Khi Tay rời Myanmar một năm trước, chàng trai 21 tuổi hy vọng, anh có thể tìm thấy một cuộc sống tốt hơn ở Thái Lan. Nhưng sau đó anh trở thành nạn nhân của hình thức nô lệ thời hiện đại.
Tay vượt biên trái phép sang Thái Lan nhờ những kẻ môi giới lao động với lời hứa hẹn về một công việc an toàn, ổn định. Chàng thanh niên đã chuẩn bị tinh thần làm việc chăm chỉ ở một nhà máy ép dứa để trả tiền phí vượt biên, thế nhưng, anh cùng 12 người khác đã bị bán lại với số tiền gần 10 triệu đồng/người để làm những việc chẳng kém nô lệ. Trong 6 tháng tiếp theo, anh phải làm việc không công trên một tàu đánh cá. Tay kể một số cô gái trong nhóm anh nhận việc ở các nhà máy chế biến hải sản, trong khi các cô ngoại hình ưa nhìn hơn phải đến nhà thổ.
Câu chuyện của Tay không phải là trường hợp cá biệt. Theo một báo cáo mới của Environmental Justice Foundation (EJF), một tổ chức nhân quyền từ thiện có trụ sở ở Anh, nền công nghiệp đánh bắt thủy hải sản của Thái Lan mang lại 7 tỷ USD mỗi năm, nhưng dính líu nhiều tới nạn bóc lột lao động nhập cư trái phép. Phần lớn người lao động nhập cư đến từ nước láng giềng như Myanmar và Campuchia.
Nhiều nạn nhân trong đường dây buôn người ở Thái Lan kết thúc hành trình trên các con tàu đánh cá. Ảnh: CNN |
Sau khi làm việc trên tàu 9 tháng, Tay giả vờ ốm để được cho anh lên bờ. Nhân lúc những kẻ bóc lột sơ hở, anh trốn tới thành phố nghỉ dưỡng Pattaya, phía nam Bangkok, và trốn trong một ngôi chùa. Hiện nay Tay vẫn trú ẩn ở chùa, không biết mai sau sẽ ra sao. Anh yêu cầu nhà báo không nêu tên thật do sợ bọn buôn người trả thù.
Hoàn cảnh sống khủng khiếp
Nhiều người khác cũng kể câu chuyện giống Tay về tình trạng bắt ép và hoàn cảnh sống khắc nghiệt trên các con tàu đánh cá. Năm ngoái, tổ chức EJF giải cứu một nhóm gồm 14 nam giới đến từ Myanmar trên tàu. Họ kể cho EJF về quá trình làm việc 20 ngày với đồng lương ít ỏi hoặc không lương, chịu sự đánh đập của đoàn thủy thủ người Thái.
Theo các báo cáo từ EJF, một số người còn chứng kiến cảnh giết người. Chủ tàu vứt thi thể nạn nhân qua mạn tàu, giống như cách họ đối xử với những mẻ cá.
Nhóm người mà EJF cứu đang trú tạm trong khu nhà do chính phủ Thái cung cấp ở miền nam gần một năm nay. Giám đốc kiêm nhà sáng lập của EJF, Steve Trent, cho biết, phần lớn họ đã bớt ảo tưởng về tương lai, và mong về nhà hơn là đòi công lý: “Nếu họ từ bỏ và đòi về nhà, nỗ lực truy xét những kẻ đã bóc lột họ sẽ chấm dứt. Quy trình xét xử ở Thái Lan chậm chạp, nó đang hành hạ những người này thêm một lần nữa. Họ là những người vô tội nhưng liên đới tới bọn tội phạm”.
EJF
cho rằng nạn cưỡng bức lao động trên các con tàu đánh cá ở Thái Lan
liên quan mật thiết tới nhu cầu đang ngày càng tăng đối với sản phẩm hải
sản giá rẻ, trong khi lượng tôm cá đang giảm dần. Tàu cá phải di chuyển
xa hơn, các chuyến đánh bắt trở nên dài hơn, nhưng sản lượng cá trong
mỗi chuyến lại giảm. Vì thế, công việc đánh cá trở nên vất vả và không
hấp dẫn đối với người lao động trong nước.
Cá ít, nhu cầu tăng khiến các chuyến ra khơi trở nên dài hơn trước đây. Ảnh: EJF |
Hành động của chính phủ
Năm ngoái, chính phủ Thái Lan tuyên bố một kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn nạn buôn người và hỗ trợ các nạn nhân. Cùng với các hiệp hội đánh cá quốc gia và các nhóm hành động vì nhân quyền, Bộ Lao động Thái giúp Tổ chức lao động quốc tế (ILO) hoàn thành bản cáo cáo năm 2013 về nạn buôn người trong lĩnh vực đánh bắt cá.
Báo cáo chỉ ra rằng cứ 6 người làm việc ở các tàu đánh cá xa bờ thì một người không tự nguyện nhận việc. Nhưng báo cáo cũng ghi nhận, phần lớn công nhân trong ngành là người Thái Lan và lao động tự nguyện.
“Lao động cưỡng ép trong ngành công nghiệp đánh cá là một thực trạng đang tồn tại. Trong các năm qua, chính phủ và các hiệp hội đánh cá quốc gia cùng ILO đã cùng hành động. Chúng tôi nhận thấy chính quyền trung ương tỏ ra quyết tâm hơn, nhưng kết quả cụ thể vẫn chưa rõ ràng. Thực trạng đã tồn tại trong một khoảng thời gian dài và chúng ta chưa thể thay đổi ngay lập tức. Xoay chuyển tình hình là một quá trình dài, nhưng chúng tôi hy vọng chúng tôi sẽ nhìn thấy đích cuối”, Max Tunon, một chuyên gia của ILO, nhận định.
Bộ ngoại giao Mỹ và EJF đều chỉ trích những nỗ lực của Thái Lan đối với nạn buôn người, khi tệ nạn tham nhũng lan rộng trong những nhân viên hành pháp. Theo báo cáo năm 2013 của Bộ ngoại giao Mỹ, Cục Hàng hải và Hải quân Thái đã kiểm tra 608 tàu đánh cá trong năm 2012, nhưng không phát hiện trường hợp buôn người nào. Thực tế đó cho thấy, có thể tham nhũng và sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, tài chính đang tạo điều kiện cho nạn bóc lột sức lao động tồn tại. Bộ Lao động và Bộ Phát triển xã hội của Thái Lan không đưa ra bình luận khi kênh CNN phỏng vấn.
Ngành công nghiệp thủy sản Thái Lan thu về 7 tỷ USD hàng năm. Ảnh: AP |
Áp lực thay đổi
Tay từng chứng kiến cảnh sát nhận hối lộ từ những chủ tàu có người lao động bất hợp pháp. Nhưng Trent tin mối liên kết giữa quan chức, chủ tàu và bọn buôn người còn mật thiết hơn.
“Chúng tôi có bằng chứng về việc những chiếc xe cảnh sát chở nạn nhân của đường dây buôn người. Sau đó, những nạn nhân buộc phải lên tàu để làm nô lệ. Thật lố bịch khi những kẻ nhận lương để bảo vệ người dân lại tiếp tay cho tội ác", Trent nói.
Kênh CNN không thể liên lạc với Cục Điều tra đặc biệt để hỏi về những lời buộc tội này. Trent phân tích: “Vấn đề thực sự nằm ở những người độc ác và thoái hóa đang điều hành những ngành kinh doanh trong nước. Dường như cách duy nhất để thay đổi thực trạng là sự kết hợp giữa áp lực chính trị và thị trường”.
Hiện nay Thái Lan xếp ở vị trí thứ hai trong danh sách những nước cần theo dõi của Báo cáo buôn người TIP thuộc Bộ ngoại giao Mỹ. Nếu tình hình không cải thiện, nước này sẽ tụt xuống bậc ba, mức thấp nhất. Cộng đồng quốc tế sẽ ngừng viện trợ cho Thái Lan nếu điều đó xảy ra.