GNsP (09.02.2016) – Các tiểu thương thuộc chợ quê nghèo Vĩnh Tân, Đồng Nai đang sống trong tình trạng bất an, lo lắng khi những ngày tết, do nhà cầm quyền đe dọa sẽ giải tỏa chợ Vĩnh Tân – nơi mưu sinh của nhiều tiểu thương suốt gần 30 năm qua.
Đất chợ có thể ‘biến’ thành đất tư nhân?
Lý do giải tỏa chợ Vĩnh Tân mà nhà cầm quyền đưa ra, chợ không còn đủ tiện tích, phòng cháy chữa cháy… và là đất công nên thu hồi để xây dựng trung tâm học tập cộng đồng.
Các tiểu thương chợ Vĩnh Tân không phản đối nhà cầm quyền lấy đất chợ xây dựng trung tâm học tập cộng đồng, nhưng họ e ngại, đất này sẽ bị biến chuyển dần vào mục đích khác. Nghĩa là, lúc đầu, nhà cầm quyền lấy đất chợ xây dựng trung tâm học tập cộng đồng. Một thời gian trung tâm đi vào hoạt động và được đánh giá là kém hiệu quả, nên chuyển bán cho các nhà đầu tư –chủ yếu là các Doanh nghiệp Tư nhân- còn nhà cầm quyền thu về món tiền khổng lồ từ việc bán lô đất ‘công cộng’ này.
Trong khi đó, trước đây, nhà cầm quyền đã từng vận động tiểu thương hợp tác với họ nâng cấp chợ, nhưng sau đó họ lại lật lọng. Chị Mầu, tiểu thương ở chợ Vĩnh Tân, cho biết:
“Khi họp chợ, họ nói đồng hành với bà con nâng cấp chợ thì rất vui mừng, nhưng do các tiểu thương còn khó khăn nên xin lại 2 năm sau rồi nâng cấp thì xã không nói gì hết. Một thời gian sau, mọc lên một cái chợ mới, rồi [nhà cầm quyền] phát giấy yêu cầu dân di dời chợ nhưng dân không đồng ý và đi làm đơn khiếu nại ở xã, ở huyện. Chủ tịch huyện có nói ‘xã cấp giấy sử dụng sạp lâu dài tại chợ’ là không có căn cứ pháp lý.”
Cưỡng bức hoán đổi đất?
Chợ Vĩnh Tân được bà con tiểu thương khai hoang từ những năm 1979 khi đó là một khu đất trũng, chợ buôn bán nhỏ và lẻ tẻ. Sau này, vào năm 1987, Ủy ban xã quy hoạch chợ và xây dựng chợ. ‘Chúng tôi phải mua sạp, đóng tiền thuế hàng tháng và nhiều thứ tiền khác nữa.” Bà Trần Thị Mười, một tiểu thương bán hàng ăn hơn 30 năm ở đây, cho biết.
Điểm nổi bật của tiểu thương chợ Vĩnh Tân là trước năm 1990 nhiều gia đình bị nhà cầm quyền cưỡng bức hoán đổi đất đang ở, để họ lấy đất, xây dựng Ủy ban Nhân dân xã, trạm xá, trường học… Các gia đình này được đền bù một miếng đất trong chợ để kinh doanh, sinh sống. Gia đình ông Vòng A Sám là một trường hợp điển hình. Gia đình ông bị cưỡng ép hoán đổi 1000m2 đất để đổi lại 100 m2 đất trong chợ. Hiện nay, trụ sở Ủy ban Nhân dân xã được xây cất trên khu đất của gia đình ông. Gia đình ông Vòng A Sám nhớ lại:
“Vào năm 1987, xã Vĩnh Tân mới thành lập, chưa có Ủy ban. Xã đến gia đình tôi vận động đưa đất để xây Ủy ban. Gia đình tôi không đồng ý. Khi gia đình tôi xây cất nhà thì xã đến đòi cưỡng chế đất của gia đình tôi, sau đó họ đến cưỡng chế, dỡ nhà của tôi [nhưng] gia đình tôi cố gắng giữ đất. Sau đó, họ nói sẽ đền bù, hoán đổi đất cho gia đình tôi. Xã không có đất nên đã lấy đất của chợ hoán đổi cho gia đình tôi.”
Một hoàn cảnh bị cưỡng chế nhà bi đát hơn khi cả gia đình: chồng ốm, vợ đang trong thời kỳ nghỉ dưỡng thai sản, con còn bé nhưng nhà cầm quyền vẫn ra tay cưỡng chế và giải tỏa nhà. Ông Lý Hồng Phía, tiểu thương buôn bán ở chợ Vĩnh Tân, hồi tưởng lại:
“Cách đây 30 năm, xã vận động gia đình tôi hoán đổi đất nhưng gia đình tôi không đồng ý. Trong thời gian đó, tôi bị ốm nằm bệnh viện do tôi bị bệnh sốt xuất huyết, còn vợ tôi mới sanh con thì họ đến nhà tôi, tháo nhà tôi ra và bắt chúng tôi ở trong một túp lều trên một khu đất trống. Sau đó họ giao cho chúng tôi một miếng đất trong chợ Vĩnh Tân này. Chúng tôi làm ăn buôn bán thì gia đình tôi xây được căn nhà này.”
Điều lo lắng của các tiểu thương này là sẽ không còn nơi buôn bán khi họ đã lớn tuổi vì không chuyển đổi được nghề nghiệp, nếu như di dời chợ. Tiểu thương tên Tài đặt câu hỏi: “Nhà nước quy hoạch đất rồi hoán đổi đất chợ cho người dân để xây trạm xá, trường học, ủy ban… Bây giờ mấy ông đòi đất chợ của chúng tôi xây dựng một trung tâm học tập cộng đồng, thế thì nhà nước đòi lấy đất chợ thì người dân chúng tôi có đòi lại được đất mà trước đây chúng tôi đã hoán đổi hay không?”
Khiếu kiện vô vọng
Vụ việc của chợ Vĩnh Tân kéo dài từ năm 2005 cho đến nay. Bà con tiểu thương đi khiếu kiện ròng rã đến các cấp có thẩm quyền suốt hơn 10 năm trời, nhưng không có cấp thẩm quyền nào đoái hoài đến nỗi cơ cực của bà con tiểu thương nghèo nơi đây, và cho đến thời điểm này vẫn chưa có một công văn nào trả lời thỏa đáng cho họ.
Ông Trần Văn Hạnh, tiểu thương chợ Vĩnh Tân, cho biết: “Chúng tôi làm nhiều đơn khiếu nại đến các cấp nhưng họ chỉ trả lời lòng vòng. Nhà nước muốn lấy chợ của chúng tôi thì phải lo cho chúng tôi có cuộc sống ổn định.”
Các tiểu thương mua sạp ở chợ đều được xã cấp ‘giấy chứng nhận quyền sử dụng sạp lâu dài tại chợ’. Điều này được ông Tài, một tiểu thương buôn bán tại chợ được hơn 25 năm, khẳng định. Thế nhưng, UBND huyện lại phán rằng: “Xã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng sạp lâu dài tại chợ Vĩnh Tân cũ là không đúng thẩm quyền và cũng không có căn cứ pháp lý”. Còn đất xây dựng chợ là đất công, nay nhà nước có chủ trương thu hồi để xây dựng trung tâm học tập cộng đồng, nên không bồi thường. Thậm chí ngang ngược hàng tôm hàng cá đến mức trả lời dân bằng văn bản: “Chưa có qui định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tự thỏa thuận liên quan đền việc giải tỏa chợ?”.
Bất chấp nguyện vọng, khiếu nại của người dân, về nguồn gốc đất chợ (do người dân hiến và hoán đổi đất), về những khuất tất liên quan đến chủ đầu tư chợ mới DNTN Đức Lợi Thành, về chính sách bồi thường, di dời… Ngày 19/12/2013, bà con tiểu thương viết trong đơn kêu cứu: “huyện Vĩnh Cửu và xã Vĩnh Tân với hơn 200 người, cùng các xe cứu hỏa, xe thông tin đến để đóng cửa chợ của chúng tôi; sau 5 ngày xô xát, giằng co đã có 5 đến 6 trường hợp bất tỉnh, đến 19 giờ ngày 23/12/2013, đoàn cưỡng chế mới ra về…”. Bà con đặt câu hỏi: “Có pháp luật nào và hiến pháp nào mà để cho huyện và xã áp bức và đàn áp dân từ 3 giờ sáng đến 7 giờ tối như vậy? Đất nước có giàu mạnh mà không có lòng tin của nhân dân thì sẽ không đi đến kết quả gì được …”. Bà con đặt tin tưởng vào “Thanh tra trung ương”!
“Họ có mời Thanh Tra Chính phủ (TTCP) về làm việc, dân chờ đợi TTCP về để có tin vui nhưng chẳng có tin vui gì khi họ bắt bà con tiếp tục di dời xuống chợ mới.” Cô Mầu nói.
Vào trung tuần tháng 5.2015, những ngôi nhà hoặc kiốt đôi nằm ngay trước mặt đường chợ, trong đó có kiốt của gia đình ông Tài, đã bị đập phá tan tành để mở đường. Mỗi ngôi nhà hoặc kiốt đôi này có diện tích khoảng 40 m2, nhà cầm quyền bồi thường khoảng 900 ngàn/1m2 đất, những căn nhà nào xây kiên cố thì nhận được tiền bồi thường khoảng 380 triệu đồng/1 căn, còn kiốt đôi chỉ nhận được tiền bồi thường khoảng 170 triệu đồng/1 kiốt đôi. Trong khi đó, các tiểu thương cho biết, họ thông báo, chỉ giải tỏa 3m làm đường, nhưng họ lại đập hết các dãy nhà này với lý do làm lòng lề đường.
Mong muốn
Tiểu thương chợ Vĩnh Tân chỉ đồng ý giao chợ khi họ được nhà cầm quyền bồi thường một cách thỏa đáng và chợ mới ít nhất phải bằng chợ cũ để họ có nơi buôn bán, ổn định cuộc sống. Chị Mầu nói: “Muốn lấy đất chợ để làm mục đích chung thì phải có một cái chợ mới đẹp hơn hoặc bằng cái chợ bây giờ để người dân đang buôn bán, sinh sống.”
Ông Tài mong muốn: “Nếu di dời thì phải có một cuộc họp lấy ý kiến toàn dân. Người dân muốn bồi thường thỏa đáng và có nơi buôn bán, nuôi sống bản thân và gia đình.”
Gia đình ông Vòng A Sám mong rằng: “Nếu họ cưỡng chế chợ thì tôi yêu cầu họ hãy trả lại đất cho gia đình tôi (1000 m2). Gia đình tôi con cái lớn phải đi thuê nhà để ở vì nhà cửa chật hẹp. Bây giờ, họ dời chợ đi tôi cũng không biết làm việc gì nữa bởi vì vợ chồng tôi đều lớn tuổi rồi.”
Chợ Vĩnh Tân mới được UBND Tỉnh hợp tác với DNTN Đức Lợi Thành thực hiện dự án, nâng cấp lên chợ hạng 2, cách chợ cũ khoảng 400m nhưng không thuận lợi cho việc kinh doanh vì chợ không nằm trong khu dân cư. Mỗi sạp trong chợ mới có giá từ 78-80 triệu/1 sạp. Nếu tiểu thương nào đồng ý dời chợ cũ sang chợ mới thì nhà chức trách sẽ hỗ trợ cho mỗi tiểu thương 53 triệu/1 sạp.
Trong những ngày lễ tết, bà con tiểu thương nghèo chợ Vĩnh Tân sống trong sự lo lắng khi những ngày vừa qua nhà cầm quyền liên tục phát loa thông báo: yêu cầu bà con lấy hàng đủ bán chợ tết, để đầu tháng 3.2016 trao trả lại mặt bằng chợ cho UBND xã, xây dựng trung tâm học tập cộng đồng.
Đất nước khi nào mới phát triển và thịnh vượng khi nhà chức trách không lo lắng và bảo đảm cho cuộc sống ổn định của người dân? Trụ sở Ủy Ban xây dựng trên chính khu đất ‘vàng’ của dân, ép dân hoán đổi một diện tích ít hơn, cấp giấy chứng nhận sử dụng lâu dài cho dân để làm tin. Nay, thu hồi diện tích hoán đổi ấy vì là đất công, giấy chứng nhận đã cấp không có giá trị vì ‘được cấp không đúng thẩm quyền’, còn Ủy Ban thì đứng vững trên đất của dân. Nếu giao dịch này diễn ra bởi những người dân với nhau, cơ quan công quyền sẽ kết tội ‘lừa đảo’! Nhưng tiếc rằng, kẻ ‘lừa đảo’ ở đây lại là Ủy ban “nhân dân”!
Huyền Trang, GNsP