đó tất cả các cấp chiến binh của Việt Nam Cộng Hoà đều đã có kinh nghiệm biết được là sau khi dứt tiếng pháo thì bộ binh địch sẽ tiếp nối theo sau tấn công tràn vào, nhờ được cảnh giác như thế nên khi Cộng quân pháo thì vẫn ung dung ngồi dưới hầm có nắp che và khi Cộng quân vừa dứt các đợt pháo thì các chiến binh Việt Nam Cộng Hoà lại đứng lên ghìm súng chờ Cộng quân tràn vào mà bắn hạ nên rất ít bị thiệt hại.

Kết quả thực tế là các Bộ Chỉ Huy của lực lượng phòng thủ vẫn còn nguyên vẹn, Cộng quân chỉ đạt được ¼ kết quả mong muốn, chỉ làm thiệt hại dược Tiểu Đoàn 52 Pháo Binh Việt Nam Cộng Hoà mà thôi.

B.- Chiến thuật biển người :

Về chiến thuật biển người (hay nướng người) chỉ có tác dụng lấy số đông để dè bẹp đối phương ít quân hơn, như quân đội Việt Minh đã áp dụng chiến thuật này trong trận Điện Biên Phủ hồi năm 1954. Lúc đó về vũ khí của quân đội viễn chinh Pháp còn thô sơ, về pháo binh và không quân thì chưa đủ sức đập tan đoàn người liều mạng của lính Việt Minh và Tàu Cộng.. Trái lại trong trận An Lôc năm 1972, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà được trang bị đầy đủ cả về tinh thần công thêm những vũ khí cá nhân tối tân M.16, súng phóng lựu M.79, súng đại liên M.60, nhất là loại súng chống chiến xa M.72 và XM.202. Còn về Không Quân cũng rất tối tân như các trực thăng võ trang có đủ các loại súng đại liên tự động và các loại phi cơ yểm trợ hoả lực như Rồng Lữa( AC.119) của Không Quân Việt Nam Cộng Hoà bắn ra hàng ngàn viên đạn trong một phút, cùng các loại C.130 của Không Lực Hoa Kỳ có thiết trí các đại bác 40 ly và 105 ly bắn điều chỉnh bằng radar bách phát bách trúng, có thể tác xạ ban ngày lẫn ban đêm từ trên cao độ trên 10,000 bộ. Thêm vào đó loại Không Quân Chiến Lược Pháo Đài Bay B.52 là loại khắc tinh của chiến thuật biển người.

Qua kinh nghiệm chiến trường, các binh sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã quá quen thuộc với những chiến thuật tiền pháo hậu xung của Cộng Sản, nên đã chuẩn bị hết mọi việc, từ tâm tư đến phương tiện hầm hố chiến đấu đều có nắp che. Trong lúc giao tranh khi nhận biết vừa dứt tiếng pháo hoặc chuyển pháo là đến lượt bộ binh địch sẽ tràn vào, do đó các chiến sĩ thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã chuẩn bị đầy đủ các loại vũ khí tự động đề đứng dậy và chờ đợi tác xạ, chận đứng quân địch đang trên đà tiến vào.

Tóm lại, chiến thuật biển người của quân Cộng Sản Bắc Việt đã đem ra áp dụng trong trận chiến An Lộc 1972 không còn đạt được hiệu quả như trận Điện Biên Phủ năm 1954 nữa. Trái lại, chúng còn bị bộ binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cũng như Không Quân Chiến Thuật và Chiến Lược của Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ làm cỏ tận gốc rễ. Kết quả là bộ binh và chiến xa của quân Cộng Sản Bắc Việt phải bị tê liệt và thiệt hại đến 80%.

Ưu Khuyết Điểm của Nhị thức bộ binh và chiến xa :

Đây là lần đầu tiên tại chiến trường Vùng 3 Quân Khu III Việt Nam Cộng Hoà mới thấy xuất hiện chiến xa địch, trong khi đó thì lực lượng bộ binh của Cộng quân cũng là lần đầu tiên áp dụng nhị thức bộ binh chiến xa trên chiến trường Miền Nam, nên đã xảy ra trên thực tế ở trận địa này, Cộng quân không quen lối đánh hợp đồng tác chiến, là bộ binh chưa quen lối đánh tùng thiết với chiến xa. Cũng vì vậy đã xảy ra bộ binh thì lo chạy tránh pháo của Việt Nam Cộng Hoà chạy riêng rẽ bỏ mặc cho chiến xa đơn phương chạy nhanh vào thành phố nên bị các chiến sĩ phòng thủ bắn hạ toàn bộ các chiến xa bằng M.72. Cục diện từ đó bắt đầu được thay đổi, nhất là về phương diện tâm lý và ưu thế của chiến thuật : cái tâm lý tự cao quyết san bằng An Lộc của các cán binh Cộng Sản lúc ban đầu, nghĩ mình có chiến xa, và cái tâm lý hoang mang của các cấp phía lực lượng phòng thủ lúc ban đầu được đảo ngược giữa địch và ta, từ chỗ hoang mang mất bình tĩnh, các chiến binh Việt Nam Cộng Hoà đâm ra tự tin bởi trong tay của mình đã có được một loại vũ khí khắc tinh diệt được chiến xa Địch, lần hồi đi đến chỗ thích thú, tự động tổ chức thành tổ 3 chiến binh xách M.72 đi lùng diệt tăng địch. Còn các cán binh Cộng Sản thì trở lại mất tinh thần khi thấy chiến xa của mình bị bắn cháy kể cả các xạ thủ và tài xế của các chiến xa cũng phải mở nắp xe nhảy ra ngoài bỏ chạy.

Yếu tố tâm lý, thật sự rất quan trọng, một dữ kiện mà cả đôi bên không ai có thể dự đoán trước hay nghĩ đến là nó có thể xảy ra trên chiến trường, kéo theo sau sự sụp đổ toàn diện của Quân Đoàn xâm lăng trong chiến dịch Nguyễn Huệ của quân Cộng Sản Bắc Việt.

Chiếu theo tài liệu trong quyển hồi ký của Thượng Tướng Cộng Sản Bắc Việt Hoàng Cầm nêu. Sở dĩ lực lượng Cộng Sản Bắc Việt không thắng được An Lộc nguyên do chánh là để MẤT THỜI CƠ làm mất đà tấn kích. Tướng Hoàng Cầm viết rằng : Sở Chỉ Huy Miền (đang đóng tại Mimot) trong đó có Tướng Trần Độ đã cử Tướng Hoàng Cầm đến Lộc Ninh gặp Tướng Trấn Văn Trà, Tư Lệnh chiến trường An Lộc, khuyến cáo là nên tấn công ngay vào An Lộc (vào ngày 08 tháng 04 năm 1972, sau 1 ngày chiếm cứ Lộc Ninh). Tướng Trà và các Tư Lệnh Công Trường 5, 7, 9 và Bình Long không đồng ý, viện lẽ cần phải thu dọn chiến trường, bổ sung quân số và nhiều việc linh tinh khác. Tướng Trà nêu lên trường hợp của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã từng áp dụng trong chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954 với phương châm : Phải chuẩn bị cho thật kỹ và chỉ đánh khi chắc ăn. Vì lẽ đó mà Sở Chỉ Huy Miền phải chiều theo ý kiến của tư lệnh mặt trận. Cho mãi đến ngày 13 tháng 04 năm 1972 Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt mới khởi phát cuộc tấn công vào An Lộc (đã trễ đi mất 6 ngày kể từ khi chiếm được Lộc Ninh). (12)

Chú thích: (12) Hồi ký “Chặng đường 10,000 ngày” của Thượng Tướng Cộng Sản Bắc Việt Hoàng Cầm, trang 280-281

Sở Chỉ Huy Miền quân Cộng Sản Bắc Việt là cơ quan giám định và nghiên cứu chỉ đạo chiến trường, cao cấp hơn tư lệnh chiến trường có lý do và nhận định đúng theo tình hình, là cần phải đốt giai đoạn tấn công gấp vào An Lộc sớm chừng nào tốt chừng đó, vì sợ nếu kéo dài thêm thời gian, phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà sẽ có thêm thời giờ đổ quân tăng viện.

Thực vậy, nếu Tướng Trà và các Tư Lệnh Công Trường nghe theo lời khuyến cáo của Sở Chỉ Huy Miền tiếp tục tiến công về phiá Nam thì nội trong ngày 09 tháng 04 năm 1972 có thể xua toàn thể 5 Trung Đoàn Bộ Binh và 1 Tiểu Đoàn Chiến Xa T.54 và PT.76 tràn ngập và đè bẹp Trung Đoàn 7 (-) ở phía Tây, Biệt Động Quân + Địa Phương Quân Việt Nam Cộng Hoà ở phía Bắc đang bố phòng trên trận tuyến rất mỏng. Đợi mãi đến sáng ngày 13 tháng 04 năm 1972 mới chính thức khai hoả tấn công thì đã quá trễ. Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đã được trực thăng vận đổ vào An Lộc vào ngày 11 và 12 tháng 04 năm 1972. Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà lại có trong tay trên 2,000 khẩu súng chống chiến xa M.72 với 2, 500 tay súng gan lỳ
(trong đó có 400 Lao Công Đào Binh quyết tử).

Nếu Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà chưa kịp đổ vào thì làm sao có trên 2,000 khẩu súng M.72 và 400 Lao Công Đào Binh để bắn cháy xe tăng của Cộng Quân.

6.2 NHẬN ĐỊNH

Những nguyên do chính đem đến sự thiệt hại trầm trọng về nhân mạng cán binh Cộng Sản Bắc Việt và thiết giáp T.54 của Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt có thể căn cứ vào 3 yếu tố sau đây :

1.- Do nhận định sai lầm của Ban điều nghiên trận địa Cộng Sản Bắc Việt về vị trí Bộ Chỉ Huy đầu não của Tướng Hưng, Cộng Quân đã tập trung pháo trên 1,000 quả đạn 130 ly và hoả tiễn 122 ly cũng như gửi cả tiểu đoàn đặc công của Cục R, pháo và đánh vào chỗ không người. Lực lượng trấn thủ của Việt Nam Cộng Hoà tại phiá Bắc thì Cộng Sản tưởng chỉ có 1 Tiểu Đoàn Địa Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long mà thôi, nhưng trái lại tại phía Bắc, quân Cộng Sản Bắc Việt phải chạm trán với nguyên Trung Đoàn hùng mạnh của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà vớI 2, 500 tay súng trong đó Trung Đoàn 8 Bộ Binh còn có trên 2,000 khẩu M.72 là khắc tinh của các loại chiến xa. Trung Đoàn 8 còn có 30 Tổ Khinh Binh đã bắn cháy 12 chiến xa T.54 của địch ngay trong trận tấn kích đầu tiên vào ngày 13 tháng 04 năm 1972.

2.- Yếu tố tâm lý đảo ngược giữa lực lượng tấn kích Cộng Sản Bắc Việt và lực lượng phòng thủ Việt Nam Cộng Hoà :

ĐỊCH : Sau khi chiếm lĩnh Lộc Ninh, tinh thần cán binh Cộng Sản Bắc Việt lên cao đến chỗ tự mãn và khinh địch, nghĩ rằng sẽ quét sạch lực lượng phòng thủ một cách nhanh chóng và dễ dàng, nhất là bên cạnh có cả tiểu đoàn chiến xa T.54 đi tiên phong tấn công kịch liệt vào mặt trận phía Bắc thành phố. Cổ nhân có câu :Nếu ai khi thắng mà sinh lòng kiêu thì khi bại cũng hay dể nản lòng để mất đi hết ý chí chiến thắng.

BẠN : Những cấp chỉ huy của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã nhận biết rõ các ưu điểm của địch và đã có cách khắc chế .

3.- Yếu tố thờI cơ : Thật sự Cộng quân đã để mất thời cơ. Kiểm điểm lại diễn tiến trận đánh Lộc Ninh vào chiều ngày 04 tháng 04 năm 1972 (khởi phát cuộc tấn công Lộc Ninh) và đến chiều tối ngày 07 tháng 04 năm 1972, quân Cộng Sản Bắc Việt đã làm chủ được tình hình Lộc Ninh. Nếu Tướng Trà và các Tư Lệnh các Công Trường Cộng Sản Bắc Việt chịu nghe theo sự khuyến cáo của Sở Chỉ Huy Miền cho tiếp tục xua quân tiến thẳng và đến được An Lộc vào khoảng ngày 09 tháng 04 năm 1972 thì chắc chắn đã chọc thủng được phòng tuyến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, vì lúc đó lực lượng phòng thủ ở mặt phía Bắc chỉ có nhiều nhất là một tiểu đoàn của Biệt Động Quân + Địa Phương Quân được trải mỏng và trong tay lại không có loạI vũ khí chống chiến xa M.72.

7. PHẢN ỨNG CỦA BỘ TƯ LỆNH SƯ ĐOÀN 5 BỘ BINH VIỆT NAM CỘNG HOÀ

CHUẨN TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ CỐ VẤN TRƯỞNG ĐẠI TÁ WILLIAM MILLER

7.1 TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG :




Tại hầm chỉ huy (trại Đỗ Cao Trí), ngay khi vừa đặt chân xuống An Lộc, nhận định được tình hình tại mặt trận, Tướng Hưng ra lệnh cho tất cả các đơn vị trực thuộc phải tử thủ, nhất quyết chiến đấu đến cùng, thề không rút lui.

Ông đã biểu lộ quyết tâm, và ra sức chỉ thị đôn đốc các đơn vị tại mặt trận. Ông đã tỏ ra rất hăng say, ông cởi phăng chiếc áo trận có gắn một sao hai bên bâu áo, để lộ bên trong còn lại chiếc áo thun màu xanh rong biễn, khoác bên ngoài chiếc áo giáp hai bên có giắt 2 quả lựu đạn M-26, quyết ăn thua đủ với quân Cộng Sản Bắc Việt, trong trường hợp chúng mò đến được hầm chỉ huy, áo giáp lại không cần kéo Zip, để hở ngực, chân thì luôn luôn không rời khỏi đôi giầy trận, làm việc không ngừng nghỉ trong suốt thời gian cuộc chiến (07/04/1972 đến 07/07/1972).

Dưới quyền chỉ huy của vị Tư Lệnh Mặt Trận An Lộc, Tướng Hưng có trong tay :

A.- Giai đoạn đầu :

• Trung Đoàn 7 (-) Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, trách nhiệm phòng thủ tuyến phía Tây An Lộc

• Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, trách nhiệm phòng thủ phía Bắc và phía Đông

• Chiến Đoàn 52 (-) Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà từ căn cứ Cầu Cần Lê rút về, đóng quân ở trung quân làm trừ bị

• Tiểu Khu Bình Long trách nhiệm phòng thủ phía Nam.

B.- Giai đoạn 2 :

Được Quân Đoàn 3 tăng cường thêm cho Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, trấn thủ toàn diện tuyến phòng thủ phía Bắc, thay thế Biệt Động Quân, dồn về phía Đông.

C.- Giai đoạn 3 và đến khi chấm dứt cuộc chiến :

Được Quân Đoàn 3 tăng cường thêm :

• Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, trấn đóng tuyến phòng thủ phía Nam cùng với Tiểu Khu Bình Long

• Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, tăng cường cho mặt trận phía Bắc cùng với Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh.

Đó là những đơn vị cấp Trung Đoàn, có trên tần số truyền tin liên lạc 24/24 với Bộ Chỉ Huy của Tướng Hưng, thường xuyên báo cáo về tình hình trên tuyến phòng thủ trách nhiệm, và xin không quân chiến thuật yểm trợ tiếp cận hay trong khi lâm trận. Tướng Hưng còn có nhiệm vụ ghi nhận, những tin tức và yếu tố cần thiết từ các đơn vị trực tiếp gọi, để ông trình về Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 xin những phi vụ (Box) B-52 thuộc Không Quân Chiến Lược của Hoa Kỳ, trước 48 tiếng đồng hồ cho mỗi lần yêu cầu.

7.2 ĐẠI TÁ WILLIAM MILLER:

Vị Cố Vấn Trưởng của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, rất tận tình trong chức vụ trong suốt thời gian của trận chiến, tuy ngay ngày đầu tiên khi cùng Tướng Hưng đặt chân xuống An Lộc, Ông có cảm giác là Bộ Chỉ Huy Dã Chiến (cũ) không được an toàn, ông đòi rút toán cố vấn về Lai Khê. Lúc mới nghe thì giống như Ông muốn làm khó dễ Tướng Hưng, nhưng đến khi nghe Tướng Hưng thốt lời thật tình tâm huyết là Sư Đoàn rất cần cố vấn Mỹ trong lúc này, để giúp đỡ vấn đề không yểm, và sau khi đi theo Tướng Hưng đến quan sát căn hầm mới đang bỏ hoang (trại Đỗ Cao Trí), Ông đồng ý ở lại cùng Tướng Hưng, và cùng sát cánh bên cạnh Tướng Hưng suốt gần hết cuộc chiến, rất tận tình, không chút than van.

Đôi khi Ông thức suốt nhiều đêm, để điều khiển không quân đánh bom, hay chỉ điểm cho C.130 bắn diệt chiến xa Địch, nhất là vào những đợt tấn công của địch vào các tuyến phòng thủ của quân Bạn. Nhiều khi đang mơ màng vừa mới đặt lưng xuống nghỉ tạm, thì bị Tướng Hưng gọi giựt mình ngồi dậy … Miller … Miller …ông vội vàng trả lời Yes...Yes … General … đó là giọng điệu hàng ngày lẫn đêm. Hai người gọi, rất là thân tình và kèm theo sự kính trọng tài năng lẫn nhau, dù rằng trước đó vài ngày hai vị có chút bất đồng về vụ Đại Tá Miller có nêu lên việc có nên thay thế Đại Tá Vĩnh, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà hay không, dựa theo báo cáo của cố vấn trưởng Trung Đoàn 9, vì cố vấn trưởng Trung Đoàn 9 nghi ngờ là Đại tá Vĩnh sẽ đầu hàng địch thay vì tử thủ tại Lộc Ninh.

Do sự tận tụy và thân tình đó, các phi vụ oanh kích, oanh tạc của các phi tuần phản lực Hoa Kỳ cất cánh từ hai Hàng Không Mẫu Hạm, đậu ngoài khơi Biển Thái Bình Dương, đã được hướng dẫn một cách rất là chính xác và có hiệu quả rất cao. Địch quân phải chịu tổn thất rất nặng nề, về nhân mạng cũng như về chiến cụ. Thêm vào đó những Box B-52, phi cơ xuất phát từ căn cứ đặt tại Đảo Guam, trải thảm bom hàng ngàn tấn trên đầu quân Cộng Sản Bắc Việt. Khi thì làm nổ hàng giờ các kho đạn dã chiến Cộng Quân khi thì đánh trúng vào cả giàn pháo binh 130 ly và những giàn phóng hoả tiễn của Cộng Quân, lúc lại đánh trúng ngay vào cả 1 trung đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt có T-54 và PT-76, đang hùng hổ tiến gần sát tuyến phòng thủ cuối cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Đúng là loại không quân khắc tinh cho chiến thuật biển người của Cộng quân đang áp dụng, là loại thần dược trị bá bệnh do Cộng quân gây ra tại An Lộc. Một phi vụ (hay là Box) của B-52 có 3 chiếc, trải thảm bom, chồng mép lên nhau (overlap) có tầm sát hại chiều ngang 1 cây số và chiều dài 3 cây số. Trước khi bom gần tới đất, gây ra tiếng gió rít, lạnh cả người tưởng chừng như tiếng quỷ hú, và sau khi chạm đất nổ tung mịt mù cát bụi, khi tan khói bụi, thì nhìn thấy lố nhố hố bom, loang lổ to hơn cái ao, xung quanh thì không còn một thứ gì còn đứng vững, vì đã trộn lẫn vào đất cát tan tành, Cộng quân gọi những hố bom này là bom đìa, vì hố bom to gần bằng một cái ao nước, Chiến xa T.54 hay PT.76 của Cộng quân cũng không ngoại trừ.

(Theo tài liệu của tác giả James Willbanks, Đại Tá Miller đã rời An Lộc vào ngày 10 tháng 05 năm 1972 để đi đáo nhiệm một chức vụ mới. Đại Tá Miller được Trung Tá Walter Ulmer thay thế).

8. PHẢN ỨNG CỦA BỘ TƯ LỆNH QUÂN ĐOÀN 3/ QUÂN KHU III

Tình trạng An Lộc lúc đó, được ví như một quả tim trong lồng ngực, chứa đựng khoảng 4, 200 giọt huyết quản của những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà quyết tử thủ, và khoảng 8,000 giọt máu của dân, cán, chính tỉnh Bình Long, quyết sống chết với quân thù Cộng Sản phương Bắc, đang thoi thóp thở từng hồi, theo từng đợt tấn công của địch, dưới sức ép bủa vây của khoảng trên 37,000 Cộng Sản Bắc Việt bao phủ cả 4 mặt bên ngoài.

Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn 3/ Quân Khu III, vị tổng chỉ huy chiến trường An Lộc, ví như là vị y sĩ giỏi, đang chữa trị cho con tim vĩ đại đó tiếp tục được tồn tại, cần phải làm cho nhịp tim được đập đều đặn trở lại bình thường, bằng cách bơm thêm sức, vô thêm máu, cho vào con tim đó, với những loại máu thích hợp cho cơ thể con bệnh An Lộc, và cũng là những loại máu khắc tinh đối với Cộng quân, có nghĩa là phải lập tức châm thêm quân vào An Lộc sao cho kịp lúc kịp thời. Những chiến sĩ Nhảy Dù và Biệt Cách Nhảy Dù, là những đơn vị thiện chiến nhất, hiện đại nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, cũng là những binh chủng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà khắc tinh đối với quân Cộng Sản Bắc Việt.

Căn cứ vào nguồn tin kiểm thính mật mã của đơn vị Biệt Đội Mật Mã Phòng 6 Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, tăng phái cho Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III. đặt tại Lai Khê, bản doanh hành quân điểu khiển chiến trường An Lộc, có thể biết được, hầu hết các tin tức, về danh tánh đơn vị, và mọi sự điều động quân, cũng như ý định trước khi tấn công, của các đơn vị cấp Sư Đoàn, cấp Trung Đoàn của địch đểu được đơn vị mật mã kiểm thính thu nhận và giải đoán, và được trình lên tức thời cho Trung Tướng Nguyễn Văn Minh và bộ tham mưu hành quân Quân Đoàn tường tận, để nghiên cứu và hoạch định kế hoạch ứng phó:

Tin kiểm thính ghi nhận : toàn bộ Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt đã tung hết vào trận chiến, đang bị Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà cầm chân tại mặt trận phía Bắc tỉnh lỵ,không còn khả năng tiến xa thêm được, ngoài 1/2 diện địa đã bám trụ được; Công Trường Bình Long được tăng cường thêm Trung Đoàn 272 của Công Truờng 9 Cộng Sản Bắc Việt, tấn công mặt trận phía Đông thị trấn, cũng đã bị Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hoà cầm chân, không thể lấn xa hơn được, đành phải bám dùi tại chỗ; còn ở mặt trận phía Tây, Công Trường 9 (-) Cộng Sản Bắc Việt cứ di chuyển tới lui để tránh né phi cơ đồng minh oanh kích, ở mặt trận phía Nam, vùng trách nhiệm của Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt, đã cắt cử Trung Đoàn 209 cho mặt trận Tàu Ô ở phía Nam Quốc Lộ 13, còn lại 2 trung đoàn Bộ Binh, được bố trí hai bên Quốc Lộ 13, khoảng 4 cây số về phía Nam, Trung Đoàn 165 ở bên cánh phải, vùng Xa Cam Xa Trạch, Trung Đoàn 141 bên cánh trái, vùng Ấp Srok Gòn (tính từ Bắc xuống Nam), cả hai trung đoàn nầy vẫn còn ẩn phục phía Nam, để chờ bắt sống đoàn quân tháo lui của Việt Nam Cộng Hoà rút về Lai Khê hay Bình Dương nếu có xảy ra, hoặc đợi khi có lệnh, làm nỗ lực chính tấn công từ mặt phía Nam lên.

Đó là tình hình trận liệt của địch tính đến chiều ngày 13/04/1972.

Sau khi nhìn bản đồ trận liệt địch, Tướng Minh nhận thấy, về phía Đông Nam, lực lượng địch gần nhất trong vòng chu vi 4 cây số vuông, khu vực Đồi Gió, Đồi 169 và những thung lũng kề cận, chỉ có Trung Đoàn 141 Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt là có thể có khả năng bôn tập, để cản trở việc đổ quân Dù và Biệt Cách Dù tăng viện cho An Lộc, phía Đông Nam. Muốn đối phó với hiểm hoạ có thể có, từ đơn vị Trung Đoàn 141 Công Trường 7, ta cần phải có kế hoạch nghi binh, làm sao để cho đơn vị Cộng quân nầy phải tự động rút đi, để cho việc đổ quân Dù và Biệt Cách Dù được an toàn hơn.

Chiều ngày 13 tháng 04 năm 1972, Tướng Minh chỉ thị cho Phát Ngôn Viên Quân Đoàn 3 trở về Sài Gòn, tại địa điểm họp báo số 49 đường Nguyễn Lâm Quận 10 Thành Phố Sài Gòn, để họp báo như thường lệ mỗi đêm vào khoảng 7 giờ tối.

Khi tin tức thu nhận được từ Đài Phát Thanh Hà Nội sẽ chiếm cứ An Lộc trước ngày 20 tháng 04 năm 1972 để ra mắt cái Chính Phủ gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, và tiếp theo bản tin diễn tiến chiến sự, do Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 phổ biến, ngày 12 tháng 04, căn cứ Cầu Cần Lê đã được lệnh rút lui, và trên đường rút lui của Chiến Đoàn 52 (-) Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, đang bị 2 trung đoàn của địch bao vây ngăn chặn, giao tranh ở cường độ ác liệt, các đặc phái viên của các báo quốc nội cũng như các hãng thông tấn xã ngoại quốc như AP, UPI, AFP, REUTER đều có cảm nghĩ rằng quân Cộng Sản Bắc Việt đang áp sát vào An Lộc, và rất trông chờ bản tin chiến sự nóng bỏng nhất vào buổi tối ngày 13 tháng 04 năm 1972.

Bản tin tường trình về tình hình chiến sự tại mặt trận An Lộc với các ký giả quốc nội và đặc phái viên các hãng thông tấn ngoại quốc hiện diện, được Trung Tá Nguyễn Ngọc Ánh, Phụ Tá Hành Quân Tư Lệnh Quân Đoàn kiêm Phát Ngôn Viên Quân Đoàn 3/ Quân Khu III phổ biến, sau khi hội ý và thảo luận với vị Tư Lệnh Quân Đoàn và Bộ Tham Mưu, từ Lai Khê lái xe về Sài Gòn, với hành trang cho cuộc họp báo thật đặc biệt, vì sáng sớm ngày 13/04, Cộng Quân đã chính thức mở cuộc tấn công vào mặt Bắc An Lộc.

Cuộc họp báo lần nầy có hai phần rất quan trọng, được trình trước Quốc Dân Việt Nam Cộng Hoà qua các nhật báo quốc nội, và trước dân chúng toàn thế giới qua các hãng thông tấn quốc tế :

Phần thứ nhất : về diễn tiến tình hình chiến sự trong ngày 13 tháng 04 năm 1972, có đính kèm theo phóng đồ hành quân trận mạc, mặt trận phía Bắc An Lộc, và cuộc quần thảo giữa 2, 500 quân của Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà với 12,000 quân của Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, và mặt phía Đông giữa Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hoà với Công Trường Bình Long + Trung Đoàn 272 Cộng Sản Bắc Việt .

Phần thứ nhì của cuộc họp báo cũng là phần chính, cần phải đạt được, là phần phản ứng của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 ra sao trước tình hình như hiện tại :

Trung Tá Ánh lãnh chỉ thị của vị Tư Lệnh Quân Đoàn phát biểu như sau :

Theo tin từ một thương binh cấp Tiểu Đoàn , của Công Trường Bình Long Cộng Sản Bắc Việt, được các chiến sĩ của Tiểu Đoàn 36 Biệt Động Quân cứu cấp hôm 11 tháng 04 năm 1972 cho biết : Tướng Trần Văn Trà, Tư Lệnh chiến dịch Nguyễn Huệ (vùng 3) cùng vài nhân vật nòng cốt của Cục R (Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam) từ Lộc Ninh đã di chuyển đến vùng phi trường Quản Lợi, chỉ cách An Lộc khoảng 5 cây số về phía Đông, chỉ có 1 tiểu đoàn đặc công thiện chiến có tên là Tiểu Đoàn Đặc Công của Cục R để bảo vệ. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn đã trình về Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà xin cấp thời cho thả dù Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù vào phía Đông Bắc An Lộc (phía sau lưng của Trung Ương Cục Miền Nam), để tóm gọn cái chính phủ bù nhìn và bắt sống tướng Trần Văn Trà.

Một câu hỏi của một ký giả ngoại quốc: kế hoạch thả Biệt Cách Dù vào sau lưng Cục R chừng nào mới thực hiện ? Trung Tá Ánh trả lời : vào sáng sớm tinh suơng ngày mai (ngày 14 tháng 04 năm 1972). Cuộc họp báo được kết thúc vào khoảng 8 giờ tối cùng ngày, và vào khoảng 10 giờ đêm tin tức Biệt Cách Dù sẽ được thả bọc phía sau Trung Ương Cục Miền Nam, đã làm chấn động cả thế giới, cặp bài trùng Kissinger và Lê đức Thọ người thì chỉ thị cho phối kiểm lại, người thi vội điện tin về Hà Nội gấp rút thông báo ngay cho Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn của Tướng Trần văn Trà chuẫn bị đề phòng !!!

Kiểm điểm lại thực lực phòng vệ cho Cục R lúc bấy giờ, các đơn vị bộ binh cơ hữu cận kề đều bị kẹt hết tại các giáp tuyến trên trận tiền, với Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân và Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, không còn được nguyên vẹn về quân số tác chiến và khả năng di động, để có thể rút về bảo vệ cho Bộ chỉ huy đầu não Cục R. Thời gian chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là Biệt Cách Dù, sẽ được thả xuống trận địa. Nghe tin Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù sẽ đến trong vài giờ sắp tới, và đơn vị bảo vệ hiện thời chỉ có vào khoảng 400 cán binh (tiểu đoàn đặc công Cục R) thì không thể nào đương cự nổi !!! Duyệt lại cấp thời các cánh quân, chỉ còn duy nhất có Trung Đoàn 141 Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt, đang bố trí quân ở ấp Srok Gòn, phía Tây Nam Bộ Chỉ Huy cục R, khoảng 8 cây số, là đơn vị thiện chiến cấp Trung Đoàn còn sinh lực đầy đủ, cũng như tính cơ động cao, của quân Cộng Sản Bắc Việt, mới có đủ thời giờ và thực lực, di chuyển về tăng cường bảo vệ Cục R để ngăn cản Biệt Cách Dù mà thôi.

Như vậy Cộng quân đã trúng kế Điệu Hổ Ly Sơn của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, bỏ trống cả một vùng 4 cây số vuông phía Đông Nam, dùng cho việc đổ quân bằng trực thăng vận: Lực Lượng Nhảy Dù vào các ngày 14 và 15 tháng 04 năm 1972, và Lực Lượng Biệt Cách Dù vào ngày 16 tháng 04 năm 1972 đưọc an toàn 99%.

Việc Trung Đoàn 141 Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt rời ấp Srok Gòn để rút về bảo vệ Cục R, được chứng minh qua đoạn văn trong bài phóng sự “An Lộc Chiến Trường Đi Không Hẹn” của tác giả Biệt Cách Dù Phạm Châu Tài, là nhân chứng sống hiện đang cư ngụ tại Hoa Kỳ, viết lại như sau : Liên Đoàn 81 Biệt Cách được lệnh nhảy vào An Lộc vào trưa ngày 16 tháng 04 năm 1972. (13)

[sup] (13) [/sup Đặc san Biệt Cách Dù số Đại Hội năm 1998 đề mục “ An Lộc Chiến Trường Đi Không Hẹn” của tác giả Phạm Châu Tài trang 73 (Xin xem Phần Phụ Đính).

Đúng như lời Phát Ngôn Viên Quân Đoàn 3 đã phát biểu với báo chí, sáng sớm ngày 14 tháng 04 năm 72, hàng chục chiếc C.123 và C.130 của Không Lực Việt Nam Cộng Hoà đã có mặt trên vùng trời phía Đông Bắc An Lộc trên cao độ ngoài tầm của các loại súng phòng không của Cộng quân, Tung ra những cánh hoa dù rợp cả một góc trời. Thiên Thần Mũ Xanh Biệt Cách Dù (giả) vì chiếc dù thì thiệt 100%, nhưng những chiến binh đang tòn ten dưới dù toàn là những hình nộm được kết bằng thứ vật liệu đủ nặng tương đương với sức nặng một người. Đến khoảng 9 giờ sáng ngày hôm đó, Cộng quân (Trung Đoàn 141 Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt) tạo được một vòng đai phòng thủ bên ngoài, và Tiểu Đoàn đặc công có trách vụ bảo vệ tuyến cận kề, đề sẵn sàng nghênh chiến từ hướng Đông Bắc nơi Biệt Cách Dù (giả) được thả xuống, rút đầu dưới công sự chiến đấu, và sẵn sàng các yếu tố pháo binh tiên liệu trước tuyến phòng thủ. Chờ khi màn đêm đổ xuống, thì lại càng hồi hộp lo âu, lo ngại lối đánh đêm của Biệt Cách Dù. Rồi trời lại sáng, cũng vẫn không thấy Biệt Cách Dù động tịnh nổ súng, không biết Biệt Cách Dù, sau khi xuống tới trận địa rồi di chuyển đi đâu, di chuyển đánh bọc vào sườn phải hay sườn trái hay đánh thọc lại ngay sau lưng. Tại Bộ Chỉ Huy đầu não, Trung Ương Cục R, gọi máy liên hồi để dò hỏi tin tức Biệt Cách Dù, tầt cả đang trong tình trạng phập phồng lo sợ bị Biệt Cách Dù xuất hiện bắt sống.

Đến lúc này thì cũng đã qua 3 ngày đêm. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3, đã hoàn tất việc đổ quân. Hai lữ đoàn tinh nhuệ Dù và Biệt Cách Dù đã vào được An Lộc, để kiện toàn tổ chức phòng thủ : chiếm lại được 1/2 lãnh thổ phía Bắc và mở rộng vòng đai phòng thủ thêm 2 cây số về phía Nam.

Như vậy thì Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3, đã hoàn thành chiến pháp, gọi là Điệu Hổ Ly Sơn. Mục đích của kế hoạch này là tăng cường cho chiến trường An Lộc thêm được 3,000 quân thiện chiến {2450 Thiên Thần Mũ Đỏ (Dù) và 550 Thiên Thần Mũ Xanh (Biệt Cách Nhảy Dù)}.Như vậy thì con tim vĩ đại An Lộc được cứu tỉnh, nhịp đập được trở lại bình thường, sẵn sàng đẩy lui bất cứ cuộc tấn công nào trong những ngày kế tiếp của Cộng quân.

Ngày 19 tháng 04 năm 1972, tại Bản Doanh Hành Quân Tiền Phương Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III đang đóng tại căn cứ Lai Khê, tỉnh Bình Dương, Trung Tướng Nguyên Văn Minh phát biểu với báo chi trong và ngoài nước :”An Lộc đã trải qua hồi nguy kịch. Tuy nhiên chúng tôi vẫn còn phải cẩn trọng, vì còn nhiều ngàn dân chúng còn đang kẹt trong vòng lửa đạn đôi bên, và thường xuyên Cộng quân không ngừng pháo kích vô tội vạ, cả ngày lẫn đêm, đã tạo nhiều tang thương chết chóc và gây ra rất nhiều thiệt hại cho dân chúng trong thành phố.

Trong hai đợt tấn công đợt 1 vào ngày 13 tháng 04 năm 1972 và đợt 2 vào ngày 15 tháng 04, kéo dài qua ngày 16 tháng 04 năm 1972, Cộng Quân đã lấn chiếm và bám trụ được 1/2 diện địa phía Bắc và phía Đông thành phố. Mặc dù cả hai Công Trường 5 và Bình Long cộng thêm 1 thành phần của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt cố tình muốn san bằng An Lộc, nhưng bị sức đề kháng dũng mãnh của Trung Đoàn 8 Bộ Binh Sư Đoàn 5 Việt Nam Cộng Hoà ở phía Bắc và các chiến sĩ Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hoà ở phía Đông cầm chân, không sao tiến thêm được nữa, một phần bị tổn thất quá nặng nề, ước lượng mức tổn thất về nhân mạng hơn hai trung đoàn bộ chiến, và trên 30 chiến xa T.54 bị bắn cháy hay bị bắt sống.

Về phía Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cũng bị tổn thất khá nặng, tính chung cả Trung Đoàn 8 Bộ Binh và Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hoà bị thiệt hại khoảng 35% quân số.cộng thêm các khẩu pháo 105 và 155 ly của Tiểu Đoàn 52 Pháo Binh Việt Nam Cộng Hoà bị pháo địch gây hư hại đến 98%.

9. ĐỔ QUÂN TĂNG VIỆN CHO MẶT TRẬN AN LỘC

Cuộc đổ quân tăng viện nhằm hai mục đích :

1.- Trực thăng vận tăng cường cho quân phòng thủ tại An Lộc : Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù.

2.- Thiết lập căn cứ hoả lực Tân Khai (12 cây số Nam An Lộc), dùng làm bàn đạp (cứ điểm) để trực thăng vận Trung Đoàn 31 và Trung Đoàn 33 của Sư Đoàn 21 Bộ Binh cùng Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà để rút ngắn đoạn đường tiến gần An Lộc và công phá chốt Tàu Ô.

Trung Tướng Nguyễn Văn Minh đương kim Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III kiêm Tư Lệnh Chiến Trường An Lộc năm 1972, khi còn là Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà tạI Khu 42 Chiến Thuật vùng Đồng Bằng sông Cửu Long, đã được nổi tiếng là một tướng tài giỏi trong chiến thuật trực thăng vận, cũng là vị tướng đã đào tạo ra NGŨ HỔ TƯỚNG MIỀN TÂY : Lê Văn Hưng, Hồ Ngọc Cẩn, Lưu Trọng Kiệt, Lê Văn Dần, Vương Văn Trổ (từ năm 1965 đến 1968). Cho đến năm 1972 còn được Tướng Lê Văn Hưng , Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Quân Đoàn 3 đang trấn thủ An Lộc, và theo đoàn quân tăng viện của Quân Đoàn 4 còn có Trung Tá Hồ Ngọc Cẩn, Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà.

Trung Tá Lưu Trọng Kiệt và Trung Tá Lê Văn Dần đã tử trận trên chiến trường Miền Tây vào khoảng năm 1967, Tướng Lê Văn Hưng và Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn đã anh hùng tuẫn tiết trong những ngày Tháng Tư Đen 30 tháng 04 năm 1975. Chỉ còn lại Trung Tá Vương Văn Trổ là người duy nhất trong ngũ Hổ Tướng Miền Tây còn sống sót và đang cư ngụ tại thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ.

9.1 TRỰC THĂNG VẬN TĂNG CƯỜNG LỮ ĐOÀN 1 NHẢY DÙ THAM CHIẾN



Đại Tá Lê Quang Lưỡng
Lữ Đoàn Trưởng LĐ I Nhảy Dù.


Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, đang quần thảo với địch quân trong gần suốt tuần qua tại vùng Suối Tàu Ô, được lệnh rút về quận Chơn Thành, cấp tốc bổ sung và trang bị, chờ lệnh trực thăng vận vào tham chiến tại An Lộc.

Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù bàn giao trận địa lại cho Trung Đoàn 32 Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đảm trách.

Sáng ngày 14 tháng 04 năm 1972, Đại Tá Lê Quang Lưỡng được triệu hồi về họp tại cứ điểm Lai Khê. Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn 3, cho biết tình hình mới nhất tại An Lộc, sau hai lần tấn công của địch quân. Tướng Minh cũng khuyến cáo, nơi có thể đổ quân tương đối an toàn là vùng Đông Nam khu vực Đồi Gió và Đồi 169, Ông cho biết , các đơn vị bạn đang tử thủ bên trong, cần một luồng sinh khí mới đổ vào. Đơn vị được tuyển chọn hiện nay, chỉ có Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù là đủ khả năng tiến vào An Lộc để đột phá vòng vây … Sau đó con chim đầu đàn của Lữ Đoàn 1 Dù cùng vài sĩ quan trong ban tham mưu Lữ Đoàn 1 Dù lên trực thăng bay quan sát tìm bãi đổ quân.

Ngay buổi trưa hôm đó, Đại Tá Lưỡng quyết định cho trực thăng vận Tiểu Đoàn 6 Dù xuống ấp Srok Ton Cui tọa lạc dưới chân đồi 169, 4 cây số Đông Nam An Lộc, để giữ an ninh bãi đáp cho ngày hôm sau (15 tháng 04 năm 1972), toàn bộ Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 1 cùng 2 Tiểu Đoàn 5 và 8 Dù đổ quân kế tiếp.

Tiểu Đoàn 6 Dù, sau khi hoàn thành nhiệm vụ an ninh bãi đáp, liền để lại 1 đại đội giữ an ninh đầu ấp Srok Ton Cui dưới chân đồi, còn Tiểu Đoàn (-) , di chuyển lên chiếm lĩnh cao điểm Đồi Gió và Đồi 169, để làm lực lượng bảo vệ cho Pháo Đội Dù (6 khẩu 105 ly nòng ngắn), cấp thời lập thành một căn cứ hoả lực dã chiến, để yểm trợ cho toàn thế mặt trận An Lộc (giai đoạn này Tiểu Đoàn Pháo Binh 52 của Việt Nam Cộng Hoà và Trung Đội Pháo Binh của Tiểu Khu Bình Long chỉ còn sót lại 1, 2 khẩu xử dụng được mà thôi).

Lữ Đoàn 1 Dù được đổ xuống trận địa do Không Đoàn Trực Thăng 43 Sư Đoàn 3 Không Quân đảm trách. Vị sĩ quan đại diện Không Đoàn 43 là Thiếu Tá Nguyễn Văn Ức trách nhiệm toàn bộ việc đổ quân và tản thương trên toàn mặt trận An Lộc.

Sau khi xuống được trận địa an toàn, Đại Tá Lưỡng , điều động quân Dù chia làm 2 cánh, song song tiến vào An Lộc. Tiểu Đoàn 8 bên cánh trái do Trung Tá Lương Bá Ninh Tiểu Đoàn Trưởng chỉ huy, tiến thẳng về 2 cây số phía Nam thành phố, vượt ngang qua Quốc Lộ 13, tiêu diệt một vài đơn vị Cộng Sản Bắc Việt đang bám trụ tại đây, rồi dừng chân trong rừng cao su bên sườn phải (tính từ Bắc xuống Nam cạnh Quốc Lộ 13), còn Tiểu Đoàn 5 Dù, do Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu Tiểu Đoàn Trưởng chỉ huy, tiếp tục dừng quân, bên sườn trái, song song với Tiểu Đoàn 8 Dù, tạo thành một tuyến bất khả xâm phạm trong khu rừng cao su, 2 cây số phía Nam An Lộc, mà Cộng quân không ngờ được, âm thầm đào hầm hố phòng thủ, đồng thời gửi các toán thám sát bung rộng vòng đai phòng thủ của thị trấn ra thêm hơn về phía Nam, còn Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 1 Dù cũng được Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà hướng dẫn đến gặp Tướng Hưng tại căn cứ trại Đỗ Cao Trí.

Tại Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, ngoài Tướng Hưng còn có Đại Tá Vỹ, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Đại Tá Trường, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Đại Tá Nhựt, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Bình Long và các cố vấn Mỹ của SĐ 5 và lực lượng Nhảy Dù. Sau đó , Tướng Hưng chỉ thị cho Bộ Chỉ Huy Dù di chuyển về trú đóng cùng căn hầm phòng thủ của Tiểu Khu ở phía Nam. Như vậy là mặt phía Nam bây giờ trở thành mạnh nhất do 1,450 quân Dù tinh nhuệ trấn thủ với Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 1, và 2 Tiểu Đoàn 5 và 8 Dù. Còn Tiểu Đoàn 6 Dù cùng pháo đội pháo binh Dù đang trú đóng trên căn cứ Pháo Binh tại sườn đồi Gió và đồi 169 . Tướng Hưng đã trút đi được phần nào lo âu về mặt trận phía Nam. (14)

Chú thích : (14) Nhật Ký Hành Quân của Quân Đoàn 3 về trận chiến An Lộc năm 1972.

9.2 BIỆT CÁCH DÙ THAM CHIẾN



Đến ngày 16 tháng 04 năm 1972, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù được tăng viện cho chiến trường An Lộc, và khởi phát cuộc phản công tái chiếm lại 1/2 lãnh thổ phía Bắc, Từng hợp đoàn trực thăng HU1D cất cánh từ căn cứ Lai Khê vào trưa ngày 16 tháng 04 năm 1972, đưa 550 thiên thần mũ xanh Biệt Cách Nhảy Dù đến chiến trường An Lộc một cách an toàn.

Bãi đổ quân được chọn trên một khoảng ruộng trống, về phía Tây tỉnh lộ 245, cách Đồi Gió 1 cây số về phía Đông Bắc.

Hợp đoàn trực thăng từng đợt 10 chiếc HU1D cho mỗi đợt đổ quân, có 4 trực thăng võ trang hộ tống. Đợt đầu , thả Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn do Trung Tá Phan Văn Huấn chỉ huy và 4 Toán Trinh Sát của Liên Đoàn do Trung Úy Lê Văn Lợi chỉ huy và Đại Đội 1 do Đại Úy Nguyễn Ích Đoàn chỉ huy, Đại Đội 2 do Đại Úy Nguyễn Sơn chỉ huy. Chuyến thứ hai gồm có Liên Đoàn Phó, Thiếu Tá Nguyễn Văn Lân cùng Đại Đội 3 do Đại Úy Phạm Châu Tài có biệt danh là Hổ Xám chỉ huy và Đại Đội 4 do Đại Úy Đào Minh Hùng chỉ huy.

Sau khi kiểm điểm quân đầy đủ, Trung Tá Huấn liền cho lệnh các đơn vị di chuyển đến chiếm cứ Ấp Srok Gòn, cận kề bên bãi đổ quân, dừng quân, bố trí xong xuôi, Trung Tá Huấn, mở tần số truyền tin liên lạc được với Tướng Hưng, để được hướng dẫn lộ trình an toàn đến Bộ Chỉ Huy của Tướng Hưng, đồng thời ông cũng liên lac được với Đại Tá Lưỡng (Lữ Đoàn 1 Dù) để được biết vị trí 2 Tiểu Đoàn 5 và 8 Dù để tránh ngộ nhận.

Trên đường tiến quân vào ấp Srok Gòn, đơn vị Biệt Cách đi đầu báo cáo về Bộ Chỉ Huy , gặp được hai người Thượng, đang mò mẫm trở về ấp để tìm các con bò, của dân làng đã bỏ chạy còn để lại từ hơn tuần qua ,khi Cộng quân đến chiếm cứ, với vết tích đào hầm hố phòng thủ còn nguyên vẹn . Hai người dân Thượng khai báo, quân Cộng Sản Bắc Việt vừa mới rút đi , còn chưa kịp lấp lại hầm hố đã đào xới tứ tung.

Chiếu theo tài liệu của một nhân chứng sống của Biệt Cách Dù, Thiếu Tá Phạm Châu Tài, trong tác phẩm “AN LỘC CHIẾN TRƯỜNG ĐI KHÔNG HẸN”, (nguyên văn bài ,được đính kèm trong phần Phụ Đính) có đoạn ghi như sau :

“Nắng hè chói chang oi bức, ánh nắng lung linh, theo cánh quạt của trực thăng tiễn đưa Đoàn Quân Ma đi vào vùng Đất Cấm. Địa điểm đổ quân là những đám ruộng khô cằn nứt nẻ, phía Tây Tỉnh Lộ 245, chung quanh là những cánh rừng thưa trải dài theo hướng Tây Bắc, khoảng cách 1 cây số để đến Đồi Gió. Phải cần một hợp đoàn 45 chiếc trực thăng đa dụng HU1D, với hai đợt đổ quân, mới thực hiện xong cuộc chuyển quân, và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù đã vào vùng hành quân vào lúc 4 giờ chiều ngày 16 tháng 04 năm 1972. Mở tần số liên lac với Tướng Lê Văn Hưng trong An Lộc. Liên lạc với Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù để biết vị trí quân bạn và nhanh chóng khai triển đội hình chiến đấu. di chuyển về hướng Tây, len lỏi theo đường thông thuỷ giữa hai ngọn đồi Gió và đồi 169. Âm thầm và ngậm tăm mà đi. Một sự kiện bất ngờ không may xảy đến, khi đoàn quân đang di chuyển, một quả bom của Không Quân Hoa Kỳ, định đánh vào vị trí của Cộng quân lại rơi ngay vào đội hình di chuyển của Biệt Cách Dù, gây thương vong cho vài binh sĩ, trong đó có Thiếu Úy Lê Đình Chiếu Thiện. Lập tức, trái khói vàng được bốc cao giữa đoàn quân để phi công nhận diện phía dưới là quân bạn. Phải mất một thời gian ngắn cho việc tản thương. Hai cố vấn Mỹ, Đại Úy Huggins và Thượng Sĩ Yearta nhanh chóng liên lạc với Lữ Đoàn 17 Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ, yêu cầu trực thăng cấp cứu và được thoả mãn ngay. Đây là hai cố vấn thuộc lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ vẫn còn chiến đấu bên cạnh Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, khi quân bộ chiến Mỹ đang rút lui khỏi chiến trường Việt Nam theo kế hoạch Việt Nam Hoá Chiến Tranh được bắt đầu thi hành từ năm 1970….

Ngày 17 tháng 04 năm 1972, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù cùng một thời điểm với Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù tiếp cận ngoại vi tuyến phòng thủ của Thị Xã về phía Nam cạnh Quốc Lộ 13.

Cộng quân không ngờ Biệt Cách Dù đã lọt vào thị xã tiếp hơi cho quân tử thủ, và mở cuộc tấn kích ngay đêm đó vào các khu phố mặt Bắc, với kỹ thuật đánh đêm điêu luyện, thần tốc, khi phân tán, lúc hội tụ. Biệt Cách Dù đã giáng lên đầu Cộng quân những đòn sấm sét. Đánh không có sự yểm trợ của pháo binh, hay bất cứ của một loại vũ khí vòng cầu nào. Đánh bằng súng cá nhân, bằng lựu đạn, đánh cận chiến bằng lưỡi lê, đánh nhau từng căn nhà, từng cao ốc đổ vỡ. Chiếm lại từng con đường, từng khu phố trong đêm dài dường như bất tận.

Sáng ngày 18 tháng 04 năm 1972, Biệt Cách Dù đã có mặt hầu hết trong các khu phố phía Bắc thị xã và giải thoát cho cả gần 100 gia đình cư dân còn đang kẹt lại trong vùng kiểm soát của Cộng Sản. Từ các căn nhà sụp đổ bên vệ đường, từng toán Việt Cộng tuôn ra thắo chạy thục mạng về hướng Bắc, vì chúng bị đánh phủ đầu trong đêm, sáng ra nhìn chung quanh nơi nào cũng nhìn thấy Lính Rằn Ri, loại lính đã hơn một lần chặn đánh chúng trên Đường Trường Sơn heo hút mưa bay.

Mặc dù đã chiếm lại toàn bộ khu vực phía Bắc, nhưng vẫn còn một ổ kháng cự mà Cộng quân vẫn còn cố thủ bên trong, đó là Đồn Cảnh Sát Dã Chiến. Biệt Cách Dù tấn công nhiểu đợt, nhưng vẫn chưa vào được. Hơn nữa, từ đồi Đồng Long, Cộng quân dùng đại bác không giật 57 ly, 75 ly và súng cối 82 ly, bắn trực xạ và pháo vào Biệt Cách Dù, để yểm trợ cho bọn chúng cố thủ bên trong Đồn Cảnh Sát Dã Chiến Cố vấn Huggins của Biệt Cách Dù vào ngay tần số của Lữ Đoàn 1 Không Quân Hoa Kỳ xin yểm trợ hoả lực. Hai chiếc phi cơ AC-130 Spectre bay lượn trên vùng trời An Lộc, với cao độ ngoài tầm sát hại của cao xạ và hoả tiễn địa không SA-7, bắn từng quả đạn 105 ly hoặc từng 3 quả 40 ly vào mục tiêu yêu cầu, được điều chỉnh từ dưới đất. Cuối cùng, Đồn Cảnh Sát Dã Chiến lọt vào tay Biệt Cách Dù vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày 18 tháng 04 năm 1972.

Một phần ba thành phố phía Bắc được tái chiếm trở lại, sau gần 24 tiếng đồng hồ, Biệt Cách Dù chiến đấu liên tục …”


Như vậy do lời khai của hai người Thượng, lực lượng Biệt Cách Dù đã tránh đi được một cuộc chạm súng có thể là nặng nề, hao tổn sinh mạng và cả các phi hành đoàn trên các trực thăng đổ quân của Việt Nam Cộng Hoà, khi đợt đầu vừa mới chạm đất, với Trung Đoàn 141 Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt ,vì chúng đã ẩn phục nơi đây từ tuần qua và mới được lệnh rút đi cách đây không lâu. (đêm 13 tháng 04 năm 1972) vì bị trúng kế “Diệu Hổ Ly Sơn” của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 đã thiết kế.

Mặt trời bắt đầu xế bóng, đoàn quân Biệt Cách Dù âm thầm tiến bước theo đội hình cố hữu tác chiến trong rừng. Tiến cận kề đến tuyến phòng thủ phía Nam thì trời đã tối, di chuyển vào thành phố đến tuyến xuất phát được chỉ định phía Bắc thành phố.

Sau khi kiểm điểm lại quân số, hội họp, phân công lộ trình hành động và nhận định lằn ranh giữa địch và bạn, toàn thể Liên Đoàn phát khởi cuộc xâm nhập tiến lên toàn diện cùng lúc, đột kích đánh thốc lên từ lằn ranh phân chia tạm thời 1/2 phía Nam thành phố, lên mặt phía Bắc, ngay trong đêm vừa mới đến, khi màn đêm vừa bao trùm chiến địa (đêm 16 rạng ngày 17 tháng 04 năm 1972).

Biệt Cách Dù đánh địch ngay trong đêm, khi vừa đặt chân đến trận địa.

Các cán binh Cộng Sản Bắc Việt đang bám trụ trong vùng, phải một phen kinh tâm tán đởm, đang ôm súng mơ màng ngáy ngủ, thình lình bị hàng loạt đạn M.16 và hàng loạt tiếng nổ của lựu đạn M.26 và súng phóng lựu M.79, thi đua nhau nổ liên hồi trong từng hầm hố, từng khu giao thông hào, do các chiến sĩ Biệt Cách Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đột kích tấn công bất ngờ, không kịp trở tay cũng như gọi máy báo động cho nhau.

Vào hừng sáng ngày 17 tháng 04, một cuộc rượt đuổi tàn quân Cộng Sản Bắc Việt bám trụ, xảy ra rất ngoạn mục, các chiến sĩ Biệt Cách Dù, càng đánh càng hăng, Cộng quân chạy như đàn chuột bị xới ổ ,bỏ chạy thục mạng, quy tụ về đồn Cảnh Sát Dã Chiến phía Bắc thành phố để cố thủ.

Cuộc săn lùng, càn quét địch quân, được tiếp diễn đến chiều ngày 18 tháng 04 năm 1972, tiếng súng bắt đầu lắng dịu trở lại trên diện địa 1/2 phía Bắc. Quân Cộng Sản Bắc Việt đã bị các chiến sĩ Biệt Cách Dù hoàn toàn quét sạch, kể cả cứ điểm kiên cố đồn Cảnh Sát Dã Chiến, sau gần 48 giờ các chiến sĩ gan lì Biệt Cách Dù chiến đấu không ngừng nghỉ.

Nói về Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, mặc dù chỉ có 550 chiến sĩ so với 981 trên bảng cấp số được đổ vào tăng viện cho chiến trường An Lộc, khả năng tác chiến , có thể bằng hay hơn 2,000 quân bộ chiến, của các sư đoàn Cộng Sản Bắc Việt, bởi chiến pháp linh động và bất ngờ, uyển chuyển theo tình hình, biết tùy theo thời tiết và địa thế. Khi tấn công thì như sấm sét, giáng lên đầu quân địch làm chúng không kịp trở tay, xuất hiện bất ngờ như những thiên thần trên trận mạc, đánh cận chiến tuyệt kỷ, trên các giao thông hào, hầm hố, vào lúc ban đêm, chui tường, đục lỗ, tác chiến trong thành phố, ban ngày lẫn ban đêm rất là điêu luyện. Lấy ít đánh nhiều ,đột kích bất ngờ, thu dọn chiến trường nhanh chóng. Đã làm kinh tâm khiếp đảm địch quân trên tận dãy Trường Sơn heo hút gió ngàn, và trong thành phố tại ngã ba Cây Thị ,kỳ Tết Mậu Thân năm 1968 tại Sài Gòn, Thủ Đô nước Việt Nam Cộng Hoà.

Nay là lần đầu tiên cả Liên Đoàn đều được tập họp lại một lần, và cùng chung nhau sát cánh chiến đấu trong một thành phố, với tất cả tấm lòng phấn khởi quyết chiến quyết thắng, từ con chim đầu đàn Trung Tá Phan Văn Huấn, Liên Đoàn Trưởng, Thiếu Tá Nguyễn Văn Lân, Liên Đoàn Phó, Đại Úy Trần Văn Thọ, Trưởng Ban 3, Đại Úy Nguyễn Văn Mai, Trưởng Ban 2, Trung Úy Lê Văn Lợi, Liên Toán Trưởng 4 Toán Trinh Sát, Trung Úy Lê Văn Châu, Bác Sĩ Quân Y, Trung Úy Cao Văn Cát, Sĩ Quan Đề Lô Pháo Binh tăng phái, Thượng Sĩ Phạm Văn Cấp, Trưởng Toán Truyền Tin và Mật Mã, Trung Sĩ 1 Phương, Ban Tiếp Liệu, và các cố vấn Mỹ : Đại Úy Charles Huggins, Cố Vấn Trưởng, Thượng Sĩ Jesse Yearta, cùng các đại đội chiến đấu : Đại Úy Nguyễn Ích Đoàn, Đại Đội Trưởng Đại Đội 1, Đại Úy Nguyễn Sơn, Đại Đội Trưởng Đại Đội 2, Đại Úy Phạm Châu Tài, Đại Đội Trưởng Đại Đội 3, và Đại Úy Đào Minh Hùng, Đại Đội Trưởng Đại Đội 4 cùng toàn thể các Chiến Sĩ trong Liên Đoàn Biệt Cách Dù.



10. BIỆT CÁCH DÙ TÁI CHIẾM ĐỒI ĐỒNG LONG

Nhận diện được từ nơi Đồi Đồng Long, Cộng quân đã từng bắn ngang hông Biệt Cách Dù, để yểm trợ cho bọn Cộng Sản Bắc Viêt đang cố thủ trong đồn Cảnh Sát Dã Chiến trong ngày 18 tháng 04 vừa qua, và là một địa điểm quan trọng có ưu thế chiến thuật của Cộng quân, tung ra những cuộc tấn công đã qua và sắp tới, là một cái gai nhọn luôn đâm sóc vào quân phòng thủ ở mặt trận phía Bắc, cần phải được nhổ đi càng sớm càng tốt. Đồi Đồng Long có cao độ 400 thước và tọa lạc khoảng 500 thước phia Bắc An Lộc về phía trái Quốc Lộ 13 từ Nam lên Bắc.

Từ khi Đại Đội 8 Trinh Sát và Đại Đội Địa Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long bị ép rút lui, Cộng quân tràn vào chiếm cứ như chỗ không người. Liền khi đó tất cả các công sự phòng thủ đã được các phi tuần không quân chiến thuật san bằng bỏ bom napalm đốt cháy cả tiểu đoàn của quân Cộng Sản Bắc Việt.

Để tránh phi cơ oanh kích, Cộng quân áp dụng chiến thuật hạ tiện trộn lẫn vào dân, đào hầm hố vòng vòng dưới chân đồi nơi có nhà dân cư trú ở phía Đông và phía Tây, cũng như một ngôi trường tiểu học ở phía Bắc, nhiều nhất ở hướng Đông, Bắc và Tây Bắc ngọn đồi. Quân Cộng Sản Bắc Việt có ý định lấy dân làm bia đỡ đạn cũng như đỡ bom. Nhưng ý định đó không có kết quả cụ thể, vì khi quân Cộng Sản tiến đến đâu, thì dân bỏ chạy đi đến đó. Quân Cộng Sản Bắc Việt cho rằng, dân chúng này ngoan cố, nên bắn bừa theo, như trường hợp dân cư vùng phi trường Quản Lợi (xem tường thuật của Tiểu Đoàn 36 Biệt Động Quân). Còn những ai đã thoát khỏi tầm súng cá nhân thì Cộng Sản Bắc Việt gọi pháo binh bắn tiếp .

Vì dân chúng cư ngụ xung quanh chân đồi Đồng Long, đã chạy thoát khỏi nanh vuốt của Cộng quân, phi cơ đã có thể oanh kích tự do những điểm nghi ngờ và những giao thông hào, cũng như những cứ điểm, mà Cộng Sản Bắc Việt đang đào, ở trong những căn nhà dân chúng đã bỏ lại , và cả ngôi trường tiểu học tại đó.

Cho đến ngày 08 tháng 06 năm 1972, sự kiện lịch sử ,Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù đi tiên phong cùng Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh và Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đánh xuyên thủng 2 trung đoàn của Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt, và bắt tay dược với Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù ở phía Nam, có nghĩa là đã đánh tan các chốt kiền của Công Trường 7, đóng chốt chận viện từ hơn 2 tháng qua trên Quốc Lộ 13, đã đem đến một luồng sinh khí mới , làm nức lòng quân phòng thủ trên toàn mặt trận.

Nhân lúc tinh thần quân trú phòng lên cao, và cũng là lúc tinh thần các cấp cán binh Cộng Sản hoang mang giao động ,về tin quân tăng viện Việt Nam Cộng Hoà đã mở được cửa ngõ ở phía Nam, “thừa thắng xông lên”, ngày 12 tháng 06 năm 1972, Biệt Cách Dù tung 2 đại đội và 4 toán trinh sát tái chiếm đồi Đồng Long.

Phi cơ đã oanh kích triệt để khu vực này, không còn gì đứng vững sau trận mưa bom napalm. Sau trận bỏ bom, Cộng Sản Bắc Việt đã di chuyển trở lại và lấy những tấm tôn vung vãi để che những giao thông hào và những nơi chúng đặt súng, với ý nghĩ là phi cơ sẽ không phát hiện được. Từ đó chúng sẽ bắn vào An Lộc để khống chế mặt Bắc . Sự ngụy trang này chỉ có đơn vị bộ binh ở dưới đất hoạ may mới có thể phát hiện , còn không ảnh thì khó có thể chụp và giải đoán được

Trung Tá Phan Văn Huấn, con chim đầu đàn của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, trực tiếp chỉ huy cuộc đột kích đánh thẳng vào đồi Đồng Long, tại nơi đây đang có cấp tiểu đoàn bộ binh yểm trợ cho các đơn vị thuộc Trung Đoàn phòng không 271 và tiểu đoàn vũ khí nặng : súng cối 82 ly, đại bác không giựt 57 ly và 75 ly của địch.

Chiếu theo kế hoạch đột kích, Biệt Cách Dù chia là 3 mũi tấn kích : Mũi tấn kích bên sườn trái do cánh quân của Đại Đội 2 Xung Kích chỉ huy bởi Đại Úy Nguyễn Sơn (Đại Đội Trưởng), mũi tấn kích bên sườn phải do cánh quân của Đại Đội 3 Xung Kích chỉ huy bởi Đại Úy Phạm Châu Tài, có biệt danh là Hổ Xám (Đại Đội Trưởng), còn cánh quân chính tấn kích thẳng vào chính diện, thì do đích thân Trung Tá Phan Văn Huấn chỉ huy thống nhất cùng với 4 Toán Trinh Sát ,của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù với Trung Úy Lê Văn Lợi (Liên Toán Trưởng) chỉ huy.

Các chiến sĩ gan lì Biệt Cách Dù âm thầm xuất phát từ mặt Bắc thành phố An Lộc, và đến chân đồi vào lúc nửa đêm, sau khi dàn trận hàng ngang, từ từ tiến sát đến mục tiêu, rồi đồng loạt xung phong vào lúc trời vừa mới hừng sáng. Tiếng hô xung phong vang dội của 300 chiến sĩ Biệt Cách Dù, đã làm thức tỉnh trên 1,000 Cộng quân đang trấn thủ, nhưng không còn kịp nữa, bị đột kích vô cùng táo bạo và bất ngờ, tiếp theo tiếng hô xung phong vang dậy một góc trời, sau đó là tiếng súng cá nhân, tiếng lựu đạn đang thi nhau nổ. Dưới hầm trú ẩn, Cộng quân chủ quan khinh địch, sau hơn 60 ngày chiếm cứ, không nghĩ là sẽ bị tấn công bất ngờ. Khi Cộng quân hoàn hồn trở lại, thì đâu đâu cũng thấy đầy dẫy các Thiên Thần Mũ Xanh trong vị trí. Trở tay không kịp, hoảng hốt, co giò chạy, không kịp thì giờ để xỏ chân vào đôi dép râu Bình Trị Thiên của Bác, chứ đừng nói chi đến quơ cào cầm được khẩu súng để chống trả. Một số chạy ngược trở lên trên đỉnh đồi, đưa nguyên cái lưng cho các chiến sĩ Biệt Cách Dù tác xạ như bắn bia tại quân trường, bắn đâu trúng đó. Một số khác tuôn chạy về hướng Nam để thoát thân ra rừng, thì làm mồi cho các trực thăng võ trang tác xạ. Tổng cộng, Quân Cộng Sản Bắc Việt đã để lại trận tiền trên 600 xác chết và bị thương. Xác địch, thương binh của địch, vũ khí hạng nặng của địch vương vãi trên đỉnh đồi và dưới các hầm hố phòng thủ , sau này có cái tên là Ngọn Đồi Máu, là máu của quân thù Cộng Sản Bắc Việt.

Chiến thuật đột kích là phương pháp tấn công vô cùng táo bạo, dùng ít đánh nhiều, đánh nhanh đánh mạnh, với hoả lực được tập trung tối đa bắn phủ đầu, bắn ngay vào mục tiêu đang xuất hiện trước mặt mình, được các chiến sĩ Biệt Cách Dù áp dụng trong thời điểm bất ngờ nhất, khiến cho địch không kịp trở tay và có đủ thì giờ xoay trở.

Sau khi san bằng mục tiêu Đồi Đồng Long, Trung Tá Huấn, nhận được điện báo cáo của Đại Đội 2 và Đại Đội 3, hai bên cánh tả và hữu, là đã quét sạch mục tiêu, địch đã bị đánh tan, ngoại trừ những xác chết và thương binh địch, và liền khi đó Trưởng Toán Trinh Sát, Trung Úy Lê Văn Lợi, hãnh diện và hiên ngang cắm lá Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hoà trên đỉnh đồi Đồng Long vào xế chiều cùng ngày . Lá Quốc Kỳ thân yêu Nền Vàng Ba Dọc Đỏ, đang ngạo nghễ tung bay phất phới trên đỉnh đồi Đồng Long, giữa nền trời xanh biếc của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, xoá tan đi áng mây mù đang giăng phủ vùng trời An Lộc.

Chiếm xong đồi Đồng Long, Biệt Cách Dù tiếp tục lục soát chung quanh trận địa, và phát hiện một căn hầm ven rừng, có tiếng động khả nghi bên trong. Tất cả các họng súng đen ngòm đều hướng vào miệng hầm chờ đợi, như con hổ rình mồi. Có tiếng hét từ nơi các chiến sĩ Biệt Cách Dù đứng cạnh miệng hầm : - chui ra ngay. - đầu hàng ngay, nếu không tao tung lựu đạn vào, chết cả đám bây giờ !!!

Có tiếng la từ xa :

- Khoan, khoan, dừng tay. Coi chừng bắn lầm vào dân !!! - tiếng nói của Trung Tá Huấn chỉ thị từ xa vọng lại.

Tất cả khi nghe được lệnh của vị Chỉ Huy Trưởng, đều ngừng tay chờ đợi. Trung Tá Huấn bước lại gần miệng hầm và nói to : Chúng tôi là lính Việt Nam Cộng Hoà, ai trốn trong hầm thì chui ra mau. Câu nói được lập lại lần thứ hai, thì có tiếng khóc thút thít the thé bên trong hầm vọng ra. – Ra đi, chui ra mau đi, không sao đâu. Đó là những lời thúc giục của những chiến sĩ Biệt Cách Dù, đang chờ sẵn trên miệng hầm. Tiếng động bên trong rõ dần. Những ánh mắt long lanh của những người chiến binh Biệt Cách Dù chùng xuống, khi thấy lần lần xuất hiện, hai em bé gái khoảng 8 và 9 tuổi, đang bò lê lết tấm thân tiều tụy, áo quần rách nát, thân còn xương bọc da sau nhiều ngày đói khát, chậm rãi bò ra khỏi hầm. - Trời ơi !!! Ba Má các em đâu ? Sao lại như thế này ? Còn ai trong đó không ? Trung Tá Huấn hỏi. Hai em bé, mặt mũi lem luốc, mắt mờ đẫm lệ, thân mình khô đét, như hai bộ xương còn biết cử động, chỉ biết lắc đầu, chứ không thốt lên được lời vì kiệt sức, sau những câu hỏi dịu dàng đầy tình thương của vị chỉ huy 81 Biệt Cách Dù. Trung Úy Lê Thanh Châu, Bác Sĩ Quân Y của Liên Đoàn, liền được gọi đến để cấp cứu, cho hai em uống ít nước, và chích cho hai em hai mũi thuốc khỏe, lần lần hai em mới từ từ lấy lại sức, và dần dần hai em mới thốt được ra tiếng, kể lại về hoàn cảnh gia đình hai em như sau :

Em lớn tên Hà Thị Nở (9 tuổi), em nhỏ tên Hà Thị Loan (8 tuổi), cha là Trung Sĩ Nhất Hà Trung Hiến (Địa Phương Quân Tiểu Khu Bình Long), không biết sống chết hay còn kẹt nơi đâu, để lại vợ và 3 con non dại (Nỡ và Loan và một em trai 4 tuổi). Mẹ của Nỡ và Loan cõng em trai 4 tuổi trên lưng, còn hai tay thì dìu hai đứa con gái chạy loạn, dưới làn mưa pháo của quân Cộng Sản Bắc Việt. Chạy từ khu nhà dân, ở chân đồi Đồng Long, giữa đường bị một quả pháo nổ ngay sau lưng bà mẹ, và đã gây thảm cảnh cho gia đình Trung Sĩ Hiến, vợ cùng với đứa con trai phía sau lưng, đang ôm chặt lầy cổ của mẹ mình, đều bị thương nặng vì trúng mảnh pháo. Bà mẹ ngã vật xuống bên lề đường, rên rỉ một hồi rồi tắt thở lìa đời, còn lại hai mái đầu xanh chỉ vừa tròn 8 và 9 tuổi đầu, kêu khóc tuyệt vọng bên xác mẹ hồi lâu, phải ngậm ngùi quẹt lau nước mắt, gỡ rời tay em trai, vẫn còn quàng ngang qua cổ mẹ, mình mẩy đã dầm dề máu tươi, hai chị em thay phiên nhau cõng em trai mình, từ từ lê lết tìm gặp cái hang này, và chui vào đó tránh đạn pháo của quân Cộng Sản Bắc Việt. Người em trai 4 tuồi vì vết thương trầm trọng, máu cứ tuôn ra nhiều, rồi cũng ra đi theo người mẹ quá vãng ,cách đó vài giờ trước.

Các em kể lại , không biết thảm cảnh cho gia đình các em, xảy ra ngày tháng nào, chỉ biết là ngày mà Quân Cộng Sản tràn vào chiếm ấp ,và tất cả dân đều bỏ chạy, cho đến hôm nay, dường như đã trên 60 ngày ,không cơm không nước !!! Vậy thì các em làm sao sống được ? Các em mô tả trong ngày đầu, đứa em trai tắt thở qua đời, thân xác sau hai ba ngày sình thối, mùi thối xông lên thật là khó ngửi, hai em phài thò đầu ra ngoài miệng hang để thở cầm hơi, chỉ dám ló ra ngoài miệng hang vào lúc ban đêm, khi nghe thấy tiếng bom đạn dịu dần, để bắt dế nhũi, và tất cả các sinh vật lớn nhỏ như trùng, bò cào châu chấu để đỡ bụng qua ngày, còn nước thì phải lần mò ra xa hơn, tìm thấy nơi các hố của bom và pháo, chị em cúi đầu gục xuống để mà hớp vài ngụm nước, còn đầy hơi mùi thuốc nổ, để uống. Ôi chiến tranh, chiến tranh tàn khốc mà người Cộng Sản đã mang đến cho dân tộc Việt Nam mình như thế đó.

Hai em bé nhỏ đó, được các chiến sĩ Biệt Cách Dù cứu sống, và được chuyển về cho Tiểu Khu Bình Long chăm sóc tiếp … Cho đến khi An Lộc được giải toả, và rồi không còn được tin gì về hai em nữa … Cho mãi đến năm 1994, phóng viên điện ảnh Nguyễn Hữu Cầu ở San Jose điện thoại cho Đại Tá Huấn biết tin : Hai em Loan và Nỡ đã được một gia đinh người Mỹ nhận làm con nuôi, và đưa về Mỹ ngay từ năm 1974. (15)

Chú thích: (15) Đặc San Biệt Cách Dù số Đại Hội năm 1998, đề mục : “Hai tháng tử thủ An Lộc” của tác giả Đỗ Đức Thịnh, trang 83.

11. BẮC NHỊP CẦU ĐỔ QUÂN

Chiều ngày 13 tháng 04 năm 1972, sau khi Sư Đoàn 21 Bộ Binh và Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đến Lai Khê, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 , thay đổi kế hoạch hành quân giải toả Quốc Lộ 13 như sau :

Trực thăng vận Trung Đoàn 31 và Đại Đội 21A Công Binh Chiến Đấu xuống Tân Khai (12 cây số Nam An Lộc), để thiết lập căn cứ hoả lực Pháo Binh dã chiến với 6 khẩu đại bác 105 ly do các trực thăng Chinook câu đến.

Kế tiếp , trực thăng vận Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà cùng với một tiểu đoàn và Đại Đội Trinh Sát 15 , xuống Căn Cứ Hoả Lực Tân Khai để bảo vệ Pháo Binh và Công Binh Chiến Đấu , thay thế cho Trung Đoàn 31 Sư Đoàn 21 Bộ Binh điều động ngược trở về phía Nam, hướng chốt Tàu Ô tấn công quân địch từ mặt Bắc xuống, tiếp nối với Trung Đoàn 32 Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà di chuyển bằng đường bộ từ phía Nam đánh thốc lên hai mặt giáp công bứng chốt Tàu Ô.

Kế tiếp trực thăng vận Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, xuống phía Bắc Căn Cứ Hoả Lực Tân Khai, làm bàn đạp tiến lên về hướng An Lộc, nơi vùng này có 1 lực lượng địch cỡ 2 trung đoàn chủ lực của Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt, đang bố trí cản đường tiến, và để ngăn cản viện quân của Quân Lực Vệt Nam Cộng Hoà từ phía Nam lên. (16)

Chú thích : (16) Nhật Ký Hành Quân Quân Đoàn 3 về trận An Lộc năm 1972.



12. BÌNH LUẬN

Trận tấn công Đồi Đồng Long của Biệt Cách Dù với quân số khoảng 300 chiến sĩ (ở thế công) tiến đánh khoảng
1,200 quân Cộng Sản Bắc Việt (ở thế phòng ngự). Kết quả sau trận đánh Cộng quân bỏ xác và thương binh tại trận khoảng 600, còn Biệt Cách Dù chỉ bị thiệt hại khoảng chưa đến 1% nhân lực.

Có thể nói đây là trận tấn công trực diện của Biệt Cách Dù Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, đánh đại bại quân Cộng Sản Bắc Việt. Lấy ít đánh nhiều, sát hại địch nhiều mà thương vong thì ít.

CUỘC TẤN CÔNG LẦN THỨ BA VÀO AN LỘC (Khởi Điểm Vào Đêm 18 Rạng Ngày 19 Tháng 04 Năm 1972) Và Trận Chiến Tại Cao Điểm Đồi Gió Và Đồi 169 Của Tiểu Đoàn 6 Dù VIỆT NAM CỘNG HOÀ với 2 Trung Đoàn 141 Công Trường 7 Và Trung Đoàn 272 Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt

Sau 2 ngày đêm, cường độ pháo kích của địch giảm dần, mùi thuốc súng đạn vừa lắng dịu, khi hoàng hôn vừa đổ, bỗng dưng cường độ pháo của Cộng quân tăng gia trở lại, và có phần khốc liệt hơn hai lần trước. Cả trên 6,000 quả đạn pháo đủ loại pháo vào thị xã.

Mục tiêu lần này là :

a.- Bệnh viện của tỉnh Bình Long : Nơi đây, đạn pháo của Địch, đã sát hại trên dưới 2 ngàn dân chúng vô tội, các cụ già, đàn bà và trẻ em đã bị thương tích, đang nằm ngổn ngang trong bệnh viện, kể cả những chiếc lều dã chiến do Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà dựng ngoài sân, để che sương nắng gió mưa cho người dân đang bị thương tích , đang chờ được chữa trị ,làm tung toé thịt xương, máu chảy đọng vũng đầm đìa .

b.- Các nơi thờ phượng tôn giáo :

Tại nhà thờ, pháo của Cộng quân bắn sập tháp chuông, pháo sập mái ngói thính đường, chỉ còn chừa lại chiếc thánh giá có treo hình Chúa, hơn 1,000 tín đồ Công Giáo bị vùi chôn dưới đống gạch vụn, thật là thảm thương.

Tại nơi chùa Phật, ngay cổng Phú Lố phía Tây ,cũng lãnh hàng mấy trăm quả pháo, san bằng ngôi chánh điện Phật Đường, kèm theo gần ngàn sinh linh tín đồ, dưới chân bức tượng Phật Bồ Tát Từ Bi vẫn còn nguyên vẹn trên bệ, trơ mình, sừng sững trước trời cao.

Cuộc pháo kích lần này, có thể nói, dụng ý của địch quân là nhằm sát hại dân lành. Cộng quân đã biết chắc rằng, sau gần suốt tuần lễ pháo kích, dân chúng vì không có hầm hố có nắp để ẩn núp tránh pháo , nên bị thương rất nhiều, bắt buộc phải quy tụ về bệnh viện tỉnh để được điều trị … còn số dân khác may mắn không bị thương tích thì hay tụ tập vào những nơi thờ phượng Chúa và Phật để mong nhờ Ơn Trên che chở, cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi … chỉ có một số vài trăm dân chúng đươc may mắn chạy chui vào các hầm hố có nắp của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà, là được thoát nạn trong đợt pháo nặng nề và tàn khốc này.

Đêm 18 rạng ngày 19 tháng 04 năm 1972, Cộng quân mở song song trận mưa pháo vào tại Thị Xã An Lộc và khu vực Đồi Gió và Đồi 169.

Khi vừa dứt tiếng pháo, tại mặt trận phía Bắc nơi tuyến phòng thủ của Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, Cộng quân gom toàn lực các cán binh của các trung đoàn bộ binh còn lại của Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, và thiết đoàn què quặt chiến xa 203, mở trận tấn công (tiền pháo hậu xung biển người) thêm một lần nữa, nhưng lần này lại gặp phải các chiến sĩ Biệt Cách Dù ở tuyến đầu nên chỉ trong vòng khoảng 1 tiếng đồng hồ, các mũi tấn công của Cộng quân đều bị bẻ gẫy, các chiến xa pha đèn phóng đại vào các hầm hố xụp lỗ, xa lầy, trơ gọng, bị các chiến sĩ Biệt Cách Dù tiến đến cận kề bắn hạ thật dễ dàng, và toàn bộ cuộc tấn công gượng ép bằng bộ binh và chiến xa lần này bị các chiến sĩ Biệt Cách Dù và Trung Đoàn 8 Bộ Binh đẩy lui hoàn toàn.

Sau hơn 1 tiếng đồng hồ, Đại Tá Trường và Trung Tá Huấn, lên tần số báo cáo với Tướng Hưng , Cộng quân đã xử dụng cấp trung đoàn có chiến xa trợ chiến nhưng tất cả đều bị đẩy lui. Địch bị thiệt hại khá nặng, các chiến xa T54 thì bị các chiến sĩ Biệt Cách Dù và Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà bắn hạ không còn một chiếc nào, quân ta bị thiệt hại không đáng kể, tuy nhiên lần này Cộng quân pháo nhiều quá về hướng bệnh viện của Tỉnh, nhà thờ và chùa, có lẽ dân bị thương vong rất nhiều… Trung Tá Biết, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, báo cáo tình hình mặt trận phía Đông : Cộng quân sử dụng cấp trung đoàn có chiến xa trợ chiến, nhưng đều bị các chiến sĩ Biệt Động Quân đẩy lui. Địch bị thiệt hại khá nặng, cũng không lấn thêm được phần đất nào hết. Tuyến phòng thủ của Biệt Động Quân vẫn còn nguyên vẹn, có vài T.54 bị bắn cháy trước tuyến phòng thủ. Biệt Động Quân thiệt hại không đáng kể. Tại mặt trận phía Tây, Trung Tá Quân, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà báo cáo cho Tướng Hưng biết, lực lượng địch chỉ cỡ cấp tiểu đoàn cũng khai hoả, dường như để thăm dò chứ không có tấn công, tuy nhiên tại cổng Phú Lố nơi chùa Phật có rất nhiều tiếng hét và rên la của dân chúng, có lẽ Chùa đã bị trúng pháo của Cộng quân. Quân bạn không có thiệt hại, quân địch không rõ.

Cuộc tấn công đợt nầy, cũng do Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt và Công Trường Bình Long cộng thêm trung đoàn của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt , cố gắng dồn hết nỗ lực tấn công thêm một lần nữa,sau hai lần tiên khởi thất bại ê chề.

Về phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà có thêm được 3 ngàn quân tinh nhuệ Nhảy Dù và Biệt cách Dù tăng cường đang có mặt tại trận tuyến, mà địch không ngờ đến. Cho nên khi các đơn vị bộ binh và chiến xa địch tấn công lần này, không đầy 2 tiếng đồng hồ, Địch đã bị đẩy lui hoàn toàn, im bặt hẳn tiếng súng. Địch bị diệt gọn nhanh chóng cả 3 mặt Bắc, Đông, Đông Bắc.

Về thời điểm tấn công của địch cũng không đồng loạt : khai diễn mặt phía Bắc rồi qua mặt phía Đông còn phía Tây thì nổ súng như để thăm dò không tấn công, còn mặt phía Nam thì không thấy động tịnh.

Tóm lại, cuộc tấn công đợt 3 này, Cộng quân không lấn trở lại được thêm một tấc dất nào, mà còn để lại tại chiến địa vài trăm xác chết và hơn chục T54 bị bắn cháy.

Cộng quân chỉ đạt được kết quả là dùng pháo, giết hại trên dưới 4 ngàn cư dân tỉnh Bình Long mà thôi. Đó là thành tích siêu việt của bọn con cháu Bác và Đảng vô thần.




CHƯƠNG 6
MẶT TRẬN ĐỒI GIÓ & ĐỒI 169
(KHỞI DIỄN VÀO ĐÊM 18/04/1972)



1. TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG GIỮA ĐÔI BÊN

Địch: Cộng quân tung vào chiến trận hai Trung Đoàn chính quy Cộng Sản Bắc Việt: Trung Đoàn 141 Công Trường 7 và Trung Đoàn 272 Công Trường 9, một đại đội chiến xa T.54 thuộc Trung Đoàn 203, dưới sự yểm trợ của các khẩu pháo 130 ly của Sư Đoàn 69D từ hướng Tây và các khẩu pháo 105 và 155 ly (chiến lợi phẩm của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà) từ phi trường Quản Lợi về hướng Đông. Quân số vào khoảng trên 4,000 (Bộ Binh và Thiết Giáp).

Bạn: Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, sau khi đổ quân được an toàn xuống khu vực đồi Gió, Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn cùng hai Tiểu Đoàn 5 và 8, di chuyển vào An Lộc, còn Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù ở lại trấn giữ khu Đồi Gió và Đồi 169, tạo thành một căn cứ hoả lực dã chiến pháo binh, để yểm trợ cho toàn thể mặt trận An Lộc trong vòng 8 cây số đường kính chung quanh thị xã.

Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù, cắt cử Đại Đội 61 trấn thủ mặt Đông Bắc cạnh ấp Srok Ton Cui dưới chân đồi, còn Tiểu Đoàn (-), rút lên cao điểm đồi Gió và Đồi 169 đào hầm hố phòng thủ và khai quang cấp thời, hình thành vị trí pháo binh dã chiến trên lưng đồi để bảo vệ pháo đội pháo binh Dù (6 khẩu 105 ly nòng ngắn đang được các chiếc trực thăng Chinook câu đến), tổng cộng có 750 chiến binh Dù kể, cả pháo đội pháo binh và Bộ Chỉ Huy nhẹ của Lữ Đoàn 1 Dù.

Sự hiện diện bất ngờ, ngoài dự liệu của địch . Căn cứ hoả lực Đồi Gió và Đồi 169 của quân Dù Việt Nam Cộng Hoà, đã bắt đầu gây khó khăn cho tất cả các cánh quân địch, đang muốn tiến sát vào tiếp tục tấn công An Lộc, trong vòng đường kính 8 cây số; như là một chiếc gai nhọn, đang đâm thủng chiếc bọc bao vây An Lộc của Cộng quân, cho nên Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt,quyết định phải nhổ đi cái căn cứ hoả lực trên cao thế nầy với bất cứ giá nào.

Tại mặt trận Đồi Gió và Đồi 169, chiến trận được diễn ra khốc liệt hơn. Cộng quân cũng áp dụng chiến thuật “Tiền Pháo Hậu Xung Biển Người”. Cộng quân mở trận mưa pháo trên 2 ngàn quả đạn vào vị trí phòng ngự của Tiểu Đoàn 6 và Pháo Đội Dù trên toàn vùng yên ngựa từ đồi Gió đến Đồi 169. Sau trận pháo, Cộng quân huy động hai trung đoàn thiện chiến nhất của hai công trường: Trung Đoàn 141 của Công Trường 7 (đơn vị được rút đi từ đêm 13 rạng 14 tháng 04 để bảo vệ bộ chỉ huy đầu não cục R, đang còn kẹt lại ở vùng phía Đông), và Trung Đoàn 272 của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt đang có mặt tại phía Đông phi trường Quản Lợi. Lực lượng bộ binh địch, được tăng cường đại đội chiến xa T54 thuộc trung đoàn chiến xa 203 Cộng Sản Bắc Việt trợ chiến (tổng cộng quân số bộ binh có trên dưới 4,000 cán binh và gần 100 quân của đại đội chiến xa T54, mở hàng loạt xung phong biển người vào các vị trí phòng ngự của quân Dù Việt Nam Cộng Hoà.

2. TIỂU ĐOÀN 6 DÙ, ĐỒI GIÓ ĐỔI TÊN

Tác giả Phan Nhật Nam viết về một “chiến trường đẫm máu” đoạn nói về Tiểu Đoàn 6 Dù, Đồi Gió Đổi Tên … nguyên văn như sau:

2100g của ngày 19 được đánh dấu bởi quyết định của “Lê Lợi”: Tiểu Đoàn 6 không còn nhiệm vụ giữ pháo nữa, chỉ còn nhiệm vụ giữ cao địa. Tiểu Đoàn Trưởng toàn quyền quyết định. Pháo còn nữa đâu mà giữ, chưa đầy 48 giờ đã mất 6 khẩu pháo với ngàn quả đạn, bây giờ ở đây làm gì ? Dọt. Đỉnh dẫn Đại Đội Chỉ Huy và Đại Đội 62 xuống đồi hướng về phía ấp Srok, nơi đang có 61 lập vị trí, để lại đồi hai Đại Đội 63 và 64 cho Tiểu Đoàn Phó Phạm Kim Bằng trấn giữ.

Vinh con ào xuống như núi lở, Cộng quân bung ra khép lại. Vinh tiếp tục lấn… Chân đồi Gió và ấp Srok lại kẹt thêm cái suối Rộ. Vinh cựa quậy khó khăn dưới đám lau - sậy rưộng sũng nước – Nó bâu tôi như đỉa đói, dứt không nổi anh Năm. Vinh hét với Đỉnh trong máy… Tối quá chỉ có sờ ngực áo mà đánh lưỡi lê thôi, … quên sờ nón sắt mà nhận bạn.

Nhưng Cộng quân cố chận bằng mấy lớp hàng rào người, 11 giò đêm Vinh cũng rờ được cái ấp … nơi đây Đại Đội 61 đang trông chờ từ lúc trời chập tối, 400 m từ chân đồi đến người lính gác của Đại Đội 61, thành phần của Tiểu Đoàn 6 Dù đi mất 3 giờ, 3 giờ thêm một số thương binh vì lưỡi lê và mảnh lựu đạn của 400 m cận chiến !

Bây giờ là 0giờ00 của ngày 19 bước qua 20, Cộng quân không phải chỉ một thành phần, một cánh quân, nhưng mà là một lũ người, một lớp sóng người chen vai thích cánh, lố nhố đầy chân Đồi Gió, chân đồi phiá Tây lẫn chân đồi phía Đông… Cộng quân tràn ngập đường 245 như trẩy hội, Cộng quân bao quanh ấp Srok Ton Cui như đàm người đói vây quanh vị trí phát chẩn. Không phải là một cuộc điều quân nhưng là một chợ người, lộn xộn ồn ào, la hét tìm đơn vị, chuyển lệnh.

- Ngày hôm nay sao máy bay “ngụy “ nhiều quá ! – Sao mày không bắn ! Tao chỉ có AK – AK thì AK, bắn cho “ngụy” sợ.

Ở trong này, Đỉnh thì thầm liên lạc với các Đại Đội 61, 62, và 60: các toa dặn lính đừng bắn, tụi nó đi đâu cho tụi nó đi, chỉ bắn khi nào nó tấn công mình thôi”.

“- Chúng tôi nhận hiểu”. Cả 3 Đại Đội Trưởng đều thở dài, lấy gì mà bắn nữa !! Nhưng dù vô trật tự tới đâu, Cộng quân cũng tập họp lại được hàng ngũ, 3 giờ sáng tiếng kèn thúc quân vang lên lồng lộng… Xong rôi, tụi nó dứt mình …

Tiếng kèn thúc quân xoáy trong đêm, vang dọc theo đường 245. Bỏ mẹ, nó bố quân cả 3 cây số đường dài. Đỉnh run tay khi nghe hiệu lệnh từ đầu đến cuối hàng quân, đồng thời từ phía Bắc đầu đường 245 có tiếng động cơ máy nổ, ánh sáng đèn pha quét ngang dọc bóng đêm. Tăng T54. Cộng quân “dứt điểm” Tiểu Đoàn 6 Dù không nương tay.

3 giờ đúng. Đồi Gió bị tấn công trước. Tiểu Đoàn Phó Phạm Kim Bằng, mặt sắt đen sì, con ngườí quá khổ, chậm rãi điềm tĩnh và hùng tráng như một hiệp sĩ thời cổ đứng ra khỏi hầm điều khiển hai Đại Đội 63, 64 phân công. 63 của Hoàng và 64 của Tuấn, 2 đại đội đã thử lửa với Cộng Sản Bắc Việt từ ngày 17, 2 Đại Đội Trưỏng “tới” quá mức, dũng cảm như những thiên thần tung hoành trên đầu lũ quỷ say máu. Tất cả đều ở tuyến chiến đấu, không còn Khinh Binh, Tổ Trưởng, Trung Đội Trưởng, Tiểu Đoàn Phó … chỉ còn một hàng ngang theo giao thông hào, điểm phân biệt người chỉ huy là tay nói máy chuyển lệnh, tay ném lựu đạn, 2 đại đội chỉ trừ những người chết hay bị thương mê man, thương binh chỉ tạm băng bó sơ qua vết thương, đứng hoặc dựa lưng vào thành giao thông hào để chiến đấu.

4 giờ trong bóng tối ngả màu tím của ngày sắp đền, 4 chiếc T.54 chia từ hai hướng Đông và Đông Bắc bắt đầu lên đồi, lính tùng thiết Cộng Sản Bắc Việt chạy lố nhố theo sau để tính bề diệt gọn. Trăng thượng tuần gần sáng dọi ánh sáng trắng lạnh xuống sườn đồi vằng vặc, khối sắt đen lóng lánh tiến dần vào cùng động cơ vang ầm ì, ngọn đèn vẫn giữ nguyên độ sáng ở vị thế “pha”, luồng sáng dọi thẳng lên đồi hỗn xược thách thức … Hai chiếc T54 đầu tiên bò lần lần từng thước đồi dựng đứng.

- Để tao thanh toán nó”, Tuấn đứng thẳng khỏi giao thông hào, kéo chiếc ống M72 cơ hữu (trên nguyên tắc chỉ khinh binh mới có M72). Rút hết các chốt an toàn. .. Tách ! Sợi giây an toàn cũng đã bị đứt, Tuấn đưa chiếc hoả tiễn lên vai nheo mắt … 100 thước, còn xa, 80 thước, hơi xa, 50 thước, đủ ! Tuấn bị loá mắt bởi hai ngọn đèn dọi thẳng mặt… Ầm ! Quả hoả tiễn dập vào giữa hai điểm sáng, hơi chếch cao một chút, trúng ngay pháo tháp… Chiếc thứ hai tăng tốc độ hú tiếng lớn nhấc một cái lên tuyến phòng thủ, hạ sĩ Nhu, Tiểu Đội Trưởng can trường không kém Đại Đội Trưởng, nhẩy vội lên pháo tháp, quả lựu đạn phát nổ sau khi Nhu vừa kịp nhảy xuống.

Hai chiếc T54 của phía Đông thì do chính Hoàng và một binh sĩ khác hạ... Cộng quân dạt lui xuống chân đồi để đại pháo rưới thêm một lớp, lớp thứ sáu kể từ lúc khởi đầu trận đánh. Ngày tới với ánh sáng cùng cơn mưa pháo thứ bảy, đỉnh đồi bây giờ tan hoang, điêu tàn và bốc khói, khói của đạn địch và khói của đạn ta cháy dở … “Hột lạc” dài 300 m ngang 70 m, hứng khoảng 2,000 quả đạn trong một đêm với vị trí dã chiến, ngày chiếu ánh sáng rọi rõ cảnh vật tan nát ..

Tiểu Đoàn Phó Bằng bị “tung” một mắt. Tuấn hứng một quả 75 ly, quả đạn nổ ngay trên thân thể người sĩ quan trẻ mới 23 tuổi… số tuổi quá nhỏ đem so với chiến trường nặng độ. Đồi Gió kể từ đó mang tên mới: Đồi “Quốc Tuấn”, danh hiệu truyền tin của Tuấn, Cao Quốc Tuấn.

Với một con mắt đẫm máu, Bằng nghiến răng, nhướng mắt còn lại giữ vững đồi cho đến lượt tấn công thứ 16. 12 giờ trưa ngày 20, Bằng kiệt lực suôi tay bỏ rơi chiếc combiné, gọi Hoàng đến:”Thay moa đem hai đai đội về 169 (Tây Nam Đồi Quốc Tuấn với một cái yên ngựa chập chùng trên 2 km đường rừng rậm). Nhớ dem hết thương binh, kẻ chết phải chôn lại …”
(18) (Xem bản đồ 7)

Chú thích: (18) Chiến Trường Đẫm Máu 1972 An Lộc Anh Dũng bài 4, trang 1, 2, 3 của tác giả Phan Nhật Nam.

3. KHÔNG QUÂN YỂM TRỢ CHO CHIẾN TRƯỜNG
TRONG ĐỢT TẤN CÔNG LẦN THỨ BA


Ngay từ khi khởi đầu cuộc chiến, một lằn ranh phân định về không yểm cho chiến trường An Lộc cũng đã được các giới chức cao cấp Việt Mỹ thảo luận và đồng ý chấp nhận một lằn ranh giới:

A- Không Quân Hoa Kỳ (Không Quân Chiến Thuật cũng như Không Quân Chiến Lược B52) , trách nhiệm yểm trợ cho chiến trường từ phía Bắc quận Chơn Thành 3 cây số trở lên đến Lộc Ninh xuyên đến ranh giới Việt Miên, trừ vùng không phận căn cứ hoả lực Tống Lê Chân 15 cây số Tây Nam An Lộc giáp ranh hai tỉnh Tây Ninh và Bình Long.

B- Không Quân Việt Nam Cộng Hoà (Không Quân Chiến Thuật, Trực Thăng Võ Trang) lãnh trách nhiệm từ lằn ranh giới quy định trở về phía Nam.

C- Riêng trực thăng đổ quân, do Không Đoàn 43 Trực Thăng thuộc Sư Đoàn 3 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà (căn cứ Biên Hoà đảm trách toàn vùng; Trực thăng tản thương, có sự phối hợp Việt Mỹ, không phân chia ranh giới).

D- Thả dù tiếp tế, do Không Đoàn C.119 và C.123 thuộc Sư Đoàn 5 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà căn cứ tại phi trường Tân Sơn Nhất đảm trách.

Trong suốt đêm 18 tháng 04, những chiếc AC.130 (Spec- tre) của Không Lực Hoa Kỳ có thiết trí đại bác 105 ly và nhiều khẩu đại liên đủ cỡ, được điều khiển bằng hệ thống Mắt Thần, bay ở cao độ ngoài tầm sát hại của các loại phòng không địch, thay phiên nhau, không ngừng nghỉ yểm trợ quân bạn, tại các tuyến đầu xung quanh thành phố An Lộc và tại căn cứ Đồi Gió và Đồi 169, do sự điểu khiển trực tiếp của các Cố Vấn Mỹ, đang có mặt tại từng đơn vị bộ binh Việt Nam Cộng Hoà. Sự yểm trợ rất đắc lực và gần như chính xác này, đã gây rất nhiều thương vong cho các cán binh Cộng Sản Bắc Việt, áp dụng chiến thuật, xung phong biển người, cũng như các chiến xa của địch quân bị bắn cháy, không có chiếc nào chạy thoát. Sự yểm trợ này được tiếp diễn qua suốt ngày hôm sau, cho lực lượng Dù tại vùng Đồi Gió và Đồi 169, còn về các phi vụ B52, cũng đã được Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III hoạch định những Box B52 oanh tạc tiên liệu cho toàn chiến trường An Lộc, tổng cộng ghi nhận có tất cả 13 Box B52, trọn ngày 19 tháng 04 năm 1972, ngoại trừ mục tiêu phi trường Quản Lợi, nơi đặt bản doanh đầu não của Cục R quân Cộng Sản Bắc Việt.

Kết luận: Sau 3 lần tấn công, Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt được lệnh rút ra khỏi trận chiến, về điểm tập trung, chấn chỉnh lại hàng ngũ, cũng có nghĩa, đã bị thiệt hại nặng, không còn đủ sức để mở thêm bất cứ một cuộc tấn công nào khác. Thực lực gom hết lại, chỉ còn có chừng 1 trung đoàn, được tăng cường cho Công Trường 9 . Công Trường 5, Cộng Sản Bắc Việt, di chuyển về vùng Đồng Bằng sông Cửu Long thuộc Vùng 4 Chiến Thuật, để tĩnh dưỡng và bồ sung quân số. (19)

Chú thích: (19) Hồi ký của Tướng Cộng Sản Bắc Việt Hoàng Cầm trang 278.


CHƯƠNG 7
TRẬN TẤN CÔNG LẦN THỨ TƯ VÀO THỊ TRẤN AN LỘC,
KHỞI DIỄN VÀO ĐÊM 10 THÁNG 05 NĂM 1972



1. ĐỊCH QUÂN THAY ĐỔI CÔNG TRƯỜNG 5
BẰNG CÔNG TRƯỜNG 9 CỘNG SẢN BẮC VIỆT.



Khai thác vào những tin điện mật mã, bắt được từ Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn Cộng Sản Bắc Việt, quân Địch được tái phối trí lại, và cũng dựa theo những nguồn tin đó, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cũng tái bố trí cho phù hợp tình hình chiến trường như sau:

1.1 Tại Mặt Trận Phía Bắc Thành Phố

Về Lực Lượng Địch: Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, sau 3 lần tấn công bất thành vào thành phố, dường như bị kiệt quệ, đã nướng trên 2 trung đoàn bộ chiến và gần nguyên tiểu đoàn chiến xa của trung đoàn chiến xa 203, tàn quân còn lại chưa đầy 1 trung đoàn được tăng cường cho Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt đang lẩn quẩn phía Tây, Tây Bắc thành phố trong khu vực Đồi Đồng Long. Viên Chính Ủy và viên Thủ Trưởng Công Trường 5 đều bị khiển trách nặng nề, vì không những đã làm tê liệt cả sư đoàn cơ hữu, mà còn làm thiệt hại lây cả Công Trường Bình Long và một phần của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt nữa (theo lời cung khai của tù hàng binh Cộng Sản khai báo sau này). Về khả năng tác chiến hay tấn công không còn nữa.

Về Lực Lượng Bạn: Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, mặc dù bị thiệt hại khoảng 40% quân số, nhưng ngược lại được tăng cường thêm 550 chiến sĩ Biệt Cách Dù rất tinh nhuệ, do đó quân số trên tuyến phòng thủ mặt Bắc vẫn còn trên 2,000 tay súng cừ khôi, chiến đấu dũng mãnh,

1.2 Tại Mặt Trận Phía Đông Thành Phố

Về Lực Lượng Địch: Công Trường Bình Long, sau 3 đợt tấn công có sự trợ lực của Trung Đoàn 272 Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt và 1 đại đội chiến xa, đã bị tổn thất phân nửa quân số (đa số là lính Miên, rất sợ máy bay oanh tạc), và 1 tiểu đoàn đặc công của Cục R Cộng Sản Bắc Việt, còn lại vài chiến xa đang có mặt tại vùng phía Đông phi trường Quản Lợi. Tinh thần các cán binh rất sút kém (trừ Tiểu Đoàn Đặc Công Cục R).

Về Lực Lượng Bạn: Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân đã bị hao tổn 1/3 quân số, nhưng khi được biết bên cạnh mình đang có Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù đang rượt đuổi quân Cộng Sản Bắc Việt thì cả gần 1,000 tay súng gan lỳ Biệt Động Quân, tinh thần quyết chiến thắng lại lên cao, nên phòng tuyến mặt phía Đông khá vững chắc.

1.3 Tại Mặt Trận Phía Tây Thành Phố

Về Lực Lượng Địch: Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt, được lệnh điều động rút trở về 2 trung đoàn cơ hữu 271 và 272 , từ vùng Đồi Gió và vùng phi trường Quản Lợi, cho tái bổ sung quân số đã bị hao hụt, cùng một thành phần cấp trung đoàn còn lại của Công Trường 5, được tăng cường cho 1 tiểu đoàn của Trung Đoàn Thiết Giáp 203 (-), để chuẫn bị làm nỗ lực chính cho đợt tấn công sắp tới, đang có mặt trong vùng phía Tây thành phố.

Về Lực Lượng Bạn: Trung Đoàn 7 Bộ Binh còn lại chưa đủ 1,200 tay súng, so với quân Cộng Sản Bắc Việt đang có mặt trong phần trách nhiệm trên 10,000 có cả chiến xa trợ chiến, rõ là một mối đe dọa cho Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Tướng Hưng bên sườn trái.

1.4 Tại Mặt Trận Phía Nam Thành Phố

Về Lực Lượng Địch: Công Trường 7 (-) còn lại Trung Đoàn 165, với quân số khoảng 1,500 cán binh còn nguyên vẹn . Trung Đoàn 209 từ gần 2 tháng qua đã bị các đơn vị Việt Nam Cộng Hoà bao vây đánh gần như tan nát tại vùng suối Tàu Ô, không rút chân ra được và cũng không thêm quân vào được. Riêng Trung Đoàn 141, một minh phải lãnh trách nhiệm tả xung hữu đột, nhất là khi lãnh trách nhiệm tấn công Đồi Gió, lại gặp phải lực lượng Dù Việt Nam Cộng Hoà phòng thủ, phải hao tốn hơn phân nửa quân số, và phải tức tốc rút về tái bổ sung. Như vậy Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt ước tính còn khoảng 3,500 cán binh, đang có mặt vùng phía Nam cạnh Quốc Lộ 13.

Về Lực Lượng Bạn: Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù với 2 Tiểu Đoàn 5 và 8 tạo vòng đai thép, 2 cây số phía Nam bên ngoài thành phố , tuyến phòng thủ thứ 2 do gần 2 Tiểu Đoàn Địa Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long và khoảng hơn một Đại Đội của Tiểu Đoàn 6 Dù, rút lui từ Đồi Gió về, thống nhất Chỉ Huy trên tuyến phòng thủ này, do một Sĩ Quan của Tiểu Đoàn 6 Dù . Tuyến phòng thủ thứ 3 do Đại Đội Trinh Sát của Lữ Đoàn 1 Dù bảo vệ Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn và Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long. Mặt trận phía Nam được phòng thủ thật kín đáo, chia làm 3 vòng đai, có thể nói là bất khả xâm phạm.với gần 2,500 tay súng thiện nghệ, mà người đời đã tặng cho cái biệt danh Thiên Thần Mũ Đỏ (riêng gần 500 chiến sĩ Địa Phương Quân chiến đấu bên cạnh quân Dù, thì tinh thần chiến đấu cũng cao độ như quân Dù vậy, đó là quy luật chung của chiến trận chiến đấu theo màu cờ sắc áo)

Mặt trời mới vừa khuất bóng, Sư Đoàn 69 Pháocủa Cộng quân từ hướng Tây, các khẩu pháo binh 105 ly và 155 ly của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bị Cộng quân chiếm được, từ hướng Đông phi trường Quản Lợi, đã mở trận mưa pháo tập trung vào căn cứ điểm quan trọng trong thị xã An Lộc như: Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà (căn cứ cũ), Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long, và chu vi vòng đai thị xã, mà Cộng quân nghĩ rắng đang có các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà đang ghìm tay súng chờ đợi quân thù . Nặng nhất là trên tuyến phòng thủ của Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà ở mặt phía Tây.

Sau 8 tiếng đồng hồ liên tục pháo kích với hơn 8,000 quả đạn đủ loại, quân Cộng Sản Bắc Việt cũng lại áp dụng chiến thuật tiền pháo hậu xung (biển người) có chiến xa yểm trợ tấn công điên cuồng vào:

A- Tuyến phòng thủ phía Tây:

Về mặt phía Tây,Cộng quân xử dụng 2 trung đoàn bộ binh 271 và 95C, Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt,và 1 tiểu đoàn chiến xa hỗn hợp T.54 và PT.76 (khoảng 34 chiếc), sau 3 đợt tấn công, đã đánh xuyên thủng phòng tuyến của Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà (tuyến này do 2 Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà trấn thủ) khiến cho lực lượng của Trung Đoàn 7, phải lui dần về đến gần hầm chỉ huy của Tướng Hưng là cứ điểm cuối cùng.

Các chiến sĩ Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, đã nhiều lần cận chiến với quân Cộng Sản Bắc Việt, đẩy lui nhiều đợt tấn công của địch, và bắn cháy 6 chiến xa địch trước tuyến phòng thủ.

Tại Bộ Chỉ Huy của Tướng Hưng hiện giờ chỉ có 1 Đại Đội Trinh Sát 5 của Sư Đoàn (kiểm điểm lại tới giờ phút đó chỉ còn lại có khoảng không đầy 40 tay súng). Tướng Hưng hỏI vị Đại Đội Trưởng Trinh Sát là tại sao quân số còn ít quá như vậy ? Vị Đại Đội Trưởng thưa rằng,Binh sĩ nằm phòng thủ bảo vệ vòng ngoài với hầm hố dã chiến, pháo địch sát hại lần hồi !!! Tướng Hưng lại hỏi sao Anh không báo cáo ? Vị ĐạI Úy trả lời, báo cáo mà chẳng được bổ sung, lại gây cho Thiếu Tướng thêm lo và phân tâm trong việc điều khiển quân tình, nên Em đành phải cắn răng lặng thinh cho đến giờ này, Thiếu Tướng hỏi Em mới dám trình quân số lên Thiếu Tướng !!!

Căn cứ vào cường độ tấn kích của Cộng quân ,chĩa mũi dùi chính về phía Tây với lực lượng 2 trung đoàn bộ binh và chiến xa,( cho tới giờ phút này Cộng quân cũng chưa biết vị trí Bộ Chỉ Huy đầu não của Tướng Hưng nằm ở đâu ).

Trong tình thế cấp bách, Tướng Hưng gọi cho Đại Tá Trường, cần phải điều động quân về tăng cường cho Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn ngay tức khắc, Tướng Hưng cho biết: “tuyến của thằng 7 (Trung Đoàn 7 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà) đã bị vỡ, địch đang trên đà chuyển dần đến hầm chỉ huy của tôi”. Đại Tá Trường cho điều động Đại Đội Trinh Sát 8, tức tốc kéo về hầm chỉ huy của Tướng Hưng, đồng thời tiếp tục cho điều động thêm 1 tiểu đoàn của Trung Đoàn 8 rút về tiếp ứng. Tiếp theo đó, Tướng Hưng gọi cho Đại Tá Lưỡng cho thiết kế lại tuyến phòng thủ phía Nam và rút ra liền 1 tiểu đoàn Dù, tức tốc di chuyển đến ngay Bộ Chỉ Huy Trung Ương chận đứng mũi dùi của địch đang tiến về hướng hầm chỉ huy, và gọi Trung Tá Biết đang trấn giữ mặt Đông,còn chưa bị tấn công,điều động ngay 1 Tiểu Đoàn Biệt Động Quân về bảo vệ cho Bộ Chỉ Huy đầu não của Tướng Hưng.

Một lực lượng hỗn hợp gồm 3 tiểu đoàn: Bộ Binh, Dù và Biệt Động Quân đến kịp thời, và chặn đứng chiến xa và bộ binh địch, chỉ còn cách hầm Tướng Hưng khoảng 200 thước. Các chiến sĩ Bộ Binh, Dù và Biệt Động Quân cận chiến, quần thảo với quân địch cho tới trời hừng sáng, bắn cháy nhiều chiến xa địch, đồng thời chận đứng được mũi dùi tấn kích của địch đang hướng về hầm chỉ huy của Tướng Hưng. Sau đó cùng nhau hợp đồng tác chiến, đẩy lui toàn bộ địch quân ra khỏi tuyến phòng thủ của Trung Đoàn 7 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà khi trước ! Vòng đai thứ hai bảo vệ hầm Chỉ Huy của Tướng Hưng, vẫn do 2 Đại Đội Trinh sát 5 và 8 đảm trách .

Trong vài giây phút ngắn ngủi trên đầu giây điện thoại, Tướng Hưng căn dặn Đại Tá Trường, là nếu chẳng may Việt Cộng tràn được đến đây, tôi sẽ mở chốt lựu đạn cho nổ, chứ không để chúng nó bắt sống, còn anh thì gom quân lại, theo chân Trung Tá Huấn lui dần về phía Nam, nhập chung với Đại Tá Lưỡng,rút quân ra khỏi thành phố, vượt khỏi vòng vây về Lai Khê…

B- Tuyến phòng thủ phía Tây Bắc.

Cùng thời điểm đó, vào khoãng 9 giờ sáng, tại tuyến phòng thủ Tây Bắc, một lực lượng khác của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt (cấp 2 Trung Đoàn), được tăng cường khoảng 20 chiến xa T.54, mở nhiều đợt xung phong biển người, nhưng đều bị các chiến sĩ của Trung Đoàn 8 Việt Nam Cộng Hòa,đánh bật trở ra . Tổ chức lại đội ngũ, rồi cho xe tăng và bộ binh tấn công trở lại… Các chiến sĩ Trung Đoàn 8 Bộ Binh quần thảo với Địch, được kéo dài cho đến 11 giờ trưa, quân Bạn được sự yểm trợ của các phi tuần phản lực Hoa Kỳ từ hai Hàng Không Mẫu Hạm đang đậu ngoài khơi biển Nam Hải .

Các loại súng cối 60 ly, 81 ly của các đơn vị Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà thi nhau tác xạ vào đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt đang dàn hàng ngang đông như kiến càng, đạn cối nổ ra, bung lên một lỗ, rồi tụ trở lại như thường. Còn phi cơ oanh tạc cũng như thế. Tại mặt trận, Đại Tá Trường luôn kêu gọi Tướng Hưng tiếp tục cho các phi tuần phản lực oanh kích liên tiếp, và đã đẩy được địch lui ra trên 1 cây số bên ngoài. Tưởng rằng địch đã chạy !!! Cho đến 11 giờ 30, địch lại tập trung tấn công lần nữa, lần này địch gom toàn bộ hơn 2,000 cán binh, và gần 20 chiến xa giăng hàng ngang từ từ tiến vào... Đại Tá Trường quan sát thấy tình hình như thế cảm thấy lo âu, báo cáo cho Tướng Hưng cấp thời

…Tướng Hưng trả lời cứ để cho tụi nó tiến, các anh thông báo cho tất cả binh sĩ chuẩn bị đừng ép ngực vào thành đất, và chờ đợi sẽ có Không Quân đồng minh đến yểm trợ trong vài phút nữa. (xin nhắc lại rằng đường giây điện thoại trong lúc này chỉ riêng Trung Đoàn 8 là còn sử dụng được, còn các đơn vị khác thì phảI dùng hệ thống vô tuyến với khoá nguỵ thảo mật mã cho từng đon vị).

Trên vùng trời trong sáng khoảng 11 giờ 45, các phản lực cơ được lệnh rời vùng, để lại cho mọi người một bầu không khí vô cùng ngột ngạt. Trong lúc quân địch tiến càng gần đến, 1,000 thước rồi 900 thước, thình lình trên bầu trời có tiếng rít gió nghe rợn ngươi, tưởng như tiếng âm hồn ma quỷ trổi lên đòi cướp linh hồn của các chiến sĩ. Sau tiếng rít gió là hàng loạt tiếng nổ chát chúa, kinh thiên động địa, khói bụi tung bay cả một vùng ngang 1 cây số dài 3 cây số, ngay chóc đội hình đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt đang trên đường tiến vào. Khi khói bụi tan dần, Đại Tá Trường cùng toàn thể chiến sĩ có mặt trên chiến tuyến nhìn lại không còn thấy vật gì tồn tại, kể cả xác của các chiến xa đã tung bay đi đâu hết, nhường lại trên mặt đất đầy rẫy những hố bom rộng hơn chiếc ao nuôi cá ở đồng quê Việt Nam. Đại Tá Trường, Trung Tá Huấn và tất cả các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà hiện diện trên chiến tuyến mặc dầu nhiều người bị tức ngực bởi sức ép của B52 oanh tạc, nhưng cũng đã thở ra được môt hơi dài nhẹ nhõm.

Không biết ở đâu mà có B52 bỏ bom đến kịp thời và đúng lúc như vậy ! Thông thường thì Quân Đoàn phải xin dự trù trước 48 giờ, và phải ghi rõ mục tiêu muốn đánh !! Trong trường hợp này mục tiêu lại xuất hiện bất thình lình, không ai biết trước được, dù rằng dự đoán đó có nghĩ ra được trước vài tiếng đồng hồ, cũng không đủ thời gian để Quân Đoàn yêu cầu B52 oanh tạc ngay lúc tình hình mặt trận đang hồi thật là gây cấn như lần này vậy !! (20)

Chú thích: (20) Nhật ký Hành Quân Quân Đoàn 3 nói về trận An Lộc năm 1972.

Nhờ Trời chăng? Người xưa có nói “Nhân Định Bất Thắng Thiên”, dịch ra tiếng bình dân nói là Người Tính Không Bằng Trời Tính.

Nguyên do có B52 oanh tạc rất là đúng lúc là vì: Trong ngày hôm đó tại Vùng II Chiến Thuật, Cố Vấn Trưởng Quân Đoàn John Paul Vann là người rất có quyền lực trong việc yêu cầu xin Không Quân Hoa Kỳ yểm trợ cho chiến trường Vùng II các phi vụ Không Quân Chiến Thuật cũng như Không Quân Chiến Lược B52. Vị cố vấn tài ba này đã hết lòng lo cho vận mệnh của Đất Nước Việt Nam và luôn luôn tận tâm trong chức vụ. Sau cùng ông cũng đã chết vì chức vụ của mình, trong đêm buồn thảm vùng đèo Chu Pao dọc theo Quốc Lộ 14. Tử nạn vì viên phi công mới của ông là Trung Úy Ronald Doughtie thiếu kinh nghiệm bay đêm đụng ngọn cây, gây tử thương cho một vị cố vấn Quân Đoàn kiệt xuất mà tất cả quân nhân các cấp Quân Đoàn 2/Quân Khu II cũng như dân chúng toàn vùng không bao giờ quên được những gì ông đã làm và mang lại cho chính nghĩa của Quân Dân Việt Nam Cộng Hoà khi ông còn sinh tiền. (xin đọc sách tựa đề “Sự Lừa Dối Hào Nhoáng, John Paul Vann và Nước Mỹ ở Việt Nam” của tác giả Neil Sheeman).

Tuy nhiên, về cái chết của cố vấn Vann, theo lời của hai nhân chứng còn sống là Trung Úy Nguyễn Văn Cai,(sĩ quan tuỳ viên) của cố vấn Vann đang cư ngụ tại Louisiana, Hoa Kỳ, và ông Lê Phát Được, đang cư ngụ tại Houston, TX, đã từng là thông dịch viên của cố vấn Vann, là hai người thường theo sát bên mình cố vấn Vann trong những lúc hành quân cũng như thanh tra diện địa, thuật lại về cái chết của ông cố vấn Vann là do trực thăng bị phát nổ khi ông Vann tự lái từ buổi dạ tiệc tại Pleiku trong đêm 09 tháng 06 năm 1972 bay về Kontum hẹn gặp với Tướng Lý Tòng Bá (Tướng Bá hiện đang cư ngụ tạI California) chứ không phảI là bị đụng ngọn cây như một vài sách báo đã viết. (21)

Chú thích: (21) Do các nhân chứng sống đã xác nhận: Trung Úy Nguyễn Văn Cai, Ông Lê Phát Được, và Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá.

Cố Vấn Vann đã xin 12 phi vụ B52 cho chiến trường Kontum,đến phi vụ thứ 9 là đã hoàn tất các mục tiêu oanh tạc trong Vùng II, còn thừa 3 phi vụ không cần thiết nữa, Cố Vấn Vann mới gọi về cho Bộ Tư Lệnh Mỹ MACV trung ương cho huỷ bỏ 3 phi vụ còn thừa lại, trong khi đó thì các pháo đài bay B52 đã cất cánh từ Guam đang trên đường bay qua Vùng II, Bộ Tư Lệnh MACV liền cấp tốc gọi xuống Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 cho Thiếu Tướng Hollingworth Cố Vấn Trưởng cho Tướng Minh kịp lúc trước 30 phút, và kịp liên lạc cho cả 3 phi vụ B52 trên đường bay thay đổi mục tiêu và toạ độ thả bom rất đúng lúc, và cả ba phi vụ B52 lần lượt thay phiên nhau trải thảm bom ngay trên đầu đoàn chiến xa và trên 2,000 quân bộ chiến Cộng Sản Bắc Việt đang tiến gần kề vào quân bạn, chỉ còn cách tuyến phòng thủ của quân bạn có 900 thước và các mục tiêu khác chung quanh chiến trường An Lộc.

C- Tại tuyến phòng thủ phía Đông

Sau khi hai trung đoàn 271 và 272 được rút về sáp nhập với đơn vị mẹ là Công Trường 9 ở phía Tây, lực lượng quân Cộng Sản Bắc Việt ở phía Đông chỉ còn lại Công Trường Bình Long què quặt, binh lính đa số là người gốc Miên, tinh thần chiến đấu lại sa sút trầm trọng, Công Trường Bình Long còn đảm trách thêm phần giữ an ninh Đồi Gió và Đồi 169 sau khi lực lượng chủ lực của Công Trường 9 và Công Trường 7 rút đi. Biết thế, Cục R cho lệnh rút Trung Đoàn Đồng Nai (Công Trường Bình Long) (quân số còn khoảng trên dưới 700) thay thế bằng Tiểu Đoàn Đặc Công của Cục R hoán đổi ra tuyến đầu, Tiểu Đoàn Đặc Công Cục R được tăng cường cho 5 chiến xa còn lại của Trung Đoàn 203 chiến xa, làm mũi nhọn tấn công thẳng hướng vào Bộ Chỉ Huy cũ của Tướng Hưng (gần ga xe lửa) và một mũi dùi khác đảm trách bởi trung đoàn còn lại của Công Trường Bình Long, nổ lực bên cánh phải.

Sau khi ngưng tiếng pháo vào khoảng 11 giờ đêm cùng ngày, bộ binh và chiến xa bắt đầu mở cuộc tấn công đồng loạt dọc theo tuyến phòng thủ của Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hoà, mạnh nhất là cánh trái tiểu đoàn đặc công Cục R và các chiến xa T.54 đã thành công xuyên thủng được một lỗ trên tuyến phòng thủ của Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hoà tận đến ngay vị trí Bộ Chỉ Huy cũ của Tướng Hưng trong đêm tối. Bọn chúng la inh ỏi hỏi nhau là tìm được Sư Trưởng của Sư 5 chưa, chúng chia nhau bới xới các bao cát cũng như các vỉ sắt, lục lọi cho đến trời sáng mà vẫn chưa tìm thấy Tướng Hưng đâu hết. Trời bắt đầu sáng, Cộng quân lộ nguyên hình trước các chiến sĩ Biệt Động Quân vài ba thước, là mục tiêu rất tốt làm bia cho các chiến sĩ Biệt Động Quân bắn hạ. Cả tiểu đoàn đặc công Cục R phải tháo chạy trở lui ra với sự thiệt hại nặng nề, còn các chiến xa T.54, trong đêm tối, ủi bừa vào trong dẫy phố sụp cống lay hoay cho tới trời sáng mà chẳng ngoi lên được.

Một câu chuyện do một nhân chứng sống Biệt Động Quân tên là Nguyễn Văn Xuân, Hạ Sĩ, kể lại như sau: Khoảng 8 giờ sáng, ngày 11 tháng 5 năm 1972, trên con đường ven ranh thành phố có 1 T.54 sụp cống, cứ hụ ga de lui tiến tới cả chục lần mà không ngoi lên được khỏi rãnh cống bên lề đường. Cuối cùng các cán binh CS phải mở nắp tháp chui ra ngoài quan sát và tìm cách cho xe ngoi lên, trong lúc loay hoay trước căn nhà 2 tầng cất bằng gỗ của gia đình một cụ già trên 70 tuổi, làng xóm thường gọi ông là Bác Sáu. Ông Sáu thấy tiếng động cơ xe tăng cú hụ lên hụ xuống cả mấy tiếng đồng hồ trước mặt nhà mình,cho đến trời đã sáng tỏ mà vẫn còn hụ. Đến khi trời sáng, ông Sáu mới lần mò ra trước ban công gỗ phía trước, cùng lúc đó ông thấy hai cán binh Cộng Sản đang cúi đầu xem cái xích sắt bị quấn kẻm gai và sụp cống,trong khi pháo tháp thì mở toang ra, nhìn trong xe dường như còn 1, 2 tên gì nữa cũng đang bận làm việc gì đó! Ông vội lui vào bên trong, kề tai nói nhỏ với ba chiến sĩ Biệt Động Quân đang ẩn núp trên căn lầu: các con ơi, xe tăng Việt Cộng đang sụp rãnh trước nhà mình mà lại mở nắp pháo tháp ngay gần trước mặt mình. Một chiến sĩ Biệt Động Quân định bò ra xem, ông Sáu cản lại: con mặc đồ rằn ri mà xuất hiện ló đầu ra ngoài,rủi tụi nó nhìn thấy được là chúng nó nổ súng liền. Ông Sáu đề nghị cậu nào có lựu đạn ? Một chiến sĩ Biệt Động Quân liền gỡ một quả lựu đạn M.26 đang đeo trên ngực, rút chốt và chỉ dẫn ông Sáu cầm chặt để tay sau lưng bước ra ngoài ban công run run giọng hỏi: các cháu cần gì không ? Cán binh Cộng Sản đứng bên dưới nhìn lên thấy một cụ già lụm khụm cũng không thèm trả lời. Ông Sáu bước ra thêm vài bước sát ban công và ngó xuống thấy 2 tên Cộng Sản đang lay hoay trước đầu xe… Nhìn thấy pháo tháp vẫn còn mở, ông Sáu liền bỏ nhẹ quả M.26 lọt ngay vào trong xe và vội lui ngay vào bên trong nhà, một tiếng nổ chát chúa và tiếp theo là nhiều tiếng nổ khác, rồi từng cụm khói đen bốc lên. Ông Sáu và 3 chiến sĩ Biệt Động Quân vội tụt xuống lầu ẩn núp rồi rút lui ra ngõ sau, lẩn mình vào các khu phố kế tiếp. Khi tiếng súng im lặng trở lại, ông Sáu lần mò về nhà, thấy xác chiến xa bị cháy đen vẫn còn nằm đó bên trong có vài khối thịt cháy đen xông lên mùi khó ngửi, mặt tiền căn nhà cửa ông Sáu cũng bị cháy nám một phần.

Tại mặt trận phía Đông, tiếng súng cũng từ từ im lặng. Biệt Động Quân đã quét sạch quân Cộng Sản Bắc Việt ra ngoài vị trí phòng thủ, chúng chạy về hướng phi trường Quản Lợi bỏ lại chiến địa trên 300 xác chết và ba chiến xa T.54 bị cháy.

Câu chuyện này chứng tỏ sự gắn bó giữa Dân và Quân Việt Nam Cộng Hoà, cùng sát cánh chống Cộng tới cùng.

D- Tại tuyến phòng thủ phía Nam và Tây Nam

Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt gồm có 3 trung đoàn bộ binh: trung đoàn 141, trung đoàn 165, và trung đoàn 209 được tăng cường 1 tiểu đoàn của trung đoàn chiến xa 203 (T.54 và PT 76) và sư đoàn pháo số 69 trực tiếp yểm trợ cho mặt trận phía Nam, âm thầm di chuyển về phía Nam từ lúc khởi đầu trận chiến.

Công Trường 7 vì nhu cầu chiến trận, bắt buộc phải xé lẻ sư đoàn ra làm 3 mảnh: trung đoàn 209 phải đóng chốt như du kích đánh lẻ tại vùng suối Tàu Ô, trung đoàn 165 thì ẩn trú trong các hầm đào sâu dưới đường rầy xe lửa cạnh Quốc Lộ 13 tạo thành những chốt ngầm rất kiên cố, còn trung đoàn 141, giỏi về cơ động tính tác chiến, nên được dùng làm lực lượng trừ bị nòng cốt cho sư đoàn, cả 2 trung đoàn 209 và 141 đều bị thiệt hại khá nặng nề. Sau khi tấn công xong Đồi Gió, trung đoàn 141 được lệnh rút trở về đơn vị mẹ Công Trường 7,để tái bổ sung và tái chỉnh đốn lại hàng ngũ. Và xuất quân cùng trung đoàn 165, đồng mở mũi dùi tấn công vào phía Tây Nam thành phố.

Sau khi dứt tiếng pháo, khoảng 12 giờ đêm ngày 11 tháng 5 năm 1972,Cộng quân chĩa mũi dùi tấn công vào tuyến của Tiểu Đoàn 8 Dù, đi đầu có 2 T.54 và 2 PT.76, vừa di chuyển vừa bắn như trâu điên. Có thể nói mũi dùi tấn công của thành phần Công Trường 7 từ hướng Nam cũng khá mạnh, nếu tại phía Nam mà do lực lượng Địa Phương Quân của Tiểu Khu với quân số 1 Đại Đội hay Tiểu Đoàn (-) thì không làm sao chịu nổi đà tấn kích của gần 2 Trung Đoàn Bộ Binh của Công Trường 7, Cộng Sản Bắc Việt, tuyến phòng thủ ắt phải vỡ tung. Nhưng xui cho Cộng quân, đụng phải thứ dữ,Tiểu Đoàn 8 Dù với khoảng trên 600 tay súng thiện chiến, phòng thủ có hầm hố kiên cố. 2 T.54 đi đầu bị các chiến sĩ Dù bắn cháy ngay đôi ba phút đầu, còn lại 2 PT.76 thì rồ ga chạy thoát thân lẩn trong rừng cao su, cố vấn Mỹ của Tiểu Đoàn 8 Dù cũng không buông tha, gọi Rồng Già AC.130 có đại bác 105 ly, thí cho mỗI chiếc PT.76 1 quả 105 ly bất động luôn, đoàn chiến xa nhiều chiếc phía sau không dám tiến lên nữa, liền tắt đèn pha, lẩn trốn trong bóng đêm, nhưng cũng không thoát khỏi mắt thần của các phi cơ AC.130 của không lực Hoa Kỳ lần hồi bắn cháy thêm hơn 14 chiếc. Còn bộ binh Cộng quân thì bị các chiến sĩ Dù bắn hạ không sót một tên khi tràn đến giao thông hào của lực lượng Dù, đến trời sáng tỏ, Cộng quân khi nhìn thấy rõ là đụng phải lính Dù thì mất hết tinh thần, vừa bắn trả vừa tháo lui rút chạy,không lấn thêm được một tấc dất nào hết. Tại mặt trận phía Nam này cũng yên tiếng súng sau vài giờ giao chiến .

Một tù binh cấp Tiểu Đoàn của Công Trường 7,được Tiểu Đoàn 8 Dù cứu sống, sau khi bị thương nằm rên la trên tuyến phòng thủ, được y tá của Tiểu Đoàn 8 Dù băng bó vết thương ở bụng cứu mạng, tiết lộ là: tất cả các cán binh Cộng Sản Bắc Việt, mỗi khi lâm chiến với Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà rất sợ B52 oanh tạc, vì bom rơi trên đầu từ trên cao rít gió đến bất thình lình, và sức tàn phá thật là kinh khủng san bằng tất cả,kể cả các loại chiến xa, không thứ gì chịu nổi bom của B52 hết, kế đến là sợ đụng phải đơn vị Nhảy Dù, lúc ban ngày, sẽ không thoát được một mống nào hết, bắn như để, kế đến là đụng với Biệt Cách Dù, như những bóng ma, khi ẩn khi hiện, nhất là về đêm, lỡ sơ xuất ngủ quên một chút,khi mở mắt ra là thấy Diêm Vương đứng ngay trước mặt.

Bây giờ cả ba thứ đó đều có mặt tại chiến trường An Lộc. Cộng Sản Bắc Việt thua là phải, bởi những ấn tượng trên.

Với cuộc tấn công lần thứ tư này, Cộng quân quyết tâm thanh toán mục tiêu - Thị Xã An Lộc - bằng mọi giá, nhưng rốt lại, suốt 3 đêm 2 ngày quần thảo với các lực lượng Việt Nam Cộng Hoà cũng đều bị đánh bật trở ra toàn bộ, để lại trên chiến địa hàng ngàn xác cán binh và thêm gần 40 T.54 và PT.76 bị chôn vùi dưới trận mưa bom của 3 box B52 và Rồng Già AC.130.

Sau đó, lực lượng quân Cộng Sản Bắc Việt rút trở ra ngoài, bổ sung thêm quân số, tái tổ chức lại hàng ngũ để chuẩn bị cho trận tấn công kế tiếp. Để tiếp tục duy trì áp lực, hàng ngày lẫn đêm Cộng quân vẫn tiếp tục pháo vào An Lộc gần 2,000 quả pháo đủ loại. (xem bản đồ số 8)

Tổng kết trong đợt tấn công lần thứ tư này, ta ghi nhận như sau:

Địch : Khoảng 2 trung đoàn bộ binh bị tiêu diệt, và khoảng trên 70% tiểu đoàn chiến xa của Trung Đoàn 203 bị bắn cháy hay bị chôn vùi dưới các trận oanh tạc của B52.

Bạn : Tính chung cho tất cả các đơn vị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà phòng thủ là gần 2 tiểu đoàn bị loại ra khỏi vòng chiến, nặng nhất là Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà chỉ còn lại có 1 đại đội.

Thường dân : Chết và bị thương chưa đến 100 vì nhờ vào hầm hố có nắp che và ở trong những căn nhà đúc bê tông.

2. BÌNH LUẬN

So sánh cường độ, sau 3 đợt tấn công của Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt và Công Trường Bình Long, vào các tuyến phòng thủ phía Bắc và Phía Đông của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, vẫn còn chưa quyết liệt bằng trận cường kích tấn chiếm lần THỨ TƯ nầy . Cả 2 Công Trường 9 và 7, được xem như là, đại đơn vị chính quy, thiện chiến nhất của Quân Đoàn Cộng Sản Bắc Việt trong trận chiến, Công Trường 9 đảm trách tấn công tuyến phía Tây và Tây Bắc, tung toàn bộ Sư Đoàn cơ hữu,cộng thêm một trung đoàn hỗn hợp còn lại của Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, đã thành công xuyên thủng tuyến phòng thủ phía Tây của Trung Đoàn 7 Bộ Binh Việt Nam, nhưng rất tiếc, bị lực lượng phản kích của Việt Nam Cộng Hòa kịp thời chận đứng và sau cùng bị đánh bật ra bên ngoài tuyến phòng thủ lúc ban đầu, để lại nhiều thiệt hại cả cán binh và chiến xa . Còn tuyến phòng thủ phía Tây Bắc,Cộng quân xua 2 Trung Đoàn bộ chiến, và trên 15 chiến xa,vào tuyến phòng thủ do 2 Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa trấn thủ, cũng chẵng may bị B52 làm cỏ, trước khi được đặt chân vào đến chiến tuyến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa . Công Trường 7, đảm trách tấn công mặt phía Nam, mặc dầu đã cố gắng gom toàn lực tàn quân còn lại, để đánh ván bài liều, nhưng đụng phải lực lượng (khắc tinh) Nhảy Dù của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nên đành phải tháo chạy, để lại chiến địa hằng trăm cán binh tử vong, và trên 10 chiến xa bị quân dù và C.130 của không lực Hoa kỳ bắn cháy .

Trận chiến đến đây,có thể được xem như ngã ngũ, phần thắng lợi đang dần nghiên về phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Nói tóm lại, trong tất cả 5 đợt tấn công của quân Cộng Sản Bắc Việt vào Thành Phố An Lộc (Chiếu theo sự lượng định và nhận xét của Bản đúc kết quyển Sử Lược Chiến thắng An Lộc nầy), chỉ có HAI đợt tấn công chính: là đợt tấn công lần THỨ NHẤT, khởi diễn vào ngày 13 tháng 4 năm 1972, (do Công Trường 5 tại mặt phía BẮC và Công Trường Bình Long quân Cộng Sản Bắc Việt tại mặt trận phía ĐÔNG), và đợt tấn công lần THỨ TƯ, khởi diễn vào đêm 10 tháng 5 năm 1972, (do Công Trường 9, tại mặt phía TÂY và Công Trường 7 quân Cộng Sản Bắc Việt tại mặt phía Nam), là có tầm vóc quan trọng hơn tất cả các đợt tấn công khác .

Cả 2 đợt tấn công của quân Cộng sản Bắc Việt, vào những NGÀY, ĐÊM kể trên, chứng tỏ ý đồ của Cộng quân, cố quyết tâm san bằng và chiếm cho bằng được Thành Phố An Lộc, nhưng kết quả thực tế, dựa theo sử liệu ghi nhận, cho thấy Quân Đoàn Cộng Sản Bắc Việt, bị thảm bại nặng nề, và buộc lòng phải rút lui ra khỏi trận chiến .

CHƯƠNG 8
CUỘC TẤN CÔNG LẦN THỨ 5
(ngày 19 tháng 05 năm 1972)



1. DIỄN TIẾN

Nhằm kích động tinh thần các cán binh đang hồi tuột dốc thê thảm, Cục R ban hành nghị quyết ăn mừng sinh nhật Hồ Chí Minh nhằm ngày 19 tháng 05. Khởi đầu đêm 18 tháng 05 năm 1972,Cộng quân phải cố gắng kích động tinh thần các cán binh thêm một lần nữa, để may ra lấy chiến công làm quà tặng mừng sinh nhật cho Bác.

Cường độ của cuộc tấn công lần thứ 5, trông thấy giảm sút rõ rệt, về pháo cũng như về lực lượng bộ binh và chiến xa.

Về pháo: Pháo 130 ly và các giàn phóng hoả tiễn 107 và 122 ly đã bị các phi vụ B52 oanh tạc phá huỷ hơn phân nửa, nên chỉ còn pháo trong đợt này trên dưới 2,000 quả. Trung Đoàn 203 chiến xa (-) còn khoảng 45 chiếc T.54 và PT.76, đã bị lực lượng Dù bắn cháy hết 2 T.54 và AC.130 hạ thêm 8 chiếc đủ loại, mặc dù tắt đèn trốn chạy, Lực lượng Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà cũng hạ được 2 T.54. B52 oanh tạc chôn vùi khoảng 20 chiến xa T.54 và PT.76. Như vậy là đã đi đứt hết 80%. Còn bộ binh quân Cộng Sản Bắc Việt, chỉ còn lại mặt phía Tây, trách nhiệm của Công Trường 9 và mặt phía Nam trách nhiệm của Công Trường 7 (-), quân số của 2 Công Trường này đã hao hụt quá phần nửa. Vì thế, trong cuộc tấn công này, lực lượng Cộng quân chỉ còn có Công Trường 9 có mặt ở mặt phía Tây và Công Truờng 7 ở mặt phía Nam là có khả năng với tàn quân (khoảng ½ cán binh còn có thể tác chiến được mà thôi).

Đêm 18 tháng 5 năm 1972, Cộng quân cố gom tàn quân, cố gắng tấn công thêm một lần nữa để mừng ngày sinh nhật của Hồ Chí Minh (19-05), nhưng đã bị không quân chiến lược và chiến thuật dập tan từ trong trứng nước: 1 box B52 dập ngay từ điểm tập trung của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt tại vùng 3 cây số Do đó, các công trường 9 lần này bị kiệt quệ hoàn toàn về bộ binh cũng như về chiến xa yểm trợ, còn Công Trường 7 thì lực lượng đã tiêu hao trên phân nữa, nên đành âm thầm rút lui ra khỏi trận chiến .

Tổn thất đôi bên: tính từ lần tấn công thứ nhất đến lần tấn công thứ năm

Địch :

a/ Về Bộ Binh : Hai trung đoàn bộ binh của Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt + 2 Trung Đoàn của Công Trường Bình Long + 2 Trung Đoàn của Công Trường 9 Cộng + 2 Trung Đoàn của Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt và 1 Tiểu Đoàn Đặc công của Cục R bị loại khỏi vòng chiến, tổn thất đến 70% quân số,

b/ Về Thiết Giáp: Trung Đoàn chiến xa hỗn hợp T.54 và PT.76 + trung đoàn thiết giáp phòng không di động bị thiệt hại 80%, + hai vị trí pháo binh dã chiến 130 ly + 2 vị trí các dàn phóng hoả tiễn 122 và 107 ly bị B52 oanh tạc chôn vùi.

Chiếu theo một tài liệu của Hoa Kỳ được kiểm chứng, số cán binh CS có từ 35 đến 37 ngàn quân bộ chiến được tung vào chiến trận, ngoài ra sau những tổn thất của các đợt tấn công, Cộng quân còn được bồ sung thêm 15,000 quân, nâng tổng số quân bộ chiến của Cộng Sản Bắc Việt từ 50 đến 52 ngàn quân trong trận chiến tại Mặt Trận An Lộc nầy.

Bạn:

Trung Đoàn 8 + Trung Đoàn 7 thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà + Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân + Lực Lượng Tiểu Khu Bình Long: mổi đơn vị tổn thất khoảng 50% quân số, + Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù tổn thất khoảng 35% quân số, riêng chỉ có Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù là bị thiệt hại ít nhất, với 68/550 quân nhân các cấp, khoảng hơn 8%, toàn bộ Tiểu Đoàn 53 Pháo Binh + Pháo Đội Dù của Lữ Đoàn 1 Dù bị pháo của Cộng quân phá hủy.


2. BÌNH LUẬN, MẶT TRẬN AN LỘC SAU 5 ĐỢT TẤN CÔNG
(HƯỚNG ĐÔNG, TÂY, TẤY NAM, NAM, BẮC, TÂY BẮC)


A- Về chiến thuật:

Cộng quân áp dụng chiến thuật “Bịt Pháo Công Đồn” Pháo tiêu diệt Tiểu Đoàn 52 Pháo Binh của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đồn trú trong Thị Xã An Lộc và Pháo Đội Sơn Pháo Dù trên cao điểm Đồi Gió, có nghĩa là khi mở màn cuộc tấn công, phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà không còn pháo binh yểm trợ quân bạn. Để bù lại, Không Quân Chiến Thuật (trực thăng võ trang Cobra, oanh tạc cơ Phantom, Rồng Già AC.130 và Không Quân Chiến Lược B52 của Hoa Kỳ), đã tiêu diệt gần 2/3 quân số và chiến cụ của quân Cộng Sản Bắc Việt.

Cộng quân áp dụng chiến thuật “ Biển Người ” còn được gọi là nướng người của Võ Nguyên Giáp, tướng chỉ huy cả ba mặt trận của chiến dịch Đông Xuân (Mùa Hè Đỏ Lửa). Tướng Giáp đã sao y chiến thuật biển người của Trung Cộng trong trận Điện Biên Phủ 18 năm về trước (1954). Khi đó lực lượng Không Quân của Quân Đội Pháp còn chưa đủ hiệu quả để ngăn chận địch quân, các binh sĩ của Pháp và các sắc lính khác, còn chưa được trang bị đủ Tinh Thần, cũng như vũ khí còn thô sơ và không quen với lối đánh táo bạo biển người của quân Cộng Sản. Do đó Tướng thủ thành của Pháp là De Castries mới bị bắt sống. Còn đối với An Lộc năm 1972 mặc dù hoả lực pháo binh của Việt Nam Cộng Hoà bị khống chế, bởi đại pháo tầm xa 130 ly và hoả tiễn 122 ly +107 ly, bù lại có không quân Hoa Kỳ yểm trợ tối đa với các pháo đài bay B52 là loại khắc tinh của chiến thuật biển người. Phụ thêm vào đó các trực thăng võ trang Cobra có trang bị nhiều đại liên nồi tự động bắn liên hồi hàng trăm viên đạn trong 1 phút,các giàn phóng hỏa tiễn được tác xạ một cách rất là chính xác, và các Phantom F4, oanh tạc dội bom 500 cân Anh. Lợi hại nhất là các AC.130 có thiết trí đại bác 105 ly được điều chỉnh bằng radar (hồng ngoại tuyến) để diệt chiến xa địch,bách phát bách trúng, và một số đại liên 40 ly tự động đã gây kinh hoàng cho quân Cộng Sản Bắc Việt. Còn về các chiến sĩ phòng thủ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà thì đã quen với lối đánh này của quân Cộng Sản, nghĩa là khi bị pháo thì núp xuống hầm, khi vừa dứt tiếng pháo, thì chắc ăn như bắp là bộ binh địch đang theo đó mà tấn công vào. Như vậy là đứng lên để tác xạ, với đủ loại vũ khí tự động tối tân như súng trường M.16, đại liên M.60, và súng phóng lựu M.79, đặc biệt là súng chống chiến xa M.72 . Sau cùng là con chim đầu đàn, Tướng Lê Văn Hưng cùng tất cả các chiến hữu của các quân binh chủng tham chiến,kể cả dân trong thành phố An Lộc đã quyết tâm sống chết với quân thù.

Cộng quân còn áp dụng “nhị thức chiến xa và bộ binh” phối hợp để tấn công vào thành phố nhỏ hẹp An Lộc. Đây là lần đầu tiên quân Cộng Sản Bắc Việt xử dụng chiến xa trên chiến trường Miền Nam, nên giữa bộ binh tùng thiết và chiến xa không có sự đồng nhất phối hợp hổ tương cho nhau . Đặc biệt trong trận tấn công đầu tiên, vào ngày 13 tháng 04 năm 1972, khi bị lọt vào trận địa pháo của Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, Cộng quân mới nhận biết là An Lộc vẫn còn chống cự mãnh liệt, trái với nguồn tin của cấp chỉ huy mình là An Lộc đã được giải phóng .

B- Về quân số đôi bên vào thời điểm cao và đầy đủ:

1 Việt Nam Cộng Hoà (tử thủ) chống 6 Cộng Sản Bắc Việt.

Địch : 4 sư đoàn (công trường) 5, 7, 9 và Bình Long, khoảng 35 đến 37 ngàn cộng 15 ngàn quân số bổ sung thêm, tổng cộng khoảng 52 ngàn cán binh.

Bạn: Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà (-): Trung Đoàn 7, Trung Đoàn 8, Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, và khoảng 500 chiến sĩ còn lại của Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Chiến Đoàn 52 Sư Đoàn 18 Bộ Binh, lực lượng Tiểu Khu Bình Long, tổng cộng 8,650 chiến sĩ.

C- Yếu tố tâm lý: thật sự đóng một vai trò quan trọng trong mọi lãnh vực của đời sống con người và liên quan đến sự thành bại của một trận chiến.

Cộng quân đánh giá sai lầm về sức đề kháng chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Họ đã chiến đấu một cách dũng mãnh trong suốt các mặt trận từ trận Lộc Ninh đến trận Cầu Cần Lê đến mặt trận phía Bắc An Lộc của Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà .

Điểm tâm lý của Cộng quân lúc ban đầu, nghĩ rằng với chiến thuật tiền pháo (mưa pháo) hậu xung (biển người) cộng thêm hàng trăm chiến xa tối tân T.54 và PT.76 của Nga viện trợ, sẽ áp đảo được tinh thần và đánh tan được quân phòng thủ ngay trận đầu tay, vào sáng ngày 13 tháng 04 năm 1972. Nhưng trên thực tế thì trái ngược lại, vì một lỗi lầm quan trọng, không có sự phối hợp giữa bộ binh và chiến xa,

Để Chiến Xa di chuyển một mình, đưa lưng cho các tổ chống chiến xa của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, xử dụng súng phóng hỏa tiễn cầm tay M.72, dễ dàng bắn hạ . Từ chỗ đó, tinh thần sợ sệt chiến xa địch trong lòng các chiến sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà không còn nữa. Vả lại tinh thần ham muốn lùng và diệt tăng địch đã tức tốc gia tăng theo cường độ lũy tiến, trong hầu hết các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà đang tử thủ. Đó là một trong những nguyên nhân chánh yếu khiến cho quân xâm lăng Cộng Sản Bắc Việt phải chịu thảm bại trong trận chiến An Lộc nầy.

Điểm tâm lý của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà khi nhất quyết tử thủ dựa vào những nhận định như sau:

1- từ phía Nam còn có đoàn quân tiếp viện ngày càng đến gần điểm hẹn (toàn bộ Sư Đoàn 21 Bộ Binh và Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh của Quân Đoàn 4).

2- các lực lượng thiện chiến nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà như Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù còn đang đươc trực thăng vận đổ vào chiến trường, để cứu nguy và tiếp hơi lực lượng tử thủ.

3- trên vòm trời An Lộc cả ngày lẫn đêm đều có các trực thăng võ trang, các phản lực cơ tối tân Phantom F4, các AC.130, các pháo đài bay B52 của Không Lực Hoa Kỳ xuất hiện liên hồi, oanh kích và oanh tạc các đơn vị và vị trí pháo binh, cũng như các kho dự trữ đạn dược của Cộng quân.

4- trên bầu trời An Lộc vẫn còn nhận thấy những cánh hoa dù tiếp tế, tràn ngập lương thực vũ khí đạn dược và thuốc men. Có nghĩa là chiến đấu tử thủ không lẻ loi một mình, và sau cùng là nhận thấy cái gương hơn 1 triệu đồng bào Miền Bắc đã phải rời bỏ địa ngục trần gian để trốn chạy Cộng Sản vào Nam (hiệp định Genève năm 1954), và trận Tết Mậu Thân năm 1968. Cộng Sản đã sát hại và chôn sống hàng chục ngàn quân dân cán chính của Tỉnh Thừa Thiên (Cố Đô Huế của Việt Nam Cộng Hoà).

Bây giờ nếu để mất An Lộc thì Cộng quân sẽ tràn vào đến tận Thủ Đô Sài Gòn, và những vùng kế tiếp,trong đó có những gia đình của tất cả các chiến sĩ tử thủ cũng như của các chiến sĩ đang tăng cường tiếp viện. Một con số thiệt hại do sự tàn sát của chế độ Cộng Sản tại Miền Nam Việt Nam, sẽ còn gấp nhiêu lần hơn năm 1954 và 1968.

Từ Tướng Tư Lệnh Chiến Trường Nguyễn Văn Minh, Tướng Tư Lệnh Mặt Trận Lê Văn Hưng, cho đến các vị Lữ Đoàn Trưởng, Chiến Đoàn Trưởng, Liên Đoàn Trưởng, Trung Đoàn Trưởng, Tiểu Khu Trưởng, càc Sĩ Quan Tiểu Đoàn Trưởng, Đại Đội Trưởng, Liên Toán Trưởng, Trung Đội Trưởng, các cấp hạ sĩ quan Tiểu Đội Trưởng cho đến từng binh sĩ của các đơn vị tham chiến và toàn thể trên 8 ngàn dân chúng Tỉnh Bình Long, tất cả đều mang tâm tư quyết tâm tử thủ, không rút lui hay bỏ chạy dù rằng Cộng quân có giả vờ bỏ ngỏ phía Nam đi chăng nữa. Thà chết bây giờ chết vinh quang nơi trận chiến còn hơn phải chịu chết vì tủi nhục trong gông cùm hay bị chôn sống trong tương lai dưới chế độ sắt máu của quân thù Cộng Sản, nếu không may có tử trận nơi sa trường bây giờ, cũng là để đổi lấy tự do no ấm cho con cháu trong tương lai vậy.


CHƯƠNG 9
MẶT TRẬN QUỐC LỘ 13


NHỮNG TRẬN CHIẾN ĐẪM MÁU DỌC THEO QUỐC LỘ 13 :

• Trận Snoul:
từ ngày 24 tháng 04 năm 1971 đến ngày 31 tháng 05 năm 1971

• Trận Lộc Ninh:
từ ngày 04 tháng 04 năm 1972 đến ngày 07 tháng 04 năm 1972

• Trận Cầu Cần Lê:
từ ngày 07 đến 12 tháng 04 năm 1972

• Trận chiến đầu tiên trong thành phố An Lộc dọc theo Quốc Lộ 13 :
từ ngày 13 tháng 04 đến ngày 19 tháng 05 năm 1972

• Trận Suối Tàu Ô và Xa Cam :
từ ngày 07 tháng 04 đến ngày 08 tháng 06 năm 1972

1. TRẬN SNOUL
(24-04-1971 đến 31-05-1971)


Quốc Lộ 13 Việt Nam Cộng Hoà được tiếp nối với Quốc Lộ 7 (Cambodia) nối liền đến thị trấn Snoul, 25 cây số về hướng Bắc, bên ngoài lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà, kéo dài về phía Nam trong lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà ngang qua Căn Cứ Hoả Lực Hoa Lư qua Quận Lỵ Lộc Ninh, xuống đến căn cứ hoả lực Cầu Cần Lê xuyên qua Tỉnh Lỵ Tỉnh Bình Long, qua Xã Xa Cam, Xa Trạch, Xa Cát, Tân Khai, Tàu Ô, Quận Lỵ Chơn Thành, đến căn cứ Lai Khê, Quận Bến Cát, thuộc Tỉnh Bình Dương. (xem bản đồ số 9) .

Chiếu theo nhật ký của Bộ Tư Lệnh Hành quân, Quân Khu 3, về Trận Snoul, khởi phát vào ngày 24 tháng 04 đến ngày 31 tháng 05 năm 1971 giữa Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và Sư Đoàn 5 (Công Trường 5) Cộng Sản Bắc Việt .

Vào buổi giao thời lúc Cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí bị tử nạn phi cơ, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh được chỉ định làm Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III, Chiến Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà bị Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt vây hãm tại cứ điểm Snoul, chờ viện binh mãi không thấy, nên phải đột phá vòng vây, và về đến Lộc Ninh ngày 31 tháng 05 năm 1971, bị tổn thất nặng, về nhân mạng và chiến cụ.

Khi Tướng Minh được chỉ định thay thế cố Đại Tướng Trí , 2/3 lực lượng của Quân Khu III đang còn kẹt ở dọc trên Quốc Lộ 7 và ở phía Nam bờ sông Chu Long trong lãnh thổ Miên : Chủ lực : Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn gồm Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh do Đại Tá Trần Quang Khôi chỉ huy,Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân do Đại Tá Nguyễn Văn Dương chỉ huy + Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân do Đại Tá Phạm Văn Phúc chỉ huy + Liên Đoàn 3 Công Binh Chiến Đấu do Đại Tá Vũ Tiến Quang chỉ huy, đã tiến đến phía Nam bờ sông Chu Long, 25 cây số phía Nam Quận Lỵ Kratié chờ cho Sư Đoàn Dù (Việt Nam Cộng Hoà) trực thăng vận bọc hậu tấn công ngay vào đầu não của Trung Ương Cục MIền Nam (Cục R), vừa mới di chuyễn về từ vùng đồn điền cao su Mi Mốt, Katié cũng là điểm tiếp liệu hậu cần lớn nhất trong vùng, Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, do Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ Tư Lệnh Sư Đoàn, làm trừ bị tiếp ứng cấp thời khi cần, đang chực chờ dọc theo Quốc Lộ 7 (Miên), về phía Đông Bắc, tại Snoul có Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà do ĐạiTá Bùi Trạch Dzần chỉ huy, trú đóng theo thế bao vây địch thành một vòng cung từ tỉnh Kompong Chàm phía Tây bờ sông Mékong bọc vòng cung qua toàn vùng Chup, Đam Be, Mimot, Snoul, đến Kratié .

Đó là di sản của vị Tư Lệnh tiền nhiệm, Tướng Trí để lại cho Tướng Minh, không một lời dặn dò hay hướng dẫn những điểm nội tình bí ẩn như : a/.- việc một viên tướng Mỹ Tư Lệnh Phó của Lực Lượng 2 Dã Chiến Hoa Kỳ, đến tận bản doanh của Quân Đoàn 3 tại Biên Hoà, vào gặp Tướng Trí, khuyên Tướng Trí nên bỏ kế hoạch đổ bộ lên Kratié, nếu chịu rút quân về thì không quân Hoa Kỳ chiến thuật cũng như chiến lược và trực thăng sẽ yểm trợ, tản thương, cũng như tiếp tế đầy đủ xăng dầu cho đoàn cơ giới của Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh. Sau khi nghe tướng Mỹ nói như thế, Tướng Trí hỏi lại, vì sao trước đây Lực Lượng 2 Dã Chiến đã hứa sẽ cung cấp đủ trực thăng đổ quân và tiếp tế đủ cho cả một sư đoàn, bây giờ lại đổi ý, và ra điều kiện với tôi như vậy? Tướng Mỹ trả lời, chúng tôi có thể trả lời cho ông biết, chỉ vì lý do chính trị, chúng tôi không thể giải thích thêm gì được nữa. b/.- việc vào giờ phút chót Tổng Thống Thiệu ra lệnh điều động Sư Đoàn Dù (-) ra vùng hoả tuyến Quân Khu I, để tham gia vào cuộc hành quân Lam Sơn 719, c/,- ý định của Đại Tướng Trí sẽ dùng Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà thay thế Sư Đoàn Dù tiếp tục đổ bộ qua Kratié, v.v.... Tướng Minh không hề hay biết. Vì lẽ Cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí nhất định bắt cho bằng được các nhân vật đầu não Cục R, nên bàn tay lông lá nào đó đã ra lệnh phải triệt hạ Tướng Trí bằng cách cho nổ trực thăng. Tướng Trí chết không một lời trăn trối cho bất cứ một ai.

Khi Tướng Minh lên nắm quyền chỉ huy Quân Đoàn :

a.- Về uy tín đối với các tướng lãnh thuộc các quân binh chủng khác như Tư Lệnh Không Quân, chắc không nể vì như Đại Tướng Trí được, với lời hứa trước đây cho Đại Tướng Trí gom hết các trực thăng đổ quân và tản thương cỡ cấp sư đoàn và các Chi- nook để tiếp tế xăng dầu cho đoàn thiết kỵ hàng trăm chiếc của 3 Sư Đoàn Không Quân, tại Biên Hoà, Sư Đoàn 5 Không Quân tại Tân Sơn Nhất và Sư Đoàn 4 Không Quân tại Cần Thơ. Bây giờ thì chắc không còn được nữa.

b.- Đối với lực lượng 2 Dã Chiến Hoa Kỳ thì đã cho biết là sẽ không có trực thăng để giúp cho việc đổ quân cấp Sư Đoàn kể cả Chinook tiếp tế xăng dầu cho hàng trăm chiến xa M.41 và thiết vận xa M.113 nếu cứ tiếp tục tiến đến Kratié,và khi lâm trận thì sẽ không có hỏa lực của Không Quân Hoa Kỳ ( Chiến Thuật cũng như Chiến Lược ), còn nếu đồng ý rút quân trở về thì muốn thứ gì cũng có hết .

c.- Lòng quân phân tán

Đây là yếu tố tâm lý rất quan trọng cho sự thắng bại trên chiến trường. Thật vậy, từ khi nghe tin vị chủ soái tài ba là Trung Tướng Đỗ Cao Trí bị nổ trực thăng, tất cả các chiến sĩ trong đoàn quân vượt biên, nhất là các cấp chỉ huy đều có tâm trạng hoang mang, ý chí quyết chiến quyết thắng bị giảm sụt trầm trọng, có thể nói là mất đi hết nhuệ khí chiến thắng của lúc ban đầu.

Tóm lại, khi tổ chức một cuộc hành quân nào, dù lớn hay nhỏ, các yếu tố căn bản cần phải có là : a.- lòng quân phải được phấn chấn, nghĩa là phải có tư tưởng quyết chiến thắng, từ các chiến binh cho đến chủ soái, b.- phải có đủ phương tiện trực thăng đổ quân đủ cho cấp số dự trù, c.- khi đụng trận thì phải có hoả lực phi pháo yểm trợ đầy đủ, d.- Sau cùng là việc tiếp tế ( Đạn dược ,nhu yếu phẩm, nhiên liệu v..v..) . Tất cả các yếu tố nêu trên, đều không đạt được như sở cầu, của vị Tư Lệnh mới là Trung Tướng Nguyễn Văn Minh.

Buộc lòng Trung Tướng Minh, phải ra lệnh cho rút đoàn quân vượt biên trở về nội địa, để bảo toàn lực lượng của Quân Đoàn3/Quân Khu III.

Trở lại Chiến Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh tại Snoul :

Trong khi đang dồn hết tâm trí lo rút đoàn quân chính, từ bờ sông Chu Long đến các cánh quân dọc theo Quốc Lộ 7 (Cam- bodia), tướng Minh triệu hồi Tướng Hiếu, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa, nhờ lo nghiên cứu việc rút Chiến Đoàn 8 trở về nội địa càng sớm càng tốt, Tướng Hiếu trình bày, là cần phải có thêm một lực lượng ít nhất là một Chiến Đoàn cơ động, kéo lên tăng cường để yểm trợ về mặt ( Hỏa Lực) giúp cho Chiến Đoàn 8 rút lui trở về, như thế mới được an toàn. Tướng Minh hứa, khi Lữ Đoàn 3 Xung Kích về đến nội địa, Ông sẽ tăng phái cho Sư Sư Đoàn 5 Bộ Binh chỉ huy và thiết kế việc rút quân .

Sau khi rời khỏi Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Tướng Minh đang đặt tại Tây Ninh, vào ngày 23 tháng 05 năm 1971 Tướng Hiếu bay thẳng đến Snoul gặp Đại Tá Bùi Trạch Dzần để cho lệnh chuẩn bị thu các cánh quân cơ hữu tập trung chờ lệnh.

Lúc đó Lực Lượng Xung Kích còn đang giáp trận với địch tại Đam Be và mới vượt được vòng vây của địch, trở về đến căn cứ Thiện Ngôn thuộc tỉnh Tây Ninh vào sáng ngày 25 tháng 5 năm 1971.

Tướng Minh liền chỉ định Đại Tá Khôi, cùng lực lượng Biệt Động Quân tùng thiết, di chuyển tức thời đến An Lộc để đặt thuộc quyền sử dụng của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa. Trên thực tế, sau khi rút từ Đam Be về, thì lực lượng xung kích Quân Đoàn chỉ còn chừng 2 Thiết Đoàn và gần 2 Tiểu Đoàn Biệt Động Quân tùng thiết. Lệnh tăng phái, được giao cho Đại Tá Khôi đồng thời cũng được chuyễn đến Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh vào buổi trưa ngày 25 tháng 05 năm 1971. Giao toàn quyền điều động cho Tướng Hiếu kể từ giờ phút đó .

Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh Xung Kích cùng Biệt Động quân rời căn cứ Thiện Ngôn vào buổi trưa ngày 25 tháng 5 năm 1971, di chuyễn trên Quốc Lộ 22, đến Tây Ninh và dọc theo Quốc Lộ 1 xuống Củ Chi thuộc tỉnh Hậu Nghĩa rồi băng tắt đến Bình Dương, từ Bình Dương dọc theo Quốc Lộ 13 trở về hướng Bắc đến An Lộc, nơi điểm tiếp liệu và bản doanh của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, tiếp tục tiến về hướng Bắc theo Quốc Lộ 13 xuyên qua Quận Lộc Ninh, vượt qua ranh giới Việt Miên, tiếp nối Quốc Lộ 7 rồi đến Snoul..

Đoạn đường từ căn cứ Thiện Ngôn Tây Ninh đến cứ điểm Snoul, khoảng 250 cây số. Với tính cơ động của đoàn thiết giáp, chỉ cần di chuyển khoảng hai ngày đường .

Chỉ sau vài tiếng đồng hồ, kể từ khi nắm quyền điều động Lữ Đoàn 3 Xung kích, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa, bổng nhiên mất liên lạc với Lực Lượng của Lữ Đoàn 3 Xung Kích. Tướng Hiếu, liền điện báo sự việc mất liên lạc vô tuyến với đoàn Thiết Kỵ, về Quân Đoàn 3 .

Cùng lúc này, Chiến Đoàn 8 cũng báo cáo về cho Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh là địch đang xiết chặt vòng vây, pháo nhiều vào căn cứ hỏa lực Snoul, và Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa.

Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 tức tốc cho L.19 bay lên tìm đoàn chiến xa, dọc theo lộ trình di chuyển dự trù, từ Tây Ninh đến Bình Dương và An Lộc, nhưng vẫn không thấy. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 điện về Bộ Tổng Tham Mưu theo hệ thống SOS, Bộ Tổng Tham Mưu trả lời là không bắt được tần số nào của Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn 3.

Nỗ lực tìm kiếm Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh vẫn liên tục, và kéo dài cho đến trưa ngày 29 tháng 5 năm 1971, khi Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 cho L.19 lên vùng lùng kiếm, Lần này L.19 nhận được chỉ thị bay thấp để nhìn rõ những sự vật bên dưới. Khoảng 11 giờ trưa ngày 29 tháng 05 năm 1971, phi công phát hiện một chiến xa, lộ hình bên cạnh một cụm cây. Viên phi công liền lạng qua lạng lại nhiều lần, và báo cáo về Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3, cho biết đã tìm thấy đoàn xe tại một Ấp vùng quận Củ Chi.

Mãi đến khi thấy L.19 phát hiện, Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh mới mở máy, bắt liên lạc vô tuyến bình thường trở lại, với tất cả các đơn vị được ghi trong đặc lệnh truyền tin hiện hữu.

Quân Đoàn 3 tiếp tục theo dõi diễn tiến, và được biết, đến ngày 31 tháng 05 năm 1971, Lực Lượng Xung Kích mới lần mò vượt qua ranh giới Việt Miên, phía Bắc Lộc Ninh trên Quốc Lộ 13, khi vừa tiếp giáp Quốc Lộ 7 về hướng Snoul, gặp được đơn vị đầu quân của Chiến Đoàn 8, đã bị Cộng quân chặn đánh tơi tả từ mấy ngày qua .

Nói về Chiến Đoàn 8 bắt đầu ngày 25 tháng 05 năm 1971, chờ viện binh cho đến ngày 28 tháng 5, không thấy,trong lúc áp lực địch càng gia tăng đè nặng, nên Tướng Hiếu đành phải chấp thuận, theo lời yêu cầu của Đại Tá Dzần, cho rút lui với thành phần bộ binh cơ hữu của Chiến Đoàn.

Sau đó, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 cắt cử một phái đoàn điều tra hỗn hợp để biết rõ sự việc. Sau khi đọc biên bản điều tra, và tường trình của Đại Tá Khôi, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh, Trung tướng Minh nhận biết, sau trận Đam Be,( trên Quốc Lộ 7 Cambodia ), tinh thần chiến đấu của Đại Tá Khôi đã bị sụt giảm trầm trọng. Tuy nhiên, Đại Tá Khôi cũng là một quan tài giỏi, đã từng lập nhiều chiến công cho Quân Đoàn 3, thời Đại Tướng Đỗ Cao Trí. Cho nên Trung Tướng Minh không đành truy tố Đại Tá Khôi ra Toà Án Quân Sự Mặt Trận, mà chỉ áp dụng biện pháp kỹ luật cách chức Tư Lệnh Lữ Đoàn, và theo lời yêu cầu của Đại Tá Khôi, Tướng Minh chấp thuận cho ông ta đi ngoại quốc tu nghiệp về Thiết Giáp.

Tóm lại, di sản của cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí để lại cho Trung Tướng Nguyễn Văn Minh gồm có :

Tại vùng phía Tây hướng Bắc Quốc Lộ 7 (Cambodia) : 3 Trung Đoàn của Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đang bố trí quân dọc theo phía Tây Quốc Lộ 7 (Cambodia), Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn 3 gồm có Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh, Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân, Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, Liên Đoàn 3 Công Binh Chiến Đấu, đang tập trung phía Nam bờ sông Chu Long .

Hướng Đông Bắc có trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đang án ngữ tại vùng thị trấn Snoul. Tướng Minh phải chu toàn nhiệm vụ rút quân cả hai nơi phía Tây cho lệnh triệt thoái trước rồi đến phía Đông Bắc giao cho Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Hiếu toàn quyền điểu động Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn cho việc triệt thoái Trung Đoàn 8 Bộ Binh cơ hữu 11 tháng sau đó (từ ngày 31 tháng 05 năm 1971 đến ngày 04 tháng 04 năm 1972), cũng dọc theo Quốc Lộ 13, Cộng quân đã trực diện xua 4 Sư Đoàn, đa số là quân chính quy Bắc Việt cùng với xe tăng và trọng pháo 130 ly, ồ ạt tấn chiếm quận lỵ Lộc Ninh thuộc tỉnh Bình Long, thừa thắng xông lên tấn chiếm căn cứ hoả lực Cầu Cần Lê (bỏ trống), rồi đến bao vây An Lộc, thị trấn tỉnh Bình Long, thòng về phía Nam An Lộc dọc theo Quốc Lộ 13 một lực luợng cấp Sư Đoàn thiết lập các ổ phục kích, các chốt (kiền), các hầm hố sâu dưới đường rày xe lửa tại vùng Xa Cam và dọc theo suốt đoạn đường dài từ suối Tàu Ô đến Xa Cam, với mục đích bắt sống đoàn quân Việt Nam Cộng Hoà từ An Lộc tháo chạy về Bình Dương (nếu có ), chận viện quân Việt Nam Cộng Hoà, cắt đứt đường giao thông tiếp tế cho An Lộc, và khi cần thì dùng làn nỗ lực chính để tấn chiếm An Lộc .

Những trận đánh dọc theo Quốc Lộ 13 rất là khốc liệt, tại hai cứ điểm Suối Tầu Ô, 12 cây số Bắc quận Chơn Thành giữa các thành phần: Một Trung Đoàn quân chủ lực của Công Trường 7 và 1 Trung Đoàn Địa Phương Cộng Sản Bắc Việt, với Lữ Đoàn 1Dù và Trung Đoàn 43 của Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà (trong giai đoạn dầu), và với Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà (trong giai đoạn 2), cứ điểm thứ hai tại Xa Cam khoảng 4 cây số Nam An Lộc giữa 2 Trung Đoàn chủ lực của Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt với Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh, và Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà + Tiểu Đoàn 6 hỗn hợp Nhảy Dù (cả trên 3,000 quân).

MẶT TRẬN LỘC NINH,
MẶT TRẬN CẦU CẦN LÊ,
MẶT TRẬN TRONG THÀNH PHỐ AN LỘC DỌC THEO QUỐC LỘ 13.


(Đã trình bày ở đoạn trên)


2. MẶT TRẬN TẦU Ô VÀ XA CAM

Tại hai mặt trận này, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà trong thế công, và lực lượng Cộng quân ở thế thủ (khởi đầu vào ngày 07 tháng 04 năm 1972 và chấm dứt vào ngày 08 tháng 06 năm 1972).

Tương quan Lực Lượng đôi bên (giai đoạn 1)

Địch :

• Trung Đoàn 209 Công Trường.7, và 1 Trung Đoàn Địa Phương . Quân Cộng Sản Bắc Việt .

• Sư Đoàn 69 Pháo gồm 1 Trung Đoàn Pháo 130 ly, 1 Trung Đoàn Phóng Hoả Tiễn 122 ly và 107 ly, 1 Trung Đoàn Cơ Giới Phòng Không

Bạn :

• Trung Đoàn 43 Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà

• Thiết Đoàn 5 Chiến Xa M.41 và M.113

• Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù.

MẶT TRẬN SUỐI TẦU Ô
(12 cây số Bắc Quận Chơn Thành)

Trung Đoàn 43 Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà duy nhất còn lại trong tay vị tân Tư Lệnh Đại Tá Lê Minh Đảo, cùng Trung Tá Trần Bá Thành, Trung Đoàn Trưởng chỉ huy, được tăng cường Thiết Đoàn 5 Chiến Xa Hỗn Hợp M.41 và M.113 do Đại Tá Trương Hữu Đức chỉ huy, xuất quân khởi đầu từ căn cứ Lai Khê mở đường lên quận Chơn Thành, trong ngày đầu, chỉ bị cản trở bởi pháo binh tầm xa 130 ly của địch bắn chận, các đơn vị diện địa cấp nhỏ của Cộng quân bắn khuấy nhiễu như kiểu du kích tại vùng Bầu Bàng, bị các chiến binh Trung Đoàn 43 Bộ Binh và Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh rượt đuổi chạy lòn quanh các giao thông hào đã được đào sẵn từ mấy ngày trước. Cuối cùng, Trung Đoàn 43 Bộ Binh và Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh Việt Nam Cộng Hoà cũng đến được quận Chơn Thành vào chiều ngày 07 tháng 04 năm 1972, tạm hoàn tất khai thông trục lộ Quốc Lộ 13 từ Lai Khê đến quận Chơn Thành.

Tiếp qua ngày 08-04, Trung Đoàn 43 và Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh vượt quận Chơn Thành tiến về An Lộc, nhưng khi các đơn vị hỗn hợp Bộ Binh và Chiến Xa vừa đến con suối có tên là Suối Tầu Ô, thì bị chạm súng nặng với đơn vị cấp trung đoàn của Cộng quân có công sự phòng thủ hẳn hòi, và bị pháo tập rất nặng, buộc phải dừng lại bên nầy bờ suối, yêu cầu Pháo Binh tại Quận Chơn Thành bắn yểm trợ và Không Quân Việt Nam Cộng Hoà oanh kích, cuộc chạm trán kéo dài gần suốt ngày, lực lượng Việt Nam Cộng Hoà , không tiến lên được, bởi hàng loạt hầm hố kiên cố có nắp che pháo, chi chít khắp nơi trên hướng tiến của quân Việt Nam Cộng Hoà, loại hầm hố này của Cộng quân được gọi là chốt kiền . Sau vài đợt xung phong của các chiến binh Trung Đoàn 43 Bộ Binh, thây người ngã gục, máu người bắt đầu đổ dẩy dẫy trên gìòng suối cạn, và rồi, tin không lành đưa đến giữa lúc chiều gần tàn, Đại Tá Trưong Hữu Đức bị trúng đạn phòng không của Cộng quân đã tử trận, ngay trên trực thăng của Ông bay điều khiển đoàn cơ giới vượt qua suối đánh, bọc phá vỡ vài chốt kiền của Cộng quân. Cuộc tấn công phải khựng lại, và các Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 43 Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, sau 3 lần tấn công vào chốt địch có chiến xa và thiết vận xa bắn trực xạ vào những chốt của địch quân, cũng phải rút lui trở lại vì mỗi vùng chốt địch đều được bao trùm một trận địa pháo có toạ độ sẵn từ xa, khi được sự yêu cầu của cán bộ chỉ huy địch quân trên vùng trận địa đó, cho tới chiếu tối, các đơn vị bạn phải rời vùng cứ địa chốt, rút ra ngoài vòng pháo, với sự hao hụt khoảng 30% quân số, cần phải được bổ sung sau 2 ngày chiến đấu liên tục từ Lai Khê đến Tàu Ô.

Nhận được tin báo của Đại Tá Lê Minh Đảo, về tình hình chiến trận hiện hữu khó vượt qua được các chốt kiền chi chit trên trận địa rộng khoảng 1 cây số vuông xung quanh ấp Tầu Ô, và cái chết của Đại Tá Đức, Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 5 Hỗn Hợp, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 chấp thuận cho các đơn vị thu quân về phía Nam con suối để chờ bổ sung quân số, và nghiên cứu lại loại chốt kiền khúc mắc này.

3. THẾ NÀO LÀ CHỐT KIỀN ?
(xiềng chân cán binh bằng giây lòi tói sắt)

Chiếu theo lời một cán bộ trong một trại cải tạo, còn sống sót trong trận chiến Tầu Ô kể lại với các Chiến Sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, chốt kiền có những đặc tính như sau :

a.- Chốt kiền được đào theo hình tam giác có nắp che, rất kiên cố, nắp hầm đủ sức chịu đựng pháo 105 ly của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và đạn nổ chụp của pháo tầm xa 130 ly của quân Cộng Sản Bắc Việt. Cho nên khi Pháo 105 ly của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bắn dọn đường cho những trận xung phong, địch quân ở dưới hầm không bị sát hại, còn khi Quân Bạn Việt Nam Cộng Hoà vừa tràn được đến nắp hầm của chốt, là lập tức đạn pháo 130 ly nổ chụp trên đầu, nên bị thương vong rất nhiều trong giai đoạn sơ khởi,

b.- Công sự đào địa đạo cũng khác hơn chốt thường, mỗi hầm có thể chứa đến cấp tiểu đội, theo kiểu giao thông hào 2 lớp bắt thành hình tam giác (3 cạnh) để hổ tương từng trung đội (3 chốt) liên kết yểm trợ cho nhau bằng hoả lực bắn thẳng. Nếu bị pháo của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bắn sập một góc hầm nào đó thì ngay trung tâm của chốt cũng như các cán binh Cộng Sản ở hai mặt kia không bị thiệt hại.

c.- Hầu hết các tổ khinh binh ở dưới các hầm của các chốt kiền, đều bị xiềng chân với nhau từng tổ tam tam chế ba người.

Lữ Đoàn 1 Dù vừa được tăng phái cho Quân Đoàn 3/Quân Khu III được lệnh di chuyển đến quận Chơn Thành, và vượt đến chốt Tàu Ô cũng lâm vào trận chiến cùng với Trung Đoàn 43 của Sư Đoàn 18.

Lệnh của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III chỉ thị cho Lữ Đoàn 1 Dù cùng với Thiết Đoàn 5 Chiến Xa lên tuyến đầu thay thế cho Trung Đoàn 43 rút về bảo vệ an ninh truc lộ 13 từ Lai Khê đến quận Chơn Thành.

Tướng Minh ra lệnh cho Đại Tá Đảo bàn giao trận địa cho Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù do Đại Tá Lê Quang Lưỡng chỉ huy vừa mới được Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà tăng phái, điều nghiên tìm cách phá chốt kiền .

Đơn vị Lữ Đoàn 1 Dù và Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà do Đại Tá Lê Quang Lưỡng chỉ huy thống nhất, cùng với các vị Tiểu Đoàn Trưởng 5, 6, 8 bàn cách phá chốt kiền của địch. Lực Lượng Dù và Thiết Kỵ liền thay đổi chiến thuật, phân tán mỏng chia cắt bao vây vùng chốt địch. Ban ngày thì dùng đại bác của chiến xa M.41 và Không Quân oanh kích vào các chốt để công phá hầm hố của chốt khi nhận rõ vị trí, ban đêm thì cho từng toán khinh binh dùng lựu đạn bò sát vào các chốt kiền tấn công chớp nhoáng rồi rút đi nhanh để tránh pháo địch. Theo chiến thuật tấn công bất thần và rút đi nhanh ra khỏi tầm pháo địch của các chiến sĩ Dù đã tiêu diệt và khoá im rất nhiều chốt kiền của địch trên trận tuyến, và cứ như thế cho đến hết đêm 13 rạng ngày 14 tháng 04 năm 1972, lực lượng Dù nhận được lệnh rút ra khỏi vòng chiến,bàn giao trận địa lại cho Trung Đoàn 32 Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa, trở về quận Chơn Thành, tái bổ sung và chờ lệnh mới theo kế hoạch trực thăng vận đổ quân vào tiếp cứu cho An Lộc vào ngày 14 và 15 tháng 04 năm 1972. (20)

Chú Thích : (20) Nhật ký hành quân của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3/ Quân Khu III năm 1972 ghi về trận An Lộc

Mặt trận Suối Tàu Ô (giai đoạn 1) đến đây kể như được chấm dứt giữa 2 trung đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt và 2 đơn vị cấp Trung Đoàn của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà có thiết đoàn chiến xa yểm trợ.

Tổn thất đôi bên :

Địch : khoảng 15 vùng chốt kiền của địch bị khóa im tiếng súng có thể nói là bị tiêu diệt hoàn toàn (khoảng trên 500 cán binh bị chôn vùi dưới các chốt bị đánh sập).

Bạn : Trung Đoàn 43 Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà thiệt hạI 30 % quân số, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù thiệt hạI 10 % quân số, Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh : 5 Thiết Vận Xa + 2 M.41, và con chim đầu đàn Đại Tá Trương Hữu Đức cùng một số binh sĩ tử trận. (Xem bản đồ số 10)


4. BÌNH LUẬN

Quân Cộng Sản Bắc Việt trong thế thủ (đóng chốt), Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà ở trong thế công.

Trong giai đoạn đầu, quân Cộng Sản Bắc Việt có hai trung đoàn để đóng chốt. Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cũng chỉ có hai trung đoàn để nhổ chốt.

Trong giai đoạn hai, quân Cộng Sản Bắc Việt cũng vẫn hai trung đoàn. Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cũng có cùng một lực lượng tương đương.

Kết quả : chốt của quân Cộng Sản Bắc Việt bị bứng. Quân Lực Việt Nam Công Hoà đã xuyên qua được chốt Tàu Ô.

Có nghĩa là Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà ở thế công với cấp số hai trung đoàn mà vẫn thắng được quân Cộng Sản ở thế phòng ngự cũng hai trung đoàn.

Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà được lợi điểm là có chiến xa, pháo binh và Không quân yểm trợ, nhất là áp dụng chiến thuật xa luân chiến ( luân phiên nhau tấn công hay đột kích, có thay thế và bổ sung). Trái lại quân Cộng Sản thì bị chiến thuật xa luân chiến của Việt Nam Cộng Hoà tỉa hao mòn lần, không có bổ sung, nên rốt cục đành phải bị tiêu diệt .



TƯỚNG MINH THAY ĐỔI CHIẾN THUẬT ĐIỀU QUÂN

Sư Đoàn 21 Bộ Binh và Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Quân Đoàn 4 tham chiến bắt đầu ngày 14 tháng 04 năm 1972, và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù cũng có mặt tại Lai Khê vào sáng ngày 16 tháng 04 năm 1972.

Tương quan lực lượng đôi bên dọc theo Quốc Lộ 13 về phía Nam sau ngày 14 tháng 04 năm 1972 :

Địch : Sư Đoàn 7 (Công Trường 7) gồm có 3 Trung Đoàn 209, 141, 165 Bộ Binh Cộng Sản Bắc Việt + 1 Trung Đoàn Địa Phương, 1 Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 203 Chiến Xa Hỗn Hợp (T.54 và PT.76), Sư Đoàn Pháo 69 hỗn hợp gồm có Trung Đoàn Pháo 130 ly, Trung Đoàn phóng hoả tiễn 122 ly và 107 ly, và Trung Đoàn cơ giới phòng không di động.

Bạn : Sư Đoàn 21 Bộ Binh gồm 3 Trung Đoàn 31, 32, 33 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh, Thiết Đoàn 5 của Quân Đoàn 3 + Thiết Đoàn 9 của Sư Đoàn 21 Bộ Binh Quân Đoàn 4 (Thiết Vận Xa M.113),Thiết Đoàn Thiết Vận Xa của Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh, Tiểu Đoàn 21 Pháo Binh và Tiểu Đoàn 21 Công Binh Chiến Đấu Việt Nam Cộng Hoà.

Sau khi nghiên cứu tình hình, và trận thế tại chiến trường An Lộc và Tàu Ô cũng như tình trạng gia tăng chiến sự trong toàn lãnh thổ Quân Khu III, nhất là tại hai quận Trị Tâm và Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, nơi trước đây Trung Đoàn 8 và Trung Đoàn 7

Bộ Binh Sư Đoàn 5 Việt Nam Cộng Hoà rút đi để tăng cường cho chiến trường An Lộc vào trung tuần tháng 04 năm 1972, tại mỗi nơi được thay thế bằng 1 Tiểu Đoàn Địa Phuơng Quân của Tiểu Khu Bình Dương, hoàn toàn không có lực lượng quân chủ lực trừ bị cho hai hành lang xâm nhập cũa Cộng quân xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà từ vùng Mỏ Vẹt (vùng giáp ranh lãnh thổ của Miên ăn sâu vào Việt Nam Cộng Hoà cận kề bên tỉnh Bình Dương và Hậu Nghĩa của Việt Nam Cộng Hoà). Tướng Minh và Bộ Tham Mưu duyệt lại kế sách tái phối trí việc phòng thủ lãnh thổ và quân tăng viện cấp thời cho mặt trận An Lộc cho hợp với tình hình hiện tại, nhất là khi toàn thể Sư Đoàn 21 và Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh vừa mới được đặt thuộc quyền sử dụng của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III theo thứ tự ưu tiên như sau:

Ưu tiên 1: Trực thăng vận Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù vào tăng cường cho chiến trường An Lộc.

Ưu tiên 2: Trực thăng vận và điều động Sư Đoàn 21 Bộ Binh và Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà vào vòng chiến để khai thông đường tiếp tế và tản thương cho mặt trận An Lộc dọc theo phía Nam Quốc Lộ 13 từ Nam lên Bắc.

Ưu tiên 3: Rút lực lượng của Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà (chỉ còn lại 4 Tiểu Đoàn) làm lực lượng chủ lực trừ bị cho lãnh thổ Quân Khu III đặc biệt là Tiểu Khu Bình Dương.

Chiếu theo thứ tự ưu tiên kể trên, Không Đoàn 43 Trực Thăng của Sư Đoàn 3 Không Quân căn cứ tại Biên Hoà, lãnh lệnh thi hành một cách rất là thành công và kịp lúc, mặc dầu cũng đã có nhiều anh em trong Không Đoàn phải hy sinh trong lúc thi hành nhiệm vụ đầy gian lao này, dưới áp lực phòng không dường như dày đặc của Cộng quân trên khắp mọi nơi dọc theo hai bên Quốc Lộ 13 từ quận Chơn Thành đến An Lộc. Vui cười, phẫn nộ, khóc thương, … hàng ngày đều có xảy ra cho các chiến sĩ Không Quân gan lì của Không Đoàn 43 Trực Thăng này.

Về ưu tiên 1: Không Đoàn 43 Trực Thăng thuộc Sư Đoàn 3 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà, được sự yểm trợ và phối hợp của Đại Đội Trực Thăng số 362 của Hoa Kỳ cùng các trực thăng võ trang có bố trí đại liên và các giàn phóng hoả tiễn yểm trợ đã thành công gần như hoàn mỹ việc đổ Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù vào 2 ngày 14 và 15 tháng 04 năm 1972 và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù vào ngày 16 tháng 04 năm 1972 rất kịp thời và kịp lúc để cứu nguy An Lộc.

Về ưu tiên 2: Không Đoàn 43 Trực Thăng kể trên, sau đó tiếp tục trực thăng vận Trung Đoàn 31 Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà do Đại Tá Nguyễn Văn Kiểm, Trung Đoàn Trưởng chỉ huy, và 1 Đại Đội của Tiểu Đoàn 21 Công Binh Chiến Đấu lên vùng Tân Khai (12 cây số Nam An Lộc và 8 cây số Bắc Tàu Ô, dọc theo Quốc Lộ 13) để thiết lập căn cứ hoả lực dã chiến làm đầu cầu hoả lực yểm trợ cho đoàn quân tăng viện và diệt chốt, đang từ phía Nam tiến dần lên, và bảo vệ cho tuyến phòng thủ của lực lượng Dù ở phía Nam An Lộc, tiếp theo đổ Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh do Trung Tá Nguyễn Viết Cần chỉ huy, xuống Tân Khai dùng làm bàn đạp tiến lần về hướng An Lộc, Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 15 + Đại Đội Trinh Sát + Tiểu Đoàn 1 Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh. Trong khi đó Trung Đoàn 32 Sư Đoàn 21 Bộ Binh do Đại Tá Nguyễn Văn Biết, Trung Đoàn Trưởng chỉ huy, di chuyển bằng đường bộ, từ Lai Khê càn ngang qua chốt địch, Bầu Bàng (Bắc Lai Khê 7 cây số), quận Chơn Thành rồi đến Tàu Ô (12 cây số Bắc Chơn Thành).

Về ưu tiên 3: Lực lượng Trung Đoàn 43 của Sư Đoàn 18 Bộ Binh đang trấn giữ đoạn đường từ Lai Khê lên Chơn Thành, từ khi Sư Đoàn 21 Bộ Binh và Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà vào trận chiến, đã mở rộng vùng hoạt động trên Quốc Lộ 13. Các đơn vị Cộng quân núp dưới các giao thông hào, gần như bị dẹp tan vào lúc ban ngày, xe cộ, chiến xa và quân lính thường xuyên di chuyển lên xuống tương đối an toàn, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 tăng cường thêm cho Trung Đoàn 43 Bộ Binh một lực lượng Thiết Giáp, Thiết Đoàn 5 (-) Thiết Vận Xa M.113 của Quân Đoàn 3, rút về từ mặt trận suối Tàu Ô, để thành một Chiến Đoàn lưu động trừ bị có Thiết Vận Xa yểm trợ, sẵn sàng tiếp ứng cho các đơn vị Địa Phương Quân trong vùng diện địa lãnh thổ Quân Khu III (đặc biệt chú trọng vào 2 quận Trị Tâm và Phú Giáo tỉnh Bình Dương).

Chiến Đoàn 43 lưu động này có gần 2,000 chiến sĩ kể cả 30 Thiết Vận Xa M.113 của Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh (-) Việt Nam Cộng Hoà.

Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà gồm có 3 Trung Đoàn Bộ Binh - Trung Đoàn 31 Bộ Binh do Đại Tá Nguyễn Văn Kiểm (giai đoạn đầu), Trung Tá Nguyễn Văn Xuân (giai đoạn sau) Trung Đoàn Trưởng chỉ huy, Trung Đoàn 32 Bộ Binh do Đại Tá Nguyễn Văn Biết, Trung Đoàn Trưởng chỉ huy (giai đoạn đầu), Trung Tá Đoàn Cư (giai đoạn sau), Trung Đoàn 33 Bộ Binh do Trung Tá Nguyễn Viết Cẩn, Trung Đoàn Trưởng chỉ huy (Trung Tá Cần bị trúng đạn pháo của Cộng quân tử trận tại 4 cây số về hướng Bắc Tân Khai, trong thời gian điều động Trung Đoàn 33 Bộ Binh rời căn cứ hoã lực Tân Khai để tiến về hướng An Lộc, vị Trung Đoàn Phó lên thay thế để tiếp tục chỉ huy Trung Đoàn). Và Bộ Chỉ Huy Hành Quân (hay Trung Tâm Hành Quân) Sư Đoàn 21 Bộ Binh đặt căn cứ tại Lai Khê (vị trí của Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà) Thiếu Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, là vị Sĩ Quan cao cấp sau Tướng Minh có mặt tại mặt trận, chỉ huy toàn bộ Sư Đoàn 21 Bộ Binh và các đơn vị cơ hữu theo quan niệm điều quân của Quân Đoàn 3 do Tướng Minh chỉ huy. Cho đến ngày 12 tháng 05 năm 1972 thì được công điện của Phủ Tổng Thống cằt cử lên làm Tư Lệnh Quân Đoàn 4/Quân Khu IV, thay thế Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, được điều động ra nắm chức Tư Lệnh Quân Đoàn 1/Quân Khu I, thay thế Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm. Sư Đoàn 21 Bộ Binh được bàn giao lại cho Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu, nguyên Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Nhảy Dù. Lễ bàn giao Sư Đoàn 21 Bộ Binh cho Tướng Hậu,được diễn ra trong ngày 14 tháng 05 năm 1972 tại Lai Khê, và lễ bàn giao chức Tư Lệnh Quân Đoàn 4 giữa 2 vị Cựu và Tân Tư Lệnh, được hoàn tầt trong ngày 15 tháng 05 năm 1972 tại Cần Thơ..

MẶT TRẬN PHÍA NAM DỌC THEO QUỐC LỘ 13 (GIAI ĐOẠN 2)

Sau khi toàn bộ Trung Đoàn 31 Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà an toàn đặt chân đến vùng Tân Khai (12 cây số Nam An Lộc), Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3, cho thiết lập ngay một căn cứ hoả lực dã chiến với 1 Pháo Đội của Tiểu Đoàn 21 Pháo Binh gồm có 6 khẩu pháo 105 ly và hàng ngàn quả đạn cũng như xe ủi đất, được các trực thăng Chinook câu đến, làm đầu cầu yểm trợ cho đoàn quân phía Nam tiến về An Lộc .

Việc thiết lập căn cứ hoả lực dã chiến tại Tân Khai của Trung Đoàn 31 Bộ Binh cũng như việc thiết lập căn cứ hoả lực dã chiến tại Đồi Gió trước đây của Lữ Đoàn Dù, cũng là kế hoạch mới dựa theo nhu cầu chiến trận của phía Việt Nam Cộng Hoà, không có ghi trong bản điều nghiên chiến trận của địch, đã tạo cho địch một vần đề nan giải, vì không còn lực lượng hay thành phần nào, đủ sức để nhổ căn cứ Tân Khai như Đồi Gió nữa. Và căn cứ hoả lực Tân Khai nầy, vẫn còn chễm chệ đứng vững cho đền ngày tàn của trận chiến, khi toàn thể Sư Đoàn 21 Bộ Binh được hoàn trả về cho Quân Đoàn 4 (đầu tháng 08 năm 1972).

Tại mặt trận Suối Tàu Ô, trước khi quân Dù và quân của Trung Đoàn 43 Bộ Binh và Thiết Đoàn 5 Thiết Kỵ Việt Nam Cộng Hoà rút đi, hai đoàn quân này đã gây cho lực lượng Cộng quân hao tổn gần 2 tiểu đoàn bộ binh đóng chốt. Số còn lại thì ăn bom và đạn xuyên phá của Pháo Binh Việt Nam Cộng Hoà hàng ngày, cán binh của địch không được điền khuyết, cứ tiếp tục hao hụt, đâm ra mất tinh thần, muốn rời bỏ chốt mà chạy. Sau này, khi lực lượng của Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, khi đã ủi xong hết các chốt ở vùng Suối Tàu Ô, lục soát trong các chốt, phát hiện những chiếc lòi tói, còn xích liền dưới cườm chân trên thân xác của mỗi tổ 3 cán binh thành một chùm (kiền – xích liền chân với nhau).

Sau khi căn cứ hoả lực Tân Khai được thiết lập, và vùng chốt địch tại Suối Tàu Ô bị 2 Trung Đoàn 31 và 32 của Sư Đoàn 21 Bộ Binh từ 2 mặt Bắc Nam có Thiết Đoàn 9 hỗn hợp Chiến Xa M.41 còn chừa lại của Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh Quân Đoàn 3 và khoảng 60 chiếc M.113 cơ hữu yểm trợ đánh ép mạnh, một lực lượng khác gồm 2 Tiểu Đoàn 2 và 3 còn lại của Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà lãnh nhiệm vụ tùng thiết Thiết Đoàn 9 Thiết Vận Xa của Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh cơ hữu, di chuyển bằng đường bộ ép về phía Đông (tay phải) Quốc Lộ 13 tính từ Nam lên Bắc đánh bật thêm một số chốt nữa để càn vượt qua chặng suối Tàu Ô, tiến đến Tân Khai bắt tay với Bộ Chỉ Huy của Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh, đã từng được trực thăng vận đổ xuống trận địa vài ngày trước đó.

Cuộc giằng co giữa hai Trung Đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt và 2 Trung Đoàn của Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà có phi pháo yểm trợ, tại mặt trận suối Tàu Ô kéo dài đến đêm 18 tháng 05 năm 1972 cùng lúc lực lượng Cộng quân tập trung toàn diện nỗ lực (bộ binh, chiến xa, pháo binh ), tấn công cố dứt điểm An Lộc.

9 giờ tối đêm 18 tháng 05, một đơn vị của Trung Đoàn 32 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà bất thình lình đánh tan nhiều chốt địch trên vùng Suối Tàu Ô, mà không bị pháo tập trên nắp hầm, không giống như trước đây đã gặp phải, nên 2 vị Trung Đoàn Trưởng 2 Trung Đoàn 31 và 32, Đại Tá Kiểm và Đại Tá Biết hội ý chia nhau dùng bộ binh và thiết vận xa M.113 tấn công chia cắt tràn ngập toàn diện các chốt kiền trên toàn vùng Suối Tàu Ô, chiều ngày hôm sau 19 tháng 05 năm 1972, lực lượng Sư Đoàn 21 Bộ Binh, càn quét xong đến cái chốt cuối cùng, nơi đặt bản doanh của Trung Đoàn 209 Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt, là ngày đánh dấu dứt điểm được chốt kiền tại Suối Tàu Ô, khai thông luôn đoạn đường từ Quận Chơn Thành đến Tân Khai dài 23 cây số, với nhiều thiệt hại máu xương của đôi bên.

Tạm tổng kết thiệt hại đôi bên tại Mặt Trận Suối Tàu Ô như sau :

Địch: 90% cán binh của 2 Trung Đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt bị tiêu diệt (khoảng 2430 cán binh tử vong).

Bạn: Trung Đoàn 43 Sư Đoàn 18 Bộ Binh, Lữ Đoàn 1 Dù, Trung Đoàn 31 Sư Đoàn 21 BB, Trung Đoàn 32 Sư Đoàn 21 Bộ Binh, Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh, Thiết Đoàn 5 của Quân Đoàn 3 và Thiết Đoàn 9 của Quân Đoàn 4 Việt Nam Cộng Hoà tổn thất nhân mạng 30% (1850 Chiến Sĩ hy sinh), + 10 chiến xa M.41 và 20 Thiết Vận Xa M.113 bị hư hại.

Sau khi 2 Trung Đoàn 31 và 32 của Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà bứng xong chốt Suối Tàu Ô, tiếp tục chia quân giữ an ninh đoạn đường dài 40 cây số từ căn cứ Lai Khê về đến căn cứ hoả lực Tân Khai.

CHƯƠNG 10
HẦM VÀ CHỐT XA CAM


Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà sau khi được đổ quân xuống Tân Khai, nhận được lệnh của Quân Đoàn 3, tiếp tục tiến lên để thu ngắn đoạn đường 12 cây số còn lạ hướng về An Lộc, khi rời khỏi Tân Khai 5 cây số về hướng Đông Bắc,Tiểu Đoàn đi đầu của Trung Đoài 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh chạm súng nặng với một đơn vị Cộng quân cấp Trung Đoàn, Cộng quân có pháo 130 ly và hoả tiễn cũng như chiến xa PT.76 yểm trợ. Trung Tá Nguyễn Viết Cần, điều động 2 tiểu đoàn còn lạI lên tiếp ứng, tại căn cứ hoả lực Tân Khai, khai pháo yểm trợ không ngừng. Cuộc quần thảo với quân Cộng Sản Bắc Việt bất phân thắng bại, kéo dài đến chiều tối ngày 21 tháng 05 năm 1972, Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh, buộc phải dừng lại, và Trung Tá Cần ra lệnh cho các đơn vị phải bố trí, đào hầm hố dã chiến phòng thủ qua đêm, đồng thời yêu cầu pháo binh tại căn cứ hoả lực Tân Khai thiết lập sơ đồ pháo tập tiên liệu để yểm trợ khi bị địch tấn công (ưu tiên 1) và những toạ độ khác bắn khuấy phá vài tràng định kỳ, tập trung sâu trong lòng địch.

Khi biết được vị trí của đơn vị Việt Nam Cộng Hoà, ở phía Nam trong khu rừng gần Xa Cam, Cộng quân liền nã trên 500 quả đạn 130 ly và hoả tiển 122 ly, pháo tập, ngay vào vị trí đóng quân của Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh, và đã gây tử thương cho vị Trung Đoàn Trưởng tài ba Nguyễn Viết Cần ngay trong đêm đó (khoảng 10 giờ đêm ngày 21 tháng 05 năm 1972). Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh, bị địch bao vây và cầm chân tại vị trí đó.

Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 sau khi nhận được tin Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh bị địch cầm chân và vị Trung Đoàn Trưởng trúng pháo tử vong, liền ra lệnh cho Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh đợi khi 2 Tiểu Đoàn còn lại của Chiến Đoàn, tùng thiết cho Thiết Đoàn 9 Kỵ Binh đến căn cứ hoả lực Tân Khai xong vào ngày 23 tháng 05 năm 1972, để lại căn cứ hỏa lực Tân Khai,1 Tiểu Đoàn và 1 Chi Đoàn Thiết Vận Xa, ủi ụ phòng thủ, do vị Trung Đoàn Phó Nguyễn Ánh Lê chỉ huy tổng quát, còn lại Chiến Đoàn 15 Bộ Binh (-) gồm 2 Tiểu Đoàn Bộ Binh và Đại Đội Trinh Sát 9, do đích thân Trung Tá Chiến Đoàn Trưởng Hồ Ngọc Cẩn chỉ huy, tức tốc trực chỉ đến tiếp ứng cho Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh vào sáng sớm ngày 24 tháng 05 năm 1972. Trung Tá Cẩn di chuyển quân, nương theo khu rừng phía Tây Quốc Lộ 13 gần đến 6 cây số hướng về An Lộc và chuyển hướng ép về phải, vượt qua Quốc Lộ 13 và đổi về phía Đông từ mặt Bắc đánh xuống hướng Nam, có nghĩa là từ phía sau lưng địch đánh tới, đột phá vòng vây cho Trung Đoàn 33 còn đang mắc kẹt tại đây, 2 mặt giáp công, lực lượng Cộng quân có PT.76 yểm trợ, rút lui trở về khu đồn điền Xa Cam để lại trên 150 xác tại trận địa và 2 PT.76 bị các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà bắn hạ. Sau khi giải vây cho Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh,cả hai đơn vị bung ra lục soát và giữ an ninh bãi đáp cho đoàn trực thăng Việt Mỹ tản thương các chiến sĩ của quân bạn trong đó có xác của vị Trung Đoàn Trưởng Nguyễn Viết Cần còn đang được trùm kín trong chiếc poncho từ mấy ngày qua.

Tản thương và chỉnh đốn lại hàng ngũ, Chiến Đoàn 15 (-) và Trung Đoàn 3, hỗ tương di chuyển hai bên Quốc Lộ 13 tiến dần lên phía An Lộc, cho đến khi hai đơn vị của Việt Nam Cộng Hoà chiếm được bìa rừng phía Nam Xa Cam (6 cây số Nam An Lộc) thì chạm trán ngay với các chốt của Cộng quân đã đào sẵn chi chit bên trong rừng cây cao su dày đặc, mặc dù được Pháo 105 ly từ căn cứ hoả lực Tân Khai bắn yểm trợ, cùng các trực thăng võ trang Cobra của Mỹ và hàng chục phi tuần phản lực của Không Lực Hoa Kỳ oanh tạc vào đội hình quân địch. Chiến Đoàn 15 phải tạt qua cánh trái Quốc Lộ để đào hầm hố phòng thủ song song bên phải là Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Cả 2 đơn vị luôn bị pháo 130 ly và hoả tiễn 122 ly địch bắn chặn, khó có thể tiến hơn dù rằng chỉ vài trăm thước phía trước.

Đoạn đường còn lại 6 cây số từ Xa Cam đến An Lộc thật là khó nuốt, ở giữa Xa Cam trong khoảng rừng cao su, 4 cây số Nam An Lộc, Cộng quân có đào một hầm khá rộng và sâu bên dưới đường rày xe lửa, xung quanh hầm chỉ huy này còn có nhiều chốt và giao thông hào chằng chịt yểm trợ hỗ tương lẫn nhau rất chặt chẽ. Đó là chốt cấp Trung Đoàn (Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 165 chính quy của Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt), cùng được sự trợ lực của Trung Đoàn 141 Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt trấn thủ, chặn quân tăng viện. Cái chốt tai hại này đã cầm quân Chiến Đoàn 15 và trung Đoàn 33 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà do vị Thiếu Tá Trung Đoàn Phó nắm quyền chỉ huy Trung Đoàn Trưởng không thể nào vượt qua được, mặc dù các Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà đã nhiều lần tấn công hay đột kích để diệt chốt, nhưng đều phải trả một giá rất đắt cho mỗi lần tấn công. Quân số lần hồi hao hụt mà không bổ sung được bởi các khẩu đại liên phòng không được đặt trên các thiết giáp cơ giới di động của Cộng Quân và các súng hoả tiễn SA.7 đã khống chế các trực thăng tiếp tế hay tản thương không còn đáp xuống được nữa.

Chiến Đoàn 15 (-) đào hầm hố cố thủ bên cánh trái và Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà phòng thủ song song bên cánh phải, tản quân rộng dài ra để tránh pháo địch. Lay hoay tại chỗ gần một tuần liên tiếp, về việc tiếp tế đạn dược, lương khô và thuốc men đểu được các C.123 của Sư Đoàn 5 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà xuất phát từ căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất Sài Gòn thả dù xuống. Đa số đồ tiếp tế, cả hai đơn vị đều nhận được tương đối đầy đủ, còn các thương binh thì phải đành băng bó tạm để nằm tại chỗ, không tản thương được.

Toán mật mã tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn bắt được tần số liên lạc và xác định được vị trí của 2 đơn vị Cộng quân. Bộ Chỉ Huy Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt vùng 7 cây số Tây Nam An Lộc và Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 165, ẩn trú dưới các hầm rất kiên cố tại vùng 4 cây số Nam An Lộc.

Toán chuyên viên Việt Mỹ đặc trách về B.52, cho tọa độ kể cả tính chất mục tiêu, đã yêu cầu 2 lần liên tiếp vào ngày 20 tháng 05 và 22 tháng 05 năm 1972, nhưng phía Hoa Kỳ đều không thoả mãn yêu cầu của phía Việt Nam Cộng Hoà, cứ lờ đi, cũng không giải thích lý do không thực hiện. Toán chuyên viên đặc trách về B.52 liền trình sự việc lên cho Tướng Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn.

Đây là lần thứ ba phía cố vấn Hoa Kỳ của Quân Đoàn 3 từ chối không cần giải thích với phía Việt Nam Cộng Hoà. Lần đầu vào ngày 18 tháng 04 năm 1972, tọa độ thả bom là vùng phi trường Quản Lợi, tính chất mục tiêu là Bộ Chỉ Huy đầu não của Cộng quân (Cục R) + hầu hết thành phần của Chính Phủ Bù Nhìn Mặt Trận Giải Phóng MIền Nam + 2 Trung Đoàn Bộ Binh quân Cộng Sản Bắc Việt. Lần thứ nhì và thứ ba vào 2 ngày 20 và 22 tháng 05 năm 1972 tọa độ vùng 7 cây số Tây Nam và vùng 4 cây số Nam An Lộc, tính chất mục tiêu là hầm chỉ huy của Bộ Tư Lệnh Công Trường 7 và hầm chỉ huy của Trung Đoàn 165 Công Trường 7 đặt dưới đường rày xe lửa dọc theo Quốc Lộ 13, được thiết kế kiên cố có thể chống được Pháo và bom thường của Không Quân Việt Mỹ.

Việc phía Hoa Kỳ từ chối oanh tạc bằng B.52, đã kéo dài thêm chiến trận, đúng ra đã được kết thúc từ ngày 18 tháng 04 năm 1972, nhưng đã để kéo dài thêm chiến trận, khiến cho hàng ngàn binh sĩ và dân chúng Việt Nam Cộng Hoà cũng như các cán binh Cộng Sản Bắc Việt phải đổ xương máu, qua các trận Đồi Gió , trận tấn công An Lộc lần thứ ba (19-04-1972), trận tấn công lần thứ tư (10-05-1972), trận đánh chốt Suối Tàu Ô và cuộc tấn công lần thứ năm (18-05-1972) và sau cùng trận Xa Cam (kéo dài từ 13 tháng 05 đến ngày 08 tháng 06 năm 1972). (xem bản đồ số 11)

1. TƯỚNG MINH HỌP THAM MƯU TÌM CÁCH CÔNG PHÁ CHỐT XA CAM

Theo ước tính của những chuyên viên công binh, và các giới chức Không Quân Việt Nam Cộng Hoà, nếu muốn đánh sập và tiêu diệt các hầm và chốt nầy, chỉ có hai cách là dùng B.52 trải thảm bom hoặc thả bom CBU (loại bom nổ tạo áp suất cao, có thể tiêu diệt con người vẫn còn nguyên vẹn nhờ áp suất của bom tạo ra và hầm càng sâu dưới lòng đất sự công phá của loại bom này càng mãnh liệt hơn nhiều lần).

Về khả năng dùng B.52 thì kể như không có, chỉ còn trông chờ vào khả năng của Không Quân Việt Nam Cộng Hoà mà thôi !

Một buổi họp kín giữa Trung Tướng Nguyên Văn Minh và vài chức cao cấp của Bộ Tư Lệnh Không Quân, Chuẩn Tướng Huỳnh Bá Tính, Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà, Đại Tá Nguyễn Văn Tường (Tường Mực), Tư lệnh Phó Sư đòan 3 Không quân, Tướng Minh đem việc Chiến Đoàn 15 và Trung Đoàn 33 Bộ Binh còn đang bị kẹt tại khu rừng 6 cây số Nam An Lộc, gặp phải lực lượng Cộng quân cấp 2 trung đoàn chính quy của Công Trường 7 kháng cự rất mãnh liệt, và bị cầm chân tại chỗ, đã gần 1 tuần qua, và sự tổn thất do pháo địch càng ngày càng lên cao, các đơn vị bạn không thể vượt qua được cái chốt có hầm đào sâu dưới đường rày xe lửa, và các chốt nổi xung quanh vùng Xa Cam, dưới sự yểm trợ rất đắc lực của pháo và hoả tiễn địch, địa điểm chốt đã được toán mật mã xác định được rõ ràng : Muốn khai thông đoạn đường 6 cây số còn lại thì trước tiên Bộ Binh của quân Bạn, phải vượt qua được cái chướng ngại duy nhất còn lại nầy .Cần Không Quân đánh bom, san bằng hay tiêu diệt địch đang ẩn trú dưới các hầm kiên cố đó. Dùng B.52 để san bằng thì đã 2 lần vẽ Box, nhưng phía Hoa Kỳ đã ra mặt từ chối hẳn, chỉ còn lại giải pháp, là phải dùng loại bom CBU để tiêu diệt bọn chúng mà thôi !

Tướng Minh tâm sự :

- Như các Anh Em đã biết, lực lượng đang tử thủ bên trong An Lộc đang chờ Amh Em chúng ta đến tiếp ứng từng giờ từng phút, còn lực lượng tăng viện của chúng ta, đã tiến đến gần mục tiêu An Lộc, chỉ còn cách có 6 cây số, nhưng không vượt qua nổi cái hầm chốt Xa Cam này, mặc dù lực lượng của Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh và Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh đã cố gắng bứng chốt nhiều lần trong suốt 2, 3 ngày đầu nhưng vẫn chưa bứng nổi và còn bị tổn thất khá nhiều. Hầm chốt Xa Cam này, còn khó hơn cái chốt ở Suối Tàu Ô khi trước, nên tôi phải nhờ đến mấy Anh Em Không Quân giúp cho ý kiến, để làm sao phá được chốt địch. Ý tôi muốn hỏi là có loại bom nào thích hợp như bom CBU chẳng hạn, cũng như loại phi cơ nào có thể dùng thả bom ngay vào hầm của địch, để giúp cho Bộ Binh của chúng ta có cơ hội vượt qua được cái chốt đó hay không !!

Tướng Minh tiếp : Ba cái trở ngại lớn nhất của chúng ta hiện giờ, là làm sao xoá bỏ thoả ước về lằn ranh yểm trợ hỏa lực cho chiến trường giữa Không Quân Việt Nam và Không Quân Mỹ, nếu không khéo, thì người bạn đồng minh của chúng ta lại nại cớ này lý do nọ mà phủi tay ra đi, rồi không có yểm trợ gì nữa hết, trong khi Anh Em ở An Lộc ngày đêm đang cần đến Không Quân Hoa Kỳ yểm trợ. Đó là vấn nạn thứ nhất. Vấn nạn thứ hai là làm sao có loại bom CBU (Không Lực Việt Nam Cộng Hoà có loại bom đó hay không) ? Vấn nạn thứ ba là loại phi cơ nào mới có thể thả bom CBU được ?

Sau khi Tướng Minh dứt lời, Tướng Tính quay qua hội ý với Đại Tá Tường, và giải đáp mọi thắc mắc, gỡ rối các vấn nạn mà Tướng Minh vừa mới nêu lên như sau:

- Kính thưa Trung Tướng, giải pháp đánh chốt có hầm sâu bằng B.52 là hay và tiện lợi nhất trong mọi giải pháp khác, nhưng rất tiếc người bạn đồng minh của mình, đã nhất quyết không giúp, thật là đáng buồn cho tình nghĩa đồng minh… Bây giờ người ta (Không Lực Mỹ) không làm, thì mình làm bằng Không Lực của Sư Đoàn 3 Không Quân cơ hữu của mình, cũng có thể chơi vài trái CBU ( cỡ nhỏ )ngay trên hầm địch để san bằng giết hết tụi nó, đang có mặt dưới hầm hay các giao thông hào kế cận, tôi còn được biết, các phản lực cơ Hoa Kỳ, sau 6 giờ chiều là phải rời vùng trách nhiệm bay trở về căn cứ xuất phát, (các Hàng Không Mẫu Hạm đang đậu ngoài khơi phía Đông Nam biển Nam Hải) ,nghĩa là chúng ta cứ âm thầm hành động theo kế hoạch riêng của Việt Nam mình, không cần cho Mỹ biết làm gì, cho họ kiểu cách và kiếm chuyện này nọ, và dù phía Mỹ có biết được sau này, chúng nó cũng không trách gì mình được. Mình ném CBU bằng Skyraider AD.6 của Sư Đoàn 3 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà sau 6 giờ chiều là ổn thoả nhất.

Và Tướng Tính giới thiệu Đại Tá Tường, Tư Lệnh Phó kiêm Không Đoàn Trưởng Khu Trục và Phản Lực Không Đoàn 3 Việt Nam Cộng Hoà hiện diện, trình bày tiếp.

Đại Tá Tường cho biết hiện nay, trong kho bom của Sư Đoàn 3 Không Quân nếu ông nhớ không lầm thì vẫn còn 5, 7 quả CBU( cỡ nhỏ ) có ngòi nổ đầy đủ, Mỹ đã phát trừ bị cho ông còn chưa xử dụng, còn loại phi cơ nào thả bom CBU thì phản lực cơ A.37 hay phi cơ cánh quạt AD.6 (Skyraider) loại nào thả cũng được hết, nếu dùng phản lực cơ bay nhanh hơn, nhưng lại đôi khi sai lạc mục tiêu chút đỉnh, không được trúng phóc ngay trên hầm chốt, còn Skyraider AD.6 thì có tốc độ kém hơn phản lực cơ, nhưng nó có cái ưu điểm là có thế bay sát gần mục tiêu để ném bom chính xác vào mục tiêu hơn …

Cuộc họp được kết thúc trong bầu không khí cởi mở và đầy niềm tin hy vọng, sau cùng, Tướng Minh quyết định cho phá hầm và chốt Xa Cam bằng bom CBU do các Skyraider AD6 (cánh quạt) của Không Quân Việt Nam Cộng Hoà vào ngày N.

2. KẾ HOẠCH ĐỔ QUÂN TIỂU ĐOÀN 6 NHẢY DÙ
LÀM NỖ LỰC CHÍNH ĐÁNH CHỐT XA CAM
KÈM THEO ĐOÀN QUÂN BỔ SUNG
CHO CÁC ĐƠN VỊ ĐANG CÓ MẶT TRÊN QUỐC LỘ 13
VÀ CÁC ĐƠN VỊ ĐANG TỬ THỦ TẠI AN LỘC


Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù bị thiệt hại khá nặng tại căn cứ Đồi Gió, 2 Đại Đội được rút vào sát nhập với Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 1 bên trong Thị Xã An Lộc, 3 Đại Đội khác do Trung Tá Nguyẽn Văn Đĩnh, Tiểu Đoàn Trưởng vượt phá vòng vây về hướng Tây Nam, và được trực thăng của Không Quân Việt Nam Cộng Hoà bốc về Lai Khê, vào chiều ngày 20 tháng 04 năm 1972, quân số còn lại của 3 Đại Đội chỉ còn có trên 100 chiến sĩ mà thôi. Sau đó được hậu cứ Sư Đoàn Dù bổ sung tại chỗ quân số lên đến 600, tái tổ chức, và tiếp tục đặt dưới quyền xử dụng của Quân Đoàn 3, để liên kết với đơn vị Mẹ ( Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù đang còn chiến đấu trong An Lộc ) .

Quyết Định ngày N được Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 và Bộ Tư lệnh Sư Đoàn 3 Không Quân ấn định được tuần tự diễn tiến như sau :

a.- Trực Thăng Vận 600 chiến binh Dù và 2,200 chiến sĩ của các quân binh chủng khác vào tăng cường cho chiến trận An Lộc và các đơn vị bạn, dọc trên Quốc Lộ 13 tại vùng căn cứ hoả lực Tân Khai, vào 2 ngày 06 và 07 tháng 06 năm 1972 gồm : Tiểu Đoàn 6 Dù 600 quân, quân bổ sung cho Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh + Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh, để đủ khả năng cùng với Tiểu Đoàn 6 Dù đi tiên phong, dứt điểm chốt Xa Cam, một số chiến binh khác, cho theo bên cạnh Tiểu Đoàn 6 Dù cả trên 1,000 quân, để bổ sung cho các đơn vị Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù và Lữ Đoàn 1 Dù, đang tử thủ tại An Lộc ( kể từ ngày khởi diễn trận chiến 13 tháng 04 năm 1972 cho đến nay chưa được bổ sung ) .

Như vậy, mũi dùi tấn công vào chốt Xa Cam lần này, ở ngay tuyến đầu với Tiểu Đoàn 6 Dù có khoảng 1 Trung Đoàn chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà gồm cả Nhảy Dù, Biệt Cách Dù, Biệt Động Quân, và Bộ Binh. Mỗi đơn vị tháp tùng theo Tiểu Đoàn 6 Dù đều có cắt cử một sĩ quan điểu động đơn vị trực thuộc của đơn vị mình dưới sự chỉ huy thống nhất của Trung Tá Nghuyễ văn Đĩnh, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù. Trung Tá Đĩnh được chỉ thị và sự khích lệ của Tướng Minh : sau khi chạm đất, thống nhất chỉ huy đoàn quân 2,200 chiến sĩ, lập tức di chuyển đến tiếp xúc với Chiến Đoàn 15 (-) của Trung Tá Cẩn và Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh đang án ngữ hai bên Quốc Lộ 13, 6 cây số Bắc Tân Khai và giao các chiến binh bổ sung cho hai đơn vị này, xong rồi di chuyển tiếp lên tuyến đầu cách chốt Xa Cam vào khoảng 1 cây số dừng lại và chờ lệnh dứt điểm chốt Xa Cam, sau khì các khu trục cơ AD.6 thả CBU, dự trù sau 18 giờ 30 ngày 07 tháng 06 năm 1972.

Tại phi trường Biên Hoà, hai phi tuần khu trục A.37 yểm trợ cho 4 khu trục cơ AD.6 mang 4 quả bom CBU được lệnh cất cánh vào lúc 18 giờ 15 chiều ngày 07 tháng 06 năm 1972 trực chỉ Xa Cam.

18 giờ 30 ngày 07 tháng 06 năm 1972,hai phi tuần A.37 bay trước oanh kích dọn đường cho 4 Skyraider AD.6 tiếp nối theo sau thả liền 4 trái CBU ngay trên địa điểm Hẫm chốt Xa Cam, gây ra 4 tiếng nổ lớn, san bằng tiêu diệt một vùng gần 1 cây số đường bán kính xung quanh.

Sau đợt thả bom CBU chấm dứt, chiếc trực thăng C&C của Tướng Minh trên vùng trời Xa Cam, báo cho Tiểu Đoàn 6 Dù, khởi phát cuộc tấn công lên hướng Bắc, đoàn quân tràn qua nhiều hầm hố đầy xác Cộng quân còn nguyên vẹn, vì sức ép của CBU đã gây ra những cái chết như thế. Đoàn quân của Tiểu Đoàn 6 Dù tiếp tục tiến lên, và khám phá ra được một hầm rộng trên 300 thuớc vuông sâu dưới mặt đất, cở 3 thước dưới đường rầy xe lửa, với trên 200 xác chết của cán binh Cộng Sản, trong đó có xác của một sĩ quan mang cấp bậc thượng tá, cùng các máy truyền tin của cấp trung đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt.

Đến đây, trời cũng vừa tối, Trung Tá Đĩnh ra lệnh cho Tiểu Đoàn 6 Dù và các đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà tháp tùng theo Tiểu Đoàn 6 Dù, lục soát và chiếm cứ các hầm hố của Cộng quân để phòng ngự qua đêm, đồng thời gọi căn cứ hoả lực Tân Khai thiết trí sơ đồ hoả tập pháo binh, để yểm trợ phòng ngừa khi địch phản công.

Tiếp đến qua sáng ngày 08 tháng 06 năm 1972, các đon vị Việt Nam Cộng Hoà chỉ còn cách An Lộc khoảng 4 cây số . Kể như chốt Xa Cam đã bị bứng đi.

Tiếp tục tiến lên dưới sự kháng cự cầm chừng của vài chốt còn lại, cuối cùng khi còn cách An Lộc khoảng 2 cây số về hướng Nam, đơn vị đi đầu bắt được liên lạc bằng tiếng súng hiệu và cuối cùng bằng thủ lệnh của các chiến binh thuộc Tiểu Đoàn 8 Dù đang trấn đóng vùng phía Nam An Lộc.

Trung Tá Nguyễn Văn Đĩnh Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 6 Dù và Trung Tá Trần Thiện Tuyển Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 8 Dù, anh em cùng trường Mẹ Võ Bị Đà Lạt, ôm chầm lấy nhau mà lòng khấp khởi vui mừng sau bao ngày chinh chiến thập tự nhất sinh.

Tiếng reo hò mừng vui vang dậy, giữa các chiến sĩ Dù và đoàn quân bổ sung, tay bắt mặt mừng ôm chầm lấy nhau.

Tin Tiểu Đoàn 6 Dù và Tiểu Đoàn 8 Dù bắt tay được với nhau, đã khai thông nốt đoạn đường Quốc Lộ 13 từ An Lộc đến Lai Khê (Bình Dương), qua 3 cửa ải chốt chận Xa Cam, Suối Tàu Ô và Bầu Bàng . Trung Tá Đĩnh gọi trình tức thời, cho vị Tư Lệnh Quân Đoàn, đang bay theo dõi và khích lệ đoàn quân giải tỏa, trên vòm trời Xa Cam, và sau đó Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Tướng Hưng tại An Lộc và cả Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Quân Đoàn ở Lai Khê đều nghe nhận được trên tần số truyền tin .

Tướng Minh thở phào nhẹ nhõm, và gọi gởi lời khen ngợi Trung Tá Đĩnh cùng toàn thể các chiến sĩ Tiểu Đoàn 6 Dù cũng như các chiến sĩ tháp tùng. Tướng Minh nói với Trung Tá Đĩnh : Tiểu Đoàn 6 Dù đã phục hận được trận Đồi Gió trước đây (xảy ra vào ngày 19 tháng 04 năm 1972), tôi sẽ đề nghị cho Anh lên Đại Tá đặc cách mặt trận để thưởng công …

Tiểu Đoàn 6 Dù và các chiến sĩ của Chiến Đoàn 15 (-) và Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh sau cùng đã càn quét các chốt địch và các đơn vị phòng không của địch quân dọc trên đoạn đường dài 6 cây số về phía Nam An Lộc để bảo đảm an toàn cho đoàn trực thăng 45 chiếc bay vào tản thương hàng ngàn binh sĩ và dân chúng đang nằm la liệt tại các đỊa điểm tản thương trong Tiểu Khu Bình Long và dọc theo Quốc Lộ 13 về phía Nam .

Tin Tiểu Đoàn 6 Dù bắt tay được với Tiểu Đoàn 8 Dù tại vùng 2 cây số phía Nam An Lộc, tin Chiến Đoàn 15 và Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh sau cùng đã càn quét được các chốt địch và các đơn vị phòng không của địch quân dọc trên đoạn đường dài 6 cây số về phía Nam An Lộc, để bảo đảm an toàn cho đoàn trực thăng 45 chiếc HU1D bay vào tản thương hàng ngàn binh sĩ và dân chúng ra khỏi An Lộc sau hơn 2 tháng bị Cộng quân bao vây về đến Tổng Y Viện Cộng Hoà và các bệnh viện quân dân sự ở các Tỉnh Bình Dương và Biên Hoà, tin giải tỏa và tản thương, được loan truyền đi rất nhanh ...

Khi trực thăng của Tướng Minh vừa đáp xuống phi trường Lai Khê, thì hầu hết các sĩ quan cao cấp thuộc Bộ Tham Mưu Hành Quân Quân Đoàn đều có mặt tại sân bay, để đón mừng vị Tư Lệnh Quân Đoàn, vừa mang được kết quả từ mặt trận trở về. Và khi vừa vào đến bản doanh Bộ Tư Lệnh Hành Quân Quân Đoàn, Tướng Minh liền gọi điện báo trình với Đại Tướng Cao Văn Viên. Câu nói đầu tiên của Tướng Minh là ca tụng Lực Lượng Dù (Tiểu Đoàn 6 Dù). Đại Tướng Viên cũng rất hài lòng về tin tức mới nhất này, và vội trình lên Đại Tướng Khiêm, Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng, và Tổng Thống Thiệu ngay sau đó.

Qua ngày hôm sau (ngày 09 tháng 06 năm 1972), một cuộc họp báo được tổ chức tại Lai Khê. Tướng Minh tuyên bố : Cuộc chiến được xem như kết thúc, mặc dù Cộng quân vẫn còn cố gắng pháo kích vào thành phố, nhưng với cường độ nhẹ. Việc tiếp tế và tản thương không còn gặp trở ngại, mặc dù pháo của Cộng quân vẫn còn bắn cầm chừng, khi thấy trực thăng đáp xuống, các đơn vị bạn đang mở rộng vòng đai hoạt động, tiến chiếm lại những cao địa xung quanh An Lộc như Đồi Đồng Long, Đồi 100, v.v... Toàn bộ 4 Công Trường ( Sư Đoàn ) quân chủ lực Cộng Sản Bắc Việt đã bị kiệt quệ, và đã âm thầm rút lui khỏi trận chiến. Chúng tôi ca ngợi tinh thần kiên trì, can đảm, chịu đựng rất nhiều thử thách, đầy gian nan khổ cực, của tất cả các đơn vị tử thủ, cũng như tham chiến, từ binh sĩ cho đến các cấp chỉ huy. Chúng tôi cũng kính cẩn nghiêng mình trước Anh Linh của khoảng trên 3,000 chiến sĩ các cấp trực thuộc các Quân Binh Chủng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã vĩnh viễn giã từ đồng đội, vì Đại Nghĩa Quốc Gia Dân Tộc và trên 5,000 thường dân vô tội của Tỉnh Bình Long đã bị chôn vùi dưới các trận mưa pháo của Cộng quân, đã sát cánh bên cạnh các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà, chỉ vì muốn được sống có TỰ DO DÂN CHỦ, và cầu chúc cho hàng chục ngàn Quân Cán Chính chẳng may bị thương tích trong trận chiến, đang nằm điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hoà và tại các bệnh viện quân dân sự thuộc lãnh thổ Quân Khu III và bệnh viện 3 dã chiến của Hoa Kỳ, sớm được bình phục và sớm được xum họp với gia đình.

Tôi cũng vừa nhận được lệnh của vị Tổng Tư Lệnh Quân Đội, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, đặc cách cho mỗi quân nhân tử thủ, mỗi người được lên một cấp bậc.

Trong dịp này, để trả lời một số câu hỏi của báo chí trong và ngoài nước, Tướng Minh phát biểu như sau : Trận chiến An Lộc đã được tượng hình từ năm 1971, sau những cuộc hành quân Toàn Thắng 71 Quân Khu III của cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí, trong đó Đại Tướng Trí có dự định đổ quân lên Kratié (một quận lỵ phía Bắc của nước Cambodia) nơi đặt bản doanh đầu não của Cục R (Trung Ương Cục Miền Nam) để càn quét và tiêu diệt sào huyệt này của Cộng quân. Nhưng sau đó Đại Tướng Trí chẳng may bị nổ trực thăng đền xong nợ nước, và tôi được thượng cấp chỉ định thay thế người tiền nhiệm tài ba và đầy lòng yêu nước đó.

Trong cái thế chẳng đặng đừng, có thể nói rõ nghĩa hơn là dù trong bụng muốn tiếp tục giữ đúng như kế hoạch của Đại Tướng Trí đã đề ra chăng nữa, nhưng kiểm điểm lại với tình huống thực tại lúc bấy giờ, tôi không làm gì hơn được, và buộc phải có quyết định rút quân, một lực lượng cơ hữu trên phân nữa thực lực của Quân Đoàn 3 lúc bấy giờ, đang còn trên lãnh thổ Cambodia trở về nội địa Việt Nam Cộng Hoà, để bảo toàn lực lượng, vì theo tin tình báo cao cấp, tôi được biết sau trận thảm bại Tết Mậu Thân, Cộng quân vẫn tiếp tục nuôi mưu đồ tấn chiếm nước Việt Nam Cộng Hoà của chúng ta, hàng đoàn xe, hàng chục ngàn tấn thực phẩm, nhiên liệu, đạn dược ngày đêm không ngừng nghỉ được chuyên chở hay di chuyển vào Nam trên suốt dọc đường mòn Hố Chí Minh. Và cuộc rút đoàn quân từ ngoại biên trở về đến nội địa lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà được hoàn tất vào cuối tháng 05 năm 1971.

Việc rút đoàn quân trên 2 Sư Đoàn về đến nội địa để chỉnh đốn hàng ngũ, vừa kịp lúc. Nhờ vậy mà khi quân Cộng Sản Bắc Việt mở cuộc tấn công vào nội địa thuộc lãnh thổ Quân Khu III vào ngày 05 tháng 04 năm 1972, phần lớn lực lượng từ ngoại biên này trở về nội địa, như hai Trung Đoàn 52 và 43 của Sư Đoàn 18 Bộ Binh, Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, Trung Đoàn 8 của Sư Đoàn 5 Bộ Binh, 2 Thiết Đoàn 1 và 5 của Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh Việt Nam Cộng Hoà, đã trở thành những thành phần nồng cốt, tương đối đủ khả năng cấp thời để ngăn chặn đà tấn công của 4 Công Trường (Sư Đoàn) quân Cộng Sản Bắc Việt, vào mùa hè đỏ lửa.(tháng 04 năm 1972).

Nói về cuộc rút quân từ chiến trường ngoại biên trở về nội địa Việt Nam Cộng Hoà vào năm 1971, rút quân khi địch quân được thông tin biết truớc, và cuộc phòng thủ tại mặt trận An Lộc vào năm 1972, phòng thủ để chống trả với một lực lượng địch đông hơn quân bạn gấp 6 lần và chiếm ưu thế về Thiết Giáp và Pháo Binh, là những sự kiện đã gây cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc nhất trong cuộc đời binh nghiệp của riêng tôi.

Trận chiến Quốc Lộ 13 kể như được chấm dứt vào ngày 08 tháng 06 năm 1972, với sự thiệt hại của đôi bên như sau :

ĐỊCH: Sư Đoàn (Công Trường) 7 Cộng Sản Bắc Việt + Trung Đoàn Địa Phương, thiệt hại 80% quân số bộ chiến; Tiểu Đoàn Chiến Xa của Trung Đoàn Chiến Xa 203 + Trung Đoàn Cơ Động Phòng Không + Sư Đoàn Pháo 130 ly và các Trung Đoàn phóng hoả tiễn 122 ly và 107 ly bị Không Quân Hoa Kỳ tiêu diệt 70%.

BẠN :

Giai Đoạn 1 : Trung Đoàn 48 Sư Đoàn 18 Bộ Binh + Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù bị thiệt hại 30% quân số.

Giai Đoạn 2 : Sư Đoàn 21 BB & Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 bị thiệt hại 40% quân số.

Giai Đoạn 3 : (sau cùng, khai thông) Tiểu Đoàn 6 Dù & Trung Đoàn hỗn hợp bổ sung bị thiệt hại 5% quân số. Thiết Đoàn 15 (hỗn hợp M.41 & M.113 Quân Đoàn 3) + Thiết Đoàn 21 M.113 Quân Đoàn 4 + Thiết Đoàn M.113 Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Quân Đoàn 4, bị thiệt hại 1/3 chiến xa M.41 và M.113.
(Xem bản đồ số 12)






1- TÌNH QUÂN DÂN NHƯ CÁ VỚI NƯỚC

Theo tổ chức của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, mỗi đơn vị tác chiến ở cấp Trung Đoàn, Lữ Đoàn, Chiến Đoàn đều có 1 Đại Đội Quân Y, có một bác sĩ Quân Y và nhiều Y Tá đi theo đơn vị hành quân ra mặt trận. Có nghĩa là tại mỗi mặt Đông, Tây, Nam, Bắc đều có một hay hai vị Quân Y Sĩ và nhiều toán cứu thương. Hãy đọc một đoạn trích ngắn trong bản phụ đính của Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường trong tác phẩm “Trung Đoàn 8 Bộ Binh tại An Lộc” như sau (có thể xem như là tiêu biểu cho cả 4 mặt Đông, Tây, Nam, Bắc về vần đề Y Tế và chung sự) ;

Ngay khi địch ngưng tấn công, việc đầu tiên Trung Đoàn 8 cần phải giải quyết gấp là di tản thương binh và thường dân bị thương nặng về Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn, để Bác Sĩ Quân Y Trung Đoàn chăm sóc, kế đó là gom hết tất cả các xác chết đồng đội, thường dân và cả xác của Việt Cộng bỏ lại chiến trường, chôn để tránh mùi hôi thối do xác chết xông lên.

Kiểm tra tình trạng quân số và thương binh thì từ ngày 13 tháng 4, khi bắt đầu nhập cuộc chiến đến ngày hôm nay, tổn thất thương vong của các tiểu đoàn lên đến gần phân nửa. Số người tử thương thì đã giải quyết chôn ngay tại chỗ, số bị thương thì tồn đọng rất nhiều, vì ngày nào cũng có nhiều thương binh nhưng không tản thương được. Do đó, Quân Y tạm thời giải quyết : số người bị thương nhẹ còn đi đứng được thì sau khi băng bó xong cho trở về đơn vị cũ, cầm súng tiếp tục chiến đấu trở lại. Do đó, có người bị thương 2 hoặc 3 hay nhiều lần. Có người lần trước bị thương nhẹ, lần sau bị thương nặng. Cũng có những thương binh nhẹ sau đó lại tử thương. Còn những thương binh nặng thì để nằm đó chờ tản thương, sống thoi thóp, rồi có người mòn mỏi chết dần



Đại Đội 52 Quân Y báo cáo trong khu vực của Trung Đoàn 8 BB còn có cả ngàn Quân Nhân và thường dân bị thương nặng chờ tản thương, nằm chật cả một dãy phố trên đại lộ Hoàng Hôn. Những người còn lành mạnh thì rất mệt mỏi và gầy ốm vì phải chiến đấu hết ngày này sang ngày khác, không thì giờ nghỉ ngơi, thiếu ngủ, thiếu ăn, tinh thần lúc nào cũng bị căng thẳng, sinh mạng không biết chết lúc nào. Lại nữa, mùi hôi thối từ những xác chết rất khó thở. Ruồi lằn sinh sản nhanh kinh khủng. Nước không đủ uống, lấy đâu mà tắm giặt, dơ bẩn, khó chịu, nhưng họ cũng phải ráng chịu. Phấn đấu sống để mà chiến đấu, để bảo vệ Quê Hương và Dân Tộc không lọt vao tay Cộng Sàn.

Còn về tình hình dân sự của Bệnh Viện Tiểu Khu Bình Long xin trích “Nhật Ký An Lộc” của Bác Sĩ Nguyễn Văn Qúi trong Chương “Địa Nguc Trần Gian” từ trang 199 đến 218.

2.- ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN

Tôi đã cắt mấy cẳng chân nát bấy. Xuơng vỡ ra nhiều mảnh vụn. Thịt da tơi tả trông như miếng giẻ rách, bầy nhầy lẫn lộn đất cát và mấy sợi gân trắng hếu. Tôi thấy không tài nào giữ được những cẳng chân ấy. Chiếc cưa dây Gigli tôi dùng đi dùng lại nhiều lần, giờ đây không chịu nổi nữa. Tôi kéo cưa được mấy cái là đứt tung ra, văng cả máu lên mặt. Trong tủ y cụ tôi chỉ còn có hai sợi chót. Sau khi thay, tôi chỉ còn một sợi độc nhất để dành. Sợi dây cưa Gigli rất dễ sử dụng. Cưa mau lại đỡ mệt hơn cưa tay thường. Tôi phục người nào đó đã sáng chế ra sợi dây cưa này. Tiện lợi vô cùng, vì nó chỉ là những sợi dây thép gồ ghề soắn lại với nhau nên luồn lách chỗ nào cũng được.

Trong tình trạng hiện tại, tôi quí sợi dây cưa này lắm, nó giúp tôi làm việc mau lẹ còn dành thì giờ mổ nhiều người khác. Thiếu nó thì những trường hợp thiết đoạn tứ chi tôi đành bó tay. Tôi cố gắng làm việc cho thật nhanh để thương binh khỏi phải chờ đợi và nhất là tránh phơi mình lâu ở chỗ không an toàn.

Mọi nghi thức trong phòng mổ đều được giản dị hoá đến mức tối thiểu. Chúng tôi chỉ cần một đôi găng tay. Mọi người trong toán mổ đều mặc áo giáp, đầu đội nón sắt để thay thế áo choàng mổ. Có như vậy chúng tôi mới yên lòng làm việc vì bên ngoài Việt Cộng vẫn pháo tới đều đều.

Máy phát điện đã bị pháo kích hư từ đêm hôm qua. Tôi phải mở rộng cửa sổ để có đủ ánh sáng làm việc. Chiếc bàn mổ phải luôn luôn xoay ngang, xoay dọc, lộn đẩu lộn đuôi tùy thuộc nơi mổ là ngực, bụng, đầu hay chân tay để có đủ ánh sáng mặt trời rọi vào chỗ mổ. Phòng hấp ngưng hoạt động vì không còn điện nữa. Các dụng cụ giải phẫu đều được khử trùng bằng cách đốt bằng rượu cồn hay ngâm rửa trong nước sà bông gọi là surgical soap.

Mặc áo giáp mổ vừa nặng vừa nóng. Trong phòng mổ kín mít, không máy lạnh, chỉ có một cái cửa sổ thông hơi nên đứng một lúc mà mồ hôi vã ra như tắm. Tôi bị mất nước nhiều quá thành ra mau mệt. Nước bây giờ quý hơn vàng, khó kiếm ra. Phòng mổ bây giờ không còn một giọt nước. Những khăn mổ đã dùng rồi, dính máu không có nước giặt được chị Huyền gom lại vứt thành đống sau phòng trực y tá. Ngay đến nuớc rửa vết thương còn không có lấy nước đâu ra giặt đồ.


Ngay những ngày đầu của cuộc chiến, tôi đã tiên liệu tình trạng này. Nhưng tôi thực không ngờ trận đánh kéo dài mãi không dứt và hình như hiện giờ mới chỉ là khởi đầu. Tuần trước tôi đã ra lệnh cho Thượng Sĩ Lý chỉ huy các nhân viên phòng mổ thu gom tất cả các chai nuơc biển đã dùng rồi, đổ đầy nươc vào, đem đi hấp để dự trữ hàng giẫy dài mấy trăm chai dọc theo tường phòng mổ.

Mặc dù chúng tôi dùng rất dè sẻn, chỉ để rửa các vết thương, số nước đó cũng chỉ được một tuần sau là hết. Cũng may tôi xuống dưới kho lớn đã đổ nát tìm được 6 gallon phisohex và hai thùng hydrogen peroxide. Không có nước pha, tôi đành rửa các vết thương bằng phisohex nguyên chất.

Phòng mổ bây giờ thật xơ xác hoang tàn. nền nhà dơ bẩn vì không có nước lau đã lâu. Dưới chân bàn mổ từng vũng màu đông đen xì hôi hám. Không khí ngột ngạt khó thở, không thể nào tiếp tục làm việc được nữa. Bệnh viện đã bị cô lập. Muốn liên lạc với các giới chức có thẩm quyền để xin trợ giúp chỉ còn có một cách đích thân đi bộ tới tận các bộ chỉ huy. Nhưng trong tình thế này tôi không tin là họ có thể giúp được cho bệnh viện một chút gì. Tôi tự nghĩ, có sao làm vậy, đến đâu hay đến đó, hết sức mình thì thôi.

Khoảng 5 giờ chiều, Bác Sĩ Nam Hùng ở phòng cấp cứu xuống cho tôi hay có 5 người bị thương bụng cần mổ gấp, tôi nghe vậy mệt xỉu luôn.

Dù ở trong thời bình với đầy đủ phương tiện, tôi có làm suốt đêm đến sáng, chưa chắc một mình tôi có thể giải quyết xong số thương binh đó. Huống chi, trong tình trạng hiện nay, với một số nhân viên cố định, đã làm việc suốt ngày không nghỉ. Tôi nghĩ không tài nào làm hết nổi. Không biết trận chiến còn kéo dài đến bao giờ. Tôi phải giữ sức khỏe cho nhân viên và cho tôi để có thể tiếp tục làm việc trong những ngày sắp tới. Nếu phung phí sức khỏe làm việc trong một ngày để rồi sau đó kiệt sức nằm bẹp một chỗ thì thật là người bất trí.

Lại còn vấn đề cá nhân nữa. Không ai lo cơm nước cho chúng tôi. Chúng tôi phải tự túc lấy. Sau vài ca mổ trong giờ xả hơi tôi tạt qua phòng nhắp vội một hai nắp bi đông nước cho đỡ khát, ăn vội mấy thìa cơm sấy với thịt hộp cho qua cơn đói. Các nhân viên phòng mổ khác chắc cũng được bạn bè giúp đỡ nên họ cũng chưa đến nỗi kiệt sức lắm.

Tuy nhiên trong tình trạng hiện tại, không điện nước, không đèn đuốc, thì dù có tinh thần cao cách mấy cũng không thể nào làm được. Lại thêm Việt Cộng vẫn tiếp tục pháo kích suốt ngày. Đạn pháo rơi bên trường trung học trước bệnh viện,bên Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5, bên Ty Công Chánh sau bệnh viện rồi rơi vào ngay cả bệnh viện khiến cho chúng tôi đứng mổ không yên. Mọi người đều cố làm thật nhanh để còn đi tìm chỗ núp.

Những vội vã trong lòng không biểu lộ ra nét mặt. Ai nấy đều có cái vẻ ngoài điềm tĩnh để làm việc. Có thể nói sợ quá hoá lỳ. Vị thực ra đâu còn cách nào khác. Tuy nhiên mỗi lần nghe tiếng rít của đạn bay qua đầu hay tiếng hú của hoả tiễn thì những dấu hiệu kinh sợ mới thấy hiện ra trong ánh mắt mệt mỏi của mọi người. Riêng tôi, mỗi lần như vậy thì cảm giác sợ hãi làm co thắt các bắp thịt đến buốt nhói ở tim. Khi nghe thấy tiếng đạn nổ rồi, thấy mình không hề hấn gì mới yên lòng làm việc tiếp.

Càng ngày Việt Cộng càng pháo nhiều, tinh thần mọi người ở đây thật căng thẳng. Sống tính từng giờ, chết không biết lúc nào. Chúng tôi như những con chim đã bị tên, thấy cây cong là sợ : một tiếng xiết chân, một tiếng chép miệng, một tiếng thắng xe, tiếng xao động của mái tôn cũng làm cho chúng tôi giựt thót mình. Bao giờ tôi cũng có cảm tưởng là có một trái đạn treo trên đầu mình sẵn sàng nỗ bất cứ lúc nào.

Tôi nhận thấy không tài nào làm hết những vết thương bụng đó được.Tôi chọn xem người nào nhẹ nhất tôi làm trước. Những người nặng và những người mất máu nhiều không có hy vọng sống sót sau khi mổ, tôi chỉ cho truyền nước pha với trụ sinh rồi giao cho số mệnh.

Trong số những người bị thương bụng không mổ, chỉ có hai người sống sót, một cô gái và một người lính cao lớn tên Ba. Tiếc thay anh Ba sống được hai tuần thì một đêm kia, phòng hậu giải phẫu bị trúng một trái 61 ly. Người đàn bà nằm ngay chỗ trái đạn nổ cùng với đứa con không việc gì, trái lại anh Ba bị một mảnh nơi cẳng chân trái. Một tuần sau anh chết vì bị phong đòn gánh.

Trong ánh sáng lờ mờ của buổi chiều, trong không khí ngột ngạt oi bức tanh mùi máu của phòng mổ, tôi, Thiện, Xòm cố sức làm việc. Tôi cố khâu những vết thủng ruột non. Tôi thấy khó thở quá, mồ hôi chảy ròng ròng trong thân làm tôi thấy ngứa ngáy khó chịu. Thỉnh thoảng tôi lại phải nghiêng đầu dơ vai lên quẹt mồ hôi ở mặt từ trán chảy xuống.

Bây giờ không còn như mấy ngày trước nữa mà mong có người đứng bên lau mồ hôi cho mình. Trong hoàn cảnh khó khăn tôi đã hình thành một triết lý sinh tồn là cứ hết sức chú ý vào công việc mình làm, không cần để ý tới thời gian và những phiền toái chung quanh. Bởi vậy cuộc mổ chiều hôm đó tuy cực nhọc khó khăn rốt cuộc rồi cũng xong.

Tôi mệt lả người. Trong lúc Thiện, Xòm đẩy bệnh nhân ra phòng hậu giải phẫu, tôi bước ra ngoài cho dễ chịu một chút. Tôi không dám hít mạnh vì không khí bệnh viện hiện giờ chẳng trong lành, thơm tho gì. Cho tới nay gần 300 xác người nằm sấp lớp dưới nhà xe và sân sau của bệnh viện. Những xác chết đó có từ ngày đầu của cuộc chiến, đến nay gần mười ngày mà chưa được đem đi chôn. Buổi chiều mùa hạ nóng bức cùng với mùi tử khí của những xác người đã bắt đầu trương phình làm cho không khí đặc quánh, thật khó thở.

Bệnh viện có một nhà xác chứa được hai xác. Khi tôi tới làm việc ở tỉnh này được chừng ba tháng, thì dự án nới rộng nhà xác của tỉnh đã được thông qua và bắt đầu. Một ông thượng sĩ an ninh của tỉnh thì thầm với tôi :

- Bác sĩ đừng chê tôi dị đoan, nới rộng nhà xác là điều tối ky, vì chắc chắn sẽ có nhiều người chết lắm. Để rồi bác sĩ coi tôi nói có đúng không. Trước kia làm ở tinh Chương Thiện cũng vậy. Chỉ vài tháng sau khi nới rộng nhà xác là vô số người chết tới.

Lúc đó tôi gật đầu cho ông ta vừa lòng, nhưng trong bụng bán tín bán nghi. Nay thì thấy ông thượng sĩ già này có lý.

Thoạt đầu những người tử nạn đều được tẩm liệm vô hòm đàng hoàng, có cả quốc kỳ phủ quan tài cùng hương đèn đốt cháy suốt ngày đêm. Trung đội chung sự không đem đi chôn được vì pháo kích và khu nghĩa địa không được an ninh vì ở xa, ngoài vùng kiểm soát của quân mình, nên xác chết cứ để lại tại bệnh viện.

Khuya, sau khi mổ xong, đi xuống phòng ngủ, tôi không dám nhìn ra phía nhà quàn với hàng quan tài có những ánh nến leo lét cháy. Cứ trông thấy là tôi lạnh người dựng tóc gáy rảo bước cho mau.

Dần dần người chết quá nhiều, bất cứ nơi nào có xác chết là họ thu về đem thảy vào nhà xác bệnh viện. Mới đầu giới hạn ở nhà quàn, sau lan ra nhà xe, tới sân sau, rồi tới ngang hông văn phòng Ty Y Tế ngay trước trại ngoại khoa. Có xác quấn poncho, có phiếu chứng tử đính kèm, nhiều xác để trần mặc áo giáp, xác nằm xấp, nằm nghiêng, co chân co tay, miệng há hốc, mắt trợn trừng. Có xác nằm bình thản như người ngủ. Có xác trương phình, bụng căng cứng, bóng như bụng ễnh ương, chảy nước vàng, rữa nát vì để quá lâu, phơi nắng suốt ngày đã biến màu thành đen sạm như chì. Xác của người lớn, của trẻ con, của quan, của lính, của dân nằm lẫn lộn, xông lên mùi hôi thối suốt nửa tháng trời. Ruồi nhặng bu đầy trên mặt mũi, trên những vùng nước rỉ ra từ những thân thể sắp rữa nát.

Để ngăn ngừa ruồi muỗi sinh sản, có người đem rắc bột DDT lên những xác chết. Hành động này về phương diện vệ sinh, trên lý thuyết thì rất đúng. Nhưng đứng ở một nơi nào khác kia, ở một thời điểm nào kia, chứ thực tình tôi vẫn phân vân tự hỏi tại đây nó có tốt không ? Trong nhất thời, tôi cho là tai hại quá.

Ruồi nhặng bị xua đuổi khỏi chỗ ở của nó liền quay vào tấn công bệnh viện. Khắp chỗ nào cũng có ruồi nhặng. Chúng lì lợm đậu lên đầu lên mặt tôi, lên mặt những thuơng binh mệt mỏi nằm ngủ quên. Tôi đưa tay vuốt mặt ngửi thấy mùi hôi thối của xác chết kinh tởm đến lợm giọng. Tệ hơn nữa hiện giờ chẳng kiếm đâu được nước mà tắm rửa. Tôi lấy một cục bông gòn thấm alcool lau qua cho đỡ bẩn. Mùi hăng nồng của alcool quả thực đã làm tôi thấy sạch sẽ hơn, dễ chịu hơn được một chút.

Lại nữa, mùi DDT trộn với mùi của xác chết xình thối hợp thành một mùi khủng khiếp không tài nào ngửi được. có những xác ruồi bu đen suốt từ đầu đến chân, tôi trông thấy mà nôn nao trong ruột muốn ói.

Mấy ngày sau, anh Châu kiếm đâu được ít thịt heo đem kho tầu mang đến cho tôi nhưng tôi không thể ăn được. Cứ đưa miếng thịt lên miệng lại nghĩ tới đống thịt rữa nát chỉ cách mình không xa là mấy, đành phải bỏ xuống. Ấn tượng đó cho đến cả tháng sau, lúc dọn sang bộ chỉ huy tiểu khu mới hết.

Sau khi không thể chịu được những xác chết đó nữa, chúng tôi trình sự việc lên Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5. Một vị đại tá được chỉ thị lo việc này. Đó là Đại Tá Điềm nguyên Tỉnh Trưởng Long Khánh hồi tôi còn ở Trung Đoàn 43 Sư Đoàn 18 Bộ Binh đóng ngay tại tỉnh này. Không hiểu sao tôi lại gặp ông ở đây. Đích thân ông dẫn một tốp lính cùng 10 lao công đào binh để hốt xác đem lên xe cam nhông đưa đi chôn. Nhưng khi Đại Tá Điềm ra lệnh xong vừa quay về là lính, lao công đào binh cũng trốn luôn. Ai cũng ghê tởm không dám làm công việc khênh hàng trăm xác rữa nát hôi thối lên xe.

Ở sân trường học, ngay phía trước cửa bệnh viện, một chiếc xe ủi đất của Ty Công Chánh đang đào những hố thiệt lớn. Tiếng máy nổ khác thường làm mọi người chú ý. Ai cũng thắc mắc không hiểu họ đang làm gì. Mới đầu, tôi tưởng Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn cho làm thêm công sự chiến đấu, sau mới biết là đào hố chôn tập thể. Xe phải đào tới gần một ngày mới xong.

Buổi chiều chừng 5 giờ, một xe GMC dẫn 10 lao công đào binh cùng 5 người lính sang bệnh viện. Xe de đít quay vào đám xác. Lần này có lệnh của Đại Tá Điềm là ai trốn chạy sẽ bị bắn tại chỗ. Chính nhờ nghiêm lệnh này công việc đã được tiến hành tương đối chu đáo và có hiệu quả. Một trung sĩ to con, mặt sát khí đằng đằng cầm súng M.16 đứng chỉ huy.

Mấy người lao công đào binh đi kiếm bao nylon gạo sấy để làm bao tay hì hục khênh từng xác vất lên xe.

Nước vàng hôi thối từ những xác chết chảy ròng ròng. Bắt họ làm công việc này thật tội nghiệp. Nhưng nếu không bắt buộc thì làm sao giải quyết nổi gần 300 cái xác đó. Sau khi chất lên được gần một xe, nhìn lại thấy số xác người như không suy chuyển một chút nào, mấy anh lao công đào binh đã bắt đầu nản, xuống tinh thần. Phần vì mệt mỏi, phần vì tiếp cận ngay những cái xác đang rữa nát hôi thối đó, họ đều xin dừng tay nghỉ mệt và một anh đề nghị lấy xe ủi đất ủi tất cả các xác đó vào một đống sau bệnh viện rồi đổ xăng đem đốt. Nhưng giải pháp này không được chấp thuận. Vì mùi khét lẹt của gần 300 cái xác đó xông lên thì chắc không ai chịu nổi.

Bỗng một người lính la lên :

-Có thằng trốn.

Hai người lính liền đi lục soát tìm kiếm. Lợi dụng mọi người không chú ý, ba người nữa chạy vội ra tính leo rào trốn khỏi bệnh viện. Một cuộc rượt bắt diễn ra. Anh trung sĩ phải bắn mấy phát chỉ thiên mới bắt lại được ba người, còn một người trốn mất luôn. Bắt được anh cho mỗi người một báng súng vô ngực, buộc phải quay lại làm tiếp. Anh hăm dọa :

-Tụi bay mà bỏ chạy nữa tao bắn bỏ nghe.

Một người lao công đào binh mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm chiếc áo ka ki bạc màu, nhăn nhó qua hàng nước mắt :

- Hôi thối quá làm sao tụi em làm được.

Anh trung sĩ nạt lại:

- Bộ tao đứng canh tụi bay ở đây không ngửi thấy mùi sao.

Ráng làm cho xong rồi về.

-Khênh người sống còn đỡ, khênh người chết sình nặng quá muốn hụt hơi luôn. Trung sĩ cho tụi em nghỉ một lát để thở.

-Được, cho tụi bay nghỉ 5 phút.

Mấy lao công đào binh ngồi ngay xuống thềm xi măng văn phòng Ty Y Tế nghỉ xả hơi. Mặt người nào người nấy phờ phạc có lẽ phải hít thở mãi những mùi xú uế từ những tử thi để lâu ngày. Một người trông hãy còn trẻ, chừng 20 tuổi mặt mũi có vẻ thông minh ngồi dựa vào tường than thở.

- Từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, chưa bao giờ tao phải làm một việc cực khổ khốn nạn như thế này. Cực đéo chịu được, thà chết sướng hơn.

Tôi cho người đi kiếm mấy cặp găng tay đã dùng rồi đưa cho họ mang để họ làm việc dễ dàng hơn là dùng những bao nylon gạo sấy.

Hết năm phút xả hơi, họ lại được lệnh tiếp tục khênh xác lên xe. Đầy xe rồi tài xế liền lái ra hố chôn tập thể. Họ lại khênh xác vứt xuống hố. Tới 8 giờ tối mới xong được hai xe. Họ làm liên tục như thế trong hai ngày mới thanh toán hết số xác trong bệnh viện. Chiếc xe ủi đất phải đào thêm hố nữa dài theo sân của trường trung học mới đủ chỗ chôn. Ngoài ngã ba Xa Cam dọc theo vườn cao su, trung đội chung sự tiểu khu còn đào thêm một hố chôn tập thể khác khá lớn. Tôi nghe nói hố đó chứa chừng gần một ngàn xác.

Giờ đây mồ mả mọc lên như nấm rải rác khắp thành phố. Những tấm bia bằng gỗ pháo binh, bằng giấy carton được mấy người bạn đồng đội viết nguệch ngoạc tên họ người chết và cắm lên vội vã. Họ phải làm thật lẹ vì rất nguy hiểm khi phơi mình quá lâu trên mặt đất. Đạn pháo kích có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.

Trước cửa nhà Tiểu Khu Phó, hai người đang đào hố chôn bạn, gần xong thì bị ngay một trái 105 ly. Chẳng một ai sống sót. Sẵn hố đã đào, người ta liền vùi tất cả chung vào một lỗ. Thành ra những ngưòi lính ấy đã tự tay đào lỗ chôn mình. Mấy anh lao công đào binh cũng bị tử nạn đang khi vứt xác xuống hố. Thi thể họ cũng được vùi chung với những xác mà họ mới vừa khênh xuống.

Người ta kể chuyện, vì có những vụ như vậy nên mỗi lần đào hố chôn, họ lại đào rộng ra một chút để nếu có bất hạnh xảy ra thì có sẵn hố tự chôn mình luôn. Thật là bi thảm nếu quả thực là như vậy. Không biết chuyện đó có thật hay không.

Từ khi giải quyết xong mấy trăm xác chết đó, bệnh viện thấy dễ thở hơn được một chút. Tuy nhiên hàng ngày, trung bình có từ 3 đến 5 xác do các nơi đem tới. Trung đội chung sự vì vậy cứ cách ngày lại phải tới bệnh viện gom xác lại đem đi chôn. Công việc cứ tiến hành đều đều như vậy, nên không còn sự ối đọng cả mấy trăm xác chết như trước nữa.

Ở đây không phải chỉ chết một lần, mà hai lần, có trường hợp tới ba lần. Pháo trúng mồ, thân xác bị cầy nát lên, được chôn lại, bị pháo trúng nữa, thịt xương rữa nát văng vãi tứ tung, hôi thối khủng khiếp. Đó là truờng hợp của một nữ y tá thuộc phòng y tế công cộng chẳng may bị tử thương, được bạn bè đem chôn tại bờ tường phía sau bệnh viện, đã bị chôn hai lần như vừa kể ở trên. Và đó cũng là trường hợp của bốn quân y tá mà tôi là người nói chuyện với họ lần cuối cùng dưới tàn cây trứng cá trườc cửa văn phòng Milphap.

Khi tôi từ phòng mổ đi xuống trại ngoại khoa, nửa đường gặp một nhóm quân y tá đang đứng nói chuyện với nhau. Trông thấy tôi, binh nhất Út tươi cười chào hỏi :

- Bác sĩ làm việc có mệt không ?

Tôi đứng lại nhập bọn với họ, trả lời :

- Mệt lắm, nhưng cũng phải cố gắng, còn nước còn tát. Thế các anh em có chỗ núp an toàn không, ăn uống cơm nước ra sao ?

- Thưa bác sĩ, nhờ có gạo sấy do thả dù tiếp tế nên cũng không bị đói. Chúng em cứ hai người chung một hố cá nhân đào dọc tường sau của trại nhi khoa, cho đến bây giờ thì may mắn chưa có ai bị hề hấn gì cả.

- Thế thì tốt lắm, nhưng không nên đứng khơi khơi giữa trời như thế này làm gì, nguy hiểm lắm..

Nói xong, tôi liền tiếp tục đi xuống trại ngoại khoa, mở khóa vào trong phòng ngả lưng định nằm vài phút để lấy lại sức. Vừa nằm chưa ấm chỗ tôi chợt nghe một tiếng nổ rất gần ngay trong bệnh viện, không to lắm, mảnh đạn, đất đá văng lên mái nhà nghe rào rào. Tôi đoán là đạn súng cối 61 ly. Vì đã có kinh nghiệm và đã quá quen với pháo kích rồi nên nghe tiếng nổ là tôi có thể đoán trúng được là loại đạn gì. Tôi nghĩ thầm loại này thì nhằm nhò gì chỉ như gãi ghẻ mà thôi. Tôi chẳng thèm để ý, định bụng nằm trên giường như thường, chẳng cần phải chui xuống gầm giường như mọi khi nữa.

Đang suy nghĩ miên man, thì có tiếng gõ cửa gáp rút, rồi tiếng trung sĩ Lạng trưởng trại ngoại khoa nói vọng vào :

- Xin mời bác sĩ ra ngay cho. Có bốn y tá của mình bị thương nặng!

Tôi vội ngồi bật dậy, đi ra ngoài, khoá cửa lại cùng trung sĩ Lạng chạy ra phía đầu trại ngoại khoa, ra tới sân trước văn phòng Milphap tôi thấy một nhóm đông đang xúm xít săn sóc bốn người bị thương nằm dưới đất.

Tôi khám thật nhanh thấy ba người kia đã chết vì vết thương quá nặng ở đầu, bụng. Còn có binh nhất Út thấy có vẻ tỉnh táo nhưng mặt mày xanh mét vì mất máu, vì đau. Tôi ra lệnh cho y tá khênh Út vào văn phòng Milphap, đặt anh ta trên chiếc bàn, rồi bắt đầu khám lại kỹ càng hơn. Tôi thấy một vết thương do mảnh đạn xuyên vào phổi phải. Không có tiếng thở phế bào. Chắc máu ra nhiều trong phổi. Tim đập rất yếu. Chắc chắn bệnh nhân cần phải được thông phổi ngay. Nhưng những dụng cụ thông phổi nay đã hết. Nên tôi đành phải dùng valve Heimlitz là một hình thức thông phổi mà không cần bình nước vì valve chỉ cho phép đi một chiều tức là máu ra được nhưng không khí không vào được do hai lá cao su khi thở ra thì nó mở ra, khi hít vô thì nó tự động đóng lại theo sức ép của không khí.

Tôi biết vết thương này không đơn giản. Chắc chắn nó đã gây hư hại nhiều cho những cơ quan bên trong. Tôi chắc Út khó có thể qua khỏi được nếu không được di tản kịp thời. Nhưng với tình trạng hiện nay, tản thương là điều không thể có được. Tôi nghĩ đến nước này chỉ đành phó mặc cho trời mà thôi.

Sau khi truyền nước biển xong tôi dặn mấy người bạn Út canh chừng trong đêm nay. Ngày mai nếu may mắn có chuyến tản thương sẽ cho Út ưu tiên đi trước.

Tôi đi vòng qua đống rác lớn cuối trại nội khoa, ra phòng cấp cứu. Qua hành lang giữa trại, tôi thấy thương binh nhiều quá, nằm bừa ra cả lối đi. Tôi phải len chân lần từng bước. Ra tới cửa chính giữa, nơi được dùng làm phòng cấp cứu. Một cảnh tượng đau lòng hiện ra. Chừng 30 thương binh nằm đầy ra ở dưới đất. Một vài người có bang ca, còn phần đông nằm ngay trên sàn gạch dơ dáy, đầy bông băng vấy máu. Một bàn kê sát vách tường trên đó để đầy các thứ thuốc sát trùng, các thứ thuốc chích, cạnh đấy là những thùng băng đã được khui sẵn. Sáu y tá luôn tay làm việc băng bó. Bác sĩ Nam Hùng, bác sĩ Tích đã khám vết thương từng người rồi ra chỉ thị cho y tá, cái nào rửa sạch băng lại, cái nào cần giải phẫu thì chuyển xuống phòng mổ. Tôi đến gần bác sĩ Tích, anh nhìn lên lắc đầu thở ra. Tôi hiểu ý nói:

- Nhiều quá phải không anh Tích ? Bác sĩ Tích gật đầu mệt mỏi đáp :

- Tôi với anh Hùng làm từ sáng tới giờ mà vẫn không hết. Nghe nói họ sẽ còn mang tới nữa.

-Trời! Lấy chỗ đâu cho thương binh nằm. Ở đây đầy rồi. Dưới trại cũng hết chỗ chứa.

Bác sĩ Tích ngao ngán lắc đầu :

- Mấy thằng khiêng cáng viên dông hết rồi. Tụi nó mất tinh thần, tên nào tên ấy lờ quờ không muốn làm gì cả.

- Mình bận làm việc không hở tay đâu để ý được tụi nó. Giá có thêm người đứng ra chỉ huy, tụi nó sợ, làm việc, thì đâu có ối đọng khổ sở như thế này.

Tôi đi thăm một lượt, may mắn không có ai cần phải mỗ lớn cả. Phần đông đều bị thương ở tay chân. Có nhiều người bị gãy xương, được các bạn đồng đội băng bó giữ im tạm khúc xương bị gãy bằng những cành củi khô hoặc bất cứ vật gì mà họ kiếm được.

Một điều tôi lấy làm lạ là bị thương đau đớn như thế mà không có ai kêu la. Khi các y tá xức thuốc rửa những vết thương trầy trụa, họ chỉ suýt soa nhăn mặt cắn răng chịu đựng chứ không như những ngày thường.

Trong số những người bị thương, có mấy người dân vừa đàn bà vừa trẻ con. Một đứa trẻ cụt cả hai chân lên tới đầu gối, nằm gối đầu trên một chiếc hộp đựng băng, dơ đôi mắt lờ đờ nhìn tôi miệng mấy máy một cách yếu ớt :

- Nước, nước, cho con hớp nước.

Sắc mặt nó vì bị mất máu nên xanh mét, da môi khô, cánh tay trái bị băng gần hết. Một sợi giây vòng qua cổ treo cánh tay trước ngực thành một góc 90 độ.Tay kia cũng đuợc giữ im để truyền nước biển. Thân hình nó thành ra ngắn ngủn một cách thảm hại. Vệt nước mắt khô còn in trên má. Mắt nó ráo hoảnh, nó không còn nước mắt để mà khóc. Nó nhìn để mà nhìn, đôi mắt dường như vô cảm giác. Tôi nghĩ nó đã quá mệt, tê dại không còn biết đau đớn là gì nữa. Nó bây giờ chỉ còn là một sinh vật, sinh vật “vô tri”. Cạnh đấy một người đàn bà bị thương ở má phải tóc bê bết máu nằm gục đầu trên đống băng vấy máu. Vết thương của bà ta đã được băng bằng một băng cá nhân nhà binh khá lớn che gần hết khuôn mặt chỉ để hở một con mắt tím bầm, sưng vù, thỉnh thoảng cố nhướng lên mà không được. Bà ta nằm rên nho nhỏ.

Phía góc phòng, một người lính bị thương ở đầu, bị quấn băng kín mít, chốc chôc lại la lên :

- Trời ơi khát nước quá, ai cho tôi miếng nước.

Kêu xong anh ta lại nằm yên như không có gì xảy ra cả. Mọi người đều bận rộn, không ai lấy nước cho anh, vì thực ra cũng khó mà kiếm được nước trong lúc này. Tôi yên trí không lo anh bị chết khát, vì chai nước biển treo bên cạnh vẫn còn nhỏ đều đều từng giọt thẳng vào mạch máu.

Tôi nhìn những người y tá làm việc băng bó như máy. Không hiểu họ có nghĩ gì không. Suốt 20 năm chiến tranh, chết chóc bị thương xảy ra quá thường như cơm bữa, khiến người ta dường như không còn xúc động trước những cái chết của đồng loại. Tôi đã nhận ra được điều này ngay từ hồi tôi còn là một sinh viên y khoa thực tập tại khu ngoại khoa bệnh viện Chợ Rãy. Hôm ấy người ta khênh vào hai mẹ con bị thương. Tôi săn sóc khâu vá vết thương của người mẹ. Tôi hỏi :

- Vì sao chị bị thương vậy ? Người đàn bà đáp :

- Bị máy bay bắn lầm trong khi cả nhà tôi đang ăn cơm. Hiện giờ chồng tôi và đứa con út bị chết vẫn còn để nằm ở nhà.

Điều làm tôi kinh ngạc nhất là giọng nói thản nhiên, gần như vô cảm giác, không một chút xúc động, không một giọt nước mắt, dường như bà ta đang nói về cái chết của người chồng, người con nào đó không phải của bà ta. Tôi cứ tưởng bà ta phải gào thét lên, khóc nức nở hay tỏ ra đau đớn lắm khi nhắc tới cái chết của chồng con. Nhưng thực sự đã trái lại, và điều này làm tôi chợt hiểu là chiến tranh đã làm chai đá lòng người.

Tuy nhiên cũng còn may, chiến tranh chưa hủy diệt hết tất cả tình cảm của con người vì sau này, trong những lần hành quân đụng địch, tôi đã bắt gặp được những tiếng khóc thổn thức, những tiếng kêu thảng thốt của những binh sĩ khi nghe tin một người bạn đã gục ở tuyến đầu. Thành ra về một phương diện nào đó, đau khổ quá mức làm cho tê dại đi cũng là một phản ứng tốt để người ta có thể sống còn được.

Tôi tiến dần ra phía ngoài cửa. Nơi đây quả là một địa ngục trần gian. Người sống người chết nằm lẫn lộn với nhau. Một người lính nằm dựa vào chân cột hành lang mắt nhắm nghiền. Một bên má có một vết thương còn rỉ máu. Cánh tay trái băng kín treo trước ngực. Khắp người anh chỗ nào cũng đầy những vết thương nhỏ. Anh nằm gác chân lên cái xác mà anh tưởng là một người bạn, thỉnh thoảng anh đập chân thì thào :

- Lấy tao hớp nước mày.

Có lẽ anh ta đã mê loạn rồi chăng ? Gần đấy một người bị thương ở cẳng chân, nằm gối đầu lên đùi một người bị thương ở đầu dường như đang ngủ mê mệt. Tôi tới gần xem, người bị thương ở đầu đã chết từ bao giờ. Tôi bỗng nghe một tiếng gọi yếu ớt

- Bác sĩ !

Tôi quay đầu lại, đưa mắt tìm kiếm xem tiếng nói từ đâu. Một cánh tay gầy khô như khúc xương mệt mỏi vẫy tôi. Tôi nhận ngay ra Điểu Thoul, môt lính Địa Phương Quân người Thượng đang nằm sát chân tường gần cửa phòng bác sĩ Chí. Tôi tới gần cúi nhìn vào hố mắt sâu hoắm của anh ta. Điểu Thoul giờ chỉ còn là bộ xương. Hắn quá yếu đuối không còn nhúc nhích gì được. Điểu Thoul bị thương ở bụng thủng ruột già. Tôi đã mổ làm hậu môn nhân tạo cho anh ta. Mấy ngày trước tôi đã cho tản thương, khênh ra khênh vào mấy lượt nhưng rốt cuộc không đi được, rồi chắc bị bỏ nằm ở đó.

Tôi ngồi xuống bên anh ta, một mùi hôi thối xông lên. Chung quanh chỗ nằm chảy đầy be bét toàn là phân. Cái túi nylon đựng phân buộc ở hậu môn nhân tạo mấy ngày nay không được thay, phân đầy tràn ra ngoài, những con bọ nhỏ bò lổn ngổn trông thấy mà nổi gai ốc. Tôi nói :

- Để tôi gọi người thay túi nylon cho anh chịu không ?

Điểu Thoul không nói gì, hai giọt nước mắt chảy dài trên đôi má hóp. Thường ngày cũng vậy, Điểu Thoul ít khi nói lắm. Bị đau nhức hay khó chịu trong mình chỉ biết ứa nước mắt khóc mà thôi. Tôi hỏi :

- Đói không, tôi cho người chuyển xuống trại nhé ?

Điểu Thoul gật nhẹ đầu. Sau đó tôi nhờ anh Xòm, thượng sĩ Lý làm sạch vết thương rồi khênh hắn xuống trại hậu giải phẫu.

Trước cửa sổ phòng bác sĩ Chí, ba xác nằm bình thản ngay lối đi. Xa hơn nữa, trước cửa phòng nha khoa hai xác nằm sóng đôi được đậy bằng một tấm tôn cong queo thủng lỗ chỗ vì bị mảnh đạn chừa ra hai cặp chân tím ngắt sưng mọng nước. Những thây đó đã bắt đầu hôi, mùi tử khí làm cho mọi người ngột ngạt khó thở.

Tôi thấy cô Bông, điểu dưỡng trưởng của bệnh viện, đang loay hoay băng bó một cách khó khăn cho một người lính bị thương ở đùi. Cẳng chân bị ngắn lại bị vẹo về một bên. Tôi hấp tấp bước lại :

- Khoan hãy băng, người này bị gãy xương đùi, làm bậy bạ bị kích xúc dễ chết lắm. Cô chờ tôi một chút, tôi đi lấy nẹp Thomas, trong khi chờ đợi cô cho truyền một chai Ringer và chích một syrette Morphin cho bớt đau.

Nói xong tôi rảo bước về phòng mổ, ào vô kho lục được một chiếc nẹp mang ra. Tôi hỏi người lính :

- Anh thấy đã bớt đau chưa ?

Anh ta gật đầu nhè nhẹ. Tôi vẫy trung sĩ Trọng :

- Lại đây giúp tôi một tay. Anh bợ nhẹ chân này lên để cô Bông đặt nẹp vào.

Tôi nắm lấy cổ chân người lính, hơi kéo nhẹ nhàng vừa nâng lên cao. Người lính nhăn mặt kêu đau. Tôi vừa giữ chân vừa vỗ về anh.

- Chịu khó một chút sắp xong rồi.

Năm phút sau, chúng tôi băng bó và giữ im xong. Trên trán người lính còn lấm tấm mấy giọt mồ hôi. Anh đã can đảm cắn răng chịu đau khiến chúng tôi làm việc được mau chóng dể dàng. Tôi thấy cô Bông có vẻ mệt. Bây giờ là 8 giờ tối. Tôi biết cô và Trọng đã làm việc không ngừng từ suốt sáng tới giờ. Đầu tóc cô bơ phờ. Chiếc áo bà ba bằng lụa xanh màu lá chuối non và chiếc quần đen đều vấy máu.

Chúng tôi làm việc dưới ánh sáng bập bùng của ngọn đèn biến chế làm bằng một chai thủy tinh đựng dầu lửa, nút chai được đục thủng một lỗ để bấc đèn chui qua. Ngọn lửa có nhiều khói khét lẹt. Tôi nói với hai người :

- Chắc hết bệnh rồi. Mình có thể đi nghỉ được.

Cô Bông đưa tay quẹt mấy giọt mồ hôi trên trán nói :

- Bác sĩ đi nghỉ trước đi. Tôi đi kiếm chút nước cho thằng bé nằm kia uống.

Tôi vội dặn cô :

- Coi chừng đấy, mấy người khác thấy được, họ nhao nhao lên đòi, cô không có nước đâu mà cho.

Cô Bông mỉm cười hiểu ý nói :

-Tôi biết mà, bác sĩ yên trí đi nghỉ đi.




3- SO SÁNH CƯỜNG ĐỘ VÀ Ý ĐỒ CỦA TỪNG ĐỢT TẤN CÔNG
CỦA QUÂN CỘNG SẢN BẮC VIỆT


Đợt tấn công lần thứ nhất do Công Trường 5 và Công Trường Bình Long đóng vai nỗ lực chính, cường độ tấn công cũng rất là hung hãn, vì theo lệnh của Hà Nội phải chiếm cho được An Lộc trước ngày 20 tháng 04 năm 1972 để ra mắt cái Chính Phủ Bù Nhìn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, đó là thể diện của Bắc Bộ Phủ vì Đài Phát Thanh tại Hà Nội đã loan tin đi khi Công Trường 5 mới vừa chiếm được Lộc Ninh. Tại Lộc Ninh, lực lượng Việt Nam Cộng Hoà trú đóng có 1 Chiến Đoàn cộng thêm 1 Thiết Đoàn Chiến Xa M.41 + M.113 + 1 Tiểu Đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng + 1 Pháo Đội của Chiến Đoàn 9 và một Khẩu Đội Pháo Binh của Chi Khu Lộc Ninh, mà vẫn không chống cự nổi đến 48 giờ. So với lực lượng tại An Lộc, (dựa theo bảng ước tính tình hình trận liệt của quân Cộng Sản Bắc Việt), thì lực lượng của Việt Nam Cộng Hoà chỉ có 5 Tiểu Đoàn (tính luôn cả 2 tiểu đoàn Địa Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long) và Bộ Chỉ Huy Nhẹ của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, vả lại hoàn toàn không có chiến xa yểm trợ, còn yếu hơn Lộc Ninh, nên Hà Nội mới nghĩ rằng tấn chiếm An Lộc dễ như trở bàn tay !!! Nhưng khi giáp trận thì tại phía mặt Bắc, gặp ngay Trung Đoàn 8 Bộ Binh với 2,500 tay súng cừ khôi, lại được trang bị cả hai ngàn súng chống chiến xa M.72, và tại mặt phía Đông, đụng phải Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân với gần 1,500 tay súng, cũng được trang bị súng chống chiến xa, với tinh thần Quyết Chiến của các Chiến Sĩ Mũ Nâu, còn mặt phía Tây thì cả Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, đang dàn trận chờ đón quân địch. Không phải chỉ có 5 Tiểu Đoàn mà cả 3 Trung Đoàn quân Chủ Lực Việt Nam Cộng Hoà và 2 Tiểu Đoàn Địa Phương Quân. Vì lẽ đó, nên ngày 20 tháng 04 năm 1972 đã qua đi, mà Công Trường 5 và Công Trường Bình Long dù đã tận hết sức bình sinh, đem nướng gần hết các cán binh và chiến xa, mở liên tiếp 3 cuộc tấn công biển người có xe tăng trợ chiến, nhưng cũng vẫn không chiếm được An Lộc… Cuối cùng Bộ Chỉ Huy chiến dịch Nguyễn Huệ của Cộng quân, bị Hà Nội khiển trách, buộc phải thay thế Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt bằng Công Trường 7 và Công Trường 9 tiếp tục làm nỗ lực chính để tấn công từ hướng Tây và Tây Nam.

Đợt tấn công lần thứ tư do Công Trường 9 và Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt, đóng vai nỗ lực chính, cường độ tấn công còn ác liệt hơn lần thứ nhất. Quyết chiếm An Lộc để gỡ thể diện cho Hà Nội, đã lỡ loan tin di cùng cả thế giới … Lần thứ tư cũng không xong, rồi đến ngày sinh nhật của Hồ Chí Minh cố lấn chiếm An Lộc để mừng ngày sinh nhật của Bác, cho âm hồn Bác được vui vẻ dưới âm ty, nhưng cũng không xong, chỉ vì, khi vỏ quýt dầy thì có móng tay nhọn (đụng phải quân Dù và Biệt Cách Dù).

Thật sự, trong đợt tấn công ngày 13 tháng 04 năm 1972 của Công Trường.5 và Công Trường Bình Long Cộng Sản Bắc Việt từ mặt phía Bắc và phía Đông, nếu được thay thế bằng Công Trường 9 và Công Trường 7, tấn công vào mặt phía Tây do Trung Đoàn 7 (-) Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà trấn thủ, và phía Tây Nam do lực lượng Địa Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long phòng ngự, thì quân Cộng Sản Bắc Việt đã đánh xuyên thủng được hệ thống phòng thủ của lực lượng Việt Nam Cộng Hoà từ ngay cuộc khai pháo đầu tiên rồi.

Khi Công Trường 9 được thay thế làm nỗ lực chính để tấn công từ mặt phía Tây và Tây Bắc và Công Trường 7 tấn kích mặt phía Nam An Lộc, thì cũng vừa kịp lúc, Lực Lượng Dù đã được tăng cường cho An Lộc trấn đóng phía Nam, và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù được tăng cường thêm cho Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh tại mặt trận phía Bắc.

Cả 3 khắc tinh của Quân Cộng Sản Bắc Việt là ; B.52, Lực Lượng Nhảy Dù và Lực Lượng Biệt Cách Dù đều xuất hiện đủ trên chiến trường An Lộc. Cho nên dù rằng cả 2 Công Trường 9 và 7 Quân Cộng Sản Bắc Việt đã cố dốc toàn lực mở liên tục 2 cuộc tấn công, An Lộc vẫn còn ngạo nghễ đứng vững. Hà Nội phải đành muối mặt với cả thế giới, cặp bài trùng đạo diễn Kissinger và Lê Đức Thọ lại phải một phen đứng tìm, vì Biệt Cách Dù (giả), nhảy bọc phía sau lưng Cục R, và riêng ngày sinh nhật Bác Hồ thật buồn tẻ, toàn là mùi xác thịt của con cháu SINH BẮC TỬ NAM mà thôi.

ĐOÀN 28 ĐẶC CÔNG CHIẾN DỊCH NGUYỄN HUỆ PHỐI HỢP VỚI LỮ ĐOÀN ĐẶC CÔNG 429 MIỀN, MỞ MŨI DÙI XUYÊN PHÁ (OVERPASS) AN LỘC VÀO CÁC CỨ ĐIỂM LAI KHÊ (BẢN DOANH TIỀN PHƯƠNG CỦA QUÂN ĐOÀN 3/QUÂN KHU III), QUẬN LỴ TRỊ TÂM, QUẬN LỴ LÁI THIÊU THUỘC TỈNH BÌNH DƯƠNG,
VÀ SAU CÙNG TẠI XÃ TÂN PHÚ TRUNG, NẰM TRÊN QUỐC LỘ 1 THUỘC TỈNH GIA ĐỊNH CÁCH THỦ ĐÔ SÀI GÒN KHOẢNG 10 CÂY SỐ VỀ PHÍA BẮC.
(Xem bản đồ 13)

Ngoài bốn Công Trường (Sư Đoàn) quân chủ lực của quân đội Cộng Sản Bắc Việt còn có các đơn vị đặc công (quy tụ thành tiểu đoàn hay lữ đoàn), có nhiệm vụ xâm nhập và đánh phá những vùng hay căn cứ ở sâu trong hậu phương của Việt Nam Cộng Hoà, mà địch gọi là tuyến vùng trung, để gây xáo động, và dọn đường trước cho quân chủ lực tiến công nối tiếp.

Khi Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Việt Nam Cộng Hoà vừa rời khỏi Lai Khê vào ngày 07 tháng 04 năm 1972, một đơn vị của lữ đoàn đặc công Cộng Sản Bắc Việt đã thành công trong việc phá nổ kho đạn tại hậu cứ của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà sau đó ít ngày. Kế tiếp, đơn vị đặc công di chuyển ngang qua Quận Lỵ Trị Tâm để đánh phá, nơi đây trước kia là bản doanh của Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà. đã được tăng cường cho mặt trận An Lộc từ ngày 12 tháng 04 năm 1972, chỉ được thay thế bằng một Tiểu Đoàn Địa Phương Quân. Sau đó được Chiến Đoàn 43 Sư Đoàn 18 đến tiếp ứng và giải tỏa . Đặc công Cộng quân còn bỏ vòi vào tới phía Nam Quận Lỵ Lái Thiêu thuộc Tỉnh Bình Dương (khu vườn cây ăn trái măng cụt, soài riêng), liền bị lực lượng diện địa của Tiểu Bình Dương tiêu diệt .

Lần cố gắng sau cùng, vào khoảng trung tuần tháng 11 năm 1972 (giai đoạn 2 của chiến dịch Nguyễn Huệ) liên đoàn đặc công Miền gom tàn quân còn lại không hơn 1 tiểu đoàn, được tăng cường thêm tiểu đoàn đặc công K8 của Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, bất thần xâm nhập vào xã Tân Phú Trung, thuộc tỉnh Gia Định cách Thủ Đô Sài Gòn khoảng 10 cây số về hướng Bắc, dọc theo Quốc Lộ 1 từ Tây Ninh về Sài Gòn, đào hầm hố chiếm cứ bám trụ tại đây, làm tắc nghẽn lưu thông Quốc Lộ 1. Địa Phương Quân của Tiểu Khu Gia Định không bứng chúng đi nổi. Tướng Minh cho điều động Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù (sau khi rời An Lộc) trỡ về giải toả khu vực này. Chỉ trong 1 đêm, các chiến sĩ Biệt Cách Dù, đã tiêu diệt nguyên cả liên đoàn đặc công Miền mang số 429 cùng các cán binh của Tiểu Đoàn đặc công K.8 còn lại. Và cũng từ ngày đó 15 tháng 11 năm 1972, Bộ Chỉ Huy chiến dịch Nguyên Huệ của quân Cộng Sản Bắc Việt được chấm dứt nhiệm vụ. Mưu đồ tấn chiếm An Lộc của quân Cộng Sản Bắc Việt để ra mắt cái chính phủ bù nhìn gọi là “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” và dùng nơi đó (An Lộc) làm bàn đạp tấn công luôn Thủ Đô Sài Gòn, kể như hoàn toàn thất bại .

Tàn quân của Công Trường Bình Long vẫn còn bám víu tại vùng Phi Trường Quản Lợi và Đồi Gió, các Công Trường 7 và 9 rút quân về vùng rừng rậm phía Nam, giáp ranh 2 Tỉnh Tây Ninh và Bình Long vây hảm căn cứ Tống Lê Chân, 15 cây số Tây Nam An Lộc, với mục đích là thu lượm những kiện hàng thả dù của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thả tiếp tế cho lực lượng trấn thủ (Tiểu đoàn 92 Biệt Động Quân Biên Phòng) để chia nhau sống tạm qua ngày . Nghĩa là đã có dự tính ém quân tại chổ, để chờ bổ sung quân số, chờ đến tháng tư năm 1975, xua toàn lực xâm chiếm lãnh thổ MIỄN NAM của Việt Nam Cộng Hòa .( xem bản đồ số 13 )



4- NHỮNG ĐƠN VỊ THUỘC CÁC QUÂN BINH CHỦNG VIỆT MỸ CHUYÊN MÔN
ĐÃ GÓP CÔNG QUAN TRỌNG VÀ GÓP PHẦN XƯƠNG MÁU CHO SỰ CHIẾN THẮNG AN LỘC


A.- KHÔNG LỰC HOA KỲ



• Các pháo đài bay B.52 [/b] xuất phát từ đảo Guam (Hoa Kỳ) . (Xem bản đồ 14)

• Các phản lực cơ Phantom, F.14[/b] cất cánh từ hai Hàng Không Mẫu Hạm USS Constellation và USS Saratoga đậu ngoài khơi biển Thái Bình Dương.

o Không Đoàn 1 Xung Kích AC.130 Tiểu Đoàn 229 Trực Thăng Xung Kích (Cobra)

o Tiểu Đoàn 362 Trực Thăng Chinook o Lữ Đoàn 7 Kỵ Binh Không Vận

o Lữ Đoàn 1 Không Vận

o Và còn vài đơn vị Không Quân khác mà chúng tôi chưa có dịp tham khảo.

B.- KHÔNG LỰC VIỆT NAM CỘNG HOÀ

• Sư Đoàn 3 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà bản doanh tại Biên Hoà. Đặc biệt là Không Đoàn 43 Trực Thăng của Sư Đoàn 3 Không Quân có trách vụ đổ quân và tản thương & các gunship yểm trợ, dưới quyền điểu khiển của Thiếu Tá Nguyễn Văn Ức đại diện Sư Đoàn 3 Không Quân đặc trách về trực thăng + Không Đoàn Khu Trục và Phản Lực do Đại Tá Nguyễn Văn Tường, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 3 Không Quân kiêm Không Đoàn Trưởng Không Đoàn Khu Trục và Phản Lực chỉ huy, Không Đoàn Chinook 237 tiếp tế .

• Sư Đoàn 5 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà bản doanh tại Tân Sơn Nhất Sài Gòn, đảm nhận phần hành thả quân biệt kích (giả), Phi Đoàn Tinh Long 821 yểm trợ hỏa lực, và các Phi Đoàn vận tãi C.119 & C.123 thả dù tiếp tế cho mặt trận An Lộc.

• Sư Đoàn 4 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà bản doanh tại phi trường Trà Nóc (Cần Thơ). Chuyễn vận Sư Đoàn 21 Bộ Binh Quân Đoàn 4 & Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Quân Đoàn 4 từ Miến Tây lên Lai Khê.

C.- CÁC ĐƠN VỊ THIẾT GIÁP

• Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh Việt Nam Cộng Hoà Quân Khu III đặc biệt những đơn vị đã tham chiến trận Lộc Ninh, trận nhổ chốt Tầu Ô và các đơn vị tăng phái cho Chiến Đoàn của Sư Đoàn 18 Bộ Binh trong việc khai thông Quồc Lộ. 13 và làm trừ bị cho lực lượng xung kích Sư Đoàn 18 trong việc bình định lãnh thổ Quân Khu III

• Các Thiết Đoàn Thiết Vận Xa của Quân Đoàn 4, đặc biệt là Thiết Đoàn 15 của Trung Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Quân Đoàn 4, và Thiết Đoàn M.113 của Sư Đoàn 21 Bộ Binh Quân Đoàn .

D.- PHÁO BINH

• Các Tiểu Đoàn Pháo Binh 52 & 53 kể cả các Pháo Binh Lãnh Thổ của Tiểu Khu Bình Long và các Chi Khu Lộc Ninh, Chơn Thành và các căn cứ hoả lực Tống Lê Chân và Cần Lê.

• Đại Đội Pháo Binh Dù đặt tại căn cứ hoả lực Đồi Gió.

E.- CÔNG BINH CHIẾN ĐẤU

• Các Tiểu Đoàn Công Binh Chiến Đấu của Quân Đoàn 3 và Sư Đoàn 21 Bộ Binh Quân Đoàn 4 Việt Nam Cộng Hoà

F.- TOÁN MẬT MÃ

• Các Toán Mật Mã của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Quân Đoàn 3, và Toán Mật Mã Đặc Biệt của Phòng 6 Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà biệt phái cho Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 tại Lai Khê.

G.- TIẾP TẾ THẢ DÙ CHO CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC DO KHÔNG QUÂN VIỆT MỸ THỰC HIỆN

Từ nghìn xưa cho đến ngày nay, vấn đề Tiếp Vận cho một đoàn quân tấn công hay Tiếp Tế cho một cứ điểm phòng thủ luôn luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong sự thành bại của chiến trường.

Đặc biệt, nói riêng về mặt trận An Lộc, việc tiếp tế bằng đường bộ thì hoàn toàn bị bế tắc ngay từ lúc đầu, khi khởi phát trận chiến. Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt đã hoàn toàn khống chế Quốc Lộ 13 từ An Lộc đến Quận Lỵ Chơn Thành bằng một lực lượng chuyên đóng chốt, một hệ thống pháo tầm xa và một hệ thống phòng không dày đặc với những vũ khí tối tân như đại liên 12 ly 7, cao xạ 37 ly, hoả tiễn tầm nhiệt cầm tay SA.7 được thiết trí trên mặt đất kể cả trên các chiến xa phòng không cơ động.

Việc này đã khiến cho phía Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ phải nghĩ đến việc tiếp tế bằng Trực Thăng Chinook ở giai đoạn tiên khởi, rồi đến các vận tải cơ C.123 và C.119 của Không Lực Việt Nam Cộng Hoà, lần hồi đến các vận tải cơ hiện đại C.130 của Không Lực Hoa Kỳ. Biết bao nhiêu máu xương và mạng sống của các phi hành đoàn C.123, C.119 của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và C.130 của Hoa Kỳ đã đổ ra trong lúc thi hành tiếp tế thả dù cho quân dân An Lộc trong suốt thời gian chiến trận, được kể từ sau ngày 07 tháng 04 năm 1972 đến ngày 08 tháng 06 năm 1972.

Ước tính có khoảng 15,000 quân lính và thường dân Việt Nam Cộng Hoà đang còn kẹt lại trong vòng lửa đạn giao tranh. Nhu cầu tiếp tế cho 15,000 quân dân Việt Nam Cộng Hoà, theo các chuyên viên tiếp vận Việt & Mỹ thì mỗi ngày cần phải có khoảng 200 tấn tiếp liệu, gồm đạn dược, thuốc men, lương khô, nước uống và xăng dầu cùng nhiều thứ linh tinh khác. Danh sách được liệt kê như sau :

• 140 tấn đạn dược đủ loại, nặng nhất là đạn pháo binh

• 36 tấn lương khô và gạo

• 20 tấn nước lọc để uống

• 4 tấn y dược đủ loại và một số linh tinh khác.

Không Quân Việt Nam Cộng Hoà được sự tận tình giúp sức của Không Quân Hoa Kỳ, đã cố gắng thực công tác nầy, xuyên qua nhiều thời kỳ và giai đoạn nóng bỏng của chiến trận :

A.- Thời kỳ sơ khởi : (khi Cộng quân chưa biết về phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà tiếp tế bằng cách nào, và hệ thống phòng không của chúng chưa hoàn tất) :

Không Đoàn Chinook 237 của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà phối hợp với Tiểu Đoàn Đoàn 362 Chinook của Không Lực Hoa Kỳ, đã thực hiện đổ được 42 chuyến đổ hàng tiếp liệu (mỗi chuyến tiếp tế được 3 tấn đồ tiếp liệu cho mỗi ngày).

Việc tiếp tế bằng những trực thăng Chinook trong vài ngày đầu tiên được thuận tiện và trôi chảy, tổng cộng tiếp tế cho quân trú phòng tất cả được 147 tấn hàng, mặc dù chưa đạt được chỉ tiêu mong muốn, nhưng thật ra cũng đủ dùng.

Không trình của các Chinook Việt Mỹ lấy từ Nam lên Bắc, và hạ cánh ngay các bãi trống trong thị trấn và trong vòng 2 cây số phía Nam An Lộc dọc theo Quốc Lộ 13.

Cho mãi đến ngày 12 tháng 04 năm 1972, khi đoàn Chinook vừa đáp xuống bãi đáp, thì pháo của Cộng quân liền khai hoả, kết quả 1 Chinook của Không Đoàn 237 bị trúng đạn pháo 130 ly, hoàn toàn hư hại cùng với toàn bộ phi hành đoàn bị tử trận, và vài chiếc khác bị trúng miểng pháo. Việc tiếp tế vẫn được duy trì cho đến hai ngày hôm sau, và cường độ pháo của Cộng quân mỗi lúc lại càng gia tăng vào đoàn Chinook. Mỗi khi nghe tiếng trực thăng là DELO địch liền chỉ điểm gọi pháo. Song song với pháo 130 ly, Cộng quân còn thiết trí cao xạ 12,7 và 37 ly khoảng 4 cây số về phía Nam An Lộc để chặn đoàn Chinook.

Như vậy là Cộng quân đã biết được hướng bay của đoàn Chinook, nên huy động cả pháo tập lẫn phòng không để ngăn chặn việc tiếp tế cho An Lộc. Thêm nhiều chiếc Chinook của Không Quân Việt Mỹ bị trúng miểng pháo và đạn phòng không của địch, vì lẽ đó mà việc tiếp tế bằng Chinook không thể tiếp tục được nữa.

B.- Thời kỳ địch quân thiết lập xong hàng rào hoả lực phòng không, kể cả tăng cường trung đoàn chiến xa cơ giới (271) lưu động phòng không

Không Lực Việt Nam Cộng Hoà quyết định ngưng ngay những phi vụ tiếp tế bằng Chinook, và thay thế bằng phương cách thả dù bởi các vận tải cơ C.123 và C.119 của Không Quân Việt Nam Cộng Hoà phát xuất từ phi trường Tân Sơn Nhất (Sư Đoàn 5 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà), bay vào lúc ban ngày và ở cao độ 5000 bộ .

Liên tiếp 3 ngày từ 13 đến 16 tháng 04 năm 1972, có tất cả 27 chiếc vận tải cơ của Không Lực Việt Nam Cộng Hoà thả dù được 135 tấn, nhưng quân trú phòng chỉ nhận được có 34 tấn mà thôi, cộng với 6 bành dù khi vừa chạm đất thì phát nổ !!! Số còn lại đã bay lạc ra ngoài vùng địch kiểm soát.

Qua đến ngày 17 tháng 04 năm 1972, trong đoàn 6 chiếc C.123 và C.119 đi tiên phong thả dù, tất cả 6 chiếc đều bị trúng đạn phòng không của địch, một chiếc C.123 bị nổ tung trên bầu trời An Lộc, cả phi hành đoàn đều bị tử vong, trong đó có con chim đầu đàn của Phi Đoàn là Trung Tá Nguyễn Thế Thân.

Công tác thả dù bằng C.123 và C.119 buộc phải tạm ngừng, và Bộ Tư Lệnh Không Quân Việt Nam Cộng Hoà phải nghiên cứu lại độ cao của các chuyến bay thả dù sao cho tương đối được an toàn cho các phi hành đoàn và phi cơ, bằng cách bay ở cao độ từ 5,000 đến trên 7,000 bộ, (ở độ cao 5,000 bộ, chỉ tránh được cao xạ 12,7 ly mà thôi, còn phòng không 37 ly có thể lên tới 7,000 bộ), nhưng ngặt nỗi, bay ở cao độ 5000 bộ, mà số dù còn bay lạc ra ngoài mất đến hơn 60%, còn bay ở cao độ 7,000 bộ, số dù bay lạc ra ngoài vùng địch kiểm soát còn gia tăng hơn nhiều, có thế nói là mất khoảng 80%.

Về phía địch quân, mặc dù thu nhặt được nhiều bành dù đa số là đạn dược, lương khô, nhưng về đạn dược thì hầu hết không xử dụng được, còn lương khô, dù thu lượm được nhiều, nhưng quân số địch đã bị chết và bị thương khá nhiều, lấy ai mà ăn.

Trong khi Không Quân Việt Nam Cộng Hoà thả dù tiếp tế, các vận tải cơ thả dù ở trên cao độ 7,000, dù bay ra ngoài vùng Địch đến 80% .

Ngày 14 tháng 04 năm 1972, Bộ Tư Lệnh MACV của Hoa Kỳ mới quyết định cho không đoàn vận tải cơ C.130 có hệ thống thả dù rất tối tân từ toạ độ (điểm thả) đến việc ước tính chiều gió đều được ước tính bằng hệ thống điện tử (Computerized Aerial Drop System) tham gia vào việc tiếp tế.

Bắt đầu ngày 18 tháng 04, Không Đoàn C.130 của Không Lực Hoa Kỳ giúp Không Lực Việt Nam Cộng Hoà gánh vác việc tiếp tế cho toàn thể Quân Dân Tỉnh Bình Long.

Các cố vấn Mỹ của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, Tiểu Khu Bình Long cũng đảm trách việc liên lạc, kiểm điểm số lượng hàng, quân bạn nhận được, và chọn địa điểm thả dù.

Dùng sân banh của Tiểu Khu Bình Long, chỉ rộng có 219 thước vuông. Bước đầu các C.130 thả dù vào lúc ban đêm, phía dưới sân banh được đánh dấu bằng những thùng phuy đốt lửa. Sở dĩ chọn vào lúc trời tối là để phòng không của địch không nhìn thấy phi cơ đâu mà khai hoả.

Hai chiếc C.130 bay từ phía Đông Nam lên ở cao độ khoảng 2.000 bộ. Trước khi gần đến mục tiêu (sân đá banh), chiếc đi đầu liền bị trúng đạn phòng không của quân địch đặt trên các thiết giáp cơ động, bị chao đảo, buộc phải bay là xuống còn khoảng 600 bộ, và vội bấm nút thả hàng, vì trước đầu phi cơ bị phát hoả và bộ phận (cánh) bị phòng không của địch bắn hư hại, sau đó bay được ra khỏi vùng nguy hiểm. Còn chiếc thứ hai vội thay đổi hướng bay cố gắng đến gần tọa độ và bấm nút thả các bành hàng cũng bị trúng đạn, phát hoả một động cơ bên trái, đạn phòng không còn xuyên thủng phi cơ sát hại một sĩ quan cơ khí và một phi công phụ. Chiếc C.130 thứ nhì này được phi công chính lái ra khỏi vùng nguy hiểm, chỉ còn 2 động cơ còn hoạt động, và cả hai chiếc C.130 đi tiên phong trắc nghiệm, đều đáp được an toàn xuống phi trường Tân Sơn Nhất trong đêm. Trên hai chiếc C.130 có mang theo 26 tấn hàng tiếp liệu, phi hành đoàn có bấm nút thả (release), nhưng không biết các bành dù biến đi đâu hết, các cố vấn Mỹ ở bên dưới báo cáo là không nhận được gì hết ??? Có thể là dù bay ra ngoài chu vi của sân banh, dân chúng và các đơn vị quân đội gần đó thu nhặt được tự động chia nhau mà xài, mà các cố vấn Mỹ không hề hay biết !!! hoặc là đã lọt ra ngoài vùng địch kiểm soát.

Đêm hôm sau, rút kinh nghiệm của chuyến bay trước, 2 chiếc C.130 khác lại tiếp tục thả dù tiếp tế cho quân phòng thủ. Lần này được thành công mỹ mãn, đã thả được 26 tấn hàng lọt ngay vào sân banh, và các cố vấn Mỹ cùng giới chức tiếp liệu của các đơn vị tham chiến cùng phân phối chia nhau đồng đều cho các đơn vị.

Bước qua ngày 19 tháng 04, 2 chiếc C.130 lại tiếp tục thả dù, lần này một C.130 sau khi thả hết các bành dù liền bị trúng đạn phòng không của địch khiến động cơ phát hoả, và được phi công điểu khiển hạ cánh được ở vùng 2 cây số cạnh căn cứ Lai Khê, phi cơ bị hư hại nhưng phi hành đoàn vô sự.

Công cuộc thả dù ban đêm được thực hiện mỗi lần bằng 2 chiếc C.130 được nối tiếp thành công liên tục, cho mãi đến đêm 24 tháng 04 năm 1972, một đoàn 6 chiếc, và bước sang đêm 25 tháng 04, thêm một đoàn 11 chiếc C.130 đồng loạt ồ ạt đổ hàng tiếp liệu cho quân dân An Lộc, 2 lần tập trung này các phi cơ được lệnh tắt hết đèn và lấy Quốc Lộ.13 làm chuẩn ép về phía Tây khoảng 1 dặm (1 cây số 6).

Trong chuyến tiếp tế ngày 25 tháng 04, một trong 4 chiếc phi cơ dẫn đầu bị trúng đạn phòng không của địch mất thăng bằng và rơi tại vùng 2 cây số phía Nam tọa độ thả dù (sân banh). Cả phi hành đoàn 8 người đều tử nạn.

Những nhu yếu phẩm trong các đợt thả dù bằng C.130 đa phần là đạn cá nhân, lương khô và thuốc men, còn đạn pháo binh thì không cần nữa, (vì các khẩu pháo của quân bạn đã bị pháo địch bắn hư hại hết), còn nước uống thì quân dân bên dưới tạm dùng nước trong các ao đầm và hứng nước từ trời ban cho.

Từ sau chuyến thả dù đêm, 1 chiếc C.130 bị phòng không địch bắn hạ, sát hại hết phi hành đoàn, Bộ Tư Lệnh MACV Hoa Kỳ cho lệnh tạm ngưng những phi vụ bay đêm kế tiếp (còn khoảng thêm 10 chuyến thả hàng được đình chỉ).

Cho đến đêm 27 tháng 04, Không Lực Hoa Kỳ còn cố gắng thả thêm 2 lần nữa, và tất cả các vận tải cơ thả dù đều bị trúng đạn phòng không dầy đặc cùng các hướng bay vào mục tiêu An Lộc. Vì thế, việc tiếp tế thả dù ban đêm được đình chỉ hẳn.

Bộ Tư Lệnh MACV liền nghĩ ra kế khác, bằng cách nghiên cứu ra được một loại dù được thả từ cao độ (ngoài tầm sát hại của tất cả các súng phòng không của Cộng quân hiện có ). Dù sẽ tự động bung ra khi gần tới đất.

Ngày 03 tháng 05 năm 1972, phương cách này có tên gọi là HALO (High Attitude, Low Opening) được áp dụng lần đầu tiên và được 1 chiếc C.130 thực hiện vào lúc ban ngày và bay ở cao độ 8,000 bộ. Kết quả tương đối khả quan. Các dù được thu nhận khoảng 60%, đồ đạc rất ít bị hư hại.

Và, công việc tiếp tế thả dù ban ngày bằng các vận tải cơ tối tân C.130 của Không Lực Hoa Kỳ thả dù ở cao độ 8,000 được tiếp tục duy trì cho đến ngày 08 tháng 06 năm 1972 thì chấm dứt. (21)

Chú Thích : (21) The Siege at An Loc : How Air ReSupply Helped Save the City của Trung Tá Len Funk (The Army Historical Foundation).

Song song với công cuộc tiếp tế thả dù trong vùng An Lộc, tại phía Tây Nam An Lộc Không Lực Việt Nam Cộng Hoà cắt cử Phi Đoàn 218 của Sư Đoàn 5 Không Quân, dưới sự điều động của Trung Tá Hoàng Nuôi, đảm nhận trách nhiệm yểm trợ hoả lực cho một căn cứ hoả lực có tên là Tống Lê Chân do Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân Biên Phòng trấn đóng. Căn cứ hoả lực Tống Lê Chân có 4 khẩu đại bác 105 ly và 2 khẩu 155 ly, trong đợt tấn công lần thứ tư vào An Lộc của Cộng quân, căn cứ nầy đã tích cực yểm trợ hoả lực, giúp đẩy lui cuộc tấn công của địch vào mặt phía Tây của An Lộc. Căn cứ hoả lực nầy bị công quân vây hảm đến trung tuần tháng 4 năm 1974, sau cùng cũng rút về được đến An Lộc nhập vào đoàn quân mũ nâu tiếp tục chiến đấu chống Cộng .

H.- BÁO CHÍ

• Kế tiếp là Đoàn Quân Báo Chí : xin mời Quý Vị, đọc bài viết tựa đề AN LỘC CHIẾN TRƯỜNG THÁCH ĐỐ của Phóng Viên Phan Nhật Nam :

- Sau đây, dưới hình thức một ký sự của một phái viên Vô Tuyến Việt Nam, đã đặt chân hơn một lần vào An Lộc, trong những ngày còn lửa đạn, người đọc sẽ được dẫn dắt vào thành phố đổ nát An Lộc. Công việc của một phóng viên là trung thực ghi nhận mọi sự kiện xảy ra trong đời sống thời sự. Trên một khía cạnh nào đó, người phóng viên như một chứng nhân dự phần vào những diễn biến luôn luôn làm cho thế giới biến đổi không ngừng. Với tư cách của một phái viên Vô Tuyến Việt Nam, tôi tới An Lộc ngày 13 tháng 06 năm 1972, khi thị trấn này bước vào ngày tử thủ thứ 68. Nhiệm vụ của tôi tương tự như các phái viên Vô Tuyến Việt Nam ở các mặt trận khác, là tường trình qua hệ thống liên lạc siêu tần số những sự thật đã và đang diễn ra tại các địa điểm mà chúng tôi có mặt. Tôi đặc trách mặt trận Bình Long và chiến trường An Lộc, thực sự như một thách đố đối với cá nhân tôi cũng như nhiều người khác đã từng tìm cách vào An Lộc. Chuyến đi của tôi khởi sự vào trung tuần tháng 04 năm 1972, và tôi đã chỉ có thể hoàn tất 2 tháng sau đó, tức ngày 13 tháng 06 năm 1972. Trong 2 tháng trời ròng rã này, mỗi lần khởi hành đều kéo theo một thất bại cho riêng tôi và cả các anh em khác đi cùng. Có những người bị thương, có những kỷ niệm chua sót, nhưng đau đớn hơn cả là cái chết của cố phóng viên điện ảnh Thiếu Úy Nguyễn Ngọc Bình. Một tuần lễ chờ đợi lên trực thăng rồi lại xuống trực thăng, ăn chực nằm chờ dưới những cơn lốc cát nóng bỏng ở phi trường Lai Khê, Bình Dương, ngày 29 tháng 04 năm 1972, chúng tôi khởi sự cuộc hành trình phiêu lưu vào An Lộc. Trong thời gian này An Lộc đang bước vào ngày tử thủ thứ 22, áp lực địch đang lúc mạnh và quân Cộng Sản Bắc Việt đã tạo được một lưới lửa phòng không suốt dọc phi trình dẫn vào Thành Phố Anh Hùng này. Trong ngày này chúng tôi không tới được mục tiêu, trực thăng chở chúng tôi bị bắn như mưa, cho khi tới đồn điền Xa Cam. Tại đây địch quân pháo kích hàng loạt vào bãi đáp, các phi công quyết định bay trở về. Trên cao độ hơn ngọn cây ở Xa Cam, chúng tôi nhìn thấy hàng trăm thương binh đang chờ đợi được di tản về Lai Khê, có những người nằm trên băng ca, có những người chạy tán loạn dưới những tiếng nổ chát chúa, cát bụi mịt mờ của đạn pháo kích. Họ chạy theo hướng trực thăng đến như muốn bấu víu vào những hy vọng cuối cùng của sự sống. Chúng tôi cảm thông tình cảnh này, vì chính mắt tôi trông thấy những thương binh ở Lai Khê, những người còn đi lại được, những vết thương đã có dòi, và những ký sinh trùng ghê tởm này đã rớt vương vãi khi anh em từ trên trực thăng tản thương bước xuống. Đợt trực thăng hôm đó, không có một thương binh nào về tới Lai Khê vì các phi công không thể hạ tàu giữa cơn mưa pháo kích của địch quân. Trên đường về, địch cũng bắn rát như khi chúng tôi tới, một trong các loạt đạn của địch đã khiến chiếc trực thăng chở chúng tôi không còn điều khiển được và phi công phải hạ khẩn cấp xuống một bãi trống chính giữa một khu rừng rậm ở phía Nam đồn điền Xa Cam. Trong những khoảng khắc kinh hoàng, một trực thăng gunship yểm trợ đã đáp xuống khu đất này để cứu sống tất cả chúng tôi gồm 4 nhân viên phi hành và 4 phóng viên chiến trường.

Ngày 01 tháng 05 năm 1972, trong một chuyến đi tương tự, điện ảnh viên Nguyễn Ngọc Bình đã giã từ ống kính khi trực thăng chở anh nổ tung vì đạn B.40 của Cộng quân. Vào khoảng thời gian này, dày đặc trong những khu rừng cao su, Cộng quân bố trí các ổ đại bác phòng không bắn bằng radar, các hoả tiễn địa không bắn tay SA.7 cũng như các ổ đại liên khạc đạn không ngừng. Bởi vậy, các phi công ta đã phải liều lĩnh bay sát trên đầu ngọn cây để vô hiệu hoá khả năng phòng không địch điều khiển bằng “mắt thần”, tuy nhiên khi bay thấp, phi cơ ta phải chấp nhận đạn súng nhỏ và ngay cả đạn chống chiến xa B.40 của địch, bắn từ những tên Cộng quân bị cột người trên các ngọn cây.

- Sau đây là lời tường thuật của một người đã có mặt tại vùng này :

Theo tôi biết thì Phòng 3 và Phòng 5 Bộ Tư Lệnh Quân Khu III trước 75 có những tấm hình này vì anh em trong Phòng 5 Sư Đoàn 5 Bộ Binh có chụp. Chẳng những lính xe tăng bị xiềng chân mà cả những tên đặc công bắn xẻ cũng bị xiềng chân trên các cành cây cao su vì theo lời khai thác từ các tên đặc công (đa số là người Miền Nam) đã bị Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bắt được thì nếu không bị xiềng chân, chẳng có bao nhiêu tên đặc công Việt Cộng dám ăn dằm nằm dề trên những nhánh cây cao su để theo dõi và bắn sẻ theo lệnh của bọn cán bộ Cộng Sản Bắc Việt, ... và nhiều tấm hình tôi chụp tại An Lộc nhìn qua phải rợn người.

Sau chuyến đi thất bại ngày 29 tháng 04 năm 1972, chúng tôi vẫn trong tình trạng chờ đợi, và tiếp tục một vài lần phiêu lưu nữa không phải bằng trực thăng nhưng bằng con đường máu mệnh danh là con đường xui xẻo 13 (Quốc Lộ 13). Ngày lại ngày, đoạn đường Lai Khê Chơn Thành trở nên quen thuộc với chúng tôi, nhưng hết tuần lễ này đến tuần lễ khác, chúng tôi không có cơ hội để vào An Lộc bằng đường bộ. Địa điểm xa nhất mà chúng tôi đạt tới chỉ là Suối Tàu Ô, con suối tử thần, đã cầm chân đoàn quân khai thông Quốc Lộ hơn hai tháng trời và vẫn còn tiếp tục cho tới sau ngày tôi vào được An Lộc và trở ra trên đoạn đường ngắn ngủi này, chúng tôi lại gánh chịu những kỷ niệm đau thương mới, khi tôi theo chân đoàn chiến xa của Chi Đoàn 1/20 đi khai thông Quốc Lộ, Đức Tài, biệt danh của ông Đại Úy Chi Đoàn Trưởng 1/20 không phải xa lạ gì với các phóng viên chiến trường. Đức Tài từng là anh hùng thiết giáp trên chiến trường Cambodia. Ngày 24 xuất hiện tại Lai Khê, Đức Tài đã ôn lại kỷ niệm cũ với nhóm phóng viên chiến trường và chính anh đã đãi chúng tôi bữa hủ tíu sau cùng ở Câu Lạc Bộ Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà. Sáng 24, Đức Tài dẫn mấy chục con cua sắt đến Chơn Thành để từ đây anh tham gia mặt trận Bình Long. Đức Tài còn đưa hai ngón tay thành chữ V làm dấu hiệu chiến thắng khi leo lên chiếc M.113 để dắt đoàn cua sắt M.41 và M.113 tiến vào tử địa. Hai người trong nhóm chúng tôi là Lê Thiệp và Dương Phục định leo lên xe của Đức Tài để đi cùng, không hiểu sao lúc đó tôi lại cản và nói : Đi theo sau tiện hơn.

Đức Tài dẫn đoàn xe đi, chúng tôi dồn cục lên một chiếc xe Jeep theo sát chiếc M.41 sau cùng. Đoàn xe mới chạy chừng 5 phút, chúng tôi nghe những tiếng đạn pháo kích và tiếng súng liên thanh nổ rền. Mỹ Voi, điện ảnh viên Quân Đội, lao vội chiếc xe xuống lề đường la lớn : “Xuống hết, tụi bay. Đụng rồi”. Hai phút sau, khi chúng tôi chạy lên chỗ chiếc xe M.41 đang nhả đạn 76 ly vào bìa rừng thì người trưởng xa leo lên pháo tháp la thất thanh :” Đức Tài bị rồi, hoả tiễn 122 pháo trúng chiếc M.113 chỉ huy của Chi Đoàn Trưởng”.

Đoàn chiến xa bị chặn lại tại đây, và một phi tuần A1 tới thả bom hai bên bờ rừng. Chúng tôi trở về Trung Đoàn 32 để nhìn mặt Đức Tài lần cuối. Hai người lính khác cũng hy sinh với Đức Tài. Cái chết ở mặt trận này đến thật mau lẹ, chỉ mấy phút sau khi làm dấu hiệu chiến thắng hình V, Đức Tài đã vĩnh viễn ra đi trong ngơ ngác bi thảm của cả đoàn quân vừa mới khởi sự tham gia mặt trận Bình Long không đầy nửa tiếng đồng hồ.

AN LỘC ĐỊA SỬ GHI CHIẾN TÍCH

Sau bao nhiêu lần đi, bao nhiêu lần trắc trở, tôi vẫn định bụng là sẽ phải vào An Lộc để nhìn thấy tận mắt Thị Trấn Anh Hùng này, nhìn thấy tận mắt sự tàn phá khủng khiếp vô lý của chiến tranh. Để được thấy, chứ không phải nghe nói về những chịu đựng và những biểu tượng về tinh thần chiến đấu vô biên của tât cả những người đã giữ vững An Lộc, cho dù thành phố này không còn là một thành phố nữa. Ngày 13 tháng 06 năm 1972, toán phóng viên lại lên đường. Ngoài tôi còn có Đại Úy Nguyễn Văn Quí, Sĩ Quan Báo Chí Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, Dương Phục, Đài Tiếng Nói Quân Đội, Anh Thuần của nhà báo Tiền Tuyến, Tam Phong Slao Quắn của Sư Đoàn 5, và Hebert thuộc hệ thống truyền thanh truyền hình Canada. Người phóng viên quốc tế này bị tử thương ngày 23 tháng 07 năm 1972 lúc theo dõi chiến trận Quảng Trị sau khi An Lộc được giải toả. Tất cả chúng tôi được ngồi chung trên một chiếc trực thăng UH trong đợt đổ quân của Tiểu Đoàn 2/31 của Sư Đoàn 21 Bộ Binh tăng viện cho măt trận An Lộc.

Vào khoảng thời gian này, phòng không địch không còn mạnh mẽ như những chuyến đi trước của chúng tôi vào hai tháng 04 và 05. Các phi công ghi nhận là quân Cộng Sản Bắc Việt chỉ còn 1 ổ đại bác 57 ly ở phía Bắc Tân Khai và một số ít đại liên dọc theo các rừng cao su mà thôi. Đoàn trực thăng 5 chiếc lao xuống Xa Cam lúc 11 giờ sáng và khi vừa chạm đất, chúng tôi bắt đầu nghe những tiếng xé gió và những tiếng nổ chát chúa, địch lại bắt đầu pháo kích, theo như thói quen thường lệ, mổi khi nghe tiếng động cơ trực thăng vọng về. Đã có nhiều kinh nghiệm tại mặt trận này, tất cả chúng tôi, không ai bảo ai, chạy tuá vào 2 bên rừng cao su và lao mình xuống hầm hố gần nhất. Địch ngưng pháo sau chừng 15 trái đạn, đây là các ụ súng của địch đã bị bỏ hoang từ mấy ngày trước đó. Dứt tiếng pháo, chúng tôi chạy theo hai ven rừng cao su; phía trước là các toán quân vừa được trực thăng vận tới. Họ di hành theo đội hình hàng dọc, nhiệm vụ cùa họ là tới An Lộc và từ đó tăng cường các cánh quân tảo thanh địch chung quanh vòng đai tỉnh lỵ. Được chừng hơn 100 thước, Đại Úy Qúi bắt đầu kiểm điểm quân số trong toán chúng tôi. Thiếu mất ông phó nháy Slao Quắn và phóng viên Đài Tiếng Nói Quân Đội Dương Phục. Họ chạy qua phía khu rừng bên kia khi Cộng quân pháo kích bãi đáp. Một lát sau họ bắt kịp chúng tôi tại tấm bảng xi măng Plantation De Xacam. Dương Phục thở hổn hển, đất đỏ Bình Long nhuộm mồ hôi tạo cho gương mặt hắn một màu kỳ dị. Hắn cho biết trong lúc chạy pháo kích, cái túi đeo của hắn văng mất và sức ép của tiếng nổ lẫn cánh quạt trực thăng đã làm những đồ vật trong túi bay như bươm bướm. Dương Phục mất hết các vật dụng riêng của hắn ngoại trừ tìm lại được cái xác của cái máy cassette đã trở thành vô dụng. Đoạn đường từ Xa Cam vào An Lộc chỉ hơn cây số, nhưng tôi đã có cảm tưởng là đã vượt qua đoạn đường di hành dài mấy chục cây số.

Có lúc tôi định quẳng cái ba lô cho nhẹ và cũng để nhảy xuống hố tránh pháo dễ dàng. Tuy nhiên suy nghĩ tới mấy vật dụng cần thiết và mấy túi lương khô, tôi đã cố gắng đeo cái túi càng ngày càng nặng chĩu này để đi bắt tay Tướng Hưng. An Lộc đã vào trong tầm mắt thì vừa lúc chúng tôi nhận ra một thương binh (không biết của bạn hay địch) đang rên rỉ bên cạnh xác chiếc T.54 cháy nám đã bắt đầu rỉ sét. Máu nhuộm đỏ thân mình, người thương binh dơ cánh tay yếu ớt về phía chúng tôi rồi chỉ vào miệng anh, có lẽ anh đang trải qua cơn khát cháy cổ của người bị thương mất máu. Cùng lúc này, địch lại pháo mấy trái đạn, tiếng rít gió nghe lạnh mình, những tiếng nổ chát chúa, tiếng cành cây cao su gẫy rào rào, trái đạn đã đi vào trong bờ rừng. Có tiếng ai gọi lớn: “Chạy mau đi, thoát khỏi chỗ này”. Tất cả chúng tôi cắm đầu chạy như bay về phiá trước, nhiều xác T.54 rải rác, một chiếc xe be vàng chói đầy vết đạn pháo kích nằm vắt ngang qua con dốc. Đại Úy Qúi quay lại nói :”Toàn vết pháo mới, chạy mau đi”. Người ta gọi con dốc có cái xe be là khúc quanh tử thần, vì chỉ riêng tại nơi này hơn 200 thương binh và những thường dân đang di tản đã chết vì đạn pháo kích trên đường đón trực thăng ở bãi đáp. Hình ảnh người thương binh vẫy tay xin nước ám ảnh tôi suốt cuộc hành trình vào An Lộc và có lẽ cả quãng đời còn lại sau này, mấy toán quân đi trước và cả toán chúng tôi đã không giúp gì được cho anh ta, dù muốn dù không cũng là điều không nên không phải. Leo hết con dốc tử thần là bắt đầu vào An Lộc, một tấm bảng xanh lỗ chỗ vết đạn với hàng chữ chiều bắt buộc cho xe dân sự vào châu thành, đầu đường là một bót gác vách đá lố nhố binh sĩ, họ đang chờ giờ ra bãi đáp trực thăng, quần áo mọi người nhuộm một màu nâu đỏ đặc biệt, đó là mầu đất Bình Long.

Đồng hồ chỉ 11 giờ 20, thế là chúng tôi chạy trong 20 phút từ bãi đáp Xa Cam vào An Lộc. Càng vào sâu, cảnh điêu tàn càng hiện rõ, trên con đường chúng tôi đi không một thước vuông đất nào không ghi lại những vết tích của chiến tranh. Từ xa hướng về, không một ngôi nhà còn nguyên vẹn. Những mái nhà sụp đổ, thân tường nghiêng ngả lỗ chỗ vết miểng pháo, những cột đèn siêu vẹo, giây điện đứt tứ tung và điểm thể hiện duy nhất cho sự kiện An Lộc chiến đấu kiên trì là những cánh hoa dù tiếp tế phủ đầy mặt lộ. Sừng sững giữa khung cảnh hoang tàn, một bức tượng chiến sĩ tiến lên đập ngay vào tầm mắt những ai tiến vào An Lộc. Thật là kỳ lạ, bức tượng này đã đứng vững trong hơn 2 tháng trời An Lộc bị pháo kích tổng cộng trên 200,000 trái đạn. Tiểu Khu ở phía tay mặt con đường, Đại Uý Qúi trước đây đã từng vào An Lộc, ông nói :”Các anh cứ đi theo tôi coi chừng lạc”. Đi chừng hơn 100 thước, chúng tôi thấy một dinh thự 2 tầng đã sụp đổ phần trên, đó là toà hành chánh Bình Long, những hàng chữ bằng xi măng đúc không còn nguyên vẹn. Mùi xú uế nồng nặc đến lợm giọng. Một thứ mùi đặc biệt của thịt người và thú vật đã sình thối. Bộ Chỉ Huy của Tướng Hưng nằm phía Đông Bắc Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Những dẫy nhà mất mái, đổ tường, hầm của Tướng Hưng đặt tại căn cứ của Trại Đỗ Cao Trí bên dưới lòng đất dầy khoảng 3 thước. Chúng tôi bước vào một lối đi nhỏ hẹp, đó là đường dẫn xuống trung tâm hành quân của Tướng Tử Thủ Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Mặt Trận Bình Long. Căn hầm tù mù, một ngọn đèn duy nhất chừng 45 volt, nên chỉ mang lại một chút ánh sáng vàng vọt, Sau này chúng tôi được biết, Tướng Hưng đã chuẩn bị cho những ngày bị bao vây kéo dài, Ông có 3 máy điện riêng, nhưng nhất quyết chỉ sử dụng một máy. Công xuất của máy chỉ đủ dùng cho hệ thống siêu tần số và cho các máy liên lạc, còn thừa lại là ánh đèn nhỏ khô héo trong hầm chỉ huy. Tướng Hưng tự hạn chế mọi tiện nghi riêng để giành cho sự sống còn của Bình Long. Nếu không còn mạch điện cung cấp cho hệ thống liên lạc thì An Lộc sẽ bị thất thủ tức khắc. Ngoài căn hầm nhỏ dành riêng cho Ông và Cố Vấn Trưởng, nơi này chỉ được thắp sáng mỗi khi cần, Tướng Hưng chỉ sử dụng một máy phát điện đặt trên nóc hầm Bộ Chỉ Huy, 2 máy còn lại phải phòng hờ bị đạn pháo kích làm hư hại. Hơn nữa mức dự trữ nhiên liệu luôn luôn chỉ đủ cho thời gian 1 tuần lễ. Theo lời yêu cầu của Tướng Hưng, Quân Đoàn có cho thả dù các phuy xăng. Nhưng trong 10 thùng khi chạm đất đã nổ đến 9. Có những ngày Tướng Hưng phải ra lệnh đi mót xăng từ các xe cộ nằm hư rải rác trong thành phố. Nhiều người đã chết trong công tác bề ngoài xem rất tầm thường này, nhưng thực ra chính là sự hy sinh đầy ý nghĩa cho sự đứng vững của An Lộc trong hơn 3 tháng trời khói lửa.

I.- Ngoài ra, còn có Liên Đoàn 5 Quân Y , các đơn vị Quân Nhu, Quân Cụ, Quân Vận, Quân Cảnh, Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Cảnh Sát .

5- BÌNH LUẬN VỀ TRẬN CHIẾN AN LỘC

A.- YẾU TỐ ĐIỀU NGHIÊN

Điều nghiên là vấn đề căn bản của bất cứ trận đánh nào, dù nhỏ như đồn bót, căn cứ hoả lực, lớn như một tỉnh ly, một mặt trận, một chiến trường. Đâu là Điểm, đâu là Diện, lực lượng và khả năng tác chiến của địch và bạn, ưu thế của địch khuyết điểm của ta. Các cấp chỉ huy và tinh thần chiến đấu của binh sĩ của đối phương, địa thế, thời tiết, lòng dân, v.v... để khắc phục và khống chế chiến trận, giành phần thắng lợi cho binh đội của mình.

Như mặt trận An Lộc, diện là Tây Ninh, còn điểm là An Lộc. Tại Tây Ninh có Sư Đoàn 25 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà trấn đóng, Sư Đoàn 25 lúc bấy giờ, đã có nhiều trận chiến thắng với các đơn vị chính quy, quân Cộng Sản Bắc Việt, sĩ khí đang lên cao, nhất là có đơn vị Trinh Sát Hắc Báo rất là thiện chiến, với cả 3 Trung Đoàn Bộ Binh hùng mạnh và còn nguyên vẹn + Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, còn địa thế thì dọc theo Quốc Lộ 22 từ Crek (Cambodia về phía Nam, đến phía Bắc Tỉnh Lỵ Tây Ninh (Việt Nam Cộng Hoà), có rừng rậm ẩn khuất, nhưng về phía Nam qua khỏi tỉnh Tây Ninh về Sài Gòn, dọc theo Quốc Lộ 1 được khai hoang rộng rãi, dân cư đông đúc, đa số chống Cộng, hai bên đường không có rừng cây rậm rạp, để có thể tổ chức các cuộc phục kích hay đóng chốt cấp trung đoàn, để chận viện binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà từ phía Nam lên.

Tại An Lộc, thuộc vùng trách nhiệm của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà trấn giữ, đã bị gẫy hết Trung Đoàn 8 Bộ Binh, vì sau trận Snoul từ Miên rút về, đã bị Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt chận đánh, thiệt hại khá nặng (vào cuối tháng 05 năm 1971), đang được bổ sung và tái trang bị, 2/3 là tân binh. Chỉ còn lại Trung Đoàn 7 Bộ Binh đang đóng tại An Lộc và Trung Đoàn 9 Bộ Binh đang trấn thủ tại Lộc Ninh, tinh thần binh sĩ không cao, như vậy là hầu như bị kém khuyết hềt phân nửa, so với Sư Đoàn 25 Bộ Binh ở phía Tây Ninh. Còn địa thế thì theo Quốc Lộ 13 chạy dài từ ranh giới Việt Miên đến sát An Lộc toàn là rừng rậm, về phía Nam hết 8 phần 10 là rừng và cây cao su ngút ngàn, dân cư thưa thớt, nên rất thuận tiện cho việc tổ chức các ổ phục kích như: Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt tổ chức phục kích Thiết Đoàn 1 (-), 5 cây số Bắc Lộc Ninh, vào đêm 05 rạng 06 tháng 04 năm 1972. Điểm phục kích thứ hai tại ngã ba Cầu Cần Lê, Quốc Lộ 13 nối liền Liên Tỉnh Lộ 17, Bắc An Lộc 15 cây số, do 2 trung đoàn của Công Trường 9 Cộng và Công Trường Bình Long, tổ chức tuyến phục kích dài 3 cây số để ngăn chận và đánh bật Tiểu Đoàn 2 Trung Đoàn 52 Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, xuất phát từ căn cứ hoả lực Cần Lê, dự định lên tiếp cứu Lộc Ninh theo lệnh, vào ngày 06 tháng 04 năm 1972. Điểm thứ ba,tại phía Nam An Lộc, Công Trường 7 tổ chức điểm phục kích cấp sư đoàn, khoảng 4 cây số Nam An Lộc (chốt Xa Cam), dự định hốt hết các lực lượng bố phòng rã hàng ngũ chạy về Lai Khê, 2 trung đoàn khác, tổ chức các chốt kiền có sự điều chỉnh pháo binh tầm xa 130 ly ( vị trí đặt súng ở phía Tây ), nhất là chốt kiền tại Suối Tàu Ô (20 cây số Nam An Lộc), thêm 1 chốt phụ nữa,tại xã Bàu Bàng (52 cây số Nam An Lộc), là những nơi đã diễn ra nhiều trận đánh đẫm máu, giữa quân tiếp viện của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và quân chận viện của Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt, suốt hơn 2 tháng dọc theo Quốc Lộ 13 từ Nam lên Bắc.

Ưu thế của địch (quân Cộng Sản Bắc Việt) : Có chiến xa T.54 và PT.76 và là lần đầu tiên xuất hiện tại chiến trường trong Nam (Quân Khu III Việt Nam Cộng Hoà), pháo binh tầm xa 30 cây số, các xe thiết giáp phòng không cơ động với súng 12 ly 7 và 37 ly, có những vũ khí tối tân như SA.7 (loại cầm tay) do Nga viện trợ, là loại khắc tinh của các loại trực thăng của Việt Nam Cộng Hoà và Đồng Minh Hoa Kỳ.

Yếm thế của địch : để mất thời cơ thuận lợi sau khi chiếm xong Lộc Ninh, lại không dùng khí thế đó xúc kích tấn công An Lộc mà trì hoãn đến 7 ngày sau (từ 07 tháng 04 đến 13 tháng 04) mới mở màn trận tấn công đầu tiên vào An Lộc, thêm vào đó khi tấn công thì lại tấn công chỉ nhằm vào môt hướng hay một mặt chứ không tấn công đồng loạt, còn các mũi tấn công thì giờ khắc lại không thống nhất, nên lực lượng trú phòng đủ thì giờ và điều kiện trám khuyết những yếu điểm nếu có, cũng như nhận biết trước được đâu là nỗ lực chính cũng như phụ và tình hình của trận thế. Ngoài ra, không có sự phối hợp giữa bộ binh và chiến xa.

Ưu thế của bạn (Việt Nam Cộng Hoà): Về không yểm, ban đêm có phi cơ Spectre AC.130 trang bị loại đại liên nồi 40 ly, đại bác 105 ly diệt tăng. Ban ngày, khi vừa chấm dứt các phi tuần của không quân chiến thuật, liền đến các phi vụ của không quân chiến lược B.52, cất cánh từ đảo Guam (Hoa Kỳ), oanh kích và oanh tạc không ngừng, đã đổ hàng chục ngàn tấn bom trên đầu Cộng quân. Cộng thêm tinh thần quyết tử chiến, của các Chiến Sĩ Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, Chiến Đoàn 52 Sư Đoàn 18 Bộ Binh, và qua huấn lệnh tử thủ của Tướng Lê Văn Hưng, bên cạnh còn có các đơn vị tinh nhuệ : Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Biệt Động Quân, Nhảy Dù, Biệt Cách Dù, đã được tăng viện đúng lúc và kịp thời, thêm vào lực lượng Dân Cán Chính tỉnh Bình Long, một lòng sát cánh bên Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, đồng tâm quyết chí chống lại cuộc xâm lăng từ phương Bắc của quân Cộng Sản Bắc Việt đến cùng.

Về phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, thì khắc chế được những gì yếu kém lúc ban đầu, như không có pháo binh tầm xa thì xử dụng không quân chiến thuật và không quân chiến lược, trải thảm bom để trả đũa và diệt pháo của địch, không có chiến xa đương đầu với T.54 của Cộng quân, thì được thay thế bằng hàng chục tổ chiến binh, được trang bị loại súng chống chiến xa cầm tay M.72, bắn hạ hàng loạt T.54 và PT.76. Cái ưu tư lo sợ mất tinh thần lúc ban đầu, đã đem lại cái hoan hỷ, tự tin và hăng say, săn lùng từng chiến xa địch đang ngơ ngác, trong vòng đai phòng thủ bên trong Thị Xã, thi đua nhau bắn hạ liên hồi các con mồi (chiến xa địch) không sót chiếc nào.

Căn cứ vào yếu tố điều nghiên để thiết lập hồ sơ trận liệt : đây mới là yếu tố quyết định trong vấn đề điều nghiên. Trong binh thư có câu : Biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Biết ta mà không biết người, trận thắng trận thua. Không biết người mà cũng không biết ta, trăm trận đều thua. Trong trường hợp mặt trận An Lộc, ta có thể lấy trường hợp thứ nhì (biết ta - Cộng Sản - mà không biết người - Việt Nam Cộng Hoà). Trở lại trận Lộc Ninh, theo bản điểu nghiên trận liệt địch biết phía bên Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà có tổng cộng 1 Trung Đoàn chủ lực cộng thêm 1 Tiểu Đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng và 1 Thiết Đoàn (khoảng 30 chiến xa M.41 và M.113) + Lực Lượng Chi Khu Lộc Ninh có khoảng 1 Tiểu Đoàn hỗn hợp gồm Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Cảnh Sát ... nên Cộng quân huy động một lực lượng đông hơn gấp 5 lần, nhất là lần đầu tiên sử dụng loại chiến xa T.54 và PT.76 vững mạnh hơn Chiến Xa M.41 và Thiết Vận Xa M.113 của Việt Nam Cộng Hoà . Nên ngay sau gần 48 giờ giao tranh, địch có ưu thế, và khống chế được chiến trận, bởi “Biết người biết ta” nên thắng trận. Trái lại, đối với mật trận chính tại Thị Xã An Lộc, dựa theo bản điều nghiên trận liệt thì lực lượng phòng thủ chỉ có nhiều nhất là 5 Tiểu Đoàn Bộ Binh (3 của Trung Đoàn 7 và 2 Tiểu Đoàn Địa Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long) và Bộ Chỉ Huy nhẹ của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà (tổng cộng khoảng 1 Trung Đoàn (+), cái sai thứ nhì là đã điều nghiên tọa độ sai trật mục tiêu Bộ Chỉ Huy đầu não của lực lượng phòng thủ (vì giờ phút chót Bộ Chỉ Huy của Tướng Hưng đã di chuyển sang căn hầm của Trại Đỗ Cao Trí ). Cái sai trầm trọng nhất ngoài dự liệu, là phía quân phòng thủ nhất quyết không bỏ chạy, không rút lui, và ưu thế của các chiến xa T.54, bị bẻ gãy ngay từ trận đầu bởi các tổ M.72 chống chiến xa, vô tình để cho sĩ khí của các chiến binh Việt Nam Cộng Hoà tăng cao lên tức khắc. Cộng quân ước tính, phía Việt Nam Cộng Hoà, có nhiều lắm là 1 Trung Đoàn (còn ít hơn ở Lộc Ninh), lại không có pháo không có tăng, nên cũng tuồng cũ soạn lại : Dùng 4 Trung Đoàn chủ lực, chĩa mũi dùi đánh thẳng vào các cơ sở đầu não của lực lượng phòng thủ, sau khi chế ngự hầu hết các điểm cao xung quanh An Lộc (trừ Đồi Gió và Đồi 169 phía Đông Nam). Địch hình dung địa thế An Lộc như là một lòng chảo giống Điện Biên Phủ khi xưa (mặc dù thực tế nhỏ hơn nhiều vế quân số cũng như địa hình địa vật). Nhưng khi va chạm vào thực tế thì tại An Lộc vào ngày 12 tháng 04 năm 1972 đã có đến 3 Trung Đoàn quân chủ lực thiện chiến và 2 Tiểu Đoàn của Tiểu Khu Bình Long. Và ngay mũi dùi chính tấn kích từ hướng Bắc gặp phải 2,500 quân của Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, trong tay lại có hơn 2,000 khẩu M.72 chống chiến xa với 400 tay xạ thủ rành nghề và quyết tử, nên thua trận. Đúng với câu biết ta mà không biết người thì trận thắng trận thua.

B.- YẾU TỐ CHIẾN THUẬT

a.- Theo binh pháp cận đại của Tàu Cộng : Chiến Thuật biển người, tiền pháo hậu xung, bịt pháo công đồn, nhị thức bộ binh chiến xa.

b.- Binh thư Tôn Tử có ghi chép : về việc bao bây, tấn công, nguyên tắc căn bản khi mở cuộc bao vây, tấn công hay chia cắt: khi quân ta đông hơn địch gấp 10 lần hơn thì mở cuộc bao vây, khi quân ta đông gấp 5 lần hơn địch thì mở cuộc tấn công trực diện, khi quân ta bằng với quân địch thì phải áp dụng thế nghi binh hay chia cắt.

Quân Cộng Sản Bắc Việt áp dụng chiến thuật biển người (còn gọi là chiến thuật nướng người ), như trận Điện Biên Phủ năm 1954, pháo rất nặng (mưa pháo), sau khi dứt các đợt pháo, thì mở cuôc xung phong, như kẻ điếc không sợ tiếng súng, cận chiến đánh xáp lá cà như thằng mù, truớc các họng súng đại liên M.60 và các súng cá nhân M.16 của các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, và bị tan xác dưới các trận oanh tạc của Không Quân Chiến Thuật và Chiến Lược của Không Quân Hoa Kỳ.

Chiến thuật bịt pháo công đồn : pháo vào các căn cứ hoả lực có đại bác 105 ly hoặc 155 ly như Tiểu Đoàn 52 Pháo Binh Tại cứ điểm An Lôc, và Pháo Đội Dù trên đĩnh Đồi Gió rồi xua quân tấn công vào Thành Phố An Lộc và Tiểu Đoàn 6 Dù đang trấn giữ bảo vệ vị trí Pháo Binh .

Áp dụng nhị thức Bộ Binh và Chiến Xa : Vì là lần đầu tiên lực lượng Cộng quân có chiến xa yểm trợ để tấn công, nên giữa các đơn vị tùng thiết và các chiến xa T.54 & PT.76 mạnh ai nấy đi . Bộ Binh thì lo chạy tránh Pháo, Chiện xa thì cứ tiến nhanh vào thành phố ..Nên dễ làm mồi cho các tổ phóng hoả tiễn M.72 của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà.

Chiếu theo các tài liệu, vào lúc khởi phát cuộc bao vây An Lộc, địch có khoảng từ 35,000 đến 37,000 cán binh, còn bạn thì chỉ có Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Việt Nam Cộng Hòa và lực lượng diện địa lãnh thổ Tiểu Khu Bình Long,cộng chung 5 Tiểu Đoàn, cùng Bộ Chỉ Huy Nhẹ của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, tổng cộng tối đa khoảng 2,200 quân sĩ Việt Nam Cộng Hoà. Như vậy là địch đông trên hơn 24 lần, nên địch mở cuộc bao vây An Lộc và tấn công từng mặt một (có thể nói là hoàn toàn khinh địch) .

C.- YẾU TỐ TÂM LÝ BẤT NGỜ

Phía Quân Việt Nam Cộng Hoà bị bất ngờ khi Quân Cộng Sản Bắc Việt mở cuộc tấn kích, khi Địch mở trận mưa pháo tàn khốc, và xử dụng chiến xa, khiến cho Quân Sĩ Việt Nam Cộng Hoà bị mất tinh thần trong giai đoạn đầu, mở màn trận đánh Lộc Ninh. Và vì địch vi phạm lỗi lầm khi áp dụng nhị thức bộ binh & chiến xa, không có sự yểm trợ hỗ tương lẫn nhau, nên dễ làm mồi cho các tổ khinh binh Việt Nam Cộng Hoà được trang bị những khẩu M.72, khí thế hùng hổ của địch quân vừa đông quân số vừa có Chiến Xa trợ chiến, nhưng khi Chiến xa chạy lạc bị bắn cháy, bộ binh quân Cộng Sản Bắc Việt lại đâm ra mất tinh thần, còn phía bên Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, khi thấy trong tay mình có hàng ngàn khẩu M.72, và biết chắc là loại vũ khí khắc tinh của chiến xa địch, thì đâm ra tự tin, phục hồi tinh thần trở lại nhanh chóng, đua nhau đi tìm diệt tăng dịch.

Đó là yếu tố tâm lý bất ngờ, mà cả đôi bên mới vừa phát hiện trên trận địa khi lâm chiến, không một binh gia nào có thể dự liệu hay tiên đoán được, và nhờ thế đã đem đến thắng lợi cuối cùng cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

D- YẾU TỐ THỜI CƠ

Yếu tố thời cơ cũng là một trong những nhân tố quyết định, cho sự thắng bại của chiến trường An Lộc. Thời cơ đây, có thể nói là, thời điểm thuận tiện nhất để đè bẹp đối phương, khống chế trận chiến . Thời cơ khi đến cũng rất nhanh chỉ trong vòng vài ba ngày là cùng, nếu đã để lỡ dịp, thì thời cơ sẽ đi qua, không bao giờ trở lại. Thí dụ : Khi quân đội Cộng Sản Bắc Việt chiếm xong Lộc Ninh (chỉ trong vòng có 2 ngày, sớm hơn dự tính của kế hoạch là phải mất từ 7 đến 10 ngày), khí thế và tinh thần các cán binh Cộng Sản Bắc Việt đang lên cao, và còn đang say men chiến thắng, trong lúc tại An Lộc Lực Lượng Phòng Thủ chỉ mới có Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân và Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà mà thôi ... vì sự trì hoãn lo chỉnh đốn hàng ngũ và bổ xung quân số, nhất là do lòng tham, tóm nhặt chiến lợi phẩm và những thứ khác của Quân Dân Lộc Ninh... bỏ lỡ cơ hội bằng vàng để đạt được chiến thắng và dứt diểm An Lộc. Sở Chi Huy Chiến Dịch khi nhận định như thế đã ra quyết nghị chuyển cho Bộ Chỉ Huy Mặt Trận là phải tiếp tục tiến quân tấn chiếm An Lộc ngay trước ngày 09 tháng 04 năm 1972 (sau 2 ngày tấn chiếm Lộc Ninh). Nhưng Bộ Chỉ Huy Mặt Trận do Tướng Trần Văn Trà lãnh đạo lại không đồng ý, để trì trệ cho đến ngày 13 tháng 04 mới khai hoả, trong khi ngày 12 tháng 04 năm 1972 phía Việt Nam Cộng Hoà có được thêm 2,500 tay súng, trong đó có 400 Lao Công Đào Binh quyết tử chiến với quân Băc Phương, của Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, lợi hại nhất là trong tay có trên 2,000 khẩu M.72, loại khắc tinh của chiến xa địch, cũng từ chỗ đó, 15 T.54 đi đầu khi chạy vọt đại vào trong thị trấn (trong đợt tấn công đầu tiên, cũng do Sư Đoàn 5 Cộng Sản Bắc Việt làm chủ lực) đã bị các chiến sĩ Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà bắn hạ hầu hết không còn một chiếc nào, và cũng từ đó các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà được biết chắc là loại vũ khí M.72 có trong tay rất có hiệu quả bắn diệt tăng địch, cũng từ chỗ đó tinh thần và sĩ khí diệt tăng địch lên cao, để tiếp tục chống trả quyết liệt trong những cuộc tấn kích về sau này của Cộng quân. Đổi lại các cán binh Cộng Sản Bắc Việt tùng thiết đâm ra mất tinh thần, mất hết nhuệ khí, khi thấy chiến xa bị bắn cháy. Rồi kế tiếp đến, Lực Lượng Nhảy Dù và nhất là Lực Lượng Biệt Cách Dù được đổ vào An Lộc, từ đó cán cân chiến thắng đã nghiêng hẳn về phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

Tóm lại, dù bạn hay địch, nếu bên nào nắm được lợi điểm ở 4 yếu tố kể trên, thì phần thắng sẽ nghiêng về bên đó. Và ai biết khai thác những cái khuyết điểm của đối phương cũng như biết khắc chế những yếu điểm của quân mình thì sẽ đạt được chiến thắng sau cùng của trận chiến.

E- CÁC CỐ VẤN HOA KỲ, LIÊN LẠC VỀ KHÔNG YỂM CHO CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC, ĐƯỢC MÔ TẢ NHƯ SAU :

1.- Chiếu theo dư luận của giới quân sự Hoa Kỳ, họ cho rằng nếu không nhờ Không Quân của Hoa Kỳ yểm trợ thì An Lộc đã bị quân Cộng Sản Bắc Việt đè bẹp ngay từ khi khởi đầu trận chiến.

Việc này đúng hoàn toàn hay chỉ đúng một phần nào, xin quý độc giả đọc tiếp những sự thật về các cố vấn Mỹ và về không yểm (pháo đài bay B.52, oanh tạc cơ phản lực, trực thăng tiếp tế) của Không Lực Hoa Kỳ như sau :

a.- Các cố vấn Mỹ cũng có người rất tận tâm trong chức vụ cố vấn của mình, ngay cả hy sinh tính mạng, điển hình như Trung Tá Schott quyết định tự sát để cho các cố vấn còn lại thoát thân khi Lộc Ninh thất thủ.

Kế tiếp, tại mặt trận Cầu Cần Lê toàn thể toán cố vấn Mỹ của Chiến Đoàn 52 của Sư Đoàn 18 Bộ Binh rất là tận tâm trong chức vụ cố vấn. Người rất đáng được ca tụng là Trung Tá Ginger, cố vấn trưởng, mặc dù đã bị thương khá nặng, đã từ chối không gọi trực thăng tản thương đến để di tản, mà quyết định ở lại để giúp cho vị Chiến Đoàn Trưởng là Trung Tá Thịnh gọi trực thăng võ trang và các phi tuần phản lực , xạ và oanh kích địch một cách có hiệu quả. Nhờ vậy mà Chiến Đoàn 52 thoát khỏi được vòng vây của hai Trung Đoàn Cộng Sản Bắc Việt.

Việc tản thương Đại Úy Zumwatt ( Cố vấn Phó Chiên Đoàn 52 (-), khi trực thăng có sơn chữ thập đỏ đáp xuống ngay giữa trận tiền, đang hồi sôi bỏng tiếng súng, liền bị quân Cộng Sản Bắc Việt xả súng bắn, kết quả đã gây tử thương cho vị phi công phụ là Đại Úy Robert L. Hors và một y tá (không rõ tên) trên phi cơ.

Kế tiếp là các cố vấn của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù : Đại Úy Huggings và Thượng Sĩ Yearta rất tận tình trong chức vụ, với người bạn đồng minh đã giúp trực thăng tản thương rất là nhanh chóng để tản thương một số chiến binh Biệt Cách Dù và Biệt Động Quân tại vùng Đôi gió, và liên lạc với C.130 thanh toán mục tiêu đồn Cảnh Sát Dã Chiến,giúp cho Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, ủi xong đồn Cảnh Sát Dã Chiến, phía Bắc Tỉnh lỵ An Lộc, và sau cùng chỉ điểm cho trực thăng võ trang Cobra xạ kích, sát hại hằng trăm quân Cộng sản Bắc Việt xung quanh Đồi Đồng Long ( 08 tháng 6 năm 1972 ) .

Kế tiếp các cố vấn của Liên Đoàn 1 Nhảy Dù, của Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh, của Trung Đoàn 43 Sư Đoàn 18 Bộ Binh, của Trung Đoàn 31, 32, 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh, rất tận tình trong chức vụ đối với người bạn đồng minh của mình trong suốt cuộc chiến.

Đặc biệt là các phi hành đoàn của Không Đoàn Vận Tải C.130 Hoa Kỳ trách nhiệm thả dù tiếp tế cho quân bạn Việt Nam Cộng Hoà tại An Lộc, bị cao xạ và phòng không của địch bắn rơi và tử thương trong lúc thi hành nhiệm vụ. Thật là những gương hy sinh cao cả.

Sau cùng là vị tướng Mỹ Tillman trong lúc đáp xuống viếng thăm An Lộc khoảng ngày 10 tháng 07 năm 1972. Khi ông vừa rời khỏi Trực Thăng thì bị một quả pháo nổ ngay bãi đáp, gây tử thương cho ông và một số sĩ quan cao cấp của Lực Lượng 2 Dã Chiến Hoa Kỳ.

b.- Bên cạnh những vị anh hùng cố vấn Mỹ đã quên thân mình cho ý nghĩa cao cả tự do, và tận tụy trong chức vụ Cố Vấn của mình, đối với người bạn đồng minh Việt Nam Cộng Hoà, thì cũng có những sự việc không mấy tốt đẹp: Chúng tôi xin lược kê như sau:

Trước tiên là toán cố vấn Mỹ của Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà. Viên Cố Vấn Trưởng là Trung Tá Abramawith, và toàn toán Cố vấn Mỹ, từ chối không chịu theo Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đổ vào tăng viện cho mặt trận An Lộc.

Kế tiếp là Đại Tá Miller, Cố Vấn Trưởng Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, đòi rút hết toán cố vấn về Lai Khê viện lẽ hầm nổi dã chiến của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh không đủ an toàn. Nếu Tướng Hưng không tìm được ra một căn hầm khác (trại Đỗ Cao Trí) thì Sư Đoàn 5 Bộ Binh cũng giống như tình trạng của Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà vậy.( Mặt dầu đó là vận may cho toàn thể Bộ Chỉ Huy của Tướng Hưng và cả toán Cố Vấn Mỹ ), Đại Tá Miller bắt buộc phải tận tình trong chức vụ, trước tiên là để bảo toàn mạng sống cho toàn toán Cố Vấn Mỹ,sau mới đến việc mang chiến thắng cho Quân tữ thủ Việt Nam Cộng Hòa .

2.- Nói về không yểm thì thật là dồi dào, những phi vụ phản lực cơ, và B.52 cũng như những chiếc C.130 có súng đại bác 105 ly và trực thăng võ trang Cobra đã yểm trợ rất đắc lực trong suốt trận chiến.

Bên cạnh những nỗ lực không yểm kể trên, còn có vài điểm khác biệt cũng cần phải nêu lên để làm sáng tỏ dư luận :

Về không quân chiến lược B.52 (đã ba lần từ chối theo như yêu cầu của phía Việt Nam Cộng Hoà) :

- Lần thứ nhất vào ngày 18 tháng 04 năm 1972 tại vùng phi trường Quản Lợi (tính chất mục tiêu là Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn Cộng Sản Bắc Việt và những nhân vật đầu não của Cục R và 2 trung đoàn chính quy quân Cộng Sản Bắc Việt).

- Lần thứ nhì vào ngày 20 tháng 05 năm 1972 (tính chất mục tiêu là Bộ Chỉ Huy của Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt).

- Lần thứ ba vào ngày 22 tháng 05 năm 1972 (tính chất mục tiêu là hầm chốt Xa Cam cấp 2 trung đoàn).

Về trực thăng tiếp tế và tản thương.

- Tất cả các trực thăng tiếp tế cũng như tản thương của Không Lực Việt Nam Cộng Hoà đều không thể đáp xuống mặt trận An Lộc trong thời gian cuộc chiến đang sôi động . Dư luận của các cố vấn Mỹ cho là phi công Việt Nam Cộng Hoà nhát gan, sợ phòng không địch nên không muốn đáp xuống trận địa. Trong lúc đó thì phi cơ trực thăng tiếp tế của Hoa Kỳ vẫn đáp lên xuống đều đặn, đem đồ tiếp tế cho các cố vấn Mỹ của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và Tiểu Khu Bình Long, không chiếc nào bị phòng không Cộng Sản Bắc Việt ngăn cản.

- Theo lời tường thuật của Thiếu Tá Nguyễn Văn Ức đại diện Sư Đoàn 3 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà, đích thân quan sát, đàm thoại và chứng kiến tận mắt, , cho biết : Sở dĩ trực thăng Mỹ được ra vào An Lộc một cách an toàn, là vì phía dưới luờn của trực thăng Mỹ và các mũ phi hành của tất cả phi hành đoàn, đều có sơn màu trắng, thay vì màu olive như các đơn vị Trực Thăng tác chiến của Việt Nam Cộng Hoà.

Như vậy, câu hỏi được đặt ra là, phía đồng minh Hoa Kỳ có đường giây bí mật nào liên lạc với địch quân , để nhận được một thoả hiệp như thế hay không?

Nếu có, thì quả là tay phải thì giúp, tay trái thì năn nĩ, vuốt ve quân thù của người bạn đồng minh của mình.

F- KẾT LUẬN

Sự việc gì cũng đều có hai mặt, mặt trái và mặt phải. Người thì nói là nhờ cố vấn và không lực Mỹ, An Lộc mới còn đứng vững sau 93 ngày quyết chiến, kẻ thì nói người bạn đồng minh của mình (Mỹ) bề ngoài thì giúp nhưng bề trong lại đi thoả hiệp ngầm với địch.

Nếu nghĩ rằng, nhờ yểm trợ dồi dào về không quân Hoa Kỳ, nhưng nếu không có một tinh thần quả cảm của quân dân Việt Nam Cộng Hoà, thề quyết sống chết cho quê hương đất Tổ Việt Nam, thì làm sao An Lộc có thể đứng vững trong suốt 93 ngày đó? Hay nói khác đi, nếu các cố vấn Mỹ và không quân Hoa Kỳ yểm trợ Quân Dân Việt Nam Cộng Hoà đánh Cộng Sản, mà quân dân của Việt Nam Cộng Hoà không có quyết tâm tử thủ, buông súng đầu hàng địch quân, thì liệu An Lộc có đứng vững hay không? Xin để quý vị độc giả và hậu thế phán xét.

 
TVQ chuyển

Bàn ra tán vào (0)

Comment




  • Input symbols

Chiến Thắng An Lộc 1972

Những chiến hữu và thân hữu có tên dưới đây đều có chung một Hoài Bão, bảo một Ý Chí, và một Tâm Niệm như nhau, trong công cuộc hình thành quyển sử liệu CHIẾN THẮNG AN LỘC 1972 nầy.

Đây là cuốn sử liệu sưu tầm trên mạng cho các bạn trong UMC. Bản quyền thuộc về các tác giả có tên phía dưới.


Những chiến hữu và thân hữu có tên dưới đây đều có chung một Hoài Bão, bảo một Ý Chí, và một Tâm Niệm như nhau, trong công cuộc hình thành quyển sử liệu CHIẾN THẮNG AN LỘC 1972 nầy.

Chúng tôi, với tình huynh đệ chi binh, không nêu tên theo cấp bậc cũng như vai trò trong Ban Biên Soạn mà chỉ nêu tên theo tuổi tác.

• Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường
• Trung Tá Trần Văn Tính
• Trung Tá Nguyễn Ngọc Ánh
• Đại Úy Lê Hoàng Ân
• Bà Lê Thị Kim Liễu, Đại học Rice, Houston



Tâm Thư của Trung Tướng NGUYỄN VĂN MINH
Nguyên Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III



Tôi sống ẩn dật trên đất Mỹ đã trên 30 năm, tuổi đời đã gần 80, bỗng nhiên nhận được bức tâm thư của nhóm anh em Quân Nhân thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà hiện cư ngụ tại Tiểu Bang Texas, gửi cho tôi, để hỏi ý kiến về việc thực hiện cuốn sách “Trận Chiến Thắng An Lộc năm 1972”.

Đọc xong bức Tâm Thư, lòng tôi rất bồi hồi, tưởng nhớ lại những chuyện xảy ra xa xưa trong cuộc đời Binh Nghiệp của mình, nhất là Trận An Lộc, tinh thần và ký ức phấn chấn trở lại, sau bao nhiêu năm tháng, ngỡ như mọi sự việc đã được vùi sâu tận cõi lòng của một con Người đang sống lưu vong, tha hương từ lâu nay rồi.

Đọc nội dung bức Tâm Thư, cá nhân tôi rất cảm kích tinh thần bất vụ lợi, mang đầy ý nghĩa cao cả, hy sinh cho đại cuộc, của nhóm Anh Em Quân Nhân tại Texas, với hoài bảo là làm sáng tỏ Chính Nghĩa Quốc Gia Dân Tộc, nhất là cuộc chiến đấu kiên trì và oai hùng của tất cả Quân Dân Cán Chính Tỉnh Bình Long vào năm 1972, để lưu truyền lại cho các Thế Hệ con cháu mai sau.

Từ đó tôi vội vàng moi trí nhớ, lục lại được một số giấy tờ và sách báo của những thông tin Việt, Pháp, từ năm 1972 đã viết và khen ngợi Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà có tham dự trong trận chiến An Lộc, đã kiên trì và anh dũng đánh bại 4 Sư Đoàn quân Cộng Sản phương Bắc vào năm 1972, mà tôi còn lưu trữ, và liền gửi những tài liệu có liên quan đến Trận An Lộc, cho người đại diện theo địa chỉ ghi trong Bức Tâm Thư, kèm theo đôi dòng ca ngợi và khuyến khích.

Tôi thành thật cám ơn tất cả các anh em đã hỏi ý kiến của tôi, và cầu chúc các Anh Em trong nhóm chủ trương biên tập, vượt qua mọi trở ngại khó khăn, để đạt đến mục tiêu cuối cùng, đúng theo như ý nghĩa của Bức Tâm Thư, và mong rằng có nhiều Quân Nhân cũng như các Công Dân Việt Nam Cộng Hòa khác, những ai đã từng chiến đấu hay chứng kiến suốt 93 ngày đêm, trong nội ngoại vi Tỉnh Bình Long, nên nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi đầy ý nghĩa chính đáng này, của nhóm Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà tại Tiểu Bang Texas.


Chúc Anh Em Thành Công Trọn Vẹn.

Ngày 10 tháng 11 năm 2006

Trung Tướng Nguyên Văn Minh
Cựu Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III

Huy Hiệu Của Các Đơn Vị
VIỆT NAM CỘNG HOÀ
Có Tham Chiến và Yểm Trợ
Cho Chiến Trường AN LỘC 1972

 


CHƯƠNG 1
TÀI LIỆU THAM KHẢO


A- TÀI LIỆU ĐƯỢC GIẢI MẬT VỀ CHIẾN TRANH VIỆT- NAM VÀ CÁC SÁCH BẰNG TIẾNG MỸ

  • COMBINED ARMS RESEARCH LIBRARY (tài liệu này được giảng dậy tại Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp của Quân Đội Hoa Kỳ, Fort Leavenworth)
  • A BETTER WAR (The Unexamined Victories and Final Tragedy of America’s last years in Viet Nam) của tác giả Lewis Sorley : giáo sư của Trường West Point và Trường Đại Học Chiến Tranh Bộ Binh, đồng thời thuộc Ban Tham Mưu của Bộ Quốc Phòng. Sau đó ông trở thành công chức cao cấp của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương.
  • AMERICAN’S LAST VIETNAM BATTLE của Dale Andradé
  • THE EYEWITNESS HISTORY OF THE VIETNAM WAR 1961-1972 của GEORGE ESPER (THE ASSOCIATED PRESS)
  • THE VIETNAM WAR DAY BY DAY của JOHN BROWMAN
  • AFTER ACTION REPORT, “THE BATTLE OF LOC- NINH” của Thiếu Tá Mark Smith (cố vấn của Trung Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà tại Lộc Ninh năm 1972)
  • THE BATTLE OF AN LOC của tác giả James H. Will- banks, cố vấn của Chiến Đoàn 52, Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà tại An Lộc năm 1972

B- TÀI LIỆU VÀ NHỮNG SÁCH BẰNG TIẾNG VIỆT

  • Nhật Ký Hành Quân của Quân Đoàn 3/Quân Khu III ghi về Trận Chiến An Lộc năm 1972 :
    • Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn 3 Quân Khu III kiêm Tư Lệnh Chiến Trường An Lộc
    • Trung Tá Nguyễn Ngọc Ánh, Phụ Tá Hành Quân Tư Lệnh đặc trách Chiến Trường Ngoại Biên và An Lộc
    • Trung Tá Huỳnh Văn Bé, Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Hành Quân Quân Đoàn 3/Quân Khu III
  • TRUNG ĐOÀN 8 BỘ BINH VÀ TRẬN CHIẾN AN LỘC của Chuẩn Tướng MẠCH VĂN TRƯỚNG, Nguyên Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh, cựu Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh
  • THIÊN ANH HÙNG CA QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HOÀ của Phạm Phong Dinh (về Sư Đoàn 18 Bộ Binh, tác giả trích từ cuốn băng cassette của Tướng Lê Minh Đảo gửi cho tác giả).
  • AN LỘC ANH DŨNG của nhà xuất bản Đại Nam phát hành năm 1972
  • VIỆT NAM THÔNG TẤN XÃ (các bản tin liên quan tới Trận AN LỘC và trích bản của sách báo ngoại quốc ca tụng về Trận AN LỘC)
  • LỮ ĐOÀN 1 NHẨY DÙ của Vương Hồng Anh
  • AN LỘC – MÙA HÈ ĐỎ LỬA của Phan Nhật Nam
  • Tưởng niệm 30 tháng 04 : tử chiến với Cộng Quân trước giờ G do Vương Hồng Anh tổng hợp trích trong bản tin Việt Báo ngày 30 tháng 04 năm 2004 (Mục Tham Khảo)
  • “Mẹ Viêt Nam ơi, dân ta có tộI tình gì” của tác giả Pierre Darcourt, do Dương Hiếu Nghĩa dịch thuật, trích trong Đặc San “Thế Giới” tháng 05 năm 2004, trang 22, chương XIII.
  • Hồi ký của Thượng Tướng Cộng Sản Bắc Việt Hoàng Cầm : ”Chặng Đường Mười Nghìn Ngày”.

C- CÁC MẠNG LƯỚI TOÀN CẦU:

  • BIỆT ĐỘNG QUÂN QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HOÀ
  • BIỆT CÁCH DÙ VÀ LỰC LƯỢNG ĐẶC BIỆT QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HOÀ
  • WEBSITES của Viện Đại Học Rice, Houston, Texas : những bài liên quan đến trận chiến An Lộc và cuộc chiến tranh Việt Nam do bà Lê Thị Kiêm Liễu sưu khảo và biên soạn.
  • WEBSITE “VIỆT NAM LỊCH SỬ 1954-1975”
  • 362avnco.com.anloc1.html
  • freevb.org/qlvnch/Jennifer/anloc_e1.html

D- TÀI LIỆU CỦA NHỮNG NHÂN CHỨNG SỐNG đã từng trực tiếp chiến đấu hoặc có mặt tại An Lộc trong thời gian cuộc chiến, hiện đang có mặt tại Tiểu Bang TEXAS, CALIFORNIA và tại các tiểu bang khác trên đất nước Hoa Kỳ cũng như đang cư ngụ tại Pháp, Úc, Canada và các nước tự do khác trên thế giới, v.v… gửi về cho Ban Biên Soạn ở Tiểu Bang TEXAS, Hoa Kỳ.

CHƯƠNG 2
BỐI CẢNH MÙA HÈ ĐỎ LỬA


MÙA HÈ ĐỎ LỬA, một mùa hè thời gian dài như thế kỷ đối với người dân cũng như người Chiến Sĩ thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà trong năm 1972. Mùa Hè Đỏ Lửa, bắt đầu vào ngày 30 tháng 03 năm 1972, khi Quân Cộng Sản Bắc Việt xua toàn bộ 14 Sư Đoàn quân chính quy, khoảng 120,000 quân Bộ chiến + 1200 chiến xa đủ loại, chia làm 3 mũi tấn công vào lãnh thổ nước Việt Nam Cộng Hoà của chúng ta tại BA mặt trận : QUẢNG TRỊ (30 Tháng 03); KONTUM (14 Tháng 04), và AN LỘC, TỈNH BÌNH LONG (05 Tháng 04 năm 1972). (1)

Chú thích (1) :
“Thiết Giáp! The Battle of An Lộc, April 1972”, tác giả Trung Tá James H. Willbanks. Combined Arms Research Li- brary (Command and General Staff College). Đề mục The North Vietnamese Strategy trang 8-10/64.


Kết cuộc là Quân Cộng Sản Bắc Việt đã bị QUÂN DÂN VIỆT NAM CỘNG HOÀ anh dũng đánh lui toàn bộ. Địch quân đành phải chịu ngậm đắng nuốt cay, rút lui và phải để lại chiến trường hơn 2/3 nhân mạng tử vong, bị thương, và hầu như toàn bộ chiến cụ nặng như Chiến Xa T.54, PT.76, các chiến xa cơ động phòng không, các khẩu pháo tầm xa 130 ly, và các giàn phóng hoả tiễn 107 ly và 122 ly, bị huỷ diệt (xem bản đồ 1).

Tại lãnh thổ Quân Đoàn 3/Quân Khu III (Việt Nam Cộng Hoà), Cộng quân tung 4 Sư Đoàn gọi là Công Trường (C.T.) như Công Trường 5, Công Trường 7, Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt và Công Trường Bình Long tân lập của Cục R. Từ biên giới Cambodia, quân Cộng Sản Bắc Việt ồ ạt tấn công vào thị xã nhỏ bé An Lộc, một thị xã có khoảng 20,000 dân trên một diện tích khoảng 4 cây số vuông bên trong lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà. Địa danh An Lộc là thị xã của tỉnh lỵ Bình Long với tổng số khoảng 45,000 dân, trên diện tích khoảng 2,240 cây số vuông, Bắc và Tây giáp ranh nước Cambodia, Đông giáp ranh Tỉnh Phước Long (Việt Nam Cộng Hoà), Nam giáp ranh Tỉnh Bình Dương (Việt Nam Cộng Hoà), Tây Nam giáp ranh Tỉnh Tây Ninh (Việt Nam Cộng Hoà), Nằm dọc theo Quốc Lộ 13, từ ranh giới nước Việt Nam Cộng Hoà và nước Cambodia, với những rừng cây cao su ngút ngàn, và vài ngọn đồi thoai thoải chung quanh thị trấn: Đồi 100 về hướng Tây, Đồi Đồng Long về hướng Bắc, Đồi Gió và Đồi 169 về Đông Nam. Đó là những cao thế địa hình dùng làm các cứ điểm quân sự rất thuận lợi trong việc phòng thủ bảo vệ Thị xã AN LỘC. Thị xã An Lộc chỉ cách Thủ Đô SÀI GÒN 100 cây số về hướng Bắc. Mục đích của địch là tạo áp lực quân sự trước cửa ngõ Thủ đô nước Việt Nam Cộng Hoà (Sài Gòn), và ra mắt Chính phủ của cái gọi là “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” (là công cụ bù nhìn của Cộng Sản Bắc Việt đẻ ra), đồng thời để hổ trợ cho hoà đàm Ba Lê đang hồi kết thúc.

Từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 04 năm 1972, địch mở màn bằng các trận đánh dương Đông kích Tây trên Quốc Lộ 22 phía Bắc tỉnh Tây Ninh, và đã tung vào trận chiến đơn vị C30B, gồm 2 Trung Đoàn là Trung Đoàn 24 địa phương và Trung Đoàn 271 của Công Trường 9, 2 tiểu đoàn đặc công, và 1 đơn vị thiết giáp (gồm 6 chiếc M.41 và M.113 chiến lợi phẩm chiếm được của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà),và 1 tiểu đoàn súng cối và phòng không 12 ly 8, mục đích để cầm chân Sư Đoàn 25 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đang có trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ Tình/Tiểu Khu Tây Ninh, Hậu Nghĩa và Long An, tạo THẾ NGHI BINH (Tây Ninh là DIỆN) nhưng ĐIỂM là Bình Long (AN LỘC).

Mặt trận An Lộc được khởi diễn vào đêm 04 rạng 05 tháng 04 năm 1972 khi Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt xuất phát từ biên giới Cambodia xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà tấn công quận lỵ Lộc Ninh thuộc tỉnh Bình Long, rồi đến Tỉnh Lỵ Bình Long ( An Lộc ) cho đến :

* ngày 07 tháng 07 năm 1972 là ngày được xem như kết thúc trận chiến, là ngày toàn thắng của Quân, Dân, Cán, Chính Việt Nam Cộng Hoà tại An Lộc Bình Long, sau 93 ngày đêm tử thủ,

* ngày mà cả 4 Công Trường quân Cộng Sản Bắc Việt bị Quân Dân tỉnh Bình Long đánh tan nát, gây kiệt quệ cả về tinh thần lẫn khả năng tác chiến, và buộc phải âm thầm rút lui trong tủi nhục ra khỏi trận chiến, với sự thiệt hại thật nặng nề, về nhân mạng cũng như quân dụng ( khoảng 70 đến 80 % quân số và chiến cụ nặng Chiến Xa T.54 + PT.76 + các xe Thiết Giáp Phòng Không di động + đại bác tầm xa 130 ly + các giàn phóng hoả tiễn 122 và 107 ly bị phá huỷ), do sự phối hợp chiến đấu oai hùng của Quân Dân Cán Chính tỉnh Bình Long chiến đấu trên diện địa, với sự yểm trợ của Không Quân Hoa Kỳ và Việt Nam oanh kích và oanh tạc trên các lộ trình tiến công của địch,

* ngày mà toàn thể Quân Dân Cán Chính tử thủ Bình Long đón chào vị Nguyên Thủ Quốc Gia kiêm Tổng Tư Lệnh Quân Đội, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, cùng phái đoàn đáp trực thăng xuống An Lộc để ủy lạo và tưởng thưởng cho những Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà hữu công và an ủi thăm hỏi dân chúng tỉnh Bình Long, trong lúc vẫn còn tiếng pháo kích của Cộng quân vào thành phố. Tổng Thống và phái đoàn đã nhìn tận mắt một Thị Xã nhỏ bé với diện tích khoảng 4 cây số vuông bị đổ nát bởi trên 200 ngàn quả pháo đủ loại trên mặt đất, xen lẫn mùi thuốc súng và mùi hôi thối của xác chết xông lên, của khoảng 8 ngàn thường dân vô tội và chiến binh tử vong trong những cơn mưa pháo của địch quân vào thị xã này.

* ngày mà tất cả các vị có mặt trong phái đoàn tháp tùng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gồm nhiều vị Tướng Lãnh Việt, Pháp, vào ủy lạo Quân, Dân, Cán, Chính tại mặt trận An Lộc, đã chứng kiến tận mắt chiến tích oai hùng này. Sự chiến đấu kiên trì của Quân Dân tỉnh Bình Long đã giáng trả cho đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt một trận để đời. Kết quả của trận chiến An Lộc thật
là kỳ diệu đã làm đảo ngược những tiên đoán của các nhà quân sự và các giới quan sát Tây Phương có mặt tại Sài Gòn trong thời gian đó. Tướng Vanuxem của Pháp, người từng tham gia trong cuộc chiến Việt Nam, từng là Tư Lệnh Quân Khu Tả Ngạn sông Hồng Bắc Việt trước năm 1954, đã ví trận chiến An Lộc như một Điện Biên Phủ thứ nhì, một trận chiến quyết định tại An Lộc cho Hoà Đàm Ba Lê tương tự như trận Điện Biên Phủ đã quyết định cho Hoà Đàm Genève năm 1954. Lịch sử đã không tái diễn như vậy; lần này Tướng Vanuxem cùng giới quan sát quốc tế rất đổi ngạc nhiên trước một kỳ công to tát của toàn quân và toàn dân Việt Nam Cộng Hoà tại An Lộc, là một chiến tích vĩ đại và điển hình để nói lên tinh thần chiến đấu hào hùng kiên cường bất khuất bằng quyết tâm chống Cộng Sản để bảo vệ lý tưởng Tự Do Dân Chủ cho Miền Nam Việt Nam. Trận chiến An Lộc, một trận chiến lẫy lừng về trình độ tác chiến phòng ngự, đã đi vào quân sử một cách vẻ vang, đã làm rạng danh người Chiến Sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà trong công cuộc chiến đấu bảo vệ quê cha Đất Tổ Việt Nam,

* ngày mà vị Lãnh Đạo Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà quỳ trước nghĩa trang Biệt Cách Dù, ngậm ngùi cầu nguyện trước Anh Linh của 68 Chiến Sĩ Biệt Cách Dù và hàng ngàn các chiến sĩ thuộc các quân binh chủng và dân thường vô tội khác, đã bỏ mình vì Đại Nghĩa Quốc Gia Dân Tộc trong suốt 93 ngày đêm chiến đấu thề quyết tâm tử thủ không ngừng nghỉ tại chiến trường An Lộc,

* ngày mà hai câu thơ của cô giáo Pha được đi vào lịch sử của Trận Chiến Thắng An Lộc :

AN LỘC ĐỊA, SỬ GHI CHIẾN TÍCH
BIỆT CÁCH DÙ VỊ QUỐC VONG THÂN

Chiến thắng An Lộc năm 1972 đã tượng hình từ năm 1971 sau những cuộc hành quân Toàn Thắng của Quân Khu III do cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí phát động, dự định đổ quân lên Kratié (một quận lỵ của nước Cambodia) để tiêu diệt Cục R, bản doanh đầu não của cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, đồng thời là căn cứ hậu cần của quân Cộng Sản Bắc Việt xâm nhập vào Miền Nam lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà. Nhưng không may, Đại Tướng Đỗ Cao Trí phải đền xong nợ nước vì lý do chiếc trực thăng chở ông bị nổ tung khi vừa mới cất cánh tại Tây Ninh, đến bây giờ cũng không ai biết đích xác về nguyên nhân gây ra tai nạn này.

Trung Tướng Nguyễn Văn Minh được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ định thay thế người tiền nhiệm tài ba và đầy lòng yêu nước đó.

Trong cái thế chẳng đặng đừng, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh buộc lòng phải có quyết định cho lệnh rút các lực lượng cơ hữu của Quân Đoàn 3 trở về nội địa Việt Nam Cộng Hoà để bảo toàn lực lượng, hoàn tất vào ngày 31 tháng 05 năm 1971.

Việc rút đoàn quân trên 2 Sư Đoàn (Sư Đoàn 18 Bộ Binh + 2 Liên Đoàn Biệt Động Quân + Trung Đoàn 8 của Sư Đoàn 5 Bộ Binh + Lữ Đoàn 3 Thiết Kỵ + Liên Đoàn 30 Công Binh Chiến Đấu) về đến nội địa vừa kịp lúc. Nhờ vậy mà khi quân Cộng Sản Bắc Việt mở cuộc tấn công vào lãnh thổ Quân Khu III vào ngày 05 tháng 04 năm 1972, phần lớn lực lượng kể trên của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã là thành phần nòng cốt, tương đối đủ khả năng cấp thời để chống trả lại 4 Sư Đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt.

Cuộc rút quân từ chiến trường ngoại biên năm 1971 về nội điạ Việt Nam Cộng Hoà là một cuộc hành quân lui binh đúng lúc trước tình hình biến chuyển ngõ hầu có đủ lực lượng phòng thủ diện địa, nhất là việc phòng thủ An Lộc trong trận chiến năm 1972 khi lực lượng bạn chỉ có một phải chống trả lực lượng địch đông hơn gấp sáu lần, trong khi đó địch có pháo binh và chiến xa yểm trợ trực tiếp, ta không có chiến xa chỉ có các phi vụ B.52 và các phi tuần phản lực của Không Lực Hoa Kỳ và Không Lực Việt Nam Cộng Hoà yểm trợ.

Việc địch quân được biết trước cuộc rút quân là điều tối kỵ của binh pháp và là một chuyện chẳng đặng đừng mà Trung Tướng Nguyễn Văn Minh phải ra lệnh thi hành. Sự kiện này đã gây nhiều ấn tượng sâu sắc trong tâm khảm và cuộc đời binh nghiệp không những cho riêng Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, mà còn cho tất cả những chiến sĩ liên quan đến Trận Chiến An Lộc.( xem bản đồ số 1)








CHƯƠNG 3
MẶT TRẬN LỘC NINH

1. ĐIỂM LÀ AN LỘC, ĐƯỢC KHỞI ĐẦU BẰNG TRẬN TẤN CHIẾM LỘC NINH

Trận tấn chiếm Lộc Ninh được xem như khởi diễn vào khoảng 17 giờ 45 ngày 04 tháng 04 năm 1972, là trận mở màn cho trận chiến An Lộc, khi đại đội trinh sát của Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, chạm trán nặng và bất ngờ với Trung Đoàn E.6 Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, tại vùng hoạt động 4 cây số, Tây Lộc Ninh. Cả đại đội trinh sát của Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, bị địch tràn ngập và tiêu diệt hoàn toàn trong khoảnh khắc, chỉ còn lại một hiệu thính viên mang máy còn sống sót, gọi báo cho Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9, về tình hình chiến xa và bộ binh địch, đang tràn ngập và cận chiến xáp lá cà, với các chiến sĩ trinh sát 9 Việt Nam Cộng Hoà, và đang tiếp tục tiến về hướng Quận Lỵ Lộc Ninh. Người chiến sĩ anh hùng hiệu thính viên, của Đại Đội Trinh Sát, vẫn tiếp tục báo về Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9, tình hình những sự di chuyển của địch, cho đến chiều ngày 06 tháng 04, tiếng nói của Người Hiệu Thính Viên quả cảm, im bặt vào khoàng 18 giờ 30. Tại Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 (-) Việt Nam Cộng Hoà, mọi người đều biết tình hình chiến trận bắt đầu trở nên nghiêm trọng. Đại Tá Nguyễn Công Vĩnh, Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, cùng cố vấn trưởng, và toàn thể các đơn vị trong căn cứ Hoả Lực, kể cả Chi Khu Lộc Ninh, đều ban hành lệnh báo động ứng chiến (2)

Chú thích: (2) After Action Report “The Battle of Loc Ninh” (4-7 April 1972) của tác giả Thiếu Tá Mark Smith, trang 5/13

Lúc 05 giờ 50 sáng ngày 05 tháng 04 năm 1972, mở màn cho cuộc tấn công của chiến dịch mà Cộng Quân được mang tên là “Nguyễn Huệ”, Cộng Quân bắt đầu pháo kích vào Quận Lỵ, để dọn đường cho bộ binh và chiến xa đang xâm nhập vào vùng Quận Lỵ Lộc Ninh.

Đến 06 giờ 00 sáng ngày 05 tháng 04 năm 1972, từ phía Tây và Tây Bắc, Cộng quân tung vào chíến trường Lộc Ninh, Quận Lỵ của Tỉnh Bình Long, khoảng 30 cây số Bắc An Lộc, toàn bộ Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, gồm có Trung Đoàn 275, Trung Đoàn 174, Trung Đoàn E.6, được tăng cường Trung Đoàn 95C của Công Trường 9, + Trung Đoàn địa phương + đại đội chiến xa trực thuộc trung đoàn 203 Chiến Xa hỗn hợp (T.54, PT.76), tổng cộng 10 chiếc tham chiến + Trung Đoàn phòng không cơ động 271, dưới sự yểm trợ hoả lực của Trung Đoàn Pháo nặng 42D 130 ly (tầm xa 30 cây số) + các giàn phóng hoả tiễn 122 ly và 107 ly. Tổng cộng quân số địch tham dự trận mở màn Lộc Ninh vào khoảng 15,000 cán binh cộng sản (Bộ Binh, Thiết Giáp, Pháo Binh).

Phía lực lượng Việt Nam Cộng Hòa, gồm có các đơn vị : Chiến Đoàn 9 (-) Sư Đoàn 5 Bộ Binh, do Đại Tá Nuyễn Công Vĩnh chỉ huy, Thiết đoàn 1 (-) do Trung Tá Nguyễn Đức Dương chỉ huy, (gồm các Chiến Xa M.41 + Thiết Vận Xa M.113) + Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng, Trung Đội Pháo Binh 105 ly, các đơn vị Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Cảnh Sát, trực thuộc Chi Khu Lộc Ninh, chỉ huy bởi Trung Tá Nguyễn Đức Thịnh, Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Lộc Ninh. Tổng cộng quân số khoảng 3,000 chiến binh Việt Nam Cộng Hoà. (Bộ Binh, Thiết Giáp, Pháo Binh, Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Cảnh Sát). Như vậy, lực lượng tương quan là 1 chống 5.

Khởi đầu trận đánh, quân Cộng Sản Bắc Việt mở trận mưa pháo vào vị trí đóng quân của Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng, 5 cây số phía Nam lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà (căn cứ hoả lực Alpha) và Thiết Đoàn 1 (-) đóng tại căn cứ dã chiến (căn cứ Hoa Lư vùng ngã ba Lộc Tấn, dọc theo Quốc Lộ 13 từ Bắc xuống Nam), 10 cây số Bắc Lộc Ninh, cùng lúc pháo vào Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 (-) Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, Quận/Chi Khu Lộc Ninh, nơi có các Khẩu Đội 105 ly trú đóng, theo chiến thuật “Bịt Pháo Công Đồn”.

Nhận biết ý đồ của địch, Đại Tá Vĩnh khẩn điện cho Trung Tá Dương cắt bớt một Chi Đoàn gữi trở về cho Chiến Đoàn 9 (-) Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Công Hoà, để phòng thủ Quận Lỵ Lộc Ninh và Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn, cấp thời di chuyển về phía Nam Quốc Lộ 13..

Chi Đoàn 3/1 hỗn hợp Chiến Xa và Thiết Vận Xa do Trung Úy Lê Văn Hùng làm Chi Đoàn Trưởng, rời vị trí đơn vị Mẹ trong đêm, nhưng khi chỉ còn cách Quận Lỵ Lộc Ninh 5 cây số về hướng Bắc, bị lọt vào ổ phục kích quân địch, có Chiến xa T.54 và PT.76 trợ chiến, và bị mất liên lạc với Thiết Đoàn 1 cũng như Bộ Chỉ Huy/Chiến Đoàn 9 Việt Nam Cộng Hoà, sau nửa giờ giao tranh.

Trung Tá Nguyễn Đức Dương, Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 1 (-) liền báo cáo về cho Đại Tá Nguyễn Công Vĩnh, Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, đã mất liên lạc với đứa con Chi Đoàn 3/1, nhưng tại Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9, tần số liên lạc bị gián đoạn, vì trong giờ phút đó hầm truyền tin của Chiến Đoàn 9 bị Cộng quân pháo sập, mãi cho đến sáng hôm sau, Đại Tá Vĩnh mới lên tần số, Ông chỉ thị cho Trung Tá Dương rút hết lực lượng còn lại tại ngã ba Lộc Tấn gồm Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn (-)Hỗn Hợp (Chi Đoàn 2/1) + Tiểu Đoàn 2/9 (-) tùng thiết và Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng + 1 khẩu đội Pháo Binh 105 ly, khẩn rút về tăng cường phòng thủ cho Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 và Quận Lỵ Lộc Ninh .

Dọc theo Quốc Lộ 13 xuôi về hướng Nam, khi nhận diện được điểm địch phục kích, mà Chi Đoàn 3/1 bị đánh tan vào đêm trước, Thiết Đoàn 1 (-) thình lình khám phá ra ổ phục kích của địch quân, gồm Chiến xa T.54+ PT.76, và hàng ngàn cán binh, đồng loạt hô xung phong, tiến đánh xáp lá cà, với các chiến sĩ tùng thiết (Tiểu Đoàn 2/9), và Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng. Sau hơn 1 giờ chiến đấu quyết liệt một cách anh dũng trước địch quân đông hơn gấp nhiều lần, các chiến sĩ tùng thiết cùng các con ngựa sắt M.41 và M.113 và Tiểu Đoàn 74 Biệt Đông Quân Biên Phòng, đành phải thúc thủ trước các chiến xa T.54 và PT.76 của Cộng quân.

Trung Tá Dương và Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn (-) với 2 Thiết Vận Xa, tung phá vòng vây, vượt được khỏi nơi phục kích khoảng 1 cây số về phía Nam, rồi cũng bị chận đánh, phải bỏ xe mà chạy bộ đến ngày hôm sau,cuối cùng cũng bị Cộng quân chặn bắt cùng với 15 chiến sĩ Thiết Kỵ của Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn 1 (-),vào khoảng 11 giờ 00 sáng ngày 07 tháng 04 năm 1972). (3)

Chú thích: (3) Lời tường thuật của nhân chứng sống Trung Tá Nguyễn Đức Dương, Thiết Đoàn TrưởngThiết Đoàn 1/5 và Trung Sĩ Lê Hoàng Long thuộc Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng .

06 giờ 00 sáng ngày 06 tháng 04 năm 1972, Cộng quân gia tăng cường độ pháo kích vào các cứ điểm phòng ngự trong Chi khu Lộc Ninh, hơn 3,000 quả pháo đủ loại thi đua nhau nổ trên trận tuyến, bất kể là Quân hay Dân sự, rồi từng đợt biển người ồ ạt tấn công vào hai cứ điểm chánh : Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và Bộ Chỉ Huy Quận/ Chi Khu Lộc Ninh .

A.- Tại Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh chỉ còn lại Tiểu Đoàn 3/9 + 1 Đại Đội của Tiểu Đoàn 2/9 + thành phần của Pháo Đội 105 ly (còn sử dụng được 6 khẩu), đôi khi phải hạ nòng bắn trực xạ vào Chiến Xa và Bộ binh địch, đang áp dụng chiến thuật xung phong biển người cận kề trước tuyến phòng thủ. Các chiến sĩ Chiến Đoàn 9 và Pháo Đội Pháo Binh, đã đẩy lui nhiều đợt xung phong của Bộ Binh địch có chiến xa T.54 và PT.76 yểm trợ. Trận chiến kéo dài đến chiều tối, Quân Bạn càng lúc càng ít đi vì bị thương và tử trận trên chiến tuyến, còn địch, càng lúc càng đông, cho đến khi phòng tuyến phía Bắc và Đông Bắc bị Cộng quân tràn ngập, Đại Tá Vĩnh cùng Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn, các cố vấn Mỹ và một số anh em của Pháo Đội Pháo Binh, sau khi phá hủy hết các các khẩu đại pháo, rút ra khỏi vị trí phòng thủ, đồng thời nhờ Đại Uý Mark Smith, cố vấn Mỹ, gọi các phi tuần phản lực Hoa Kỳ đánh bom Napalm thiêu gọn bọn quỷ đỏ đang tràn ngập căn cứ. Cố vấn trưởng Trung Tá Richard Schott, vì bị thương nặng biết là không thể chạy được, đã tự sát để cho những người cố vấn khác có cơ hội thoát ra được. (4)

Chú thích: (4) After Action Report “The Battle of Loc Ninh” của Thiếu Tá Mark Smith trang 11/13

Và sau đó, đoàn quân còn lại chưa đầy 100 quân, lần mò trong đêm tối, rút về phía Nam, lại bị địch chận đánh, khiến mọi người bị tản mác thất lạc., Đại Tá Vĩnh cùng một số chiến sĩ còn lại của Chiến Đoàn 9 và vị cố vấn Mỹ duy nhất còn lại là Đại Úy Mark A. Smith, buộc phải buông súng đầu hàng. Riêng Đại Tá Vĩnh, một quân nhân già dặn và can đảm, bị bắt khi mình mẩy và bộ đồ trận trên thân người đẫm đầy máu, vì bị nhiều thương tích trong lúc chiến dấu.

Tần số liên lạc của Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, im bặt vào lúc 10 giờ 30 tối đêm 06 tháng 04 năm 1972.

B.- Tại Bộ Chỉ Huy Quận/Chi Khu Lộc Ninh : Sau khi mất liên lạc truyền tin với Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9, ngầm biết Chiến Đoàn 9 đã tan, và sau khi biết lực lượng của Thiết Đoàn 9 (-)và Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng từ phía Bắc rút về đã bị đánh tan,cũng như lực lượng tiếp ứng từ phía Nam bị chận đánh, phải tháo lui trở lại, Trung Tá Thịnh liền họp Bộ Chỉ Huy Chi Khu và cố vấn trưởng, Thiếu Tá Thomas A. Davidson, quyết định phân tán rút lui,lợi dụng trời tối, vượt hàng rào phòng thủ về hướng Nam để vượt thoát vòng vây.

Trung Tá Thịnh là con người có vóc dáng nhỏ, nhanh nhẹn, da ngăm đen, nhưng thật rắn rỏi và kiên cường, sau khi thoát được vòng vây, len lỏi trong rừng sống như đồng bào Thượng, đôi lần gặp mặt Cộng quân, nhưng Trung Tá Thịnh làm bộ trả lời nhiều câu hỏi bằng tiếng Việt không thông, nên bị chúng đuổi đi, vì ngỡ rằng là Người Thiểu Số. Bôn ba lặn lội đầy gian lao khổ cực, cuối cùng cũng về đến An Lộc vài ngày sau đó. Trung Tá Thịnh được trực thăng bốc về Lai Khê, và sau khi nghỉ ngơi, sức khỏe và tinh thần được hồi phục, Trung Tá Thịnh được Trung Tướng NGUYÊN VĂN MINH, Tư LệnhQuân Đoàn3/Quân Khu III, bổ nhiệm làm Quận Trưởng /Chi Khu Trưởng Chi Khu Võ Đắc, thuộc Tỉnh Bình Tuy vào tháng 08 năm 1972. Còn cố vấn trưởng chi khu Thiếu Tá Thomas A. Davidson, chỉ sau đó 4 ngày, đã về đến phía Đông An Lộc, được một đơn vị Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hoà đang án ngữ phía Đông tiếp cứu, vào ngày 10 tháng 04 năm 1972.

Riêng Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng đang trú đóng tại căn cứ hoả lực Alpha (5 cây số phía Nam biên giới Việt Miên) liên tục bị địch quân pháo kích, và gia tăng áp lực tấn công, nên phải âm thầm rút lui trong đêm tối xuôi về phía Nam sau khi đã phá hủy hoàn tòan các khẩu pháo trong căn cứ trong đêm 05- 04-72, và rồi sáp nhập với Thiết Đoàn 1 (-) của Trung Tá Dương cùng di chuyển về Lộc Ninh và sau đó, bị đánh tan giữa đường.

Mặt trận Lộc Ninh kể như chấm dứt sau 48 giờ giao tranh ác liệt, Quân Cộng Sản Bắc Việt đã làm chủ tình hình chiến trận.
(Xem bản đồ số 2)

2. CÂU CHUYỆN SAU TRẬN LỘC NINH

Sau khi làm chủ tình hình tại Quận Lộc Ninh, Cộng quân liền trưng dụng tất cả các xe chở hàng và chở hành khách của dân chúng, ép buộc những tài xế của những xe này phải tuân lệnh chúng, lái xe để chuyên chở tù binh Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ, từ Lộc Ninh về khu đồn điền cao su Mimot, trong nội địa Cambodia và trong chuyến trở lại, chở các cán binh bổ sung cho các đơn vị Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt.

Một trong những tài xế, cũng là chủ nhân của chiếc xe hàng đang hành nghề chuyên chở những bành mủ cao su cho các đồn điền Pháp từ Lộc Ninh về Sài Gòn tên là Nguyễn Văn Nại, 42 tuổi (vào thời điểm năm 1972), là cậu ruột của chiến hữu Không Quân Trần Văn Long,đang hành nghề địa ốc (Broker) tại Austin,TX. Chiến hữu Long kể lạI rằng, khi ông cậu còn sống đã kể lại cho chiến hữu Long nghe, cuộc đào thoát đầy gian truân và nước mắt, của gia đình ông cậu như sau :

Vào các ngày 07 và 08 tháng 04 năm 1972. ông Nại bị Công quân bắt buộc dùng chiếc xe hàng của ông để làm công việc chuyển vận, Ông không bằng lòng lái xe, Cộng quân hăm dọa, đem cả gia đình gồm vợ và 3 con nhỏ, tuổi từ 12 đến 2, ra bắn bỏ, buộc lòng ông Nại phải lái xe cho Cộng quân. Lái từ buổi trưa ngày 07 tháng 04 năm 1972 đến Mimot rồi trở về Lộc Ninh. Đến chiều ngày 08-04-1972. Ông Nại cởi chiếc đồng hồ vàng đeo trên tay, lo lót cho một tên cán bộ Cộng Sản, đặc trách kiểm soát đoàn xe tại bến xe Lộc Ninh, Ông xin phép được về nhà cũng tại Lộc Ninh để thăm gia đình, xem vợ con như thế nào. Ông hứa khi xong, sẽ trở lại lái xe như thường. Tên cán bộ nhìn thấy chiếc đồng hồ vàng, cũng ưng thuận ngay, và dặn dò về nhà xong rồi phải trở lại liền, Ông Nại cám ơn, rồi chạy bộ trở về nhà. Trong lúc đó, gia đình vợ và 3 con của ông cũng đang lo chuẩn bị rời bỏ nơi cư ngụ tại Lộc Ninh, để về Bình Dương. Vợ ông đã móc nối được với một người Thượng trước đây đã giúp cho ông Nại trong việc chuyên chở mủ cao su. Người Thượng này rất thông thuộc đường rừng từ Lộc Ninh về An Lộc, chịu hướng dẫn gia đình ông Nại trốn chạy.

Trời vừa tối, gia đình ông Nại được người Thượng hướng dẫn rời Lộc Ninh băng tắt đường rừng về An Lộc.

Dọc đường, khi băng xuyên qua một con suối, phía trên có cầu bắt ngang, phía trên cầu có nhiều cán binh Cộng Sản di chuyển qua lại, thì bỗng nhiên đứa con trai 2 tuổi ré lên tiếng khóc. Sợ bị bại lộ, ông Nại liền bịt miệng và bóp cổ đứa trẻ, để không thoát ra tiếng khóc, đồng thời thúc dục gia đình vượt qua giòng suối dưới chân cầu. Tay ông bóp cổ người con không biết nặng nhẹ như thế nào mà sau đó ít phút, ông thấy người con buông xuôi hay tay không còn nhúc nhích được nữa, Ông nghĩ rằng đứa con ông đã chết, ông cũng không dám nói với vợ ông.

Đến khi vượt qua cái chỗ nguy hiểm, ông ngừng lại và cùng với mọi người lo cứu cấp đứa trẻ,nhưng cũng vẫn không thấy cử động. Ông đành rơi nước mắt,vác con trên vai, lòng thì thật sự tan nát, cùng mọi người tiếp tục vượt rừng hướng về An Lộc. Sau 3 đêm 2 ngày, gia đình ông Nại cũng về đến được An Lộc.Trên đường di chuyễn, khi dừng chân, ông Nại đặt con xuống bên lề đường, nhưng lại cảm thấy đứa nhỏ đã bắt đầu cử động. Nhìn kỹ lại, thì thấy đứa bé còn sống. Thật là cám ơn Trời Phật, và sau đó gia đình ông Nại theo đoàn dân di tản lội bộ từ Bình Long đến tỉnh Bình Dương. Gia đình ông được tạm cư tại nhà một người bà con tại Tỉnh Bình Dương, sau đó 4 năm ông Nại qua đời, gia đình và đứa bé 2 tuổi (1972) đến nay đã 36 tuổi đã có vợ con và vẫn còn ở tại Tỉnh Bình Dương, Việt Nam.

3. KẾT QUẢ TỔN THẤT ĐÔI BÊN :

ĐỊCH : 2,150 tử trận 2 T.54 + 1 PT.76 bị Pháo Binh Việt Nam Cộng Hoà bắn hạ.

BẠN : 600 tử trận và 2,400 bị địch bắt làm tù binh . Thiết Đoàn 1 (-) gồm 38 Chiến Xa M.41 và Thiết Vận Xa M.113 bị địch chiếm đoạt hay bị địch bắn hạ .

1 Pháo Đội của Căn Cứ Alpha+ Khẩu Đội Pháo Binh của Chiến Đoàn 9 tăng cường (8 khẩu 105 ly và 155 ly, được phá huỷ hoặc bị hư hại).

DÂN CHÚNG : Ước độ 200 chết và 300 bị thương, và một số thường dân bị bắt dẫn về biên giới Miên để làm dân công tải đạn hoặc làm tài xế lái xe vận tải.

4. BÌNH LUẬN TRẬN CHIẾN LỘC NINH

A.- Cộng quân đã thành công trong chiến thuật gọi là bỏ qua tuyến phòng thủ phía trước, như Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng và Thiết Đoàn 1 (-) Kỵ Binh của Việt Nam Cộng Hoà, và huy động nguyên cả Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt + 1 Đại Đội Chiến Xa của Trung Đoàn 203, chĩa mũi dùi chính, chia làm 3 hướng Tây, Bắc và Đông đánh thẳng vào Bộ Chỉ Huy đầu não của Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và Quận/Chi Khu Lộc Ninh, với quan niệm, tạo áp lực tấn công, tại Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 và Chi Khu Lộc Ninh, thì lực lượng vòng ngoài, sẽ phải co rúm lại (rút về) để tiếp ứng, và vì muốn tiếp ứng kịp thời, thì phải vội vã rút lui, kém đề cao cảnh giác, nên chỉ cần tổ chức một cuộc phục kích cấp Trung đoàn có xe tăng T.54 trợ chiến, là có thể tiêu diệt được đoàn quân bên ngoài rút về tiếp ứng.(Trung Đoàn 95 C Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt đảm trách trận đánh này),Khi cái vỏ bên ngoài bị đánh bể, thì ruột bên trong sẽ không còn ai tiếp ứng phòng vệ, công thêm phải đương đầu với một lực lượng nhiều lần đông hơn, và khí thế mạnh hơn, tất nhiên phải thất thủ hay đầu hàng . (Lộc Ninh thất thủ sớm hơn 3 ngày, chiếu theo ước tính của Bộ Chỉ Huy chiến dịch Miền Cộng Sản Bắc Việt).

B.- Đây là trận đánh mà Cộng quân đã chuẩn bị tương đối dầy đủ, như xây dựng một con lộ ngầm dưới mặt nước của một con suối, ăn thông ngang qua rừng từ Lộc Ninh về biên giới Miên, chính con lộ ngầm này, Cộng quân dùng để di chuyển các chiến lợi phẩm và tù binh Việt Mỹ xuyên qua Miên; Đã gây cho phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà hai cái bất ngờ : 1.- Áp dụng chiến thuật tiền pháo (mưa pháo) hậu xung (biển người), 2.- lần đầu tiên xử dụng chiến xa tại chiến trường Miền Nam cho nên binh sĩ vả kể cả cấp chỉ huy Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, bị mất tinh thần ngay từ giờ phút đầu, khi thấy xe tăng của địch xuất hiện, tại
một nơi mà theo lý thuyết các chiến xa này không thể đến được.

C.- Tham khảo theo tài liệu của một nhân chứng sống, tựa để là After Action Report, the Battle of Lộc Ninh, của cựu Đại Uý cố vấn Mỹ, của Chiến Đoàn 9/Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, Mark Smith viết lại, thì giữa vị Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 9 Việt Nam Cộng Hoà Đại Tá Vĩnh và toán Cố Vấn Mỹ (Trung Tá Richard Schott, Thiếu Tá Albert E. Carlson, Đại Úy Mark A. Smith, Trung Sị Nhất Thường Vụ Howard Lull, Trung Sĩ Kenneth Wallingford có một sự bất đồng sâu đậm trong việc phối hợp điều quân để chống trả quân địch (5)

Chú thích: (5) After Action Report, “The Battle Of Loc Ninh” của Thiếu Tá Mark Smith trang 3/13

D.- Về cái chết oanh liệt của cố vấn trưởng, Trung Tá Schott, đã phải tự sát vì vết thương trên đầu quá nặng, để cho các cố vấn còn lại khỏi phải vướng bận về ông khi trên đường rút lui ra khỏi căn cứ phòng thủ. Tài liệu này còn viết rằng, sau khi toán cố vấn Mỹ rút ra khỏi vị trí, thì Đại Úy Smith còn quay trở lại để định kéo xác Trung Tá Schott, nhưng khi vừa tới nơi đã thấy ba tên Cộng Sản Bắc Việt đang quay quần bên xác chết, tước lon, lột bảng tên và một tên thì đang dùng dao định cắt đầu ngườI chết . Thật là bọn man rợ vô lương tri, cả ngườI chết rồi mà cũng không tha, còn lột lon, lắc đầu.( Theo lời cựu Trung Tá James Willbanks, tác giả quyền The Battle of An Lộc, vào năm 2002. toán Tìm Những Người Mỹ Mất Tích Tại Việt Nam, Lào và Cao Miên, đã tìm thấy hài cốt của Trung Tá Schott tại địa đểm hầm chỉ huy của Chiến Đoàn 9 cũ (thời điểm 1972) bây giờ đã là một khu vườn trồng cây hột điều (6) .

Chú thích: (6) The Battle of An Lộc, James Willbanks, trang 177.


CHƯƠNG 4
MẶT TRẬN CẦU CẦN LÊ

(15 cây số Bắc An Lộc)
1. DIỄN TIẾN

Theo tin tức tình báo ghi nhận được, sau khi Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt làm chủ tình hình Lộc Ninh, Bộ Chỉ Huy Tiền Phương của Quân Đoàn Cộng Sản Bắc Việt và Trung Ương Cục Miền Nam (Cục R), di chuyển vào trú đóng trong vùng Lộc Ninh. Còn hậu cần và Cơ Sở Chỉ Huy Chiến Dịch Nguyễn Huệ vẫn còn trú đóng trong vùng đồn điền cao su Mimot gần quốc lộ 7 trên lãnh thổ Cambodia.

Theo lệnh của Hà Nội, tất cả các đơn vị Cộng Sản Bắc Việt tại Mặt Trận Bắc Quân Khu III trong chiến dịch Nguyễn Huệ, phải dứt điểm An Lộc trước ngày 20 tháng 04 năm 1972, để ra mắt cái Chính Phủ bù nhìn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, sau khi thành công trong việc tấn chiếm Lộc Ninh, phải tạm dừng quân, để chỉnh đốn hàng ngũ, bổ sung quân số, tái tiếp tế lương thực, đạn dược, nhiên liệu, di tản tù binh Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ trở lui về điểm tiếp nhận hậu cần, v.v…, trước khi tiếp tục tiến về hướng Nam (An Lộc) để tiếp xúc với các cánh quân của Công Trường Bình Long và Công Trường 9 đang có mặt trong vùng, từ 5 đến 10 cây số phía Bắc, và Công Trường 7 đang hình thành tuyến phục kích tại vùng phía Nam An Lộc.

Việc Bổ Sung Quân Số : Cộng quân dùng phương cách di chuyển bằng đường bộ, cả bằng xe vận tải đủ cỡ,kể cả xe hàng dân sự mà chúng trưng dụng, lẫn những xe GMC của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà còn bỏ lại. Chuyến đi thì chở tù binh Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ trong đó có Đại Úy Smith, chuyến về thì chở cán binh bổ sung cho chúng.

Việc Tái Tiếp Tế : Cộng Sản Bắc Việt chủ trương nguồn bổ sung dựa vào chiến lợi phẩm, tịch thu được của quân dân Việt Nam Công Hoà.

a.- Về lương thực, quân Cộng Sản Bắc Việt, cho tìm các nơi có dự trữ gạo của quân dân Việt Nam Cộng Hoà, cho lệnh lục soát trên người từng Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà, kể cả sống hay chết, để tịch thu hết các khẩu phần lương khô, rồi phân phát lại cho tất cả các cán binh Cộng Sản, bất cần đến sự đói no của Quân Dân Việt Nam Cộng Hoà;

b.- vể đạn dược và nhiên liệu: quân Cộng Sản Bắc Việt cho lệnh đi tìm các kho xăng dự trữ của Quân Dân Việt Nam Cộng Hoà, ngay cả trong bình chứa xăng của những chiến xa M.113, M.41 và cả những xe đò chở hành khách, xe chở hàng dân sự, ở những chiếc nào không còn dùng được để châm vào những trang bị cơ giới, cũng như tất cả đạn và vũ khí đủ loại còn sử dụng được nhầt là đạn súng cối 81 ly, Cộng quân sẽ dùng được cho súng cối 82 ly của các đơn vị bộ binh Cộng Sản Bắc Việt.

c.- nhân lực cho việc khuân vác, Cộng quân bắt cả Quân lẫn Dân Việt Nam Cộng Hoà đi làm tạp dịch và khuân vác.

Tất cả công việc này, Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, phải hấp tấp thực thi cả tuần lễ, mà vẫn chưa hoàn tất, dưới áp lực càng lúc càng đè nặng bởi các vụ oanh tạc, đủ loại, của Không Lực Hoa Kỳ.

Một trung đoàn của Công Trường Bình Long và 1 trung đoàn của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt đã tổ chức tuyến phục kích dài 3 cây số trên Quốc Lộ.13 hướng lên Lộc Ninh, để chặn đánh Tiểu Đoàn 2 Chiến Đoàn 52 (-) Sư Đoàn 18 Bộ Binh, đang đóng tại Căn Cứ Hoả Lực Cầu Cần Lê, do Trung Tá Nguyễn Bá Thịnh làm Chiến Đoàn Trưởng. Căn Cứ Hoả Lực Cầu Cần Lê, còn có tên là Hùng Tâm, đóng tại vị trí 3 cây số phía Đông cầu Cần Lê, trên Liên Tỉnh Lộ 17. Hai trung đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt, có hai nhiệm vụ chính yếu là chận đánh viện quân của Việt Nam Cộng Hoà từ hướng An Lộc lên tiếp viện và chận bắt các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà tháo lui từ Lộc Ninh về An Lộc.

Trận chiến Cầu CẦN LÊ khởi diễn vào sáng sớm ngày 06-04-1972. Khi nhận được lệnh của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, từ Đại Tá Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa chỉ huy, đang có mặt tại An Lộc . Lệnh tức tốc gửi một Tiểu Đoàn lên tăng viện Lộc Ninh - Tiểu Đoàn 2 Chiến Đoàn 52, liền xuất quân đi cứu viện. Xuất phát từ Liên Tỉnh Lộ 17, Tiểu Đoàn 2 Chiến Đoàn 52 vừa ra đến ngã ba Quốc Lộ 13 và Liên Tỉnh Lộ 17, bị 2 Trung Đoàn của Công Trường Bình Long và Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt phục kích chận đánh .

Sau một giờ chống trả mãnh liệt, với sự yểm trợ không ngừng của các khẩu Pháo 105 và 155 ly trong căn cứ hoả lực Hùng Tâm, Tiểu Đoàn 2/52 đã gây cho địch tổn thất thật đáng kể. Mặc dù được Pháo Binh yểm trợ rất đắc lực, Tiểu Đoàn 2/52 vẫn không thể tiến lên được, và trước áp lực địch càng lúc càng gia tăng, vị Tiểu Đoàn Trưởng, gọi máy về cho Trung Tá Thịnh, xin lệnh rút lui trở về căn cứ với sự thiệt hại trung bình.

Khi 2 Trung Đoàn của quân Cộng Sản Bắc Việt khai hoả chận viện, tại ngã ba Liên Tỉnh Lộ 17 và Quốc Lộ, phía Đông căn cứ, cùng lúc căn cứ hoả lực Hùng Tâm bắt đầu bị pháo kích, và thấy địch xuất hiện ở mặt phía Tây và Tây Bắc của căn cứ hoả lực. Như vậy thì cả ba mặt Đông, Tây và TâY Bắc, đều nhận thấy có địch, áp lực càng lúc càng nặng.Để bảo toãn lực lượng, Trung Tá THỊNH khẩn điện về Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, trình sự việc lên Tướng Hưng, xin cho rút lui khỏi căn cứ di chuyễn về An Lộc .Nhận được sự chấp thuận của Tướng Hưng vào đêm 07 tháng 04 năm 1972.

Cuộc hành quân triệt thoái của Chiến Đoàn 52 (-) bắt đầu vào sáng ngày 8 tháng 04 năm 1972. Tiểu Đoàn 1 Trung Đoàn 48 (tăng phái cho Chiến Đoàn 52), do Thiếu Tá Nguyễn Yêm, Tiểu Đoàn Trưởng, dẫn đầu, cũng theo Liên Tỉnh Lộ 17 tiến về phía Đông. Trên đường từ Liên Tỉnh Lộ 17 ra Quốc Lộ 13, cánh quân đầu của Tiểu Đoàn 1/48 chạm địch, trong khi đó phía sau là đoàn xe 20 chiếc kéo theo 6 khẩu 105 ly và 4 khẩu 155 ly, và các xe chở đạn dược, đi sau cùng là Tiểu Đoàn 2/52 do Thiếu Tá Nguyễn Văn Dưỡng làm Tiểu Đoàn Trưởng. Cộng quân lại tiến công đánh xáp lá cà với các chiến binh Tiểu Đoàn 1/48, lần này, Cố Vấn Trưởng Chiến Đoàn là Trung Tá Walter D. GINGER, gọi trực thăng võ trang và các phi tuần Phản Lực Cơ Hoa Kỳ đến yểm trợ rất đắc lực.

Cuộc chiến kéo dài đến chiều tối, mà vẫn không vượt qua được khỏi tuyến phục kích của Cộng quân, buộc lòng Trung Tá Thịnh phải cho lệnh lui quân trở về căn cứ hoả lực, để phòng thủ qua đêm, chờ tìm biện pháp cho kế hoạch mới.

Kiểm điểm lại, ta mất 3 khẩu pháo 105 ly. Một số chiến sĩ bị thương và tử trận được mang trở về căn cứ hoả lực. Trung Tá Thịnh khẩn báo tình hình lên Tướng Hưng, nhất là khi thấy một số đông lực lượng Cộng quân đang chuẩn bị dứt điểm Căn Cứ Hoả Lực. Tướng Hưng ra lệnh cho Chiến Đoàn 52 Bộ Binh (-) phá huỷ hết chiến cụ nặng, chỉ còn lại BỘ BINH mà thôi, băng tắt đường rừng về An Lộc càng sớm càng tốt.

Sau khi thi hành lệnh phá huỷ các chiến cụ nặng, gồm các khẩu pháo, đạn dược và tất cả xe cộ, Chiến Đoàn 52 (-) được rảnh tay. Vào lúc 08 giờ sáng ngày 09 tháng 04 năm 1972, Chiến Đoàn 52 (-), tái xuất phát, trực chỉ về An Lộc. Lần này Tiểu Đoàn 1/48, được lãnh ấn tiên phong dẩn đầu đoàn quân, chặng giữa là Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn, đoạn hậu thì giao cho Tiểu Đoàn 2/52, có nhiệm vụ làm thế nghi binh, mặt Tây và Tây Bắc (Căn Cứ Hoả Lực), phòng hờ các cánh quân của Cộng Sản Bắc Việt truy kích cắt đứt đoàn quân đang di chuyển. Nói về Tiểu Đoàn 1/48 khai thông đường máu, đánh tan cánh quân địch trên Liên Tỉnh Lộ 17, thừa thắng xông lên quét tan một đơn vị khác của địch trên Quốc Lộ 13, rồi trực chỉ về phía Nam hướng An Lộc. Khi được tin Tiểu Đoàn 1/48 phá vỡ tuyến phục kích đầu, Tiểu Đoàn 2/52 liền rời vị trí Căn Cứ Hoả Lực di chuyển tiếp nối với đoàn quân bạn đang trên lộ trình ép về phía Đông ven rừng.

Sau khi được báo động Chiến Đoàn 52 (-), đột phá vòng vây, rút lui, các cánh quân Cộng Sản Bắc Việt liền tập trung truy kích, trung đoàn của Công Trường Bình Long bọc chận đầu Tiểu Đoàn 1/48 còn 1 đơn vị khác của Cộng Sản Bắc Việt rượt đuổi kịp và xáp chiến với Tiểu Đoàn 2/52 đang bảo vệ đoạn hậu. Một trận thư hùng đánh xáp lá cà được diễn ra ác liệt. Cố Vấn Mỹ điều động các trực thăng võ trang tác xạ rất chính xác vào các đơn vị Cộng quân đang bao vây ngăn cản đường rút quân của Chiến Đoàn 52 (-). Mặc dầu bị chặn lại giữa đường, nhưng Chiến Đoàn 52 (-) vẫn còn giữ được đội hình, đánh bật Cộng quân ra ngoài. Cuộc chạm trán nẩy lửa này được diễn ra suốt một ngày một đêm. Các Cố vấn Mỹ rất tận tình gọi không quân yểm trợ quân Bạn. Ban ngày thì được các phi tuần phản lực đánh bom Napalm và oanh kích, ban đêm thì có RỒNG GIÀ AC.130 (Spectre Gunship) bao vùng . Đại Úy Cố Vấn Mỹ tên Zumwalt bị miểng của quả B.40 văng trúng mặt, thương tích trầm trọng. Cố Vấn Trưởng, Trung Tá Ginger, xin trực thăng tản thương, giữa các lằn đạn cận kề tại chiến trận, trực thăng vừa đáp xuống để tản thương Đại Uý Zumwalt và một số chiến binh Việt Nam Cộng Hoà bị thương nặng, liền bị ngay một tràng AK.47 bắn bừa lên trực thăng gây tử thương cho một sĩ quan phi hành tên Robert L. Hors và một y tá trên chiếc trực thăng có sơn dấu hồng thập tự đỏ . Trực thăng vẫn được cất cánh an toàn, mặc dù bị thủng nhiều lỗ đạn, nhờ còn viên phi công chánh là Đại Uý John B. Whitehead thuộc Tiểu Đoàn 229 Trực Thăng Xung Kích Hoa Kỳ điều khiển chiếc trực thăng ra khỏi vùng nguy hiểm (7) .

Chú thích: (7) “Thiết Giáp ! The Battle of An Loc”, tác giả Trung Tá James H. Willbanks, trang 19/64

Rồi đến Trung Tá Trung Đoàn Phó Chiến Đoàn 52 (-), Hoàng Văn Hiến và Trung Tá Cố Vấn Trưởng Ginger cùng Trung Sĩ Nhất Winland cũng bị thương, trong khi hướng dẫn các phi tuần phản lực, oanh kích Cộng quân. Mặc dù cả toàn ban Cố Vấn Hoa Kỳ đều đã bị thương tích, Trung Tá Ginger vẫn không gọi trực thăng tản thương rời đơn vị Chiến Đoàn 52 (-).Ông đã ở lại chiến trường, và tận tình hướng dẫn không quân Hoa Kỳ oanh kích, địch quân chết hàng đoàn trong những đợt tập trung xung phong biển người. Thật đáng ca tụng và khen ngợi tinh thần trách nhiệm của toàn thể toán Cố Vấn của Chiến Đoàn 52 (-) Sư Đoàn 18 Bộ Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Mãi hai ngày sau khi Chiến Đoàn 52 (-), đột phá được vòng vây, đến gần An Lộc, thấy đã có được sự an toàn cho đoàn binh lui quân, Trung Tá Ginger mới chịu gọi trực thăng đến tản thương, về Bệnh Viện 3 Dã Chiến Hoa Kỳ tại Sài Gòn để chăm sóc vết thương đã có từ hai ngày trước.

Trận chiến được xem như ác liệt và đẫm máu. Tiểu Đoàn 1/48 do Thiếu Tá Nguyễn Yêm, Tiểu Đoàn Trưởng, tả xung hữu đột, như Triệu Tử Long trong trận Tương Dương Trường Bảng thời Tam Quốc Chiến vậy. Cuộc chiến đấu trong thế lui quân kéo dài suốt 2 ngày. Nhờ sự chỉ huy tài ba của Trung Tá Thịnh, Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 52 (-) và sự tận tình trợ lực của toán Cố Vấn Hoa Kỳ và tất cả các Chiến Sĩ dũng cảm, gan lỳ của Chiến Đoàn 52 (-), cuối cùng đơn vị này cũng về được đến An Lộc vào buổi sáng ngày 11 tháng 04 năm 1972. Chiến Đoàn 52 (-), mặc dầu bị xáp chiến nhiều lần, nhưng vẫn còn giữ được gần 1/2 quân nhân các cấp trên tổng số 1,000 khi khởi phát đến trấn đóng tại Căn Cứ Hoả Lực Hùng Tâm. Riêng Trung Tá Trung Đoàn Phó Hoàng Văn Hiến chẳng may bị mất máu quá nhiều trên đường di chuyễn, đã trút hơi thở cuối cùng trước khi về đến An Lộc.

Tương quan lực lượng của trận cầu CẦN LÊ được ghi nhận như sau :

ĐỊCH : Công Trường Bình Long Cộng Sản Bắc Việt gồm có 3 Trung Đoàn bộ chiến : Trung Đoàn Thép, Trung Đoàn Đồng Nai, và Trung Đoàn Phước Long. Tại mặt trận Cầu Cần Lê địch chỉ sử dụng có hai trung đoàn : Trung Đoàn Thép của Công Trường Bình Long và 1 Trung Đoàn của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt, tổng cộng tham dự trận đánh có khoảng 4,400 cán binh bộ chiến, chưa kể Sư Đoàn Pháo 69 yểm trợ hoả lực .

BẠN : Chiến Đoàn 52 (-) = 900 chiến sĩ + Pháo Đội Pháo Binh hổn hợp = 100. Tổng cộng : 1,000 Binh Sĩ.

SO SÁNH THỰC LỰC : 1 chống 4. Có một đơn vị Không Lực Hoa Kỳ yểm trợ : Tiểu Đoàn 229 Trực Thăng Xung Kích.

2. TỔN THẤT ĐÔI BÊN

ĐỊCH : khoảng 3,200 bị loại khỏi vòng chiến do các Chiến Sĩ Chiến Đoàn 52 (-) bắn hạ và do máy bay oanh kích và tác xạ.

BẠN : Tử thương = Khoảng gần 600 và 1 viên phi công Hoa Kỳ của Tiểu Đoàn 229 Trực Thăng Xung Kích Hoa Kỳ. Tự phá huỷ: 3 khẩu pháo binh 105 ly và 4 khẩu 155 ly, 20 chiếc xe GMC và tất cả đạn dược của Pháo Binh.

Sau khi bứng được Căn Cứ Hoả Lực Cầu Cần Lê, Công Trường Bình Long vượt qua Quốc Lộ 13 tiếp tục di chuyển về hướng Đông, Đông Nam (phi trường Quản Lợi) 5 cây số Đông An Lộc, bủa gọng kềm từ hướng Đông, Đông Bắc, Đơn vị của Công Trường 9, rút thì tiếp tục di chuyển về phía Tây An Lộc, án binh bất động, dường như làm thành phần trừ bị cho Quân Đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt, còn Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt thì di chuyển đến tuyến ẩn phục vùng 5 cây số Nam An Lộc xuyên qua các Xã Xa Trạch, Xa Cam, Tân Khai, Tàu Ô đến Quận Chơn Thành Tỉnh Bình Long, tổ chức chốt kiền dọc theo Quốc Lộ 13 về hướng Nam, với ba nhiệm vụ linh động : thứ nhất là chặn bắt hết quân của Việt Nam Cộng Hoà nếu có tháo lui từ An Lộc trở về Bình Dương, thứ hai là tổ chức tuyến phục kích (Chốt Kiền) để chặn viện binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, thứ ba là dùng làm nỗ lực chính để tấn công dứt điểm An Lộc khi tình hình chiến trận thuận lợi. Công Trường 7 còn được sự yểm trợ của Sư Đoàn 69 Pháo nặng 130 ly, Tiểu Đoàn Chiến Xa của Trung Đoàn Thiếp Giáp 203 với T.54 và PT.76, Trung Đoàn Cơ Giới Phòng Không và hoả tiễn 122 ly, các đơn vị cấp Trung Đội Bộ Binh của Công Trường 7 còn được trang bị loại vũ khí tối tân của Nga Sô là loại hoả tiễn tầm nhiệt cầm tay SA.7, loại khắc tinh của các trực thăng để khống chế các trực thăng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và Đồng Minh bay trên cao độ từ 4,000 đến 7,000 bộ, lập một hàng rào hoả lực dầy đặc trên vùng trời phía Nam An Lộc nhất là tại vùng Xa Cam, khiến cho việc tiếp tế và tản thương về phía Việt Nam Cộng Hoà bị bế tắc.

3. BÌNH LUẬN VỀ CUỘC RÚT LUI CỦA CHIẾN ĐOÀN 52 SƯ ĐOÀN 18 BỘ BINH TẠI MẶT TRẬN CẦU CẦN LÊ.

Tương quan lực lượng giữa đôi bên quá chênh lệch (1 chống 4, trên trận thế “nổi” rút quân, không có công sự như là phòng thủ). Địch quân đã ở vào vị thế Phục Kích và Truy Đuổi cũng như áp dụng chiến thuật thí quân BIỂN NGƯỜI, nhưng vẫn không đánh tan được Chiến Đoàn 52 (-), mà ngược lại còn bị tổn thất gấp 5 lần hơn Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa .

Các Chiến Sĩ của Chiến Đoàn 52 (-) trong đó có Tiểu Đoàn 1/48 thật là xuất sắc và thiện chiến, nếu đem so sánh một Tiểu Đoàn1/48 có thể đánh thủng cả trung đoàn của quân Cộng Sản Bắc Việt phục kích và bao vây.

Vị Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 52 (-), Trung Tá Nguyễn Bá Thịnh, gốc Dù, từng là cựu Huấn Luyện Viên Khoa Tác Chiến của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, cũng là cấp chỉ huy tài giỏi và linh hoạt ứng phó thật tài tình trong mọi hoàn cảnh và trạng huống ; hay nói cách khác, kỹ thuật lãnh dạo chỉ huy giỏi và rất được các cấp dưới quyền và toàn thể toán cố vấn Mỹ kính nễ. Tinh thần hy sinh cao cả vì chức vụ cố vấn của Trung Tá Walter D. Ginger, dù rằng đã bị thương nhưng không hèn nhát xin tản thương, mà vẫn ở lại mặt trận cùng sống chết với bạn Đồng Minh Việt Nam Cộng Hoà. Một điểm son cho toán cố vấn Sư Đoàn 18 Bộ Binh là ngay khi Chiến Đoàn 52 (-) về đến An Lộc, thấy không còn vị cố vấn nào vì đã bị thương và di tản về Bệnh Viện 3 Dã Chiến Hoa Kỳ tại Sài Gòn để trị liệu Cố Vấn Trưởng Sư Đoàn 18 Bộ Binh liền cắt cử toán cố vấn khác thay thế tức thì để điền khuyết cho Chiến Đoàn 52 (-) tại An Lộc. Trưởng toán là Thiếu Tá Raymond Haney và cố vấn phó là James Willbanks (cũng chính là tác giả của tập tài liệu cho vấn đề tham khảo này). Thành thật ca ngợi tinh thần trách nhiệm toàn thể toán cố vấn Sư Đoàn 18 Bộ Binh Quân Đoàn 3 (năm 1972).

Trái lại toán cố vấn Mỹ của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà thì hơi khác, qua hai sự kiện sau đây :

a.- Ngày 11-04-1972 trong lúc Trung Đoàn 8 Bộ Binh đang sắp toán tại sân bay Dầu Tiếng chờ trực thăng đến bốc thả vào An Lộc thì Trung Tá Abramawith Cố Vấn Trưởng Trung Đoàn 8 Bộ Binh đến nói với Đại Tá Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8 Mạch Văn Trường là : - Lệnh của MAC.V là nơi nào không an toàn thì Cố Vấn Mỹ có quyền không đến. An Lộc sắp trở thành chiến trường đẫm máu, toán Cố Vấn Mỹ Trung Đoàn 8 sẽ đi về Lai Khê, là hậu cứ của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, không theo Trung Đoàn vào An Lộc !!! Đại Tá Trường đành phải chấp nhận sự không có mặt của toán Cố Vấn Mỹ khi Trung Đoàn 8 Bộ Binh đổ quân vào An Lộc.

b.- Ngày 07-04-1972, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng di chuyển Bộ Chỉ Huy Hành Quân Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Cố Vấn Mỹ từ Lai Khê lên An Lộc (An Lộc là Quận Châu Thành của Tỉnh Lỵ Bình Long) để thống nhất chỉ huy các lực lượng Chính Quy và Diện Địa của Tiểu Khu Bình Long, tổ chức phòng thủ chống lại cuộc tấn công cấp Quân Đoàn của Việt Cộng âm mưu đánh chiếm Tỉnh Lỵ Bình Long (An Lộc). Nơi đây Công Binh Sư Đoàn đã làm sẵn một căn cứ dã chiến bằng bao cát lót vỉ sắt PAP (Plain Aluminum Plate) khá vững chắc cho Bộ Chỉ Huy Tiền Phuơng Sư Đoàn 5 Bộ Binh ở phía Đông An Lộc gần ga xe lửa. Tình hình lúc này thì Tỉnh Lỵ Bình Long hoàn toàn bị Việt Cộng bủa lưới bao vây. Pháo binh địch đã bắt đầu bắn vào Tỉnh Lỵ, Địch chỉ mới bắn lai rai để điều chỉnh tác xạ vào các mục tiêu : sân bay, bãi đáp trực thăng, các căn cứ quân sự, và các mục tiêu khác nhu nhà thương, nhà thờ, chùa chiền, và các con đường chính dẫn vào thị xã nhất là các Bộ Chỉ Huy của Sư Đoàn 5 và của Tiểu khu Bình Long. Đại Tá Miller Cố Vấn Trưởng nói với Tướng Hưng : Vị trí Bộ Chỉ Huy Hành Quân Sư Đoàn 5 Bộ Binh làm bằng bao cát và vỉ sắt không chống được các loại pháo hạng nặng, hoả tiễn 122 ly của địch quân, nên toán cố vấn ở đây không có đủ an toàn. Ông và toán Cố Vấn Mỹ Sư Đoàn, sẽ rời An Lộc để về lại Lai Khê. Tướng Hưng không đồng ý cho Cố Vấn Mỹ rút khỏi An Lộc. Ông nói :

“Trận chiến sắp tới, Sư Đoàn rất cần Cố Vấn Mỹ để có sự yểm trợ hoả lực về không yểm của không lực Hoa Kỳ, Sự có mặt của Cố Vấn Mỹ ở lại đây rất cần thiết cho vấn đề giúp liên lạc với Không Quân Hoa Kỳ. Nếu Ông muốn có vị trí an toàn hơn, tôi sẽ đưa Ông đi tìm vị trí khác ở gần đây”. Tướng Hưng dắt Đại Tá Miller đi vào trung tâm Thị Xã An Lộc, cạnh bệnh viện Bình Long, nơi đây có một thành lính do quân đội Nhật Hoàng xây cất từ hồi Đệ Nhị Thế Chiến, đúc bằng xi măng cốt sắt, hầm sâu dưới mặt đất, có đường giao thông hào, rất kiên cố, có khả năng chống bom của phi cơ Đồng Minh. (Trại này trước đây được sử dụng làm Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long, có tên là Trại Đỗ Cao Trí. Năm 1971 Mỹ rút quân, Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long dời về Compound Mỹ ở phía Nam An Lộc, Trại Đỗ Cao Trí đang bỏ trống). Quan sát xong, Đại Tá Miller không còn lý do từ chối nên toàn bộ Ban Cố Vấn Mỹ Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa, đã ở lại An Lộc với Tướng Hưng tử thủ suốt 3 tháng. Đại Tá Miller đã giúp Tướng Hưng rất nhiều trong việc sử dụng không lực Hoa Kỳ yểm trợ rất hữu hiệu cho chiến trường An Lộc.

Căn cứ thành chìm này còn có cái tên là “Thành Đỗ Cao Trí”, 800 thước phía Tây Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5 Bộ Binh cũ.

Một điểm mà chúng tôi muốn luận bàn thêm về Trận Chiến An Lộc, những cái MAY RỦI, VÔ TÌNH của Trận Chiến. Như trường hợp kể trên, nếu không có sự từ chối của Đại Tá Miller ở vào giờ phút chót đó, thì nơi địa điểm cũ (Hầm Nổi) là mục tiêu Pháo của Cộng Quân, đã được Cộng Quân điều nghiên và điều chỉnh toạ độ pháo xong xuôi, cho đến khi Cộng Quân mở cuộc mưa pháo vào An Lộc, căn cứ nổi đó trở thành BÌNH ĐỊA, hứng không biết bao nhiêu quả đạn pháo 130 ly và hoả tiễn, từ những ngày đầu cuộc chiến, và Bộ Chỉ Huy đầu não của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh nếu còn ở vị trí cũ, chắc chắn đã bị chôn vùi dưới đống bao cát và vỉ sắt tung rách tả tơi, trong đó toàn Bộ Tham Mưu kể cả Tướng Hưng có lẽ cũng đã bị chôn vùi và bị banh thây vào đêm 12 qua những ngày 13, 14, tháng 04 năm 1972 rồi. Đó có phải là một trong những cái may mắn do TRỜI ĐỊNH hay không?

Quyết định của Tướng Hưng cho lệnh Chiến Đoàn 52 (-) Bộ Binh phá huỷ hết các Chiến Cụ Nặng, chứng tỏ Tướng Hưng là một vị TƯỚNG GIỎI, TƯỚNG BIẾT ỨNG PHÓ VỚI TÌNH HÌNH VÀ HOÀN CẢNH, LÀ MỘT TƯỚNG BIÊT TRỌNG TÍNH MẠNG BINH SĨ HƠN LÀ CHIẾN CỤ, nhờ vậy các binh sĩ Chiến Đoàn 52 (-) Bộ Binh mới được rảnh rổi tay chân để quần thảo với quân địch đông hơn gấp nhiều lần.

CHƯƠNG 5
MỞ ĐẦU TRẬN CHIẾN AN LỘC



Tất cả các cánh quân của quân đoàn Cộng Sản Bắc Việt đều dồn về An Lộc; Công Trường 5 từ mặt Bắc đánh xuống, Công Trường 9 và Công Trường Bình Long ép hai mặt Tây Đông. Công Trường 7 vừa chặn mặt Nam để lập các “chốt khoá” trên Quốc Lộ 13, vừa tung quân đánh các mục tiêu sát biên giới Tây Ninh và Bình Long như căn cứ Tống Lê Chân, để tạo thêm áp lực cho phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Quân trú phòng không “tăng” mà cũng không “pháo”, còn phải đối đầu với một quân số đông hơn gấp nhiều lần, với hàng trăm chiến xa và Sư Đoàn pháo đủ loại. Toàn bộ Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hoà, gồm ba Tiểu Đoàn 5, 6, 8 và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù được trực thăng vận đến tăng viện. Toàn bộ Sư Đoàn 21 Bộ Binh cùng với Trung Đoàn 15 của Sư Đoàn 9 Bộ Binh, từ vùng sình lầy miền Tây cũ được bốc lên Lai Khê, để khai thông Quốc Lộ 13 hướng về An Lộc .

1. MẶT TRẬN AN LỘC:
CUỘC BAO VÂY VÀ CÁC ĐỢT PHÁO KÍCH, TẤN CÔNG TÀN KHỐC
CỦA CỘNG QUÂN, VÀO CÁC MẶT: ĐÔNG, TÂY, NAM, BẮC CỦA TỈNH LỴ BÌNH LONG.


Sau khi căn cứ hoả lực Cầu Cần Lê rút lui, toàn bộ mặt phía Bắc An Lộc bị bỏ trống, vòng đai phòng thủ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà lần lần bị thu hẹp về trong chu vi Thị Trấn An Lộc, Tướng Lê Văn Hưng đã nhận biết địch quân đang di chuyển quân bủa vây tứ phía

• Mặt phía Bắc đang bị áp lực của Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt,
• Mặt phía Đông đang bị áp lực của Công Trường Bình Long,
• Mặt phía Tây bị áp lực của Công Trường 9
• Mặt phía Nam, có Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt

Riêng mặt phía Nam, mặc dù chưa trực tiếp nổ súng vào Thị Xã An Lộc, nhưng căn cứ vào sự chạm trán giữa đoàn quân giải toả, (giai đoạn đầu ) của Trung Đoàn 43 Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và cái chết của Đại Tá Trương Hữu Đức, Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 5, tại vùng Chơn Thành (Tàu Ô) đã chứng minh cho biết về phía Nam Thị Xã An Lộc, cũng đã có đơn vị cấp Sư Đoàn của địch đang tổ chức phục kích và chận viện.

Tướng Hưng nhận thấy lực lượng địch đã bủa vây bằng những đơn vị lớn cấp quân đoàn . Trong khi phía lực lượng phòng thủ chỉ mới có :

Bộ Chỉ Huy Hành Quân Sư Đoàn 5 Bộ Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà do Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Đoàn, trực tiếp chỉ huy toán cố vấn Mỹ + Đại Đội 5 Trinh Sát đang trú đóng tại An Lộc.

Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà. Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, vừa được lệnh của Quân Đoàn 3/Quân Khu III trực thăng vận cấp tốc xuống An Lộc, ngay trong buổi chiều ngày 06 và suốt ngày 07 tháng 04 năm 1972 .

Tổng cộng chỉ mới có 6 Tiểu Đoàn và 1 Đại Đội Trinh Sát của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, khoảng 3, 500 tay súng quân chủ lực, và khoảng gần 700 quân thuộc lực lượng của Tiểu Khu Bình Long . So sánh tương quan lực lượng đôi bên thì là 1 chống 8. Còn chiếu theo bản điều nghiên trận địa của địch lúc bấy giờ, chỉ có Bộ Chỉ Huy Tiền Phương của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà cộng thêm Trung Đoàn 7 Bộ Binh, và nhiều lắm là 2 Tiểu Đoàn Địa Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long.

Vì tương quan lực lượng đôi bên tại mặt trận An Lộc quá chênh lệch, căn cứ theo bản điều nghiên trận liệt của địch, trong lúc thiết kế tấn công, nên Trung Ương Đảng Bộ Cộng Sản Hà Nội, tưởng là dễ nuốt, và đã huênh hoang tuyên bố trên đài phát thanh Hà Nội, cũng như ra lệnh cho thuộc cấp, phải chiếm cho bằng được An Lộc, trước ngày 20 tháng 04 năm 1972.

Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân có 3 Tiểu Đoàn : 31, 36, và 52, đang bố trí phòng thủ trên 1 tuyến dài trên 4 cây số, từ phía Bắc đến phía Đông, Trung Đoàn 7 Bộ Binh chỉ còn 2 Tiểu Đoàn nguyên vẹn và 1 Tiểu Đoàn đã thất thoát đến 1/2 quân số trong những ngày đầu giao tranh với Công Trường Bình Long, và một thành phần của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt tại khu phía Đông (phi trường Quản Lợi), đang bố trí phòng thủ phía Tây, các tiểu đoàn và đại đội Địa Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long đã bị hao hụt nhiều trong những lần giao chiến sơ khởi tại Đồi Đồng Long, sân bay L19, nhất là tại phi trường Quản Lợi, có trách nhiệm phòng thủ mặt Nam, đầy mệt mỏi và không có bồ sung.

Trong suốt tuần lễ từ 06 đến 12 tháng 04 năm 1972, Cộng Quân đã gửi tiền sát viên Pháo Binh, xâm nhập những cao thế xung quanh Tỉnh Lỵ, để quan sát và điều chỉnh các toạ độ pháo binh, như Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5 (cũ), nhưng Tướng Hưng và Bộ Chỉ Huy Hành Quân đã di chuyển đến căn cứ Đỗ Cao Trí vào giờ phút chót, Cộng Quân hoàn toàn không hay biết, Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long, các bãi đáp trực thăng, bệnh viện, Nhà Thờ, Chùa, Sân Vận Động Tỉnh, v.v… mỗi nơi đều bị pháo vài quả để điều chỉnh toạ độ.

Nhận thấy lực lượng Quân Phòng Thủ còn quá yếu so với Quân Địch, Tướng Hưng liền điện về Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 xin thêm quân tăng viện cấp thời trước khi Cộng Quân mở màn trận chiến trong thời gian rất gần kề, đơn vị được Tướng Hưng xin tăng viện đích danh là Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh cơ hữu, do Đại Tá Mạch Văn Truờng chỉ huy, vừa mới được bổ sung và chấn chỉnh đội ngũ, là Trung Đoàn duy nhất còn lại của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, đang đóng quân tại cứ điểm Dầu Tiếng (đồn điền Michelin cũ của Pháp), thuộc Quận Trị Tâm, đang có trách nhiệm ngăn chận sự xâm nhập của địch quân từ biên giới Việt Miên theo hành lang Sông Sài Gòn tiến vào tỉnh Bình Dương. Ngay sau đó Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà được tức tốc trực thăng vận vào ngay trận địa An Lộc, hoàn tất vào trưa ngày 12 tháng 04 năm 1972. Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn cùng với 2 Tiểu Đoàn Bộ Binh được trực thăng vận đổ xuống An Lộc trước tại những khoảng trống không mấy thích hợp cho cuộc đổ quân trực thăng vận vào ngày 11 tháng 04 và tiếp theo ngày 12 tháng 04 đổ tiếp thêm 1 Tiểu Đoàn Bộ Binh và Đại Đội 8 Trinh Sát Trung Đoàn. Đến hết ngày 12 tháng 04 năm 1972, lực lượng phòng thủ được tăng thêm gần 3,000 quân (2,500 quân của Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh, 100 quân thất lạc di chuyển lẻ tẻ từ Lộc Ninh về, còn lại là số chiến binh của Chiến Đoàn 52 (-) Sư Đoàn 18 Bộ Binh).

Cả Trung Đoàn 8 Bộ Binh đổ quân đợt 1 và đợt 2, đều được Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà khuyến cáo khi di chuyển đến tuyến chiến đấu (phòng ngự), phải ôm dọc theo vòng đai bên ngoài thị xã từ Nam lên Bắc để tránh thiệt hại do pháo địch đang bắn điều chỉnh vào bên trong thị xã.

Như vậy là toàn bộ 2 trung đoàn cơ hữu còn lại của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đã có mặt tại chiến trường An Lộc vào ngày 12 tháng 04 năm 1972. (Trung Đoàn 9 đã bị tan rã sau Trận Lộc Ninh).

Trung Đoàn 7 được điều động vào An Lộc trước ngày chiến trận bộc phát ít hôm. Tiểu Đoàn 3/7 được chỉ định tăng cường căn cứ hoả lực vùng phi trường Quản Lợi, 5 cây số Đông An Lộc, tiểu đoàn này đã bị thiệt hại đến hai đại đội, Tiểu Đoàn Trưởng bị tử trận, cho nên Tiểu Đoàn 3/7 phải rời bỏ vùng phía Đông rút trở về bên trong thị xã, bỏ lại trọn vẹn vùng phi trường Quản Lợi. Trung Đoàn 7 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà tham chiến được vào khoảng 1,500 binh sĩ do Trung Tá Nguyễn Đức Quân làm Trung Đoàn Trưởng trấn giữ mặt phía Tây.

Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà được giao phó trách nhiệm trấn giữ mặt chính Bắc và một phần phía Tây, còn Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân được thu ngắn bớt tuyến phòng thủ giữ một phần ngắn phía Bắc, và trọn phần tuyến giới phía Đông.

Như vậy, mỗi mặt Đông, Tây, Nam, Bắc đều có một lực lượng cỡ gần cấp Trung Đoàn trấn giữ, mạnh nhất là Trung Đoàn 8 Bộ Binh, ở mặt trận phía Bắc, với 2,500 quân phòng thủ, trên trận tuyến dài gần 2 cây số vòng đai Tình Lỵ. Yếu nhất là măt phía Nam của Tiểu Khu Bình Long.

Đúng như dự liệu của Tướng Hưng, mặt trận phía Bắc sẽ bị Cộng Quân cường kích mạnh nhất khi mở màn trận chiến (xem bản đồ số 4).

2. CUỘC ĐIỆN ĐÀM GIỮA TƯỚNG MINH VÀ TƯỚNG HƯNG
VỀ BIỆN PHÁP ĐỐI PHÓ VỚI QUÂN ĐỊCH


Chiếu theo tin tình báo từ các toán Viễn Thám Việt Nam Cộng Hoà, và một cán binh hồi chánh, của Đại Đội Trinh Sát Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt, từ đầu tháng 01 năm 1972 đến cuối tháng 03 năm 1972 báo cáo như sau:

Công Trường 7, tập trung quân trong vùng thị trấn Snoul (Cambodia) cách Lộc Ninh 30 cây số dọc theo Quốc Lộ 13 về phía Bắc đang di chuyển về phía Tây, Công Trường 9, Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt và một đơn vị cấp Sư Đoàn đang tập trung quân trong các căn cứ địa vùng giáp ranh lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà sát biên giới Việt Miên. Như vậy, địch đang tập trung quân dọc theo biên giới vùng phía Bắc của lãnh thổ Quân Khu III Việt Nam Cộng Hoà đến 4 Sư Đoàn, và nguồn tin sau cùng do các chiến sĩ Sư Đoàn 25 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà tại vùng Tỉnh Tây Ninh tìm thấy trên xác của một cán binh Cộng Sản Bắc Việt (không rõ cấp bực) trực thuộc Trung Đoàn 271 Công Trường 9, một công điện chỉ thị cho Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt phải điều động tới vùng Lưỡi Câu (phía Tây Bắc An Lộc trước ngày 24 tháng 03 năm 1972) để tham dự vào nỗ lực của Quân Đoàn Cộng Sản Bắc Việt phối hợp với Công Trường Bình Long và Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt cùng tấn công An Lộc.

Khi mặt trận Lộc Ninh vừa mới bắt đầu, với sự tan rã nhanh chóng của Đại Đội 9 Trinh Sát Trung Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, vào chiều ngày 04 tháng 04 năm 1972 và của Thiết Đoàn 1 (-) Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà vào đêm 04 rạng 05 tháng 04 năm 1972, Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn 3/Quân Khu III đã lượng định, địch đã tung vào chiến trường đến 4 Sư Đoàn Bộ Binh, chưa kể Pháo Binh và Thiết Giáp…(như vậy là địch đã xử dụng cấp Quân Đoàn cộng cho trận chiến này !!).

Vì đã có nguồn tin tình báo khả tín như thế, nên khi vừa mới nghe điện thoại cũa Tướng Hưng, gọi về từ Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đang đóng tại Lai Khê, tiếp chuyện với Tướng Minh đang kinh lý tại Tiểu Khu Bình Dương, trình tình hình chiến trận Lộc Ninh (Cộng Quân đánh tan quân bạn một cách nhanh chóng và bất ngờ…)

Sau khi Tướng Hưng báo cáo tình hình xong và đề nghị :

- Tôi sẽ lấy trực thăng bay lên Lộc Ninh để quan sát tình hình

Tướng Minh trả lời :

- Không còn kịp nữa .

Tướng Minh nói tiếp :

- Sau Lộc Nình là chúng nó tiến đánh An Lộc đó !!! Vậy Anh nên dùng thời gian còn lại di chuyển tức khắc Bộ Chỉ Huy Nặng Sư Đoàn lên An Lộc càng sớm càng tốt. Quân Đoàn sẽ cung cấp trực thăng đủ cho nhu cầu di chuyển Bộ Chỉ Huy Nặng Sư Đoàn, đồng thời tôi sẽ cho bốc Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân từ Tây Ninh thẳng về An Lộc cho anh.

Cuộc điện đàm chấm dứt vào lúc 1 giờ 30 trưa ngày 06 tháng 04 năm 1972. Tướng Hưng liền cho lệnh toàn bộ Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn và thông báo với Toán Cố Vấn Mỹ chuẩn bị di chuyển lên Bộ Chỉ Huy Tiền Phương do Đại Tá Lê Nguyên Vỹ đang chỉ huy tại An Lộc.

Sau cuộc điện đàm với Tướng Hưng, Trung Tướng Minh chỉ thị Trung Tá Nguyễn Ngọc Ánh, Sĩ Quan Phụ Tá Hành Quân, gọi về Tổng Hành Dinh Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3, đóng tại Tỉnh Biên Hoà, cho triệu tập phiên họp bất thường Bộ Tham Mưu Cao Cấp Quân Đoàn. Khi trực thăng của Tướng Minh về đến Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn, thì tại phòng họp của Quân Đoàn đã có mặt các giới chức quan trọng như Tư Lệnh Phó, Tham Mưu Trưởng, Sĩ Quan Trưởng Phòng Nhì, Sĩ Quan Trưởng Phòng Ba, Trưởng Phòng 4, Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Quân Đoàn, Đại Tá Trương Hửu Đức, Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh, đã chờ sẵn tại phòng họp cạnh văn phòng Tư Lệnh. để thảo luận và lãnh chỉ thị thi hành : (* Dồn hết nỗ lực ưu tiên trực thăng vận Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân từ Tây Ninh đổ thẳng vào An Lộc * Khai thông cấp thời Quốc Lộ 13 * Tiếp tế cho Chiến Trường An Lộc ).

Trong khi trực thăng vận Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân đến An Lộc, Tướng Minh nhận xét, lực lượng phòng thủ vẫn còn quá yếu, nên Ông khẩn điện về Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, xin thêm lực lượng Tổng Trừ Bị còn lại của Bộ Tổng Tham Mưu.

Nói về Lực Lượng Tổng Trừ Bị của Bộ Tổng Tham Mưu Việt Nam Cộng Hoà chỉ còn lại Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù (Sư Đoàn Dù (-) đã di chuyển ra giới tuyến cùng với nguyên Sư Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến ở ải địa đầu Quảng Trị), và Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù đang còn hoạt động viễn thám trong vùng Tỉnh Tây Ninh.

Với quyền hạn của vị Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, Đại Tướng CAO VĂN VIÊN chỉ có thể chấp thuận theo lời yêu cầu của Quân Khu 3, tăng cường cho Quân Khu 3 Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù và ra lệnh cho rút tất cả các Toán, gom lại thành những Đại Đội, tập trung về phi trường Trảng Lớn (Tây Ninh), chờ trực thăng vận, di chuyễn đến chiến trường mới. Đây là lần đầu tiên anh em Biệt Kích Dù mới có dịp tương phùng 4 Đại Đội và 4 toán Trinh Sát, về cùng một lúc, tay bắt mặt mừng, dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi chờ Trực Thăng bốc về Lai Khê (Tỉnh Bình Dương ) .

Riêng Lữ Đoàn 1 Dù đang trách nhiệm giữ an ninh cho Dinh Độc Lập, còn phải chờ lệnh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Vài giờ sau đó, sau khi Đại Tướng Cao Văn Viên trình với Tổng Thống Thiệu, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù cũng được điều động đến Lai Khê ngay sau đó, và được Bộ Tư Lệnh Hành Quân Quân Đoàn 3 chỉ định cùng với Trung Đoàn 43 Sư Đoàn 18 Bộ Binh do Đại Tá LÊ MINH ĐẢO vừa mới nhậm chức Tư Lệnh Sư Đoàn, trong tay chỉ còn đúng có một Trung Đoàn cơ hữu, đang ì ạch khai thông Quốc Lộ 13 từ Lai Khê đến Quân Chân Thành (giai đoạn đầu). Để trám vào chỗ Lữ Đoàn 1 Dù, Sư Đoàn 18 Bộ Binh, điều động Tiểu Đoàn 1 Trung Đoàn 52 Sư Đoàn 18 Bộ Binh đến thay thế chổ Liên Đoàn 1 Dù vừa mới rút đi, để giữ an ninh cho Dinh Độc Lập. (8)

Chú Thích: (8) Nhật Ký Hành Quân của Quân Đoàn 3/Quân Khu III ghi về trận chiến An Lộc năm 1972

Lực Lượng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà giờ này chỉ còn lại có Quân Đoàn 4 là còn nguyên vẹn 3 Sư Đoàn : Sư Đoàn 7 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, hoạt động riêng rẽ trong vùng trách nhiệm, Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà hoạt động riêng rẽ trong vùng trách nhiệm và Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, cũng phải lo việc bảo vệ lãnh thổ và đương đầu với một đơn vị cấp Sư Đoàn của địch trong vùng rừng U Minh thuộc các Tỉnh Cà Mau, Rạch Giá và Chương Thiện. Tính đi tính lại Quân Đoàn 4 Quân Khu IV do Trung Tướng NGÔ QUANG TRƯỞNG làm Tư Lệnh cố gắng chia xẻ những khó khăn của Quân Khu I, Quân Khu II, và nhất là Quân Khu III tối đa có thể rút ra 1 Sư Đoàn và một Trung Đoàn mà thôi, các đơn vị này là thành phần ưu tú nhất của Quân Đoàn 4, đó là trọn vẹn Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà do Thiếu Tướng NGUYỄN VĨNH NGHI làm Tư Lệnh. Và Trung Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà do Trung Tá Hồ Ngọc Cẩn chỉ huy (Trung Tá Cẩn là một trong NGŨ HỔ TƯỚNG của Sư Đoàn 21 Bộ Binh, khi Trung Tướng Minh còn là Chuẩn Tướng, Tư Lệnh Sư Đoàn 2! Bộ Binh).

Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đã được Quân Khu I do Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm làm Tư Lệnh xin thẳng với Tổng Thống NGUYỄN VĂN THIỆU từ tuần trước .

3. CUỘC HỌP HỘI ĐỒNG AN NINH QUỐC GIA
TẠI PHỦ TỔNG THỐNG


Ngày 09 tháng 04 năm 1972, cả 4 Tư Lệnh Vùng đều được Tổng Thống Thiệu triệu hồi về Dinh Độc Lập để trình bày tình hình chiến sự. Cuộc họp quan trọng này gồm có : Tổng Thống NGUYỄN VĂN THIỆU (Tổng Tư Lệnh Quân Đội), Đại Tướng TRẦN THIỆN KHIÊM (Thủ Tướng Chính Phủ kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng), Đại Tướng CAO VĂN VIÊN (Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà), Trung Tướng ĐẶNG VĂN QUANG (Cố Vấn An Ninh Phủ Tổng Thống) và 4 vị Trung Tướng Tư Lệnh 4 Vùng Chiến Thuật.

Trung Tướng NGUYÊN VĂN MINH, Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III, thuyết trình đầu tiên trước HỘI ĐỒNG AN NINH QUỐC GIA:

Về tình hình địch, hiện có 4 Sư Đoàn, âm mưu dứt điểm An Lộc trước ngày 20 tháng 04 năm 1972 và trên đà tiến thẳng đến Sài-Gòn, Thủ Đô Sài Gòn sẽ là mục tiêu cuối cùng của quân Cộng Sản Bắc Việt. Về Lực Lượng Bạn Quận Đoàn III, có 3 Sư Đoàn, gồm :

- Sư Đoàn 5 do Tướng Lê Văn Hưng chỉ huy, đang có mặt tại An Lộc từ ngày 07 tháng 04 năm 1972. Bố trí vòng đai phòng thủ với Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà (Trung Đoàn 9 Bộ Binh cùng Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh đã bị đánh tan tại Quận Lộc Ninh từ ngày 04 đến ngày 07 tháng 04 vừa qua). Riêng Trung Đoàn 7 vừa mới xáp chiến với một đơn vị Cộng Sản Bắc Việt vùng 5 cây số phía Đông (phi trường Quản Lợi) đã bị thiệt hại gần 1 Tiểu Đoàn. Thêm được LIên Đoàn 3 Biệt Động Quân vừa được trực thăng vận vào ngày 07 tháng 04 năm 1972. Như vậy lực lượng phòng thủ cho đến ngày hôm nay bên trong Thị Xã An Lộc (ngày 09 tháng 04 1972) về quân chủ lực chỉ có 5 Tiểu Đoàn (2 Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 7 Bộ Binh và 3 Tiểu Đoàn của Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân), phải chống trả với 4 Sư Đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt. Trung Đoàn 8 của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đang chuẩn bị tăng viện cho An Lộc, sẽ khởi phát Trực Thăng Vận vào ngày 11 tháng 04 năm 1972. Thêm vào đó, lực lượng của Tiểu khu Bình Long có vào khoảng 2 Tiểu Đoàn.

- Sư Đoàn 18 Bộ Binh do vị Tư Lệnh mới đến nhậm chức là Đại Tá LÊ-MINH-ĐẢO chỉ còn lại trong tay có 1 Trung Đoàn, đang trực tiếp giải toả Quốc Lộ 13 cùng với Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh, và vị Thiết Đoàn Trưởng, Đại Tá Trương Hữu Đức, vừa mới tử trận tại chiến trường cách đây 2 ngày, 1 Trung Đoàn khác của Sư Đoàn 18 Bộ Binh đóng tại Căn Cứ Hoả Lực Cần Lê cũng đã được lệnh rút về An Lộc. (Trung Đoàn này đang bị 2 Trung Đoàn Cộng Quân vây đánh từ chiều ngày 06 tháng 04, được lệnh cho phá huỷ hết chiến cụ nặng, chỉ còn lại Bộ Binh rút lui, và vẫn còn đang chạm súng nặng với địch, chưa rõ thiệt hại ra sao và vẫn còn đang trên đường triệt thoái về An Lộc

- Sư Đoàn 25 Bộ Binh, cả 3 Trung Đoàn đang quần thảo với địch cấp Trung Đoàn tại vùng các căn cứ hoả lực Xa Mát và Thiện Ngôn tại lãnh thổ Tây Ninh, tin sau cùng cho biết địch đã làm chủ tình hình tại Xa Mát và đang tiến về căn cứ Thiện Ngôn do Trung Đoàn 49 Sư Đoàn 25 trấn giữ, các đơn vị khác của Sư Đoàn 25 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đang được điều động đến để giải toả áp lực của Cộng quân, nên không thể tách ra được dù là một Trung Đoàn, để tăng cường cho mặt trận An Lộc, vì Tây Ninh cũng nằm sát hành lang xâm nhập của Cộng Quân từ biên giới Việt Miên.

Với tình hình và áp lực đang bổ vây An Lộc, Trung Tướng MINH có đệ trình về Bộ Tổng Tham Mưu xin thêm quân Tổng Trừ Bị tăng viện, và đã được Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trường Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà trình với Tổng Thống chấp thuận cho chiến trường Vùng 3 : Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù và Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù. Cả hai đơn vị tinh nhuệ này cũng đang trên đướng di chuyển đến trận địa. Nhưng theo Tướng Minh nhận xét, cũng vẫn chưa đủ an toàn cho Thủ Đô Sài Gòn. Cuối cùng, Trung Tướng Minh thỉnh cầu Hội Đồng An Ninh Quốc Gia chấp thuận tăng cường cho chiến trường Quân Khu III thêm ít nhất một Sư Đoàn nữa, để làm Vòng Đai Phòng Thủ An Toàn cho Thủ Đô Sài-Gòn đề phòng trong trường hợp tuyến An Lộc bị đổ vỡ.

Đề nghị tăng phái Sư Đoàn 21 Bộ Binh cho Quân Khu I hay Quân Khu III được thảo luận sôi nổi, cân nhắc nặng nhẹ … Trước tiên Tổng Thống Thiệu muốn nghe ý kiến của Trung Tướng NGÔ QUANG TRƯỞNG, Tư Lệnh Quân Đoàn 4/Quân Khu IV. Tướng Trưởng phân tích, sở trường của Sư Đoàn 21 Bộ Binh là đánh vùng đồng bằng và sình lầy, không thích hợp cho Vùng 1 rừng rậm và núi non, Đại Tướng Cao Văn Viên trước đây là Tư Lệnh Sư Đoàn Dù đã từng hành quân khắp 4 Vùng Chiến Thuật, Đại Tướng Trần Thiện Khiêm trước đây đã từng là Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh và Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, cũng là vị cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh, cũng cho nhận xét của Tướng Trưởng là đúng, kế đến Trung Tướng Đặng Văn Quang phân tích, An Lộc chỉ cách Sài-Gòn có 100 cây số, nếu để thua tại mặt trận này thì chỉ cần có 2 tiếng đồng hồ sau là xe tăng và bộ binh địch quân sẽ dẫm nát Thủ Đô của Việt Nam Cộng Hoà và thắng trận luôn, như vậy dù có giữ được Quân Khu I đi chăng nữa mà Sài- Gòn thất thủ thì cũng như không. Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm cho rằng sự phân tích của Trung Tướng Quang là xác thực, phải ngăn chặn địch bằng mọi giá ngay tại An Lộc. Còn riêng Tư Lệnh Vùng 2 Chiến Thuật, Trung Tướng NGÔ DZU, thì rất may mắn có được vị cố vấn trưởng John Paul Vann, một vị cố vấn rất tận tình với chức vụ và gắn bó với các cấp chỉ huy các Sư Đoàn Bộ Binh Sư Đoàn 22 và Sư Đoàn 23 Việt Nam Cộng Hoà, và là vị cố vấn có nhiều quyền lực nhất trong việc xin các phi tuần Không Quân Chiến Thuật cũng như Chiến Lược (B.52), nên không cần xin thêm quân tăng viện, còn đủ khả năng phòng thủ diện địa cho Vùng 2 Chiến Thuật.

Cuối cùng mặt trận An Lộc được đánh giá cao hàng đầu, so với mặt trận Quảng Trị và mặt trận Kontum, vì vậy, dù Tổng Thống Thiệu đã lỡ hứa với Trung Tướng Lãm thì cũng không thể nào làm khác hơn được, vì phải đặt sự sinh tồn của QUỐC GIA lên hàng đầu. Và Hội Đồng An Ninh Quốc Gia quyết định tăng viện Sư Đoàn 21 Bộ Binh cộng thêm Trung Đoàn 15 của Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà cho Quân Khu III để làm hàng rào cuối cùng ngăn chận quân Cộng Sản Bắc Việt đang có mưu đồ tiến chiếm luôn THỦ ĐÔ của Nước VIỆT NAM CỘNG HOÀ.

Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho Đại Tướng Cao văn Viên dành mọi ưu tiên cho Quân Khu III cả về quân tăng viện lẫn tiếp tế. Sư Đoàn 21 Bộ Binh và Trung Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, được lệnh của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng tức tốc tập trung quân, được di chuyển ngày đêm đến Lai Khê bằng cả hai phương tiện đường bộ cho những chiến cụ nặng và Thiết Vận Xa, trực thăng vận các Trung Đoàn Bộ Binh đến Lai Khê, hoàn tất vào ngày 12 tháng 04 năm 1972. Chỉ trong vòng có hơn 3 ngày mà di chuyển được một đoàn quân hơn 14,000 chiến binh với tất cả chiến cụ nặng, vượt đoạn đường dài 330 cây số, từ Tỉnh Cà Mau (nơi đặt Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 32 Bộ Binh) và các cánh quân đang bổ vòng đai xung quanh rừng U MInh, tập trung về thị xã Cà Mau và Tỉnh Lỵ Chương Thiện (nơi đặt Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 31 Bộ Binh), xuyên qua Tỉnh Bạc Liêu (nơi đặt bản doanh của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh), đến Sóc Trăng (nơi đặt Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 33 Bộ Binh) và phải xuyên qua 2 bến phà (bắc) Cần Thơ và (bắc) Mỹ Thuận, trong thời gian kỷ lục, thật không hổ danh là những đại đơn vị có CƠ ĐỘNG TÍNH CAO như Sư Đoàn Dù và Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến vậy. (9)

Chú thích: (9) Nhật ký hành quân của Quân Đoàn 3 ghi về trận chiến An Lộc năm 1972.

Tóm lại, tính đến ngày 09 tháng 04 năm 1972, lực lượng trừ bị của Quân Đoàn 3/ Quân Khu III có được như sau :

* Cơ hữu của Quân Đoàn : Chỉ còn lại Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, Trung Đoàn 43 Sư Đoàn 18 Bộ Binh,

* Trừ Bị của Bộ Tổng Tham Mưu : Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù và Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù,

* Trừ Bị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà : Sư Đoàn 21 Bộ Binh, và Trung Đoàn 15/ Sư Đoàn 9, Quân Đoàn 4 Việt Nam Cộng Hoà.

Tất cả các đại đơn vị trừ bị cho mặt trận An Lộc, được trình diện và đặt dưới quyền điều động của Bộ Tư Lệnh Hành Quân Quân Đoàn 3 tại Căn Cứ Lai Khê (Bình Dương), dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Trung Tướng NGUYỄN VĂN MINH, Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III .

Đơn vị cuối cùng của Sư Đoàn 21 Bộ Binh và Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đến Lai Khê vào chiều ngày 12 tháng 04 năm 1972 .

Tính đến chiều ngày 08 tháng 04 năm 1972, toàn bộ 4 Công Trường Cộng Sản Bắc Việt (từ 35,000 đến 37,000 quân bộ chiến) dự định đè bẹp lực lượng quân phòng thủ chỉ có 4, 200 Chiến Sĩ đã quá mệt mỏi và không được bổ sung. Tính ra là 1 Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà phải chọi với trên 8 tên Cộng Sản Bắc Việt. Nhưng không phải vì vậy mà Cộng Sản Bắc Việt nghĩ là dễ nuốt An Lộc.

Tưởng cũng nên nhắc lại : Lệnh của Trung Ương Cục Miền Nam, tức là lệnh của Hà Nội như sau “Phải dứt điểm An Lộc trước ngày 20 tháng 04 năm 1972”. Mục đích là để ra mắt Mặt Trận Giải Phóng MIền Nam và tối hậu, dùng An Lộc làm điểm tựa, đánh thẳng vào Sài Gòn, Thủ đô Việt Nam Cộng Hoà.

Chỉ còn có 12 ngày ngắn ngủi, mà các đơn vị quân Cộng Sản Bắc Việt vẫn chưa phát khởi được cuộc tấn công chính .

Chiếu theo nguồn tin tình báo, do tù binh cấpTiểu Đoàn của Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, bị Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà bắt được trong trận tấn công mở màn mặt trận phía Bắc, ngày 13-04-1972, khai báo: Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt có nhiệm vụ: sau trận tấn công và chiếm cứ Lộc Ninh, kế tiếp làm nỗ lực chính tấn công An Lộc, thừa thắng tấn chiếm Tỉnh Bình Dương, và mục tiêu cuối cùng là Thủ Đô Việt Nam Cộng Hoà (Sài Gòn).

Trong khi đó, Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt sau khi thắng trận Lộc Ninh, phải mất cả tuần lễ, mà vẫn chưa xuất phát được, để tấn công vào An Lộc ; Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt đã hoàn thành các ổ phục kích và các chốt kiền, để chặn đoàn quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà từ phía Nam dọc theo Quốc Lộ 13 tiến về phía Bắc, để giải toả cho các đơn vị bạn (Việt Nam Cộng Hoà) đang bị bao vây tại An Lộc. Công trường 9 dường như được dùng làm thành phần trừ bị cho Quân Đoàn Cộng Sản Bắc Việt. Trong lúc đó, 2 đơn vị đóng vai chánh trong cuộc khai pháo dứt điểm, là Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt và Công Trường Bình Long thì chưa sẵn sàng để tấn công vì những lý do sau đây :

a - Trong trận đánh cầu Cần Lê, các Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, đã chiến đấu rất dũng mãnh, đã đánh bật nhiều đợt xung phong biển người của địch, cộng thêm Pháo Binh và Không Quân Chiến Thuật của Không Lực Đồng Minh Hoa Kỳ, oanh kích rất chính xác, đã gây cho 2 đơn vị này tổn thất rất lớn
(hơn 1 Trung Đoàn).

b - Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, sau khi chiếm được Lộc Ninh phải lo chỉnh đốn lại hàng ngũ, tái bổ sung quân số, lo vơ vét chiến lợi phẩm của quân dân Lộc Ninh, tiêu phí thời gian cả tuần lễ.

c - Tiếp theo sau và liên tục, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đã chỉ điểm, gần như chính xác, các đường tiến quân và các vị trí pháo binh địch, cho Không Quân Chiến Thuật và Không Quân Chiến Lược Hoa Kỳ oanh kích và oanh tạc, với hàng trăm phi tuần và phi vụ trên đầu quân Bắc Việt. Những tiếng nổ phụ, được nghe thấy ngay cả từ trong Thị Xã An Lộc, qua nhiều tiếng đồng hồ liền, chứng tỏ, những ổ pháo binh địch và những điểm tiếp liệu đạn dược của pháo binh và bộ binh địch đã bị nổ tung. Cho nên các đơn vị khác của quân Cộng Sản Bắc Việt phải đành chịu chờ đợi, cho đến khi Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt và Công Trường Bình Long củng cố, và tổ chức lại hàng ngũ, rồi mới chính thức khai pháo mở cuộc tấn công vào Thị Trấn An Lộc.

4. MỞ MÀN TRẬN CHIẾN KHỐC LIỆT:
TẠI MẶT TRẬN PHÍA BẮC AN LỘC
TRẬN TẤN CÔNG LẦN THỨ NHẤT (sáng ngày 13-04-1972)


Vào đêm 12 tháng 04 năm 1972, Cộng quân mở trận mưa pháo tập trung vào các địa điểm: Bộ Chỉ Huy dã chiến của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà (địa điểm cũ), Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long, và dọc theo vòng đài phòng thủ của các đơn vị trú phòng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Pháo đủ loại nhiều nhất là đại bác 130 ly, hoả tiễn 122 ly v.v… ước lượng đến 6,000 quả đủ loại, từ đầu hôm cho tới suốt đêm, mục đích là cố tiêu diệt các Bộ Chỉ Huy đầu não của lực luợng phòng thủ (riêng tại vị trí của Bộ Chỉ Huy Tiền Phương cũ của Tướng Hưng, bị trúng trên 1,000 quả đạn pháo đủ loại của địch, bị phá hủy tan nát, nhưng không có thiệt hại về nhân mạng), đặc biệt dọc theo vòng đai tuyến phòng thủ mặt Bắc Thị Xã An Lộc để uy hiếp tinh thần binh sĩ đang có mặt trên tuyến vòng đai bảo vệ, cũng như dọn đường cho chiến xa và bộ binh địch tấn công trực diện, theo chiến thuật Tiền Pháo, Hậu Xung (biển người).

Sau đợt mưa pháo kéo dài trên 10 tiếng đồng hồ, Cộng quân chuyển Pháo vào sâu trong thành phố, chừa lại mặt Bắc cho cả Tiểu Đoàn Chiến Xa T.54 và PT.76 với 4 Trung Đoàn Bộ Binh Tùng Thiết chia làm 3 mũi dùi, ồ ạt tiến công vào Thị Xã. Điểm nỗ lực chính vào hướng chính Bắc, và 2 cứ điểm phụ tại Đồi Đồng Long (1 cây số Tây Bắc) do Đại Đội Trinh Sát 8 và 1 Đại Đội Địa Phương Quân trấn giữ, và phía sân bay L.19 (1 cây số Đông Bắc) do Tiểu Đoàn Điạ Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long trấn giữ. Lực lượng địch được bố trí như sau : tại mặt chính Bắc Cộng Quân sử dụng Trung Đoàn 174 và E.6 Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, mũi dùi tấn kích Đồi Đồng Long Cộng Quân sử dụng Trung Đoàn 275 Cộng Sản Bắc Việt, mũi dùi tấn kích sân bay L19 Cộng Quân sử dụng Trung Đoàn Thép của Công Trường Bình Long Cộng Sản Bắc Việt. Tất cả các cánh quân đều có chiến xa T.54 và PT.76 trợ chiến, mạnh nhất là mặt chính Bắc. (xem bản đồ số 5).

Tại mặt chính Bắc : Do Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà trấn thủ.

Chiếu theo Hồi Ký của Nhân Chứng Sống (đình kèm ở Phần Phụ Đính) . Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường, nguyên Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh (1975), cựu Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh (1972), Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa có những đặc điểm sau đây :

• Trước khi được trực thăng vận vào An Lộc, Trung Đoàn 8 tình cờ tìm thấy trên 2,000 khẩu súng chống chiến xa M.72 của Quân Lực Hoa Kỳ còn để sót lại trong một hầm súng tại căn cứ Trị Tâm. Khi vào An Lộc, Trung Đoàn 8 Bộ Binh có mang theo đầy đủ loại khắc tinh chống chiến xa đó, và được trang bị tới cấp Tiểu Đội. Tất cả các cấp từ Sĩ Quan cho tới binh sĩ Trung Đoàn 8 đều được huấn luyện và hướng dẫn cách sử dụng M.72. Số còn thừa, Trung Đoàn 8 chia cho Trung Đoàn 7 và LIên Đoàn 3 Biệt Động Quân để xử dụng khi cần thiết. Chiếu theo tài liệu, loại súng M.72, khi nổ phát ra một sức nóng rất cao, lên đến 3, 600 độ F, và có công dụng làm chảy sắt.

• Ngay khi hai Tiểu Đoàn đầu tiên và Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 8 vừa đến tuyến án ngữ mặt Bắc, Đại Tá Trường được Tướng Hưng cho biết, Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt có chiến xa yểm trợ đang trên đà tiến từ Lộc Ninh đồ xuống từ hướng Bắc, Đại Tá Trường còn có sự cảnh giác trước, ngoài Bộ Binh và Chiến Xa, địch còn mở vài trận mưa pháo trước khi tấn công. Cho nên Đại Tá Trường đã ra lệnh cho tất cả các chiến binh Trung Đoàn 8 Bộ Binh phải tức tốc đào hầm và giao thông hào có nắp chống pháo, dàn hàng ngang hai bên đường Quốc Lộ 13 trên tuyến phòng thủ.

• Chỉ thị cho Sĩ Quan Pháo Binh Trung Đoàn 8, phối hợp với Tiểu Đoàn 52 Pháo Binh, thiết lập sơ đồ pháo tiên liệu 1, 500 thước, dọc theo Quốc Lộ 13 từ Bắc xuống Nam, và trình xin với Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, xin ưu tiên hoả lực cho mặt phòng thủ phía Bắc của Trung Đoàn 8 Bộ Binh khi hữu sự.

• Tiếp theo, vào ngày hôm sau, (12-04-1972), trực thăng vận đổ thêm Tiểu Đoàn còn lại và Đại Đội 8 Trinh Sát, được dùng làm lực lượng trừ bị cho Trung Đoàn, bố trí chiều sâu dọc theo những cao ốc được đúc bằng bê tông chạy dài theo Đại Lộ Ngô Quyền, cũng là Quốc Lộ 13, chạy ngang qua Thành Phố An Lộc ; riêng Đại Đội 8 Trinh Sát, được đưa lên làm Tổng Tiền Đồn trên Đồi Đồng Long, tiếp tay với Đại Đội Địa Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long đã có sẵn tại đây.

Trong số 2.500 quân của Trung Đoàn 8 Bộ Binh được đổ vào An Lộc, có 400 chiến sĩ gốc là Lao Công Đào Binh (cũng là những chiến sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà gồm đủ mọi cấp đã vi phạm kỷ luật quân đội khá trầm trọng như đào ngũ, hành hung Sĩ Quan hay cấp chỉ huy, của đủ mọi thành phần trong các quân binh chủng thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, gom lại từ các trung tâm trừng giới các nơi, rồi phân phối trở lại cho các đơn vị tác chiến cấp Sư Đoàn, để dùng vào việc tạp dịch và lao công, không được trang bị vũ khí. Vào khoảng trung tuần tháng 04 năm 1972, Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, được Bộ Tổng Tham Mưu phân phối cho 400 Lao Công Đào Binh, để chia ra cho 3 trung đoàn bộ binh ; trong thời điểm này, chỉ còn duy nhất có Trung Đoàn 8 Bộ Binh là chưa được tham chiến, nên phòng Tổng Quản Trị Sư Đoàn mới chuyển toàn bộ 400 Lao Công Đào Binh cho Trung Đoàn 8, để tức thời đổ vào An Lộc. Khi trận chiến quyết liệt khởi diễn vào ngày 13 tháng 04 năm 1972, Đại Tá Mạch Văn Trường, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8, nhận thấy một vài anh em Lao Công Đào Binh bị trúng miểng đạn pháo của Cộng quân tử trận, trong lúc trong tay không có một tấc sắt để phòng thân, thật là tội nghiệp và bất công cho linh hồn các Lao Công Đào Binh quá cố đó. Ông liền có quyết định táo bạo không cần biết những sự gì sẽ xảy ra sau này, Đại Tá Trường liền cho tập họp hết các Lao Công Đào Binh để hỏi ý kiến, và kích động tinh thần của họ, gợi ý trang bị vũ khí cho tất cả anh em. Sau khi nghe lời kích động của Đại Tá Trường, tất cả các anh em Lao Công Đào Binh đồng loạt hoan hô, và xin trang bị vũ khí cấp thời cho họ, để họ có cơ hội cùng anh em đồng đội trong Trung Đoàn 8 Bộ Binh chiến đấu sát Cộng . Như vậy là Trung Đoàn 8 Bộ Binh có thêm được 400 tay súng gan lỳ và hăng say nhất, trong việc đánh cận chiến cũng như vác M.72 đi lùng chiến xa địch. Đúng như cổ nhân có câu “Phép vua thua lệ làng” người chỉ huy tại măt trận có toàn quyền ứng biến theo tình thế, bất chấp câu nệ vào nguyên tắc hay lệnh vua (Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà) đã ấn định từ trước. (10)

(10) Theo lời tường thuật của Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường, nhân chứng sống, nguyên Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh, Cựu Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, hiện cư ngụ tại Houston, TX.

Cũng cùng chiến pháp này, sử sách có ghi lại vào năm 496 trước Công Nguyên, vị vua trẻ nước Việt bên Tàu tên là Câu Tiễn đã xử dụng 3,000 tù tử tội, xông thẳng vào trung quân của vua Ngô là Hạp Lư có đến 30,000 quân sĩ. Các tù tử tội đã đánh một trận quyết liệt, khiến quân Ngô tán loạn hàng ngũ, lui dần bỏ lại chủ soái là vua Hạp Lư, và các tướng lãnh khác, phải rất vất vả để cứu vua Hạp Lư thoát hiểm trong gang tấc trên chiến địa. Vua Hạp Lư phải trả một giá rất đắt bằng chính sinh mạng của mình, sau khi chạy về đến Ngô quốc của ông ta, vì vết thương ở chân không được chữa trị kịp thời.

Các tù tử tội vào thời xa xưa đó, được Câu Tiễn hứa là được tha và cho thêm vài quyền lợi sau khi chiến thắng trở về.

Vì lẽ sinh tồn, thà chết vinh quang ngoài chiến trường, lại còn có dịp giết quân địch, nếu còn sống sót thì sẽ được phục hồi nguyên phương vị cũ, và còn được vinh danh là chiến sĩ anh hùng tử thủ An Lộc, cho nên tất cả 400 tay súng lao công đào binh, bỗng nhiên trở thành những chiến sĩ ưu việt nhất của Trung Đoàn 8 Bộ Binh.

Từ xa, cách tuyến phòng thủ khoảng 3 cây số về hướng Bắc, các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà đã nghe được tiếng động cơ của chiến xa địch, và từ từ nhìn thấy chúng, mọi người đều hồi hộp chờ đợi từng bước sự tiến công của địch, tinh thần giao động, vì lần đầu tiên giáp chiến với chiến xa địch, vả lại chưa biết sự lợi hại của loại súng chống chiến xa M.72 như thế nào ??? Nhưng việc gì đến rồi cũng phải đến.

Từ trên nóc sân thượng của căn lầu hai tầng, Đại Tá Trường đặt ống nhòm theo dõi từng bước của chiến xa và bộ binh địch, đang tiến lần xuống, … cho đến khi nhận thấy đoàn chiến xa và bộ binh địch đã lọt vào trận địa pháo, Đại Tá Trường ra lệnh cho Tiểu Đoàn 52 Pháo Binh cơ hữu, cho 8 khẩu 105 ly và 2 khẩu 155 ly còn xử dụng được thi nhau nhả đạn, đạn xuyên phá để chống chiến xa, đạn nổ chụp ngay trên đầu để triệt hạ bộ binh địch.

Vì pháo của ta quá chính xác và có hiệu quả cao, một phần bộ binh địch chạy lui trở lại với hy vọng sẽ thoát ra khỏi trận địa pháo, một số khác chạy thục mạng tới trước để tránh pháo của Việt Nam Cộng Hoà, đoàn chiến xa Cộng quân đang nối đuôi theo sau, phải loay hoay khựng lại, riêng chỉ có 15 chiếc T.54 đi đầu tống ga vọt đại về phía trước, đằng sau không có bộ binh tùng thiết nào cả. Chiến xa địch chạy khơi khơi một mình, xả máy chạy ùa vào ngay tuyến phục kích của Tiểu Đoàn trừ bị của Trung Đoàn 8 đang có mặt trên các cao ốc, các Chiến Sĩ của Trung Đoàn 8, dùng đủ loại súng từ trên cao tác xạ thẳng xuống mục tiêu to lớn đang di chuyển khó khăn trên đường, có tên là Ngô Quyền. Các xạ thủ đại liên trên pháo tháp các chiến xa địch, vì thế phải chui tuột xuống đậy nắp pháo tháp, để tránh đạn của các chiến sĩ Trung Đoàn 8 Bộ Binh. Chiến xa địch giờ này chỉ còn lại duy nhất khẩu đại bác 100 ly nòng dài, lại không xoay sở gì được, vì đã vô tình lái vào con đường hẹp, hai bên là cao ốc, và lề đường lại có cống rãnh không chịu nổi sức nặng của chiến xa. Tiến thối lưỡng nan, dậm chân tại chỗ sụp rãnh, lay hoay chờ chết.

Binh sĩ của Trung Đoàn 8 Bộ Binh, lần lần đâm ra dạn dĩ, vác M.72 ra tác xạ, vài quả đầu có chút sai lệch, chiến xa chưa chết, nhưng càng bắn càng có kinh nghiệm, bắn trúng vào chỗ nhuợc, chiến xa bốc cháy.

Anh em ơi ! Xe tăng địch bị M.72 bắn cháy rồi !” Tiếng hò la vang dậy của anh em chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà nói chung, và của Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà nói riêng, giữa mùi thuốc súng và khói bốc ra đen xì của chiến xa, cùng xác cháy của vài xạ thủ hay tài xế địch, nhảy ra khỏi chiến xa, đã làm nức lòng các chiến binh Việt Nam Cộng Hoà. Không còn sợ xe tăng địch nữa. mà trái lại còn thích thú vác M.72 đi lùng tăng địch để bắn hạ (tiếng bình dân của anh em binh sĩ gọi là “sơi tái”). Kết quả : 12 chiến xa địch đều lần hồi bị tiêu diệt bởi các chiến binh Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hoà, ngay đợt tấn công mở màn cho trận đánh vào An Lộc, số còn lại do các trực thăng võ trang Cobra của Hoa Kỳ có gắn hoả tiễn chống chiến xa bắn hạ. (11)

Chú thích: (11) Nhật Ký Hành Quân của Quân Đoàn 3/Quân Khu III ghi về trận chiến An Lộc năm 1972 .

5. TRẬN CHIẾN TẠI ĐỒI ĐỒNG LONG VÀ PHI TRƯỜNG L.19

5.1 MẶT TRẬN PHÍA ĐÔNG AN LỘC

Kiểm điểm lại từ lúc khởi phát cuộc tấn công vào mặt Bắc An Lộc, Cộng quân xua toàn bộ Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt cộng thêm một trung đoàn của Công Trường Bình Long, nghĩ rằng lực lượng phòng thủ chỉ có nhiều lắm là một Tiểu Đoàn Địa Phương Quân (khoảng 400 quân sĩ) thì không thể nào cản nổi đà tiến công của quân Cộng Sản Bắc Việt (gồm gần 12,000 cán binh), có cả chiến xa trợ chiến.

Cộng quân không ngờ khi xáp trận, mới vỡ lẽ ra rằng đã chạm trán với lực lượng phòng thủ không phải là 1 Tiểu Đoàn Địa Phương Quân, mà chạm trán với nguyên Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà với cả 2, 500 tay súng, trong tay các chiến sĩ Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà có trên 2,000 khẩu súng chống chiến xa M.72, với các xạ thủ đầy nhiệt huyết và gan lỳ. Khi thủ trưởng của Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt nhận thấy được các đơn vị bộ binh và chiến xa đi đầu chạm trán với Đại Đội 8 Trinh Sát của Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà tại Đồi Đồng Long, và đoàn 15 chiếc T.54 lọt được vào thành phố rồi mất liên lạc tần số luôn, khói bốc lên cả cụm từ xa 3 cây số còn nhìn thấy, thì mới nhận biết, có gì bất lợi cho các đơn vị của mình. Căn cứ vào bản điều nghiên trận liệt của Cộng quân lúc ban đầu và thực tại thì thấy khác xa. Khi biết được rồi thì đã quá muộn, nên bị bất ngờ và giao động, lúc thì khựng lạI lúc lại xua quân đánh ván bài liều thí quân .

Sáng sớm ngày 15 tháng 4, cánh quân từ phía Đồi Đồng Long (Trung Đoàn 275 Cộng Sản Bắc Việt) từ phía trái có T.54 yểm trợ đã xáp chiến với Tiểu Đoàn 1/8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, lấn được một phần đất để bám trụ, còn chiến xa thì dường như bị các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà bắn cháy gần hết, vài chiếc chiến xa còn lại thì de lui để chờ lệnh mới. Cánh quân chính diện mặt Bắc của Cộng quân, có Sư Trưởng phía sau, gom quân lại rồi ra lệnh tấn công vào thành phố thêm một lần nữa, với thành phần bộ binh Trung Đoàn 174 Cộng Sản Bắc Việt và 1 đơn vị chiến xa T.54 và PT.76 của Trung Đoàn 203 Thiết Giáp, còn bên phải trách nhiệm của Trung Đoàn Thép Công Trường Bình Long thì còn ì ạch chưa dám xáp gần đến phần ranh phía Đông Bắc trách nhiệm của Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hoà, hoặc là chờ thêm hai trung đoàn của Công Trường Bình Long từ hướng Đông (phi trường Quản Lợi), tiến dần xuống tuyến phòng thủ của Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hoà.

Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân là lực lượng trừ bị rất thiện chiến của Quân Khu III, từ tỉnh Tây Ninh được trực thăng vận vào An Lộc ngày 07 tháng 04 năm 1972, với 3 Tiểu Đoàn cơ hữu 31, 36, và 52 Biệt Động Quân, với quân số 1, 500 quân, do Trung Tá Nguyễn văn Biết chỉ huy, Liên Đoàn này đã từng quần thảo với Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt tại chiến trường ngoại biên năm 1971.

Ngay ngày đầu tiên khi vừa mới đặt chân đến An Lộc, Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, được Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà chỉ định dàn quân giữ một tuyến phòng thủ trải dài gần 5 cây số, từ suốt mặt phía Bắc đến giáp mặt phía Đông chỉ với hai Tiểu Đoàn 31 và 52 Biệt Động Quân, còn Tiểu Đoàn thiện chiến nhất của Liên Đoàn là Tiểu Đoàn 36 Biệt Động Quân được lệnh phảI tổ chức tuyến phục kích án ngữ cách thị trấn 1 cây số về phía Đông dọc theo con lộ dẫn từ tỉnh lỵ đến phi trường Quản Lợi để ngăn bước tiến quân, của quân Cộng Sản Bắc Việt.

Mời quý vị đọc một đoạn ngắn được trích ghi trong hồi ký của ĐạI Úy Đồng Kim Quan, Đại Đội Trưởng Đại Đội 4, Tiểu Đoàn 36 Biệt Động Quân, là một nhân chứng sống, tường thuật như sau:

10g00 sáng hôm sau, ngày 07 tháng 04, Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân từ Tây Ninh đền An Lộc bằng trực thăng HU1B.

12g00. Tiểu Đoàn 36 di chuyển về hướng phi trường Quản Lợi. Ra khỏi phía Đông An Lộc một cây số, tụi tôi chạm địch. Theo tin tình báo, lực lượng quân Bắc Việt là Trung Đoàn 272 Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt. Tiểu Đoàn 36 nhận được lệnh giữ con đường này và án ngữ đường vào An Lộc của Việt Cộng.

Mối lo ngại chính bây giờ là dân chúng. Sinh mạng họ không cho phép pháo, phi pháo yểm trợ tối đa. Bọn Việt Cộng chắc rõ nhược điểm này nên chúng khai thác triệt để. Mắt tôi dại hẳn khi thấy những người dân liều lĩnh chạy ra khỏi vòng chiến bị Việt Cộng bắn ngã xấp mặt về phía trước.

Thiếu Tá Tống Viết Lạc, Tiểu Đoàn Ttưởng Tiểu Đoàn 36, tức tối :

- Quân dã man, nó lấy dân làm mộc đỡ đạn mình đây mà.

Gương mặt ông cau lại, chiến đấu bên cạnh ông nhiều, tôi biết ông sắp sửa có quyết định. Mỗi cấp chỉ huy đều có một lối quyết định riêng. Thiếu Tá Lạc luôn luôn có quyết định đúng lúc. Ông quay lại người hiệu thính viên cầm máy :

- Gọi “gà cố” bảo tụi nó gáy đi.

Mặc dù biết trước, tôi vẫn sững người trước quyết định đột ngột này vì hàng ngàn dân còn đang kẹt lại trong đó. Tôi ấp úng :

- Thưa Thiếu Tá …

Giọng Thiếu Tá Lạc lại vang lên thật bình thản :

- Gọi pháo binh, nhưng dặn chỉ bắn đạn khói mà thôi.

Tôi chợt hiểu, biết địch rất sợ pháo, ông cho pháo binh bắn đạn khói, lợi dụng cơ hội địch trốn pháo, dân sẽ thoát ra. Đã có tiếng Départ rít lên nghe rõ mồn một. Vài tiếng đồng hồ sau, chiến trường nghiêng ngửa rõ rệt. Dân chúng tại Quản Lợi đã được di tản ra gần hết, chúng tôi hoàn thành nhiêm vụ ở giai đoạn đầu : giải thoát cư dân.

Án ngữ đường vào An Lộc của Việt Cộng là giai đoạn sau của Tiểu Đoàn 36 trong những ngày kế tiếp 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 tháng 04. Quản Lợi vẫn nguyên vẹn mặc dù 24/24 giờ đều đụng địch. Hình như tử thần đang lảng vảng đâu đây ?

Ngày N+11, sau 5 ngày thất bại, Việt Cộng nhất quyết nhổ cái gai Tiểu Đoàn 36 bằng chiến thuật biển người đánh vào 3 mặt : Bắc, Đông và Tây. Áp lực rất nặng, phòng tuyến hai bên chỉ cách nhau 30 thước. Đợt tấn công đầu, chúng lao vào như những con thú điên được chích thêm thuốc kích thích. Những ổ đại liên, trung liên ở tuyến đầu làm việc rất đắc lực làm chúng không tiến được. Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng lầu bầu :

- Đánh nhau với lũ điên này bực cả mình, chắc chúng nó điếc hết cả rồi, đâu có sợ súng ?

Áp lực địch trước mặt vẫn còn nặng, tôi đưa ý kiến với Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng xin điều chỉnh cho pháo binh bắn yểm trợ. Đây là một mạo hiểm lớn nhất của tôi trong gần mười tuổi lính. Cách nhau 30 thước, chệch một ly ông cụ là … cõng rắn cắn gà nhà. Tim tôi bóp lại khi nghĩ đến điều đó. Thiếu Tá Lạc ưng thuận sau một phút nghĩ ngợi. Tôi mím chặt môi, nâng máy truyền tin vô tuyến lên điều chỉnh … Ầm … Ầm …

Xác địch hất tung lên ngang tầm mắt, tôi ngồi bệt xuống đất, những giọt mồ hôi hai bên trán nhỏ xuống thoải mái.

Tiếng Thiếu Tá Lạc loáng thoáng :

- Đẹp lắm … !

Sau hơn 10 tràng pháo nổ, bên kia tuyến của địch quân bỗng nhiên ngừng bắn. Cái im lặng thật là ngột ngạt. Năm, rồi mười phút trôi qua mau chóng, từ từ chúng tôì nghe tiếng động cơ ì ầm đang tiến dần về hướng chúng tôi. Rồi lần lần hiện ra những chiến xa của địch. Tất cả các chiến sĩ Biệt Động Quân liền chuẩn bị các khẩu M.72, yên lặng nằm chờ phục bên đường, tinh thần không nao núng mà trái lại còn cảm thấy thích thú khi nhìn thấy chiến xa địch tiến gần. 50 thước, 40 thước, … rồi 30 thước, … các khẩu M.72 thi nhau nổ, các cụm khói đen bốc ra từ các chiến xa T.54 dẫn đầu. Bị cú bất ngờ, hai chiếc dẫn đầu bị bắn cháy, còn lại khoảng 8 chiếc phía sau quay đầu bỏ chạy, không dám bắn trả, dù rằng một quả. Bên cạnh chiến xa không thấy có cán binh tùng thiết. Chính nhờ điểm này chúng tôi mới biết được rằng Bộ Binh và Thiết Kỵ của quân Cộng Sản Bắc Việt không được phối hợp để yểm trợ cho nhau…. Thua keo này bày keo khác, nửa giờ sau chiến xa lại dàn hàng ngang theo sau lố nhố bộ binh, tiếng súng lại nổ, M.72 được bắn ra hàng loạt, quân địch đông như kiến, T.54 bị cháy tạo ra một cảnh tượng hỗn loạn đánh giáp lá cà giữa Tiểu Đoàn 36 Biệt Động Quân và khoảng 2 trung đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt, trong đó theo lời của một tù binh địch khai báo có cả Trung Đoàn 272 Công Trường 9 tham dự trận đánh này”.

Cùng thời điểm, đêm 15 rạng 16 tháng 04 Cộng quân tiếp tục tràn ngập Tiểu Đoàn 36 Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hoà, một số chiến sĩ lui về được đến tuyến phòng thủ chánh của Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân đang bố trí trên vòng đai phòng thủ tỉnh lỵ, một số khác thất lạc ra tận đến chân đồi 169 (Đông Bắc An Lộc) và vào buổi chiều ngày 16 tháng 04 toán quân thất lạc (47 chiến sĩ) của Tiểu Đoàn 36 Biệt Động Quân gặp được Biệt Kích Dù dưới chân đồi 169 và tháp tùng Biệt Kích Dù trở về họp lại với Tiểu Đoàn 36 Biệt Động Quân đang cùng trên tuyến phòng thủ với Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân ở mặt tuyến phía Đông thành phố.

Trong suốt đêm 14 rạng 15 tháng 04, Cộng quân gia tăng mưa pháo vào tuyến phòng thủ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và vào vị trí pháo binh Việt Nam Cộng Hoà, ước tính trên 4,000 quả đủ loại. Sau khi dứt pháo, bộ binh và chiến xa địch lại tấn công; lúc bấy giờ cả 3 Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 8 đều có mặt trên tuyến đầu chiến đấu, chống trả mãnh liệt, chiến xa Cộng quân lại thi nhau bị bắn cháy, hàng trăm cán binh Cộng Sản Bắc Việt bị bắn hạ khiến mũi dùi tấn công bị khựng lại một lần nữa, mặc dù Cộng quân lấn chiếm thêm được vài cao ốc trong thành phố để bám trụ..

Về mặt phía Đông, sau khi đẩy lui Tiểu Đoàn 36 Biệt Động Quân, cả hai trung đoàn của Công Trường Bình Long và Trung Đoàn 272 của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt có 1 đại đội chiến xa yểm trợ tiếp tục lấn chiếm vào phòng tuyến của Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, buộc Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân phải lùi lại 1 khu phố.

Trận chiến kéo dài đến chiều tối, bộ binh quân Cộng Sản Bắc Việt lấn thêm được 1 phần diện địa ở phía Đông thành phố (gần 1/2 diện địa phía Bắc của Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân ở phía Đông), nhưng chúng đã phải trả 1 giá rất đắt, gần 2 trung đoàn bộ binh địch bị tiêu diệt bỏ xác tại trận, gồm những cán binh của Công Trường 5, Công Trường 9 và Công Trường Bình Long Cộng Sản Bắc Việt, trên 30 chiến xa T.54 và PT.76 bị bắn cháy và bị quân trú phòng bắt sống Về phía lực lượng phòng thủ, Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân tổn thất khoảng 35% quân số (11)
(Xem bản đồ số 6)

Chú thích: (11) Nhật ký hành quân của Quân Đoàn 3/Quân Khu III ghi về trận chíến An Lộc năm 1972.

5.2 TẠI ĐỒI ĐỒNG LONG


Cộng quân tung Trung Đoàn 275 thộc Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt và một đại đội chiến xa hỗn hợp T-54 và PT-76 của trung đoàn 203 chiến xa, cộng thêm Tiểu Đoàn Phòng Không, một lực lượng đông gấp 12 lần so với lực lượng phòng thủ của Việt Nam Cộng Hoà. Các chiến sĩ của Đại Đội Trinh Sát và Địa Phương Quân đã chống trả rất mãnh liệt, đẫy lui liên tiếp 3 đợt tấn công biển người của địch, và bắn hạ tại chỗ 2 T-54 và 1 PT-76. Tuy nhiên, vì quân số ít và bị hao mòn dần, nên vị Đại Đội Trưởng gọi trình với Đại Tá Trường về tình trạng hiện hữu, được Đại Tá Trường cho lệnh rút lui theo từng giai đoạn để trở về tuyến phòng thủ chính của Trung Đoàn. Sau đó được điều động về bảo vệ Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà. Họ đã mang về được đầy đủ các chiến sĩ hy sinh và bị thương. Hoàn tất vào xế chiều ngày 13 tháng 04/1972.

Sau khi chiếm cứ đồi Đồng Long, là một trong những cao điểm chiến thuật quan trọng, từ đó có thể quan sát và khống chế mặt Bắc An Lộc dọc theo Quốc Lộ 13 ngang qua đồn Cảnh Sát Dã Chiến xuống tận khu chợ, và là một vị trí lý tưởng để đặt các ổ súng phòng không 12 ly 7, 37 ly và hoả tiễn cầm tay SA-7, Cộng quân thiết trí các khẩu súng cối 82 ly và các khẩu đại bác không giựt 57 ly và 75 ly cũng như các giàn phòng không để pháo vào các đơn vị Việt Nam Cộng Hoà, đang bố trí trên vòng đai phòng thủ mặt phía Bắc một cách gần như chính xác.

Đồi Đồng Long được ghi nhận là một trong những yếu điểm trên cao thế, có tầm nhìn toàn khu vực mặt trận phía Bắc, mà lực lượng phòng thủ cần phải chiếm trở lại càng sớm càng tốt.

5.3 TẠI SÂN BAY L.19

Tiểu Đoàn Địa Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long cũng kháng cự mãnh liệt với Trung Đoàn Thép của Công Trường Bình Long Cộng Sản Bắc Việt. Phần vì kho xăng cháy, phần vì kho đạn bị nổ, chiến xa và bộ binh địch cứ tràn vào, xuyên lủng, và chia cắt tuyến phòng thủ ra làm nhiều mảnh, cuối cùng Tiểu Đoàn Địa Phương Quân Việt Nam Cộng Hoà đã bị thiệt hại nặng, tần số liên lạc bị cắt đứt luôn sau hơn 2 giờ giao tranh. Sau đó vài giờ, một số chiến sĩ Địa Phương Quân còn lại đã tập hợp về được đến tuyến phòng thủ của Trung Đoàn 8 Bộ Binh để tiếp tục tác chiến cùng với các chiến sĩ Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà.

Hai cánh quân địch đã thành công tấn chiếm đồi Đồng Long và sân bay L-19, nhưng cũng không dám tiến lên thêm, vì nhận thấy cánh quân chính mặt Bắc bị chặn cắt -một số chiến xa rồ ga chạy đại vào thành phố còn bộ binh một số phải chạy theo chiến xa vắt giò lên cổ, số lớn bộ binh khác thì khựng lại theo số chiến xa còn lại bên ngoài thành phố gần 2 cây số ngàn.

Trong khoảng thời gian ngắn, các chiến sĩ Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà củng cố lại tuyến phòng thủ, trong khi Tiểu Đoàn 3, trừ bị của Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Vệt Nam Cộng Hoà đang lùng và thi đua bắn diệt tăng địch chết nằm la liêt dọc trên đường Ngô Quyền, 2 Tiểu Đoàn trên tuyến phòng thủ chính cũng lấy lại tinh thần và tất cả đều biết rằng loại vũ khí M-72 chính thực là loại khắc tinh của chiến xa địch, chuẩn bị đem ra xử dụng trong những giờ phút sắp tới, và dàn lại thế trận như cũ chờ đợi quân địch.

Về phía Cộng quân, sau khi không còn liên lạc được với bất cứ chiến xa nào chạy lọt vào thành phố, và khi nhìn thấy những cụm khói đen bốc ngút một góc trời, người chỉ huy mặt trận của quân Cộng Quân đã nhận biết 15 chiếc T-54 đã trở thành những khối sắt bất động.

Chỉnh đốn lại đội ngũ, dàn lại đội hình chiến xa và bộ binh, rồi gìở lại sách cũ, gọi pháo binh giập thêm khoảng 3,000 quả nữa trước khi cho chiến xa và bộ binh tiến giáp cận, mở đồng loạt xung phong biển người, 3 mặt giáp công, vào thành trì của các chiến sĩ Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và vào một phần đất mặt Đông Bắc của Biệt Động Quân .

Tiểu Đoàn 1 Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà trách nhiệm khu tuyến phòng thủ phía Tây Bắc (cánh trái) Quốc Lộ 13, phải chống trả với cả 1 Trung Đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt từ đồi Đồng Long đánh xuống có tăng yểm trợ. Đại bác 100 ly, đại liên 50 ly của chiến xa địch cùng các loại súng cá nhân và M-72 của đôi bên thi đua nhau nổ dòn như pháo Tết, chiến xa địch thi đua nhau cháy.

Tiểu Đoàn 1/8 Việt Nam Cộng Hoà bị thiệt hại khá nặng, Cộng quân tràn tới tuyến phòng thủ của Tiểu Đoàn 2/8.

Trước tình thế đó, Đại Tá Mạch Văn Trường, liền tung Tiểu Đoàn 3 trừ bị đang đóng dọc trên đường Ngô Quyền, tức tốc di chuyển lên tăng viện, và chặn đứng được mũi dùi tấn công của địch quân. Cuối cùng, tuyến phòng thủ của Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà cũng phải lùi dần về phía Nam thành phố. Thêm một số chiến xa địch bị bắn cháy, nằm lật nghiêng trên các giao thông hào của quân phòng thủ, còn bộ binh Cộng quân tùng thiết thì vội vàng bám trụ tại chỗ, chờ thêm viện quân. Tiến công được đến đây, Công Truòng 5 Cộng Sản Bắc Việt khựng lại, một số bộ binh và chiến xa còn lại không dám tiến sâu vào thêm nữa.

Chiều dần đổ xuống, màn đêm bao phủ trận địa đầy dẫy xác chết đôi bên. Thương binh của Việt Nam Cộng Hoà thì còn được các đồng đội di chuyển về Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn cho y sĩ chữa trị, còn cán binh Cộng Sản thì nằm chịu trận và rên la giữa lòng quân ta chờ chết. Tiếp diễn qua ngày kế tiếp 14 tháng 04/1972 cũng y nguyên như thế. Quân Cộng Sản đã bám trụ được gần nửa thành phố phía Bắc, còn chiến xa địch thì không còn thấy xuất hiện thêm trên chiến trường.

Mỗi khi ngừng tấn công, Cộng quân lại giở tuồng cũ, tiếp tục pháo bừa bãi vào thành phố bất kể trúng quân của Việt Nam Cộng Hoà hay là quân Cộng Sản còn đang bám trụ trên gần nửa phần đất phía Bắc.

Một câu chuyện ngắn được trích trong quyển hồi ký của một Sĩ Quan thuộc Tiểu Đoàn 3/8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà viết lại như sau :

Sau khi được Tiểu Đoàn Trưởng ra lệnh cho toàn thể Tiểu Đoàn 3/8 di chuyển lên tuyến đầu để tăng viện cho hai tiểu đoàn bạn đang quần thảo với quân địch, đang chiến đấu từng hầm cũng như hố cá nhân, và đang lui dần về phía Nam … Chúng tôi thấy có 2 chiếc T-54 đang gầm rú vì sụp hố, cố ngoi lên, đang chỏng gọng, liền bị một lượt 2 quả M-72 khịt ra, từ các chiến sĩ Tiểu Đoàn 3/8, tức thì bốc khói, các xạ thủ và tài xế trên chiến xa địch vội nhảy thót ra ngoài, và liền bị các chiến sĩ Tiểu Đoàn 3/8 bắn hạ tức khắc. Anh em hăng máu, vác súng khơi khơi đi tìm chiến xa địch mà bắn, quên cả bộ binh địch đang bám trụ cận kề, chúng xả AK 47 bắn trả trở lại, một vài chiến sĩ phải hy sinh và bị thương tích… Địch thấy các chiến sĩ Tiểu Đoàn 3/8 xuất hiện bất thần và đánh hăng quá, chạy thối lui trở lại, nhờ vậy, nên cả 3 tiểu đoàn 1, 2, và 3 của Trung Đoàn 8 Bộ Binh mới có cơ hội chặn được địch trên một lằn ranh cố định, không bên nào lấn chiếm được tấc đất nào trong thị xã. Cho đến mãi đêm 16 tháng 04/1972 Biệt Cách Dù lên ủi địch bay ra khỏi thành phố, chiếm trở lại phần đất mặt Bắc.

Một chuyện khác cũng khá hấp dẫn : cả một tiểu đoàn địch bị chính pháo của địch pháo ngay vào tan tành hết. Nguyên do là vì tên Tiểu Đoàn Trưởng và tên sĩ quan tiền sát địch và người hiệu thính viên bị pháo địch bắn nhầm chết liền tại chỗ. Một cán bộ khác vội vã cầm máy gọi thẳng đơn vị pháo từ xa. Cán bộ này chửi thề giọng người Bắc :”Đ... m... ! Bắn nhầm vào quân ta rồi ! Ngưng pháo, ngưng pháo !” Bên kia đẩu máy hỏi lại : cho biết mã số của tiền sát viên và đơn vị ??? Cán bộ này làm sao biết được mã số của tiền sát viên và đơn vị, vì mấy nhân vật đó đã đi theo Bác rồi. Ấp a ấp úng không trả lời được, bên kia đơn vị pháo Cộng quân tưởng là đã pháo trúng đích vào quân phòng thủ (Việt Nam Cộng Hoà), và nghĩ rằng quân phòng thủ đã rà biết được tần số của pháo địch (Cộng Sản Bắc Việt) cho nên mới gọi ngừng pháo. Vi thế thay vì bắn lai rai, lại được chuyền thành pháo hoả tập, bắn liên hồi thêm cả chục tràng lên đầu các con cháu Bác và Đảng nhà mình.

6. BÌNH LUẬN VỀ CUỘC TẤN CÔNG LẦN THỨ NHẤT VÀ THỨ NHÌ
(DO CÔNG TRƯỜNG 5 CỘNG SẢN BẮC VIỆT LÀM CHỦ LỰC CHÍNH
VÀ CÔNG TRƯỜNG BÌNH LONG + 1 TRUNG ĐOÀN CỦA CÔNG TRƯỜNG 9
ĐÓNG VAI NỖ LỰC PHỤ)


6.1- ƯU KHUYẾT ĐIỄM

Cả hai đợt tấn công vào ngày 13 tháng 04 năm 1972 và ngày 15 tháng 04 năm 1972, Cộng Quân áp dụng chiến thuật tiền pháo (mưa pháo) hậu xung (biển người) và nhị thức bộ binh chiến xa.

Bàn về những ưu khuyết điểm của những chiến thuật nầy, căn cứ theo kết quả thực tế của chến trường như sau :

Ưu khuyết điểm của chiến thuật tiền pháo hậu xung và chiến thuật biển người :

A.- Chiến thuật tiền pháo :

Mục đích của chiến thuật này là :

• Tạo trận mưa pháo để san bằng và tiêu diệt các Bộ Chỉ Huy đầu não của Việt Nam Cộng Hoà và các giàn pháo binh có thể yểm trợ trực tiếp cho chiến trận, có thể gây ra nhiều tổn thất cho cán binh và chiến xa của Địch.

•Tạo ra yếu tố tâm lý khiếp đảm cho binh sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà không dám ngóc đầu lên, để rồi sau đó bộ binh (biển người) tràn vào tiêu diệt.

Nhưng kết quả thì trái ngược lại : Cộng quân tập trung pháo vào 4 điểm chánh như sau :

Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà (tại căn cứ dã chiến gần ga xe lửa cũ) trong khi đó thì Bộ Chỉ Huy điều khiển mặt trận của Tướng Hưng đã di chuyển qua thành Đỗ Cao Trí từ ngày 07 tháng 04 năm 1972.

Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long, tại nơi này đã có hầm (bunker) kiên cố của quân đội Mỹ xây cất trước đây còn để lại nguyên vẹn, có thể chống đỡ được các loại đạn pháo của địch,kể cả pháo 130 ly.

Vị trí của Tiểu Đoàn 52 Pháo Binh Việt Nam Cộng Hoà bị thiệt hại đến 90%.

Các chiến hào phòng ngự mặt Bắc của Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và mặt Đông của Biệt Động Quân đều đã được các cấp chỉ huy trực thuộc khuyến cáo các binh sĩ khi đào hầm hố đều phải có nắp che chống pháo địch bên trên. Thêm vào đó tất cả các cấp chiến binh của Việt Nam Cộng Hoà đều đã có kinh nghiệm biết được là sau khi dứt tiếng pháo thì bộ binh địch sẽ tiếp nối theo sau tấn công tràn vào, nhờ được cảnh giác như thế nên khi Cộng quân pháo thì vẫn ung dung ngồi dưới hầm có nắp che và khi Cộng quân vừa dứt các đợt pháo thì các chiến binh Việt Nam Cộng Hoà lại đứng lên ghìm súng chờ Cộng quân tràn vào mà bắn hạ nên rất ít bị thiệt hại.

Kết quả thực tế là các Bộ Chỉ Huy của lực lượng phòng thủ vẫn còn nguyên vẹn, Cộng quân chỉ đạt được ¼ kết quả mong muốn, chỉ làm thiệt hại dược Tiểu Đoàn 52 Pháo Binh Việt Nam Cộng Hoà mà thôi.

B.- Chiến thuật biển người :

Về chiến thuật biển người (hay nướng người) chỉ có tác dụng lấy số đông để dè bẹp đối phương ít quân hơn, như quân đội Việt Minh đã áp dụng chiến thuật này trong trận Điện Biên Phủ hồi năm 1954. Lúc đó về vũ khí của quân đội viễn chinh Pháp còn thô sơ, về pháo binh và không quân thì chưa đủ sức đập tan đoàn người liều mạng của lính Việt Minh và Tàu Cộng.. Trái lại trong trận An Lôc năm 1972, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà được trang bị đầy đủ cả về tinh thần công thêm những vũ khí cá nhân tối tân M.16, súng phóng lựu M.79, súng đại liên M.60, nhất là loại súng chống chiến xa M.72 và XM.202. Còn về Không Quân cũng rất tối tân như các trực thăng võ trang có đủ các loại súng đại liên tự động và các loại phi cơ yểm trợ hoả lực như Rồng Lữa( AC.119) của Không Quân Việt Nam Cộng Hoà bắn ra hàng ngàn viên đạn trong một phút, cùng các loại C.130 của Không Lực Hoa Kỳ có thiết trí các đại bác 40 ly và 105 ly bắn điều chỉnh bằng radar bách phát bách trúng, có thể tác xạ ban ngày lẫn ban đêm từ trên cao độ trên 10,000 bộ. Thêm vào đó loại Không Quân Chiến Lược Pháo Đài Bay B.52 là loại khắc tinh của chiến thuật biển người.

Qua kinh nghiệm chiến trường, các binh sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã quá quen thuộc với những chiến thuật tiền pháo hậu xung của Cộng Sản, nên đã chuẩn bị hết mọi việc, từ tâm tư đến phương tiện hầm hố chiến đấu đều có nắp che. Trong lúc giao tranh khi nhận biết vừa dứt tiếng pháo hoặc chuyển pháo là đến lượt bộ binh địch sẽ tràn vào, do đó các chiến sĩ thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã chuẩn bị đầy đủ các loại vũ khí tự động đề đứng dậy và chờ đợi tác xạ, chận đứng quân địch đang trên đà tiến vào.

Tóm lại, chiến thuật biển người của quân Cộng Sản Bắc Việt đã đem ra áp dụng trong trận chiến An Lộc 1972 không còn đạt được hiệu quả như trận Điện Biên Phủ năm 1954 nữa. Trái lại, chúng còn bị bộ binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cũng như Không Quân Chiến Thuật và Chiến Lược của Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ làm cỏ tận gốc rễ. Kết quả là bộ binh và chiến xa của quân Cộng Sản Bắc Việt phải bị tê liệt và thiệt hại đến 80%.

Ưu Khuyết Điểm của Nhị thức bộ binh và chiến xa :

Đây là lần đầu tiên tại chiến trường Vùng 3 Quân Khu III Việt Nam Cộng Hoà mới thấy xuất hiện chiến xa địch, trong khi đó thì lực lượng bộ binh của Cộng quân cũng là lần đầu tiên áp dụng nhị thức bộ binh chiến xa trên chiến trường Miền Nam, nên đã xảy ra trên thực tế ở trận địa này, Cộng quân không quen lối đánh hợp đồng tác chiến, là bộ binh chưa quen lối đánh tùng thiết với chiến xa. Cũng vì vậy đã xảy ra bộ binh thì lo chạy tránh pháo của Việt Nam Cộng Hoà chạy riêng rẽ bỏ mặc cho chiến xa đơn phương chạy nhanh vào thành phố nên bị các chiến sĩ phòng thủ bắn hạ toàn bộ các chiến xa bằng M.72. Cục diện từ đó bắt đầu được thay đổi, nhất là về phương diện tâm lý và ưu thế của chiến thuật : cái tâm lý tự cao quyết san bằng An Lộc của các cán binh Cộng Sản lúc ban đầu, nghĩ mình có chiến xa, và cái tâm lý hoang mang của các cấp phía lực lượng phòng thủ lúc ban đầu được đảo ngược giữa địch và ta, từ chỗ hoang mang mất bình tĩnh, các chiến binh Việt Nam Cộng Hoà đâm ra tự tin bởi trong tay của mình đã có được một loại vũ khí khắc tinh diệt được chiến xa Địch, lần hồi đi đến chỗ thích thú, tự động tổ chức thành tổ 3 chiến binh xách M.72 đi lùng diệt tăng địch. Còn các cán binh Cộng Sản thì trở lại mất tinh thần khi thấy chiến xa của mình bị bắn cháy kể cả các xạ thủ và tài xế của các chiến xa cũng phải mở nắp xe nhảy ra ngoài bỏ chạy.

Yếu tố tâm lý, thật sự rất quan trọng, một dữ kiện mà cả đôi bên không ai có thể dự đoán trước hay nghĩ đến là nó có thể xảy ra trên chiến trường, kéo theo sau sự sụp đổ toàn diện của Quân Đoàn xâm lăng trong chiến dịch Nguyễn Huệ của quân Cộng Sản Bắc Việt.

Chiếu theo tài liệu trong quyển hồi ký của Thượng Tướng Cộng Sản Bắc Việt Hoàng Cầm nêu. Sở dĩ lực lượng Cộng Sản Bắc Việt không thắng được An Lộc nguyên do chánh là để MẤT THỜI CƠ làm mất đà tấn kích. Tướng Hoàng Cầm viết rằng : Sở Chỉ Huy Miền (đang đóng tại Mimot) trong đó có Tướng Trần Độ đã cử Tướng Hoàng Cầm đến Lộc Ninh gặp Tướng Trấn Văn Trà, Tư Lệnh chiến trường An Lộc, khuyến cáo là nên tấn công ngay vào An Lộc (vào ngày 08 tháng 04 năm 1972, sau 1 ngày chiếm cứ Lộc Ninh). Tướng Trà và các Tư Lệnh Công Trường 5, 7, 9 và Bình Long không đồng ý, viện lẽ cần phải thu dọn chiến trường, bổ sung quân số và nhiều việc linh tinh khác. Tướng Trà nêu lên trường hợp của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã từng áp dụng trong chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954 với phương châm : Phải chuẩn bị cho thật kỹ và chỉ đánh khi chắc ăn. Vì lẽ đó mà Sở Chỉ Huy Miền phải chiều theo ý kiến của tư lệnh mặt trận. Cho mãi đến ngày 13 tháng 04 năm 1972 Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt mới khởi phát cuộc tấn công vào An Lộc (đã trễ đi mất 6 ngày kể từ khi chiếm được Lộc Ninh). (12)

Chú thích: (12) Hồi ký “Chặng đường 10,000 ngày” của Thượng Tướng Cộng Sản Bắc Việt Hoàng Cầm, trang 280-281

Sở Chỉ Huy Miền quân Cộng Sản Bắc Việt là cơ quan giám định và nghiên cứu chỉ đạo chiến trường, cao cấp hơn tư lệnh chiến trường có lý do và nhận định đúng theo tình hình, là cần phải đốt giai đoạn tấn công gấp vào An Lộc sớm chừng nào tốt chừng đó, vì sợ nếu kéo dài thêm thời gian, phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà sẽ có thêm thời giờ đổ quân tăng viện.

Thực vậy, nếu Tướng Trà và các Tư Lệnh Công Trường nghe theo lời khuyến cáo của Sở Chỉ Huy Miền tiếp tục tiến công về phiá Nam thì nội trong ngày 09 tháng 04 năm 1972 có thể xua toàn thể 5 Trung Đoàn Bộ Binh và 1 Tiểu Đoàn Chiến Xa T.54 và PT.76 tràn ngập và đè bẹp Trung Đoàn 7 (-) ở phía Tây, Biệt Động Quân + Địa Phương Quân Việt Nam Cộng Hoà ở phía Bắc đang bố phòng trên trận tuyến rất mỏng. Đợi mãi đến sáng ngày 13 tháng 04 năm 1972 mới chính thức khai hoả tấn công thì đã quá trễ. Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đã được trực thăng vận đổ vào An Lộc vào ngày 11 và 12 tháng 04 năm 1972. Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà lại có trong tay trên 2,000 khẩu súng chống chiến xa M.72 với 2, 500 tay súng gan lỳ
(trong đó có 400 Lao Công Đào Binh quyết tử).

Nếu Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà chưa kịp đổ vào thì làm sao có trên 2,000 khẩu súng M.72 và 400 Lao Công Đào Binh để bắn cháy xe tăng của Cộng Quân.

6.2 NHẬN ĐỊNH

Những nguyên do chính đem đến sự thiệt hại trầm trọng về nhân mạng cán binh Cộng Sản Bắc Việt và thiết giáp T.54 của Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt có thể căn cứ vào 3 yếu tố sau đây :

1.- Do nhận định sai lầm của Ban điều nghiên trận địa Cộng Sản Bắc Việt về vị trí Bộ Chỉ Huy đầu não của Tướng Hưng, Cộng Quân đã tập trung pháo trên 1,000 quả đạn 130 ly và hoả tiễn 122 ly cũng như gửi cả tiểu đoàn đặc công của Cục R, pháo và đánh vào chỗ không người. Lực lượng trấn thủ của Việt Nam Cộng Hoà tại phiá Bắc thì Cộng Sản tưởng chỉ có 1 Tiểu Đoàn Địa Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long mà thôi, nhưng trái lại tại phía Bắc, quân Cộng Sản Bắc Việt phải chạm trán với nguyên Trung Đoàn hùng mạnh của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà vớI 2, 500 tay súng trong đó Trung Đoàn 8 Bộ Binh còn có trên 2,000 khẩu M.72 là khắc tinh của các loại chiến xa. Trung Đoàn 8 còn có 30 Tổ Khinh Binh đã bắn cháy 12 chiến xa T.54 của địch ngay trong trận tấn kích đầu tiên vào ngày 13 tháng 04 năm 1972.

2.- Yếu tố tâm lý đảo ngược giữa lực lượng tấn kích Cộng Sản Bắc Việt và lực lượng phòng thủ Việt Nam Cộng Hoà :

ĐỊCH : Sau khi chiếm lĩnh Lộc Ninh, tinh thần cán binh Cộng Sản Bắc Việt lên cao đến chỗ tự mãn và khinh địch, nghĩ rằng sẽ quét sạch lực lượng phòng thủ một cách nhanh chóng và dễ dàng, nhất là bên cạnh có cả tiểu đoàn chiến xa T.54 đi tiên phong tấn công kịch liệt vào mặt trận phía Bắc thành phố. Cổ nhân có câu :Nếu ai khi thắng mà sinh lòng kiêu thì khi bại cũng hay dể nản lòng để mất đi hết ý chí chiến thắng.

BẠN : Những cấp chỉ huy của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã nhận biết rõ các ưu điểm của địch và đã có cách khắc chế .

3.- Yếu tố thờI cơ : Thật sự Cộng quân đã để mất thời cơ. Kiểm điểm lại diễn tiến trận đánh Lộc Ninh vào chiều ngày 04 tháng 04 năm 1972 (khởi phát cuộc tấn công Lộc Ninh) và đến chiều tối ngày 07 tháng 04 năm 1972, quân Cộng Sản Bắc Việt đã làm chủ được tình hình Lộc Ninh. Nếu Tướng Trà và các Tư Lệnh các Công Trường Cộng Sản Bắc Việt chịu nghe theo sự khuyến cáo của Sở Chỉ Huy Miền cho tiếp tục xua quân tiến thẳng và đến được An Lộc vào khoảng ngày 09 tháng 04 năm 1972 thì chắc chắn đã chọc thủng được phòng tuyến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, vì lúc đó lực lượng phòng thủ ở mặt phía Bắc chỉ có nhiều nhất là một tiểu đoàn của Biệt Động Quân + Địa Phương Quân được trải mỏng và trong tay lại không có loạI vũ khí chống chiến xa M.72.

7. PHẢN ỨNG CỦA BỘ TƯ LỆNH SƯ ĐOÀN 5 BỘ BINH VIỆT NAM CỘNG HOÀ

CHUẨN TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ CỐ VẤN TRƯỞNG ĐẠI TÁ WILLIAM MILLER

7.1 TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG :




Tại hầm chỉ huy (trại Đỗ Cao Trí), ngay khi vừa đặt chân xuống An Lộc, nhận định được tình hình tại mặt trận, Tướng Hưng ra lệnh cho tất cả các đơn vị trực thuộc phải tử thủ, nhất quyết chiến đấu đến cùng, thề không rút lui.

Ông đã biểu lộ quyết tâm, và ra sức chỉ thị đôn đốc các đơn vị tại mặt trận. Ông đã tỏ ra rất hăng say, ông cởi phăng chiếc áo trận có gắn một sao hai bên bâu áo, để lộ bên trong còn lại chiếc áo thun màu xanh rong biễn, khoác bên ngoài chiếc áo giáp hai bên có giắt 2 quả lựu đạn M-26, quyết ăn thua đủ với quân Cộng Sản Bắc Việt, trong trường hợp chúng mò đến được hầm chỉ huy, áo giáp lại không cần kéo Zip, để hở ngực, chân thì luôn luôn không rời khỏi đôi giầy trận, làm việc không ngừng nghỉ trong suốt thời gian cuộc chiến (07/04/1972 đến 07/07/1972).

Dưới quyền chỉ huy của vị Tư Lệnh Mặt Trận An Lộc, Tướng Hưng có trong tay :

A.- Giai đoạn đầu :

• Trung Đoàn 7 (-) Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, trách nhiệm phòng thủ tuyến phía Tây An Lộc

• Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, trách nhiệm phòng thủ phía Bắc và phía Đông

• Chiến Đoàn 52 (-) Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà từ căn cứ Cầu Cần Lê rút về, đóng quân ở trung quân làm trừ bị

• Tiểu Khu Bình Long trách nhiệm phòng thủ phía Nam.

B.- Giai đoạn 2 :

Được Quân Đoàn 3 tăng cường thêm cho Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, trấn thủ toàn diện tuyến phòng thủ phía Bắc, thay thế Biệt Động Quân, dồn về phía Đông.

C.- Giai đoạn 3 và đến khi chấm dứt cuộc chiến :

Được Quân Đoàn 3 tăng cường thêm :

• Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, trấn đóng tuyến phòng thủ phía Nam cùng với Tiểu Khu Bình Long

• Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, tăng cường cho mặt trận phía Bắc cùng với Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh.

Đó là những đơn vị cấp Trung Đoàn, có trên tần số truyền tin liên lạc 24/24 với Bộ Chỉ Huy của Tướng Hưng, thường xuyên báo cáo về tình hình trên tuyến phòng thủ trách nhiệm, và xin không quân chiến thuật yểm trợ tiếp cận hay trong khi lâm trận. Tướng Hưng còn có nhiệm vụ ghi nhận, những tin tức và yếu tố cần thiết từ các đơn vị trực tiếp gọi, để ông trình về Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 xin những phi vụ (Box) B-52 thuộc Không Quân Chiến Lược của Hoa Kỳ, trước 48 tiếng đồng hồ cho mỗi lần yêu cầu.

7.2 ĐẠI TÁ WILLIAM MILLER:

Vị Cố Vấn Trưởng của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, rất tận tình trong chức vụ trong suốt thời gian của trận chiến, tuy ngay ngày đầu tiên khi cùng Tướng Hưng đặt chân xuống An Lộc, Ông có cảm giác là Bộ Chỉ Huy Dã Chiến (cũ) không được an toàn, ông đòi rút toán cố vấn về Lai Khê. Lúc mới nghe thì giống như Ông muốn làm khó dễ Tướng Hưng, nhưng đến khi nghe Tướng Hưng thốt lời thật tình tâm huyết là Sư Đoàn rất cần cố vấn Mỹ trong lúc này, để giúp đỡ vấn đề không yểm, và sau khi đi theo Tướng Hưng đến quan sát căn hầm mới đang bỏ hoang (trại Đỗ Cao Trí), Ông đồng ý ở lại cùng Tướng Hưng, và cùng sát cánh bên cạnh Tướng Hưng suốt gần hết cuộc chiến, rất tận tình, không chút than van.

Đôi khi Ông thức suốt nhiều đêm, để điều khiển không quân đánh bom, hay chỉ điểm cho C.130 bắn diệt chiến xa Địch, nhất là vào những đợt tấn công của địch vào các tuyến phòng thủ của quân Bạn. Nhiều khi đang mơ màng vừa mới đặt lưng xuống nghỉ tạm, thì bị Tướng Hưng gọi giựt mình ngồi dậy … Miller … Miller …ông vội vàng trả lời Yes...Yes … General … đó là giọng điệu hàng ngày lẫn đêm. Hai người gọi, rất là thân tình và kèm theo sự kính trọng tài năng lẫn nhau, dù rằng trước đó vài ngày hai vị có chút bất đồng về vụ Đại Tá Miller có nêu lên việc có nên thay thế Đại Tá Vĩnh, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà hay không, dựa theo báo cáo của cố vấn trưởng Trung Đoàn 9, vì cố vấn trưởng Trung Đoàn 9 nghi ngờ là Đại tá Vĩnh sẽ đầu hàng địch thay vì tử thủ tại Lộc Ninh.

Do sự tận tụy và thân tình đó, các phi vụ oanh kích, oanh tạc của các phi tuần phản lực Hoa Kỳ cất cánh từ hai Hàng Không Mẫu Hạm, đậu ngoài khơi Biển Thái Bình Dương, đã được hướng dẫn một cách rất là chính xác và có hiệu quả rất cao. Địch quân phải chịu tổn thất rất nặng nề, về nhân mạng cũng như về chiến cụ. Thêm vào đó những Box B-52, phi cơ xuất phát từ căn cứ đặt tại Đảo Guam, trải thảm bom hàng ngàn tấn trên đầu quân Cộng Sản Bắc Việt. Khi thì làm nổ hàng giờ các kho đạn dã chiến Cộng Quân khi thì đánh trúng vào cả giàn pháo binh 130 ly và những giàn phóng hoả tiễn của Cộng Quân, lúc lại đánh trúng ngay vào cả 1 trung đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt có T-54 và PT-76, đang hùng hổ tiến gần sát tuyến phòng thủ cuối cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Đúng là loại không quân khắc tinh cho chiến thuật biển người của Cộng quân đang áp dụng, là loại thần dược trị bá bệnh do Cộng quân gây ra tại An Lộc. Một phi vụ (hay là Box) của B-52 có 3 chiếc, trải thảm bom, chồng mép lên nhau (overlap) có tầm sát hại chiều ngang 1 cây số và chiều dài 3 cây số. Trước khi bom gần tới đất, gây ra tiếng gió rít, lạnh cả người tưởng chừng như tiếng quỷ hú, và sau khi chạm đất nổ tung mịt mù cát bụi, khi tan khói bụi, thì nhìn thấy lố nhố hố bom, loang lổ to hơn cái ao, xung quanh thì không còn một thứ gì còn đứng vững, vì đã trộn lẫn vào đất cát tan tành, Cộng quân gọi những hố bom này là bom đìa, vì hố bom to gần bằng một cái ao nước, Chiến xa T.54 hay PT.76 của Cộng quân cũng không ngoại trừ.

(Theo tài liệu của tác giả James Willbanks, Đại Tá Miller đã rời An Lộc vào ngày 10 tháng 05 năm 1972 để đi đáo nhiệm một chức vụ mới. Đại Tá Miller được Trung Tá Walter Ulmer thay thế).

8. PHẢN ỨNG CỦA BỘ TƯ LỆNH QUÂN ĐOÀN 3/ QUÂN KHU III

Tình trạng An Lộc lúc đó, được ví như một quả tim trong lồng ngực, chứa đựng khoảng 4, 200 giọt huyết quản của những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà quyết tử thủ, và khoảng 8,000 giọt máu của dân, cán, chính tỉnh Bình Long, quyết sống chết với quân thù Cộng Sản phương Bắc, đang thoi thóp thở từng hồi, theo từng đợt tấn công của địch, dưới sức ép bủa vây của khoảng trên 37,000 Cộng Sản Bắc Việt bao phủ cả 4 mặt bên ngoài.

Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn 3/ Quân Khu III, vị tổng chỉ huy chiến trường An Lộc, ví như là vị y sĩ giỏi, đang chữa trị cho con tim vĩ đại đó tiếp tục được tồn tại, cần phải làm cho nhịp tim được đập đều đặn trở lại bình thường, bằng cách bơm thêm sức, vô thêm máu, cho vào con tim đó, với những loại máu thích hợp cho cơ thể con bệnh An Lộc, và cũng là những loại máu khắc tinh đối với Cộng quân, có nghĩa là phải lập tức châm thêm quân vào An Lộc sao cho kịp lúc kịp thời. Những chiến sĩ Nhảy Dù và Biệt Cách Nhảy Dù, là những đơn vị thiện chiến nhất, hiện đại nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, cũng là những binh chủng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà khắc tinh đối với quân Cộng Sản Bắc Việt.

Căn cứ vào nguồn tin kiểm thính mật mã của đơn vị Biệt Đội Mật Mã Phòng 6 Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, tăng phái cho Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III. đặt tại Lai Khê, bản doanh hành quân điểu khiển chiến trường An Lộc, có thể biết được, hầu hết các tin tức, về danh tánh đơn vị, và mọi sự điều động quân, cũng như ý định trước khi tấn công, của các đơn vị cấp Sư Đoàn, cấp Trung Đoàn của địch đểu được đơn vị mật mã kiểm thính thu nhận và giải đoán, và được trình lên tức thời cho Trung Tướng Nguyễn Văn Minh và bộ tham mưu hành quân Quân Đoàn tường tận, để nghiên cứu và hoạch định kế hoạch ứng phó:

Tin kiểm thính ghi nhận : toàn bộ Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt đã tung hết vào trận chiến, đang bị Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà cầm chân tại mặt trận phía Bắc tỉnh lỵ,không còn khả năng tiến xa thêm được, ngoài 1/2 diện địa đã bám trụ được; Công Trường Bình Long được tăng cường thêm Trung Đoàn 272 của Công Truờng 9 Cộng Sản Bắc Việt, tấn công mặt trận phía Đông thị trấn, cũng đã bị Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hoà cầm chân, không thể lấn xa hơn được, đành phải bám dùi tại chỗ; còn ở mặt trận phía Tây, Công Trường 9 (-) Cộng Sản Bắc Việt cứ di chuyển tới lui để tránh né phi cơ đồng minh oanh kích, ở mặt trận phía Nam, vùng trách nhiệm của Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt, đã cắt cử Trung Đoàn 209 cho mặt trận Tàu Ô ở phía Nam Quốc Lộ 13, còn lại 2 trung đoàn Bộ Binh, được bố trí hai bên Quốc Lộ 13, khoảng 4 cây số về phía Nam, Trung Đoàn 165 ở bên cánh phải, vùng Xa Cam Xa Trạch, Trung Đoàn 141 bên cánh trái, vùng Ấp Srok Gòn (tính từ Bắc xuống Nam), cả hai trung đoàn nầy vẫn còn ẩn phục phía Nam, để chờ bắt sống đoàn quân tháo lui của Việt Nam Cộng Hoà rút về Lai Khê hay Bình Dương nếu có xảy ra, hoặc đợi khi có lệnh, làm nỗ lực chính tấn công từ mặt phía Nam lên.

Đó là tình hình trận liệt của địch tính đến chiều ngày 13/04/1972.

Sau khi nhìn bản đồ trận liệt địch, Tướng Minh nhận thấy, về phía Đông Nam, lực lượng địch gần nhất trong vòng chu vi 4 cây số vuông, khu vực Đồi Gió, Đồi 169 và những thung lũng kề cận, chỉ có Trung Đoàn 141 Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt là có thể có khả năng bôn tập, để cản trở việc đổ quân Dù và Biệt Cách Dù tăng viện cho An Lộc, phía Đông Nam. Muốn đối phó với hiểm hoạ có thể có, từ đơn vị Trung Đoàn 141 Công Trường 7, ta cần phải có kế hoạch nghi binh, làm sao để cho đơn vị Cộng quân nầy phải tự động rút đi, để cho việc đổ quân Dù và Biệt Cách Dù được an toàn hơn.

Chiều ngày 13 tháng 04 năm 1972, Tướng Minh chỉ thị cho Phát Ngôn Viên Quân Đoàn 3 trở về Sài Gòn, tại địa điểm họp báo số 49 đường Nguyễn Lâm Quận 10 Thành Phố Sài Gòn, để họp báo như thường lệ mỗi đêm vào khoảng 7 giờ tối.

Khi tin tức thu nhận được từ Đài Phát Thanh Hà Nội sẽ chiếm cứ An Lộc trước ngày 20 tháng 04 năm 1972 để ra mắt cái Chính Phủ gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, và tiếp theo bản tin diễn tiến chiến sự, do Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 phổ biến, ngày 12 tháng 04, căn cứ Cầu Cần Lê đã được lệnh rút lui, và trên đường rút lui của Chiến Đoàn 52 (-) Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, đang bị 2 trung đoàn của địch bao vây ngăn chặn, giao tranh ở cường độ ác liệt, các đặc phái viên của các báo quốc nội cũng như các hãng thông tấn xã ngoại quốc như AP, UPI, AFP, REUTER đều có cảm nghĩ rằng quân Cộng Sản Bắc Việt đang áp sát vào An Lộc, và rất trông chờ bản tin chiến sự nóng bỏng nhất vào buổi tối ngày 13 tháng 04 năm 1972.

Bản tin tường trình về tình hình chiến sự tại mặt trận An Lộc với các ký giả quốc nội và đặc phái viên các hãng thông tấn ngoại quốc hiện diện, được Trung Tá Nguyễn Ngọc Ánh, Phụ Tá Hành Quân Tư Lệnh Quân Đoàn kiêm Phát Ngôn Viên Quân Đoàn 3/ Quân Khu III phổ biến, sau khi hội ý và thảo luận với vị Tư Lệnh Quân Đoàn và Bộ Tham Mưu, từ Lai Khê lái xe về Sài Gòn, với hành trang cho cuộc họp báo thật đặc biệt, vì sáng sớm ngày 13/04, Cộng Quân đã chính thức mở cuộc tấn công vào mặt Bắc An Lộc.

Cuộc họp báo lần nầy có hai phần rất quan trọng, được trình trước Quốc Dân Việt Nam Cộng Hoà qua các nhật báo quốc nội, và trước dân chúng toàn thế giới qua các hãng thông tấn quốc tế :

Phần thứ nhất : về diễn tiến tình hình chiến sự trong ngày 13 tháng 04 năm 1972, có đính kèm theo phóng đồ hành quân trận mạc, mặt trận phía Bắc An Lộc, và cuộc quần thảo giữa 2, 500 quân của Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà với 12,000 quân của Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, và mặt phía Đông giữa Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hoà với Công Trường Bình Long + Trung Đoàn 272 Cộng Sản Bắc Việt .

Phần thứ nhì của cuộc họp báo cũng là phần chính, cần phải đạt được, là phần phản ứng của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 ra sao trước tình hình như hiện tại :

Trung Tá Ánh lãnh chỉ thị của vị Tư Lệnh Quân Đoàn phát biểu như sau :

Theo tin từ một thương binh cấp Tiểu Đoàn , của Công Trường Bình Long Cộng Sản Bắc Việt, được các chiến sĩ của Tiểu Đoàn 36 Biệt Động Quân cứu cấp hôm 11 tháng 04 năm 1972 cho biết : Tướng Trần Văn Trà, Tư Lệnh chiến dịch Nguyễn Huệ (vùng 3) cùng vài nhân vật nòng cốt của Cục R (Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam) từ Lộc Ninh đã di chuyển đến vùng phi trường Quản Lợi, chỉ cách An Lộc khoảng 5 cây số về phía Đông, chỉ có 1 tiểu đoàn đặc công thiện chiến có tên là Tiểu Đoàn Đặc Công của Cục R để bảo vệ. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn đã trình về Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà xin cấp thời cho thả dù Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù vào phía Đông Bắc An Lộc (phía sau lưng của Trung Ương Cục Miền Nam), để tóm gọn cái chính phủ bù nhìn và bắt sống tướng Trần Văn Trà.

Một câu hỏi của một ký giả ngoại quốc: kế hoạch thả Biệt Cách Dù vào sau lưng Cục R chừng nào mới thực hiện ? Trung Tá Ánh trả lời : vào sáng sớm tinh suơng ngày mai (ngày 14 tháng 04 năm 1972). Cuộc họp báo được kết thúc vào khoảng 8 giờ tối cùng ngày, và vào khoảng 10 giờ đêm tin tức Biệt Cách Dù sẽ được thả bọc phía sau Trung Ương Cục Miền Nam, đã làm chấn động cả thế giới, cặp bài trùng Kissinger và Lê đức Thọ người thì chỉ thị cho phối kiểm lại, người thi vội điện tin về Hà Nội gấp rút thông báo ngay cho Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn của Tướng Trần văn Trà chuẫn bị đề phòng !!!

Kiểm điểm lại thực lực phòng vệ cho Cục R lúc bấy giờ, các đơn vị bộ binh cơ hữu cận kề đều bị kẹt hết tại các giáp tuyến trên trận tiền, với Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân và Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, không còn được nguyên vẹn về quân số tác chiến và khả năng di động, để có thể rút về bảo vệ cho Bộ chỉ huy đầu não Cục R. Thời gian chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là Biệt Cách Dù, sẽ được thả xuống trận địa. Nghe tin Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù sẽ đến trong vài giờ sắp tới, và đơn vị bảo vệ hiện thời chỉ có vào khoảng 400 cán binh (tiểu đoàn đặc công Cục R) thì không thể nào đương cự nổi !!! Duyệt lại cấp thời các cánh quân, chỉ còn duy nhất có Trung Đoàn 141 Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt, đang bố trí quân ở ấp Srok Gòn, phía Tây Nam Bộ Chỉ Huy cục R, khoảng 8 cây số, là đơn vị thiện chiến cấp Trung Đoàn còn sinh lực đầy đủ, cũng như tính cơ động cao, của quân Cộng Sản Bắc Việt, mới có đủ thời giờ và thực lực, di chuyển về tăng cường bảo vệ Cục R để ngăn cản Biệt Cách Dù mà thôi.

Như vậy Cộng quân đã trúng kế Điệu Hổ Ly Sơn của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, bỏ trống cả một vùng 4 cây số vuông phía Đông Nam, dùng cho việc đổ quân bằng trực thăng vận: Lực Lượng Nhảy Dù vào các ngày 14 và 15 tháng 04 năm 1972, và Lực Lượng Biệt Cách Dù vào ngày 16 tháng 04 năm 1972 đưọc an toàn 99%.

Việc Trung Đoàn 141 Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt rời ấp Srok Gòn để rút về bảo vệ Cục R, được chứng minh qua đoạn văn trong bài phóng sự “An Lộc Chiến Trường Đi Không Hẹn” của tác giả Biệt Cách Dù Phạm Châu Tài, là nhân chứng sống hiện đang cư ngụ tại Hoa Kỳ, viết lại như sau : Liên Đoàn 81 Biệt Cách được lệnh nhảy vào An Lộc vào trưa ngày 16 tháng 04 năm 1972. (13)

[sup] (13) [/sup Đặc san Biệt Cách Dù số Đại Hội năm 1998 đề mục “ An Lộc Chiến Trường Đi Không Hẹn” của tác giả Phạm Châu Tài trang 73 (Xin xem Phần Phụ Đính).

Đúng như lời Phát Ngôn Viên Quân Đoàn 3 đã phát biểu với báo chí, sáng sớm ngày 14 tháng 04 năm 72, hàng chục chiếc C.123 và C.130 của Không Lực Việt Nam Cộng Hoà đã có mặt trên vùng trời phía Đông Bắc An Lộc trên cao độ ngoài tầm của các loại súng phòng không của Cộng quân, Tung ra những cánh hoa dù rợp cả một góc trời. Thiên Thần Mũ Xanh Biệt Cách Dù (giả) vì chiếc dù thì thiệt 100%, nhưng những chiến binh đang tòn ten dưới dù toàn là những hình nộm được kết bằng thứ vật liệu đủ nặng tương đương với sức nặng một người. Đến khoảng 9 giờ sáng ngày hôm đó, Cộng quân (Trung Đoàn 141 Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt) tạo được một vòng đai phòng thủ bên ngoài, và Tiểu Đoàn đặc công có trách vụ bảo vệ tuyến cận kề, đề sẵn sàng nghênh chiến từ hướng Đông Bắc nơi Biệt Cách Dù (giả) được thả xuống, rút đầu dưới công sự chiến đấu, và sẵn sàng các yếu tố pháo binh tiên liệu trước tuyến phòng thủ. Chờ khi màn đêm đổ xuống, thì lại càng hồi hộp lo âu, lo ngại lối đánh đêm của Biệt Cách Dù. Rồi trời lại sáng, cũng vẫn không thấy Biệt Cách Dù động tịnh nổ súng, không biết Biệt Cách Dù, sau khi xuống tới trận địa rồi di chuyển đi đâu, di chuyển đánh bọc vào sườn phải hay sườn trái hay đánh thọc lại ngay sau lưng. Tại Bộ Chỉ Huy đầu não, Trung Ương Cục R, gọi máy liên hồi để dò hỏi tin tức Biệt Cách Dù, tầt cả đang trong tình trạng phập phồng lo sợ bị Biệt Cách Dù xuất hiện bắt sống.

Đến lúc này thì cũng đã qua 3 ngày đêm. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3, đã hoàn tất việc đổ quân. Hai lữ đoàn tinh nhuệ Dù và Biệt Cách Dù đã vào được An Lộc, để kiện toàn tổ chức phòng thủ : chiếm lại được 1/2 lãnh thổ phía Bắc và mở rộng vòng đai phòng thủ thêm 2 cây số về phía Nam.

Như vậy thì Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3, đã hoàn thành chiến pháp, gọi là Điệu Hổ Ly Sơn. Mục đích của kế hoạch này là tăng cường cho chiến trường An Lộc thêm được 3,000 quân thiện chiến {2450 Thiên Thần Mũ Đỏ (Dù) và 550 Thiên Thần Mũ Xanh (Biệt Cách Nhảy Dù)}.Như vậy thì con tim vĩ đại An Lộc được cứu tỉnh, nhịp đập được trở lại bình thường, sẵn sàng đẩy lui bất cứ cuộc tấn công nào trong những ngày kế tiếp của Cộng quân.

Ngày 19 tháng 04 năm 1972, tại Bản Doanh Hành Quân Tiền Phương Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III đang đóng tại căn cứ Lai Khê, tỉnh Bình Dương, Trung Tướng Nguyên Văn Minh phát biểu với báo chi trong và ngoài nước :”An Lộc đã trải qua hồi nguy kịch. Tuy nhiên chúng tôi vẫn còn phải cẩn trọng, vì còn nhiều ngàn dân chúng còn đang kẹt trong vòng lửa đạn đôi bên, và thường xuyên Cộng quân không ngừng pháo kích vô tội vạ, cả ngày lẫn đêm, đã tạo nhiều tang thương chết chóc và gây ra rất nhiều thiệt hại cho dân chúng trong thành phố.

Trong hai đợt tấn công đợt 1 vào ngày 13 tháng 04 năm 1972 và đợt 2 vào ngày 15 tháng 04, kéo dài qua ngày 16 tháng 04 năm 1972, Cộng Quân đã lấn chiếm và bám trụ được 1/2 diện địa phía Bắc và phía Đông thành phố. Mặc dù cả hai Công Trường 5 và Bình Long cộng thêm 1 thành phần của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt cố tình muốn san bằng An Lộc, nhưng bị sức đề kháng dũng mãnh của Trung Đoàn 8 Bộ Binh Sư Đoàn 5 Việt Nam Cộng Hoà ở phía Bắc và các chiến sĩ Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hoà ở phía Đông cầm chân, không sao tiến thêm được nữa, một phần bị tổn thất quá nặng nề, ước lượng mức tổn thất về nhân mạng hơn hai trung đoàn bộ chiến, và trên 30 chiến xa T.54 bị bắn cháy hay bị bắt sống.

Về phía Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cũng bị tổn thất khá nặng, tính chung cả Trung Đoàn 8 Bộ Binh và Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hoà bị thiệt hại khoảng 35% quân số.cộng thêm các khẩu pháo 105 và 155 ly của Tiểu Đoàn 52 Pháo Binh Việt Nam Cộng Hoà bị pháo địch gây hư hại đến 98%.

9. ĐỔ QUÂN TĂNG VIỆN CHO MẶT TRẬN AN LỘC

Cuộc đổ quân tăng viện nhằm hai mục đích :

1.- Trực thăng vận tăng cường cho quân phòng thủ tại An Lộc : Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù.

2.- Thiết lập căn cứ hoả lực Tân Khai (12 cây số Nam An Lộc), dùng làm bàn đạp (cứ điểm) để trực thăng vận Trung Đoàn 31 và Trung Đoàn 33 của Sư Đoàn 21 Bộ Binh cùng Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà để rút ngắn đoạn đường tiến gần An Lộc và công phá chốt Tàu Ô.

Trung Tướng Nguyễn Văn Minh đương kim Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III kiêm Tư Lệnh Chiến Trường An Lộc năm 1972, khi còn là Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà tạI Khu 42 Chiến Thuật vùng Đồng Bằng sông Cửu Long, đã được nổi tiếng là một tướng tài giỏi trong chiến thuật trực thăng vận, cũng là vị tướng đã đào tạo ra NGŨ HỔ TƯỚNG MIỀN TÂY : Lê Văn Hưng, Hồ Ngọc Cẩn, Lưu Trọng Kiệt, Lê Văn Dần, Vương Văn Trổ (từ năm 1965 đến 1968). Cho đến năm 1972 còn được Tướng Lê Văn Hưng , Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Quân Đoàn 3 đang trấn thủ An Lộc, và theo đoàn quân tăng viện của Quân Đoàn 4 còn có Trung Tá Hồ Ngọc Cẩn, Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà.

Trung Tá Lưu Trọng Kiệt và Trung Tá Lê Văn Dần đã tử trận trên chiến trường Miền Tây vào khoảng năm 1967, Tướng Lê Văn Hưng và Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn đã anh hùng tuẫn tiết trong những ngày Tháng Tư Đen 30 tháng 04 năm 1975. Chỉ còn lại Trung Tá Vương Văn Trổ là người duy nhất trong ngũ Hổ Tướng Miền Tây còn sống sót và đang cư ngụ tại thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ.

9.1 TRỰC THĂNG VẬN TĂNG CƯỜNG LỮ ĐOÀN 1 NHẢY DÙ THAM CHIẾN



Đại Tá Lê Quang Lưỡng
Lữ Đoàn Trưởng LĐ I Nhảy Dù.


Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, đang quần thảo với địch quân trong gần suốt tuần qua tại vùng Suối Tàu Ô, được lệnh rút về quận Chơn Thành, cấp tốc bổ sung và trang bị, chờ lệnh trực thăng vận vào tham chiến tại An Lộc.

Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù bàn giao trận địa lại cho Trung Đoàn 32 Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đảm trách.

Sáng ngày 14 tháng 04 năm 1972, Đại Tá Lê Quang Lưỡng được triệu hồi về họp tại cứ điểm Lai Khê. Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn 3, cho biết tình hình mới nhất tại An Lộc, sau hai lần tấn công của địch quân. Tướng Minh cũng khuyến cáo, nơi có thể đổ quân tương đối an toàn là vùng Đông Nam khu vực Đồi Gió và Đồi 169, Ông cho biết , các đơn vị bạn đang tử thủ bên trong, cần một luồng sinh khí mới đổ vào. Đơn vị được tuyển chọn hiện nay, chỉ có Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù là đủ khả năng tiến vào An Lộc để đột phá vòng vây … Sau đó con chim đầu đàn của Lữ Đoàn 1 Dù cùng vài sĩ quan trong ban tham mưu Lữ Đoàn 1 Dù lên trực thăng bay quan sát tìm bãi đổ quân.

Ngay buổi trưa hôm đó, Đại Tá Lưỡng quyết định cho trực thăng vận Tiểu Đoàn 6 Dù xuống ấp Srok Ton Cui tọa lạc dưới chân đồi 169, 4 cây số Đông Nam An Lộc, để giữ an ninh bãi đáp cho ngày hôm sau (15 tháng 04 năm 1972), toàn bộ Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 1 cùng 2 Tiểu Đoàn 5 và 8 Dù đổ quân kế tiếp.

Tiểu Đoàn 6 Dù, sau khi hoàn thành nhiệm vụ an ninh bãi đáp, liền để lại 1 đại đội giữ an ninh đầu ấp Srok Ton Cui dưới chân đồi, còn Tiểu Đoàn (-) , di chuyển lên chiếm lĩnh cao điểm Đồi Gió và Đồi 169, để làm lực lượng bảo vệ cho Pháo Đội Dù (6 khẩu 105 ly nòng ngắn), cấp thời lập thành một căn cứ hoả lực dã chiến, để yểm trợ cho toàn thế mặt trận An Lộc (giai đoạn này Tiểu Đoàn Pháo Binh 52 của Việt Nam Cộng Hoà và Trung Đội Pháo Binh của Tiểu Khu Bình Long chỉ còn sót lại 1, 2 khẩu xử dụng được mà thôi).

Lữ Đoàn 1 Dù được đổ xuống trận địa do Không Đoàn Trực Thăng 43 Sư Đoàn 3 Không Quân đảm trách. Vị sĩ quan đại diện Không Đoàn 43 là Thiếu Tá Nguyễn Văn Ức trách nhiệm toàn bộ việc đổ quân và tản thương trên toàn mặt trận An Lộc.

Sau khi xuống được trận địa an toàn, Đại Tá Lưỡng , điều động quân Dù chia làm 2 cánh, song song tiến vào An Lộc. Tiểu Đoàn 8 bên cánh trái do Trung Tá Lương Bá Ninh Tiểu Đoàn Trưởng chỉ huy, tiến thẳng về 2 cây số phía Nam thành phố, vượt ngang qua Quốc Lộ 13, tiêu diệt một vài đơn vị Cộng Sản Bắc Việt đang bám trụ tại đây, rồi dừng chân trong rừng cao su bên sườn phải (tính từ Bắc xuống Nam cạnh Quốc Lộ 13), còn Tiểu Đoàn 5 Dù, do Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu Tiểu Đoàn Trưởng chỉ huy, tiếp tục dừng quân, bên sườn trái, song song với Tiểu Đoàn 8 Dù, tạo thành một tuyến bất khả xâm phạm trong khu rừng cao su, 2 cây số phía Nam An Lộc, mà Cộng quân không ngờ được, âm thầm đào hầm hố phòng thủ, đồng thời gửi các toán thám sát bung rộng vòng đai phòng thủ của thị trấn ra thêm hơn về phía Nam, còn Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 1 Dù cũng được Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà hướng dẫn đến gặp Tướng Hưng tại căn cứ trại Đỗ Cao Trí.

Tại Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, ngoài Tướng Hưng còn có Đại Tá Vỹ, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Đại Tá Trường, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Đại Tá Nhựt, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Bình Long và các cố vấn Mỹ của SĐ 5 và lực lượng Nhảy Dù. Sau đó , Tướng Hưng chỉ thị cho Bộ Chỉ Huy Dù di chuyển về trú đóng cùng căn hầm phòng thủ của Tiểu Khu ở phía Nam. Như vậy là mặt phía Nam bây giờ trở thành mạnh nhất do 1,450 quân Dù tinh nhuệ trấn thủ với Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 1, và 2 Tiểu Đoàn 5 và 8 Dù. Còn Tiểu Đoàn 6 Dù cùng pháo đội pháo binh Dù đang trú đóng trên căn cứ Pháo Binh tại sườn đồi Gió và đồi 169 . Tướng Hưng đã trút đi được phần nào lo âu về mặt trận phía Nam. (14)

Chú thích : (14) Nhật Ký Hành Quân của Quân Đoàn 3 về trận chiến An Lộc năm 1972.

9.2 BIỆT CÁCH DÙ THAM CHIẾN



Đến ngày 16 tháng 04 năm 1972, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù được tăng viện cho chiến trường An Lộc, và khởi phát cuộc phản công tái chiếm lại 1/2 lãnh thổ phía Bắc, Từng hợp đoàn trực thăng HU1D cất cánh từ căn cứ Lai Khê vào trưa ngày 16 tháng 04 năm 1972, đưa 550 thiên thần mũ xanh Biệt Cách Nhảy Dù đến chiến trường An Lộc một cách an toàn.

Bãi đổ quân được chọn trên một khoảng ruộng trống, về phía Tây tỉnh lộ 245, cách Đồi Gió 1 cây số về phía Đông Bắc.

Hợp đoàn trực thăng từng đợt 10 chiếc HU1D cho mỗi đợt đổ quân, có 4 trực thăng võ trang hộ tống. Đợt đầu , thả Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn do Trung Tá Phan Văn Huấn chỉ huy và 4 Toán Trinh Sát của Liên Đoàn do Trung Úy Lê Văn Lợi chỉ huy và Đại Đội 1 do Đại Úy Nguyễn Ích Đoàn chỉ huy, Đại Đội 2 do Đại Úy Nguyễn Sơn chỉ huy. Chuyến thứ hai gồm có Liên Đoàn Phó, Thiếu Tá Nguyễn Văn Lân cùng Đại Đội 3 do Đại Úy Phạm Châu Tài có biệt danh là Hổ Xám chỉ huy và Đại Đội 4 do Đại Úy Đào Minh Hùng chỉ huy.

Sau khi kiểm điểm quân đầy đủ, Trung Tá Huấn liền cho lệnh các đơn vị di chuyển đến chiếm cứ Ấp Srok Gòn, cận kề bên bãi đổ quân, dừng quân, bố trí xong xuôi, Trung Tá Huấn, mở tần số truyền tin liên lạc được với Tướng Hưng, để được hướng dẫn lộ trình an toàn đến Bộ Chỉ Huy của Tướng Hưng, đồng thời ông cũng liên lac được với Đại Tá Lưỡng (Lữ Đoàn 1 Dù) để được biết vị trí 2 Tiểu Đoàn 5 và 8 Dù để tránh ngộ nhận.

Trên đường tiến quân vào ấp Srok Gòn, đơn vị Biệt Cách đi đầu báo cáo về Bộ Chỉ Huy , gặp được hai người Thượng, đang mò mẫm trở về ấp để tìm các con bò, của dân làng đã bỏ chạy còn để lại từ hơn tuần qua ,khi Cộng quân đến chiếm cứ, với vết tích đào hầm hố phòng thủ còn nguyên vẹn . Hai người dân Thượng khai báo, quân Cộng Sản Bắc Việt vừa mới rút đi , còn chưa kịp lấp lại hầm hố đã đào xới tứ tung.

Chiếu theo tài liệu của một nhân chứng sống của Biệt Cách Dù, Thiếu Tá Phạm Châu Tài, trong tác phẩm “AN LỘC CHIẾN TRƯỜNG ĐI KHÔNG HẸN”, (nguyên văn bài ,được đính kèm trong phần Phụ Đính) có đoạn ghi như sau :

“Nắng hè chói chang oi bức, ánh nắng lung linh, theo cánh quạt của trực thăng tiễn đưa Đoàn Quân Ma đi vào vùng Đất Cấm. Địa điểm đổ quân là những đám ruộng khô cằn nứt nẻ, phía Tây Tỉnh Lộ 245, chung quanh là những cánh rừng thưa trải dài theo hướng Tây Bắc, khoảng cách 1 cây số để đến Đồi Gió. Phải cần một hợp đoàn 45 chiếc trực thăng đa dụng HU1D, với hai đợt đổ quân, mới thực hiện xong cuộc chuyển quân, và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù đã vào vùng hành quân vào lúc 4 giờ chiều ngày 16 tháng 04 năm 1972. Mở tần số liên lac với Tướng Lê Văn Hưng trong An Lộc. Liên lạc với Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù để biết vị trí quân bạn và nhanh chóng khai triển đội hình chiến đấu. di chuyển về hướng Tây, len lỏi theo đường thông thuỷ giữa hai ngọn đồi Gió và đồi 169. Âm thầm và ngậm tăm mà đi. Một sự kiện bất ngờ không may xảy đến, khi đoàn quân đang di chuyển, một quả bom của Không Quân Hoa Kỳ, định đánh vào vị trí của Cộng quân lại rơi ngay vào đội hình di chuyển của Biệt Cách Dù, gây thương vong cho vài binh sĩ, trong đó có Thiếu Úy Lê Đình Chiếu Thiện. Lập tức, trái khói vàng được bốc cao giữa đoàn quân để phi công nhận diện phía dưới là quân bạn. Phải mất một thời gian ngắn cho việc tản thương. Hai cố vấn Mỹ, Đại Úy Huggins và Thượng Sĩ Yearta nhanh chóng liên lạc với Lữ Đoàn 17 Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ, yêu cầu trực thăng cấp cứu và được thoả mãn ngay. Đây là hai cố vấn thuộc lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ vẫn còn chiến đấu bên cạnh Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, khi quân bộ chiến Mỹ đang rút lui khỏi chiến trường Việt Nam theo kế hoạch Việt Nam Hoá Chiến Tranh được bắt đầu thi hành từ năm 1970….

Ngày 17 tháng 04 năm 1972, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù cùng một thời điểm với Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù tiếp cận ngoại vi tuyến phòng thủ của Thị Xã về phía Nam cạnh Quốc Lộ 13.

Cộng quân không ngờ Biệt Cách Dù đã lọt vào thị xã tiếp hơi cho quân tử thủ, và mở cuộc tấn kích ngay đêm đó vào các khu phố mặt Bắc, với kỹ thuật đánh đêm điêu luyện, thần tốc, khi phân tán, lúc hội tụ. Biệt Cách Dù đã giáng lên đầu Cộng quân những đòn sấm sét. Đánh không có sự yểm trợ của pháo binh, hay bất cứ của một loại vũ khí vòng cầu nào. Đánh bằng súng cá nhân, bằng lựu đạn, đánh cận chiến bằng lưỡi lê, đánh nhau từng căn nhà, từng cao ốc đổ vỡ. Chiếm lại từng con đường, từng khu phố trong đêm dài dường như bất tận.

Sáng ngày 18 tháng 04 năm 1972, Biệt Cách Dù đã có mặt hầu hết trong các khu phố phía Bắc thị xã và giải thoát cho cả gần 100 gia đình cư dân còn đang kẹt lại trong vùng kiểm soát của Cộng Sản. Từ các căn nhà sụp đổ bên vệ đường, từng toán Việt Cộng tuôn ra thắo chạy thục mạng về hướng Bắc, vì chúng bị đánh phủ đầu trong đêm, sáng ra nhìn chung quanh nơi nào cũng nhìn thấy Lính Rằn Ri, loại lính đã hơn một lần chặn đánh chúng trên Đường Trường Sơn heo hút mưa bay.

Mặc dù đã chiếm lại toàn bộ khu vực phía Bắc, nhưng vẫn còn một ổ kháng cự mà Cộng quân vẫn còn cố thủ bên trong, đó là Đồn Cảnh Sát Dã Chiến. Biệt Cách Dù tấn công nhiểu đợt, nhưng vẫn chưa vào được. Hơn nữa, từ đồi Đồng Long, Cộng quân dùng đại bác không giật 57 ly, 75 ly và súng cối 82 ly, bắn trực xạ và pháo vào Biệt Cách Dù, để yểm trợ cho bọn chúng cố thủ bên trong Đồn Cảnh Sát Dã Chiến Cố vấn Huggins của Biệt Cách Dù vào ngay tần số của Lữ Đoàn 1 Không Quân Hoa Kỳ xin yểm trợ hoả lực. Hai chiếc phi cơ AC-130 Spectre bay lượn trên vùng trời An Lộc, với cao độ ngoài tầm sát hại của cao xạ và hoả tiễn địa không SA-7, bắn từng quả đạn 105 ly hoặc từng 3 quả 40 ly vào mục tiêu yêu cầu, được điều chỉnh từ dưới đất. Cuối cùng, Đồn Cảnh Sát Dã Chiến lọt vào tay Biệt Cách Dù vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày 18 tháng 04 năm 1972.

Một phần ba thành phố phía Bắc được tái chiếm trở lại, sau gần 24 tiếng đồng hồ, Biệt Cách Dù chiến đấu liên tục …”


Như vậy do lời khai của hai người Thượng, lực lượng Biệt Cách Dù đã tránh đi được một cuộc chạm súng có thể là nặng nề, hao tổn sinh mạng và cả các phi hành đoàn trên các trực thăng đổ quân của Việt Nam Cộng Hoà, khi đợt đầu vừa mới chạm đất, với Trung Đoàn 141 Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt ,vì chúng đã ẩn phục nơi đây từ tuần qua và mới được lệnh rút đi cách đây không lâu. (đêm 13 tháng 04 năm 1972) vì bị trúng kế “Diệu Hổ Ly Sơn” của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 đã thiết kế.

Mặt trời bắt đầu xế bóng, đoàn quân Biệt Cách Dù âm thầm tiến bước theo đội hình cố hữu tác chiến trong rừng. Tiến cận kề đến tuyến phòng thủ phía Nam thì trời đã tối, di chuyển vào thành phố đến tuyến xuất phát được chỉ định phía Bắc thành phố.

Sau khi kiểm điểm lại quân số, hội họp, phân công lộ trình hành động và nhận định lằn ranh giữa địch và bạn, toàn thể Liên Đoàn phát khởi cuộc xâm nhập tiến lên toàn diện cùng lúc, đột kích đánh thốc lên từ lằn ranh phân chia tạm thời 1/2 phía Nam thành phố, lên mặt phía Bắc, ngay trong đêm vừa mới đến, khi màn đêm vừa bao trùm chiến địa (đêm 16 rạng ngày 17 tháng 04 năm 1972).

Biệt Cách Dù đánh địch ngay trong đêm, khi vừa đặt chân đến trận địa.

Các cán binh Cộng Sản Bắc Việt đang bám trụ trong vùng, phải một phen kinh tâm tán đởm, đang ôm súng mơ màng ngáy ngủ, thình lình bị hàng loạt đạn M.16 và hàng loạt tiếng nổ của lựu đạn M.26 và súng phóng lựu M.79, thi đua nhau nổ liên hồi trong từng hầm hố, từng khu giao thông hào, do các chiến sĩ Biệt Cách Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đột kích tấn công bất ngờ, không kịp trở tay cũng như gọi máy báo động cho nhau.

Vào hừng sáng ngày 17 tháng 04, một cuộc rượt đuổi tàn quân Cộng Sản Bắc Việt bám trụ, xảy ra rất ngoạn mục, các chiến sĩ Biệt Cách Dù, càng đánh càng hăng, Cộng quân chạy như đàn chuột bị xới ổ ,bỏ chạy thục mạng, quy tụ về đồn Cảnh Sát Dã Chiến phía Bắc thành phố để cố thủ.

Cuộc săn lùng, càn quét địch quân, được tiếp diễn đến chiều ngày 18 tháng 04 năm 1972, tiếng súng bắt đầu lắng dịu trở lại trên diện địa 1/2 phía Bắc. Quân Cộng Sản Bắc Việt đã bị các chiến sĩ Biệt Cách Dù hoàn toàn quét sạch, kể cả cứ điểm kiên cố đồn Cảnh Sát Dã Chiến, sau gần 48 giờ các chiến sĩ gan lì Biệt Cách Dù chiến đấu không ngừng nghỉ.

Nói về Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, mặc dù chỉ có 550 chiến sĩ so với 981 trên bảng cấp số được đổ vào tăng viện cho chiến trường An Lộc, khả năng tác chiến , có thể bằng hay hơn 2,000 quân bộ chiến, của các sư đoàn Cộng Sản Bắc Việt, bởi chiến pháp linh động và bất ngờ, uyển chuyển theo tình hình, biết tùy theo thời tiết và địa thế. Khi tấn công thì như sấm sét, giáng lên đầu quân địch làm chúng không kịp trở tay, xuất hiện bất ngờ như những thiên thần trên trận mạc, đánh cận chiến tuyệt kỷ, trên các giao thông hào, hầm hố, vào lúc ban đêm, chui tường, đục lỗ, tác chiến trong thành phố, ban ngày lẫn ban đêm rất là điêu luyện. Lấy ít đánh nhiều ,đột kích bất ngờ, thu dọn chiến trường nhanh chóng. Đã làm kinh tâm khiếp đảm địch quân trên tận dãy Trường Sơn heo hút gió ngàn, và trong thành phố tại ngã ba Cây Thị ,kỳ Tết Mậu Thân năm 1968 tại Sài Gòn, Thủ Đô nước Việt Nam Cộng Hoà.

Nay là lần đầu tiên cả Liên Đoàn đều được tập họp lại một lần, và cùng chung nhau sát cánh chiến đấu trong một thành phố, với tất cả tấm lòng phấn khởi quyết chiến quyết thắng, từ con chim đầu đàn Trung Tá Phan Văn Huấn, Liên Đoàn Trưởng, Thiếu Tá Nguyễn Văn Lân, Liên Đoàn Phó, Đại Úy Trần Văn Thọ, Trưởng Ban 3, Đại Úy Nguyễn Văn Mai, Trưởng Ban 2, Trung Úy Lê Văn Lợi, Liên Toán Trưởng 4 Toán Trinh Sát, Trung Úy Lê Văn Châu, Bác Sĩ Quân Y, Trung Úy Cao Văn Cát, Sĩ Quan Đề Lô Pháo Binh tăng phái, Thượng Sĩ Phạm Văn Cấp, Trưởng Toán Truyền Tin và Mật Mã, Trung Sĩ 1 Phương, Ban Tiếp Liệu, và các cố vấn Mỹ : Đại Úy Charles Huggins, Cố Vấn Trưởng, Thượng Sĩ Jesse Yearta, cùng các đại đội chiến đấu : Đại Úy Nguyễn Ích Đoàn, Đại Đội Trưởng Đại Đội 1, Đại Úy Nguyễn Sơn, Đại Đội Trưởng Đại Đội 2, Đại Úy Phạm Châu Tài, Đại Đội Trưởng Đại Đội 3, và Đại Úy Đào Minh Hùng, Đại Đội Trưởng Đại Đội 4 cùng toàn thể các Chiến Sĩ trong Liên Đoàn Biệt Cách Dù.



10. BIỆT CÁCH DÙ TÁI CHIẾM ĐỒI ĐỒNG LONG

Nhận diện được từ nơi Đồi Đồng Long, Cộng quân đã từng bắn ngang hông Biệt Cách Dù, để yểm trợ cho bọn Cộng Sản Bắc Viêt đang cố thủ trong đồn Cảnh Sát Dã Chiến trong ngày 18 tháng 04 vừa qua, và là một địa điểm quan trọng có ưu thế chiến thuật của Cộng quân, tung ra những cuộc tấn công đã qua và sắp tới, là một cái gai nhọn luôn đâm sóc vào quân phòng thủ ở mặt trận phía Bắc, cần phải được nhổ đi càng sớm càng tốt. Đồi Đồng Long có cao độ 400 thước và tọa lạc khoảng 500 thước phia Bắc An Lộc về phía trái Quốc Lộ 13 từ Nam lên Bắc.

Từ khi Đại Đội 8 Trinh Sát và Đại Đội Địa Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long bị ép rút lui, Cộng quân tràn vào chiếm cứ như chỗ không người. Liền khi đó tất cả các công sự phòng thủ đã được các phi tuần không quân chiến thuật san bằng bỏ bom napalm đốt cháy cả tiểu đoàn của quân Cộng Sản Bắc Việt.

Để tránh phi cơ oanh kích, Cộng quân áp dụng chiến thuật hạ tiện trộn lẫn vào dân, đào hầm hố vòng vòng dưới chân đồi nơi có nhà dân cư trú ở phía Đông và phía Tây, cũng như một ngôi trường tiểu học ở phía Bắc, nhiều nhất ở hướng Đông, Bắc và Tây Bắc ngọn đồi. Quân Cộng Sản Bắc Việt có ý định lấy dân làm bia đỡ đạn cũng như đỡ bom. Nhưng ý định đó không có kết quả cụ thể, vì khi quân Cộng Sản tiến đến đâu, thì dân bỏ chạy đi đến đó. Quân Cộng Sản Bắc Việt cho rằng, dân chúng này ngoan cố, nên bắn bừa theo, như trường hợp dân cư vùng phi trường Quản Lợi (xem tường thuật của Tiểu Đoàn 36 Biệt Động Quân). Còn những ai đã thoát khỏi tầm súng cá nhân thì Cộng Sản Bắc Việt gọi pháo binh bắn tiếp .

Vì dân chúng cư ngụ xung quanh chân đồi Đồng Long, đã chạy thoát khỏi nanh vuốt của Cộng quân, phi cơ đã có thể oanh kích tự do những điểm nghi ngờ và những giao thông hào, cũng như những cứ điểm, mà Cộng Sản Bắc Việt đang đào, ở trong những căn nhà dân chúng đã bỏ lại , và cả ngôi trường tiểu học tại đó.

Cho đến ngày 08 tháng 06 năm 1972, sự kiện lịch sử ,Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù đi tiên phong cùng Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh và Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đánh xuyên thủng 2 trung đoàn của Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt, và bắt tay dược với Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù ở phía Nam, có nghĩa là đã đánh tan các chốt kiền của Công Trường 7, đóng chốt chận viện từ hơn 2 tháng qua trên Quốc Lộ 13, đã đem đến một luồng sinh khí mới , làm nức lòng quân phòng thủ trên toàn mặt trận.

Nhân lúc tinh thần quân trú phòng lên cao, và cũng là lúc tinh thần các cấp cán binh Cộng Sản hoang mang giao động ,về tin quân tăng viện Việt Nam Cộng Hoà đã mở được cửa ngõ ở phía Nam, “thừa thắng xông lên”, ngày 12 tháng 06 năm 1972, Biệt Cách Dù tung 2 đại đội và 4 toán trinh sát tái chiếm đồi Đồng Long.

Phi cơ đã oanh kích triệt để khu vực này, không còn gì đứng vững sau trận mưa bom napalm. Sau trận bỏ bom, Cộng Sản Bắc Việt đã di chuyển trở lại và lấy những tấm tôn vung vãi để che những giao thông hào và những nơi chúng đặt súng, với ý nghĩ là phi cơ sẽ không phát hiện được. Từ đó chúng sẽ bắn vào An Lộc để khống chế mặt Bắc . Sự ngụy trang này chỉ có đơn vị bộ binh ở dưới đất hoạ may mới có thể phát hiện , còn không ảnh thì khó có thể chụp và giải đoán được

Trung Tá Phan Văn Huấn, con chim đầu đàn của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, trực tiếp chỉ huy cuộc đột kích đánh thẳng vào đồi Đồng Long, tại nơi đây đang có cấp tiểu đoàn bộ binh yểm trợ cho các đơn vị thuộc Trung Đoàn phòng không 271 và tiểu đoàn vũ khí nặng : súng cối 82 ly, đại bác không giựt 57 ly và 75 ly của địch.

Chiếu theo kế hoạch đột kích, Biệt Cách Dù chia là 3 mũi tấn kích : Mũi tấn kích bên sườn trái do cánh quân của Đại Đội 2 Xung Kích chỉ huy bởi Đại Úy Nguyễn Sơn (Đại Đội Trưởng), mũi tấn kích bên sườn phải do cánh quân của Đại Đội 3 Xung Kích chỉ huy bởi Đại Úy Phạm Châu Tài, có biệt danh là Hổ Xám (Đại Đội Trưởng), còn cánh quân chính tấn kích thẳng vào chính diện, thì do đích thân Trung Tá Phan Văn Huấn chỉ huy thống nhất cùng với 4 Toán Trinh Sát ,của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù với Trung Úy Lê Văn Lợi (Liên Toán Trưởng) chỉ huy.

Các chiến sĩ gan lì Biệt Cách Dù âm thầm xuất phát từ mặt Bắc thành phố An Lộc, và đến chân đồi vào lúc nửa đêm, sau khi dàn trận hàng ngang, từ từ tiến sát đến mục tiêu, rồi đồng loạt xung phong vào lúc trời vừa mới hừng sáng. Tiếng hô xung phong vang dội của 300 chiến sĩ Biệt Cách Dù, đã làm thức tỉnh trên 1,000 Cộng quân đang trấn thủ, nhưng không còn kịp nữa, bị đột kích vô cùng táo bạo và bất ngờ, tiếp theo tiếng hô xung phong vang dậy một góc trời, sau đó là tiếng súng cá nhân, tiếng lựu đạn đang thi nhau nổ. Dưới hầm trú ẩn, Cộng quân chủ quan khinh địch, sau hơn 60 ngày chiếm cứ, không nghĩ là sẽ bị tấn công bất ngờ. Khi Cộng quân hoàn hồn trở lại, thì đâu đâu cũng thấy đầy dẫy các Thiên Thần Mũ Xanh trong vị trí. Trở tay không kịp, hoảng hốt, co giò chạy, không kịp thì giờ để xỏ chân vào đôi dép râu Bình Trị Thiên của Bác, chứ đừng nói chi đến quơ cào cầm được khẩu súng để chống trả. Một số chạy ngược trở lên trên đỉnh đồi, đưa nguyên cái lưng cho các chiến sĩ Biệt Cách Dù tác xạ như bắn bia tại quân trường, bắn đâu trúng đó. Một số khác tuôn chạy về hướng Nam để thoát thân ra rừng, thì làm mồi cho các trực thăng võ trang tác xạ. Tổng cộng, Quân Cộng Sản Bắc Việt đã để lại trận tiền trên 600 xác chết và bị thương. Xác địch, thương binh của địch, vũ khí hạng nặng của địch vương vãi trên đỉnh đồi và dưới các hầm hố phòng thủ , sau này có cái tên là Ngọn Đồi Máu, là máu của quân thù Cộng Sản Bắc Việt.

Chiến thuật đột kích là phương pháp tấn công vô cùng táo bạo, dùng ít đánh nhiều, đánh nhanh đánh mạnh, với hoả lực được tập trung tối đa bắn phủ đầu, bắn ngay vào mục tiêu đang xuất hiện trước mặt mình, được các chiến sĩ Biệt Cách Dù áp dụng trong thời điểm bất ngờ nhất, khiến cho địch không kịp trở tay và có đủ thì giờ xoay trở.

Sau khi san bằng mục tiêu Đồi Đồng Long, Trung Tá Huấn, nhận được điện báo cáo của Đại Đội 2 và Đại Đội 3, hai bên cánh tả và hữu, là đã quét sạch mục tiêu, địch đã bị đánh tan, ngoại trừ những xác chết và thương binh địch, và liền khi đó Trưởng Toán Trinh Sát, Trung Úy Lê Văn Lợi, hãnh diện và hiên ngang cắm lá Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hoà trên đỉnh đồi Đồng Long vào xế chiều cùng ngày . Lá Quốc Kỳ thân yêu Nền Vàng Ba Dọc Đỏ, đang ngạo nghễ tung bay phất phới trên đỉnh đồi Đồng Long, giữa nền trời xanh biếc của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, xoá tan đi áng mây mù đang giăng phủ vùng trời An Lộc.

Chiếm xong đồi Đồng Long, Biệt Cách Dù tiếp tục lục soát chung quanh trận địa, và phát hiện một căn hầm ven rừng, có tiếng động khả nghi bên trong. Tất cả các họng súng đen ngòm đều hướng vào miệng hầm chờ đợi, như con hổ rình mồi. Có tiếng hét từ nơi các chiến sĩ Biệt Cách Dù đứng cạnh miệng hầm : - chui ra ngay. - đầu hàng ngay, nếu không tao tung lựu đạn vào, chết cả đám bây giờ !!!

Có tiếng la từ xa :

- Khoan, khoan, dừng tay. Coi chừng bắn lầm vào dân !!! - tiếng nói của Trung Tá Huấn chỉ thị từ xa vọng lại.

Tất cả khi nghe được lệnh của vị Chỉ Huy Trưởng, đều ngừng tay chờ đợi. Trung Tá Huấn bước lại gần miệng hầm và nói to : Chúng tôi là lính Việt Nam Cộng Hoà, ai trốn trong hầm thì chui ra mau. Câu nói được lập lại lần thứ hai, thì có tiếng khóc thút thít the thé bên trong hầm vọng ra. – Ra đi, chui ra mau đi, không sao đâu. Đó là những lời thúc giục của những chiến sĩ Biệt Cách Dù, đang chờ sẵn trên miệng hầm. Tiếng động bên trong rõ dần. Những ánh mắt long lanh của những người chiến binh Biệt Cách Dù chùng xuống, khi thấy lần lần xuất hiện, hai em bé gái khoảng 8 và 9 tuổi, đang bò lê lết tấm thân tiều tụy, áo quần rách nát, thân còn xương bọc da sau nhiều ngày đói khát, chậm rãi bò ra khỏi hầm. - Trời ơi !!! Ba Má các em đâu ? Sao lại như thế này ? Còn ai trong đó không ? Trung Tá Huấn hỏi. Hai em bé, mặt mũi lem luốc, mắt mờ đẫm lệ, thân mình khô đét, như hai bộ xương còn biết cử động, chỉ biết lắc đầu, chứ không thốt lên được lời vì kiệt sức, sau những câu hỏi dịu dàng đầy tình thương của vị chỉ huy 81 Biệt Cách Dù. Trung Úy Lê Thanh Châu, Bác Sĩ Quân Y của Liên Đoàn, liền được gọi đến để cấp cứu, cho hai em uống ít nước, và chích cho hai em hai mũi thuốc khỏe, lần lần hai em mới từ từ lấy lại sức, và dần dần hai em mới thốt được ra tiếng, kể lại về hoàn cảnh gia đình hai em như sau :

Em lớn tên Hà Thị Nở (9 tuổi), em nhỏ tên Hà Thị Loan (8 tuổi), cha là Trung Sĩ Nhất Hà Trung Hiến (Địa Phương Quân Tiểu Khu Bình Long), không biết sống chết hay còn kẹt nơi đâu, để lại vợ và 3 con non dại (Nỡ và Loan và một em trai 4 tuổi). Mẹ của Nỡ và Loan cõng em trai 4 tuổi trên lưng, còn hai tay thì dìu hai đứa con gái chạy loạn, dưới làn mưa pháo của quân Cộng Sản Bắc Việt. Chạy từ khu nhà dân, ở chân đồi Đồng Long, giữa đường bị một quả pháo nổ ngay sau lưng bà mẹ, và đã gây thảm cảnh cho gia đình Trung Sĩ Hiến, vợ cùng với đứa con trai phía sau lưng, đang ôm chặt lầy cổ của mẹ mình, đều bị thương nặng vì trúng mảnh pháo. Bà mẹ ngã vật xuống bên lề đường, rên rỉ một hồi rồi tắt thở lìa đời, còn lại hai mái đầu xanh chỉ vừa tròn 8 và 9 tuổi đầu, kêu khóc tuyệt vọng bên xác mẹ hồi lâu, phải ngậm ngùi quẹt lau nước mắt, gỡ rời tay em trai, vẫn còn quàng ngang qua cổ mẹ, mình mẩy đã dầm dề máu tươi, hai chị em thay phiên nhau cõng em trai mình, từ từ lê lết tìm gặp cái hang này, và chui vào đó tránh đạn pháo của quân Cộng Sản Bắc Việt. Người em trai 4 tuồi vì vết thương trầm trọng, máu cứ tuôn ra nhiều, rồi cũng ra đi theo người mẹ quá vãng ,cách đó vài giờ trước.

Các em kể lại , không biết thảm cảnh cho gia đình các em, xảy ra ngày tháng nào, chỉ biết là ngày mà Quân Cộng Sản tràn vào chiếm ấp ,và tất cả dân đều bỏ chạy, cho đến hôm nay, dường như đã trên 60 ngày ,không cơm không nước !!! Vậy thì các em làm sao sống được ? Các em mô tả trong ngày đầu, đứa em trai tắt thở qua đời, thân xác sau hai ba ngày sình thối, mùi thối xông lên thật là khó ngửi, hai em phài thò đầu ra ngoài miệng hang để thở cầm hơi, chỉ dám ló ra ngoài miệng hang vào lúc ban đêm, khi nghe thấy tiếng bom đạn dịu dần, để bắt dế nhũi, và tất cả các sinh vật lớn nhỏ như trùng, bò cào châu chấu để đỡ bụng qua ngày, còn nước thì phải lần mò ra xa hơn, tìm thấy nơi các hố của bom và pháo, chị em cúi đầu gục xuống để mà hớp vài ngụm nước, còn đầy hơi mùi thuốc nổ, để uống. Ôi chiến tranh, chiến tranh tàn khốc mà người Cộng Sản đã mang đến cho dân tộc Việt Nam mình như thế đó.

Hai em bé nhỏ đó, được các chiến sĩ Biệt Cách Dù cứu sống, và được chuyển về cho Tiểu Khu Bình Long chăm sóc tiếp … Cho đến khi An Lộc được giải toả, và rồi không còn được tin gì về hai em nữa … Cho mãi đến năm 1994, phóng viên điện ảnh Nguyễn Hữu Cầu ở San Jose điện thoại cho Đại Tá Huấn biết tin : Hai em Loan và Nỡ đã được một gia đinh người Mỹ nhận làm con nuôi, và đưa về Mỹ ngay từ năm 1974. (15)

Chú thích: (15) Đặc San Biệt Cách Dù số Đại Hội năm 1998, đề mục : “Hai tháng tử thủ An Lộc” của tác giả Đỗ Đức Thịnh, trang 83.

11. BẮC NHỊP CẦU ĐỔ QUÂN

Chiều ngày 13 tháng 04 năm 1972, sau khi Sư Đoàn 21 Bộ Binh và Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đến Lai Khê, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 , thay đổi kế hoạch hành quân giải toả Quốc Lộ 13 như sau :

Trực thăng vận Trung Đoàn 31 và Đại Đội 21A Công Binh Chiến Đấu xuống Tân Khai (12 cây số Nam An Lộc), để thiết lập căn cứ hoả lực Pháo Binh dã chiến với 6 khẩu đại bác 105 ly do các trực thăng Chinook câu đến.

Kế tiếp , trực thăng vận Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà cùng với một tiểu đoàn và Đại Đội Trinh Sát 15 , xuống Căn Cứ Hoả Lực Tân Khai để bảo vệ Pháo Binh và Công Binh Chiến Đấu , thay thế cho Trung Đoàn 31 Sư Đoàn 21 Bộ Binh điều động ngược trở về phía Nam, hướng chốt Tàu Ô tấn công quân địch từ mặt Bắc xuống, tiếp nối với Trung Đoàn 32 Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà di chuyển bằng đường bộ từ phía Nam đánh thốc lên hai mặt giáp công bứng chốt Tàu Ô.

Kế tiếp trực thăng vận Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, xuống phía Bắc Căn Cứ Hoả Lực Tân Khai, làm bàn đạp tiến lên về hướng An Lộc, nơi vùng này có 1 lực lượng địch cỡ 2 trung đoàn chủ lực của Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt, đang bố trí cản đường tiến, và để ngăn cản viện quân của Quân Lực Vệt Nam Cộng Hoà từ phía Nam lên. (16)

Chú thích : (16) Nhật Ký Hành Quân Quân Đoàn 3 về trận An Lộc năm 1972.



12. BÌNH LUẬN

Trận tấn công Đồi Đồng Long của Biệt Cách Dù với quân số khoảng 300 chiến sĩ (ở thế công) tiến đánh khoảng
1,200 quân Cộng Sản Bắc Việt (ở thế phòng ngự). Kết quả sau trận đánh Cộng quân bỏ xác và thương binh tại trận khoảng 600, còn Biệt Cách Dù chỉ bị thiệt hại khoảng chưa đến 1% nhân lực.

Có thể nói đây là trận tấn công trực diện của Biệt Cách Dù Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, đánh đại bại quân Cộng Sản Bắc Việt. Lấy ít đánh nhiều, sát hại địch nhiều mà thương vong thì ít.

CUỘC TẤN CÔNG LẦN THỨ BA VÀO AN LỘC (Khởi Điểm Vào Đêm 18 Rạng Ngày 19 Tháng 04 Năm 1972) Và Trận Chiến Tại Cao Điểm Đồi Gió Và Đồi 169 Của Tiểu Đoàn 6 Dù VIỆT NAM CỘNG HOÀ với 2 Trung Đoàn 141 Công Trường 7 Và Trung Đoàn 272 Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt

Sau 2 ngày đêm, cường độ pháo kích của địch giảm dần, mùi thuốc súng đạn vừa lắng dịu, khi hoàng hôn vừa đổ, bỗng dưng cường độ pháo của Cộng quân tăng gia trở lại, và có phần khốc liệt hơn hai lần trước. Cả trên 6,000 quả đạn pháo đủ loại pháo vào thị xã.

Mục tiêu lần này là :

a.- Bệnh viện của tỉnh Bình Long : Nơi đây, đạn pháo của Địch, đã sát hại trên dưới 2 ngàn dân chúng vô tội, các cụ già, đàn bà và trẻ em đã bị thương tích, đang nằm ngổn ngang trong bệnh viện, kể cả những chiếc lều dã chiến do Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà dựng ngoài sân, để che sương nắng gió mưa cho người dân đang bị thương tích , đang chờ được chữa trị ,làm tung toé thịt xương, máu chảy đọng vũng đầm đìa .

b.- Các nơi thờ phượng tôn giáo :

Tại nhà thờ, pháo của Cộng quân bắn sập tháp chuông, pháo sập mái ngói thính đường, chỉ còn chừa lại chiếc thánh giá có treo hình Chúa, hơn 1,000 tín đồ Công Giáo bị vùi chôn dưới đống gạch vụn, thật là thảm thương.

Tại nơi chùa Phật, ngay cổng Phú Lố phía Tây ,cũng lãnh hàng mấy trăm quả pháo, san bằng ngôi chánh điện Phật Đường, kèm theo gần ngàn sinh linh tín đồ, dưới chân bức tượng Phật Bồ Tát Từ Bi vẫn còn nguyên vẹn trên bệ, trơ mình, sừng sững trước trời cao.

Cuộc pháo kích lần này, có thể nói, dụng ý của địch quân là nhằm sát hại dân lành. Cộng quân đã biết chắc rằng, sau gần suốt tuần lễ pháo kích, dân chúng vì không có hầm hố có nắp để ẩn núp tránh pháo , nên bị thương rất nhiều, bắt buộc phải quy tụ về bệnh viện tỉnh để được điều trị … còn số dân khác may mắn không bị thương tích thì hay tụ tập vào những nơi thờ phượng Chúa và Phật để mong nhờ Ơn Trên che chở, cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi … chỉ có một số vài trăm dân chúng đươc may mắn chạy chui vào các hầm hố có nắp của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà, là được thoát nạn trong đợt pháo nặng nề và tàn khốc này.

Đêm 18 rạng ngày 19 tháng 04 năm 1972, Cộng quân mở song song trận mưa pháo vào tại Thị Xã An Lộc và khu vực Đồi Gió và Đồi 169.

Khi vừa dứt tiếng pháo, tại mặt trận phía Bắc nơi tuyến phòng thủ của Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, Cộng quân gom toàn lực các cán binh của các trung đoàn bộ binh còn lại của Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, và thiết đoàn què quặt chiến xa 203, mở trận tấn công (tiền pháo hậu xung biển người) thêm một lần nữa, nhưng lần này lại gặp phải các chiến sĩ Biệt Cách Dù ở tuyến đầu nên chỉ trong vòng khoảng 1 tiếng đồng hồ, các mũi tấn công của Cộng quân đều bị bẻ gẫy, các chiến xa pha đèn phóng đại vào các hầm hố xụp lỗ, xa lầy, trơ gọng, bị các chiến sĩ Biệt Cách Dù tiến đến cận kề bắn hạ thật dễ dàng, và toàn bộ cuộc tấn công gượng ép bằng bộ binh và chiến xa lần này bị các chiến sĩ Biệt Cách Dù và Trung Đoàn 8 Bộ Binh đẩy lui hoàn toàn.

Sau hơn 1 tiếng đồng hồ, Đại Tá Trường và Trung Tá Huấn, lên tần số báo cáo với Tướng Hưng , Cộng quân đã xử dụng cấp trung đoàn có chiến xa trợ chiến nhưng tất cả đều bị đẩy lui. Địch bị thiệt hại khá nặng, các chiến xa T54 thì bị các chiến sĩ Biệt Cách Dù và Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà bắn hạ không còn một chiếc nào, quân ta bị thiệt hại không đáng kể, tuy nhiên lần này Cộng quân pháo nhiều quá về hướng bệnh viện của Tỉnh, nhà thờ và chùa, có lẽ dân bị thương vong rất nhiều… Trung Tá Biết, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, báo cáo tình hình mặt trận phía Đông : Cộng quân sử dụng cấp trung đoàn có chiến xa trợ chiến, nhưng đều bị các chiến sĩ Biệt Động Quân đẩy lui. Địch bị thiệt hại khá nặng, cũng không lấn thêm được phần đất nào hết. Tuyến phòng thủ của Biệt Động Quân vẫn còn nguyên vẹn, có vài T.54 bị bắn cháy trước tuyến phòng thủ. Biệt Động Quân thiệt hại không đáng kể. Tại mặt trận phía Tây, Trung Tá Quân, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà báo cáo cho Tướng Hưng biết, lực lượng địch chỉ cỡ cấp tiểu đoàn cũng khai hoả, dường như để thăm dò chứ không có tấn công, tuy nhiên tại cổng Phú Lố nơi chùa Phật có rất nhiều tiếng hét và rên la của dân chúng, có lẽ Chùa đã bị trúng pháo của Cộng quân. Quân bạn không có thiệt hại, quân địch không rõ.

Cuộc tấn công đợt nầy, cũng do Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt và Công Trường Bình Long cộng thêm trung đoàn của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt , cố gắng dồn hết nỗ lực tấn công thêm một lần nữa,sau hai lần tiên khởi thất bại ê chề.

Về phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà có thêm được 3 ngàn quân tinh nhuệ Nhảy Dù và Biệt cách Dù tăng cường đang có mặt tại trận tuyến, mà địch không ngờ đến. Cho nên khi các đơn vị bộ binh và chiến xa địch tấn công lần này, không đầy 2 tiếng đồng hồ, Địch đã bị đẩy lui hoàn toàn, im bặt hẳn tiếng súng. Địch bị diệt gọn nhanh chóng cả 3 mặt Bắc, Đông, Đông Bắc.

Về thời điểm tấn công của địch cũng không đồng loạt : khai diễn mặt phía Bắc rồi qua mặt phía Đông còn phía Tây thì nổ súng như để thăm dò không tấn công, còn mặt phía Nam thì không thấy động tịnh.

Tóm lại, cuộc tấn công đợt 3 này, Cộng quân không lấn trở lại được thêm một tấc dất nào, mà còn để lại tại chiến địa vài trăm xác chết và hơn chục T54 bị bắn cháy.

Cộng quân chỉ đạt được kết quả là dùng pháo, giết hại trên dưới 4 ngàn cư dân tỉnh Bình Long mà thôi. Đó là thành tích siêu việt của bọn con cháu Bác và Đảng vô thần.




CHƯƠNG 6
MẶT TRẬN ĐỒI GIÓ & ĐỒI 169
(KHỞI DIỄN VÀO ĐÊM 18/04/1972)



1. TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG GIỮA ĐÔI BÊN

Địch: Cộng quân tung vào chiến trận hai Trung Đoàn chính quy Cộng Sản Bắc Việt: Trung Đoàn 141 Công Trường 7 và Trung Đoàn 272 Công Trường 9, một đại đội chiến xa T.54 thuộc Trung Đoàn 203, dưới sự yểm trợ của các khẩu pháo 130 ly của Sư Đoàn 69D từ hướng Tây và các khẩu pháo 105 và 155 ly (chiến lợi phẩm của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà) từ phi trường Quản Lợi về hướng Đông. Quân số vào khoảng trên 4,000 (Bộ Binh và Thiết Giáp).

Bạn: Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, sau khi đổ quân được an toàn xuống khu vực đồi Gió, Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn cùng hai Tiểu Đoàn 5 và 8, di chuyển vào An Lộc, còn Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù ở lại trấn giữ khu Đồi Gió và Đồi 169, tạo thành một căn cứ hoả lực dã chiến pháo binh, để yểm trợ cho toàn thể mặt trận An Lộc trong vòng 8 cây số đường kính chung quanh thị xã.

Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù, cắt cử Đại Đội 61 trấn thủ mặt Đông Bắc cạnh ấp Srok Ton Cui dưới chân đồi, còn Tiểu Đoàn (-), rút lên cao điểm đồi Gió và Đồi 169 đào hầm hố phòng thủ và khai quang cấp thời, hình thành vị trí pháo binh dã chiến trên lưng đồi để bảo vệ pháo đội pháo binh Dù (6 khẩu 105 ly nòng ngắn đang được các chiếc trực thăng Chinook câu đến), tổng cộng có 750 chiến binh Dù kể, cả pháo đội pháo binh và Bộ Chỉ Huy nhẹ của Lữ Đoàn 1 Dù.

Sự hiện diện bất ngờ, ngoài dự liệu của địch . Căn cứ hoả lực Đồi Gió và Đồi 169 của quân Dù Việt Nam Cộng Hoà, đã bắt đầu gây khó khăn cho tất cả các cánh quân địch, đang muốn tiến sát vào tiếp tục tấn công An Lộc, trong vòng đường kính 8 cây số; như là một chiếc gai nhọn, đang đâm thủng chiếc bọc bao vây An Lộc của Cộng quân, cho nên Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt,quyết định phải nhổ đi cái căn cứ hoả lực trên cao thế nầy với bất cứ giá nào.

Tại mặt trận Đồi Gió và Đồi 169, chiến trận được diễn ra khốc liệt hơn. Cộng quân cũng áp dụng chiến thuật “Tiền Pháo Hậu Xung Biển Người”. Cộng quân mở trận mưa pháo trên 2 ngàn quả đạn vào vị trí phòng ngự của Tiểu Đoàn 6 và Pháo Đội Dù trên toàn vùng yên ngựa từ đồi Gió đến Đồi 169. Sau trận pháo, Cộng quân huy động hai trung đoàn thiện chiến nhất của hai công trường: Trung Đoàn 141 của Công Trường 7 (đơn vị được rút đi từ đêm 13 rạng 14 tháng 04 để bảo vệ bộ chỉ huy đầu não cục R, đang còn kẹt lại ở vùng phía Đông), và Trung Đoàn 272 của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt đang có mặt tại phía Đông phi trường Quản Lợi. Lực lượng bộ binh địch, được tăng cường đại đội chiến xa T54 thuộc trung đoàn chiến xa 203 Cộng Sản Bắc Việt trợ chiến (tổng cộng quân số bộ binh có trên dưới 4,000 cán binh và gần 100 quân của đại đội chiến xa T54, mở hàng loạt xung phong biển người vào các vị trí phòng ngự của quân Dù Việt Nam Cộng Hoà.

2. TIỂU ĐOÀN 6 DÙ, ĐỒI GIÓ ĐỔI TÊN

Tác giả Phan Nhật Nam viết về một “chiến trường đẫm máu” đoạn nói về Tiểu Đoàn 6 Dù, Đồi Gió Đổi Tên … nguyên văn như sau:

2100g của ngày 19 được đánh dấu bởi quyết định của “Lê Lợi”: Tiểu Đoàn 6 không còn nhiệm vụ giữ pháo nữa, chỉ còn nhiệm vụ giữ cao địa. Tiểu Đoàn Trưởng toàn quyền quyết định. Pháo còn nữa đâu mà giữ, chưa đầy 48 giờ đã mất 6 khẩu pháo với ngàn quả đạn, bây giờ ở đây làm gì ? Dọt. Đỉnh dẫn Đại Đội Chỉ Huy và Đại Đội 62 xuống đồi hướng về phía ấp Srok, nơi đang có 61 lập vị trí, để lại đồi hai Đại Đội 63 và 64 cho Tiểu Đoàn Phó Phạm Kim Bằng trấn giữ.

Vinh con ào xuống như núi lở, Cộng quân bung ra khép lại. Vinh tiếp tục lấn… Chân đồi Gió và ấp Srok lại kẹt thêm cái suối Rộ. Vinh cựa quậy khó khăn dưới đám lau - sậy rưộng sũng nước – Nó bâu tôi như đỉa đói, dứt không nổi anh Năm. Vinh hét với Đỉnh trong máy… Tối quá chỉ có sờ ngực áo mà đánh lưỡi lê thôi, … quên sờ nón sắt mà nhận bạn.

Nhưng Cộng quân cố chận bằng mấy lớp hàng rào người, 11 giò đêm Vinh cũng rờ được cái ấp … nơi đây Đại Đội 61 đang trông chờ từ lúc trời chập tối, 400 m từ chân đồi đến người lính gác của Đại Đội 61, thành phần của Tiểu Đoàn 6 Dù đi mất 3 giờ, 3 giờ thêm một số thương binh vì lưỡi lê và mảnh lựu đạn của 400 m cận chiến !

Bây giờ là 0giờ00 của ngày 19 bước qua 20, Cộng quân không phải chỉ một thành phần, một cánh quân, nhưng mà là một lũ người, một lớp sóng người chen vai thích cánh, lố nhố đầy chân Đồi Gió, chân đồi phiá Tây lẫn chân đồi phía Đông… Cộng quân tràn ngập đường 245 như trẩy hội, Cộng quân bao quanh ấp Srok Ton Cui như đàm người đói vây quanh vị trí phát chẩn. Không phải là một cuộc điều quân nhưng là một chợ người, lộn xộn ồn ào, la hét tìm đơn vị, chuyển lệnh.

- Ngày hôm nay sao máy bay “ngụy “ nhiều quá ! – Sao mày không bắn ! Tao chỉ có AK – AK thì AK, bắn cho “ngụy” sợ.

Ở trong này, Đỉnh thì thầm liên lạc với các Đại Đội 61, 62, và 60: các toa dặn lính đừng bắn, tụi nó đi đâu cho tụi nó đi, chỉ bắn khi nào nó tấn công mình thôi”.

“- Chúng tôi nhận hiểu”. Cả 3 Đại Đội Trưởng đều thở dài, lấy gì mà bắn nữa !! Nhưng dù vô trật tự tới đâu, Cộng quân cũng tập họp lại được hàng ngũ, 3 giờ sáng tiếng kèn thúc quân vang lên lồng lộng… Xong rôi, tụi nó dứt mình …

Tiếng kèn thúc quân xoáy trong đêm, vang dọc theo đường 245. Bỏ mẹ, nó bố quân cả 3 cây số đường dài. Đỉnh run tay khi nghe hiệu lệnh từ đầu đến cuối hàng quân, đồng thời từ phía Bắc đầu đường 245 có tiếng động cơ máy nổ, ánh sáng đèn pha quét ngang dọc bóng đêm. Tăng T54. Cộng quân “dứt điểm” Tiểu Đoàn 6 Dù không nương tay.

3 giờ đúng. Đồi Gió bị tấn công trước. Tiểu Đoàn Phó Phạm Kim Bằng, mặt sắt đen sì, con ngườí quá khổ, chậm rãi điềm tĩnh và hùng tráng như một hiệp sĩ thời cổ đứng ra khỏi hầm điều khiển hai Đại Đội 63, 64 phân công. 63 của Hoàng và 64 của Tuấn, 2 đại đội đã thử lửa với Cộng Sản Bắc Việt từ ngày 17, 2 Đại Đội Trưỏng “tới” quá mức, dũng cảm như những thiên thần tung hoành trên đầu lũ quỷ say máu. Tất cả đều ở tuyến chiến đấu, không còn Khinh Binh, Tổ Trưởng, Trung Đội Trưởng, Tiểu Đoàn Phó … chỉ còn một hàng ngang theo giao thông hào, điểm phân biệt người chỉ huy là tay nói máy chuyển lệnh, tay ném lựu đạn, 2 đại đội chỉ trừ những người chết hay bị thương mê man, thương binh chỉ tạm băng bó sơ qua vết thương, đứng hoặc dựa lưng vào thành giao thông hào để chiến đấu.

4 giờ trong bóng tối ngả màu tím của ngày sắp đền, 4 chiếc T.54 chia từ hai hướng Đông và Đông Bắc bắt đầu lên đồi, lính tùng thiết Cộng Sản Bắc Việt chạy lố nhố theo sau để tính bề diệt gọn. Trăng thượng tuần gần sáng dọi ánh sáng trắng lạnh xuống sườn đồi vằng vặc, khối sắt đen lóng lánh tiến dần vào cùng động cơ vang ầm ì, ngọn đèn vẫn giữ nguyên độ sáng ở vị thế “pha”, luồng sáng dọi thẳng lên đồi hỗn xược thách thức … Hai chiếc T54 đầu tiên bò lần lần từng thước đồi dựng đứng.

- Để tao thanh toán nó”, Tuấn đứng thẳng khỏi giao thông hào, kéo chiếc ống M72 cơ hữu (trên nguyên tắc chỉ khinh binh mới có M72). Rút hết các chốt an toàn. .. Tách ! Sợi giây an toàn cũng đã bị đứt, Tuấn đưa chiếc hoả tiễn lên vai nheo mắt … 100 thước, còn xa, 80 thước, hơi xa, 50 thước, đủ ! Tuấn bị loá mắt bởi hai ngọn đèn dọi thẳng mặt… Ầm ! Quả hoả tiễn dập vào giữa hai điểm sáng, hơi chếch cao một chút, trúng ngay pháo tháp… Chiếc thứ hai tăng tốc độ hú tiếng lớn nhấc một cái lên tuyến phòng thủ, hạ sĩ Nhu, Tiểu Đội Trưởng can trường không kém Đại Đội Trưởng, nhẩy vội lên pháo tháp, quả lựu đạn phát nổ sau khi Nhu vừa kịp nhảy xuống.

Hai chiếc T54 của phía Đông thì do chính Hoàng và một binh sĩ khác hạ... Cộng quân dạt lui xuống chân đồi để đại pháo rưới thêm một lớp, lớp thứ sáu kể từ lúc khởi đầu trận đánh. Ngày tới với ánh sáng cùng cơn mưa pháo thứ bảy, đỉnh đồi bây giờ tan hoang, điêu tàn và bốc khói, khói của đạn địch và khói của đạn ta cháy dở … “Hột lạc” dài 300 m ngang 70 m, hứng khoảng 2,000 quả đạn trong một đêm với vị trí dã chiến, ngày chiếu ánh sáng rọi rõ cảnh vật tan nát ..

Tiểu Đoàn Phó Bằng bị “tung” một mắt. Tuấn hứng một quả 75 ly, quả đạn nổ ngay trên thân thể người sĩ quan trẻ mới 23 tuổi… số tuổi quá nhỏ đem so với chiến trường nặng độ. Đồi Gió kể từ đó mang tên mới: Đồi “Quốc Tuấn”, danh hiệu truyền tin của Tuấn, Cao Quốc Tuấn.

Với một con mắt đẫm máu, Bằng nghiến răng, nhướng mắt còn lại giữ vững đồi cho đến lượt tấn công thứ 16. 12 giờ trưa ngày 20, Bằng kiệt lực suôi tay bỏ rơi chiếc combiné, gọi Hoàng đến:”Thay moa đem hai đai đội về 169 (Tây Nam Đồi Quốc Tuấn với một cái yên ngựa chập chùng trên 2 km đường rừng rậm). Nhớ dem hết thương binh, kẻ chết phải chôn lại …”
(18) (Xem bản đồ 7)

Chú thích: (18) Chiến Trường Đẫm Máu 1972 An Lộc Anh Dũng bài 4, trang 1, 2, 3 của tác giả Phan Nhật Nam.

3. KHÔNG QUÂN YỂM TRỢ CHO CHIẾN TRƯỜNG
TRONG ĐỢT TẤN CÔNG LẦN THỨ BA


Ngay từ khi khởi đầu cuộc chiến, một lằn ranh phân định về không yểm cho chiến trường An Lộc cũng đã được các giới chức cao cấp Việt Mỹ thảo luận và đồng ý chấp nhận một lằn ranh giới:

A- Không Quân Hoa Kỳ (Không Quân Chiến Thuật cũng như Không Quân Chiến Lược B52) , trách nhiệm yểm trợ cho chiến trường từ phía Bắc quận Chơn Thành 3 cây số trở lên đến Lộc Ninh xuyên đến ranh giới Việt Miên, trừ vùng không phận căn cứ hoả lực Tống Lê Chân 15 cây số Tây Nam An Lộc giáp ranh hai tỉnh Tây Ninh và Bình Long.

B- Không Quân Việt Nam Cộng Hoà (Không Quân Chiến Thuật, Trực Thăng Võ Trang) lãnh trách nhiệm từ lằn ranh giới quy định trở về phía Nam.

C- Riêng trực thăng đổ quân, do Không Đoàn 43 Trực Thăng thuộc Sư Đoàn 3 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà (căn cứ Biên Hoà đảm trách toàn vùng; Trực thăng tản thương, có sự phối hợp Việt Mỹ, không phân chia ranh giới).

D- Thả dù tiếp tế, do Không Đoàn C.119 và C.123 thuộc Sư Đoàn 5 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà căn cứ tại phi trường Tân Sơn Nhất đảm trách.

Trong suốt đêm 18 tháng 04, những chiếc AC.130 (Spec- tre) của Không Lực Hoa Kỳ có thiết trí đại bác 105 ly và nhiều khẩu đại liên đủ cỡ, được điều khiển bằng hệ thống Mắt Thần, bay ở cao độ ngoài tầm sát hại của các loại phòng không địch, thay phiên nhau, không ngừng nghỉ yểm trợ quân bạn, tại các tuyến đầu xung quanh thành phố An Lộc và tại căn cứ Đồi Gió và Đồi 169, do sự điểu khiển trực tiếp của các Cố Vấn Mỹ, đang có mặt tại từng đơn vị bộ binh Việt Nam Cộng Hoà. Sự yểm trợ rất đắc lực và gần như chính xác này, đã gây rất nhiều thương vong cho các cán binh Cộng Sản Bắc Việt, áp dụng chiến thuật, xung phong biển người, cũng như các chiến xa của địch quân bị bắn cháy, không có chiếc nào chạy thoát. Sự yểm trợ này được tiếp diễn qua suốt ngày hôm sau, cho lực lượng Dù tại vùng Đồi Gió và Đồi 169, còn về các phi vụ B52, cũng đã được Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III hoạch định những Box B52 oanh tạc tiên liệu cho toàn chiến trường An Lộc, tổng cộng ghi nhận có tất cả 13 Box B52, trọn ngày 19 tháng 04 năm 1972, ngoại trừ mục tiêu phi trường Quản Lợi, nơi đặt bản doanh đầu não của Cục R quân Cộng Sản Bắc Việt.

Kết luận: Sau 3 lần tấn công, Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt được lệnh rút ra khỏi trận chiến, về điểm tập trung, chấn chỉnh lại hàng ngũ, cũng có nghĩa, đã bị thiệt hại nặng, không còn đủ sức để mở thêm bất cứ một cuộc tấn công nào khác. Thực lực gom hết lại, chỉ còn có chừng 1 trung đoàn, được tăng cường cho Công Trường 9 . Công Trường 5, Cộng Sản Bắc Việt, di chuyển về vùng Đồng Bằng sông Cửu Long thuộc Vùng 4 Chiến Thuật, để tĩnh dưỡng và bồ sung quân số. (19)

Chú thích: (19) Hồi ký của Tướng Cộng Sản Bắc Việt Hoàng Cầm trang 278.


CHƯƠNG 7
TRẬN TẤN CÔNG LẦN THỨ TƯ VÀO THỊ TRẤN AN LỘC,
KHỞI DIỄN VÀO ĐÊM 10 THÁNG 05 NĂM 1972



1. ĐỊCH QUÂN THAY ĐỔI CÔNG TRƯỜNG 5
BẰNG CÔNG TRƯỜNG 9 CỘNG SẢN BẮC VIỆT.



Khai thác vào những tin điện mật mã, bắt được từ Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn Cộng Sản Bắc Việt, quân Địch được tái phối trí lại, và cũng dựa theo những nguồn tin đó, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cũng tái bố trí cho phù hợp tình hình chiến trường như sau:

1.1 Tại Mặt Trận Phía Bắc Thành Phố

Về Lực Lượng Địch: Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, sau 3 lần tấn công bất thành vào thành phố, dường như bị kiệt quệ, đã nướng trên 2 trung đoàn bộ chiến và gần nguyên tiểu đoàn chiến xa của trung đoàn chiến xa 203, tàn quân còn lại chưa đầy 1 trung đoàn được tăng cường cho Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt đang lẩn quẩn phía Tây, Tây Bắc thành phố trong khu vực Đồi Đồng Long. Viên Chính Ủy và viên Thủ Trưởng Công Trường 5 đều bị khiển trách nặng nề, vì không những đã làm tê liệt cả sư đoàn cơ hữu, mà còn làm thiệt hại lây cả Công Trường Bình Long và một phần của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt nữa (theo lời cung khai của tù hàng binh Cộng Sản khai báo sau này). Về khả năng tác chiến hay tấn công không còn nữa.

Về Lực Lượng Bạn: Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, mặc dù bị thiệt hại khoảng 40% quân số, nhưng ngược lại được tăng cường thêm 550 chiến sĩ Biệt Cách Dù rất tinh nhuệ, do đó quân số trên tuyến phòng thủ mặt Bắc vẫn còn trên 2,000 tay súng cừ khôi, chiến đấu dũng mãnh,

1.2 Tại Mặt Trận Phía Đông Thành Phố

Về Lực Lượng Địch: Công Trường Bình Long, sau 3 đợt tấn công có sự trợ lực của Trung Đoàn 272 Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt và 1 đại đội chiến xa, đã bị tổn thất phân nửa quân số (đa số là lính Miên, rất sợ máy bay oanh tạc), và 1 tiểu đoàn đặc công của Cục R Cộng Sản Bắc Việt, còn lại vài chiến xa đang có mặt tại vùng phía Đông phi trường Quản Lợi. Tinh thần các cán binh rất sút kém (trừ Tiểu Đoàn Đặc Công Cục R).

Về Lực Lượng Bạn: Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân đã bị hao tổn 1/3 quân số, nhưng khi được biết bên cạnh mình đang có Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù đang rượt đuổi quân Cộng Sản Bắc Việt thì cả gần 1,000 tay súng gan lỳ Biệt Động Quân, tinh thần quyết chiến thắng lại lên cao, nên phòng tuyến mặt phía Đông khá vững chắc.

1.3 Tại Mặt Trận Phía Tây Thành Phố

Về Lực Lượng Địch: Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt, được lệnh điều động rút trở về 2 trung đoàn cơ hữu 271 và 272 , từ vùng Đồi Gió và vùng phi trường Quản Lợi, cho tái bổ sung quân số đã bị hao hụt, cùng một thành phần cấp trung đoàn còn lại của Công Trường 5, được tăng cường cho 1 tiểu đoàn của Trung Đoàn Thiết Giáp 203 (-), để chuẫn bị làm nỗ lực chính cho đợt tấn công sắp tới, đang có mặt trong vùng phía Tây thành phố.

Về Lực Lượng Bạn: Trung Đoàn 7 Bộ Binh còn lại chưa đủ 1,200 tay súng, so với quân Cộng Sản Bắc Việt đang có mặt trong phần trách nhiệm trên 10,000 có cả chiến xa trợ chiến, rõ là một mối đe dọa cho Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Tướng Hưng bên sườn trái.

1.4 Tại Mặt Trận Phía Nam Thành Phố

Về Lực Lượng Địch: Công Trường 7 (-) còn lại Trung Đoàn 165, với quân số khoảng 1,500 cán binh còn nguyên vẹn . Trung Đoàn 209 từ gần 2 tháng qua đã bị các đơn vị Việt Nam Cộng Hoà bao vây đánh gần như tan nát tại vùng suối Tàu Ô, không rút chân ra được và cũng không thêm quân vào được. Riêng Trung Đoàn 141, một minh phải lãnh trách nhiệm tả xung hữu đột, nhất là khi lãnh trách nhiệm tấn công Đồi Gió, lại gặp phải lực lượng Dù Việt Nam Cộng Hoà phòng thủ, phải hao tốn hơn phân nửa quân số, và phải tức tốc rút về tái bổ sung. Như vậy Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt ước tính còn khoảng 3,500 cán binh, đang có mặt vùng phía Nam cạnh Quốc Lộ 13.

Về Lực Lượng Bạn: Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù với 2 Tiểu Đoàn 5 và 8 tạo vòng đai thép, 2 cây số phía Nam bên ngoài thành phố , tuyến phòng thủ thứ 2 do gần 2 Tiểu Đoàn Địa Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long và khoảng hơn một Đại Đội của Tiểu Đoàn 6 Dù, rút lui từ Đồi Gió về, thống nhất Chỉ Huy trên tuyến phòng thủ này, do một Sĩ Quan của Tiểu Đoàn 6 Dù . Tuyến phòng thủ thứ 3 do Đại Đội Trinh Sát của Lữ Đoàn 1 Dù bảo vệ Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn và Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long. Mặt trận phía Nam được phòng thủ thật kín đáo, chia làm 3 vòng đai, có thể nói là bất khả xâm phạm.với gần 2,500 tay súng thiện nghệ, mà người đời đã tặng cho cái biệt danh Thiên Thần Mũ Đỏ (riêng gần 500 chiến sĩ Địa Phương Quân chiến đấu bên cạnh quân Dù, thì tinh thần chiến đấu cũng cao độ như quân Dù vậy, đó là quy luật chung của chiến trận chiến đấu theo màu cờ sắc áo)

Mặt trời mới vừa khuất bóng, Sư Đoàn 69 Pháocủa Cộng quân từ hướng Tây, các khẩu pháo binh 105 ly và 155 ly của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bị Cộng quân chiếm được, từ hướng Đông phi trường Quản Lợi, đã mở trận mưa pháo tập trung vào căn cứ điểm quan trọng trong thị xã An Lộc như: Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà (căn cứ cũ), Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long, và chu vi vòng đai thị xã, mà Cộng quân nghĩ rắng đang có các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà đang ghìm tay súng chờ đợi quân thù . Nặng nhất là trên tuyến phòng thủ của Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà ở mặt phía Tây.

Sau 8 tiếng đồng hồ liên tục pháo kích với hơn 8,000 quả đạn đủ loại, quân Cộng Sản Bắc Việt cũng lại áp dụng chiến thuật tiền pháo hậu xung (biển người) có chiến xa yểm trợ tấn công điên cuồng vào:

A- Tuyến phòng thủ phía Tây:

Về mặt phía Tây,Cộng quân xử dụng 2 trung đoàn bộ binh 271 và 95C, Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt,và 1 tiểu đoàn chiến xa hỗn hợp T.54 và PT.76 (khoảng 34 chiếc), sau 3 đợt tấn công, đã đánh xuyên thủng phòng tuyến của Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà (tuyến này do 2 Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà trấn thủ) khiến cho lực lượng của Trung Đoàn 7, phải lui dần về đến gần hầm chỉ huy của Tướng Hưng là cứ điểm cuối cùng.

Các chiến sĩ Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, đã nhiều lần cận chiến với quân Cộng Sản Bắc Việt, đẩy lui nhiều đợt tấn công của địch, và bắn cháy 6 chiến xa địch trước tuyến phòng thủ.

Tại Bộ Chỉ Huy của Tướng Hưng hiện giờ chỉ có 1 Đại Đội Trinh Sát 5 của Sư Đoàn (kiểm điểm lại tới giờ phút đó chỉ còn lại có khoảng không đầy 40 tay súng). Tướng Hưng hỏI vị Đại Đội Trưởng Trinh Sát là tại sao quân số còn ít quá như vậy ? Vị Đại Đội Trưởng thưa rằng,Binh sĩ nằm phòng thủ bảo vệ vòng ngoài với hầm hố dã chiến, pháo địch sát hại lần hồi !!! Tướng Hưng lại hỏi sao Anh không báo cáo ? Vị ĐạI Úy trả lời, báo cáo mà chẳng được bổ sung, lại gây cho Thiếu Tướng thêm lo và phân tâm trong việc điều khiển quân tình, nên Em đành phải cắn răng lặng thinh cho đến giờ này, Thiếu Tướng hỏi Em mới dám trình quân số lên Thiếu Tướng !!!

Căn cứ vào cường độ tấn kích của Cộng quân ,chĩa mũi dùi chính về phía Tây với lực lượng 2 trung đoàn bộ binh và chiến xa,( cho tới giờ phút này Cộng quân cũng chưa biết vị trí Bộ Chỉ Huy đầu não của Tướng Hưng nằm ở đâu ).

Trong tình thế cấp bách, Tướng Hưng gọi cho Đại Tá Trường, cần phải điều động quân về tăng cường cho Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn ngay tức khắc, Tướng Hưng cho biết: “tuyến của thằng 7 (Trung Đoàn 7 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà) đã bị vỡ, địch đang trên đà chuyển dần đến hầm chỉ huy của tôi”. Đại Tá Trường cho điều động Đại Đội Trinh Sát 8, tức tốc kéo về hầm chỉ huy của Tướng Hưng, đồng thời tiếp tục cho điều động thêm 1 tiểu đoàn của Trung Đoàn 8 rút về tiếp ứng. Tiếp theo đó, Tướng Hưng gọi cho Đại Tá Lưỡng cho thiết kế lại tuyến phòng thủ phía Nam và rút ra liền 1 tiểu đoàn Dù, tức tốc di chuyển đến ngay Bộ Chỉ Huy Trung Ương chận đứng mũi dùi của địch đang tiến về hướng hầm chỉ huy, và gọi Trung Tá Biết đang trấn giữ mặt Đông,còn chưa bị tấn công,điều động ngay 1 Tiểu Đoàn Biệt Động Quân về bảo vệ cho Bộ Chỉ Huy đầu não của Tướng Hưng.

Một lực lượng hỗn hợp gồm 3 tiểu đoàn: Bộ Binh, Dù và Biệt Động Quân đến kịp thời, và chặn đứng chiến xa và bộ binh địch, chỉ còn cách hầm Tướng Hưng khoảng 200 thước. Các chiến sĩ Bộ Binh, Dù và Biệt Động Quân cận chiến, quần thảo với quân địch cho tới trời hừng sáng, bắn cháy nhiều chiến xa địch, đồng thời chận đứng được mũi dùi tấn kích của địch đang hướng về hầm chỉ huy của Tướng Hưng. Sau đó cùng nhau hợp đồng tác chiến, đẩy lui toàn bộ địch quân ra khỏi tuyến phòng thủ của Trung Đoàn 7 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà khi trước ! Vòng đai thứ hai bảo vệ hầm Chỉ Huy của Tướng Hưng, vẫn do 2 Đại Đội Trinh sát 5 và 8 đảm trách .

Trong vài giây phút ngắn ngủi trên đầu giây điện thoại, Tướng Hưng căn dặn Đại Tá Trường, là nếu chẳng may Việt Cộng tràn được đến đây, tôi sẽ mở chốt lựu đạn cho nổ, chứ không để chúng nó bắt sống, còn anh thì gom quân lại, theo chân Trung Tá Huấn lui dần về phía Nam, nhập chung với Đại Tá Lưỡng,rút quân ra khỏi thành phố, vượt khỏi vòng vây về Lai Khê…

B- Tuyến phòng thủ phía Tây Bắc.

Cùng thời điểm đó, vào khoãng 9 giờ sáng, tại tuyến phòng thủ Tây Bắc, một lực lượng khác của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt (cấp 2 Trung Đoàn), được tăng cường khoảng 20 chiến xa T.54, mở nhiều đợt xung phong biển người, nhưng đều bị các chiến sĩ của Trung Đoàn 8 Việt Nam Cộng Hòa,đánh bật trở ra . Tổ chức lại đội ngũ, rồi cho xe tăng và bộ binh tấn công trở lại… Các chiến sĩ Trung Đoàn 8 Bộ Binh quần thảo với Địch, được kéo dài cho đến 11 giờ trưa, quân Bạn được sự yểm trợ của các phi tuần phản lực Hoa Kỳ từ hai Hàng Không Mẫu Hạm đang đậu ngoài khơi biển Nam Hải .

Các loại súng cối 60 ly, 81 ly của các đơn vị Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà thi nhau tác xạ vào đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt đang dàn hàng ngang đông như kiến càng, đạn cối nổ ra, bung lên một lỗ, rồi tụ trở lại như thường. Còn phi cơ oanh tạc cũng như thế. Tại mặt trận, Đại Tá Trường luôn kêu gọi Tướng Hưng tiếp tục cho các phi tuần phản lực oanh kích liên tiếp, và đã đẩy được địch lui ra trên 1 cây số bên ngoài. Tưởng rằng địch đã chạy !!! Cho đến 11 giờ 30, địch lại tập trung tấn công lần nữa, lần này địch gom toàn bộ hơn 2,000 cán binh, và gần 20 chiến xa giăng hàng ngang từ từ tiến vào... Đại Tá Trường quan sát thấy tình hình như thế cảm thấy lo âu, báo cáo cho Tướng Hưng cấp thời

…Tướng Hưng trả lời cứ để cho tụi nó tiến, các anh thông báo cho tất cả binh sĩ chuẩn bị đừng ép ngực vào thành đất, và chờ đợi sẽ có Không Quân đồng minh đến yểm trợ trong vài phút nữa. (xin nhắc lại rằng đường giây điện thoại trong lúc này chỉ riêng Trung Đoàn 8 là còn sử dụng được, còn các đơn vị khác thì phảI dùng hệ thống vô tuyến với khoá nguỵ thảo mật mã cho từng đon vị).

Trên vùng trời trong sáng khoảng 11 giờ 45, các phản lực cơ được lệnh rời vùng, để lại cho mọi người một bầu không khí vô cùng ngột ngạt. Trong lúc quân địch tiến càng gần đến, 1,000 thước rồi 900 thước, thình lình trên bầu trời có tiếng rít gió nghe rợn ngươi, tưởng như tiếng âm hồn ma quỷ trổi lên đòi cướp linh hồn của các chiến sĩ. Sau tiếng rít gió là hàng loạt tiếng nổ chát chúa, kinh thiên động địa, khói bụi tung bay cả một vùng ngang 1 cây số dài 3 cây số, ngay chóc đội hình đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt đang trên đường tiến vào. Khi khói bụi tan dần, Đại Tá Trường cùng toàn thể chiến sĩ có mặt trên chiến tuyến nhìn lại không còn thấy vật gì tồn tại, kể cả xác của các chiến xa đã tung bay đi đâu hết, nhường lại trên mặt đất đầy rẫy những hố bom rộng hơn chiếc ao nuôi cá ở đồng quê Việt Nam. Đại Tá Trường, Trung Tá Huấn và tất cả các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà hiện diện trên chiến tuyến mặc dầu nhiều người bị tức ngực bởi sức ép của B52 oanh tạc, nhưng cũng đã thở ra được môt hơi dài nhẹ nhõm.

Không biết ở đâu mà có B52 bỏ bom đến kịp thời và đúng lúc như vậy ! Thông thường thì Quân Đoàn phải xin dự trù trước 48 giờ, và phải ghi rõ mục tiêu muốn đánh !! Trong trường hợp này mục tiêu lại xuất hiện bất thình lình, không ai biết trước được, dù rằng dự đoán đó có nghĩ ra được trước vài tiếng đồng hồ, cũng không đủ thời gian để Quân Đoàn yêu cầu B52 oanh tạc ngay lúc tình hình mặt trận đang hồi thật là gây cấn như lần này vậy !! (20)

Chú thích: (20) Nhật ký Hành Quân Quân Đoàn 3 nói về trận An Lộc năm 1972.

Nhờ Trời chăng? Người xưa có nói “Nhân Định Bất Thắng Thiên”, dịch ra tiếng bình dân nói là Người Tính Không Bằng Trời Tính.

Nguyên do có B52 oanh tạc rất là đúng lúc là vì: Trong ngày hôm đó tại Vùng II Chiến Thuật, Cố Vấn Trưởng Quân Đoàn John Paul Vann là người rất có quyền lực trong việc yêu cầu xin Không Quân Hoa Kỳ yểm trợ cho chiến trường Vùng II các phi vụ Không Quân Chiến Thuật cũng như Không Quân Chiến Lược B52. Vị cố vấn tài ba này đã hết lòng lo cho vận mệnh của Đất Nước Việt Nam và luôn luôn tận tâm trong chức vụ. Sau cùng ông cũng đã chết vì chức vụ của mình, trong đêm buồn thảm vùng đèo Chu Pao dọc theo Quốc Lộ 14. Tử nạn vì viên phi công mới của ông là Trung Úy Ronald Doughtie thiếu kinh nghiệm bay đêm đụng ngọn cây, gây tử thương cho một vị cố vấn Quân Đoàn kiệt xuất mà tất cả quân nhân các cấp Quân Đoàn 2/Quân Khu II cũng như dân chúng toàn vùng không bao giờ quên được những gì ông đã làm và mang lại cho chính nghĩa của Quân Dân Việt Nam Cộng Hoà khi ông còn sinh tiền. (xin đọc sách tựa đề “Sự Lừa Dối Hào Nhoáng, John Paul Vann và Nước Mỹ ở Việt Nam” của tác giả Neil Sheeman).

Tuy nhiên, về cái chết của cố vấn Vann, theo lời của hai nhân chứng còn sống là Trung Úy Nguyễn Văn Cai,(sĩ quan tuỳ viên) của cố vấn Vann đang cư ngụ tại Louisiana, Hoa Kỳ, và ông Lê Phát Được, đang cư ngụ tại Houston, TX, đã từng là thông dịch viên của cố vấn Vann, là hai người thường theo sát bên mình cố vấn Vann trong những lúc hành quân cũng như thanh tra diện địa, thuật lại về cái chết của ông cố vấn Vann là do trực thăng bị phát nổ khi ông Vann tự lái từ buổi dạ tiệc tại Pleiku trong đêm 09 tháng 06 năm 1972 bay về Kontum hẹn gặp với Tướng Lý Tòng Bá (Tướng Bá hiện đang cư ngụ tạI California) chứ không phảI là bị đụng ngọn cây như một vài sách báo đã viết. (21)

Chú thích: (21) Do các nhân chứng sống đã xác nhận: Trung Úy Nguyễn Văn Cai, Ông Lê Phát Được, và Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá.

Cố Vấn Vann đã xin 12 phi vụ B52 cho chiến trường Kontum,đến phi vụ thứ 9 là đã hoàn tất các mục tiêu oanh tạc trong Vùng II, còn thừa 3 phi vụ không cần thiết nữa, Cố Vấn Vann mới gọi về cho Bộ Tư Lệnh Mỹ MACV trung ương cho huỷ bỏ 3 phi vụ còn thừa lại, trong khi đó thì các pháo đài bay B52 đã cất cánh từ Guam đang trên đường bay qua Vùng II, Bộ Tư Lệnh MACV liền cấp tốc gọi xuống Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 cho Thiếu Tướng Hollingworth Cố Vấn Trưởng cho Tướng Minh kịp lúc trước 30 phút, và kịp liên lạc cho cả 3 phi vụ B52 trên đường bay thay đổi mục tiêu và toạ độ thả bom rất đúng lúc, và cả ba phi vụ B52 lần lượt thay phiên nhau trải thảm bom ngay trên đầu đoàn chiến xa và trên 2,000 quân bộ chiến Cộng Sản Bắc Việt đang tiến gần kề vào quân bạn, chỉ còn cách tuyến phòng thủ của quân bạn có 900 thước và các mục tiêu khác chung quanh chiến trường An Lộc.

C- Tại tuyến phòng thủ phía Đông

Sau khi hai trung đoàn 271 và 272 được rút về sáp nhập với đơn vị mẹ là Công Trường 9 ở phía Tây, lực lượng quân Cộng Sản Bắc Việt ở phía Đông chỉ còn lại Công Trường Bình Long què quặt, binh lính đa số là người gốc Miên, tinh thần chiến đấu lại sa sút trầm trọng, Công Trường Bình Long còn đảm trách thêm phần giữ an ninh Đồi Gió và Đồi 169 sau khi lực lượng chủ lực của Công Trường 9 và Công Trường 7 rút đi. Biết thế, Cục R cho lệnh rút Trung Đoàn Đồng Nai (Công Trường Bình Long) (quân số còn khoảng trên dưới 700) thay thế bằng Tiểu Đoàn Đặc Công của Cục R hoán đổi ra tuyến đầu, Tiểu Đoàn Đặc Công Cục R được tăng cường cho 5 chiến xa còn lại của Trung Đoàn 203 chiến xa, làm mũi nhọn tấn công thẳng hướng vào Bộ Chỉ Huy cũ của Tướng Hưng (gần ga xe lửa) và một mũi dùi khác đảm trách bởi trung đoàn còn lại của Công Trường Bình Long, nổ lực bên cánh phải.

Sau khi ngưng tiếng pháo vào khoảng 11 giờ đêm cùng ngày, bộ binh và chiến xa bắt đầu mở cuộc tấn công đồng loạt dọc theo tuyến phòng thủ của Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hoà, mạnh nhất là cánh trái tiểu đoàn đặc công Cục R và các chiến xa T.54 đã thành công xuyên thủng được một lỗ trên tuyến phòng thủ của Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hoà tận đến ngay vị trí Bộ Chỉ Huy cũ của Tướng Hưng trong đêm tối. Bọn chúng la inh ỏi hỏi nhau là tìm được Sư Trưởng của Sư 5 chưa, chúng chia nhau bới xới các bao cát cũng như các vỉ sắt, lục lọi cho đến trời sáng mà vẫn chưa tìm thấy Tướng Hưng đâu hết. Trời bắt đầu sáng, Cộng quân lộ nguyên hình trước các chiến sĩ Biệt Động Quân vài ba thước, là mục tiêu rất tốt làm bia cho các chiến sĩ Biệt Động Quân bắn hạ. Cả tiểu đoàn đặc công Cục R phải tháo chạy trở lui ra với sự thiệt hại nặng nề, còn các chiến xa T.54, trong đêm tối, ủi bừa vào trong dẫy phố sụp cống lay hoay cho tới trời sáng mà chẳng ngoi lên được.

Một câu chuyện do một nhân chứng sống Biệt Động Quân tên là Nguyễn Văn Xuân, Hạ Sĩ, kể lại như sau: Khoảng 8 giờ sáng, ngày 11 tháng 5 năm 1972, trên con đường ven ranh thành phố có 1 T.54 sụp cống, cứ hụ ga de lui tiến tới cả chục lần mà không ngoi lên được khỏi rãnh cống bên lề đường. Cuối cùng các cán binh CS phải mở nắp tháp chui ra ngoài quan sát và tìm cách cho xe ngoi lên, trong lúc loay hoay trước căn nhà 2 tầng cất bằng gỗ của gia đình một cụ già trên 70 tuổi, làng xóm thường gọi ông là Bác Sáu. Ông Sáu thấy tiếng động cơ xe tăng cú hụ lên hụ xuống cả mấy tiếng đồng hồ trước mặt nhà mình,cho đến trời đã sáng tỏ mà vẫn còn hụ. Đến khi trời sáng, ông Sáu mới lần mò ra trước ban công gỗ phía trước, cùng lúc đó ông thấy hai cán binh Cộng Sản đang cúi đầu xem cái xích sắt bị quấn kẻm gai và sụp cống,trong khi pháo tháp thì mở toang ra, nhìn trong xe dường như còn 1, 2 tên gì nữa cũng đang bận làm việc gì đó! Ông vội lui vào bên trong, kề tai nói nhỏ với ba chiến sĩ Biệt Động Quân đang ẩn núp trên căn lầu: các con ơi, xe tăng Việt Cộng đang sụp rãnh trước nhà mình mà lại mở nắp pháo tháp ngay gần trước mặt mình. Một chiến sĩ Biệt Động Quân định bò ra xem, ông Sáu cản lại: con mặc đồ rằn ri mà xuất hiện ló đầu ra ngoài,rủi tụi nó nhìn thấy được là chúng nó nổ súng liền. Ông Sáu đề nghị cậu nào có lựu đạn ? Một chiến sĩ Biệt Động Quân liền gỡ một quả lựu đạn M.26 đang đeo trên ngực, rút chốt và chỉ dẫn ông Sáu cầm chặt để tay sau lưng bước ra ngoài ban công run run giọng hỏi: các cháu cần gì không ? Cán binh Cộng Sản đứng bên dưới nhìn lên thấy một cụ già lụm khụm cũng không thèm trả lời. Ông Sáu bước ra thêm vài bước sát ban công và ngó xuống thấy 2 tên Cộng Sản đang lay hoay trước đầu xe… Nhìn thấy pháo tháp vẫn còn mở, ông Sáu liền bỏ nhẹ quả M.26 lọt ngay vào trong xe và vội lui ngay vào bên trong nhà, một tiếng nổ chát chúa và tiếp theo là nhiều tiếng nổ khác, rồi từng cụm khói đen bốc lên. Ông Sáu và 3 chiến sĩ Biệt Động Quân vội tụt xuống lầu ẩn núp rồi rút lui ra ngõ sau, lẩn mình vào các khu phố kế tiếp. Khi tiếng súng im lặng trở lại, ông Sáu lần mò về nhà, thấy xác chiến xa bị cháy đen vẫn còn nằm đó bên trong có vài khối thịt cháy đen xông lên mùi khó ngửi, mặt tiền căn nhà cửa ông Sáu cũng bị cháy nám một phần.

Tại mặt trận phía Đông, tiếng súng cũng từ từ im lặng. Biệt Động Quân đã quét sạch quân Cộng Sản Bắc Việt ra ngoài vị trí phòng thủ, chúng chạy về hướng phi trường Quản Lợi bỏ lại chiến địa trên 300 xác chết và ba chiến xa T.54 bị cháy.

Câu chuyện này chứng tỏ sự gắn bó giữa Dân và Quân Việt Nam Cộng Hoà, cùng sát cánh chống Cộng tới cùng.

D- Tại tuyến phòng thủ phía Nam và Tây Nam

Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt gồm có 3 trung đoàn bộ binh: trung đoàn 141, trung đoàn 165, và trung đoàn 209 được tăng cường 1 tiểu đoàn của trung đoàn chiến xa 203 (T.54 và PT 76) và sư đoàn pháo số 69 trực tiếp yểm trợ cho mặt trận phía Nam, âm thầm di chuyển về phía Nam từ lúc khởi đầu trận chiến.

Công Trường 7 vì nhu cầu chiến trận, bắt buộc phải xé lẻ sư đoàn ra làm 3 mảnh: trung đoàn 209 phải đóng chốt như du kích đánh lẻ tại vùng suối Tàu Ô, trung đoàn 165 thì ẩn trú trong các hầm đào sâu dưới đường rầy xe lửa cạnh Quốc Lộ 13 tạo thành những chốt ngầm rất kiên cố, còn trung đoàn 141, giỏi về cơ động tính tác chiến, nên được dùng làm lực lượng trừ bị nòng cốt cho sư đoàn, cả 2 trung đoàn 209 và 141 đều bị thiệt hại khá nặng nề. Sau khi tấn công xong Đồi Gió, trung đoàn 141 được lệnh rút trở về đơn vị mẹ Công Trường 7,để tái bổ sung và tái chỉnh đốn lại hàng ngũ. Và xuất quân cùng trung đoàn 165, đồng mở mũi dùi tấn công vào phía Tây Nam thành phố.

Sau khi dứt tiếng pháo, khoảng 12 giờ đêm ngày 11 tháng 5 năm 1972,Cộng quân chĩa mũi dùi tấn công vào tuyến của Tiểu Đoàn 8 Dù, đi đầu có 2 T.54 và 2 PT.76, vừa di chuyển vừa bắn như trâu điên. Có thể nói mũi dùi tấn công của thành phần Công Trường 7 từ hướng Nam cũng khá mạnh, nếu tại phía Nam mà do lực lượng Địa Phương Quân của Tiểu Khu với quân số 1 Đại Đội hay Tiểu Đoàn (-) thì không làm sao chịu nổi đà tấn kích của gần 2 Trung Đoàn Bộ Binh của Công Trường 7, Cộng Sản Bắc Việt, tuyến phòng thủ ắt phải vỡ tung. Nhưng xui cho Cộng quân, đụng phải thứ dữ,Tiểu Đoàn 8 Dù với khoảng trên 600 tay súng thiện chiến, phòng thủ có hầm hố kiên cố. 2 T.54 đi đầu bị các chiến sĩ Dù bắn cháy ngay đôi ba phút đầu, còn lại 2 PT.76 thì rồ ga chạy thoát thân lẩn trong rừng cao su, cố vấn Mỹ của Tiểu Đoàn 8 Dù cũng không buông tha, gọi Rồng Già AC.130 có đại bác 105 ly, thí cho mỗI chiếc PT.76 1 quả 105 ly bất động luôn, đoàn chiến xa nhiều chiếc phía sau không dám tiến lên nữa, liền tắt đèn pha, lẩn trốn trong bóng đêm, nhưng cũng không thoát khỏi mắt thần của các phi cơ AC.130 của không lực Hoa Kỳ lần hồi bắn cháy thêm hơn 14 chiếc. Còn bộ binh Cộng quân thì bị các chiến sĩ Dù bắn hạ không sót một tên khi tràn đến giao thông hào của lực lượng Dù, đến trời sáng tỏ, Cộng quân khi nhìn thấy rõ là đụng phải lính Dù thì mất hết tinh thần, vừa bắn trả vừa tháo lui rút chạy,không lấn thêm được một tấc dất nào hết. Tại mặt trận phía Nam này cũng yên tiếng súng sau vài giờ giao chiến .

Một tù binh cấp Tiểu Đoàn của Công Trường 7,được Tiểu Đoàn 8 Dù cứu sống, sau khi bị thương nằm rên la trên tuyến phòng thủ, được y tá của Tiểu Đoàn 8 Dù băng bó vết thương ở bụng cứu mạng, tiết lộ là: tất cả các cán binh Cộng Sản Bắc Việt, mỗi khi lâm chiến với Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà rất sợ B52 oanh tạc, vì bom rơi trên đầu từ trên cao rít gió đến bất thình lình, và sức tàn phá thật là kinh khủng san bằng tất cả,kể cả các loại chiến xa, không thứ gì chịu nổi bom của B52 hết, kế đến là sợ đụng phải đơn vị Nhảy Dù, lúc ban ngày, sẽ không thoát được một mống nào hết, bắn như để, kế đến là đụng với Biệt Cách Dù, như những bóng ma, khi ẩn khi hiện, nhất là về đêm, lỡ sơ xuất ngủ quên một chút,khi mở mắt ra là thấy Diêm Vương đứng ngay trước mặt.

Bây giờ cả ba thứ đó đều có mặt tại chiến trường An Lộc. Cộng Sản Bắc Việt thua là phải, bởi những ấn tượng trên.

Với cuộc tấn công lần thứ tư này, Cộng quân quyết tâm thanh toán mục tiêu - Thị Xã An Lộc - bằng mọi giá, nhưng rốt lại, suốt 3 đêm 2 ngày quần thảo với các lực lượng Việt Nam Cộng Hoà cũng đều bị đánh bật trở ra toàn bộ, để lại trên chiến địa hàng ngàn xác cán binh và thêm gần 40 T.54 và PT.76 bị chôn vùi dưới trận mưa bom của 3 box B52 và Rồng Già AC.130.

Sau đó, lực lượng quân Cộng Sản Bắc Việt rút trở ra ngoài, bổ sung thêm quân số, tái tổ chức lại hàng ngũ để chuẩn bị cho trận tấn công kế tiếp. Để tiếp tục duy trì áp lực, hàng ngày lẫn đêm Cộng quân vẫn tiếp tục pháo vào An Lộc gần 2,000 quả pháo đủ loại. (xem bản đồ số 8)

Tổng kết trong đợt tấn công lần thứ tư này, ta ghi nhận như sau:

Địch : Khoảng 2 trung đoàn bộ binh bị tiêu diệt, và khoảng trên 70% tiểu đoàn chiến xa của Trung Đoàn 203 bị bắn cháy hay bị chôn vùi dưới các trận oanh tạc của B52.

Bạn : Tính chung cho tất cả các đơn vị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà phòng thủ là gần 2 tiểu đoàn bị loại ra khỏi vòng chiến, nặng nhất là Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà chỉ còn lại có 1 đại đội.

Thường dân : Chết và bị thương chưa đến 100 vì nhờ vào hầm hố có nắp che và ở trong những căn nhà đúc bê tông.

2. BÌNH LUẬN

So sánh cường độ, sau 3 đợt tấn công của Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt và Công Trường Bình Long, vào các tuyến phòng thủ phía Bắc và Phía Đông của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, vẫn còn chưa quyết liệt bằng trận cường kích tấn chiếm lần THỨ TƯ nầy . Cả 2 Công Trường 9 và 7, được xem như là, đại đơn vị chính quy, thiện chiến nhất của Quân Đoàn Cộng Sản Bắc Việt trong trận chiến, Công Trường 9 đảm trách tấn công tuyến phía Tây và Tây Bắc, tung toàn bộ Sư Đoàn cơ hữu,cộng thêm một trung đoàn hỗn hợp còn lại của Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, đã thành công xuyên thủng tuyến phòng thủ phía Tây của Trung Đoàn 7 Bộ Binh Việt Nam, nhưng rất tiếc, bị lực lượng phản kích của Việt Nam Cộng Hòa kịp thời chận đứng và sau cùng bị đánh bật ra bên ngoài tuyến phòng thủ lúc ban đầu, để lại nhiều thiệt hại cả cán binh và chiến xa . Còn tuyến phòng thủ phía Tây Bắc,Cộng quân xua 2 Trung Đoàn bộ chiến, và trên 15 chiến xa,vào tuyến phòng thủ do 2 Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa trấn thủ, cũng chẵng may bị B52 làm cỏ, trước khi được đặt chân vào đến chiến tuyến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa . Công Trường 7, đảm trách tấn công mặt phía Nam, mặc dầu đã cố gắng gom toàn lực tàn quân còn lại, để đánh ván bài liều, nhưng đụng phải lực lượng (khắc tinh) Nhảy Dù của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nên đành phải tháo chạy, để lại chiến địa hằng trăm cán binh tử vong, và trên 10 chiến xa bị quân dù và C.130 của không lực Hoa kỳ bắn cháy .

Trận chiến đến đây,có thể được xem như ngã ngũ, phần thắng lợi đang dần nghiên về phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Nói tóm lại, trong tất cả 5 đợt tấn công của quân Cộng Sản Bắc Việt vào Thành Phố An Lộc (Chiếu theo sự lượng định và nhận xét của Bản đúc kết quyển Sử Lược Chiến thắng An Lộc nầy), chỉ có HAI đợt tấn công chính: là đợt tấn công lần THỨ NHẤT, khởi diễn vào ngày 13 tháng 4 năm 1972, (do Công Trường 5 tại mặt phía BẮC và Công Trường Bình Long quân Cộng Sản Bắc Việt tại mặt trận phía ĐÔNG), và đợt tấn công lần THỨ TƯ, khởi diễn vào đêm 10 tháng 5 năm 1972, (do Công Trường 9, tại mặt phía TÂY và Công Trường 7 quân Cộng Sản Bắc Việt tại mặt phía Nam), là có tầm vóc quan trọng hơn tất cả các đợt tấn công khác .

Cả 2 đợt tấn công của quân Cộng sản Bắc Việt, vào những NGÀY, ĐÊM kể trên, chứng tỏ ý đồ của Cộng quân, cố quyết tâm san bằng và chiếm cho bằng được Thành Phố An Lộc, nhưng kết quả thực tế, dựa theo sử liệu ghi nhận, cho thấy Quân Đoàn Cộng Sản Bắc Việt, bị thảm bại nặng nề, và buộc lòng phải rút lui ra khỏi trận chiến .

CHƯƠNG 8
CUỘC TẤN CÔNG LẦN THỨ 5
(ngày 19 tháng 05 năm 1972)



1. DIỄN TIẾN

Nhằm kích động tinh thần các cán binh đang hồi tuột dốc thê thảm, Cục R ban hành nghị quyết ăn mừng sinh nhật Hồ Chí Minh nhằm ngày 19 tháng 05. Khởi đầu đêm 18 tháng 05 năm 1972,Cộng quân phải cố gắng kích động tinh thần các cán binh thêm một lần nữa, để may ra lấy chiến công làm quà tặng mừng sinh nhật cho Bác.

Cường độ của cuộc tấn công lần thứ 5, trông thấy giảm sút rõ rệt, về pháo cũng như về lực lượng bộ binh và chiến xa.

Về pháo: Pháo 130 ly và các giàn phóng hoả tiễn 107 và 122 ly đã bị các phi vụ B52 oanh tạc phá huỷ hơn phân nửa, nên chỉ còn pháo trong đợt này trên dưới 2,000 quả. Trung Đoàn 203 chiến xa (-) còn khoảng 45 chiếc T.54 và PT.76, đã bị lực lượng Dù bắn cháy hết 2 T.54 và AC.130 hạ thêm 8 chiếc đủ loại, mặc dù tắt đèn trốn chạy, Lực lượng Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà cũng hạ được 2 T.54. B52 oanh tạc chôn vùi khoảng 20 chiến xa T.54 và PT.76. Như vậy là đã đi đứt hết 80%. Còn bộ binh quân Cộng Sản Bắc Việt, chỉ còn lại mặt phía Tây, trách nhiệm của Công Trường 9 và mặt phía Nam trách nhiệm của Công Trường 7 (-), quân số của 2 Công Trường này đã hao hụt quá phần nửa. Vì thế, trong cuộc tấn công này, lực lượng Cộng quân chỉ còn có Công Trường 9 có mặt ở mặt phía Tây và Công Truờng 7 ở mặt phía Nam là có khả năng với tàn quân (khoảng ½ cán binh còn có thể tác chiến được mà thôi).

Đêm 18 tháng 5 năm 1972, Cộng quân cố gom tàn quân, cố gắng tấn công thêm một lần nữa để mừng ngày sinh nhật của Hồ Chí Minh (19-05), nhưng đã bị không quân chiến lược và chiến thuật dập tan từ trong trứng nước: 1 box B52 dập ngay từ điểm tập trung của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt tại vùng 3 cây số Do đó, các công trường 9 lần này bị kiệt quệ hoàn toàn về bộ binh cũng như về chiến xa yểm trợ, còn Công Trường 7 thì lực lượng đã tiêu hao trên phân nữa, nên đành âm thầm rút lui ra khỏi trận chiến .

Tổn thất đôi bên: tính từ lần tấn công thứ nhất đến lần tấn công thứ năm

Địch :

a/ Về Bộ Binh : Hai trung đoàn bộ binh của Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt + 2 Trung Đoàn của Công Trường Bình Long + 2 Trung Đoàn của Công Trường 9 Cộng + 2 Trung Đoàn của Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt và 1 Tiểu Đoàn Đặc công của Cục R bị loại khỏi vòng chiến, tổn thất đến 70% quân số,

b/ Về Thiết Giáp: Trung Đoàn chiến xa hỗn hợp T.54 và PT.76 + trung đoàn thiết giáp phòng không di động bị thiệt hại 80%, + hai vị trí pháo binh dã chiến 130 ly + 2 vị trí các dàn phóng hoả tiễn 122 và 107 ly bị B52 oanh tạc chôn vùi.

Chiếu theo một tài liệu của Hoa Kỳ được kiểm chứng, số cán binh CS có từ 35 đến 37 ngàn quân bộ chiến được tung vào chiến trận, ngoài ra sau những tổn thất của các đợt tấn công, Cộng quân còn được bồ sung thêm 15,000 quân, nâng tổng số quân bộ chiến của Cộng Sản Bắc Việt từ 50 đến 52 ngàn quân trong trận chiến tại Mặt Trận An Lộc nầy.

Bạn:

Trung Đoàn 8 + Trung Đoàn 7 thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà + Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân + Lực Lượng Tiểu Khu Bình Long: mổi đơn vị tổn thất khoảng 50% quân số, + Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù tổn thất khoảng 35% quân số, riêng chỉ có Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù là bị thiệt hại ít nhất, với 68/550 quân nhân các cấp, khoảng hơn 8%, toàn bộ Tiểu Đoàn 53 Pháo Binh + Pháo Đội Dù của Lữ Đoàn 1 Dù bị pháo của Cộng quân phá hủy.


2. BÌNH LUẬN, MẶT TRẬN AN LỘC SAU 5 ĐỢT TẤN CÔNG
(HƯỚNG ĐÔNG, TÂY, TẤY NAM, NAM, BẮC, TÂY BẮC)


A- Về chiến thuật:

Cộng quân áp dụng chiến thuật “Bịt Pháo Công Đồn” Pháo tiêu diệt Tiểu Đoàn 52 Pháo Binh của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đồn trú trong Thị Xã An Lộc và Pháo Đội Sơn Pháo Dù trên cao điểm Đồi Gió, có nghĩa là khi mở màn cuộc tấn công, phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà không còn pháo binh yểm trợ quân bạn. Để bù lại, Không Quân Chiến Thuật (trực thăng võ trang Cobra, oanh tạc cơ Phantom, Rồng Già AC.130 và Không Quân Chiến Lược B52 của Hoa Kỳ), đã tiêu diệt gần 2/3 quân số và chiến cụ của quân Cộng Sản Bắc Việt.

Cộng quân áp dụng chiến thuật “ Biển Người ” còn được gọi là nướng người của Võ Nguyên Giáp, tướng chỉ huy cả ba mặt trận của chiến dịch Đông Xuân (Mùa Hè Đỏ Lửa). Tướng Giáp đã sao y chiến thuật biển người của Trung Cộng trong trận Điện Biên Phủ 18 năm về trước (1954). Khi đó lực lượng Không Quân của Quân Đội Pháp còn chưa đủ hiệu quả để ngăn chận địch quân, các binh sĩ của Pháp và các sắc lính khác, còn chưa được trang bị đủ Tinh Thần, cũng như vũ khí còn thô sơ và không quen với lối đánh táo bạo biển người của quân Cộng Sản. Do đó Tướng thủ thành của Pháp là De Castries mới bị bắt sống. Còn đối với An Lộc năm 1972 mặc dù hoả lực pháo binh của Việt Nam Cộng Hoà bị khống chế, bởi đại pháo tầm xa 130 ly và hoả tiễn 122 ly +107 ly, bù lại có không quân Hoa Kỳ yểm trợ tối đa với các pháo đài bay B52 là loại khắc tinh của chiến thuật biển người. Phụ thêm vào đó các trực thăng võ trang Cobra có trang bị nhiều đại liên nồi tự động bắn liên hồi hàng trăm viên đạn trong 1 phút,các giàn phóng hỏa tiễn được tác xạ một cách rất là chính xác, và các Phantom F4, oanh tạc dội bom 500 cân Anh. Lợi hại nhất là các AC.130 có thiết trí đại bác 105 ly được điều chỉnh bằng radar (hồng ngoại tuyến) để diệt chiến xa địch,bách phát bách trúng, và một số đại liên 40 ly tự động đã gây kinh hoàng cho quân Cộng Sản Bắc Việt. Còn về các chiến sĩ phòng thủ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà thì đã quen với lối đánh này của quân Cộng Sản, nghĩa là khi bị pháo thì núp xuống hầm, khi vừa dứt tiếng pháo, thì chắc ăn như bắp là bộ binh địch đang theo đó mà tấn công vào. Như vậy là đứng lên để tác xạ, với đủ loại vũ khí tự động tối tân như súng trường M.16, đại liên M.60, và súng phóng lựu M.79, đặc biệt là súng chống chiến xa M.72 . Sau cùng là con chim đầu đàn, Tướng Lê Văn Hưng cùng tất cả các chiến hữu của các quân binh chủng tham chiến,kể cả dân trong thành phố An Lộc đã quyết tâm sống chết với quân thù.

Cộng quân còn áp dụng “nhị thức chiến xa và bộ binh” phối hợp để tấn công vào thành phố nhỏ hẹp An Lộc. Đây là lần đầu tiên quân Cộng Sản Bắc Việt xử dụng chiến xa trên chiến trường Miền Nam, nên giữa bộ binh tùng thiết và chiến xa không có sự đồng nhất phối hợp hổ tương cho nhau . Đặc biệt trong trận tấn công đầu tiên, vào ngày 13 tháng 04 năm 1972, khi bị lọt vào trận địa pháo của Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, Cộng quân mới nhận biết là An Lộc vẫn còn chống cự mãnh liệt, trái với nguồn tin của cấp chỉ huy mình là An Lộc đã được giải phóng .

B- Về quân số đôi bên vào thời điểm cao và đầy đủ:

1 Việt Nam Cộng Hoà (tử thủ) chống 6 Cộng Sản Bắc Việt.

Địch : 4 sư đoàn (công trường) 5, 7, 9 và Bình Long, khoảng 35 đến 37 ngàn cộng 15 ngàn quân số bổ sung thêm, tổng cộng khoảng 52 ngàn cán binh.

Bạn: Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà (-): Trung Đoàn 7, Trung Đoàn 8, Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, và khoảng 500 chiến sĩ còn lại của Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Chiến Đoàn 52 Sư Đoàn 18 Bộ Binh, lực lượng Tiểu Khu Bình Long, tổng cộng 8,650 chiến sĩ.

C- Yếu tố tâm lý: thật sự đóng một vai trò quan trọng trong mọi lãnh vực của đời sống con người và liên quan đến sự thành bại của một trận chiến.

Cộng quân đánh giá sai lầm về sức đề kháng chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Họ đã chiến đấu một cách dũng mãnh trong suốt các mặt trận từ trận Lộc Ninh đến trận Cầu Cần Lê đến mặt trận phía Bắc An Lộc của Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà .

Điểm tâm lý của Cộng quân lúc ban đầu, nghĩ rằng với chiến thuật tiền pháo (mưa pháo) hậu xung (biển người) cộng thêm hàng trăm chiến xa tối tân T.54 và PT.76 của Nga viện trợ, sẽ áp đảo được tinh thần và đánh tan được quân phòng thủ ngay trận đầu tay, vào sáng ngày 13 tháng 04 năm 1972. Nhưng trên thực tế thì trái ngược lại, vì một lỗi lầm quan trọng, không có sự phối hợp giữa bộ binh và chiến xa,

Để Chiến Xa di chuyển một mình, đưa lưng cho các tổ chống chiến xa của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, xử dụng súng phóng hỏa tiễn cầm tay M.72, dễ dàng bắn hạ . Từ chỗ đó, tinh thần sợ sệt chiến xa địch trong lòng các chiến sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà không còn nữa. Vả lại tinh thần ham muốn lùng và diệt tăng địch đã tức tốc gia tăng theo cường độ lũy tiến, trong hầu hết các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà đang tử thủ. Đó là một trong những nguyên nhân chánh yếu khiến cho quân xâm lăng Cộng Sản Bắc Việt phải chịu thảm bại trong trận chiến An Lộc nầy.

Điểm tâm lý của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà khi nhất quyết tử thủ dựa vào những nhận định như sau:

1- từ phía Nam còn có đoàn quân tiếp viện ngày càng đến gần điểm hẹn (toàn bộ Sư Đoàn 21 Bộ Binh và Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh của Quân Đoàn 4).

2- các lực lượng thiện chiến nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà như Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù còn đang đươc trực thăng vận đổ vào chiến trường, để cứu nguy và tiếp hơi lực lượng tử thủ.

3- trên vòm trời An Lộc cả ngày lẫn đêm đều có các trực thăng võ trang, các phản lực cơ tối tân Phantom F4, các AC.130, các pháo đài bay B52 của Không Lực Hoa Kỳ xuất hiện liên hồi, oanh kích và oanh tạc các đơn vị và vị trí pháo binh, cũng như các kho dự trữ đạn dược của Cộng quân.

4- trên bầu trời An Lộc vẫn còn nhận thấy những cánh hoa dù tiếp tế, tràn ngập lương thực vũ khí đạn dược và thuốc men. Có nghĩa là chiến đấu tử thủ không lẻ loi một mình, và sau cùng là nhận thấy cái gương hơn 1 triệu đồng bào Miền Bắc đã phải rời bỏ địa ngục trần gian để trốn chạy Cộng Sản vào Nam (hiệp định Genève năm 1954), và trận Tết Mậu Thân năm 1968. Cộng Sản đã sát hại và chôn sống hàng chục ngàn quân dân cán chính của Tỉnh Thừa Thiên (Cố Đô Huế của Việt Nam Cộng Hoà).

Bây giờ nếu để mất An Lộc thì Cộng quân sẽ tràn vào đến tận Thủ Đô Sài Gòn, và những vùng kế tiếp,trong đó có những gia đình của tất cả các chiến sĩ tử thủ cũng như của các chiến sĩ đang tăng cường tiếp viện. Một con số thiệt hại do sự tàn sát của chế độ Cộng Sản tại Miền Nam Việt Nam, sẽ còn gấp nhiêu lần hơn năm 1954 và 1968.

Từ Tướng Tư Lệnh Chiến Trường Nguyễn Văn Minh, Tướng Tư Lệnh Mặt Trận Lê Văn Hưng, cho đến các vị Lữ Đoàn Trưởng, Chiến Đoàn Trưởng, Liên Đoàn Trưởng, Trung Đoàn Trưởng, Tiểu Khu Trưởng, càc Sĩ Quan Tiểu Đoàn Trưởng, Đại Đội Trưởng, Liên Toán Trưởng, Trung Đội Trưởng, các cấp hạ sĩ quan Tiểu Đội Trưởng cho đến từng binh sĩ của các đơn vị tham chiến và toàn thể trên 8 ngàn dân chúng Tỉnh Bình Long, tất cả đều mang tâm tư quyết tâm tử thủ, không rút lui hay bỏ chạy dù rằng Cộng quân có giả vờ bỏ ngỏ phía Nam đi chăng nữa. Thà chết bây giờ chết vinh quang nơi trận chiến còn hơn phải chịu chết vì tủi nhục trong gông cùm hay bị chôn sống trong tương lai dưới chế độ sắt máu của quân thù Cộng Sản, nếu không may có tử trận nơi sa trường bây giờ, cũng là để đổi lấy tự do no ấm cho con cháu trong tương lai vậy.


CHƯƠNG 9
MẶT TRẬN QUỐC LỘ 13


NHỮNG TRẬN CHIẾN ĐẪM MÁU DỌC THEO QUỐC LỘ 13 :

• Trận Snoul:
từ ngày 24 tháng 04 năm 1971 đến ngày 31 tháng 05 năm 1971

• Trận Lộc Ninh:
từ ngày 04 tháng 04 năm 1972 đến ngày 07 tháng 04 năm 1972

• Trận Cầu Cần Lê:
từ ngày 07 đến 12 tháng 04 năm 1972

• Trận chiến đầu tiên trong thành phố An Lộc dọc theo Quốc Lộ 13 :
từ ngày 13 tháng 04 đến ngày 19 tháng 05 năm 1972

• Trận Suối Tàu Ô và Xa Cam :
từ ngày 07 tháng 04 đến ngày 08 tháng 06 năm 1972

1. TRẬN SNOUL
(24-04-1971 đến 31-05-1971)


Quốc Lộ 13 Việt Nam Cộng Hoà được tiếp nối với Quốc Lộ 7 (Cambodia) nối liền đến thị trấn Snoul, 25 cây số về hướng Bắc, bên ngoài lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà, kéo dài về phía Nam trong lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà ngang qua Căn Cứ Hoả Lực Hoa Lư qua Quận Lỵ Lộc Ninh, xuống đến căn cứ hoả lực Cầu Cần Lê xuyên qua Tỉnh Lỵ Tỉnh Bình Long, qua Xã Xa Cam, Xa Trạch, Xa Cát, Tân Khai, Tàu Ô, Quận Lỵ Chơn Thành, đến căn cứ Lai Khê, Quận Bến Cát, thuộc Tỉnh Bình Dương. (xem bản đồ số 9) .

Chiếu theo nhật ký của Bộ Tư Lệnh Hành quân, Quân Khu 3, về Trận Snoul, khởi phát vào ngày 24 tháng 04 đến ngày 31 tháng 05 năm 1971 giữa Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và Sư Đoàn 5 (Công Trường 5) Cộng Sản Bắc Việt .

Vào buổi giao thời lúc Cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí bị tử nạn phi cơ, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh được chỉ định làm Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III, Chiến Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà bị Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt vây hãm tại cứ điểm Snoul, chờ viện binh mãi không thấy, nên phải đột phá vòng vây, và về đến Lộc Ninh ngày 31 tháng 05 năm 1971, bị tổn thất nặng, về nhân mạng và chiến cụ.

Khi Tướng Minh được chỉ định thay thế cố Đại Tướng Trí , 2/3 lực lượng của Quân Khu III đang còn kẹt ở dọc trên Quốc Lộ 7 và ở phía Nam bờ sông Chu Long trong lãnh thổ Miên : Chủ lực : Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn gồm Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh do Đại Tá Trần Quang Khôi chỉ huy,Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân do Đại Tá Nguyễn Văn Dương chỉ huy + Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân do Đại Tá Phạm Văn Phúc chỉ huy + Liên Đoàn 3 Công Binh Chiến Đấu do Đại Tá Vũ Tiến Quang chỉ huy, đã tiến đến phía Nam bờ sông Chu Long, 25 cây số phía Nam Quận Lỵ Kratié chờ cho Sư Đoàn Dù (Việt Nam Cộng Hoà) trực thăng vận bọc hậu tấn công ngay vào đầu não của Trung Ương Cục MIền Nam (Cục R), vừa mới di chuyễn về từ vùng đồn điền cao su Mi Mốt, Katié cũng là điểm tiếp liệu hậu cần lớn nhất trong vùng, Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, do Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ Tư Lệnh Sư Đoàn, làm trừ bị tiếp ứng cấp thời khi cần, đang chực chờ dọc theo Quốc Lộ 7 (Miên), về phía Đông Bắc, tại Snoul có Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà do ĐạiTá Bùi Trạch Dzần chỉ huy, trú đóng theo thế bao vây địch thành một vòng cung từ tỉnh Kompong Chàm phía Tây bờ sông Mékong bọc vòng cung qua toàn vùng Chup, Đam Be, Mimot, Snoul, đến Kratié .

Đó là di sản của vị Tư Lệnh tiền nhiệm, Tướng Trí để lại cho Tướng Minh, không một lời dặn dò hay hướng dẫn những điểm nội tình bí ẩn như : a/.- việc một viên tướng Mỹ Tư Lệnh Phó của Lực Lượng 2 Dã Chiến Hoa Kỳ, đến tận bản doanh của Quân Đoàn 3 tại Biên Hoà, vào gặp Tướng Trí, khuyên Tướng Trí nên bỏ kế hoạch đổ bộ lên Kratié, nếu chịu rút quân về thì không quân Hoa Kỳ chiến thuật cũng như chiến lược và trực thăng sẽ yểm trợ, tản thương, cũng như tiếp tế đầy đủ xăng dầu cho đoàn cơ giới của Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh. Sau khi nghe tướng Mỹ nói như thế, Tướng Trí hỏi lại, vì sao trước đây Lực Lượng 2 Dã Chiến đã hứa sẽ cung cấp đủ trực thăng đổ quân và tiếp tế đủ cho cả một sư đoàn, bây giờ lại đổi ý, và ra điều kiện với tôi như vậy? Tướng Mỹ trả lời, chúng tôi có thể trả lời cho ông biết, chỉ vì lý do chính trị, chúng tôi không thể giải thích thêm gì được nữa. b/.- việc vào giờ phút chót Tổng Thống Thiệu ra lệnh điều động Sư Đoàn Dù (-) ra vùng hoả tuyến Quân Khu I, để tham gia vào cuộc hành quân Lam Sơn 719, c/,- ý định của Đại Tướng Trí sẽ dùng Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà thay thế Sư Đoàn Dù tiếp tục đổ bộ qua Kratié, v.v.... Tướng Minh không hề hay biết. Vì lẽ Cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí nhất định bắt cho bằng được các nhân vật đầu não Cục R, nên bàn tay lông lá nào đó đã ra lệnh phải triệt hạ Tướng Trí bằng cách cho nổ trực thăng. Tướng Trí chết không một lời trăn trối cho bất cứ một ai.

Khi Tướng Minh lên nắm quyền chỉ huy Quân Đoàn :

a.- Về uy tín đối với các tướng lãnh thuộc các quân binh chủng khác như Tư Lệnh Không Quân, chắc không nể vì như Đại Tướng Trí được, với lời hứa trước đây cho Đại Tướng Trí gom hết các trực thăng đổ quân và tản thương cỡ cấp sư đoàn và các Chi- nook để tiếp tế xăng dầu cho đoàn thiết kỵ hàng trăm chiếc của 3 Sư Đoàn Không Quân, tại Biên Hoà, Sư Đoàn 5 Không Quân tại Tân Sơn Nhất và Sư Đoàn 4 Không Quân tại Cần Thơ. Bây giờ thì chắc không còn được nữa.

b.- Đối với lực lượng 2 Dã Chiến Hoa Kỳ thì đã cho biết là sẽ không có trực thăng để giúp cho việc đổ quân cấp Sư Đoàn kể cả Chinook tiếp tế xăng dầu cho hàng trăm chiến xa M.41 và thiết vận xa M.113 nếu cứ tiếp tục tiến đến Kratié,và khi lâm trận thì sẽ không có hỏa lực của Không Quân Hoa Kỳ ( Chiến Thuật cũng như Chiến Lược ), còn nếu đồng ý rút quân trở về thì muốn thứ gì cũng có hết .

c.- Lòng quân phân tán

Đây là yếu tố tâm lý rất quan trọng cho sự thắng bại trên chiến trường. Thật vậy, từ khi nghe tin vị chủ soái tài ba là Trung Tướng Đỗ Cao Trí bị nổ trực thăng, tất cả các chiến sĩ trong đoàn quân vượt biên, nhất là các cấp chỉ huy đều có tâm trạng hoang mang, ý chí quyết chiến quyết thắng bị giảm sụt trầm trọng, có thể nói là mất đi hết nhuệ khí chiến thắng của lúc ban đầu.

Tóm lại, khi tổ chức một cuộc hành quân nào, dù lớn hay nhỏ, các yếu tố căn bản cần phải có là : a.- lòng quân phải được phấn chấn, nghĩa là phải có tư tưởng quyết chiến thắng, từ các chiến binh cho đến chủ soái, b.- phải có đủ phương tiện trực thăng đổ quân đủ cho cấp số dự trù, c.- khi đụng trận thì phải có hoả lực phi pháo yểm trợ đầy đủ, d.- Sau cùng là việc tiếp tế ( Đạn dược ,nhu yếu phẩm, nhiên liệu v..v..) . Tất cả các yếu tố nêu trên, đều không đạt được như sở cầu, của vị Tư Lệnh mới là Trung Tướng Nguyễn Văn Minh.

Buộc lòng Trung Tướng Minh, phải ra lệnh cho rút đoàn quân vượt biên trở về nội địa, để bảo toàn lực lượng của Quân Đoàn3/Quân Khu III.

Trở lại Chiến Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh tại Snoul :

Trong khi đang dồn hết tâm trí lo rút đoàn quân chính, từ bờ sông Chu Long đến các cánh quân dọc theo Quốc Lộ 7 (Cam- bodia), tướng Minh triệu hồi Tướng Hiếu, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa, nhờ lo nghiên cứu việc rút Chiến Đoàn 8 trở về nội địa càng sớm càng tốt, Tướng Hiếu trình bày, là cần phải có thêm một lực lượng ít nhất là một Chiến Đoàn cơ động, kéo lên tăng cường để yểm trợ về mặt ( Hỏa Lực) giúp cho Chiến Đoàn 8 rút lui trở về, như thế mới được an toàn. Tướng Minh hứa, khi Lữ Đoàn 3 Xung Kích về đến nội địa, Ông sẽ tăng phái cho Sư Sư Đoàn 5 Bộ Binh chỉ huy và thiết kế việc rút quân .

Sau khi rời khỏi Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Tướng Minh đang đặt tại Tây Ninh, vào ngày 23 tháng 05 năm 1971 Tướng Hiếu bay thẳng đến Snoul gặp Đại Tá Bùi Trạch Dzần để cho lệnh chuẩn bị thu các cánh quân cơ hữu tập trung chờ lệnh.

Lúc đó Lực Lượng Xung Kích còn đang giáp trận với địch tại Đam Be và mới vượt được vòng vây của địch, trở về đến căn cứ Thiện Ngôn thuộc tỉnh Tây Ninh vào sáng ngày 25 tháng 5 năm 1971.

Tướng Minh liền chỉ định Đại Tá Khôi, cùng lực lượng Biệt Động Quân tùng thiết, di chuyển tức thời đến An Lộc để đặt thuộc quyền sử dụng của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa. Trên thực tế, sau khi rút từ Đam Be về, thì lực lượng xung kích Quân Đoàn chỉ còn chừng 2 Thiết Đoàn và gần 2 Tiểu Đoàn Biệt Động Quân tùng thiết. Lệnh tăng phái, được giao cho Đại Tá Khôi đồng thời cũng được chuyễn đến Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh vào buổi trưa ngày 25 tháng 05 năm 1971. Giao toàn quyền điều động cho Tướng Hiếu kể từ giờ phút đó .

Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh Xung Kích cùng Biệt Động quân rời căn cứ Thiện Ngôn vào buổi trưa ngày 25 tháng 5 năm 1971, di chuyễn trên Quốc Lộ 22, đến Tây Ninh và dọc theo Quốc Lộ 1 xuống Củ Chi thuộc tỉnh Hậu Nghĩa rồi băng tắt đến Bình Dương, từ Bình Dương dọc theo Quốc Lộ 13 trở về hướng Bắc đến An Lộc, nơi điểm tiếp liệu và bản doanh của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, tiếp tục tiến về hướng Bắc theo Quốc Lộ 13 xuyên qua Quận Lộc Ninh, vượt qua ranh giới Việt Miên, tiếp nối Quốc Lộ 7 rồi đến Snoul..

Đoạn đường từ căn cứ Thiện Ngôn Tây Ninh đến cứ điểm Snoul, khoảng 250 cây số. Với tính cơ động của đoàn thiết giáp, chỉ cần di chuyển khoảng hai ngày đường .

Chỉ sau vài tiếng đồng hồ, kể từ khi nắm quyền điều động Lữ Đoàn 3 Xung kích, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa, bổng nhiên mất liên lạc với Lực Lượng của Lữ Đoàn 3 Xung Kích. Tướng Hiếu, liền điện báo sự việc mất liên lạc vô tuyến với đoàn Thiết Kỵ, về Quân Đoàn 3 .

Cùng lúc này, Chiến Đoàn 8 cũng báo cáo về cho Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh là địch đang xiết chặt vòng vây, pháo nhiều vào căn cứ hỏa lực Snoul, và Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa.

Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 tức tốc cho L.19 bay lên tìm đoàn chiến xa, dọc theo lộ trình di chuyển dự trù, từ Tây Ninh đến Bình Dương và An Lộc, nhưng vẫn không thấy. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 điện về Bộ Tổng Tham Mưu theo hệ thống SOS, Bộ Tổng Tham Mưu trả lời là không bắt được tần số nào của Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn 3.

Nỗ lực tìm kiếm Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh vẫn liên tục, và kéo dài cho đến trưa ngày 29 tháng 5 năm 1971, khi Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 cho L.19 lên vùng lùng kiếm, Lần này L.19 nhận được chỉ thị bay thấp để nhìn rõ những sự vật bên dưới. Khoảng 11 giờ trưa ngày 29 tháng 05 năm 1971, phi công phát hiện một chiến xa, lộ hình bên cạnh một cụm cây. Viên phi công liền lạng qua lạng lại nhiều lần, và báo cáo về Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3, cho biết đã tìm thấy đoàn xe tại một Ấp vùng quận Củ Chi.

Mãi đến khi thấy L.19 phát hiện, Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh mới mở máy, bắt liên lạc vô tuyến bình thường trở lại, với tất cả các đơn vị được ghi trong đặc lệnh truyền tin hiện hữu.

Quân Đoàn 3 tiếp tục theo dõi diễn tiến, và được biết, đến ngày 31 tháng 05 năm 1971, Lực Lượng Xung Kích mới lần mò vượt qua ranh giới Việt Miên, phía Bắc Lộc Ninh trên Quốc Lộ 13, khi vừa tiếp giáp Quốc Lộ 7 về hướng Snoul, gặp được đơn vị đầu quân của Chiến Đoàn 8, đã bị Cộng quân chặn đánh tơi tả từ mấy ngày qua .

Nói về Chiến Đoàn 8 bắt đầu ngày 25 tháng 05 năm 1971, chờ viện binh cho đến ngày 28 tháng 5, không thấy,trong lúc áp lực địch càng gia tăng đè nặng, nên Tướng Hiếu đành phải chấp thuận, theo lời yêu cầu của Đại Tá Dzần, cho rút lui với thành phần bộ binh cơ hữu của Chiến Đoàn.

Sau đó, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 cắt cử một phái đoàn điều tra hỗn hợp để biết rõ sự việc. Sau khi đọc biên bản điều tra, và tường trình của Đại Tá Khôi, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh, Trung tướng Minh nhận biết, sau trận Đam Be,( trên Quốc Lộ 7 Cambodia ), tinh thần chiến đấu của Đại Tá Khôi đã bị sụt giảm trầm trọng. Tuy nhiên, Đại Tá Khôi cũng là một quan tài giỏi, đã từng lập nhiều chiến công cho Quân Đoàn 3, thời Đại Tướng Đỗ Cao Trí. Cho nên Trung Tướng Minh không đành truy tố Đại Tá Khôi ra Toà Án Quân Sự Mặt Trận, mà chỉ áp dụng biện pháp kỹ luật cách chức Tư Lệnh Lữ Đoàn, và theo lời yêu cầu của Đại Tá Khôi, Tướng Minh chấp thuận cho ông ta đi ngoại quốc tu nghiệp về Thiết Giáp.

Tóm lại, di sản của cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí để lại cho Trung Tướng Nguyễn Văn Minh gồm có :

Tại vùng phía Tây hướng Bắc Quốc Lộ 7 (Cambodia) : 3 Trung Đoàn của Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đang bố trí quân dọc theo phía Tây Quốc Lộ 7 (Cambodia), Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn 3 gồm có Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh, Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân, Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, Liên Đoàn 3 Công Binh Chiến Đấu, đang tập trung phía Nam bờ sông Chu Long .

Hướng Đông Bắc có trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đang án ngữ tại vùng thị trấn Snoul. Tướng Minh phải chu toàn nhiệm vụ rút quân cả hai nơi phía Tây cho lệnh triệt thoái trước rồi đến phía Đông Bắc giao cho Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Hiếu toàn quyền điểu động Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn cho việc triệt thoái Trung Đoàn 8 Bộ Binh cơ hữu 11 tháng sau đó (từ ngày 31 tháng 05 năm 1971 đến ngày 04 tháng 04 năm 1972), cũng dọc theo Quốc Lộ 13, Cộng quân đã trực diện xua 4 Sư Đoàn, đa số là quân chính quy Bắc Việt cùng với xe tăng và trọng pháo 130 ly, ồ ạt tấn chiếm quận lỵ Lộc Ninh thuộc tỉnh Bình Long, thừa thắng xông lên tấn chiếm căn cứ hoả lực Cầu Cần Lê (bỏ trống), rồi đến bao vây An Lộc, thị trấn tỉnh Bình Long, thòng về phía Nam An Lộc dọc theo Quốc Lộ 13 một lực luợng cấp Sư Đoàn thiết lập các ổ phục kích, các chốt (kiền), các hầm hố sâu dưới đường rày xe lửa tại vùng Xa Cam và dọc theo suốt đoạn đường dài từ suối Tàu Ô đến Xa Cam, với mục đích bắt sống đoàn quân Việt Nam Cộng Hoà từ An Lộc tháo chạy về Bình Dương (nếu có ), chận viện quân Việt Nam Cộng Hoà, cắt đứt đường giao thông tiếp tế cho An Lộc, và khi cần thì dùng làn nỗ lực chính để tấn chiếm An Lộc .

Những trận đánh dọc theo Quốc Lộ 13 rất là khốc liệt, tại hai cứ điểm Suối Tầu Ô, 12 cây số Bắc quận Chơn Thành giữa các thành phần: Một Trung Đoàn quân chủ lực của Công Trường 7 và 1 Trung Đoàn Địa Phương Cộng Sản Bắc Việt, với Lữ Đoàn 1Dù và Trung Đoàn 43 của Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà (trong giai đoạn dầu), và với Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà (trong giai đoạn 2), cứ điểm thứ hai tại Xa Cam khoảng 4 cây số Nam An Lộc giữa 2 Trung Đoàn chủ lực của Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt với Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh, và Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà + Tiểu Đoàn 6 hỗn hợp Nhảy Dù (cả trên 3,000 quân).

MẶT TRẬN LỘC NINH,
MẶT TRẬN CẦU CẦN LÊ,
MẶT TRẬN TRONG THÀNH PHỐ AN LỘC DỌC THEO QUỐC LỘ 13.


(Đã trình bày ở đoạn trên)


2. MẶT TRẬN TẦU Ô VÀ XA CAM

Tại hai mặt trận này, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà trong thế công, và lực lượng Cộng quân ở thế thủ (khởi đầu vào ngày 07 tháng 04 năm 1972 và chấm dứt vào ngày 08 tháng 06 năm 1972).

Tương quan Lực Lượng đôi bên (giai đoạn 1)

Địch :

• Trung Đoàn 209 Công Trường.7, và 1 Trung Đoàn Địa Phương . Quân Cộng Sản Bắc Việt .

• Sư Đoàn 69 Pháo gồm 1 Trung Đoàn Pháo 130 ly, 1 Trung Đoàn Phóng Hoả Tiễn 122 ly và 107 ly, 1 Trung Đoàn Cơ Giới Phòng Không

Bạn :

• Trung Đoàn 43 Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà

• Thiết Đoàn 5 Chiến Xa M.41 và M.113

• Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù.

MẶT TRẬN SUỐI TẦU Ô
(12 cây số Bắc Quận Chơn Thành)

Trung Đoàn 43 Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà duy nhất còn lại trong tay vị tân Tư Lệnh Đại Tá Lê Minh Đảo, cùng Trung Tá Trần Bá Thành, Trung Đoàn Trưởng chỉ huy, được tăng cường Thiết Đoàn 5 Chiến Xa Hỗn Hợp M.41 và M.113 do Đại Tá Trương Hữu Đức chỉ huy, xuất quân khởi đầu từ căn cứ Lai Khê mở đường lên quận Chơn Thành, trong ngày đầu, chỉ bị cản trở bởi pháo binh tầm xa 130 ly của địch bắn chận, các đơn vị diện địa cấp nhỏ của Cộng quân bắn khuấy nhiễu như kiểu du kích tại vùng Bầu Bàng, bị các chiến binh Trung Đoàn 43 Bộ Binh và Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh rượt đuổi chạy lòn quanh các giao thông hào đã được đào sẵn từ mấy ngày trước. Cuối cùng, Trung Đoàn 43 Bộ Binh và Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh Việt Nam Cộng Hoà cũng đến được quận Chơn Thành vào chiều ngày 07 tháng 04 năm 1972, tạm hoàn tất khai thông trục lộ Quốc Lộ 13 từ Lai Khê đến quận Chơn Thành.

Tiếp qua ngày 08-04, Trung Đoàn 43 và Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh vượt quận Chơn Thành tiến về An Lộc, nhưng khi các đơn vị hỗn hợp Bộ Binh và Chiến Xa vừa đến con suối có tên là Suối Tầu Ô, thì bị chạm súng nặng với đơn vị cấp trung đoàn của Cộng quân có công sự phòng thủ hẳn hòi, và bị pháo tập rất nặng, buộc phải dừng lại bên nầy bờ suối, yêu cầu Pháo Binh tại Quận Chơn Thành bắn yểm trợ và Không Quân Việt Nam Cộng Hoà oanh kích, cuộc chạm trán kéo dài gần suốt ngày, lực lượng Việt Nam Cộng Hoà , không tiến lên được, bởi hàng loạt hầm hố kiên cố có nắp che pháo, chi chít khắp nơi trên hướng tiến của quân Việt Nam Cộng Hoà, loại hầm hố này của Cộng quân được gọi là chốt kiền . Sau vài đợt xung phong của các chiến binh Trung Đoàn 43 Bộ Binh, thây người ngã gục, máu người bắt đầu đổ dẩy dẫy trên gìòng suối cạn, và rồi, tin không lành đưa đến giữa lúc chiều gần tàn, Đại Tá Trưong Hữu Đức bị trúng đạn phòng không của Cộng quân đã tử trận, ngay trên trực thăng của Ông bay điều khiển đoàn cơ giới vượt qua suối đánh, bọc phá vỡ vài chốt kiền của Cộng quân. Cuộc tấn công phải khựng lại, và các Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 43 Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, sau 3 lần tấn công vào chốt địch có chiến xa và thiết vận xa bắn trực xạ vào những chốt của địch quân, cũng phải rút lui trở lại vì mỗi vùng chốt địch đều được bao trùm một trận địa pháo có toạ độ sẵn từ xa, khi được sự yêu cầu của cán bộ chỉ huy địch quân trên vùng trận địa đó, cho tới chiếu tối, các đơn vị bạn phải rời vùng cứ địa chốt, rút ra ngoài vòng pháo, với sự hao hụt khoảng 30% quân số, cần phải được bổ sung sau 2 ngày chiến đấu liên tục từ Lai Khê đến Tàu Ô.

Nhận được tin báo của Đại Tá Lê Minh Đảo, về tình hình chiến trận hiện hữu khó vượt qua được các chốt kiền chi chit trên trận địa rộng khoảng 1 cây số vuông xung quanh ấp Tầu Ô, và cái chết của Đại Tá Đức, Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 5 Hỗn Hợp, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 chấp thuận cho các đơn vị thu quân về phía Nam con suối để chờ bổ sung quân số, và nghiên cứu lại loại chốt kiền khúc mắc này.

3. THẾ NÀO LÀ CHỐT KIỀN ?
(xiềng chân cán binh bằng giây lòi tói sắt)

Chiếu theo lời một cán bộ trong một trại cải tạo, còn sống sót trong trận chiến Tầu Ô kể lại với các Chiến Sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, chốt kiền có những đặc tính như sau :

a.- Chốt kiền được đào theo hình tam giác có nắp che, rất kiên cố, nắp hầm đủ sức chịu đựng pháo 105 ly của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và đạn nổ chụp của pháo tầm xa 130 ly của quân Cộng Sản Bắc Việt. Cho nên khi Pháo 105 ly của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bắn dọn đường cho những trận xung phong, địch quân ở dưới hầm không bị sát hại, còn khi Quân Bạn Việt Nam Cộng Hoà vừa tràn được đến nắp hầm của chốt, là lập tức đạn pháo 130 ly nổ chụp trên đầu, nên bị thương vong rất nhiều trong giai đoạn sơ khởi,

b.- Công sự đào địa đạo cũng khác hơn chốt thường, mỗi hầm có thể chứa đến cấp tiểu đội, theo kiểu giao thông hào 2 lớp bắt thành hình tam giác (3 cạnh) để hổ tương từng trung đội (3 chốt) liên kết yểm trợ cho nhau bằng hoả lực bắn thẳng. Nếu bị pháo của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bắn sập một góc hầm nào đó thì ngay trung tâm của chốt cũng như các cán binh Cộng Sản ở hai mặt kia không bị thiệt hại.

c.- Hầu hết các tổ khinh binh ở dưới các hầm của các chốt kiền, đều bị xiềng chân với nhau từng tổ tam tam chế ba người.

Lữ Đoàn 1 Dù vừa được tăng phái cho Quân Đoàn 3/Quân Khu III được lệnh di chuyển đến quận Chơn Thành, và vượt đến chốt Tàu Ô cũng lâm vào trận chiến cùng với Trung Đoàn 43 của Sư Đoàn 18.

Lệnh của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III chỉ thị cho Lữ Đoàn 1 Dù cùng với Thiết Đoàn 5 Chiến Xa lên tuyến đầu thay thế cho Trung Đoàn 43 rút về bảo vệ an ninh truc lộ 13 từ Lai Khê đến quận Chơn Thành.

Tướng Minh ra lệnh cho Đại Tá Đảo bàn giao trận địa cho Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù do Đại Tá Lê Quang Lưỡng chỉ huy vừa mới được Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà tăng phái, điều nghiên tìm cách phá chốt kiền .

Đơn vị Lữ Đoàn 1 Dù và Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà do Đại Tá Lê Quang Lưỡng chỉ huy thống nhất, cùng với các vị Tiểu Đoàn Trưởng 5, 6, 8 bàn cách phá chốt kiền của địch. Lực Lượng Dù và Thiết Kỵ liền thay đổi chiến thuật, phân tán mỏng chia cắt bao vây vùng chốt địch. Ban ngày thì dùng đại bác của chiến xa M.41 và Không Quân oanh kích vào các chốt để công phá hầm hố của chốt khi nhận rõ vị trí, ban đêm thì cho từng toán khinh binh dùng lựu đạn bò sát vào các chốt kiền tấn công chớp nhoáng rồi rút đi nhanh để tránh pháo địch. Theo chiến thuật tấn công bất thần và rút đi nhanh ra khỏi tầm pháo địch của các chiến sĩ Dù đã tiêu diệt và khoá im rất nhiều chốt kiền của địch trên trận tuyến, và cứ như thế cho đến hết đêm 13 rạng ngày 14 tháng 04 năm 1972, lực lượng Dù nhận được lệnh rút ra khỏi vòng chiến,bàn giao trận địa lại cho Trung Đoàn 32 Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa, trở về quận Chơn Thành, tái bổ sung và chờ lệnh mới theo kế hoạch trực thăng vận đổ quân vào tiếp cứu cho An Lộc vào ngày 14 và 15 tháng 04 năm 1972. (20)

Chú Thích : (20) Nhật ký hành quân của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3/ Quân Khu III năm 1972 ghi về trận An Lộc

Mặt trận Suối Tàu Ô (giai đoạn 1) đến đây kể như được chấm dứt giữa 2 trung đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt và 2 đơn vị cấp Trung Đoàn của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà có thiết đoàn chiến xa yểm trợ.

Tổn thất đôi bên :

Địch : khoảng 15 vùng chốt kiền của địch bị khóa im tiếng súng có thể nói là bị tiêu diệt hoàn toàn (khoảng trên 500 cán binh bị chôn vùi dưới các chốt bị đánh sập).

Bạn : Trung Đoàn 43 Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà thiệt hạI 30 % quân số, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù thiệt hạI 10 % quân số, Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh : 5 Thiết Vận Xa + 2 M.41, và con chim đầu đàn Đại Tá Trương Hữu Đức cùng một số binh sĩ tử trận. (Xem bản đồ số 10)


4. BÌNH LUẬN

Quân Cộng Sản Bắc Việt trong thế thủ (đóng chốt), Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà ở trong thế công.

Trong giai đoạn đầu, quân Cộng Sản Bắc Việt có hai trung đoàn để đóng chốt. Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cũng chỉ có hai trung đoàn để nhổ chốt.

Trong giai đoạn hai, quân Cộng Sản Bắc Việt cũng vẫn hai trung đoàn. Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cũng có cùng một lực lượng tương đương.

Kết quả : chốt của quân Cộng Sản Bắc Việt bị bứng. Quân Lực Việt Nam Công Hoà đã xuyên qua được chốt Tàu Ô.

Có nghĩa là Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà ở thế công với cấp số hai trung đoàn mà vẫn thắng được quân Cộng Sản ở thế phòng ngự cũng hai trung đoàn.

Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà được lợi điểm là có chiến xa, pháo binh và Không quân yểm trợ, nhất là áp dụng chiến thuật xa luân chiến ( luân phiên nhau tấn công hay đột kích, có thay thế và bổ sung). Trái lại quân Cộng Sản thì bị chiến thuật xa luân chiến của Việt Nam Cộng Hoà tỉa hao mòn lần, không có bổ sung, nên rốt cục đành phải bị tiêu diệt .



TƯỚNG MINH THAY ĐỔI CHIẾN THUẬT ĐIỀU QUÂN

Sư Đoàn 21 Bộ Binh và Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Quân Đoàn 4 tham chiến bắt đầu ngày 14 tháng 04 năm 1972, và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù cũng có mặt tại Lai Khê vào sáng ngày 16 tháng 04 năm 1972.

Tương quan lực lượng đôi bên dọc theo Quốc Lộ 13 về phía Nam sau ngày 14 tháng 04 năm 1972 :

Địch : Sư Đoàn 7 (Công Trường 7) gồm có 3 Trung Đoàn 209, 141, 165 Bộ Binh Cộng Sản Bắc Việt + 1 Trung Đoàn Địa Phương, 1 Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 203 Chiến Xa Hỗn Hợp (T.54 và PT.76), Sư Đoàn Pháo 69 hỗn hợp gồm có Trung Đoàn Pháo 130 ly, Trung Đoàn phóng hoả tiễn 122 ly và 107 ly, và Trung Đoàn cơ giới phòng không di động.

Bạn : Sư Đoàn 21 Bộ Binh gồm 3 Trung Đoàn 31, 32, 33 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh, Thiết Đoàn 5 của Quân Đoàn 3 + Thiết Đoàn 9 của Sư Đoàn 21 Bộ Binh Quân Đoàn 4 (Thiết Vận Xa M.113),Thiết Đoàn Thiết Vận Xa của Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh, Tiểu Đoàn 21 Pháo Binh và Tiểu Đoàn 21 Công Binh Chiến Đấu Việt Nam Cộng Hoà.

Sau khi nghiên cứu tình hình, và trận thế tại chiến trường An Lộc và Tàu Ô cũng như tình trạng gia tăng chiến sự trong toàn lãnh thổ Quân Khu III, nhất là tại hai quận Trị Tâm và Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, nơi trước đây Trung Đoàn 8 và Trung Đoàn 7

Bộ Binh Sư Đoàn 5 Việt Nam Cộng Hoà rút đi để tăng cường cho chiến trường An Lộc vào trung tuần tháng 04 năm 1972, tại mỗi nơi được thay thế bằng 1 Tiểu Đoàn Địa Phuơng Quân của Tiểu Khu Bình Dương, hoàn toàn không có lực lượng quân chủ lực trừ bị cho hai hành lang xâm nhập cũa Cộng quân xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà từ vùng Mỏ Vẹt (vùng giáp ranh lãnh thổ của Miên ăn sâu vào Việt Nam Cộng Hoà cận kề bên tỉnh Bình Dương và Hậu Nghĩa của Việt Nam Cộng Hoà). Tướng Minh và Bộ Tham Mưu duyệt lại kế sách tái phối trí việc phòng thủ lãnh thổ và quân tăng viện cấp thời cho mặt trận An Lộc cho hợp với tình hình hiện tại, nhất là khi toàn thể Sư Đoàn 21 và Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh vừa mới được đặt thuộc quyền sử dụng của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III theo thứ tự ưu tiên như sau:

Ưu tiên 1: Trực thăng vận Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù vào tăng cường cho chiến trường An Lộc.

Ưu tiên 2: Trực thăng vận và điều động Sư Đoàn 21 Bộ Binh và Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà vào vòng chiến để khai thông đường tiếp tế và tản thương cho mặt trận An Lộc dọc theo phía Nam Quốc Lộ 13 từ Nam lên Bắc.

Ưu tiên 3: Rút lực lượng của Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà (chỉ còn lại 4 Tiểu Đoàn) làm lực lượng chủ lực trừ bị cho lãnh thổ Quân Khu III đặc biệt là Tiểu Khu Bình Dương.

Chiếu theo thứ tự ưu tiên kể trên, Không Đoàn 43 Trực Thăng của Sư Đoàn 3 Không Quân căn cứ tại Biên Hoà, lãnh lệnh thi hành một cách rất là thành công và kịp lúc, mặc dầu cũng đã có nhiều anh em trong Không Đoàn phải hy sinh trong lúc thi hành nhiệm vụ đầy gian lao này, dưới áp lực phòng không dường như dày đặc của Cộng quân trên khắp mọi nơi dọc theo hai bên Quốc Lộ 13 từ quận Chơn Thành đến An Lộc. Vui cười, phẫn nộ, khóc thương, … hàng ngày đều có xảy ra cho các chiến sĩ Không Quân gan lì của Không Đoàn 43 Trực Thăng này.

Về ưu tiên 1: Không Đoàn 43 Trực Thăng thuộc Sư Đoàn 3 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà, được sự yểm trợ và phối hợp của Đại Đội Trực Thăng số 362 của Hoa Kỳ cùng các trực thăng võ trang có bố trí đại liên và các giàn phóng hoả tiễn yểm trợ đã thành công gần như hoàn mỹ việc đổ Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù vào 2 ngày 14 và 15 tháng 04 năm 1972 và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù vào ngày 16 tháng 04 năm 1972 rất kịp thời và kịp lúc để cứu nguy An Lộc.

Về ưu tiên 2: Không Đoàn 43 Trực Thăng kể trên, sau đó tiếp tục trực thăng vận Trung Đoàn 31 Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà do Đại Tá Nguyễn Văn Kiểm, Trung Đoàn Trưởng chỉ huy, và 1 Đại Đội của Tiểu Đoàn 21 Công Binh Chiến Đấu lên vùng Tân Khai (12 cây số Nam An Lộc và 8 cây số Bắc Tàu Ô, dọc theo Quốc Lộ 13) để thiết lập căn cứ hoả lực dã chiến làm đầu cầu hoả lực yểm trợ cho đoàn quân tăng viện và diệt chốt, đang từ phía Nam tiến dần lên, và bảo vệ cho tuyến phòng thủ của lực lượng Dù ở phía Nam An Lộc, tiếp theo đổ Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh do Trung Tá Nguyễn Viết Cần chỉ huy, xuống Tân Khai dùng làm bàn đạp tiến lần về hướng An Lộc, Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 15 + Đại Đội Trinh Sát + Tiểu Đoàn 1 Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh. Trong khi đó Trung Đoàn 32 Sư Đoàn 21 Bộ Binh do Đại Tá Nguyễn Văn Biết, Trung Đoàn Trưởng chỉ huy, di chuyển bằng đường bộ, từ Lai Khê càn ngang qua chốt địch, Bầu Bàng (Bắc Lai Khê 7 cây số), quận Chơn Thành rồi đến Tàu Ô (12 cây số Bắc Chơn Thành).

Về ưu tiên 3: Lực lượng Trung Đoàn 43 của Sư Đoàn 18 Bộ Binh đang trấn giữ đoạn đường từ Lai Khê lên Chơn Thành, từ khi Sư Đoàn 21 Bộ Binh và Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà vào trận chiến, đã mở rộng vùng hoạt động trên Quốc Lộ 13. Các đơn vị Cộng quân núp dưới các giao thông hào, gần như bị dẹp tan vào lúc ban ngày, xe cộ, chiến xa và quân lính thường xuyên di chuyển lên xuống tương đối an toàn, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 tăng cường thêm cho Trung Đoàn 43 Bộ Binh một lực lượng Thiết Giáp, Thiết Đoàn 5 (-) Thiết Vận Xa M.113 của Quân Đoàn 3, rút về từ mặt trận suối Tàu Ô, để thành một Chiến Đoàn lưu động trừ bị có Thiết Vận Xa yểm trợ, sẵn sàng tiếp ứng cho các đơn vị Địa Phương Quân trong vùng diện địa lãnh thổ Quân Khu III (đặc biệt chú trọng vào 2 quận Trị Tâm và Phú Giáo tỉnh Bình Dương).

Chiến Đoàn 43 lưu động này có gần 2,000 chiến sĩ kể cả 30 Thiết Vận Xa M.113 của Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh (-) Việt Nam Cộng Hoà.

Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà gồm có 3 Trung Đoàn Bộ Binh - Trung Đoàn 31 Bộ Binh do Đại Tá Nguyễn Văn Kiểm (giai đoạn đầu), Trung Tá Nguyễn Văn Xuân (giai đoạn sau) Trung Đoàn Trưởng chỉ huy, Trung Đoàn 32 Bộ Binh do Đại Tá Nguyễn Văn Biết, Trung Đoàn Trưởng chỉ huy (giai đoạn đầu), Trung Tá Đoàn Cư (giai đoạn sau), Trung Đoàn 33 Bộ Binh do Trung Tá Nguyễn Viết Cẩn, Trung Đoàn Trưởng chỉ huy (Trung Tá Cần bị trúng đạn pháo của Cộng quân tử trận tại 4 cây số về hướng Bắc Tân Khai, trong thời gian điều động Trung Đoàn 33 Bộ Binh rời căn cứ hoã lực Tân Khai để tiến về hướng An Lộc, vị Trung Đoàn Phó lên thay thế để tiếp tục chỉ huy Trung Đoàn). Và Bộ Chỉ Huy Hành Quân (hay Trung Tâm Hành Quân) Sư Đoàn 21 Bộ Binh đặt căn cứ tại Lai Khê (vị trí của Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà) Thiếu Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, là vị Sĩ Quan cao cấp sau Tướng Minh có mặt tại mặt trận, chỉ huy toàn bộ Sư Đoàn 21 Bộ Binh và các đơn vị cơ hữu theo quan niệm điều quân của Quân Đoàn 3 do Tướng Minh chỉ huy. Cho đến ngày 12 tháng 05 năm 1972 thì được công điện của Phủ Tổng Thống cằt cử lên làm Tư Lệnh Quân Đoàn 4/Quân Khu IV, thay thế Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, được điều động ra nắm chức Tư Lệnh Quân Đoàn 1/Quân Khu I, thay thế Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm. Sư Đoàn 21 Bộ Binh được bàn giao lại cho Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu, nguyên Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Nhảy Dù. Lễ bàn giao Sư Đoàn 21 Bộ Binh cho Tướng Hậu,được diễn ra trong ngày 14 tháng 05 năm 1972 tại Lai Khê, và lễ bàn giao chức Tư Lệnh Quân Đoàn 4 giữa 2 vị Cựu và Tân Tư Lệnh, được hoàn tầt trong ngày 15 tháng 05 năm 1972 tại Cần Thơ..

MẶT TRẬN PHÍA NAM DỌC THEO QUỐC LỘ 13 (GIAI ĐOẠN 2)

Sau khi toàn bộ Trung Đoàn 31 Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà an toàn đặt chân đến vùng Tân Khai (12 cây số Nam An Lộc), Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3, cho thiết lập ngay một căn cứ hoả lực dã chiến với 1 Pháo Đội của Tiểu Đoàn 21 Pháo Binh gồm có 6 khẩu pháo 105 ly và hàng ngàn quả đạn cũng như xe ủi đất, được các trực thăng Chinook câu đến, làm đầu cầu yểm trợ cho đoàn quân phía Nam tiến về An Lộc .

Việc thiết lập căn cứ hoả lực dã chiến tại Tân Khai của Trung Đoàn 31 Bộ Binh cũng như việc thiết lập căn cứ hoả lực dã chiến tại Đồi Gió trước đây của Lữ Đoàn Dù, cũng là kế hoạch mới dựa theo nhu cầu chiến trận của phía Việt Nam Cộng Hoà, không có ghi trong bản điều nghiên chiến trận của địch, đã tạo cho địch một vần đề nan giải, vì không còn lực lượng hay thành phần nào, đủ sức để nhổ căn cứ Tân Khai như Đồi Gió nữa. Và căn cứ hoả lực Tân Khai nầy, vẫn còn chễm chệ đứng vững cho đền ngày tàn của trận chiến, khi toàn thể Sư Đoàn 21 Bộ Binh được hoàn trả về cho Quân Đoàn 4 (đầu tháng 08 năm 1972).

Tại mặt trận Suối Tàu Ô, trước khi quân Dù và quân của Trung Đoàn 43 Bộ Binh và Thiết Đoàn 5 Thiết Kỵ Việt Nam Cộng Hoà rút đi, hai đoàn quân này đã gây cho lực lượng Cộng quân hao tổn gần 2 tiểu đoàn bộ binh đóng chốt. Số còn lại thì ăn bom và đạn xuyên phá của Pháo Binh Việt Nam Cộng Hoà hàng ngày, cán binh của địch không được điền khuyết, cứ tiếp tục hao hụt, đâm ra mất tinh thần, muốn rời bỏ chốt mà chạy. Sau này, khi lực lượng của Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, khi đã ủi xong hết các chốt ở vùng Suối Tàu Ô, lục soát trong các chốt, phát hiện những chiếc lòi tói, còn xích liền dưới cườm chân trên thân xác của mỗi tổ 3 cán binh thành một chùm (kiền – xích liền chân với nhau).

Sau khi căn cứ hoả lực Tân Khai được thiết lập, và vùng chốt địch tại Suối Tàu Ô bị 2 Trung Đoàn 31 và 32 của Sư Đoàn 21 Bộ Binh từ 2 mặt Bắc Nam có Thiết Đoàn 9 hỗn hợp Chiến Xa M.41 còn chừa lại của Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh Quân Đoàn 3 và khoảng 60 chiếc M.113 cơ hữu yểm trợ đánh ép mạnh, một lực lượng khác gồm 2 Tiểu Đoàn 2 và 3 còn lại của Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà lãnh nhiệm vụ tùng thiết Thiết Đoàn 9 Thiết Vận Xa của Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh cơ hữu, di chuyển bằng đường bộ ép về phía Đông (tay phải) Quốc Lộ 13 tính từ Nam lên Bắc đánh bật thêm một số chốt nữa để càn vượt qua chặng suối Tàu Ô, tiến đến Tân Khai bắt tay với Bộ Chỉ Huy của Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh, đã từng được trực thăng vận đổ xuống trận địa vài ngày trước đó.

Cuộc giằng co giữa hai Trung Đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt và 2 Trung Đoàn của Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà có phi pháo yểm trợ, tại mặt trận suối Tàu Ô kéo dài đến đêm 18 tháng 05 năm 1972 cùng lúc lực lượng Cộng quân tập trung toàn diện nỗ lực (bộ binh, chiến xa, pháo binh ), tấn công cố dứt điểm An Lộc.

9 giờ tối đêm 18 tháng 05, một đơn vị của Trung Đoàn 32 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà bất thình lình đánh tan nhiều chốt địch trên vùng Suối Tàu Ô, mà không bị pháo tập trên nắp hầm, không giống như trước đây đã gặp phải, nên 2 vị Trung Đoàn Trưởng 2 Trung Đoàn 31 và 32, Đại Tá Kiểm và Đại Tá Biết hội ý chia nhau dùng bộ binh và thiết vận xa M.113 tấn công chia cắt tràn ngập toàn diện các chốt kiền trên toàn vùng Suối Tàu Ô, chiều ngày hôm sau 19 tháng 05 năm 1972, lực lượng Sư Đoàn 21 Bộ Binh, càn quét xong đến cái chốt cuối cùng, nơi đặt bản doanh của Trung Đoàn 209 Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt, là ngày đánh dấu dứt điểm được chốt kiền tại Suối Tàu Ô, khai thông luôn đoạn đường từ Quận Chơn Thành đến Tân Khai dài 23 cây số, với nhiều thiệt hại máu xương của đôi bên.

Tạm tổng kết thiệt hại đôi bên tại Mặt Trận Suối Tàu Ô như sau :

Địch: 90% cán binh của 2 Trung Đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt bị tiêu diệt (khoảng 2430 cán binh tử vong).

Bạn: Trung Đoàn 43 Sư Đoàn 18 Bộ Binh, Lữ Đoàn 1 Dù, Trung Đoàn 31 Sư Đoàn 21 BB, Trung Đoàn 32 Sư Đoàn 21 Bộ Binh, Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh, Thiết Đoàn 5 của Quân Đoàn 3 và Thiết Đoàn 9 của Quân Đoàn 4 Việt Nam Cộng Hoà tổn thất nhân mạng 30% (1850 Chiến Sĩ hy sinh), + 10 chiến xa M.41 và 20 Thiết Vận Xa M.113 bị hư hại.

Sau khi 2 Trung Đoàn 31 và 32 của Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà bứng xong chốt Suối Tàu Ô, tiếp tục chia quân giữ an ninh đoạn đường dài 40 cây số từ căn cứ Lai Khê về đến căn cứ hoả lực Tân Khai.

CHƯƠNG 10
HẦM VÀ CHỐT XA CAM


Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà sau khi được đổ quân xuống Tân Khai, nhận được lệnh của Quân Đoàn 3, tiếp tục tiến lên để thu ngắn đoạn đường 12 cây số còn lạ hướng về An Lộc, khi rời khỏi Tân Khai 5 cây số về hướng Đông Bắc,Tiểu Đoàn đi đầu của Trung Đoài 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh chạm súng nặng với một đơn vị Cộng quân cấp Trung Đoàn, Cộng quân có pháo 130 ly và hoả tiễn cũng như chiến xa PT.76 yểm trợ. Trung Tá Nguyễn Viết Cần, điều động 2 tiểu đoàn còn lạI lên tiếp ứng, tại căn cứ hoả lực Tân Khai, khai pháo yểm trợ không ngừng. Cuộc quần thảo với quân Cộng Sản Bắc Việt bất phân thắng bại, kéo dài đến chiều tối ngày 21 tháng 05 năm 1972, Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh, buộc phải dừng lại, và Trung Tá Cần ra lệnh cho các đơn vị phải bố trí, đào hầm hố dã chiến phòng thủ qua đêm, đồng thời yêu cầu pháo binh tại căn cứ hoả lực Tân Khai thiết lập sơ đồ pháo tập tiên liệu để yểm trợ khi bị địch tấn công (ưu tiên 1) và những toạ độ khác bắn khuấy phá vài tràng định kỳ, tập trung sâu trong lòng địch.

Khi biết được vị trí của đơn vị Việt Nam Cộng Hoà, ở phía Nam trong khu rừng gần Xa Cam, Cộng quân liền nã trên 500 quả đạn 130 ly và hoả tiển 122 ly, pháo tập, ngay vào vị trí đóng quân của Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh, và đã gây tử thương cho vị Trung Đoàn Trưởng tài ba Nguyễn Viết Cần ngay trong đêm đó (khoảng 10 giờ đêm ngày 21 tháng 05 năm 1972). Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh, bị địch bao vây và cầm chân tại vị trí đó.

Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 sau khi nhận được tin Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh bị địch cầm chân và vị Trung Đoàn Trưởng trúng pháo tử vong, liền ra lệnh cho Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh đợi khi 2 Tiểu Đoàn còn lại của Chiến Đoàn, tùng thiết cho Thiết Đoàn 9 Kỵ Binh đến căn cứ hoả lực Tân Khai xong vào ngày 23 tháng 05 năm 1972, để lại căn cứ hỏa lực Tân Khai,1 Tiểu Đoàn và 1 Chi Đoàn Thiết Vận Xa, ủi ụ phòng thủ, do vị Trung Đoàn Phó Nguyễn Ánh Lê chỉ huy tổng quát, còn lại Chiến Đoàn 15 Bộ Binh (-) gồm 2 Tiểu Đoàn Bộ Binh và Đại Đội Trinh Sát 9, do đích thân Trung Tá Chiến Đoàn Trưởng Hồ Ngọc Cẩn chỉ huy, tức tốc trực chỉ đến tiếp ứng cho Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh vào sáng sớm ngày 24 tháng 05 năm 1972. Trung Tá Cẩn di chuyển quân, nương theo khu rừng phía Tây Quốc Lộ 13 gần đến 6 cây số hướng về An Lộc và chuyển hướng ép về phải, vượt qua Quốc Lộ 13 và đổi về phía Đông từ mặt Bắc đánh xuống hướng Nam, có nghĩa là từ phía sau lưng địch đánh tới, đột phá vòng vây cho Trung Đoàn 33 còn đang mắc kẹt tại đây, 2 mặt giáp công, lực lượng Cộng quân có PT.76 yểm trợ, rút lui trở về khu đồn điền Xa Cam để lại trên 150 xác tại trận địa và 2 PT.76 bị các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà bắn hạ. Sau khi giải vây cho Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh,cả hai đơn vị bung ra lục soát và giữ an ninh bãi đáp cho đoàn trực thăng Việt Mỹ tản thương các chiến sĩ của quân bạn trong đó có xác của vị Trung Đoàn Trưởng Nguyễn Viết Cần còn đang được trùm kín trong chiếc poncho từ mấy ngày qua.

Tản thương và chỉnh đốn lại hàng ngũ, Chiến Đoàn 15 (-) và Trung Đoàn 3, hỗ tương di chuyển hai bên Quốc Lộ 13 tiến dần lên phía An Lộc, cho đến khi hai đơn vị của Việt Nam Cộng Hoà chiếm được bìa rừng phía Nam Xa Cam (6 cây số Nam An Lộc) thì chạm trán ngay với các chốt của Cộng quân đã đào sẵn chi chit bên trong rừng cây cao su dày đặc, mặc dù được Pháo 105 ly từ căn cứ hoả lực Tân Khai bắn yểm trợ, cùng các trực thăng võ trang Cobra của Mỹ và hàng chục phi tuần phản lực của Không Lực Hoa Kỳ oanh tạc vào đội hình quân địch. Chiến Đoàn 15 phải tạt qua cánh trái Quốc Lộ để đào hầm hố phòng thủ song song bên phải là Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Cả 2 đơn vị luôn bị pháo 130 ly và hoả tiễn 122 ly địch bắn chặn, khó có thể tiến hơn dù rằng chỉ vài trăm thước phía trước.

Đoạn đường còn lại 6 cây số từ Xa Cam đến An Lộc thật là khó nuốt, ở giữa Xa Cam trong khoảng rừng cao su, 4 cây số Nam An Lộc, Cộng quân có đào một hầm khá rộng và sâu bên dưới đường rày xe lửa, xung quanh hầm chỉ huy này còn có nhiều chốt và giao thông hào chằng chịt yểm trợ hỗ tương lẫn nhau rất chặt chẽ. Đó là chốt cấp Trung Đoàn (Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 165 chính quy của Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt), cùng được sự trợ lực của Trung Đoàn 141 Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt trấn thủ, chặn quân tăng viện. Cái chốt tai hại này đã cầm quân Chiến Đoàn 15 và trung Đoàn 33 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà do vị Thiếu Tá Trung Đoàn Phó nắm quyền chỉ huy Trung Đoàn Trưởng không thể nào vượt qua được, mặc dù các Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà đã nhiều lần tấn công hay đột kích để diệt chốt, nhưng đều phải trả một giá rất đắt cho mỗi lần tấn công. Quân số lần hồi hao hụt mà không bổ sung được bởi các khẩu đại liên phòng không được đặt trên các thiết giáp cơ giới di động của Cộng Quân và các súng hoả tiễn SA.7 đã khống chế các trực thăng tiếp tế hay tản thương không còn đáp xuống được nữa.

Chiến Đoàn 15 (-) đào hầm hố cố thủ bên cánh trái và Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà phòng thủ song song bên cánh phải, tản quân rộng dài ra để tránh pháo địch. Lay hoay tại chỗ gần một tuần liên tiếp, về việc tiếp tế đạn dược, lương khô và thuốc men đểu được các C.123 của Sư Đoàn 5 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà xuất phát từ căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất Sài Gòn thả dù xuống. Đa số đồ tiếp tế, cả hai đơn vị đều nhận được tương đối đầy đủ, còn các thương binh thì phải đành băng bó tạm để nằm tại chỗ, không tản thương được.

Toán mật mã tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn bắt được tần số liên lạc và xác định được vị trí của 2 đơn vị Cộng quân. Bộ Chỉ Huy Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt vùng 7 cây số Tây Nam An Lộc và Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 165, ẩn trú dưới các hầm rất kiên cố tại vùng 4 cây số Nam An Lộc.

Toán chuyên viên Việt Mỹ đặc trách về B.52, cho tọa độ kể cả tính chất mục tiêu, đã yêu cầu 2 lần liên tiếp vào ngày 20 tháng 05 và 22 tháng 05 năm 1972, nhưng phía Hoa Kỳ đều không thoả mãn yêu cầu của phía Việt Nam Cộng Hoà, cứ lờ đi, cũng không giải thích lý do không thực hiện. Toán chuyên viên đặc trách về B.52 liền trình sự việc lên cho Tướng Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn.

Đây là lần thứ ba phía cố vấn Hoa Kỳ của Quân Đoàn 3 từ chối không cần giải thích với phía Việt Nam Cộng Hoà. Lần đầu vào ngày 18 tháng 04 năm 1972, tọa độ thả bom là vùng phi trường Quản Lợi, tính chất mục tiêu là Bộ Chỉ Huy đầu não của Cộng quân (Cục R) + hầu hết thành phần của Chính Phủ Bù Nhìn Mặt Trận Giải Phóng MIền Nam + 2 Trung Đoàn Bộ Binh quân Cộng Sản Bắc Việt. Lần thứ nhì và thứ ba vào 2 ngày 20 và 22 tháng 05 năm 1972 tọa độ vùng 7 cây số Tây Nam và vùng 4 cây số Nam An Lộc, tính chất mục tiêu là hầm chỉ huy của Bộ Tư Lệnh Công Trường 7 và hầm chỉ huy của Trung Đoàn 165 Công Trường 7 đặt dưới đường rày xe lửa dọc theo Quốc Lộ 13, được thiết kế kiên cố có thể chống được Pháo và bom thường của Không Quân Việt Mỹ.

Việc phía Hoa Kỳ từ chối oanh tạc bằng B.52, đã kéo dài thêm chiến trận, đúng ra đã được kết thúc từ ngày 18 tháng 04 năm 1972, nhưng đã để kéo dài thêm chiến trận, khiến cho hàng ngàn binh sĩ và dân chúng Việt Nam Cộng Hoà cũng như các cán binh Cộng Sản Bắc Việt phải đổ xương máu, qua các trận Đồi Gió , trận tấn công An Lộc lần thứ ba (19-04-1972), trận tấn công lần thứ tư (10-05-1972), trận đánh chốt Suối Tàu Ô và cuộc tấn công lần thứ năm (18-05-1972) và sau cùng trận Xa Cam (kéo dài từ 13 tháng 05 đến ngày 08 tháng 06 năm 1972). (xem bản đồ số 11)

1. TƯỚNG MINH HỌP THAM MƯU TÌM CÁCH CÔNG PHÁ CHỐT XA CAM

Theo ước tính của những chuyên viên công binh, và các giới chức Không Quân Việt Nam Cộng Hoà, nếu muốn đánh sập và tiêu diệt các hầm và chốt nầy, chỉ có hai cách là dùng B.52 trải thảm bom hoặc thả bom CBU (loại bom nổ tạo áp suất cao, có thể tiêu diệt con người vẫn còn nguyên vẹn nhờ áp suất của bom tạo ra và hầm càng sâu dưới lòng đất sự công phá của loại bom này càng mãnh liệt hơn nhiều lần).

Về khả năng dùng B.52 thì kể như không có, chỉ còn trông chờ vào khả năng của Không Quân Việt Nam Cộng Hoà mà thôi !

Một buổi họp kín giữa Trung Tướng Nguyên Văn Minh và vài chức cao cấp của Bộ Tư Lệnh Không Quân, Chuẩn Tướng Huỳnh Bá Tính, Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà, Đại Tá Nguyễn Văn Tường (Tường Mực), Tư lệnh Phó Sư đòan 3 Không quân, Tướng Minh đem việc Chiến Đoàn 15 và Trung Đoàn 33 Bộ Binh còn đang bị kẹt tại khu rừng 6 cây số Nam An Lộc, gặp phải lực lượng Cộng quân cấp 2 trung đoàn chính quy của Công Trường 7 kháng cự rất mãnh liệt, và bị cầm chân tại chỗ, đã gần 1 tuần qua, và sự tổn thất do pháo địch càng ngày càng lên cao, các đơn vị bạn không thể vượt qua được cái chốt có hầm đào sâu dưới đường rày xe lửa, và các chốt nổi xung quanh vùng Xa Cam, dưới sự yểm trợ rất đắc lực của pháo và hoả tiễn địch, địa điểm chốt đã được toán mật mã xác định được rõ ràng : Muốn khai thông đoạn đường 6 cây số còn lại thì trước tiên Bộ Binh của quân Bạn, phải vượt qua được cái chướng ngại duy nhất còn lại nầy .Cần Không Quân đánh bom, san bằng hay tiêu diệt địch đang ẩn trú dưới các hầm kiên cố đó. Dùng B.52 để san bằng thì đã 2 lần vẽ Box, nhưng phía Hoa Kỳ đã ra mặt từ chối hẳn, chỉ còn lại giải pháp, là phải dùng loại bom CBU để tiêu diệt bọn chúng mà thôi !

Tướng Minh tâm sự :

- Như các Anh Em đã biết, lực lượng đang tử thủ bên trong An Lộc đang chờ Amh Em chúng ta đến tiếp ứng từng giờ từng phút, còn lực lượng tăng viện của chúng ta, đã tiến đến gần mục tiêu An Lộc, chỉ còn cách có 6 cây số, nhưng không vượt qua nổi cái hầm chốt Xa Cam này, mặc dù lực lượng của Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh và Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh đã cố gắng bứng chốt nhiều lần trong suốt 2, 3 ngày đầu nhưng vẫn chưa bứng nổi và còn bị tổn thất khá nhiều. Hầm chốt Xa Cam này, còn khó hơn cái chốt ở Suối Tàu Ô khi trước, nên tôi phải nhờ đến mấy Anh Em Không Quân giúp cho ý kiến, để làm sao phá được chốt địch. Ý tôi muốn hỏi là có loại bom nào thích hợp như bom CBU chẳng hạn, cũng như loại phi cơ nào có thể dùng thả bom ngay vào hầm của địch, để giúp cho Bộ Binh của chúng ta có cơ hội vượt qua được cái chốt đó hay không !!

Tướng Minh tiếp : Ba cái trở ngại lớn nhất của chúng ta hiện giờ, là làm sao xoá bỏ thoả ước về lằn ranh yểm trợ hỏa lực cho chiến trường giữa Không Quân Việt Nam và Không Quân Mỹ, nếu không khéo, thì người bạn đồng minh của chúng ta lại nại cớ này lý do nọ mà phủi tay ra đi, rồi không có yểm trợ gì nữa hết, trong khi Anh Em ở An Lộc ngày đêm đang cần đến Không Quân Hoa Kỳ yểm trợ. Đó là vấn nạn thứ nhất. Vấn nạn thứ hai là làm sao có loại bom CBU (Không Lực Việt Nam Cộng Hoà có loại bom đó hay không) ? Vấn nạn thứ ba là loại phi cơ nào mới có thể thả bom CBU được ?

Sau khi Tướng Minh dứt lời, Tướng Tính quay qua hội ý với Đại Tá Tường, và giải đáp mọi thắc mắc, gỡ rối các vấn nạn mà Tướng Minh vừa mới nêu lên như sau:

- Kính thưa Trung Tướng, giải pháp đánh chốt có hầm sâu bằng B.52 là hay và tiện lợi nhất trong mọi giải pháp khác, nhưng rất tiếc người bạn đồng minh của mình, đã nhất quyết không giúp, thật là đáng buồn cho tình nghĩa đồng minh… Bây giờ người ta (Không Lực Mỹ) không làm, thì mình làm bằng Không Lực của Sư Đoàn 3 Không Quân cơ hữu của mình, cũng có thể chơi vài trái CBU ( cỡ nhỏ )ngay trên hầm địch để san bằng giết hết tụi nó, đang có mặt dưới hầm hay các giao thông hào kế cận, tôi còn được biết, các phản lực cơ Hoa Kỳ, sau 6 giờ chiều là phải rời vùng trách nhiệm bay trở về căn cứ xuất phát, (các Hàng Không Mẫu Hạm đang đậu ngoài khơi phía Đông Nam biển Nam Hải) ,nghĩa là chúng ta cứ âm thầm hành động theo kế hoạch riêng của Việt Nam mình, không cần cho Mỹ biết làm gì, cho họ kiểu cách và kiếm chuyện này nọ, và dù phía Mỹ có biết được sau này, chúng nó cũng không trách gì mình được. Mình ném CBU bằng Skyraider AD.6 của Sư Đoàn 3 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà sau 6 giờ chiều là ổn thoả nhất.

Và Tướng Tính giới thiệu Đại Tá Tường, Tư Lệnh Phó kiêm Không Đoàn Trưởng Khu Trục và Phản Lực Không Đoàn 3 Việt Nam Cộng Hoà hiện diện, trình bày tiếp.

Đại Tá Tường cho biết hiện nay, trong kho bom của Sư Đoàn 3 Không Quân nếu ông nhớ không lầm thì vẫn còn 5, 7 quả CBU( cỡ nhỏ ) có ngòi nổ đầy đủ, Mỹ đã phát trừ bị cho ông còn chưa xử dụng, còn loại phi cơ nào thả bom CBU thì phản lực cơ A.37 hay phi cơ cánh quạt AD.6 (Skyraider) loại nào thả cũng được hết, nếu dùng phản lực cơ bay nhanh hơn, nhưng lại đôi khi sai lạc mục tiêu chút đỉnh, không được trúng phóc ngay trên hầm chốt, còn Skyraider AD.6 thì có tốc độ kém hơn phản lực cơ, nhưng nó có cái ưu điểm là có thế bay sát gần mục tiêu để ném bom chính xác vào mục tiêu hơn …

Cuộc họp được kết thúc trong bầu không khí cởi mở và đầy niềm tin hy vọng, sau cùng, Tướng Minh quyết định cho phá hầm và chốt Xa Cam bằng bom CBU do các Skyraider AD6 (cánh quạt) của Không Quân Việt Nam Cộng Hoà vào ngày N.

2. KẾ HOẠCH ĐỔ QUÂN TIỂU ĐOÀN 6 NHẢY DÙ
LÀM NỖ LỰC CHÍNH ĐÁNH CHỐT XA CAM
KÈM THEO ĐOÀN QUÂN BỔ SUNG
CHO CÁC ĐƠN VỊ ĐANG CÓ MẶT TRÊN QUỐC LỘ 13
VÀ CÁC ĐƠN VỊ ĐANG TỬ THỦ TẠI AN LỘC


Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù bị thiệt hại khá nặng tại căn cứ Đồi Gió, 2 Đại Đội được rút vào sát nhập với Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 1 bên trong Thị Xã An Lộc, 3 Đại Đội khác do Trung Tá Nguyẽn Văn Đĩnh, Tiểu Đoàn Trưởng vượt phá vòng vây về hướng Tây Nam, và được trực thăng của Không Quân Việt Nam Cộng Hoà bốc về Lai Khê, vào chiều ngày 20 tháng 04 năm 1972, quân số còn lại của 3 Đại Đội chỉ còn có trên 100 chiến sĩ mà thôi. Sau đó được hậu cứ Sư Đoàn Dù bổ sung tại chỗ quân số lên đến 600, tái tổ chức, và tiếp tục đặt dưới quyền xử dụng của Quân Đoàn 3, để liên kết với đơn vị Mẹ ( Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù đang còn chiến đấu trong An Lộc ) .

Quyết Định ngày N được Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 và Bộ Tư lệnh Sư Đoàn 3 Không Quân ấn định được tuần tự diễn tiến như sau :

a.- Trực Thăng Vận 600 chiến binh Dù và 2,200 chiến sĩ của các quân binh chủng khác vào tăng cường cho chiến trận An Lộc và các đơn vị bạn, dọc trên Quốc Lộ 13 tại vùng căn cứ hoả lực Tân Khai, vào 2 ngày 06 và 07 tháng 06 năm 1972 gồm : Tiểu Đoàn 6 Dù 600 quân, quân bổ sung cho Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh + Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh, để đủ khả năng cùng với Tiểu Đoàn 6 Dù đi tiên phong, dứt điểm chốt Xa Cam, một số chiến binh khác, cho theo bên cạnh Tiểu Đoàn 6 Dù cả trên 1,000 quân, để bổ sung cho các đơn vị Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù và Lữ Đoàn 1 Dù, đang tử thủ tại An Lộc ( kể từ ngày khởi diễn trận chiến 13 tháng 04 năm 1972 cho đến nay chưa được bổ sung ) .

Như vậy, mũi dùi tấn công vào chốt Xa Cam lần này, ở ngay tuyến đầu với Tiểu Đoàn 6 Dù có khoảng 1 Trung Đoàn chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà gồm cả Nhảy Dù, Biệt Cách Dù, Biệt Động Quân, và Bộ Binh. Mỗi đơn vị tháp tùng theo Tiểu Đoàn 6 Dù đều có cắt cử một sĩ quan điểu động đơn vị trực thuộc của đơn vị mình dưới sự chỉ huy thống nhất của Trung Tá Nghuyễ văn Đĩnh, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù. Trung Tá Đĩnh được chỉ thị và sự khích lệ của Tướng Minh : sau khi chạm đất, thống nhất chỉ huy đoàn quân 2,200 chiến sĩ, lập tức di chuyển đến tiếp xúc với Chiến Đoàn 15 (-) của Trung Tá Cẩn và Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh đang án ngữ hai bên Quốc Lộ 13, 6 cây số Bắc Tân Khai và giao các chiến binh bổ sung cho hai đơn vị này, xong rồi di chuyển tiếp lên tuyến đầu cách chốt Xa Cam vào khoảng 1 cây số dừng lại và chờ lệnh dứt điểm chốt Xa Cam, sau khì các khu trục cơ AD.6 thả CBU, dự trù sau 18 giờ 30 ngày 07 tháng 06 năm 1972.

Tại phi trường Biên Hoà, hai phi tuần khu trục A.37 yểm trợ cho 4 khu trục cơ AD.6 mang 4 quả bom CBU được lệnh cất cánh vào lúc 18 giờ 15 chiều ngày 07 tháng 06 năm 1972 trực chỉ Xa Cam.

18 giờ 30 ngày 07 tháng 06 năm 1972,hai phi tuần A.37 bay trước oanh kích dọn đường cho 4 Skyraider AD.6 tiếp nối theo sau thả liền 4 trái CBU ngay trên địa điểm Hẫm chốt Xa Cam, gây ra 4 tiếng nổ lớn, san bằng tiêu diệt một vùng gần 1 cây số đường bán kính xung quanh.

Sau đợt thả bom CBU chấm dứt, chiếc trực thăng C&C của Tướng Minh trên vùng trời Xa Cam, báo cho Tiểu Đoàn 6 Dù, khởi phát cuộc tấn công lên hướng Bắc, đoàn quân tràn qua nhiều hầm hố đầy xác Cộng quân còn nguyên vẹn, vì sức ép của CBU đã gây ra những cái chết như thế. Đoàn quân của Tiểu Đoàn 6 Dù tiếp tục tiến lên, và khám phá ra được một hầm rộng trên 300 thuớc vuông sâu dưới mặt đất, cở 3 thước dưới đường rầy xe lửa, với trên 200 xác chết của cán binh Cộng Sản, trong đó có xác của một sĩ quan mang cấp bậc thượng tá, cùng các máy truyền tin của cấp trung đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt.

Đến đây, trời cũng vừa tối, Trung Tá Đĩnh ra lệnh cho Tiểu Đoàn 6 Dù và các đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà tháp tùng theo Tiểu Đoàn 6 Dù, lục soát và chiếm cứ các hầm hố của Cộng quân để phòng ngự qua đêm, đồng thời gọi căn cứ hoả lực Tân Khai thiết trí sơ đồ hoả tập pháo binh, để yểm trợ phòng ngừa khi địch phản công.

Tiếp đến qua sáng ngày 08 tháng 06 năm 1972, các đon vị Việt Nam Cộng Hoà chỉ còn cách An Lộc khoảng 4 cây số . Kể như chốt Xa Cam đã bị bứng đi.

Tiếp tục tiến lên dưới sự kháng cự cầm chừng của vài chốt còn lại, cuối cùng khi còn cách An Lộc khoảng 2 cây số về hướng Nam, đơn vị đi đầu bắt được liên lạc bằng tiếng súng hiệu và cuối cùng bằng thủ lệnh của các chiến binh thuộc Tiểu Đoàn 8 Dù đang trấn đóng vùng phía Nam An Lộc.

Trung Tá Nguyễn Văn Đĩnh Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 6 Dù và Trung Tá Trần Thiện Tuyển Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 8 Dù, anh em cùng trường Mẹ Võ Bị Đà Lạt, ôm chầm lấy nhau mà lòng khấp khởi vui mừng sau bao ngày chinh chiến thập tự nhất sinh.

Tiếng reo hò mừng vui vang dậy, giữa các chiến sĩ Dù và đoàn quân bổ sung, tay bắt mặt mừng ôm chầm lấy nhau.

Tin Tiểu Đoàn 6 Dù và Tiểu Đoàn 8 Dù bắt tay được với nhau, đã khai thông nốt đoạn đường Quốc Lộ 13 từ An Lộc đến Lai Khê (Bình Dương), qua 3 cửa ải chốt chận Xa Cam, Suối Tàu Ô và Bầu Bàng . Trung Tá Đĩnh gọi trình tức thời, cho vị Tư Lệnh Quân Đoàn, đang bay theo dõi và khích lệ đoàn quân giải tỏa, trên vòm trời Xa Cam, và sau đó Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Tướng Hưng tại An Lộc và cả Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Quân Đoàn ở Lai Khê đều nghe nhận được trên tần số truyền tin .

Tướng Minh thở phào nhẹ nhõm, và gọi gởi lời khen ngợi Trung Tá Đĩnh cùng toàn thể các chiến sĩ Tiểu Đoàn 6 Dù cũng như các chiến sĩ tháp tùng. Tướng Minh nói với Trung Tá Đĩnh : Tiểu Đoàn 6 Dù đã phục hận được trận Đồi Gió trước đây (xảy ra vào ngày 19 tháng 04 năm 1972), tôi sẽ đề nghị cho Anh lên Đại Tá đặc cách mặt trận để thưởng công …

Tiểu Đoàn 6 Dù và các chiến sĩ của Chiến Đoàn 15 (-) và Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh sau cùng đã càn quét các chốt địch và các đơn vị phòng không của địch quân dọc trên đoạn đường dài 6 cây số về phía Nam An Lộc để bảo đảm an toàn cho đoàn trực thăng 45 chiếc bay vào tản thương hàng ngàn binh sĩ và dân chúng đang nằm la liệt tại các đỊa điểm tản thương trong Tiểu Khu Bình Long và dọc theo Quốc Lộ 13 về phía Nam .

Tin Tiểu Đoàn 6 Dù bắt tay được với Tiểu Đoàn 8 Dù tại vùng 2 cây số phía Nam An Lộc, tin Chiến Đoàn 15 và Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh sau cùng đã càn quét được các chốt địch và các đơn vị phòng không của địch quân dọc trên đoạn đường dài 6 cây số về phía Nam An Lộc, để bảo đảm an toàn cho đoàn trực thăng 45 chiếc HU1D bay vào tản thương hàng ngàn binh sĩ và dân chúng ra khỏi An Lộc sau hơn 2 tháng bị Cộng quân bao vây về đến Tổng Y Viện Cộng Hoà và các bệnh viện quân dân sự ở các Tỉnh Bình Dương và Biên Hoà, tin giải tỏa và tản thương, được loan truyền đi rất nhanh ...

Khi trực thăng của Tướng Minh vừa đáp xuống phi trường Lai Khê, thì hầu hết các sĩ quan cao cấp thuộc Bộ Tham Mưu Hành Quân Quân Đoàn đều có mặt tại sân bay, để đón mừng vị Tư Lệnh Quân Đoàn, vừa mang được kết quả từ mặt trận trở về. Và khi vừa vào đến bản doanh Bộ Tư Lệnh Hành Quân Quân Đoàn, Tướng Minh liền gọi điện báo trình với Đại Tướng Cao Văn Viên. Câu nói đầu tiên của Tướng Minh là ca tụng Lực Lượng Dù (Tiểu Đoàn 6 Dù). Đại Tướng Viên cũng rất hài lòng về tin tức mới nhất này, và vội trình lên Đại Tướng Khiêm, Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng, và Tổng Thống Thiệu ngay sau đó.

Qua ngày hôm sau (ngày 09 tháng 06 năm 1972), một cuộc họp báo được tổ chức tại Lai Khê. Tướng Minh tuyên bố : Cuộc chiến được xem như kết thúc, mặc dù Cộng quân vẫn còn cố gắng pháo kích vào thành phố, nhưng với cường độ nhẹ. Việc tiếp tế và tản thương không còn gặp trở ngại, mặc dù pháo của Cộng quân vẫn còn bắn cầm chừng, khi thấy trực thăng đáp xuống, các đơn vị bạn đang mở rộng vòng đai hoạt động, tiến chiếm lại những cao địa xung quanh An Lộc như Đồi Đồng Long, Đồi 100, v.v... Toàn bộ 4 Công Trường ( Sư Đoàn ) quân chủ lực Cộng Sản Bắc Việt đã bị kiệt quệ, và đã âm thầm rút lui khỏi trận chiến. Chúng tôi ca ngợi tinh thần kiên trì, can đảm, chịu đựng rất nhiều thử thách, đầy gian nan khổ cực, của tất cả các đơn vị tử thủ, cũng như tham chiến, từ binh sĩ cho đến các cấp chỉ huy. Chúng tôi cũng kính cẩn nghiêng mình trước Anh Linh của khoảng trên 3,000 chiến sĩ các cấp trực thuộc các Quân Binh Chủng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã vĩnh viễn giã từ đồng đội, vì Đại Nghĩa Quốc Gia Dân Tộc và trên 5,000 thường dân vô tội của Tỉnh Bình Long đã bị chôn vùi dưới các trận mưa pháo của Cộng quân, đã sát cánh bên cạnh các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà, chỉ vì muốn được sống có TỰ DO DÂN CHỦ, và cầu chúc cho hàng chục ngàn Quân Cán Chính chẳng may bị thương tích trong trận chiến, đang nằm điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hoà và tại các bệnh viện quân dân sự thuộc lãnh thổ Quân Khu III và bệnh viện 3 dã chiến của Hoa Kỳ, sớm được bình phục và sớm được xum họp với gia đình.

Tôi cũng vừa nhận được lệnh của vị Tổng Tư Lệnh Quân Đội, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, đặc cách cho mỗi quân nhân tử thủ, mỗi người được lên một cấp bậc.

Trong dịp này, để trả lời một số câu hỏi của báo chí trong và ngoài nước, Tướng Minh phát biểu như sau : Trận chiến An Lộc đã được tượng hình từ năm 1971, sau những cuộc hành quân Toàn Thắng 71 Quân Khu III của cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí, trong đó Đại Tướng Trí có dự định đổ quân lên Kratié (một quận lỵ phía Bắc của nước Cambodia) nơi đặt bản doanh đầu não của Cục R (Trung Ương Cục Miền Nam) để càn quét và tiêu diệt sào huyệt này của Cộng quân. Nhưng sau đó Đại Tướng Trí chẳng may bị nổ trực thăng đền xong nợ nước, và tôi được thượng cấp chỉ định thay thế người tiền nhiệm tài ba và đầy lòng yêu nước đó.

Trong cái thế chẳng đặng đừng, có thể nói rõ nghĩa hơn là dù trong bụng muốn tiếp tục giữ đúng như kế hoạch của Đại Tướng Trí đã đề ra chăng nữa, nhưng kiểm điểm lại với tình huống thực tại lúc bấy giờ, tôi không làm gì hơn được, và buộc phải có quyết định rút quân, một lực lượng cơ hữu trên phân nữa thực lực của Quân Đoàn 3 lúc bấy giờ, đang còn trên lãnh thổ Cambodia trở về nội địa Việt Nam Cộng Hoà, để bảo toàn lực lượng, vì theo tin tình báo cao cấp, tôi được biết sau trận thảm bại Tết Mậu Thân, Cộng quân vẫn tiếp tục nuôi mưu đồ tấn chiếm nước Việt Nam Cộng Hoà của chúng ta, hàng đoàn xe, hàng chục ngàn tấn thực phẩm, nhiên liệu, đạn dược ngày đêm không ngừng nghỉ được chuyên chở hay di chuyển vào Nam trên suốt dọc đường mòn Hố Chí Minh. Và cuộc rút đoàn quân từ ngoại biên trở về đến nội địa lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà được hoàn tất vào cuối tháng 05 năm 1971.

Việc rút đoàn quân trên 2 Sư Đoàn về đến nội địa để chỉnh đốn hàng ngũ, vừa kịp lúc. Nhờ vậy mà khi quân Cộng Sản Bắc Việt mở cuộc tấn công vào nội địa thuộc lãnh thổ Quân Khu III vào ngày 05 tháng 04 năm 1972, phần lớn lực lượng từ ngoại biên này trở về nội địa, như hai Trung Đoàn 52 và 43 của Sư Đoàn 18 Bộ Binh, Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, Trung Đoàn 8 của Sư Đoàn 5 Bộ Binh, 2 Thiết Đoàn 1 và 5 của Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh Việt Nam Cộng Hoà, đã trở thành những thành phần nồng cốt, tương đối đủ khả năng cấp thời để ngăn chặn đà tấn công của 4 Công Trường (Sư Đoàn) quân Cộng Sản Bắc Việt, vào mùa hè đỏ lửa.(tháng 04 năm 1972).

Nói về cuộc rút quân từ chiến trường ngoại biên trở về nội địa Việt Nam Cộng Hoà vào năm 1971, rút quân khi địch quân được thông tin biết truớc, và cuộc phòng thủ tại mặt trận An Lộc vào năm 1972, phòng thủ để chống trả với một lực lượng địch đông hơn quân bạn gấp 6 lần và chiếm ưu thế về Thiết Giáp và Pháo Binh, là những sự kiện đã gây cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc nhất trong cuộc đời binh nghiệp của riêng tôi.

Trận chiến Quốc Lộ 13 kể như được chấm dứt vào ngày 08 tháng 06 năm 1972, với sự thiệt hại của đôi bên như sau :

ĐỊCH: Sư Đoàn (Công Trường) 7 Cộng Sản Bắc Việt + Trung Đoàn Địa Phương, thiệt hại 80% quân số bộ chiến; Tiểu Đoàn Chiến Xa của Trung Đoàn Chiến Xa 203 + Trung Đoàn Cơ Động Phòng Không + Sư Đoàn Pháo 130 ly và các Trung Đoàn phóng hoả tiễn 122 ly và 107 ly bị Không Quân Hoa Kỳ tiêu diệt 70%.

BẠN :

Giai Đoạn 1 : Trung Đoàn 48 Sư Đoàn 18 Bộ Binh + Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù bị thiệt hại 30% quân số.

Giai Đoạn 2 : Sư Đoàn 21 BB & Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 bị thiệt hại 40% quân số.

Giai Đoạn 3 : (sau cùng, khai thông) Tiểu Đoàn 6 Dù & Trung Đoàn hỗn hợp bổ sung bị thiệt hại 5% quân số. Thiết Đoàn 15 (hỗn hợp M.41 & M.113 Quân Đoàn 3) + Thiết Đoàn 21 M.113 Quân Đoàn 4 + Thiết Đoàn M.113 Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Quân Đoàn 4, bị thiệt hại 1/3 chiến xa M.41 và M.113.
(Xem bản đồ số 12)






1- TÌNH QUÂN DÂN NHƯ CÁ VỚI NƯỚC

Theo tổ chức của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, mỗi đơn vị tác chiến ở cấp Trung Đoàn, Lữ Đoàn, Chiến Đoàn đều có 1 Đại Đội Quân Y, có một bác sĩ Quân Y và nhiều Y Tá đi theo đơn vị hành quân ra mặt trận. Có nghĩa là tại mỗi mặt Đông, Tây, Nam, Bắc đều có một hay hai vị Quân Y Sĩ và nhiều toán cứu thương. Hãy đọc một đoạn trích ngắn trong bản phụ đính của Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường trong tác phẩm “Trung Đoàn 8 Bộ Binh tại An Lộc” như sau (có thể xem như là tiêu biểu cho cả 4 mặt Đông, Tây, Nam, Bắc về vần đề Y Tế và chung sự) ;

Ngay khi địch ngưng tấn công, việc đầu tiên Trung Đoàn 8 cần phải giải quyết gấp là di tản thương binh và thường dân bị thương nặng về Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn, để Bác Sĩ Quân Y Trung Đoàn chăm sóc, kế đó là gom hết tất cả các xác chết đồng đội, thường dân và cả xác của Việt Cộng bỏ lại chiến trường, chôn để tránh mùi hôi thối do xác chết xông lên.

Kiểm tra tình trạng quân số và thương binh thì từ ngày 13 tháng 4, khi bắt đầu nhập cuộc chiến đến ngày hôm nay, tổn thất thương vong của các tiểu đoàn lên đến gần phân nửa. Số người tử thương thì đã giải quyết chôn ngay tại chỗ, số bị thương thì tồn đọng rất nhiều, vì ngày nào cũng có nhiều thương binh nhưng không tản thương được. Do đó, Quân Y tạm thời giải quyết : số người bị thương nhẹ còn đi đứng được thì sau khi băng bó xong cho trở về đơn vị cũ, cầm súng tiếp tục chiến đấu trở lại. Do đó, có người bị thương 2 hoặc 3 hay nhiều lần. Có người lần trước bị thương nhẹ, lần sau bị thương nặng. Cũng có những thương binh nhẹ sau đó lại tử thương. Còn những thương binh nặng thì để nằm đó chờ tản thương, sống thoi thóp, rồi có người mòn mỏi chết dần



Đại Đội 52 Quân Y báo cáo trong khu vực của Trung Đoàn 8 BB còn có cả ngàn Quân Nhân và thường dân bị thương nặng chờ tản thương, nằm chật cả một dãy phố trên đại lộ Hoàng Hôn. Những người còn lành mạnh thì rất mệt mỏi và gầy ốm vì phải chiến đấu hết ngày này sang ngày khác, không thì giờ nghỉ ngơi, thiếu ngủ, thiếu ăn, tinh thần lúc nào cũng bị căng thẳng, sinh mạng không biết chết lúc nào. Lại nữa, mùi hôi thối từ những xác chết rất khó thở. Ruồi lằn sinh sản nhanh kinh khủng. Nước không đủ uống, lấy đâu mà tắm giặt, dơ bẩn, khó chịu, nhưng họ cũng phải ráng chịu. Phấn đấu sống để mà chiến đấu, để bảo vệ Quê Hương và Dân Tộc không lọt vao tay Cộng Sàn.

Còn về tình hình dân sự của Bệnh Viện Tiểu Khu Bình Long xin trích “Nhật Ký An Lộc” của Bác Sĩ Nguyễn Văn Qúi trong Chương “Địa Nguc Trần Gian” từ trang 199 đến 218.

2.- ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN

Tôi đã cắt mấy cẳng chân nát bấy. Xuơng vỡ ra nhiều mảnh vụn. Thịt da tơi tả trông như miếng giẻ rách, bầy nhầy lẫn lộn đất cát và mấy sợi gân trắng hếu. Tôi thấy không tài nào giữ được những cẳng chân ấy. Chiếc cưa dây Gigli tôi dùng đi dùng lại nhiều lần, giờ đây không chịu nổi nữa. Tôi kéo cưa được mấy cái là đứt tung ra, văng cả máu lên mặt. Trong tủ y cụ tôi chỉ còn có hai sợi chót. Sau khi thay, tôi chỉ còn một sợi độc nhất để dành. Sợi dây cưa Gigli rất dễ sử dụng. Cưa mau lại đỡ mệt hơn cưa tay thường. Tôi phục người nào đó đã sáng chế ra sợi dây cưa này. Tiện lợi vô cùng, vì nó chỉ là những sợi dây thép gồ ghề soắn lại với nhau nên luồn lách chỗ nào cũng được.

Trong tình trạng hiện tại, tôi quí sợi dây cưa này lắm, nó giúp tôi làm việc mau lẹ còn dành thì giờ mổ nhiều người khác. Thiếu nó thì những trường hợp thiết đoạn tứ chi tôi đành bó tay. Tôi cố gắng làm việc cho thật nhanh để thương binh khỏi phải chờ đợi và nhất là tránh phơi mình lâu ở chỗ không an toàn.

Mọi nghi thức trong phòng mổ đều được giản dị hoá đến mức tối thiểu. Chúng tôi chỉ cần một đôi găng tay. Mọi người trong toán mổ đều mặc áo giáp, đầu đội nón sắt để thay thế áo choàng mổ. Có như vậy chúng tôi mới yên lòng làm việc vì bên ngoài Việt Cộng vẫn pháo tới đều đều.

Máy phát điện đã bị pháo kích hư từ đêm hôm qua. Tôi phải mở rộng cửa sổ để có đủ ánh sáng làm việc. Chiếc bàn mổ phải luôn luôn xoay ngang, xoay dọc, lộn đẩu lộn đuôi tùy thuộc nơi mổ là ngực, bụng, đầu hay chân tay để có đủ ánh sáng mặt trời rọi vào chỗ mổ. Phòng hấp ngưng hoạt động vì không còn điện nữa. Các dụng cụ giải phẫu đều được khử trùng bằng cách đốt bằng rượu cồn hay ngâm rửa trong nước sà bông gọi là surgical soap.

Mặc áo giáp mổ vừa nặng vừa nóng. Trong phòng mổ kín mít, không máy lạnh, chỉ có một cái cửa sổ thông hơi nên đứng một lúc mà mồ hôi vã ra như tắm. Tôi bị mất nước nhiều quá thành ra mau mệt. Nước bây giờ quý hơn vàng, khó kiếm ra. Phòng mổ bây giờ không còn một giọt nước. Những khăn mổ đã dùng rồi, dính máu không có nước giặt được chị Huyền gom lại vứt thành đống sau phòng trực y tá. Ngay đến nuớc rửa vết thương còn không có lấy nước đâu ra giặt đồ.


Ngay những ngày đầu của cuộc chiến, tôi đã tiên liệu tình trạng này. Nhưng tôi thực không ngờ trận đánh kéo dài mãi không dứt và hình như hiện giờ mới chỉ là khởi đầu. Tuần trước tôi đã ra lệnh cho Thượng Sĩ Lý chỉ huy các nhân viên phòng mổ thu gom tất cả các chai nuơc biển đã dùng rồi, đổ đầy nươc vào, đem đi hấp để dự trữ hàng giẫy dài mấy trăm chai dọc theo tường phòng mổ.

Mặc dù chúng tôi dùng rất dè sẻn, chỉ để rửa các vết thương, số nước đó cũng chỉ được một tuần sau là hết. Cũng may tôi xuống dưới kho lớn đã đổ nát tìm được 6 gallon phisohex và hai thùng hydrogen peroxide. Không có nước pha, tôi đành rửa các vết thương bằng phisohex nguyên chất.

Phòng mổ bây giờ thật xơ xác hoang tàn. nền nhà dơ bẩn vì không có nước lau đã lâu. Dưới chân bàn mổ từng vũng màu đông đen xì hôi hám. Không khí ngột ngạt khó thở, không thể nào tiếp tục làm việc được nữa. Bệnh viện đã bị cô lập. Muốn liên lạc với các giới chức có thẩm quyền để xin trợ giúp chỉ còn có một cách đích thân đi bộ tới tận các bộ chỉ huy. Nhưng trong tình thế này tôi không tin là họ có thể giúp được cho bệnh viện một chút gì. Tôi tự nghĩ, có sao làm vậy, đến đâu hay đến đó, hết sức mình thì thôi.

Khoảng 5 giờ chiều, Bác Sĩ Nam Hùng ở phòng cấp cứu xuống cho tôi hay có 5 người bị thương bụng cần mổ gấp, tôi nghe vậy mệt xỉu luôn.

Dù ở trong thời bình với đầy đủ phương tiện, tôi có làm suốt đêm đến sáng, chưa chắc một mình tôi có thể giải quyết xong số thương binh đó. Huống chi, trong tình trạng hiện nay, với một số nhân viên cố định, đã làm việc suốt ngày không nghỉ. Tôi nghĩ không tài nào làm hết nổi. Không biết trận chiến còn kéo dài đến bao giờ. Tôi phải giữ sức khỏe cho nhân viên và cho tôi để có thể tiếp tục làm việc trong những ngày sắp tới. Nếu phung phí sức khỏe làm việc trong một ngày để rồi sau đó kiệt sức nằm bẹp một chỗ thì thật là người bất trí.

Lại còn vấn đề cá nhân nữa. Không ai lo cơm nước cho chúng tôi. Chúng tôi phải tự túc lấy. Sau vài ca mổ trong giờ xả hơi tôi tạt qua phòng nhắp vội một hai nắp bi đông nước cho đỡ khát, ăn vội mấy thìa cơm sấy với thịt hộp cho qua cơn đói. Các nhân viên phòng mổ khác chắc cũng được bạn bè giúp đỡ nên họ cũng chưa đến nỗi kiệt sức lắm.

Tuy nhiên trong tình trạng hiện tại, không điện nước, không đèn đuốc, thì dù có tinh thần cao cách mấy cũng không thể nào làm được. Lại thêm Việt Cộng vẫn tiếp tục pháo kích suốt ngày. Đạn pháo rơi bên trường trung học trước bệnh viện,bên Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5, bên Ty Công Chánh sau bệnh viện rồi rơi vào ngay cả bệnh viện khiến cho chúng tôi đứng mổ không yên. Mọi người đều cố làm thật nhanh để còn đi tìm chỗ núp.

Những vội vã trong lòng không biểu lộ ra nét mặt. Ai nấy đều có cái vẻ ngoài điềm tĩnh để làm việc. Có thể nói sợ quá hoá lỳ. Vị thực ra đâu còn cách nào khác. Tuy nhiên mỗi lần nghe tiếng rít của đạn bay qua đầu hay tiếng hú của hoả tiễn thì những dấu hiệu kinh sợ mới thấy hiện ra trong ánh mắt mệt mỏi của mọi người. Riêng tôi, mỗi lần như vậy thì cảm giác sợ hãi làm co thắt các bắp thịt đến buốt nhói ở tim. Khi nghe thấy tiếng đạn nổ rồi, thấy mình không hề hấn gì mới yên lòng làm việc tiếp.

Càng ngày Việt Cộng càng pháo nhiều, tinh thần mọi người ở đây thật căng thẳng. Sống tính từng giờ, chết không biết lúc nào. Chúng tôi như những con chim đã bị tên, thấy cây cong là sợ : một tiếng xiết chân, một tiếng chép miệng, một tiếng thắng xe, tiếng xao động của mái tôn cũng làm cho chúng tôi giựt thót mình. Bao giờ tôi cũng có cảm tưởng là có một trái đạn treo trên đầu mình sẵn sàng nỗ bất cứ lúc nào.

Tôi nhận thấy không tài nào làm hết những vết thương bụng đó được.Tôi chọn xem người nào nhẹ nhất tôi làm trước. Những người nặng và những người mất máu nhiều không có hy vọng sống sót sau khi mổ, tôi chỉ cho truyền nước pha với trụ sinh rồi giao cho số mệnh.

Trong số những người bị thương bụng không mổ, chỉ có hai người sống sót, một cô gái và một người lính cao lớn tên Ba. Tiếc thay anh Ba sống được hai tuần thì một đêm kia, phòng hậu giải phẫu bị trúng một trái 61 ly. Người đàn bà nằm ngay chỗ trái đạn nổ cùng với đứa con không việc gì, trái lại anh Ba bị một mảnh nơi cẳng chân trái. Một tuần sau anh chết vì bị phong đòn gánh.

Trong ánh sáng lờ mờ của buổi chiều, trong không khí ngột ngạt oi bức tanh mùi máu của phòng mổ, tôi, Thiện, Xòm cố sức làm việc. Tôi cố khâu những vết thủng ruột non. Tôi thấy khó thở quá, mồ hôi chảy ròng ròng trong thân làm tôi thấy ngứa ngáy khó chịu. Thỉnh thoảng tôi lại phải nghiêng đầu dơ vai lên quẹt mồ hôi ở mặt từ trán chảy xuống.

Bây giờ không còn như mấy ngày trước nữa mà mong có người đứng bên lau mồ hôi cho mình. Trong hoàn cảnh khó khăn tôi đã hình thành một triết lý sinh tồn là cứ hết sức chú ý vào công việc mình làm, không cần để ý tới thời gian và những phiền toái chung quanh. Bởi vậy cuộc mổ chiều hôm đó tuy cực nhọc khó khăn rốt cuộc rồi cũng xong.

Tôi mệt lả người. Trong lúc Thiện, Xòm đẩy bệnh nhân ra phòng hậu giải phẫu, tôi bước ra ngoài cho dễ chịu một chút. Tôi không dám hít mạnh vì không khí bệnh viện hiện giờ chẳng trong lành, thơm tho gì. Cho tới nay gần 300 xác người nằm sấp lớp dưới nhà xe và sân sau của bệnh viện. Những xác chết đó có từ ngày đầu của cuộc chiến, đến nay gần mười ngày mà chưa được đem đi chôn. Buổi chiều mùa hạ nóng bức cùng với mùi tử khí của những xác người đã bắt đầu trương phình làm cho không khí đặc quánh, thật khó thở.

Bệnh viện có một nhà xác chứa được hai xác. Khi tôi tới làm việc ở tỉnh này được chừng ba tháng, thì dự án nới rộng nhà xác của tỉnh đã được thông qua và bắt đầu. Một ông thượng sĩ an ninh của tỉnh thì thầm với tôi :

- Bác sĩ đừng chê tôi dị đoan, nới rộng nhà xác là điều tối ky, vì chắc chắn sẽ có nhiều người chết lắm. Để rồi bác sĩ coi tôi nói có đúng không. Trước kia làm ở tinh Chương Thiện cũng vậy. Chỉ vài tháng sau khi nới rộng nhà xác là vô số người chết tới.

Lúc đó tôi gật đầu cho ông ta vừa lòng, nhưng trong bụng bán tín bán nghi. Nay thì thấy ông thượng sĩ già này có lý.

Thoạt đầu những người tử nạn đều được tẩm liệm vô hòm đàng hoàng, có cả quốc kỳ phủ quan tài cùng hương đèn đốt cháy suốt ngày đêm. Trung đội chung sự không đem đi chôn được vì pháo kích và khu nghĩa địa không được an ninh vì ở xa, ngoài vùng kiểm soát của quân mình, nên xác chết cứ để lại tại bệnh viện.

Khuya, sau khi mổ xong, đi xuống phòng ngủ, tôi không dám nhìn ra phía nhà quàn với hàng quan tài có những ánh nến leo lét cháy. Cứ trông thấy là tôi lạnh người dựng tóc gáy rảo bước cho mau.

Dần dần người chết quá nhiều, bất cứ nơi nào có xác chết là họ thu về đem thảy vào nhà xác bệnh viện. Mới đầu giới hạn ở nhà quàn, sau lan ra nhà xe, tới sân sau, rồi tới ngang hông văn phòng Ty Y Tế ngay trước trại ngoại khoa. Có xác quấn poncho, có phiếu chứng tử đính kèm, nhiều xác để trần mặc áo giáp, xác nằm xấp, nằm nghiêng, co chân co tay, miệng há hốc, mắt trợn trừng. Có xác nằm bình thản như người ngủ. Có xác trương phình, bụng căng cứng, bóng như bụng ễnh ương, chảy nước vàng, rữa nát vì để quá lâu, phơi nắng suốt ngày đã biến màu thành đen sạm như chì. Xác của người lớn, của trẻ con, của quan, của lính, của dân nằm lẫn lộn, xông lên mùi hôi thối suốt nửa tháng trời. Ruồi nhặng bu đầy trên mặt mũi, trên những vùng nước rỉ ra từ những thân thể sắp rữa nát.

Để ngăn ngừa ruồi muỗi sinh sản, có người đem rắc bột DDT lên những xác chết. Hành động này về phương diện vệ sinh, trên lý thuyết thì rất đúng. Nhưng đứng ở một nơi nào khác kia, ở một thời điểm nào kia, chứ thực tình tôi vẫn phân vân tự hỏi tại đây nó có tốt không ? Trong nhất thời, tôi cho là tai hại quá.

Ruồi nhặng bị xua đuổi khỏi chỗ ở của nó liền quay vào tấn công bệnh viện. Khắp chỗ nào cũng có ruồi nhặng. Chúng lì lợm đậu lên đầu lên mặt tôi, lên mặt những thuơng binh mệt mỏi nằm ngủ quên. Tôi đưa tay vuốt mặt ngửi thấy mùi hôi thối của xác chết kinh tởm đến lợm giọng. Tệ hơn nữa hiện giờ chẳng kiếm đâu được nước mà tắm rửa. Tôi lấy một cục bông gòn thấm alcool lau qua cho đỡ bẩn. Mùi hăng nồng của alcool quả thực đã làm tôi thấy sạch sẽ hơn, dễ chịu hơn được một chút.

Lại nữa, mùi DDT trộn với mùi của xác chết xình thối hợp thành một mùi khủng khiếp không tài nào ngửi được. có những xác ruồi bu đen suốt từ đầu đến chân, tôi trông thấy mà nôn nao trong ruột muốn ói.

Mấy ngày sau, anh Châu kiếm đâu được ít thịt heo đem kho tầu mang đến cho tôi nhưng tôi không thể ăn được. Cứ đưa miếng thịt lên miệng lại nghĩ tới đống thịt rữa nát chỉ cách mình không xa là mấy, đành phải bỏ xuống. Ấn tượng đó cho đến cả tháng sau, lúc dọn sang bộ chỉ huy tiểu khu mới hết.

Sau khi không thể chịu được những xác chết đó nữa, chúng tôi trình sự việc lên Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5. Một vị đại tá được chỉ thị lo việc này. Đó là Đại Tá Điềm nguyên Tỉnh Trưởng Long Khánh hồi tôi còn ở Trung Đoàn 43 Sư Đoàn 18 Bộ Binh đóng ngay tại tỉnh này. Không hiểu sao tôi lại gặp ông ở đây. Đích thân ông dẫn một tốp lính cùng 10 lao công đào binh để hốt xác đem lên xe cam nhông đưa đi chôn. Nhưng khi Đại Tá Điềm ra lệnh xong vừa quay về là lính, lao công đào binh cũng trốn luôn. Ai cũng ghê tởm không dám làm công việc khênh hàng trăm xác rữa nát hôi thối lên xe.

Ở sân trường học, ngay phía trước cửa bệnh viện, một chiếc xe ủi đất của Ty Công Chánh đang đào những hố thiệt lớn. Tiếng máy nổ khác thường làm mọi người chú ý. Ai cũng thắc mắc không hiểu họ đang làm gì. Mới đầu, tôi tưởng Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn cho làm thêm công sự chiến đấu, sau mới biết là đào hố chôn tập thể. Xe phải đào tới gần một ngày mới xong.

Buổi chiều chừng 5 giờ, một xe GMC dẫn 10 lao công đào binh cùng 5 người lính sang bệnh viện. Xe de đít quay vào đám xác. Lần này có lệnh của Đại Tá Điềm là ai trốn chạy sẽ bị bắn tại chỗ. Chính nhờ nghiêm lệnh này công việc đã được tiến hành tương đối chu đáo và có hiệu quả. Một trung sĩ to con, mặt sát khí đằng đằng cầm súng M.16 đứng chỉ huy.

Mấy người lao công đào binh đi kiếm bao nylon gạo sấy để làm bao tay hì hục khênh từng xác vất lên xe.

Nước vàng hôi thối từ những xác chết chảy ròng ròng. Bắt họ làm công việc này thật tội nghiệp. Nhưng nếu không bắt buộc thì làm sao giải quyết nổi gần 300 cái xác đó. Sau khi chất lên được gần một xe, nhìn lại thấy số xác người như không suy chuyển một chút nào, mấy anh lao công đào binh đã bắt đầu nản, xuống tinh thần. Phần vì mệt mỏi, phần vì tiếp cận ngay những cái xác đang rữa nát hôi thối đó, họ đều xin dừng tay nghỉ mệt và một anh đề nghị lấy xe ủi đất ủi tất cả các xác đó vào một đống sau bệnh viện rồi đổ xăng đem đốt. Nhưng giải pháp này không được chấp thuận. Vì mùi khét lẹt của gần 300 cái xác đó xông lên thì chắc không ai chịu nổi.

Bỗng một người lính la lên :

-Có thằng trốn.

Hai người lính liền đi lục soát tìm kiếm. Lợi dụng mọi người không chú ý, ba người nữa chạy vội ra tính leo rào trốn khỏi bệnh viện. Một cuộc rượt bắt diễn ra. Anh trung sĩ phải bắn mấy phát chỉ thiên mới bắt lại được ba người, còn một người trốn mất luôn. Bắt được anh cho mỗi người một báng súng vô ngực, buộc phải quay lại làm tiếp. Anh hăm dọa :

-Tụi bay mà bỏ chạy nữa tao bắn bỏ nghe.

Một người lao công đào binh mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm chiếc áo ka ki bạc màu, nhăn nhó qua hàng nước mắt :

- Hôi thối quá làm sao tụi em làm được.

Anh trung sĩ nạt lại:

- Bộ tao đứng canh tụi bay ở đây không ngửi thấy mùi sao.

Ráng làm cho xong rồi về.

-Khênh người sống còn đỡ, khênh người chết sình nặng quá muốn hụt hơi luôn. Trung sĩ cho tụi em nghỉ một lát để thở.

-Được, cho tụi bay nghỉ 5 phút.

Mấy lao công đào binh ngồi ngay xuống thềm xi măng văn phòng Ty Y Tế nghỉ xả hơi. Mặt người nào người nấy phờ phạc có lẽ phải hít thở mãi những mùi xú uế từ những tử thi để lâu ngày. Một người trông hãy còn trẻ, chừng 20 tuổi mặt mũi có vẻ thông minh ngồi dựa vào tường than thở.

- Từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, chưa bao giờ tao phải làm một việc cực khổ khốn nạn như thế này. Cực đéo chịu được, thà chết sướng hơn.

Tôi cho người đi kiếm mấy cặp găng tay đã dùng rồi đưa cho họ mang để họ làm việc dễ dàng hơn là dùng những bao nylon gạo sấy.

Hết năm phút xả hơi, họ lại được lệnh tiếp tục khênh xác lên xe. Đầy xe rồi tài xế liền lái ra hố chôn tập thể. Họ lại khênh xác vứt xuống hố. Tới 8 giờ tối mới xong được hai xe. Họ làm liên tục như thế trong hai ngày mới thanh toán hết số xác trong bệnh viện. Chiếc xe ủi đất phải đào thêm hố nữa dài theo sân của trường trung học mới đủ chỗ chôn. Ngoài ngã ba Xa Cam dọc theo vườn cao su, trung đội chung sự tiểu khu còn đào thêm một hố chôn tập thể khác khá lớn. Tôi nghe nói hố đó chứa chừng gần một ngàn xác.

Giờ đây mồ mả mọc lên như nấm rải rác khắp thành phố. Những tấm bia bằng gỗ pháo binh, bằng giấy carton được mấy người bạn đồng đội viết nguệch ngoạc tên họ người chết và cắm lên vội vã. Họ phải làm thật lẹ vì rất nguy hiểm khi phơi mình quá lâu trên mặt đất. Đạn pháo kích có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.

Trước cửa nhà Tiểu Khu Phó, hai người đang đào hố chôn bạn, gần xong thì bị ngay một trái 105 ly. Chẳng một ai sống sót. Sẵn hố đã đào, người ta liền vùi tất cả chung vào một lỗ. Thành ra những ngưòi lính ấy đã tự tay đào lỗ chôn mình. Mấy anh lao công đào binh cũng bị tử nạn đang khi vứt xác xuống hố. Thi thể họ cũng được vùi chung với những xác mà họ mới vừa khênh xuống.

Người ta kể chuyện, vì có những vụ như vậy nên mỗi lần đào hố chôn, họ lại đào rộng ra một chút để nếu có bất hạnh xảy ra thì có sẵn hố tự chôn mình luôn. Thật là bi thảm nếu quả thực là như vậy. Không biết chuyện đó có thật hay không.

Từ khi giải quyết xong mấy trăm xác chết đó, bệnh viện thấy dễ thở hơn được một chút. Tuy nhiên hàng ngày, trung bình có từ 3 đến 5 xác do các nơi đem tới. Trung đội chung sự vì vậy cứ cách ngày lại phải tới bệnh viện gom xác lại đem đi chôn. Công việc cứ tiến hành đều đều như vậy, nên không còn sự ối đọng cả mấy trăm xác chết như trước nữa.

Ở đây không phải chỉ chết một lần, mà hai lần, có trường hợp tới ba lần. Pháo trúng mồ, thân xác bị cầy nát lên, được chôn lại, bị pháo trúng nữa, thịt xương rữa nát văng vãi tứ tung, hôi thối khủng khiếp. Đó là truờng hợp của một nữ y tá thuộc phòng y tế công cộng chẳng may bị tử thương, được bạn bè đem chôn tại bờ tường phía sau bệnh viện, đã bị chôn hai lần như vừa kể ở trên. Và đó cũng là trường hợp của bốn quân y tá mà tôi là người nói chuyện với họ lần cuối cùng dưới tàn cây trứng cá trườc cửa văn phòng Milphap.

Khi tôi từ phòng mổ đi xuống trại ngoại khoa, nửa đường gặp một nhóm quân y tá đang đứng nói chuyện với nhau. Trông thấy tôi, binh nhất Út tươi cười chào hỏi :

- Bác sĩ làm việc có mệt không ?

Tôi đứng lại nhập bọn với họ, trả lời :

- Mệt lắm, nhưng cũng phải cố gắng, còn nước còn tát. Thế các anh em có chỗ núp an toàn không, ăn uống cơm nước ra sao ?

- Thưa bác sĩ, nhờ có gạo sấy do thả dù tiếp tế nên cũng không bị đói. Chúng em cứ hai người chung một hố cá nhân đào dọc tường sau của trại nhi khoa, cho đến bây giờ thì may mắn chưa có ai bị hề hấn gì cả.

- Thế thì tốt lắm, nhưng không nên đứng khơi khơi giữa trời như thế này làm gì, nguy hiểm lắm..

Nói xong, tôi liền tiếp tục đi xuống trại ngoại khoa, mở khóa vào trong phòng ngả lưng định nằm vài phút để lấy lại sức. Vừa nằm chưa ấm chỗ tôi chợt nghe một tiếng nổ rất gần ngay trong bệnh viện, không to lắm, mảnh đạn, đất đá văng lên mái nhà nghe rào rào. Tôi đoán là đạn súng cối 61 ly. Vì đã có kinh nghiệm và đã quá quen với pháo kích rồi nên nghe tiếng nổ là tôi có thể đoán trúng được là loại đạn gì. Tôi nghĩ thầm loại này thì nhằm nhò gì chỉ như gãi ghẻ mà thôi. Tôi chẳng thèm để ý, định bụng nằm trên giường như thường, chẳng cần phải chui xuống gầm giường như mọi khi nữa.

Đang suy nghĩ miên man, thì có tiếng gõ cửa gáp rút, rồi tiếng trung sĩ Lạng trưởng trại ngoại khoa nói vọng vào :

- Xin mời bác sĩ ra ngay cho. Có bốn y tá của mình bị thương nặng!

Tôi vội ngồi bật dậy, đi ra ngoài, khoá cửa lại cùng trung sĩ Lạng chạy ra phía đầu trại ngoại khoa, ra tới sân trước văn phòng Milphap tôi thấy một nhóm đông đang xúm xít săn sóc bốn người bị thương nằm dưới đất.

Tôi khám thật nhanh thấy ba người kia đã chết vì vết thương quá nặng ở đầu, bụng. Còn có binh nhất Út thấy có vẻ tỉnh táo nhưng mặt mày xanh mét vì mất máu, vì đau. Tôi ra lệnh cho y tá khênh Út vào văn phòng Milphap, đặt anh ta trên chiếc bàn, rồi bắt đầu khám lại kỹ càng hơn. Tôi thấy một vết thương do mảnh đạn xuyên vào phổi phải. Không có tiếng thở phế bào. Chắc máu ra nhiều trong phổi. Tim đập rất yếu. Chắc chắn bệnh nhân cần phải được thông phổi ngay. Nhưng những dụng cụ thông phổi nay đã hết. Nên tôi đành phải dùng valve Heimlitz là một hình thức thông phổi mà không cần bình nước vì valve chỉ cho phép đi một chiều tức là máu ra được nhưng không khí không vào được do hai lá cao su khi thở ra thì nó mở ra, khi hít vô thì nó tự động đóng lại theo sức ép của không khí.

Tôi biết vết thương này không đơn giản. Chắc chắn nó đã gây hư hại nhiều cho những cơ quan bên trong. Tôi chắc Út khó có thể qua khỏi được nếu không được di tản kịp thời. Nhưng với tình trạng hiện nay, tản thương là điều không thể có được. Tôi nghĩ đến nước này chỉ đành phó mặc cho trời mà thôi.

Sau khi truyền nước biển xong tôi dặn mấy người bạn Út canh chừng trong đêm nay. Ngày mai nếu may mắn có chuyến tản thương sẽ cho Út ưu tiên đi trước.

Tôi đi vòng qua đống rác lớn cuối trại nội khoa, ra phòng cấp cứu. Qua hành lang giữa trại, tôi thấy thương binh nhiều quá, nằm bừa ra cả lối đi. Tôi phải len chân lần từng bước. Ra tới cửa chính giữa, nơi được dùng làm phòng cấp cứu. Một cảnh tượng đau lòng hiện ra. Chừng 30 thương binh nằm đầy ra ở dưới đất. Một vài người có bang ca, còn phần đông nằm ngay trên sàn gạch dơ dáy, đầy bông băng vấy máu. Một bàn kê sát vách tường trên đó để đầy các thứ thuốc sát trùng, các thứ thuốc chích, cạnh đấy là những thùng băng đã được khui sẵn. Sáu y tá luôn tay làm việc băng bó. Bác sĩ Nam Hùng, bác sĩ Tích đã khám vết thương từng người rồi ra chỉ thị cho y tá, cái nào rửa sạch băng lại, cái nào cần giải phẫu thì chuyển xuống phòng mổ. Tôi đến gần bác sĩ Tích, anh nhìn lên lắc đầu thở ra. Tôi hiểu ý nói:

- Nhiều quá phải không anh Tích ? Bác sĩ Tích gật đầu mệt mỏi đáp :

- Tôi với anh Hùng làm từ sáng tới giờ mà vẫn không hết. Nghe nói họ sẽ còn mang tới nữa.

-Trời! Lấy chỗ đâu cho thương binh nằm. Ở đây đầy rồi. Dưới trại cũng hết chỗ chứa.

Bác sĩ Tích ngao ngán lắc đầu :

- Mấy thằng khiêng cáng viên dông hết rồi. Tụi nó mất tinh thần, tên nào tên ấy lờ quờ không muốn làm gì cả.

- Mình bận làm việc không hở tay đâu để ý được tụi nó. Giá có thêm người đứng ra chỉ huy, tụi nó sợ, làm việc, thì đâu có ối đọng khổ sở như thế này.

Tôi đi thăm một lượt, may mắn không có ai cần phải mỗ lớn cả. Phần đông đều bị thương ở tay chân. Có nhiều người bị gãy xương, được các bạn đồng đội băng bó giữ im tạm khúc xương bị gãy bằng những cành củi khô hoặc bất cứ vật gì mà họ kiếm được.

Một điều tôi lấy làm lạ là bị thương đau đớn như thế mà không có ai kêu la. Khi các y tá xức thuốc rửa những vết thương trầy trụa, họ chỉ suýt soa nhăn mặt cắn răng chịu đựng chứ không như những ngày thường.

Trong số những người bị thương, có mấy người dân vừa đàn bà vừa trẻ con. Một đứa trẻ cụt cả hai chân lên tới đầu gối, nằm gối đầu trên một chiếc hộp đựng băng, dơ đôi mắt lờ đờ nhìn tôi miệng mấy máy một cách yếu ớt :

- Nước, nước, cho con hớp nước.

Sắc mặt nó vì bị mất máu nên xanh mét, da môi khô, cánh tay trái bị băng gần hết. Một sợi giây vòng qua cổ treo cánh tay trước ngực thành một góc 90 độ.Tay kia cũng đuợc giữ im để truyền nước biển. Thân hình nó thành ra ngắn ngủn một cách thảm hại. Vệt nước mắt khô còn in trên má. Mắt nó ráo hoảnh, nó không còn nước mắt để mà khóc. Nó nhìn để mà nhìn, đôi mắt dường như vô cảm giác. Tôi nghĩ nó đã quá mệt, tê dại không còn biết đau đớn là gì nữa. Nó bây giờ chỉ còn là một sinh vật, sinh vật “vô tri”. Cạnh đấy một người đàn bà bị thương ở má phải tóc bê bết máu nằm gục đầu trên đống băng vấy máu. Vết thương của bà ta đã được băng bằng một băng cá nhân nhà binh khá lớn che gần hết khuôn mặt chỉ để hở một con mắt tím bầm, sưng vù, thỉnh thoảng cố nhướng lên mà không được. Bà ta nằm rên nho nhỏ.

Phía góc phòng, một người lính bị thương ở đầu, bị quấn băng kín mít, chốc chôc lại la lên :

- Trời ơi khát nước quá, ai cho tôi miếng nước.

Kêu xong anh ta lại nằm yên như không có gì xảy ra cả. Mọi người đều bận rộn, không ai lấy nước cho anh, vì thực ra cũng khó mà kiếm được nước trong lúc này. Tôi yên trí không lo anh bị chết khát, vì chai nước biển treo bên cạnh vẫn còn nhỏ đều đều từng giọt thẳng vào mạch máu.

Tôi nhìn những người y tá làm việc băng bó như máy. Không hiểu họ có nghĩ gì không. Suốt 20 năm chiến tranh, chết chóc bị thương xảy ra quá thường như cơm bữa, khiến người ta dường như không còn xúc động trước những cái chết của đồng loại. Tôi đã nhận ra được điều này ngay từ hồi tôi còn là một sinh viên y khoa thực tập tại khu ngoại khoa bệnh viện Chợ Rãy. Hôm ấy người ta khênh vào hai mẹ con bị thương. Tôi săn sóc khâu vá vết thương của người mẹ. Tôi hỏi :

- Vì sao chị bị thương vậy ? Người đàn bà đáp :

- Bị máy bay bắn lầm trong khi cả nhà tôi đang ăn cơm. Hiện giờ chồng tôi và đứa con út bị chết vẫn còn để nằm ở nhà.

Điều làm tôi kinh ngạc nhất là giọng nói thản nhiên, gần như vô cảm giác, không một chút xúc động, không một giọt nước mắt, dường như bà ta đang nói về cái chết của người chồng, người con nào đó không phải của bà ta. Tôi cứ tưởng bà ta phải gào thét lên, khóc nức nở hay tỏ ra đau đớn lắm khi nhắc tới cái chết của chồng con. Nhưng thực sự đã trái lại, và điều này làm tôi chợt hiểu là chiến tranh đã làm chai đá lòng người.

Tuy nhiên cũng còn may, chiến tranh chưa hủy diệt hết tất cả tình cảm của con người vì sau này, trong những lần hành quân đụng địch, tôi đã bắt gặp được những tiếng khóc thổn thức, những tiếng kêu thảng thốt của những binh sĩ khi nghe tin một người bạn đã gục ở tuyến đầu. Thành ra về một phương diện nào đó, đau khổ quá mức làm cho tê dại đi cũng là một phản ứng tốt để người ta có thể sống còn được.

Tôi tiến dần ra phía ngoài cửa. Nơi đây quả là một địa ngục trần gian. Người sống người chết nằm lẫn lộn với nhau. Một người lính nằm dựa vào chân cột hành lang mắt nhắm nghiền. Một bên má có một vết thương còn rỉ máu. Cánh tay trái băng kín treo trước ngực. Khắp người anh chỗ nào cũng đầy những vết thương nhỏ. Anh nằm gác chân lên cái xác mà anh tưởng là một người bạn, thỉnh thoảng anh đập chân thì thào :

- Lấy tao hớp nước mày.

Có lẽ anh ta đã mê loạn rồi chăng ? Gần đấy một người bị thương ở cẳng chân, nằm gối đầu lên đùi một người bị thương ở đầu dường như đang ngủ mê mệt. Tôi tới gần xem, người bị thương ở đầu đã chết từ bao giờ. Tôi bỗng nghe một tiếng gọi yếu ớt

- Bác sĩ !

Tôi quay đầu lại, đưa mắt tìm kiếm xem tiếng nói từ đâu. Một cánh tay gầy khô như khúc xương mệt mỏi vẫy tôi. Tôi nhận ngay ra Điểu Thoul, môt lính Địa Phương Quân người Thượng đang nằm sát chân tường gần cửa phòng bác sĩ Chí. Tôi tới gần cúi nhìn vào hố mắt sâu hoắm của anh ta. Điểu Thoul giờ chỉ còn là bộ xương. Hắn quá yếu đuối không còn nhúc nhích gì được. Điểu Thoul bị thương ở bụng thủng ruột già. Tôi đã mổ làm hậu môn nhân tạo cho anh ta. Mấy ngày trước tôi đã cho tản thương, khênh ra khênh vào mấy lượt nhưng rốt cuộc không đi được, rồi chắc bị bỏ nằm ở đó.

Tôi ngồi xuống bên anh ta, một mùi hôi thối xông lên. Chung quanh chỗ nằm chảy đầy be bét toàn là phân. Cái túi nylon đựng phân buộc ở hậu môn nhân tạo mấy ngày nay không được thay, phân đầy tràn ra ngoài, những con bọ nhỏ bò lổn ngổn trông thấy mà nổi gai ốc. Tôi nói :

- Để tôi gọi người thay túi nylon cho anh chịu không ?

Điểu Thoul không nói gì, hai giọt nước mắt chảy dài trên đôi má hóp. Thường ngày cũng vậy, Điểu Thoul ít khi nói lắm. Bị đau nhức hay khó chịu trong mình chỉ biết ứa nước mắt khóc mà thôi. Tôi hỏi :

- Đói không, tôi cho người chuyển xuống trại nhé ?

Điểu Thoul gật nhẹ đầu. Sau đó tôi nhờ anh Xòm, thượng sĩ Lý làm sạch vết thương rồi khênh hắn xuống trại hậu giải phẫu.

Trước cửa sổ phòng bác sĩ Chí, ba xác nằm bình thản ngay lối đi. Xa hơn nữa, trước cửa phòng nha khoa hai xác nằm sóng đôi được đậy bằng một tấm tôn cong queo thủng lỗ chỗ vì bị mảnh đạn chừa ra hai cặp chân tím ngắt sưng mọng nước. Những thây đó đã bắt đầu hôi, mùi tử khí làm cho mọi người ngột ngạt khó thở.

Tôi thấy cô Bông, điểu dưỡng trưởng của bệnh viện, đang loay hoay băng bó một cách khó khăn cho một người lính bị thương ở đùi. Cẳng chân bị ngắn lại bị vẹo về một bên. Tôi hấp tấp bước lại :

- Khoan hãy băng, người này bị gãy xương đùi, làm bậy bạ bị kích xúc dễ chết lắm. Cô chờ tôi một chút, tôi đi lấy nẹp Thomas, trong khi chờ đợi cô cho truyền một chai Ringer và chích một syrette Morphin cho bớt đau.

Nói xong tôi rảo bước về phòng mổ, ào vô kho lục được một chiếc nẹp mang ra. Tôi hỏi người lính :

- Anh thấy đã bớt đau chưa ?

Anh ta gật đầu nhè nhẹ. Tôi vẫy trung sĩ Trọng :

- Lại đây giúp tôi một tay. Anh bợ nhẹ chân này lên để cô Bông đặt nẹp vào.

Tôi nắm lấy cổ chân người lính, hơi kéo nhẹ nhàng vừa nâng lên cao. Người lính nhăn mặt kêu đau. Tôi vừa giữ chân vừa vỗ về anh.

- Chịu khó một chút sắp xong rồi.

Năm phút sau, chúng tôi băng bó và giữ im xong. Trên trán người lính còn lấm tấm mấy giọt mồ hôi. Anh đã can đảm cắn răng chịu đau khiến chúng tôi làm việc được mau chóng dể dàng. Tôi thấy cô Bông có vẻ mệt. Bây giờ là 8 giờ tối. Tôi biết cô và Trọng đã làm việc không ngừng từ suốt sáng tới giờ. Đầu tóc cô bơ phờ. Chiếc áo bà ba bằng lụa xanh màu lá chuối non và chiếc quần đen đều vấy máu.

Chúng tôi làm việc dưới ánh sáng bập bùng của ngọn đèn biến chế làm bằng một chai thủy tinh đựng dầu lửa, nút chai được đục thủng một lỗ để bấc đèn chui qua. Ngọn lửa có nhiều khói khét lẹt. Tôi nói với hai người :

- Chắc hết bệnh rồi. Mình có thể đi nghỉ được.

Cô Bông đưa tay quẹt mấy giọt mồ hôi trên trán nói :

- Bác sĩ đi nghỉ trước đi. Tôi đi kiếm chút nước cho thằng bé nằm kia uống.

Tôi vội dặn cô :

- Coi chừng đấy, mấy người khác thấy được, họ nhao nhao lên đòi, cô không có nước đâu mà cho.

Cô Bông mỉm cười hiểu ý nói :

-Tôi biết mà, bác sĩ yên trí đi nghỉ đi.




3- SO SÁNH CƯỜNG ĐỘ VÀ Ý ĐỒ CỦA TỪNG ĐỢT TẤN CÔNG
CỦA QUÂN CỘNG SẢN BẮC VIỆT


Đợt tấn công lần thứ nhất do Công Trường 5 và Công Trường Bình Long đóng vai nỗ lực chính, cường độ tấn công cũng rất là hung hãn, vì theo lệnh của Hà Nội phải chiếm cho được An Lộc trước ngày 20 tháng 04 năm 1972 để ra mắt cái Chính Phủ Bù Nhìn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, đó là thể diện của Bắc Bộ Phủ vì Đài Phát Thanh tại Hà Nội đã loan tin đi khi Công Trường 5 mới vừa chiếm được Lộc Ninh. Tại Lộc Ninh, lực lượng Việt Nam Cộng Hoà trú đóng có 1 Chiến Đoàn cộng thêm 1 Thiết Đoàn Chiến Xa M.41 + M.113 + 1 Tiểu Đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng + 1 Pháo Đội của Chiến Đoàn 9 và một Khẩu Đội Pháo Binh của Chi Khu Lộc Ninh, mà vẫn không chống cự nổi đến 48 giờ. So với lực lượng tại An Lộc, (dựa theo bảng ước tính tình hình trận liệt của quân Cộng Sản Bắc Việt), thì lực lượng của Việt Nam Cộng Hoà chỉ có 5 Tiểu Đoàn (tính luôn cả 2 tiểu đoàn Địa Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long) và Bộ Chỉ Huy Nhẹ của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, vả lại hoàn toàn không có chiến xa yểm trợ, còn yếu hơn Lộc Ninh, nên Hà Nội mới nghĩ rằng tấn chiếm An Lộc dễ như trở bàn tay !!! Nhưng khi giáp trận thì tại phía mặt Bắc, gặp ngay Trung Đoàn 8 Bộ Binh với 2,500 tay súng cừ khôi, lại được trang bị cả hai ngàn súng chống chiến xa M.72, và tại mặt phía Đông, đụng phải Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân với gần 1,500 tay súng, cũng được trang bị súng chống chiến xa, với tinh thần Quyết Chiến của các Chiến Sĩ Mũ Nâu, còn mặt phía Tây thì cả Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, đang dàn trận chờ đón quân địch. Không phải chỉ có 5 Tiểu Đoàn mà cả 3 Trung Đoàn quân Chủ Lực Việt Nam Cộng Hoà và 2 Tiểu Đoàn Địa Phương Quân. Vì lẽ đó, nên ngày 20 tháng 04 năm 1972 đã qua đi, mà Công Trường 5 và Công Trường Bình Long dù đã tận hết sức bình sinh, đem nướng gần hết các cán binh và chiến xa, mở liên tiếp 3 cuộc tấn công biển người có xe tăng trợ chiến, nhưng cũng vẫn không chiếm được An Lộc… Cuối cùng Bộ Chỉ Huy chiến dịch Nguyễn Huệ của Cộng quân, bị Hà Nội khiển trách, buộc phải thay thế Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt bằng Công Trường 7 và Công Trường 9 tiếp tục làm nỗ lực chính để tấn công từ hướng Tây và Tây Nam.

Đợt tấn công lần thứ tư do Công Trường 9 và Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt, đóng vai nỗ lực chính, cường độ tấn công còn ác liệt hơn lần thứ nhất. Quyết chiếm An Lộc để gỡ thể diện cho Hà Nội, đã lỡ loan tin di cùng cả thế giới … Lần thứ tư cũng không xong, rồi đến ngày sinh nhật của Hồ Chí Minh cố lấn chiếm An Lộc để mừng ngày sinh nhật của Bác, cho âm hồn Bác được vui vẻ dưới âm ty, nhưng cũng không xong, chỉ vì, khi vỏ quýt dầy thì có móng tay nhọn (đụng phải quân Dù và Biệt Cách Dù).

Thật sự, trong đợt tấn công ngày 13 tháng 04 năm 1972 của Công Trường.5 và Công Trường Bình Long Cộng Sản Bắc Việt từ mặt phía Bắc và phía Đông, nếu được thay thế bằng Công Trường 9 và Công Trường 7, tấn công vào mặt phía Tây do Trung Đoàn 7 (-) Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà trấn thủ, và phía Tây Nam do lực lượng Địa Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long phòng ngự, thì quân Cộng Sản Bắc Việt đã đánh xuyên thủng được hệ thống phòng thủ của lực lượng Việt Nam Cộng Hoà từ ngay cuộc khai pháo đầu tiên rồi.

Khi Công Trường 9 được thay thế làm nỗ lực chính để tấn công từ mặt phía Tây và Tây Bắc và Công Trường 7 tấn kích mặt phía Nam An Lộc, thì cũng vừa kịp lúc, Lực Lượng Dù đã được tăng cường cho An Lộc trấn đóng phía Nam, và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù được tăng cường thêm cho Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh tại mặt trận phía Bắc.

Cả 3 khắc tinh của Quân Cộng Sản Bắc Việt là ; B.52, Lực Lượng Nhảy Dù và Lực Lượng Biệt Cách Dù đều xuất hiện đủ trên chiến trường An Lộc. Cho nên dù rằng cả 2 Công Trường 9 và 7 Quân Cộng Sản Bắc Việt đã cố dốc toàn lực mở liên tục 2 cuộc tấn công, An Lộc vẫn còn ngạo nghễ đứng vững. Hà Nội phải đành muối mặt với cả thế giới, cặp bài trùng đạo diễn Kissinger và Lê Đức Thọ lại phải một phen đứng tìm, vì Biệt Cách Dù (giả), nhảy bọc phía sau lưng Cục R, và riêng ngày sinh nhật Bác Hồ thật buồn tẻ, toàn là mùi xác thịt của con cháu SINH BẮC TỬ NAM mà thôi.

ĐOÀN 28 ĐẶC CÔNG CHIẾN DỊCH NGUYỄN HUỆ PHỐI HỢP VỚI LỮ ĐOÀN ĐẶC CÔNG 429 MIỀN, MỞ MŨI DÙI XUYÊN PHÁ (OVERPASS) AN LỘC VÀO CÁC CỨ ĐIỂM LAI KHÊ (BẢN DOANH TIỀN PHƯƠNG CỦA QUÂN ĐOÀN 3/QUÂN KHU III), QUẬN LỴ TRỊ TÂM, QUẬN LỴ LÁI THIÊU THUỘC TỈNH BÌNH DƯƠNG,
VÀ SAU CÙNG TẠI XÃ TÂN PHÚ TRUNG, NẰM TRÊN QUỐC LỘ 1 THUỘC TỈNH GIA ĐỊNH CÁCH THỦ ĐÔ SÀI GÒN KHOẢNG 10 CÂY SỐ VỀ PHÍA BẮC.
(Xem bản đồ 13)

Ngoài bốn Công Trường (Sư Đoàn) quân chủ lực của quân đội Cộng Sản Bắc Việt còn có các đơn vị đặc công (quy tụ thành tiểu đoàn hay lữ đoàn), có nhiệm vụ xâm nhập và đánh phá những vùng hay căn cứ ở sâu trong hậu phương của Việt Nam Cộng Hoà, mà địch gọi là tuyến vùng trung, để gây xáo động, và dọn đường trước cho quân chủ lực tiến công nối tiếp.

Khi Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Việt Nam Cộng Hoà vừa rời khỏi Lai Khê vào ngày 07 tháng 04 năm 1972, một đơn vị của lữ đoàn đặc công Cộng Sản Bắc Việt đã thành công trong việc phá nổ kho đạn tại hậu cứ của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà sau đó ít ngày. Kế tiếp, đơn vị đặc công di chuyển ngang qua Quận Lỵ Trị Tâm để đánh phá, nơi đây trước kia là bản doanh của Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà. đã được tăng cường cho mặt trận An Lộc từ ngày 12 tháng 04 năm 1972, chỉ được thay thế bằng một Tiểu Đoàn Địa Phương Quân. Sau đó được Chiến Đoàn 43 Sư Đoàn 18 đến tiếp ứng và giải tỏa . Đặc công Cộng quân còn bỏ vòi vào tới phía Nam Quận Lỵ Lái Thiêu thuộc Tỉnh Bình Dương (khu vườn cây ăn trái măng cụt, soài riêng), liền bị lực lượng diện địa của Tiểu Bình Dương tiêu diệt .

Lần cố gắng sau cùng, vào khoảng trung tuần tháng 11 năm 1972 (giai đoạn 2 của chiến dịch Nguyễn Huệ) liên đoàn đặc công Miền gom tàn quân còn lại không hơn 1 tiểu đoàn, được tăng cường thêm tiểu đoàn đặc công K8 của Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, bất thần xâm nhập vào xã Tân Phú Trung, thuộc tỉnh Gia Định cách Thủ Đô Sài Gòn khoảng 10 cây số về hướng Bắc, dọc theo Quốc Lộ 1 từ Tây Ninh về Sài Gòn, đào hầm hố chiếm cứ bám trụ tại đây, làm tắc nghẽn lưu thông Quốc Lộ 1. Địa Phương Quân của Tiểu Khu Gia Định không bứng chúng đi nổi. Tướng Minh cho điều động Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù (sau khi rời An Lộc) trỡ về giải toả khu vực này. Chỉ trong 1 đêm, các chiến sĩ Biệt Cách Dù, đã tiêu diệt nguyên cả liên đoàn đặc công Miền mang số 429 cùng các cán binh của Tiểu Đoàn đặc công K.8 còn lại. Và cũng từ ngày đó 15 tháng 11 năm 1972, Bộ Chỉ Huy chiến dịch Nguyên Huệ của quân Cộng Sản Bắc Việt được chấm dứt nhiệm vụ. Mưu đồ tấn chiếm An Lộc của quân Cộng Sản Bắc Việt để ra mắt cái chính phủ bù nhìn gọi là “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” và dùng nơi đó (An Lộc) làm bàn đạp tấn công luôn Thủ Đô Sài Gòn, kể như hoàn toàn thất bại .

Tàn quân của Công Trường Bình Long vẫn còn bám víu tại vùng Phi Trường Quản Lợi và Đồi Gió, các Công Trường 7 và 9 rút quân về vùng rừng rậm phía Nam, giáp ranh 2 Tỉnh Tây Ninh và Bình Long vây hảm căn cứ Tống Lê Chân, 15 cây số Tây Nam An Lộc, với mục đích là thu lượm những kiện hàng thả dù của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thả tiếp tế cho lực lượng trấn thủ (Tiểu đoàn 92 Biệt Động Quân Biên Phòng) để chia nhau sống tạm qua ngày . Nghĩa là đã có dự tính ém quân tại chổ, để chờ bổ sung quân số, chờ đến tháng tư năm 1975, xua toàn lực xâm chiếm lãnh thổ MIỄN NAM của Việt Nam Cộng Hòa .( xem bản đồ số 13 )



4- NHỮNG ĐƠN VỊ THUỘC CÁC QUÂN BINH CHỦNG VIỆT MỸ CHUYÊN MÔN
ĐÃ GÓP CÔNG QUAN TRỌNG VÀ GÓP PHẦN XƯƠNG MÁU CHO SỰ CHIẾN THẮNG AN LỘC


A.- KHÔNG LỰC HOA KỲ



• Các pháo đài bay B.52 [/b] xuất phát từ đảo Guam (Hoa Kỳ) . (Xem bản đồ 14)

• Các phản lực cơ Phantom, F.14[/b] cất cánh từ hai Hàng Không Mẫu Hạm USS Constellation và USS Saratoga đậu ngoài khơi biển Thái Bình Dương.

o Không Đoàn 1 Xung Kích AC.130 Tiểu Đoàn 229 Trực Thăng Xung Kích (Cobra)

o Tiểu Đoàn 362 Trực Thăng Chinook o Lữ Đoàn 7 Kỵ Binh Không Vận

o Lữ Đoàn 1 Không Vận

o Và còn vài đơn vị Không Quân khác mà chúng tôi chưa có dịp tham khảo.

B.- KHÔNG LỰC VIỆT NAM CỘNG HOÀ

• Sư Đoàn 3 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà bản doanh tại Biên Hoà. Đặc biệt là Không Đoàn 43 Trực Thăng của Sư Đoàn 3 Không Quân có trách vụ đổ quân và tản thương & các gunship yểm trợ, dưới quyền điểu khiển của Thiếu Tá Nguyễn Văn Ức đại diện Sư Đoàn 3 Không Quân đặc trách về trực thăng + Không Đoàn Khu Trục và Phản Lực do Đại Tá Nguyễn Văn Tường, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 3 Không Quân kiêm Không Đoàn Trưởng Không Đoàn Khu Trục và Phản Lực chỉ huy, Không Đoàn Chinook 237 tiếp tế .

• Sư Đoàn 5 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà bản doanh tại Tân Sơn Nhất Sài Gòn, đảm nhận phần hành thả quân biệt kích (giả), Phi Đoàn Tinh Long 821 yểm trợ hỏa lực, và các Phi Đoàn vận tãi C.119 & C.123 thả dù tiếp tế cho mặt trận An Lộc.

• Sư Đoàn 4 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà bản doanh tại phi trường Trà Nóc (Cần Thơ). Chuyễn vận Sư Đoàn 21 Bộ Binh Quân Đoàn 4 & Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Quân Đoàn 4 từ Miến Tây lên Lai Khê.

C.- CÁC ĐƠN VỊ THIẾT GIÁP

• Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh Việt Nam Cộng Hoà Quân Khu III đặc biệt những đơn vị đã tham chiến trận Lộc Ninh, trận nhổ chốt Tầu Ô và các đơn vị tăng phái cho Chiến Đoàn của Sư Đoàn 18 Bộ Binh trong việc khai thông Quồc Lộ. 13 và làm trừ bị cho lực lượng xung kích Sư Đoàn 18 trong việc bình định lãnh thổ Quân Khu III

• Các Thiết Đoàn Thiết Vận Xa của Quân Đoàn 4, đặc biệt là Thiết Đoàn 15 của Trung Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh Quân Đoàn 4, và Thiết Đoàn M.113 của Sư Đoàn 21 Bộ Binh Quân Đoàn .

D.- PHÁO BINH

• Các Tiểu Đoàn Pháo Binh 52 & 53 kể cả các Pháo Binh Lãnh Thổ của Tiểu Khu Bình Long và các Chi Khu Lộc Ninh, Chơn Thành và các căn cứ hoả lực Tống Lê Chân và Cần Lê.

• Đại Đội Pháo Binh Dù đặt tại căn cứ hoả lực Đồi Gió.

E.- CÔNG BINH CHIẾN ĐẤU

• Các Tiểu Đoàn Công Binh Chiến Đấu của Quân Đoàn 3 và Sư Đoàn 21 Bộ Binh Quân Đoàn 4 Việt Nam Cộng Hoà

F.- TOÁN MẬT MÃ

• Các Toán Mật Mã của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Quân Đoàn 3, và Toán Mật Mã Đặc Biệt của Phòng 6 Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà biệt phái cho Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 tại Lai Khê.

G.- TIẾP TẾ THẢ DÙ CHO CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC DO KHÔNG QUÂN VIỆT MỸ THỰC HIỆN

Từ nghìn xưa cho đến ngày nay, vấn đề Tiếp Vận cho một đoàn quân tấn công hay Tiếp Tế cho một cứ điểm phòng thủ luôn luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong sự thành bại của chiến trường.

Đặc biệt, nói riêng về mặt trận An Lộc, việc tiếp tế bằng đường bộ thì hoàn toàn bị bế tắc ngay từ lúc đầu, khi khởi phát trận chiến. Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt đã hoàn toàn khống chế Quốc Lộ 13 từ An Lộc đến Quận Lỵ Chơn Thành bằng một lực lượng chuyên đóng chốt, một hệ thống pháo tầm xa và một hệ thống phòng không dày đặc với những vũ khí tối tân như đại liên 12 ly 7, cao xạ 37 ly, hoả tiễn tầm nhiệt cầm tay SA.7 được thiết trí trên mặt đất kể cả trên các chiến xa phòng không cơ động.

Việc này đã khiến cho phía Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ phải nghĩ đến việc tiếp tế bằng Trực Thăng Chinook ở giai đoạn tiên khởi, rồi đến các vận tải cơ C.123 và C.119 của Không Lực Việt Nam Cộng Hoà, lần hồi đến các vận tải cơ hiện đại C.130 của Không Lực Hoa Kỳ. Biết bao nhiêu máu xương và mạng sống của các phi hành đoàn C.123, C.119 của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và C.130 của Hoa Kỳ đã đổ ra trong lúc thi hành tiếp tế thả dù cho quân dân An Lộc trong suốt thời gian chiến trận, được kể từ sau ngày 07 tháng 04 năm 1972 đến ngày 08 tháng 06 năm 1972.

Ước tính có khoảng 15,000 quân lính và thường dân Việt Nam Cộng Hoà đang còn kẹt lại trong vòng lửa đạn giao tranh. Nhu cầu tiếp tế cho 15,000 quân dân Việt Nam Cộng Hoà, theo các chuyên viên tiếp vận Việt & Mỹ thì mỗi ngày cần phải có khoảng 200 tấn tiếp liệu, gồm đạn dược, thuốc men, lương khô, nước uống và xăng dầu cùng nhiều thứ linh tinh khác. Danh sách được liệt kê như sau :

• 140 tấn đạn dược đủ loại, nặng nhất là đạn pháo binh

• 36 tấn lương khô và gạo

• 20 tấn nước lọc để uống

• 4 tấn y dược đủ loại và một số linh tinh khác.

Không Quân Việt Nam Cộng Hoà được sự tận tình giúp sức của Không Quân Hoa Kỳ, đã cố gắng thực công tác nầy, xuyên qua nhiều thời kỳ và giai đoạn nóng bỏng của chiến trận :

A.- Thời kỳ sơ khởi : (khi Cộng quân chưa biết về phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà tiếp tế bằng cách nào, và hệ thống phòng không của chúng chưa hoàn tất) :

Không Đoàn Chinook 237 của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà phối hợp với Tiểu Đoàn Đoàn 362 Chinook của Không Lực Hoa Kỳ, đã thực hiện đổ được 42 chuyến đổ hàng tiếp liệu (mỗi chuyến tiếp tế được 3 tấn đồ tiếp liệu cho mỗi ngày).

Việc tiếp tế bằng những trực thăng Chinook trong vài ngày đầu tiên được thuận tiện và trôi chảy, tổng cộng tiếp tế cho quân trú phòng tất cả được 147 tấn hàng, mặc dù chưa đạt được chỉ tiêu mong muốn, nhưng thật ra cũng đủ dùng.

Không trình của các Chinook Việt Mỹ lấy từ Nam lên Bắc, và hạ cánh ngay các bãi trống trong thị trấn và trong vòng 2 cây số phía Nam An Lộc dọc theo Quốc Lộ 13.

Cho mãi đến ngày 12 tháng 04 năm 1972, khi đoàn Chinook vừa đáp xuống bãi đáp, thì pháo của Cộng quân liền khai hoả, kết quả 1 Chinook của Không Đoàn 237 bị trúng đạn pháo 130 ly, hoàn toàn hư hại cùng với toàn bộ phi hành đoàn bị tử trận, và vài chiếc khác bị trúng miểng pháo. Việc tiếp tế vẫn được duy trì cho đến hai ngày hôm sau, và cường độ pháo của Cộng quân mỗi lúc lại càng gia tăng vào đoàn Chinook. Mỗi khi nghe tiếng trực thăng là DELO địch liền chỉ điểm gọi pháo. Song song với pháo 130 ly, Cộng quân còn thiết trí cao xạ 12,7 và 37 ly khoảng 4 cây số về phía Nam An Lộc để chặn đoàn Chinook.

Như vậy là Cộng quân đã biết được hướng bay của đoàn Chinook, nên huy động cả pháo tập lẫn phòng không để ngăn chặn việc tiếp tế cho An Lộc. Thêm nhiều chiếc Chinook của Không Quân Việt Mỹ bị trúng miểng pháo và đạn phòng không của địch, vì lẽ đó mà việc tiếp tế bằng Chinook không thể tiếp tục được nữa.

B.- Thời kỳ địch quân thiết lập xong hàng rào hoả lực phòng không, kể cả tăng cường trung đoàn chiến xa cơ giới (271) lưu động phòng không

Không Lực Việt Nam Cộng Hoà quyết định ngưng ngay những phi vụ tiếp tế bằng Chinook, và thay thế bằng phương cách thả dù bởi các vận tải cơ C.123 và C.119 của Không Quân Việt Nam Cộng Hoà phát xuất từ phi trường Tân Sơn Nhất (Sư Đoàn 5 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà), bay vào lúc ban ngày và ở cao độ 5000 bộ .

Liên tiếp 3 ngày từ 13 đến 16 tháng 04 năm 1972, có tất cả 27 chiếc vận tải cơ của Không Lực Việt Nam Cộng Hoà thả dù được 135 tấn, nhưng quân trú phòng chỉ nhận được có 34 tấn mà thôi, cộng với 6 bành dù khi vừa chạm đất thì phát nổ !!! Số còn lại đã bay lạc ra ngoài vùng địch kiểm soát.

Qua đến ngày 17 tháng 04 năm 1972, trong đoàn 6 chiếc C.123 và C.119 đi tiên phong thả dù, tất cả 6 chiếc đều bị trúng đạn phòng không của địch, một chiếc C.123 bị nổ tung trên bầu trời An Lộc, cả phi hành đoàn đều bị tử vong, trong đó có con chim đầu đàn của Phi Đoàn là Trung Tá Nguyễn Thế Thân.

Công tác thả dù bằng C.123 và C.119 buộc phải tạm ngừng, và Bộ Tư Lệnh Không Quân Việt Nam Cộng Hoà phải nghiên cứu lại độ cao của các chuyến bay thả dù sao cho tương đối được an toàn cho các phi hành đoàn và phi cơ, bằng cách bay ở cao độ từ 5,000 đến trên 7,000 bộ, (ở độ cao 5,000 bộ, chỉ tránh được cao xạ 12,7 ly mà thôi, còn phòng không 37 ly có thể lên tới 7,000 bộ), nhưng ngặt nỗi, bay ở cao độ 5000 bộ, mà số dù còn bay lạc ra ngoài mất đến hơn 60%, còn bay ở cao độ 7,000 bộ, số dù bay lạc ra ngoài vùng địch kiểm soát còn gia tăng hơn nhiều, có thế nói là mất khoảng 80%.

Về phía địch quân, mặc dù thu nhặt được nhiều bành dù đa số là đạn dược, lương khô, nhưng về đạn dược thì hầu hết không xử dụng được, còn lương khô, dù thu lượm được nhiều, nhưng quân số địch đã bị chết và bị thương khá nhiều, lấy ai mà ăn.

Trong khi Không Quân Việt Nam Cộng Hoà thả dù tiếp tế, các vận tải cơ thả dù ở trên cao độ 7,000, dù bay ra ngoài vùng Địch đến 80% .

Ngày 14 tháng 04 năm 1972, Bộ Tư Lệnh MACV của Hoa Kỳ mới quyết định cho không đoàn vận tải cơ C.130 có hệ thống thả dù rất tối tân từ toạ độ (điểm thả) đến việc ước tính chiều gió đều được ước tính bằng hệ thống điện tử (Computerized Aerial Drop System) tham gia vào việc tiếp tế.

Bắt đầu ngày 18 tháng 04, Không Đoàn C.130 của Không Lực Hoa Kỳ giúp Không Lực Việt Nam Cộng Hoà gánh vác việc tiếp tế cho toàn thể Quân Dân Tỉnh Bình Long.

Các cố vấn Mỹ của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, Tiểu Khu Bình Long cũng đảm trách việc liên lạc, kiểm điểm số lượng hàng, quân bạn nhận được, và chọn địa điểm thả dù.

Dùng sân banh của Tiểu Khu Bình Long, chỉ rộng có 219 thước vuông. Bước đầu các C.130 thả dù vào lúc ban đêm, phía dưới sân banh được đánh dấu bằng những thùng phuy đốt lửa. Sở dĩ chọn vào lúc trời tối là để phòng không của địch không nhìn thấy phi cơ đâu mà khai hoả.

Hai chiếc C.130 bay từ phía Đông Nam lên ở cao độ khoảng 2.000 bộ. Trước khi gần đến mục tiêu (sân đá banh), chiếc đi đầu liền bị trúng đạn phòng không của quân địch đặt trên các thiết giáp cơ động, bị chao đảo, buộc phải bay là xuống còn khoảng 600 bộ, và vội bấm nút thả hàng, vì trước đầu phi cơ bị phát hoả và bộ phận (cánh) bị phòng không của địch bắn hư hại, sau đó bay được ra khỏi vùng nguy hiểm. Còn chiếc thứ hai vội thay đổi hướng bay cố gắng đến gần tọa độ và bấm nút thả các bành hàng cũng bị trúng đạn, phát hoả một động cơ bên trái, đạn phòng không còn xuyên thủng phi cơ sát hại một sĩ quan cơ khí và một phi công phụ. Chiếc C.130 thứ nhì này được phi công chính lái ra khỏi vùng nguy hiểm, chỉ còn 2 động cơ còn hoạt động, và cả hai chiếc C.130 đi tiên phong trắc nghiệm, đều đáp được an toàn xuống phi trường Tân Sơn Nhất trong đêm. Trên hai chiếc C.130 có mang theo 26 tấn hàng tiếp liệu, phi hành đoàn có bấm nút thả (release), nhưng không biết các bành dù biến đi đâu hết, các cố vấn Mỹ ở bên dưới báo cáo là không nhận được gì hết ??? Có thể là dù bay ra ngoài chu vi của sân banh, dân chúng và các đơn vị quân đội gần đó thu nhặt được tự động chia nhau mà xài, mà các cố vấn Mỹ không hề hay biết !!! hoặc là đã lọt ra ngoài vùng địch kiểm soát.

Đêm hôm sau, rút kinh nghiệm của chuyến bay trước, 2 chiếc C.130 khác lại tiếp tục thả dù tiếp tế cho quân phòng thủ. Lần này được thành công mỹ mãn, đã thả được 26 tấn hàng lọt ngay vào sân banh, và các cố vấn Mỹ cùng giới chức tiếp liệu của các đơn vị tham chiến cùng phân phối chia nhau đồng đều cho các đơn vị.

Bước qua ngày 19 tháng 04, 2 chiếc C.130 lại tiếp tục thả dù, lần này một C.130 sau khi thả hết các bành dù liền bị trúng đạn phòng không của địch khiến động cơ phát hoả, và được phi công điểu khiển hạ cánh được ở vùng 2 cây số cạnh căn cứ Lai Khê, phi cơ bị hư hại nhưng phi hành đoàn vô sự.

Công cuộc thả dù ban đêm được thực hiện mỗi lần bằng 2 chiếc C.130 được nối tiếp thành công liên tục, cho mãi đến đêm 24 tháng 04 năm 1972, một đoàn 6 chiếc, và bước sang đêm 25 tháng 04, thêm một đoàn 11 chiếc C.130 đồng loạt ồ ạt đổ hàng tiếp liệu cho quân dân An Lộc, 2 lần tập trung này các phi cơ được lệnh tắt hết đèn và lấy Quốc Lộ.13 làm chuẩn ép về phía Tây khoảng 1 dặm (1 cây số 6).

Trong chuyến tiếp tế ngày 25 tháng 04, một trong 4 chiếc phi cơ dẫn đầu bị trúng đạn phòng không của địch mất thăng bằng và rơi tại vùng 2 cây số phía Nam tọa độ thả dù (sân banh). Cả phi hành đoàn 8 người đều tử nạn.

Những nhu yếu phẩm trong các đợt thả dù bằng C.130 đa phần là đạn cá nhân, lương khô và thuốc men, còn đạn pháo binh thì không cần nữa, (vì các khẩu pháo của quân bạn đã bị pháo địch bắn hư hại hết), còn nước uống thì quân dân bên dưới tạm dùng nước trong các ao đầm và hứng nước từ trời ban cho.

Từ sau chuyến thả dù đêm, 1 chiếc C.130 bị phòng không địch bắn hạ, sát hại hết phi hành đoàn, Bộ Tư Lệnh MACV Hoa Kỳ cho lệnh tạm ngưng những phi vụ bay đêm kế tiếp (còn khoảng thêm 10 chuyến thả hàng được đình chỉ).

Cho đến đêm 27 tháng 04, Không Lực Hoa Kỳ còn cố gắng thả thêm 2 lần nữa, và tất cả các vận tải cơ thả dù đều bị trúng đạn phòng không dầy đặc cùng các hướng bay vào mục tiêu An Lộc. Vì thế, việc tiếp tế thả dù ban đêm được đình chỉ hẳn.

Bộ Tư Lệnh MACV liền nghĩ ra kế khác, bằng cách nghiên cứu ra được một loại dù được thả từ cao độ (ngoài tầm sát hại của tất cả các súng phòng không của Cộng quân hiện có ). Dù sẽ tự động bung ra khi gần tới đất.

Ngày 03 tháng 05 năm 1972, phương cách này có tên gọi là HALO (High Attitude, Low Opening) được áp dụng lần đầu tiên và được 1 chiếc C.130 thực hiện vào lúc ban ngày và bay ở cao độ 8,000 bộ. Kết quả tương đối khả quan. Các dù được thu nhận khoảng 60%, đồ đạc rất ít bị hư hại.

Và, công việc tiếp tế thả dù ban ngày bằng các vận tải cơ tối tân C.130 của Không Lực Hoa Kỳ thả dù ở cao độ 8,000 được tiếp tục duy trì cho đến ngày 08 tháng 06 năm 1972 thì chấm dứt. (21)

Chú Thích : (21) The Siege at An Loc : How Air ReSupply Helped Save the City của Trung Tá Len Funk (The Army Historical Foundation).

Song song với công cuộc tiếp tế thả dù trong vùng An Lộc, tại phía Tây Nam An Lộc Không Lực Việt Nam Cộng Hoà cắt cử Phi Đoàn 218 của Sư Đoàn 5 Không Quân, dưới sự điều động của Trung Tá Hoàng Nuôi, đảm nhận trách nhiệm yểm trợ hoả lực cho một căn cứ hoả lực có tên là Tống Lê Chân do Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân Biên Phòng trấn đóng. Căn cứ hoả lực Tống Lê Chân có 4 khẩu đại bác 105 ly và 2 khẩu 155 ly, trong đợt tấn công lần thứ tư vào An Lộc của Cộng quân, căn cứ nầy đã tích cực yểm trợ hoả lực, giúp đẩy lui cuộc tấn công của địch vào mặt phía Tây của An Lộc. Căn cứ hoả lực nầy bị công quân vây hảm đến trung tuần tháng 4 năm 1974, sau cùng cũng rút về được đến An Lộc nhập vào đoàn quân mũ nâu tiếp tục chiến đấu chống Cộng .

H.- BÁO CHÍ

• Kế tiếp là Đoàn Quân Báo Chí : xin mời Quý Vị, đọc bài viết tựa đề AN LỘC CHIẾN TRƯỜNG THÁCH ĐỐ của Phóng Viên Phan Nhật Nam :

- Sau đây, dưới hình thức một ký sự của một phái viên Vô Tuyến Việt Nam, đã đặt chân hơn một lần vào An Lộc, trong những ngày còn lửa đạn, người đọc sẽ được dẫn dắt vào thành phố đổ nát An Lộc. Công việc của một phóng viên là trung thực ghi nhận mọi sự kiện xảy ra trong đời sống thời sự. Trên một khía cạnh nào đó, người phóng viên như một chứng nhân dự phần vào những diễn biến luôn luôn làm cho thế giới biến đổi không ngừng. Với tư cách của một phái viên Vô Tuyến Việt Nam, tôi tới An Lộc ngày 13 tháng 06 năm 1972, khi thị trấn này bước vào ngày tử thủ thứ 68. Nhiệm vụ của tôi tương tự như các phái viên Vô Tuyến Việt Nam ở các mặt trận khác, là tường trình qua hệ thống liên lạc siêu tần số những sự thật đã và đang diễn ra tại các địa điểm mà chúng tôi có mặt. Tôi đặc trách mặt trận Bình Long và chiến trường An Lộc, thực sự như một thách đố đối với cá nhân tôi cũng như nhiều người khác đã từng tìm cách vào An Lộc. Chuyến đi của tôi khởi sự vào trung tuần tháng 04 năm 1972, và tôi đã chỉ có thể hoàn tất 2 tháng sau đó, tức ngày 13 tháng 06 năm 1972. Trong 2 tháng trời ròng rã này, mỗi lần khởi hành đều kéo theo một thất bại cho riêng tôi và cả các anh em khác đi cùng. Có những người bị thương, có những kỷ niệm chua sót, nhưng đau đớn hơn cả là cái chết của cố phóng viên điện ảnh Thiếu Úy Nguyễn Ngọc Bình. Một tuần lễ chờ đợi lên trực thăng rồi lại xuống trực thăng, ăn chực nằm chờ dưới những cơn lốc cát nóng bỏng ở phi trường Lai Khê, Bình Dương, ngày 29 tháng 04 năm 1972, chúng tôi khởi sự cuộc hành trình phiêu lưu vào An Lộc. Trong thời gian này An Lộc đang bước vào ngày tử thủ thứ 22, áp lực địch đang lúc mạnh và quân Cộng Sản Bắc Việt đã tạo được một lưới lửa phòng không suốt dọc phi trình dẫn vào Thành Phố Anh Hùng này. Trong ngày này chúng tôi không tới được mục tiêu, trực thăng chở chúng tôi bị bắn như mưa, cho khi tới đồn điền Xa Cam. Tại đây địch quân pháo kích hàng loạt vào bãi đáp, các phi công quyết định bay trở về. Trên cao độ hơn ngọn cây ở Xa Cam, chúng tôi nhìn thấy hàng trăm thương binh đang chờ đợi được di tản về Lai Khê, có những người nằm trên băng ca, có những người chạy tán loạn dưới những tiếng nổ chát chúa, cát bụi mịt mờ của đạn pháo kích. Họ chạy theo hướng trực thăng đến như muốn bấu víu vào những hy vọng cuối cùng của sự sống. Chúng tôi cảm thông tình cảnh này, vì chính mắt tôi trông thấy những thương binh ở Lai Khê, những người còn đi lại được, những vết thương đã có dòi, và những ký sinh trùng ghê tởm này đã rớt vương vãi khi anh em từ trên trực thăng tản thương bước xuống. Đợt trực thăng hôm đó, không có một thương binh nào về tới Lai Khê vì các phi công không thể hạ tàu giữa cơn mưa pháo kích của địch quân. Trên đường về, địch cũng bắn rát như khi chúng tôi tới, một trong các loạt đạn của địch đã khiến chiếc trực thăng chở chúng tôi không còn điều khiển được và phi công phải hạ khẩn cấp xuống một bãi trống chính giữa một khu rừng rậm ở phía Nam đồn điền Xa Cam. Trong những khoảng khắc kinh hoàng, một trực thăng gunship yểm trợ đã đáp xuống khu đất này để cứu sống tất cả chúng tôi gồm 4 nhân viên phi hành và 4 phóng viên chiến trường.

Ngày 01 tháng 05 năm 1972, trong một chuyến đi tương tự, điện ảnh viên Nguyễn Ngọc Bình đã giã từ ống kính khi trực thăng chở anh nổ tung vì đạn B.40 của Cộng quân. Vào khoảng thời gian này, dày đặc trong những khu rừng cao su, Cộng quân bố trí các ổ đại bác phòng không bắn bằng radar, các hoả tiễn địa không bắn tay SA.7 cũng như các ổ đại liên khạc đạn không ngừng. Bởi vậy, các phi công ta đã phải liều lĩnh bay sát trên đầu ngọn cây để vô hiệu hoá khả năng phòng không địch điều khiển bằng “mắt thần”, tuy nhiên khi bay thấp, phi cơ ta phải chấp nhận đạn súng nhỏ và ngay cả đạn chống chiến xa B.40 của địch, bắn từ những tên Cộng quân bị cột người trên các ngọn cây.

- Sau đây là lời tường thuật của một người đã có mặt tại vùng này :

Theo tôi biết thì Phòng 3 và Phòng 5 Bộ Tư Lệnh Quân Khu III trước 75 có những tấm hình này vì anh em trong Phòng 5 Sư Đoàn 5 Bộ Binh có chụp. Chẳng những lính xe tăng bị xiềng chân mà cả những tên đặc công bắn xẻ cũng bị xiềng chân trên các cành cây cao su vì theo lời khai thác từ các tên đặc công (đa số là người Miền Nam) đã bị Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bắt được thì nếu không bị xiềng chân, chẳng có bao nhiêu tên đặc công Việt Cộng dám ăn dằm nằm dề trên những nhánh cây cao su để theo dõi và bắn sẻ theo lệnh của bọn cán bộ Cộng Sản Bắc Việt, ... và nhiều tấm hình tôi chụp tại An Lộc nhìn qua phải rợn người.

Sau chuyến đi thất bại ngày 29 tháng 04 năm 1972, chúng tôi vẫn trong tình trạng chờ đợi, và tiếp tục một vài lần phiêu lưu nữa không phải bằng trực thăng nhưng bằng con đường máu mệnh danh là con đường xui xẻo 13 (Quốc Lộ 13). Ngày lại ngày, đoạn đường Lai Khê Chơn Thành trở nên quen thuộc với chúng tôi, nhưng hết tuần lễ này đến tuần lễ khác, chúng tôi không có cơ hội để vào An Lộc bằng đường bộ. Địa điểm xa nhất mà chúng tôi đạt tới chỉ là Suối Tàu Ô, con suối tử thần, đã cầm chân đoàn quân khai thông Quốc Lộ hơn hai tháng trời và vẫn còn tiếp tục cho tới sau ngày tôi vào được An Lộc và trở ra trên đoạn đường ngắn ngủi này, chúng tôi lại gánh chịu những kỷ niệm đau thương mới, khi tôi theo chân đoàn chiến xa của Chi Đoàn 1/20 đi khai thông Quốc Lộ, Đức Tài, biệt danh của ông Đại Úy Chi Đoàn Trưởng 1/20 không phải xa lạ gì với các phóng viên chiến trường. Đức Tài từng là anh hùng thiết giáp trên chiến trường Cambodia. Ngày 24 xuất hiện tại Lai Khê, Đức Tài đã ôn lại kỷ niệm cũ với nhóm phóng viên chiến trường và chính anh đã đãi chúng tôi bữa hủ tíu sau cùng ở Câu Lạc Bộ Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà. Sáng 24, Đức Tài dẫn mấy chục con cua sắt đến Chơn Thành để từ đây anh tham gia mặt trận Bình Long. Đức Tài còn đưa hai ngón tay thành chữ V làm dấu hiệu chiến thắng khi leo lên chiếc M.113 để dắt đoàn cua sắt M.41 và M.113 tiến vào tử địa. Hai người trong nhóm chúng tôi là Lê Thiệp và Dương Phục định leo lên xe của Đức Tài để đi cùng, không hiểu sao lúc đó tôi lại cản và nói : Đi theo sau tiện hơn.

Đức Tài dẫn đoàn xe đi, chúng tôi dồn cục lên một chiếc xe Jeep theo sát chiếc M.41 sau cùng. Đoàn xe mới chạy chừng 5 phút, chúng tôi nghe những tiếng đạn pháo kích và tiếng súng liên thanh nổ rền. Mỹ Voi, điện ảnh viên Quân Đội, lao vội chiếc xe xuống lề đường la lớn : “Xuống hết, tụi bay. Đụng rồi”. Hai phút sau, khi chúng tôi chạy lên chỗ chiếc xe M.41 đang nhả đạn 76 ly vào bìa rừng thì người trưởng xa leo lên pháo tháp la thất thanh :” Đức Tài bị rồi, hoả tiễn 122 pháo trúng chiếc M.113 chỉ huy của Chi Đoàn Trưởng”.

Đoàn chiến xa bị chặn lại tại đây, và một phi tuần A1 tới thả bom hai bên bờ rừng. Chúng tôi trở về Trung Đoàn 32 để nhìn mặt Đức Tài lần cuối. Hai người lính khác cũng hy sinh với Đức Tài. Cái chết ở mặt trận này đến thật mau lẹ, chỉ mấy phút sau khi làm dấu hiệu chiến thắng hình V, Đức Tài đã vĩnh viễn ra đi trong ngơ ngác bi thảm của cả đoàn quân vừa mới khởi sự tham gia mặt trận Bình Long không đầy nửa tiếng đồng hồ.

AN LỘC ĐỊA SỬ GHI CHIẾN TÍCH

Sau bao nhiêu lần đi, bao nhiêu lần trắc trở, tôi vẫn định bụng là sẽ phải vào An Lộc để nhìn thấy tận mắt Thị Trấn Anh Hùng này, nhìn thấy tận mắt sự tàn phá khủng khiếp vô lý của chiến tranh. Để được thấy, chứ không phải nghe nói về những chịu đựng và những biểu tượng về tinh thần chiến đấu vô biên của tât cả những người đã giữ vững An Lộc, cho dù thành phố này không còn là một thành phố nữa. Ngày 13 tháng 06 năm 1972, toán phóng viên lại lên đường. Ngoài tôi còn có Đại Úy Nguyễn Văn Quí, Sĩ Quan Báo Chí Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, Dương Phục, Đài Tiếng Nói Quân Đội, Anh Thuần của nhà báo Tiền Tuyến, Tam Phong Slao Quắn của Sư Đoàn 5, và Hebert thuộc hệ thống truyền thanh truyền hình Canada. Người phóng viên quốc tế này bị tử thương ngày 23 tháng 07 năm 1972 lúc theo dõi chiến trận Quảng Trị sau khi An Lộc được giải toả. Tất cả chúng tôi được ngồi chung trên một chiếc trực thăng UH trong đợt đổ quân của Tiểu Đoàn 2/31 của Sư Đoàn 21 Bộ Binh tăng viện cho măt trận An Lộc.

Vào khoảng thời gian này, phòng không địch không còn mạnh mẽ như những chuyến đi trước của chúng tôi vào hai tháng 04 và 05. Các phi công ghi nhận là quân Cộng Sản Bắc Việt chỉ còn 1 ổ đại bác 57 ly ở phía Bắc Tân Khai và một số ít đại liên dọc theo các rừng cao su mà thôi. Đoàn trực thăng 5 chiếc lao xuống Xa Cam lúc 11 giờ sáng và khi vừa chạm đất, chúng tôi bắt đầu nghe những tiếng xé gió và những tiếng nổ chát chúa, địch lại bắt đầu pháo kích, theo như thói quen thường lệ, mổi khi nghe tiếng động cơ trực thăng vọng về. Đã có nhiều kinh nghiệm tại mặt trận này, tất cả chúng tôi, không ai bảo ai, chạy tuá vào 2 bên rừng cao su và lao mình xuống hầm hố gần nhất. Địch ngưng pháo sau chừng 15 trái đạn, đây là các ụ súng của địch đã bị bỏ hoang từ mấy ngày trước đó. Dứt tiếng pháo, chúng tôi chạy theo hai ven rừng cao su; phía trước là các toán quân vừa được trực thăng vận tới. Họ di hành theo đội hình hàng dọc, nhiệm vụ cùa họ là tới An Lộc và từ đó tăng cường các cánh quân tảo thanh địch chung quanh vòng đai tỉnh lỵ. Được chừng hơn 100 thước, Đại Úy Qúi bắt đầu kiểm điểm quân số trong toán chúng tôi. Thiếu mất ông phó nháy Slao Quắn và phóng viên Đài Tiếng Nói Quân Đội Dương Phục. Họ chạy qua phía khu rừng bên kia khi Cộng quân pháo kích bãi đáp. Một lát sau họ bắt kịp chúng tôi tại tấm bảng xi măng Plantation De Xacam. Dương Phục thở hổn hển, đất đỏ Bình Long nhuộm mồ hôi tạo cho gương mặt hắn một màu kỳ dị. Hắn cho biết trong lúc chạy pháo kích, cái túi đeo của hắn văng mất và sức ép của tiếng nổ lẫn cánh quạt trực thăng đã làm những đồ vật trong túi bay như bươm bướm. Dương Phục mất hết các vật dụng riêng của hắn ngoại trừ tìm lại được cái xác của cái máy cassette đã trở thành vô dụng. Đoạn đường từ Xa Cam vào An Lộc chỉ hơn cây số, nhưng tôi đã có cảm tưởng là đã vượt qua đoạn đường di hành dài mấy chục cây số.

Có lúc tôi định quẳng cái ba lô cho nhẹ và cũng để nhảy xuống hố tránh pháo dễ dàng. Tuy nhiên suy nghĩ tới mấy vật dụng cần thiết và mấy túi lương khô, tôi đã cố gắng đeo cái túi càng ngày càng nặng chĩu này để đi bắt tay Tướng Hưng. An Lộc đã vào trong tầm mắt thì vừa lúc chúng tôi nhận ra một thương binh (không biết của bạn hay địch) đang rên rỉ bên cạnh xác chiếc T.54 cháy nám đã bắt đầu rỉ sét. Máu nhuộm đỏ thân mình, người thương binh dơ cánh tay yếu ớt về phía chúng tôi rồi chỉ vào miệng anh, có lẽ anh đang trải qua cơn khát cháy cổ của người bị thương mất máu. Cùng lúc này, địch lại pháo mấy trái đạn, tiếng rít gió nghe lạnh mình, những tiếng nổ chát chúa, tiếng cành cây cao su gẫy rào rào, trái đạn đã đi vào trong bờ rừng. Có tiếng ai gọi lớn: “Chạy mau đi, thoát khỏi chỗ này”. Tất cả chúng tôi cắm đầu chạy như bay về phiá trước, nhiều xác T.54 rải rác, một chiếc xe be vàng chói đầy vết đạn pháo kích nằm vắt ngang qua con dốc. Đại Úy Qúi quay lại nói :”Toàn vết pháo mới, chạy mau đi”. Người ta gọi con dốc có cái xe be là khúc quanh tử thần, vì chỉ riêng tại nơi này hơn 200 thương binh và những thường dân đang di tản đã chết vì đạn pháo kích trên đường đón trực thăng ở bãi đáp. Hình ảnh người thương binh vẫy tay xin nước ám ảnh tôi suốt cuộc hành trình vào An Lộc và có lẽ cả quãng đời còn lại sau này, mấy toán quân đi trước và cả toán chúng tôi đã không giúp gì được cho anh ta, dù muốn dù không cũng là điều không nên không phải. Leo hết con dốc tử thần là bắt đầu vào An Lộc, một tấm bảng xanh lỗ chỗ vết đạn với hàng chữ chiều bắt buộc cho xe dân sự vào châu thành, đầu đường là một bót gác vách đá lố nhố binh sĩ, họ đang chờ giờ ra bãi đáp trực thăng, quần áo mọi người nhuộm một màu nâu đỏ đặc biệt, đó là mầu đất Bình Long.

Đồng hồ chỉ 11 giờ 20, thế là chúng tôi chạy trong 20 phút từ bãi đáp Xa Cam vào An Lộc. Càng vào sâu, cảnh điêu tàn càng hiện rõ, trên con đường chúng tôi đi không một thước vuông đất nào không ghi lại những vết tích của chiến tranh. Từ xa hướng về, không một ngôi nhà còn nguyên vẹn. Những mái nhà sụp đổ, thân tường nghiêng ngả lỗ chỗ vết miểng pháo, những cột đèn siêu vẹo, giây điện đứt tứ tung và điểm thể hiện duy nhất cho sự kiện An Lộc chiến đấu kiên trì là những cánh hoa dù tiếp tế phủ đầy mặt lộ. Sừng sững giữa khung cảnh hoang tàn, một bức tượng chiến sĩ tiến lên đập ngay vào tầm mắt những ai tiến vào An Lộc. Thật là kỳ lạ, bức tượng này đã đứng vững trong hơn 2 tháng trời An Lộc bị pháo kích tổng cộng trên 200,000 trái đạn. Tiểu Khu ở phía tay mặt con đường, Đại Uý Qúi trước đây đã từng vào An Lộc, ông nói :”Các anh cứ đi theo tôi coi chừng lạc”. Đi chừng hơn 100 thước, chúng tôi thấy một dinh thự 2 tầng đã sụp đổ phần trên, đó là toà hành chánh Bình Long, những hàng chữ bằng xi măng đúc không còn nguyên vẹn. Mùi xú uế nồng nặc đến lợm giọng. Một thứ mùi đặc biệt của thịt người và thú vật đã sình thối. Bộ Chỉ Huy của Tướng Hưng nằm phía Đông Bắc Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Những dẫy nhà mất mái, đổ tường, hầm của Tướng Hưng đặt tại căn cứ của Trại Đỗ Cao Trí bên dưới lòng đất dầy khoảng 3 thước. Chúng tôi bước vào một lối đi nhỏ hẹp, đó là đường dẫn xuống trung tâm hành quân của Tướng Tử Thủ Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Mặt Trận Bình Long. Căn hầm tù mù, một ngọn đèn duy nhất chừng 45 volt, nên chỉ mang lại một chút ánh sáng vàng vọt, Sau này chúng tôi được biết, Tướng Hưng đã chuẩn bị cho những ngày bị bao vây kéo dài, Ông có 3 máy điện riêng, nhưng nhất quyết chỉ sử dụng một máy. Công xuất của máy chỉ đủ dùng cho hệ thống siêu tần số và cho các máy liên lạc, còn thừa lại là ánh đèn nhỏ khô héo trong hầm chỉ huy. Tướng Hưng tự hạn chế mọi tiện nghi riêng để giành cho sự sống còn của Bình Long. Nếu không còn mạch điện cung cấp cho hệ thống liên lạc thì An Lộc sẽ bị thất thủ tức khắc. Ngoài căn hầm nhỏ dành riêng cho Ông và Cố Vấn Trưởng, nơi này chỉ được thắp sáng mỗi khi cần, Tướng Hưng chỉ sử dụng một máy phát điện đặt trên nóc hầm Bộ Chỉ Huy, 2 máy còn lại phải phòng hờ bị đạn pháo kích làm hư hại. Hơn nữa mức dự trữ nhiên liệu luôn luôn chỉ đủ cho thời gian 1 tuần lễ. Theo lời yêu cầu của Tướng Hưng, Quân Đoàn có cho thả dù các phuy xăng. Nhưng trong 10 thùng khi chạm đất đã nổ đến 9. Có những ngày Tướng Hưng phải ra lệnh đi mót xăng từ các xe cộ nằm hư rải rác trong thành phố. Nhiều người đã chết trong công tác bề ngoài xem rất tầm thường này, nhưng thực ra chính là sự hy sinh đầy ý nghĩa cho sự đứng vững của An Lộc trong hơn 3 tháng trời khói lửa.

I.- Ngoài ra, còn có Liên Đoàn 5 Quân Y , các đơn vị Quân Nhu, Quân Cụ, Quân Vận, Quân Cảnh, Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Cảnh Sát .

5- BÌNH LUẬN VỀ TRẬN CHIẾN AN LỘC

A.- YẾU TỐ ĐIỀU NGHIÊN

Điều nghiên là vấn đề căn bản của bất cứ trận đánh nào, dù nhỏ như đồn bót, căn cứ hoả lực, lớn như một tỉnh ly, một mặt trận, một chiến trường. Đâu là Điểm, đâu là Diện, lực lượng và khả năng tác chiến của địch và bạn, ưu thế của địch khuyết điểm của ta. Các cấp chỉ huy và tinh thần chiến đấu của binh sĩ của đối phương, địa thế, thời tiết, lòng dân, v.v... để khắc phục và khống chế chiến trận, giành phần thắng lợi cho binh đội của mình.

Như mặt trận An Lộc, diện là Tây Ninh, còn điểm là An Lộc. Tại Tây Ninh có Sư Đoàn 25 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà trấn đóng, Sư Đoàn 25 lúc bấy giờ, đã có nhiều trận chiến thắng với các đơn vị chính quy, quân Cộng Sản Bắc Việt, sĩ khí đang lên cao, nhất là có đơn vị Trinh Sát Hắc Báo rất là thiện chiến, với cả 3 Trung Đoàn Bộ Binh hùng mạnh và còn nguyên vẹn + Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, còn địa thế thì dọc theo Quốc Lộ 22 từ Crek (Cambodia về phía Nam, đến phía Bắc Tỉnh Lỵ Tây Ninh (Việt Nam Cộng Hoà), có rừng rậm ẩn khuất, nhưng về phía Nam qua khỏi tỉnh Tây Ninh về Sài Gòn, dọc theo Quốc Lộ 1 được khai hoang rộng rãi, dân cư đông đúc, đa số chống Cộng, hai bên đường không có rừng cây rậm rạp, để có thể tổ chức các cuộc phục kích hay đóng chốt cấp trung đoàn, để chận viện binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà từ phía Nam lên.

Tại An Lộc, thuộc vùng trách nhiệm của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà trấn giữ, đã bị gẫy hết Trung Đoàn 8 Bộ Binh, vì sau trận Snoul từ Miên rút về, đã bị Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt chận đánh, thiệt hại khá nặng (vào cuối tháng 05 năm 1971), đang được bổ sung và tái trang bị, 2/3 là tân binh. Chỉ còn lại Trung Đoàn 7 Bộ Binh đang đóng tại An Lộc và Trung Đoàn 9 Bộ Binh đang trấn thủ tại Lộc Ninh, tinh thần binh sĩ không cao, như vậy là hầu như bị kém khuyết hềt phân nửa, so với Sư Đoàn 25 Bộ Binh ở phía Tây Ninh. Còn địa thế thì theo Quốc Lộ 13 chạy dài từ ranh giới Việt Miên đến sát An Lộc toàn là rừng rậm, về phía Nam hết 8 phần 10 là rừng và cây cao su ngút ngàn, dân cư thưa thớt, nên rất thuận tiện cho việc tổ chức các ổ phục kích như: Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt tổ chức phục kích Thiết Đoàn 1 (-), 5 cây số Bắc Lộc Ninh, vào đêm 05 rạng 06 tháng 04 năm 1972. Điểm phục kích thứ hai tại ngã ba Cầu Cần Lê, Quốc Lộ 13 nối liền Liên Tỉnh Lộ 17, Bắc An Lộc 15 cây số, do 2 trung đoàn của Công Trường 9 Cộng và Công Trường Bình Long, tổ chức tuyến phục kích dài 3 cây số để ngăn chận và đánh bật Tiểu Đoàn 2 Trung Đoàn 52 Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, xuất phát từ căn cứ hoả lực Cần Lê, dự định lên tiếp cứu Lộc Ninh theo lệnh, vào ngày 06 tháng 04 năm 1972. Điểm thứ ba,tại phía Nam An Lộc, Công Trường 7 tổ chức điểm phục kích cấp sư đoàn, khoảng 4 cây số Nam An Lộc (chốt Xa Cam), dự định hốt hết các lực lượng bố phòng rã hàng ngũ chạy về Lai Khê, 2 trung đoàn khác, tổ chức các chốt kiền có sự điều chỉnh pháo binh tầm xa 130 ly ( vị trí đặt súng ở phía Tây ), nhất là chốt kiền tại Suối Tàu Ô (20 cây số Nam An Lộc), thêm 1 chốt phụ nữa,tại xã Bàu Bàng (52 cây số Nam An Lộc), là những nơi đã diễn ra nhiều trận đánh đẫm máu, giữa quân tiếp viện của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và quân chận viện của Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt, suốt hơn 2 tháng dọc theo Quốc Lộ 13 từ Nam lên Bắc.

Ưu thế của địch (quân Cộng Sản Bắc Việt) : Có chiến xa T.54 và PT.76 và là lần đầu tiên xuất hiện tại chiến trường trong Nam (Quân Khu III Việt Nam Cộng Hoà), pháo binh tầm xa 30 cây số, các xe thiết giáp phòng không cơ động với súng 12 ly 7 và 37 ly, có những vũ khí tối tân như SA.7 (loại cầm tay) do Nga viện trợ, là loại khắc tinh của các loại trực thăng của Việt Nam Cộng Hoà và Đồng Minh Hoa Kỳ.

Yếm thế của địch : để mất thời cơ thuận lợi sau khi chiếm xong Lộc Ninh, lại không dùng khí thế đó xúc kích tấn công An Lộc mà trì hoãn đến 7 ngày sau (từ 07 tháng 04 đến 13 tháng 04) mới mở màn trận tấn công đầu tiên vào An Lộc, thêm vào đó khi tấn công thì lại tấn công chỉ nhằm vào môt hướng hay một mặt chứ không tấn công đồng loạt, còn các mũi tấn công thì giờ khắc lại không thống nhất, nên lực lượng trú phòng đủ thì giờ và điều kiện trám khuyết những yếu điểm nếu có, cũng như nhận biết trước được đâu là nỗ lực chính cũng như phụ và tình hình của trận thế. Ngoài ra, không có sự phối hợp giữa bộ binh và chiến xa.

Ưu thế của bạn (Việt Nam Cộng Hoà): Về không yểm, ban đêm có phi cơ Spectre AC.130 trang bị loại đại liên nồi 40 ly, đại bác 105 ly diệt tăng. Ban ngày, khi vừa chấm dứt các phi tuần của không quân chiến thuật, liền đến các phi vụ của không quân chiến lược B.52, cất cánh từ đảo Guam (Hoa Kỳ), oanh kích và oanh tạc không ngừng, đã đổ hàng chục ngàn tấn bom trên đầu Cộng quân. Cộng thêm tinh thần quyết tử chiến, của các Chiến Sĩ Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, Chiến Đoàn 52 Sư Đoàn 18 Bộ Binh, và qua huấn lệnh tử thủ của Tướng Lê Văn Hưng, bên cạnh còn có các đơn vị tinh nhuệ : Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Biệt Động Quân, Nhảy Dù, Biệt Cách Dù, đã được tăng viện đúng lúc và kịp thời, thêm vào lực lượng Dân Cán Chính tỉnh Bình Long, một lòng sát cánh bên Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, đồng tâm quyết chí chống lại cuộc xâm lăng từ phương Bắc của quân Cộng Sản Bắc Việt đến cùng.

Về phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, thì khắc chế được những gì yếu kém lúc ban đầu, như không có pháo binh tầm xa thì xử dụng không quân chiến thuật và không quân chiến lược, trải thảm bom để trả đũa và diệt pháo của địch, không có chiến xa đương đầu với T.54 của Cộng quân, thì được thay thế bằng hàng chục tổ chiến binh, được trang bị loại súng chống chiến xa cầm tay M.72, bắn hạ hàng loạt T.54 và PT.76. Cái ưu tư lo sợ mất tinh thần lúc ban đầu, đã đem lại cái hoan hỷ, tự tin và hăng say, săn lùng từng chiến xa địch đang ngơ ngác, trong vòng đai phòng thủ bên trong Thị Xã, thi đua nhau bắn hạ liên hồi các con mồi (chiến xa địch) không sót chiếc nào.

Căn cứ vào yếu tố điều nghiên để thiết lập hồ sơ trận liệt : đây mới là yếu tố quyết định trong vấn đề điều nghiên. Trong binh thư có câu : Biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Biết ta mà không biết người, trận thắng trận thua. Không biết người mà cũng không biết ta, trăm trận đều thua. Trong trường hợp mặt trận An Lộc, ta có thể lấy trường hợp thứ nhì (biết ta - Cộng Sản - mà không biết người - Việt Nam Cộng Hoà). Trở lại trận Lộc Ninh, theo bản điểu nghiên trận liệt địch biết phía bên Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà có tổng cộng 1 Trung Đoàn chủ lực cộng thêm 1 Tiểu Đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng và 1 Thiết Đoàn (khoảng 30 chiến xa M.41 và M.113) + Lực Lượng Chi Khu Lộc Ninh có khoảng 1 Tiểu Đoàn hỗn hợp gồm Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Cảnh Sát ... nên Cộng quân huy động một lực lượng đông hơn gấp 5 lần, nhất là lần đầu tiên sử dụng loại chiến xa T.54 và PT.76 vững mạnh hơn Chiến Xa M.41 và Thiết Vận Xa M.113 của Việt Nam Cộng Hoà . Nên ngay sau gần 48 giờ giao tranh, địch có ưu thế, và khống chế được chiến trận, bởi “Biết người biết ta” nên thắng trận. Trái lại, đối với mật trận chính tại Thị Xã An Lộc, dựa theo bản điều nghiên trận liệt thì lực lượng phòng thủ chỉ có nhiều nhất là 5 Tiểu Đoàn Bộ Binh (3 của Trung Đoàn 7 và 2 Tiểu Đoàn Địa Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long) và Bộ Chỉ Huy nhẹ của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà (tổng cộng khoảng 1 Trung Đoàn (+), cái sai thứ nhì là đã điều nghiên tọa độ sai trật mục tiêu Bộ Chỉ Huy đầu não của lực lượng phòng thủ (vì giờ phút chót Bộ Chỉ Huy của Tướng Hưng đã di chuyển sang căn hầm của Trại Đỗ Cao Trí ). Cái sai trầm trọng nhất ngoài dự liệu, là phía quân phòng thủ nhất quyết không bỏ chạy, không rút lui, và ưu thế của các chiến xa T.54, bị bẻ gãy ngay từ trận đầu bởi các tổ M.72 chống chiến xa, vô tình để cho sĩ khí của các chiến binh Việt Nam Cộng Hoà tăng cao lên tức khắc. Cộng quân ước tính, phía Việt Nam Cộng Hoà, có nhiều lắm là 1 Trung Đoàn (còn ít hơn ở Lộc Ninh), lại không có pháo không có tăng, nên cũng tuồng cũ soạn lại : Dùng 4 Trung Đoàn chủ lực, chĩa mũi dùi đánh thẳng vào các cơ sở đầu não của lực lượng phòng thủ, sau khi chế ngự hầu hết các điểm cao xung quanh An Lộc (trừ Đồi Gió và Đồi 169 phía Đông Nam). Địch hình dung địa thế An Lộc như là một lòng chảo giống Điện Biên Phủ khi xưa (mặc dù thực tế nhỏ hơn nhiều vế quân số cũng như địa hình địa vật). Nhưng khi va chạm vào thực tế thì tại An Lộc vào ngày 12 tháng 04 năm 1972 đã có đến 3 Trung Đoàn quân chủ lực thiện chiến và 2 Tiểu Đoàn của Tiểu Khu Bình Long. Và ngay mũi dùi chính tấn kích từ hướng Bắc gặp phải 2,500 quân của Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, trong tay lại có hơn 2,000 khẩu M.72 chống chiến xa với 400 tay xạ thủ rành nghề và quyết tử, nên thua trận. Đúng với câu biết ta mà không biết người thì trận thắng trận thua.

B.- YẾU TỐ CHIẾN THUẬT

a.- Theo binh pháp cận đại của Tàu Cộng : Chiến Thuật biển người, tiền pháo hậu xung, bịt pháo công đồn, nhị thức bộ binh chiến xa.

b.- Binh thư Tôn Tử có ghi chép : về việc bao bây, tấn công, nguyên tắc căn bản khi mở cuộc bao vây, tấn công hay chia cắt: khi quân ta đông hơn địch gấp 10 lần hơn thì mở cuộc bao vây, khi quân ta đông gấp 5 lần hơn địch thì mở cuộc tấn công trực diện, khi quân ta bằng với quân địch thì phải áp dụng thế nghi binh hay chia cắt.

Quân Cộng Sản Bắc Việt áp dụng chiến thuật biển người (còn gọi là chiến thuật nướng người ), như trận Điện Biên Phủ năm 1954, pháo rất nặng (mưa pháo), sau khi dứt các đợt pháo, thì mở cuôc xung phong, như kẻ điếc không sợ tiếng súng, cận chiến đánh xáp lá cà như thằng mù, truớc các họng súng đại liên M.60 và các súng cá nhân M.16 của các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, và bị tan xác dưới các trận oanh tạc của Không Quân Chiến Thuật và Chiến Lược của Không Quân Hoa Kỳ.

Chiến thuật bịt pháo công đồn : pháo vào các căn cứ hoả lực có đại bác 105 ly hoặc 155 ly như Tiểu Đoàn 52 Pháo Binh Tại cứ điểm An Lôc, và Pháo Đội Dù trên đĩnh Đồi Gió rồi xua quân tấn công vào Thành Phố An Lộc và Tiểu Đoàn 6 Dù đang trấn giữ bảo vệ vị trí Pháo Binh .

Áp dụng nhị thức Bộ Binh và Chiến Xa : Vì là lần đầu tiên lực lượng Cộng quân có chiến xa yểm trợ để tấn công, nên giữa các đơn vị tùng thiết và các chiến xa T.54 & PT.76 mạnh ai nấy đi . Bộ Binh thì lo chạy tránh Pháo, Chiện xa thì cứ tiến nhanh vào thành phố ..Nên dễ làm mồi cho các tổ phóng hoả tiễn M.72 của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà.

Chiếu theo các tài liệu, vào lúc khởi phát cuộc bao vây An Lộc, địch có khoảng từ 35,000 đến 37,000 cán binh, còn bạn thì chỉ có Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Việt Nam Cộng Hòa và lực lượng diện địa lãnh thổ Tiểu Khu Bình Long,cộng chung 5 Tiểu Đoàn, cùng Bộ Chỉ Huy Nhẹ của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, tổng cộng tối đa khoảng 2,200 quân sĩ Việt Nam Cộng Hoà. Như vậy là địch đông trên hơn 24 lần, nên địch mở cuộc bao vây An Lộc và tấn công từng mặt một (có thể nói là hoàn toàn khinh địch) .

C.- YẾU TỐ TÂM LÝ BẤT NGỜ

Phía Quân Việt Nam Cộng Hoà bị bất ngờ khi Quân Cộng Sản Bắc Việt mở cuộc tấn kích, khi Địch mở trận mưa pháo tàn khốc, và xử dụng chiến xa, khiến cho Quân Sĩ Việt Nam Cộng Hoà bị mất tinh thần trong giai đoạn đầu, mở màn trận đánh Lộc Ninh. Và vì địch vi phạm lỗi lầm khi áp dụng nhị thức bộ binh & chiến xa, không có sự yểm trợ hỗ tương lẫn nhau, nên dễ làm mồi cho các tổ khinh binh Việt Nam Cộng Hoà được trang bị những khẩu M.72, khí thế hùng hổ của địch quân vừa đông quân số vừa có Chiến Xa trợ chiến, nhưng khi Chiến xa chạy lạc bị bắn cháy, bộ binh quân Cộng Sản Bắc Việt lại đâm ra mất tinh thần, còn phía bên Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, khi thấy trong tay mình có hàng ngàn khẩu M.72, và biết chắc là loại vũ khí khắc tinh của chiến xa địch, thì đâm ra tự tin, phục hồi tinh thần trở lại nhanh chóng, đua nhau đi tìm diệt tăng dịch.

Đó là yếu tố tâm lý bất ngờ, mà cả đôi bên mới vừa phát hiện trên trận địa khi lâm chiến, không một binh gia nào có thể dự liệu hay tiên đoán được, và nhờ thế đã đem đến thắng lợi cuối cùng cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

D- YẾU TỐ THỜI CƠ

Yếu tố thời cơ cũng là một trong những nhân tố quyết định, cho sự thắng bại của chiến trường An Lộc. Thời cơ đây, có thể nói là, thời điểm thuận tiện nhất để đè bẹp đối phương, khống chế trận chiến . Thời cơ khi đến cũng rất nhanh chỉ trong vòng vài ba ngày là cùng, nếu đã để lỡ dịp, thì thời cơ sẽ đi qua, không bao giờ trở lại. Thí dụ : Khi quân đội Cộng Sản Bắc Việt chiếm xong Lộc Ninh (chỉ trong vòng có 2 ngày, sớm hơn dự tính của kế hoạch là phải mất từ 7 đến 10 ngày), khí thế và tinh thần các cán binh Cộng Sản Bắc Việt đang lên cao, và còn đang say men chiến thắng, trong lúc tại An Lộc Lực Lượng Phòng Thủ chỉ mới có Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân và Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà mà thôi ... vì sự trì hoãn lo chỉnh đốn hàng ngũ và bổ xung quân số, nhất là do lòng tham, tóm nhặt chiến lợi phẩm và những thứ khác của Quân Dân Lộc Ninh... bỏ lỡ cơ hội bằng vàng để đạt được chiến thắng và dứt diểm An Lộc. Sở Chi Huy Chiến Dịch khi nhận định như thế đã ra quyết nghị chuyển cho Bộ Chỉ Huy Mặt Trận là phải tiếp tục tiến quân tấn chiếm An Lộc ngay trước ngày 09 tháng 04 năm 1972 (sau 2 ngày tấn chiếm Lộc Ninh). Nhưng Bộ Chỉ Huy Mặt Trận do Tướng Trần Văn Trà lãnh đạo lại không đồng ý, để trì trệ cho đến ngày 13 tháng 04 mới khai hoả, trong khi ngày 12 tháng 04 năm 1972 phía Việt Nam Cộng Hoà có được thêm 2,500 tay súng, trong đó có 400 Lao Công Đào Binh quyết tử chiến với quân Băc Phương, của Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, lợi hại nhất là trong tay có trên 2,000 khẩu M.72, loại khắc tinh của chiến xa địch, cũng từ chỗ đó, 15 T.54 đi đầu khi chạy vọt đại vào trong thị trấn (trong đợt tấn công đầu tiên, cũng do Sư Đoàn 5 Cộng Sản Bắc Việt làm chủ lực) đã bị các chiến sĩ Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà bắn hạ hầu hết không còn một chiếc nào, và cũng từ đó các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà được biết chắc là loại vũ khí M.72 có trong tay rất có hiệu quả bắn diệt tăng địch, cũng từ chỗ đó tinh thần và sĩ khí diệt tăng địch lên cao, để tiếp tục chống trả quyết liệt trong những cuộc tấn kích về sau này của Cộng quân. Đổi lại các cán binh Cộng Sản Bắc Việt tùng thiết đâm ra mất tinh thần, mất hết nhuệ khí, khi thấy chiến xa bị bắn cháy. Rồi kế tiếp đến, Lực Lượng Nhảy Dù và nhất là Lực Lượng Biệt Cách Dù được đổ vào An Lộc, từ đó cán cân chiến thắng đã nghiêng hẳn về phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

Tóm lại, dù bạn hay địch, nếu bên nào nắm được lợi điểm ở 4 yếu tố kể trên, thì phần thắng sẽ nghiêng về bên đó. Và ai biết khai thác những cái khuyết điểm của đối phương cũng như biết khắc chế những yếu điểm của quân mình thì sẽ đạt được chiến thắng sau cùng của trận chiến.

E- CÁC CỐ VẤN HOA KỲ, LIÊN LẠC VỀ KHÔNG YỂM CHO CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC, ĐƯỢC MÔ TẢ NHƯ SAU :

1.- Chiếu theo dư luận của giới quân sự Hoa Kỳ, họ cho rằng nếu không nhờ Không Quân của Hoa Kỳ yểm trợ thì An Lộc đã bị quân Cộng Sản Bắc Việt đè bẹp ngay từ khi khởi đầu trận chiến.

Việc này đúng hoàn toàn hay chỉ đúng một phần nào, xin quý độc giả đọc tiếp những sự thật về các cố vấn Mỹ và về không yểm (pháo đài bay B.52, oanh tạc cơ phản lực, trực thăng tiếp tế) của Không Lực Hoa Kỳ như sau :

a.- Các cố vấn Mỹ cũng có người rất tận tâm trong chức vụ cố vấn của mình, ngay cả hy sinh tính mạng, điển hình như Trung Tá Schott quyết định tự sát để cho các cố vấn còn lại thoát thân khi Lộc Ninh thất thủ.

Kế tiếp, tại mặt trận Cầu Cần Lê toàn thể toán cố vấn Mỹ của Chiến Đoàn 52 của Sư Đoàn 18 Bộ Binh rất là tận tâm trong chức vụ cố vấn. Người rất đáng được ca tụng là Trung Tá Ginger, cố vấn trưởng, mặc dù đã bị thương khá nặng, đã từ chối không gọi trực thăng tản thương đến để di tản, mà quyết định ở lại để giúp cho vị Chiến Đoàn Trưởng là Trung Tá Thịnh gọi trực thăng võ trang và các phi tuần phản lực , xạ và oanh kích địch một cách có hiệu quả. Nhờ vậy mà Chiến Đoàn 52 thoát khỏi được vòng vây của hai Trung Đoàn Cộng Sản Bắc Việt.

Việc tản thương Đại Úy Zumwatt ( Cố vấn Phó Chiên Đoàn 52 (-), khi trực thăng có sơn chữ thập đỏ đáp xuống ngay giữa trận tiền, đang hồi sôi bỏng tiếng súng, liền bị quân Cộng Sản Bắc Việt xả súng bắn, kết quả đã gây tử thương cho vị phi công phụ là Đại Úy Robert L. Hors và một y tá (không rõ tên) trên phi cơ.

Kế tiếp là các cố vấn của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù : Đại Úy Huggings và Thượng Sĩ Yearta rất tận tình trong chức vụ, với người bạn đồng minh đã giúp trực thăng tản thương rất là nhanh chóng để tản thương một số chiến binh Biệt Cách Dù và Biệt Động Quân tại vùng Đôi gió, và liên lạc với C.130 thanh toán mục tiêu đồn Cảnh Sát Dã Chiến,giúp cho Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, ủi xong đồn Cảnh Sát Dã Chiến, phía Bắc Tỉnh lỵ An Lộc, và sau cùng chỉ điểm cho trực thăng võ trang Cobra xạ kích, sát hại hằng trăm quân Cộng sản Bắc Việt xung quanh Đồi Đồng Long ( 08 tháng 6 năm 1972 ) .

Kế tiếp các cố vấn của Liên Đoàn 1 Nhảy Dù, của Chiến Đoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh, của Trung Đoàn 43 Sư Đoàn 18 Bộ Binh, của Trung Đoàn 31, 32, 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh, rất tận tình trong chức vụ đối với người bạn đồng minh của mình trong suốt cuộc chiến.

Đặc biệt là các phi hành đoàn của Không Đoàn Vận Tải C.130 Hoa Kỳ trách nhiệm thả dù tiếp tế cho quân bạn Việt Nam Cộng Hoà tại An Lộc, bị cao xạ và phòng không của địch bắn rơi và tử thương trong lúc thi hành nhiệm vụ. Thật là những gương hy sinh cao cả.

Sau cùng là vị tướng Mỹ Tillman trong lúc đáp xuống viếng thăm An Lộc khoảng ngày 10 tháng 07 năm 1972. Khi ông vừa rời khỏi Trực Thăng thì bị một quả pháo nổ ngay bãi đáp, gây tử thương cho ông và một số sĩ quan cao cấp của Lực Lượng 2 Dã Chiến Hoa Kỳ.

b.- Bên cạnh những vị anh hùng cố vấn Mỹ đã quên thân mình cho ý nghĩa cao cả tự do, và tận tụy trong chức vụ Cố Vấn của mình, đối với người bạn đồng minh Việt Nam Cộng Hoà, thì cũng có những sự việc không mấy tốt đẹp: Chúng tôi xin lược kê như sau:

Trước tiên là toán cố vấn Mỹ của Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà. Viên Cố Vấn Trưởng là Trung Tá Abramawith, và toàn toán Cố vấn Mỹ, từ chối không chịu theo Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đổ vào tăng viện cho mặt trận An Lộc.

Kế tiếp là Đại Tá Miller, Cố Vấn Trưởng Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, đòi rút hết toán cố vấn về Lai Khê viện lẽ hầm nổi dã chiến của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh không đủ an toàn. Nếu Tướng Hưng không tìm được ra một căn hầm khác (trại Đỗ Cao Trí) thì Sư Đoàn 5 Bộ Binh cũng giống như tình trạng của Trung Đoàn 8 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà vậy.( Mặt dầu đó là vận may cho toàn thể Bộ Chỉ Huy của Tướng Hưng và cả toán Cố Vấn Mỹ ), Đại Tá Miller bắt buộc phải tận tình trong chức vụ, trước tiên là để bảo toàn mạng sống cho toàn toán Cố Vấn Mỹ,sau mới đến việc mang chiến thắng cho Quân tữ thủ Việt Nam Cộng Hòa .

2.- Nói về không yểm thì thật là dồi dào, những phi vụ phản lực cơ, và B.52 cũng như những chiếc C.130 có súng đại bác 105 ly và trực thăng võ trang Cobra đã yểm trợ rất đắc lực trong suốt trận chiến.

Bên cạnh những nỗ lực không yểm kể trên, còn có vài điểm khác biệt cũng cần phải nêu lên để làm sáng tỏ dư luận :

Về không quân chiến lược B.52 (đã ba lần từ chối theo như yêu cầu của phía Việt Nam Cộng Hoà) :

- Lần thứ nhất vào ngày 18 tháng 04 năm 1972 tại vùng phi trường Quản Lợi (tính chất mục tiêu là Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn Cộng Sản Bắc Việt và những nhân vật đầu não của Cục R và 2 trung đoàn chính quy quân Cộng Sản Bắc Việt).

- Lần thứ nhì vào ngày 20 tháng 05 năm 1972 (tính chất mục tiêu là Bộ Chỉ Huy của Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt).

- Lần thứ ba vào ngày 22 tháng 05 năm 1972 (tính chất mục tiêu là hầm chốt Xa Cam cấp 2 trung đoàn).

Về trực thăng tiếp tế và tản thương.

- Tất cả các trực thăng tiếp tế cũng như tản thương của Không Lực Việt Nam Cộng Hoà đều không thể đáp xuống mặt trận An Lộc trong thời gian cuộc chiến đang sôi động . Dư luận của các cố vấn Mỹ cho là phi công Việt Nam Cộng Hoà nhát gan, sợ phòng không địch nên không muốn đáp xuống trận địa. Trong lúc đó thì phi cơ trực thăng tiếp tế của Hoa Kỳ vẫn đáp lên xuống đều đặn, đem đồ tiếp tế cho các cố vấn Mỹ của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và Tiểu Khu Bình Long, không chiếc nào bị phòng không Cộng Sản Bắc Việt ngăn cản.

- Theo lời tường thuật của Thiếu Tá Nguyễn Văn Ức đại diện Sư Đoàn 3 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà, đích thân quan sát, đàm thoại và chứng kiến tận mắt, , cho biết : Sở dĩ trực thăng Mỹ được ra vào An Lộc một cách an toàn, là vì phía dưới luờn của trực thăng Mỹ và các mũ phi hành của tất cả phi hành đoàn, đều có sơn màu trắng, thay vì màu olive như các đơn vị Trực Thăng tác chiến của Việt Nam Cộng Hoà.

Như vậy, câu hỏi được đặt ra là, phía đồng minh Hoa Kỳ có đường giây bí mật nào liên lạc với địch quân , để nhận được một thoả hiệp như thế hay không?

Nếu có, thì quả là tay phải thì giúp, tay trái thì năn nĩ, vuốt ve quân thù của người bạn đồng minh của mình.

F- KẾT LUẬN

Sự việc gì cũng đều có hai mặt, mặt trái và mặt phải. Người thì nói là nhờ cố vấn và không lực Mỹ, An Lộc mới còn đứng vững sau 93 ngày quyết chiến, kẻ thì nói người bạn đồng minh của mình (Mỹ) bề ngoài thì giúp nhưng bề trong lại đi thoả hiệp ngầm với địch.

Nếu nghĩ rằng, nhờ yểm trợ dồi dào về không quân Hoa Kỳ, nhưng nếu không có một tinh thần quả cảm của quân dân Việt Nam Cộng Hoà, thề quyết sống chết cho quê hương đất Tổ Việt Nam, thì làm sao An Lộc có thể đứng vững trong suốt 93 ngày đó? Hay nói khác đi, nếu các cố vấn Mỹ và không quân Hoa Kỳ yểm trợ Quân Dân Việt Nam Cộng Hoà đánh Cộng Sản, mà quân dân của Việt Nam Cộng Hoà không có quyết tâm tử thủ, buông súng đầu hàng địch quân, thì liệu An Lộc có đứng vững hay không? Xin để quý vị độc giả và hậu thế phán xét.

 
TVQ chuyển

BÀN RA TÁN VÀO

Đề bài :"Tiếng Việt, yêu & ghét" - Lê Hữu ( Trần Văn Giang ghi lại )

'vô hình trung' là nghĩa gì vậy, sao cứ thích dùng, hình như có nghĩa là 'vô tình'

Xem Thêm

Đề bài :TIN CHIẾN SỰ MỚI NHẤT[ CẬP NHẬT NGÀY 20 -5 - 2022 ]

Suu cao,thue nang,nhu yeu pham tang gia.Kinh te eo seo...Vay ma dang Lua van lay tien cua dan tro giup linh tinh.Mo cua bien gioi.Ung ho toi ac truc tiep khi sua luat cho phep trom cuop o muc do <1.000 dollars thi vo toi....Neu vao thoi diem Trump,bon Lua da ho hoan nhu the nao ??? Nhung nguoi bau ban vi chut tu loi ,nghi gi ve dat nuoc ??? Phai chang day khong phai la dat nuoc minh ??? bat qua,lai tro ve que huong cu...Neu vay,ban la thang cho chet ! mien ban !

Xem Thêm

Đề bài :Tin Mới Nhất Về Chiến Sư Ucraina [ CẬP NHẬT NGÀY 14-5-2022 ]

Chung nao moi vet nho cua ho nha Dan da duoc tay xoa trang boc,thi Uk moi co hy vong...ngung chien.Cung vay,ngay nao ma cac cong ty ,co goc gac tu cac dang bac nu luu-anh hao cua khoi tu do va ong chief police va dang Lua thi moi giai xong phuong trinh tau cong !

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Hình cũ - Hà Thượng Thủ

Ngắm lại hình xưa chịu mấy ông Những Linh, Tùng, Duẫn với Mười, Đồng Mặt mày ai lại đi hồ hởi Phấn khởi khi Tàu cướp Biển Đông Phải chăng “quý” mặt đã thành mông Con mắt nay đà có nhưng không Nên mới chổng khu vào hải đảo Gia tài gấm vóc của tổ tông?

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm