Đoạn Đường Chiến Binh
Đôi Chân Trần
Chiều hôm ấy, theo thiệp mời, Tân đến dự tiệc cưới con gái một cựu giáo chức tỉnh Bình Long. Tiệc cưới tổ chức tại một nhà hàng tại vùng Little Saigon, miền Nam California. Cũng như phần lớn các tiệc cưới khác do người Việt tại đây tổ chức, khách tham dự thường đến trễ, nên mãi mà buổi tiệc vẫn chưa bắt đầu. Trong lúc chờ đợi, những người ngồi cùng bàn có dịp làm quen nhau. Họ gợi lại những kỷ niệm cũ về những người từng làm việc chung một nhiệm sở, sống chung một địa phương. Nhân khi nhắc đến những giáo chức đã làm việc ở Bình Long, một cựu giáo viên lớn tuổi nói với các đồng nghiệp cũ của ông: - Tôi được tin cô giáo Hương bị bệnh ung thư cả năm nay ở Việt Nam. Cô đang chữa chạy bằng phương pháp hóa trị. Trước ngày mất nước, cô Hương có dạy học ở Lộc Ninh. Chúng ta nên đóng góp tiền, gởi về cô ấy lo thuốc men… Các bạn nghĩ sao? Các đồng nghiệp trong bàn tiệc đều đồng ý. Khi Tân lên tiếng muốn tham gia việc đóng góp thì người cựu giáo chức trưởng tràng mỉm cười nhìn anh: - Việc góp tiền giúp đồng nghiệp ở Việt Nam là nghĩa vụ của anh chị em cựu giáo chức chúng tôi. Nhưng nếu ông cựu Phó quận còn nhớ đến cô giáo Hương từng dạy học trong quản hạt của ông, chúng tôi xin hoan nghênh việc đóng góp của ông lắm… Tân nhìn người giáo chức mà anh đã có dịp quen biết mỗi lần về tỉnh hội họp. Đã lâu lắm rồi, hai người mới có dịp gặp nhau tại đất Mỹ này. Còn cô giáo Hương, bao giờ anh mới có dịp gặp lại nơi đây? * * * Tân nhớ lại một buổi sáng cách đây gần bốn mươi năm, khi anh đang ngồi phê duyệt công văn tại văn phòng quận Lộc Ninh, người tùy phái báo tin có cô giáo Hương muốn vào gặp. Anh đang bận túi bụi với lịch trình công tác trong ngày. Chốc nữa đây anh sẽ đi thăm xã Lộc Tấn, xa quận lỵ, phải chờ nghĩa quân Chi khu mở đường xong mới yên tâm lên đường. Tình hình Lộc Ninh, một quận địa đầu giới tuyến tỉnh Bình Long vào những năm 1970 thật sôi động. Ban đêm, thỉnh thoảng VC hay pháo kích vào thị trấn... Ban ngày thường có những vụ phục kích, giật mìn, bắn sẻ trên quốc lộ 13 từ Lộc Ninh về tỉnh… Đối với Phó Tân, tuy bận nhưng anh không thể từ chối đón tiếp bất cứ một người dân nào, nhất là một cô giáo. Trong gần một năm làm việc tại Lộc Ninh, ngoài công tác kiểm tra xã ấp, anh thường thăm viếng các cơ sở tôn giáo, trường học … Khi cô Hương bước vào văn phòng, Tân nhận ra cô giáo trẻ người Huế, mình hạc xương mai, gương mặt sáng sủa xinh đẹp mà anh đã gặp một lần khi thăm trường tuần trước. Tuy cô giáo mới từ tỉnh lỵ về dạy ở trường quận Lộc Ninh một thời gian ngắn, nhưng đã gây ấn tượng đặc biệt với ông phó quận trẻ. Với nụ cười tươi, hơi e dè, đôi mắt long lanh nhìn người đối thoại như lôi cuốn vào câu chuyện. Cô cúi chào và nhỏ nhẹ nói: - Xin chào ông Phó. Chắc ông bận rộn nhiều công việc, em chỉ xin ông ít phút thôi... Em mới từ tỉnh đổi về đây, chưa có nhà, phải ở chung với vài người bạn. Nhà nhỏ nên hơi chật, thiếu yên tĩnh để soạn bài cho buổi dạy; ngoài ra em còn phải học hành thêm nữa… Em nghe nói cư xá công chức còn trống nhiều căn. Ông có thể cho em ở tạm một căn… Được không ạ? Tân nhìn cô giáo ngạc nhiên. Cô gái trẻ có lẽ mới ra làm việc, mới tiếp xúc với đời mà ăn nói ngọt ngào, bạo dạn đến thế ? Nhưng liệu cô có biết: sở dĩ cư xá còn trống chỗ, vì gần bờ suối rậm rạp, nên mọi người e ngại thiếu an ninh chăng? Tuy nhiên Tân cũng chấp thuận cho cô giáo đến ở. Khi anh lưu ý cô giáo về vị trí của căn cư xá có thể gặp nguy hiểm về đêm, cô vẫn điềm nhiên cả quyết: - Dạ em có đến xem căn cư xá và có gặp Trung úy Đức đang ở một căn. Ông ấy bảo cứ xin ông Phó chấp thuận là được. Ban đêm đã có NDTV đi tuần quanh khu này, không có gì đáng lo ngại… Tân mỉm cười nhìn cô đồng ý. Anh thầm phục lòng can đảm cô giáo trẻ mới đến phục vụ nơi địa đầu giới tuyến này! Hôm sau, cô giáo nhờ Trung úy Đức xin quận cho mượn xe để di chuyển ít đồ đạc cồng kềnh đến nhà mới. Tân bảo tài xế trao chìa khóa chiếc Land Rover mà hàng ngày anh vẫn đi công tác cho Trung úy Đức. Anh cũng nhờ Đức giúp cô giáo dọn nhà vào buổi sáng ngày nghỉ… Từ đó, thỉnh thoảng vào cuối tuần Tân ghé thăm cô giáo Hương… Hoặc có những buổi tối, nhân khi cùng Trung úy Đức đi kiểm soát các toán NDTV canh gát, Tân thường ghé nhà cô. Anh muốn giúp cô giáo trẻ được an tâm, không lo sợ khi đêm xuống trên miền đất bất an này. Cuối năm ấy, Tân thuyên chuyển về Tỉnh nhận nhiệm vụ mới. Buổi sáng Chủ nhật Tân lên đường, Trung úy Đức lái xe đưa anh về Tỉnh. Người sỹ quan trẻ trong gần hai năm làm việc gần gũi anh, hôm nay tỏ ra quyến luyến bùi ngùi khi sắp xa anh. Anh ta nhắc khéo Tân ghé qua cư xá thăm cô Hương trước khi rời quận… Khi anh bước vào nhà, Tân không thấy cô chủ đâu cả, mà chỉ có mùi thức ăn bay lên sực nức khắp nhà. Anh lên tiếng gọi thì có giọng nói thanh tao từ bếp vọng lên: - Mời hai ông ngồi chơi. Em sắp xong, sẽ lên ngay… Sau đó cô bưng lên một mâm thức ăn, với ba bát bún bò Huế, một dĩa chả giò - loại chả giò thon nhỏ, được chiên vàng ngậy, dòn tan… mà người miền Trung gọi là chả ram… Cô đặt mâm thức ăn giữa bàn, tươi cười nhìn Tân: - Dạ… Trung úy Đức mới cho biết hôm nay ông rời quận. Em có nhờ ông Đức mời ông đến chơi. Em làm gấp vài món Huế đãi các ông. Em sợ mai kia về Tỉnh rồi không còn dịp cám ơn lòng tốt của ông nữa… Mời hai ông xơi, kẻo nguội mất ngon. Tân nhìn cô Hương. Hôm nay cô giáo trẻ trang điểm thật xinh. Chiếc áo màu vàng nhạt bó sát thân hình “mình hạt xương mai” của cô. Chiếc quần “jean” xanh lơ hơi ngắn, ôm lấy cặp đùi dài; và bên dưới ẩn hiện đôi bàn chân trắng với những chiếc móng sơn hồng nhạt, lồng trong đôi dép quai nhung đen. Sau bữa tiệc nhỏ chia tay, Tân cám ơn cô giáo rồi lên xe rời quận. Cô giáo Hương đứng ở cửa trông theo, đưa tay lên vẫy. Anh quay lại nhìn hình dáng mảnh mai của cô gái, cô đơn trong dãy cư xá trống vắng, đằng sau là bờ suối rậm rạp cây cối hoang vu…Anh bỗng thấy trong lòng dâng lên niềm e ngại, lẫn thương nhớ bâng khuâng… * * * Nửa năm sau, Tân thuyên chuyển về phục vụ tại tỉnh Long Khánh. Tại đây anh được cử lên quận Định quán thay thế một phó quận đồng môn. Đầu tháng Tư năm 1972, anh nghe tin địch quân đã chiếm Lộc Ninh. Đồng thời chúng cũng bắt đầu đánh vào An Lộc, cắt đứt giao thông giữa Lộc Ninh với tỉnh lỵ Bình Long… Cuối năm ấy, Tân đi tham dự khóa hội thảo Cải cách Hành chánh tại Vũng Tàu. Tại đây anh được biết, sau ba ngày ào ạt tấn công với chiến thuật biển người, địch quân đã chiếm thị trấn Lộc Ninh. Phó Quận trưởng - một đồng môn Hành chánh với anh – bị mất tích.. Thiếu tá quận trưởng trốn thoát và theo đường rừng chạy về trình diện ở An Lộc, tỉnh Bình Long. Viên cố vấn Mỹ bị bắt, không biết số phận ra sao... Tân cũng được biết một số viên chức, giáo chức đã trốn khỏi Lộc Ninh, hiện tạm cư ở một trường học gần Vũng Tàu. Nhân ngày tạm nghỉ cuối tuần, Tân đi tìm nơi tạm cư đồng bào chiến nạn Lộc Ninh. Khi anh đến nơi, đã thấy cô giáo Hương đang bận rộn giúp đỡ các bà mẹ có con nhỏ. Trông cô mệt mỏi và gầy ốm hơn trước. Cô mặc bộ quần áo nhàu nát, mang đôi dép Nhật đã cũ, không che nổi đôi bàn chân gầy ốm, sẫm màu... Cô giáo ngạc nhiên lẫn vui mừng khi gặp lại Tân. Cô cho biết có một số các viên chức, giáo chức đã liên lạc với gia đình và đã trở về nhà. Riêng cô, vẫn chưa liên lạc được với cha mẹ, anh em ở An Lộc; bởi khi chiến sự bùng nổ, gia đình đã “tan đàn lạc nghé”, không biết tin tức nhau. Tân ngỏ ý mời cô Hương đi ăn ngoài phố để tiện thăm hỏi thêm về cô và gia đình cô. Cô giáo trẻ cúi xuống nhìn áo quần của mình, tỏ ra ngần ngại… Và khi Tân nhắc lại lời mời, cô phân vân một chút, nhưng cũng gật đầu đồng ý. Trong khi chờ đợi, Tân đi một vòng để tìm người quen, thăm hỏi đồng bào chiến nạn … Khi cô Hương từ bên trong bước ra, áo quần tươm tất, nhưng đôi dép da không che dấu được đôi bàn chân gầy ốm khẳng khiu. Tân nhìn thấy mà ngạc nhiên đến đau lòng. Chỉ có mấy tháng chạy loạn mà cô thay đổi hình hài đến thế sao? Sau bữa ăn trưa, anh đưa cô trở lại trạm tạm cư và hứa sẽ trở lại thăm cô. Hôm mãn khóa hội thảo và trước khi trở về nhà, Tân tìm lại thăm cô Hương lần nữa để xem cô cần giúp đỡ gì không; nhưng tìm mãi chẳng thấy. Từ đó anh chẳng bao giờ gặp lại cô nữa. * * * Sau ngày Sài gòn sụp đổ, chiến tranh đã chấm dứt, nhưng chết chóc khổ đau, áp bức tù đày … vẫn còn đầy dẫy trên miền đất bất hạnh này. Như một cơn ác mộng dài, sáu năm tù đày trong trại “cải tạo” rồi cũng qua đi. Cũng như hàng trăm ngàn bạn đồng cảnh, Tân được chấp thuận đi tỵ nạn ở các nước tự do bên trời tây xa xôi. Hơn mười năm sống trên xứ người, anh trở lại quê hương cũ, về thành phố xưa thăm mẹ già, tuổi đã gần chín mươi. Trời Sài gòn tháng năm thật nóng. Một hôm Tân mặc quần đùi đi dạo trong sân nhà. Mẹ nhìn đôi chân anh, cười nói: - Chân “đàn ông con trai” sao mà trắng quá vậy con ? Con nên phơi nắng cho đậm màu, kẻo người ta cười cho… Tân nhìn xuống bàn chân mình. Đôi bàn chân trắng bệch, nổi những đường gân xanh, trông thật yếu đuối. Đã lâu rồi, anh không có dịp nhìn đôi bàn chân mình. Hết mang giày da đi làm việc, đến mang giày vải tập thể dục... đôi bàn chân hầu như không để trần. Đã lâu rồi, anh gần như quên đôi bàn chân trần gầy ốm, đen điu của mình trong quá khứ… Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Tân sống với cha mẹ trong vùng Việt Minh tại miền Nam Trung phần. Đôi chân trần của cậu thiếu niên đã lội bùn bì bõm dưới ruộng nương những khi cày bừa, gặt lúa, gánh lúa về nhà phơi khô, để …nộp đủ “chỉ tiêu” thuế Nông nghiệp! Đôi chân trần của cậu đã bước trên bãi cát nóng bỏng da để gánh nước từ một giếng công cộng xa về nhà. Mẹ thấy xót xa, nhường đôi guốc mộc cho cậu con trai vất vả - cậu học trò siêng năng trong học tập nhưng bị nhà trường cho nghỉ học vì “lao động kém”. Cậu đành phải “trở về làng cũ học cày cho xong.” Sau ngày Miền Nam sụp đổ, Tân bị đưa đi “cải tạo” ở Miền Bắc. Trong nội quy khắc khe của trại, có những điều cấm tuyệt đối: trong khi lao động không được mặc quần dài, không được mang dép - mặc dù đó là đôi dép cao su do trại cấp phát. Đôi chân trần của “trại viên” phải lê bước trên dốc núi để vác đá về xây thêm phòng giam; phải leo lên đồi cao cạnh giòng sông Mã để tưới nước trên nương rau; phải dẫm lên hố phân người, lội trong ao nước tiểu…để gánh đi bón những đám rau ấy! Chất phế thải xú uế ấy đã để lại mùi hôi hám nơi đôi chân trần của Tân, dù anh cố rửa sạch bằng nước sông, nơi bến tắm tập thể sau giờ “tan tầm”! Trong những tháng ngày đen tối nhất cuộc đời, đôi chân trần này cũng khẳng khiu, đen đúa chẳng khác đôi chân cô giáo Hương nơi trại tạm cư Vũng Tàu năm xưa mà anh đã một lần trông thấy. Hôm nay, nhìn đôi bàn chân chính mình, anh mới nhớ lại hình ảnh gầy ốm, khẳng khiu của đôi chân cô giáo Hương năm xưa…Anh có ý muốn trở lại Lộc Ninh nơi trước đây anh đã từng làm việc, đã từng có nhiều kỷ niệm đẹp với cô giáo. Người em trai thuê chiếc xe du lịch để cùng anh đến nơi đó, nhân thể thăm người anh của bạn học cũ, trước năm 1975 có mở trại cưa tại thị xã An Lộc của tỉnh Bình long. An Lộc ngày nay khác xưa nhiều quá. Nhà cửa san sát, nhiều nhà cao tầng. Sau trận chiến dữ dội năm 1972, An Lộc hầu như tan nát, dân chúng di tản về tạm cư tại khu Rừng Lá, giữa Long Khánh và Bình Tuy. Cư dân tại An Lộc ngày nay phần lớn từ các nơi khác đổ về sinh sống. Nhà cửa xây san sát, trông có vẻ trù phú phồn vinh. Tân đi một vòng thành phố để tìm lại nét thi vị xưa. Nhưng còn đâu “đại lộ hoàng hôn” ửng nắng chiều tà ? Còn đâu “công viên tao phùng”, nơi hò hẹn của những kẻ yêu nhau, từng ngồi bên nhau giữa một thung lũng mênh mông im vắng? Những người bạn anh quen biết trong thời gian phục vụ trước đây, giờ chẳng còn ai. Người em đưa Tân đến thăm ông anh của một bạn học cũ.. Tân hỏi thăm tin tức về cô giáo Hương, được biết cô đã lấy chồng từ lâu và hiện sống ở Sài gòn. Tin tức về cô mơ hồ, vỏn vẹn chỉ có thế ! Tân buồn bã trở về, về lại một thành phố đông đúc, dửng dưng với nhau trong cuộc sống hàng ngày. Nơi đó, muốn tìm người quen biết thật khó, chẳng khác mò kim đáy bể... Và từ đó, Tân bặt tăm tin tức về cô giáo năm xưa. Cho đến buổi tối hôm nay… * * * Buổi tiệc cưới đã tàn. Tân đứng lên bắt tay từ giã những cựu giáo chức ngồi cùng bàn, những người vừa cho biết cô Hương đang bị bệnh tại Việt Nam. Anh bước ra khỏi nhà hàng thì trời đã về khuya. Anh thở dài, nhìn lên bầu trời xanh thẫm lấp lánh ánh sao đêm. Một vì sao đổi ngôi, vụt rơi xuống chân trời. Tân nghĩ đến cô Hương đang đau đớn chống trả căn bệnh hiểm nghèo nơi quê hương, bên kia biển Thái bình. Anh cầu mong cô không bị vắn số như ngôi sao vụt tắt kia… Cuộc đời cô đã khổ nhiều rồi. Đôi chân cô đã di chuyển từ cố đô Huế, vào vùng đất đỏ Bình Long, rồi lên dạy học nơi địa đầu giới tuyến Lộc Ninh. Anh đã gặp cô nơi đó, đã có nhiều tình cảm đậm đà với cô nơi đó. Đêm nay anh nhớ lại hình bóng cô giáo trước căn cư xá năm xưa, khi vẫy tay chào từ biệt anh. Hôm ấy trông cô xinh đẹp quá, đôi chân trắng trẻo trong đôi dép nhung đen quý phái quá! Rồi anh nhớ lại hình ảnh của cô khi anh đến thăm nơi trại tạm cư gần Vũng Tàu. Anh vẫn không quên được nét mặt tiều tụy, y phục nhàu nát, và nhất là đôi bàn chân khẳng khiu của một người tỵ nạn, chạy trốn sau trận chiến kinh hoàng. Anh thở dài, lắc đầu như muốn quên đi hình ảnh không đẹp ấy. Hình ảnh đó không chỉ riêng của cô giáo Hương, mà cả của anh, gần suốt nửa đời người với đôi chân trần trong quá khứ đau thương. Cả cuộc đời Tân, mãi đến những năm tuổi già bóng xế tại xứ sở thanh bình này, đôi chân trần gầy ốm, nức nẻ, đen đúa…ngày xưa mới đổi màu. Cuộc sống anh ngày nay đã an nhàn, sung sướng hơn xưa.. Cuộc đời cô giáo Hương cũng đáng được như thế! Anh cầu nguyện cho cô thoát khỏi căn bệnh trầm kha, trở lại cuộc sống khoẻ mạnh, với đôi chân trắng trẻo, quý phái như thuở anh mới quen biết cô tại Lộc Ninh năm xưa. Hồi ức |
Biên Hùng
Bàn ra tán vào (0)
Đôi Chân Trần
Chiều hôm ấy, theo thiệp mời, Tân đến dự tiệc cưới con gái một cựu giáo chức tỉnh Bình Long. Tiệc cưới tổ chức tại một nhà hàng tại vùng Little Saigon, miền Nam California. Cũng như phần lớn các tiệc cưới khác do người Việt tại đây tổ chức, khách tham dự thường đến trễ, nên mãi mà buổi tiệc vẫn chưa bắt đầu. Trong lúc chờ đợi, những người ngồi cùng bàn có dịp làm quen nhau. Họ gợi lại những kỷ niệm cũ về những người từng làm việc chung một nhiệm sở, sống chung một địa phương. Nhân khi nhắc đến những giáo chức đã làm việc ở Bình Long, một cựu giáo viên lớn tuổi nói với các đồng nghiệp cũ của ông: - Tôi được tin cô giáo Hương bị bệnh ung thư cả năm nay ở Việt Nam. Cô đang chữa chạy bằng phương pháp hóa trị. Trước ngày mất nước, cô Hương có dạy học ở Lộc Ninh. Chúng ta nên đóng góp tiền, gởi về cô ấy lo thuốc men… Các bạn nghĩ sao? Các đồng nghiệp trong bàn tiệc đều đồng ý. Khi Tân lên tiếng muốn tham gia việc đóng góp thì người cựu giáo chức trưởng tràng mỉm cười nhìn anh: - Việc góp tiền giúp đồng nghiệp ở Việt Nam là nghĩa vụ của anh chị em cựu giáo chức chúng tôi. Nhưng nếu ông cựu Phó quận còn nhớ đến cô giáo Hương từng dạy học trong quản hạt của ông, chúng tôi xin hoan nghênh việc đóng góp của ông lắm… Tân nhìn người giáo chức mà anh đã có dịp quen biết mỗi lần về tỉnh hội họp. Đã lâu lắm rồi, hai người mới có dịp gặp nhau tại đất Mỹ này. Còn cô giáo Hương, bao giờ anh mới có dịp gặp lại nơi đây? * * * Tân nhớ lại một buổi sáng cách đây gần bốn mươi năm, khi anh đang ngồi phê duyệt công văn tại văn phòng quận Lộc Ninh, người tùy phái báo tin có cô giáo Hương muốn vào gặp. Anh đang bận túi bụi với lịch trình công tác trong ngày. Chốc nữa đây anh sẽ đi thăm xã Lộc Tấn, xa quận lỵ, phải chờ nghĩa quân Chi khu mở đường xong mới yên tâm lên đường. Tình hình Lộc Ninh, một quận địa đầu giới tuyến tỉnh Bình Long vào những năm 1970 thật sôi động. Ban đêm, thỉnh thoảng VC hay pháo kích vào thị trấn... Ban ngày thường có những vụ phục kích, giật mìn, bắn sẻ trên quốc lộ 13 từ Lộc Ninh về tỉnh… Đối với Phó Tân, tuy bận nhưng anh không thể từ chối đón tiếp bất cứ một người dân nào, nhất là một cô giáo. Trong gần một năm làm việc tại Lộc Ninh, ngoài công tác kiểm tra xã ấp, anh thường thăm viếng các cơ sở tôn giáo, trường học … Khi cô Hương bước vào văn phòng, Tân nhận ra cô giáo trẻ người Huế, mình hạc xương mai, gương mặt sáng sủa xinh đẹp mà anh đã gặp một lần khi thăm trường tuần trước. Tuy cô giáo mới từ tỉnh lỵ về dạy ở trường quận Lộc Ninh một thời gian ngắn, nhưng đã gây ấn tượng đặc biệt với ông phó quận trẻ. Với nụ cười tươi, hơi e dè, đôi mắt long lanh nhìn người đối thoại như lôi cuốn vào câu chuyện. Cô cúi chào và nhỏ nhẹ nói: - Xin chào ông Phó. Chắc ông bận rộn nhiều công việc, em chỉ xin ông ít phút thôi... Em mới từ tỉnh đổi về đây, chưa có nhà, phải ở chung với vài người bạn. Nhà nhỏ nên hơi chật, thiếu yên tĩnh để soạn bài cho buổi dạy; ngoài ra em còn phải học hành thêm nữa… Em nghe nói cư xá công chức còn trống nhiều căn. Ông có thể cho em ở tạm một căn… Được không ạ? Tân nhìn cô giáo ngạc nhiên. Cô gái trẻ có lẽ mới ra làm việc, mới tiếp xúc với đời mà ăn nói ngọt ngào, bạo dạn đến thế ? Nhưng liệu cô có biết: sở dĩ cư xá còn trống chỗ, vì gần bờ suối rậm rạp, nên mọi người e ngại thiếu an ninh chăng? Tuy nhiên Tân cũng chấp thuận cho cô giáo đến ở. Khi anh lưu ý cô giáo về vị trí của căn cư xá có thể gặp nguy hiểm về đêm, cô vẫn điềm nhiên cả quyết: - Dạ em có đến xem căn cư xá và có gặp Trung úy Đức đang ở một căn. Ông ấy bảo cứ xin ông Phó chấp thuận là được. Ban đêm đã có NDTV đi tuần quanh khu này, không có gì đáng lo ngại… Tân mỉm cười nhìn cô đồng ý. Anh thầm phục lòng can đảm cô giáo trẻ mới đến phục vụ nơi địa đầu giới tuyến này! Hôm sau, cô giáo nhờ Trung úy Đức xin quận cho mượn xe để di chuyển ít đồ đạc cồng kềnh đến nhà mới. Tân bảo tài xế trao chìa khóa chiếc Land Rover mà hàng ngày anh vẫn đi công tác cho Trung úy Đức. Anh cũng nhờ Đức giúp cô giáo dọn nhà vào buổi sáng ngày nghỉ… Từ đó, thỉnh thoảng vào cuối tuần Tân ghé thăm cô giáo Hương… Hoặc có những buổi tối, nhân khi cùng Trung úy Đức đi kiểm soát các toán NDTV canh gát, Tân thường ghé nhà cô. Anh muốn giúp cô giáo trẻ được an tâm, không lo sợ khi đêm xuống trên miền đất bất an này. Cuối năm ấy, Tân thuyên chuyển về Tỉnh nhận nhiệm vụ mới. Buổi sáng Chủ nhật Tân lên đường, Trung úy Đức lái xe đưa anh về Tỉnh. Người sỹ quan trẻ trong gần hai năm làm việc gần gũi anh, hôm nay tỏ ra quyến luyến bùi ngùi khi sắp xa anh. Anh ta nhắc khéo Tân ghé qua cư xá thăm cô Hương trước khi rời quận… Khi anh bước vào nhà, Tân không thấy cô chủ đâu cả, mà chỉ có mùi thức ăn bay lên sực nức khắp nhà. Anh lên tiếng gọi thì có giọng nói thanh tao từ bếp vọng lên: - Mời hai ông ngồi chơi. Em sắp xong, sẽ lên ngay… Sau đó cô bưng lên một mâm thức ăn, với ba bát bún bò Huế, một dĩa chả giò - loại chả giò thon nhỏ, được chiên vàng ngậy, dòn tan… mà người miền Trung gọi là chả ram… Cô đặt mâm thức ăn giữa bàn, tươi cười nhìn Tân: - Dạ… Trung úy Đức mới cho biết hôm nay ông rời quận. Em có nhờ ông Đức mời ông đến chơi. Em làm gấp vài món Huế đãi các ông. Em sợ mai kia về Tỉnh rồi không còn dịp cám ơn lòng tốt của ông nữa… Mời hai ông xơi, kẻo nguội mất ngon. Tân nhìn cô Hương. Hôm nay cô giáo trẻ trang điểm thật xinh. Chiếc áo màu vàng nhạt bó sát thân hình “mình hạt xương mai” của cô. Chiếc quần “jean” xanh lơ hơi ngắn, ôm lấy cặp đùi dài; và bên dưới ẩn hiện đôi bàn chân trắng với những chiếc móng sơn hồng nhạt, lồng trong đôi dép quai nhung đen. Sau bữa tiệc nhỏ chia tay, Tân cám ơn cô giáo rồi lên xe rời quận. Cô giáo Hương đứng ở cửa trông theo, đưa tay lên vẫy. Anh quay lại nhìn hình dáng mảnh mai của cô gái, cô đơn trong dãy cư xá trống vắng, đằng sau là bờ suối rậm rạp cây cối hoang vu…Anh bỗng thấy trong lòng dâng lên niềm e ngại, lẫn thương nhớ bâng khuâng… * * * Nửa năm sau, Tân thuyên chuyển về phục vụ tại tỉnh Long Khánh. Tại đây anh được cử lên quận Định quán thay thế một phó quận đồng môn. Đầu tháng Tư năm 1972, anh nghe tin địch quân đã chiếm Lộc Ninh. Đồng thời chúng cũng bắt đầu đánh vào An Lộc, cắt đứt giao thông giữa Lộc Ninh với tỉnh lỵ Bình Long… Cuối năm ấy, Tân đi tham dự khóa hội thảo Cải cách Hành chánh tại Vũng Tàu. Tại đây anh được biết, sau ba ngày ào ạt tấn công với chiến thuật biển người, địch quân đã chiếm thị trấn Lộc Ninh. Phó Quận trưởng - một đồng môn Hành chánh với anh – bị mất tích.. Thiếu tá quận trưởng trốn thoát và theo đường rừng chạy về trình diện ở An Lộc, tỉnh Bình Long. Viên cố vấn Mỹ bị bắt, không biết số phận ra sao... Tân cũng được biết một số viên chức, giáo chức đã trốn khỏi Lộc Ninh, hiện tạm cư ở một trường học gần Vũng Tàu. Nhân ngày tạm nghỉ cuối tuần, Tân đi tìm nơi tạm cư đồng bào chiến nạn Lộc Ninh. Khi anh đến nơi, đã thấy cô giáo Hương đang bận rộn giúp đỡ các bà mẹ có con nhỏ. Trông cô mệt mỏi và gầy ốm hơn trước. Cô mặc bộ quần áo nhàu nát, mang đôi dép Nhật đã cũ, không che nổi đôi bàn chân gầy ốm, sẫm màu... Cô giáo ngạc nhiên lẫn vui mừng khi gặp lại Tân. Cô cho biết có một số các viên chức, giáo chức đã liên lạc với gia đình và đã trở về nhà. Riêng cô, vẫn chưa liên lạc được với cha mẹ, anh em ở An Lộc; bởi khi chiến sự bùng nổ, gia đình đã “tan đàn lạc nghé”, không biết tin tức nhau. Tân ngỏ ý mời cô Hương đi ăn ngoài phố để tiện thăm hỏi thêm về cô và gia đình cô. Cô giáo trẻ cúi xuống nhìn áo quần của mình, tỏ ra ngần ngại… Và khi Tân nhắc lại lời mời, cô phân vân một chút, nhưng cũng gật đầu đồng ý. Trong khi chờ đợi, Tân đi một vòng để tìm người quen, thăm hỏi đồng bào chiến nạn … Khi cô Hương từ bên trong bước ra, áo quần tươm tất, nhưng đôi dép da không che dấu được đôi bàn chân gầy ốm khẳng khiu. Tân nhìn thấy mà ngạc nhiên đến đau lòng. Chỉ có mấy tháng chạy loạn mà cô thay đổi hình hài đến thế sao? Sau bữa ăn trưa, anh đưa cô trở lại trạm tạm cư và hứa sẽ trở lại thăm cô. Hôm mãn khóa hội thảo và trước khi trở về nhà, Tân tìm lại thăm cô Hương lần nữa để xem cô cần giúp đỡ gì không; nhưng tìm mãi chẳng thấy. Từ đó anh chẳng bao giờ gặp lại cô nữa. * * * Sau ngày Sài gòn sụp đổ, chiến tranh đã chấm dứt, nhưng chết chóc khổ đau, áp bức tù đày … vẫn còn đầy dẫy trên miền đất bất hạnh này. Như một cơn ác mộng dài, sáu năm tù đày trong trại “cải tạo” rồi cũng qua đi. Cũng như hàng trăm ngàn bạn đồng cảnh, Tân được chấp thuận đi tỵ nạn ở các nước tự do bên trời tây xa xôi. Hơn mười năm sống trên xứ người, anh trở lại quê hương cũ, về thành phố xưa thăm mẹ già, tuổi đã gần chín mươi. Trời Sài gòn tháng năm thật nóng. Một hôm Tân mặc quần đùi đi dạo trong sân nhà. Mẹ nhìn đôi chân anh, cười nói: - Chân “đàn ông con trai” sao mà trắng quá vậy con ? Con nên phơi nắng cho đậm màu, kẻo người ta cười cho… Tân nhìn xuống bàn chân mình. Đôi bàn chân trắng bệch, nổi những đường gân xanh, trông thật yếu đuối. Đã lâu rồi, anh không có dịp nhìn đôi bàn chân mình. Hết mang giày da đi làm việc, đến mang giày vải tập thể dục... đôi bàn chân hầu như không để trần. Đã lâu rồi, anh gần như quên đôi bàn chân trần gầy ốm, đen điu của mình trong quá khứ… Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Tân sống với cha mẹ trong vùng Việt Minh tại miền Nam Trung phần. Đôi chân trần của cậu thiếu niên đã lội bùn bì bõm dưới ruộng nương những khi cày bừa, gặt lúa, gánh lúa về nhà phơi khô, để …nộp đủ “chỉ tiêu” thuế Nông nghiệp! Đôi chân trần của cậu đã bước trên bãi cát nóng bỏng da để gánh nước từ một giếng công cộng xa về nhà. Mẹ thấy xót xa, nhường đôi guốc mộc cho cậu con trai vất vả - cậu học trò siêng năng trong học tập nhưng bị nhà trường cho nghỉ học vì “lao động kém”. Cậu đành phải “trở về làng cũ học cày cho xong.” Sau ngày Miền Nam sụp đổ, Tân bị đưa đi “cải tạo” ở Miền Bắc. Trong nội quy khắc khe của trại, có những điều cấm tuyệt đối: trong khi lao động không được mặc quần dài, không được mang dép - mặc dù đó là đôi dép cao su do trại cấp phát. Đôi chân trần của “trại viên” phải lê bước trên dốc núi để vác đá về xây thêm phòng giam; phải leo lên đồi cao cạnh giòng sông Mã để tưới nước trên nương rau; phải dẫm lên hố phân người, lội trong ao nước tiểu…để gánh đi bón những đám rau ấy! Chất phế thải xú uế ấy đã để lại mùi hôi hám nơi đôi chân trần của Tân, dù anh cố rửa sạch bằng nước sông, nơi bến tắm tập thể sau giờ “tan tầm”! Trong những tháng ngày đen tối nhất cuộc đời, đôi chân trần này cũng khẳng khiu, đen đúa chẳng khác đôi chân cô giáo Hương nơi trại tạm cư Vũng Tàu năm xưa mà anh đã một lần trông thấy. Hôm nay, nhìn đôi bàn chân chính mình, anh mới nhớ lại hình ảnh gầy ốm, khẳng khiu của đôi chân cô giáo Hương năm xưa…Anh có ý muốn trở lại Lộc Ninh nơi trước đây anh đã từng làm việc, đã từng có nhiều kỷ niệm đẹp với cô giáo. Người em trai thuê chiếc xe du lịch để cùng anh đến nơi đó, nhân thể thăm người anh của bạn học cũ, trước năm 1975 có mở trại cưa tại thị xã An Lộc của tỉnh Bình long. An Lộc ngày nay khác xưa nhiều quá. Nhà cửa san sát, nhiều nhà cao tầng. Sau trận chiến dữ dội năm 1972, An Lộc hầu như tan nát, dân chúng di tản về tạm cư tại khu Rừng Lá, giữa Long Khánh và Bình Tuy. Cư dân tại An Lộc ngày nay phần lớn từ các nơi khác đổ về sinh sống. Nhà cửa xây san sát, trông có vẻ trù phú phồn vinh. Tân đi một vòng thành phố để tìm lại nét thi vị xưa. Nhưng còn đâu “đại lộ hoàng hôn” ửng nắng chiều tà ? Còn đâu “công viên tao phùng”, nơi hò hẹn của những kẻ yêu nhau, từng ngồi bên nhau giữa một thung lũng mênh mông im vắng? Những người bạn anh quen biết trong thời gian phục vụ trước đây, giờ chẳng còn ai. Người em đưa Tân đến thăm ông anh của một bạn học cũ.. Tân hỏi thăm tin tức về cô giáo Hương, được biết cô đã lấy chồng từ lâu và hiện sống ở Sài gòn. Tin tức về cô mơ hồ, vỏn vẹn chỉ có thế ! Tân buồn bã trở về, về lại một thành phố đông đúc, dửng dưng với nhau trong cuộc sống hàng ngày. Nơi đó, muốn tìm người quen biết thật khó, chẳng khác mò kim đáy bể... Và từ đó, Tân bặt tăm tin tức về cô giáo năm xưa. Cho đến buổi tối hôm nay… * * * Buổi tiệc cưới đã tàn. Tân đứng lên bắt tay từ giã những cựu giáo chức ngồi cùng bàn, những người vừa cho biết cô Hương đang bị bệnh tại Việt Nam. Anh bước ra khỏi nhà hàng thì trời đã về khuya. Anh thở dài, nhìn lên bầu trời xanh thẫm lấp lánh ánh sao đêm. Một vì sao đổi ngôi, vụt rơi xuống chân trời. Tân nghĩ đến cô Hương đang đau đớn chống trả căn bệnh hiểm nghèo nơi quê hương, bên kia biển Thái bình. Anh cầu mong cô không bị vắn số như ngôi sao vụt tắt kia… Cuộc đời cô đã khổ nhiều rồi. Đôi chân cô đã di chuyển từ cố đô Huế, vào vùng đất đỏ Bình Long, rồi lên dạy học nơi địa đầu giới tuyến Lộc Ninh. Anh đã gặp cô nơi đó, đã có nhiều tình cảm đậm đà với cô nơi đó. Đêm nay anh nhớ lại hình bóng cô giáo trước căn cư xá năm xưa, khi vẫy tay chào từ biệt anh. Hôm ấy trông cô xinh đẹp quá, đôi chân trắng trẻo trong đôi dép nhung đen quý phái quá! Rồi anh nhớ lại hình ảnh của cô khi anh đến thăm nơi trại tạm cư gần Vũng Tàu. Anh vẫn không quên được nét mặt tiều tụy, y phục nhàu nát, và nhất là đôi bàn chân khẳng khiu của một người tỵ nạn, chạy trốn sau trận chiến kinh hoàng. Anh thở dài, lắc đầu như muốn quên đi hình ảnh không đẹp ấy. Hình ảnh đó không chỉ riêng của cô giáo Hương, mà cả của anh, gần suốt nửa đời người với đôi chân trần trong quá khứ đau thương. Cả cuộc đời Tân, mãi đến những năm tuổi già bóng xế tại xứ sở thanh bình này, đôi chân trần gầy ốm, nức nẻ, đen đúa…ngày xưa mới đổi màu. Cuộc sống anh ngày nay đã an nhàn, sung sướng hơn xưa.. Cuộc đời cô giáo Hương cũng đáng được như thế! Anh cầu nguyện cho cô thoát khỏi căn bệnh trầm kha, trở lại cuộc sống khoẻ mạnh, với đôi chân trắng trẻo, quý phái như thuở anh mới quen biết cô tại Lộc Ninh năm xưa. Hồi ức |
Biên Hùng