Đã bao nhiêu lần bạn được khuyên là phải tập trung, phải dồn toàn bộ tâm sức và thời gian vào những gì bạn thực sự giỏi? Dù cho bạn là một vận động viên hay doanh nhân khởi nghiệp hay một nghệ sĩ, thì lời khuyên này vẫn áp dụng được, theo đó sự chuyên môn hóa cao độ dẫn đến sự thành thạo, và từ đó chắc chắn dẫn đến thành công.
Điều này hoàn toàn có lý và đã được vô vàn những người thành công áp dụng. Nhưng có một người làm ngược lại lời khuyên đó: tập trung vào mọi thứ cùng một lúc, và làm xáo động toàn bộ một ngành mỗi khi ông tập trung sự chú ý của mình vào một lĩnh vực mới. Đó chính là Elon Musk.
Tất nhiên là nhờ có số tiền rất lớn kiếm được từ Paypal khi còn rất trẻ mà Musk mới đủ sức đầu tư vào Tesla và SpaceX, nhưng một số nhà quan sát cho rằng chính sự tập trung vào nhiều mục tiêu một lúc mới chính là bí quyết giúp ông liên tục gặt hái được những thành công lớn.
Doanh nhân kiêm tác giả Micheal Simmons đã nghiên cứu Musk cùng con đường sự nghiệp của ông và thấy được một lý thuyết về thành công hoàn toàn khác trong cuốn tự truyện của người được coi là “Iron man” ngoài đời thực này.
Simmons đã viết: “Tôi gọi những người như Elon Musk là ‘chuyên gia đa ngành’. Họ tìm hiểu kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau, hiểu sâu sắc những nguyên tắc kết nối các lĩnh vực đó, và áp dụng các nguyên tắc này vào chính lĩnh vực chuyên môn của họ”.
Một phần của ý tưởng này, theo lời giải thích của Simmons, là thay vì trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực hẹp (như mọi người vẫn khuyến khích hầu hết chúng ta làm thế), Musk luôn khao khát học hỏi rất nhiều thứ, điều đó cho phép ông chuyển hóa những thứ mình học được về một lĩnh vực sang các lĩnh vực khác nếu có thể áp dụng được.
Đây rõ ràng là yếu tố tạo ra những ý tưởng sáng tạo nhất của Elon Musk – ông tạo ra mối liên hệ giữa năng lượng mặt trời và xe điện của Tesla, giữa mối quan tâm về trí tuệ nhân tạo của mình với cách thức khiến xe hơi của Tesla có thể tự lái. Hình thức “chuyển giao kỹ năng” này thậm chí còn đi xa hơn – và có lẽ một ngày nào đó sẽ kết nối những chiếc xe hơi Tesla với con chip gắn trong não của lái xe.
Đây không phải là một hiện tượng mà đại diện duy nhất là Elon Musk. Đã có rất nhiều nghiên cứu liên ngành và sự cộng tác giữa nhiều lĩnh vực khác nhau khi kiến thức về một lĩnh vực không đủ để tạo nên đột phá hoặc giải quyết vấn đề.
Với thị trường ngày càng chật hẹp ở mọi lĩnh vực, chúng ta có thể khẳng định rằng sự chuyên môn hóa là một chiến lược tốt hơn vì nó không chỉ nâng cao tính cạnh tranh, mà còn có thể đem lại lợi ích lớn hơn về kinh tế cho năng lực của mỗi người.
Nhưng trường hợp của Elon Musk cho thấy, có thể tình trạng tập trung và chuyên môn hóa cao độ đã để lại những khoảng cách khá lớn giữa các lĩnh vực nhỏ hơn trong cùng một ngành. Dám trở thành một chuyên gia đa ngành là một cơ hội để tạo ra những bậc thang, kết nối các lĩnh vực lại với nhau, nâng các chuyên gia lên một tầm mức mới để họ có thể giúp chúng ta xây những ngọn tháp mới, đạt đến những thành công mới.