o O o
Cuối tháng 3/1972 đang từ vùng hành quân Kampong Trabek trên lãnh thổ Kampuchia, toàn bộ LĐ3 BĐQ được lệnh bàn giao cho SĐ25 BB rồi rút về tái trang bị và bổ sung quân số chuẩn bị cho một nhiệm vụ khác. Khi tiểu đoàn 52 BĐQ nghỉ dưỡng quân tại Suối Đá, cách chân núi Bà Đen chừng 3km, đại đội được phân ra làm hai cho đi phép 3 ngày mỗi đợt. Sau hơn một tuần, hầu như mọi quân nhân đã trở về đơn vị, tái trang bị đạn dược và với 7 ngày lương tươi (gạo, trái su, cá khô đù) sẵn sàng chờ lệnh hành quân.Ngày 6 tháng 4 năm 1972, lệnh hành quân được ban ra, toàn bộ Liên Đoàn được tăng phái cho SĐ5 BB tại Bình Long. Lúc này Việt Cộng đang gia tăng áp lực lên các Trung Đoàn 9 /SĐ5 và Trung Đoàn 52/SĐ18 tại Snoul (Kampuchia) và khu Bù Đăng – Bù Đốp.
Đúng 12 giờ trưa, ĐĐ4/52 của chúng tôi là đơn vị đầu tiên cuả Liên Đoàn được trực thăng vận từ Tây Ninh vào An Lộc, Bình Long. Khả năng tham chiến cuả đại đội lần này là 89 người, quân số mà kể từ ngày ra trường năm 1968 đến nay tôi chưa bao giờ thấy được ở đơn vị này. Lần này, chúng tôi phải xử dụng đến 12 chiếc trực thăng để chuyển quân, ngang qua không phận Dầu Tiếng. Nhìn dãy núi Voi và những cánh rừng cao su bạt ngàn bên dưới, tôi lại nhớ đến những ngày giày sô bê bết đất đỏ của vùng Long Khánh, đến những cơn run vì sốt rét đã khiến Tiểu Đoàn 52 Biệt Động Quân chúng tôi đang từ danh hiệu “Sấm Sét Miền Đông” đã được anh em đọc trại là “Sốt Rét Miền Đông”.
Nhìn về hướng đông, đỉnh Bà Rá Phước Long thấp thoáng dưới những đám mây trắng. Sau hơn nửa giờ bay, đoàn trực thăng hạ dần cao độ, thị trấn An Lộc được bao bọc chung quanh bởi những cánh rừng cao su ngút ngàn đã hiện ra bên cánh trái. Trực thăng vòng qua phiá Hớn Quản rồi chúi xuống sân bay An Lộc. Khi càng trực thăng vừa chạm mặt đất cũng là lúc hàng chục trái hoả tiễn rót vào An Lộc như thể chào đón chúng tôi. Phóng mình ra khỏi phi cơ, cả đại đội lao vội vào các công sự phòng thủ hai bên sân bay để tránh pháo. Đạn pháo vọt qua đầu rớt vào trong thị trấn. Ngày hôm sau được biết có một cô giáo chết vì loạt đạn pháo này.
Cũng như Tây Ninh, Bình Long là một thành phố mà không khí chiến tranh luôn bao trùm suốt bao năm qua, không nhà nào không có hầm chống pháo kích kiên cố. Người dân quá quen với những tiếng “đề pa” xuất phát từ trong rừng, không la hét quýnh quáng như người dân ở một vài thành phố an bình khác, mà chỉ bình thản hô lớn “pháo kích” rồi chạy vào hầm phó mặc cho “Trời gọi ai nấy chịu”. Nếu có ai bị thương vong trong các cuộc pháo kích bừa bãi này thì họ xúm lại hỏi thăm chia buồn rồi sau đó mọi sinh hoạt lại trở lại bình thường.
Sau khi pháo tạm ngưng, chúng tôi được lệnh tiến về phía đông bắc sân bay chừng hơn 500 thước, bố trí và đào hầm hố phòng thủ tại đây. Sau đó, từng đợt đổ quân tiếp tục cho đến chiều tối thì toàn bộ Liên Đoàn 3 BĐQ chúng tôi đã hoàn tất cuộc chuyển quân và các đơn vị đã vào vị trí phòng thủ. Cả buổi chiều chiếc xe lam phóng thanh của Ty Thông Tin Bình Long chạy qua lại phát đi lời kêu gọi cuả Đại Tá Trần Văn Nhật tỉnh trưởng Bình Long “Đồng bào an tâm! Đã có các chiến sĩ Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân vào giữ an ninh và bảo vệ đồng bào. Ngày mai yêu cầu mọi sinh hoạt hãy trở lại bình thường”.
Ngay sau lời kêu gọi thì các đơn vị phải di chuyển ngang qua thành phố. Có nhiều nữ sinh mang kem và bánh kẹo đổ ra đường chào đón. Thật là cảm động và chí tình. Hầu như năm nào đơn vị chúng tôi cũng đều ghé ngang Bình Long ít nhất một lần nên nơi đây đã trở nên quen thuộc. Cư dân Bình Long đa phần là gốc Quảng Bình, di cư vào Nam và được đưa lên đây định cư làm phu cạo mủ cao su từ thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ngoài ra, trong các làng mạc, trong khu đồn điền còn có những người dân miền Bắc di cư vào từ thời “Bazanh mộ phu đồn điền”, đặc biệt là ở các Làng 5, Làng7 trên Quận Lộc Ninh cách Bình Long 27 cây số về hướng Bắc.
Cả tiểu đoàn được lệnh lập tuyến tử thủ hàng ngang. Những tin tức về số phận của các trung đoàn bộ binh đang bị vây khốn ở biên giới Việt Miên càng làm cho tình hình thêm căng thẳng. Cả đơn vị căng mắt chờ giặc suốt đêm.Tiếng “đề pa”của đạn pháo vào thành phố từ hướng đông (Hớn Quản) và từ hướng tây bắc nghe mỗi lúc một gần.
Sáng ngày 07/4/72, chúng tôi được tin hai trung đoàn bộ binh rút lui, và được lệnh cẩn thận chờ đón anh em chạy về. Tôi nghe đâu buổi chiều có mấy chiếc M113 chạy về ngang qua cầu Cần Lê, nơi đây vẫn còn một đại đôi Địa Phương Quân trấn giữ.
Đêm mùng 07/4/72, tin Quận Lộc Ninh thất thủ và tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 74 BĐQ Biên Phòng hy sinh. Đại đội chúng tôi lại căng mắt chờ giặc suốt đêm. Hoả châu từ hướng Lộc Ninh lại nhiều hơn, địch cũng pháo vào thành phố nhiều hơn, lần này còn nghe cả như tiếng “đề pa” của 155 ly đầu bạc, có lẽ chúng lấy được cuả các trung đoàn bộ binh. Không biết trong hai đêm qua có bao nhiêu dân thường vô tôi chết vì pháo của Cộng Quân. Tôi chỉ nghe tiếng khóc tiếng kêu gào vọng ra nghe quá não nề. Lại một đêm nữa căng thẳng trôi qua.Ngày 08/4/72, tiểu đoàn chúng tôi hoán chuyển vị trí cho TĐ31 BĐQ, chúng tôi phòng thủ từ nhà ga Hớn Quản trải dài xuống phiá nam là ngọn Đồi Gió. ĐĐ2 và ĐĐ1 phòng thủ dọc theo khu đường rầy xe lưả, trong khi ĐĐ4 chúng tôi giữ đồi 169, cái yên ngưạ nối với Đồi Gió, và ĐĐ3 trấn giữ trên đỉnh Đồi Gió. Kể từ hôm nay đã bắt đầu có những cuộc chạm súng nhỏ vào ban đêm giữa các tiền đồn với đám trinh sát thăm dò đường cuả Cộng Quân.
Đêm ngày 12/4/72, Cộng Quân tấn công Đồi Gíó và chiếm một phần ngọn đồi này. Sáng ngày 13/4/72, ĐĐ4 được lệnh tăng cường cho ĐĐ3 phải đẩy lui cộng quân bằng mọi giá để giữ vững ngọn đồi này. Đây là điểm cao có thể chế ngự cái trảng trống ở phía đông nam nơi được chọn làm bãi đáp để đổ quân vào tăng viện cho An Lộc. ĐĐ4 chúng tôi đánh bọc lưng chừng đồi vào hông cuả cộng quân. Dưới sự yểm trợ cuả Không Quân đến khoảng 2giờ chiều thì Cộng Quân phải bỏ chạy để lại hơn 10 xác.
Trận tổng tấn công lần thứ nhất của Cộng Quân
Đêm ngày 14 rạng ngày 15/4/75. Cộng quân mở màn trận đánh đầu tiên trên quy mô lớn vào An Lộc. Hàng ngàn quả đạn pháo đủ loại từ hỏa tiễn 107, 122 đến pháo 130 ly, thậm chí cả pháo 105 và 155 ly chúng lấy được liên tiếp nã vào thành phố. An Lộc đã rung chuyển như có động đất, với một diện tích chỉ vỏn vẹn không đầy 1km vuông (khoảng 1.000.000 mét vuông) mà đã hứng chịu gần chục ngàn quả pháo trong đêm, chia đều ra thì cứ cách 3 mét lại hứng một quả. Đến khỏang gần 4 giờ sáng thì đoàn chiến xa cùng bộ binh địch hung hãn tiến vào thành phố từ 4 hướng.
• Phía bắc từ ấp Be Moi đánh xuống dọc theo QL13 vào phòng tuyến cuả một trung đoàn thuộc SĐ5 BB bên phía đồi Đồng Long và vào TĐ31 BĐQ bên phía sân bay An Lộc.
• Phía nam từ dưới Xa Cam, Xa Cát dọc theo QL13 đánh lên vào phòng tuyến cuả BB và Điạ Phương Quân. • Phía đông từ trong Quản Lợi đánh ra vào phòng tuyến của TĐ36 BĐQ tại Sóc Gòn và TĐ52 BĐQ chúng tôi tại nhà ga Hớn Quản và Đồi Gió.
• Phía tây từ trong Phú Lố đánh ra vào phòng tuyến cuả một trung đoàn thuộc SĐ5 BB. Lần đầu tiên đối diện trực tiếp với chiến xa nên thoạt đầu hầu hết các đơn vị đều lúng túng. Tôi chỉ biết chiến xa địch đã lọt vào giữa thành phố, qua tiếng gầm rú ở phía sau lưng. Phòng tuyến của đại đôi chúng tôi chỉ bị tấn công bằng bộ binh nhưng chúng bị chận đứng ở dưới chân đồi. Tôi bị mấy miểng B40 ghim vào cổ, nên vội vàng quấn băng cá nhân để cầm máu rồi tiếp tục chiến đấu. Đến lúc này đã có 4 bị thương trong đó có Thiếu uý Vũ Văn Nghị, là đại đội phó kiêm trung đội trưởng Tr/ ĐĐ2. Thấy không thể chọc thủng phòng tuyến của chúng tôi được nên rạng sáng chúng đã rút lui.
Tuy nhiên bên cánh trái trong khu vực Sóc Gòn, chiến xa của Cộng Quân đang tấn công mãnh liệt vào phòng tuyến của Tiểu Đoàn 36 BĐQ, đang chặn đường tiến của chúng từ hướng Quản Lợi vào. Đại uý Nguyễn Minh Tâm cuả TĐ 36 BĐQ sau nhiều giờ quần thảo với Cộng Quân, cuối cùng vì sức cùng lực kiệt, đã yêu cầu Không Quân đánh bom ngay trên phòng tuyến để ngăn chặn sức tấn công vô cùng hung hãn cuả Cộng Quân. Kết quả hai chiếc T54 bị bốc cháy, vài chiếc khác cùng bộ binh địch tùng thiết phải tháo chạy, nhưng Đ/u Tâm và một số binh sĩ đã hy sinh trong đợt đánh bom cảm tử này. Ngày 16/4/72, Nhảy Dù tăng viện vào An Lộc. Từng đoàn trực thăng đổ xuống cái trảng trống hướng đông nam Đồi Gió. Khoảng 4 giờ chiều, tôi nhận được lệnh đón ĐT Lê Quang Lưỡng, Lữ Đoàn Trưởng Dù, và sẵn sàng một trung đội để đưa ông vào gặp Tướng Lê Văn Hưng. ĐT Lưỡng cùng một số sĩ quan tham mưu khoảng mười người từ phía Sóc Gòn đi vào. Sau khi hộ tống ông vào BTL tiền phương thì khoảng 6 giờ tối chúng tôi được lệnh giao lại phòng tuyến cho Nhảy Dù và kéo quân vào thành phố. Lúc này trời đã xụp tối, địch đặt một cây thương liên ở hướng nam phía cuối con đường vòng đai thành phố bắn ngược lên, nên phải mất hơn một tiếng đại đội mới băng qua được con đường. Vào đến BCH/TĐ tôi chỉ kịp nhận một cái phóng đồ thành phố với một khẩu lệnh ngắn ngủi từ Thiếu tá tiểu đoàn trưởng Lê Quý Dậu,
- Mày mang đại đội vào D34, bên trái mày là thằng đại đội 1 nó đã vào cái D35 từ chiều. Liên lạc hàng ngang tránh ngộ nhận, hiện giờ Việt Cộng nó đã ở nhiều nơi trong thành phố. Dặn dò con cái phải thật cẩn thận. Tôi nhìn vào cái phóng đồ, từ BCH/TD phải băng qua hướng tây hai con đường rồi quẹo phải lên hướng bắc qua một con đường nữa mới đến cái D34 nằm bên tay trái. Không kịp giơ tay chào, tôi chỉ nói một câu ngắn ngủi “Tôi đi thiếu tá” rồi chui ra khỏi hầm, lệnh cho đại đội một hàng dọc chạy theo tôi. Khi cả đại đội sẵn sàng, tôi mở khóa an toàn cây M16 chạy đi đầu. Vừa ra khỏi chừng 50 mét đã nghe tiếng hô lớn rồi một ánh đèn pin quét về phía chúng tôi
- Ai đó
- Biệt Động Quân! Tôi trả lời
- Đứng lại! Coi chừng mìn.
Có lẽ họ nhận rõ chúng tôi nên người cầm đèn pin bước ra khỏi lô cốt rồi hướng dẫn chúng tôi một đoạn chừng hơn 20 mét ra khỏi khu vực phòng thủ cuả họ. Thấy quá nguy hiểm không thể tiếp tục chạy về hướng tây tôi chạy thẳng lên hướng bắc chừng hai trăm mét rồi cho đại đội dừng lại bố trí phòng thủ. Thì ra đây là doanh trại của một đơn vị nhỏ thuộc Liên Đoàn 73 Quân Y.
Trong lúc đang lo phòng thủ thì được Chuẩn Uý Thập Lở báo cáo là nghe tiếng đào đất ngay bên cạnh cách xa không đầy 20 mét, tôi đánh liều bò lại gần lên tiếng
- Biệt Động Quân đây! Ai bên đó đó
- Đại đội 4/31 cuả đại uý Niếu
- Nói với đại uý Niếu là có đại đội 4/52 bên này, nghe không?
“Hú hồn! Mà sao 31 lại ở đây? Đây là chỗ nào? Hay ông Niếu cũng cứ chạy vào rồi tấp đại vào đây như mình? Nhưng dù sao thì mình cũng an tâm.” Đại uý Niếu, năm 69 là đại đội trưởng cũ cuả tôi khi tôi vưà ra trường cũng tại đại đội 4/52 này, sau đó chuyển sang TĐ31 làm trưởng ban 3. Có lẽ ông xuống làm đại đội trưởng cho anh đại đội trưởng nào bị “rách áo” hay “đi phép dài hạn” đây chăng? “Cối Minh” đệ tử ruột cùng HS “Thường Trọc” và HS “Hoà râu” là hai người mang máy truyền tin lấy mấy cái bàn xếp chung quanh làm thành cái hầm nổi dã chiến , và tìm được một cái “nệm mút” đã rách tơi tả trải ra làm chỗ trú ẩn qua đêm. Trong khó khăn nguy cấp một chút che chắn tạm bợ cũng làm cho mình vững tin, một chút phương tiện nhỏ nhoi cũng làm cho mình hạnh phúc. Bốn anh em thầy trò chúng tôi chen chúc nhau ngả lưng chập chờn mặc kệ không cần đếm xỉa đến những tiếng “đề pa” và tiếng nổ chung quanh có khi chỉ cách vài chục thước,”Trời gọi ai nấy dạ” mà. Cả đêm địch pháo cầm chừng nhưng cũng chừng vài trăm quả.
Sáng sớm hôm sau, ngày 17/4/72, mở mắt ra tôi đã thấy ngôi nhà lầu 4 tầng to tướng ở phía trước mặt cách xa khoảng hơn trăm mét với cái bảng “Trường Quốc Quang”Tôi dở tấm phóng đồ ra đối chiếu, thì ra cái D34 mà tôi phải đến chỉ nằm đối diện bên kia đường, đó là cái “Ty Phát Triển SắcTộc”. Đang định ra lệnh cho đại đội chuẩn bị di chuyển vào vị trí thì đã nghe tiếng tiểu đoàn phó, Đại uý Huỳnh Công Hiển, gọi gặp ở đầu máy,
- Ê Minh Hiếu! Mày đang ở đâu thì cứ dậm chân tại chỗ, cho mấy thằng em chuẩn bị đón tao. Có lệnh mới cho mày. Không đầy 10 phút sau đã thấy ông cùng người truyền tin lò dò đến, ông thắc mắc hỏi tôi,
- Làm sao đêm qua mày mang đại đội vào đây được? Sáng nay, tao đi qua mà phải nhờ mấy thằng ông điạ (ĐPQ) dắt ra khỏi cái bãi mìn.
- Thì tôi cũng liều mạng chạy đầu rồi cả đại đội theo sau, cũng nhờ họ hướng dẫn qua. May mà nó còn bình tĩnh nhận ra bạn, chứ ban đêm nó hoảng quá mà nổ súng thì chỉ có thác.
Sau đó, tôi cho ông biết là cái D34 nằm bên kia đường. Ông bèn lệnh cho tôi mang đại đội vào cái D34. Ngay khi vừa bắt đầu di chuyển thì những tiếng “đề pa” lại vọng đến, không dồn dập ào ạt như trong đêm. Có hai người mặc cảnh phục Cảnh Sát Dã Chiến đi trên một chiếc Vespa chạy đến xin tôi chỉ cho con đường nào an toàn để đến bệnh viện tiểu khu tìm gia đình. Tôi nói với họ là tôi không biết và khuyên họ nên tìm chỗ ẩn núp đợi ngưng pháo hãy đi, nói đoạn tôi cùng Đ/u Hiển băng qua đường để vào cái D34. Khi vưà mới bước chân lên lề đường bên kia thì một tiếng rít cuả đạn pháo ngay phiá trước mặt sát đỉnh đầu. Kinh nghiệm cho biết là không ổn, chúng tôi lăn vội xuống lề đường, một tiếng nổ như xé rách màng tai ngay phía sau lưng.
Tôi nhìn lại phía sau thì thấy chiếc xe vespa văng lên lề đường đang bốc cháy còn hai người cảnh sát thì thân xác văng mỗi nơi một mảnh, trái đạn đã rơi trúng ngay nơi tôi cùng đứng với họ dăm phút trước đây. Cũng không thể nấn ná ở đây thêm, tôi thúc đại đội ào nhanh vào cái D34. Đây là Ty Phát Triển Sắc Tộc, căn nhà đã bị phá huỷ, giữa nhà có một thi thể người Thượng đã trương phình lên đầy ruồi nhặng bu quanh. Chung quanh nhà là những gốc soài to đến cả hơn một người ôm, cành gẫy la liệt ngổn ngang. Bên kia đường là cái trụ sở MACV có cái trụ antena cao ngất với cái đèn đỏ vẫn còn nhấp nháy. À! Thì ra cũng vì cái ngọn antena này nên bọn CS mới chọn nơi này làm trung tâm điểm cuả các trận pháo.
Đ/u Hiển cho gọi Tr/u Lê văn Hiếu, đại đôi trưởng ĐĐ1, đang nằm án ngữ ở Ty Thông Tin đến họp. Nhiệm vụ cuả ĐĐ1 là phải chiếm lại cái nhà ba tầng lầu bên kia đại lộ Trần Hưng Đạo (đại lộ Hoàng Hôn). Sau này, tôi biết là căn nhà này là cuả đại uý Hiệp, hội đồng tỉnh mới xây lên. Còn ĐĐ4 chúng tôi có nhiệm vụ tiến chiếm lại cái trường Quốc Quang.
Tôi gọi các trung đội trưởng lại phân chia nhiệm vụ cụ thể, sau đó các trung đội thi hành theo kế hoạch. Mở đầu trung đội 3 của Thượng sĩ Lữ nằm ngay dưới đường cống đối diện cái bùng binh dùng M72 thổi vào đục thủng vài lỗ ở cái tường phía trước Trường Quốc Quang. Tức thì một loạt đạn đáp trả từ trên lầu 1 một cách yếu ớt. Sau khi vài trái M79 được bắn vào các ô cưả sổ thì lập tức một tiểu đội khinh binh cuả trung đội 1 được lệnh băng qua đường. Ngay lúc này, hoả lực địch từ những căn nhà đổ nát bên cạnh mới khai hoả mãnh liệt. Hai binh sĩ hy sinh, số còn lại phóng lọt qua bên kia đường áp sát vào bức tường dùng lựu đạn thanh toán ổ kháng cự trên lầu1. Sau khi tiểu đội khinh binh của trung đội 1 ra dấu đã làm chủ tình hình toàn bộ ngôi trường thì phần còn lại của trung đội 1 cùng vượt qua đường dưới sự yểm trợ hoả lực của trung đội 3. Sau đó trung đội 2 cuả trung sĩ I Quận tiêp tục băng qua đường lên phòng thủ tại lầu 2 yểm trợ cho ĐĐ1 đang tấn công vào căn nhà ba tầng bên trái QL13. Đ/u Hiển, tiểu đoàn phó, với tôi cùng thêm khẩu đội đại liên M60 của Ban Chỉ Huy Đại Đội cũng nối theo sau đó.
Cùng đi với chúng tôi lúc này có phóng viên quân đội Tăng Thành Châu. Vài binh sĩ bị thương được anh em kéo ngược về băng bó. Khi vào đến toà nhà thì một khung cảnh hãi hùng hiện ra trước mắt, gần một trăm xác đa số là thường dân nằm chết chồng chất lên nhau, có vài xác anh em TĐ31 BĐQ và Sư Đoàn 5 BB. Dường như tất cả đều chết vào cái ngày chiến xa tấn công lần đầu tiên rạng sáng ngày 15-4-1972.
Trung đội 1 dùng Trường Quốc Quang làm bàn đạp tấn công qua các căn nhà bên phải dọc theo Đại lộ Trần Hưng Đạo (Hoàng Hôn) nhưng không thành công, vì bọn VC trong những căn hầm trú ẩn kiên cố kháng cự mãnh liệt, đồng thời hoả lực yểm trợ của chúng từ phía sau bắn tới khiến trung đội 1 cứ loay hoay dọc bức tường ở cái sân bóng rổ không vượt qua được. Vài trái đạn đại bác cuả Cộng Quân bắn trực xạ vào các bức tường hướng bắc khiến thêm ba binh sĩ hy sinh và một số bị thương. Thoạt đầu tôi đinh ninh là chúng dùng 57 hay 75 không giật, nhưng sau này mới biết té ra là đạn 100ly từ chiến xa T54 chui vào ẩn ngụy trang sau những bức tường nhà cao cách không đầy trăm mét, vừa để tránh bom B52 vừa hỗ trợ cho lực lượng bộ binh địch.
Lúc này bên cánh ĐĐ1 được thêm sự yểm trợ hoả lực cuả chúng tôi từ trên cao bên cánh trái nên cũng đã chiếm được căn nhà lầu ba tầng. Giao tranh vẫn dữ dội phía bên ngoài, cũng giống như trường hợp của chúng tôi nhưng mãnh liệt hơn. Hàng hơn chục quả đạn đại bác trực xạ vào tòa nhà khiến tường xung quanh đổ xập chỉ còn trơ lại các cột bêtông chống đỡ các sàn lầu.
Trời sụp tối, nhận thấy không thể phòng thủ tại ngôi trường vì mùi hôi thối nồng nặc, tôi cho gài lựu đạn cũng như mìn Claymore trên các tầng lầu cũng như chung quanh ngôi trường và chỉ để lại một toán tiền đồn ở phía mặt tiền dọc theo ống cống Đại Lộ Hoàng Hôn, còn toàn bộ đại đội rút về phía bên đây đường cũng phòng thủ dọc theo ống cống ven đường. Tôi cùng hai người lính mang máy truyền tin tìm được cái hố rác mỗi bề chừng non hai mét. Chúng tôi lấy một tấm đan dựng vào vách hố tạo thành một chỗ trú ẩn tạm qua đêm. Sau khi kiểm soát phòng tuyến và căn dặn binh sĩ từng hai người một thay phiên canh gác cẩn thận, cảm thấy quá mệt mỏi, tôi nằm trên chiếc băng ca đặt bên cạnh hố rồi chợp mắt trong cơn ngủ chập chờn.
Trận tổng tấn công lần thứ hai cuả Cộng Quân
Khoảng 2 giờ sáng ngày 18/4/72, một trận pháo, tập trung vào An Lộc kéo dài suốt mấy tiếng đồng hồ, gồm đủ loại đạn rót vào thành phố, từ hoả tiễn 107 ly, 122ly đến đại pháo 130 ly, cả 105 và 155ly bọn chúng lấy được cuả ta. Có những trái đạn chúng vội vã quên không gắn đầu nổ rớt xuống đường nhựa kêu loong coong. ớc tính có đến vài ngàn quả pháo mà nếu chia đều cho khoảng hơn 6000 ngàn người lính tử thủ thì có lẻ mỗi người cũng chịu một quả. Khu vực có cái antenna cuả cơ quan MACV là trung tâm điểm. Cũng ngay bên cạnh nơi đây là phòng tuyến của đại đội chúng tôi. Đạn chạm vào ngọn xoài nổ ngay trên đầu, đạn chạm đất nổ ngay cạnh hố không đầy ba thước.
Ba thầy trò chúng tôi co rúm nấp đằng sau tấm đan. Hai máy PRC25 dựng ở hai đầu vừa liên lạc vưà dùng để chắn miểng, nhiều mảnh đạn văng vào tấm đan nghe “bụp bụp” đến ớn xương sống. Gần 5 giờ sáng khi pháo tạm lắng dịu tôi đánh vội một vòng kiểm soát và đôn đốc tinh thần binh sĩ, nhờ chui dọc theo lỗ cống nên đại đội không bị thiệt hại. Tôi trấn an và lệnh cho mọi người sẵn sàng chiến đấu với địch, các cây M72 được dương ra sẵn sàng chờ đón chiến xa địch. Tôi nhắc nhở là không được bắn vào pháo tháp chiến xa vì nó quá dầy, phải bắn từ bên hông phiá sau hay vào guồng kéo xích khiến chúng đứt xích không còn chạy được, bắn vào phiá sau để dễ trúng bình xăng nhất v…v…
Vừa trở về đến vị trí cuả mình thì đã nghe tiếng xích sắt nghiến trên đường từ hướng Đài Kitô Vua tiến vào và từ hướng bắc cách hơn hai trăm mét tiến xuống. Thì ra là sau trận tấn công bằng chiến xa lần đầu tiên ngày 14/4/72, các chiến xa còn lại đã chui vào ẩn nấp sau các bức tường chỉ cách phòng tuyến chúng ta vài trăm mét, vừa để tránh bom B52 thường đánh cách phòng tuyến khoảng non cây số, vừa để yểm trợ cho bộ binh của chúng.
Từ trên đầu dốc, tôi nhìn về hướng Đài Kitô Vua thấy một đoàn chiến xa khoảng gần chục chiếc đang tiến tới, theo sau mỗi chiếc có bộ binh địch chạy theo. Giao tranh đang xảy ra khốc liệt giữa chúng với một lực lượng cuả SĐ5 BB. Khi chúng đến ngang Công Viên Tao Phùng nơi toàn bộ các khẩu pháo 105 và 155 ly còn lại cuả chúng ta đặt tại đây, vài tên lính CS khiêng con ngựa bằng kẽm gai chặn ngang. Ngay lúc đó, gần chục cây đại bác trong căn cứ trực xạ vào đội hình tấn công của chúng, khiến hầu hết số chiến xa này bị tiêu diệt. Đám lính VC vừa chết và bị thương nằm ngổn ngang trên đường. Số còn lại hoảng loạn chạy thục mạng, nhưng chiếc đi đầu thoát được phóng nhanh lên đầu dốc. Vừa ngang tuyến phòng thủ của đại đội tôi thì hai trái M72 từ trung đội 2 cuả Tr/SI Quận đã thổi trúng bên hông nó. Cái guồng kéo xích văng ra, động cơ rú lên rồi tắt. Ngay lúc đó Hạ Sĩ Tám (Tám lác) cuả ĐĐ1 nằm phía bên kia đường đã leo thoắt lên quăng lựu đạn vào trong. Chiếc chiến xa bốc cháy từ bên trong sau đó hàng chục quả đạn 100ly phát nổ.
Ngay lúc này, ba chiếc T54 từ phía bắc tràn xuống tác xạ hung hãn vào dãy phố đổ nát sau lưng, trong khi chúng tôi vẫn nằm im dưới đường cống. Chúng đánh một vòng quanh bùng binh, xích sắt ghiền nát lề đường nơi chúng tôi đang núp. Có lẽ chúng nhìn thấy chiếc T54 đang cháy và không thấy những chiếc khác nên hoảng hốt chạy ngược về hướng bắc vì kế hoạch hợp đồng tác chiến cuả bọn chúng đã bị đập tan. Hai trái M72 từ trung đội 1 phóng đi vào chiếc xe sau nhưng cả hai quả đạn lại trật mục tiêu, một trái chạm mặt đường sau đít xe còn một trái không biết về đâu. Thế là cả ba chiếc chiến xa lại chui vào sau những căn nhà đổ nát và mất dạng. Tình hình lúc này lại lắng dịu, đại đội lo chuyển vài binh sĩ bị thương về BCH/TĐ, may mắn không một ai tử thương. Tôi chạy sang phiá ĐĐ1 gặp Tr/u Lê Văn Hiếu. Ông buồn rầu cho biết hai ngày nay đ ại đội đã có 16 hy sinh và hơn hai chục bị thương, trong đó có thiếu uý Lê Văn Lăng đại đội phó. Tôi nói với anh là đại đội tôi cũng đã 5 tử trận và gần chục bị, thương trong đó cũng có thiếu uý Vũ Văn Nghị, đại đôi phó cuả t ôi. Tôi đã từng là đại đội phó đại đội 1 cho ông chỉ mới mấy tháng trước đây nên trước tình cảnh mất mát hy sinh của những anh em mà tôi đã từng chung sống khiến tôi thật ngậm ngùi. Nắm tay anh tôi chỉ nói mỗi câu ngắn ngủi “Cẩn thận”, rồi băng nhanh qua đường về đại đội.
Chiều xuống, tôi mang ban chỉ huy đại đội sang nằm ở Ty Thông Tin, tại đây có một đường hầm nối với Công Viên Tao Phùng nơi đặt các khẩu pháo binh. Cũng có vài gia đình tá túc tại đây vì bên MAVC quá đông. Địch không còn “pháo bầy” (tiếng VC) như đêm qua nhưng cũng “pháo cầm canh” (tiếng VNCH). Tôi phải yêu cầu các gia đình ngủ ngay dưới đường hầm để tránh pháo kích nhưng đồng thời cũng ngăn ngừa bọn tiền sát của chúng trà trộn trong dân điều chỉnh pháo hay đột kích lúc mình sơ hở. Nửa đêm ngày 20-4-1972, bọn Việt cộng tìm cách chọc thủng phòng tuyến cuả chúng tôi. Chúng nhào lên tiến chiếm trường Quốc Quang nhưng gặp phải mìn bẫy chúng tôi gài lại mấy ngày trước nên bị thiệt hại, tuy nhiên toán tiền đồn của trung đội 1 nằm ở ống cống bên đường chạm nặng nên toàn trung đội phải sang tăng cường. Cuộc chiến diễn ra sau những bức tường, cả hai bên trao đổi qua lại bằng lựu đạn thỉnh thoảng mới có vài loạt đạn khi thấy rõ nhau. Trận chiến cứ thế giằng dai cho đến gần sáng thì tạm ngừng. Lại thêm hai binh sĩ hy sinh trong đó có Hạ sĩ Sắc là con cuả ông Sáu, tuỳ phái làm chung với vợ tôi tại Ty Xã Hội Biên Hoà.
Phía Đại Đội 3 bên cánh phải dường như chạm nặng, chúng dùng hoả lực chiến xa thổi xập các bức tường che chắn. Trung uý Nguyễn Ngọc Tỉnh, khoá 23 Thủ Đức, là đại đội trưởng hy sinh. Tuy nhiên bọn chúng cũng không vượt qua được “tuyến tử thủ” của ĐĐ3/52 BĐQ, đại đội nòng cốt, cái xương sống cuả tiểu đoàn trong suốt nhiều năm từ trận Đồng Xoài năm 65 đến trận Kim Hải năm 67, nơi xuất thân của các đàn anh tên tuổi như Trần Thanh Thủy, Nguyễn Ngọc Quang, Đào Văn Năng v…v… Tình hình chung là hầu như tất cả các đại đội đều có giao tranh từng giờ từng phút, vì cả hai bên đều trong tư thế “cài răng lược”, có khác chăng là chạm nặng hay nhẹ mà thôi. Nếu so với các đại đội khác thì ĐĐ4 chúng tôi chịu áp lực tương đối nhẹ hơn nên cũng thiệt hại ít hơn. Vài ngày sau, chúng tôi được lệnh đổi vị trí cho Đại Đội 1, vì trong mấy ngày qua giao tranh khốc liệt nên giàn cán bộ Hạ Sĩ Quan và Sĩ Quan đã hy sinh hoặc bị thương nặng. Hai cán bộ duy nhất còn lại là Trung uý Lê Văn Hiếu và Thượng sĩ Đông thường vụ đại đội.
Cuộc chuyển quân thay thế thật gay go, cứ mỗi lần băng qua đường là hàng loạt đạn AK hay RPD lại bắn xối xả. Đến chiều tối thì cả hai đơn vị đã vào vị trí, tuy nhiên cũng không tránh khỏi tổn thất tuy nhẹ chỉ với vài binh sĩ bị thương. Vì tình hình di chuyển khó khăn, hơn nữa Bệnh Viện Tiểu Khu mấy hôm nay đang là điểm tập trung pháo của địch nên chỉ trường hợp quá nguy kịch mới chuyển lên tiểu đoàn hay liên đoàn, còn nhẹ thì băng bó nghỉ ngơi tại chỗ và tiếp tục chiến đấu. Cùng ngày này Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù cũng vào thay thế vị trí cuả Trung Đoàn 7/SĐ5 BB bên cạnh chúng tôi. Theo anh em 81 cho biết thì họ nhảy vào An Lộc đã mấy ngày nay, rồi bằng sở trường di chuyển tấn công đêm. Họ đã từ cánh rừng cao su phía đông băng qua phía bắc đồi Đồng Long, không chạm địch nhưng không gặp đơn vị bạn nên trở lui, và bắt đầu chạm địch từ vòng đai thành phố khi trở vào. Điều này cho thấy các đại đơn vị địch đều bám sát các đơn vị cuả ta để tránh bom, vì B52 lúc này đã thả ngay trên vành đai thành phố cách vị trí cuả ta chỉ hơn năm trăm mét. Tuyến tử thủ bên trái tôi lúc này là Đại Đội 3/81 BCD do Đại úy Phạm Châu Tài làm đại đội trưởng. Có anh 81 BCD nằm bên cạnh mình tôi cảm thấy ấm hơn, nhưng vì màu cờ sắc áo, nên cũng phải lỳ hơn cho dù quân số lúc này chỉ còn bằng 1/3 quân số cuả một đại đội Biệt Cách Dù, lại tử thủ ở một vị trí trọng yếu. Đối diện bên kia đường QL13 là Trường Quốc Quang, chiến xa địch từ phía Đồng Long xuống chắc chắn sẽ phải tiến qua phòng tuyến của đại đội tôi.
Mấy hôm nay đã thấy thấp thoáng một đơn vị Dù lập tuyến phòng thủ bảo vệ Bộ Tư Lệnh Tiền Phương ở phía sau, đã nghe được tiếng “đềpa” cuả Pháo binh Dù từ Đồi Gió vọng vào thêm “ấm lòng chiến sĩ”, tôi hy vọng tình hình sẽ sáng sủa hơn, nhưng chỉ được vài hôm thì tin Tiểu Đoàn 6 Dù bị tràn ngập, thế là niềm hy vọng lại tắt ngúm.
Tình trạng lương thực và đạn dược càng ngày càng thiếu thốn, các cánh dù tiếp tế thả từ trên cao hầu hết bay sang phía Việt Cộng. Hoạ hoằn may mắn có chiếc nào rơi gần thì cũng phải khó khăn lắm mới bò ra dưới hoả lực địch để lôi vào được. Cũng may tình trạng này không kéo dài vì sang đến khoảng đầu tháng 5 thì phương cách thả dù tiếp tế được thay đổi, thay vì dùng dù to thì nay dù có nhiều lỗ trống được thay vào để xuống chính xác hơn nhanh hơn, số dù lạc ra ngoài không còn như trước. Các đơn vị chia xẻ cho nhau lương thực cũng như đạn dược để cùng nhau tử thủ, duy chỉ có pin xử dụng cho máy PRC25 là không thấy có cho mải đến cuối tháng 5. Đến nay, đại đội vẫn phải trong tình trạng mở máy liên lạc với tiểu đoàn vào mỗi đầu giờ, còn các trung đội thì chỉ mở máy liên lạc khi khẩn cấp. Cũng may là ngày nhẩy vào An Lộc các máy PRC25 đều được thay pin mới và mang theo một cục phòng hờ nên cũng bớt khó khăn vể liên lạc truyền tin.
Quả thật tình hình vào lúc này các đại đội cũng chẳng trông mong gì được ở tiểu đoàn. Các đại đội tự lo về mọi mặt chẳng khác nào đại đội đang hoạt động đơn độc trong lòng địch không có bất cứ một yểm trợ nào. Chúng tôi cho đào giao thông hào chung quanh nhà và dùng các mảng tường vỡ chồng chất lên làm thành hầm trú ẩn. Mọi di chuyển tuyệt đối phải dưới giao thông hào. Trên các tầng lầu cũng chất các mảng tường vỡ làm lô cốt phòng thủ. Mọi di chuyển phải bò lom khom trên sàn vì cứ thấy bóng người là bọn chúng lại xổ vào như mưa từ phía sau trường Quốc Quang sang, cũng như từ mấy căn nhà ở phía bắc xuống.
Hầu như không đêm nào là bọn đặc công cuả Đoàn 429 đặc công VC không tìm cách tấn công. Khi thì chúng lợi dụng đêm tối thoa lọ nghệ bò vào, khi thì chúng đội những tấm tôn để che dấu rồi di chuyển vào bằng thế ngồi xổm, nhưng tất cả đều bị phát giác tiêu diệt hoặc đánh bật ra. Nhờ một bành lựu đạn và đạn súng cối 60 rơi ngay cạnh đại đội nên cây cối 60 hằng đêm bắt đầu bắn quấy rối cách phòng tuyến chừng vài chục mét và thỉnh thoảng lại tung ra vài trái chung quanh gây cho chúng nhiều tổn thất cũng như khó khăn. Đại đội cũng thỉnh thoảng tung những toán phục kích ra ngoài vào ban đêm gây cho chúng nhiều tổn thất bất ngờ nhưng cũng đôi lần chỉ vưà ra khỏi phòng tuyến chưa đầy vài thước bị chúng phát giác bị đánh bật vào.
Các tử thi rải rác phía xa ngoài phòng tuyến chừng vài chục mét dưới cái nắng cuả cuối tháng tư cộng thêm vài cơn mưa rào không ướt đất đã thối rưã bốc mùi khiến không khí vừa căng thẳng vừa ô nhiễm đến ngột ngạt. Vấn đề vệ sinh ăn ở cho cả đại đội cũng là một vấn đề khó khăn, tuy nhiên nhờ có một cái giếng cạn trong nhà và một nhà vệ sinh có bàn cầu con thỏ nên cũng tạm ổn.
Cho đến những ngày cuối tháng tư, sau khi đại đội bắn hạ được chiếc T54 vào ngày 18/4 cũng như đạn dược và lương thực được tiếp tế thì tinh thần binh sĩ phấn chấn lên hẳn. Cũng chính vì cái tình trạng luôn nằm trong thế phòng thủ chờ địch tấn công đêm cũng như ngày lúc đầu còn làm cho tinh thần căng thẳng, nhưng dần dà nó trở thành quen, quen đến nỗi nếu thấy bóng địch quân thấp thoáng sau mấy bức tường cách xa vài chục thước cũng chẳng cần bắn vội, cứ đợi cho chúng đến gần chừng mươi thước thì tất cả đồng loạt tác xạ.
Tin Trung Uý Đỗ Mạnh Trường, đại đội trưởng đại đội 2, bị thương và Thiếu uý Đức, đại đội phó, tử trận khiến tôi nhớ lại lời cuả Hạ Sĩ I Tạ Tơ thuộc khẩu đội 81 cuả tiểu đoàn nói với tôi hôm tháng 12 /71 khi tiểu đoàn đang “hấp” tại Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ,
- Kỳ này về tiểu đoàn mình đụng nặng lắm, đại đội trưởng chỉ còn mình ông.
- Sao mày biết?
- Tôi coi bài thấy vậy nên nói thiếu uý nghe
- Mày mồm miệng ăn mắm ăn muối đừng nói bậy, Thiếu tá Dậu ổng nghe thì mệt nhe mày.
- Tôi chỉ nói cho mình ông thầy nghe thôi mà.
Nhớ lại điều này tôi vào tần số nội bộ của đại đội 1 nói chuyện với Trung Uý Lê Văn Hiếu nhắc chừng ông cẩn thận,và kết luận với câu quen thuộc “Ê! Thùng thì thủ, cù lũ thì dương nghe ông”. Hai đại đội 2&3 được nhập lại và Đại Uý Nguyễn Thế Kỳ, trưởng ban 3, tạm thời xuống chỉ huy hai đại đội này
Vào một đêm tối trời, Hạ sĩ I On đang trong ca gác đôi. Vì trời tối đen đến nỗi đưa bàn tay ra trước mặt cũng chỉ thấy lờ mờ, nên toán gác ở trên lầu cũng như cây súng cối 60 thỉnh thoảng vẫn quăng lựu đạn và bắn cầm chừng cách phòng tuyến chừng vài chục mét để ngăn chặn bọn chúng bò vào. Nhưng đêm nay có lẽ bọn đặc công tinh quái hơn, chúng đã luồn lách để lọt vào sát chân tường. Đang toan tính đột nhập vào, bất ngờ chúng gây một tiếng động nhỏ. Ngay lập tức hai trái lựu đạn trong tay chỉ cần gạt chốt an toàn phụ được Hạ sĩ On buông ra ngay trước mặt không đầy hai thước. Gần chục trái lựu đạn tung ra tiếp theo cùng một vài loạt M16 sau đó lại trở nên yên tĩnh. Vài phút sau HS On tay sách cây AK66 báng xếp còn dính bê bết máu chạy đến hầm của tôi.
- Minh Hiếu ơi! Tụi nó chết ngay hầm cuả tô. Tôi thò tay ra ngoài đụng một thằng với cây súng này.
Tôi nói On quay về vị trí và cẩn thận đợi sáng sẽ tính. Tờ mờ sang, nhìn qua lỗ châu mai thấy 6 tên việt cộng chết nằm sát chân tường, tôi gọi Thượng sĩ Thóc thường vụ cho đào một cái hố bên hông nhà rồi cho bò ra cột dây từng tên kéo vào chon. Tất cả 6 tên đều mang thủ pháo đầy người duy nhất chỉ có một tên đi đầu mang sung. Bọn Việt Cộng thấy có người bò ra chúng nổ súng xối xả khiến một binh sĩ bị thương. Cho đến lúc này tổn thất cuả đại đội là 7 hy sinh và khoảng gần 20 bị thương.
Tình hình chiến trận cứ tiếp tục xảy ra như thế. Bên phía cộng quân thì pháo vẫn cứ rót vào đều đặn ngày cũng như đêm, lực lượng bộ binh địch thì cũng vẫn tìm cách xâm nhập xâu vào trong phòng tuyến của ta đêm cũng như ngày. Còn phía ta thì không quân vẫn oanh tạc chung quanh thành phố cách tuyến phòng thủ chỉ vài trăm mét. B52 thỉnh thoảng cũng rải bom ngoài vành đai thành phố cũng như các bìa rừng cao su nơi nghi ngờ có địch ém quân. Sự yểm trợ cuả không quân đã gây cho địch tổn thất nặng nề. Sau này khi đẩy lui được bọn chúng ra xa, chúng tôi đã thấy bên phía tây đường đi vào Phú Lố đã có 7 chiếc T54 bị trúng bom, trong phía Quản Lợi thì cũng hơn chục chiếc theo lời cuả anh em Liên Đoàn 5 BĐQ sau khi tiến chiếm lại khu này. Riêng sự yểm trợ về Pháo Binh thì không có đơn vị pháo binh nào yểm trợ cho mặt trận được. Vì phòng thủ gần Công Viên Tao Phùng, nên tôi được biết mấy khẩu pháo ở đây chỉ trực xạ khi chiến xa địch tấn công hay thỉnh thoảng phản pháo nhỏ giọt vì hạn chế đạn dược.
Trận tổng tấn công lần thứ ba của cộng quân
Đêm ngày 13 rạng 14/5/72, Cộng Quân lại tấn công mãnh liệt vào các đơn vị tử thủ. Lần này chúng tung toàn bộ lực lượng hòng dứt điểm trận chiến đã kéo dài hơn 40 ngày. Khoảng 1 giờ sáng, địch pháo tập trung vào thành phố. Ngoài pháo tầm xa thì lần này các chiến xa nằm sẵn cũng hung hãn khai hỏa trực xạ vào các vị trí tử thủ, cộng thêm với B40, B41và AK đủ loại. Đúng 4 giờ sang, Cộng Quân rải bức tường khói bao phủ cách chừng trên hai trăm thước, trong khi các chiến xa bắt đầu húc đổ tường vừa bắn vừa tiến vào, theo sau là đám bộ binh địch hò hét điên cuồng. Tiếng xích sắt và tiếng gầm rú của chiến xa đã đến gần, tôi hét lên trong máy (nhưng hầu như tiếng hét của tôi “nghe ngoài rõ hơn trong”) cho toán săn chiến xa ở trên lầu 3 cuả Bá người trung sĩ I mới 19 tuổi,
- Bá ơi! Đợi cho chúng chạy ngang rồi hãy bắn.
Vừa dứt lời thì tiếng xích sắt đã đến ngang hông nhà và hai tiếng “ập oành” cùng tiếng súng nhỏ và lựu đạn thi nhau nổ, chiếc chiến xa PT76 rú lên rồi bùng cháy, trong khi đám lính VC tùng thiết chỉ phản ứng được vài loạt đạn. Trên chục tên ngã gục số còn lại chạy tạt sang bên trường Quốc Quang với tiếng chửi vọng vào nghe rõ mồn một
- Địt mẹ! Bắn như thế mà những thằng “ngụy” vẫn còn.
Trung sĩ I Bá hét vọng xuống trong nỗi vui mừng,
- Minh Hiếu ơi! Đ.m tôi bắn nó cháy rồi.
Hai chiếc T54 chạy phía sau thấy chiếc PT76 bùng cháy cũng hốt hoảng chạy vào đằng sau bức tường quanh sân bóng rổ của trường. Bên trái chúng tôi chừng hơn 30 mét một chiếc T54 khác cũng đang hung hãn lao vào phòng tuyến của ĐĐ3/81 BCD và cán ngay lên phòng tuyến nhưng bị bắn hạ tại chỗ (sau này tôi được nghe người hạ chiếc T54 này là Tr/uý Dương Thương Ngộ đại đội phó). Thật là may mắn cho đến lúc này đại đội chúng tôi chỉ vài anh em bị thương nhẹ vì gạch đá văng vào.
Phía bên cánh phải tôi thì ĐĐ1/52 BĐQ bị tấn công nặng. Hai chiếc chiến xa nằm bên hông trường Quốc Quang yểm trợ cho đám bộ đội đánh bật phòng tuyến ĐĐ1đang nằm trong Ty Phát Triển Sắc Tộc, đối diện phía hướng nam cuả trường Quốc Quang, phải dạt sang Ty Chiêu Hồi bên hướng đông. Hàng trăm địch quân ào ạt tràn sang chiếm lĩnh ngay vị trí này. Tôi cho tăng cường thêm một khẩu đội đại liên M60 để ngăn cản nhưng chỉ gây tổn thất nhưng không chặn được bọn chúng. Từ đây chúng bắt đầu đánh thẳng vào vị trí của đơn vị Dù bảo vệ BTL/ Tiền Phương. Không may cho đại đôi chúng tôi, trời mờ sáng thì bọn chúng phát giác một tổ khinh binh của chúng tôi nằm trong đường cống ngang qua đường, do Hạ Sĩ I Thương làm tổ trưởng. Chúng len theo các bức tường ở phía sau lưng để tấn công. Khi chúng đến gần thì chúng tôi từ bên đây đường mới thấy nên nổ súng ngăn cản. Nhưng không kịp nữa, hai trái lựu đạn được bọn này tung ra rớt ngay đường cống khiến HSI Nguyễn Văn Thương và BI Nguyễn Hoàng Vân bị thương nặng. Chúng tôi gặp quá nhiều khó khăn để có thể mang hai người bị thương và rút tổ khinh binh này về bên đây đường, vì địch ở trên cao và khuất sau những bức tường. Chúng tôi phải dùng M72 và tập trung hai cây đại liên M60 bắn ngược xuống, nhưng chúng tôi cũng bắt đầu bị hoả lực cuả Dù từ phía sau bắn lên vì địch quân đang ở giữa. Vì phải chui dưới đường cống ngầm nên phải mất hơn mười phút, chúng tôi mới mang được tổ khinh binh, và hai binh sĩ bị thương về được bên Ty Thông Tin, sang căn lầu ban chỉ huy đại đội phía bên đây đường.
Hạ sĩ I Thương bị nát ngực và mặt, mỗi lần thở hắt ra là máu lại trào theo, còn Binh I Vân thì bị một miểng chui vào sọ máu chỉ rỉ ra nhưng đã mê man và “bắt chuồn chuồn”. “Kinh nghiệm” cho biết hai anh sẽ không qua khỏi, tôi bảo Thượng Sĩ Thóc, thường vụ, cho đào một cái hố bên cạnh nhà nơi đã chôn 6 tên lính CS trước đây. Ngồi nhìn hai thằng em đang sắp sửa ra đi mà mình bó tay thật ứa nước mắt, tôi ngồi thừ người ra hút hết điếu thuốc rê này đến hết điếu thuốc rê khác.
Giao tranh vẫn diễn ra ác liệt bên phía ĐĐ1 ở Ty Chiêu Hồi và phía Tiểu Đoàn 5 Dù sau lưng chúng tôi. Cộng quân không thể tiến xuống thêm được vì từ Ty Phát Triển Sắc Tộc đến phòng tuyến của Nhảy Dù chỉ có một ngôi nhà sàn đã cháy nên chúng chỉ bám chặt vào mấy căn phố trên Đại Lộ Hoàng Hôn sau lưng chúng tôi.
Trong khi ngồi nhìn hai thằng em đang sắp sửa “ra đi” thì “Thường trọc” người Hạ Sĩ mang máy truyền tin cho tôi biết tin Trung uý Lê Văn Hiếu, đại đội trưởng ĐĐ1, tử trận xác còn nằm bên kia đường trong khu Ty PTST không kéo về được. Thật bàng hoàng vì anh với chúng tôi là những thằng bạn thân chơi với nhau từ những ngày còn là chuẩn uý. Chợt nhớ lại lời cuả Hạ Sĩ Tạ Tơ nói với tôi “Kỳ này về tiểu đoàn mình đụng nặng lắm, đại đội trưởng chỉ còn có mình ông” khiến tôi rùng mình. Vậy là kể từ giờ phút này, đại đội trưởng cuả tiểu đoàn chỉ còn có mình tôi. Tôi gọi sang ĐĐ1 gặp Thượng Sĩ Đông và được ông cho biết, vì nóng lòng chiếm lại vị trí bị mất, nhiều lần Trung uý Lê văn Hiếu cho đánh sang nhưng đều bị thất bại, nên sau cùng ông cùng vài khinh binh nổ ào ạt vào địch quân rồi lăn nhanh qua đường, nhưng ông cùng một binh sĩ hy sinh khi vưà chạm lể đường và không kéo được xác về.
Hạ Sĩ Thương và Binh I Vân cũng chỉ cầm cự được hơn nửa giờ nữa rồi ra đi. Gạt dòng nước mắt vừa chảy ra tôi bảo Thượng Sĩ Thóc cho quấn poncho rồi đem chôn bên hông nhà. Chiến sự tạm lắng. Giờ đây đại đội chúng tôi phải đối diện với địch quân phía trước, phía hông phải và cả một phần phía sau lưng thật nguy hiểm vì nếu chúng tấn công vào đơn vị Dù không lọt chúng quay sang tấn công chúng tôi ở phía hướng tây, nên tôi e chúng tôi không đủ lực ngăn cản. Nhưng may quá, buổi chiều thì Thiếu Tá Lê Quý Dậu, tiểu đoàn trưởng, gọi tôi,
- Hiếu nó chết rồi, cậu mang đại đội 1 về với cậu. Nhớ liên lạc với Thượng Sĩ Đông để hướng dẫn nó. Cẩn thận kẻo nó lạc vào khu tụi Việt Cộng thì bỏ mẹ.
Tôi nói Thượng Sĩ Đông dắt anh em đi vòng xuống khu vực của đơn vị Dù rồi bọc lên khu Công Viên Tao Phùng rồi tôi cho người ra đón vào vị trí. Toàn bộ trên 80 người cuả đại đội 1 từ ngày đầu cuả mặt trận đến nay chỉ còn 31 người. Đông cho tôi biết đã có 26 hy sinh rồi, sĩ quan và hạ sĩ quan không còn ai hết ngoại trừ mình ông. Tôi lấy 6 người đưa sang trung đội 3 cuả Thượng Sĩ Lữ, phần còn lại tạm gọi là trung đội 4 do Thượng Sĩ Đông chỉ huy và trám vào vị trí của trung đội 1 của Chuẩn Uý Thập Lở được điều sang Ty Thông Tin phòng thủ chung với trung đội 3. Vì phòng tuyến đại đội 1 trước đây bị mất, và đại đội này được rút về với tôi, nên khu vực Ty PTST và khu Ty Chiêu Hồi bị bỏ trống, một hành lang chuyển quân của Cộng Quân từ phía bắc, xuống qua trường Quốc Quang, vào Ty PTST và Ty Chiêu Hồi, không bị ngăn chặn. Trước tình hình căng thẳng này, tôi lợi dụng hai chiếc T54, và PT76 bị bắn cháy hai bên hông nhà để làm lô cốt phòng thủ, nhưng rất tiếc các cây đại bác 100ly, 76ly và thượng liên 12ly8 bị cháy không còn xử dụng được. Thay vào đó, tôi cho đặt mỗi lô cốt một tổ đại liên M60 trên pháo tháp nên cũng gây khó khăn không ít khi chúng phải băng ngang Đại Lộ Hoàng Hôn.
Thời gian cuối tháng 5/72 này, có thể vì nguồn tiếp tế không kịp, nên đại pháo cũng như hoả tiễn pháo vào thành phố cũng thưa dần, thay vào đó là cối 61 và 82 ly thường xuyên hơn. Cái tinh ma xảo quyệt cuả phe cộng sản là chúng chế tạo vũ khí của chúng kích cỡ nhỉnh hơn cuả phe tự do một chút, ví dụ như:
Loại đạn vũ khí | Phe tự do | Phe cộng sản |
Súng cối | 81 | 82 |
Đại bác không dựt | 106 | 107 |
Đại liên 50 | 12.7 | 12.8 |
Vì thế chúng có thể xử dụng các loại đạn mà chúng lấy được cuả ta, hoặc khi dù tiếp tế lạc sang bên chúng, ngược lại thì chúng ta không thể dùng đạn của chúng cho vũ khí của chúng ta.
Mấy hôm trước một gia đình nằm trong khu vực của ĐĐ3/81 BCD bị trúng pháo. Một cô gái khoảng 16 tuổi bị thương ít ngày sau thì chết. Tôi cũng cho chôn bên cạnh nhà nhưng hai ngày sau thì một trái 82 lại rớt ngay sát bên cạnh, thi hài cô bé lại một lần nữa bị xới tung lên n ên t ôi lại phải cho chôn lại. Ít ngày sau Hạ Sĩ Thụy (Thụy Lý Tiểu Long), y tá ĐĐ1, tử trận cũng được chôn bên cạnh cô gái này. Đang khi chon, Thượng Sĩ Thóc còn đùa “Con nhỏ còn vị thành niên mày đừng có làng chàng mà ra tòa đó, nhe em”.
Đêm mùng 6/6/72, Trung uý Khuê từ Ban Chỉ Huy Liên Đoàn gọi xuống cho biết tôi cần chuẩn bị đánh dấu mục tiêu bằng trái sáng để AC 130 Spector của Không Quân Hoa Kỳ tác xạ. Đây là loại máy bay C130 được trang bị đại bác 105 ly gắn song hành với cây 40ly chỉ điểm mục tiêu bắn rất chính xác và hiệu quả. Tôi cho bò ra ngay giữa bùng binh đánh dấu bằng mìn chiếu sáng. Nhưng rất tiếc, sau vài lần tác xạ không chính xác vì trục trặc kỹ thuật, nên máy bay lại rời vùng bay về Thái Lan.
Đêm hôm sau mùng 7/6/72, chiếc AC 130 Spector lại lên vùng. Lần này sau khi mìn chiếu sáng được tung ra, cây 40ly trên máy bay tác xạ trúng ngay mục tiêu làm trái mìn chiếu sáng bị hất tung lên. Tôi được Tr/u Khuê cho biết là hệ thống súng OK và tôi có thể điều chỉnh từng mét. Từ mục tiêu trái sáng, mục tiêu đầu là sân thượng trường Quốc Quang, gần chục trái 105 ly giáng xuống chỉ cách chúng tôi một con đường. Rồi từ đó tôi kéo dài lên hướng bắc bắn vào phía bên kia tường sân bóng rổ, kéo sang phía đông ngôi trường rồi kéo xuống phía nam Đại Lộ Hoàng Hôn khu Ty Phát Triển Sắc Tộc. Gần sáu chục trái 105 ly được bắn xuống chung quanh trường Quốc Quang nơi ẩn nấp cuả Cộng Quân.
Sáng ngày hôm sau mùng 8/6/72, từ chiếc tăng PT76 bị bắn cháy, từng tổ nhỏ của trung đội 1 do Chuẩn uý Thập Lở chỉ huy bắt đầu băng qua đường xâm nhập vào lại ngôi trường. Khi toàn trung đội vừa lọt vào trong thì bất ngờ Cộng Quân bắn một trái B40 từ phía sau. Tôi quan sát diễn tiễn từ trên lầu hai cuả một căn nhà, nên khi tên này vừa dương cây B40 từ hầm bí mật lên thì với cây M16 trên tay, tôi đã đẩy nguyên một băng đạn khiến hắn hoảng hốt bắn vọt lên lầu trên rồi vội vã đậy nắp hầm lại. Tôi gọi Ch/u Thập Lở cho trung đội bố trí lại và cho tôi gặp Hạ sĩ Giáp một tổ trưởng rất gan dạ và tháo vát cuả trung đội vào đầu máy để nhận lệnh trực tiếp. Tôi yêu cầu Giáp mang theo hai trái lựu đạn đã bung hết chốt an toàn. Tôi sẽ bắn M79 chỉ định mục tiêu là tấm tôn ngụy trang cái nắp hầm, sau đó Giáp bò lại lật lên và quăng lựu đạn vào. Lệnh nghe thật đơn giản nhưng thực hiện thì lại thật đứng tim và không đơn giản chút nào.
Sau trái đạn M79 đầu tiên trúng tấm tôn bên cạnh, trái thứ hai trúng ngay mục tiêu. Tôi nói “đã trúng” và Giáp trả lời đã nhận được mục tiêu. Anh bò chậm trên các tấm tôn và gạch đá ngổn ngang, trong khi cả đại đội tập trung súng hướng về mục tiêu canh chừng đề phòng. Khi đến mục tiêu, anh chỉ vào tấm tôn nhìn ngược về phía tôi như yêu cầu xác nhận lại một lần nữa. Tôi giơ tay lên và vung cánh tay như thể ra dấu xác nhận 5/5. Giáp lật tấm tôn lên ném lựu đạn xuống. Như sợ chúng ném ngược trở lên, anh lấy hai tay đè chặt tấm tôn trong vài giây rồi lăn sang một bên rồi chạy ngược trở về vị trí. Tiếng nổ làm tung tấm tôn lên và khói bụi bay mù mịt. Tôi lệnh cho trung đội 1 đưa tổ khinh binh tiếp tục ném thêm vài trái lựu đạn nữa rồi lục soát mục tiêu. Kết quả cho biết đây là một cái hầm lớn có hai cái điện thoại và dây chằng chịt, 8 cộng quân chết tại chỗ.
Tôi tăng cường trung đội 2 cuả Trung Sĩ I Quận sang, và bung rộng về hướng bắc thêm vài thước và đào ngay hệ thống phòng thủ dọc theo bức tường đổ nát của sân bóng rổ, còn trung đội 1 lập hệ thống phòng thủ dọc theo bức tường phía đông trong trường Quốc Quang. Ngày hôm nay kết quả như thế cũng đã vượt ngoài dự tính cuả tôi. Lúc đầu chỉ là ý tưởng thăm dò lực lượng địch nhưng không ngờ lại chiếm lại toàn bộ khu trường Quốc Quang và tiêu diệt được một hầm chỉ huy. Đây có thể là đầu não của cái lực lượng đã đánh bể phòng tuyến cuả ĐĐ1và đang xâm nhập vào phòng tuyến của đơn vị Dù.
Đêm hôm 8/6/72 rạng ngày mùng 9, thoạt đầu rất nhiều tiếng huýt gió gọi nhau, dường như chúng đang tìm liên lạc. Vài tên đến sát phòng tuyến bị hạ tại chỗ. Như đoán được ban chỉ huy đã bị tiêu diệt và chiếm đóng nên chúng lảng tránh xa ra vài chục mét. Tiếng huýt gió gọi nhau vẫn cứ tiếp diễn cho đến gần sáng thì ngưng hẳn.
Ngay sáng sớm hôm sau ngày 9/6/72, tôi tung trung đội 3 cuả Thượng sĩ Lữ từ Ty Thông Tin tiến sang Ty Phát Triển Sắc Tộc nhưng không gặp phản ứng cuả cộng quân. Một số xác Cộng Quân bị bỏ lại có thể là do kết quả của AC130 Spector. Xác Trung Uý Lê văn Hiếu chỉ còn một mảng đầu và một bàn chân nằm trong chiếc giầy cùng hai tấm thẻ bài bị miểng dính chặt vào nhau. Thượng sĩ Thóc đã bỏ tất cả phần thi thể còn lại của ông vào một thùng đạn đại liên 50 đem giao cho BCH/TĐ. Sau đó, ông được chôn vào khu Nghiã Trang cuả Liên Đoàn 3 BĐQ tại ngay mặt trận An Lộc. Trung đội 1 cũng tiến về hướng đông thêm được hơn hai chục thước với vài đụng độ nhỏ. Tối hôm đó trung đội 3 băng qua đường và cùng trung đội 1 lập tuyến phòng thủ qua đêm. Tôi lệnh cho trung đội 4 (phần còn lại của ĐĐ1) của Thượng sĩ Đông bỏ Ty Thông Tin để sang thế chỗ của ban chỉ huy đại đội. Tôi sang gặp Đại uý Phạm Châu Tài cuả ĐĐ3/81 BCD nói chuyện với ông về kết quả ngày hôm nay và cho biết ngày mai tôi sẽ tiếp tục đánh lên phía Bắc dọc theo bên phải QL13. Xong tôi cùng ban chỉ huy đại đội dời sang trường Quốc Quang.
Ngày 10/6/1972 tổng phản công cuả QLVNCH
Cho đến hôm nay sau 40 năm, tôi không còn nhớ rõ là có một lệnh nào để tập trung phản công cho toàn mặt trận vào ngày này hay không, hay chỉ là một sự ngẫu nhiên khi thấy đơn vị bên cạnh bung ra thì mình cũng bung theo?
Tờ mờ sáng ngày 10/6/72, ĐĐ4/52 BĐQ với ba trung đội căng hàng ngang tiến lên. Thoạt đầu chúng tôi thật thận trọng di chuyển theo thế chân chim, và lợi dụng các hầm chống pháo kích cũng như những bức tường đổ nát của từng ngôi nhà để thăm dò phản ứng cuả Cộng Quân. Khi vừa phát giác ra chúng tôi thì chúng chỉ nổ được vài tràng đạn rồi bắt đầu ù té chạy thục mạng. Mới đầu khi thấy chúng bỏ chạy, tôi phải nhắc chừng các trung đội không được hấp tấp rượt theo coi chừng lọt vào bẫy của chúng. Nhưng sau khi quan sát thấy tuyến trước bỏ chạy tuyến sau cũng la ơi ới chạy theo, tôi ra lệnh đồng loạt tràn lên “xả láng sáng về sớm”.
Quân ta tràn lên như nước vỡ bờ, chẳng bù cho mấy ngày hôm trước đây chỉ mới lú đầu ra khỏi vị trí là chúng đã vãi đạn như mưa ngăn cản. Vậy mà hôm nay thì ngược lại, Cộng Quân chạy như bầy chuột, và trở thành những tấm bia di động. Quân số cuả chúng cũng không phải ít có khi còn nhỉnh hơn ta, nhưng vì mặt trận “bể” rồi nên chúng hoảng hốt tháo chạy. Nhiều khi cả chục tên chạy chúi vào một cái hầm nổi rồi co quắp lại không chống cự. Một trái M72, hay vài trái M79 thổi vào khiến chúng chết chồng chất lên nhau. Có những tên còn ném cả vũ khí rồi bỏ chạy. Tiếng hô “xung phong” cuả binh sĩ đại đội 4 vang dội, tiếng còi tu huýt rít từng hồi, tiếng đại liên 60, và M16 chát chuá, khô khốc, dồn dập khiến chúng “quýu giò”. Chưa bao giờ cái thế “thừa thắng xông lên” mạnh và dữ dội như lúc này. Toàn bộ sức lực cuả các đơn vị được bung ra như cái lò so sau hơn 50 ngày bị nén xuống trong cái thế “tử thủ”.
Nhìn qua bên trái bên kia QL13, tôi đã thấy ĐĐ3/81 BCD cũng đang xuất quân. Trung uý Dương Thương Ngộ, đại đội phó, đang hò hét thúc quân. Không ào ạt như ND, hay BĐQ, anh em 81 với lối đánh truyền thống đánh gần, và tiêu diệt địch trong khoảng cách gần. Nhìn sang bên phải cách gần trăm mét, TĐ36 BĐQ cũng đang tiến lên. Thiếu tá Tống Viết Lạc vừa thúc quân vừa đích thân điều chỉnh cây cối 81 tác xạ yểm trợ. Tôi thấy thấp thoáng Trung uý Đổng Kim Quan cùng hai người lính truyền tin đang cố vượt lên tuyến đầu. Đằng sau lưng, tôi đã nghe thấy tiếng la của Đại uý Huỳnh Công Hiển, tiểu đoàn phó TĐ52 BĐQ, đang hối thúc Đại uý Nguyễn Thế Kỳ mang ĐĐ2 & 3 ở phía sau cấp tốc tiến lên bên cánh phải của tôi.
Trung đội 4 có nhiệm vụ thu lượm chiến lợi phẩm và chất đống ở phía sau. Số vũ khí thu được gồm 1 phòng không 12.8, 8 B40 & B41, hơn 20 cây AK. Ít nhất cũng trên 50 Cộng Quân bị đại đội 4/52 BĐQ chúng tôi loại khỏi vòng chiến ngày hôm nay. Đúng 4:15 chiều ngày 10/6/1972, Đại Đội 4/52 BĐQ đã tái chiếm lại toàn bộ sân bay An Lộc, nơi đây chúng tôi tìm được Chuẩn uý Tôn Thất Minh thuộc TĐ74 BĐQ từ Lộc Ninh chạy về, và một bé gái khoảng 7 tuổi nằm ở đây đã hơn hai tháng dưới bom đạn và không lương thực, chỉ còn thoi thóp thở. Ban Quân Y của Liên Đoàn BĐQ đã lập tức đến kịp thời cứu chữa. Tất cả hai người đã sống sót như là một phép mầu.
Bên cánh phải, TĐ36 BĐQ đã cắm cờ trong Khu Gia Binh bên ngoài sân bay An Lộc. Bên cánh trái vì Cộng Quân chống trả dữ dội và địa thế khó khăn hơn nên mãi vào lúc 3 giờ sang, ĐĐ3/81 BCD mới đẩy lui cộng quân, và cắm cờ trên đỉnh Đồi Đồng Long.
Sau ba tháng tử thủ Bình Long, ngày 5/7/1972 Liên Đoàn 3 BĐQ được trực thăng bốc rời An Lộc để lại được tung vào các chiến trường đang nóng bỏng như giải toả Bình Ba-Bình Giả, giải toả Hưng Lộc, Dầu Giây và Trảng Bom v…v…
Bỏ lại sau lưng một số bạn bè chiến hữu, một số đã được chôn cất trong khu nghiã trang tạm thời cuả LĐ3 BĐQ, một số được chôn vội vã tại ngay mặt trận.
Tiểu Đoàn 52 BĐQ có 89 chiến sĩ hy sinh, riêng ĐĐ4/52 cuả chúng tôi thiệt hại nhẹ nhất có 9 hy sinh và trên 25 bị thương, nhưng chiến công cuả ĐĐ4/52 BĐQ đã trực tiếp hạ sát gần trăm Cộng Quân, bắn cháy hai chiến xa, và tịch thu trên 60 súng đủ loại, đã góp phần nhỏ tạo nên một “BÌNH LONG ANH DŨNG” trong Quân Sử Việt Nam Cộng Hoà.
Cuối cùng sau 40 năm nhìn lại Mặt Trận Bình Long, tôi, BĐQ Đoàn Trọng Hiếu, xin tạ lỗi với những anh em ĐĐ4/52 cũng như tất cả quân nhân LĐ3 BĐQ đã nằm lại tại An Lộc, vì tình hình chiến sự lúc đó, và vì vận mệnh tang thương của đất nước sau ngày 30/4/75 làm chúng tôi cũng đã phải nổi trôi cùng vận nước, khiến anh em chịu cảnh mồ hoang mả lạnh suốt 40 năm qua.
Tháng 12/201, chúng tôi đã thu xếp để có được một nơi an nghỉ tạm cho các anh. Xin quý anh, “Những Người Lính Hiển Linh” hãy giúp chúng tôi tìm được thân nhân cuả các anh để các anh sớm về với gia đình, bên cạnh những người thân mà các anh đã hy sinh để bảo vệ.
Tôi xin mượn câu của Đức Jesus Christ ”Không có tình yêu nào cao quý cho bằng hiến mạng sống mình cho người mình yêu” để gởi đến các anh như lời tạ lỗi muộn màng.
Sự hy sinh cuả các anh sẽ còn lưu lại đến muôn ngàn đời sau.
New Mexico, ngày 10/3/2012
Đoàn Trọng Hiếu
Ghi chú: Danh sách cuả 61 tử sĩ, hy sinh tại mặt trận An Lộc, Bình Long, năm 1972, được cải táng, đã được ghi lại tại điạ chỉ:
http://bietdongquan.com/baochi/tintuc/motusivnch.htm
Nếu thân nhân cần tìm hài cốt hoặc nhận lại thẻ bài, xin liên lạc:
Hiếu Đoàn: hieudoanbdq@yahoo.com
(505) 990-3476 hoặc (505) 918-7120