Đoạn Đường Chiến Binh
Đêm phục kích người thầy cũ - Tác giả: Trần Hoài Thư
Đêm phục kích người thầy cũ
Tác giả: Trần Hoài Thư
Vào lúc trời sẩm tối, thì trung đội của Minh đã có mặt tại bờ sông. Không ai thốt một lời. Chỉ có máy truyền tin thỉnh thoảng lại sôi rè rè. Anh không cho lính anh vào làng. Anh sợ đám dân. Anh sợ tiếng chó sủa. Trăng đã bắt đầu nhô lên ở trên dãy núi Ngự Bình. Đây là An Cựu Đông, nơi quá chừng quen thuộc với anh. Anh có thể thuộc lòng từng con đường làng, từng mô đất, từng bãi nghĩa địa. Anh dẫn đám lính, theo bờ mương của một con rạch nhỏ, lội đi. Nước ngập đến gối. Thỉnh thoảng một trái sáng từ đồn binh cận kề được bắn lên khiến cả bầu trời òa vỡ một màu vàng thắm như đêm hoa đăng.
Hôm qua, Huế có trận mưa lớn, nên con mương trở nên trơn ướt. Bây giờ anh như một con hổ đang say máu tìm mồi. Anh đi đầu. Anh nhào đại xuống nước. Anh rẽ cỏ, rẽ lau. Sau anh, đám lính đi theo, mệt nhoài. Anh ra lệnh máy im lặng vô tuyến. Anh cố gắng trừng mắt định hướng, tìm xem một cảnh, một vật, như nghĩa địa làng, hay cánh đồng, ngôi miếu để làm chuẩn điểm, hầu xin pháo binh yểm trợ nếu cần… Anh say sưa như một kẻ săn mồi ngon…
Đến địa điểm, một con kênh nhỏ chạy ngang qua một vùng đồng không mông quạnh, anh kêu trung đội ngừng lại. Anh quyết định thật tàn nhẫn khi người trung đội phó xin anh cho lính được nằm trên bờ đất khô. Anh nói, tất cả phải đứng dưới mương hết. Đêm nay thật đặc biệt. Anh cũng ban lệnh thêm:
- Bọn mày không ai được quyền nổ súng. Chờ lệnh tao, mới nổ nghe chưa.
Anh nói vậy, bởi vì đêm nay anh muốn chính anh phải bóp cò, phải nhào lên để thọc lấy tim ông Thịnh mà chuộc lại cái nợ máu. Cho Huế. Cho bạn bè. Cho người thân yêu của anh.
Máu phải trả bằng máu.
Người ta kể lại cái tòa án lạ kỳ nhất của lịch sử nhân loại.
Quan tòa ngồi lầm lì trên bàn. Hắn nguyên là một trong những lãnh tụ của phong trào sinh viên tranh đấu. Kẻ bị bắt lần lượt bị dẫn vào phòng án. Tên quan tòa chỉ việc ngồi chỉ ngón tay. Hướng trái là tha. Hướng phải là dẫn ra đồng và bắn. Không biện hộ. Không kêu ca. Không năn nỉ. Con tim của hắn là con tim của loài quỷ.
Và mỗi ngày, những mồ chôn tập thể được đào lên, với những xác người bị súng chỉa vào đầu bắn trực xạ, hay những sợi dây thừng cột chặt vào hai khuỷu tay, thịt thúi rã, nhão nhoẹt, làm cả một thành phố đến lợm mửa, ngầy ngật cùng những cơn mưa tối trời tối đất.
Nhưng còn ông Thịnh. Con tim ông là con tim thi ca.
Ông được ân sủng, học hành đỗ đạt thành tài, được hoãn dịch, được hầu hết học trò cảm mến.
Tại sao ông trong đoàn người lại mang dầu phóng hỏa cả thành phố này. Ông ký tên. Tên tuổi ông được các đài trong nước và ngoại quốc hằng nhắc đến.
Phe ông giết ngay cả những người bạn đồng nghiệp của ông như giáo sư Toán LVT và cả những học trò của ông nữa…
Máu phải trả bằng máu.
Trời ơi, trăm ngàn xác người chết thảm, những sọ người bị đập bể, những người thân của Minh vẫn chưa tìm được xác…và những bàn thờ với hình người chết vẫn còn nhang khói… Nghĩ đến đây, con tim của Minh bỗng nhiên sôi sụt. Tự nhiên Minh có ý nghĩ, nếu được, phải mổ lấy trái tim ông ra, đem về tế giữa đền Nam Giao, gọi bao nhiêu oan hồn trở về chứng kiến…
Cái giờ ấy đã đến. Khi vầng trăng nửa mảnh đã treo gần giữa đỉnh, thì người lính đã phác giác đám người xuất hiện giữa đồng trống. Hắn thì thào:
- Thiếu úy, bọn nó đến rồi.
Minh cố trừng mắt. Minh nhận ra một bọn chừng ba người.Họ đi như đi vào chỗ không người. Ba cái bóng đen mập mờ trên bãi lau sậy như âm binh lạc đàn. Vì khoảng cách còn quá xa, nên Minh không thể nhận ra ai là giáo sư Thịnh. Minh cố gắng điều chỉnh nòng súng vào một người nhỏ bé nhất. Đám lính cũng vậy. Họ chờ đợi lệnh Minh. 30 thước. 20 thước rồi 10 thước.
Minh tự nhiên nhớ đến hình ảnh của ông. Cả một niên khóa, ông đứng trên bục, cả thân thể ông gầy guộc…
Trời ơi, ông là ông thầy của mình. Không thể. Ta không thể. Thằng Minh này, học trò của thầy, không thể bắn thầy được.
Một động lực nào đó bắt Minh phải la lên:
- Có phải thầy là thầy Thịnh không?
Phía bọn người, vài phút rối loạn, sững sờ. Ba cái bóng đang đứng yên, tuyệt vọng.
- Phải, tôi là thầy Thịnh. Ai gọi tôi đó ?
- Tôi là học trò cũ của thầy. Tôi cho thầy 5 phút, thầy phải rời khỏi nơi này lập tức…
Minh ra lệnh.
Trần Hoài Thư
Sinh Tồn chuyển
Bàn ra tán vào (1)
----------------------------------------------------------------------------------
Đêm phục kích người thầy cũ - Tác giả: Trần Hoài Thư
Đêm phục kích người thầy cũ
Tác giả: Trần Hoài Thư
Vào lúc trời sẩm tối, thì trung đội của Minh đã có mặt tại bờ sông. Không ai thốt một lời. Chỉ có máy truyền tin thỉnh thoảng lại sôi rè rè. Anh không cho lính anh vào làng. Anh sợ đám dân. Anh sợ tiếng chó sủa. Trăng đã bắt đầu nhô lên ở trên dãy núi Ngự Bình. Đây là An Cựu Đông, nơi quá chừng quen thuộc với anh. Anh có thể thuộc lòng từng con đường làng, từng mô đất, từng bãi nghĩa địa. Anh dẫn đám lính, theo bờ mương của một con rạch nhỏ, lội đi. Nước ngập đến gối. Thỉnh thoảng một trái sáng từ đồn binh cận kề được bắn lên khiến cả bầu trời òa vỡ một màu vàng thắm như đêm hoa đăng.
Hôm qua, Huế có trận mưa lớn, nên con mương trở nên trơn ướt. Bây giờ anh như một con hổ đang say máu tìm mồi. Anh đi đầu. Anh nhào đại xuống nước. Anh rẽ cỏ, rẽ lau. Sau anh, đám lính đi theo, mệt nhoài. Anh ra lệnh máy im lặng vô tuyến. Anh cố gắng trừng mắt định hướng, tìm xem một cảnh, một vật, như nghĩa địa làng, hay cánh đồng, ngôi miếu để làm chuẩn điểm, hầu xin pháo binh yểm trợ nếu cần… Anh say sưa như một kẻ săn mồi ngon…
Đến địa điểm, một con kênh nhỏ chạy ngang qua một vùng đồng không mông quạnh, anh kêu trung đội ngừng lại. Anh quyết định thật tàn nhẫn khi người trung đội phó xin anh cho lính được nằm trên bờ đất khô. Anh nói, tất cả phải đứng dưới mương hết. Đêm nay thật đặc biệt. Anh cũng ban lệnh thêm:
- Bọn mày không ai được quyền nổ súng. Chờ lệnh tao, mới nổ nghe chưa.
Anh nói vậy, bởi vì đêm nay anh muốn chính anh phải bóp cò, phải nhào lên để thọc lấy tim ông Thịnh mà chuộc lại cái nợ máu. Cho Huế. Cho bạn bè. Cho người thân yêu của anh.
Máu phải trả bằng máu.
Người ta kể lại cái tòa án lạ kỳ nhất của lịch sử nhân loại.
Quan tòa ngồi lầm lì trên bàn. Hắn nguyên là một trong những lãnh tụ của phong trào sinh viên tranh đấu. Kẻ bị bắt lần lượt bị dẫn vào phòng án. Tên quan tòa chỉ việc ngồi chỉ ngón tay. Hướng trái là tha. Hướng phải là dẫn ra đồng và bắn. Không biện hộ. Không kêu ca. Không năn nỉ. Con tim của hắn là con tim của loài quỷ.
Và mỗi ngày, những mồ chôn tập thể được đào lên, với những xác người bị súng chỉa vào đầu bắn trực xạ, hay những sợi dây thừng cột chặt vào hai khuỷu tay, thịt thúi rã, nhão nhoẹt, làm cả một thành phố đến lợm mửa, ngầy ngật cùng những cơn mưa tối trời tối đất.
Nhưng còn ông Thịnh. Con tim ông là con tim thi ca.
Ông được ân sủng, học hành đỗ đạt thành tài, được hoãn dịch, được hầu hết học trò cảm mến.
Tại sao ông trong đoàn người lại mang dầu phóng hỏa cả thành phố này. Ông ký tên. Tên tuổi ông được các đài trong nước và ngoại quốc hằng nhắc đến.
Phe ông giết ngay cả những người bạn đồng nghiệp của ông như giáo sư Toán LVT và cả những học trò của ông nữa…
Máu phải trả bằng máu.
Trời ơi, trăm ngàn xác người chết thảm, những sọ người bị đập bể, những người thân của Minh vẫn chưa tìm được xác…và những bàn thờ với hình người chết vẫn còn nhang khói… Nghĩ đến đây, con tim của Minh bỗng nhiên sôi sụt. Tự nhiên Minh có ý nghĩ, nếu được, phải mổ lấy trái tim ông ra, đem về tế giữa đền Nam Giao, gọi bao nhiêu oan hồn trở về chứng kiến…
Cái giờ ấy đã đến. Khi vầng trăng nửa mảnh đã treo gần giữa đỉnh, thì người lính đã phác giác đám người xuất hiện giữa đồng trống. Hắn thì thào:
- Thiếu úy, bọn nó đến rồi.
Minh cố trừng mắt. Minh nhận ra một bọn chừng ba người.Họ đi như đi vào chỗ không người. Ba cái bóng đen mập mờ trên bãi lau sậy như âm binh lạc đàn. Vì khoảng cách còn quá xa, nên Minh không thể nhận ra ai là giáo sư Thịnh. Minh cố gắng điều chỉnh nòng súng vào một người nhỏ bé nhất. Đám lính cũng vậy. Họ chờ đợi lệnh Minh. 30 thước. 20 thước rồi 10 thước.
Minh tự nhiên nhớ đến hình ảnh của ông. Cả một niên khóa, ông đứng trên bục, cả thân thể ông gầy guộc…
Trời ơi, ông là ông thầy của mình. Không thể. Ta không thể. Thằng Minh này, học trò của thầy, không thể bắn thầy được.
Một động lực nào đó bắt Minh phải la lên:
- Có phải thầy là thầy Thịnh không?
Phía bọn người, vài phút rối loạn, sững sờ. Ba cái bóng đang đứng yên, tuyệt vọng.
- Phải, tôi là thầy Thịnh. Ai gọi tôi đó ?
- Tôi là học trò cũ của thầy. Tôi cho thầy 5 phút, thầy phải rời khỏi nơi này lập tức…
Minh ra lệnh.
Trần Hoài Thư
Sinh Tồn chuyển