Lịch Sử, Quân Sử & Huyền Thoại

Đi Bắc về Nam

Suốt một tháng nay người cứ căng đầy như quả bóng đến độ chót thể tích, như kẻ nội lực quá thâm hậu mà không phương cách tống ra ngoài. Từ vị thế người


(Trích từ bút ký Tù Binh và Hòa Bình của Phan Nhật Nam)

Suốt một tháng nay người cứ căng đầy như quả bóng đến độ chót thể tích, như kẻ nội lực quá thâm hậu mà không phương cách tống ra ngoài. Từ vị thế người lính tác chiến chuyên nghiệp sau chặng đời dài bỗng dưng được dự phần vào cuộc đấu lặng lẽ quanh chiếc bàn trải thảm xanh, rì rầm máy lạnh, tôi bị bao quanh bởi những sự kiện xảy ra ào ào chớp nhoáng. Sự kiện cũng xảy đến chậm rãi, từ tốn, như những phiên họp sau bốn giờ có thể kết luận một câu: Phiên họp sẽ tái tiếp tục để chờ chỉ thị mới... Trận chiến diễn ra trong căn phòng kín cửa, trải dài từ trại giam Phú Quốc qua Lộc Ninh, Minh Thạnh, Hoài Ân, Tam Quan kéo dài đến bờ bắc Thạch Hãn...

Phải viết. Tôi đắm đuối mê man theo nỗi ao ước được ngồi xuống trong lặng lẽ với cây viết để khởi đầu giòng chữ cuốn bút ký “Tù Binh và Hòa Bình”. Những chi tiết được xếp đặt dần dần thành hệ thống trên những chuyến bay UH1, lúc ngày mới bắt đầu hay trong lúc chiếc trực thăng bốc khỏi phi đạo Lộc Ninh khi trời vừa tắt nắng. Tiết mục, dàn bài, hình ảnh tài liệu chất cứng bận rộn hoài hoài trong trí não, chỉ đợi chờ được cầm cây viết. Nhưng không thể được, tất cả đang diễn tiến, lý do kỹ thuật của công tác, đồng thời ý thức độc lập và sáng suốt cho người cầm bút không thể có được trong thế hỏa mù sôi động nầy. Tôi chờ đợi ngày thứ sáu mươi, chín mươi hay một ngày nào gần đây.

Nhưng hôm nay phải cầm đến cây viết. Chuyến đi Hà Nội như ánh sáng chói lòa rọi thật rõ vào hệ thống ấn tượng dậy nên từ thơ ấu kéo dài theo đời người. Những ấn tượng về một quê hương xưa cũ, nơi lịch sử đã diễn thật dài theo thăng trầm của dân tộc. Hà Nội, đất thánh của tâm linh xao xuyến, gây nên giòng rung động lãng mạn tuyệt vời cho bao nhiêu người làm văn nghệ. Hà Nội, địa danh Việt Nam mà những người lớn và sống dưới vĩ tuyến 17 nghĩ đến như một chốn mơ hồ chỉ có trong trí tưởng.

Thế nhưng tôi đã đến được. Người của miền Nam Việt Nam, lớp tuổi trẻ khôn lớn từ miền Nam đã đến kinh đô cũ miền Bắc. Đến và trở về với tâm trạng não nề băn khoăn thật kỳ lạ. Nỗi xao xuyến không tên, nỗi ray rứt trầm trầm cùng với sự choáng váng dật dờ. Phải ghi lại cảm xúc này... Tôi cầm viết. Viết để tặng quê hương bí nhiệm tan vỡ đó, viết cũng để riêng tặng miền Nam, vùng đất rực rỡ đã nuôi dưỡng tuổi trẻ chúng tôi mà chưa một lần được xưng tụng, miền Nam nơi ân nghĩa chưa được đền đáp và cũng không hề đòi hỏi lời tạ ơn. Tôi cảm thấy có một tội mơ hồ khi máy bay trong chiều tối bỏ mặt biển ép dần vào tay trái. Phía Tây, nơi mặt trời rực rỡ, dải đất đen vùng Long Khánh gập bùng ánh lửa rừng. Đất miền Nam.

Cũng cần nói thêm một điều: Bài viết chỉ là phản ứng cấp thời của tuổi trẻ miền Nam sau chuyến đi, lứa tuổi trẻ có rất nhiều tự do và trung trực, không phải là “công tác” của một thành viên thuộc ban Liên Hợp quân sự kiêm thêm nhiệm vụ “tuyên truyền”. Lời phân trần có vẻ khôi hài đối với dân miền Nam nhưng rất cần thiết đối với người miền Bắc.
Những người đã đọc và “triển khai khẩn trương” tối đa bài viết của Dương Phục và Phạm Huấn với nhiều phê phán khắc khe sai lạc, những người luôn chủ trương “công tác tốt...” cho toàn thể mọi hành vi, lời nói.

Liếc nhìn về phía đất liền, mõm Hải Vân ghi nét đậm trên đường chân trời xám đục. Với tốc độ của máy bay như thế nầy chỉ mười lăm phút nữa tôi vào không phận miền Bắc. Năm 1967, khi dẫn quân lên đến vùng phi quân sự, suốt một đêm dài tôi đã thao thức không ngủ, đợi ngày đến để được nhìn về phương Bắc... Và trong ánh nắng vàng của ngày xưa đó, tôi đã thấy cơn chấn động mãnh liệt khi nhìn bờ cát cong cong chạy từ cửa Tùng lên mãi vào xa xăm, vùng Vĩnh Linh, Đồng Hới. Xúc động của ngày xưa ấy được nâng niu ấp ủ mãi qua một thời gian dài. Đó là tình cảm để kết hợp lại quê hương... Tôi đã viết rất thành thật như thế trong cuốn sách đầu tay. Thế nhưng, hôm nay, trên không phận miền Bắc, qua khung cửa tròn từ phi cơ nhìn giãi cát trắng chạy dài từ Quảng Trị ra Quảng Bình, lòng bình thản thật kỳ lạ. Đã có thay đổi nào trong hồn chăng? Tôi lạ với chính mình. Đang ở trên không phận miền Bắc của quê hương mà sao không có cơn xúc động trong lòng, đang vượt cửa Tùng, đang bay trên Đồng Hới mà sao lòng vẫn tịch nhiên lặng lẽ? Thật lạ, suốt đêm hôm qua đây người vẫn tưởng chừng như vỡ ra vì xúc động được đi Bắc. Giờ này, đất Bắc đây, sao xúc động hôm qua đã biến mất... Tại sao? Suốt tuổi ấu thơ, ngay bây giờ và chắc cũng là mãi mãi cho đến ngày cuối đời, tôi chỉ có một mong ước lớn trong lòng. Đi hết cùng xứ sở, đi tận thước đất chót của quê hương. Đất đai cảnh vật xứ người không gợi trong tôi hứng khởi, không gây niềm cảm khích. Tưởng tượng khi đứng dưới chân tháp Eiffel chắc tôi chỉ có cảm giác vui vui vì trí tò mò được thoả, được biết một cảnh vật, một đồ vật nổi tiếng. Thế thôi, nhưng khi ở trên cao độ hai trăm thước nhìn xuống sông Cái Lớn chảy ra biển ở cửa Rạch Giá. Này đây, tôi không phải chỉ biết chỉ thấy mà tôi sống cùng... Tôi mê đắm, ngất ngất trong cảm xúc cao độ như chiêm nghiệm được vẻ đẹp tối thượng, chứng kiến được một nhiệm mầu... Trên sông Cái Lớn, tôi được sống lại cảnh tượng của tiền nhân khi tay dao, tay gậy, chống con đò mong manh vượt qua sông Tiền, sông Hậu, đến đây nhìn U-Minh trầm trầm, nhìn đại dương mịt mùng và con sông mênh mông đầm đìa sức sống đang lồng lộng chảy vào nội địa... Nơi đất và nước không ranh giới lớp lớp phù sa tràn ra biển, dải rừng đước bạt ngàn với vẻ hoang sơ tối cổ... Không phải chỉ thấy cửa Rạch Giá, mà tôi sống lại cùng toàn thể lịch sử với nỗi bồn chồn thao thức của tiền nhân trong đêm thức dậy bên bờ sông âm âm con nước dâng triều nở lách tách giữa hai hàng lau sậy. Trên cao độ hai trăm thước qua khung cửa kính trực thăng tôi không chỉ thấy biển trở màu thành vàng nghệ vì phù sa nhưng còn nghe đuợc tiếng trống trận uy hùng của người xưa Nguyễn Huệ đuổi quân Xiêm qua ngọn sóng bạc đầu, ánh cờ đào phần phật lộng gió trên mặt nước lộng phù sa. Thế nên thật lạ với cảm giác bình yên khi qua sông Mã, khi qua Ninh Bình, khi bay trên đất Bắc... Có gì đã thay đổi với hôm qua. Tại sao??

Máy bay lượn trên những đồng ruộng ngập nước, bờ đê, cây liễu và mây mù, cảnh vật đồng quê miền Bắc, mang vẻ lặng lờ kém sinh động khác ruộng đồng miền Nam, thiếu hình ảnh lũy tre, thực vật căn bản của dân tộc. Bình thản vẫn bằng bặt trong lòng. Lạ thật... Máy bay xuống dần.
Tôi xòe tay hứng những hạt mưa nhỏ, mưa phùn mùa Xuân miền Bắc là đây, hạt mưa quá nhỏ phải một khoảng lâu mới đủ thấm ướt bàn tay. Một đám đông đứng đợi ở phi trường với áo mưa màu ô liu hoặc nâu lặng lẽ nhìn chúng tôi tiến đến. Tôi bước tiếp theo Trung Tá Tuấn Anh, viên sĩ quan Bắc Việt có nhiệm vụ hướng dẫn phái đoàn Liên Hợp. Thoáng lo âu nghĩ rằng nhỡ đám đông kia ào tới đánh hội đồng để trả đũa vụ lính Bắc Việt bị dân chúng đả thương ở Huế thì sao? Yếu tố cụ thể cho ý nghĩ này là những viên sĩ quan Bắc Việt bị thương cùng đi chung chuyến bay vừa được đưa vào phi cảng. Kệ nó, bao nhiêu năm lính chết chưa ngán huống gì đám người kia, đã vào Lộc Ninh, Minh Thạnh cũng chỉ có mỗi mình, hơn nữa người cộng sản đâu có nổi hứng bất tử, cái gì cũng có học tập, kiểm thảo, đả thông, đây lại là giai đoạn hòa hợp, hòa giải... Sức mấy nổi hứng đánh ẩu được...

Kiểm soát lại tất cả phản ứng và cảm xúc, thấy một điều. Tôi thản nhiên đến độ lạ lùng. Vì chỉ vài năm xa cách Huế, khi trở lại nhìn từ độ cao, đầm Cầu Hai bủa sóng, lòng đã dậy nôn nao, huống hồ khi trong ánh nắng chiều bay dọc phá Tam Giang, trên làn hơi khói sóng, trên những con sông xanh thẩm lững lờ lá tre già vùng Dưỡng Nong, Niêm Phò. Lòng lúc ấy là cơn phong ba yên lặng vì nhìn thấy quê hương điêu linh lặng lẽ đến uy nghi. Cũng cảm giác náo động đó khi từ đồn điền Xa Cam nhìn vào An Lộc đang nằm trong hơi khói pháo binh. Thế tại sao Hà Nội đằng kia, Hà Nội ở đây, rõ rệt như mưa làm mát mặt, đọng trên mi, phủ trên áo, Hà Nội mùa xuân mưa bụi là đây sao lòng cứ vẫn lặng lờ... Lạ lùng không giải thích. Không lạ lùng sao được, bởi tối hôm qua, ngay hôm kia những ngày được biết chuyến đi chắc chắn được thực hiện không thể bị phục kích tại phút chót như hai chuyến đi ngày 12, 18-2, tôi đã nôn nao quay quắt, đã đứng ngồi không yên, đã hụt hơi nín thở, khi nghĩ đến giờ qua, phút tới để được sát thêm, gần thêm Hà Nội, chốn mơ hồ chỉ có trong trí tưởng...

Chùa Trấn Quốc ở đây nhá... Trấn Quốc chùa xưa(?) đã dãi dầu. Chạnh lòng cố quốc... đấy mà. Anh chàng Đằng Giao vừa vẽ bản đồ vừa ghi rõ từng vị trí đặc biệt của Hà Nội. Đây là phủ Toàn Quyền, đây chợ Hôm... Chỗ ngả tư nầy là khách sạn Hoà Bình mà thằng Phục nói, đằng sau kia có vườn hoa con Cóc... Nhớ nhé, nhớ liếc cái số nhà 102 hộ tao, nhà nầy tôi ở cho đến ngày di cư, tôi còn bà dì ở đó, ông liếc vào xem coi có người nào không, chắc chắn gì ông cũng được đi qua đường đó, bà dì tôi và mẹ tôi giống nhau như hệt, nếu thấy được, ông biết ngay là dì tôi liền!!! Tôi lẩm bẩm từng đống địa chỉ, 102, 115, ở phố X.35, 19 ở phố Y, gần chục địa chỉ với những cảm xúc nồng nhiệt đã được trao cho tôi bằng lời dặn dò như kèm theo tiếng khóc bị nén.

Tôi đã sống hai ngày trong lửa cháy trước khi bước chân đến Hà Nội. Thế nhưng sao hôm nay, ngày biến cố, ngày mong đợi, ngày được sờ trên tay hơi ẩm ướt của cái mát phơn phớt giọt mưa bụi đầu xuân Hà Nội, kinh đô văn hoá dân tộc, trung tâm điểm của lối sống phong cách hào hoa không làm tôi xúc động. Nỗi nôn nao của ngày hôm qua, đêm vừa rồi đã biến mất, biến hẳn, nhường lại cho tâm tư lặng lẽ cứng cỏi. Ngồi xuống chiếc ghế, nâng ly bia không đá, nhớ lại tất cả những lời của Phạm Huấn và Dương Phục, tôi sửa soạn lâm chiến với bước đầu chiến dịch nụ cườis. Những suy tính phảng phất nét tàn nhẫn hiện rõ trong lòng. Tôi chợt hiểu... Thái độ lặng lẽ bình thản có suy tính nầy chỉ là một cách thủ thế, phương pháp tự bảo vệ. Hơn tháng qua tôi đã qua bao nhiêu lần bị tấn công, tấn công có kèm nụ cười, tấn công chớp nhoáng sau cái bắt tay nồng nhiệt, tấn công bất thình lình trong những câu chuyện trên trời dưới biển đột nhiên tát vào mặt như bị ném một nắm kim tẩm thuốc độc.
- Anh người ở đâu? Bố mẹ còn không? Một anh chàng dáng dấp nhã nhặn thân mật hỏi tôi
- Vâng tôi người Quảng Bình!!
- Ấy, quê hương anh anh hùng lắm đấy nhé, có ông Võ Nguyên Giáp nầy... nhưng nát bét cả rồi, bảy tấn B52 đấy. Nát bét...

Chưởng đầu tiên tôi hứng phải được đánh ra một cách lẹ làng như thế. May quá, nói láo là “nghề của chàng” nên tôi phản ứng kịp:
- Thật ra tôi người Huế, ở Bãi Dâu nơi mà các anh chôn người hôm Tết Mậu Thân!!! Lần nầy cũng tương tự như khi vừa cầm ly bia ở bờ bắc sông Thạch Hãn, khi vừa mới hớp ngụm cà phê ở Minh Thạnh, Chơn Thành... Một tháng qua bao nhiêu giờ trong phòng họp, trên máy bay, nơi địa điểm trao trả đã dạy cho tôi một điều: Không thể hớ một chữ, thua một câu, nhường một việc với người cộng sản... Vì tất cả đều có mạch lạc, liên kết chặt chẽ với nhau vào trong một hệ thống.
Toán phục dịch tiếp đón, toán phóng viên nhiếp ảnh đã được phân công, phối hợp và bố trí các câu hỏi, phương thức chụp hình đến độ hoàn hảo, mỗi người có mỗi công việc, có mỗi mục tiêu, một số câu hỏi, một số câu trả lời đã được học thuộc lòng. Tôi không nói quá lời, vì như khi ở Thạch Hãn, Quảng Trị vừa cười cười nói nói với nhau, sau hớp bia thứ nhất, viên thiếu tá chính trị, viên trung đoàn 102 đã “công tác” ngay. Hôm nay chúng ta được ngồi uống bia Trúc Bạch với nhau là do Hiệp Định Ba Lê trong tinh thần hoà giải dân tộc và vì thế chúng ta là người Việt Nam được quyền đi bất cứ chỗ nào!! Ý anh chàng này muốn nói đến điều 1 Hiệp Định (theo quan điểm cộng sản) là nước Việt Nam thống nhất, bất khả phân, nghĩa là Bắc Việt có quyền điều động quân, vật dụng chiến tranh vào giúp nhân dân miền Nam, mà nhân dân miền Nam có đại diện chính thức, duy nhất là Mặt Trận Giải Phóng!! Ở Thạch Hãn đã “khẩn trương công tác” như thế huống gì ở đây, Hà Nội cái “ổ” của thủ đoạn, nơi không có tình thương, chỉ có “công tác”. Lòng bình thản chỉ là một cách giữ thân.

Xin lỗi đất Bắc, xin lỗi Hà Nội, tôi đã đến cùng với tâm tư quá tỉnh táo pha chút khắc nghiệt, nhưng biết làm sao khi “đề cao cảnh giác” quả tình phải là một tính chất cốt yếu khi đến cùng người cộng sản.
Mưa bụi bám vào lớp áo nhung của người đàn bà làm mướt lớp tuyết bên ngoài, trông đẹp vô tả. Ông Hoàng Hải Thủy đã “tán” mưa Hà Nội như thế. Sáng hôm nay ở phi trường Gia Lâm không có đàn bà, thiếu nữ mặc áo nhung, chỉ có những người con gái mặc áo cộc, quần đen, mang dép nhựa hướng dẫn đám phóng viên Đông Âu chạy hối hả trên phi đạo.

Xe qua cầu Long Biên, chiếc cầu bằng sắt, lót gỗ, đường rầy xe hỏa ở giữa, hai bên lối đi bộ nhỏ khoảng một thước rộng. Khung cầu màu đen nặng nề han rỉ, được gắn đầy cờ đỏ của ngày khánh thành sau khi vừa sửa chữa hoàn tất. Cờ được gắn san sát suốt trên hai cây số chiều dài với khẩu hiệu có những ngữ từ ngúc ngắc nghe lạ lạ như đội làm cầu... công tác tốt Chiếc xe chạy rì rì phát ra chấn động làm lùng bùng lỗ tai. Tôi váng vất khó chịu, nhìn xuống lòng sông cạn đáy mênh mông dằn vặt trong sương mù... Tôi đang đi qua cầu Long Biên, đang đi trên sông Hồng, địa danh muôn thuở huyền hoặc là đây nhưng sao lòng vẫn nặng trì trợm, vắng mặt hẵn những cảm xúc ngây ngất như khi xuống đèo Cả, nhìn lên đỉnh Vọng Phu, tượng đá hiển hiện trên bầu trời làm rợn trên da những gai nhỏ. Con sông lịch sử ở dưới chân thấp thoáng mù sương lẫn khuất cuối chân trời qua cửa kính lấm chấm mưa đối với tôi như là cảnh chết của một giòng nước lặng lờ thụ động. Ấn tượng con sông hùng vĩ đỏ ngầu cuộn dưới chân đê từng đợt sóng bạc và gió thổi mạnh trên làn nước mông mênh gây nên bởi không khí tiểu thuyết của Nhất Linh, Khái Hưng hoàn toàn khác xa với thực tế và cảm giác bây giờ. Giòng sông cạn đáy trơ lớp đất xám đỏ, mặt nước yên lặng không khác Trà Khúc của miền Nam, nhưng kém hẳn cường lực của giòng Cửu Long khi chạy qua Rạch Miểu, Mỹ Thuận, bốc lên thứ khói sương mờ mờ rung rinh qua ánh nắng. Thật ra cũng không phải vậy, ấn tượng rực rỡ về sông Hồng bị công phá không vì lưu lượng nước thấp, nhưng vì khối không khí thụ động bao trùm giòng sông và vẻ nặng nề đe dọa của rừng cờ đỏ máu, hai đối tính gây nên đổ vỡ bất cân xứng. Nhiều cờ quá, nhiều khẩu hiệu quá nên thiên nhiên vốn thụ động càng bị xóa tan, lấn át. Con sông lịch sử uy nghi trong ấn tượng sáng nay bị lấp dưới rừng cờ cùng khẩu hiệu tăng năng xuất lao động.

Xe chạy chậm, quá chậm, tai bị ù hẳn, không khí trong lòng xe khô rốc, người tài xế ấn còi liên tiếp. Trước đầu xe, hai ba người dân đang đẩy chiếc xe hai bánh lỏng chỏng vật dụng loay quay tìm lối tránh, bên cạnh chiếc xe nầy người lính chở đứa bé gái trên chiếc xe đạp đang lúng túng dừng lại vì bị ép giữa hai khối lớn. Người lính dừng lại, bế đứa gái lên bờ lề của người đi bộ, xong hối hả nâng chiếc xe lên theo. Sau khi đứng yên được ở vị thế chắc chắn, người lính và đứa bé nhìn lên chiếc xe chở chúng tôi. Đó là một người đàn ông đã quá bốn mươi tuổi, khuôn mặt gầy, lưỡng quyền cùng đôi mắt nổi lên quá độ, khuôn mặt đặc biệt của dân quê miền Bắc với răng cửa hơi hô ra, má hóp, đôi mắt võ vàng chịu đựng. Người đàn ông dù với bộ đồ ka-ki và cái nón cối có vẻ trái ngược với hình ảnh điển hình của ngưòi chiến sĩ nhân dân, thành phần tiền phong xây dựng chủ nghĩa xã hội thể hiện qua dãy biểu ngữ mang danh từ sắt đá. Vẫn biết người cộng sản đã hình thành được một quân đội nhân dân trong tập hợp xã hội, người lính chỉ là một cán bộ như cán bộ nhà máy điện, cán bộ hợp tác xã rau, cán bộ làm cầu... Người lính chỉ được phân biệt qua đồng phục. Nhưng với ý niệm của một người miền Nam, tôi nghĩ, người lính miền Bắc dù đã đồng hóa vào cùng xã hội nhưng họ vẫn là biểu tượng cụ thể chính yếu cho chế độ, rõ ràng hơn là chế độ đang nuôi dưỡng và dành các quyền ưu đãi vật chất to lớn cho họ, thành phần trực tiếp gánh vác chiến tranh, họ phải là biểu tượng lớn cho ngưỡng mộ của toàn dân. Nên ở đây, những tiếng còi thúc dục của người tài xế, đôi mắt võ vàng chịu đựng trên khuôn mặt lo âu thống khổ của người lính giữa một vùng sương mù bốc lên từ khói sông lẫn cùng làn mưa bụi gây trong tôi một xúc cảm ngậm ngùi... Nhớ đến những người lính địa phương quân ở Long An buổi chiều sau cuộc hành quân tuần tiểu, ngồi câu cá ở chân cầu với vẻ bình yên khoáng đạt; hình ảnh người lính nhân dân của miền Nam tuy chưa được hình tượng hóa, nhưng người lính địa phương quân đó đã thành hình và vững mạnh dần cùng với miền Nam bằng tất cả sung mãn tinh thần và vật chất.

Tôi đi qua sông Hồng trong bầu trời mưa giăng bụi nhưng lòng trống vắng cảm xúc ngây ngất, chỉ thấy tràn đầy phẫn nộ im lặng. Đứa bé con người lính đội một chiếc nón cối bằng lá gồi, loại nón của những năm 1950, trong vùng Nam, Ngãi, Bình, Phú... Hôm nay ngày đầu xuân, trời còn lạnh nhưng người dân không ai mặc áo ấm, dù là đứa trẻ. Tưởng tượng cảnh đoàn người lầm lũi đi trên chiếc cầu nầy trong mùa đông khi mưa lớn nước dâng cao và gió bão... Với cảm giác bị canh chừng từ khi xuống phi trường lại vây cứng thêm không khí u uất trên cầu Long Biên gây nên bởi rừng cờ rực đỏ, tôi đi vào Hà Nội, trái tim văn hóa Việt Nam, quê hương lãng mạng và mơ mộng với cảm xúc mới thành hình. Sự não nề tăng dần cường độ. Não nề, tôi tựa vào tỉnh từ nầy để gọi tên trạng thái tinh thần, mà ảnh hưởng còn đến hôm nay khi cầm cây bút, năm ngày sau khi rời Hà Nội, lúc liếc nhìn lại tấm ảnh, lúc bưng bát cơm. Tâm tư không yên ổn của buổi sáng mai kia còn nguyên hiển hiện.

Não nề, không thể còn một tỉnh từ nào gọi nên đủ cường độ và tính chất hơn thế nữa. Xe đi hết cầu Long Biên đổ xuống một con dốc, leo lên một con dốc khác, ga hàng Đậu hay hàng Cỏ, tôi cũng chẳng cần để ý. Tờ bản đồ của Đằng Giao trong túi, chỉ cần kéo ra là đủ theo dõi, nhưng tôi mệt, mệt thật sự. Những rộn rã nao nức tối hôm qua, ngày hôm kia, tháng trước mất hẳn, nhường chỗ cho cảm giác mệt. Mệt và muốn trở về Nam. Phải, tôi muốn trở về Nam ngay ở nơi ngã ba có mũi tên chỉ hai hướng Hà Nội - Hà Bắc (chắc là Hà Đông, Bắc Ninh) cách trung tâm Hà Nội bốn cây số. Cách trung tâm Hà Nội bốn cây số, người đàn bà trong lúc mưa nặng hạt chỉ phong phanh một mảnh vải nhựa che thân, chân trần dẫn xe đạp đi lên con đường dốc ngược. Trên nóc nhà ga treo một khẩu hiệu lớn “Đời đời nhớ ơn Hồ Chủ Tịch”... Nhớ ơn Hồ Chủ Tịch; Kissinger cùng Lê Đức Thọ có đi ngang qua chốn này trong cuộc viếng thăm tháng trước chăng? Ông Hồ Chí Minh đã được nhớ ơn vì người Mỹ chỉ “giới hạn” đánh bom từ Gia Lâm đến Long Biên, được nhớ ơn vì người đàn bà miền Bắc được đi xe đạp “trang bị” thêm mảnh ni-lông che mưa gió sau hai mươi năm chiến thắng Điện Biên xây dựng Xã hội chủ nghĩa. Người đàn bà trên đường vào Hà Nội, cách thủ đô bốn cây số đường trải nhựa từ thời thuộc địa. Chiếc xe Prefect hướng dẫn đoàn xe chúng tôi bị hỏng, sẵn dịp tôi chụp bức hình “quán nước” Hà Nội gồm một chiếc bàn gỗ tạp, cao khoảng ba tấc chung quanh có những chiếc đòn nhỏ sát mặt đất, trên bàn vài gói giấy trắng chắc hẳn là thuốc lào hay thuốc lá lẻ, ấm nước lớn để giữa bàn. Bên cạnh “quán nước” là tiệm hớt tóc, dưới mái hiên dột nát một thiếu nữ đang hớt tóc cho em nhỏ. Tôi tưởng chừng như cảnh không thật, bây giờ là năm 1973, năm người Mỹ chấm dứt chương trình Apollo, các bà Gandhi, Golda Meir cầm quyền quốc gia không thua kém một đồng nghiệp phái nam trên toàn thế giới, rõ rệt hơn “ngoại trưởng” Nguyễn Thị Bình ở Paris mỗi ngày mỗi gây chú ý bởi tác phong cách mạng vô sản rất “văn minh” không loạt choạc với trào lưu của kinh đô ánh sáng. Nhưng ở tại cây số bốn trên đường đến Hà Nội, người thiếu nữ của miền Bắc, biểu tượng của ba đảm đang, ba sẵn sàng, có dáng dấp, y phục của những nữ cán bộ vùng Bình Định, Quảng Ngãi ở giai đoạn trước 1954... Dáng dấp thanh lịch đài các của thiếu nữ Hà Nội bị mất hẳn, bị xóa sạch để cầm chiếc tông-đơ đè xuống đầu em nhỏ ngồi trên chiếc ghế gỗ cũ, cũ bằng hoặc hơn thời gian chủ nghĩa xã hội thành hình ở miền Bắc. Phải chăng đây là đường hướng tiến bộ từ tâm thức Hồ Chủ Tịch và ông đã được nhớ ơn bởi thành quả đó?

Xe tiếp tục chạy qua cửa Bắc nơi Hoàng Diệu tự vận để giữ tròn tiết tháo, một tấm bảng đặt dưới chân cổng thành ghi hàng chữ “ Nơi đây dấu vết quả đạn đại bác của quân Pháp ”... Tôi đọc không kịp nên cũng không biết có đúng nội dung trên không, nhưng đại ý là như vậy. Hàng chữ nhắc người Việt Nam luôn nhớ đến mối thù với người Pháp để luôn giữ độc lập tinh thần. Hội nghị Ba Lê mà người cộng sản coi là một thắng lợi lịch sử đang tiếp tục những phiên họp ủy ban bàn việc viện trợ cho miền Bắc và âm hưởng Trung Hoa hình như bao trùm lên tất cả tiết tấu những bài hát tôi đã nghe ở bờ Thạch Hãn tuần rồi chập chờn vang dội đâu đây. Đã tan vỡ rồi Hà Nội... Tôi nghe như tiếng nói chính mình vì viên sĩ quan đi cùng, Đại Úy Tuyển cứ lẩm bẩm: Chẳng có gì thay đổi... Y hệt như hôm qua, tất cả như tranh cũ, như ý niệm. Cũng những ngôi nhà khang trang của phố cửa Bắc, hàng cây xanh, lề đường im bóng mát và sương mờ giăng cuối phố trong tàng cây. Buổi sáng mùa xuân có đủ tất cả yên tĩnh thơ mộng và Hà Nội không mất một gốc cây, không vỡ một viên gạch lề đường; nơi mà Thanh Tâm Tuyền đã di chân qua trước giờ rời Hà Nội hai mươi năm trước chắc giờ nầy vẫn còn nguyên, nhưng sao thành phố lại gây thê thảm não nề đến thế này. Thành phố đông người sao thấy quá vắng, phải chăng vì người mặt đồng phục nhiều quá, màu xanh ô-liu lấn át hẳn màu trắng xám và xanh nhạt. Màu ô-liu, màu của lính, của tập thể, màu của biểu tình, hội họp, màu của đồng nhất im lặng và kỹ luật lạnh lẽo. Tan vỡ rồi, Hà Nội... Trên lề đường không vang dội tiếng guốc vì đế dép plastic lướt đi vội vã, xe điện qua không nghe hồi còi leng keng rộn rã như trong văn chương của Hoàng Hải Thủy, Nguyễn Đình Toàn... Phải chăng xe chạy đúng giờ, người dân quá kỹ luật nên tiếng xe reo vui, đặc thù của Hà Hội không còn cần thiết? Hay chuông reo cũng giảm mất một phần năng xuất điện? Tôi đi giữa lòng Hà Nội mưa bay không thấy phố phường, không thấy người, chỉ thấy thê thiết não nề dồn lên hơi thở. Trần Dần năm xưa thất vọng vì màu cờ đỏ quá mạnh lấn át hẳn cảnh sắc Hà Nội, tôi hôm nay đi trong lòng Hà Nội với đe dọa trùng điệp, cảnh giác thường xuyên và trong không khí đồng nhất quái dị... Hà Nội thiêng liêng bí nhiệm vẫn còn nguyên hè xưa phố cũ nhưng đã tan vỡ đến đáy sững sờ... Phải chăng đây là Hà Nội? Câu hỏi vang vọng tột độ đớn đau...

Hỏa lò, tòa nhà xám xây bằng đá, phòng họp nước trà đặc và thuốc lá khô... Giọng viên đại úy chỉ huy trưởng trại vang vang hách dịch, giọng Quảng Nam chắc nịch gằn từng tiếng một. Viên thiếu úy thông dịch cao lớn, đôi mắt dữ dội cay nghiệt, không khí trại giam đầy đủ và toàn hảo. Lại thêm màn bỏ quên chìa khoá để rút ngắn thời gian tiếp xúc tù binh. Tất cả màn kịch quen thuộc có đủ hết những gút thắt và mở. Tôi đi qua sân bóng chuyền, chiếc lưới quá mới, phải chăng vì mới giăng nên chưa kịp ẩm ướt mặc dù mưa bụi suốt ngày. Những cửa sổ trên cao thấp thoáng tù binh Mỹ, những khuôn mặt gầy, ánh mắt xao xuyến. Rất thành thực, tôi đưa tay ngoắc và nói lớn với cảm xúc được nén xuống “Cảm ơn, và chào các anh”... Có những ánh mắt rưng rưng nhìn lại. Tù binh, sinh vật tội nghiệp nhất của chiến tranh, món quà thê thảm của hoà bình. Hello Friends!! Tôi chào họ lần nữa. Máy ảnh hết phim, chẳng cần thay. Trung tâm Hỏa Lò, một đề tài hấp dẫn để làm phóng sự. Tôi không phải một phóng viên đúng nghĩa. Buồn thật.

Đã qua một đoạn viết về Hà Nội, trong lòng có hai phản ứng trái ngược. Tôi có nhìn Hà Nội với nhãn quan độc lập, trung trực hay chỉ vì thiên kiến do ý thức “quốc gia” cụ thể qua tấm áo lính nên đã “bóp méo” Hà Nội để gây nên tác dụng “tuyên truyền”? Thật sự đến lúc nầy, ngày thứ năm của giờ rời Hà Nội, cảm giác não nề, lãng đãng vẫn còn đầy ứ... Tôi vẫn bị lao đao với câu hỏi sững sờ: Hà Nội là thế sao? Vùng đất thánh văn hoá, nơi chỉ cách Sài Gòn ba giờ bay có thể nằm ngoài hẳn mọi ý niệm, lạ lùng đến thế được sao? Cố gắng phân tích, cố gắng bình thản viết lại sau đây những hình ảnh để cụ thể hóa cơn náo loạn tinh thần đó, tôi muốn được viết trung thực về vỡ nát ấn tượng Hà Nội... Bữa ăn ở khách sạn Hoà Bình tức là khách sạn Splendide cũ, nơi có cái cửa kính xoay, biểu tượng văn minh xa xưa cũ của Hà Nội. Hai mươi năm đi qua chiếc cửa vẫn còn đó, lớp kiếng mờ, thớ gỗ lạnh, Hà Nội không một vết nhỏ thay đổi những nơi tôi đi qua. Khách sạn kiến trúc theo lối Pháp, tường dày, nhiều cửa kính theo kiểu Majestic Sài Gòn nhưng bé hơn chỉ bằng khoảng một phần sáu, tường vàng lạnh trống trải hình như vừa quét lại, phòng ăn nơi cửa ra vào được che bởi một tấm màn vải phin màu xanh nhạt, tấm màn cửa mới cứng đơ nếp hồ. Hai két bia Trúc Bạch để ở góc phòng, thực đơn gồm những món ăn thông dụng của người Bắc, giò lụa, chả quế, thịt bò tái và cơm tám thơm. Thức ăn thường nhưng đậm đà và ngon, vị ngọt của miếng thịt bò, lát chả gây xúc cảm... Con gà ngoài Bắc ta... Hoài niệm 12 tháng của nhà văn Vũ Bằng bây giờ mới được hiểu hết cường độ xót xa. Thổ ngơi, tình tự gợi nên từ bờ tre, đáy giếng, tiếng gà eo óc dưới những cây soan gầy guộc mờ nhạt trong mù sương của miền Bắc hình như vẫn được tồn tại qua miếng chả quế tuy không tinh xảo bằng lát chả Sài Gòn nhưng thoang thoảng hương thơm thuần nhất của thớ thịt, thảo mộc quý cách. Chủ nghĩa xã hội đã “vô tính hóa” người và cảnh Hà Nội, nhưng vẫn không có hiệu lực đối với cảm tính muôn đời của dân tộc. Bàn tay nào đã rãi những hạt cơm thừa nuôi loài gia súc, giả mạnh cái chầy để tạo nên thức ăn ý hẳn vẫn còn nguyên tính chất tư hữu tài hoa của chốn quê hương tan vỡ này. Ý nghĩ lãng đãng, bức tường nhà ăn lạnh cóng, những người phục dịch lúng túng vội vã, nâng niu từng dĩa thức ăn gây nên cảm xúc lạ. Tôi đã ăn những thức ăn quý giá, kết quả sau bao nỗ lực cần mẫn của người dân miền Bắc. Miếng ăn ngon như nghẹn ở cổ khó khăn vô cùng để gắp thêm một lần thứ hai.

Bữa ăn xong, tôi mời người thiếu nữ tiếp đãi chụp chung tấm hình. Hai anh sĩ quan Bắc Việt không bỏ cơ hội đứng vào luôn. Có đám đông đứng ở bên đường nhìn vào. Không lẽ chính trị viên Bắc Biệt lại bỏ mất cơ hội “tiếp thu tinh thần hòa giải” cụ thể như thế nầy sao? Lúc nào cũng “công tác tốt” được. Sống thật phiền!!

Lại lên xe, di chuyển từ khách sạn ra phố chính (Tràng Tiền, phố Huế, Hàng Ngang, hàng Gai, hàng Đào) xe chạy thật nhanh giữa thành phố đông người với tiếng còi dồn dập, thúc bách... Máy hình chụp liên tiếp, xe điện, ngã tư đường xuôi xuống nhà Hát lớn, nhà Bách Hóa, rạp chớp bóng, tiệm may. Mặc cho xe chạy đảo điên xô đẩy, tôi mê man theo từng mỗi thước đất đi qua. Đang ở giữa trái tim Hà Nội... Những bức hình lịch sử, sự thật sẽ được lưu giữ trong giây phút nầy. Anh tài xế cố gắng chạy nhanh để ngăn cản cũng vô hiệu đối với tôi, máy Topcon với ống viễn kính sẽ không phản bội sự thật, xe đi hết đường Trường Thi ép về tay phải, thảm nước xanh lặng lẽ trong trời mù. Hồ Gươm. Rung động dọc sống lưng, những gai nhỏ li ti châm chích trên da thịt. Tôi thấy được những rêu phong trên tháp Rùa, bãi cỏ non, làn nước xanh mờ mờ khói nhạt... Đền Ngọc Sơn khuất sau tàng cây, hàng chữ nho sắc nét, cầu Thê Húc cong cong chập chờn, hình tượng sống động của lịch sử quê hương là đây. Hôm nay tôi hít được mùi nước gây mát của chiếc hồ muôn thuở, hôm nay tôi thấy được nét chữ in sâu đỏ chói não nùng của câu đối trước đền Xã Tắc. Có một gò đất nhỏ ở cổng đền. Phải chăng là núi Nùng? Chắc không phải, núi Nùng cao hơn ở một nơi nào đó. Nhưng cảm giác phơi phới rạo rực sau khi bừng sáng bỗng tắt ngấm lạnh tanh... Tại sao? Tôi thấy lạnh kỳ dị lạ lùng, chóng mặt và ngỡ ngàng. Hồ vắng quá. Đền lạnh quá... Kỳ dị thật, từ cái nhà ba tầng to lớn kia (Tòa Thị Chính cũ) nơi có treo những khẩu hiệu vĩ đại đến chỗ tôi đang đi qua đầy ứ người đi bộ, người lũ lượt hàng hàng lớp lớp, xuôi ngược chen chúc, nhưng sao không nghe tiếng động. Tiếng động thường hằng của thành phố mà chúng ta sống cùng nhưng không cảm thấy, chỉ khi nào mất đi như những hôm cấm đường, đình công, bãi thị, giới nghiêm mới nhận ra. Quái dị, ở đây ban ngày, người đầy ứ mà sao thành phố lặng lẽ một cách kỳ dị; sự lặng lẽ của đám đông trong buổi biểu tình sau khi dứt tiếng hoan hô đả đảo... Chung quanh Hồ Gươm có nỗi im lặng ghê rợn lạ lùng nầy. Người đông nhưng màu áo nhà binh tràn ngập nặng nề che khuất hết vẻ rộn rã. Đông nhưng không nghe tiếng rì rầm sống động của con người di chuyển và đang sống. Quanh Hồ Gươm có đám đông thiếu sức sống của người. Tôi run tay, khó thở, xe lại bít bùng váng vất, gió lùa từ cửa sổ vào thành một luồng gờn gợn, trong đầu lại vang vang câu thơ Trần Dần. Tôi bước đi không thấy phố thấy phường. Hôm nay quanh Hồ Gươm, câu thơ lại mang thêm cường độ công phạt tàn bạo. Tôi nghĩ đến lời thơ được sửa đổi: Tôi bước đi không thấy phố, thấy người... Phải, tôi không được thấy người giữa lòng Hà Nội quanh Hồ Gươm...

Xin ngã mũ chào người cộng sản miền Bắc, các anh đã hơn Nga Sô đã hơn Trung Cộng, một thành phố có sức sống cổ kính dài lâu, mãnh liệt như Hà Nội chỉ sau mười chín năm trở nên thành phố “vô tính”. Các anh đã thành công khi xóa sạch hết biên giới con người, không còn người già người trẻ, không phân biệt thiếu nữ hay thanh niên, không chia loại trí thức và lao động, không cách xa giữa thiếu nhi và người lớn. Tất cả đều được đoàn ngũ hoá, hệ thống hóa, tổng hợp và vô tính hóa... Con người muôn thuở của Hà Nội đã được “bạch hóa” đến cực độ chỉ sau mười chín năm tôi luyện... Ông Karl Marx, Lenin có bao giờ nghĩ đến một hiện thực cộng sản “đỏ” đến thế nầy ở một nước Á Châu không? Và kinh khiếp hơn, Hà Nội vẫn còn nguyên yếu tố thiên nhiên, kiến trúc; còn nguyên đủ hè đường lát gạch, hàng cột điện với ngọn đèn ngày trước, cây sấu xanh, lá bàng dầy, chuyến tàu điện xưa cũ đi về, mặt nước hồ lặng lẽ gợn rung rinh Tháp Rùa rêu phủ... Tất cả còn nguyên, đủ nhưng tại sao Hà Nội lạnh đến kinh khiếp ngỡ ngàng. Thành phố, không khí và con người đã được “bạch hóa” đến độ nầy sao? Câu hỏi biến thành niềm xao xuyến mông mênh kéo dài đến hôm nay. Ngày thứ năm của giờ rời Hà Nội.

Dự khán buổi trao trả tù binh Mỹ, hai anh Thái Lan ngơ ngác giữa một chốn hận thù hỗn độn... Nghĩ đến những nhân vật của Gheorghiu, thấy ánh mắt bừng sáng vui sướng và hy vọng, bước chân đi lại theo động tác cơ bản thao diễn lúng túng, bàn tay run run đặt cái chào đúng thế của những người tù vừa được trở lại vị thế người lính... Cảm xúc đầy ứ làm nóng mắt. Bỏ qua những dự tính chiến lược và chính trị, người lính trong chiến tranh, bất kể quốc tịch và cấp bậc vẫn là kẻ gánh hết thống khổ điêu linh. Người tù, kẻ ở đáy cuối cuộc đời gió bão. Đi theo một toán tù binh Mỹ đến sát đuôi chiếc C141, người nữ y tá hôn nồng nàn mỗi người trở về... Thấy thương người, thương đời, trạnh nhớ tù binh ta, tù binh cộng sản... Có những xa cách và khác biệt nào? Cảnh phất cờ khởi loạn ở bờ sông Thạch Hãn của tù binh cộng sản lại ám ảnh trong lòng. Thù hận vì ý thức hệ có thể là một tính chất căn bản được chăng?

Cũng chẳng muốn đấu trí, đấu khẩu, nhưng những phóng viên trẻ tuổi Đông Âu cứ bao quanh rốt cuộc phải đi đường nói láo.
- Tôi và người này (Tôi chỉ vào anh chàng có nhiệm vụ theo tôi, một phóng viên Bắc Việt) là bạn học cũ!!!
- Thật không?
- Thật...
- Đại úy cho biết ý kiến về B52?
- Anh bao nhiêu tuổi?
- Hai mươi lăm.
- Hai mươi lăm quá trẻ, anh phải đợi vài năm nữa mới hiểu được Việt Nam. Anh chưa có khả năng phân biệt tiếng nói của tôi (người Trung) và anh này (phóng viên cộng sản người Bắc) làm sao anh hiểu được diễn tiến chính trị Việt Nam. Không phải lỗi anh, chỉ vì anh quá trẻ so với chiến tranh này. Chỉ nói thế cũng thấy mệt, thấy thừa. Đi lòng vòng ở sân bay chụp hình loạn xạ cốt đợi giờ về.

Buổi trao trả xong, anh phóng viên áo trắng, (cũng chẳng cần hỏi tên) người bám sát tôi từ sáng, kéo riêng ra một góc để ngồi nói chuyện tâm tình. Nghe có tiếng cười mĩa mai im lặng trong lòng. Một tháng rồi, tôi đã qua bao nhiêu lần “nhất trí”, hoà giải... để kết thúc với “B-52”. Bây giờ thì cũng thế thôi. Ngồi xuống cỏ, mời thuốc lá và lại bắt tay: Anh Nam bao nhiêu tuổi? Người vùng nào? Liếc nhìn sau lưng: Một ống Micro-phone đang ở vị thế thâu... Chán thật! Tôi nổi cáu:
- Đây này, tôi cũng có một máy thâu tối tân hơn máy anh không cần micro, để trong túi bật cái nút là thâu rõ hết trơn... Tôi không phải là nhà báo nhưng cũng chẳng lạ gì nghề này, các anh cất máy đi... Tôi sẽ nói chuyện miền Nam trên tư cách là người trẻ, người lính miền Nam...
Bị bắt gặp tại trận, anh “bạn tâm tình” phải dấu cái micro. Không có sự thẹn thùng và liêm sĩ trí thức của một người bị bắt gặp làm việc lén lút. Nản đến tận cổ, ê chề đầy cứng người, nhưng cũng gắng “thuyết trình” hết bài báo chí tự do miền Nam, dẫn chứng bằng tờ Sóng Thần ngày 3-3-1973 có hình ảnh người Huế biểu tình ở Bãi Dâu và hồi ký của hồi chánh viên Nguyễn Anh Tuấn. Nói cũng “ngon” như bình thường nhưng biết rằng sẽ vô ích. Bức tường đá cố chấp không kẽ hở sẽ không để sự thật đi vào. Sau lưng lại thấy dí dí một cái micro khác... Đ.m... Muốn chưởi thề một tiếng thật lớn...

Ngồi đợi máy bay quay cánh quạt để dọt. Tôi nhớ Ngã Năm, Ngã Sáu Sài Gòn, đường Trương Minh Giảng, Lê Văn Duyệt giờ này đang tan sở... Mùi xăng, hơi nắng, hơi nhựa hừng hực, nhưng cảnh “địa ngục” dơ bẩn của Sài Gòn mới xa một ngày sao đã thấy vạn phần thương nhớ trong không khí tịch mịch u uất nơi sân bay Gia Lâm bắt đầu mù hơi lạnh khi trời về chiều... Miền Nam, ban đêm các quán cóc lù mù ánh đèn bán khô cá thiều, cá mực bỗng nhiên hóa thành từng chuổi kim cương kết tủa long lanh. Tôi nghe hơi gió Sài Gòn ban đêm, tôi thấy ánh nắng Sài Gòn ban ngày, tôi tưởng hít được mùi tanh tanh mốc mốc vùng bến Chương Dương, Vân Đồn. Cảnh dẫu nghèo, dơ cũng là cảnh người, cảnh có sức sống. Sài Gòn, hỗn độn, nóng bức, khô khan bắt đầu từ giờ đây là quê hương cuối cùng, quê hương để bó xương, chôn thịt... Chắc chắn phải là như thế. Bao năm sống ở miền Nam cứ nuôi một tâm lý “sống gởi, thác về” không thiết tha, không xưng tụng. Khổ nỗi, nếu xưng tụng thì mang tiếng “văn nô”... Nhưng hôm nay tôi phải viết, phải bốc, phải hét to, Sài Gòn, Quê Hương Tự Do cho người, nơi đã từ lâu chỉ có nỗi phũ phàng. Xin lỗi miền Nam quí giá và bao dung, xin lỗi Sài Gòn nồng nhiệt. Tôi đã phụ người quá lâu.

Kéo một nụ cười nhạt thếch vì máy bay đã quay cánh quạt mà Trung Tá Bùi Tín còn “công tác” với giọng thân mật...: Nam thấy mấy chiếc Mig kia không? Hạ mấy trăm thằng Mỹ rồi đó! May quá, cánh quạt quá ồn để không cho anh ta nói tiếp về B-52!
Bay cao, hãy bay cao hẳn lên, chẳng cần quay lại nhìn sông Hồng, sông Đuống... Bay thật cao và nhanh, qua đèo Ngang, qua Đồng Hới thật nhanh để đưa tôi về miền Nam... Phía tây ánh mặt trời đỏ ối từ từ chìm dần vào bóng đêm, tầu ép tay trái vào đất liền, ánh lửa vùng Long Khánh chập chờn rực rỡ. Đất miền Nam. Nghe cơn sóng đầm ấm trong lòng vang dội. Tôi về Nam - Miền Nam.

Đọc lại bài viết của năm trước để xét xem đã viết trong một “áp lực” nào không, nhưng cuối cùng vẫn phải nhìn nhận. Tôi đã viết thật đúng, thật trung trực, tôi không thổi phồng sự kiện, không “quốc gia hóa” cái nhìn, cũng không văn chương hoá, bi thảm hóa sự kiện, cảnh sắc và yếu tính của Hà Nội. Sau này, những chuyến đi khác chỉ còn là một công tác bắt buộc, thiếu hào hứng, đầy nhọc mệt và nhàm chán, tuy thế nhưng cũng có một vài đền bù như được đến Văn Miếu, Viện Bảo Tàng nơi tập trung khá đầy đủ các di tích văn hoá do viện Bác Cỗ trước kia sưu tập và các cuộc tìm kiếm sau này của chính quyền miền Bắc. Nhưng chỉ là những vui thích “kỹ thuật”, được thấy và biết thêm nhiều điều để mở rộng kiến thức. Xúc động từ chuyến đi đầu tiên hoàn toàn mất hẳn.

Đọc lại bài viết cũ nhân dịp xem một đoạn phim quay tại Hà Nội và miền Bắc hơn hai mươi năm trước. Cuốn phim tuy non yếu về kỹ thuật, hỏng hoàn toàn trên tất cả mọi khía cạnh nhưng quả tình đã giúp cho tôi soi sáng được một phần nào ấn tượng đẹp đẽ về Hà Nội. Dù ống kính đã thu hình Hà Nội với non yếu kỹ thuật và thiếu vắng nghệ thuật, nhưng đoạn phim Kiếp Hoa ấy đã ghi đủ những cảnh sắc và tinh thần Hà Nội... Đó là một nơi chốn tươi mát, hồn hậu và thân mật, những hè đường dầy trầm trầm tiếng guốc, bờ hồ thẩm tàng cây, mặt nước loang nắng, hắt hơi mát lạnh xanh xao lên lớp vỏ cây dịu dàng, và những “người Hà Nội” thanh nhã chậm rãi đi lại trên lối nhỏ im bóng lá sinh động hiện thực phẩm tính lịch lãm nhẹ nhàng của thủ đô văn hóa, nơi văn minh Việt Nam đã khai phóng nên thành hình tượng. Tôi nhìn lên màn ảnh, bỏ qua hình ảnh của các tài tử vốn chỉ là đào kép cải lương Bắc Việt, bỏ đi giòng nhạc đệm nặng nhọc, ngớ ngẩn, để chỉ thấy lại một khối Hà Nội rực rỡ trong nắng, để thấy Hà Nội trầm mặc trong mưa, một di sản văn hoá cao quý mà tiền nhân đã gây dựng nên và trao gởi lại... Thấy trên màn ảnh, nhớ lại cảnh sắc của lần đầu tiên đến Hà Nội với cảm giác não nề trên mỗi thước đường đi qua, chồng dần, chồng dần cứng đọng nỗi thất vọng khi nhìn khối dân chúng lặng lẽ dị thường của buổi chiều Chủ Nhật 4-3-1973... Kinh dị thật. Chủ nghĩa Cộng Sản đã đánh gục được tâm chất Việt Nam sâu thẳm ngay tại thủ đô văn hoá miền Bắc. Tôi bàng hoàng với sự thật tàn bạo ghê gớm âm thầm này. Cảm giác của một năm về trước...

Qua đoạn phim cũ, tôi được nhắc nhở thêm một điều. Chiến tranh đã quá lâu trên quê hương. Cảnh tượng của đoàn người tản cư chạy loạn trên đường đê, trên cánh đồng chiêm dù chỉ được đạo diễn dựng nên nghèo nàn, ấu trĩ, vụng về, nhưng bóng dáng những đứa bé Việt Nam ôm tay nãi, đầu đội nón rách, chân trần đi trên con đường quê điêu tàn, gót chân trẻ thơ vội vã tội nghiệp bước lên lớp đất nức nẻ phủ bụi mờ đã như cơn tấn công phũ phàng nhất, đập mạnh vào cảm xúc, gây nên choáng váng. Hóa ra chiến tranh thật sự đã quá lâu, gần ba mươi năm máu lửa tràn ngập, tác động tiêu hủy lên bao nhiêu thế hệ. Đứa trẻ trong đoạn phim giờ này đã lớn, chắc rằng hiện đang lập lại cảnh đời cay nghiệt với lửa đạn có thật ở một nơi nào đó của quê hương. Cuốn phim quay khoảng 1952, 1953, các ngôi đình tan tác trong phim chắc rằng vẫn giữ nguyên hình trạng tang thương vỡ nát đó ở hiện tại, và biết đâu lại không bị suy sụp, hư hao, hủy diệt nhiều hơn... Đau đớn thật, một quê hương đẹp đẽ, đôn hậu hiền hoà như quê hương ta trong ba mươi năm chưa được hưởng trọn một ngày thanh bình!! Chỉ có bóng dáng thường trực của bom đạn, chỉ có ám ảnh hằng hằng của sự chết, chỉ hằng chuẩn bị miên man để chạy loạn, tản cư... Cay đắng quá: Hòa Bình, tiếng gọi linh thiêng mầu nhiệm này sao vẫn còn vắng mặt. Hòa Bình, giấc mơ thiết tha mà toàn khối Việt Nam đang mong tới đã vắng mặt ba mươi năm. Ba mươi năm chiến tranh. Chiến tranh ba mươi năm... Những người Cộng Sản có nhớ điều đau đớn, tan vỡ này không?!!
quehuongngaymai.com

Tân Sơn Hòa chuyển

Bàn ra tán vào (0)

Comment




  • Input symbols

Đi Bắc về Nam

Suốt một tháng nay người cứ căng đầy như quả bóng đến độ chót thể tích, như kẻ nội lực quá thâm hậu mà không phương cách tống ra ngoài. Từ vị thế người


(Trích từ bút ký Tù Binh và Hòa Bình của Phan Nhật Nam)

Suốt một tháng nay người cứ căng đầy như quả bóng đến độ chót thể tích, như kẻ nội lực quá thâm hậu mà không phương cách tống ra ngoài. Từ vị thế người lính tác chiến chuyên nghiệp sau chặng đời dài bỗng dưng được dự phần vào cuộc đấu lặng lẽ quanh chiếc bàn trải thảm xanh, rì rầm máy lạnh, tôi bị bao quanh bởi những sự kiện xảy ra ào ào chớp nhoáng. Sự kiện cũng xảy đến chậm rãi, từ tốn, như những phiên họp sau bốn giờ có thể kết luận một câu: Phiên họp sẽ tái tiếp tục để chờ chỉ thị mới... Trận chiến diễn ra trong căn phòng kín cửa, trải dài từ trại giam Phú Quốc qua Lộc Ninh, Minh Thạnh, Hoài Ân, Tam Quan kéo dài đến bờ bắc Thạch Hãn...

Phải viết. Tôi đắm đuối mê man theo nỗi ao ước được ngồi xuống trong lặng lẽ với cây viết để khởi đầu giòng chữ cuốn bút ký “Tù Binh và Hòa Bình”. Những chi tiết được xếp đặt dần dần thành hệ thống trên những chuyến bay UH1, lúc ngày mới bắt đầu hay trong lúc chiếc trực thăng bốc khỏi phi đạo Lộc Ninh khi trời vừa tắt nắng. Tiết mục, dàn bài, hình ảnh tài liệu chất cứng bận rộn hoài hoài trong trí não, chỉ đợi chờ được cầm cây viết. Nhưng không thể được, tất cả đang diễn tiến, lý do kỹ thuật của công tác, đồng thời ý thức độc lập và sáng suốt cho người cầm bút không thể có được trong thế hỏa mù sôi động nầy. Tôi chờ đợi ngày thứ sáu mươi, chín mươi hay một ngày nào gần đây.

Nhưng hôm nay phải cầm đến cây viết. Chuyến đi Hà Nội như ánh sáng chói lòa rọi thật rõ vào hệ thống ấn tượng dậy nên từ thơ ấu kéo dài theo đời người. Những ấn tượng về một quê hương xưa cũ, nơi lịch sử đã diễn thật dài theo thăng trầm của dân tộc. Hà Nội, đất thánh của tâm linh xao xuyến, gây nên giòng rung động lãng mạn tuyệt vời cho bao nhiêu người làm văn nghệ. Hà Nội, địa danh Việt Nam mà những người lớn và sống dưới vĩ tuyến 17 nghĩ đến như một chốn mơ hồ chỉ có trong trí tưởng.

Thế nhưng tôi đã đến được. Người của miền Nam Việt Nam, lớp tuổi trẻ khôn lớn từ miền Nam đã đến kinh đô cũ miền Bắc. Đến và trở về với tâm trạng não nề băn khoăn thật kỳ lạ. Nỗi xao xuyến không tên, nỗi ray rứt trầm trầm cùng với sự choáng váng dật dờ. Phải ghi lại cảm xúc này... Tôi cầm viết. Viết để tặng quê hương bí nhiệm tan vỡ đó, viết cũng để riêng tặng miền Nam, vùng đất rực rỡ đã nuôi dưỡng tuổi trẻ chúng tôi mà chưa một lần được xưng tụng, miền Nam nơi ân nghĩa chưa được đền đáp và cũng không hề đòi hỏi lời tạ ơn. Tôi cảm thấy có một tội mơ hồ khi máy bay trong chiều tối bỏ mặt biển ép dần vào tay trái. Phía Tây, nơi mặt trời rực rỡ, dải đất đen vùng Long Khánh gập bùng ánh lửa rừng. Đất miền Nam.

Cũng cần nói thêm một điều: Bài viết chỉ là phản ứng cấp thời của tuổi trẻ miền Nam sau chuyến đi, lứa tuổi trẻ có rất nhiều tự do và trung trực, không phải là “công tác” của một thành viên thuộc ban Liên Hợp quân sự kiêm thêm nhiệm vụ “tuyên truyền”. Lời phân trần có vẻ khôi hài đối với dân miền Nam nhưng rất cần thiết đối với người miền Bắc.
Những người đã đọc và “triển khai khẩn trương” tối đa bài viết của Dương Phục và Phạm Huấn với nhiều phê phán khắc khe sai lạc, những người luôn chủ trương “công tác tốt...” cho toàn thể mọi hành vi, lời nói.

Liếc nhìn về phía đất liền, mõm Hải Vân ghi nét đậm trên đường chân trời xám đục. Với tốc độ của máy bay như thế nầy chỉ mười lăm phút nữa tôi vào không phận miền Bắc. Năm 1967, khi dẫn quân lên đến vùng phi quân sự, suốt một đêm dài tôi đã thao thức không ngủ, đợi ngày đến để được nhìn về phương Bắc... Và trong ánh nắng vàng của ngày xưa đó, tôi đã thấy cơn chấn động mãnh liệt khi nhìn bờ cát cong cong chạy từ cửa Tùng lên mãi vào xa xăm, vùng Vĩnh Linh, Đồng Hới. Xúc động của ngày xưa ấy được nâng niu ấp ủ mãi qua một thời gian dài. Đó là tình cảm để kết hợp lại quê hương... Tôi đã viết rất thành thật như thế trong cuốn sách đầu tay. Thế nhưng, hôm nay, trên không phận miền Bắc, qua khung cửa tròn từ phi cơ nhìn giãi cát trắng chạy dài từ Quảng Trị ra Quảng Bình, lòng bình thản thật kỳ lạ. Đã có thay đổi nào trong hồn chăng? Tôi lạ với chính mình. Đang ở trên không phận miền Bắc của quê hương mà sao không có cơn xúc động trong lòng, đang vượt cửa Tùng, đang bay trên Đồng Hới mà sao lòng vẫn tịch nhiên lặng lẽ? Thật lạ, suốt đêm hôm qua đây người vẫn tưởng chừng như vỡ ra vì xúc động được đi Bắc. Giờ này, đất Bắc đây, sao xúc động hôm qua đã biến mất... Tại sao? Suốt tuổi ấu thơ, ngay bây giờ và chắc cũng là mãi mãi cho đến ngày cuối đời, tôi chỉ có một mong ước lớn trong lòng. Đi hết cùng xứ sở, đi tận thước đất chót của quê hương. Đất đai cảnh vật xứ người không gợi trong tôi hứng khởi, không gây niềm cảm khích. Tưởng tượng khi đứng dưới chân tháp Eiffel chắc tôi chỉ có cảm giác vui vui vì trí tò mò được thoả, được biết một cảnh vật, một đồ vật nổi tiếng. Thế thôi, nhưng khi ở trên cao độ hai trăm thước nhìn xuống sông Cái Lớn chảy ra biển ở cửa Rạch Giá. Này đây, tôi không phải chỉ biết chỉ thấy mà tôi sống cùng... Tôi mê đắm, ngất ngất trong cảm xúc cao độ như chiêm nghiệm được vẻ đẹp tối thượng, chứng kiến được một nhiệm mầu... Trên sông Cái Lớn, tôi được sống lại cảnh tượng của tiền nhân khi tay dao, tay gậy, chống con đò mong manh vượt qua sông Tiền, sông Hậu, đến đây nhìn U-Minh trầm trầm, nhìn đại dương mịt mùng và con sông mênh mông đầm đìa sức sống đang lồng lộng chảy vào nội địa... Nơi đất và nước không ranh giới lớp lớp phù sa tràn ra biển, dải rừng đước bạt ngàn với vẻ hoang sơ tối cổ... Không phải chỉ thấy cửa Rạch Giá, mà tôi sống lại cùng toàn thể lịch sử với nỗi bồn chồn thao thức của tiền nhân trong đêm thức dậy bên bờ sông âm âm con nước dâng triều nở lách tách giữa hai hàng lau sậy. Trên cao độ hai trăm thước qua khung cửa kính trực thăng tôi không chỉ thấy biển trở màu thành vàng nghệ vì phù sa nhưng còn nghe đuợc tiếng trống trận uy hùng của người xưa Nguyễn Huệ đuổi quân Xiêm qua ngọn sóng bạc đầu, ánh cờ đào phần phật lộng gió trên mặt nước lộng phù sa. Thế nên thật lạ với cảm giác bình yên khi qua sông Mã, khi qua Ninh Bình, khi bay trên đất Bắc... Có gì đã thay đổi với hôm qua. Tại sao??

Máy bay lượn trên những đồng ruộng ngập nước, bờ đê, cây liễu và mây mù, cảnh vật đồng quê miền Bắc, mang vẻ lặng lờ kém sinh động khác ruộng đồng miền Nam, thiếu hình ảnh lũy tre, thực vật căn bản của dân tộc. Bình thản vẫn bằng bặt trong lòng. Lạ thật... Máy bay xuống dần.
Tôi xòe tay hứng những hạt mưa nhỏ, mưa phùn mùa Xuân miền Bắc là đây, hạt mưa quá nhỏ phải một khoảng lâu mới đủ thấm ướt bàn tay. Một đám đông đứng đợi ở phi trường với áo mưa màu ô liu hoặc nâu lặng lẽ nhìn chúng tôi tiến đến. Tôi bước tiếp theo Trung Tá Tuấn Anh, viên sĩ quan Bắc Việt có nhiệm vụ hướng dẫn phái đoàn Liên Hợp. Thoáng lo âu nghĩ rằng nhỡ đám đông kia ào tới đánh hội đồng để trả đũa vụ lính Bắc Việt bị dân chúng đả thương ở Huế thì sao? Yếu tố cụ thể cho ý nghĩ này là những viên sĩ quan Bắc Việt bị thương cùng đi chung chuyến bay vừa được đưa vào phi cảng. Kệ nó, bao nhiêu năm lính chết chưa ngán huống gì đám người kia, đã vào Lộc Ninh, Minh Thạnh cũng chỉ có mỗi mình, hơn nữa người cộng sản đâu có nổi hứng bất tử, cái gì cũng có học tập, kiểm thảo, đả thông, đây lại là giai đoạn hòa hợp, hòa giải... Sức mấy nổi hứng đánh ẩu được...

Kiểm soát lại tất cả phản ứng và cảm xúc, thấy một điều. Tôi thản nhiên đến độ lạ lùng. Vì chỉ vài năm xa cách Huế, khi trở lại nhìn từ độ cao, đầm Cầu Hai bủa sóng, lòng đã dậy nôn nao, huống hồ khi trong ánh nắng chiều bay dọc phá Tam Giang, trên làn hơi khói sóng, trên những con sông xanh thẩm lững lờ lá tre già vùng Dưỡng Nong, Niêm Phò. Lòng lúc ấy là cơn phong ba yên lặng vì nhìn thấy quê hương điêu linh lặng lẽ đến uy nghi. Cũng cảm giác náo động đó khi từ đồn điền Xa Cam nhìn vào An Lộc đang nằm trong hơi khói pháo binh. Thế tại sao Hà Nội đằng kia, Hà Nội ở đây, rõ rệt như mưa làm mát mặt, đọng trên mi, phủ trên áo, Hà Nội mùa xuân mưa bụi là đây sao lòng cứ vẫn lặng lờ... Lạ lùng không giải thích. Không lạ lùng sao được, bởi tối hôm qua, ngay hôm kia những ngày được biết chuyến đi chắc chắn được thực hiện không thể bị phục kích tại phút chót như hai chuyến đi ngày 12, 18-2, tôi đã nôn nao quay quắt, đã đứng ngồi không yên, đã hụt hơi nín thở, khi nghĩ đến giờ qua, phút tới để được sát thêm, gần thêm Hà Nội, chốn mơ hồ chỉ có trong trí tưởng...

Chùa Trấn Quốc ở đây nhá... Trấn Quốc chùa xưa(?) đã dãi dầu. Chạnh lòng cố quốc... đấy mà. Anh chàng Đằng Giao vừa vẽ bản đồ vừa ghi rõ từng vị trí đặc biệt của Hà Nội. Đây là phủ Toàn Quyền, đây chợ Hôm... Chỗ ngả tư nầy là khách sạn Hoà Bình mà thằng Phục nói, đằng sau kia có vườn hoa con Cóc... Nhớ nhé, nhớ liếc cái số nhà 102 hộ tao, nhà nầy tôi ở cho đến ngày di cư, tôi còn bà dì ở đó, ông liếc vào xem coi có người nào không, chắc chắn gì ông cũng được đi qua đường đó, bà dì tôi và mẹ tôi giống nhau như hệt, nếu thấy được, ông biết ngay là dì tôi liền!!! Tôi lẩm bẩm từng đống địa chỉ, 102, 115, ở phố X.35, 19 ở phố Y, gần chục địa chỉ với những cảm xúc nồng nhiệt đã được trao cho tôi bằng lời dặn dò như kèm theo tiếng khóc bị nén.

Tôi đã sống hai ngày trong lửa cháy trước khi bước chân đến Hà Nội. Thế nhưng sao hôm nay, ngày biến cố, ngày mong đợi, ngày được sờ trên tay hơi ẩm ướt của cái mát phơn phớt giọt mưa bụi đầu xuân Hà Nội, kinh đô văn hoá dân tộc, trung tâm điểm của lối sống phong cách hào hoa không làm tôi xúc động. Nỗi nôn nao của ngày hôm qua, đêm vừa rồi đã biến mất, biến hẳn, nhường lại cho tâm tư lặng lẽ cứng cỏi. Ngồi xuống chiếc ghế, nâng ly bia không đá, nhớ lại tất cả những lời của Phạm Huấn và Dương Phục, tôi sửa soạn lâm chiến với bước đầu chiến dịch nụ cườis. Những suy tính phảng phất nét tàn nhẫn hiện rõ trong lòng. Tôi chợt hiểu... Thái độ lặng lẽ bình thản có suy tính nầy chỉ là một cách thủ thế, phương pháp tự bảo vệ. Hơn tháng qua tôi đã qua bao nhiêu lần bị tấn công, tấn công có kèm nụ cười, tấn công chớp nhoáng sau cái bắt tay nồng nhiệt, tấn công bất thình lình trong những câu chuyện trên trời dưới biển đột nhiên tát vào mặt như bị ném một nắm kim tẩm thuốc độc.
- Anh người ở đâu? Bố mẹ còn không? Một anh chàng dáng dấp nhã nhặn thân mật hỏi tôi
- Vâng tôi người Quảng Bình!!
- Ấy, quê hương anh anh hùng lắm đấy nhé, có ông Võ Nguyên Giáp nầy... nhưng nát bét cả rồi, bảy tấn B52 đấy. Nát bét...

Chưởng đầu tiên tôi hứng phải được đánh ra một cách lẹ làng như thế. May quá, nói láo là “nghề của chàng” nên tôi phản ứng kịp:
- Thật ra tôi người Huế, ở Bãi Dâu nơi mà các anh chôn người hôm Tết Mậu Thân!!! Lần nầy cũng tương tự như khi vừa cầm ly bia ở bờ bắc sông Thạch Hãn, khi vừa mới hớp ngụm cà phê ở Minh Thạnh, Chơn Thành... Một tháng qua bao nhiêu giờ trong phòng họp, trên máy bay, nơi địa điểm trao trả đã dạy cho tôi một điều: Không thể hớ một chữ, thua một câu, nhường một việc với người cộng sản... Vì tất cả đều có mạch lạc, liên kết chặt chẽ với nhau vào trong một hệ thống.
Toán phục dịch tiếp đón, toán phóng viên nhiếp ảnh đã được phân công, phối hợp và bố trí các câu hỏi, phương thức chụp hình đến độ hoàn hảo, mỗi người có mỗi công việc, có mỗi mục tiêu, một số câu hỏi, một số câu trả lời đã được học thuộc lòng. Tôi không nói quá lời, vì như khi ở Thạch Hãn, Quảng Trị vừa cười cười nói nói với nhau, sau hớp bia thứ nhất, viên thiếu tá chính trị, viên trung đoàn 102 đã “công tác” ngay. Hôm nay chúng ta được ngồi uống bia Trúc Bạch với nhau là do Hiệp Định Ba Lê trong tinh thần hoà giải dân tộc và vì thế chúng ta là người Việt Nam được quyền đi bất cứ chỗ nào!! Ý anh chàng này muốn nói đến điều 1 Hiệp Định (theo quan điểm cộng sản) là nước Việt Nam thống nhất, bất khả phân, nghĩa là Bắc Việt có quyền điều động quân, vật dụng chiến tranh vào giúp nhân dân miền Nam, mà nhân dân miền Nam có đại diện chính thức, duy nhất là Mặt Trận Giải Phóng!! Ở Thạch Hãn đã “khẩn trương công tác” như thế huống gì ở đây, Hà Nội cái “ổ” của thủ đoạn, nơi không có tình thương, chỉ có “công tác”. Lòng bình thản chỉ là một cách giữ thân.

Xin lỗi đất Bắc, xin lỗi Hà Nội, tôi đã đến cùng với tâm tư quá tỉnh táo pha chút khắc nghiệt, nhưng biết làm sao khi “đề cao cảnh giác” quả tình phải là một tính chất cốt yếu khi đến cùng người cộng sản.
Mưa bụi bám vào lớp áo nhung của người đàn bà làm mướt lớp tuyết bên ngoài, trông đẹp vô tả. Ông Hoàng Hải Thủy đã “tán” mưa Hà Nội như thế. Sáng hôm nay ở phi trường Gia Lâm không có đàn bà, thiếu nữ mặc áo nhung, chỉ có những người con gái mặc áo cộc, quần đen, mang dép nhựa hướng dẫn đám phóng viên Đông Âu chạy hối hả trên phi đạo.

Xe qua cầu Long Biên, chiếc cầu bằng sắt, lót gỗ, đường rầy xe hỏa ở giữa, hai bên lối đi bộ nhỏ khoảng một thước rộng. Khung cầu màu đen nặng nề han rỉ, được gắn đầy cờ đỏ của ngày khánh thành sau khi vừa sửa chữa hoàn tất. Cờ được gắn san sát suốt trên hai cây số chiều dài với khẩu hiệu có những ngữ từ ngúc ngắc nghe lạ lạ như đội làm cầu... công tác tốt Chiếc xe chạy rì rì phát ra chấn động làm lùng bùng lỗ tai. Tôi váng vất khó chịu, nhìn xuống lòng sông cạn đáy mênh mông dằn vặt trong sương mù... Tôi đang đi qua cầu Long Biên, đang đi trên sông Hồng, địa danh muôn thuở huyền hoặc là đây nhưng sao lòng vẫn nặng trì trợm, vắng mặt hẵn những cảm xúc ngây ngất như khi xuống đèo Cả, nhìn lên đỉnh Vọng Phu, tượng đá hiển hiện trên bầu trời làm rợn trên da những gai nhỏ. Con sông lịch sử ở dưới chân thấp thoáng mù sương lẫn khuất cuối chân trời qua cửa kính lấm chấm mưa đối với tôi như là cảnh chết của một giòng nước lặng lờ thụ động. Ấn tượng con sông hùng vĩ đỏ ngầu cuộn dưới chân đê từng đợt sóng bạc và gió thổi mạnh trên làn nước mông mênh gây nên bởi không khí tiểu thuyết của Nhất Linh, Khái Hưng hoàn toàn khác xa với thực tế và cảm giác bây giờ. Giòng sông cạn đáy trơ lớp đất xám đỏ, mặt nước yên lặng không khác Trà Khúc của miền Nam, nhưng kém hẳn cường lực của giòng Cửu Long khi chạy qua Rạch Miểu, Mỹ Thuận, bốc lên thứ khói sương mờ mờ rung rinh qua ánh nắng. Thật ra cũng không phải vậy, ấn tượng rực rỡ về sông Hồng bị công phá không vì lưu lượng nước thấp, nhưng vì khối không khí thụ động bao trùm giòng sông và vẻ nặng nề đe dọa của rừng cờ đỏ máu, hai đối tính gây nên đổ vỡ bất cân xứng. Nhiều cờ quá, nhiều khẩu hiệu quá nên thiên nhiên vốn thụ động càng bị xóa tan, lấn át. Con sông lịch sử uy nghi trong ấn tượng sáng nay bị lấp dưới rừng cờ cùng khẩu hiệu tăng năng xuất lao động.

Xe chạy chậm, quá chậm, tai bị ù hẳn, không khí trong lòng xe khô rốc, người tài xế ấn còi liên tiếp. Trước đầu xe, hai ba người dân đang đẩy chiếc xe hai bánh lỏng chỏng vật dụng loay quay tìm lối tránh, bên cạnh chiếc xe nầy người lính chở đứa bé gái trên chiếc xe đạp đang lúng túng dừng lại vì bị ép giữa hai khối lớn. Người lính dừng lại, bế đứa gái lên bờ lề của người đi bộ, xong hối hả nâng chiếc xe lên theo. Sau khi đứng yên được ở vị thế chắc chắn, người lính và đứa bé nhìn lên chiếc xe chở chúng tôi. Đó là một người đàn ông đã quá bốn mươi tuổi, khuôn mặt gầy, lưỡng quyền cùng đôi mắt nổi lên quá độ, khuôn mặt đặc biệt của dân quê miền Bắc với răng cửa hơi hô ra, má hóp, đôi mắt võ vàng chịu đựng. Người đàn ông dù với bộ đồ ka-ki và cái nón cối có vẻ trái ngược với hình ảnh điển hình của ngưòi chiến sĩ nhân dân, thành phần tiền phong xây dựng chủ nghĩa xã hội thể hiện qua dãy biểu ngữ mang danh từ sắt đá. Vẫn biết người cộng sản đã hình thành được một quân đội nhân dân trong tập hợp xã hội, người lính chỉ là một cán bộ như cán bộ nhà máy điện, cán bộ hợp tác xã rau, cán bộ làm cầu... Người lính chỉ được phân biệt qua đồng phục. Nhưng với ý niệm của một người miền Nam, tôi nghĩ, người lính miền Bắc dù đã đồng hóa vào cùng xã hội nhưng họ vẫn là biểu tượng cụ thể chính yếu cho chế độ, rõ ràng hơn là chế độ đang nuôi dưỡng và dành các quyền ưu đãi vật chất to lớn cho họ, thành phần trực tiếp gánh vác chiến tranh, họ phải là biểu tượng lớn cho ngưỡng mộ của toàn dân. Nên ở đây, những tiếng còi thúc dục của người tài xế, đôi mắt võ vàng chịu đựng trên khuôn mặt lo âu thống khổ của người lính giữa một vùng sương mù bốc lên từ khói sông lẫn cùng làn mưa bụi gây trong tôi một xúc cảm ngậm ngùi... Nhớ đến những người lính địa phương quân ở Long An buổi chiều sau cuộc hành quân tuần tiểu, ngồi câu cá ở chân cầu với vẻ bình yên khoáng đạt; hình ảnh người lính nhân dân của miền Nam tuy chưa được hình tượng hóa, nhưng người lính địa phương quân đó đã thành hình và vững mạnh dần cùng với miền Nam bằng tất cả sung mãn tinh thần và vật chất.

Tôi đi qua sông Hồng trong bầu trời mưa giăng bụi nhưng lòng trống vắng cảm xúc ngây ngất, chỉ thấy tràn đầy phẫn nộ im lặng. Đứa bé con người lính đội một chiếc nón cối bằng lá gồi, loại nón của những năm 1950, trong vùng Nam, Ngãi, Bình, Phú... Hôm nay ngày đầu xuân, trời còn lạnh nhưng người dân không ai mặc áo ấm, dù là đứa trẻ. Tưởng tượng cảnh đoàn người lầm lũi đi trên chiếc cầu nầy trong mùa đông khi mưa lớn nước dâng cao và gió bão... Với cảm giác bị canh chừng từ khi xuống phi trường lại vây cứng thêm không khí u uất trên cầu Long Biên gây nên bởi rừng cờ rực đỏ, tôi đi vào Hà Nội, trái tim văn hóa Việt Nam, quê hương lãng mạng và mơ mộng với cảm xúc mới thành hình. Sự não nề tăng dần cường độ. Não nề, tôi tựa vào tỉnh từ nầy để gọi tên trạng thái tinh thần, mà ảnh hưởng còn đến hôm nay khi cầm cây bút, năm ngày sau khi rời Hà Nội, lúc liếc nhìn lại tấm ảnh, lúc bưng bát cơm. Tâm tư không yên ổn của buổi sáng mai kia còn nguyên hiển hiện.

Não nề, không thể còn một tỉnh từ nào gọi nên đủ cường độ và tính chất hơn thế nữa. Xe đi hết cầu Long Biên đổ xuống một con dốc, leo lên một con dốc khác, ga hàng Đậu hay hàng Cỏ, tôi cũng chẳng cần để ý. Tờ bản đồ của Đằng Giao trong túi, chỉ cần kéo ra là đủ theo dõi, nhưng tôi mệt, mệt thật sự. Những rộn rã nao nức tối hôm qua, ngày hôm kia, tháng trước mất hẳn, nhường chỗ cho cảm giác mệt. Mệt và muốn trở về Nam. Phải, tôi muốn trở về Nam ngay ở nơi ngã ba có mũi tên chỉ hai hướng Hà Nội - Hà Bắc (chắc là Hà Đông, Bắc Ninh) cách trung tâm Hà Nội bốn cây số. Cách trung tâm Hà Nội bốn cây số, người đàn bà trong lúc mưa nặng hạt chỉ phong phanh một mảnh vải nhựa che thân, chân trần dẫn xe đạp đi lên con đường dốc ngược. Trên nóc nhà ga treo một khẩu hiệu lớn “Đời đời nhớ ơn Hồ Chủ Tịch”... Nhớ ơn Hồ Chủ Tịch; Kissinger cùng Lê Đức Thọ có đi ngang qua chốn này trong cuộc viếng thăm tháng trước chăng? Ông Hồ Chí Minh đã được nhớ ơn vì người Mỹ chỉ “giới hạn” đánh bom từ Gia Lâm đến Long Biên, được nhớ ơn vì người đàn bà miền Bắc được đi xe đạp “trang bị” thêm mảnh ni-lông che mưa gió sau hai mươi năm chiến thắng Điện Biên xây dựng Xã hội chủ nghĩa. Người đàn bà trên đường vào Hà Nội, cách thủ đô bốn cây số đường trải nhựa từ thời thuộc địa. Chiếc xe Prefect hướng dẫn đoàn xe chúng tôi bị hỏng, sẵn dịp tôi chụp bức hình “quán nước” Hà Nội gồm một chiếc bàn gỗ tạp, cao khoảng ba tấc chung quanh có những chiếc đòn nhỏ sát mặt đất, trên bàn vài gói giấy trắng chắc hẳn là thuốc lào hay thuốc lá lẻ, ấm nước lớn để giữa bàn. Bên cạnh “quán nước” là tiệm hớt tóc, dưới mái hiên dột nát một thiếu nữ đang hớt tóc cho em nhỏ. Tôi tưởng chừng như cảnh không thật, bây giờ là năm 1973, năm người Mỹ chấm dứt chương trình Apollo, các bà Gandhi, Golda Meir cầm quyền quốc gia không thua kém một đồng nghiệp phái nam trên toàn thế giới, rõ rệt hơn “ngoại trưởng” Nguyễn Thị Bình ở Paris mỗi ngày mỗi gây chú ý bởi tác phong cách mạng vô sản rất “văn minh” không loạt choạc với trào lưu của kinh đô ánh sáng. Nhưng ở tại cây số bốn trên đường đến Hà Nội, người thiếu nữ của miền Bắc, biểu tượng của ba đảm đang, ba sẵn sàng, có dáng dấp, y phục của những nữ cán bộ vùng Bình Định, Quảng Ngãi ở giai đoạn trước 1954... Dáng dấp thanh lịch đài các của thiếu nữ Hà Nội bị mất hẳn, bị xóa sạch để cầm chiếc tông-đơ đè xuống đầu em nhỏ ngồi trên chiếc ghế gỗ cũ, cũ bằng hoặc hơn thời gian chủ nghĩa xã hội thành hình ở miền Bắc. Phải chăng đây là đường hướng tiến bộ từ tâm thức Hồ Chủ Tịch và ông đã được nhớ ơn bởi thành quả đó?

Xe tiếp tục chạy qua cửa Bắc nơi Hoàng Diệu tự vận để giữ tròn tiết tháo, một tấm bảng đặt dưới chân cổng thành ghi hàng chữ “ Nơi đây dấu vết quả đạn đại bác của quân Pháp ”... Tôi đọc không kịp nên cũng không biết có đúng nội dung trên không, nhưng đại ý là như vậy. Hàng chữ nhắc người Việt Nam luôn nhớ đến mối thù với người Pháp để luôn giữ độc lập tinh thần. Hội nghị Ba Lê mà người cộng sản coi là một thắng lợi lịch sử đang tiếp tục những phiên họp ủy ban bàn việc viện trợ cho miền Bắc và âm hưởng Trung Hoa hình như bao trùm lên tất cả tiết tấu những bài hát tôi đã nghe ở bờ Thạch Hãn tuần rồi chập chờn vang dội đâu đây. Đã tan vỡ rồi Hà Nội... Tôi nghe như tiếng nói chính mình vì viên sĩ quan đi cùng, Đại Úy Tuyển cứ lẩm bẩm: Chẳng có gì thay đổi... Y hệt như hôm qua, tất cả như tranh cũ, như ý niệm. Cũng những ngôi nhà khang trang của phố cửa Bắc, hàng cây xanh, lề đường im bóng mát và sương mờ giăng cuối phố trong tàng cây. Buổi sáng mùa xuân có đủ tất cả yên tĩnh thơ mộng và Hà Nội không mất một gốc cây, không vỡ một viên gạch lề đường; nơi mà Thanh Tâm Tuyền đã di chân qua trước giờ rời Hà Nội hai mươi năm trước chắc giờ nầy vẫn còn nguyên, nhưng sao thành phố lại gây thê thảm não nề đến thế này. Thành phố đông người sao thấy quá vắng, phải chăng vì người mặt đồng phục nhiều quá, màu xanh ô-liu lấn át hẳn màu trắng xám và xanh nhạt. Màu ô-liu, màu của lính, của tập thể, màu của biểu tình, hội họp, màu của đồng nhất im lặng và kỹ luật lạnh lẽo. Tan vỡ rồi, Hà Nội... Trên lề đường không vang dội tiếng guốc vì đế dép plastic lướt đi vội vã, xe điện qua không nghe hồi còi leng keng rộn rã như trong văn chương của Hoàng Hải Thủy, Nguyễn Đình Toàn... Phải chăng xe chạy đúng giờ, người dân quá kỹ luật nên tiếng xe reo vui, đặc thù của Hà Hội không còn cần thiết? Hay chuông reo cũng giảm mất một phần năng xuất điện? Tôi đi giữa lòng Hà Nội mưa bay không thấy phố phường, không thấy người, chỉ thấy thê thiết não nề dồn lên hơi thở. Trần Dần năm xưa thất vọng vì màu cờ đỏ quá mạnh lấn át hẳn cảnh sắc Hà Nội, tôi hôm nay đi trong lòng Hà Nội với đe dọa trùng điệp, cảnh giác thường xuyên và trong không khí đồng nhất quái dị... Hà Nội thiêng liêng bí nhiệm vẫn còn nguyên hè xưa phố cũ nhưng đã tan vỡ đến đáy sững sờ... Phải chăng đây là Hà Nội? Câu hỏi vang vọng tột độ đớn đau...

Hỏa lò, tòa nhà xám xây bằng đá, phòng họp nước trà đặc và thuốc lá khô... Giọng viên đại úy chỉ huy trưởng trại vang vang hách dịch, giọng Quảng Nam chắc nịch gằn từng tiếng một. Viên thiếu úy thông dịch cao lớn, đôi mắt dữ dội cay nghiệt, không khí trại giam đầy đủ và toàn hảo. Lại thêm màn bỏ quên chìa khoá để rút ngắn thời gian tiếp xúc tù binh. Tất cả màn kịch quen thuộc có đủ hết những gút thắt và mở. Tôi đi qua sân bóng chuyền, chiếc lưới quá mới, phải chăng vì mới giăng nên chưa kịp ẩm ướt mặc dù mưa bụi suốt ngày. Những cửa sổ trên cao thấp thoáng tù binh Mỹ, những khuôn mặt gầy, ánh mắt xao xuyến. Rất thành thực, tôi đưa tay ngoắc và nói lớn với cảm xúc được nén xuống “Cảm ơn, và chào các anh”... Có những ánh mắt rưng rưng nhìn lại. Tù binh, sinh vật tội nghiệp nhất của chiến tranh, món quà thê thảm của hoà bình. Hello Friends!! Tôi chào họ lần nữa. Máy ảnh hết phim, chẳng cần thay. Trung tâm Hỏa Lò, một đề tài hấp dẫn để làm phóng sự. Tôi không phải một phóng viên đúng nghĩa. Buồn thật.

Đã qua một đoạn viết về Hà Nội, trong lòng có hai phản ứng trái ngược. Tôi có nhìn Hà Nội với nhãn quan độc lập, trung trực hay chỉ vì thiên kiến do ý thức “quốc gia” cụ thể qua tấm áo lính nên đã “bóp méo” Hà Nội để gây nên tác dụng “tuyên truyền”? Thật sự đến lúc nầy, ngày thứ năm của giờ rời Hà Nội, cảm giác não nề, lãng đãng vẫn còn đầy ứ... Tôi vẫn bị lao đao với câu hỏi sững sờ: Hà Nội là thế sao? Vùng đất thánh văn hoá, nơi chỉ cách Sài Gòn ba giờ bay có thể nằm ngoài hẳn mọi ý niệm, lạ lùng đến thế được sao? Cố gắng phân tích, cố gắng bình thản viết lại sau đây những hình ảnh để cụ thể hóa cơn náo loạn tinh thần đó, tôi muốn được viết trung thực về vỡ nát ấn tượng Hà Nội... Bữa ăn ở khách sạn Hoà Bình tức là khách sạn Splendide cũ, nơi có cái cửa kính xoay, biểu tượng văn minh xa xưa cũ của Hà Nội. Hai mươi năm đi qua chiếc cửa vẫn còn đó, lớp kiếng mờ, thớ gỗ lạnh, Hà Nội không một vết nhỏ thay đổi những nơi tôi đi qua. Khách sạn kiến trúc theo lối Pháp, tường dày, nhiều cửa kính theo kiểu Majestic Sài Gòn nhưng bé hơn chỉ bằng khoảng một phần sáu, tường vàng lạnh trống trải hình như vừa quét lại, phòng ăn nơi cửa ra vào được che bởi một tấm màn vải phin màu xanh nhạt, tấm màn cửa mới cứng đơ nếp hồ. Hai két bia Trúc Bạch để ở góc phòng, thực đơn gồm những món ăn thông dụng của người Bắc, giò lụa, chả quế, thịt bò tái và cơm tám thơm. Thức ăn thường nhưng đậm đà và ngon, vị ngọt của miếng thịt bò, lát chả gây xúc cảm... Con gà ngoài Bắc ta... Hoài niệm 12 tháng của nhà văn Vũ Bằng bây giờ mới được hiểu hết cường độ xót xa. Thổ ngơi, tình tự gợi nên từ bờ tre, đáy giếng, tiếng gà eo óc dưới những cây soan gầy guộc mờ nhạt trong mù sương của miền Bắc hình như vẫn được tồn tại qua miếng chả quế tuy không tinh xảo bằng lát chả Sài Gòn nhưng thoang thoảng hương thơm thuần nhất của thớ thịt, thảo mộc quý cách. Chủ nghĩa xã hội đã “vô tính hóa” người và cảnh Hà Nội, nhưng vẫn không có hiệu lực đối với cảm tính muôn đời của dân tộc. Bàn tay nào đã rãi những hạt cơm thừa nuôi loài gia súc, giả mạnh cái chầy để tạo nên thức ăn ý hẳn vẫn còn nguyên tính chất tư hữu tài hoa của chốn quê hương tan vỡ này. Ý nghĩ lãng đãng, bức tường nhà ăn lạnh cóng, những người phục dịch lúng túng vội vã, nâng niu từng dĩa thức ăn gây nên cảm xúc lạ. Tôi đã ăn những thức ăn quý giá, kết quả sau bao nỗ lực cần mẫn của người dân miền Bắc. Miếng ăn ngon như nghẹn ở cổ khó khăn vô cùng để gắp thêm một lần thứ hai.

Bữa ăn xong, tôi mời người thiếu nữ tiếp đãi chụp chung tấm hình. Hai anh sĩ quan Bắc Việt không bỏ cơ hội đứng vào luôn. Có đám đông đứng ở bên đường nhìn vào. Không lẽ chính trị viên Bắc Biệt lại bỏ mất cơ hội “tiếp thu tinh thần hòa giải” cụ thể như thế nầy sao? Lúc nào cũng “công tác tốt” được. Sống thật phiền!!

Lại lên xe, di chuyển từ khách sạn ra phố chính (Tràng Tiền, phố Huế, Hàng Ngang, hàng Gai, hàng Đào) xe chạy thật nhanh giữa thành phố đông người với tiếng còi dồn dập, thúc bách... Máy hình chụp liên tiếp, xe điện, ngã tư đường xuôi xuống nhà Hát lớn, nhà Bách Hóa, rạp chớp bóng, tiệm may. Mặc cho xe chạy đảo điên xô đẩy, tôi mê man theo từng mỗi thước đất đi qua. Đang ở giữa trái tim Hà Nội... Những bức hình lịch sử, sự thật sẽ được lưu giữ trong giây phút nầy. Anh tài xế cố gắng chạy nhanh để ngăn cản cũng vô hiệu đối với tôi, máy Topcon với ống viễn kính sẽ không phản bội sự thật, xe đi hết đường Trường Thi ép về tay phải, thảm nước xanh lặng lẽ trong trời mù. Hồ Gươm. Rung động dọc sống lưng, những gai nhỏ li ti châm chích trên da thịt. Tôi thấy được những rêu phong trên tháp Rùa, bãi cỏ non, làn nước xanh mờ mờ khói nhạt... Đền Ngọc Sơn khuất sau tàng cây, hàng chữ nho sắc nét, cầu Thê Húc cong cong chập chờn, hình tượng sống động của lịch sử quê hương là đây. Hôm nay tôi hít được mùi nước gây mát của chiếc hồ muôn thuở, hôm nay tôi thấy được nét chữ in sâu đỏ chói não nùng của câu đối trước đền Xã Tắc. Có một gò đất nhỏ ở cổng đền. Phải chăng là núi Nùng? Chắc không phải, núi Nùng cao hơn ở một nơi nào đó. Nhưng cảm giác phơi phới rạo rực sau khi bừng sáng bỗng tắt ngấm lạnh tanh... Tại sao? Tôi thấy lạnh kỳ dị lạ lùng, chóng mặt và ngỡ ngàng. Hồ vắng quá. Đền lạnh quá... Kỳ dị thật, từ cái nhà ba tầng to lớn kia (Tòa Thị Chính cũ) nơi có treo những khẩu hiệu vĩ đại đến chỗ tôi đang đi qua đầy ứ người đi bộ, người lũ lượt hàng hàng lớp lớp, xuôi ngược chen chúc, nhưng sao không nghe tiếng động. Tiếng động thường hằng của thành phố mà chúng ta sống cùng nhưng không cảm thấy, chỉ khi nào mất đi như những hôm cấm đường, đình công, bãi thị, giới nghiêm mới nhận ra. Quái dị, ở đây ban ngày, người đầy ứ mà sao thành phố lặng lẽ một cách kỳ dị; sự lặng lẽ của đám đông trong buổi biểu tình sau khi dứt tiếng hoan hô đả đảo... Chung quanh Hồ Gươm có nỗi im lặng ghê rợn lạ lùng nầy. Người đông nhưng màu áo nhà binh tràn ngập nặng nề che khuất hết vẻ rộn rã. Đông nhưng không nghe tiếng rì rầm sống động của con người di chuyển và đang sống. Quanh Hồ Gươm có đám đông thiếu sức sống của người. Tôi run tay, khó thở, xe lại bít bùng váng vất, gió lùa từ cửa sổ vào thành một luồng gờn gợn, trong đầu lại vang vang câu thơ Trần Dần. Tôi bước đi không thấy phố thấy phường. Hôm nay quanh Hồ Gươm, câu thơ lại mang thêm cường độ công phạt tàn bạo. Tôi nghĩ đến lời thơ được sửa đổi: Tôi bước đi không thấy phố, thấy người... Phải, tôi không được thấy người giữa lòng Hà Nội quanh Hồ Gươm...

Xin ngã mũ chào người cộng sản miền Bắc, các anh đã hơn Nga Sô đã hơn Trung Cộng, một thành phố có sức sống cổ kính dài lâu, mãnh liệt như Hà Nội chỉ sau mười chín năm trở nên thành phố “vô tính”. Các anh đã thành công khi xóa sạch hết biên giới con người, không còn người già người trẻ, không phân biệt thiếu nữ hay thanh niên, không chia loại trí thức và lao động, không cách xa giữa thiếu nhi và người lớn. Tất cả đều được đoàn ngũ hoá, hệ thống hóa, tổng hợp và vô tính hóa... Con người muôn thuở của Hà Nội đã được “bạch hóa” đến cực độ chỉ sau mười chín năm tôi luyện... Ông Karl Marx, Lenin có bao giờ nghĩ đến một hiện thực cộng sản “đỏ” đến thế nầy ở một nước Á Châu không? Và kinh khiếp hơn, Hà Nội vẫn còn nguyên yếu tố thiên nhiên, kiến trúc; còn nguyên đủ hè đường lát gạch, hàng cột điện với ngọn đèn ngày trước, cây sấu xanh, lá bàng dầy, chuyến tàu điện xưa cũ đi về, mặt nước hồ lặng lẽ gợn rung rinh Tháp Rùa rêu phủ... Tất cả còn nguyên, đủ nhưng tại sao Hà Nội lạnh đến kinh khiếp ngỡ ngàng. Thành phố, không khí và con người đã được “bạch hóa” đến độ nầy sao? Câu hỏi biến thành niềm xao xuyến mông mênh kéo dài đến hôm nay. Ngày thứ năm của giờ rời Hà Nội.

Dự khán buổi trao trả tù binh Mỹ, hai anh Thái Lan ngơ ngác giữa một chốn hận thù hỗn độn... Nghĩ đến những nhân vật của Gheorghiu, thấy ánh mắt bừng sáng vui sướng và hy vọng, bước chân đi lại theo động tác cơ bản thao diễn lúng túng, bàn tay run run đặt cái chào đúng thế của những người tù vừa được trở lại vị thế người lính... Cảm xúc đầy ứ làm nóng mắt. Bỏ qua những dự tính chiến lược và chính trị, người lính trong chiến tranh, bất kể quốc tịch và cấp bậc vẫn là kẻ gánh hết thống khổ điêu linh. Người tù, kẻ ở đáy cuối cuộc đời gió bão. Đi theo một toán tù binh Mỹ đến sát đuôi chiếc C141, người nữ y tá hôn nồng nàn mỗi người trở về... Thấy thương người, thương đời, trạnh nhớ tù binh ta, tù binh cộng sản... Có những xa cách và khác biệt nào? Cảnh phất cờ khởi loạn ở bờ sông Thạch Hãn của tù binh cộng sản lại ám ảnh trong lòng. Thù hận vì ý thức hệ có thể là một tính chất căn bản được chăng?

Cũng chẳng muốn đấu trí, đấu khẩu, nhưng những phóng viên trẻ tuổi Đông Âu cứ bao quanh rốt cuộc phải đi đường nói láo.
- Tôi và người này (Tôi chỉ vào anh chàng có nhiệm vụ theo tôi, một phóng viên Bắc Việt) là bạn học cũ!!!
- Thật không?
- Thật...
- Đại úy cho biết ý kiến về B52?
- Anh bao nhiêu tuổi?
- Hai mươi lăm.
- Hai mươi lăm quá trẻ, anh phải đợi vài năm nữa mới hiểu được Việt Nam. Anh chưa có khả năng phân biệt tiếng nói của tôi (người Trung) và anh này (phóng viên cộng sản người Bắc) làm sao anh hiểu được diễn tiến chính trị Việt Nam. Không phải lỗi anh, chỉ vì anh quá trẻ so với chiến tranh này. Chỉ nói thế cũng thấy mệt, thấy thừa. Đi lòng vòng ở sân bay chụp hình loạn xạ cốt đợi giờ về.

Buổi trao trả xong, anh phóng viên áo trắng, (cũng chẳng cần hỏi tên) người bám sát tôi từ sáng, kéo riêng ra một góc để ngồi nói chuyện tâm tình. Nghe có tiếng cười mĩa mai im lặng trong lòng. Một tháng rồi, tôi đã qua bao nhiêu lần “nhất trí”, hoà giải... để kết thúc với “B-52”. Bây giờ thì cũng thế thôi. Ngồi xuống cỏ, mời thuốc lá và lại bắt tay: Anh Nam bao nhiêu tuổi? Người vùng nào? Liếc nhìn sau lưng: Một ống Micro-phone đang ở vị thế thâu... Chán thật! Tôi nổi cáu:
- Đây này, tôi cũng có một máy thâu tối tân hơn máy anh không cần micro, để trong túi bật cái nút là thâu rõ hết trơn... Tôi không phải là nhà báo nhưng cũng chẳng lạ gì nghề này, các anh cất máy đi... Tôi sẽ nói chuyện miền Nam trên tư cách là người trẻ, người lính miền Nam...
Bị bắt gặp tại trận, anh “bạn tâm tình” phải dấu cái micro. Không có sự thẹn thùng và liêm sĩ trí thức của một người bị bắt gặp làm việc lén lút. Nản đến tận cổ, ê chề đầy cứng người, nhưng cũng gắng “thuyết trình” hết bài báo chí tự do miền Nam, dẫn chứng bằng tờ Sóng Thần ngày 3-3-1973 có hình ảnh người Huế biểu tình ở Bãi Dâu và hồi ký của hồi chánh viên Nguyễn Anh Tuấn. Nói cũng “ngon” như bình thường nhưng biết rằng sẽ vô ích. Bức tường đá cố chấp không kẽ hở sẽ không để sự thật đi vào. Sau lưng lại thấy dí dí một cái micro khác... Đ.m... Muốn chưởi thề một tiếng thật lớn...

Ngồi đợi máy bay quay cánh quạt để dọt. Tôi nhớ Ngã Năm, Ngã Sáu Sài Gòn, đường Trương Minh Giảng, Lê Văn Duyệt giờ này đang tan sở... Mùi xăng, hơi nắng, hơi nhựa hừng hực, nhưng cảnh “địa ngục” dơ bẩn của Sài Gòn mới xa một ngày sao đã thấy vạn phần thương nhớ trong không khí tịch mịch u uất nơi sân bay Gia Lâm bắt đầu mù hơi lạnh khi trời về chiều... Miền Nam, ban đêm các quán cóc lù mù ánh đèn bán khô cá thiều, cá mực bỗng nhiên hóa thành từng chuổi kim cương kết tủa long lanh. Tôi nghe hơi gió Sài Gòn ban đêm, tôi thấy ánh nắng Sài Gòn ban ngày, tôi tưởng hít được mùi tanh tanh mốc mốc vùng bến Chương Dương, Vân Đồn. Cảnh dẫu nghèo, dơ cũng là cảnh người, cảnh có sức sống. Sài Gòn, hỗn độn, nóng bức, khô khan bắt đầu từ giờ đây là quê hương cuối cùng, quê hương để bó xương, chôn thịt... Chắc chắn phải là như thế. Bao năm sống ở miền Nam cứ nuôi một tâm lý “sống gởi, thác về” không thiết tha, không xưng tụng. Khổ nỗi, nếu xưng tụng thì mang tiếng “văn nô”... Nhưng hôm nay tôi phải viết, phải bốc, phải hét to, Sài Gòn, Quê Hương Tự Do cho người, nơi đã từ lâu chỉ có nỗi phũ phàng. Xin lỗi miền Nam quí giá và bao dung, xin lỗi Sài Gòn nồng nhiệt. Tôi đã phụ người quá lâu.

Kéo một nụ cười nhạt thếch vì máy bay đã quay cánh quạt mà Trung Tá Bùi Tín còn “công tác” với giọng thân mật...: Nam thấy mấy chiếc Mig kia không? Hạ mấy trăm thằng Mỹ rồi đó! May quá, cánh quạt quá ồn để không cho anh ta nói tiếp về B-52!
Bay cao, hãy bay cao hẳn lên, chẳng cần quay lại nhìn sông Hồng, sông Đuống... Bay thật cao và nhanh, qua đèo Ngang, qua Đồng Hới thật nhanh để đưa tôi về miền Nam... Phía tây ánh mặt trời đỏ ối từ từ chìm dần vào bóng đêm, tầu ép tay trái vào đất liền, ánh lửa vùng Long Khánh chập chờn rực rỡ. Đất miền Nam. Nghe cơn sóng đầm ấm trong lòng vang dội. Tôi về Nam - Miền Nam.

Đọc lại bài viết của năm trước để xét xem đã viết trong một “áp lực” nào không, nhưng cuối cùng vẫn phải nhìn nhận. Tôi đã viết thật đúng, thật trung trực, tôi không thổi phồng sự kiện, không “quốc gia hóa” cái nhìn, cũng không văn chương hoá, bi thảm hóa sự kiện, cảnh sắc và yếu tính của Hà Nội. Sau này, những chuyến đi khác chỉ còn là một công tác bắt buộc, thiếu hào hứng, đầy nhọc mệt và nhàm chán, tuy thế nhưng cũng có một vài đền bù như được đến Văn Miếu, Viện Bảo Tàng nơi tập trung khá đầy đủ các di tích văn hoá do viện Bác Cỗ trước kia sưu tập và các cuộc tìm kiếm sau này của chính quyền miền Bắc. Nhưng chỉ là những vui thích “kỹ thuật”, được thấy và biết thêm nhiều điều để mở rộng kiến thức. Xúc động từ chuyến đi đầu tiên hoàn toàn mất hẳn.

Đọc lại bài viết cũ nhân dịp xem một đoạn phim quay tại Hà Nội và miền Bắc hơn hai mươi năm trước. Cuốn phim tuy non yếu về kỹ thuật, hỏng hoàn toàn trên tất cả mọi khía cạnh nhưng quả tình đã giúp cho tôi soi sáng được một phần nào ấn tượng đẹp đẽ về Hà Nội. Dù ống kính đã thu hình Hà Nội với non yếu kỹ thuật và thiếu vắng nghệ thuật, nhưng đoạn phim Kiếp Hoa ấy đã ghi đủ những cảnh sắc và tinh thần Hà Nội... Đó là một nơi chốn tươi mát, hồn hậu và thân mật, những hè đường dầy trầm trầm tiếng guốc, bờ hồ thẩm tàng cây, mặt nước loang nắng, hắt hơi mát lạnh xanh xao lên lớp vỏ cây dịu dàng, và những “người Hà Nội” thanh nhã chậm rãi đi lại trên lối nhỏ im bóng lá sinh động hiện thực phẩm tính lịch lãm nhẹ nhàng của thủ đô văn hóa, nơi văn minh Việt Nam đã khai phóng nên thành hình tượng. Tôi nhìn lên màn ảnh, bỏ qua hình ảnh của các tài tử vốn chỉ là đào kép cải lương Bắc Việt, bỏ đi giòng nhạc đệm nặng nhọc, ngớ ngẩn, để chỉ thấy lại một khối Hà Nội rực rỡ trong nắng, để thấy Hà Nội trầm mặc trong mưa, một di sản văn hoá cao quý mà tiền nhân đã gây dựng nên và trao gởi lại... Thấy trên màn ảnh, nhớ lại cảnh sắc của lần đầu tiên đến Hà Nội với cảm giác não nề trên mỗi thước đường đi qua, chồng dần, chồng dần cứng đọng nỗi thất vọng khi nhìn khối dân chúng lặng lẽ dị thường của buổi chiều Chủ Nhật 4-3-1973... Kinh dị thật. Chủ nghĩa Cộng Sản đã đánh gục được tâm chất Việt Nam sâu thẳm ngay tại thủ đô văn hoá miền Bắc. Tôi bàng hoàng với sự thật tàn bạo ghê gớm âm thầm này. Cảm giác của một năm về trước...

Qua đoạn phim cũ, tôi được nhắc nhở thêm một điều. Chiến tranh đã quá lâu trên quê hương. Cảnh tượng của đoàn người tản cư chạy loạn trên đường đê, trên cánh đồng chiêm dù chỉ được đạo diễn dựng nên nghèo nàn, ấu trĩ, vụng về, nhưng bóng dáng những đứa bé Việt Nam ôm tay nãi, đầu đội nón rách, chân trần đi trên con đường quê điêu tàn, gót chân trẻ thơ vội vã tội nghiệp bước lên lớp đất nức nẻ phủ bụi mờ đã như cơn tấn công phũ phàng nhất, đập mạnh vào cảm xúc, gây nên choáng váng. Hóa ra chiến tranh thật sự đã quá lâu, gần ba mươi năm máu lửa tràn ngập, tác động tiêu hủy lên bao nhiêu thế hệ. Đứa trẻ trong đoạn phim giờ này đã lớn, chắc rằng hiện đang lập lại cảnh đời cay nghiệt với lửa đạn có thật ở một nơi nào đó của quê hương. Cuốn phim quay khoảng 1952, 1953, các ngôi đình tan tác trong phim chắc rằng vẫn giữ nguyên hình trạng tang thương vỡ nát đó ở hiện tại, và biết đâu lại không bị suy sụp, hư hao, hủy diệt nhiều hơn... Đau đớn thật, một quê hương đẹp đẽ, đôn hậu hiền hoà như quê hương ta trong ba mươi năm chưa được hưởng trọn một ngày thanh bình!! Chỉ có bóng dáng thường trực của bom đạn, chỉ có ám ảnh hằng hằng của sự chết, chỉ hằng chuẩn bị miên man để chạy loạn, tản cư... Cay đắng quá: Hòa Bình, tiếng gọi linh thiêng mầu nhiệm này sao vẫn còn vắng mặt. Hòa Bình, giấc mơ thiết tha mà toàn khối Việt Nam đang mong tới đã vắng mặt ba mươi năm. Ba mươi năm chiến tranh. Chiến tranh ba mươi năm... Những người Cộng Sản có nhớ điều đau đớn, tan vỡ này không?!!
quehuongngaymai.com

Tân Sơn Hòa chuyển

BÀN RA TÁN VÀO

Đề bài :"Tiếng Việt, yêu & ghét" - Lê Hữu ( Trần Văn Giang ghi lại )

'vô hình trung' là nghĩa gì vậy, sao cứ thích dùng, hình như có nghĩa là 'vô tình'

Xem Thêm

Đề bài :TIN CHIẾN SỰ MỚI NHẤT[ CẬP NHẬT NGÀY 20 -5 - 2022 ]

Suu cao,thue nang,nhu yeu pham tang gia.Kinh te eo seo...Vay ma dang Lua van lay tien cua dan tro giup linh tinh.Mo cua bien gioi.Ung ho toi ac truc tiep khi sua luat cho phep trom cuop o muc do <1.000 dollars thi vo toi....Neu vao thoi diem Trump,bon Lua da ho hoan nhu the nao ??? Nhung nguoi bau ban vi chut tu loi ,nghi gi ve dat nuoc ??? Phai chang day khong phai la dat nuoc minh ??? bat qua,lai tro ve que huong cu...Neu vay,ban la thang cho chet ! mien ban !

Xem Thêm

Đề bài :Tin Mới Nhất Về Chiến Sư Ucraina [ CẬP NHẬT NGÀY 14-5-2022 ]

Chung nao moi vet nho cua ho nha Dan da duoc tay xoa trang boc,thi Uk moi co hy vong...ngung chien.Cung vay,ngay nao ma cac cong ty ,co goc gac tu cac dang bac nu luu-anh hao cua khoi tu do va ong chief police va dang Lua thi moi giai xong phuong trinh tau cong !

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Hình cũ - Hà Thượng Thủ

Ngắm lại hình xưa chịu mấy ông Những Linh, Tùng, Duẫn với Mười, Đồng Mặt mày ai lại đi hồ hởi Phấn khởi khi Tàu cướp Biển Đông Phải chăng “quý” mặt đã thành mông Con mắt nay đà có nhưng không Nên mới chổng khu vào hải đảo Gia tài gấm vóc của tổ tông?

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm