Tôi đến Chương Thiện vào chiều ngày 18 tháng 6, 1973, trước Ngày Quân Lực VNCH một hôm. Vừa đến nơi thì nghe Đại Úy Đỗ Ngọc Quảng
Huy hiệu Lực lượng đặc nhiệm thuỷ bộ.
Tôi đến Chương Thiện vào chiều ngày 18 tháng 6, 1973, trước Ngày Quân Lực VNCH một hôm. Vừa đến nơi thì nghe Đại Úy Đỗ Ngọc Quảng (Sĩ Quan Đệ Tam của Giang Đoàn 75 Thủy Bộ) "khoe" là hôm trước Giang Đoàn mới hành quân hỗn hợp với Sư Đoàn 21BB và đã đụng trận với một tiểu đoàn chính quy của VC tại Cánh Đồng Thơm. Chiến lợi phẩm thu được khá nhiều, ngoài súng đạn và tài liệu của địch bỏ lại còn có gạo và phân bón mà địch dùng để trồng dứa (thơm). Theo lời anh, Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Quyên CHT Giang Đoàn đang đi họp với Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn và ghi danh để được Sư Đoàn ân thưởng huy chương. Vài giờ sau, Thiếu Tá Quyên trở lại, chỉ thị cả Giang Đoàn chuẩn bị hành quân vào khuya đêm ấy, vì tin tình báo cho biết Cộng quân đã được tăng viện cấp trung đoàn, để trở lại uy hiếp Quận Long Mỹ ở miệt đông tỉnh Chương Thiện.
Phù hiệu Giang đoàn 75 thuỷ bộ.
Trời nhá nhem tối, nước đang ròng chảy khá xiết. Anh nhân viên vận chuyển lái chiếc Bạch Hổ cặp cầu để bơm dầu, va mạnh vào mạn cầu, làm lưới sắt bọc foam quanh thành tàu bể ra, một tấm foam (cỡ 1 mét khối) trôi theo dòng nước. Tôi chưa biết làm thế nào, thì Hạ Sĩ Nguyễn Văn Dự giơ tay vẫy gọi một chiếc ghe đuôi tôm của dân ghé lại, rồi nhảy sang ghe bảo đuổi theo vớt tấm foam về. Tôi bảo nhân viên đưa xuống sàn tàu, tạm để tấm foam ở đó, đến khi tàu về sửa chữa lại sẽ cho ráp vào phần hông tàu phía dưới. Nhưng Dự lại hỳ hục vác tấm foam đẫm nước lên để bên lề tay phải cái sàn cao mà tôi vẫn ngồi với giàn máy truyền tin và mấy thùng M79 chung quanh. Đoạn Dự lấy giây buộc chặt với hai cột chống mái của đdài chỉ huy chiến đỉnh. Anh vừa làm vừa nói với tôi:
- Tui che mấy cái máy và thùng đạn M79 lại. Mấy lần tụi nó bắn móp cả hộp sắt rồi. Lỡ nó thủng vào phía trong làm đạn nổ tung thì nguy hiểm lắm! Mà ông Phó thì cứ thích ngồi ở đây hoài, tui thấy ớn quá.
Tôi cảm động nói:
- Cảm ơn chú. Nhưng mai mốt tàu về sửa chữa lại để tấm foam xuống dưới thì lấy gì nữa mà che?
- Tới đâu hay đó ông Phó ơi. Không chừng ở căn cứ sửa chữa có nhiều loại foam này. Chừng về đó, tui sẽ kiếm thêm một tấm nữa che cả hai bên luôn.
Lấy dầu nước xong xuôi rồi, mọi người cố ngủ một giấc để khuya thức dậy có sức mà đi hành quân.
Khoảng 4 giờ sáng thì đoàn tàu khởi hành đi Long Mỹ, từ Chương Thiện chạy trên Kinh Ngang dọc theo LTL 31 về hướng đông. Qua khỏi Kinh Xáng Cụt thì rẻ phải vào Sông Long Mỹ về hướng nam. Sông Long Mỹ tương đối rộng nhưng quanh co giống như Sông Cổ Cò miệt Kiên Hưng ở hướng tây. Chạy khoảng một giờ thì sông Long Mỹ lượn về hướng đông. Khi qua khỏi Quận Long Mỹ thì đến cánh đồng thơm ven rừng đước. Đây là Mật Khu Long Mỹ của Cộng Quân, nơi mà GĐ và SĐ/BB đã hành quân hổn hợp vài hôm trước và đã tịch thu nhiều chiến lợi phẩm.
Đoàn tàu vừa đến điểm tập trung và ủi vào phía bờ nam để chuyển quân và vật liệu lên Chi Khu. Xong xuôi thì đã gần 7 giờ sáng, nhưng trời chưa sáng hẵn. Tôi còn nhớ lúc bấy giờ trời đã vào hạ lâu rồi mà mưa rơi lất phất trong gió sớm. Mưa rất nhẹ, mỏng như sương sa, nhưng cũng đủ làm cơ thể se lạnh, làm tâm hồn kẻ chinh nhân càng thấm thía ý thơ trong bản nhạc "Chiều Mưa Biên Giới" của Nguyễn Văn Đông. Tôi mặc áo giáp bên ngoài bộ bà ba đen, lại khoác thêm cái áo mưa và đội nón sắt, ngồi trên cái sàn cao có mái che, phía trên phòng lái tàu, mà vẫn cảm thấy hơi mưa hắt vào mặt. Nâng ly cà phê còn ấm, uống nốt ngụm đắng cuối cùng, rồi châm thêm một điếu Basto xanh. Gặp lúc sớm mai trời se lạnh mà hút thuốc lá Basto xanh thì mới cảm thấy cái mùi thơm ấm và cái vị béo ngọt tuyệt vời của nó, y hệt như củ khoai lang nướng lụi trong bếp than hầm, thơm ngon gấp bội lần các loại thuốc lá Lucky, Camel, hay Pallmall của Mỹ. Chợt nhớ hôm nay là Ngày Quân Lực 19-6 (1973), chạnh lòng nghĩ đến cảnh ngộ của mình trong lúc nhiều đơn vị đang chuẩn bị mặc quân phục đại lễ diễn hành tại Sài Gòn, tôi ngậm ngùi ngâm khẻ mấy vần thơ không đề:
Tháng năm xuôi ngược phiêu bồng
Dãi dầu mưa nắng đầu sông sớm chiều
Vì đâu vào chốn quạnh hiu?
Vì đâu mất mát quá nhiều tuổi xanh?...
Mộng mơ chưa dứt thì "ầm, ầm, ầm!!!" Pháo địch nổ tung tóe trên sông, nước văng lên cao ngất. Những mảnh sắt vụn từ đại pháo địch va chạm vào thành tàu vang lên tiếng rào rào ghê rợn.
Lập tức các giang đỉnh được lệnh lui ra giữa dòng để dễ vận chuyển, vừa để tránh pháo địch, và đồng thời để nhận đính hướng pháo kích của địch mà phản công. Thêm vài trái pháo nữa, mọi người đã nhận ra đạn địch bắn từ bờ bắc sang bờ nam. Thế là cả đoàn giang đỉnh nhận lệnh trực chỉ qua đó, chuẩn bị ủi bãi bờ bắc. Tất cả tuân lệnh theo đội hình, áp dụng chiến thuật "di chuyển và ủi bãi Tiệm Tiến", một sáng kiến của người Anh Cả, HQ Đại Tá Hoàng Cơ Minh, Tư Lệnh Lực Lượng Thủy Bộ, vừa để tự bảo vệ vừa tận dụng hỏa lực hùng hậu để bắn phủ đầu địch.
Gần đến nơi thì ngoài trọng pháo, các loại đạn pháo cá nhân như B40 và B41 của địch dọc theo bờ sông dài cả cây số bắn ra tua tủa, nổ tung tóe giữa sông. Súng trên các tàu liền bắn ào ạt vào các bụi chà-là và các mô đất ven sông, khói và bụi đất, lá câu tung lên mù mịt cả vùng, tương tự như cảnh tượng trong những phim chiến tranh. Tôi chợt nhớ lại chiều hôm trước, Chỉ Huy Trưởng Nguyễn Ngọc Quyên đi họp trên Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 21 BB về cho biết, theo tin tình báo, Cộng Quân đang tăng cường lực lượng, quyết đánh chiếm quận Long Mỹ, đồng thời chuẩn bị "giàn chào" Giang Đoàn 75 Thủy Bộ mà chúng vô cùng thù hận vì đã tiêu diệt gần trọn một tiểu đoàn chính quy của chúng trong cuộc hành quân chặn địch mấy hôm trước. Lần này, địch ngang nhiên nghênh chiến ta mà không im lặng ẩn nấp khi đối diện với hoả lực hùng hậu của ta. Vì thế trận chiến lần này thập phần hung hãn hơn các lần "tao ngộ chiến" trước kia.
Chiến đỉnh ATC (Tango).
Chiếc Tango Bạch Hổ của tôi gần tới bờ, sắp ủi bãi, thì "phụt phụt!!". Hai trái B41 xẹt ra từ bụi tranh cao phủ bờ đất phía bên mặt. Hai trái đạn bay qua sàn platform của giang đỉnh và nổ giữa sông. Tôi nhìn về hướng đạn xuất phát thấy cỏ tranh rạp xuống, để lộ một giàn B41 thứ ba chong thẳng vào mặt tôi. Hoảng hốt, tôi cúi đầu gọi nhân viên vận chuyển tàu đang ở phía dưới:
- Ê! De ra! De ra lẹ lên! De ra!!
Anh nhân viên phòng lái chưa kịp gài số de và tôi chưa kịp ngẩng đầu lên thì "đoành!", một tiếng nổ chát chúa phát ra từ tấm foam mà tối hôm qua Hạ Sĩ Dự đã mang lên cột vào phía bên phải tấm sàn. Lập tức chân tay tôi tê đi, nhưng không đau đớn lắm, chỉ mệt mỏi một chút thôi. Thế rồi ... Tứ bề im lặng ...
Và rồi hình như tôi cảm thấy hình như mình đang nằm ngửa mà ngủ, mặt hứng lấy những giọt mưa mai, lúc ấy cũng không còn cảm thấy se lạnh nữa ...
Không biết tôi đã ngất đi bao lâu, nhưng khi tỉnh dậy thì vạn vật nhạt nhòa, không gian hoàn toàn im vắng. Rồi nỗi đau đớn tràn ngập đến từ mắt, mũi. Tôi đưa tay chùi mắt, mới biết mắt mình đóng đầy bụi foam, nên gần như bị lòa đi. Chùi xong mắt mới biết mình đang nằm trên lối đi bên hông tàu, ngửa mặt nhìn mây xám giăng đầy trời, mưa phùn rơi trên mặt rất khó chịu.
Tôi cố gượng ngồi dậy, cảm thấy khó khăn vì hình như có vật gì lấn cấn nơi bụng. Tôi thò tay vào lôi ra cái đuôi đạn B41, với vỏ đạn te tua như cái đầu con bạch tuộc mà cạnh thì sắc lẻm, bèn theo phản xạ liệng qua một bên. Đầu đạn B41 đã xuyên qua tấm foam, tốc lực giảm đi mà vẫn đủ sức đẩy tôi gần lọt xuống sông. Rất may là nó không nổ! Sức nóng của nó làm chảy chất nhựa áo giáp, cháy luôn vạt áo bà ba đen ở trong, và làm bỏng rát da bụng của tôi. Nếu không có tấm áo giáp hộ thân ấy thì chắc chắn là cái đầu đạn B41 đã nổ phá banh bụng tôi rồi!
Ôi cái chân mặt! Đau!!! Rán mở mắt nhìn, tôi mới nhận ra cái ống quần bà ba đen đã rách bươm, để lộ cả ống chân mặt có nhiều miểng đạn găm vào, cháy đen loang lổ. Các mạch máu hình như bị sức bỏng cháy của các miểng đạn bít lại, nhưng chất mỡ trong da lòi ra trắng hếu. Tôi thử co duổi cẳng chân, thấy nó và mấy ngón chân vẫn còn cử động được tuy vô cùng đau nhức, tôi yên tâm thốt lên: "Chưa sao, ư, ư, đỡ quá!" Tôi còn nhớ lúc bị trúng đạn, tôi ngồi trên sàn, hai chân co lên, khuỷu tay mặt chống trên đầu gối, tay cầm ống nói của máy truyền tin úp vào tai, đầu đội nón sắt. Có lẽ nhờ vị thế cúi đầu sang bên trái này mà mặt tôi không bị trúng miểng đạn, còn cái tay mặt chỉ bị vài miểng nhỏ, chỉ có nguyên chân phải là đầy miểng đạn.
Chiến đĩnh ASPB (Alpha) HQ.5147
Tôi nhìn quanh, nhận ra mình đang ngồi bên hành lang đi từ sàn platform ra sau các ụ súng đại bác 20mm. Thì ra tôi đã bị hơi nổ và đầu đạn trái pháo đẩy văng từ sàn chỉ huy, đặt phía trên phòng vận chuyển, lọt xuống hành lang, xuýt nữa rơi xuống sông rồi! Tôi cố gượng lết vào chỗ vẫn thường ngồi, nhìn ra sàn tàu phía trước. Hình như các họng súng đại bác 20 ly đang khạc khói xanh ra, chứng tỏ súng đang bắn, đạn đang nổ! Nhưng tại sao không gian lại im lặng đến rợn người?! Tôi đưa tay chùi tai, chợt nhận ra cái nón sắt đã văng đâu mất, tai mặt đóng đầy bụi foam, còn tai trái thì đầy máu, đau nhức khôn cùng. Tôi gọi máy báo cho Thiếu Tá Quyên biết mình đã bị thương. Hình như anh Quyên có trả lời nhưng tôi chỉ nghe tiếng léo nhéo rất nhỏ, chẳng hiểu gì cả. Tôi cảm thấy khó chịu và bất lực vì không nghe được. Đó là lần đầu tiên tôi có cảm tưởng rằng tật "bị điếc" nó mất mát đến mức nào. Chợt nhìn thấy cái chân đẫm đầy máu tươi và càng lúc càng tê lạnh đi, vì rán lết lên sàn, vô tình làm động các mạch máu tuôn ra chỗ các vết thương. Nỗi lo âu không còn khả năng nghe, không còn khả năng thấy rõ, và không còn khả năng đi lại bình thường được nữa ... bỗng biến thành một cơn sợ hãi quá to lớn, ngoài sức chịu đựng của tinh thần. Thế rồi tôi lại có cái cảm tưởng phiêu diêu y hệt như lúc vừa trúng đạn mà ngất lịm đi... Mệt mỏi. Chập chờn. Buông thả. Phó mặc. Nằm xuống. Ngủ đi. Ngủ đi thôi...
Khi tôi tỉnh lại thì thấy mờ mờ Hạ Sĩ Y Tá Nguyễn Văn Sáng đang băng bó cái chân cho mình đã gần xong. Cái ống quần bà ba đen đã bị cắt bỏ, được thay thế bằng vải băng trắng toát. Hạ Sĩ Dự đang ngồi gần bên, thấy tôi hồi tỉnh lại thì mừng rỡ nói:
- Trực thăng của "Thẩm Quyền" sắp đáp xuống trên bãi cỏ ngoài kia (Chữ "Thẩm Quyền" hay "Anh Hai Thủy Bộ" dùng để ám chỉ Tư Lệnh Lực Lượng Thủy Bộ). Ông Phó rán chịu đau để tụi em dìu lên nghe!
Thế rồi Dự và Sáng xóc nách tôi đi vội xuống trước mũi chiếc Tango đã hạ tấm bửng xuống. Lúc ấy hình như chiếc Tango Bạch Hổ đã đưa tôi về mạn nam, phía Quận Long Mỹ rồi, vì trước mặt không còn thấy cánh đồng thơm nữa.
Vừa rán bước được lên bờ thì tôi gần như kiệt lực vì máu ra nhiều quá. Tôi muốn ngồi nghỉ một chút nhưng Dự không cho. Thấy tôi dợm ngồi xuống, Dự liền xốc ngay tôi lên lưng rồi rán sức cõng tôi, chạy đến trực thăng đang đáp khoảng một trăm mét. Còn Sáng ôm hộp cứu thương, chạy theo đỡ cái chân bị thương của tôi. Từ chỗ ủi bãi đến nơi trực thăng đáp xuống chỉ khoảng trăm mét, thế mà vất vả lắm mới lên được máy bay. Y Tá Sáng được lệnh lên theo tôi về Bình Thủy, còn Dự thì từ giả tôi để quay trở lại tàu. Tôi chưa kịp nói lời cảm ơn thì Dự đã quay lưng chạy về giang đỉnh, đồng thời trực thăng cũng bốc lên ngay. Tôi nhìn theo dáng điệu thoăn thoắt của Dự, lòng thầm biết ơn người nhân viên ấy. Nếu tối hôm qua, Dự đã không có sáng kiến mang tấm foam lên để bên mặt cái sàn, thì sáng nay tôi đã tan xác rồi! Tôi đã đối diện với tử thần, nhưng tấm foam đã ngăn cản tử thần không thể bắt tôi đi theo. Có phải chăng, đó là một sự may rủi tình cờ hay là sự sắp đặt của định mệnh? Thật khó mà biết được! Nhớ lại gần một năm về trước (tháng 10, 1972), Dự và tôi đã đánh nhau tay đôi một trận chí tử (xem đoạn "Những Người Con Ghẻ") và xuýt chút xíu thì tôi đã bắn bể đầu Dự. Không ngờ, nhờ đêm đó tôi đã tha mạng cho Dự, mà hôm nay Dự đã cứu mạng tôi, đã đích thân liều mình cõng tôi lên trực thăng! Nguyên nhân nào đã kiến tạo nên một tình nghĩa huynh đệ chi binh thâm trọng đến thế???
Trong mấy hôm nằm bệnh xá Bình Thủy, tôi ngủ mê man vì sự đau đớn của vết thương sau cuộc giải phẩu. Đến nổi lúc Tư Lệnh Hoàng Cơ Minh và các Sĩ Quan Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Thủy Bộ vào thăm, tôi cũng không hay, chỉ được biết khi đọc mấy chữ báo tin của Y Tá Nguyễn Văn Sáng mà thôi. Sáng ở lại Bình Thủy đêm đó, và hôm sau thì theo trực thăng của Tư Lệnh về lại vùng hành quân.
Sau khi tai tôi được lau sạch sẽ, tôi đã tạm nghe được, nhưng rất nhỏ và chỉ nghe tai bên mặt. Còn tai bên trái thì bất khiển dụng vì màng nhỉ bị thủng do lực hút của hơi nổ, hút ra mạnh quá. Về sau nó tự động lành lại nhưng các hệ thần kinh bên trong đã bị tàn phá, không còn nghe được rõ nữa. Đó là "món nợ vĩnh viễn" mà trận chiến Mật Khu Long Mỹ đã dành cho tôi.
Chiến đỉnh Combat Mornitor và ATC (Tango) tuần tiểu trên sông.
Những lúc tỉnh lại, tôi được biết trong trận Long Mỹ ngoài tôi còn có vài anh em khác bị thương. Thảm thương nhất là trường hợp tử trận của Hải Quân Thiếu Úy Nguyễn Đình Duyên. Anh bị một miểng đạn nhỏ từ trái B41 nổ giữa sông, văng vào cổ, cắt đứt động mạch. Anh bị thương, liền chạy xuống nằm ở trong tàu, máu ra quá nhiều làm anh ngất đi, không kịp gọi máy báo cáo mình đã bị thương. Nhân viên thì không hay biết gì, vì ai cũng mãi lo bắn địch. Đến khi họ khám phá ra thì đã muộn, và chiếc trực thăng tải thương tôi đã cất cánh từ lâu rồi. Chỉ bị một miểng đạn rất nhỏ văng vào cổ mà anh đã vĩnh viễn ra đi trên chiến trường Long Mỹ, đó cũng là một sự an bài của định mệnh, rất khó tiên liệu và rất khó giải thích.
Vài hôm sau thì vợ tôi cùng nhạc phụ tôi từ Nha Trang vào tới. Nàng nhờ một người bạn của chúng tôi (Nguyễn Bé) bấy giờ đang là Sĩ Quan biệt phái làm việc trong phái đoàn của "Ủy Ban Quân Sự Bốn Bên thuộc Quân Khu 4" (?) kiếm trực thăng của Mỹ đến bốc tôi về Sài Gòn, đưa vào Bệnh Xá Bạch Đằng của Hải Quân. Không ngờ chuyến di chuyển thương binh đó đã đánh dấu sự chấm dứt thời gian phục vụ tại Giang Đoàn 75 Thủy Bộ, tuy chỉ dài non một năm rưỡi nhưng đầy kỷ niệm bi hùng, và đã ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần và thể chất của đời tôi.
Tân Sơn Hòa chuyển