Sau chuyến thăm Washington của Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang, chủ đề những Việt Kiều biểu tình vẫn được nêu lại, qua lời phát biểu của một thứ trưởng Bộ ngoại giao trả lời phỏng vấn của Phố Bolsa TV.
Theo quan sát của tôi, những người mang cờ vàng ba sọc đỏ đi biểu tình không được tiền mà thực tế hoàn toàn ngược lại, họ còn mất tiền.
Những người biểu tình thường phải đóng góp một khoản tiền tương đối lớn để tới Washington DC "phó hội".
Nhiều người xem đây như chi phí cho một chuyến "du lịch" bất đắc dĩ. Họ phải góp tiền thuê xe bus, thuê khách sạn, chi phí ăn uống cùng nhau trong khoảng thời gian thời gian vài ngày.
Thông thường khi có quan chức cao cấp của Việt Nam sang Hoa Kỳ như chức thủ tướng hoặc chủ tịch nước, các biểu tình viên còn phải theo sát lộ trình từ New York đến Washington DC tạo nên một không khí hoạt động cộng đồng rất nhộn nhịp.
Tuy hình ảnh và tâm trạng của mỗi người khác nhau nhưng thực tế cho thấy có động lực thúc đẩy từ bên trong không có tiền bạc nào mua được.
Tôi cũng từng tham dự các cuộc biểu tình này với một tâm trạng hào hứng và tò mò mang tính đối mặt.
Cho dù, đứng giữa biên giới giữa báo chí và người có chính kiến, tôi tin rằng những người biểu tình đại diện cho một loại cảm xúc tập thể.
Có thể do lòng căm thù chế độ cộng sản khiến họ phải hô to đòi đả đảo và cào bằng tất cả những thứ gì dính đến quan chức cộng sản.
Có thể đây cũng là một biện pháp trị liệu tâm lý cho những người lớn tuổi như kiểu có nơi để đòi chửi "con nợ" sau những ngày tháng bị đọa đày, bị đánh mất.
Sau cuộc biểu tình, có nhiều lúc trên xe bus, nhiều cụ già từng ở tù cải tạo thường sảng khoái hẳn vì các cụ tin rằng hôm nay đã thay mặt nhân dân chửi "bọn cộng sản bán nước hại dân một trận đã đời”.
"Chửi xong phổi nở, về nhà tối nay sẽ ngủ ngon giấc hơn"
Họ còn nói: “Chửi xong phổi nở, về nhà tối nay sẽ ngủ ngon giấc hơn."
Trong lúc đó, một số người đi biểu tình cũng chỉ là mong muốn làm một việc gì đó ý nghĩa cho cuộc sống, như việc cầm biểu ngữ kêu gọi thả những người người bất đồng chính kiến.
Những người trẻ hơn khi đi biểu tình thì cũng phải bỏ cả ngày làm việc, trả hết mọi chi phí để đón đường "kháng nghị thị uy" với các quan chức cộng sản để cho họ thấy màu sắc tự do dân chủ ở Hoa Kỳ.
Theo bám các phái đoàn
Thông thường các phái đoàn quốc khách đến thăm viếng Hoa Kỳ đều có lịch trình. Những người đứng ra tổ chức biểu tình thường được một số thông tin nào đó như chỗ ăn ở khách sạn, các cơ sở diễn thuyết, địa điểm chiêu đãi.
Thế là, sẽ có những người âm thầm mua phòng tại khách sạn đó trong nhiều ngày trước. Những khách sạn như để đón lãnh đạo nước ngoài cũng không hề rẻ.
Khi chốt được phòng khách sạn rồi thì lúc đó không ai còn đuổi được ngay cả mật vụ Hoa Kỳ.
Chẳng hạn trong chuyến ông Phan Văn Khải viếng thăm, các biểu tình viên chốt tại tầng trên khách sạn Mayflower, làm nên những cuộc đối mặt trực diện với các quan chức Việt Nam.
Nếu có nhân viên an ninh mật vụ làm khó dễ thì cứ việc tranh luận gay gắt la to "cho bõ ghét".
Mục tiêu của họ chủ yếu là chọc tức và thị uy cho "phía bên kia" bị mất mặt trước dư luận thế giới vì hành vi đàn áp nhân quyền.
Sau cuộc biểu tình hình ảnh đưa ra trước dư luận, người ta mới có cơ hội nói tới tình trạng nhân quyền bị đàn áp ở Việt Nam.
Cũng có hành vi tạt rượu, ném trứng, hay đánh nhau cũng thường xảy ra trong các chuyến viếng thăm trước đây.
Gần đây nhất, trong chuyến viếng thăm của ông Trương Tấn Sang, bà Lý Lệ Hoa, một người bị mất đất đã căng biển tố cáo công ty Becamex ngay tại bên trong nội thất, ngay trước biểu ngữ "nhiệt liệt chào mừng…" dành cho ông Trương Tấn Sang.
Hình ảnh này đã tạo nên những tình huống dở khóc dở cười cho hai phía quan chức Việt Mỹ.
Mục đích của bà Hoa đã đạt được nhưng số tiền bỏ ra trong tuần đó không ít, không thể dưới 5,000 USD.
Cũng nhiều lúc, có người cũng quá mệt vì chuyện phải đi biểu tình chống cộng sản này nọ.
Tâm lý là "không đi thì cảm thấy không có lương tâm nhưng đi hoài thì cũng hô hào đả đảo vài câu rồi ai về nhà nấy, tình hình Việt Nam khó lòng thay đổi", có người nói.
Thực ra nhiều vị còn mong sao cho quan chức Việt Nam đừng qua đây nữa để khỏi phải đi biểu tình vì đi biểu tình là phải tốn tiền.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của cây bút Trần Đông Đức từ Philadelphia, Hoa Kỳ.